30/8/13

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Obama, Syria và Silly-A


Friday, August 30, 2013

  



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130830


Nghịch lý Obama, vũng lội Syria và Liên bang Nga cười cười



 * Mắc lỡm rồi em ơi! *



Trong có hai năm – Tháng Ba năm 2011 và Tháng Tám 2013 - Tổng thống Barack Obama hai lần phải quyết định sử dụng võ lực để can thiệp vào một nước Hồi giáo đang gặp nội chiến. Lần này, ông còn kẹt hơn nữa, can thiệp cũng dở mà không làm gì thì còn tệ hơn! Vì sao nên nỗi?



Lần trước là tại Libya, qua một nghị quyết của Liên hiệp quốc và sự tiếp tay của các nước Tây phương, với kết quả là lãnh tụ Muammar Ghaddafi bị hạ sát. Nhưng rồi Libya bị nội loạn với hậu quả là vụ Benghazi làm Chính quyền Obama bị mang tiếng là che giấu sự thật. Lần này là tại Syria, với những tranh chấp sắc tộc và mâu thuẫn quốc tế còn gai góc gấp trăm, sau hơn hai năm nội chiến khiến hơn trăm ngàn người bị tàn sát, có khi bằng võ khí hóa học.


Từ một Tổng thống đã cố hòa giải với các nước và với thế giới Hồi giáo, việc Hoa Kỳ lại phải dụng binh là một nghịch lý... dễ hiểu: Obama tự chiếu bí. Khi bom đạn lên tiếng tại Syria, có khi nước Mỹ lỡ làng vì sau 12 năm chinh chiến tại ba nơi và chưa rút chân ra thì đã tụt vào hố cũ.


Chúng ta hãy cùng nhìn lại sự thể.



***



Khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ từ Tháng Ba năm 2011, Tổng thống Obama cố giữ thái độ thận trọng vì 1) Hoa Kỳ đang triệt thoái khỏi Iraq, và 2) ông quyết định đôn quân gấp ba vào Afghanistan để đạt một số thắng lợi chính trị nhờ thành quả quân sự cho việc triệt thoái được báo trước là vào cuối năm 2014. Vì vậy, với hồ sơ Syria, ông Obama chỉ có thể đề cao những giá trị tinh thần của nhân loại, như quyền tự do và dân chủ, để lên án việc chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al Assad sử dụng bạo lực chống người dân.


Vào thời điểm ấy, không quên rằng mình đã từng kỳ vọng vào vai trò cải cách của al Assad khi còn là Nghị sĩ, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trước rằng Hoa Kỳ không can thiệp vào Syria vì Quốc hội Mỹ không đồng ý. Khổ nỗi, chế độ al Assad lại còn tàn ác hơn với dân biểu tình và số thương vong gia tăng vùn vụt. Vì vậy, Chính quyền Obama mới có lập trường cứng rắn hơn và huy động sự can thiệp của quốc tế về ngoại giao và kinh tế. Hoa Kỳ dẫn đầu qua hàng loạt quyết định cấm vận kể từ Tháng Bảy 2011. Nhưng với khả năng tiếp vận của Iran và Liên bang Nga cho Syria, đòn cấm vận không đạt kết quả.


Sau đó là một chuỗi sai lầm của Tổng thống Mỹ.


Sai lầm đầu tiên là qua Tháng Tám năm 2011, Obama công khai tuyên bố rằng al-Assad "phải ra đi". Tổng thống Hoa Kỳ chỉ nên nhân danh đạo đức con người mà kết án một chế độ hung đồ là đi ngược trào lưu hay lịch sử khi chà đạp nhân quyền và tàn sát thường dân.


Ông ta hay bà ta không thể nói rằng lãnh tụ nay hay Tổng thống kia của một xứ nào đó "phải ra đi". Nhân danh cái gì mà bảo như vậy? Lý do đơn giản là theo đúng giá trị tinh thần mà nước Mỹ đề cao, ra đi hay không là một quyết định của người dân xứ đó.


Cũng theo đúng giá trị tinh thần đó, nếu người dân bị đàn áp và không còn tiếng nói thì quốc tế phải lên tiếng. Quốc tế ở đây là Liên hiệp quốc, qua một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an với năm hội viên thường trực và có quyền phủ quyết là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Tầu. Vì Nga và Trung Quốc có lập trường bênh vực chế độ al Assad – và còn muốn Hoa Kỳ thêm sa lầy trong thế giới Hồi giáo - Liên hiệp quốc không thể có một nghị quyết lên án.


Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ có thể nhân danh đạo lý con người mà giúp cho tiếng nói người dân Syria được thể hiện, khiến al Assad phải ra đi.


Nói cách khác, ngày 18 Tháng Tám năm 2011, khi công khai tuyên bố rằng al Assad phải từ chức, ông Obama hàm ý là thế giới (Liên hiệp quốc)  hay/và Hoa Kỳ phải có thái độ. Thực tế, hôm đó ông còn chìm sâu hơn trong vòng luẩn quẩn của tay mơ, khi tuyên bố nước đôi: 1) Hoa Kỳ không can thiệp vào nội tình Syria, 2) ngoài các áp lực chính trị và kinh tế. Vì các áp lực này đều vô hiệu, lời hăm dọa của Tổng thống Mỹ chỉ chứng tỏ khả năng giới hạn của Hoa Kỳ.


Xin nhớ lại: Tổng thống một đệ nhất siêu cường tuyên bố rằng Tổng thống một xứ độc tài phải ra đi mà hai năm sau, al Assad vẫn còn ở đó và tàn sát thường dân dữ dội hơn. Obama làm cho lời tuyên bố của mình là vô giá trị và Syria, Nga cùng Iran đều biết vậy.


Quả nhiên là tới đầu năm 2012, nội tình Syra còn tồi tệ hơn, mà các cuộc vận động ngoại giao của Hoa Kỳ và đồng minh Âu Châu đều thất bại. Một nghị quyết do nước Anh soạn thảo bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bác bỏ vào ngày 24 Tháng Hai vì lá phiếu phủ quyết của hai hội viên Nga Tầu.



***



Sáu tháng sau, ông Obama lại tự chiếu bí lần thứ hai.


Nhờ Iran hỗ trợ và nhờ sự bảo vệ của Nga và Trung Quốc, chế độ al Assad ra tay đàn áp các nhóm võ trang đối lập lẫn thường dân. Tháng Tám năm 2011, Tổng thống Obama vẽ ra một vòng vây hãm thứ hai cho chính mình, khi khẳng định rằng việc Chính quyền Syria sử dụng võ khí tàn sát bằng hoá học là vượt "lằn ranh đỏ".


Theo ý Obama, lý do của lằn ranh bất khả xâm phạm này là vì nó gây hậu quả nghiêm trọng và mở rộng tình trạng xung đột ra toàn khu vực.


Sau khi nói là al Assad phải ra đi – mà cứ còn ở đó và còn hung bạo hơn - Tổng thống Mỹ vạch ra một tối hậu thư thứ nhì, trên cát. Dù vậy, chế độ al Assad vẫn sử dụng võ khí hóa học chống lại thường dân, như tình báo của Anh và Pháp đã xác nhận, mà Hoa Kỳ cố gắng điều tra nhưng chưa có kết quả nên đành làm lơ....


Một năm sau, vào tuần qua, Hoa Kỳ xác nhận là chế độ al-Assad lại vừa dùng võ khí hóa học lần nữa. Đấy là lúc ông Obama tự đẩy vào chỗ phải quyết định can thiệp vào Syria, bằng giải pháp quân sự.


Vì vậy, từ thấp lên cao, từ phát ngôn viên Phủ Tổng thống đến Ngoại trưởng rồi Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã theo nhau lên tiếng về nhu cầu can thiệp vào Syria. Ngày Thứ Hai đầu tuần, Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ là Đại tướng Martin Dempsey có phiên họp khẩn cấp tại thủ đô Amman của Jordan với lãnh đạo quân sự của các đồng minh là Anh, Pháp, Đức, Ý, Gia Nã Đại và Turkey, Jordan, Saudi Arabia và Qatar. Nhưng trước đấy, chính ông Dempsey cũng nói rõ về những khó khăn của một giải pháp quân sự....


Bây giờ, lãnh đạo bộ Quốc phòng và quân lực Mỹ đều tự chuẩn bị để khi Tổng thống ra lệnh là họ thi hành nhiệm vụ.


Nhưng vì sao Tổng thống lại để mình rơi vào hoàn cảnh phải ra lệnh như vậy?



***


Đa số dân Mỹ thật ra chưa hiểu, hoặc không đồng ý, là tại sao Hoa Kỳ lại phải can thiệp vào Syria? Trong hơn hai năm liền, ông Obama không một lần nào chủ động trình bày hồ sơ Syria cho quốc dân cùng rõ về hậu quả, để tranh thủ hậu thuẫn cho một quyết định dụng binh khi cần thiết. Ông chỉ bắn tiếng hăm dọa đối phương mà quên hẳn dư luận ở nhà.


Khi đã phải quyết định can thiệp, ban tham mưu của ông còn cố tình tiết lộ chi tiết, và cả thời điểm tấn công là ngày Thứ Năm 29, có lẽ để lại bắn tiếng trong một đòn tháu cáy. Truyền thông Hoa Kỳ và cả Việt ngữ lật đật chụp lấy tin đó, và bị bẽ bàng. Bẽ bàng vì sau khi ra tối hậu thư, ông Obama vẫn không nói gì với quốc dân và quốc hội ở nhà, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron xin phép Quốc hội Anh và bị bác.


Tại Hoa Kỳ, Quốc hội Mỹ không quên chuyện đảo điên thời trước.


Sau vụ 9-11, Tổng thống George W. Bush có hậu thuẫn toàn dân để mở ra chiến dịch Afghanistan rồi Iraq. Việc tấn công Iraq được sự ủng hộ của lưỡng viện và lưỡng đảng sau 17 nghị quyết của Liên hiệp quốc mà rốt cuộc lại gây tổn thất chính trị nặng nhất cho Chính quyền Bush. Kể cả lời vu cáo rằng ông Bush gian dối với Quốc hội về chuyện võ khí tàn sát. Bây giờ, Liên hiệp quốc cũng lại yêu cầu phải điều tra rõ ràng hơn về vụ võ khí hóa học tại Syria, và dù có xác nhận thì vẫn còn hai con kỳ đà cản mũi trong Hội đồng Bảo an.


Cái nghiệp Bush đang tái diễn với Obama. Tổng thống Mỹ đã để cho mình bị áp lực phải tham chiến vì ba bốn lý do sau đây.


Obama từng kêu gọi quốc tế giảm trừ võ trang và kiểm soát việc phổ biến võ khí tàn sát hàng loạt, trong đó có võ khí hoá học. Nhưng thế giới có hai chế độ hung đồ lại bất chấp lời kêu gọi mà cứ chế tạo võ khí hạch tâm, hỏa tiễn và còn phổ biến võ khí giết người hàng loạt cho các nước độc tài, kể cả Syria. Đó là Bắc Hàn và Iran.


Khi vạch lằn ranh đỏ cho chế độ độc tài Syria, ông Obama tự đẩy mình vào kho đạn: nếu al Assad bước qua lằn ranh mà Hoa Kỳ lại án binh bất động thì Bắc Hàn và Iran sẽ kết luận rằng Tổng thống Mỹ chỉ tháu cáy, chứ không dám động binh. Muốn chứng minh ngược thì Obama phải bấm nút!


Lý do kia là chế độ al Assad còn tồn tại là nhờ Iran, Nga và Tầu. Hai năm sau khi Obama tuyên bố rằng al Assad phải ra đi mà lãnh tụ hung bạo này vẫn còn đó thì hai đối thủ kia kết luận rằng Tổng thống Mỹ là người không đáng sợ. Các chế độ chống Mỹ đều có thể kết luận như vậy nên Hoa Kỳ phải can thiệp để chứng minh ngược lại.


Lý do thứ ba là các nước đồng minh Hồi giáo của Hoa Kỳ cũng yêu cầu Obama có lập trường cứng rắn hơn với Syria và Iran. Sau khi Mỹ bỏ rơi Hosni Mubarak tại Ai Cập và chần chờ tại Syria, các nước Hồi giáo thân Mỹ bị các chế độ quá khích đe dọa. Trong khi ấy, Iran có thể phong tỏa Eo biển Hormuz, Syria và lực lượng Huynh đệ Hồi giáo có thể xúi giục lực hai nhóm khủng bố Hezbollah và Hamas gây rối loạn trong vùng. Và khi có chuyện, Israel có thể bị Syria đánh phủ đầu để tự vệ.....


Nghĩa là nếu Tổng thống Mỹ không có phản ứng thì đồng minh sẽ hết tin Hoa Kỳ, các lực lượng Hồi giáo cực đoan và cả phong trào khủng bố lại thừa cơ bành trướng trong toàn khu vực, từ Bắc Phi qua Tây Phi và Trung Đông.


Lý do cuối cùng, sau khi đòi al Assad phải từ chức và hai lần vẽ lằn ranh đỏ, Tổng thống Mỹ bị đẩy tới chỗ phải can thiệp vào Syria vì một lý do thuộc loại chiến lược cho quyền lợi Hoa Kỳ: Nếu không can thiệp thì Hoa Kỳ mất hết tư thế trong thế giới Hồi giáo, đồng minh chẳng tin mà kẻ thù chẳng sợ. Bây giờ, Obama phải chứng minh với Quốc hội và quốc dân rằng việc can thiệp này là một yêu cầu về "quyền lợi chiến lược của tổ quốc".


Còn quân lực Hoa Kỳ phải hoàn tất nhiệm vụ thật ra nan giải. Với hậu quả chẳng có gì là bất ngờ là trôi vào một vũng lầy khác....



***



Tổng kết lại, sau khi tránh né việc dụng binh, Hoa Kỳ đang gặp trở ngại quốc tế, từ Liên hiệp quốc đến các đồng minh Anh Pháp, nên có thể phải ra quân một mình. Nước Mỹ thừa sức làm chuyện đó, một cách tượng trưng. Nhưng khi can thiệp một cách miễn cưỡng và chớp nhoáng như vậy thì không thể làm thay đổi cục diện tại Syria. Mà chỉ chứng minh rằng thế giới vẫn nên sợ Hoa Kỳ, nhưng nên thương một ông Tổng thống lạng quạng. Và thương nhất là các chiến binh Mỹ, họ đang chờ lệnh để thi hành một sứ mệnh thiếu hậu thuẫn của người dân.


Đừng ai nhìn vào cái vẻ cười cười của Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga. Đau lắm!



  Nguyễn Xuân Nghĩa

 Source : Việt Báo / dainamax tribune

BBC - Hậu trường ngoại giao Mỹ - Việt



Cập nhật: 15:22 GMT - thứ năm, 29 tháng 8, 2013 

Cuộc gặp lãnh đạo Mỹ Việt được xem là có tính hình thức và theo kịch bản có sẵn.
Một nhà báo Mỹ vừa cảnh báo Chính phủ Tổng thống Barack Obama về những rủi ro nếu tiếp tục ép Việt Nam phải chấp nhận các điều khoản 'bất lợi' khi gia nhập hiệp định TPP.
Trong bài đăng ngày 28/08, ông Greg Rushford, nhà báo chuyên về phóng sự điều tra chính trị trong mậu dịch quốc tế, nói về điều mà ông gọi là Washington đang “chơi trò hăm dọa, ép Hà Nội chấp nhận một thỏa thuận kinh tế rõ ràng không vì lợi ích của Việt Nam – và có thể sẽ thành công”.
Tiết lộ đưa ra trong bối cảnh các Bộ trưởng Kinh tế thuộc 12 nước vành đai Thái Bình Dương mới đây tham gia đàm phán lần thứ 19 về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) 22-23 tháng Tám 8 ở Brunei.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia vòng đàm phán này.
Bấm Bài báo cũng bàn về động thái của Bộ Chính trị Việt Nam trong việc mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế với các cường quốc chính, ông Sang và ông Obama đã nói gì với nhau tại Tòa Bạch Ốc và những ai có mặt trong cùng phòng họp của hai nhà lãnh đạo này.

Cuộc gặp Phòng Bầu Dục



Chủ tịch Sang bày tỏ  mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ
Khác với các cuộc tọa đàm “tay đôi” giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông, Franklin Roosevelt và Joseph Stalin, cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ Việt vào hôm 25/07 được xem là có tính hình thức và theo kịch bản có sẵn, điển hình cho các đời tổng thống Mỹ tiếp đón các vị khách nước ngoài trong những năm gần đây.
Ngoài Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao  Đức Phát Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, người ta còn thấy có Trung Tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng.
Với sự hiện diện của quá nhiều người – không phải tất cả trong số họ đều trung thành với phe ủng hộ Chủ tịch Sang trong Bộ Chính trị – chẳng có chủ tịch nước Việt Nam nào sẽ thấy mình ở thế để tiếp cận và đàm phán có thực chất và qui mô, tác giả nhận định.
Tuy nhiên ông Rushford quan tâm nhiều hơn tới ba quan chức Việt Nam khác cũng có mặt trong Phòng Bầu Dục nơi ông Sang họp với ông Obama, đó là người phiên dịch Phạm Xuân Hoàng Ân, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Cả ba nhân vật này đều có những người cha gắn với lịch sử Mỹ-Việt.
Cha của Phạm Xuân Hoàng Ân là cựu điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn, nhân viên tình báo có thể xem là quan trọng nhất của Hà Nội trong giai đoạn Cuộc chiến Việt Nam. Ân hiện đang làm việc cho Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại San Francisco và “cũng như cha mình, con trai cố điệp viên là người biết về cả hai đất nước rất rõ”.
Trong khi đó Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (con của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), từng là lãnh đạo Tổng Cục 2 (Cơ quan tình báo của Bộ Quốc Phòng), và hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, được xem là nhân vật chủ chốt trong chiến lược “đi dây” của Việt Nam khi đối thoại với các cường quốc có lợi ích an ninh tại khu vực Thái Bình Dương.
Tướng Vịnh được xem là nhà chiến lược quan trọng trong một loạt các chủ đề nhạy cảm: đối phó với việc Trung Quốc hăm dọa tại Biển Đông trong khi đồng thời thiết lập quan hệ quân sự với Bắc Kinh; mua sắm tàu ngầm và các vũ khí khác của Nga; và cũng tăng cường quan hệ quân sự Mỹ-Việt.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng có người cha nổi tiếng. Ông Nguyễn Cơ Thạch là Bộ trưởng Ngoại giao trong giai đoạn 1980-1991. Ông đã có những nỗ lực nhưng không thành trong việc bình thường hóa quan hệ với bên thua cuộc Hoa Kỳ. Cũng giống như cha mình, ông Minh được xem là người thấu hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển các quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ nhằm đối phó với ảnh hưởng lấn át của Trung Quốc.
Trong lần nói chuyện tại Hội đồng Quan hệ Nước ngoài vào năm 2011, ông Minh thẳng thắn nói về giai đoạn hết sức “hận” Hoa Kỳ khi còn nhỏ, là lúc ông phải chứng kiến cảnh Hà Nội bị Mỹ ném bom. Tuy nhiên kể từ khi theo nghiệp ngoại giao sau chiến thắng của Hà Nội vào năm 1975, ông Minh – cũng giống cha mình – tập trung sự nghiệp vào cách nhằm thiết lập quan hệ gần gũi hơn với cựu thù chiến tranh của Việt Nam.
Bình luận về những khó khăn trong việc đàm phán gia nhập TPP, ông Rushford cho rằng “Có lẽ những người sắc sảo và khôn ngoan đóng vai trò định hướng cho Bộ Chính trị Việt Nam sẽ có cùng quyết tâm như thế hệ cha anh của mình”.
Tác giả cho hay một trợ lý báo chí của Tòa Bạch Ốc từ chối tiết lộ những ai (của cả phía Việt Nam và phía Hoa Kỳ) có mặt trong Phòng Bầu Dục‎. Một số nhà báo có mặt lúc hai bên tiếp xúc với báo giới cho biết về phía Hoa Kỳ, ngoài Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker và trưởng đoàn đàm phán mậu dịch Hoa Kỳ Michael Froman còn có thêm hai quan chức khác nữa.
Bà Pritzker là lính mới trong ngành ngoại giao. Bộ Thương mại của bà là nơi Hà Nội không ưa gì bởi họ đưa ra các thứ thuế chống bán phá giá nhắm vào ngành xuất khẩu tôm và cá tra của Việt Nam. Ông Froman mặc dù cũng gần gũi với ông Obama, dường như tập trung vào sự nghiệp chính trị nội địa nhiều hơn là kinh nghiệp đối ngoại thực thụ.

Thông điệp từ Bộ Chính trị


Đại sứ Mỹ David Shear tiếp xúc người Mỹ gốc Việt hồi tháng Tám
Dẫn các nguồn giấu tên từ cả Việt Nam và Hoa Kỳ, tác giả cho biết khi gặp Tổng thống Mỹ ngày 25/7 tại Tòa Bạch Ốc, phái đoàn Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nói quan hệ kinh tế với Mỹ và đàm phán để vào TPP là “ưu tiên rất cao”.
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát Việt Nam lâu năm và có quan hệ gần gũi với Hà Nội, cho biết ông đã được xem một bản sao của bản thảo một nghị quyết đề ngày 10/04/2013, hiện chưa được công bố, của Bộ Chính trị.
Nghị quyết này nói hội nhập kinh tế với tất cả các cường quốc chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, tức là hội nhập trên tất cả phương diện bao gồm cả an ninh.
Trong Phòng Bầu Dục, Chủ tịch Sang nhấn mạnh với ông Obama điều mà phía Việt Nam đã nói suốt trong ba năm đàm phán: rằng để ký được TPP, Việt Nam cần ưu đãi kinh tế, nhất là đối với thị trường dệt may – da giày, hiện đang chịu thuế nhập khẩu cao.
Giới chức báo chí Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về phản ứng của ông Obama với ông Sang về chủ đề này mặc dù khi ra trước giới phóng viên, ông Obama tuyên bố hai nước sẽ cố gắng ký TPP trước cuối năm. Tuy nhiên năm ngoái và năm kia Tòa Bạch Ốc cũng nói vậy, mặc dù nhà đàm phán mậu dịch Mỹ Michael Froman nói rằng lần này chính quyền Obama sẽ làm những gì họ nói.
Thế nhưng Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong lần tiếp xúc với cộng đồng Mỹ gốc Việt gần đây tại ngoại ô Washington vào hôm 16/08, đã chia sẻ thông điệp của Tổng thống Mỹ.
Đại sứ Shear nói rằng chính quyền Obama xem các cuộc đàm phán TPP là “hết sức quan trọng.” Nhưng nếu Hà Nội không có những “tiến bộ rõ rệt về nhân quyền” thì “chúng tôi không thể có được ủng hộ của quốc hội” cho thỏa thuận TPP.
Ông Shear cho hay chủ đề nhân quyền xuất hiện hai lần trong cuộc họp của ông Obama và ông Sang. Lần đầu là khi đề cập tới việc nhân quyền như điều kiện mấu chốt để hăng cường các mối quan hệ kinh tế và an ninh. Lần thứ hai, theo Đại sứ Shear, là khi Chủ tịch Sang bày tỏ nhu cầu của Việt Nam muốn mua vũ khí “sát thương”. Ông Obama được dẫn lời đáp lại rằng “nếu ngài muốn thực hiện điều đó thì Việt Nam phải cải thiện thực trạng nhân quyền.”
Tác giả bài báo, ông Rushford, cho rằng Bộ Chính trị hẳn phải tự hỏi đất nước họ có lợi gì khi tiếp tục bỏ tù các tù nhân chính trị mà “tội” của họ chỉ đơn thuần là thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp.
Tuy nhiên cũng chính các thành viên của Bộ Chính trị mà hiện bảo lưu cách hành xử về nhân quyền cũng phải tự hỏi tại sao họ phải đặt bút ký một thỏa thuận TPP mà cho Việt Nam các lợi ích kinh tế mập mờ.

'Từ sợi trở đi'


Hà Nội muốn Hoa Kỳ giảm thuế cao đánh vào hàng da giầy và dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ
Điểm mấu chốt của TPP là Hà Nội muốn Hoa Kỳ giảm thuế cao đánh vào hàng da giầy và dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên để được hưởng thuế suất 0% thì mọi công đoạn từ sợi trở đi ("yarn forward") phải được làm ở các nước thành viên TPP.
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ phải mua vải và sợi từ các nhà máy đang yếu thế tại miền nam Hoa Kỳ, tức là không được mua vải và sợi từ các nước phi thành viên TPP như Trung Quốc hay Thái Lan.
Và điều đó có nghĩa là cả các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ sẽ có vấn đề về nguyên liệu đầu vào bởi những hãng như Levis hoặc Gap sẽ phải mua vải từ nhà cũng cấp Mỹ và chở qua Thái Bình Dương tới Đông Nam Á.
Ngay cả Đại diện Mậu dịch Hoa Kỳ Michael Froman cũng không chịu giải thích cho tác giả, mặc dù hỏi rất nhiều lần, rằng vì sao điều khoản tính từ sợi trở đi lại mang lại lợi ích kinh tế tốt nhất cho Việt Nam.
Giữa tháng này, khi Đại sứ Shear tiếp xúc với người Mỹ gốc Việt ở bang Virginia, nhà báo Rushford, người cũng có mặt tại sự kiện này, đã hỏi ông Shear có thấy lợi ích kinh tế nào cho Việt Nam trước đòi hỏi tính từ sợi trở đi của ngành dệt may Việt Nam.
Đại sứ Shear nhường câu trả lời cho Đại diện thương mại Froman, nhưng ông này từ chối trả lời.
Tòa Bạc Ốc từng bác bỏ một cách thiếu thuyết phục rằng thỏa thuận TPP là một phần của chiến lược bao vây Trung Quốc về kinh tế. Điều khoản tính từ sợi trở đi, được Hoa Kỳ đưa vào thỏa thuận mậu dịch của Hoa Kỳ với Mexico vào đầu thập niên 1990 và sau đó được áp dụng với các nước châu Mỹ Latinh. Ý tưởng lúc đó, và vào lúc này, là để hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và sau này là từ châu Á.
Tuy nhiên, chiến lược này đã không thành. Qui định này rườm rà quá đến nỗi chỉ có 17% mậu dịch của Mỹ Latinh đi qua ngả “tính từ sợi trở đi”. Các công ty hầu hết lựa chọn giải pháp trả thuế cao hơn là phải mệt mỏi với đống giấy tờ thủ tục.
Tác giả cũng cho biết khi các nước châu Phi đàm phán một thỏa thuận mậu dịch với Hoa Kỳ (thỏa thuận mậu dịch AGOA vào thập niên 1990, giới dân biểu Mỹ da đen đã phản đối mạnh mẽ qui định này và biện luận đó là nguyên tắc của chủ nghĩa thực dân. Cuối cùng thỏa thuận AGOA cho phép các nước châu Phi mua bong và vải từ Trung Quốc, hoặc bất kỳ nơi nào khác, với điều kiện là thành phẩm cuối cùng phải được “cắt và may” (cut and sewn) tại châu Phi.
Trong đàm phán TPP, bất kỳ thỏa thuận nào không đạt được nguyên tắc “cắt và may” cho hàng may mặc đều cản trở hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Điều trớ true là giới dân biểu Mỹ gốc Phi hiện lại đang vận động để ông Obama ép Việt Nam phải chấp nhận điều khoản tính từ sợi trở đi mà họ từng chỉ trích là phân biệt đối xử.
Ngay tại vòng đàm phán mới đây tại Brunei, Đại diện Thương mại Mỹ vẫn tái khẳng định điều khoản này vẫn là “điểm cốt lõi” của những gì Hoa Kỳ muốn trong TPP.
Ông Rusford dự đoán có lẽ Việt Nam rồi sẽ chấp nhận một thỏa thuận TPP hạn chế, để dệt may – da giày Việt Nam phần nào hưởng lợi một cách khiêm tốn khi xuất vào Mỹ trong khi chỉ nhượng bộ tối thiểu khi mở cửa cho hàng hóa Mỹ xuất vào Việt Nam.
Tác giả nhận định rằng rốt cùng các nhà đàm phán của Việt Nam nên hiểu rằng Obama là người cần có một thỏa thuận TPP nhất và ông cảnh báo Tổng thống Obama nên học bài học của quá khứ để tránh sa đà vào chính trị nội địa khi đàm phán một thỏa thuận mậu dịch quan trọng với Việt Nam, cũng như duy trì vị thế của Hoa Kỳ tại châu Á.

Source : BBC

29/8/13

Hoàng Xuân Phú - Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp





Hoàng Xuân Phú


cũng chỉ là con dân
mà xưng là thiên tử

Có lẽ không điều khoản nào của Hiến pháp 1992 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lại được bàn cãi nhiều bằng Điều 4. Một bên thì cương quyết bảo lưu, bên kia lại muốn loại bỏ nó ra khỏi Hiến pháp. Nội dung mà hai bên thường đề cập là duy trì hay không việc hiến định quyền lãnh đạo đương nhiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để tìm hiểu thêm phần tiềm ẩn, ta hãy đọc lại Điều 4 Hiến pháp 1992 và cùng nhau suy ngẫm:
"Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

"Đội tiên phong" là gì vậy? Nghe mãi đâm quen, thấy oai oai, nhưng thực ra nó là cái gì? Trong ngôn ngữ thông dụng, cái từ này thường chỉ "đạo quân ở vị trí đi đầu để ra mặt trận". Thời xa xưa, khi còn đánh nhau bằng cơ bắp và vũ khí thô sơ, cả đạo quân ngàn vạn người cũng chỉ trông cậy vào võ nghệ của mấy vị tướng đầu quân, thì cả tướng lẫn quân của "đội tiên phong" cũng chỉ là thuộc hạ để nhà vua sai bảo. Ngày nay, lãnh đạo cao nhất lại càng cố thủ ở hậu phương, chứ không "tiên phong" ra mặt trận. Nếu vậy thì oai cái nỗi gì, mà lại gán cho đảng cái cương vị hạng hai, hạng ba, mà đôi lúc còn bị dùng để "thí tốt"?

Nếu cố gán cho từ "đội tiên phong" nội dung "thành phần ưu tú, đóng vai trò đầu đàn, đưa đường chỉ lối", thì lại nảy sinh câu hỏi: Một đảng mà đa số đảng viên và hầu hết lãnh đạo cấp cao đều không phải là công nhân, thì có thể coi là "đội tiên phong của giai cấp công nhân" hay không? Người của giai cấp công nhân – vốn được lý luận chính thống của ĐCSVN ngợi ca là ưu tú và cách mạng nhất – đi đâu cả, mà lại để cho cái hội thuộc giai cấp hay tầng lớp kém tiến bộ hơn xông vào choán hết "đội tiên phong" của mình?

Không chỉ được mệnh danh là "đội tiên phong", ĐCSVN còn được coi là "đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc". Tại sao lại ghi những thứ đó vào Hiến pháp? Hiến pháp là văn bản pháp lý gốc của cả Nước, của toàn bộ Nhân dân, để hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất, chứ đâu phải là cuốn sử ca của riêng ĐCSVN để ghi vào đó những lời tự phụ?

Vấn đề đáng bàn hơn là: Liệu những khẳng định kiểu đó có đúng hay không? Dù hào phóng giả định rằng hiện tại chúng đang đúng, thì lấy gì để đảm bảo rằng trong tương lai chúng vẫn còn đúng? Đã là Hiến pháp thì phải có hiệu lực lâu dài. Cho dù không tin vào sức sống của sản phẩm do mình tạo ra, thì chắc hẳn các tác giả Hiến pháp cũng hy vọng rằng nó sẽ tồn tại được vài chục năm. Vậy thì tại sao lại tùy tiện khẳng định hay liều lĩnh bảo lãnh phẩm giá của cả đội ngũ cầm quyền mấy mươi năm sau, những người mà các tác giả Hiến pháp không thể đoán trước sẽ là ai, sẽ cầm quyền thế nào và trong hoàn cảnh ra sao?

Cho đến nay, biết bao sự kiện bí ẩn và hành xử khó hiểu đã và đang xảy ra, đặc biệt là trong quan hệ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, kết hợp với tệ nạn tham nhũng và cướp đất tràn lan, khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: ĐCSVN (nói chính xác hơn là lãnh đạo của ĐCSVN) có còn trung thành với quyền lợi của Nhân dân và Dân tộc nữa hay không? Đối với không ít người thì câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Nếu muốn, giới cầm quyền có thể thông qua hành động thực tế để xóa bỏ nghi ngờ và chứng minh điều ngược lại. Thế nhưng, tại sao lại lạm dụng Hiến pháp để "công chứng" cho cái phẩm hạnh đang bị nghi vấn, và bắt Nhân dân phải mặc nhiên thừa nhận lòng trung thành của giới cầm quyền hôm nay và cả mai sau?

Giả sử ĐCSVN luôn thực sự là "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…", thì điều đó đã đủ để Nhân dân trao quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" hay chưa? Vẫn còn có nhiều "đại biểu trung thành" khác, thì tại sao lại chỉ trao quyền lãnh đạo cho một đại biểu duy nhất? Hơn nữa, giữa quyền lãnh đạotính tiên phong cộng với lòng trung thành là một khoảng cách xa vời, hai cái đó không nhất thiết là hệ quả của nhau. Chẳng hạn như Cún con, khi ra đường thì hay lon ton lên trước (nghĩa là rất "tiên phong"), và ít ai trung thành với chủ hơn Cún, nhưng chẳng vì thế mà Cún lại được chủ trao cho quyền lãnh đạo… gia đình. Rõ ràng, hai mệnh đề nhầm chỗ đó không đủ để biện minh cho quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN. Ngược lại, cái "hư hư thực thực", "hư" đến mức bất chấp cả "thực", đã làm suy giảm tính nghiêm túc và tính hợp lý của Hiến pháp. Vậy thì cưỡng nạp những mệnh đề vu vơ ấy vào Hiến pháp để làm gì?

*
*      *

Nếu quan niệm rằng hai đặc tính "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…"đòi hỏi, là điều kiện cần cho quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội", thì Điều 4 cần được hiệu chỉnh cho chuẩn xác về mặt lô-gíc, chẳng hạn như sau:
"Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, … thì mới là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."
Hoặc hoán vị đoạn cuối lên đầu và dùng chữ "để" thay cho hai chữ "thì mới":
"Để là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…"
Đó là hai phương án hiệu chỉnh lô-gíc kinh tế nhất, chỉ thêm ba hoặc bốn chữ và giữ nguyên các thành phần khác. Kể cả trong trường hợp thừa nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN như một thứ đương nhiên, bất chấp hiện trạng của đảng, thì cũng nên viết lại như sau:
"Đảng cộng sản Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc."
Dù chọn phương án nào thì cũng cần thêm chữ "phải", để nhấn mạnh rằng: Đó là đòi hỏi mang tính pháp lý mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Liệu giới cầm quyền có muốn viết như vậy hay không? Chắc là không! Vậy thì nội dung về "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…" trong Điều 4 không phải là đòi hỏi, mà mang ý nghĩa "thừa nhận một thực trạng đã, đang và sẽ mãi tồn tại", tức là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản".

Vấn đề tương tự được đặt ra với khoản tiếp theo của Điều 4, viết rằng:
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Đây có phải là một yêu cầu, một đòi hỏi hay không? Nếu là đòi hỏi thì cần bổ sung một chữ "phải" như sau:
"Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Câu hỏi nảy sinh là: Tại sao lại thiếu chữ "phải" tại vị trí quan trọng như vậy? Có phải do vô tình hay không?

Muốn hiểu được ý tứ của các tác giả, hãy điểm mặt 39 chữ "phải" trong Hiến pháp 1992 để nhận ra rằng: Từ "phải" là một trong những thuật ngữ đặc trưng trong Hiến pháp, thường được dùng để chỉ những điều bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ:
"Điều 51 … Công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội…"
"Điều 76  Công dân phải trung thành với Tổ quốc…"
"Điều 77 … Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân."
"Điều 100  Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…"
"Điều 122  Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn... Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định…"

Tại sao không viết tương tự, mà lại tránh dùng chữ "phải" trong Điều 4? Nếu quan niệm rằng chỉ cần viết
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"
đã hàm chứa chữ "phải", do đó có thể lược bỏ nó, thì sao không bỏ nốt chữ "phải" trong những trường hợp cũng "đã hàm chứa" tương tự? Chẳng hạn, sao không bỏ chữ "phải" trong hai điều khoản sau đây:
"Điều 115  … Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số."
"Điều 124  … Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số…"

Để hiểu hết thâm ý chứa trong Điều 4, nên so sánh nó với điều khoản sau:
"Điều 12  … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
Vâng, không chỉ "các… tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân", mà cả "các cơ quan Nhà nước" đều "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật". Nhưng ĐCSVN và các tổ chức của đảng thì không bị liệt kê trong Điều 12, tức là chúng không nằm trong diện "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật".

Điều 4 chỉ viết là: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Khi đã ngăn chặn việc ban hành luật về các đảng chính trị hay luật dành riêng cho ĐCSVN, thì chẳng hề tồn tại "khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" nào có thể khống chế và ràng buộc đảng. Vậy là ĐCSVN được mặc sức tung hoành. Hơn nữa, giả sử có ràng buộc pháp luật nào đó liên quan, thì ĐCSVN cũng không nhất thiết phải tuân theo, bởi vì câu hiến định "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" không nhất thiết là một đòi hỏi, mà ngược lại, rất có thế là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản", cũng tương tự như việc "công chứng" cho đặc tính "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…" mà thôi.

Hẳn là đạo diễn của Hiến pháp 1992 đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, và cố tình không cho "diễn viên" tên "phải" lạc vào "màn kịch" Điều 4, để tạo ra một "hoạt cảnh thực thực hư hư", "nói dzậy mà không phải dzậy". Cái tinh vi ấy được kế thừa trọn vẹn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 (được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 02/01/2013) và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 (được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 17/05/2013). Chưa thỏa mãn với đặc quyền vô biên đã có, người ta đã sửa câu
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"
trong Hiến pháp 1992 thành
"Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Hạ cấp từ chữ "Mọi" xuống chữ "Các", phải chăng là cố chừa ra thế lực bất khả xâm phạm? Tuy trong phương án sửa đổi có bổ sung thêm đối tượng "đảng viên", nhưng đó là "đảng viên thường". Còn các vị lãnh đạo đảng"siêu đảng viên", và cá nhân họ cũng không phải là "tổ chức", vì vậy có thể hoàn toàn tự do "ngoài vòng Hiến pháp và pháp luật".

Trong tham luận trình bày tại phiên họp Quốc hội vào buổi sáng ngày 16/11/2012, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã phân tích và kiến nghị như sau:
"Về Điều 4, hiện nay về Đảng thì chúng ta có 3 chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thứ hai là các tổ chức của Đảng; Thứ ba là đảng viên. Nhưng khi thiết kế Điều 4 thì chúng ta bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Đảng cho nên chúng ta chỉ quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 tôi chỉ xin thêm một từ ở đằng trước, tức là 'Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật'."
Đề nghị của Luật sư Trương Trọng Nghĩa là rất hợp lý, để loại trừ khả năng biện hộ rằng: "Đảng không phải là một tổ chức của Đảng, nên Đảng không phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Nếu thực tâm muốn tôn trọng "khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật", thì chẳng tiếc gì mà không thêm chữ "Đảng" vào đầu câu như ông Nghĩa đề xuất. Thế nhưng, đề nghị ấy đã không được chấp nhận. Phải chăng việc khước từ đó càng thể hiện rõ hơn động cơ của đạo diễn và bản chất của Điều 4?

Một nét mới của Điều 4 trong phiên bản 2phiên bản 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là khoản sau đây được chèn thêm vào giữa:
"Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Câu này đã khiến một số người hâm mộ đảng hân hoan ca ngợi. Nhưng thực ra có gì là mới ở đây hay không? Thế nào là "gắn bó mật thiết"? "Gắn bó" như hiện nay đã đủ hay đã quá "mật thiết" hay chưa? "Phục vụ nhân dân" thế nào thì bấy lâu đã rõ, xin kiếu, xin kiếu! "Chịu sự giám sát" hay "đành chịu sự giám sát"? Nhân dân "giám sát" thế nào, khi mọi chuyện tày đình đều diễn ra ở những nơi kín cổng cao tường, được súng ống bảo vệ nghiêm ngặt? Giả sử bằng cách nào đó mà biết được chút chuyện "thâm cung", thì đành ngậm miệng, hay nông nổi phát ngôn, để rồi có thể bị khép vào "tội cố ý" hay "tội vô tình làm lộ bí mật nhà nước" (Điều 263Điều 264 Bộ luật hình sự)? Và "giám sát" để làm gì? Nếu được phép "giám sát", nhưng khi phát hiện ra điều sai trái thì cũng chỉ có thể bó tay bất lực và thêm ấm ức, thì "quyền giám sát đảng" có hơn gì so với "quyền được tò mò, nhòm ngó chuyện riêng của nhà hàng xóm"? Thế nào là "chịu trách nhiệm trước nhân dân"? Ăn chán, phá chán cũng chỉ cần buông một câu "xin chịu trách nhiệm" là xong, vậy thì tội gì mà không ăn, không phá? Toàn là mỹ từ chung chung, vô định, phù hợp với mục đích tuyên huấn, nhằm mê hoặc và ru ngủ người đọc, chứ không thể dùng để diễn đạt các ràng buộc pháp lý.

Những băn khoăn vừa kể chỉ có ý nghĩa khi khoản mới bổ sung vào Điều 4 là đòi hỏi mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng đó thực sự là đòi hỏi, chứ không phải là tái diễn hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản"? Nếu quả là đòi hỏi, thì cần thêm bốn chữ "phải" như sau:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Hoặc ít nhất cũng bổ sung một chữ "phải" để áp chung cho cả bốn nghĩa vụ:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Như vậy không phải là quá máy móc, mà cũng chỉ hiến định giống như hai điều khoản sau đây của Hiến pháp 1992, cũng về quan hệ với Nhân dân:
"Điều 8  Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…"
"Điều 97  … Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri…"

Quan sát kỹ sẽ nhận ra sự khác nhau "tinh tế" giữa yêu cầu đối với Nhà nước trong Hiến pháp 1992 và yêu cầu đối với ĐCSVN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Các cơ quan Nhà nước "phải tôn trọng nhân dân" và "lắng nghe ý kiến… của nhân dân", còn đảng thì không "phải tôn trọng nhân dân" và cũng không phải "lắng nghe…nhân dân"; các cơ quan Nhà nước phải "tận tụy phục vụ nhân dân", còn đảng thì cũng "phục vụ nhân dân" nhưng không cần phải "tận tụy". Thế cũng đã là tiến bộ vượt bậc rồi, bởi Hiến pháp 1992 còn không hề nhắc đến quan hệ của đảng đối với Nhân dân.

Có lẽ để "cởi trói" cho Nhà nước, nên "Các cơ quan Nhà nước" được giải phóng khỏi Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2:
"Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân…"
Sau đó, không hiểu do sức ép nào mà người ta lại đành chịu để cho "Các cơ quan Nhà nước" tái hiện trong Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3:
"Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…"

*
*      *

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2phiên bản 3, số lần xuất hiện của chữ "phải" ít hơn so với trong Hiến pháp 1992. Vì sao như vậy? Một số chữ "phải" biến tướng thành thuật ngữ khác, như "có trách nhiệm", "có nghĩa vụ"… Chẳng hạn, đoạn
"công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội"
tại Điều 51 Hiến pháp 1992 biến thành đoạn
"Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội"
tại Điều 20 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Một số chữ "phải" thì biến mất hẳn, vì một số điều khoản được bãi bỏ. Ví dụ, quy định
" Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…"
tại Điều 100 Hiến pháp 1992 biến khỏi cả hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. (Chả trách mà một số đại biểu Quốc hội say sưa ca ngợi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.)

Có một ưu ái đặc biệt mà "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" dành cho Dân trong Hiến pháp 1992, đó là "vinh danh" Dân hai lần trong mối quan hệ với pháp luật:
"Điều 12  … mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
"Điều 79  Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật…"
Các tác giả Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 đã kết hợp nhuần nhuyễn tính kế thừa với tính sáng tạo, và thu được kết quả tương ứng như sau:
"Điều 8  cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
"Điều 49  Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
Trong Điều 8, từ "cá nhân" được dùng để thay thế cho từ "mọi công dân"Điều 12 Hiến pháp 1992. Nghĩa là Dân vẫn được "vinh danh" hai lần: Một lần dưới danh nghĩa "công dân" và một lần dưới danh nghĩa "cá nhân". "Chu đáo" với Dân đến thế là cùng.

Trong khi đó, họ lại "sơ suất" đánh mất hai chữ "Nhà nước" trong đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật". Quy định
"Điều 12  … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
trong Hiến pháp 1992 được sửa thành
1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật…
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Khoản 1 Điều 8 học theo phong cách của Điều 4 Hiến pháp 1992, không hề sử dụng từ "phải" hay thuật ngữ tương đương, nên cũng không rõ đó là đòi hỏi hay ghi nhận (tức là "công chứng"). Nếu đó là đòi hỏi thì Nhà nước cũng chỉ cần "hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật". "Theo" được bao nhiêu thì "theo", chứ không bắt buộc "phải nghiêm chỉnh chấp hành…". Nghĩa vụ "phải nghiêm chỉnh chấp hành…" trong Khoản 3 Điều 8 chỉ áp vào "Cơ quan, tổ chức" chung chung, mà thường chỉ được hiểu là "cấp dưới".  Rồi đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3, Điều 8 chỉ giữ lại cái Khoản 1 mập mờ, còn Khoản 3 thì hoàn toàn biến mất, do đó cả "Cơ quan, tổ chức" chung chung cũng không còn bị đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật" nữa.

Chưa hết, cái quy định
"Ủy ban nhân dân … chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân"
tại Điều 123 Hiến pháp 1992 cũng bị xóa khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Có lẽ họ đã kịp nhận ra như vậy cũng không ổn lắm: Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì không thành vấn đề, nhưng nếu bỏ cả quy định "chấp hành … các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên", ngộ nhỡ địa phương không chịu nghe theo trung ương nữa thì sao? Cho nên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3, họ đã đưa ra hai phương án: Với phương án 1 thì Ủy ban nhân dân vẫn không bị nhắc nhở là phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật…"; phương án 2 khôi phục nguyên văn quy định của Điều 123 Hiến pháp 1992. Nếu phương án 1 được thông qua, thì không chỉ các cơ quan của đảng, mà cả các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều được "giải phóng" khỏi "trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật". Còn nếu phương án 2 được thông qua thì chỉ Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật" mà thôi. Dù bất cứ phương án nào của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 được chọn, thì công dân cũng vẫn được "chăm sóc chu đáo", không bị bỏ sót, bởi:
"Điều 49  Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật…"
Hóa ra, nghĩa vụ Nhà nước chỉ nhất thời, nghĩa vụ Dân mới vạn đại.

*
*      *

Để hiểu rõ hơn Điều 4 Hiến pháp 1992 và các phiên bản biến dạng của nó, ta đã lan man sang một số điều khoản khác của Hiến pháp. Đấy không phải là lạc đề, mà để có được tầm quan sát bao quát hơn, nhằm thấu hiểu hơn bản chất và ý nghĩa của Điều 4. Phải so sánh với cách cư xử mà họ dành cho Dân, thì mới thấy rõ mức độ ưu ái mà thế lực cầm quyền dành riêng cho mình. Thế mới biết, trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đang tồn tại trên đất Việt, thì nguyên lý "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 52 Hiến pháp 1992) cần được hiểu như thế nào. Vâng, "mọi công dân đều bình đẳng…", nhưng giới cầm quyền còn "bình đẳng hơn", và lãnh đạo cấp cao nhất thì tất nhiên phải được "bình đẳng nhất". Có lẽ vì cái không gian dân chủ xã hội chủ nghĩa quá chật hẹp, nên giới cầm quyền phải đứng ngoài khuôn khổ pháp luật, phải đứng trên hiến pháp, để… "nhường chỗ cho Dân".

Các điều khoản đã trích dẫn ở trên cho thấy: Chỗ nào thấy cần thì các tác giả Hiến pháp đều nhớ dùng từ "phải" hoặc những từ đồng nghĩa để nhấn mạnh sự "đòi hỏi". Họ chỉ cố tình "quên" dùng từ "phải" ở Điều 4 mà thôi. Nhờ thế, Hiến pháp trao cho ĐCSVN quyền lực lãnh đạo tối cao vô biên, nhưng lại không đòi hỏi ĐCSVN phải thực hiện bất cứ điều gì, kể cả việc "nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật", như quy định ở Điều 12 đối với các thành phần còn lại của xã hội. Hơn nữa, bất luận thực tế tốt xấu ra sao, thì ĐCSVN cũng được "công chứng" trong Hiến pháp là đã "tiên phong…", đã "trung thành…", đã "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật", và đã "gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".

Lối viết lấp lửng tạo cho người đọc ảo tưởng rằng lãnh đạo đảng đã tự giác đặt mình vào khuôn phép, nhưng vẫn đảm bảo cho "đấng tối cao" chẳng phải chịu bất kỳ ràng buộc pháp lý nào cả, và bất kể thế nào thì cũng vẫn được vinh danh.

Liệu đó có phải là thâm ý của những người đã ấn định nội dung Điều 4 trong Hiến pháp 1992 và hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hay không?

Điều 4 như vậy có hợp lý không?
Viết ra và tung hô một điều như vậy có phải là tử tế không?
Chúng ta có thể nhắm mắt mà chấp nhận một điều hiến định như thế hay không?


29/08/2013 – Mừng Cháu tròn một tuổi

Source : Blog Hoang Xuan Phu