22/5/09

TÌM NHAU - TRẦN HỒ DŨNG

TÌM NHAU

Trần Hồ Dũng


Tìm nhau tự cõi ngàn xưa

Tìm nhau qua ngọn gió đùa nghìn sau

Chợt trong giây phút linh cầu

Thấy nhau cuối giọt sương đầu nụ hoa


THD. Sài Gòn , 19.5.2009

THƠ : TÌM NHAU - TRAN HO DUNG

TÌM NHAU

              Trần Hồ Dũng


   Tìm nhau tự cõi ngàn xưa

Thấy nhau trong ngọn gió đùa nghìn sau


     Tìm trong giây phút linh cầu

Thấy con chim hát trên đầu ngọn cây


      Tìm nhau trong chiếc lá bay

Thấy nhau trong giọt sương lay đá vàng


        Tìm nhau trong giấc mộng tàn

Gặp nhau trong chốn thiên đàng bỏ quên


THD .Sai Gon  2009 - Washington  2012

13/5/09

Ian Bremmer: Chủ nghĩa tư bản nhà nước đã tới tuổi trưởng thành ...

Ian Bremmer: Chủ nghĩa tư bản nhà nước đã tới tuổi trưởng thành - phải chăng thị trường tự do tới lúc cáo chung?

Trần Ngọc Cư dịch


Về tác giả: Ian Bremmer là Chủ tịch của Eurasia Group, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn về các rủi ro chính trị toàn cầu, có văn phòng tại New York, Washington, London và Tokyo. Công ti tư vấn này hiện có 100 nhân viên toàn thời gian và sử dụng một mạng lưới tri thức toàn cầu gồm khoảng 480 chuyên gia của 65 quốc gia. Tác phẩm bán chạy nhất của Bremmer, The J Curve: A New Way to Understand Why Nations Rise and Fall [Vòng cung chữ J: Một phương cách mới để tìm hiểu lẽ thịnh suy của các quốc gia], do Simon & Schuster xuất bản năm 2006, được tạp chí The Economist chọn là Sách trong năm (Book of the Year), 2006.
______________________
Từ Hoa Kì, sang châu Âu, và nhiều nơi khác của thế giới phát triển, chủ đích của làn sóng can thiệp của nhà nước vào sinh hoạt kinh tế quốc gia trong thời gian qua là nhằm giảm bớt cơn đau do cuộc suy trầm toàn cầu hiện nay gây ra và nhằm hà hơi tiếp sức cho các nền kinh tế bệnh hoạn sớm được bình phục. Trên tổng thể, chính phủ của các nước phát triển không có ý định quản lí sinh hoạt kinh tế vô hạn định. Nhưng, một ý định đối nghịch hiện nằm đằng sau những sự can thiệp tương tự trong thế giới đang phát triển: ở đó, việc nhà nước thọc mạnh bàn tay vào sinh hoạt kinh tế đang báo hiệu một sự bác bỏ có ý nghĩa chiến lược đối với lí thuyết thị trường tự do.
Các chính phủ, chứ không phải cổ đông tư nhân (private share holders), hiện làm chủ các công ti dầu lớn nhất thế giới và kiểm soát ba phần tư kho dự dữ năng lượng thế giới. Những công ti thuộc các lãnh vực khác, hoặc là quốc doanh hoặc liên doanh với nhà nước, đang ngày một gia tăng sức mạnh thị trường trong các khu vực kinh tế chủ yếu của các nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các “quĩ tài sản quốc gia” (sovereign wealth funds, SWF), một từ mới được nặn ra để chỉ các danh mục đầu tư do nhà nước làm chủ, có trị giá tương đương với một phần tám đầu tư toàn cầu, và tỉ lệ đó đang tăng lên. Những khuynh hướng này đang biến đổi chính trị quốc tế và kinh tế toàn cầu bằng cách chuyển giao đòn bẩy quyền lực và ảnh hưởng kinh tế ngày một to lớn vào tay chính quyền trung ương. Chúng đang thúc đẩy một hiện tượng to lớn và phức tạp của chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Chưa đầy 20 năm về trước, tình hình trông thật khác hẳn với bây giờ. Sau khi Liên Xô quị xuống dưới sức nặng của nhiều mâu thuẫn nội bộ, giới lãnh đạo mới của điện Cẩm Linh đã nhanh chân ôm lấy mô hình kinh tế phương Tây. Những chính phủ non trẻ của các cộng hòa và các chư hầu Xô viết cũ cũng cổ vũ những giá trị chính trị phương Tây và bắt đầu gia nhập những liên minh với phương Tây. Trong khi đó, tại Trung Quốc, những cải tổ theo hướng thị trường tự do, được phát động một thập niên trước, bắt đầu thổi một luồng sinh khí mới vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những nước tân hưng theo kinh tế thị trường, như Bra-xin, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kì, đã bắt đầu giảm điều tiết nền kinh tế thiếu sinh khí của mình và gia tăng quyền hạn cho các hoạt động tự do kinh doanh trong nước. Khắp tây Âu, những đợt tư hữu hóa dồn dập đã cuốn phăng vai trò quản lí của nhà nước tại nhiều công ti và trong nhiều khu vực kinh tế. Số thương vụ gia tăng nhanh chóng. Việc toàn cầu hóa quyền lựa chọn của giới tiêu thụ và các nguồn cung cấp, các luồng vốn và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kĩ thuật và canh tân, đã củng cố những khuynh hướng này nhiều hơn nữa.
Nhưng cơn thủy triều của thị trường tự do hiện đang rút xuống. Thế vào chỗ đứng của nó là chủ nghĩa tư bản nhà nước, một hệ thống trong đó nhà nước thực hiện chức năng của một lực tác động kinh tế hàng đầu và sử dụng thị trường chủ yếu vì mục đích chính trị. Xu thế này đã và đang nhen nhúm một sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu mới mẻ, không phải giữa các ý thức hệ đối nghịch mà giữa các mô hình kinh tế cạnh tranh nhau. Và với quyền lực chính trị xâm nhập vào quá trình ra quyết định kinh tế, một bối cảnh hoàn toàn mới mẻ trong đó có kẻ thắng người thua đang dần dần xuất hiện.
Trong thời kì Chiến tranh lạnh, những quyết định do các nhà quản lí các nền kinh tế chỉ huy Xô viết và Trung Quốc làm ra ít có ảnh hưởng lên các thị trường phương Tây. Lúc đó, các thị trường mới nổi (emerging markets) ngày nay chưa xuất hiện. Nhưng bây giờ, các quan chức nhà nước tại các thủ đô như Abu Dhabi, Ankara, Bắc Kinh, Brasília, Mexico City, Mát-xcơ-va, và New Delhi cũng có quyền ra các quyết định kinh tế — về đầu tư chiến lược, về sở hữu nhà nước và điều tiết kinh tế — và những quyết định này lại có khả năng tác động lên thị trường toàn cầu. Sự thách đố, mà mô hình chủ nghĩa tư bản do nhà nước quản lí này đặt ra, đang trở nên gay gắt hơn vì cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu. Bây giờ là lúc những người cổ vũ tự do mậu dịch và thị trường mở cửa cần phải chứng minh giá trị của những hệ thống này cho một khối thính giả quốc tế ngày càng có nhiều hoài nghi.
Sự phát triển của hệ thống tư bản nhà nước không hoàn toàn tùy thuộc vào sự xuống dốc quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kì so với quyền lực và ảnh hưởng của những quốc gia tân hưng (emerging states). Nếu chính phủ của các quốc gia mới nổi này chịu đi theo chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, thì thị phần đang sa sút (declining market share) của Hoa Kì trên thị trường thế giới đã được bù đắp lại bằng những thành quả toàn cầu về hiệu năng và năng suất. Trong khi đó, sự vươn dậy của hệ thống tư bản nhà nước đã gây nhiều tổn thất to lớn về hiệu năng cho các thị trường toàn cầu và đã đưa các chính sách mị dân vào tiến trình ra quyết định kinh tế.
Những tác nhân chính
Hệ thống tư bản nhà nước có bốn tác nhân chủ yếu: các tập đoàn dầu khí quốc gia, các xí nghiệp quốc doanh, những công ti quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ (privately owned national champions), và các quĩ tài sản quốc gia (sovereign wealth funds, SWF).
Khi nghĩ đến “anh cả dầu khí” (big oil), điều trước tiên mà hầu hết người Mĩ nghĩ đến là các tập đoàn đa quốc như BP, Chevron, ExxonMobil, Shell, hay Total. Nhưng 13 công ti dầu khí lớn nhất thế giới, dựa vào trữ lượng, lại do các chính phủ làm chủ và điều hành — những công ti như Saudi Aramco của Ả-rập Xê-út; Công ti dầu khí quốc gia của I-ran; Petróleos de Venezuela, S.A. của Vê-nê-du-ê-la; Gazprom và Rosneft của Nga; Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc; Petronas của Ma-lai-xi-a; và Petrobras của Bra-xin. Những công ti quốc doanh này kiểm soát 75 phần trăm trữ lượng và sản lượng dầu toàn cầu. Một số chính phủ, khi thấy được những lợi thế gắn liền với việc nhà nước khống chế các nguồn năng lượng, đã triển khai quyền kiểm soát của mình qua các nguồn lực gọi là các tài sản chiến lược khác. Hiện nay, các công ti đa quốc do tư nhân làm chủ sản xuất chỉ 10 phần trăm lượng dầu trên thế giới và làm chủ chỉ 3 phần trăm trữ lượng dầu toàn cầu. Và ở nhiều nơi trên thế giới, những công ti này phải cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với các chính phủ hiện đang làm chủ và điều hành các đối thủ thương mại to lớn và dồi dào tài chính hơn.
Trong những khu vực đa dạng như ngành biến chế phụ sản dầu, ngành điện lực, công nghiệp khai thác mỏ, ngành sản xuất sắt thép, ngành quản lí bến cảng và vận chuyển đường biển, ngành sản xuất vũ khí, xe hơi, máy móc hạng nặng, ngành truyền thông viễn liên, và ngành hàng không, ngày càng có nhiều chính phủ không chịu dừng lại ở việc điều tiết thị trường (regulating the market). Thay vì vậy, những chính phủ này lại muốn sử dụng thị trường để củng cố tư thế chính trị nội bộ của mình. Những xí nghiệp quốc doanh là công cụ giúp cho các chính phủ đạt mục tiêu này phần nào, bằng cách hợp nhất thành những khu vực công nghiệp to lớn [để thao túng thị trường, DG]. Công ti Endiama (kim cương) của Ăng-gô-la, công ti AzerEnerji (điện lực) của A-déc-bai-dan, công ti Kazatomprom (uranium) của Ca-dắc-xtan, và Office Chérigien des Phosphates của Ma-rốc — tất cả những công ti quốc doanh này đều giữ vai trò quan trọng nhất trong khu vực kinh tế riêng của chúng (their respective sectors) ở trong nước. Một số công ti quốc doanh đã phát triển đến mức cực lớn, đáng lưu ý nhất là những công ti độc quyền xuất khẩu vũ khí và sản xuất điện thoại dây của Nga; Trung Quốc có công ti độc quyền ngành nhôm, công ti bán độc quyền (duopoly) đường tải điện, các công ti viễn liên và hàng không dân dụng quan trọng; Ấn Độ thì có công ti đường sắt quốc gia, một trong những công ti trên thế giới có số nhân viên dân sự đông nhất, với hơn 1 triệu 400 ngàn nhân viên.
Một xu thế gần đây hơn đã làm cho hiện tượng này trở nên phức tạp. Trong một số quốc gia đang phát triển, nhiều đại công ti mặc dù vẫn nằm trong tay tư nhân nhưng lại dựa vào sự bảo trợ của chính phủ qua các hình thức như tín dụng, hợp đồng, và tiền trợ cấp. Những quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ nhưng được nhà nước ưu đãi này hưởng được nhiều cơ hội thuận lợi từ phía chính phủ, trong khi đó chính phủ lại coi những đại gia này như một phương tiện để cạnh tranh với các công ti thuần túy thương mại nước ngoài. Nhờ vậy các công ti quán quân quốc gia (national champions) có thể giành lấy một vai trò nổi bật trong nền kinh tế quốc nội và trên các thị trường xuất khẩu. Để rồi, những công ti này lại dùng ảnh hưởng của mình với chính phủ để nuốt chửng những đối thủ cỡ bé ở trong nước, đồng thời củng cố sức mạnh của công ti như là một thứ trụ cốt của hệ thống tư bản nhà nước.
Ở Nga, bất cứ một doanh nghiệp lớn nào muốn thành công đều phải có quan hệ tốt đẹp với nhà nước. Các doanh nghiệp quán quân quốc gia này đều nằm trong tay một thiểu số đầu sỏ chính trị (oligarchs), những cá nhân rất được lòng điện Cẩm Linh. Những công ti như Norilsk Nickel (khai thác mỏ); công ti luyện kim Novolipetsk Steel (NLMK); và Evraz, SeverStal, Metalloinvest (ngành thép) rơi vào loại này. Ở Trung Quốc, cũng có những doanh nghiệp quán quân quốc gia, mặc dù nhóm chủ nhân cơ sở (ownership base) của mỗi công ti có phần đông đảo hơn và ít nổi bật hơn: vương quốc hàng không AVIC (the Aviation Industries of China), Huawei (viễn liên), và Lenovo (điện toán) đều đã trở thành những đại gia được nhà nước ưu đãi (state-favored giants) và do một thiểu số doanh nhân “có quen biết lớn” điều hành. Nhiều dạng thức quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ nhưng được nhà nước ưu đãi cũng đã mọc lên ở nhiều nước khác, kể cả những nước tương đối vẫn còn theo kinh tế thị trường tự do: như ở An-giê-ri có công ti Cevital (công nghiệp canh nông), ở Ấn độ có công ti Tata (xe hơi, sắt thép, và hóa chất), ở Ix-ra-en có công ti Tnuva (thịt và bơ sữa), ở Li-băng có Solidere (công ti xây dựng), ở Phi-lip-pin có tập đoàn San Miguel (công ti biến chế đồ ăn thức uống).
Nhiệm vụ giúp vốn cho những công ti này phần nào thuộc về các quĩ tài sản quốc gia (SWF), và sự kiện này đã nâng tầm cỡ và ảnh hưởng của những quĩ đó lên rất nhiều. Các chính phủ đều biết họ không thể tài trợ các công ti quán quân quốc gia của mình bằng cách chỉ việc in thêm tiền; vì nếu làm vậy, rốt cuộc nạn lạm phát sẽ bào mòn giá trị tài sản của các đại gia ấy. Còn nếu lấy tiền trực tiếp từ ngân sách quốc gia ra mà tài trợ, thì việc này sẽ gây ra thâm thủng trong tương lai nếu không may tình hình kinh tế trở nên tồi tệ. Vì thế, các quĩ tài sản quốc gia (SWF) đã đảm trách một vai trò to lớn hơn. Các quĩ này là nơi dự trữ số ngoại tệ thặng dư kiếm được từ việc xuất khẩu các thương phẩm hay hàng hóa chế tạo. Nhưng các quĩ SWF có nhiều chức năng hơn những trương mục ngân hàng. Đây là những quĩ đầu tư do nhà nước làm chủ, với các danh mục đầu tư hỗn hợp gồm có ngoại tệ, trái phiếu nhà nước, bất động sản, quí kim, và các phần hùn trực tiếp - và đôi khi sở hữu phần lớn — một số hãng xưởng ở trong và ngoài nước. Giống như tất cả quĩ đầu tư, các quĩ SWF cũng nhắm vào lợi nhuận tối đa. Nhưng đối với giới tư bản nhà nước (state capitalists), những lợi tức này có thể vừa có ý nghĩa chính trị vừa có ý nghĩa kinh tế.
Mặc dù được nổi bật trong vài năm qua, bản thân các quĩ SWF không có gì mới mẻ. Cục đầu tư Cô-oét (the Kuwait Investment Authority), quĩ SWF lớn thứ tư trên thế giới hiện nay, được thành lập năm 1953. Nhưng cụm từ “quĩ tài sản quốc gia” (sovereign wealth fund) được nặn ra lần đầu vào năm 2005, phản ánh việc nhìn nhận tầm quan trọng ngày một tăng của những quĩ này. Từ đó, thêm một số quốc gia đã gia nhập cuộc chơi: Dubai, Li-bi, Qatar, Hàn Quốc, và Việt Nam. Các quĩ tài sản quốc gia (SWF) lớn nhất hiện nay nằm trong tay Tiểu vương quốc Abu Dhabi, Ả-rập Xê-út, và Trung Quốc, còn Nga thì đang cố đuổi theo cho kịp. Nước dân chủ duy nhất có quĩ SWF đứng hạng 10 trên thế giới là Na Uy.
Quan hệ thiết thân
Một đặc điểm chủ yếu của hệ thống tư bản nhà nước là quan hệ thiết thân gắn bó nhà cầm quyền với những người điều hành các xí nghiệp. Cựu thủ tướng Nga Mikhail Fradkov hiện nay là chủ tịch của Gazprom, công ti độc quyền khí đốt của Nga. Còn cựu chủ tịch của Gazprom, Dmitry Medvedev, lại là tổng thống Liên bang Nga hiện nay. Tính năng động của chế độ “ô dù” (client-patron dynamic) đã đưa chính trị, chính khách, và giới thư lại vào tiến trình ra quyết định kinh tế ở một mức độ chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Và chính tính năng động này đã gia tăng nhiều rủi ro cho hiệu năng của thị trường toàn cầu.
Một là, các quyết định thương mại thường được giao cho giới quan liêu chính trị, những người ít có kinh nghiệm trong việc quản lí các hoạt động thương mại một cách hiệu quả. Các quyết định của họ thường làm giảm tính cạnh tranh và vì thế cũng làm giảm hiệu năng của thị trường. Nhưng vì những công ti này có những ô dù chính trị đầy quyền lực và có lợi thế cạnh tranh nhờ tiền trợ cấp từ nhà nước, chúng tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn cho các đối thủ trong khu vực tư.
Hai là, những động lực nằm đằng sau các quyết định đầu tư thường là chính trị hơn là kinh tế. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn, biết rằng việc tạo ra thịnh vượng kinh tế là rất thiết yếu cho việc duy trì quyền lực chính trị. Đảng bèn gửi các tập đoàn dầu khí ra nước ngoài để nắm vững các nguồn cung cấp dầu khí dài hạn mà Trung Quốc cần đến để duy trì đà phát triển liên tục. Nhờ tài trợ của nhà nước, các công ti dầu khí quốc doanh này sẽ có nhiều thanh khoản (tiền mặt) để sử dụng hơn các đối thủ trong khu vực tư - và những công ti này sẵn sàng trả cao hơn giá thị trường cho các nhà cung cấp vật tư để thủ đắc các hợp đồng dài hạn. Nếu các tập đoàn dầu khí quốc gia cần chính phủ giúp thêm, lãnh đạo Trung Quốc có thể can thiệp bằng cách hứa hẹn cho quốc gia cung cấp nguyên vật liệu vay vốn phát triển.
Lối ứng xử này làm méo mó hiệu năng của các thị trường năng lượng bằng cách tăng phí tổn sản xuất dầu khí rồi bắt mọi người phải chi trả. Nó cũng tướt mất phần lợi nhuận dư dôi mà các công ti năng lượng đa quốc (do tư nhân làm chủ) cần sử dụng cho các dự án trường kì rất tốn kém, như thăm dò và sản xuất dầu khí từ các vùng biển sâu. Sự thể này do đó sẽ làm trì trệ việc khai thác các trữ lượng dầu khí mới, vì ít có tập đoàn dầu khí quốc doanh nào có đủ thiết bị và khả năng chuyên môn mà việc khai thác này đòi hỏi. Nói thế khác, hệ thống tư bản nhà nước nhiên hậu sẽ gia tăng chi phí và làm mất hiệu năng của hoạt động sản suất, bằng cách đưa chính trị và nạn tham ô ở cấp cao vào sự vận hành của các thị trường.
Nếu doanh nghiệp và chính trị được gắn liền với nhau, thì những bất ổn trong nước đe dọa giới thống trị ở chóp bu - và, nói trắng ra theo ngôn ngữ của họ, lợi ích quốc gia và những tiêu chí trong chính sách đối ngoại — bắt đầu mang tính nghiêm trọng hơn đối với các doanh nghiệp. Đối với các doanh gia ngoài cuộc, việc quán triệt các động lực chính trị này đã trở thành một sách lược nhằm đối phó tình hình. Nhiều công ti tư nhân hoạt động trong các thị trường mới lên đã học được giá trị của việc đầu tư thêm thì giờ vào việc triển khai quan hệ hữu hảo với cả giới lãnh đạo chính phủ, tức những nhân vật có quyền ban phát những hợp đồng béo bở, lẫn giới thư lại giám sát các khung pháp lí và điều tiết thiết yếu cho việc thực thi các hợp đồng này. Đối với các công ti đa quốc, việc chi phí thì giờ và tiền bạc này bề ngoài có vẻ là một xa xỉ trong thời buổi suy trầm kinh tế toàn cầu, nhưng để bảo vệ những đầu tư và thị phần (market share) ở nước ngoài, họ không thể làm khác hơn.
Nhà nước vào cuộc
Hệ thống tư bản nhà nước bắt đầu thành hình trong cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1973, khi các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) nhất trí cắt giảm sản lượng dầu để phản ứng chống lại hậu thuẫn của Hoa Kì dành cho Ix-ra-en trong Cuộc chiến Yom Kippur. Chỉ một sớm một chiều, dầu hỏa, thương phẩm quan trọng nhất của thế giới bỗng biến thành một vũ khí địa chính trị (geopolitical weapon), tạo cho các chính phủ những quốc gia sản xuất dầu hỏa một ảnh hưởng quốc tế to lớn chưa từng thấy. Như một công cụ chính trị, việc OPEC cắt giảm sản lượng dầu hỏa được sử dụng như một biện pháp cấm vận nhắm vào một số nước nhất định — đặc biệt là Hoa Kì và Hoà Lan. Như một hiện tượng kinh tế, cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã đảo chiều luồng vốn trước đó (the previous flow of capital), theo đó các quốc gia tiêu thụ dầu hỏa đã mua nhiều khối lượng dầu ngày càng lớn với giá khá rẻ nhưng lại bán cho các quốc gia sản xuất dầu hỏa những hàng hóa với giá thổi phồng. Từ góc độ của những thành viên OPEC, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt nhiều thập kỉ họ phải ở trong tình trạng bất lực chính trị và kinh tế, đồng thời dứt điểm luôn cái thời thuộc địa trong lịch sử quốc gia họ.
Cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã cho các quốc gia sản xuất dầu thấy rằng bằng hành động thống nhất, họ có thể kiểm soát mức sản xuất và giành về cho mình một phần to lớn hơn từ số lợi tức do các công ti dầu phương Tây tạo ra. Tiến trình này tỏ ra là dễ dãi hơn nhiều trong những trường hợp các chính phủ có thể sử dụng xí nghiệp nội địa để khai thác và lọc dầu của chính nước mình. Rốt cuộc, các công ti dầu quốc gia tự đặt mình dưới sự kiểm soát ngày một lớn hơn của chính phủ (chẳng hạn, mãi đến năm 1980 hãng Aramco của Xê-út mới hoàn toàn được quốc hữu hóa) và nhiên hậu khuynh loát các hãng dầu tư nhân phương Tây. Cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã khai sinh tập đoàn dầu khí quốc gia hiện đại, một mô hình từ bấy đến nay đã trở nên phổ biến và áp dụng luôn cho cả khu vực khí đốt.
Đợt triển khai thứ hai của hệ thống tư bản nhà nước bắt đầu từ thập niên 1980, được đẩy mạnh nhờ sự vươn dậy của các nước phát triển dưới quyền của các chính phủ đi theo các giá trị và truyền thống nhà nước trung tâm (state-centric values and traditions). Đồng thời, sự sụp đổ của các chính phủ vốn dựa trên các kế hoạch do trung ương hoạch định để phát triển kinh tế, đã tạo ra một làn sóng toàn cầu đòi hỏi cơ hội kinh doanh và chế độ mậu dịch thông thoáng. Xu thế này tiếp theo đó đã khởi động một thời kì tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh chóng tại nhiều nước đang phát triển trong thập niên 1990. Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ, Mê-hi-cô, Nga, và Thổ Nhĩ Kì, cùng với một số nước Đông Nam Á, đã chuyển động với nhiều tốc độ khác nhau trên con đường từ “đang phát triển” đến “phát triển”.
Mặc dù nhiều nước có thị trường tân hưng này không nằm trong khối cộng sản trước đây, nhưng chúng quả có một lịch sử trong đó nhà nước luôn can thiệp mạnh tay vào kinh tế. Ở vài quốc gia thuộc diện này, một thiểu số xí nghiệp quan trọng, thường thường do các gia đình làm chủ, đã thật sự nắm giữ độc quyền trong nhiều khu vực kinh tế chiến lược. Trong thời kì sau Thế chiến II, Ấn Độ dưới thời Nehru, Thổ Nhĩ Kì thời hậu-Ataturk, Mê-hi-cô dưới sự cầm quyền của Đảng Cách mạng Cơ chế (the Institutional Revolutionary Party, PRI), và Bra-xin dưới nhiều chính phủ do các nhóm quân nhân và phe dân tộc chủ nghĩa thay nhau cầm quyền — những quốc gia này chưa bao giờ thực sự chấp nhận quan niệm tư bản cho rằng chỉ có thị trường tự do mới có thể tạo ra sự phồn vinh bền vững. Một số tín lí chính trị đã định hướng những chế độ này theo quan điểm cho rằng một số khu vực kinh tế nhất định cần phải nằm dưới sự quản lí của chính phủ, một phần là để tránh sự khai thác bóc lột của giới tư bản phương Tây.
Khi bắt đầu tự do hóa, những nước có thị trường mới xuất hiện này chỉ chấp nhận một số nguyên tắc của thị trường tự do. Những viên chức chính trị và các nhà lập pháp ở đây, những người chủ trương cải tổ từng phần, đã trải qua những năm tháng trưởng thành của họ trong các cơ chế giáo dục và chính quyền, những cơ chế vốn được tạo ra để truyền bá các giá trị quốc gia do nhà nước định nghĩa. Tại hầu hết các nước này, phát triển kinh tế đã đi liền với một số bất cập như thiếu tính minh bạch và tinh thần pháp trị của các chế độ dân chủ thị trường tự do. Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy sự tin tưởng của thế hệ [lãnh đạo] mới đối với các giá trị của thị trường tự do khá bị hạn chế. Với sự non trẻ của các cơ chế điều hành quốc gia, những nước có thị trường đang lên là những quốc gia trong đó những vấn đề chính trị chí ít cũng có tầm quan trọng ngang hàng với những nguyên tắc kinh tế cơ bản thiết yếu cho hoạt động của thị trường. Đã có thời, chính phủ của các nước giàu không mấy quan tâm đến các sự kiện này, vì những nước nói trên không có hoặc ít có ảnh hưởng trên các thị trường thế giới.
Đợt triển khai thứ ba của hệ thống tư bản nhà nước được đánh dấu bằng sự vươn dậy của các quĩ tài sản quốc gia, SWF, là những quĩ từ năm 2005 đã bắt đầu thách thức sự thống trị của phương Tây đối với các luồng tư bản toàn cầu. Những khối dự trữ tư bản này vốn được sản sinh do sự gia tăng khổng lồ về số lượng hàng hoá xuất khẩu từ các nước có thị trường đang vươn lên. Hầu hết các quĩ SWF vẫn còn được quản lí bởi các viên chức chính phủ, những người có lề thói coi các chi tiết liên quan đến mức tiền dự trữ, các đầu tư, và việc quản trị các tài sản nhà nước gần như là một bí mật quốc gia. Do đó, không ai biết rõ những quyết định thu mua và đầu tư của các quĩ này đã bị các yếu tố chính trị ảnh hưởng đến mức độ nào.
Hiện nay, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dẫn đầu những nỗ lực đòi nâng cao tính minh bạch và tính nhất quán tại các quĩ SWF, nhưng những nỗ nực này chắc sẽ không thành công hơn các dàn xếp tự nguyện bao nhiêu. Những quĩ SWF nào đặc biệt thiếu minh bạch thì vẫn cứ tiếp tục thiếu minh bạch, và các lãnh đạo chính trị vẫn cứ tiếp tục điều hành chúng để hưởng lợi chính trị và tài chánh. Để biện minh cho thái độ cứng rắn của mình, các nhà quản lí những quĩ SWF này đã viện dẫn những kêu gọi được nhìn nhận là có li do chính trị đòi rút vốn đầu tư ra khỏi Darfur hoặc I-ran, những kêu gọi do các quĩ tương tự SWF của phương Tây đưa ra, chẳng hạn như Quĩ hưu trí Công chức của Na-Uy (Norway’s Government Pension) or của California (the California Public Employees’ Retirement System).
Đợt triển khai thứ tư của hệ thống tư bản nhà nước hiện đang diễn ra, được thúc đẩy bởi cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu gần đây. Nhưng lần này, chính chính phủ những nước giàu nhất thế giới, chứ không riêng gì chính phủ các nước có thị trường mới lên, lại là những nhà nước nhúng tay can thiệp vào kinh tế quốc gia. Tại Hoa Kì, các nhà lập pháp đã và đang can thiệp vào sinh hoạt kinh tế bất chấp sự nghi kị có truyền thống của dân chúng đối với quyền lực chính phủ và bất chấp sự tin tưởng của họ dành cho doanh nghiệp tư. Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, và các nước giàu theo thị trường tự do khác cũng đã làm theo như vậy. Ở châu Âu, nhờ có truyền thống nhà nước mạnh và truyền thống dân chủ xã hội, nên việc quốc hữu hoá và các nỗ lực tiếp cứu do nhà nước thực hiện dễ được dân chúng chấp nhận hơn.
Tuy nhiên, những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới đã không chấp nhận chủ nghĩa tư bản nhà nước với thái độ không hề do dự. Ở Hoa Kì và cả châu Âu, sức mạnh của bàn tay vô hình [tức thị trường tự do, DG] vẫn còn là một tín điều. Các chính phủ trên cả hai bờ Đại Tây Dương đều biết rằng muốn duy trì hậu thuẫn của dân chúng, họ phải giữ lời hứa là sẽ trả lại khu vực ngân hàng và các đại xí nghiệp cho tư nhân một khi chúng được hồi sức. Nhưng bao lâu mà nỗ lực kích thích kinh tế vẫn chiếm ưu tiên hàng đầu trong những cân nhắc chính trị của Washington, thì khắp châu Âu cũng như tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, các nhà làm chính sách quốc gia vẫn giữ vị trí trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu. Để kích thích nền kinh tế, các bộ tài chính và ngân khố sẽ tiếp cứu các ngân hàng và công ti tư, bơm thêm tiền mặt, và in thêm giấy bạc chỉ vì không còn ai khác hơn có thể làm việc đó. Các ngân hàng trung ương, mà ít có trường hợp hoàn toàn độc lập với nhà nước, không còn là chỗ dựa cuối cùng hay thậm chí là chỗ dựa đầu tiên; chúng đã trở thành những kẻ cho vay duy nhất (the only lenders) đối với các ngân hàng trong nước. Tình hình này đã tạo ra một xê dịch đột biến đáng kể cho trọng tâm quyền lực tài chính toàn cầu.
Mãi đến gần đây, New York là thủ đô tài chính thế giới. Nhưng bây giờ thành phố này thậm chí không còn là thủ đô tài chính của Hoa Kì. Vinh dự đó bây giờ thuộc về Washington, nơi các đại biểu Quốc Hội và ngành hành pháp Mĩ đang ra những quyết định có ảnh hưởng thị trường dài hạn, trên một qui mô chưa từng thấy từ thập niên 1930. Một chuyển dịch trách nhiệm tương tự cũng đang diễn ra khắp thế giới: từ Thượng Hải về Bắc Kinh tại Trung Quốc, từ Dubai về Abu Dhabi tại Á-rập Xê-út, từ Sydney về Canberra tại Ốt-xtray-lia, từ São Paulo về Brasília tại Bra-xin, và thậm chí một quốc gia tương đối tản quyền như Ấn Độ, từ Mumbai về New Delhi. Còn các thủ đô như Luân Đôn, Mát-xkơ-va và Pa-ri, nơi tài chính và chính trị ở chung trong một thủ đô, sự chuyển dịch trách nhiệm kinh tế đang hướng về phía chính phủ.
Chiếu bạc to lớn
Các nền kinh tế tư bản nhà nước chắc sẽ ra khỏi cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu kèm theo quyền kiểm soát hoạt động kinh tế ở một mức độ chưa từng thấy, mặc dù đã chịu nhiều thiệt hại tài chính to lớn, cùng với các nền kinh tế khác, trong thời kì 2008-2009. Trung Quốc và Nga đang tiếp cứu các công ti quốc doanh và các công ti quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ (private national champions) của mình. Cả hai nước này đều muốn củng cố các công nghiệp quan trọng để cắt giảm chi phí. Tiếp theo sau nạn dầu thô tụt giá từ 147 Mĩ kim một thùng vào tháng Bảy 2008 xuống dưới 40 Mĩ kim một thùng vào tháng Hai 2009, Nga hiện đang đối đầu với nạn thiếu hụt ngân sách xảy ra lần đầu trong vòng 10 năm qua. Trung Quốc, một nước nhập khẩu dầu chủ yếu, đã hưởng lợi nhiều nhờ giá dầu hạ, nhưng cuộc suy thoái toàn cầu đã khiến chính phủ cả hai nước có khả năng phải đối đầu với nạn thất nghiệp gia tăng và bất ổn xã hội đi kèm. Cả hai chính phủ đã ra sức đối phó, chủ yếu bằng cách siết chặt quyền kiểm soát kinh tế của nhà nước nhiều hơn nữa.
Bất chấp cuộc suy thoái toàn cầu, các quĩ tài sản quốc gia (SWF), vốn đã là tác nhân kinh tế toàn cầu quan trọng, sẽ vẫn tồn tại trong tương lai gần. Mặc dù tổng trị giá của chúng đã rơi từ cao điểm ước tính khoảng 4000 tỉ năm 2007 xuống dưới 3000 tỉ Mĩ Kim cuối năm 2008, con số sau vẫn còn suýt soát với tổng số tài khoản ngoại tệ ở các ngân hàng trung ương và vượt quá tất cả tài sản trong các quỉ đối xung (hedge funds) toàn cầu cọng lại. Quĩ SWF có trị giá tương đương với 12 phần trăm đầu tư toàn cầu, gấp đôi tỉ lệ bách phân 5 năm trước. Đà gia tăng của các quĩ SWF vẫn còn tiếp tục, một vài tiên đoán khả tín đặt trị giá của chúng ở 15 ngàn tỉ Mĩ Kim vào năm 2015.
Nói tóm lại, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các công ti dầu khí quốc gia vẫn khống chế ba phần tư tài nguyên chiến lược chủ yếu của thế giới, các xí nghiệp quốc doanh và các công ti quán quân quốc gia (national champions) do tư nhân làm chủ vẫn hưởng nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ trong khu vực tư, và các quĩ SWF vẫn rất phong phú tiền mặt. Những công ti và cơ sở tài chính này thực sự quá to lớn, khó mà thất bại.
Nhà nước càng can thiệp sâu đậm hơn vào kinh tế bao nhiêu thì các nạn quan liêu lãng phí, kém hiệu năng và tham nhũng lại càng kìm hãm phát triển bấy nhiêu. Những gánh nặng này lại càng nghiêm trọng hơn trong một nước độc tài, nơi mà các viên chức chính quyền thoải mái ra các quyết định thương mại mà không sợ bị chất vấn hay điều tra bởi một báo giới tự do hay các cơ quan điều tiết có tính độc lập chính trị, các toà án hay các nhà lập pháp. Tuy nhiên, cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay đã làm lung lay niềm tin quốc tế đối với mô hình thị trường tự do. Dù nguyên nhân đích thực của cuộc khủng hoảng là gì đi nữa, thì các chính phủ Trung Quốc, Nga, và nhiều nhà nước khác vẫn có những lí do bức thiết để đổ lỗi cho hệ thống tư bản kiểu Mĩ đã gây ra cuộc suy trầm kinh tế hiện nay. Các chính phủ này phải làm như thế để tránh trách nhiệm trước nạn thất nghiệp đang gia tăng và năng suất đang suy giảm trong chính quốc gia của họ và để biện minh cho việc cương quyết theo đuổi chủ nghĩa tư bản nhà nước, một hệ thống đã tồn tại một thời gian khá dài trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu.
Để đối phó với tình hình này, những nhà làm chính sách Hoa Kì phải ra sức thuyết phục các chính phủ khác về giá trị của thị trường tự do. Nếu Washington đi theo chế độ bảo hộ mậu dịch và duy trì bàn tay đầy quyền lực của mình trong sinh hoạt kinh tế quá lâu, các chính phủ và nhân dân thế giới sẽ có phản ứng tương xứng. Trình trạng này có thể đưa đến nguy cơ to lớn, bởi vì việc đưa các chính sách mị dân vào lãnh vực thương mại và đầu tư quốc tế sẽ gây cản trở cho những nỗ lực hồi phục thương mại toàn cầu và sẽ giảm bớt mức tăng trưởng trong tương lai. Bảo hộ mậu dịch sẽ nảy sinh bảo hộ mậu dịch, tài trợ nhà nước sẽ nảy sinh tài trợ nhà nước. Vòng đàm phán Doha về mậu dịch thế giới năm 2008 sở dĩ thất bại một phần vì Hoa Kì và Liên minh châu Âu cương quyết duy trì mức thuế quan cao trên nông phẩm, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ cũng muốn bảo vệ nông gia và một số công nghiệp còn non trẻ chưa đủ sức tự cạnh tranh của mình. Sự bế tắc ở Vòng đàm phán Doha đã làm thiệt hại hằng trăm tỉ đôla trong một nền mậu dịch toàn cầu đầy tiềm năng tăng trưởng.
Những sáng kiến bảo hộ mậu dịch khác đã bắt đầu đè nặng lên thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã tái lập việc giảm thuế cho một số công ti xuất khẩu nhất định. Nga đã hạn chế đầu tư nước ngoài trong 42 “khu vực chiến lược” và áp đặt thuế nhập khẩu mới lên xe hơi, thịt heo, và gia cầm. In-đô-nê-xi-a áp đặt thuế quan và hạn chế giấy phép nhập khẩu lên trên 500 sản phẩm nước ngoài. Ấn Độ tăng 20% thuế nhập khẩu đậu nành. Ác-hen-ti-na và Bra-xin đang công khai cân nhắc việc áp đặt thuế quan mới lên nguyên liệu dệt và rượu nhập khẩu. Hàn Quốc không chịu bỏ hàng rào mậu dịch đối với xe hơi nhập khẩu từ Hoa Kì. Pháp công bố thành lập một quĩ nhà nước để bảo vệ những công ti trong nước khỏi bị các công ti nước ngoài tiếp quản (foreign takeover).
Một số quốc gia trong nhiều vùng khác nhau trên thế giới đã có nỗ lực nâng thuế quan lên mức tối đa được cho phép theo qui định của Vòng đàm phán Uruguay về Thoả thuận Chung về Thuế quan và Mậu dịch. Trong khi đó những thỏa ước và cơ chế tranh chấp (dispute mechanisms) toàn diện, toàn cầu thì đang bị thay thế một cách vá víu bằng khoảng 200 thỏa ước song phương hay theo vùng. (Thêm khoảng 200 thoả ước thuộc loại này đang được soạn thảo.) Sự xé lẻ này sẽ ngăn cản tính cạnh tranh toàn cầu, gây thiệt thòi cho người tiêu thụ, và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương–tất cả những hiện tượng này lại diễn ra vào lúc nền kinh tế toàn cầu đang cần đến một kích thích mới.
Con đường trước mặt
Càng ngày càng có nhiều người Mĩ tin tưởng rằng xu hướng toàn cầu hoá đã lấy công ăn việc làm của họ để đưa sang nước khác, hạ thấp đồng lương của họ, và đem về cho giới tiêu thụ Mĩ những sản phẩm thiếu chất lượng. Rất có thể khoảng trước cuộc bầu cử năm 2012, chí ít sẽ có một ứng viên tổng thống có tầm vóc đưa ra một cương lĩnh mang màu sắc chủ nghĩa biệt lập mới, “người Mĩ mua hàng của Mĩ” (a neo-isolationist, “Buy American” platform). Nếu các nhà lập pháp Hoa Kì muốn tránh chiếc bẩy bảo hộ mậu dịch này, họ phải cố gắng ôn lại những bài học lịch sử của Luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, một đạo luật đã tăng thuế nhập khẩu trên 20 ngàn mặt hàng, đã khiến các nước khác trả đủa tương xứng, và vì thế đã đào sâu và kéo dài cuộc Đại Suy thoái Kinh tế (the Great Depression).
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đã tạo ra một ảo tưởng về tình đoàn kết quốc tế, dựa trên cảm thức sợ hãi sai lầm là, mọi người sẽ chìm chung trên một con thuyền. Một năm trước đây, trong các giới làm chính sách, người ta thường nói đến “xé lẻ” (decoupling), một tiến trình theo đó các nền kinh tế tân hưng (emerging economies) sẽ triển khai một cơ sở tăng trưởng nội địa đủ rộng lớn để tự giải phóng mình ra khỏi sự lệ thuộc vào giới tiêu thụ tại Hoa Kì và châu Âu. Nhưng thực tế cho thấy rằng những tiên đoán về các nỗ lực “xé lẻ” như thế là quá sớm. Những vấn đề kinh tế phát sinh tại Hoa Kì đã buộc sinh hoạt kinh tế tại hằng chục quốc gia đang phát triển phải hạ cánh nhọc nhằn, vì những khó khăn của Mĩ đã dập tắt nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu từ các nước đó.
Nhưng dưới bề nổi, tiến trình xé lẻ vẫn biểu hiện trong các thị trường nội địa ngày một lớn rộng của Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ và Liên Bang Nga; trong các đầu tư mà chính phủ của những nước này đang thực hiện ở nước ngoài; trong việc khoanh vùng các luồng vốn; và trong khả năng dài hạn là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (the Gulf Cooperation Council), các thành viên của Hiệp hội các Nước đông nam Á, và một vài chính phủ nam Mĩ sẽ tung ra các loại tiền tệ có giá trị trong khu vực để trở nên tự túc hơn [nghĩa là, giảm bớt ảnh hưởng của đồng Mĩ kim hay đồng Euro, DG].
Hoa Kì không còn có thể nhờ các đồng minh chiến lược mua trái phiếu của mình, như đã từng trông cậy Nhật Bản và Tây Đức làm việc này vào thập niên 1980. Hiện nay Hoa Kì phải trông cậy vào các đối thủ kinh tế chiến lược, đặc biệt Trung Quốc, là nước không mấy tin tưởng Hoa Kì có thể vĩnh viễn làm chiếc neo kinh tế toàn cầu. Việc cất giữ các trữ lượng Mĩ kim to lớn đã giúp cho Bắc Kinh giữ giá trị đồng Nhân dân tệ ở mức thấp, nhờ thế đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc và tạo ra những thặng dư mậu dịch chưa từng thấy. Nhưng ưu tiên hiện nay của Trung Quốc là xây dựng một thị trường nội địa để tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế, theo đó Trung Quốc sẽ ít tùy thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kì và châu Âu nhưng sẽ dựa vào nhu cầu của giới tiêu thụ trong nước nhiều hơn. Khi và nếu Trung Quốc thành công trong nỗ lực này, từ “xé lẻ” sẽ trở nên có ý nghĩa hơn nhiều, và khi đó Trung Quốc sẽ ít có động lực mua trái phiếu Hoa Kì như trong thời gian qua. Nếu càng ít quốc gia chịu mua công khố phiếu Hoa Kì, thì lãi suất của nó sẽ được nâng cao để thu hút người mua, và điều này có nghĩa là Hoa Kì sẽ ở trong tình trạng thiếu nợ lâu dài. Vì thế, sự phục hồi kinh tế của Hoa Kì, một khi bắt đầu, sẽ diễn tiến chậm hơn, và địa vị của đồng đôla như một trữ kim quốc tế sẽ bị bào mòn nhanh chóng hơn.
Chính phủ Hoa Kì có lẽ sẽ đi đến kết luận là mình đang mất dần quyền thiết kế và thi hành các luật lệ kinh tế toàn cầu. Dù sao, Hoa Kì không còn mấy tin tưởng khi đóng vai trò lãnh đạo trong nhóm G-20 (gồm các nền kinh tế quan trọng). Diễn đàn này bao gồm cả các cường quốc kinh tế tân hưng như Trung Quốc và Ấn Độ, tức những nước đã phải đứng ngoài G-7 (nhóm quốc gia được công nghiệp hóa ở trình độ cao). Ngoài ra, sự khác biệt tự nhiên giữa quyền lợi của các nước tân hưng và quyền lợi của các nước đã phát triển sẽ làm cho hai nhóm quốc gia này khó đạt được bất cứ đồng thuận nào trước những thách đố kinh tế cam go nhất. Vấn đề này lại được khuyếch đại do khuynh hướng của các chính khách, trong thế giới phát triển cũng như đang phát triển, có chủ tâm thiết kế các gói kích cầu sao cho phù hợp với các nhóm cử tri bản địa, chứ không vì nhu cầu điều chỉnh những bất quân bình kinh tế vĩ mô.
Trong trường kì, tương lai của chủ nghĩa tư bản nhà nước rất có thể bị nhiều hạn chế, nhất là nếu nó không thể cung ứng cho hai ngọn cờ đầu, Trung Quốc và Nga, một mô hình phát triển kinh tế bền vững. Thực tế nhiên hậu sẽ chứng minh rằng việc chế ngự những thách đố xã hội và môi trường của Trung Quốc nằm ngoài khả năng của giới thư lại; cuối cùng những viên chức này sẽ nhận chân rằng thị trường tự do hóa ra có khả năng giúp họ nhiều hơn trong việc lo nơi ăn chốn ở cho 1,4 tỉ người và tạo từ 10 đến 12 triệu việc mới mỗi năm. Trong khi đó tại Liên Bang Nga, vì phải đối diện với một dân số đang giảm dần và một nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, có lẽ các nhà làm chính sách sẽ kết luận rằng muốn tạo được thịnh vượng kinh tế tương lai thì phải một lần nữa thực hiện những cải tổ theo khuynh hướng thị trường tự do. Hoa Kì cần phải tái khẳng định cam kết nới rộng mậu dịch với Liên minh châu Âu (khối thị trường tự do lớn nhất và chặt chẽ nhất thế giới) lẫn các cường quốc kinh tế đang lớn mạnh, gồm Bra-xin, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kì, các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, và các nước có thị trường mới lên tại Đông Nam Á, một phần vì cần đảm bảo rằng những quốc gia này sẽ không xích gần thêm hệ thống tư bản nhà nước, một khả năng có thể làm cho thị trường toàn cầu mất thêm hiệu năng và giới hạn các vận hội thương mại của Hoa Kì.
Trong khi đó, những nhà làm chính sách Hoa Kì phải đòi hỏi thêm nhiều cơ hội thương mại tại các nước đang theo chủ nghĩa tư bản nhà nước, đồng thời giúp các công ti Mĩ hiện đang hoạt động tại Trung Quốc, Nga, vùng Vịnh Ba Tư và các nơi khác triển khai các chiến lược đối xung (hedging strategies), tức chiến lược đi nước đôi, nhằm chống lại nguy cơ bị mất thị trường vào tay các công ti bản địa được nhà nước ưu đãi. Như một mô thức đối xung hữu hiệu, các công ti đa quốc Hoa Kì nên học hỏi chiến lược đa dạng hóa “Trung Quốc cọng một” của Nhật Bản; theo đó ngoài Trung Quốc ra, Nhật còn đầu tư ở nhiều quốc gia khác. Thay vì quá tin chắc rằng một mình thị trường Trung Quốc sẽ cung ứng phần lớn lợi tức trong tương lai, các công ti Hoa Kì nên nới rộng đích đầu tư của mình để bao gồm một loạt các quốc gia có thị trường đang lên khắp châu Á và các vùng khác nữa.
Bây giờ là lúc Hoa Kì phải nghênh đón thêm các nguồn tiền đầu tư nước ngoài, kể cả từ các quĩ tài sản quốc gia (SWF). Một số dự án đầu tư của nước ngoài hiện cần được duyệt xét cẩn thận để đảm bảo chúng không phương hại an ninh quốc gia. Bao lâu mà một duyệt xét như vậy là chính đáng và chân thật, chứ không phải là một nỗ lực chính trị nhằm chặn đứng đầu tư nước ngoài, Hoa Kì không cần phải ngăn cản các dự án đầu tư (investment proposals). Vì cần phải bảo vệ đầu tư của mình tại Hoa Kì, các chính phủ và công ti nước ngoài sẽ thấy rằng lợi ích to lớn của mình gắn liền với sự ổn định của hệ thống tài chính Mĩ. Nếu có một sự hủy diệt tài chính thì chắc chắn cả hai bên đều chịu thiệt hại (mutually assured financial destruction). Ý niệm này nhất định làm cho các quốc gia tư bản nhà nước (state capitalist countries) hiểu rằng việc Hoa Kì vẫn tiếp tục thành công kinh tế là rất phù hợp với lợi ích của các quốc gia ấy.
Liệu chủ nghĩa tư bản thị trường tự do có còn là một giải pháp đứng vững dài hạn hay không, việc này sẽ tuỳ thuộc phần lớn những gì các nhà lập chính sách Hoa Kì thực hiện kế tiếp trong tương lai. Thành công sẽ không những tùy thuộc vào việc ra chính sách kinh tế đúng lúc mà lại còn tùy thuộc vào việc làm cho nhản hiệu phổ quát của Hoa Kì trở nên hấp dẫn. Washington phải duy trì những lợi thế tương đối thật to lớn về quyền lực cứng [quân sự]–một lãnh vực mà Hoa Kì vẫn còn chi phí gấp mười lần Trung Quốc và chi phí nhiều hơn tất cả các quốc gia còn lại của thế giới cọng lại-và cả quyền lực mềm [văn hóa, ngoại giao], một lãnh vực cho đến nay đã được chính quyền Obama cải thiện bằng cách nâng cao hình ảnh của Hoa Kì khắp thế giới.
Chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ không dễ gì biến mất một sớm một chiều. Dù có dựng những bức tường thuế quan nhằm ngăn chặn nước khác tiếp cận thị trường Hoa Kì, chính phủ Mĩ cũng không thay đổi được tình hình này. Thay vì vậy, việc ra sức khai thác lợi nhuận từ các quan hệ thương mại với các quốc gia tư bản nhà nước lại nằm trong lợi ích ngắn hạn của Hoa Kì. Vì triển vọng lâu dài của nền kinh tế Hoa Kì và kinh tế thế giới, việc bảo vệ thị trường tự do vẫn là một chính sách rất cần thiết. Không có sách lược nào có thể thay thế được cách lãnh đạo bằng gương mẫu trong việc đẩy mạnh tự do mậu dịch, cổ vũ đầu tư nước ngoài, cổ vũ tính trong sáng, và thị trường mở rộng, nhằm đảm bảo thị trường tự do vẫn là một lựa chọn lành mạnh và vững bền nhất so với chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Nguồn: Foreign Affairs, tháng Năm/tháng Sáu 2009.

K. Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu

K. Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu

J. KORNAI
12/05/2009

Một bài viết quan trọng của J. Kornai qua bản dịch của Nguyễn Quang A


K. Marx dưới con mắt
của một trí thức Đông Âu

Kornai János
Trình bày tại Đại học Kanagawa, Yokohama, 6-12-2008*

Dẫn nhập1

Tôi e rằng tất cả những gì có thể nói về Karl Marx đã được viết cả rồi. Hàng ngàn bài báo, bài nghiên cứu và hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản trong đó có thể thấy đủ mọi thứ từ ca tụng cuồng nhiệt, phân tích khách quan, đến căm thù giận dữ. Cái tôi có thể thêm vào kho tài liệu mênh mông này chỉ là quan điểm cá nhân mà từ đó tôi xem xét công trình của Marx. Tôi là một người Hungary, một người Đông Âu, sinh năm 1928, tôi bắt đầu trở thành người lớn vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Những diễn biến lịch sử lớn đã gây những ấn tượng sâu sắc lên tư duy của tôi : chiến tranh tàn phá đất nước chúng tôi, Holocaust (vụ tàn sát hàng loạt [người Do thái]), giải phóng khỏi ách thống trị Nazi, đảng cộng sản lên nắm quyền với hệ thống xã hội chủ nghĩa của nó, cách mạng Hungary 1956 và việc đánh gục nó, sự khôi phục hệ thống xã hội chủ nghĩa, các cuộc cải cách trong các năm 1960 về chủ nghĩa xã hội thị trường và chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người và sự thất bại của chúng, sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự trở lại của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nền dân chủ thế chỗ cho chế độ độc tài, và khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay. Chỉ chúng tôi, những người sống ở Đông Âu và bây giờ vào tuổi bảy tám mươi, có thể nói rằng chúng tôi đã đích thân trải nghiệm, không phải một vài lần mà tám lần, những thay đổi hệ thống, những sự biến đổi vĩ đại, hay chí ít các bước ngoặt đột ngột tiến và lùi, rẽ sang và quay lại của chế độ chính trị có nghĩa là gì. Đối sánh chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, so sánh các đặc tính của hai loại hệ thống này, những biến đổi vĩ đại : đấy là những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới mà Marx quan tâm nhất và cố thử để hiểu. Chúng tôi, tuy vậy, không chỉ quan tâm đến chúng về mặt trí tuệ ‒ chúng tôi đã trải nghiệm những thay đổi đó. Có lẽ lượng kinh nghiệm sống này, chứ không phải khả năng phân tích đặc biệt nào đó, khiến cho tôi có thể thêm nét đặc sắc nào đó vào kho tàng tài liệu lớn và có giá trị về Marx.2
Khi các vị chủ nhà Nhật mời tôi trình bày báo cáo này, họ nhấn mạnh rằng có hai sự kiện gắn với nhau. Một là có một hội thảo chuyên môn về Karl Marx, và báo cáo của tôi sẽ được trình bày trong khuôn khổ hội thảo đó. Sự kiện khác là Đại học Kanagawa kỷ niệm tám mươi năm thành lập. Khi họ biết rằng năm nay các nhà kinh tế học Hungary đã mừng sinh nhật lần thứ 80 của tôi, tức là chính xác tôi cùng tuổi với đại học của họ, có lẽ hợp nếu tôi có thể tham gia lễ kỷ niệm thành lập với báo cáo của mình. Đó là một niềm vinh hạnh lớn và tôi rất cảm ơn các vị chủ nhà đã mời. Tôi chào mừng các bạn nhân dịp sinh nhật này với những lời chúc nồng nhiệt và với sự đồng cảm của một người 80 tuổi.
Bởi vì bản thân lời mời có tính chất cá nhân, có lẽ có thể chấp nhận được, nếu giọng bài trình bày của tôi mang tính chủ quan. Tôi không truyền đạt lập trường tập thể loại nào đó của các trí thức Đông Âu, mà tôi kể chuyện cá nhân của chính mình. Cuộc sống của mỗi cá nhân là đơn nhất và khác với cuộc sống của mọi người khác. Thế nhưng, tôi có thể nói thêm rằng từ nhiều khía cạnh câu chuyện của riêng tôi có tính điển hình. Nếu không phải là toàn bộ đường đời của tôi, nhưng các pha khác nhau của nó có thể đại diện cho các pha tương tự của cuộc sống của nhiều người khác. Khi hồi ký tự sự của tôi, cuốn Bằng sức mạnh tư duy, được xuất bản, nhiều người tìm đến và nói với tôi rằng đọc ký sự cá nhân của tôi về một giai đoạn hay giai đoạn khác họ nhận ra câu chuyện của chính họ.3 Tôi hy vọng điều này cũng đúng hôm nay, khi tôi kể về: quan hệ của tôi đã như thế nào với những tư tưởng của Marx trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời riêng của tôi (và của lịch sử mà đã ảnh hưởng rất lớn đến đời tôi).
Tôi chỉ lựa ra vài tư tưởng trong sự nghiệp vô cùng phong phú của Marx. Chỉ để trình bày những nhận xét riêng của tôi liên quan đến mỗi tư tưởng này thực ra cũng cần đến một hai tiểu luận, thế mà trong khung khổ hiện tại tôi chỉ có nhiều nhất vài phút cho mỗi ý đó. Vì thế tôi không thể đưa ra những lập luận phân tích chi tiết. Tôi hy vọng rằng thể loại được chọn – tường thuật câu chuyện chủ quan về mối quan hệ của tôi với công trình của Marx – sẽ cho phép việc thảo luận các đề tài lớn với nhịp độ rất cao.


Cái gì thu hút tôi đến với Marx…
Tôi đã là một cậu bé, một con mọt sách. Thực sự tôi đã đọc nghiến ngấu không chỉ những kiệt tác văn học, mà cả các tác phẩm triết học và lịch sử nữa, nhưng trước 1945 tôi đã chẳng đọc một bài viết nào của Marx cả. Ở nhà, trong gia đình khá giả, đã chẳng có ai, ở trường, nơi người ta dạy con em của giới trung lưu, cũng đã chẳng có ai giới thiệu cho tôi một tác phẩm mác-xít nào. Thế mà, một vài năm sau tôi đã tự nhận là một người mác-xít có ý thức.
Cái gì đã gây ra sự thay đổi nhanh chóng này và đã thu hút tôi vô cùng mạnh mẽ đến với Marx ?
Trong thời dậy thì nhạy cảm nhất của mình, đầu tiên tôi đối mặt với các luật phân biệt đối xử với người Do Thái, sau đó là những trải nghiệm nhục nhã của sự săn đuổi, sự ẩn náu, trốn chạy, khiếp sợ. Khi cuộc bao vây Budapest chấm dứt, chẳng bao lâu trở nên rõ ràng là, họ đã đưa cha tôi đi Auschwitz và ông bị giết ở đó, còn anh cả tôi đi nghĩa vụ lao động thì không trở về. Ngần ấy tôi đã hiểu từ việc học lịch sử và từ những trải nghiệm cá nhân rằng chế độ Hitler và những kẻ đồng loã Hungary của nó đã kéo chúng tôi vào chiến tranh và diệt chủng. Nhiều đảng đã hình thành, và tôi rất nhanh chóng trở thành người ủng hộ đảng cộng sản. Ý nghĩ đầu tiên hướng tôi tới đó là : đảng cộng sản là đảng duy nhất, bất chấp rủi ro bị truy bắt, đã kiên định đấu tranh suốt hàng thập kỷ chống lại chế độ Horthy – chế độ đã liên minh với Hitler và sau đó đã đưa sự cai trị Nazi vào Hungary. Họ đã là những người chống phát-xít kiên định nhất. Chỗ của tôi là ở trong hàng ngũ của họ. Vì thế tôi đã gia nhập, chứ không phải vì cương lĩnh cải biến xã hội xã hội chủ nghĩa của họ đã cổ vũ, cương lĩnh mà khi đó tôi ít biết đến và bản thân những người cộng sản cũng ít nói tới.
Sau đó khi tôi bắt đầu đi dự các buổi họp và thuyết trình của phong trào thanh niên do đảng cộng sản lãnh đạo, tôi bắt đầu đọc các cuốn sách mỏng do đảng phát hành. Tôi có thiện cảm với hệ tư tưởng của đảng, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa có vẻ thuyết phục. Chưa đầy một năm sau giải phóng tôi đã đến với Marx như vậy. Tôi mười tám tuổi, khi lần đầu cầm cuốn Tư bản luận (bằng tiếng Đức, vì khi đó vẫn chưa có bản dịch ra tiếng Hungary) trong tay, và cùng với bạn thân nhất của mình chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng từng dòng một và ghi chép rất chi tiết.
Tôi dừng lại ở đây một chút để lưu ý bạn đọc về thứ tự thời gian. Không phải kinh nghiệm trí tuệ đã cho tôi, một con mọt sách trẻ, cú hích khởi động đầu tiên đến với Marx, mà đầu tiên là sự tiếp cận chính trị, sự tham gia vào hoạt động của đảng cộng sản, và sau đó mới là ảnh hưởng của việc đọc sách, đọc tác phẩm của Marx. Tôi đã không bắt đầu với việc lựa chọn Marx giữa các trào lưu tư tưởng khác nhau, giữa các trường phái kinh tế học hay triết học khác nhau. Tôi đã bắt đầu với việc lựa chọn đảng cho bản thân mình giữa các phong trào chính trị, các đảng và các hệ tư tưởng khác nhau, và đảng cộng sản đã đặt các công trình của Marx lên bàn của tôi.
Tôi có thể liệt kê dài dài về những đặc điểm mà Tư bản luận đã có ảnh hưởng mạnh nhất khi đó lên tôi, nhưng bây giờ ở đây tôi chỉ lựa ra vài điểm trong số đó.
Việc đọc càng tiến triển tôi càng mê logic sắc sảo, dòng suy nghĩ và lập luận chặt chẽ, việc sử dụng khái niệm chính xác của tác phẩm. Ngay từ khi còn rất trẻ tôi đã có tính mà các thành viên gia đình và các cộng sự của tôi chế nhạo là “cuồng ngăn nắp”. Tôi khó lòng chịu nổi sự lộn xộn, lang thang trong các bài viết hay bài nói nghiêm túc, thậm chí trong cả các cuộc trò chuyện không gò bó. Marx đã ngay lập tức chinh phục tôi với cấu trúc lập luận sáng sủa, trong sáng, với các khái niệm sắc bén. Chỉ rất lâu sau tôi mới biết các tác phẩm đã chuyển hoá một số phần của lâu đài trí tuệ đồ sộ của Marx sang ngôn ngữ mô hình toán học. Thí dụ các nhà kinh tế học Hungary Bródy (1969) và nhà kinh tế học Nhật Bản Morishima (1973) đã diễn đạt lý thuyết tái sản xuất của Marx bằng các mô hình input-output, nhà kinh tế học Mỹ Roemer (1986) đã sử dụng cả các công cụ tiêu chuẩn của kinh tế học vĩ mô dòng chủ lưu để diễn đạt lại kinh tế học chính trị của Marx. Việc sử dụng ngôn ngữ toán học nghiêm ngặt của các nhà lập mô hình được dễ dàng bởi vì Marx đã trình bày nguyên liệu tư duy ban đầu (thí dụ lý thuyết tái sản xuất) theo một trật tự có logic, cố gắng dùng các định nghĩa chính xác ngay từ đầu.
Nếu không phải ngay từ lần đọc đầu tiên, thì muộn hơn, khi tôi đã đọc khá nhiều và đã học được từ công trình của các tác giả mác-xít, còn một hiện tượng nữa đã có tác động lớn đối với tôi. Tôi đã có cảm tưởng, rằng một nhà mác-xít có trong tay một chìa khóa có thể mở mọi cánh cửa. Nhà mác-xít có một bộ máy phân tích và một hệ thống khái niệm mà sức mạnh giải thích của nó là vạn năng. Bất luận đó là đánh giá một sự kiện lịch sử, một vấn đề kinh tế hay một buổi biểu diễn vừa xem xong, trong tay nhà mác-xít có các công cụ mà với chúng có thể giải quyết vấn đề phân tích. Điều này tạo cảm giác tự cao trong ông ta. Có thể là X. Y. biết giai đoạn ban đầu của chủ nghĩa tư bản một cách chi tiết bởi vì anh ta đã bỏ hàng năm ra nghiên cứu tỉ mỉ, nhưng anh ta không phải là nhà mác-xít, còn tôi là, và vì thế tôi hiểu thời kỳ lịch sử này đúng hơn. Có thể nhà mỹ học N. N. có khiếu thẩm mĩ văn học chắc chắn hơn, và là chuyên gia về kịch, nhưng anh ta không phải là nhà mác-xít, còn tôi là, và vì thế tôi nhận ra đúng hơn các giá trị đích thực và những thiếu sót của vở kịch.
Các trí thức trẻ thèm khát loại giải thích thế giới chung nào đó. Có người tìm thấy lời giải thích tổng quát trong niềm tin vào Chúa, hay có lẽ trong một tôn giáo nào đó. Ngày nay nhiều nhà kinh tế học hay nhà khoa học xã hội khác được đào tạo một cách hiện đại cho rằng có thể tìm thấy lời giải thích cho mọi hành động con người và sự kiện xã hội trong lý thuyết quyết định duy lý. Đối với tôi nhu cầu mạnh mẽ về công cụ giải thích vạn năng đã được chủ nghĩa Marx thoả mãn, chính xác hơn là loại chủ nghĩa Marx mà các nhà mác-xít sống trong môi trường trí tuệ của tôi khi đó đã coi là của mình và đã sử dụng. Tôi không nghĩ đến những kẻ không chuyên tầm thường, mà nghĩ đến những đồng bào của mình, như Lukács György, nhà triết học, hay Varga Jenő nhà kinh tế học – đều là những người nổi tiếng thế giới trong ngành của mình. Tôi đã cảm thấy rằng, tôi càng hiểu biết Marx và các môn đồ xuất sắc của ông cặn kẽ hơn, thì tôi càng có thể nắm chắc hơn chiếc chìa khoá mở mọi cánh cửa.
Trong số các lực lôi cuốn, tôi nhắc đến cái thứ ba, tuy thực ra nó tác động song trùng với hai lực kia : sự cam kết đầy nhiệt huyết của Marx với những người bị áp bức, bị bần cùng cũng đã tác động sâu sắc đến tôi về mặt tình cảm. Số phận run rủi là, năm 1944, năm cuối cùng của chiến tranh đã tách tôi khỏi sự tiện nghi của một gia đình trung lưu. Trong vài tháng tôi đã làm công việc chân tay nặng nhọc trong một nhà máy gạch. Những công nhân khác đã thân thiện tiếp nhận một thanh niên gầy gò, nhưng chăm chỉ. Tôi đã đến thăm nhà của họ, và dù muốn hay không tôi đã không thể không so sánh căn hộ quen thuộc, rộng rãi, thanh lịch của chúng tôi với nhà ở chật chội của họ, thức ăn sung túc ở nhà với thức ăn ít ỏi của họ. Hình thành và từ đó vẫn sống trong tôi ý thức đoàn kết. Tư bản luận đã là sách đọc cảm động về khía cạnh này nữa, vì trong đó có sự kết hợp không thể tách rời của sự phân tích kinh tế học lạnh lùng, cảm giác con người nồng ấm và sự phẫn nộ đối với bóc lột.

… và cái gì đã làm tôi vỡ mộng với các tư tưởng của Marx

Bây giờ tôi nhảy qua thời gian. Ở trên tôi kể về các năm đầu sau chiến tranh, tôi đã thử nhớ lại bức chân dung trí tuệ của mình khi đó. Khi thời gian trôi đi, tôi đã nắm vững nhiều và nhiều hơn những giáo huấn của Marx và các môn đồ của ông – và cho đến 1953, đến khi Stalin chết, rồi đến các năm đầy bão tố, đánh dấu điểm ngoặt trong đời sống của các đảng cộng sản và các nước dưới sự cai trị của các đảng đó. Chúng cũng tạo ra điểm ngoặt trong tư duy của tôi.
Bước ngoặt bây giờ cũng chẳng bắt đầu trên bình diện trí tuệ, thí dụ giả như tôi đã đọc các tác phẩm phê phán các học thuyết của Marx. Không phải sự phê phán được xuất bản trong các sách hay các tạp chí đã thuyết phục tôi, rằng Marx đã nhầm về những vấn đề cơ bản. Hoàn toàn là các tác động khác đã làm lung lay – không phải hệ thống tư duy mà tôi đã xây dựng một cách vững chắc cho đến khi đó, mà làm lung lay niềm tin của tôi. Tôi đã gặp một đồng nghiệp già, một người cộng sản từ xưa, người đã bị tù và bị tra tấn tuy đã chẳng phạm tội gì. Cho đến thời điểm đó tôi đã không biết, rằng bằng tra tấn cảnh sát mật chính trị nhân danh các tư tưởng cộng sản đã buộc các tù nhân thú nhận tội giả, theo lệnh trực tiếp của các lãnh đạo tối cao. Nền tảng đạo đức của lòng tin của tôi sụp đổ. Nếu điều này có thể được làm nhân danh đảng cộng sản, thì ở đây hẳn phải có tai hoạ lớn khác !
Nhìn lại tôi thấy rằng trước bước ngoặt này đã hình thành một cơ chế tự vệ đặc biệt trong đầu óc tôi. Tôi đã tin vào các tư tưởng cộng sản không chỉ bằng trí tuệ, mà bằng cả tấm lòng và trái tim, và vì thế đã hình thành các hàng rào bảo vệ ngăn cản sự thâm nhập của các tư tưởng xa lạ với chủ nghĩa Marx và các học thuyết xã hội chủ nghĩa. Một tác phẩm tranh luận với Marx có đến với tôi cũng vô ích. Tôi không coi nó ra gì, tôi gạt bỏ nó, cho rằng đấy là tiếng nói đầy thành kiến của kẻ thù. Tôi cảm thấy mình được miễn thứ khỏi phải so đọ các tư tưởng có thể được tôi chấp nhận với các tư tưởng đối lập. Trạng thái tâm thần này không chỉ đặc trưng cho những người cộng sản vững tin, mà ít nhiều cũng đặc trưng cho những người cuồng tín khác nữa.4 Biện lý hay thẩm phán của toà dị giáo, viên chức của tổ chức khủng bố phái những kẻ đánh bom liều chết, người truyền giáo, người thuyết giáo theo thuyết chính thống, hay một chính trị gia vững tin có sức thu hút quần chúng có thể là người có học thức và thông minh, có thể có khả năng trí tuệ cao, nhưng niềm tin cuồng tín riêng của họ gạt bỏ các lý lẽ đối lập khỏi suy nghĩ của họ. Họ không thể được thuyết phục bằng bất cứ lý lẽ duy lý, điềm tĩnh nào cho đến khi những trụ đỡ đạo đức của niềm tin đó còn vững chắc trong tâm khảm họ.
Khi nền tảng đạo đức đột ngột sụp đổ dưới chân tôi, thì cùng lúc các cửa cống mở ra, và dòng các tư tưởng phê phán tràn vào. Ở đây tôi lại dừng lại một chút để lưu ý bạn đọc về bài học của câu chuyện của riêng tôi. Lại lần nữa đã có cái gì đó đi trước bước ngoặt trí tuệ hiểu theo nghĩa hẹp. Sự kiện đi trước lần này không xảy ra trên bình diện chính trị, mà trên bình diện đạo đức. Một khi các cửa cống đã mở, tôi đã cởi mở trước các lý lẽ. Từng mục một, tôi đối sánh những tư tưởng và các phương pháp mác-xít mà tôi đã biết trước đây với sự phê phán mà tôi mới biết. Các ý tưởng mới thâm nhập vào tôi, và đột nhiên tôi cũng trở nên phê phán trên bình diện trí tuệ nữa. Tôi bắt đầu đối mặt với các vấn đề mà trước kia tôi luôn xua đuổi tuy chúng vẫn lởn vởn đâu đó ở bên rìa suy nghĩ của tôi.
Thời đó tôi là một nhà báo viết về đời sống kinh tế. Nhiều lần tôi đã bắt gặp những hiện tượng trái khoáy : hàng trăm loại thể hiện của sự lãng phí, vô kỷ luật, chất lượng kém, sự thiếu hụt. Toàn những vấn đề mà kinh tế học chính trị của Marx chẳng cung cấp cho tôi loại công cụ nào để phân tích. Đây là kinh tế học loại gì mà lại chẳng có nội dung đáng kể nào về các vấn đề hiển nhiên mang tính kinh tế này ? Tai hoạ không phải là nó đưa ra các câu trả lời sai cho những câu hỏi này, mà là nó chẳng thèm nêu ra chúng. Tôi bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc và học các lý thuyết khác kình địch với lý thuyết của Marx, và đột nhiên thấy một thế giới trí tuệ mới mở ra trước mắt mình. Chúng đề cập, đúng hay tồi, đến các vấn đề thực sự là các vấn đề rõ ràng còn bỏ ngỏ của cuộc sống kinh tế hoạt động xung quanh tôi. Đúng là một phần các vấn đề do chúng thảo luận chỉ nảy sinh trong các điều kiện của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng chúng cũng thảo luận một cách có hệ thống các vấn đề chung nữa (thí dụ, tính hiệu quả, hay các khía cạnh của sản xuất và nhu cầu, các vấn đề của mối quan hệ cung và cầu), mà các vấn đề đó cũng không kém quan trọng trong hoàn cảnh kinh tế xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.
Những nghi ngờ của tôi cũng nổi lên liên quan đến những luận đề lý thuyết mà Marx và các môn đồ của ông đã không bỏ qua, ngược lại được đưa ra sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi chỉ nêu một thí dụ, những khẳng định của Marx được trích dẫn nhiều lần về sự tích tụ nghèo khổ. Nói về “quy luật chung về sự tích tụ tư bản” Marx khẳng định : “ Sự tích tụ của cải ở một cực, vì thế, đồng thời là sự tích tụ nghèo khổ, lao động thống khổ, nô lệ, ngu dốt, tàn bạo và sự thoái hoá đạo đức, ở cực bên kia…” (Tư bản luận, I, (1867) [1967] trang 645). Các môn đồ của Marx thường nói về sự nghèo khổ tương đối và tuyệt đối của giai cấp lao động – và điều này không mâu thuẫn với gợi ý của câu trên. Ngược với khẳng định này, không chỉ những cảm nhận hời hợt thu được qua các cuộc du ngoạn nước ngoài, mà tất cả các số liệu thống kê đáng tin cậy cũng chứng minh rằng mức sống trung bình của những người sống bằng sức lao động của mình ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển trong một thế kỷ đã tăng lên rất đáng kể. (Trong khi đó tất nhiên không thể chối cãi là ở đó sự nghèo khổ cũng chẳng biến mất đi). Đây không phải là một sự hiểu lầm nhỏ nhặt, không phải là một sự nhầm lẫn có thể dễ sửa. Luận đề tiên đoán sự bần cùng hoá của giai cấp vô sản có vai trò cốt yếu trong việc rút ra kết luận cuối cùng của dòng tư duy marxian. Giả như đúng là sự bần cùng tăng liên tục, và trở thành hàng loạt, thì sự giận dữ của hàng triệu người đã quét sạch chủ nghĩa tư bản từ lâu rồi.
Tôi đã tiến triển liên tục trong tìm hiểu sự phê phán các học thuyết marxian, và quá trình học này kéo dài nhiều năm. Ngày càng nhiều luận đề – đóng vai trò quan trọng trong lý thuyết kinh tế học marxian – trở thành không thể chấp nhận được đối với tôi. Cuối cùng tôi đã đạt đến điểm để bác bỏ học thuyết giá trị lao động cùng với việc làm quen với các lý thuyết giải thích tốt – và với nhịp độ tiến triển của việc nghiên cứu ngày càng giải thích tốt hơn – sự vận động thực tế của giá cả, lương, các chi phí, và lợi nhuận.5

Trách nhiệm trí tuệ đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa

Hãy quay lại những năm ngay trước cách mạng Hungary 1956. Từ một người xây dựng xã hội chủ nghĩa nhiệt thành và ngây thơ trước kia, kể từ giữa các năm 1950 tôi đã trở thành nhà phê phán gay gắt – và ngày càng gay gắt hơn – đối với hệ thống.
Các thành viên của thế hệ tôi đã trải qua sự biến đổi tư tưởng không phải với cùng nhịp độ và với cùng hình thức. Có người ngay lập tức vứt bỏ quan niệm cũ, có người chỉ từng bước một, bảo vệ từng mẩu tư tưởng khỏi sự huỷ diệt. Có người, tự mình bắt đầu cải cách tư tưởng của mình từ sớm, và có người trì hoãn và chỉ sau nhiều thập kỷ mới bắt đầu. Nhưng rốt cuộc các tấn kịch lịch sử vĩ đại, mà họ đã cùng trải nghiệm, đã tạo ra sự biến đổi tư tưởng của cả nhóm trí thức này và của mọi thành viên của nó.6 Đối với những trí thức khởi đầu như các nhà mác-xít và cộng sản vững tin thì sự kiện choáng váng là cách mạng Hungary 1956 và sự đàn áp đẫm máu, rồi đến phong trào Mùa xuân Praha năm 1968 và sự đè bẹp nó, sau đó là phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan và những cuộc bắt bớ và ban bố tình trạng khẩn cấp kế tiếp. Những sự nghi ngờ ngày càng mạnh ngay cả trong những người cố thử giữ gìn dù cho chỉ một mẩu thế giới quan một thời của họ. Câu hỏi giày vò chúng tôi là một trong những câu hỏi cơ bản của thế kỷ 20 : thực ra hệ thống mà người ta gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện tồn” là loại hệ thống gì ? Liệu nó có đi cùng một cách không tránh khỏi với nhiều đau khổ mà chúng ta đã phải chịu đựng, từ nạn đói, sự lạc hậu kỹ thuật, đến thiếu hụt kinh niên, từ bóp nghẹt tự do tư duy đến sự khủng bố tàn bạo của cảnh sát và Gulag hay không ? Hay tất cả những kinh nghiệm đau xót này chỉ là sự méo mó do việc thực hiện tồi một cách tội lỗi gây ra, chứ thực ra chẳng liên quan gì đến Marx, đến học thuyết của ông và đến cương lĩnh hành động mà ông công bố ?
Diễn đạt theo cách khác : Marx có chịu trách nhiệm không về những gì đã xảy ra ở Liên Xô của Lenin, Stalin, Khrushev và Brezhnev, ở Trung Quốc của Mao và ở các nước cộng sản khác do các học trò của họ cai trị ?
Nhiều người đã diễn toàn bộ câu chuyện trong trí tưởng tượng của mình : giả như nếu với cùng thân thể và tâm hồn thời xưa của ông, giả như ông không sống vào thời đó, mà đã sống trong thế kỷ 20, thí dụ ở Budapest, thì Marx đã ứng xử thế nào ? Có thể phỏng đoán rằng ông đã bắt đầu như một người cộng sản, nhưng tinh thần phản kháng của ông mau chóng kéo ông vào hàng ngũ những người chống lại chế độ cộng sản. Có lẽ ông phải vào trại tập trung trong các năm 1950, nhưng thoát ra được, ông đã tham gia các cuộc tranh luận trí tuệ hồi hộp trước và chuẩn bị tinh thần cho cách mạng 1956. Chắc ông đã ở giữa các nhà cách mạng khi đó, và nếu tránh được làn sóng bắt bớ sau đó, thì chắc ông đã xuất bản chui những phê phán của mình với dọng châm chọc chua cay chống lại nền kinh tế kiểu Soviet. Đây là một dòng suy nghĩ lý thú, trong trí tưởng tượng nó miễn thứ cho Marx, cho con người, cho tính cách rất đặc trưng đối với ông, và kính trọng lòng dũng cảm và lòng trung thành với nguyên tắc của ông. Nhưng đồng thời nó cũng lảng tránh câu hỏi thực sự xác đáng được nêu ra ở trước : quan hệ giữa những tư tưởng lý thuyết của Marx và thực tế lịch sử của hệ thống xã hội chủ nghĩa là gì ? Trong phép xấp xỉ đầu tiên, tôi sẽ thử trả lời một cách ngắn gọn : hệ thống xã hội chủ nghĩa (không phải loại hệ thống không tưởng đẹp đẽ trong trí tưởng tượng, mà là hệ thống đã tồn tại mà trong đó bản thân tôi đã sống) đã thực hiện kế hoạch của Marx.
Tôi biết rằng nghe câu chắc nịch này nhiều người sẽ sửng sốt, có lẽ cả một số người ngồi đây nữa. Nhưng tôi vẫn nhắc lại. Theo niềm tin của tôi, khẳng định đó là đúng và có thể được hậu thuẫn bằng những sự thực kinh nghiệm lịch sử, rằng cái đã hình thành sau 1917 trong khu vực cộng sản của thế giới, và đã tồn tại đến 1989, về cơ bản đã thực hiện cái mà Marx đã coi là hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ hình thành như cái đối lập của chủ nghĩa tư bản.
Cái nhân cốt lõi của dòng tư duy marxian là sở hữu tư nhân đặc trưng cho các mối quan hệ sở hữu của chủ nghĩa tư bản. Để xoá bỏ chủ nghĩa tư bản phải chuyển tư liệu sản xuất thành công hữu. Chừng nào sở hữu tư nhân còn chiếm ưu thế, thì thị trường điều phối sự hợp tác con người, sự trao đổi tài sản, sự phân bổ lực lượng sản xuất. Thị trường là nhà điều phối hoạt động không tốt, thị trường rắm rối, không rõ ràng, hỗn loạn. Sở hữu công sẽ cho phép phân bổ lực lượng sản xuất và rốt cuộc lao động con người trở nên minh bạch, rõ ràng và có kế hoạch.
Tôi đưa ra vài trích dẫn để hậu thuẫn cho những điều mà tôi nhắc đến ở trên đúng là các tư tưởng riêng của Marx (chứ không chỉ là các tư tưởng marxian có lẽ do những môn đồ của ông đã pha loãng hay đã hiểu nhầm chúng). Tôi trích Tư bản luận : “ Độc quyền tư bản trở thành xiềng xích của chính phương thức sản xuất đã nảy sinh và thịnh vượng với nó và dưới nó… Giờ tận số của sở hữu tư nhân tư bản đã điểm. Những kẻ chiếm đoạt bị tước đoạt.” (Capital Vol. 1 (1867) [1967], p. 763). Hay một trích dẫn quan trọng khác : “…sự hỗn loạn liên tục và những biến động chu kỳ là những thứ đi cùng chí tử của sản xuất tư bản chủ nghĩa…” – Marx viết trong nghiên cứu về Nội chiến ở Pháp ((1871) [1988], p.61). Và trong cùng đoạn văn vừa được trích dẫn có thể thay cụm từ kế hoạch chung các từ mà người ta hay nhắc đến : “…các hiệp hội hợp tác điều tiết nền sản xuất quốc dân theo một kế hoạch chung, đặt nền sản xuất ấy dưới sự điều khiển của mình…”
Bây giờ chúng ta hãy so sánh các luận đề lý thuyết nêu trên với thực tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã hình thành ở Liên Xô và các nước cộng sản khác ! Hai nét đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống hiện thực chính là cái Marx đã kỳ vọng và chỉ dẫn :
1. Đã tiến rất gần đến việc xoá bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (tuy những tàn tích què quặt, bị siết chặt của nó vẫn tồn tại đó đây), và thay vào đó sở hữu công, chủ yếu dưới dạng sở hữu nhà nước, trở nên áp đảo.
2. Đã tiến rất gần đến việc xoá bỏ hoàn toàn điều phối thị trường (tuy những tàn tích vẫn còn trong nền kinh tế đen và xám), và thay vào đó kế hoạch hoá tập trung, điều phối quan liêu, nền kinh tế chỉ huy trở nên áp đảo.
Tôi đã không tuỳ tiện đưa ra hai đặc điểm trong số các đặc điểm thứ yếu của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ở đây tôi nói về hai đặc điểm cơ bản của hệ thống kinh tế.7
Nếu tôi đã tranh luận với các nhà mác-xít thiển cận về điều này, thì một trong những lập luận phản lại quen thuộc đã là : chế độ Stalinist hay Maoist đã sử dụng tên của Marx chỉ như biểu tượng đánh lạc hướng, đã chỉ nhắc đến như thánh bảo trợ, mặc dù trong thực tế chúng chẳng có gì chung với ông cả. Ở trên tôi đã cố gắng đối chọi với lập luận này bằng những lời lẽ của chính Marx và Engels. Các chế độ đó có toàn quyền để dẫn chiếu đến Marx, vì chúng đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử vĩ đại do ông đề ra.
(Tôi lưu ý chỉ trong ngoặc đơn, rằng phân tích đặc điểm nêu trên phù hợp với đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay, cái đảng trương ảnh Marx trên tường như “thánh bảo trợ” trong các dịp nghi lễ chính trị để che giấu chính sách thực của nó. Đảng cộng sản Trung Quốc trình bày ý thức hệ giả mạo khi dẫn chiếu đến chủ nghĩa Marx. Cái hệ thống mà đảng cộng sản ngự trị về cơ bản mang tính tư bản chủ nghĩa, vì sở hữu tư nhân đã trở thành hình thức sở hữu áp đảo, và bởi vì cơ chế điều phối chính là cơ chế thị trường. Như thế, chính xác là cái đối lập đã được thực hiện trong mười - hai mươi năm so với cái Marx đã nêu thành cương lĩnh, cũng như cái đã thực sự hình thành ở các nước xã hội chủ nghĩa trước kia.)
Những người bảo vệ kiên định các học thuyết của Marx không thích đối mặt với khẳng định đanh thép rằng đảng Bolshevik Nga và các đảng đi theo ở các nước khác đã thực hiện cương lĩnh biến đổi của Marx. Không phải một lần tôi đã đích thân trải nghiệm điều này. Tại vài đại học Mỹ tôi đã gặp các sinh viên thông minh và quan tâm, những người tự coi mình là “các nhà kinh tế học cấp tiến”. Họ tận tâm đọc và học các tác phẩm mà họ cho là có thể chấp nhận được về mặt chính trị. Họ đã sẵn sàng tìm hiểu, thậm chí nghiên cứu kỹ lưỡng cả các lý thuyết kinh tế học và các phương pháp của dòng chủ lưu nữa. Thế nhưng, họ không thèm nghiên cứu sâu nền kinh tế của Liên Xô hay của các nước Đông Âu. Trong con mắt của họ đấy là cái gì đó không đáng quan tâm, hay có lẽ trúng hơn, nếu tôi nói : là hiện tượng khả ố, ghê tởm chẳng liên quan gì đến họ và chẳng có quan hệ gì với các tư tưởng của Marx mà họ kính trọng và chấp nhận. Theo quan điểm của tôi họ chúi đầu vào cát như những con đà điểu.
Tôi bắt gặp hiện tượng này không chỉ ở các sinh viên trẻ. Bây giờ, khi chuẩn bị cho báo cáo này, tôi đọc lại các công trình của các nhà bác học có đầu óc cởi mở, có học thức cao, diễn giải lại các lý thuyết mác-xít, tôi chợt thấy rằng ngay các công trình xuất sắc nhất cũng hoàn toàn bỏ qua sự đối sánh những kinh nghiệm lịch sử của Liên Xô, của Trung Quốc và các nước Đông Âu trước cải cách với cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của Marx. Những tên như Lenin hay Stalin chẳng hề xuất hiện trong các tác phẩm này.
Theo quan điểm của tôi, sự chính trực trí tuệ và chính trị đòi hỏi chúng ta phải đối mặt một cách tận tâm với câu hỏi : những tư tưởng của Marx có liên quan gì đến hệ thống xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện ? Marx có liên quan gì đến Lenin và Stalin ? Tôi đã thử đưa ra câu trả lời thẳng thắn của mình. Có thể tranh luận về câu trả lời của tôi, song tính chính đáng của câu hỏi thì khó có thể tranh cãi.
Một nền kinh tế, nơi người ta loại bỏ sáng kiến tư nhân và sự điều phối thị trường, buộc phải dựa vào sự điều chỉnh hành chính, từ trên xuống. Trong một cơ chế như vậy, phải cưỡng bức kỷ luật và thực hiện các mệnh lệnh từ trên xuống bằng con đường hành chính. Hệ thống xã hội chủ nghĩa không thể hoạt động mà không có sự trấn áp. Nếu nới lỏng bộ máy trấn áp, chẳng sớm thì muộn hệ thống sẽ sụp đổ. Điều này đã xảy ra ở Liên Xô, và khi nó bắt đầu tan rã, ở các nước cộng sản Đông Âu cũng thế.
Gắn vào đây là lập trường của Marx về vấn đề nền độc tài [chuyên chính] và dân chủ. Có lẽ, bản thân ông cũng rùng mình, nếu giả như với chính mắt mình ông nhìn thấy cái gì xảy ra trong các phòng tra khảo của Cheka hay tại các trại tù ở Siberia. Thế nhưng trong khi cần diễn đạt chỉ trên tờ giấy, thì cả Marx lẫn Engels đều khinh miệt nói về chủ nghĩa lập hiến, chế độ đại nghị, nền dân chủ tư sản sáo rỗng và hình thức, và ủng hộ tư tưởng của nền độc tài [chuyên chính] vô sản.
Những ngày qua tôi đọc lại tranh luận nổi tiếng của Kautsky và Lenin, cuốn Nền chuyên chính vô sản của Kautsky (1918), và cuốn Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky đáp lại của Lenin (1918). Kautsky viết với giọng khách quan, điềm tĩnh, ông kiên định tin vào tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời là tín đồ tận tâm của dân chủ đại nghị. Ông lên tiếng ái ngại rằng nhân danh quyền lợi của giai cấp vô sản người ta có thể bóp nghẹt ý chí của đa số, có thể lạm dụng quyền lực, thiểu số bị bỏ rơi không được bảo vệ. Lenin với giọng mỉa mai khinh miệt, chà đạp lên danh dự của đối thủ, bẻ lại từng lý lẽ của Kautsky. Đọc với con mắt hôm nay, mọi lo sợ của Kautsky tỏ ra chính đáng. Ông đã đúng trong mọi vấn đề ngược với Lenin, trừ một chủ đề quan trọng duy nhất, cụ thể là trong lý giải lập trường của Marx và Engels. Không phải Kautsky, mà Lenin mới là người đã có thể đưa ra các trích dẫn thuyết phục từ tư tưởng của hai nhà tiên tri vĩ đại này để ủng hộ cho lý lẽ của mình. Ông nhắc tới những lời nổi tiếng của Marx : “…những người công nhân sẽ thay thế nền độc tài của giai cấp tư sản bằng nền độc tài cách mạng của mình…” (Marx (1873) [1974] p. 300). Ông trích dẫn Engels : “…đảng chiến thắng không muốn phải chiến đấu vô ích, nó phải duy trì sự thống trị của mình bằng nỗi sợ hãi do vũ khí của nó tạo ra trong những kẻ phản động.” (Engels (1872) [1978] p. 733). Và một trích dẫn Engels nữa mà Lenin dụi vào mũi Kautsky một cách nhạo báng : “ Nhà nước không là gì khác bộ máy đàn áp của một giai cấp đối với giai cấp khác, và quả thực trong một nền cộng hoà dân chủ cũng chẳng kém hơn trong nền quân chủ.” (Engels (1891) [1988], p. 22).
Kautsky không thể đưa ra các trích dẫn của Marx để hậu thuẫn cho lý lẽ của ông ở đây. Ông cũng trích dẫn các lời của Marx về nền độc tài cách mạng của giai cấp vô sản, và buộc phải đưa thêm bình luận chua chát sau : “ Đáng tiếc, Marx đã bỏ quên việc nêu chính xác ông hình dung nền độc tài này thế nào.” (Kautsky (1919) [1964] p. 43). Cả ở Kautsky, lẫn ở các nhà nghiên cứu Marx đương đại, thực sự rất khách quan và trong nhiều khía cạnh có cảm tình với Marx, tôi cũng chẳng tìm thấy trích dẫn nào, trong đó Marx – nhà phân tích chính trị vô cùng lỗi lạc, người đã thảo luận toàn diện đến vậy về sự cầm quyền chính trị, nhà nước, và các mối liên hệ giữa áp bức và tự do – giả như đã khảo sát nghiêm túc mối quan hệ giữa các định chế dân chủ và quyền con người, và các mối đe doạ của nền độc tài. Marx đã bỏ qua bản thân vấn đề, bỏ qua toàn bộ lĩnh vực vấn đề khó giải quyết về sự bảo vệ chế định của các quyền tự do và quyền con người. Sự khinh thường nhạo báng này [của Marx] đã ăn sâu vào Lenin và vào những môn đồ trung thành của ông.
Sự khẳng định, rằng nền dân chủ là nền độc tài của giai cấp tư sản, thế chỗ cho nó phải đưa một nền độc tài khác vào bằng con đường cách mạng, đã làm mờ đi sự phân biệt sắc nét giữa nền dân chủ và nền độc tài. Chỉ sau khi Hitler lên nắm quyền, những người cộng sản phương tây mới đột nhiên nhận ra rằng nền dân chủ “hình thức”, “tư sản”, chế độ đại nghị, nhà nước pháp quyền, sự hợp pháp không phải là trò viển vông, mà là giá trị không thể thay thế được. Một trong những lý do là vì nó cung cấp sự bảo vệ chế định cho những người muốn nói và viết, cho những người phê phán chính phủ mọi thời, cho những người làm thay đổi xã hội triệt để, trong đó có các trí thức bức xúc về lẽ phải như Marx đã là trong thời của ông.
Có thể, trong thời của Marx cặp đối lập dân chủ – độc tài, nền độc tài của giai cấp tư sản hay của giai cấp vô sản mới chỉ có vẻ là cuộc đấu khẩu. Ngày nay trong con mắt của những người đã sống và đã sống sót dưới các chế độ chuyên quyền của Stalin, Mao, Rákosi và của những kẻ khác, thì các từ này có nghĩa khác. Ngày nay đã có thể thấy rằng sự khinh bỉ dân chủ trong các bài viết của Marx dường như đã chuẩn bị mặt bằng mà trên đó toà nhà chuyên chế Leninist–Stalinist–Maoist được dựng lên, đã làm tê liệt sự kháng cự chống áp bức trong những tín đồ của tư tưởng Marxian.
Hiển nghiên tôi dùng từ “trách nhiệm” không theo nghĩa hình sự. Bản thân việc công bố một tư tưởng sai lầm không phải là một hành vi tội phạm. Vấn đề “trách nhiệm” cũng chẳng nổi lên ngay cả theo nghĩa đạo đức học. Marx không vi phạm các mệnh lệnh đạo đức bằng việc lên tiếng đòi xoá bỏ sở hữu tư nhân và thị trường, và đã không nhận ra tầm quan trọng của dân chủ đại nghị và nhà nước pháp quyền trong bảo vệ các quyền con người. Tôi chỉ nói về trách nhiệm trí tuệ. Nếu tôi công bố một tư tưởng thúc đẩy hành động xã hội, thì không chỉ những người trực tiếp thực hiện hành động đó, mà cả tôi cũng chịu trách nhiệm về cái xảy ra, và tôi cũng chịu trách nhiệm về những hệ quả của những cái xảy ra này. Lời tôi càng có ảnh hưởng, thì trách nhiệm của tôi càng lớn. Thế mà, chưa bao giờ, chẳng có ai bằng tư tưởng của mình, bằng cương lĩnh được công bố của mình, lại có ảnh hưởng đến những con người lớn hơn Karl Marx đã ảnh hưởng.

Cái tiếp tục sống từ các học thuyết của Marx

Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, quan điểm khá phổ biến trong giới trí thức khắp thế giới rằng các tư tưởng của Marx đã sụp đổ một lần và mãi mãi. Thấy đấy, lịch sử đã phủ nhận điều đó. Không phải một lần tôi bắt gặp những bài viết huênh hoang hay bài nói ngạo mạn : Marx đã là “passé –quá khứ”, lỗi thời, và không cần quan tâm thêm.
Trong những ngày này, khi khủng hoảng diễn ra, hình thành đúng là tâm trạng ngược lại. Marx lại trở thành mốt. Trong các giới chính trị gia và nhà báo, việc dẫn chiếu đến những tiên đoán mang tính tiên tri của Marx trở nên sang trọng, khi người ta vẽ ra những cảnh tượng kinh hoàng về sự sụp đổ đến nơi của chủ nghĩa tư bản. Đột nhiên Tư bản luận trở thàng sách bán chạy nhất.8
Cả hai trào lưu mốt này đều không có căn cứ. Với công trình của ông, Marx đã không chỉ ghi tên mình vĩnh viễn vào lịch sử chính trị và tư tưởng, mà nhiều tư tưởng của ông ngày nay cũng vẫn đứng vững, và giúp cho sự hiểu biết thế giới đương đại. Tôi sẽ quay lại ngay vấn đề này. Nhưng trước đó tôi muốn nói vài lời về sự phục hưng gần đây nhất của Marx. Đúng là Marx thường đưa ra các lời tiên tri được lặp đi lặp lại, theo đó trong chủ nghĩa tư bản có các lực tự hủy diệt hoạt động, các lực đó sẽ dẫn hệ thống đến khủng hoảng chí tử và sụp đổ. Ngay cả một vài trong số các nhà nghiên cứu Marx, những người kính trọng các tư tưởng của Marx nhất, cũng thừa nhận rằng dòng tư duy giải thích sự sụp đổ cuối cùng là khó theo dõi, bí ẩn, khó hiểu, hay đơn giản là sai lầm.9
Tôi không thích tiên tri, và tôi đã học được ngần ấy từ kinh nghiệm riêng của mình rằng những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới nhiều khi lại diễn ra một cách đột ngột không ngờ được. Tôi không biết cơ cấu xã hội sẽ như thế nào trong tương lai. Tôi chỉ có thể nói ngần này : trong tầm nhìn của tôi không xuất hiện sự kết liễu của chủ nghĩa tư bản, và lời tiên tri của Marx về sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội còn ít có khả năng trở thành hiện thực hơn. Theo tôi những nền tảng của chủ nghĩa tư bản tỏ ra vững chắc hơn thế nhiều. Tất nhiên vấn đề sẽ không thể được giải đáp bởi cuộc đấu khẩu, tranh luận giữa các lời tiên tri tranh cãi nhau, mà bởi lịch sử tương lai. Ngày nay chúng ta chỉ có thể khẳng định ngần này với sự chắc chắn hoàn toàn rằng hiện thời chủ nghĩa tư bản đang co giật – nhưng vẫn sống.
Trong báo chí hàng ngày chúng ta có thể đọc thấy những tuyên bố của các chính trị gia và các nhà báo rằng sự “soviet hoá” của thế giới phương tây đã bắt đầu. Bởi vì cái gì khác có thể giải thích cho sự thực rằng chính phủ của một số nước không cho không các khoản cứu trợ, mà thay vào đó đòi quyền sở hữu [các doanh nghiệp được cứu trợ]. (Hãy để tôi nói thêm : muộn hơn chính phủ có thể tư nhân hoá [bán] sở hữu nhà nước này, trừ trường hợp có loại đảng cộng sản nắm được quyền ở Hoa Kỳ và ở Anh mà đảng đó kiên quyết áp dụng mô hình Soviet bằng mọi giá). Những kẻ huyên thuyên về “soviet hoá” và về việc đưa chủ nghĩa xã hội vào, là những kẻ tự bộc lộ về mình rằng họ không những không hiểu Marx, mà cũng chẳng biết gì về lịch sử của Liên Xô và các nét đặc trưng thực sự của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, đáng nhấn mạnh rằng có thể thấy những nhận xét thiên tài trong tập I và tập III của Tư bản luận về sự bành trướng tín dụng quá đáng lúc này lúc khác và về tác động gây khủng hoảng của nó. Có lẽ ông là người đầu tiên, hay chí ít cũng là một trong những người đầu tiên, chú ý đến hiện tượng rằng bành trướng tín dụng dẫn đến sản xuất thừa (theo thuật ngữ Marxian) như thế nào, tức là dẫn đến sản xuất vượt cầu thực sự, hay là dẫn đến thừa năng lực cần thiết để đạt mức sản xuất quá cao. Và quá trình bành trướng gia tăng này tiếp tục cho đến khi chuỗi cho vay bắt đầu đột ngột đứt tung.10
Trong một hai thập kỷ qua đã có các kinh tế gia hàn lâm và các chuyên gia tài chính thực tiễn nhận ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong việc cho vay vô trách nhiệm, tính toán sai lầm những rủi ro, và trong yếu kém của sự điều tiết hệ thống tín dụng, thậm chí đã đưa ra những kiến nghị để ngăn ngừa tai hoạ, nhưng người ta đã không lắng nghe họ. Những lời cảnh báo tỉnh táo này không đến từ các giới mác-xít, cũng chẳng đến từ những kẻ thù cấp tiến của chủ nghĩa tư bản, mà đến từ những tín đồ chăm lo bảo vệ chủ nghĩa tư bản, từ các nhà phê phán tập quán cho vay hiện hành, từ các nhà cải cách hệ thống.
Còn bây giờ quay trở lại khung khổ kể chuyện chủ quan, tôi muốn nói vài lời về các tư tưởng đáng làm bài học nhất cho tôi từ những tư tưởng ngày nay vẫn còn đúng của Marx. Nhà bác học thiên tài này đã thực sự làm tràn ngập chúng ta với những dòng thác ý tưởng và các công cụ phân tích. Trong tiểu luận ngắn này tôi đã tranh luận với vài tư tưởng rất quan trọng của ông, và tôi đã ra hiệu rằng về phần mình tôi không chấp nhận chúng. Thế nhưng – nếu tôi vẫn có thể tiếp tục nói nhân danh cá nhân mình – có nhiều đóng góp quan trọng của Marx đối với tư duy khoa học, mà tôi vẫn tiếp tục chấp nhận, và tôi cố gắng sử dụng chúng. Tôi chỉ giới hạn ở vài thí dụ sau đây.
Hầu hết chúng ta thường dẫn chiếu đến Schumpeter, khi nói đến “sự sáng tạo huỷ diệt”. Chúng ta nghĩ đến các nhà kinh doanh, các nghiệp chủ, những người tổ chức việc đưa ra các sản phẩm mới, các công nghệ mới, phương thức quản lý mới, chiếm lĩnh các thị trường mới. Và bên cạnh đó chúng ta nghĩ đến sự phát triển tư bản chủ nghĩa do Schumpeter mô tả, nó phá huỷ thế giới cũ, tạo ra thế giới của riêng nó, phương thức sản xuất của riêng nó thế vào đó, áp đặt chúng lên xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nói ngay, Marx và Engels đã mô tả quá trình này, lực lượng tạo ra và lực lượng huỷ diệt của chủ nghĩa tư bản, trước rất lâu rồi, trong những dòng đầu tiên đầy quyến rũ của Tuyên ngôn Cộng sản. Theo quan niệm của kinh tế học chính trị Marxian các nhà tư bản có vai trò nổi bật trong tổ chức quá trình đổi mới kỹ thuật.
Trước và sau Marx sự chú ý của đa số các nhà kinh tế tập trung vào các trạng thái cân bằng, mà cụ thể là vào một trường hợp đặc biệt của cân bằng thị trường, khi cầu và cung cân bằng với nhau. Muộn hơn kinh tế học gọi trạng thái cân bằng đặc biệt này là cân bằng Walrasian. Bên cạnh Malthus, Marx là người mở đường của hướng nghiên cứu phân tích các trạng thái lệch khỏi cân bằng thị trường, cụ thể là không chỉ nghiên cứu những thăng giáng ngẫu nhiên xung quanh cân bằng thị trường (Walrasian), mà cả những sự lệch kéo dài nữa. Marx đặc biệt quan tâm đến thị trường sức lao động về khía cạnh này, trong đó cung cao hơn cầu không chỉ tạm thời mà kéo dài. Marx đã không thử đưa ra lời giải thích nhân khẩu học, mà đưa ra lời giải thích kinh tế học khi ông khảo sát hiện tượng mà ông gọi là “nạn nhân mãn [quá nhiều người] tương đối”. Ngày nay cũng tình trạng này, tình trạng dư cung sức lao động kéo dài, được kinh tế học sức lao động gọi là cân bằng thất nghiệp. (Xem thí dụ, Layard-Nickell-Jackman 2005, p. 8 và 11). Ít người nhớ rằng Marx là ông tổ mở đường. Về phần mình, tôi nhấn mạnh, trước hết tôi học từ Marx rằng đáng chú ý nhường nào đến những sự lệch kéo dài khỏi cân bằng thị trường.11
Tôi không biết chính xác lịch sử về khái niệm “chủ nghĩa tư bản” hình thành ra sao và được đưa vào tư duy khoa học như thế nào. Tôi tin, tôi không nhầm, nếu tôi khẳng định : từ lâu hầu hết các chính trị gia, các nhà bình luận và các nhà khoa học xã hội gắn sự đưa vào khái niệm “chủ nghĩa tư bản” với Marx và trào lưu tư tưởng mác-xít, và đối sánh hệ thống tư bản chủ nghĩa thực sự hình thành về mặt lịch sử với một thế giới mới, với hệ thống xã hội chủ nghĩa mà trước đó Marx mới chỉ tiên tri và ao ước. Marx không hình dung cái sau (hệ thống xã hội chủ nghĩa) như một sự không tưởng, mà như một thực tế lịch sử chắc chắn sẽ xuất hiện.
Sự tạo khái niệm này gắn mật thiết với học thuyết liên quan đến các phương thức sản xuất kế tục nhau, khác nhau về những đặc trưng quan trọng nhất.
Thành phần quan trọng này của toà lâu đài trí tuệ của Marx ngày nay vẫn có ảnh hưởng mạnh đến tư duy của tôi. Trong một bài viết của mình tôi gọi cách xem xét này là “khung mẫu hệ thống – system paradigm”, tức là cách xem xét không tách một lát (cắt) duy nhất, phần được giới hạn duy nhất của xã hội, ấy là lĩnh vực chính trị, lĩnh vực văn hoá và tư tưởng hay nền kinh tế, mà tập trung vào cái toàn thể do các phần đó tạo nên. Nó tập trung chú ý đến các phần khác nhau phụ thuộc lẫn nhau thế nào, những mối quan hệ nào hình thành giữa chúng. Nó không mô tả hệ thống trong bức ảnh tĩnh chụp chớp nhoáng, mà nó cố hiểu động học của hệ thống, như hệ thống diễn ra trong lịch sử. Marx là người mở đường vĩ đại và bậc thầy vô song của system paradigm. Cùng một lúc, trong một cá nhân, ông vừa là nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà khoa học chính trị và nhà sử học. Thời đó, đã chẳng ai dùng từ “liên ngành–interdisciplinary”, nhưng ông đã nêu một tấm gương về làm thế nào để vượt lên trên giới hạn chuyên ngành hạn hẹp và nghiên cứu với tư cách một nhà khoa học xã hội toàn diện.
Người ta thường hỏi, tôi có là nhà mác-xít hay không ? Câu trả lời của tôi dứt khoát là không.12 Những người khác nói : tôi thuộc trường phái Áo, hay tôi là người theo trường phái Keynes, tân cổ điển hay tân tự do, và v.v. Tôi lắc đầu từ chối trong mỗi trường hợp. Tôi không là một tín đồ vô điều kiện của một trường phái hay chủ nghĩa nào cả. Nếu những người khác thử làm việc đó, tôi cũng chẳng để mình bị nhốt trong một cái hộp nào. Tôi ưa thú nhận rằng các thành tố của tư duy của tôi – mượn các từ châm biếm của Engels – hoà lẫn thành cháo biện chứng của kẻ ăn mày. Nếu tôi có thiện chí hơn với bản thân mình, tôi vui lòng nói rằng tôi cố gắng tích hợp nhiều loại trào lưu tư tưởng. Khi phải nêu tên những người đã có ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi, tôi thường nhắc đến tên Schumpeter, Keynes, Hayek, nhưng cùng trong danh sách này tên của Karl Marx luôn đứng ở vị trí đầu tiên.


Tài liệu tham khảo

BENCE, G. – KIS, J. [1978] : Towards an East European Marxism, under the pseudonym Marc Rakovski, London: Allison and Busby.
BRÓDY, ANDRÁS [1970] : Proportions, Prices and Planning: A Mathematical Restatement of the Labor Theory of Value, Budapest – Amsterdam: Akadémiai Kiadó - North Holland.
BRUS, W. (1961) [1972] : The General Problems of the Functioning of the Socialist Economy, New York -London: Routledge.
COLLINS, P. [2008] : Karl Marx : Did he get it all right ? Times, October 21, 2008. http://www.timesonline.co.uk (Downloaded November 4, 2008.)
ELSTER, J. [1991] : Making Sense of Marx, Cambridge – Paris: Cambridge University Press – Maison des Sciences de l’Homme.
ENGELS, F. (1872) [1978]: On Authority, in Marx-Engels Reader, second edition (first edition in 1973), pp.730-733. New York: Norton.
ENGELS, F. (1981) [1988] : Introduction, in Karl Marx : The Civil War in France : The Paris Commune, pp.9-22. , New York: International Publishers..
FOLEY, D. [1986] : Understanding Capital : Marx’s Economic Theory, Cambridge MA: Harvard University Press.
KAUTSKY, K. (1918) [1964] : The Dictatorship of the Proletariat, University of Michigan Press.
KORNAI, J. [1980] : Economics of Shortage, Amsterdam: North-Holland
KORNAI, J. [1993] : The Socialist System, Princeton - Oxford, Princeton: University Press – Oxford University Press. (Hệ thống xã hội Chủ nghĩa, NXB Thông tin, 2002)
KORNAI, J.(2005) [2007] : By Force of Thought - Irregular Memoirs of an Intellectual Journey, Cambridge, Massachusetts and London, England: The MIT Press. (Bằng sức mạnh Tư duy, NXB Thanh Hoá, 2008)
LAYARD, R. – NICKELL, S. – JACKMAN, R. [2005] : Unemployment. Macroeconomic Performance and the Labor Market. Oxford: Oxford University Press.
LENIN, V. I. (1918) [1964] : The Proletarian Revolution and the Renegade Kautsky, Moscow: Foreign Languages Press.
MANDEL, E. [2008] Marx, Karl Heinrich (1818–1883), in Durlauf, S.N. – Blume, L.E. (eds.) The New Palgrave Dictionary of Economics. Second Edition. Vol. 5. pp. 384-405. Palgrave - Macmillan.
MARX, K – F. ENGELS (1848) [1969] : The Communist Manifesto, Marx-Engels Selected Works, Volume One, Moscow: Progress , pp. 98-137.
Marx, K. (1871) [1988] : The Civil War in France, in Karl Marx : The Civil War in France : The Paris Commune, New York: International Publishers.
MARX, K (1873) [1974] : Political Indifferentism, in Karl Marx : The First International and After, New York: Vintage Books
MARX, K. (1867) [1967] : The Capital : A Critique of Political Economy Vol. 1., New York: International Publishers.
MARX, K. (1863-1883) [1967] : The Capital : A Critique of Political Economy Vol. 3, New York: International Publishers.
MORISHIMA, M. [1973] : Marx’s Economics : A Dual Theory of Value and Growth, Cambridge: Cambridge University Press.
OZ, A. [2006] : How to Cure a Fanatic, Princeton: Princeton University Press.
ROEMER, E. J. (ed.) [1986] : Analytical Marxism, Cambridge, UK: Cambridge University Press.
ROEMER, E. J. (ed.) [1994] : Foundations of Analytical Marxism, Brookfield: Elgar.
TABBIT, F. [2006] : A Brief History, Scope, and Peculiarities of „Analytical Marxism”, Review of Radical Political Economics, www.sagepublications.com
* Nguyễn Quang A dịch dựa vào nguyên bản tiếng Hungary, “Marx egy ketet-erópai értelmiségi szemével” và bản dịch tiếng Anh, “Marx through the eyes of an east european intellectual”. Có thể tiếp cận cả hai bản tại: http://www.colbud.hu/fellows/kornai.shtml
1 Tôi cảm ơn Dániel Zsuzsa, Madarász Aladár, và Nagy Eszter vì sự giúp đỡ quý báu của họ cho việc soạn tiểu luận này. Tôi cảm ơn Brian McLean đã dịch sang tiếng Anh, cảm ơn Collegium Budapest và Đại học Trung Âu đã hỗ trợ nghiên cứu của tôi.

2 Tôi chọn ra các công trình sau từ văn liệu gần đây và đương đại: Elster (1991), Foley (1986), Kolakowski (1978), Mandel (2008), Roemer (1986 và 1994) và Tabbit (2006).
Các sách giáo khoa về lịch sử lý thuyết được dùng ở các đại học phương Tây – hay chí ít các sách giáo khoa được xuất bản trong mười năm lại đây – có nhắc đến các công trình của Marx nhưng thường không phân tích hay đánh giá chúng một cách sâu sắc. Xem, thí dụ, Backhouse (2002) và Vaggi and Groenewegen (2006)

3 Hồi ký tự sự của tôi được xuất bản bằng tiếng Hungary năm 2005. Kế tiếp là các lần xuất bản bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, rồi đến tiếng Nga, Ba Lan và tiếng Việt. Bản tiếng Trung Quốc đang chuẩn bị. Cuốn sách được Tsuneo Morita dịch ra tiếng Nhật và được Nippon-Hyoron-Sha xuấ bản ở Tokyo.
4 Amos Oz, nhà văn lớn của Israel, cũng rút ra những kết luận tương tự trong kiệt tác của ông: How to Cure a Fanatic [Chữa trị một kẻ cuồng tín thế nào] (2006).
5 Không chỉ những người chưa bao giờ chịu ảnh hưởng của Marx có lập trường này, mà cả hầu hết các đại diện của cái gọi là “chủ nghĩa Marx giải tích – analytical Marxism” cũng có lập trường như vậy cho dù họ coi hầu hết các yếu tố của lý thuyết xã hội và triết học của Marx là của mình.
6 Cuộc vật lộn với các tư tưởng của Marx và sự vượt từ từ qua chủ nghĩa Marx có thể thấy trong các công trình của nhiều nhà khoa học xã hội Đông Âu. Tôi chỉ nhắc đến hai công trình đáng chú ý và có ảnh hưởng, là cuốn sách của W. Brus (1972), xuất bản lần đầu tiên ở Ba Lan năm 1961, và nghiên cứu của G. Bence và J. Kis (1978). Bản xuất bản chui (samizdat) của cuốn sau đầu tiên được lưu truyền bất hợp pháp ở Hungary, rồi được xuất bản dưới một bút danh trong một tạp chí của người Hung di tản ở Paris.
7 Tôi đã thử nêu các đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa bằng vài dòng ngắn gọn. Các ý tưởng của tôi được trình bày chi tiết trong cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa (1992, 2002).
8 Về sự quan tâm được hun nóng đột ngột đến Marx, xem, thí dụ bài báo của tờ Times ở London (Collins 2008).
9 Các ý tưởng của Marx về vấn đề này thường được diễn giải rằng xu hướng suất lợi nhuận giảm dần cuối cùng sẽ dẫn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đến mất khả năng. Dựa vào những cân nhắc lý thuyết cũng như các sự thực lịch sử, đa số các nhà phê phán nghi ngờ bản thân xu hướng này. Về phần mình, tôi đồng ý với các nhà phê phán.
10 Marx đã không tổng kết các ý tưởng của mình về các cuộc khủng hoảng có chu kỳ. Có lẽ những chỗ quan trọng nhất để dẫn chiếu đến ở đây là Tư bản luận tập III, chương 30. Mandel (2008) cho một tổng kết ngắn gọn về các ý tưởng của Marx liên quan đến các cuộc khủng hoảng.
11 Hiện tượng trung tâm đối với nghiên cứu của tôi (Kornai 1980) là sự thiếu hụt kinh niên về hàng hoá và sức lao động xuất hiện trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chính là ảnh đối xứng của hiện tượng dư thừa kéo dài do Marx và Keynes mô tả, tức là hiện tượng đối xứng với nó và có dấu ngược lại.
12 Ngày nay ở Đông Âu, ngay cả những người năm 1989 vẫn bình tĩnh dạy “chủ nghĩa duy vật biện chứng” hay “kinh tế học chính trị” [mác-xít] cũng trả lời là không. Tuyên bố trên của tôi có những tiền đề cá nhân khác. Như tôi đã nói ở đầu: tôi bắt đầu như một người mác-xít. Thế nhưng, tháng 11-1956, sau khi các xe tăng Soviet đã tràn vào Budapest, tôi đã tuyên bố với bí thư đảng bộ địa phương lập trường chính trị của mình: hãy ghi nhận tôi không còn là người mác-xít nữa. Tuyên bố này đã gây nhiều khó khăn cho đời sống của tôi sau đó, trong một thế giới hàn lâm nơi mà theo nghĩa đen của từ bắt buộc phải là người mác-xít.

12/5/09

A KHUÊ : CHẮP TAY QUÌ

CHẮP TAY QUÌ
                               
                                     A. KHUÊ


Chắp tay quì lạy cuộc đời
Đã mang ta tới cõi người tử sinh
Chắp tay quì lạy bình minh
Làm ta rạng rỡ ngâm kinh ban chiều
Chắp tay quì lạy tiêu điều
Bay thơ mộng lúc cô liêu ngập lòng
Chắp tay quì lạy mồ chôn
Hãy chôn ta với chập chùng vàng bay
Chắp tay lạy gió và mây
Ôm cho thật kín di hài yêu thương
Chắp tay quì lạy cuối đường
Ngủ mê thân ấy như dường thân ma
-----------------------------------------------

  ....Trong thi tập của nhóm văn nghệ  " Ngậm ngải tìm trầm"  - Đà Nẵng
( 1968 ). "Vàng bay "  ( 1972). In lại trong "Lùa bò trong sương" ( sau 75 ) . THD.

11/5/09

thơ : Trường giang Mỹ Tho

thơ

Phạm Công Thiện

Trường giang Mỹ Tho


(Tặng Bùi Ngọc Đường ở Thái Lan)


1

Thôi nôi con trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi mỗi trường an
con diều hâu chạy bắt con chim
con chim lòn qua kẽ núi
lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn
nước trường giang mẹ ru chim ngủ
con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa
Cha con già trường sơn con ơi
trường giang đi chảy mãi nửa đời
trường sơn già ngồi đứng hứng mưa
mưa đi từ dưới chân đỏ bồ câu thượng thuỷ tây hồ
con lớn khôn rồi quên đất quên sông
con sông nào Cửu Long chảy từ thượng tứ
Mỹ Tho buồn thây chết trôi sông
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ bồng con đóng cửa
Lính Tây dương đang say rượu giao thừa
Bông cúc vàng đầy sân ướt máu
Ba con già con trẻ đi xa
Súng nổ trên mái lầu
Nhà cháy bên hông
Mấy dì con chơi tứ sắc
Con còn nhỏ quá con ơi.


2

Thôi nôi thằng trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nỗi lang thang
Con chim trĩ xưa đỏ nuôi cá lia thia
Cá phượng mái đẻ ra một bầy trứng
Và rong rêu xanh kì lạ ao hồ
Trốn học bị cha còng cẳng
Bầu cua cá cọp mỗi năm buồn
Càng lớn lên càng thấy Tết bơ vơ
Bông mai nở trên đầu cây chợ vắng
Dưa hấu làng hiu hắt nắng ba mươi
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ tôi bồng con chạy trốn
Giặc Lê dương đang say rượu
Thằng bé con có biết gì đâu
Chim bay nhiều chiều nay Toulouse
Tôi uống từng chùm nho đỏ
Còng cẳng tôi trên thượng tuý thu hồ
Người dượng bị Tây bắn
Xác nơi đâu hai con nhỏ bơ vơ
Bà ngoại đi tìm thây chẳng thấy
Mười năm sau tôi bị còng cẳng ngục tù
Mẹ tôi đến thăm
đem theo một gà mên cơm nóng
Mẹ tôi khóc
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Đừng như dượng con ơi
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Tôi đúng rồi trường giang mọi rợ
Mẹ hãy về đi và hãy bỏ con đi
Mẹ tôi khóc
Đừng như dượng con ơi
Yêu nước làm gì để hai con nhỏ bơ vơ
Tôi nhìn trường giang chảy
Mẹ hãy về đi
người công an già gác cổng
Cậu rất lạ kì
Sau này cậu có làm lớn
Hãy nhớ đến tôi
Tôi nhìn trường giang chảy
Tôi chỉ muốn làm con chó
Chạy giỡn mưa trường giang sa


3

Rồi từ ấy trường giang lại càng mọi rợ
khi chảy khi bay
khi thượng đỉnh đìu hiu khi trác táng đến tận màn sân khấu
Vẫn nhớ những buổi hát bội quê nhà
Kèn trống cải lương đứa con nít ngó cô đào trang điểm
từng dưới hầm nhà hát Mỹ Tho
Cô đào chửi đụ má
Đứa con nít đéo hiểu gì hết
Mà chỉ nhớ tô hủ tiếu phổi bò
Nó bắt gặp một sáng khi cô đào chổng cẳng ăn gãi ngứa
Tấn tuồng sao quá lạ
Tôi không hiểu
Nhưng sao mà quá đỏ nóng
như một triệu côn trùng loé sáng
Tôi bắt mỗi đêm
trong bao diêm
Cho tôi những tràng dưa hấu
quá đỏ
quá đỏ
những ngày trước Tết
Biển Nha Trang trời sinh các hạ
Đọc thơ Ba Tiêu cho Quách Tấn nghe
Cây mận đẻ hoa thằng Mỹ Tho nằm võng
Từ ô y hạng Quách Tấn tỉa thơ
Ta đéo biết gì hết
Đạp xe đạp ngồi ra bãi biển
ngó cái gì chỉ thấy mây bay
Trường giang chảy đại dương bại trận
Quách Tấn buồn bông cúc đơm hoa


4

Thôi rồi thôi trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nắng chiều Ban Mê Thuột
Hoàng Kiều ơi em đã đi xa
Buồn xóm cũ chiều xưa chưa tỉnh dậy
Buon Brieng và Bon Sar Par
Kontum và Pleiku chiều nay cỏ mọc
Bu Prang và Ban Don ở nơi đâu
Tìm thượng tứ té ra hạ thế
Gió chiều nay Toulouse máu đỏ
Hai đứa con bây giờ ở nơi đâu?
Dượng của anh bị lê dương bắn chết
Người con gái nằm trôi thây trên bãi lạ
Chiều nay
Chim bay quá nhiều
Chuyện đời xưa không còn nữa
Như Mãn đã chết
Treo thây trên hàng rào
Hoàng Kiều ơi đâu nữa là Thu Uyên
Em còn quá nhỏ
Rừng xưa chim lặng tiếng
Hãy đóng cửa
Long Khánh
Hãy đóng cửa
Con trâu vừa bị chém
Trường giang ta sẽ ru em ngủ
Máu đêm xưa thương em từng trận mưa rào
Bồ câu buồn gáy lại năm xưa
Mái chùa cũ Đà Lạt chiều tận thế.

(16.7.1980)