Tết Tây, Tết Tàu, Tết nào là tết ta?


VOA     Thiện Ý                

30.01.2014
Một tháng trước đây là Tết Dương lịch hay còn gọi là Tết Tây, giờ đây chúng ta bước vào Tết Âm lịch hay có người gọi là Tết Tàu. Vậy Tết Tây và Tết Tàu có phải là Tết Ta không?

Tết Tàu là Tết theo Âm lịch (Lunar Calendar), là giao thời (giao thừa) giữa những ngày cuối năm cũ qua những ngày đầu năm mới tính theo “Phép lịch định theo mặt trăng, tức là lịch Tàu và Ta thường dùng” (Theo Tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh). Nghĩa là mỗi năm có 12 tháng tượng trưng bằng 12 con vật: Dần (Cọp), Mão (Mèo), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Heo hay Lợn); có những năm nhuận thành 13 tháng. Năm nay là năm Giáp Ngọ theo Âm lịch.

Một số nước khác chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, do hoàn cảnh lịch sử, trong đó có Việt Nam, cũng ăn Tết theo Âm lịch. Nhưng vì Âm lịch xuất phát từ người Tàu lan ra một số nước trong vùng, nên một số người Phương Tây lầm tưởng gọi đó là Tết Tàu, khiến nhiều người Việt Nam nặng tự ái dân tộc đã bất bình khi nghe ai gọi Tết Việt Nam  là Tết Tàu.
 
Như vậy, dù thực tế người Việt Nam thường gọi là “Tết Ta” mà thực ra là Tết theo Âm lịch, xuất phát từ người Tàu, du nhập cùng với nhiều phong tục tập quán khác, tốt cũng như xấu, sau hàng ngàn năm bị phong kiến Tàu đô hộ, thực hiện chính sách đồng hóa dân ta. Thế nhưng chính sách đồng hóa này của họ đã thất bại trước ý chí quật cường của dân tộc ta, nên sau 1000 năm nô lệ giặc Tàu, nhân dân ta đã giành được độc lập tự chủ, dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc riêng, trừ một số phong tục tập quán đã nhiễm của người Tàu, mà tục lệ ăn Tết là một điển hình, song trong cách ăn Tết của dân ta vẫn có những nét đặc thù dân tộc khác với Tết Tàu.

Còn Tết Tây là Tết Dương lịch (Solar Calendar) tính năm tháng theo vận hành của trái đất xoay quanh mặt trời. Nghĩa là “Lịch pháp lấy thời gian địa cầu xoay một vòng quanh thái dương làm một năm, mỗi năm 365 ngày ¼”(Theo Tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh). Một năm được chia thành 12 tháng, có tháng thừa đủ 30 hay 31 ngày, có tháng thiếu ít nhiều chỉ có 28 hay 29 ngày.

Tết Tây được du nhập vào Việt Nam sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta vào giữa Thế kỷ 19 , khởi sự cướp nước ta và sau đó thiệt lập chế độ khai thác thuộc địa và thực hiện chính sách đồng hóa dân ta kéo dài gần 100 năm (1858-1954).Thế nhưng cũng như quân xâm lược Tàu, thực dân Pháp đã thất bại trong chính sách đồng hóa dân ta, trừ một số phong tục tập quán tốt cũng như xấu xâm nhập được vào sinh hoạt đời sống, xã hội nước ta, trong đó Tết Tây là một điển hình.

Trên thực tế, vì chịu ảnh hưởng trước, lâu dài và nặng nề chính sách đồng hóa của người Tàu hơn người Pháp, nên dân ta hàng năm vẫn ăn Tết cổ truyền theo Tết âm lịch như người Tàu. Còn Tết Tây chỉ ảnh hưởng giới hạn đến một số ít thành phần xã hội gần gũi với người Pháp và gắn bó quyền lợi với guồng máy cai trị của chế độ thực dân Tây, mới ăn Tết Tây mà thôi.

Vì vậy Tết Tây, Tết Tàu, chẳng tết nào là Tết Ta theo nghĩa nó phát xuất từ dân tộc ta cả. Tuy nhiên, việc chúng ta ăn Tết theo Âm lịch như người Tàu, với những phong tục tập quán về Tết như người Tàu đã như một tất nhiên của lịch sử khi bị Tàu đô hộ thực hiện chính sách cai trị đồng hóa dân Việt. Tổ tiên ta bao đời nay đã ăn những cái Tết cổ truyền đầy vui tươi hoan lạc. Đó là một truyền thống văn hóa tốt đẹp như nhiều truyền thống văn hòa tốt đẹp khác của nhân loại đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để trở thành truyền thống văn hóa quốc tế. Vì vậy việc người Việt Nam ăn Tết Tàu, hay Tết Tây không quan trọng, miễn là đem lại niềm vui, hoan lạc và hạnh phúc chung cũng như riêng cho mọi người.

Thế nhưng, một vấn đề chúng tôi từng đặt ra hơn một lần trên các phương tiện truyền thông, nay một lần nữa xin đặt lại là: nếu “Tết Tàu” hay “Tết Tây”  đều không phải là “Tết Ta”, thì tại sao chúng ta có thể chọn Tết nào có lợi ích thực dụng nhất cho dân ta làm “Tết Ta”?

Chúng tôi từng lý giải rằng: Nếu chúng ta không thể chọn một cái Tết riêng làm “Tết Ta” xuất phát từ dân tộc Việt (mà thực tế lịch sử chúng ta dường như đã không có) như một số dân tộc khác trên thế giới; chẳng hạn người Thái, Lào, Campuchia trong vùng Đông Nam Á đã có những cái Tết riêng theo phong tục tập quán lâu đời của họ…Tại sao chúng ta không chọn “Tết Ta” theo Dương lịch (như người Nhật đã làm?), mà vẫn giữ lại tất cả những tập tục cổ truyền tốt đẹp trong những ngày Tết mà bao lâu nay dân ta đã ăn Tết theo Âm lịch?

Chẳng hạn chúng ta vẫn giữ tập tục đưa Ông Táo về Trời, dựng nêu ăn Tết với bánh chưng xanh, “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”, hội xuân, cúng giao thừa đêm 30 Tết, các tập tục ba ngày Tết chung diễn ra trên cả nước cũng như tập tục riêng về ngày Tết của các địa phương v.v.

Vì chọn ăn Tết theo Dương lịch mà vẫn giữ được những nét cổ truyền và truyền thống ăn Tết tốt đẹp theo Âm lịch của tổ tiên ta từ bao đời nay, sẽ thành đạt hai lợi ích căn bản này:

   1.- Lợi ích thực dụng khi cả thế giới ngày nay đều thống nhất dùng Dương lịch cho mọi sinh hoạt xã hội, sinh hoạt chính trị, kinh tế, tài chánh, văn hóa, khoa học… Nhất  nữa là  trong bối cảnh hầu hết các quốc gia giầu cũng như nghèo trên hành tinh này đã và đang có nỗ lực chung “Toàn cầu hóa” về nhiều mặt, căn bản là hai lãnh vực: Chính trị (dân chủ hóa toàn cầu) và kinh tế (thị trường tự do hóa toàn cầu). Trong khi thực tế nhiều nét và sinh hoạt văn hóa, xã hội đã mang tính phổ quát chung cho nhiều dân tộc trong hầu hết các quốc gia trên thế giới, bất kể xuất phát từ dân tộc nào, quốc gia nào (Các ngày lễ tôn giáo, lễ tình yêu, lễ lao động quốc tế, trang sức, ngôn ngữ, phong tục tập quán… đã được quốc tế hóa theo quy luật ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa mạnh yếu…)
 
Vì vậy nếu Việt Nam ta chọn ăn Tết theo Dương lịch là có lợi ích thực dụng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại “toàn cầu hóa” trong Thế kỷ XXI này, với những phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến, khởi đi từ phát minh điện tử vào hậu bán Thế Kỷ XX được vận dụng vào đời sống con người, đã đưa loài người từ “một nền văn minh Công nghiệp” bước vào “một nền văn minh Điện tử”, đã chọc thủng mọi biên giới quốc gia đưa ánh sáng văn minh đến cho mọi người, thuộc mọi dân tộc trên hành tinh này.

2.- Trước tham vọng xâm chiếm từng bước lãnh thổ, lãnh hải nước ta của Tàu cộng, với ý đồ tái diễn lịch sử đô hộ và đồng hóa dân ta một lần nữa, việc chọn theo Dương lịch là một trong những việc làm nhằm khẳng định chiều hướng tách khỏi ảnh hưởng lịch sử nô lệ ngoại bang, nói lên tinh thần độc lập tự chủ, ý chí quật cường của dân tộc ta sẽ làm thất bại mọi ý đồ đen tối của ngoại bang bất cứ từ đâu tới.

Vậy thì, việc chuyển đổi từ Tết Ta theo Âm lịch sang Tết Ta theo Dương lịch phải làm thế nào về mặt pháp lý và thực tiễn?

Về mặt pháp lý, theo thủ tục lập pháp trong các nước dân chủ, Quốc hội đương nhiệm phải thông qua một dự luật chuyển đổi “Tết Ta” theo Âm lịch qua “Tết Ta” theo  Dương lịch, với các điều khoản qui định vẫn duy trì mọi phong tục tập quan Tết cổ truyền tốt đẹp bao đời nay nhân dân thường ăn Tết theo Âm lịch. Dự luật này cần được trưng cầu dân ý và căn cứ trên ý dân, Quốc hội biểu quyết thông qua thành “Luật Chuyển Đổi Tết Ta Từ Âm Lịch Sang  Dương Lịch”. Luật này sẽ được người đứng đầu hành pháp (Tổng thống, Chủ tịch Nước, Thủ tướng…) ban hành để có hiệu lực chấp hành.

Source : VOA