30/3/09

Phạm Quang Tuấn : Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

31/03/2009 | 3:06 sáng |

Tác giả: Phạm Quang Tuấn

Chuyên mục: Quan hệ Việt – Trung, Vấn đề Biển Đông

Trong một loạt bài viết trên các diễn đàn, kể cả BBC tiếng Việt, đăng lại trong một số báo tiếng Anh (ở Phillippines, Nhật) và báo trong nước, ông Dương Danh Huy (một Việt kiều ở Anh, sáng lập viên nhóm Quỹ Nghiên cứu Biển Đông) đưa ra một số đề nghị để giải quyết vấn đề Biển Đông [1-4]. Mới đây, ông Trương Nhân Tuấn đã kịch liệt công kích đề nghị của Dương Danh Huy, thậm chí bảo ông này là tay sai của chính quyền, sửa soạn dư luận để đem Trường Sa và Hoàng Sa cúng cho Trung Quốc.

Để có sự công bằng ta cần đánh giá đề nghị của nhóm Dương Danh Huy một cách khách quan và nghiêm túc. Trước hết xin tóm tắt lại những đề nghị này:

1. TẠM THỜI gác việc tranh giành các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa sang một bên để bàn về việc phân chia các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (continental shelf) ở Biển Đông.

2. Thương lượng với các nước chung quanh Biển Đông (Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Brunei, Phillippines) để chia Biển Đông ra thành những vùng kinh tế của mỗi nước, theo đúng luật biển UNCLOS (United Nations Law of the Sea) [5] và tiền lệ quốc tế, tức là:

(a) Mỗi nước được 1 vùng EEZ 200 hải lý (370 km) tính từ “đường cơ sở” (bờ)

(b) Phía nam Biển Đông có một thềm lục địa rất lớn tên là Sunda Shelf, theo UNCLOS thì các nước quanh đó (kể cả Việt Nam) được tính thêm ra tối đa 350 hải lý.

(c) Khi khu kinh tế hay thềm lục địa của hai nước trùng nhau, thì chia hai theo nguyên tắc vẽ một đường trung tuyến từ ranh giới trên đất liền.

(d) Các đảo (Hoàng Sa, Trường Sa) là đảo nhỏ, không nuôi sống được người, nên không được tính EEZ mà chỉ cho tối đa một lãnh hải (territorial sea) 12 hải lý; tức là, các đảo đó không ảnh hưởng đến việc phân chia EEZ và thềm lục địa.

Xin để ý là nhóm Dương Danh Huy không hề nói là đem Hoàng Sa, Trường Sa “dâng” cho Trung Quốc hay ai khác cả như Trương Nhân Tuấn đã viết. Trái lại, họ luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam vẫn phải bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa [1], chỉ nói là việc phân chia Biển Đông cần làm trước hoặc làm song song.

Đề nghị trên có lợi ở chỗ nào? Trước hết, ta phải nhìn vào cán cân lực lượng của các nước ở Biển Đông và thế giới. Chỉ trong vòng 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường, kể cả trên mặt biển. Muốn thành cường quốc trên biển, phải có sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, phải có tàu lớn và khí giới tối tân và ngân quỹ hàng trăm tỷ đô la. Đánh nhau trên biển không phải như trên đất liền mà có thể dùng “tiêu thổ kháng chiến”, “du kích chiến”, “đường mòn Hồ Chí Minh”, “địa đạo Củ Chi”, “bẫy cọp” hay chỉ dựa vào lòng yêu nước và can đảm hy sinh, như ta đã thấy trong hai trận hải chiến ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hai trận đó, Việt Nam đã cay đắng thảm bại trước một Trung Quốc chưa là cường quốc, thậm chí còn tụt hậu, huống chi bây giờ và trong tương lai. 30 năm nữa, ngay cả Mỹ cũng sẽ không còn đủ sức và nhất là đủ ý chí để đè nén tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vì vậy, dùng sức mạnh đối với Trung Quốc hay ỷ vào sức mạnh của Mỹ để đòi lại Hoàng Sa và chiếm lại hết Trường Sa là điều hoàn toàn không tưởng đối với Việt Nam, và mỗi năm lại càng thêm không tưởng. Việt Nam chỉ có thể dùng luật pháp và ngoại giao, và đó là giải pháp của Dương Danh Huy đề nghị.

Về luật pháp thì như đã thấy, đề nghị này dựa trên Luật Biển quốc tế 1982 (UNCLOS) mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như các nước khác quanh Biển Đông. Còn về ngoại giao thì sao? Hiện các nước Đông Nam Á đang xâu xé nhau về vụ tranh giành Trường Sa, mà như vậy thì chỉ Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu ngư ông và nghêu sò. Nếu tạm để Hoàng Sa và Trường Sa sang một bên để giải quyết sau, thì sẽ đỡ được nguồn tranh chấp đó, các nước nhỏ sẽ có cơ đoàn kết với nhau để hợp sức chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc. Bởi vì, không như các nước khác quanh Biển Đông, Trung Quốc không chỉ bằng lòng với EEZ 200 hải lý, mà đòi TẤT CẢ Biển Đông, đi dọc suốt gần bờ Việt Nam, thòng xuống phía Nam tận sát bờ Indonesia và Malaysia, và phía Đông thì sát bờ Phillippines! Cái đòi hỏi vô lý và bất hợp pháp này (chẳng hạn xem [6, 7]) được vẽ trên nhiều bản đồ của Trung Quốc. Họ gọi nó là “nine-dotted line” và chúng ta gọi đó là đòi hỏi “vùng biển lưỡi bò”.

Dĩ nhiên, khi phân chia Biển Đông theo đề nghị của Dương Danh Huy thì cái lưỡi bò đó sẽ “tiêu”, sẽ thành petfood, do đó các nước sẽ chia ngay làm hai phe: một bên là Trung Quốc đòi bảo vệ lưỡi bò, bên kia là các nước khác, chắc chắn là với sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế (vì không ai có thể chấp nhận cái lưỡi đầy rớt rãi khó ngửi của Tàu). Tình hình sẽ rất thuận lợi cho Việt Nam, ít ra là thuận lợi hơn bây giờ! Dù Trung Quốc có trở thành siêu cường nhưng chắc là sẽ bớt hống hách hơn khi thấy nguyên một khối Đông Nam Á nửa tỉ dân đồng lòng chống mình.

Còn về các đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì sao? Đề nghị của Dương Danh Huy không nói gì về việc này mà chỉ bảo là tạm gác đó. Tuy nhiên, một khi Biển Đông đã chia thành hai phe rõ ràng (Trung Quốc chống the rest) thì lối giải quyết tập thể đó có khả năng được liên minh Việt-Mã-Phi-Brunei đòi áp dụng cho các đảo. Tức là, nếu Trung Quốc và các nước khác đồng ý, có thể ta sẽ mất một số đảo, nhưng sự mất mát đó không quan trọng lắm vì những đảo đó chỉ còn một lãnh hải tối đa 12 hải lý ở quanh mỗi hòn. Dĩ nhiên, sẽ nhiều người quan niệm “tấc đất tấc vàng”, không chấp nhận được sự mất mát đó. Họ muốn Việt Nam phải đòi hết, đòi đến cùng. Như ta đã thấy, thái độ đó sẽ dẫn đến việc mất hết: không những mất hết các đảo, mà còn mất các khu đặc quyền kinh tế, khi mà Trung Quốc trở thành siêu cường trên Biển Đông và các siêu hạm Trịnh Hòa 11, Trịnh Hòa 12 v.v. thường trực tuần tra cái lưỡi bò của họ. Còn, nếu các nước không đồng ý giải quyết theo cách này, thì sẽ lại tiếp tục tranh chấp tiếp như bây giờ, nghĩa là tình hình vẫn như cũ.

Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy không đồng ý với nhau về việc các hòn đảo của Trường Sa có thực sự là “đảo” không hay chỉ là “cồn đá” (rock), và do đó có được hưởng EEZ 200 hải lý quanh mỗi đảo không. Điều 121/3 của UNCLOS viết: “Rocks which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have no exclusive economic zone or continental shelf” (những cồn đá không thể có người sống hay đời sống kinh tế riêng thì không được hưởng EEZ hay thềm lục địa). Điều này mập mờ và UNCLOS không giải thích thêm gì cả. Dương Danh Huy cho là các đảo quá nhỏ để được EEZ, Trương Nhân Tuấn không tin như thế. Nên để ý rằng đảo lớn nhất của Trường Sa là đảo Ba Bình (Itu Aba), hiện bị Đài Loan chiếm, diện tích chỉ có 0.4 km vuông, bằng 1/10 cái tiêu chuẩn 1 hải lý vuông để được coi là đảo mà Trương Nhân Tuấn bảo là ai đó đang kiến nghị. Theo một số luật gia thì khi luật pháp không nói rõ, các nước liên hệ phải thương thuyết với nhau. Nếu theo phương cách thương thuyết này thì các nước nhỏ như Việt Nam lại càng cần liên minh để có thế khi tranh cãi với Trung Quốc.

Cuối cùng, ta cũng nên tự hỏi tại sao Trương Nhân Tuấn đả kích kịch liệt Dương Danh Huy và gọi ông này là tay sai cộng sản, dọn đường dư luận cho chính quyền để dâng Hoàng Sa - Trường Sa cho Trung Quốc, mặc dầu Dương Danh Huy đã viết: “Song song với việc thực hiện những mục đích này, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cố gắng bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông một cách triệt để”[1]. Lẽ ra khi mà hai người đều lưu tâm về chủ quyền đất nước, họ phải đối xử với nhau như là “đồng chí”, hay ít ra là tranh luận một cách lịch sự tương kính chứ.

Theo tôi, đó là vì khi viết, Dương Danh Huy có một “target audience” rõ ràng là chính quyền, không những chính quyền Việt Nam mà cả chính quyền Philippines, Indonesia, v.v… Do đó, Dương Danh Huy thường viết với một giọng khách quan, không gay gắt, không “nhập đề”, “kết luận” hay “thân bài” bằng cách đay nghiến cái công hàm của Phạm Văn Đồng hay rủa xả nhà nước Việt Nam, vì làm như vậy sẽ phản tác dụng. Khác hẳn lối viết của Trương Nhân Tuấn (ông này nhắc đến Phạm Văn Đồng ít nhất là TÁM lần trong bài và câu kết thúc cũng là nói về cái công hàm “mắc dịch” đó, dường như mối lo chính của ông là sợ người đọc quên cái tội của Phạm Văn Đồng). Có những người có thể coi lối viết của Dương Danh Huy là một kiểu “lập lờ”, ủng hộ cộng sản, không thể tha thứ được.

Theo tôi, nếu quả thật Dương Danh Huy và nhóm Nghiên cứu Biển Đông là cái “loa” của chính quyền Việt Nam như Trương Nhân Tuấn nói, thì ta phải lấy làm mừng rằng chính quyền Việt Nam đã có một chính sách quá hay để giải quyết vấn đề Biển Đông theo chiều hướng thuận lợi nhất có thể được. Chỉ e rằng không được thế!

Những người quen thuộc với UNCLOS và tình hình Biển Đông cũng sẽ thấy ngay một số điểm sai quan trọng trong những luận cứ của Trương Nhân Tuấn. Chẳng hạn, ông Tuấn nói rằng Exxon Mobil rời bỏ Việt Nam vì áp lực của Trung Quốc, một việc chưa hề xảy ra (Exxon Mobil quả đã bị áp lực trong năm 2008 nhưng đã tuyên bố là không rời bỏ hợp đồng khai thác với Việt Nam). Về tiền lệ, ông nói rằng “Anh vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác” chung quanh hòn đá “Rock All”, trong khi thực ra Anh đã chính thức rút lại đòi hỏi này từ năm 1997 để tuân thủ Luật Biển. (Thực ra là hòn Rockall chứ không phải Rock All, như Trương Nhân Tuấn đã viết sai hai lần!) Vậy tiền lệ này ủng hộ quan điểm của Dương Danh Huy chứ không ủng hộ quan điểm của Trương Nhân Tuấn!

Trương Nhân Tuấn còn viết rằng “nước nào có chủ quyền ở [Trường Sa] (và Hoàng Sa) đương nhiên chiếm lĩnh cả Biển Đông, vì biển giữa quần đảo được coi là nội hải”. Hoàn toàn sai, 100%! Thực ra, điều khoản “nội hải” này của UNCLOS chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo (archipelagic states) như Philippines, Indonesia, chứ không áp dụng cho những quần đảo không phải là quốc gia, như Trường Sa. Tôi cho rằng đây là một sự cố ý ngụy biện chứ không phải là không biết, vì ngay sau đó thì Trương Nhân Tuấn đã viết nguyên si thành ngữ “quốc gia quần đảo” trong UNCLOS: “Theo Luật Biển 1982: Quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó”. Trương Nhân Tuấn đã đưa ra những lý lẽ ngụy biện, “luật rừng” mà Trung Quốc dùng để bảo vệ lưỡi bò của mình, và bảo đó là luật biển quốc tế!

Còn nhiều chi tiết sai bậy hay thổi phồng khác, như: “Hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS thuộc chủ quyền của Tàu”. Atlas thường đâu có ghi nhận những công hàm như vậy? Trương Nhân Tuấn đưa ra được đúng… một ví dụ để chứng minh chữ “hầu hết”. “Trước dư luận quốc tế, HS và TS đã là của Trung Quốc”: có thật không vậy? Hầu hết báo chí cũng như giới nghiên cứu quốc tế đều nói rằng những đảo này, nhất là Trường Sa, đang tranh chấp chủ quyền. Chỉ cần xem Wikipedia là biết. “Trường hợp tranh cãi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về chiếc tàu Impeccable là một thí dụ. Đây là một trong nhiều kẽ hở của Luật Biển 1982″: hoàn toàn sai. UNCLOS (điều 58) nói rõ ràng là ngoài việc khai thác kinh tế, EEZ phải được coi là biển khơi, tàu các nước tự do qua lại.

Tôi nghĩ rằng, ở tư thế một nước yếu phải bảo vệ quyền lợi của mình, người Việt cần có thái độ hợp tác và xây dựng hơn trong những vấn đề có liên quan đến lãnh thổ quốc gia. Dùng thủ đoạn công kích chụp mũ như ông Trương Nhân Tuấn đã làm không ích lợi gì cho quốc gia dân tộc, mà chỉ là tung hỏa mù cho chính mình khi đang tranh đấu trước kẻ thù chung.

Tài liệu

[1] Dương Danh Huy - Phạm Thu Xuân - Nguyễn Thái Linh - Lê Vĩnh Trương - Lê Minh Phiếu, Tranh chấp Biển Đông và vai trò của Liên hiệp quốc: http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/6378/index.aspx

[2] BBC (21/1/2008) Philippines đăng thư ngỏ về Biển Đông: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/11/081121_manilatimes_asean_sea.shtml

[3] Dương Danh Huy, Bức thư ngỏ trên tờ Manila Times: http://www.minhbien.org/?p=493

[4] Lê Minh Phiếu - Dương Danh Huy, Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông: http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5831/index.aspx. Ghi chú: bản đồ ở bài này có sửa đổi vài chi tiết trong đề nghị phân chia biển Đông cho hợp luật quốc tế hơn, so với bản đồ trước ở BBC.

[5] United Nations Law of the Sea (UNCLOS): http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm

[6] Li Jinming, Li Dexia, The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note, Ocean Development & International Law, 34:287-295, 2003: http://www.southchinasea.org/docs/Li%20and%20Li-The%20Dotted%20Line%20on%20the%20Map.pdf

[7] Official Chinese map of the South China Sea with the nine-dotted line, 1999: http://www.southchinasea.org/9-dotted%20map/map_small.gif

© 2009 Phạm Quang Tuấn

© 2009 talawas blog
Create PDF

Phản hồi

2 phản hồi (bài “Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông”)

1.
Hà Minh nói:
31/03/2009 lúc 5:03 sáng

Ý dân thì năm bè bẩy mối, ý lãnh đạo thì đã có khuôn vàng thước ngọc 16 chữ vàng chỉ đường dẫn lối,…thì tóm lại là trước sau gì cũng mất, mất quyền khai thác khoáng sản, mất quyền đánh bắt cá, giao thông vận tải phải xin phép, nhưng dù sao những thảo luận công khai vẫn có giá trị, ít nhất cho người dân biết cái gì đang đến và sẽ đến.
2.
Nghiêm Quang nói:
31/03/2009 lúc 4:09 sáng

Cám ơn bài viết rành mạch của Phạm Quang Tuấn. Hy vọng qua chừng đó ý kiến, ông Trương Nhân Tuấn có thể hiểu lý do tôi và mấy quý vị khác cho rằng ông đã để định kiến/màu sắc/tình cảm chánh trị chi phối ở một số luận điểm, thay vì trưng ra bằng cớ xác đáng/thuyết phục.

Lý giải vì sao 1000 ký tự không thể nào đủ cho các phản hồi độc giả của ông Trương Nhân Tuấn, lại chỉ có thể thấy do ông đặt rất nhiều tình cảm vào những mục nầy:
- vừa bao dung trưởng thượng (”… nhưng không sao”,”nay mai, nếu còn dịp, tôi sẽ gởi lên một vài bài nghiên cứu của tôi để ông Nghiêm Quang phê bình”),
- vừa ỏn ẻn giận lẫy (”Như trong bài đã viết, mà có người nói tôi lặp lại ít ra hai lần, công hàm của ông Đồng…”, “Phía VN nghĩ sao thì nghĩ, tôi chỉ đưa ra một dữ kiện”),
- vừa tranh thủ nói móc (”Về bạn Đông A, xin chào cố nhân. Bạn đã thành công trong việc «sa thải» ban biên tập báo Du Lịch chưa ? Hy vọng là chưa để bầu trời Việt Nam còn màu xanh hy vọng.”).

© talawas 2009

Trả lời phỏng vấn về quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài ...

Trả lời phỏng vấn về quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài và về thơ Việt Nam đương đại

31/03/2009 | 6:35 sáng |

Tác giả: Hoàng Hưng

Tháng 12 năm 2008, phóng viên một tờ báo có tên tuổi ở Việt Nam xin phỏng vấn tôi một số vấn đề văn chương Việt Nam (quốc nội), chủ yếu về tình trạng phổ biến của nó ở nước ngoài và về thơ. Rất lâu sau đó, không thấy công bố, hỏi thì được trả lời: “Bài của chú đã được duyệt, đang chờ săp xếp để lên”. Mới đây nhất (sau khi cuộc phỏng vấn được thực hiện hơn 3 tháng), lại hỏi, thì câu trả lời là “Ban biên tập đợi lấy ý kiến thêm của những nhà văn khác rồi đi một thể”. Liền đó nhà báo cho biết nếu tôi muốn công bố bàu này ở đâu khác thì cũng không có vấn đề gì. Vậy thì tôi xin đưa lên Talablog với vài bổ sung rất nhỏ. Xin lưu ý rằng: vì thiện chí với người phỏng vấn và với tờ báo nọ, khi trả lời phỏng vấn tôi cũng cố “giữ mồm giữ miệng” để công việc của họ trôi chảy, thế mà… hình như vẫn không được việc!

Hỏi: Là nhà văn có nhiều chuyến xuất ngoại, ông thấy người Việt ở nước ngoài có quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam không? Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm ấy?

- Tôi chỉ có một ít kinh nghiệm với người Việt ở các nước Pháp, Mỹ, Đức là những nơi tôi có dịp qua không chỉ một lần và có thời gian ở lâu. Tôi nhận thấy thực sự quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam (trong nước) là những trí thức rất tâm huyết với công cuộc đổi mới đất nước, trong đó số đông là những người liên quan ít nhiều đến cái nghiệp viết lách. Và sự đọc bây giờ chủ yếu là qua các mạng văn chương như Tiền Vệ, Da Màu, Talawas, Ăn mày văn chương… Một số ít tác giả, tác phẩm có tiếng vang rộng hơn trong cộng đồng có thể coi là những trường hợp ngoại lệ: Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Nguyễn Huy Thiệp với một số tập truyện ngắn của anh, Dương Thu Hương với vài cuốn tiểu thuyết của chị, Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngày, Bùi Ngọc Tấn với Chuyện kể năm hai ngàn, Phạm Thị Hoài với một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết (Thiên sứ, Mari sến…), gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận. Những tác giả tác phẩm trên có được sự quan tâm nhất định của cộng đồng chủ yếu do sức mạnh phơi bày hiện thực xã hội với tình cảm nhân bản khá sâu sắc, vấn đề đặt ra có tầm bao quát đời sống, thể hiện bản lĩnh thực sự của ngòi bút độc lập: không né tránh những gai góc của cuộc đời, dám viết đúng như mình cảm nghĩ. Một sự thật đáng buồn là thế hệ thứ hai của người Việt ở nước ngoài không còn quan tâm gì đến văn học Việt Nam, đơn giản vì họ sử dụng tiếng nước bản xứ như là “tiếng mẹ đẻ” mất rồi. Trong bối cảnh ấy, tôi rất trân trọng những cố gắng của một số nhà nghiên cứu, nhà giáo người Việt và người Pháp, Mỹ dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam ở một vài trường đại học mà tôi có dịp đến nói chuyện như Đại học Paris VII ở Paris (có nhà nghiên cứu phê bình thơ Đặng Tiến và những người khác), Đại học Berkeley ở San Francisco (có vợ chồng nhà giáo kiêm dịch giả Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm). Những việc làm ấy sẽ góp phần làm cho văn học Việt Nam không đến nỗi trơ thành “vô tăm tích” trong lòng những người có gốc Việt ở bốn phương thế giới mai sau.

Hỏi: Người nước ngoài biết đến văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng ở mức nào? Là người có nhiều buổi trực tiếp đọc thơ cho công chúng nước ngoài, ông thấy thực sự tác động của thơ Việt Nam đến với họ ra sao?

- Theo quan sát riêng, cho đến nay, những tác giả tác phẩm được người nước ngoài biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay: cổ thì có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, cận đại là Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), đương đại là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài. Cũng gây được ấn tượng gần đây là tuyển tập văn xuôi đương đại Tình yêu sau chiến tranh (Love After War) do Hồ Anh Thái và Wayne Karlin chủ biên (xuât bản ở Mỹ năm 2003), giới thiệu 45 tác giả từ Tô Hoài đến Nguyễn Ngọc Tư. Thơ đương đại Việt Nam lần đầu tiên được bán rộng rãi ở Mỹ là tuyển tập mang tên Black Dog, Black Night (Chó đen và đêm) vào đầu năm nay (2008) do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover chủ biên, giới thiệu 21 nhà thơ từ Hữu Loan đến Vi Thùy Linh. Cũng gần đây nổi lên những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn chương Việt Nam đương đại của chị Đoàn Cầm Thi ở Pháp.

Người nước ngoài chỉ biết đến văn học Việt Nam qua bản dịch. Đọc văn xuôi còn khả dĩ (tuy chưa mấy bản dịch được coi là thực sự thành công), chứ đọc thơ qua bản dịch thì tất nhiên rất hạn chế. Tuy nhiên, qua những buổi đọc thơ trước công chúng, chủ yếu là giới đại học và văn nghệ sĩ, tôi thấy họ thật sự chia sẻ xúc cảm của những bài thơ mang tính nhân bản, gần gũi với mọi con người không phân biệt chủng tộc. Đúng như cảm tưởng của nhà thơ Paul Hoover, một tên tuổi trong làng thơ Mỹ, trong bài bạt của tập thơ đương đại Việt Nam: “Có thể thấy rõ ngay tấn kịch nhân sinh của bài thơ nằm sẵn đó hiển nhiên bên dưới cái mặt nạ của sự khác biệt văn hoá”. Sau khi nghe bản tiếng Anh hay Pháp, họ thường yêu cầu được nghe nguyên bản để hình dung âm thanh tiếng Việt, việc đó bao giờ cũng gây ấn tượng thú vị trong các buổi đọc thơ.

Hỏi: Là một dịch giả từng giới thiệu thơ Việt Nam ra nước ngoài, vậy yếu tố nào để ông quyết định chọn nhà thơ, bài thơ được dịch?

- Tôi chỉ có chút kinh nghiệm trong việc giới thiệu một số tác giả thơ Việt Nam với công chúng văn học Pháp, Mỹ, và cũng chủ yếu làm công việc chọn lựa tác giả, tác phẩm và tổ chức việc dịch, chứ không trực tiếp dịch bao nhiêu. Cụ thể là năm 2002, tôi giới thiệu 4 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Europe là tạp chí văn học uy tín của Pháp (Dương Tường, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Vi Thùy Linh); năm 2003 tôi giới thiệu 2 nhà thơ Việt Nam đầu tiên đi dự Liên hoan Thơ Quốc tế ở Val-de-Marne (Thanh Thảo, Vi Thùy Linh), sau đó tôi giới thiệu 12 nhà thơ cho tạp chí Action Poétique, một tạp chí chuyên về thơ nổi tiếng ở Pháp. Việc làm của tôi có sự cộng tác nhiệt tình của các dịch giả trong nước và ở Pháp như Dương Tường, Trần Thiện Đạo, Châu Diên, Nguyễn Ngọc Giao, Trương Quang Đệ, Từ Huy, Hồ Thị Hoà… Tôi chọn chủ yếu những nhà thơ đương đại có khuynh hướng mới, những bài thơ có tinh thần và bút pháp hiện đại, nội dung nhân bản. Tất nhiên do nhạc tính độc đáo của tiếng Việt, nên không thể chọn dịch những bài thơ hay ở âm điệu nhiều hơn là ý tưởng. Ngay những kiệt tác kinh điển như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương mà đọc qua bản dịch thì… chẳng còn thấy hay bao nhiêu, vì cái hay nằm ở phần “chữ” quá lớn (làm sao dịch được “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”, “trái gió cho nên phải lộn lèo”). Thơ hiện đại có đỡ hơn vì ăn vào phần ý tưởng. Tuy thế, bản dịch cũng chỉ chuyển được chủ yếu là tinh thần và ý tưởng, tức là chỉ được cỡ 60% nguyên tác.

Với công chúng Mỹ, ngoài việc tự dịch thơ của bản thân cho một số tạp chí văn học, tôi cũng tập trung vào việc giới thiệu khuynh hướng hiện đại hoá trong thơ Việt qua những buổi đọc thơ và nói chuyện, và một tiểu luận (có lẽ là đầu tiên về đề tài này ở Mỹ) in trên tạp chí văn học New American Writing năm 2003. Tuyển tập thơ Việt Nam mới xuất bản ở Mỹ cũng chọn lựa tác giả tác phẩm theo một tinh thần tương tự, vì hai người đồng chủ biên là bạn thân của tôi, chúng tôi có nhiều điểm giống nhau về cách nhìn đối với thơ (và chính tôi cũng là người “làm mai” cho họ đến với nhau).

Một điều phải khẳng định là việc dịch thơ Việt Nam phải có sự cộng tác của nhà thơ người Việt thạo tiếng nước ngoài với một nhà thơ nước ngoài chính hiệu mới mong có chất lượng (ít ra cũng như trong trường hợp của tuyển Black Dog, Black Night ở Mỹ vừa rồi).

Hỏi: Ông là một trong số những nhà thơ quan tâm đến vấn đề cách tân thơ. Vậy sự cách tân thơ của các nước ông từng biết có gì khác và giống với các nhà thơ Việt Nam cách tân không?

- Cách tân của thơ Việt Nam kể từ thế kỷ XX đến nay luôn luôn theo sau thơ Âu Mỹ (chủ yếu là thơ Pháp, có lúc có phần theo Nga và mới đây là Mỹ), nhưng chỉ tiếp thu một vài yếu tố chứ không bao giờ hình thành một trường phái, một chủ nghĩa hẳn hoi như ở nơi chính gốc. Trước 1945, đó là lãng mạn pha chút tượng trưng, sau 1945 là vài tác giả thơ tự do không vần ở vùng kháng chiến, sau 1954 là vài tác giả “dòng chữ” ở miền Bắc, vài tác giả siêu thực và hiện sinh ở miền Nam. Hiện nay, một số yếu tố “hậu hiện đại” có mặt trong thơ của một số nhà thơ trẻ (phá vỡ tuyến tính, đứt gãy, từ bỏ “đại tự sự”, cắt dán, “tục hoá” và giễu nhại, “ráp hoá”…). Chuyện chạy theo đằng sau là tất nhiên mà sự chắp vá, manh mún, thiếu hệ thống trong ảnh hưởng cũng là tất nhiên, vì bước đi của lịch sử, hoàn cảnh xã hội và truyền thống văn hoá quá khác biệt. Riêng sự khác biệt văn hoá khiến cho ngay cả ở các nước phát triển nhất cũng chỉ có một số cây bút “tiên phong” trong giới thơ người Việt là theo được tinh thần thơ đương đại của quốc gia ấy. Nhưng dẫu sao, tôi thấy mừng vì sau một thời gian quá dài dậm chân tại chỗ, tinh thần cách tân bây giờ đã trở thành động lực của thơ Việt.

Hỏi: Thời gian gần đây một số nhà thơ ra nước ngoài đọc thơ, một số nhà văn phát hành sách của mình, bạn bè thân quen, hay một nhóm nhỏ… Nhưng tất cả những việc làm đó chỉ mới mang tính cá nhân, ở một mức độ hẹp nên chưa đưa ra cái nhìn tổng quan về Văn học Việt Nam cho bạn bè thế giới biết. Liệu chúng ta có nên hy vọng những việc làm này trong hoàn cảnh hiện nay không? Có thể tồn tại lâu dài được không hay nhất thiết phải có một tổ chức chuyên nghiệp?

- Đúng là những quan hệ cá nhân như chị nói chỉ có thể giúp đưa vài nét chấm phá của văn học Việt Nam ra thế giới. Một tổ chức chuyên nghiệp là điều ai cũng dễ mong muốn, kiểu như NXB Thế giới đã làm ít nhiều với phần văn học cổ điển. Nhưng với văn học đương đại, vấn đề nằm ở chỗ: cách nhìn nhận và hành xử ở nước ta khác về cơ bản với các nước tiên tiến. Ở ta, chắc hẳn là nhà nước hay tổ chức do nhà nước chỉ đạo sẽ quyết định công việc này (thí dụ: Bộ Văn hoá, Hội Nhà văn). Ta có bao giờ tự hỏi là cách làm ấy liệu có hiệu quả trong việc chinh phục công chúng nước ngoài? Liệu một tổ chức như thế sẽ đưa ra những cái mình muốn hay những gì người đọc muốn - những “gì” mà cho đến nay, chỉ có các NXB nước ngoài mới nắm được? Thí dụ, để quyết định in 5000 bản đầu tiên của quyển thơ Việt Nam vừa rồi, NXB Milkweed, một NXB có uy tín ở Mỹ, phải để một năm gửi bản thảo thăm dò thị trường, sau khi nhận được sự ủng hộ của các trường đại học, các nhà phát hành hàng đầu như Barnes and Noble, Border, Amazon.com, họ mới dám chơi. Cho nên nếu thực sự quan tâm đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra ngoài, phương án tốt nhất có lẽ là ủng hộ những cá nhân, những nhóm có đề án tốt, có năng lực thật sự, hiểu biết tâm lý đọc của công chúng nước ngoài và có quan hệ tốt với các NXB nước ngoài (một kiểu liên doanh liên kết?). Vì chưa có cơ chế này nên vừa rồi, hai dịch giả đã thành công với tuyển thơ Việt Nam ở Mỹ gõ cửa nhiều nơi trong nước xin tài trợ dịch Thơ Nguyễn Trãi đã chẳng được ai ngó ngàng đến (may sao phút chót NXB Văn hoá Sài Gòn lấy một phần bản dịch của họ đưa vào một cuốn sách sắp in. Và tin mới nhất (nhận ngày 17//3/2009): NXB Counterpath Press ở Mỹ đã nhận in tuyển tập này).

Hỏi: Được biết hình thức “Trình diễn thơ (đuơng đại)” ở Việt Nam được du nhập từ nước ngoài vào. Và thực tế ở ta mới chỉ là những bước đi đầu còn mang tính thử nghiệm, có người thích, có người chưa. Nhưng trong năm vừa qua, chúng ta có một số nhà thơ ra nước ngoài “trình diễn thơ”. Ông thấy có ngược không?

- Theo tôi biết, đến nay mới có 2 nhà thơ trẻ Việt Nam “trình diễn” thơ ở nước ngoài (nếu coi “trình diễn” nghĩa là phải kết hợp đọc thơ với sử dụng những yếu tố nghệ thuật khác): Ly Hoàng Ly từ đầu thập niên 2000, gần nhất và có tổ chức qui mô nhất (nằm trong chương trình của Hội đồng Anh) là Dạ Thảo Phương. Theo tôi đó là chuyện rất hay, vì đó là con đường hiệu quả nhất để giới thiệu thơ Việt Nam trong thời đại nghe-nhìn lấn át đọc. Nếu cho là “ngược” thì nó cũng chỉ “ngược” như đưa phim Việt Nam, thời trang Việt Nam, hội họa Việt Nam… ra nước ngoài mà thôi, vì tất cả những thứ đó ta cũng đều mới “du nhập” chưa đến một thế kỷ mà. Thêm nữa, đó cũng là con đường ngắn để học tập kinh nghiệm quốc tế nhắm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của nghệ thuật trình diễn Việt Nam.

Hỏi: Ông dự báo gì về Thơ – trình diễn ở Việt Nam trong những năm tới?

- Một điều tôi đã nói không chỉ một lần ở các diễn đàn thơ, nay xin nhắc lại: Cần phân biệt “trình diễn thơ” (poetry performance) - một cách thức đưa thơ đến công chúng - với “thơ trình diễn” (performance poetry) - một loại hình nghệ thuật mới, là sự cộng sinh của hai hay nhiều bộ môn nghệ thuật trong đó có thơ. Nếu là “thơ trình diễn” thì ở ta cho đến nay mới có 1 tác phẩm duy nhất của Nguyễn Thúy Hằng hồi đầu năm 2007 ở Ly’s Café (Hà Nội). Loại hình này chắc còn lâu mới có chỗ đứng trong đời sống văn học Việt Nam vì nó còn quá xa lạ với truyền thống văn học của ta. Còn về “trình diễn thơ”? Tôi đồng ý với Dạ Thảo Phương sau chuyến đi Anh vừa rồi của chị: nhà thơ Việt Nam có tố chất rất tốt cho nghệ thuật này (ngoài ra còn nhờ âm điệu trầm bổng của tiếng Việt rất dễ tạo hiệu quả âm nhạc cho bài thơ được trình diễn). Không sớm thì muộn “trình diễn thơ” sẽ phát triển, vì trước tiên đó là nhu cầu ngày càng tăng của bản thân các nhà thơ trẻ muốn tìm đường đến với công chúng hôm nay. Khởi đầu với những ngày hội thơ, hình thức này sẽ dần dần lan ra những lễ hội quần chúng. Và rải rác, sẽ được tiến hành trong các buổi ra mắt tập thơ mới, triển lãm, giao lưu nghệ thuật… Vấn đề còn lại là tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà tổ chức.

Hỏi: Trên văn đàn thế giới chưa có thương hiệu văn học Việt Nam, theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu và chúng ta có thể thay đổi tình hình này được không?

- Phải nói thật rằng cho đến nay người nước ngoài quan tâm đến văn học Việt Nam chủ yếu là giới trí thức mà công việc có liên quan đến nước ta, và chủ yếu là họ tìm hiểu xã hội, con người Việt Nam thông qua văn học như một phương tiện, chứ chưa phải bản thân văn học Việt Nam với tư cách công trình nghệ thuật để thưởng thức. Những chương trình giới thiệu văn học đương đại Việt Nam tích cực nhất đã được thực hiện bởi Trung tâm Williams Joiner ở Đại học MIT là một trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh của Mỹ, cho ta thấy rõ điều đó, cũng như có thể lý giải vì sao Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) vẫn gần như là tác phẩm duy nhất được nhắc đến khi mình hỏi người nước ngoài biết gì về văn học Việt Nam.

Thương hiệu cho văn học Việt Nam chỉ có được một khi có những tên tuổi đủ sức chinh phục công chúng thế giới. Mà muốn chinh phục thế giới, trước nhất phải độc đáo - sự độc đáo ở tận mức cá nhân chứ không chỉ là “đậm đà bản sắc dân tộc” nói chung. Nhưng sự độc đáo ấy phải thể hiện một văn hoá, một tư tưởng nhân văn cao sâu ở tầm nhân loại. Liệu văn học Việt Nam tương lai có nổi một tư cách như thế không? Gần đây tôi thường nghĩ đến một hiện tượng văn hoá Việt Nam có sức mạnh chinh phục người phương Tây: đó là những ý niệm và thực hành Phật gíao đang được hiện đại hoá theo phong cách rất Việt Nam. Tư tưởng Phật giáo là một tư tưởng phổ quát đã thấm nhuần sâu xa và được Việt Nam hoá tích cực nhất trong lịch sử dân tộc. Việc hiện đại hoá thành công Phật giáo theo kiểu Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh (cũng là một nhà văn) gợi cho tôi nghĩ đến con đuờng của văn học. Một đóng góp thực sự vào văn học thế giới phải là sản phẩm “3 trong 1” (cá nhân – dân tộc – nhân loại) như thế.

Cảm ơn và chúc nhà thơ dồi dào sức khoẻ cũng như sức sáng tạo

© talawas 2009

Phạm Duy: vẫn còn đó nỗi buồn

Phạm Duy: vẫn còn đó nỗi buồn

31/03/2009 | 5:51 sáng |

Tác giả: Bùi Văn Phú


Trong vài tháng qua có những buổi trình diễn nhạc Phạm Duy ở Hà Nội. Báo chí trong nước đã viết nhiều về những sinh hoạt văn nghệ này và độc giả có thể hiểu đó lại như là một cách phô trương chính sách hoà giải của nhà nước đối với người Việt ở nước ngoài.

Mấy năm trước đây khi nhạc sĩ Phạm Duy quyết định về sống cuộc đời còn lại của mình trên mảnh đất đã sinh ra ông, tại hải ngoại đã có người lên án quyết định của ông. Trong nước có nhiều lời khen về sự trở về của người nhạc sĩ đã “khóc cười theo vận nước nổi trôi” nhưng cũng có những tiếng nói phản đối cho rằng một nghệ sĩ đã bỏ kháng chiến về thành, rồi vào miền Nam sinh sống, sáng tác nhiều bài ca mang tính “phản động” thì không đáng được vinh danh.

Sự trở về của Phạm Duy đưa đến một vài quyết định của cơ quan văn hoá thông tin cho phép phổ biến, tức không còn cấm, một số sáng tác của nhạc sĩ này. Con số ghi nhận cho đến nay là khoảng 50 bài nhạc Phạm Duy đã được chính thức cho phép phổ biến lại [1], trong số đó có một số bài được nhiều ca sĩ thể hiện, qua các CD sản xuất trong nước, như “Ngày xưa Hoàng thị”, “Ngậm ngùi”, “Tiếng đàn tôi”, “Tiếng sáo Thiên Thai”. Ngoài ra cũng đã có ít nhất hai chương trình nhạc Phạm Duy được tổ chức tại Sài Gòn, sau đó hãng phim Phương Nam sản xuất thành DVD phổ biến trong và ngoài nước, trong đó có chương trình Phạm Duy: Ngày trở về.
Ca khúc Để lại cho em, Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Nguyễn Đắc Xuân trước năm 1975. Phạm Duy viết lại và phổ biến tại Hoa Kỳ cuối thập niên 1970.

Ca khúc "Để lại cho em", phổ nhạc từ thơ Nguyễn Đắc Xuân trước năm 1975. Phạm Duy viết lại và phổ biến tại Hoa Kỳ cuối thập niên 1970.

So với gia tài âm nhạc mà Phạm Duy đã để lại thì 50 bài hát chỉ là một con số nhỏ. Nhưng quan trọng hơn cả là sự kiện khi lên phát biểu trong đêm văn nghệ ở Hà Nội mới đây nhạc sĩ Phạm Duy đã phải cầm giấy đọc, như bạn đọc Thanh Tâm đã nhận xét. Đây không phải lần đầu Phạm Duy cầm giấy đọc trước khán giả. Trong các chương trình ca nhạc tổ chức ở Sài Gòn vài năm trước đây Phạm Duy cũng trong tình cảnh đó khi lên sân khấu. Một sự việc mà khán giả nước ngoài có lẽ chưa bao giờ thấy Phạm Duy làm như thế.

Cuối năm 2003 tôi có dịp phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy. Bài phỏng vấn này đăng lần đầu trên tuần báo Việt Mercury ở San Jose, nay đã đình bản, vào dịp Tết 2004; sau đăng lại trên vietbao.com ngày 9.11.2004 nhân dịp thân hữu miền Nam California tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 84 của Phạm Duy.

Khi nhạc sĩ chính thức trở về sống tại Việt Nam thì trang nhà của Phạm Duy cũng không còn nữa vì thế độc giả không thể tìm đọc hồi kí của ông qua mạng.

*

Những năm cuối ở bậc trung học tôi có người bạn thân sống trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh, ngã tư Phú Nhuận, Sài Gòn. Sau những giờ học chúng tôi hay kéo nhau về những hàng quán ở đầu ngõ cư xá để ăn bò viên, chè sâm bổ lượng.

Nhiều buổi chiều ngồi ăn uống chúng tôi thấy nhạc sĩ Phạm Duy thả bộ ra đầu ngõ mua báo, có khi thấy ca sĩ Duy Quang lái xe mẹc-sơ-đéc đi ra, có khi lại thấy Thái Hiền đạp xe đi đi, về về. Lần đầu tiên thấy người nhạc sĩ với dáng đi gật gù, anh bạn hất đầu nói với chúng tôi: “Bố Phạm Duy đấy”. Từ đó trong anh em chúng tôi mỗi khi nhắc đến Phạm Duy thì thường gọi là “Bố” luôn.

Ngày đó ngoài việc học chúng tôi còn hay ôm đàn ghi-ta, nghêu ngao hát tình ca, hát những lời ca phản ánh tình cảnh quê hương: “Nghìn trùng xa cách”, “Gia tài của Mẹ”, “Trả lại em yêu”, “Huế Sài Gòn Hà Nội”, “Tóc mai sợi vắn sợi dài”, “Người già và em bé”, “Để lại cho em”, “Tôi sẽ đi thăm”, “Thà như giọt mưa”, “Lời chào bình yên”, “Kỷ vật cho em”, “Còn chút gì để nhớ”, “Ca dao Mẹ”. Những bài hát, lời ca của hai nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn mà chúng tôi yêu thích nhất. Đó là những nỗi buồn ray rứt của tình yêu, nỗi đau của thân phận quê hương và cũng là những ước mơ hy vọng của thanh niên lớn lên trong một đất nước phân chia, mịt mù khói lửa chiến tranh. Những lời nhạc chúng tôi thuộc phần nhiều nghe được từ những quán cà phê.

Biến cố 30.4.1975 đưa tôi xa rời Việt Nam, chuyên chở trong tim tình cảm quê hương thương nhớ qua những dòng nhạc của Bố và cứ lo sợ những lời ca, tiếng nhạc đó sẽ bị mất đi mãi mãi. Lúc biết Bố ở Florida, tôi gửi thư mua băng nhạc, ấn phẩm của Bố. Tiếng hát giờ chỉ còn Thái Hằng là mẹ, Thái Hiền là con vì định mệnh đã an bài Thái Thanh cùng những người con trai của Bố phải ở lại bên kia bờ đại dương. Nhạc in lại do Bố viết tay, nét chữ bay bướm, lả lướt - bây giờ nét chữ của Bố cũng vẫn thế - có nhiều bài in rời trên những tờ giấy cứng màu cam, chữ nâu.

Tôi thấy lại Bố trên đất Mỹ khi ban nhạc Gia đình Phạm Duy - giờ chỉ có Bố ôm đàn cho ba mẹ con Thái Hằng, Thái Hiền và Thái Thảo hát - kéo nhau đến vùng Vịnh San Francisco “hát xẩm”, tiếng Bố đặt cho những buổi đi trình diễn trong cộng đồng người Việt thời đó, phần tư thế kỷ trước.

Khi Ngục ca ra đời thì Bố đã về miền Nam Cali nắng ấm. Thơ Ngục sĩ vừa phổ biến ở Mỹ vào đầu năm 1980, không lâu sau Bố phổ nhạc 10 bài, rồi 20 bài Ngục ca. Sinh viên Đại học U.C. Berkeley tiên phong tổ chức những “Đêm nghe Tiếng vọng từ đáy vực”. Tôi liên lạc và được Bố gửi ngay cho băng và tập nhạc. Nhạc của Bố thật dễ hát. Sinh viên chúng tôi được ca sĩ Thu Hà - nay là bác sĩ Nguyệt - của ban Tam ca Đông Phương ngày trước giúp tập dượt nên chỉ vài ba lần là có thể lên sân khấu trình diễn. Tôi thích nhất “Những thiếu nhi điển hình chế độ”, “Chuyện vĩ đại bi ai”, “Sẽ có một ngày”.


Theo năm tháng, tôi hân hoan đón nhận những sáng tác, cải tiến theo thời đại trong nét nhạc của Bố: Bầy chim bỏ xứ, Rong ca, Thiền ca, Hàn Mặc Tử ca. Những ca khúc trong hai trường ca Mẹ Việt Nam, Con đường cái quan nay được hòa âm và phổ biến dưới dạng CD giúp sinh viên làm văn nghệ dễ dàng hơn, luôn cuốn hơn. Tôi cũng thường nghe lại Đạo ca do bố phổ nhạc từ thơ Phạm Thiên Thư như là những lời nhắc nhở về triết lý nhân sinh trong cuộc sống.

Cuối năm ta, tôi được tản mạn qua e-mail với Bố.

Bùi Văn Phú: Năm nay Bố bao nhiêu tuổi rồi? Bố cầm tinh con gì?

Phạm Duy: 82 years young. Tuổi con gà, Tân Dậu.

Nghĩ lại từ ngày Bố có trí nhớ, hình ảnh đầu tiên nào về nước Việt Nam còn in sâu trong tâm tưởng của Bố?

Việt Nam thanh bình, thành phố lặng lẽ, đồng quê êm đềm, người dân ở mọi nơi hiền hậu, ai cũng tốt bụng hết.

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi…” Trong khung cảnh, tâm trạng nào Bố đã sáng tác bản “Tình ca” bất hủ đó?

Năm 1953. Từ kháng chiến trở về Hà Nội, rồi vào Nam đã thấy mình độc lập rồi, cần đưa ra một bài hát tình tự quê hương trong đó bản sắc quốc gia nổi bật: người Việt Nam khác người Tàu, người Tây ở tiếng nói, cảnh vật và con người. Bản nhạc này cũng là tuyên ngôn đầu tiên của tôi. Nghĩa là âm nhạc của tôi phải “khóc cười theo mệnh nước”, phải khởi hành từ dân ca, phải yêu quý non sông Việt Nam, phải xót thương người quê, mẹ quê, bé quê. Đó là bài thứ hai trong loại Tình tự Quê hương, Tình tự Dân tộc. Những bài khác, trước sau là “Tình hoài hương”, “Bà mẹ quê”, “Em bé quê”, “Vợ chồng quê”, qua những dân ca, trường ca, tổ khúc rồi liên tục cho tới Minh họa Kiều bây giờ.

Hai bài “Tình ca” và “Việt Nam, Việt Nam” có liên hệ gì với nhau?

Chỉ là một loại: tình ca quê hương, tình tự dân tộc. Không có hai thứ “tình” đó thì sẽ cứ loạn ly hoài hoài.

Trong nhạc của Bố, nhiều khi là sông và nước. Đặc biệt bài “Thuyền viễn xứ” đã là câu hát trên môi đưa Phú rời xa Việt Nam bằng tàu, mắt nhòa lệ vì không biết trôi dạt đi đâu. Nguồn cảm hứng nào đưa Bố đến với “Thuyền viễn xứ”?

“Thuyền viễn xứ” ra đời đúng lúc một triệu người - trong đó có gia đình tôi - di cư vào Nam, ai cũng nhớ miền Bắc với con sông Đà Giang, với hình ảnh con thuyền, hình ảnh bà mẹ già là những gì tiêu biểu. Lúc đó nhổ neo từ Bắc vào Nam đã là viễn xứ rồi. Bây giờ mới thực là viễn xứ xa xôi, cánh máy bay hay thuyền buồm đưa ta ra đi “nghìn trùng xa cách!”

So sánh bài hát trên với bài “54 cha bỏ quê, 75 con bỏ nước” thì sao?

[Nhạc sĩ Phạm Duy xin không trả lời câu hỏi này.]

Nhiều bài hát khác của Bố cũng có sông, nước, như “Viễn du”, “Chiều về trên sông”. Bài thứ hai Bố muốn nói đến con sông nào?

Cửu long giang.

Đây cũng là một bài trong Trường ca Mẹ Việt Nam?

Truờng Ca Mẹ Việt Nam là một tác phẩm có tính cách tượng trưng (symbolic). Những con sông tượng trưng cho các con của Mẹ. Thành ra không cần mang tên là Cửu long giang, Hồng hà, Sông Lô hay sông gì gì đó.

Gần một phần ba đời, Bố sống ở nước ngoài và có nhiều sáng tác, trường ca cũng như đoản khúc. Những loại ca khúc nào phản ánh đúng một Phạm Duy sống lưu vong nhất?

Chúng ta phải theo thuyền viễn xứ ra đi, thấm thoát đã gần 30 năm rồi. Trong thời gian này, có người không chịu thay đổi gì hết, có người không chịu để tâm hồn bị đóng khung một chỗ. Nhạc Phạm Duy trong 30 năm nay, nghiên cứu kỹ sẽ là nhạc đa dạng, loại nhạc này, loại nhạc nọ đều phản ánh trung thực cuộc đời trước mặt.

Giờ xin hỏi Bố về những ca khúc gắn liền với chiến tranh như “Nhớ người thương binh”, “Tưởng như còn người yêu” và “Kỷ vật cho em”. Ca khúc sau có người cho là mang tính phản chiến. Nếu so sánh với Trịnh Công Sơn trong “Cúi xuống thật gần” hay “Hát trên những xác người” thì cũng chỉ là diễn tả những đau thương có thực, phải không Bố?

Nghệ sĩ thuộc loại giết người thì mới có những bài mang tinh thần “hiếu” chiến. Nghệ sĩ chân chính là phải biết “khóc” theo hệ lụy của cuộc đời, là chiến tranh và ly loạn.

“Mang giầy vớ tốt, mang khăn áo lành. Tôi chào đất nước tôi nay thái bình…” là lời của một Bình ca. Lúc Bố viết bài này, đầu thập niên 70, thì nước mình có hòa bình không?

Trong loại Bình ca này còn có thêm bài “Dường như là hòa bình”.

Dân Việt mình có bao giờ được hưởng hòa bình chưa?

Dường như là hòa bình mà thôi.

Còn bài “Chúa Hòa bình” có lời rằng: “Nếu có ai giận dữ, nếu có ai bất hòa, sẽ tát tôi một cái, tôi chìa luôn ngay má kia…” Bố muốn nhắn gửi gì qua bài hát đó và tại sao Bố lại đề tặng cho Linh mục Đinh Bình Định?

Mười bài bình ca, trong đó có những bài “Chúa Hòa bình”, “Sống sót trở về”, “Lời chào bình yên” v.v… không nói tới hòa bình trên đất nước, mà nói tới hòa bình trong lòng người. Hòa bình trong lòng người mới là quan trọng. Lòng người Việt Nam than ôi, bị chiến tranh và chính trị lũng loạn. Tôi tặng bài “Chúa Hòa bình” cho Linh mục Đinh Bình Định vì ông rất yêu nhạc Phạm Duy. Ông mời tôi và các con tôi tới thánh đường để hát bài đó. Lúc đó ông cũng còn là người đấu tranh chống tham nhũng nữa.

Trong những chuyến đi Việt Nam, Phú được nghe lại “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” vang vang trong một xóm dân lao động; nghe “Nha Trang ngày về”, “Còn chút gì để nhớ” ở một thành phố biển. Nhạc của Bố có được phổ biến trong nước không? Hay đây chỉ là những sự tình cờ?

Người dân ở vùng biển đó đã theo đúng khẩu hiệu của tôi ngày xưa: “đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cầy”. Bây giờ họ chủ trương: “thuyền ta ta cứ bơi, biển ta ta cứ câu, nhạc hay ta cứ hát”, bất chấp bài hát bị cấm hát hay được phép hát. Phép vua thua lệ làng mà.

Những bài Đạo ca như “Một cành mai”, “Suối mây hồng”, “Quán thế âm”, “Đại nguyện” ra đời trong hoàn cảnh nào?

Tạm buông rơi nhạc tình ca, nhạc xã hội năm 1972, tôi làm bạn với nhà thơ Phạm Thiên Thư để soạn nhạc tâm linh. Đạo ca đã được nối tiếp bằng Rong ca, Thiền ca, Hàn Mặc Tử ca… vì tôi đã thấy trước việc người Việt Nam sẽ có ngày trở về với mình, tức là về với tâm linh đó, sau khi cái “tâm” đã hết bị giao động. Hình như bây giờ là lúc “gạn đục khơi trong,” tâm hồn lắng xuống, con tim đập đều, nhiều người trong chúng ta đang lắng tai nghe nhạc tâm linh. Ham đi chùa, ham tới giáo đường tức là đã nghe được tiếng mõ chuông. Tiếng mõ chuông, tiếng niệm kinh, tiếng cầu kinh cũng là một thứ nhạc tâm linh đấy.
Chân dung Phạm Duy trên bià CD nhạc hoà tấu Con đường cái quan. Nói chuyện tại Đại học Berkeley năm 1995 Phạm Duy đã phát biểu: "Nhạc của tôi đi vào lòng người thì dễ, nhưng đi vào lòng ông Đỗ Mười sao khó thế!"

Tại Đại học Berkeley năm 1995 Phạm Duy đã phát biểu: "Nhạc của tôi đi vào lòng người thì dễ, nhưng đi vào lòng ông Đỗ Mười sao khó thế!"

Trường ca Con đường cái quan Bố viết từ cả nửa thế kỷ trước. Gần đây Bố có đi lại con đường xuyên Việt đó chứ? Cảm giác của Bố so với gần nửa thế kỷ trước?

Yes. Tôi đã có hạnh phúc to lớn là được đi lại suốt dọc Con đường cái quan, chụp ảnh, quay phim những nơi tôi soạn ra những bài hát đầy kỷ niệm. Ví dụ tới Lạng Sơn, ngồi trên cột Cây số 1, nghe reo lên trong lòng bài “Nương chiều”, hay bài “Bông lau rừng xanh pha mầu”. Vào miền Trung, tìm về tận nhà của “Bà mẹ Gio Linh”. Rảo Chơi trên bãi biển Nha Trang hay trên đồi hồng Đà Lạt để tìm hình bóng xưa, ôi biết bao là thương mến. Tôi thật là có phúc.

Quê hương mình giờ đây có còn gì gợi hứng cho Bố sáng tác?

Soạn nhạc cho quê hương, cho dân tộc, tôi chỉ còn mắc nợ với ông Nguyễn Du và cô Thuý Kiều 45 phút âm nhạc - mà tôi đang hoàn tất - nữa thôi. Xong rồi thì tôi giải nghệ hoàn toàn.

Nhạc Phạm Duy với giọng hát Thái Thanh đã được nhiều người mê thích, sau năm 1975 thì ca sĩ nào thể hiện nhạc của Bố hay nhất?

Nhiều ca sĩ có giọng tốt, nhưng đa số không hiểu linh hồn của bài ca. Thái Thanh rất intelligent (thông minh), hiểu ngay và đem linh hồn bài ca vào giọng hát Nàng.

Bố có nhận xét gì về những nhạc sĩ trong nước thời nay như Dương Thụ, Bảo Chấn, Thanh Tùng?

Tôi không biết một tí gì về các nhạc sĩ đó cả nên không có ý kiến.

Còn về các ca sĩ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Lam Trường thì sao?

Tôi chưa được nghe các ca sĩ đó hát. Chỉ quen biết Hồng Nhung, ăn cơm với nhau vài lần và nghe vài dĩa hát của nàng. Nàng hát rất khoẻ, hát nhạc Trịnh Công Sơn rất hay, hình như chưa hát nhạc Phạm Duy, thành ra chưa biết ra sao.

Ca sĩ hải ngoại, ai có triển vọng sẽ mãi mãi đi vào lòng người Việt hải ngoại?

Tôi ít đi nghe nhạc ở bên Mỹ nên không có ý kiến.

Bố đã sống rất thọ, 82 rồi còn gì. Nhìn lại đời mình, Bố có gì hài lòng, cũng như thất vọng?

Hài lòng vì được làm những gì mình muốn trong suốt một đời, nhờ được may mắn có tự do sáng tác. Không có tính tham lam nên chẳng bao giờ thất vọng cả.

Còn nhìn về đất nước, con người Việt Nam trong suốt cuộc đời Bố, Bố có nhận xét gì?

Tôi đã về hưu và có lời tạ ơn tất cả dĩ vãng, trong đó có đất nước và con người, bằng chương 29 trong hồi ký tập 4…, như thế còn cần nhận xét gì nữa.

Giờ hỏi Bố chuyện ngày xuân. “Xuân trong tôi, đã khơi trong một đêm vui…” bản “Xuân ca” đó bố viết năm nào?

Tôi có nhiều bài hát về muà xuân: “Xuân ca”, “Hoa xuân”, “Xuân thì”, “Xuân nồng”, “Trên đồi xuân”, “Thiền ca xuân”, “Mùa xuân yêu em”, “Mừng xuân”. Bài “Xuân ca” soạn vào khoảng năm 1953 nói rằng: “mùa xuân đầu tiên của ta khởi sự vào đêm động phòng của cha và mẹ, sét nổ của cha làm chói chan lòng mẹ, làm thành mùa xuân của ta!”

Năm con Dê sắp đến Bố có những chương trình sinh hoạt gì?

Vài ba nơi đã mời tôi và các con đi trình bày chương trình Phạm Duy: một đời nhìn lại. Có nơi mời trình diễn Minh họa Kiều. Dĩa nhạc Ái Vân hát dân ca Phạm Duy đang trong giai đoạn “final mixing.”

Còn hồi ký của Bố, bao giờ tập kế tiếp sẽ xuất bản?

Hồi Ký tập 4 đã hoàn tất từ năm 2000. Tôi không ấn hành vì in sách là lạc hậu rồi. Tôi làm thành một thứ E-book và cho lên NET. Mời độc giả đọc “free” vì tôi đủ sống rồi, không cần tới tiền bản quyền nữa. Mời dzô website: www.phamduymusic.com

Cuối cùng, cám ơn Bố đã để lại cho đời quê hương và tình người với biết bao yêu thương, trìu mến.

Sau bài phỏng vấn này ít tháng, nhạc sĩ Phạm Duy phổ biến trong giới thân hữu hai CD: Hương ca gồm 14 sáng tác mới nhất viết về quê hương và những ca khúc phổ thơ của thi sĩ trong và ngoài nước, và Minh họa Kiều 3 là chủ đề mà nhạc sĩ đã liên tục sáng tác trong vài năm qua.

Dù tuổi đời đã 84, hai tác phẩm trên cho thấy sức sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy cũng vẫn còn rất phong phú.


[1] Ghi lại từ báo chí trong nước, những bài hát sau đây của Phạm Duy đã được nhà nước cho phép phổ biến: Áo anh sứt chỉ đường tà, Bà me Gio Linh, Bà mẹ quê, Cành hoa trắng, Cây đàn bỏ quên, Chỉ chừng đó thôi, Chiếc kẹp tóc thơm tho, Chuyện tình buồn, Cỏ hồng, Con đường tình ta đi, Còn gì nữa đâu, Đố ai, Đưa em tìm động hoa vàng, Đường em đi, Em bé quê, Em lễ chuà này, Gánh luá, Hoa xuân, Hoa xuân ca, Kiếp nào có yêu nhau, Kỷ niệm, Mộ khúc, Ngậm ngùi, Ngày đó chúng mình, Ngày trở về, Ngày xưa Hoàng thị, Nghìn trùng xa cách, Nha Trang ngày về, Nụ tầm xuân, Nương chiều, Ông trăng xuống chơi, Phượng yêu, Quê nghèo, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Tây tiến, Thương tình ca, Thuyền viễn xứ, Tiếng đàn tôi, Tiếng sáo Thiên Thai, Tìm nhau, Tình ca, Tình Cầm, Tình hoài hương, Trăm năm bến cũ, Tuổi ngọc, Vợ chồng quê, Vô thường, Xuân ca.

© talawas 2009

Nói Với Tuổi Hai Mươi (8) : Lời cuối

Nói Với Tuổi Hai Mươi
Thiền sư Nhất Hạnh
Sàigòn – Lá Bối – 1966



Lời cuối

Cám ơn em đã theo tôi tới đây, cám ơn em đã cho tôi cơ hội trở lại với tuổi hai mươi của tôi bởi khi nói chuyện với em, thực tình tôi đã được sống lại trọn vẹn những vấn đề tuổi trẻ. Tôi đã không viện tới một uy quyền nào cả dù cho đó là uy quyền Thượng Đế, uy quyền đạo đức hay uy quyền tổ quốc, để nói chuyện. Tại sao chúng ta lại phải bắt đầu bằng một sự thừa nhận uy quyền. Tại sao ta không nhìn thẳng về con người, con người của chính ta và của những người xung quanh ta. Tôi đã nói đến con người như một hợp thể ngũ uẩn. Tôi đã nói đến con người như một hợp thể sinh tâm lý. Tôi đã nói đến lý tưởng, trí tuệ, tình yêu và tôn giáo như những nhu yếu của hợp thể sinh tâm lý ấy. Tôi có thể bị một số các nhà tôn giáo và đạo đức la mắng, nhưng tôi nghĩ có lẽ vì đúng ở miếng đất rất nhân bản này mà tôi có thể trò chuyện với em. Trong đạo Phật, tôi đã học được tư thái tự do không thần phục một uy quyền nào, không lấy một nhận định siêu hình nào làm khởi điểm cho sự tìm hiểu các vấn đề của sự sống. Vậy tôi đã bắt đầu từ sự quan sát những thực tại sinh tâm lý của con người và không chịu để cho một ý niệm siêu hình một nguyên tắc đạo đức sẵn có nào hướng dẫn vào khuôn khổ. Nhưng mà từ đó đi tới chúng ta cũng hiểu được nguyên do của những thành kiến và cố chấp đã từng làm cho chúng ta khổ đau. Chúng ta đã bắt đầu bằng những gì gần gũi nhất và nhân bản nhất để đi tới. Đi tới đây không phải là đi tới lĩnh vực siêu hình nhưng mà đi tới một nhận thức không thành kiến và khỏe mạnh về những gì gần gũi nhất và nhân bản nhất. Mắt chúng ta không cần phải rời khỏi những thứ ấy và chính do đó mà ta tìm thấy chúng là mầu nhiệm, là linh diệu, là tất cả. Sự sống quý báu và trong sự sống không có cái gì xấu xa, thắp thỏi, đáng khinh thường. Chỉ có sự Chết mới là xấu xa và thắp thỏi, đáng đánh bại mà thôi. Tình trạng đen tối xấu xa là dấu hiệu của một sự đe dọa sự sống, hiện tượng khoắc khoải, thất vọng, cô đơn của tâm hồn là những thắng lợi của ảo tưởng, của cái Chết trên sự Sống. Con đường thoát là con đường trí tuệ , con đường khởi sự từ trầm tĩnh lắng lòng để đi đến sự xóa bỏ ảo giác vô minh, một nhận thức có tính cách bản lĩnh và do đó có tính cách lạc quan. Tâm ta là chủ động, và tất cả vạn sự tùy thuộc lớn lao ở nhận thức Em hãy tươi cười , nhờ nụ cười ấy mà chúng tôi cũng sẽ tìm thêm được sự tin tưởng. Chúng ta sinh ra từ quê hương; được quê hương, được mẹ cha, được Ca dao và những câu hát câu hò nuôi dưỡng. Và vì thế chúng ta có tình yêu sâu đậm và lớn lao. Tình yêu ấy biểu hiện sẽ đưa ta ra khỏi bản ngã cô đơn, cũng như sự thoát xác dần dần của trí tuệ sẽ đưa ta đến giữa lòng nhân loại và vũ trụ. Nhân loại, và gần hơn là tổ quốc, bao trùm tình yêu đất nước, tình yêu ngôn ngữ, tình yêu của những người thân thuộc. Em mới có hai mươi tuổi trên vai. Tình thương sẽ cho em thấy tình trạng đất nước, nhân loại, tình thương sẽ dạy em hành động. Hành lý của em đã đầy đủ. Hiên ngang trong tự do, em hãy lên đường. Chân lý sẽ đón chờ em trên quá trình lột xác thường xuyên của nhận thức và của hành động./.

Nói Với Tuổi Hai Mươi (7) : Tôn giáo

Nói Với Tuổi Hai Mươi
Thiền sư Nhất Hạnh
Sàigòn – Lá Bối – 1966



Tôn giáo

Tôn giáo là sự cảm thông nối kết. Tôn giáo không thể là những lớp thành trì phân cách con người với con người, và thế hệ của em có trách nhiệm hoàn thành công cuộc giải phóng cho con người ra khỏi thái độ tự giam hãm trong những nhận thức có tính cách cố chấp và cuồng tín. Công cuộc giải phóng đó đã được bắt đầu từ lâu, đã được nỗ lực thực hiện, nhưng chưa được hoàn tất. Nhận thức của con người về tôn giáo đã được thay đổi một cách đáng kể nhờ sự tiến bộ của khoa học, triết học và xã hội học. Chúng ta nên phân biệt tôn giáo và nhận thức của con người và tôn giáo. Đức KYTÔ, đức THÍCH CA và bản ý của các bậc thánh nhân ấy đã được từng thời đại từng địa phương quan niệm và nhận thức một cách khác nhau, và những nhận thức và quan niệm đó chưa hẳn đã là đúng với bản ý các Ngài. Có một bữa tôi thấy trong hàng sách một cuốn viết về thần học nhan đề « Thượng Đế của anh quá nhỏ bé » « Your God is too small ». Thượng Đế thì không bé nhỏ, nhưng Thượng Đế của anh, Thượng Đế của nhận thức anh thì phải bé nhỏ. Bởi vì quan niệm và nhận thức của anh có thể còn ấu trĩ, sai lạc. Cho nên ta có thể nói đến những tiến bộ của tôn giáo, hoặc rõ ràng hơn là những tiến bộ của con người trong phạm vi nhận thức tôn giáo, thái độ tôn giáo và hành trì tôn giáo. Những tiến bộ ấy được trông thấy ở khắp mọi tôn giáo và nhờ đó những người theo tôn giáo càng ngày càng tỏ ra khiêm cung hơn,cẩn trọng hơn và khoan dung hơn. Cuồng tín và cố chấp là những gì nặng nề và hủ bại nhất mà tôn giáo phải đả phá. Những nỗ lực liên tục của CƠ đốc giáo chẳng hạn trong mấy mươi năm gần đây điển hình nhất là phong trào Oecuménique và công đồng Vatican là những dấu hiệu của sự thao thức thường xuyên để khế cơ hóa tôn giáo trong những điều kiện trí thức và tình cảm của đời sống mới.

Tôn giáo đã có mặt từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại, và đã là một nhu yếu lớn của đời sống nhân loại. Tuy vậy, tôn giáo của hôm nay không phải là tôn giáo của ngày hôm qua, và tôn giáo của ngày mai cũng sẽ không phải là tôn giáo của ngày hôm nay. Điều nầy là một sự thực lịch sử. Nghiên cứu lịch sử tôn giáo bằng nhân chủng học, tâm lý học và xã hội học chúng ta thấy ngay điều đó, rằng tôn giáo không có bản chất cố định, bản chất của tôn giáo không thuần nhất, nó thay đổi tùy thuộc thời gian và địa phương, tùy thuộc những điều kiện sinh hoạt của từng xã hội. Những tôn giáo có tính cách cổ sơ ( religionprimitive ) nhằm đến sự thỏa mãn những nhu cầu khẩn bách nhất của con người; chống lại đói, lạnh, bệnh tật,chết chóc. Khoa học kỹ thuật chưa phát triển, chưa bảo đảm được cho con người chống lại những thứ ấy thì con người còn cần đến thần linh, đến ma thuật, đến tôn giáo. Nền y tế hương thôn ở Việt Nam một khi có cơ sở và đã phát triển đúng mức chẳng hạn, thì các thần linh như ông địa, ông táo bà mụ, tà Phạm Nhan, và trăm thứ thần linh khác phải dần dần rút lui. Chất quinine đi tới đâu thì tà ma vắng mặt bớt đi tới đó. Trong lịch sử tôn giáo những vị thần linh lớn càng ngày càng được tôn sùng, càng nắm được quyền chỉ huy các vị thần linh nhỏ bé hơn. Từ đó xuất hiện thứ tôn giáo đế quốc(religion impériale) hay tôn giáo quốcgia (religion nationale) mà tín ngưỡng được xem như là căn bản của kỷ luật quốc gia. Thần linh của các tôn giáo nầy có nhiệm vụ bảo trợ cho một quốc gia, làm cho quốc gia đó cường thịnh và ủng hộ cả cho những quốc gia đó trong việc chiến đấu tự vệ hoặc xâm lăng. Mỗi khi một quốc gia này thắng được một quốc gia nọ thì thần linh của tôn giáo nầy cũng thắng được thần linh của tôn giáo nọ. Tôn giáo với chính trị gắn liền với nhau, không thể tách rời ra được. Sau đó, xuất hiện những tôn giáo tiến bộ (religion avancée) - vượt khỏi biên giới quốc gia và có tính cách tôn giáo đại đồng. Những tôn giáo nầy có khuynh hướng đi vào tâm linh nhắm tới thỏa mãn các nhu yếu tâm linh chứ không nhắm tới sự thỏa mãn các nhu yếu cấp bách của thân thể như trongcác tôn giáo cổ sơ, những nhu yếu chính trị như trong các tôn giáo quốc gia nữa. Chúng ta thấy có những tôn giáo nghiêng về cứu thế (religion sotériolorique) những tôn giáo nghiêng về nghĩa vụ ( religion déontologique ) và những tôn giáo nghiêng về triết học(religion philosophique).Ở các tôn giáo này, con người có quyền chọn lựa chứ không như ở các tôn giáo chưa tiến bộ; bởi vì ở đây các tôn giáo đã nghiêng về sinh hoạt nội tâm hơn là sinh lý và xã hội. Tuy nhiên trong các tôn giáo này, ta vẫn còn thấy dấu vết lưu lại của những tôn giáo cổ sơ và quốc gia.

Đó không phải là bản ý của người sáng lập tôn giáo, đó là dấu hiệu của những nhu yếu sơ đẳng đang còn. Trong đạo Phật chẳng hạn, có nhiều tín đồ còn cúng Phật để cầu mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt , trong đạo Cơ Đốc, nhiều tín đồ vẫn còn nghĩ đến thực phẩm như là một ân huệ của Thượng Đế và đó không phải là bản chất thực của những tôn giáo tiến bộ.

Tôn giáo còn tiến bộ nhiều nữa trong đà tiến bộ chung của nhân loại cùng với những tiến bộ về tư tưởng, khoa học và kỹ thuật. Mà tôn giáo cần thiết cho con người. Vì vậy ta có bổn phận thúc đẩy sự tiến bộ của con người về nhận thức và thái độ tôn giáo, khiến cho tôn giáo giữ được vai trò nuôi dưỡng phát triển tâm linh của con người và đừng bao giờ còn trở nên những chướng ngại, những thành kiến cố chấp và cuồng tín cản trở sự tiến bộ và giải phóng của con người toàn diện. Trong một tôn giáo, bao giờ cũng có một thiểu số người can đảm, có nhận thức cởi mở, đi tiên phong trong sự khám phá và nhận thức. Cho nên em hãy tìm đọc những nhà đạo học và thần học nổi tiếng nhất để có thể đứng ở chỗ đầu đường mà nhìn về phía chân trời tương lai của những tôn giáo. Em hãy đọc những người như Jacques Maritain, như Nicolas Berdyaev, như Martin Buber, như Paul Tillich, như Nagarjuna, như Karl Barth, như Asangha, như Thân Loan, như Thái Hư, như Vivekanada, như Hư Vân... Đọc những người như thế, ta thấy tôn giáo cao cả, thâm sâu, bao la. Ta thấy phần đông những người theo tôn giáo đều đi sau rất xa; đơn giản, lười biếng và ỷ lại về suy tư thực chứng cho nên dễ cố thủ, hẹp hòi và cuồng tín. Nếu em có tôn giáo, em sẽ không thể như họ. Em sẽ học hỏi về tôn giáo để thấy phần thâm thúy và siêu tuyệt của nó, để lấy những chất liệu quý báu vô hại của nó làm món ăn cần thiết cho tâm linh em. Em hãy đóng góp vào công cuộc khai phá và thực hiện, động cơ của tiến bộ tôn giáo. Nếu em chưa có một đức tin nào thì em hãy thận trọng đối với vấn đề tôn giáo. Tôn giáo, người ta nói, cũng như tình yêu. Cho đến khi chưa yêu, em không hiểu được tình yêu, và em thấy tình yêu là lố bịch. Đọc một bức thư tình, em thấy buồn cười. Nhưng mà ngôn ngữcủa những bức thư tình chỉ có nghĩa đối với những người trong cuộc, dù bức thư tình ấy bắt đầu bằng “Thưa quý nương...” Người có đức tin, theo Barth, và cả Buber nữa, là người đã nghe tiếng gọi của Tình Yêu và đã đáp lại không phải bằng một sự chấp thuận, mà bằng cả con người mình. Phần lớn, người ta theo tôn giáo vì truyền thống gia đình, vì địa lý, vì tập tục...Nếu em sinh ra ở Ấn Độ, em có nhiều cơ hội để là một người theo Ấn Độ giáo. Sinh ra ở Mỹ thì Tin Lành. Ở Nhật bản thì Phật giáo hay Thần Đạo... Nghĩ như thế để khiêm nhượng, để cởi mở, để sẵn sàng học hỏi và trao đổi Dù có đức tin tôn giáo hay không có đức tin tôn giáo, em cũng cần tìm hiểu học hỏi về các tôn giáo, và nhất là các tôn giáo có mặt tại Việt Nam. Nên tập nhìn các tôn giáo như những thực tại văn hóa và xã hội, như những di sản văn hóa xã hội, những nguồn tiềm năng của nhân loại, của đất nước. Phải tìm hiểu và bồi đắp các tôn giáo để các tôn giáo có thể hướng về sự thúc đẩy tiến bộ xã hội, như chúng ta tìm hiểu bồi đắp và sử dụng các tài nguyên quốc gia. Hãy xem các tôn giáo như những tiềm lực có thể xây dựng con người về phương diện tâm linh và xã hội. Tôn giáo không ít quan trọng hơn những miền cao nguyên trù phú, những miền đồng bằng bao la, những con sông tưới tẩm, những thác nước có thể biến thành điện lực. Phải bồi đắp, nuôi dưỡng và sử dụng các tiềm lực tôn giáo trong mục đích phụng sự con người. Thế hệ em phải đánh tan sự kỳ thị, bưng bít. Thế hệ em phải thực hiện tinh thần hòa đồng, nghĩa là hòa hợp mà không phải đồng hóa, giữa các thực tại văn hóa và tôn giáo. Em phải mở rộng nhận thức tôn giáo và vượt thái độ giáo điều. Hãy mang niềm tin yêu đến gặp các bạn không đồng tôn giáo với các em và sẵn sàng cộng tác. Nguyên tắc căn bản là: những hoạt động nhân danh tôn giáo phải là những hoạt động xây dựng cho cuộc đời, làm cao đẹp cho con người chứ không phải là những hoạt động nhằm bành trướng thế lực và quyền lợi riêng tư cho một bản ngã tôn giáo. Nghĩa là hãy đồng ý rằng tôn giáo là nhu yếu của con người, phải phục vụ con người, chứ không nên để con người chết chóc chia rẽ khổ đau vì phải phục vụ cho những giáo điều tôn giáo, những nhận thức độc quyền về tôn giáo... Nắm được then chốt ấy em sẽ thấy tôn giáo trở nên đẹp như một người yêu. Trong buổi họp mặt với các bạn em có thể đem người em yêu tới giới thiệu cùng mọi người: ai cũng vui vẻ, ai cũng chấp nhận, ai cũng mừng cho em có lý tưởng, có đức tin, có nơi nương tựa tinh thần. Ai sẽ còn giữ sự kỳ thị?

Không khí tôn giáo vẫn còn nặng nề, trong lúc này, và điều đó trông cậy ở sự cố gắng, thái độ cởi mở và tôn trọng của em. Phải làm sao cho mọi ngôi chùa, mọi tu viện, mọi giáo đường trở nên những bông hoa im lìm đẹp nhất của đất nước. Và làm sao cho những cộng đồng tôn giáo đều hướng về sự phát triển đời sống toàn diện của con người, làm sao cho mọi tôn giáo gặp nhau trong thái độ thực sự nhân bản, không lấy những nhận thức độc quyền về tôn giáo - những giáo điều, mà lấy con người làm đối tượng và cứu cánh.

Nói Với Tuổi Hai Mươi (6) :Thương yêu

Nói Với Tuổi Hai Mươi
Thiền sư Nhất Hạnh
Sàigòn – Lá Bối – 1966



Thương yêu ( tiếp )

Tình yêu có nghĩa rộng cho nên bản chất của tình yêu không thuần nhất. Tình yêu của con cái đối với cha mẹ chẳng hạn, lúc đã khôn lớn, không thể giống hắn như khi còn ấu thơ. Tôi muốn đàm luận đến tình yêu nam nữ ở đây nhưng tôi ngại em sẽ cho rằng tôi không có thẩm quyền bàn về nó.

Tôi không nhận rằng tôi có thẩm quyền, thực vậy, nhưng tôi nghĩ sẽ ít có ai tự cho là mình có đầy đủ thẩm quyền để nói về luyến ái. Tôi cho rằng ở tuổi em vấn đề luyến ái là một vấn đề lớn có liên hệ tới những vấn đề lớn khác và tôi chắc rằng em cũng đã có quan niệm của em. Tôi chỉ muốn trao đổi với em một ít nhận xét và hiểu biết. Ở tuổi em tình yêu nam nữ là một tiếng gọi lớn có khi lấn át những tiếng gọi khác. Tôi nói lấn át chứ không nói tiêu diệt. Ở tuổi em, em thấy rõ ràng tiếng gọi luyến ái mạnh hơn tiếng gọi của tình yêu cha mẹ. Điều đó không hẳn đã là một sự bội bạc. Ở cái tuổi đó tình nặng hơn hiếu, bởi vì tình là tình mà hiếu chỉ là hiếu, nói khác hơn tình là một thứ tình mới mà hiếu là một thứ tình đã nhạt bớt chất tình và thêm vào chất bổn phận, ân nghĩa. Như tôi đã nói, tình yêu có tác dụng rất lớn có thể chữa lành cho em nhiều thương tích nặng nề và giúp em thực hiện được việc lớn nữa nếu em biết chuẩn bị đón chờ nó, biết cách nhận diện nó, đi đôi với nó, bảo vệ, nuôi dưỡng và hướng dẫn nó. Tôi nghĩ rằng vào tuổi hai mươi người ta có thể chưa có đủ chín chắn và khôn ngoan để nuôi dưỡng và bảo vệ tình yêu nhưng không phải vì thế mà em phải coi tình yêu như một điều cấm ky. Chắc chắn là em sẽ vấp váp, khổ đau; nhưng không sao, nếu em biết rút kinh nghiệm để học tập và xây dựng cho tình yêu.

Tôi cho rằng không có một thứ tình cảm nào mà không có liên hệ đến sinh lý, kể cầm lòng thương xót, kể cả tình mẹ thương con. Chúng ta sinh ra như một hợp thể ngũ quan, vậy những nhu yếu của chúng ta đã được viết sẵn trong bản chất của hợp thể ấy, trong đó có phần sinh lý. Một bà mẹ yêu con, không thể sung sướng được một cách hoàn toàn nếu không được ôm con vào lòng mỗi khi bà muốn. Thấy một đứa trẻ mũm mĩm và ngoan ngoãn, ta cũng ưa gọi nó lại gần, hoặc bế nó. Thấy một đứa bé ngỗ nghịch, dơ bẩn, hôi hám mắt mũi lèm nhèm, ta không có cái ước muốn đó. Ngũ uẩn ta ưa thích những gì ngọt ngào, êm dịu, tươi mát, đằm thắm, đẹp đẽ. Đó là những nhu yếu tương đối gần nhất. Khi nào trí tuệ và tình cảm ta có những nhu yếu khám phá và yêu thương cao cả, thì tiếng gọi của những nhu yếu ấy sẽ thắng tiếng gọi của những nhu yếu gần gũi kia, và ta sẽ chấp nhận sự mệt nhọc, lo âu chịu đựng. Tình yêu nam nữ khởi sự là một nhu yếu gần gũi nhất với hợp thể ngũ uẩn còn mang nặng tính chất hưởng thụ nhưng có thể vươn tới giai đoạn tình cảm và nhận thức rất xa để biến thành cao cả, bất chấp những nhu yếu ban đầu. ở giai đoạn này con người có thể khinh thường sự hưởng thụ và chấp nhận được sự hy sinh, cũng như trong tình yêu tổ quốc và tình yêu danh dự. Khởi đầu, nó là một đam mê có tính cách ngũ uẩn tổng quát: chúng ta ưa chuộng những màu sắc đường nét, những cái duyên, những tài ba, những đức hạnh. Và nằm dưới những ưa chuộng đó là nhu yếu tự nhiên của sự bảo tồn chủng loại. Vậy tình yêu nam nữ bắt gốc trước tiên từ những nhu yếu sinh lý căn bản, gửi những cái rễ lớn trong các môi trường nhu yếu thẩm mỹ, trí tuệ, lý tưởng, ý chí và đạo đức để trưởng thành lớn lao Tính chất của tình yêu sẽ tùy thuộc ở những chiếc rễ nằm trong các môi trường đó. Nếu chiếc rễ ở môi trường sinh lý là chiếc rễ thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về sinh lý. Nếu chiếc rễ ở môi trường lý tưởng thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về lý tưởng v.v.. Không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Chỉ có một vấn đề quan trọng? Tình yêu phải thực là một nhu yếu, Nghĩa là một nhu yếu nhắm tới sự xây đắp bảo vệ và mỹ hóa cho sự sống. Một đam mê làm xáo trộn sự sống, tàn phá sứckhỏe, tàn phá trí tuệ, tàn phá lý tưởng thì không phải thực sự là một nhu yếu của sự sống mà là một sức phá hoại. Đó là nguyên tắc phải theo. Nếu tình yêu mà mang dáng dấp của đau ốm, của u sầu, của sự chết thì đó là triệu chứng của một sức phá đổ. Như tình yêu mà khiến cho ta yêu đời, hăng hái, can đảm, cường tráng, biết hy sinh, thì đó là sự có mặt của sự xây dựng. Em hãy theo tiêu chuẩn đó để chuẩn bị, để nhận diện, đế đối phó, để bồi đắp, yếu tố lý trí có mặt trong tình yêu bởi vì một tình yêu đích thực là một tình yêu gói trọn bản thể em- nghĩa là khi yêu, em đem hết con người của em để đáp lại tiếng gọi của tình yêu, và như thế sắc thân, cảm giác, suy tưởng, ý chí và nhận thức đều có mặt. Nói tóm lại tình yêu phải biểu lộ sự sống vươn lên. Tình yêu chống lại với sự chết, và mạnh hơn sự chết. Tình yêu có quá trình sinh trưởng và hoại diệt của nó nên cũng giống như một cái cây cần được vun bón, tưới tẩm, che chở. Sự khôn ngoan, bản lĩnh và ý thức ở đây rất là cần thiết. Nếu em vụng về thì em sẽ làm đổ vỡ lung tung và em sẽ kết luận rằng yêu là khổ.Thực ra yêu cũng là khổ đấy, nhưng mà hầu hết những cái khổ kia đều do em tạo ra chứ chúng không phải là những cái khổ tất yếu phải có trong bất cứ tình yêu nào. Yêu thương theo nghĩa rộng là không công nhận ranh giới của một cái bản ngã. Tất cả mọi hiện tượng, kể cả con người, đều chỉ là những trung tâm quy tụ của nhũng điều kiện.Ví dụ cái bàn. Cái bàn chứng minh bằng tự thân nó, nơi tự thân nó sự có mặt của gỗ, của cưa, của đinh, của búa, của thời gian, của không gian, của người thợ mộc v.v.. Ngoài những điều kiện đó thì không thể có cái mà ta gọi là bàn. Vậy cái bàn chỉ có thể là cái bàn trong liên hệ nhân duyên với vũ trụ, chứ không thể là một cái bản - ngã - không - liên - hệ - gì - hết với những cái khác. Ý tưởng về bản ngã và ranh giới về bản ngã là nguyên do của sự cô đơn trống trải. Bằng con đường khám phá hoặc bằng con đường thương yêu, ta phá vỡ ý tưởng đó để thể nhập vào vũ trụ trong tương quan tồn tại của các hiện tượng trong nó. Vậy yêu thương, dù là chỉ yêu thương mới có một người, cũng là phá vỡ ranh giới tưởng tượng về một bản ngã để vươn tới nhận thức về sự tồn tại của một trong tất cả và của tất cả trong một. Do đó mà hôn nhân không phải là biện pháp thiết yếu để giải quyết tâm trạng cô đơn. Chỉ có tình yêu, bất cứ tình yêu nào, miễn là tình yêu lành mạnh, mới có thể giải quyết được cô đơn. Và cái cô đơn của con người chỉ có thể biến mất một cách tuyệt đối khi con người thấy mình sống trong hòa điệu lớn của vũ trụ, nghĩa là hiểu biết tất cả và thương yêu tất cả. Hôn nhân không có tình yêu, hoặc hôn nhân chấm dứt tình yêu thì chỉ là một hình phạt, chỉ là tăng thêm sự cô độc. Cho nên chinh phục một người để cùng đi đến hôn nhân, điều nầy rất gần với sự hùn vốn làm ăn, không khác gì đi quảng cáo để tìm người góp cổ phần. Tôi không chống đối gì sự làm đẹp và sự phô trương tài ba cốt để cho người kia say mê mình. Để chinh phục một người khiến cho người đó yêu mình, con trai cũng như con gái có ngàn vạn cách khác nhau, nhất là con gái, vì phái nữ đã được yểm trợ quá đầy đủ trong công tác này. Số lượng của những gian hàng cung cấp mọi thứ làm đẹp cho phụ nữ cũng đủ chứng minh cho điều đó. Tôi không chống đối bất cứ một phương tiện nào miễn là những phương tiện kia không làm tổn thương danh dự và nhân phẩm mình. Nhưng tôi nghĩ rằng những phương tiện ấy không đủ để nuôi dưỡng bảo vệ tình yêu. Như tất cả những cố gắng của em chỉ là để làm xong được giấy hôn thú thì tôi cho là bi thảm quá. Hôn nhân không giải quyết được nhiều chuyện đâu. Hôn nhân, trong trường hợp này, giết chết tình yêu hoặc ảo tưởng tình yêu. Người con gái có thể thấy nhược điểm hiếu sắc của người con trai, và có thể chịu theo thị hiếu thay đổi của người con trai bằng cách chải đầu ba kiểu trong một ngày và thay áo bốn lần trong một buổi chiều. Nhưng liệu em có làm như thế được cả đời không, và liệu em làm như thế có đủ không. Tôi không tin là đủ. Muốn có tình yêu đẹp đẽ và bền chặt những người yêu nhau phải biết xây đựng cho nhau. Nếu không, tình yêu sẽ được giới hạn lại trong sự ưa thích mới lạ về hình thức và trong hưởng thụ đổi chác. Từ điểm này, con người sẽ không vâng theo một quy luật nào nữa và xã hội sẽ rối loạn khi tình yêu được định nghĩa như sự đam mê sắc dục. Hiện tượng này sẽ phát hiện toàn diện khi tình yêu theo nghĩa đẹp nhất của nó vắng mặt hoàn toàn trong lĩnh vực con người. Có người sẽ nói “tôi không cần cái tình yêu hiểu theo nghĩa đẹp đó, tôi không theo một quy luật nào cả”. Thực ra, tôi cũng không viết những dòng này với mục đích bảo vệ một quy luật. Nhưng tôi nghĩ có hai điều cần được đàm luận. Điều thứ nhất là nhân danh sự sống tươi đẹp ta phải nhận thức rằng sự đam mê sắc dục không vâng theo một quy luật nào cả sẽ kéo theo sự ốm yếu và thấp kém của tinh thần lẫn thể xác. Điều thứ hai là sống trong xã hội không phải như sống một mình trong rừng sâu: ta phải vâng theo một số quy tắc nào đó để duy trì trật tự và hạnh phúc cho đa số. Vậy có thể có những quy luật khác nhau ở những thời gian và địa phương khác nhau. Tôi thấy cái lối viện ra những mệnh lệnh siêu hình để thay thế, hoặc ít ra là để ủng hộ, cho những quy luật xã hội, hiện thời không còn có hiệu lực nữa. Chi bằng chúng ta xét đoán bằng trí tuệ ta trên nguyên tắc bảo vệ sự sống, bảo vệ ý nghĩa cao đẹp của sự sống, hiện tại và tương lai. Có phải em đồng ý rằng chỉ có một tình yêu trong sáng và lành mạnh mới giúp được em sinh lực và ý chí đi tới không? Có phải em đồng ý rằng thiếu tình yêu chân chính thì sự vương vấn vào sắc dục chỉ đem lại buồn chán, nghi ngờ và lụn bại không?

Không ai cấm em, trong khi yêu, tạo dựng thần tượng. Em nói: đời nầy yêu thì yêu chứ thần tượng thì không. Tôi nghĩ không phải như vậy. Nếu không còn thần tượng thì không còn là yêu. Có lẽ tôi cổ hủ mất rồi, nhưng biết làm sao? Nếu em đồng ý rằng trong khi yêu ta không tránh khỏi sự tạo dựng thần tượng thì em nên bắt đầu tạo dựng ngay thực chất cho thần tượng ấy. Chỉ có một cách làm cho tình yêu bền vững mãi, đó là giữ cho người yêu mãi mãi là nguồn cần thiết và ngọt ngào của mình. Một mình người yêu của em làm việc ấy thì nặng quá: em phải giúp sức người yêu của em. Và phải giúp một cách thật tế nhị. Công việc này chỉ cần kiên nhẫn và sáng suốt là được; trong tình yêu, em rất dễ ảnh hưởng đến người em yêu. Tình yêu sẽ trợ lực em. Mãnh lực của tình yêu rất lớn lao.

Trước hết, em nên hiểu rằng danh vọng, sắc đẹp và tài ba không thể bảo đảm được rằng đối tượng kia sẽ là nguồn cần thiết và ngọt ngào bất tuyệt của mình. Tìm ra được người thích hợp với em không phải là dễ dàng. Em phải biết nguyện vọng, sở thích, tính khí, kiến thức và lý tưởng của người đó, và xem những thứ đó có hợp với em không. Hợp không có nghĩa là giống mà chỉ có nghĩa là không xung khắc, là có thể bổ túc cho nhau. Những thứ đó sẽ là những mối dây liên lạc, hợp nhất, những chất liệu nuôi dưỡng tình yêu. Chính những đeo đuổi, những sở thích và những lo âu chung của hai người sau này sẽ là chất keo sơn gắn bó hai người với nhau, và gắn hai người với những người đồng tâm đồng điệu khác. Chính những thứ đó xua đuổi dần những bóng tối cô đơn vây phủ bản ngã. Lý tưởng chính nó là một thần tượng, do đó người yêu khôn ngoan bao giờ cũng đồng hóa hoặc liên hệ mình với lý tưởng của người mình yêu vì thế sẽ cũng bất diệt như thần tượng. Em sẽ không bao giờ mất người yêu nếu em sốt sắng với lý tưởng của người yêu. Có một người bạn trẻ bảo tôi, giọng đầy phẫn uất: tại sao tình yêu không thể tự nó là nó được mà phải nhờ đến những cái khác, như là ý tưởng, như là Thượng Đế...mới có thể tồn tại? Người bạn trẻ đã ghét cay ghét đắng câu nói của Saint Exupéry “yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn vế một hướng”. Thực ra tôi không có nói gì giống Exupéry, tôi chỉ nói đến cách bảo vệ nuôi dưỡng tình yêu thôi, nhưng tôi cũng xin trả lời người bạn trẻ: không có cái gì có thể tự nó là nó được; cái gì cũng là hợp thể của nhân và duyên, nghĩa là của điều kiện. Cái này có nhờ cái kia có, cái này không thì cái kia không. Bản thân ta đã có thể tự nó là nó chưa, huống hồ tình yêu là một cái gì phát sinh từ bản thân ta. Không có cái gì có tự thể ; cái gì cũng phải nương trên những cái khác mới có thể có; cái gì cũng chỉ tồn tại trong liên hệ nhân duyên. Tình yêu cũng thế: anh có bổn phận nuôi dưỡng nó, nếu anh không muốn nó chết. Nếu Exupéry nói tình yêu nam nữ chỉ có thể tồn tại qua tình yêu đối với đấng Thượng Đế thì ông mục sư của André Gide trong cuốn La symphonie pastorale lại không nói ngược lại rằng «Lạy Chúa, đôi khi con có cảm tưởng rằng con cần tình yêu của nàng mới có thể yêu được Chúa” hay sao?

Nhất định là tình yêu phải nương vào những điều kiện khác mà hiện hữu.Ngày nào em không bồi đắp cho tình yêu thì ngày đó em làm cho tình yêu ngắn đi, yếu đi. Không phải leo lên chiếc xe đạp và đạp vài vòng thì chiếc xe có thể đi mãi như một chiếc xe gắn máy. Em phải tiếp tục đạp, dù là thong thả. Nếu em không đạp thì khi hết đà, chiếc xe sẽ ngã. Khi đó, tình yêu sẽ cạn như một dòng suối khô cạn và sự phụ bạc có thể là sẽ tới một cách tự nhiên, bởi vì em đã biết tình yêu là một nhu yếu.

Xã hội kết án nhưng xã hội không chịu xem xét những nguyên nhân nào đã đưa tới sự phụ bạc. Hậu quả là một cái gì phải đến sau nguyên nhân; hậu quả không đáng trách, chỉ có nguyên nhân là đáng trách.Tình yêu cũng như bất cứ một hiện tượng tâm lý nào khác, gồm có một chủ thể và một đối tượng. Luật yêu thương đòi hỏi chủ thể một khả năng yêu thương và ở đối tượng những điều kiện để đựợc yêu thương. Đối tượng không đáng yêu hoặc đáng yêu mà không tự bảo tồn được tính cách đáng yêu của mình, hoặc đáng yêu nhưng không chịu phát triển những tính cách đáng yêu của mình để đáp ứng với nhu cầu của chủ thể yêu thương thì đối tượng ằy sẽ tự mình rút lui ra khỏi giới hạn đối tượng và không thể đòi hỏi ở chủ thể một tính cách chung thủy. Lẽ giản dị là muốn được yêu thì phải đáng yêu. Tự hủy bỏ tính cách đáng yêu nơi mình đi tức là tự ý thôi không muốn được yêu thương nữa. Hơn thế, trong khi chủ thể thương yêu thăng hóa tiến bộ mà đối tượng không chịu cố gắng để cùng thăng hóa tiến bộ, nghĩa là để được đẹp thêm, sáng thêm thì chủ thể có thể bỏ xa đối tượng. Trong trường hợp này lỗi cũng tại đối tượng. Không thể đòi hỏi tính cách chung thủy của chủ thể.

Như vậy trách nhiệm hoàn toàn nằm ở đối tượng sao? Không hẳn đâu em. Chủ thể cũng chịu chung một phần trách nhiệm. Yêu thương mà không hiểu được đối tượng thương yêu, không giúp được đối tượng thương yêu tự bảo tồn được tính cách đáng yêu không làm phát sinh được nơi đối tượng một sức mạnh đi tới để thêm đẹp, thêm sáng, để kịp thời lên cao một lần với mình thì chủ thể cũng có lỗi. Bởi vì thương yêu là chịu hết trách nhiệm về người mình yêu thương. Cái lỗi của chủ thể là thương yêu không đúng, không sáng, không đủ chân thành, không đủ mầu nhiệm, không đủ sức mạnh để bảo tồn, nuôi dưỡng và hướng dẫn đối tượng. Và đó chính là chỗ đáng trách của chủ thể.

Nếu cả hai bên đều cố gắng bồi đắp tiến bộ theo luật đó thì thủy chung là một hoa trái đẹp tất nhiên phải có. Còn nếu một bên thiếu cố gắng - cũng có nghĩa là hai bên thiêu cố gắng - thì phụ bạc là điều có thể xảy ra. Cả hai bên đều đáng trách, tuy rằng một bên đáng trách nhiều hơn. Nếu em nắm được nguyên lý đó thì em không còn sợ hãi nữa. Không sợ hãi em, không sợ hãi ai. Không sợ hãi cuộc đời. Em có thể đánh bại được mọi đe dọa.

Tìm được một người mà em cót hể yêu với một tình yêu như thế, em nên biết rằng em đang sung sướng. Em hãy ý thức em đang ở vào một tuổi rất đẹp. Em đang được sống trong lòng tổ quốc có trời có mây, có chim cbướm, có sương mù buổi sớm, có sao trăng đầu hôm. Và em đang yêu, và đang được yêu. Với từng ấy điều kiện mà đâu phải chỉ từng ấy điều kiện- thì dù em đang có bao nhiêu vấn đề đi nữa em cũng là một người sung sướng thực sự rồi mà. Em nên nhắc em và nói cho người yêu của em biết là em đang sung sướng và may mắn hơn rất nhiều kẻ khác. Để em thận trọng đừng vụng dại làm đổ vỡ những gì quý báu em có trong tầm tay em. Thường thường khi mất đi một hạnh phúc người ta mới biết là hạnh phúc đó quý giá. Như hai con mắt chúng ta đây, có phải là lắm khi ta quên rằng chúng quý giá vô cùng hay không. Tôi có nói với em rằng chỉ có người mất thị quan rồi mới thấy tất cả sự quý giá của đôi mắt. Vậy em đang sung sướng. Những hiện tượng hờn giận, ghen tuông chắc chắn sẽ xảy ra, làm sao tránh được. Tôi không khuyênrem tránh chúng một chút nào, bởi vìrnhững hiện tượng ấy chứng minh rằng em đang yêu, và người yêu của em cũng đang yêu em tha thiết. Hãy đón nhận những hờn giận ghen tuông ấy mà phần nhiều đều là do quá yêu và do vô minh nữa gây nên. Phần lớn đều xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ như hạt cát, hoặc những nguyên nhân nhỏ hơn hạt cát nữa, như sự hiểu lầm vô cớ, bóng gió. Vậy hãy bình tĩnh đừng để cho chúng trở thành lớn hơn hạt cát. Sau những cái giận nho nhỏ ấy, các em lại càng thương yêu nhau hơn, càng quý chuộng nhau hơn không sao. Nhưng mà đừng vụng về đừng nên làm lớn chuyện những gì nhỏ như hạt cát. Cái khôn ngoan cần thiết nhất là ý thức về sự quý giá của hạnh phúc, của sự may mắn. Có sự khôn ngoan ấy rồi, em trở nên một người yêu chín chắn và tình yêu sẽ bền vững.

Và nếu em đã sung sướng thì em hãy nghĩ đến chúng tôi, đến kẻ khác. Tình yêu của em sẽ nhờ đó mà bền vững hơn lên và chúng tôi cũng sẽ nhờ đó mà sung sướng hơn lên.

Nói Với Tuổi Hai Mươi (5) :Thương yêu

Nói Với Tuổi Hai Mươi
Thiền sư Nhất Hạnh
Sàigòn – Lá Bối – 1966



Thương yêu

Tôi cũng ưng định nghĩa thương yêu như một trong những nhu cầu trọng yếu của con người nên tôi không chịu người ta nói đến bổn phận thương yêu. Ví dụ cha mẹ có bổn phận phải thương yêu con, hay loài người phải có bổn phận phải thương yêu nhau, hoặc con người có bổn phận phải thương yêu đấng Tạo hóa. Tôi nghĩ thương yêu là một cái gì tự nhiên, không thể bắt buộc, không thể nói là một bổn phận. Không ai có thể bắt tôi thương yêu được một đối tượng mà tôi không thể thương yêu, mà tôi không muốn thương yêu. Tuy nhiên nếu có lúc ta không thấy được chính những nhu yếu của chúng ta thì cũng có thể có lúc ta không thấy được rằng ta vốn có sẵn tình thương yêu với đối tượng mà hiện nay ta không (hoặc chưa) cảm thấy yêu thương. Vì lý do đó cho nên người ta có thể đánh thức dậy tình thương yêu sẵn có ở trong ta đối với một đối tượng nào đó bằng cách chỉ cho ta thấy rõ đối tượng đó hơn hoặc bằng cách khai mở và hướng dẫn cho nội tâm ta. Nhưng công việc này chỉ có thể thành công khi quả nhu yếu kia là một cái gì thực có, tiềm tàng trong ta. Ví dụ có một người mẹ ghẻ chưa bao giờ thực sự yêu con, và suốt trong đời sống của người con, người mẹ ghẻ kia chỉ là hình ảnh của một ác mộng dài thì dù ta có khuyên bảo gì đi nữa, người con cũng không thể nào thương yêu bà mẹ kia với tình con thương mẹ được. Trong thực tế, chúng ta thấy có những đứa con thương yêu bà mẹ nuôi một cách thắm thiết trong khi không muốn công nhận bà mẹ đẻ của mình. Như thế là vì trong cuộc đời ấu thơ của chúng, trong những lúc đau khổ của chúng, bà mẹ nuôi đã đến như một dòng suối ngọt, như một bóng mát. Khổ đau, ngọt bùi, ân nghĩa và kỷ niệm đã là miếng đất trong đó hạt thương yêu đã được gieo và được mọc. Tình thương rõ rệt là một nhu yếu. Sở dĩ lắm lúc con người tỏ ra bất nghĩa, vô tình là vì có những cái màn vô minh nào đó, hoặc một tâm trạng u sầu, lo lắng, bực dọc hay đam mê nào đó tới che lấp đi mà thôi. Những tâm trạng đó lắng xuống, những tấm màn kia lột đi thì nhu yếu thương yêu nọ lại được phát hiện rõ ràng trở lại.

Có người nói rằng hạnh phúc chỉ là một danh từ hoa mỹ không có thực chất, người ta chỉ có nhiều ao ước mà không bao giờ đạt tới được. Tôi thấy điều đó là không đúng, và tôi nghĩ rằng chỉ vì quá tham lam quá dại khờ và quá vô minh cho nên người ta mới không thấy được hạnh phúc, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong chúng ta bất cứ ai cũng đã có trong tầm tay mình một số lượng hạnh phúc nào đó, nói đúng hơn là một số điều kiện nào đó của hạnh phúc, mà ta có khi không biết. Cố nhiên là trong lúc ấy chúng ta cũng có thể có những niềm đau khổ của chúng ta, những niềm đau khổ phần nhiều do nhận thức của chúng ta tạo nên. Chỉ cần mở mắt ra, chỉ cần nhận thức cho chính xác, chỉ cần có ý thức về những hạnh phúc mà chính ta đang có thì ta đã trông thấy được diện mục của hạnh phúc rồi. Một bà mẹ ngọt ngào như dòng suối, một buổi mai thơm mát và lành mạnh, một mẩu xanh của núi rừng, ruộng đồng, hay biển cả, một buồng phổi tốt không nám cũng không có lỗ thủng, một bàn tay có thể làm phát ra bất cứ một âm thanh nào hoặc trong suốt như ngọc thạch hoặc cao vút như sao trời, một người bạn có thể trao đổi tâm tình, một cuốn sách chứa đầy một kho hiểu biết, một tờ lá thắm, một dòng nước trong... và nhiều nữa, nhiều không đếm xiết, tất cả đều có thể là những nguồn hoan lạc chỉ chờ ta mở rộng tâm hồn đón lấy. Yếu tố lớn nhất để tạo nên hạnh phúc là ý thức về hạnh phúc. Có những kẻ sống trong thiên đường mà không biết mình sống trong thiên đường, cứ dại dột tạo cho mình một thế giới bất mãn bực dọc - thế giới của cố chấp, hẹp hòi, tham lam và vội vã. Yêu tố thứ nhì của hạnh phúc là biết rõ được con người của mình có những nhu yếu nào trong lĩnh vực khám phá và thương yêu và hướng về sự thực hiện những nhu yếu ấy những nhu yếu đích thực là nhu yếu, nghĩa là những nhu yếu bảo vệ và bồi đắp sự sống, sự vươn lên của mình. Như thế, sức khỏe, trí tuệ và tình thương, những hoa trái gặt được sẽ là dấu hiệu của hạnh phúc chân thực.

Càng khám phá càng hiểu biết con người càng thoát khỏi cái vỏ bản ngã chật hẹp và nghèo nàn của mình để vươn tới thể nhập với những hiện tượng khác trong vũ trụ, cùng có tính cách phóng khoáng bao la như vũ trụ.

Trong ngôn ngữ Pháp, chữ comprendre có mang ý nghĩa ấy. Com là cùng với mình, prendre là nắm lấy.Và như thế hiểu biết một vật gì là mình cùng đồng nhất với vật ấy - cũng có nghĩa là nới rộng bản ngã của mình ra tới vật ấy. Thương yêu cũng vậy, càng thương yêu con người càng thoát khỏi cái vỏ bản ngã chật hẹp và nghèo nàn của mình để vươn tới thể nhập với những hiện tượng khác trong vũ trụ, cùng có tính cách phóng khoáng bao la như vũ trụ. Thương yêu cũng là nới rộng bản ngã mình tìm tới đồng nhất với đối tượng. Và đối tượng càng to rộng thì mình càng trở thành to rộng.

Nếu khám phá và hiểu biết là một nguồn hạnh phúc thì thương yêu cũng là một nguồn hạnh phúc- hạnh phúc trong ý nghĩa thỏa mãn được nhu yếu của mình. Hạnh phúc, về phương diện tình cảm, là yêu thương và được yêu thương... Được thương yêu là ngọt ngào, nhưng yêu thương không phải chỉ là ngọt ngào Yêu thương cần nhiều nỗ lực, cần nhiều can đảm, cần nhiều chịu đựng. Yêu thương là chịu trách nhiệm, là che chở, là lo lắng, là hy sinh; tất cả những thứ đó đều là những yếu tố cần triệt để thương yêu, nghĩa là để thỏa mãn nhu yếu thương yêu, nhu yếu vươn tới đồng nhất với đối tượng. Người đầu tiên dạy cho ta yêu thương là bà mẹ. Ta sinh ra đời nhỏ bé, mong manh, yếu đuối, không có khả năng tự vệ. Những cảm giác đói, khát, đau đớn, thiếu thốn của chúng ta được mẹ hiểu, được mẹ lo lắng, được mẹ đối phó. Ta cần mẹ, ta thiếu mẹ và ta yêu mẹ. Khi ta cần mẹ, thiếu mẹ ta chỉ cần mở miệng khóc. Mẹ xuất hiện liền bên nôi như một thiên thần. Ta cảm thấy đầy đủ sung sướng. Vậy tình yêu phát xuất từ sự cần thiết, từ sự thiếu thốn, từ sự đau khổ. Tình yêu được hình thành rồi lớn lên trong đắng cay, trong ngon ngọt, trong kỷ niệm và trong ân nghĩa. Sự ngọt ngào tự nó không thể hiện hữu. Sự ngọt ngào phải nương trên sự đắng cay, sự khao khát. Một ly nước chanh không thể ngon nếu không có sự khát nước. Khi ta lớn lên, mạnh chân khỏe tay, có đủ sức tự vệ, ta ít cần đến cha mẹ hơn, và theo lý, ta ít yêu cha mẹ như xưa. Nhưng mà cái nguồn suối ngọt ngào ấy ít khi khô cạn. Nếu ta trở về, ta vẫn cảm thấy nó còn là một kho tàng hạnh phúc của ta. Khi con khôn lớn, mẹ vẫn cần con dù con đã ít cần tới mẹ. Con có những thứ cần mới, và con không tập trung cái nhìn nơi mẹ, nơi bầu sữa mẹ nữa. Và nhiều bà mẹ cũng thấy khổ đau vì sự kiện tầm thường nhưng hiện thực đó.Nhưng trong tình yêu ngoài sự ngọt ngào, còn có kỷ niệm, còn có ân nghĩa. Và vậy cho nên tình yêu cha mẹ của một kẻ lớn khôn vẫn có thể còn đậm đà, tha thiết tuy bản chất đã không thể còn giống như bản chất của nó hồi đứa con còn thơ ấu, vụng về. Tình yêu ấy kỷ niệm và ân nghĩa ấy lắm khi đậm đà thiết tha khiến cho nhiều lúc đứa con tuy đã khôn lớn vẫn không chịu nhận mình là khôn lớn trước người đã thương yêu mình, đã là nguồn suối ngọt ngào cho mình từ khi mình còn măng sữa. Dù lớn bao nhiêu, tôi vẫn là con của mẹ. Có khi những bựcdọc những lo lắng những bận rộn những phiền muộn của cuộc đời làm lu mờ mọi kỷ niệm buồn vui, mọi ân nghĩa thâm sâu, và người con có thể, trong những lúc đó, nhìn người thương yêu của mình như nhìn người xa lạ. Điều ta có thể trách cứ là sự dại dột mà không phải là sự bội bạc. Bội bạc thật ra chỉ là hậu quả của một sự mờ ám,dại khờ. Chỉ cần một sự lắng lòng, chỉ cần một sự trở về là lòng ta lại tràn ngập yêu thương, và ta lại tìm thấy nguồn hạnh phúc. Em đã bận rộn quá, em đã phiền muộn quá, tôi biết điều đó nhưng bận rộn và phiền muộn để làm chi, nếu không phải là để mất hết những gì quý giá nhất trong đời em? Em than phiền rằng các bậc cha mẹ hiện giờ không hiểu thấ u được lòng em và em có cảm nghĩ là không thể bắc được một cây cầu cảm thông. Có cây cầu cảm thông nào mà không cần đến chất liệu thương yêu. Em như thế, thái độ em như thế, tâm hồn em ơ thờ, lạc lõng, nguội lạnh như thế, làm thế nào mà cảm thông. Cha mẹ có thể không hiểu ta mà vẫn cứ tưởng là hiểu ta. Thì ta cũng có thể không hiểu được cha mẹ mà vẫn giản dị nghĩ rằng ta hiểu được cha mẹ. Tôi chắc các bậc cha mẹ có cố gắng và nhẫn nại về phần họ. Chúng ta nên có cố gắng về phần ta. Em nóng nảy, bực dọc và phiền muộn làm chi. Nên lắng lòng lại, đi tìm yên tĩnh mà nghĩ đến ân tình và kỷ niệm. Niềm thương yêu sẽ trở lại, rồi em sẽ cố gắng về phần em. Không nên thất vọng không nên càng lúc càng vùng vẫy một cách tuyệt vọng Các bậc cha mẹ cũng đã trải qua nhiều đau khổ, thắc mắc và lo âu của họ. Đôi khi những thứ đó là vì ta, dù là đau khổ thắc mắc và lo âu không đúng cách, không có hiệu quả. Nghĩ đến điều đó, nghĩ đến những nếp nhăn trên trán họ, nghĩ đến những ngày tháng sắp đến của cha mẹ, đến sự vắng mặt vĩnh viễn của cha mẹ sau này, nghĩ đến ân tình kỷ niệm trong suốt một thời gian thương yêu lo lắng khổ đau mà phát lòng hối hận, rũ bỏ bớt bận rộn phiền não, trở về thương yêu lấy người đã sinh dưỡng mình. Tôi biết trong lòng em có thương yêu, nhưng bề ngoài em lại có vẻ ngủng ngẳng, bất cần, đôi khi tàn nhẫn nữa. Tôi cũng biết rằng cái bề ngoài ấy là biểu lộ của những khắc khoải, đau xót, oán hờn và cô đơn mà thời đại đã ghi đậm nét trong tâm hồn em. Và chính những thứ đó đã không cho em tĩnh tâm nhìn thấy sự thực cũng như mặt hồ nổi sóng không phản chiếu được hình ảnh tròn trịa của mặt trăng đêm rằm. Tình yêu là thần dược mầu nhiệm có thể chữa lành những thương tích tâm hồn của em. Tôi nhớ cái lần đầu tiên đọc xong bộ sách Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao triều Lý của Hoàng xuân Hãn, tôi bỗng thấy tâm hồn rung động và tràn đầy cảm thương. Tiền nhân của chúng ta đã khai sơn phá thạch, đem xương máu tâm huyết bảo vệ từng tấc đất, phấn đấu bằng trăm mưu nghìn kế để chiếm lại từ Bắc phương những giải đất nhỏ xíu, hiểm trở, giữ gìn những miếng đất ấy dù phải bỏ xương tàn nơi chốn rừng thiêng nước độc. Tiền nhân đã tổ hợp lại, tự lực tự cường giữ gìn phương Bắc và bành trướng về phương Nam. Sau này được nghe những câu ca dao miền Nam, đọc truyện của Sơn Nam, tôi cũng thấy cảm thương khi gợi lại hình ảnh của những con người phấn đấu với sình lầy, với muỗi mòng, với bệnh rét rừng và muôn ngàn tai nạn khác để mở rộng đất sống về phương Nam. Giải đất cẩm tú ngày nay đã là công trình xây đắp của bao nhiêu thế hệ đi trước. Chúng ta sinh ra trên mảnh đất này, ăn, chơi, ca hát, ngủ nghỉ, làm việc trên mỗi tấc đất đã từng thắm mồ hôi, nước mắt và xương cốt của những thế hệ trước. Nếu chúng ta quên lãng quá khứ, quên lãng lịch sử, quên lãng những hy sinh những khổ đau những kỷ niệm vui buồn những ân nghĩa tổ tiên và giống nòi, thì cũng giống như những cái cây không đâm rễ sâu được xuống lòng đất, càng ngày càng héo khô lạc lõng, thiếu chất liệu tình cảm cần thiết cho một cuộc sống. Có những miếng đất tuy nghèo nhưng không ai muốn bỏ để đi làm ăn nơi khác chỉ vì một lý do duy nhất là tổ tiên ông bà cha mẹ đã ở tại đó lâu đời, miếng đất đã chôn dấu biết bao khổ vui bao kỷ niệm ân tình bền chặt. Lại có những miếng đất trên đó người tứ xứ đến làm ăn thịnh vượng, buôn bán, trao đổi gặp gỡ nhau trong một thời gian rồi ai về xứ đó. Như Dalat, như Vũng Tàu chẳng hạn. Người ta đổi chác làm ăn với nhau trên bề mặt, không ai có gốc rễ sâu xa ở những nơi như thế, không ai bị ràng buộc vào miếng đất ấy bằng khổ đau ân tình lâu dài, không ai bám vào những miếng đất ấy với tất cả tiềm thức sâu xa của họ, cho nên, cũng như hoa anh đào nở rồi tàn, tình người ở các nơi ấy rất mỏng manh và thay đổi. Không nhà văn hóa nào lại có thể muốn chọn những nơi ấy làm thủ đô văn hóa của một dân tộc có lịch sử phải không em.

Nhất định là tình yêu đất nước và dân tộc nằm sẵn trong em, trong xương tủy em, trong mạch máu em. Nhưng mà những hình ảnh của khổ đau, của máu xương của kỷ niệm của ân tình rất cần thiết để gọi những gì tiềm tàng trở thành hiện lực. Những cuốn sách như cuốn Lý thường Kiệt chẳng hạn, không phải được viết nên để phô bày một cái biết của tác giả. Người viết cũng được thúc đẩy bởi thương yêu, rung cảm , người đọc cũng nhờ đó mà đánh thức dậy tình yêu đất nước và dân tộc. Văn hóa dân tộc chắc chắn là văn hóa của tình yêu, tình yêu đất nước, tình yêu quê hương, tình yêu tổ tiên, tình yêu đã nuôi dưỡng chúng ta và sẽ còn nuôi dưỡng chúng ta. Hiện thời dân tộc ta đang lâm vào tai họa chiến tranh, không ai trong các em mà không xót xa. Xót xa, bồn chồn như đứng trên đống lửa. Xót xa bồn chồn đến mức muốn gầm thét, muốn trở thành điên dại... Chiến tranh tàn phá núi sông, tàn phá sinh mệnh và tệ nhất là tàn phá những giá trị nhân bản. Sự sống ở nhiều nơi đã được thu gọn lại trong phạm vi bản năng. Phải sống đã, và phải sống bằng bất cứ phương thức nào. Bán liêm sỉ đi, bán truyền thống đi, bán sự trinh bạch đi để được sống. Không thể dạy đạo đức luân lý cho kẻ hấp hối, cho kẻ đang phấn đấu để thoát khỏi cái chết. Một nửa ổ bánh mì có thể đổi lấy đời trinh tiết của một thiếu nữ. Một cậu ma cô có thể nuôi nổi một gia đình đã kiệt quệ... Có cần chi nói đen bổn phận. Thấy như thế, nghe như thế, em đã rung động vì xót thương rồi. Và tình thương dẫn tới hành động. Hãy tìm tới nhau, nắm lấy tay nhau, tìm một giải pháp cho nhau. Em không thể ngồi yên, em không thể cưỡng lại sự thương yêu, dù em thấy trước mắt những khó khăn tủi cực. Thương yêu như tôi đã nói, không phải chỉ là ngọt ngào. Thương yêu còn là nỗ lực, nhẫn nhục, can đảm, hy sinh. Và bởi vì thương yêu như thế cũng là một nhu yếu lớn của bản thể em cho nên em không thể không thương yêu, không thể không chấp nhận một sự dấn thân cần thiết.

Nói Với Tuổi Hai Mươi (4) : Học hành

Nói Với Tuổi Hai Mươi
Thiền sư Nhất Hạnh
Sàigòn – Lá Bối – 1966



Học hành

Chắc hẳn là em không muốn đi quanh quẩn trong những vòng lý luận. Tôi cũng vậy. Chúng ta hãy tìm một con đường, tìm bằng tất cả những kinh nghiệm và những khổ đau của chúng ta, trong tình trạng hiện tại và trong bài toán hiện thời của chúng ta. Không có bài toán nào là không chứa đựng đáp số của nó nếu quả đó đích thực là một bài toán, nghĩa là có chứa đựng đủ những dữ kiện để đi tới đáp số. Chúng ta quả đang sống trong một cuộc sống khó sống. Và chúng ta cũng biết rằng không phải vì cuộc sống vốn là khó sống mà chính vì chúng ta, tất cả chúng ta đã làm cho cuộc sống trở thành khó sống. Cuộc sống khó sống ấy không thể biến mất dễ dàng được bởi vì nó không phải là một ác mộng: nó rất hiện thực, nó có những dấu vết trong ta và nó mang những dấu vết của tâm hồn ta. Không có cách chi hay hơn cho chúng ta là hãy bình thản lại và tìm cách thoát khỏi, một cách từ từ, tình trạng hiện tại. Tình trạng do con người tạo ra đã trở lại khống chế con người , vậy thì công cuộc giải phóng của con người ra khỏi sự khống chế đó của tình trạng cần phải được đi đôi với công cuộc giải phóng của nội tâm con người. Con người và hoàn cảnh làm bóng và làm hình cho nhau nên sự giải phóng không được quan niệm một chiều. Và do đó, khởi điểm của công cuộc giải phóng nằm ở ý thức giác ngộ, nằm ở ý chí chuyển hóa nội tâm và chuyển hóa cuộc đời.

Tuổi trẻ luôn luôn ước ao thực hiện một cuộc thay đổi mau chóng, nhưng sự diễn tiến của mọi dòng hiện tượng không phải bao giờ cũng đáp ứng lại được dễ dàng cho sự nóng nảy đó. Không, chúng ta đang không ở trong một hoàn cảnh dễ dàng. Chúng ta phải có rất nhiều bình tĩnh, rất nhiều kiên nhẫn. Những lúc khó khăn và nguy nan nhất đòi hỏi nhiều bình tĩnh và kiên nhẫn nhất. Em đừng bực bội, đừng thất vọng, đừng oán trách. Dù sao thì chúng ta vẫn còn là chúng ta mà. Dù sao thì chúng ta cũng vẫn còn nở được nụ cười mà. Để cho những đường nhăn trên trán chúng ta mất đi, để cho thần kinh ta bớt căng thẳng, để cho tâm hồn ta êm dịu lại. Và cũng để cho sự êm dịu ấy tỏa rộng đến một vài người quanh ta. Cái trán của em nóng hổi như thế, hai mắt em đỏ ngầu như thế. thì em cần phải ngồi xuống, cần phải hướng về tiếng gọi của thiên nhiên, cần phải trở về bơi lội tắm mình trong giòng nước mát của tâm linh để tìm sức mới. Em đừng vội vàng, miễn là em không quên lãng.

Tôi biết em sẽ còn tranh đấu. Tuổi trẻ không bao giờ chịu thua. Nhưng nếu muốn thành công, chúng ta không thể tự đốt cháy chúng ta bằng những thất vọng, những bất mãn, những đòi hỏi vô lý. Em không nên đòi hỏi, nhất là đòi hỏi hơi nhiều ở những người lớn. Người lớn cũng chỉ là người, nghĩa là cũng bị buộc ràng trong những điều kiện của tình trạng hiện tại. Người lớn cũng đang vùng vẫy, cũng đang mắc kẹt như em vậy. Sở dĩ chúng ta có ít tự do là vì cái bản ngã đích thực của chúng ta đã bị phong tỏa trong một cái vỏ giả tạo mà ta tưởng lầm là chính bản ngã của chúng ta. Nó ưa thích, xét đoán mà ta cứ tưởng là ta ưa thích, xét đoán. Nó vâng theo mệnh lệnh của những điều kiện đã tạo nên nó mà ta cứ tưởng là nó vâng theo mệnh lệnh của chính ta. Lầm rồi, lầm rồi, chúng ta phải xét đoán lại, phải kiểm điểm lại. Tất cả chúng ta đều đã là nạn nhân rồi. Không nên kết án nhau. Chỉ nên kết án tính cách phi nhân bản của những ước lệ, những khuôn đúc, những guồng máy. Người lớn có khi còn tệ hơn em ở chỗ bản ngã đích thực của họ còn bị phong tỏa nhiều hơn, sự hồn nhiên cương trực và trong trắng của tâm hồn họ còn bị sứt mẻ và tiêu diệt một cách thảm hại hơn. Đứng ở địa vị người lớn, họ có vẻ như là có thế có quyền lực hơn em, có thể làm được nhiều việc tốt đẹp hơn em. Và em oán trách họ chỉ vì em nghĩ rằng họ có quyền lực ấy mà họ không chịu làm, họ không chịu làm cho họ, cho đất nước họ, cho đàn con em của họ. Kỳ thực đứng vào chỗ đứng của họ em mới thấy được rằng họ cũng lúng túng khó khăn không khác gì em. Họ có một mớ thẩm quyền nhưng họ chẳng làm gì được nhiều bởi vì họ bị ràng buộc nhiều hơn em và do đó cũng cảm thấy bất lực như em đã từng cảm thấy.

Tôi thấy là các em không nên đòi hỏi ở họ, hoặc nếu có thì nên đòi hỏi họ một chút ít mà thôi. Đừng nói cho họ nghe bổn phận của họ. Họ biết chán cái bổn phận ấy là gì rồi. Điều cần thiết là xét xem họ có đủ sức làm “bổn phận” ấy hay không. Em thử nghĩ xem họ đã có thể làm trọn được bổn phận của họ đối với họ không đã, đừng nói đến những bổn phận của họ đối với em. Họ cũng có những vấn đề ray rứt, khốn nạn của họ và họ có thể cũng đang vùng vẫy tuyệt vọng trong cái tình trạng của họ. Hãy thương hại họ cũng như có lần em đã thương hại chính em. Thấy được hình dáng thực của họ em sẽ không còn đòi hỏi quá đáng ở họ, hy vọng quá đáng ở họ để rồi tiếp tục thất vọng và bất mãn vì họ. Đừng đòi hỏi, đừng thất vọng, đừng bất mãn: như thế em đã tiết kiệm được biết bao nhiêu năng lực của em rồi. Và bởi vậy tôi đã đề nghị với em là đừng tự thiêu đốt em vì những đòi hỏi, những thất vọng, những bất mãn vô ích, không cần thiết. Đề mặc cho người lớn làm những việc người lớn trong khả năng người lớn. Em phải làm việc của em, trong khả năng tuổi trẻ của em. Những gì em thực hiện được trong phạm vi hoạt động của em, tôi biết, cũng có thể chuyển được tình thế và mở lối thoát cho cả người lớn nữa. Điều đó tôi tin chắc như tin chắc ở khả năng vô biên của tuổi trẻ.

Tình trạng của chúng ta đòi hỏi một cuộc cách mệnh mọi mặt về kinh tế cũng như về giáo dục, văn hóa, xã hội. Em đừng tưởng chỉ có bằng con đường quyền bính ta mới có thể thực hiện được cách mệnh. Em đừng nghĩ rằng chỉ khi nào có được một chính quyền chủ trương cách mệnh xã hội thực sự khi ấy ta mới có cách mệnh xã hội thực sự. Em đừng tưởng, ví dụ, có làm bộ trưởng bộ giáo dục mới có thể có cơ hội làm cách mệnh giáo dục. Cố nhiên là làm bộ trưởng thì sẽ có một số quyền năng nào đó và một số phương tiện nào đó (dù là những quyền năng và phương tiện rất giới hạn) nhưng nếu vì vậy mà ta nghĩ rằng chỉ có quyền bính mới thực hiện được cách mệnh thì đó là một điều lầm lẫn to lớn. Vì lẽ như thế nên chúng ta mới để phí ngày giờ và tâm lực của chúng ta mà hy vọng, mà hoan hô, mà đả đảo, mà trông chờ trong khi chúng ta có rất nhiều quyền lực và phương tiện mà chúng ta không sử dụng để xây dựng bằng chính bàn tay và tâm não của chúng ta. Tuổi em không phải là tuổi làm thủ tướng, làm bộ trưởng ; tuổi em không phải là tuổi làm người lớn, làm những việc của người lớn. Nhưng có phải chỉ những việc “người lớn” là quan trọng nhất đâu. Em cứ làm đi, làm những việc của tuổi hai mươi, làm cách mệnh văn hóa, giáo dục, xã hội bằng tuổi hai mươi. Tôi tin rằng em sẽ thành công, và em sẽ làm được những việc mà người lớn không thể nào làm được, vì một lý do duy nhất; họ đã là người lớn mất rồi. Tôi muốn đàm đạo với em về sự xây dựng nền tảng cách mệnh, mà chính tuổi trẻ là tuổi có thể xây dựng được nhiều hơn hết bởi vì tuổi trẻ nhiều cương trực và bất mãn hơn hết, và cũng vì không có cương trực không có bất mãn thì không thể có cách mệnh đích thực. Đừng quan niệm rằng cách mệnh là một trận mưa ân huệ từ trên tưới xuống mà hãy theo con đường xây dựng từ dưới lên trên.

Chúng ta hãy nói đến việc học muốn hành. Trước hết tôi rất không khuyên em nên chăm học. Chăm học để làm chi? Để thi đỗ, để có bằng cấp, để tìm được một địa vị xã hội? Quả thực tôi cũng muốn em thi đỗ, có bằng cấp, tìm được việc làm, có được một địa vị trong xã hội. Nhưng nếu mục đích của sự học mà chỉ như thế thì thời gian nấu sử sôi kinh của em sẽ trở thành một phương tiện mất, và trở thành một cách oan uổng. Thời gian học tập là một thời gian quý báu, không thể được xem như một thời gian khổ sai. Biết bao nhiêu người rời học đường bước vào trường đời rồi mới nhận thấy rằng thời học trò là thời sung sướng nhất. Thế nhưng hầu hết chúng ta đều mong cho cái thời gian hoàng kim ấy qua mau để chóng được giải thoát khỏi sự học. Như thế là chúng ta đã nhận thức sự học tập như là một công việc quá nặng nhọc và không có sinh thú. Điều đó là một sự dại dột và thiệt thòi. Chỉ cần một thời gian chiêm nghiệm và một vài phương pháp áp dụng là chúng ta có thể chuyển đổi sự học hành thành một nguồn lạc thú. Tôi biết rõ tất cả những bực mình của các em về chương trình, về lề lối giảng dạy, thi cử, về tiêu chuẩn xét định giá trị học lực và bằng cấp. Tôi sẽ nói đến những vấn đề ấy, nhưng trước tiên tôi muốn em hãy nhìn lại sự bực mình của chính em. Những sự bực bội kia sở dĩ ra cũng do em một phần không nhỏ.Và cũng do những người thực sự yêu thương em nữa.Như các bậc phụ huynh chẳng hạn. Họ mượn em chăm học, nhưng mà họ không biết làm cho em tìm thấy lạc thú trong sự khám phá kiến thức. Động cơ của sự ham học hầu chỉ nằm ở mảnh bằng, ở địa vị tương lai của em trong xã hội. Động cơ cuả sự học, trước hết, đáng lẽ phải được tìm nơi những lạc thú của khám phá, đi tìm kiến thức, mở rộng chân trời kiến thức.

Em than phiền về chương trình, em than phiền về lề lối giảng dạy của các giáo sư. Cố nhiên là chương trình ấy lề lối giảng dạy ấy có những khuyết điểm. Tuy nhiên xét lại ta vẫn thấy rằng tại vì ta thiếu khao khát tìm học hỏi. Chương trình tú tài hoặc những chứng chỉ đại học mà em đang theo học, thực ra, không đến nỗi dở, không đến nỗi “bỏ đi”. Chúng chứa đựng những đề tài rất hay nhưng tại em thiếu sự khao khát tìm hiểu cho nên chúng trở nên nghèo nàn. Em cũng biết ngày xưa có người học sinh ngữ mà không có tự điển nghiên cứu, không có thư viện, không có tài liệu. Thế mà vì khao khát học hỏi họ thành công hơn những người hiện có trong tầm tay mình hầu hết các phương tiện để thành công. Đã có khi nào em thầm cám ơn sự hiện diện của một cuốn tự điển chưa, một tài liệu tham khảo, một cuốn sách hay chưa? Chúng ta giàu quá, và chúng ta đã khinh thường. Cái môn sử địa hay công dân ấy có lúc ta thấy no đến tận cố là tại vì ta thiếu sự ham thích, sự khao khát. Có một lúc nào đó ta sẽ lục lại sách vở, tắm mình trong biển tài liệu để đi tìm những điều ta khát khao hiểu biết về các môn đó. Tôi có nói với em một lần rằng trong ta luôn luôn có nhu yếu khám phá tìm hiểu. Chỉ tại vì ta đã tiêu phí năng lực của ta vào những hoạt động không chínhđáng và không cần thiệt ta mới trở thành lơ lửng không thiết tha đến sự học hỏi tìm biết. Em hãy tìm nếm hương vị ngọt ngào và say mê của sự học hỏi, và em sẽ thấy chúng cũng có hấp dẫn lực lớn lao như các bộ môn thể thao hay nghệ thuật vậy. Nếu không, tại sao đã có những người để ra hai ba mươi năm hay trọn đời để mà chỉ nghiên cứu về một vấn đề.

Nếu em không thích học thì em không thể chăm học được. Vì vậy phải đánh thức sự khát khao hiểu biết trong em dậy. Có những phương pháp giúp em thực hiện trong đó tôi thấy có phương pháp giữ gìn sinh lực đừng cho phân tán vào những hoạt động không đâu và phương pháp gần gũi với những người thích học. Cố nhiên những người này không phải là những người “học gạo” - những người này, trong số đó có giáo sư và sinh viên, hay tìm gặp nhau để đàm luận, trao đổi và chia xẻ những lạc thú của sự khám phá. Tôi đã có đi dạy học và nhiều khi nhờ tiếp xúc với vài ba người sinh viên ham chuộng hiểu biết thôi, thế mà tôi cũng được lây sự hăng hái và cỏ thêm nhiều lạc thú trong sự nghiên cứu và trao đổi. Tôi cám ơn họ và tôi nghĩ rằng trong một lớp học mà không có một vài người học với tinh thần đó thì lớp học sẽ rất buồn tẻ. Có nhiều lớp học buồn tẻ thật vì sinh viên trong lớp chỉ muôn học để thi đỗ. Rất ít khi họ hỏi tôi về tài liệu và phương pháp khảo cứu; họ cứ hỏi tôi về bài giảng để họ có thể học thi. Như vậy thì chính tôi, tôi cũng phải xuống tinh thần. Tôi thường nói: thi đỗ thì không khó, nhưng mà học không phải chỉ là để thi đỗ. Học là để biệt, để khám phá. Có những lớp học mà giáo sư giảng không biết mệt, đàm luận không biết mệt, chỉ vì trong đó có vài người thích học. Tôi đã dạy trong một chứng chỉ triết và tôi ưa chứng chỉ này lắm chỉ vì trong lớp có một người lớn tuổi rất ham học. Người này là một bà khoảng gần sáu mươi tuổi, họ cố nhiên không phải vì muốn có bằng cấp mà vì sự hiểu biết. Bà theo dõi tôi rất chăm chú và hai con mắt của bà chứng tỏ rằng bà tìm thấy rất nhiều hứng thú trong sự học. Hồi tôi giảng về triết Duy Thức ở Columbia, có một bà mẹ Công giáo, mother Fiske, giáo sư trường nữ đại học Manhattanville, đến dự thính. Bà không bỏ qua một giờ nào. Lại có một người bạn họa sĩ cũng đến ghi tên học. Thành thử chúng tôi đã làm việc hăng hái với nhau trong suốt giảng khóa. Mỗi người đều viết một thiên tiểu luận, và trước khi viết ai cũng có dịp trình bày đề tài và phương pháp của mình trong lớp để mọi người có thể góp ý của họ cho thiên tiếu luận. Kỳ thi ấy, ai cũng đỗ điểm cao.

Nhưng mà sự khát khao hiểu biết đôi khi có liên hệ tới những yếu tố khác ví dụ tính cách cấp thiệt và thực dụng của một số kiến thức. Cố nhiên ta khát khao hiểu biết về mọi sự, nhưng trong tình trạng sinh hoạt xã hội ta, ta thấy có nhiều vấn đề cần được giải quyết ước muốn giải quyết các vấn đề ấy cũng là một động lực đẩy ta đi tới khảo cứu, khám phá và tìm tòi giải đáp. Cuộc sống luôn luôn nhắc nhở ta, thúc đẩy ta đi khảo cứu học hỏi và tìm tòi những lời giải đáp ít khi chúng ta có thể sống trong tháp ngà được. Ta phải sống hiện thực trong cuộc đời và do đó ta phải đi tìm giải đáp, đi tìm lối thoát cho những vấn đề của chúng ta. Quốc gia Việt Nam là một quốc gia đang phát triển (đang phát triển có nghĩa là chưa phát triển, và cũng có nghĩa là chậm tiến) ta có những đề tài học hỏi vô cùng quan trọng, cấp thiết, và thực dụng; những vấn đề thuộc phạm vi kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, lịch sử. Những năm gần đây, tôi bắt buộc phải xếp bớt các sách về Phật học, về triết học tôn giáo, để chong đèn: đọc về phát triển cộng đồng, hợp tác xã phân bón, nuôi gà vịt, v.v.. Cũng tại vì tôi thấy cần đóng góp một phần vào công việc xây dựng nông thôn. Bốn năm trước đây, tôi không có hứng thú gì về các vấn đề đó. Nhưng gần đây tôi đã biết đọc, biết tìm hiểu một cách say mê về chúng, cũng bởi vì tính cách thực dụng của các kiến thức kia thúc đẩy. Tôi lấy tôi làm thí dụ để cho em thấy một trường hợp có thể tin cậy. Vậy thì trong niềm khao khát hiểu biết, ta không thể không quên rằng trong tình trạng đất nước hiện thời, có những đề tài cấp thiệt cần được tìm hiểu, khảo cứu, để ta có thể đóng góp vào sự xây dựng lại đất nước bằng sự hiểu biết và bằng sự thực hành của chúng ta. Cái học biết hướng về hiện thực ấy, tôi gọi là cái học “khế cơ”. Với lại chúng ta cần có tinh thần phê phán độc lập và khách quan. Chúng ta đừng tin tưởng quá ở giá trị của các sách giáo khoa. Chúng ta phải cố gắng sưu tầm thêm, nghiên cứu thêm, và đừng bao giờ cho rằng ta không thể vượt cao hơn sách và hơn thầy. Chúng ta phải vượt chứ, và vượt sau khi đã biết rõ sách và biết rõ thầy. Rồi chúng ta đừng ôm chặt lấy mớ kiến thức đã thâu lượm được và cho đó là hay nhất, cao nhất. Phải nhớ rằng chúng, chính những kiến thức ấy, cũng cần được vượt. Như thế ta có thái độ cởi mở, cầu tiến, không bo bo cố thủ, không giữ quyến chân lý, không trở nên độc tài và cuồng tín. Thái độ đó tôi gọi là thái độ “phá chấp”. Và cuối cùng, ta không được tự mãn với một số những lý luận thiếu kiểm chứng. Phải coi chừng cái biết lý thuyết, cái biết sách vở. Cái biết đó không chắc thực, không có nền móng vững chãi ở hiện thực, có thể đi lạc rất xa, không phù hợp với hiện thực. Hãy đừng mất liên lạc với thực tại, hãy gần gũi với các dữ kiện của thực tại, hãy luôn luôn kiểm chứng lại và chỉ tin tưởng ở những hiểu biết nào có tính cách phù hợp với thực tại. Tôi gọi cái học ấy là cái học “thực chứng”.

Bằng cách ham học của em, bằng những khát khao hiểu biết của em hướng về nẻo khế cơ, phá chấp và thực chứng, em có thể chuyển đổi được cả không khí của lớp học. Em sẽ làm cho các vị giáo sư thêm hứng khởi, em sẽ làm cho họ biết lo học hỏi thêm lên, lo nghiên cứu thêm lên, và đối với những vị xem dạy học là một công trình đổi chác, em cũng có thể khiến cho họ thay đổi hẳn. Em không biết rằng em đóng một vai trò khá lớn trong việc cách mệnh giáo dục. Cách mệnh giáo dục không hẳn đã có thể được thực hiện bằng những đạo luật thay đổi chương trình, mở lớp tu nghiệp cho giáo sư thay đổi thể chế thi cử.... Em đóng một vai trò quan trọng lắm mà em không biết. Điều này tôi mong em chiêm nghiệm cho kỹ lưỡng. Nếu em thực hiện được sự ham học hướng về khế cơ, phá chấp và thực chứng thì chính từ chương trình tú tài hay chương trình đại học hiện thời cũng có thể xuất hiện những sinh khí mới, những giác sắc mới. Thế rồi những môn mà em thay “ứ đến cổ” ấy cũng sẽ trở nên hấp dẫn vô cùng cần thiết vô cùng. Để rồi em thấy chúng có liên hệ mật thiết đến đời sống em, đời sống dân tộc em, liên hệ nhiều hơn em đã tưởng. Còn nếu em không thực hiện được điều đó thì tôi tưởng chương trình có thay đổi ba mươi lần cũng không tạo được một cái gì đáng kể. Nếu em học như là đi mua một ít kiến thức để đi thi thì vị giáo sư cũng sẽ dạy như là bán cho em một ít kiến thức để đi thi. Đó là một điều có thực và rất đáng buồn cho hiện tình giáo dục.

Em nói: sở dĩ em phải học theo kiểu ấy là tại vì em đang cần bằng cấp Em khinh thường bằng cấp, em biết rõ giá trị thực của bằng cấp; nhưng sở dĩ em phải “giật” cho được bằng cấp cũng là vì em phải có bằng cấp mới “sống” được. Điều đó tôi cũng hiểu. Em cứ việc giật bằng cấp đi, tôi có nói sao đâu. Nhưng mà đồng thời em cũng vẫn có thể học theo tinh thần khám phá được mà. Càng học như thế em càng phát triển nhân cách em; càng học như thế thì em càng trở nên cao thượng, nhiều tài năng, đạt được nhiều mến chuộng, nhiều kiêng nể. Đó há không phải là những yếu tố lớn để thành công sau này sao?

Tôi không thể không đồng ý với em về việc chúng ta phải xét lại vấn đề thi cử và bằng cấp. Có người nói: dù chúng ta có ý kiến gì hay đi nữa về vấn đề thi cử và bằng cấp thì chúng ta cũng chỉ nói cho nhau nghe chơi vui vậy thôi, chớ ta có quyền gì mà thực hiện. Tôi không nghĩ như thế. Tôi tưởng chưa chắc làm bộ trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục mà đã có quyền thực hiện những gì mình ước muốn trong lĩnh vực cách mệnh giáo dục. Tôi trở lại ý kiến trước kia là chính các em, chính tuổi trẻ, có thể đóng góp phần quan trọng nhất vào việc cách mệnh giáo dục mà không cần phải nuôi mộng làm bộ trưởng hay làm thủ tướng.

Để tôi trình bày em nghe. Chúng ta không dễ gì trong một sớm một chiều mà xô ngã được những tiêu chuẩn những khuôn khổ hiện thời xã hội đang dùng, bởi vì hiện có cả một sự thông đồng cấu kết của những thành phần được ưu đãi để bảo vệ cho những tiêu chuẩn và những khuôn khổ ấy. Bức thành thật là khó phá, dù cho đối với những người có chức vị có thẩm quyền như một ông bộ trưởng. Em cứ thử nhìn hiện tượng gian thương ở xứ ta.

Những kẻ gian thương mạnh lắm, khiến cho cả một nội các dù có thiện chí cũng vẫn thấy khó lòng loại họ ra ngoài vòng pháp luật. Vậy nếu không có một phong trào quần chúng và một kế hoạch có quần chúng tham dự, ta khó lòng thực hiện nổi những điều ta ước mơ. Ta vẫn phải kiên nhẫn đặt nền tảng cách mạng ngay ở hạ tầng, phải bắt đầu xây dựng từ dưới lên trên. Cái bằng tú tài hay cái bằng cử nhân tự nó nó không xấu, nhưng cách sử dụng những thứ bằng cấp ấy để làm những bức tường hạn chế, những bức tường giai cấp, những cơ sở bảo vệ cho quyền lợi của những giai cấp - ta gọi là những giai cấp bằng cấp - thì quả thực rất xấu xa. Hầu hết những người có bằng cấp dù không nói ra vẫn cứ âm thầm muốn bảo vệ cho quyền lợi của kẻ có bằng cấp và luôn luôn muốn cho ít người leo lên được địa vị của mình. Bởi vì nếu họ leo lên nhiều quá thì giá trị của bằng cấp sẽ không còn bao lăm nữa, tiền bạc và địa vị do bằng cấp bảo đảm sẽ không đáng là bao lăm nữa. Thành ra sự học hành chỉ là những khó nhọc cần thiết để mua một địa vị, một quyền lợi, và sự thi cử là những hạn chế cần thiết để bảo đảm cho địa vị và quyền lợi đó. Một nền giáo dục mà như thế thì thực là một niềm tủi hổ. Tuy vậy đó không phải là lỗi của kẻ đặt ra chương trình đặt ra sự thi cử. Đó là tội ác của sự cấu kết thông đồng của những kẻ được xã hội ưu đãi nhờ bằng cấp của họ. Để đập vỡ sự cấu kết thông đồng ấy, chúng ta phải có những cuộc vận động rộng rãi trên bình diện quần chúng. Chúng ta phải biết làm cách mệnh bằng cách không chịu thần phục những tiêu chuẩn những khuôn khổ hiện thời về thi cử. Chúng ta có thể không thừa nhận chúng, và không thừa nhận một cách tập thể. Chúng ta hãy vạch rõ cho giới tuổi trẻ và cả mọi giới thấy rằng để bảo vệ quyền lợi và địa vị họ, những kẻ được ưu đãi kia đã thông đồng cấu kết với nhau để chận đứng cả đà tiến thủ của một dân tộc, gây bao nhiêu điêu đứng cho một đa số những người trẻ tuổi và làm cho cả một nền học vấn trở nên xa cách lạc lõng và không thiết thực. Một mặt khác, chúng ta tạo nên tiêu chuẩn mới, giá trị mới và hô hào tuổi trẻ, đồng bào và những nhà trí thức chân chính hãy can đảm nhìn nhận các tiêu chuẩn mới, các giá trị mới ấy. Ngoài công cuộc vận động ấy không có cách gì để chúng ta có thể thực hiện được cách mệnh giáo dục, kể cả cách năn nỉ, viết thỉnh nguyện, viết kiến nghị cho các nhà hữu trách. Công việc khó nhọc, cần phải được thực hành một cách kiên nhẫn và có phương pháp, nhưng tuổi trẻ có thể làm được. Điều cần thiết nhất là đừng tìm con đường dễ dãi, con đường đầu hàng những tiêu chuẩn và những khuôn khổ hiện hữu.

Để tôi nói với em về một vài chi tiết của vấn đề. Lề lối thi cử bây giờ chỉ là những phương tiện hạn chế, ngăn cản người học sinh và người sinh viên không cho số người thi đỗ vượt lên quá mức cần thiết. Có nhiều cuộc thi tốt nghiệp hoặc thi vào trường mà được tổ chức như những cuộc thi tuyển. Số người đáng đỗ thì nhiều, nhưng số người cần lấy đỗ thì ít. Ta biết rằng nhờ có thi cử mà người sinh viên biết lo học. Nhưng ta không thể chấp nhận được một lối thi cử như lối thi cử hiện tại. Thi cử, như được tổ chức lâu nay, làm tốn của công quỹ một số tiền hết sức lớn lao. Có những lớp không thi, như đệ ngũ, đệ tam chẳng hạn, trong đó người học sinh thấy mình nhàn hạ hơn những người trong các lớp phải thi, như đệ tú và đệ nhị, rất nhiều. Và thời gian học thi làm tiêu phí thật nhiều sức khỏe của người họ. Ốm mòn, bệnh tật, yếu đuối, mất ngủ, thần kinh suy nhược cũng vì học thi. Uống thuốc không ngủ, tàn phá sức khỏe để mà học thi. Chỉ cần biết đến đỗ hay rớt chứ không cần biết đến cái học khám phá, cái lạc thú hiểu biết, cái tính cách cần thiết của các kiến thức. Chỉ cần biết học vẹt, học tủ nhảy hai lớp trong một năm. Cái đỗ và cái không đỗ cách xa nhau một trời một vực; đỗ là tắt cả, và không đỗ là không gì hết. Hằng hà sa số người thất chí, không bước vào trung học hay đại học cũng vì một ít hơn kém nho nhỏ, một ít may rủi nho nhỏ. Có những người thông minh học ít nhưng khi vào thi, có thể làm nên chuyện mười lần hơn những kẻ suốt năm cần cù. Đánh hỏng vì thiếu chỗ học và vì giữ quyền lợi cho kẻ đã đỗ. Mọi tiêu chuẩn xét định giá trị con người, ngoài tiêu chuẩn bằng cấp, đều bị bỏ quên. Tất cả những khuyết điểm to lớn ấy của chế độ thi cử hiện nay không thể nào được bù lắp bằng một ít lợi ích mà người ta nêu lên: lợi ích khuyến khích học hành, lợi ích có phương tiện tuyển lựa người có thực học. Ta vẫn có thể áp dụng những thể chế học tập và thi cử khác. Chúng ta có thể hủy bỏ thể lệ thi cử và cấp phát các thứ bằng cấp tú tài và cử nhân hiện nay mà vẫn có thể kiểm soát được sự làm việc của người sinh viên. Thay vì thi một lần ở cuối năm, ta có nhiều kỳ thi trong một năm, để kiểm soát sự làm việc ấy và cũng để thúc đẩy người sinh viên làm việc đều đặn. Trường học phải kiểm soát sự chuyên cần và sự làm việc của người sinh viên. Giáo sư phải theo dõi sự tiến bộ của sinh viên. Tất cả các thành tích đều được ghi vào học bạ. Môn nào kém, thi không đủ điểm thì học sinh chỉ cần học và thi lại môn đó mà không cần phải bỏ phí cả một năm để “ở lại”. Mùa hè có thể là thời gian trau dồi môn mình kém để thi lại. Như thế những oan uổng do thi cử gây nên sẽ được loại trừ gần hết. Học xong trung học, người học sinh sẽ được cấp phát chúng chỉ tốt nghiệp trung học, và tỷ số người nhận chứng chỉ tốt nghiệp trung học so với tỷ số người đỗ tú tài toàn phần bây giờ sẽ cao hơn nhiều. Như thế có nghĩa là số người thi hỏng, bỏ học, trở nên bất đắc chí sẽ trở thành không đáng kể. Trên thực tế, ta thấy có những người giỏi hơn những sinh viên đại học nhưng không có điều kiện vào đại học, cũng chỉ vì họ là nạn nhân của sự thi cử ở xứ ta, hình như ai cũng nghĩ rằng học sinh các trường trung học công lập là giỏi hơn các trường tư. Thực ra, ta chỉ có thể nói rằng trường công có kỷ luật hơn trường tư, và không có hiện tượng nhảy lớp và phát chúng chỉ bất hợp pháp như một vài trường tư. Thế nhưng không thể nói rằng học trò trường công giỏi hơn học trò trường tư. Một trường tư nếu biết xây dựng nghiêm chỉnh uy tín mình thì sẽ không bao giờ mời những giáo sư dở vào dạy và cũng sẽ không bao giờ vi phạm kỷ luật của chính mình. Giá trị của chứng chỉ tốt nghiệp trung học được thành lập trên uy tín của trường trung học mà người ta theo học. Nếu các trường được tự do phát triển và cạnh tranh về mặt uy tín thì nền học vấn càng ngày càng trở nên nghiêm chỉnh, tiến bộ. Các trường dở và thiếu kỷ luật học tập sẽ tự nhiên bị đào thải. Thi vào đại học hoặc thi vào một công hay tư sở chẳng hạn, chỉ có những ai tốt nghiệp ở các trường trung học danh tiếng mới có thể đỗ. Chứng chỉ tốt nghiệp của một trường trung học danh tiếng, lắm khi đã có thể bảo đảm cho người thí sinh được rồi. Và thành tích trong học bạ nữa. Tỷ số những người được nhận vào các đại học hay vào các công tư sở bảo đảm cho uy tín của trường trung học đã phát bằng tốt nghiệp cho học. Những trường không có uy tín ấy sẽ không có ai theo học và phải đóng cửa Bộ Quốc Gia Giáo Dục có thể làm công việc kiểm soát và nâng đỡ các trường tư thục. Chắc chắn là có nhiều tư thục sẽ trở lên danh tiếng hơn cả các trường công lập. Vấn đề học nhảy và vấn đề cấp phát chứng chỉ và học bạ không đứng đắn là hai vấn đề phải giải quyết trước tiên. Thi cử nếu tổ chức đều đặn thì học sinh sẽ làm việc đều đặn, ngay từ đầu năm, và không phá hoại sức khoẻ mình để học rút ở cuối năm. Ngân khoản tổ chức thi cử sẽ để dành lo những việc hữu ích như học bổng, như sách giáo khoa, như nhân viên kiểm soát lưu động. Khi số người bị loại bởi các kỳ thi tú tài không còn nữa thì số người có chứng chỉ tốt nghiệp trung học sẽ nhiều hẳn lên và xấp xỉ số người học ở các lớp đệ nhị, đệ nhất. Không ai theo học đàng hoàng mà lại không tốt nghiệp cả. Ta loại bỏ được các hiện tượng bất đắc chí, tự tử, mặc cảm, may rủi, những hiện tượng đáng kể đang rạch nát thế hệ tuổi trẻ. Số người tốt nghiệp trung học đông thì số trường đại học cũng tăng lên. Nước ta cần chừng mười trường đại học, những trường này có đường lối phát triển riêng của mình. Những trường này cũng cần xây uy tín của họ, cũng cần cạnh tranh về uy tín chuyên môn và bổ túc cho nhau. Nếu ta chỉ có một trường đại học thôi thì những trường ấy sẽ làm trời làm đất và không chịu nghe lời xây dựng của kẻ khác để cải tiến và phát triển. Chính quyền phải nâng đỡ cho các trường đại học được thành lập trên toàn quốc, cung cấp điều kiện, mời giáo sư giỏi và đào tạo giáo sư giỏi cho mỗi trường.

Các trường đại học căn cứ vào giá trị và uy tín của trường trung học đã cấp phát chứng chỉ tốt nghiệp trung học để nhận sinh viên vào trường. Học bạ cũng sẽ dược dùng làm tài liệu xét định. Nếu cần, sẽ có thêm một cuộc thi trắc nghiệm nữa.

Ở các trường đại học, các chứng chỉ mười giờ, hay mười hai giờ, cần được chẻ ra làm nhiều chứng chỉ nhỏ. Có thể gọi những chứng chỉ đó là những giảng khóa ; những giảng khóa như thế chỉ có chừng ba giờ học mỗi tuần và thi ít nhất là hai lần trong một năm. Chương trình sơ cấp đại học (cử nhân bây giờ) sẽ có chừng mười tám giảng khóa như vậy. Thi đủ điểm được hai mươi giảng khóa như thế thì được cấp văn bằng tốt nghiệp. Thi thiếu điểm giảng khóa nào thì chi cần học và thi lại giảng khóa ấy. Chứ không phải vì thiếu điểm môn ấy mà các môn khác cũng “rớt” theo. Chúng ta tránh được sự “ở lại”, oan uổng trong một năm. Mỗi năm sinh viên có thể theo học năm giảng khóa (I5 giờ học mỗi tuần) và như vậy trong bốn năm có thể học xong được hai mươi giảng khóa - Họ không cần lo lắng đèn xanh người mỗi khi kỳ thi cuối năm tới. Nhưng họ phải đọc sách, nghe giảng, thuyết trình, viết tiểu luận và thi trắc nghiệm suốt từ đầu đến cuối năm.

Nhiều nước tiên tiến đang áp dụng lề lối học tập và thi cử như thế và số người tốt nghiệp sơ đẳng đại học (undergraduate) so với tỷ số sinh viên tốt nghiệp đại học của ta thì nhiều hơn bội phần. Do đó số người theo học cấp cao đẳng đại học (graduate) cũng nhiều và cơ hội cho nhân tài xuất hiện cũng nhiều hơn trong trường hợp ta gấp bội. Ở xứ ta, lên được vào đại học đã là “oai” lắm rồi; tốt nghiệp cử nhân thì lại càng hiếm lắm. Có bao nhiêu người được ghi tên học cao học và tiến sĩ? Các kỳ thi tú tài và cử nhân, lợi khí bảo vệ cho quyền lợi thiểu số có bằng cấp là mồ chôn của bao nhiêu thanh niên thiếu nữ.Tôi thù ghét độc địa thể lệ học hành thi cứ ấy. Tôi oán trách những lưỡi dao ác nghiệt, những cánh cửa sắt uy nghiêm và lạnh lùng ấy. Tôi đang nghe người ta nói: phải giữ giá trị cho bằng tú tài, phải giữ giá trị cho bằng cử nhân. Chúng ta có cần giá trị ấy đâu. Chúng ta chỉ cần phá tung những gông cùm tàn ác bít lắp đường tiến thủ của một số rất lớn những người tuổi trẻ. Ở các nước người tốt nghiệp đại học (college graduate), kể cả ở Phi và ở Úc, nhiều như khoai lang bên xứ mình. Nhiều thì cố nhiên là mất giá. Nhưng nếu chỉ vì sợ mất giá mà kìm hãm bít lắp đường tiến thủ của tuổi trẻ thì đó là một tội ác với dân tộc, với tổ quốc.

Ta cần có thêm hằng ngàn bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư và chuyên viên khác. Cố nhiên số người tốt nghiệp càng nhiều thì giá trị (giá trị? thực ra là quyền lợi) sẽ xuống bớt - Ta cần phát triển quốc gia, phụng sự dân chúng nghèo khổ, hơn là cần bảo vệ quyền lợi cho những người có bằng cấp. Không phải nhờ đánh bóng thật nhiều mà bằng cấp trở thành có giá trị. Cần tổ chức sự học và sự thi cử lại cho hợp lý, cần phải làm cách mệnh tận gốc rễ. Có nhiều bác sĩ chẳng hạn, thì số lượng bác sĩ giỏi sẽ được tăng lên, và ta mới có được nhiều bác sĩ chuyên môn. Ta mới có thể loại trừ được hiện tượng độc quyền, làm giàu trên mồ hôi nước mắt người nghèo. Công bình xã hội mới có thể được thực hiện từ từ, và tính cách phục vụ và hữu hiệu của học vấn mới được chú trọng tới.

Trong khuôn khổ và khả năng của tuổi trẻ, ta có thể làm được gì ? Tôi đã nói với em rằng chúng ta phải có can đảm bắt đầu bằng một sự “không chấp nhận” những khuôn khổ những tiêu chuẩn cũ. Nghĩa là bằng thái độ “không đầu hàng”. Không đầu hàng ở đây có nghĩa là phải chịu hy sinh quyền lợi của mình để dám đi trên những con đường gai góc nhưng hứa hẹn nhiều cho tương lai dân tộc Trước hết em hãy thử quan sát, nghiên cứu và tố cáo những tội ác của sự cấu kẹt bảo vệ quyền lợi của thiểu số những người có bằng cấp. Bằng học tập, thảo luận, báo chí, em nêu lên cho quần chúng thấy ở những khuyết điểm Lớn lao trong chế độ học hành và thi cử hiện tại. Bằng những con số, những tài liệu chính xác, sống động mà em có thể thu lượm được rất dễ dàng, em trình bày cho quần chúng thấy cái lưới thi cử đang bổ chụp xuống đầu thế hệ trẻ tuổi để hạn chế sự tiến thủ của họ, để gây nên bao nhiêu tấn kịch thảm thương giữa họ. Em hãy liên kết với những bạn đồng chí hướng, gần gũi các bậc phụ huynh nào biết lo cho nền giáo dục mới, ủng hộ họ, nâng đỡ tinh thần cho họ. Em sẽ học thật giỏi và từ chối không dự những kỳ thi hiện tại. Em sẽ cổ động cho những tiêu chuẩn mới để xét định giá trị con người. Các tư sở các trường đại học tư thục sẽ chịu ảnh hưởng phong trào mới, dư luận mới, và cũng sẽ đi tiên phong trong việc áp dụng những tiêu chuẩn mới ấy. Rồi đến các công sở và các trung đại học công lập. Một số những bài báo viết rải rác đó đây không đủ để tạo nên cách mệnh giáo dục. Nhu yếu cách mệnh đường lối học tập và thi cử đã trở nên cấp bách rồi, ai cũng thấy như vậy. Nhưng chỉ có em, chỉ có sự liên kết của tuổi trẻ để vận động, để đòi hỏi, để tự tạo cho mình một thái độ một phương pháp mới có đủ sức giáng những đòn khá nặng trên sự cấu kết vừa ý thức vừa vô ý thức của những phần tử được xã hội ưu đãi. Việc là việc của đa số, của tuổi trẻ, của em. Em hãy biết rũ bỏ, biết khinh thường, biết đứng dậy. “Nổi loạn” bằng cách ấy đòi hỏi can đảm, kiên nhẫn, hy sinh và thời gian. “Nổi loạn” bằng cách ấy sẽ đóng góp lớn lao vào công việc giải phóng tuổi trẻ, giải phóng con người. Còn nếu chỉ phá phách đôi chút, biểu lộ thái độ bất mãn, bất cần, hoặc giả chỉ đày đọa thân thể em tâm hồn em thì em chỉ gây thêm khổ đau cho em và cho tất cả chúng ta, chứ không thay đổi được gì. Những “người lớn” như chúng tôi sẽ rất sung sướng tiếp tay với các em. Em hãy đứng dậy để cho chúng tôi cùng được đứng dậy.