20/3/09

Trong khi chờ đợi Obama

Trong khi chờ đợi Obama

Số 44

Nguyễn Quang


Chế độ chính trị Hoa Kì ổn định đến mức người ta thường gọi tổng thống Mĩ bằng con số thứ tự. Trò chơi « số đề » quen thuộc là gọi số thì phải xướng tên : số 1, cố nhiên là George Washington, số 16 là Abraham Lincoln, số 35 (đúng là... đúng quá !) John F. Kennedy... Trong chuỗi số ấy, 44 quả là đặc biệt, như thể Lịch sử (viết bằng chữ L hoa), vì nhiều lẽ, đã mưu toan đặt nó dưới những điềm báo hiệu khác thường : số 44 sẽ là tổng thống Hoa Kì đầu tiên người da đen, kế vị số 43 là tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc, trong vòng tám năm đã đưa đất nước vào hai cuộc chiến tranh và huỷ hoại hình ảnh nước Mĩ trên thế giới ; lễ kế vị sẽ diễn ra trong một bối cảnh kinh tế xã hội xấu nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1929.


Vấn đề « màu da »


Barack Obama da đen, đó là điều ai cũng thấy ; nói theo ngôn ngữ « đúng lập trường chính trị » thì ông là một công dân « Phi-Mĩ » ; nói mất dạy như Berlusconi là « nhọ » ; văn vẻ hơn một chút, thì đây là « ứng viên Phi-Mỹ đầu tiên biết ăn nói, thông minh, trên dưới sạch sẽ và mặt mũi bảnh bao » (lời của phó tổng thống mới được bầu, Joseph Biden chuyên gia « lỡ miệng »). Cả một đoạn đường dài nếu ta nhớ rằng, cách đây chưa đầy nửa thế kỉ, tại một số bang kì thị chủng tộc, người da đen không có quyền đi bầu. Có những nhà chính trị học và xã hội học còn bàn ra tán vào, bảo thực ra Obama là lai, con của một người phụ nữ da trắng thuộc bang Kansas và một người đàn ông da đen nước Kenya (1), nhưng không phải « vô tư » khi người ta nói Obama là một « người da đen mẹ da trắng » chứ không phải « một người da trắng bố da đen ». Muốn hiểu vấn đề màu da đã xuyên suốt các riềng mối quan hệ xã hội ở Hoa Kì đến mức nào, cần phải nhắc lại rằng ở đất nước này, hễ có « một giọt máu da đen » trong huyết quản là được quy là « người da đen », rằng các đạo luật kì thị sắc tộc mãi đến năm 1964 (thời Johnson) mới bị bài bỏ toàn bộ, và hiện nay sự kì thị ấy còn hiển hiện trong sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế. Bất bình đẳng xã hội : chẳng hạn như ở quận Watts (nơi nổ ra những cuộc bạo động đô thị năm 1965), thu nhập bình quân chỉ bằng nửa thu nhập bình quân của cả vùng Los Angeles, 37% người lớn không có bằng tốt nghiệp trung học (high school), tỉ số thất nghiệp vẫn không thay đổi so với năm 1965 (23%), 60% trẻ em sống ở dưới mức nghèo khó..., và cứ 9 thanh niên thì 1 người đang ở trong tù ! Bất bình đẳng về chính trị : từ ngày « tái kiến thiết » (1877) đến nay, nghĩa là sau gần một trăm năm mươi năm, mới chỉ có hai người da đen leo lên tới chức thống đốc bang, và ba người (kẻ cả Obama) thượng nghị sĩ. Cho nên, một tổng thống lai đen-trắng thắng cử với 53% số phiếu, và tới ngày nhậm chức, được dân tình ủng hộ tới mức 80% (trong khi dân số da đen chỉ có 12%), thì quả là một sự kiện lịch sử.

Song tính chất của sự kiện này là gì : một sự đoạn tuyệt, một bước nhảy vọt, hay kết cục của một tiến trình ? Mặc dầu phong trào dân quyền đã tàn lụi vào cuối thập niên 60, ngày nay chúng ta thấy rõ các lực lượng được nó phát động đã tiếp tục ngấm ngầm tiến tới, khiến cho xã hội Mĩ thay đổi nhận thức về vấn đề « màu da ». Giấc mơ của Martin Luther King hiển nhiên vẫn còn là giấc mơ, nhưng từng mảng, từng mảng, mỗi mảng chẳng mấy ai để ý, nhưng tổng hợp lại, đã làm thay đổi tâm lí tập thể. Xin đơn cử một hội chứng : sự nổi danh của một nhân vật người da đen, trong thể thao (Tiger Woods) hay trên màn ảnh (Will Smith), ngày nay được coi là sự thành đạt bình thường, trong khi trước đây, một nhân vật như vậy bắt buộc phải trình diễn một cách cường điệu, kiểu « đen mà trắng » (như Sammy Davis Jr (2)) hay theo kiểu « đen nổi loạn » (võ sĩ Cassius Clay, đổi tên là Muhammed Ali). Một hội chứng nữa : không biết vì những lí do « lập trường chính trị đúng đắn » hay chăng, nhưng cũng chẳng sao, điện ảnh Mĩ – dạng thức văn hoá đại chúng mạnh mẽ nhất – đã bình thường hoá « nhân vật chính diện » (héros) da đen, hay chính xác hơn, da đen « bình thường ». Cho nên, trong chuyện tiếu lâm của giới say mê điện ảnh, nước Mĩ đã có một tổng thống da đen là... Morgan Freeman (3). Trong hơn một thế kỉ, một cái trần bằng thuỷ tinh dường như đã ngăn chận sự thăng tiến của người da đen. Cuối cùng thì hiện thực đã gặp hư cấu điện ảnh, cái trần bằng thuỷ tinh đã có một vết rạn nứt dài, ta có thể đi theo vết rạn dọc theo thời gian 20 năm, từ Bush 1 đến Bush 2 thông qua Clinton : một người da đen, Colin Powell, làm tham mưu trưởng liên quân, tức là chức vụ cao nhất trong bộ máy quân sự ; hai người da đen, Colin Powell, rồi Condoleezza Rice, đứng đầu bộ ngoại giao, tức là chức vụ cao nhất trong ngành hành pháp sau tổng thống ; một người da đen, Clarence Thomas, thẩm phán Pháp viện Tối cao, cơ quan tư pháp và hiến pháp cao nhất trong định chế Hoa Kì... Bây giờ nhìn lại, và nói theo ngôn ngữ của các nhà toán học, chỉ việc kéo dài « đường biểu diễn hàm số » là tới « số 44 ».

Là ứng cử viên da đen, tất nhiên người ta chờ đợi xem ông Obama nói gì về vấn đề « màu da ». Là một chính khách thiên bẩm, Obama đã nắm bắt được xu thế thời đại để « đi một bước trước » : ông không tự định vị như mình là đại diện của những người da đen, tránh hẳn được ngôn từ yêu sách nẩy lửa của những lãnh tụ da đen (Malcolm X, Jessie Jackson...), mà tận dụng cái thế « con lai » và lộ trình của bản thân mình để kêu gọi thay đổi, kêu gọi nước Mĩ vượt qua những chia cách về chính trị, xã hội và chủng tộc. Phải chăng đó chỉ là một toan tính khôn khéo về chiến thuật ? Cử tri da đen (theo truyền thống, 90% bỏ phiếu cho Đảng dân chủ) đương nhiên ủng hộ cho Obama rồi, khôn ngoan ra tất nhiên phải tránh nói và làm bất cứ điều gì có thể làm cử tri da trắng e ngại. Song, trong quá trình các cuộc tranh cử « sơ khởi » (giữa các ứng viên của đảng dân chủ), có một lúc Obama đã bị dồn tới chân tường khi đài truyền hình ABC News tiết lộ mối quan hệ mật thiết của ông với mục sư người da đen, Jeremiah Wright. Những bài giảng của ông mục sư này không thua gì những lời nguyền rủa nảy lửa trước đây của Malcolm X : « Cầu Thượng Đế hãy trừng phạt nước Mĩ này vì tội nó đã đối xử với một số công dân của nó như là ngợm chứ không phải người ! Cầu Thượng Đế hãy trừng phát nó bao lâu nó còn dám tự xem mình là Thượng Đế, tự coi mình là quốc gia tối thượng ! ». Phản ứng của Obama trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quá trình tranh cử này cho ta đo được bản lĩnh và những xác tín của ông. Thay vì tránh né, phủ nhận hay tìm cách xoa dịu bằng mọi giá, Obama đã trực tiếp đối diện và chọn chủ nghĩa chủng tộc làm nội dung chính của bài diễn văn đọc tại Philadelphia ngày 18.3.2008, một diễn ngôn có tính chất khai sáng mà có người so sánh với bài giảng của Martin Luther King tại Washington Mall (« Tôi có một giấc mơ... ») hay diễn từ của Lincoln ở Gettysburg (« chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân... »). Nói tới mục sư Wright, và nói tới cả bà ngoại của mình, người đầy thành kiến kì thị chủng tộc của phụ nữ da trắng đã nuôi nấng ông thuở nhỏ, Obama kiên định bản sắc của mình và khẳng định niềm tin ở nước Mĩ : « Những con người ấy là thành tố của tôi. Họ là thành tố của nước Mĩ, đất nước yêu dấu này của tôi [...]. Tôi đã khẳng định niềm tin sâu sắc – niềm tin ghi khắc trong lòng tin nơi Thượng Đế và lòng tin nơi nhân dân Mĩ – rằng : sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ hàn gắn được những vết thương chủng tộc từ xưa của chúng ta ; và sự thật là chúng không có sự chọn lựa nào khác hơn là đi tới trên con đường hoàn thiện khối đoàn kết ». Khối đoàn kết hoàn thiện ấy cũng chính là lí tưởng mà các bậc « Cha Ông lập quốc » : « Mọi người sinh ra đều bình đẳng, điều ấy chúng tôi coi là chân lí tự nhiên ». Tuy đã trúng cử trái ngược với ý hướng của đa số người da trắng (Obama được 43% phiếu bầu của cử tri da trắng, McCain 55%), dường như « người thứ 44 » đã phóng mình tới một nước Mĩ « hậu – chủng tộc » khi mà, trong bài diễn văn nhậm chức đọc trước thềm điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mĩ), ông chỉ nói vỏn vẹn một câu tới vấn đề « màu da », nhưng một câu hết sức biểu trưng : « Một người mà trước đây người cha đẻ không được vào ngồi ăn trong một quán xá quanh đây, ngày hôm nay có thể đọc lời tuyên thệ thiêng liêng nhất ».


Những khiếm khuyết đạo lí


« Đất nước chúng ta phải chọn lựa, đây không phải chỉ đơn thuần là chọn lựa giữa hai con người hay hai đảng phái, mà là chọn lựa giữa quyền lợi chung và tiện ích riêng, giữa sự dấn thân kiên quyết và sự tầm thường thấp kém ». Lời Barack Obama ? Không, J. F. Kennedy khi ông ta trình bày cương lĩnh « Biên cương Mới ». Câu nói ấy được phát biểu từ năm 1960 vẫn ứng nghiệm với tình hình hiện nay, với một nước Mĩ chìm ngập trong khủng hoảng kinh tế và tinh thần sau tám năm « chủ thuyết Bush ». Ngày nay đã rõ là « W » đã thất bại nặng nề trên cả hai mặt trận : mặt trận quân sự trong cuộc chiến tranh chống khủng bố (khi cuộc thánh chiến chống « trục của cái Ác » sa lầy ở Irak) ; và trên mặt trận kinh tế (khi dự án « tân liberal » của ông ta đã vỡ tan khi đụng vào bức tường của cuộc khủng hoảng). Nhưng sở dĩ Bush tuột dù thê thảm trong nhân tâm (chỉ còn 18% người Mĩ có ý kiến tích cực) là còn vì những nguyên nhân đạo lí – một quan niệm rất Mĩ, điều khống thể hiểu nổi đối với những công dân xy-nic đã mất hết tin tưởng, hay « quá xập xệ về mặt dân chủ » của Cựu Lục Địa (4).

Trúng cử năm 2000 một cách không mấy vinh quang, Bush bỗng chốc đã có được một tầm cỡ mới nhờ cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9.2001, khi một quốc gia lớn (lần đầu tiên bị xâm phạm bên trong biên giới của mình) không muốn gì hơn là trao phó số mệnh của mình vào tay một vị tổng tư lệnh. Đó là cơ hội vàng để tên tuổi Bush được ghi khắc trong danh sách những lãnh tụ vĩ đại của Hoa Kì. Nhưng không, ông ta tưởng đã được khoán trắng để thi hành một chính sách cực kì bè phái, gây chia rẽ sâu sắc trong lòng một dân tộc đang cần sự đoàn kết. Chúng ta sẽ trở lại các mục tiêu của đường lối chính trị này, nhưng ngay ở đây, phải nói là những phương thức của chính sách ấy cuối cùng đã bị người Mĩ coi là phản đạo lí : một phương pháp « truyền thông » (« com ») đầy đủ ngón nghề (chủ yếu do bàn tay của Karl Rove, bộ óc chiến lược số 1 của Đảng cộng hoà), nhưng lại dựa trên sự giả mạo và che đậy, nên cuối cùng đã tan tành trước thực tại, chứng tỏ một lần nữa rằng « người ta có thể lừa được một số người trong một thời gian, những không thể lừa mọi người mãi mãi được » (4). Trong chuyện Irak, chính quyền Mĩ đã đầu độc dư luận một cách xảo quyệt về « vũ khí giết người hàng loạt », rồi kiểm duyệt, không cho báo đài nói tới số thương vong, và che giấu những vi phạm nhân quyền liên tiếp... song cuối cùng, vẫn không che đậy được sự thật về tác hại của một cuộc chiến tranh phi lí (tìm mãi không ra một mẩu nhỏ « vũ khí giết người hàng loạt »), đẫm máu (4 000 quân nhân Mĩ bị chết, 40 000 bị thương, 12 000 tàn phế), hao tốn (một trillion, tức là một nghìn tỉ đôla, tương đương với kế hoạch tái khởi động kinh tế của Obama). Đến cơn bão Katrina (tháng chín 2005) thì lộ rõ cái hố sâu giữa ngôn từ của « chủ nghĩa bảo thủ từ tâm » (khẩu hiệu tranh cử năm 2004) và hiện thực của một nước Mĩ bị chia rẽ về chủng tộc cũng như về mặt xã hội, một xã hội trong đó những người bất hạnh bị bỏ mặc trong sự thờ ơ hay khinh bỉ của bọn giàu sang ; hố sâu giữa những lời tự khoe khoang về tài năng của giới lãnh đạo và sự bất cập của những kẻ dưới trướng trong việc tổ chức cứu trợ ; hố sâu giữa một bên là sự chống đối lại mọi sự can thiệp của Nhà nước trong đầu óc của các nhà tư tưởng, và bên kia là sự bất lực và bất cập của chính họ không biết lấy gì thay thế Nhà nước. Rồi tới câu chuyện dự án « một xã hội của những sở hữu chủ » (lại một khẩu hiệu của cuộc tranh cử 2004), mà cuộc khủng hoảng « subprime » đã cho thấy bản lai diện mạo... Thực chất tinh thần của « chủ thuyết Bush » là nhân danh những định kiến ý thức hệ, coi thường nguyên tắc hiện thực. Mọi người còn nhớ lời tuyên bố năm 2002 của một nhân vật « tân bảo thủ » nói với nhà báo Ron Suskind : họ, những người theo chủ thuyết Bush, không muốn dính dấp gì với bọn « reality-based community », nghĩa là những người « cứ tưởng rằng các giải pháp sẽ nảy sinh từ sự nghiên cứu chính xác hiện thực quan sát được [...]. Chúng tôi thì chúng tôi tạo ra hiện thực của chúng tôi ». Cái « hiện thực » ấy, chúng ta đã biết nó đã được tạo ra như thế nào trong vụ « vũ khí giết người hàng loạt » ở Irak. Một hậu quả khác của thái độ nói trên là sự chối bỏ hoặc giả mạo tri thức khoa học khi nó đi ngược lại ý thức hệ, và đây cũng là ngón nghề của tập đoàn Bush. Họ dùng « chiến lược lập lờ đánh lận con đen », đặt ngang hàng một bên là nghiên cứu khoa học theo nghĩa nghiêm chỉnh, với những bất trắc tất yếu của nó, và bên kia là những sự đánh giá, nhận định do những cơ quan dính dáng tới các lobby công nghiệp hay tôn giáo đưa ra, hoàn toàn không có quy trình kiểm chứng. Điển hình mà nhiều người biết là cuộc tranh luận về hiệu ứng nhà kính và hiện tượng trái đất nóng dần lên, song còn nhiều ví dụ khác : tranh luận về các tế bào – gốc, về sự ngừa thai, về tác hại thần kinh của chì... đó là không kể cuộc tấn công vào học thuyết Darwin của phái « sáng thế chủ nghĩa ». Giới khoa học đã kịch liệt tố cáo thái độ bất lương này, như trong bản báo cáo 2004, lên án nhà cầm quyền Hoa Kì đã « làm rung chuyển những thể thức vốn là bảo đảm cho việc sử dụng khách quan, không có tính chất bè phái, những kết quả khoa học vào việc trình bày những chính sách công cộng ». Nhưng tác hại của nó đã xảy ra rồi. Từ hoài nghi đối với các dữ kiện khoa học đến từ chối tiếp cận khoa học, chỉ có một khoảng cách ngắn, rất dễ bước qua : những chính khách chỉ nghe các nhóm vận động lobby, công chúng không tin tưởng vào khoa học nữa mà đi theo những giả khoa học, thanh niên rời bỏ các ngành khoa học... Thật khó lường được những hậu quả lâu dài của việc này, vì nhiều lẽ, trong đó có một lẽ hiển nhiên là vai trò quan trọng của khoa học kĩ thuật đối với sức mạnh của nước Mĩ. Chính vì thế mà Obama đã lên tiếng kêu gọi đưa « khoa học trở về vị trí chính đáng của nó ».


Quay vòng cầm quyền kiểu Mĩ


Ngay vòng đầu của cuộc tranh cử, người viết bài này đã đánh cuộc một bữa ăn rằng năm 2008, bất luận ứng viên dân chủ nào cũng sẽ thắng bất kì một ứng viên cộng hoà (lời đánh cuộc này chỉ được nói phớt nhẹ trong một bài báo Diễn Đàn (5)). Được cuộc ! Cố nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế nổ ra đã tác động mạnh vào kết quả cuộc tranh cử, nhưng thực ra tiên đoán của chúng tôi căn cứ vào sự khảo sát cách vận hành của chế độ lưỡng đảng của Hoa Kì từ hơn một thế kỉ, mà lịch sử chia ra theo những chu kì « thống trị lâu dài » của đảng này luân phiên với đảng kia (thỉnh thoảng cũng có những ngoặc đơn không mấy ý nghĩa). Nhưng vận động quả lắc này không giống như sự luân phiên đơn thuần thường thấy trong đời sống chính trị của các nước dân chủ Âu châu. Đầu tiên, sự phân biệt hai đảng Dân chủ và Cộng hoà không luôn luôn đồng nhất với phân biệt tả-hữu, dù rằng từ một thế kỉ nay, Cộng hoà có thể nói là « bảo thủ », và Dân chủ « liberal » (trong bối cảnh Hoa Kì, chữ « liberal » này gần nghĩa với « xã hội – dân chủ »). Trước đây không hẳn thế và không luôn luôn như thế, vì còn có vấn đề « da màu » và sự chia cách chính trị – kinh tế Bắc-Nam. Chớ nên quên rằng Grand Old Party, Đảng cộng hoà hiện nay của tổng thống Bush, trước đây là đảng của Lincoln và những người chủ trương chấm dứt chế độ nô lệ, khi mà Đảng dân chủ lại đại diện cho tầng lớp da trắng chống lại việc giải phóng nô lệ da đen. Sau đó, hiệu ứng « quả lắc » tả-hữu thường xảy ra trong những cuộc bầu cử quan trọng, một trong hai đảng thắng cử trong suốt một thời kì dài, do sự thay đổi đề tài tranh cử hay/và sự biến chuyển của khối cử tri ủng hộ nó, tạo thành một « revolution » (trong ngôn ngữ Ấn-Âu, từ này có hai nghĩa : một vòng quay, một cuộc cách mạng). Sự quay vòng kiểu Mĩ này soi sáng và tóm tắt bằng những nét lớn lịch sử chính trị của Hoa Kì. Một cách đại thể, thế kỉ XX ở Mĩ đã trải qua ba « vòng quay » như thế : thắng lợi của William McKinley đánh dấu bước ngoặt của Đảng cộng hoà từ đó liên kết với giới đại doanh nghiệp ; thời kì New Deal của Franklin D. Roosevelt, là người đã thành công trong việc liên minh giới « cổ cồn xanh » với giới « cổ cồn trắng » để đưa Hoa Kì ra khỏi cuộc Đại khủng hoảng và tạo ra thế thượng phong của Đảng dân chủ mà đỉnh cao là phong trào đòi quyền công dân và « Xã hội Vĩ đại » của Lyndon B. Johnson ; cuộc « cách mạng bảo thủ » của Ronald Reagan (chừng nào đã được báo trước với nhiệm kì rưỡi của Richard M. Nixon), liên kết được mọi xu hướng bảo thủ (chống Nhà nước, chống cộng, bảo vệ các giá trị truyền thống), và nhất là lôi kéo được giới « cổ cồn xanh » ở các bang phía nam chống lại phong trào quyền công dân, những người được mệnh danh là « Dân chủ theo Reagan ». Hoà đồng với sự thắng thế của phe bảo thủ ở những nước khác (như ở Anh với Bà Thatcher) và sự tái hiện của những luận đề kinh tế liberal, chủ nghĩa Reagan đã thiết lập được sự ngự trị của Đảng cộng hoà trong suốt một phần tư thế kỉ. Nhiệm kì của Clinton có thể coi là một ngoặc đơn « liberal » (kiểu Mĩ) về mặt xã hội, và « liberal » (tư bản chủ nghĩa) về mặt kinh tế – chớ nên quên rằng Clinton, sau Reagan, đã hăng hái tiếp tục chính sách giải lệ trong thương mại và tài chính. Nối nghiệp Bush 1, Bush 2 đã bắt đầu nhiệm kì tổng thống trong tinh thần phục hận và, do Karl Rove khuyến dụ, tham vọng tiến hành một cuộc cách mạng « tân bảo thủ » xoá sạch di sản « New Deal » của F. D. Roosevelt. Bối cảnh năm 2000 lại có vẻ thuận lợi : nền Kinh tế Mới mang lại tăng trưởng, quy luật của thị trường dường như trị vì trên khắp thiên hạ, người người lớp lớp mơ mộng làm giàu, chủ nghĩa cá nhân bùng nổ... Với tinh thần toàn dân nhất trí sau sự kiện 11.9, phe tân bảo thủ tưởng nắm được trong tay thời cơ lịch sử. Thảm bại của họ đặt cho ta một câu hỏi lí thú. Phải chăng những thất bại ấy (Irak, Katrina...) là do ngẫu nhiên, hay đó là triệu chứng hoặc ngòi nổ cho một trào lưu công luận thâm sâu, cuộc « cách mạng » (theo nghĩa nói ở trên) đầu tiên của nước Mĩ trong thế kỉ XXI ? Self-reliance (trách nhiệm cá nhân) là hai chữ chủ chốt trong tín điều bảo thủ. Ý niệm ấy gắn kết với ý tưởng « năng động » và « vận hội » vốn là then chốt trong tâm lí dân tộc Mĩ. Các chiến lược gia của Đảng cộng hoà khéo vận dụng nó, ghép nó vào hai điệp khúc cũ rích : chối bỏ Nhà nước (« Nhà nước không phải là giải pháp mà là vấn đề ») và chấp nhận quy luật của thị trường (thị trường là « bàn tay vô hình »). Sự thành công của « cách mạng bảo thủ » biểu lộ ở chỗ trong kí ức tập thể của người Mĩ, thời tổng thống Reagan được nhớ tiếc như một thời kì sáng sủa của nước Mĩ. Nhưng « nhớ tiếc » cũng có nghĩa là thời thế đã đổi thay, và các cuộc thăm dò dư luận về hai nhiệm kì của tổng thống Bush (nhất là các cuộc thăm dò của viện Pew Institute nổi tiếng) đã mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên. Tỉ số ủng hộ hai đảng thì năm 2002 (sau cuộc tấn công khủng bố) ngang nhau (43%), nhưng từ đó, tỉ số ủng hộ Đảng dân chủ tăng đều đều, năm 2005 lên tới 50% trong khi Đảng cộng hoà tụt xuống 35%. Còn thái độ của dư luận đối với big business (đại doanh nghiệp) thì sao ? Âm ! Năm 2002 (sau các vụ xì-căng-đan Enron và World Com) là – 14%, năm 2007 (trước khi nổ ra vụ subprime) là – 20%. Bất an về kinh tế ? Năm 2006, 62% người Mĩ cho rằng tình trạng bất an về kinh tế đã tăng lên so với hai mươi, ba mươi năm về trước. Tin tưởng ở tương lai ? Trả lời câu hỏi : tình hình của ông/bà so với một năm trước đây là tốt hơn hay xấu đi ? Năm 2007, 55% trả lời xấu đi, 26% trả lời tốt hơn, và 78% cho rằng nước Mĩ đang « đi trật đường rầy ». Bi quan có cơ sở : một nền kinh tế tồi tệ (6), bất bình đẳng ngày càng tăng, các cơ chế « giảm xốc xã hội » bị phá huỷ, vấn đề « phân chia kết quả của tăng trưởng » trở thành đề tài đấu tranh chính trị chủ yếu, và người Mĩ ngày càng thấy rõ ràng « chủ nghĩa bảo thủ từ tâm » không ngăn cản được tình trạng giai cấp trung lưu bị « gặm ở cả hai đầu » (7), ở đầu này, một số nhỏ trở thành working rich (giàu), ở đầu kia, rất nhiều người trở thành working poor (làm việc mà vẫn nghèo).

Chính trị học không phải là một khoa học chính xác, vứt bỏ hệ tư tưởng « tân bảo thủ » không nhất thiết có nghĩa là đã tới thời điểm « quay vòng » (theo nghĩa đã nói ở trên). Cuộc tranh cử vẫn đầy bất trắc. Đúng thời điểm ấy, Barack Obama hiện ra như một « vật bay vô định » trong cảnh quan của cuộc tranh hùng. Một người chẳng mấy ai biết, không hề có một quá khứ chính trị đáng kể, ai có thể tưởng tượng là sẽ liên tiếp hạ được cự phách của cả hai đảng ? Cuộc vận động tranh cử của « người thứ 44 » có lẽ sẽ đi vào lịch sử như một mẫu mực về tính chuyên nghiệp và óc sáng tạo. Đó thực sự là cuộc tranh cử số 1 của thế kỉ XXI. Cả một « làn sóng dân chủ » đã bao phủ lên trên một hệ thống phải nói là cổ lỗ và xơ cứng. Obama đã sử dụng một cách cách mạng mạng lưới internet để huy động 8 triệu « vận động viên », hầu như đã tạo nên cộng đồng chính trị đầu tiên trên mạng. Lần đầu tiên ra ứng cử tổng thống, Obama đã kêu gọi được sự đóng góp tài chính của 3 triệu người ủng hộ, nhiều người chỉ cho được vài chục hay vài trăm đô la, nhưng tích tiểu thành đại, kết cục số tiền gom được lên gấp đôi ngân quỹ của các đối thủ. Hưng phấn và lôi cuốn, Obama đã huy động khối cử tri tới một mức lịch sử : 66% người đăng kí, 10% cử tri là người lần đầu tiên đi bầu (trong số này, 72% đã bỏ phiếu cho Obama). Tập trung bao nhiêu kì vọng của cử tri, Obama tất nhiên sẽ làm cho họ thất vọng. Vì vậy, vào lúc ông nhậm chức, chúng tôi sẽ tránh mọi dự đoán về các dự phóng của tân tổng thống, mà chỉ nêu ra một nhận xét : nhờ Obama, nước Mĩ (nước đã bỏ phiếu cho một người da đen và lẽ ra cũng có thể bỏ phiếu cho một phụ nữ) đã trở lại vị trí của mình trong hàng ngũ các nước dân chủ : vị trí số một. « Nếu còn có ai hoài nghi, không tin rằng ở Mĩ, mọi điều đều là có thể, nếu có ai còn thắc mắc, không biết giấc mơ của các vị tiền nhân lập quốc ngày nay còn sống động hay chăng, nếu còn ai nghi ngờ sức sống của nền dân chủ Mĩ, thì tối nay, người đó đã được trả lời » (diễn văn tối thắng cử, ở Chicago).
Nguyễn Quang



(1) Một bà người Việt ở Cali : « Đen Mĩ đã đành, mà còn đen Phi Châu ! »

(2) Sammy Davis Jr, ca sĩ của những năm 1960, nổi tiếng nhất vì « da đen, mắt chột, lại mang dòng máu Do Thái » mà vẫn hội nhập được vào « triều đình Frank Sinatra ». Khẩu hiệu Yes, We Can của Obama chính là vay mượn từ đầu đề cuốn hồi kí của S. Davis Jr Yes, I Can nhưng đổi ý nghĩa đi.

(3) Trong cuốn phim « tai hoạ » viễn tưởng Deep Impact (1998), Freeman đóng vai tổng thống Tom Beck.

(4) Người viết cố ý ám chỉ tới tình hình nước Pháp.

(5) Nguyễn Quang, Tháng năm 68 (xem Diễn Đàn)

(6) Xem bài Từ 1929 đến 2008 (Diễn Đàn)

(7) Xem bài trên (chú thích (6))

Noam Chomsky : Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng

Noam Chomsky
Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng
Hải Ngô dịch

Gabor Steingart thực hiện

Noam Chomsky, trí thức cánh tả người Mỹ, trả lời phỏng vấn của tuần báo Đức Spiegel về cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, thuật hùng biện của Barack Obama và vai trò của tôn giáo trong chính trị Mỹ.
SPIEGEL: Thưa ông Chomsky, các ngôi đền của chủ nghĩa tư bản đã sụp đổ, chính phủ bảo thủ của nước Mỹ đang dùng những tháng cuối cùng còn lại trong nhiệm kì của mình cho các kế hoạch quốc hữu hóa. Ông cảm thấy thế nào?

Chomsky: Thời buổi đang rất nghiêm trọng, những khó khăn rất to lớn nên tôi khó có thể hả hê được. Tôi chỉ xác định rõ rằng cuộc khủng hoảng này, về quy mô thì có thể không, nhưng về bản chất thì có thể tiên đoán một cách hoàn hảo. Thị trường là thứ bao giờ cũng kém hiệu quả.

SPIEGEL: Chính xác ông đã tiên đoán được điều gì?

Chomsky: Rằng cũng như trong những ngành công nghiệp khác, trong công nghiệp tài chính có những rủi ro không qui ra được bằng giá thành, bởi vậy chúng cũng không được dự toán. Nếu anh bán cho tôi một chiếc xe thì có thể qua đó chúng ta có một vụ kinh doanh thành công. Nhưng vụ kinh doanh này có nhiều ảnh hưởng tới những cái khác không được đề cập trên hóa đơn. Ô nhiễm môi trường gia tăng. Giá xăng dầu đắt lên. Tắc đường xảy ra thường xuyên hơn. Đó là những phí tổn ngoại sinh của vụ kinh doanh của chúng ta. Trong trường hợp của những nhà băng thì các phí tổn ngoại sinh này là khủng khiếp.

SPIEGEL: Nhưng nhiệm vụ của nhà băng một phần cũng là chấp nhận sự rủi ro, và có thể nói đó cũng là mục đích tồn tại của nó?

Chomsky: Dĩ nhiên! Và một nhà băng được điều hành tốt như Goldman Sachs sẽ làm chủ được những rủi ro riêng và có thể bù lỗ những thất thoát của mình. Nhưng không một ngân hàng nào có thể làm chủ được những rủi ro thuộc về hệ thống. Bởi vậy rủi ro bị đánh giá quá thấp và người ta đã mạo hiểm quá mức mà nền kinh tế có thể chịu tốt. Nguy cơ của những rủi ro thuộc về hệ thống đã tăng lên hết sức đáng kể qua việc giảm điều tiết từ phía chính quyền và sự thắng thế của tự do hoá thị trường, khả năng một cơn bão Tsunami tài chính sinh ra từ đó.

SPIEGEL: Mọi thứ đều tốt đẹp cho đến lúc xe trượt bánh. Nhưng liệu có nên đổ trách nhiệm hoàn toàn cho Wall Street không? Có phải tầng lớp trung lưu Mỹ cũng sống dựa vào đồng tiền mượn trước, một ngày nào đó sẽ trả sau hoặc không bao giờ trả được?

Chomsky: Nợ nần của các hộ gia đình là rất lớn, nhưng tôi sẽ không qui trách nhiệm cho từng cá nhân bởi điều đó. Cái chủ nghĩa tiêu thụ này bắt nguồn từ bản chất xã hội của chúng ta, một xã hội bị chi phối bởi những lợi ích thương mại. Có một guồng máy tuyên truyền ồ ạt níu kéo mọi người với tiêu thụ. Tiêu thụ mang tính tích cực cho lợi nhuận và cho sự thiết lập, củng cố chính trị.

SPIEGEL: Các nhà chính trị được gì khi người dân đi xe nhiều, ăn nhiều, mua bán nhiều?

Chomsky: Tiêu thụ phân tán tư tưởng người dân. Giám sát xã hội bằng quân đội thì khó, nhưng phân tán tư tưởng của nó bằng tiêu thụ thì được. Ở điểm này, báo chí kinh tế định hướng mục tiêu rất rõ ràng.

SPIEGEL: Trước đây ít lâu, chính ông đã từng gọi Mỹ là "đất nước tuyệt vời nhất thế giới". Điều này có mâu thuẫn không?

Chomsky: Mỹ là một đất nước tuyệt vời trên nhiều phương diện. Ở đây tự do ngôn luận được tôn trọng hơn hết so với ở tất cả các nước khác. Hiệp chúng quốc là một xã hội rất tự do, ở đây giáo sư và thợ sửa xe chuyện trò bình đẳng. Không ai được đề cao hơn ai.

SPIEGEL: Cách đây hơn 170 năm, sau khi đến thăm nước Mỹ, học giả người Pháp Alexis de Tocqueville đã tường trình rằng: "Quần chúng thống trị giới chính trị Mỹ như Chúa thống trị vũ trụ". Ông ấy có quá khen không?

Chomsky: Chắc chắn. Ngay năm 1787 tại hội nghị hiến pháp, James Madison, một trong những “khai quốc công thần” của nước Mỹ, đã tán thành quan niệm rằng chính quyền nhà nước có nhiệm vụ "bảo vệ nhóm thiểu số giàu có trước nhóm đa số". Do đó thượng nghị viện chỉ gồm một trăm thành viên, phần lớn rất giàu có, và được trao cho rất nhiều quyền lực. Hạ nghị viện với vài trăm thành viên đã là dân chủ hơn, nhưng có ít quyền hạn hơn nhiều. Thậm chí một người thiên về chủ nghĩa tự do như Walter Lippmann, một trong những trí thức hàng đầu của thế kỉ 20, đã có ý kiến rằng trong một chế độ dân chủ hoạt động tốt thì nhóm thiểu số thông minh, đó là những người nên nắm quyền, phải được bảo vệ trước sự "giày xéo và la hét của một bầy đàn bối rối". Còn ở phe bảo thủ thì mới đây, phó Tổng thống Dick Cheney đã minh họa cách hiểu dân chủ của mình. Khi được hỏi tại sao ông ủng hộ duy trì cuộc chiến Iraq, trong khi đa số dân chúng phản đối cuộc chiến này, thì câu trả lời của ông ta là: "Thế thì đã sao?"

SPIEGEL: "Change" là từ mốt trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Ông có nhìn thấy những cơ hội cho một sự thay đổi sớm và rõ rệt cho nước Mỹ? Ông có bị khích động, bị "fired up", nói theo kiểu một hiệu lệnh xung trận của Obama?

Chomsky: Không chút nào cả. Cái phản ứng ở châu Âu về Obama là một sự tự lừa phỉnh kiểu châu Âu.

SPIEGEL: Dù sao Obama nói ra những câu tốt đẹp mà từ lâu người châu Âu mong đợi. Ông ấy nói về tình hữu nghị xuyên Đại Tây dương, sự ưu tiên của chính sách ngoại giao và sự hòa giải của xã hội Mỹ.

Chomsky: Tất cả là thuật hùng biện, ai hơi đâu mà quan tâm tới những điều đó. Toàn bộ cuộc tranh cử này xoay quanh thuật hùng biện xuất thần, xoay quanh hy vọng, sự biến chuyển, xoay quanh tất cả những cái có thể, chỉ không xoay quanh những vấn đề cụ thể.

SPIEGEL: Không lẽ ông thấy phe kia nhiều hứa hẹn hơn: cựu chiến binh Việt Nam 72 tuổi McCain và cựu hoa hậu Sarah Palin từ Alaska?

Chomsky: Hiện tượng Sarah Palin thực sự là độc đáo. Nếu ai đó từ sao Hỏa quan sát chúng ta, người đó có thể nghĩ rằng đất nước chúng tôi bị loạn trí.

SPIEGEL: Có vẻ như những người cực bảo thủ và những cử tri sùng đạo rất hân hoan?

Chomsky: Đừng bao giờ nên quên là đất nước này được thiết lập bởi những người theo đạo cuồng tín. Giới tôn giáo bảo căn luôn giữ vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ Jimmy Carter. Ông ta là người đầu tiên tự trưng trước công chúng như thể là Chúa hồi sinh. Từ đó sự tính toán của đám điều hành vận động tranh cử là: Hãy tỏ ra là người theo đạo cuồng tín, thực tế anh sẽ tự động nhận được một phần ba số phiếu cử tri. Ở thời của Tổng thống Lyndon B. Johnson những năm 60, còn chưa ai hỏi liệu ông ấy có đến nhà thờ hàng ngày không. Bill Clinton có lẽ cũng sùng đạo như tôi, tức là bằng không, nhưng những trợ lý của ông ấy đảm bảo rằng sáng Chủ nhật nào ông ấy cũng đến nhà thờ Baptist để hát thánh ca.

SPIEGEL: Liệu ông có thể nói tốt cho McCain chút nào không?

Chomsky: Về một phương diện thì ông ấy thật thà hơn ứng viên đối thủ. Ông ấy đã làm sáng tỏ rằng cuộc bầu cử này không xoay quanh những vấn đề cụ thể, mà chỉ xoay quanh các cá nhân. Những người Dân chủ không được thật thà như vậy, mặc dù họ nhìn vấn đề không khác chút nào.

SPIEGEL: Như vậy theo ông thì phe Cộng hòa và phe Dân chủ chỉ là những dạng khác nhau của một đường lối chính trị chung?

Chomsky: Tất nhiên là có những khác biệt, nhưng không phải là cơ bản. Đừng có ai nên ảo tưởng. Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng, và cái đảng cầm quyền là Đảng Kinh doanh.

SPIEGEL: Ông cường điệu hóa. Trong hầu hết những vấn đề cốt yếu, từ việc đánh thuế người giàu đến năng lượng nguyên tử, hai bên luôn có những lập trường khác nhau, đặc biệt trong vấn đề chiến tranh và hòa bình. Những người Cộng hòa muốn chiến đấu tới lúc thắng lợi tại Iraq, dẫu cho tới cả trăm năm nữa như McCain đã nói. Những người Dân chủ thì yêu cầu một kế hoạch rút quân.

Chomsky: Nhìn cho kĩ thì chúng ta sẽ nhận ra rằng những khác biệt này mới hạn chế và mỉa mai làm sao. Phái diều hâu tuyên bố, chúng ta sẽ chiến thắng nếu tiếp tục cuộc chiến. Phái bồ câu nói rằng cuộc chiến quá đắt đỏ. Đố anh nêu cho tôi được một chính trị gia Mỹ, người thẳng thắn phát biểu rằng cuộc xâm lược này là một tội ác. Vấn đề không ở chỗ, liệu chúng tôi có thắng hay không, hoặc liệu cuộc chiến có quá đắt hay không. Anh còn nhớ cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan không? Lúc đó chúng ta có tranh luận liệu Liên bang Xô-viết có thể giành được chiến thắng, hoặc cuộc chiến đó có quá đắt không? Có thể những cái đó đã được tranh luận tại Điện Kremlin hoặc trên báo Pravda. Đó là kiểu tranh luận thu hẹp mà thông thường ta thấy ở những xã hội toàn trị; điều quan trọng không phải là ai thắng ai thua. Giả sử có được những thắng lợi tại Iraq như Putin ở Chechnya, chắc tướng Petraeus đã được phong vương. Vấn đề then chốt thực ra là, liệu chúng ta có áp dụng cho bản thân mình những thước đo mà ta dành cho người khác không.

SPIEGEL: Theo ông, ai ngăn cản giới trí thức đặt ra câu hỏi này và trả lời nó với tinh thần phê phán? Vừa rồi ông đã tán dương tự do ngôn luận ở Mỹ.

Chomsky: Giới trí thức vô cùng tuân thủ. Ngay Hans Morgenthau, một trong những người sáng lập chủ nghĩa Hiện thực Chính trị (Political Realism), đã lên án sự phục tùng quyền lực của một bộ phận trong giới trí thức. George Orwell đã viết rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc, thông thường là toàn bộ giới trí thức của một đất nước, không những không lên án các tội ác của nhà nước họ, mà họ còn có khả năng phi thường là thậm chí không từng nghe tới những tội ác đó. Điều này chính xác. Chúng tôi nói nhiều về tội ác của người khác. Về tội ác của chính nước mình thì chúng tôi là những người theo chủ nghĩa dân tộc theo nghĩa của Orwell.

SPIEGEL: Nhưng ở Mỹ và khắp thế giới đã và đang có những phản đối lớn tiếng chống chiến tranh Iraq?

Chomsky: Ít ra thì cũng có nhiều phản đối chống chiến tranh Iraq hơn so với chống chiến tranh Việt Nam thời kì đầu. Năm 1962, khi Kennedy điều cố vấn quân sự tới Việt Nam thì chỉ có một cái ngáp dài, rồi chẳng bao lâu sau, tin 4000 binh sĩ đầu tiên tử trận và 150.000 lính Mỹ tham chiến cũng chẳng làm ai quan tâm.

SPIEGEL: Cuối cùng, có lẽ ông có đôi lời giải hòa về tình thế quốc gia?

Chomsky: Xã hội Mỹ ngày nay văn minh hơn so với trước kia. Chúng tôi có được điều này nhờ vào sự phát triển trong những năm 60. Xã hội chúng tôi và cả xã hội châu Âu lúc đó đã trở nên tự do hơn, cởi mở hơn, dân chủ hơn và qua đó làm nhiều người khiếp đảm. Vì điều này mà thế hệ đó đã bị lên án. Nhưng nó đã phát huy tác dụng.

SPIEGEL: Thưa ông Chomsky, cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Noam Chomsky là một trong những nhà ngôn ngữ học quốc tế quan trọng hàng đầu, nhưng ông được biết đến trước hết qua hàng loạt những xuất bản phê phán văn hóa và xã hội, trong đó ông công kích không thương xót đường lối chính trị Mỹ và cũng chỉ ra những hiểm họa của sự toàn cầu hóa. Được mệnh danh là thủ lĩnh lỗi lạc của phe cánh tả Mỹ, trong những cuốn sách của mình như Profit over People (2000) và War against People (2001) Chomsky phân tích sắc sảo hoạt động của những tập đoàn đa quốc gia. Noam Chomsky hiện 79 tuổi, là con một người nhập cư gốc Do Thái từ Đông Âu. Năm 2005 tờ tạp chí Anh Prospect đã tuyên bố ông là nhà trí thức hàng đầu trên thế giới.



Nguồn: Spiegel số 41/20 ngày 06.10.2008.

Liệu Việt Nam có thể thoát khỏi

Liệu Việt nam có thể thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng trầm trọng hiện nay ?

Vũ Quang Việt

Vấn đề khủng hoảng ở Mỹ hiện nay nằm trong cái gọi là khủng hoảng bảng kết toán tài sản. Rất khó nghe nhưng đơn giản là như thế này. Khi anh mượn 100 triệu mua nhà, giá trị nhà là tài sản của anh, nhưng trừ nợ thì vốn tự có của anh là không. Bây giờ giá nhà giảm chỉ còn 50 triệu. Vốn tự có của anh là trừ 50 triệu. Nếu là nhà doanh nghiệp, sẽ không có ngân hàng nào cho anh vay để tiếp tục sản xuất. Và bản thân anh, anh cũng không dám đầu tư thêm mà phải làm sao giảm mức nợ xuống.

Khủng hoảng ở Nhật kéo dài hơn 10 năm vào thập niên 90 là do trước đó giá nhà đất và chứng khoán lên quá cao, phần lớn do doanh nghiệp nắm qua vay nợ, nên khi tài sản xuống giá, giá trị tự có của họ là âm, do đó lãi suất giảm xuống zero cũng không doanh nghiệp nào muốn đầu tư. Chính phủ Nhật chi tiêu rất nhiều cũng chỉ để kinh tế khỏi suy thoái mạnh hơn. Khi doanh nghiệp đưa hệ số nợ xuống, kinh tế mới bắt đầu phục hồi. Và hiện nay lại phải đối phó với khủng hoảng do Mỹ gây ra này.

Vấn đề của Mỹ thì khác, nợ do dân chúng mượn để mua nhà quá lớn. Tham dự vào việc này cũng là từ ngân hàng, các công ty đầu tư tài chính. Họ không chỉ cho vay mà còn nắm nhiều các khoản nợ phái sinh, hầu làm tăng khả năng mua nhà của dân chúng. Do đó mà ngân hàng nợ quá nhiều. Khi tài sản tài chính giảm, giá trị tự có của ngân hàng và công ty đầu tư tài chính âm, không còn khả năng cho doanh nghiệp mượn tiền sản xuất. Khủng hoảng của Mỹ như vậy không xuất phát từ sản xuất.

Như vậy có sự khác biệt:

1) Ở Nhật doanh nghiệp không muốn đầu tư, không cần tín dụng. Còn ở Mỹ thì doanh nghiệp mất khả năng sản xuất vì thiếu tín dụng. (Sản xuất công nghiệp của Mỹ giảm 6.5% vào tháng 11, 2008 và 3,9% vào tháng 12, 2008).

2) Ở Nhật hộ gia đình chi có thấp đi nhưng không giảm (giá tài sản xuống ảnh hưởng chủ yếu tới doanh nghiệp vì người dân Nhật nắm ít cổ phiếu còn doanh nghiệp dựa vào vốn từ ngân hàng chứ không từ cổ phiếu ). Còn ở Mỹ, giá tài sản xuống ảnh hưởng trầm trọng đến sức tiêu của dân. Chi tiêu của dân giảm trong 2 quí cuối năm 2008 là 3,8% và 3,5%. Đầu tư giảm 19,1% và 1,7%. Nếu kể cả hàng không bán được là 1,5% GDP thì GDP của Mỹ giảm 5.1% quí 4 vừa qua.

Kích cầu của Mỹ như vậy phải nhằm tăng sức mua của dân và phải tạo tín dụng cho doanh nghiệp. Trong hơn 10 năm kích cầu của Nhật tổng cộng là 6 ngàn tỷ US, tức là khoảng 600 tỷ một năm. Ở Mỹ chỉ dự định 800-900 tỷ là con số có lẽ chưa đủ độ, nhưng khó cao hơn vì tình hình như hiện nay xã hội khó lòng chấp nhận con số cao hơn. Vấn đề hiện nay là ngân hàng Mỹ phải bảo vệ mình, vì vốn tự có âm hoặc rất nhỏ, nên giảm cho vay. Nhà nước Mỹ cho đến hiện nay chỉ lo cứu ngân hàng, nhưng vẫn chưa chuyển đổi được tình hình. Nếu không thành công chắc họ phải đi thẳng tới doanh nghiệp, điều khó thực hiện, trừ trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng. Khả năng giải quyết khủng hoảng nhanh chóng là điều không tưởng.

Ở Việt Nam thì khác hẳn. Việt Nam phải đối phó với hai vấn đề. Tàn dư của lạm phát chủ yếu là do mình tự tạo ra. Bây giờ lại phải đối phó với vấn đề thứ hai là mất khả năng xuất khẩu do nhu cầu sản xuất trên thế giới giảm, do đó sản xuất đình đốn, vì không bán được hàng. Đây là mấu chốt phải giải quyết: làm sao bán được hàng để tiếp tục sản xuất. Dân nghèo, không thể có sức mua để hút hàng hóa không xuất khẩu được này, dù là kích bất cứ kiểu gì. Do đó phải có biện pháp làm sao để hàng Việt Nam xuất khẩu được, tức là phải làm sao giá cả có sức cạnh tranh hơn trước.

Những tháng qua cho thấy công nghiệp Việt Nam tháng 1 năm 2009 đã giảm so với tháng trước là 8,6% và so với tháng cùng kỳ năm ngoái là 4,4%. Còn xuất khẩu giảm 24%. Điều này xảy ra vì ảnh hưởng dây chuyền của khủng hoảng, tới châu Á. Cũng nên nhận thức là tình hình kinh tế thế giới và khu vực xấu hơn rất nhiều so với nhiều đánh giá trước đây. Trung Quốc tăng GDP năm 2007 là 13%, thì quí 4 gần như không tăng. Tính theo tốc độ năm thì GDP Nhật quí 4 giảm 10%, Singapore giảm 17%, Nam Hàn giảm 21%. Còn Đài Loan thì sản xuất công nghiệp giảm 32%. Như thế, thực tế là các nền kinh tế châu Á liên hệ chặt chẽ với nhau với mục đích sản xuất hàng công nghiệp để xuất sang Mỹ, Nhật và châu Âu. Khi các nền kinh tế này giảm chi tiêu, các nền kinh tế châu Á này bị giảm mạnh hơn nhiều so kinh tế Mỹ và châu Âu vì họ chủ yếu là dịch vụ, còn châu Á chủ yếu là công xưởng phục vụ sản xuất hang hóa cho các nước phát triển.

Kinh tế Việt Nam do bị lệ thuộc quá sức vào thị trường nước ngoài, phản ánh qua tỷ lệ xuất khẩu của VN quá lớn so với GDP (gần 70%,) nên chừng nào mà kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ chưa giải quyết được thì chừng đó kinh tế VN không thể trở lại tình trạng phát triển bình thường. Vấn đề của chính sách hiện nay là giảm thiểu mức đi xuống, thực hiện các biện pháp nhằm giữ công ăn việc làm ở mức có thể. Các dự án đầu tư nhằm đáp ứng thị trường thế giới trong giai đoạn sắp tới là điều nên xét lại. Trong tình hình hiện nay rất có thể GDP Việt Nam chỉ tăng 3-4% trong năm 2009 hoặc tệ hơn nếu tình hình kinh tế Mỹ không chuyển biến. Như vậy việc hoạch định chính sách đòi hỏi sửa soạn cách biện pháp đối phó với tình hình xấu nhất. Và tình hình này có thể kéo dài.

Vũ Quang Việt

19/3/09

Nguyễn Kỳ Phong : Vòi phun nước và cần câu móc

Vòi phun nước và cần câu móc

Sau cuộc "ẩu đả" ngày 8 tháng 3-2009 giữa Hải Quân Hoa Kỳ (HQHK) và Hải Quân Trung Quốc (HQTQ) ở phía nam Đảo Nam Hải, vài thập niên sau này khi các nhà quân sử ghi lại cuộc chạm trán đầu tiên giữa hai lực lượng hải quân, họ sẽ không có nhiều chi tiết hấp dẫn để viết.

Và nếu các sử gia không giải thích rõ, đọc giả hậu thế có thể hiểu lầm "vũ khí" của hải quân hai cường quốc xử dụng trong cuộc đụng độ đó quá thô sơ, nếu không nói là giống như vũ khí thời Trung Cổ. Cuộc đụng độ đầu tiên có thể được ghi lại như sau: "... HQTQ dùng cần câu móc để cố gắng giựt đứt dây kéo máy truy tầm điện tử mà tàu HQHK đang dùng để thám thính. ... Và về phía HQHK, họ dùng vòi phun nước bắn ngăn chận các hải đỉnh Trung Cộng, khi tàu của Trung Quốc tiến đến quá gần. ..."

Bỏ đi tính chất khôi hài trong vụ đụng chạm vừa xảy ra ở gần đảo Hải Nam, đây có thể có thể mở màn cho một chạy đua tranh giành ảnh hưởng ở một vùng biển đang có nhiều quốc gia tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ cho đó là hải phận quốc tế, và khẳng định mọi thuyền bè có quyền tự do di chuyển qua lại.

Hoa Kỳ cho biết, ngày 8 tháng 3-2009, trong khi tàu thám thính hải hình USNS Impeccable (T-AGOS 23) đang làm nhiệm vụ thám sát địa hình lòng biển ngoài hải phận quốc tế, khoảng 110 cây số phía nam Đảo Hải Nam, thì bị năm tàu của HQTQ tiến đến gần, rồi di hành qua lại trước hướng đi của tàu Impeccable một cách rất nguy hiểm. Có lúc tàu HQTQ đã tiến sát vào tàu Hoa Kỳ không hơn 10 thước. Thủy thủ đoàn tàu Impeccable đã dùng vòi nước chửa lửa xịt vào thủy thủ Trung Quốcđể ngăn cản không cho họ cập tàu gần hơn. Phía Trung Quốc cho biết họ có toàn quyền ngăn chận hoạt động trái phép của HQHK, vì Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải của họ.

Trong khi Hoa Kỳ công nhận đặc quyền kinh tế của một quốc gia từ bờ biển ra đến ngoài khơi 200 dặm (300km); nhưng Hoa Kỳ chủ trương quyền tự do hải hành chỉ cách 12 dặm (18km) ngoài khơi bờ biển của mọi quốc gia.

Công tác của tàu Impeccable là gì? Tại sao HQTQ lại có thái độ mạnh (nhưng áp dụng phương tiện yếu) với một tàu không võ trang? Và trong tương lai, nếu hộ tống hạm của HQHK lai vãng trong vùng Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, thì phản ứng của HQTQ ra sao?

Điệp Vụ của Tàu USNS Impeccable (T-AGOS 23)

USNS là tên viết tắt của United States Naval Ship. T là ký hiệu cho loại tàu bán quân sự và thuộc quyền điều khiển của Bộ Tư Lệnh Quân Vận Đường Biển (Military Sealift Command). Bán quân sự là vì tàu hải quân Hoa Kỳ nhưng do dân sự điều khiển.

Các tàu loại T phần lớn là loại tàu yểm trợ (như tàu cứu thương, công xưởng hạm, vận tải hạm, tàu tiếp dầu, nước ...) thuộc quyền xử dụng Bộ Tư Lệnh Military Sealift Command. AGOS là ký hiệu chỉ loại tàu thám thính, vẽ bản đồ lòng biển, thâu thập âm thanh dưới nước, và tuần hành để yểm trợ cho các điệp vụ chống tàu ngầm.

T-AGOS 23 chính thức được ghi là Ocean Research Ship trong danh bộ tàu của HQHK - nhưng cộng thêm khả năng yểm trợ tác chiến chống tàu ngầm.

Ngày 8 tháng 3, chúng ta biết tàu Impeccable đang kéo máy truy tầm điện tử (hay thả máy truy tầm điện tử xuống đáy biển) ở phía nam đảo Hải Nam, khi cuộc chạm trán xảy ra. Trước vụ chạm trán ngày chủ nhật 8/03, Hải quân TQ đã khiêu khích một tàu khảo sát khác của Hải quân HK vài ngày trước đó. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết, thứ Tư ngày 4, một tàu thuộc Sở Tuần Tiễu Ngư Nghiệp Trung Quốc đã dùng đèn pha chiếu vào tàu khảo sát địa dư USNS Victorious (tương tự như tàu USNS Impeccable) trong khi tàu này đang hoạt động 180 cây số ngoài khơi Hoàng Hải, vùng biển giữa Trung Quốc và Đại Hàn. Hôm sau, một phi cơ trinh sát Y-12 của Không Quân Trung Quốc bay qua lại thật thấp ngang tàu USNS Victorious 12 lần.

Sự có mặt của tàu Impecable ở Hải Nam không phải ngẫu nhiên; và công tác của tàu không đơn thuần như chỉ quan sát địa dư dưới lòng biển. Hoa Kỳ không lạ gì đối với tất cả địa hình miền duyên hải Trung Quốc từ nơi đối diện với Móng Cái đến phía bắc của Bắc Hải. Từ năm 1963, qua Kế Hoạch DeSoto, HQHK vừa thám sát vùng duyên hải Trung Cộng, vừa khẳng định lại chủ thuyết tự do di chuyển 12 dặm ngoài khơi bờ biển của mọi quốc gia.

Hải quân Trung Quốc cũng không lạ gì với những vụ thám thính của Mỹ: chỉ trong năm 1964 Trung Quốc lên tiếng phản đối HQHK đã xâm phạm lãnh hải của họ hơn 200 lần! Cũng từ kế hoạch trinh sát hải phận DeSoto này, chiến đỉnh Maddox của HQHK đã đi quá sâu và bờ biển của Bắc Việt, để gây ra vụ hải chiến Vịnh Bắc Việt vào tháng 8-1964 giữa Hoa Kỳ và Hải Quân CSVN.

Gần đây nhất, giới quan tâm không quên vụ đụng nhau trên không giữa một phi cơ thám sát điện tử EP-3 của HQHK và chiến đấu cơ F-8 của Không Quân Trung Quốcvào đầu tháng 4-2001. Hai bên đã biết ý định của nhau quá rõ.

Như vậy, tàu Impeccable đang có công tác gì khác hơn ở chung quanh căn cứ tàu ngầm của HQTQ ở Đảo Hải Nam?

Hoa Kỳ Lo Ngại Khả Năng Nào của HQTQ?

Nói một cách tổng quát, Hoa Kỳ chưa quan tâm về HQTQ như là một lực lượng đáng ngại - không phải trong lúc này, hay là trong tương lai gần.

Tài liệu Quốc Phòng Hoa Kỳ cho thấy, tổng cộng lực lượng của ba Hạm Đội Bắc Hải, Đông Hải, và Nam Hải của HQTQ, chỉ bằng một Hải Đoàn Hạm Đội Xung Kích (Carrier Strike Group) của HQHK - và HQHK có ba Hải Đoàn Hạm Đội Xung Kích ở Tây Thái Bình Dương. HQHK cho biết họ không lo ngại khả năng vũ khí của HQTQ trên mặt nước, như chiến đỉnh, hàng không mẫu hạm, pháo hạm, không lực hải quân. ...

Nhưng Hoa Kỳ quan tâm về những vũ khí HQTQ đang thử nghiệm và áp dụng dưới mặt nước, như mìn dưới nước, thủy lôi, và tàu ngầm. Đây là những loại vũ khí rẻ tiền, dễ sản xuất và dễ ngụy trang - nhưng rất hiệu nghiệm để ngăn chặn đối phương, trong giai đoạn đối phương có thế mạnh.

Từ năm 2004 HQHK đã lên tiếng báo động về hai loại vũ khí HQTQ đang phát triển và kiện toàn: Mìn nước và thủy lôi; và, tàu ngầm chạy bằng điện (qua máy phát điện diesel). Năm 2004 Đô Đốc Vermon Clark, Tư Lệnh HQHK, cho biết HQTQ đã gia tăng sản xuất, mua, hay nhờ sự giúp đỡ của các quốc gia tây phương (Pháp và Đức), để hạ thủy tiềm thủy đỉnh chạy bằng điện (battery-powered submarines). Tiềm thủy đỉnh chạy bằng điện có nhiều bất lợi và giới hạn, nhưng lợi điểm tối hậu là chạy rất êm, ít tiếng động, nên khó phát giác và truy lùng.

Sự kiện này được nhắc lại vào tháng 1-2007, khi Đô Đốc Micahel G. Mullen, Tư Lệnh HQHK (bây giờ là Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ) tiết lộ trước Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện, là vào tháng 10-2006, một tàu ngầm chạy bằng điện của Trung Quốc đã tiến sát đến Hàng Không Mẫu Hạm Kitty Hawk ở vùng biển Đảo Okinawa, trước khi bị khám phá. Đô Đốc Mullen cho biết ưu tiên của HQHK trong tương lai là phải cấp bách phát triển khả năng truy tầm tàu ngầm của Trung Cộng.

Giới quan sát HQTQ cho biết thêm, chỉ trong 12 năm, từ 1995 đến 2007 năm, HQTQ đã hạ thủy tất cả 31 tàu ngầm, trong đó có ít nhất là 2 tàu ngầm nguyên tử. Theo dự đoán của Hoa Kỳ, đến năm 2020, HQTQ sẽ có ít nhất là 60 tiềm thủy đỉnh, trong đó hơn 30 tàu được xếp vào loại tối tân.

Một loại vũ khí thứ hai của HQTQ gây chú ý cho HQHK là mìn dưới nước và thủy lôi (Trong định nghĩa quân sự, mìn nước và thủy lôi khác nhau ở chổ, thủy lôi có thể di chuyển đến mục tiêu; trong khi mìn nằm cố định ở một vị trí.). Trong chiến lược hải quân, mìn nước là một phương tiện thích hợp nhất để ngăn cản, hay ít nhất gây nhiều đình trệ cho hướng tiến quân của đối phương lên miền duyên hải. Mìn rất rẻ để sản xuất, và dể dàng ứng dụng.

Hoa Kỳ quan tâm đến một lọai thủy lôi-mìn mà HQTQ đặt tên là "tự hành thủy lôi" (zihang shuilei). Loại mìn này được bắn ra từ tàu ngầm hay thả từ chiến đỉnh xuống biển. Mìn có trang bị động cơ để tự di chuyển. Khi đến một tọa độ đã định, động cơ ngừng và mìn chìm xuống lòng biển. Mìn-thủy lôi đó có ngòi nổ bằng từ trường (magnetic), âm thanh của sóng nước (wave-activated), hay điều khiển bằng vô tuyến. Mìn nước là một chiến lược của HQTQ để chống lại lọai chiến đỉnh duyên hải (Littoral Combat Ship, chiến đỉnh có khả năng hoạt động sát bờ biển và vùng nước cạn) mà HQHK sắp trang bị.

Nhưng mìn nước trang bị bằng chất nổ quy ước không làm cho các tư lệnh HQHK mất ngủ bằng mìn hay thủy lôi có đầu đạn nguyên tử chiến thuật (bom/ đạn nguyên tử chiến thuật có sức tàn phá trong chu vi hai, ba hai cây số vuông).

Đây không phải là một chiến lược mới lạ - HQTQ học lại từ chiến lược quân sự của Nga và Hoa Kỳ. Trong cao điểm của thời Chiến Tranh Lạnh của thập niên 50 và 60, Hoa Kỳ đã sản suất nhiều đại bác bắn đạn nguyên tử chiến thuật để trang bị cho quân đội NATO. Lý do Đồng Minh Tây Âu phải trang bị đại bác nguyên tử chiến thuật vì Nga và đồng minh Đông Âu có số lượng quân và xe tăng hơn gấp bốn lần khối NATO. Đối với HQTQ, việc xử dụng mìn nước nguyên tử là chuyện "chẳng đặng đừng," nhưng đó là một khả thể nếu tình hình bắt buộc. Về khả thể nguyên tử chiến thuật này, các tư lệnh HQHK không có câu trả lời.

Chiến Lược "Biển Xanh" Của Hải Quân Trung Quốc

Để những độc giả không rành về thuật ngữ của hải quân, từ "biển xanh" như trong câu văn "hải quân biển xanh," có ý chỉ hải quân có khả năng hoạt động xa ra ngoài đại dương (nước biển càng xa bờ thì càng xanh).

Hàng không mẫu hạm là trung tâm của một hạm đội; và hạm đội là cột trụ của hải quân của một quốc gia. Để có một hạm đội có thể hoạt động vài ngàn cây số cách hải phận nhà, là một chuyện không đơn giản cho HQTQ trong lúc này. Nhất là khi họ chưa có được một hàng không mẫu hạm.

Năm 1998 Trung Quốc mua lại từ Ukraine một hàng không mẫu hạm đang đóng chưa hoàn tất - mẫu hạm chỉ có vỏ bên ngoài, chưa có máy móc hay trang bị bên trong. Sau khi mua mẫu hạm Varyag, Trung Quốcký hợp đồng để mua khoảng 50 phi cơ Su-33K, để thực tập cất cánh và đáp trên mẫu hạm.

Theo các nhà quan sát quân sự, HQTQ mua mẫu hạm Varyag về để huấn luyện, biến chế thêm, hay dựa vào đó sản suất một hàng không mẫu hạm tương tự. Tuy nhiên ngay cả nếu HQTQ thành công tự đóng lấy một mẫu hạm loại Varyag, thì khả năng hạm đội của HQTQ chưa có gì đáng nói.

Chưa có hàng không mẫu hạm nên HQTQ không thể hoạt động xa căn cứ tiếp liệu. Chiến lược của HQTQ, như vậy, đặt trọng tâm vào hoạt động bảo vệ miền duyên hải - có nghĩa là sản xuất thêm nhiều tàu ngầm, mìn nước và thủy lôi.

Tin tức tình báo HQHK cho biết, Trung Quốc mua kỹ thuật chế mìn từ Nga; máy phát điện cho tàu ngầm, từ Pháp và Đức. HQTQ hy vọng số lượng nhiều sẽ thay cho khiếm khuyết kỹ thuật. Đúng như vậy: và số lượng là một trong những vấn đề gây trở ngại cho HQHK.

Để đối phó với số lượng mìn, thủy lôi và tàu ngầm, Đô Đốc Vermon Clark ra lệnh HQHK gia tăng thí nghiệm và sản xuất thêm "hàng ngàn, hàng chục ngàn máy báo động" để truy tầm và đánh dấu mọi di chuyển dưới nước của HQTQ.

Qua quân lệnh của Đô Đốc Clark, đến đây chúng ta có thể đoán được sự hiện diện và mục đích của hai tàu "khảo sát địa dư biển" USNS Impeccable ở Nam Hải, và USNS Victorious ở Bắc Hải: rải máy truy tầm và định vị (đánh dấu vị trí) mìn nước hoạt động tàu ngầm ở vùng duyên hải Trung Cộng.

Giả định Trung Quốc hạ thủy được một hàng không mẫu hạm vào năm 2012, HQTQ vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong tương quan đối với hải quân của các cường quốc. Những khuyết điểm quan trọng như, thiếu hoàn hảo về hệ thống C4ISR (Control, Command, Communication, Computer, Intelligence, Surveillance and reconnaisance/ chỉ huy, điều khiển, truyền tin, điện toán, tình báo, canh chừng và thám sát). HQTQ còn yếu về chiến tranh chống tàu ngầm, chống không kích, và chống thủy lôi.

Quan trọng hơn hết, khả năng của HQTQ bị giới hạn toàn diện khi kỹ thuật đóng tàu chiến của Trung Quốc còn bị phụ thuộc vào các quốc gia Tây phương. Hiện nay Không Quân Trung Quốc đã mua được máy bay tiếp tế xăng trên không và đang thực tập kỹ thuật này.

Phải có khả năng tiếp tế xăng trên không thì Không Lực HQTQ mới có thể hoạt động song song với mẫu hạm trên một mặt trận vài ngàn cây số.

Như đã nói ở trên, tổng cộng hỏa lực ba Hạm Đội của HQTQ chỉ tương đương bằng một Hải Đoàn Mẫu Hạm Xung Kích (Carrier Strike Group) của Mỹ. Như là một Quân Chủng, HQTQ có 59 tiềm thủy đỉnh, trong đó chỉ có 5 chiếc chạy bằng nguyên tử; 62 chiến đỉnh; 54 vận tải hạm đổ bộ; và, 46 phi cơ tuần tiễu biển có trang bị hỏa tiễn.

Để so sánh, Hoa Kỳ có 3 Hải Đoàn Mẫu Hạm Xung Kích ở Tây Thái Bình Dương (là vùng biển từ Đảo Guam đến eo biển Malacca của Singapore).

Trong tương quan quá chênh lệch so với đối phương, HQTQ cố gắng thực tập và trang bị những gì họ có thể làm thuần thạo nhất: sản suất tàu ngầm nhỏ, chế thêm mìn nước và thủy lôi, và dùng tàu ngầm làm phương tiện thả mìn.

Phản Ứng Của Hải Quân Hoa Kỳ Đối Với Chiến Lược Của HQTQ

Trong hai tường trình mới nhất về khả năng của HQTQ, một tường trình do chính Quốc Hội Hoa Kỳ soạn thảo (China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities - Background and Issues for Congress, November 19, 2008), và một đến từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (Annual Report to Congress, Military Power of the People's Republic of China 2008), cả hai tường trình đều cổ vũ chiến lược canh chừng, định vị và trinh sát thường trực hoạt động của HQTQ.

HQHK cổ võ một chiến lược thụ động như vậy, vì trên thực tế, HQTQ chưa hoạt động được xa, và chưa có những thái độ gây hấn rõ ràng ở Thái Bình Dương - cho đến khi HQTQ thật sự có được một lực lượng hàng không mẫu hạm.

Hải Quân Thế giới không ngạc nhiên hay bàn tán khi những quốc gia như Ấn Độ, Á Căn Đình, hay Ba Tây có hàng không mẫu hạm. Nhưng thế giới quan tâm khi HQTQ có được khả năng đó. Vì khi có hàng không mẫu hạm, Trung Quốcsẽ ngự trị vùng biển Tây Thái Bình Dương và vùng Đông Nam Á.

Lặp lại lời tuyên bố của Đô Đốc Vermon Clark, để đối phó với HQTQ, Hoa Kỳ phải chế biến và thử nghiệm, "hàng ngàn, hàng chục ngàn" máy truy tầm để canh chừng, trinh sát và định vị những vũ khí dưới mặt nước của HQTQ. Thử nghiệm có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rải những máy truy tầm ở những miền duyên hải Trung Quốcvà những vùng có tàu ngầm hoạt động.

Trước đây, HQHK dùng một số sensor (máy truy tầm và báo động) cần có sự hoạt động song song của phi cơ: Sensors thả xuống biển, nằm trôi nổi trên mặt nước, hay lưng chừng trên đáy biển. Hàng ngày hải quân phải cho loại máy bay P-3 Orion bay sát trên mặt biển để thâu lại những tín hiệu được máy sensors thâu lại trong 24 giờ qua.

Trong thời gian gần đây HQHK đã thử nghiệm hai loại sensors mới, tối tân và hữu hiệu hơn: hai loại có tên là Twin-line Thin-line (TLTL), và vector-sensor towed arrays (VSTA). Máy có khả năng truy tầm chu vi rộng, phân lọai mục tiêu, và xác định vị trí mục tiêu chính xác hơn, và có thể tắt mở từ xa để tiết kiệm pin. Nhưng tiện lợi nhất, là máy có thể tự gởi đi tin tức thẳng lên vệ tinh bay trên trời, không còn cần phi cơ bay qua lại hàng ngày để thu lượm tin tức như trước.

Với một sự suy đoán e dè của người viết, nhiệm vụ của hai tàu USNS Immpeccable và USNS Victorious trong hai ngày 4 và 8 tháng 3 vừa qua, không gì khác hơn là kéo (và có thể thả xuống lòng biển) những máy VSTA đã nói trên.

Trong lúc HQTQ chưa có được hàng không mẫu hạm để ra uy, họ tạm thời dùng cần câu móc để "chọt" hải đỉnh Hoa Kỳ. Tương tự, khi thực lực của HQTQ chưa lộ liễu và đáng ngại, súng phun nước là đối phó vừa đủ của HQHK trong hoàn cảnh nhất thời.

Nhưng có thể hai bên sẽ không xài đồ chơi này lâu: Ngày 10 tháng 3, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết họ sẽ gởi chiến hạm có trang bị hỏa tiễn USS Chung-Hoon (ĐG 93) đến vùng biển nam Đảo Hải Nam, để hộ tống USNS Imppeccable.

Đây là một lối "chơi chữ" của HQHK. Chiến đỉnh USS Chung-Hoon là tên của Đề Đốc Gordon Pai'ea Chung Hoon. Đề Đốc Chung Hoon là người Mỹ gốc Tàu, sinh ra ở Hawaii, tốt nghiệp Võ Bị Hải Quân Annapolis năm 1943.

Nghe nói Trung Quốccũng sẽ gởi một tuần dương đỉnh đến vùng biển Nam Hải, với lời tuyên bố là họ sẽ bảo vệ lãnh hải đến cùng trong trường hợp cần thiết.

Về tác giả: Nhà biên khảo Nguyễn Kỳ Phong, hiện sống ở Mỹ, là tác giả nhiều bài báo và sách viết về chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm gần đây của ông là Vũng lầy Bạch ốc - Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam (Tiếng Quê Hương, Virginia 2006).
Các bài liên quan

Việt Nam làm gì để tự vệ?

Việt Nam làm gì để tự vệ?
Tiến sĩ Alexander Vuving

Tiến sĩ Alexander Vuving

Viết riêng cho BBCVietnamese.com từ Mỹ

Ai sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ trong một thế giới vô chính phủ cũng phải canh cánh câu hỏi: Khi nào thì anh ta có thể đánh mình, và làm sao để mình không bị anh ta đánh?
Quân đội Trung Quốc

Đây cũng là một câu hỏi thường trực cho các chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam, và anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc.

Quy luật lịch sử

Khi nào thì Trung Quốc có thể đánh Việt Nam? Tương lai không thể nói trước được, nhưng nếu lịch sử cho thấy có quy luật thì có nhiều khả năng quy luật đó sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai.

Lịch sử từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời có ba lần lớn và một số lần nhỏ hơn Trung Quốc ra quân đánh Việt Nam.

Lần thứ nhất năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa.

Lần thứ hai năm 1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới trên bộ, vào sâu nhiều chục cây số, phá huỷ cơ sở vật chất, rồi rút về sau đúng một tháng.

Lần thứ ba năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận các đảo do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, riêng vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thuỷ thủ của Hải quân Việt Nam.

Những lần đánh nhỏ hơn bao gồm các cuộc tấn công ở biên giới sau cuộc chiến 1979, liên tục cho đến năm 1988. Trong thời gian này, Trung Quốc đã chiếm được một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Các cuộc lấn chiếm này dường như đã được hợp pháp hóa tại Hiệp ước biên giới trên bộ năm 1999.

Ngoài ra, trên quần đảo Trường Sa sau năm 1988, Trung Quốc đã chiếm thêm các bãi đá ở gần vị trí đóng quân của Việt Nam như Én Đất (Eldad Reef) và Đá Ba Đầu (Whitson Reef) vào các năm 1990, 1992, và sau đó chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở gần Philippin năm 1995.

Thế và Thời

Tư duy chiến lược Trung Hoa đặc biệt coi trọng chữ Thế và chữ Thời. Các cuộc tấn công Việt Nam cho thấy có một quy luật khá nhất quán trong việc Trung Quốc chớp thời cơ vào lúc thế của họ đi lên và thế của đối phương đi xuống để tung quân ra đánh.

Thời điểm tháng 1-1974, Trung Quốc đánh Hoàng Sa đang do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát là sau khi Mỹ cam kết chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam (Hiệp định Paris tháng 1-1973) và Quốc hội Mỹ cấm Chính phủ can thiệp trở lại (Tu chính án Case-Church tháng 6-1973), tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực và khiến cho Việt Nam Cộng hòa chới với không nơi nương tựa.

Trong khi đó thế của Trung Quốc đang dâng lên với việc Bắc Kinh trở thành một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (tháng 10-1971) và từ địa vị kẻ thù của cả hai siêu cường (Liên Xô và Mỹ) trở thành đối tác của Mỹ (với Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2-1972).

Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 là để trả đũa Việt Nam đưa quân vào Campuchia nhưng cũng là khi thế của Việt Nam đi xuống trong khi thế của Trung Quốc đi lên.

Một tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô ký liên minh quân sự (tháng 11-1978) thì Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đang bị thế giới ngoài phe Liên Xô tẩy chay vì chiếm đóng Campuchia nên thế của Việt Nam đang xuống rất thấp.

Các cuộc tấn công của Trung Quốc dọc biên giới trong các năm từ 1980 đến 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, cũng bị cô lập trên trường quốc tế (do đưa quân vào Afghanistan) và, cộng với những khó khăn kinh tế, phải đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc cũng như phương Tây.
Quốc huy Trung Quốc và Việt Nam tại cửa khẩu ở Vị Xuyên

Hai nước Việt Trung đã quyết định xong về biên giới trên bộ

Chiến dịch chiếm một phần Trường Sa năm 1988 của Trung Quốc khởi sự từ năm 1986, khi Liên Xô chuyển sang nhượng bộ chiến lược với phương Tây và Trung Quốc, đồng thời rục rịch rút lui ảnh hưởng khỏi Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.

Bài nói tại Vladivostok của lãnh tụ Liên Xô Gorbachov ngày 28-7-1986 tỏ ý Liên Xô sẵn sàng chấp nhận các điều kiện Trung Quốc đưa ra để bình thường hóa quan hệ Xô-Trung (Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và giảm căng thẳng ở biên giới Xô-Trung, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia) đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Liên Xô ở châu Á, đồng thời cũng là chỉ dấu cho thấy thế của Liên Xô đi xuống và thế của Trung Quốc đi lên.

Trong các năm sau, việc Liên Xô rút lui trong khi Mỹ không trám vào đã thực sự tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực.

Trong khi ấy Việt Nam vẫn bám vào Liên Xô mà không phá được thế bị cô lập. Một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang "đa phương hóa" chỉ được thông qua vào tháng 5-1988, hai tháng sau vụ đụng độ ở quần đảo Trường Sa.

Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam giai đoạn 1980-1988 có thể coi là dư chấn của cuộc chiến năm 1979. Các cuộc chiếm đảo ở Trường Sa thời kỳ 1990-1992 cũng có thể coi là dư chấn của chiến dịch năm 1988.

Thời kỳ 1980-1988, Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc.

Thời kỳ 1990-1992, tuy là những năm Trung Quốc bị phương Tây cô lập phần nào sau vụ Thiên An Môn, cũng lại là những năm Việt Nam mất hẳn chỗ dựa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong khi vẫn chưa được nhận vào ASEAN và chưa bình thường hóa quan hệ được với Mỹ.

Việt Nam làm gì?

Hiện nay Việt Nam có thể làm gì để Trung Quốc không đánh? Lý thuyết quan hệ quốc tế gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao.

Phương pháp "cùng chung một nhà" xem ra không ổn vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, Trung Quốc rất thiếu cảm tình với Việt Nam và kinh nghiệm quan hệ với Việt Nam khiến Trung Quốc tin rằng Việt Nam hay tráo trở. Các cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy Việt Nam cùng với Mỹ và Nhật Bản là ba nước bị người Trung Quốc ghét nhất trên thế giới. Thứ hai, Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là đồng chí chứ không phải đồng minh. Thứ ba, lịch sử cho thấy quan hệ "gắn bó như môi với răng" giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn không ngăn được Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, nẫng tay trên người "đồng chí anh em" Bắc Việt.

Phương pháp "ràng buộc bằng lợi ích" sẽ không ngăn được Trung Quốc đánh ở Biển Đông vì lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông có vị trí rất cao trong chiến lược lớn của Trung Quốc. Biển Đông là yết hầu con đường tiếp tế vật tư và nhiên liệu cho Trung Quốc từ Trung Đông, châu Âu, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với 2/3 lượng dầu khí nhập khẩu và 4/5 lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.

Biển Đông cũng là bàn đạp để khống chế Đông Nam Á, một khu vực mà nếu Trung Quốc khống chế được thì sẽ có thể quy phục được Nhật Bản và trung lập hóa cả Mỹ lẫn Ấn Độ, còn nếu Trung Quốc không khống chế được thì sẽ không thể ngoi lên địa vị đứng đầu châu Á. Trung Quốc không có lợi ích nào ở Việt Nam, kể cả trong hiện tại lẫn trong tương lai, lớn hơn lợi ích ở Biển Đông để Trung Quốc phải đánh đổi.

Phương pháp "ràng buộc bằng thể chế" càng khó ngăn cản Trung Quốc ra tay khi cần thiết vì Trung Quốc cũng như các nước lớn khác chỉ tuân thủ thể chế quốc tế nếu thể chế ấy phục vụ lợi ích chiến lược của họ. Trong trường hợp lợi ích chiến lược của họ đòi hỏi làm khác đi, họ sẽ có cách giải thích thể chế quốc tế theo kiểu riêng để biện minh cho hành động của mình.

Trung Quốc đã làm như thế khi xâm lăng Việt Nam năm 1979, nói rằng để trừng phạt Việt Nam xâm lăng Campuchia. Đây không phải là đặc điểm riêng của Trung Quốc mà các nước lớn đều như vậy. Mỹ và phương Tây đánh Nam Tư rồi tách Kosovo ra khỏi nước này hay Nga đánh Gruzia rồi tách Nam Ossetia và Abkhazia ra khỏi nước này đều nói là dựa trên luật pháp và thể chế quốc tế nhưng đó là luật pháp và thể chế quốc tế theo cách giải thích riêng của họ.
Ải Chi Lăng

Ải Chi Lăng là di tích lịch sử nhắc lại trận quân Lê Lợi chém Liễu Thăng hồi thế kỷ 15

Phương pháp "răn đe quân sự" không phải là cách mà Việt Nam có thể làm với Trung Quốc trong lúc này vì Việt Nam không có vũ khí hạt nhân để răn đe chiến lược (trong khi Trung Quốc có) và lực lượng quân sự thông thường của Việt Nam hiện còn quá yếu để có thể tạo sức mạnh răn đe chiến thuật đối với Trung Quốc.

Còn lại duy nhất phương pháp "răn đe ngoại giao". Phương pháp này là dùng quan hệ với các nước mạnh hơn Trung Quốc và áp lực của quốc tế để Trung Quốc không dám đánh Việt Nam. Hiện nay trong khu vực, Trung Quốc vẫn phải kiêng dè Mỹ, do đó Việt Nam quan hệ càng gần gũi với Mỹ bao nhiêu càng có tác dụng răn đe bấy nhiêu. Một điểm nữa Việt Nam có thể tận dụng là Trung Quốc muốn thế giới tin rằng họ không phải là mối đe dọa đối với các nước.

Nếu những lấn lướt ức hiếp của Trung Quốc với Việt Nam được thế giới quan tâm và hiểu như bước đầu của một mối đe dọa lớn hơn đối với họ thì thứ nhất, chúng có thể làm Trung Quốc yếu thế đi, và thứ hai, đó cũng là một lý do để Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn nếu có ý định đánh Việt Nam.

Bài học lịch sử

Quy luật rút ra từ lịch sử ba lần Trung Quốc đánh Việt Nam và qua phân tích năm phương pháp nói trên cho thấy để tránh không bị Trung Quốc đánh, Việt Nam phải làm được ba điều.

Thứ nhất, phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đặc biệt chú ý trong tương quan với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thêm bạn thì Việt Nam cũng phải có thêm bạn mạnh hơn và nếu Trung Quốc xích lại gần các nước thì Việt Nam còn phải xích lại gần các nước hơn. Không bao giờ được để Việt Nam ở thế cô lập hơn Trung Quốc trên thế giới.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được

Thứ hai, phải hết sức bén nhạy với cán cân quyền lực trong khu vực và phải lập tức mạnh dạn điều chỉnh chiến lược đối ngoại khi tương quan lực lượng trong khu vực biến đổi bất lợi cho Việt Nam.

Thứ ba, phải sáng suốt tìm ra ai là kẻ mạnh trong khu vực và đâu là chỗ yếu của Trung Quốc để thực hiện kế răn đe ngoại giao.

Trong dài hạn, chỉ có kết hợp răn đe ngoại giao (kết thân với nước lớn và tranh thủ dư luận thế giới) với răn đe quân sự (quân đội mạnh, đặc biệt hải quân và không quân) và liên tục nâng cao vị thế quốc tế của mình thì Việt Nam mới có thể tương đối yên tâm không bị Trung Quốc đánh.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được, nhất là khi anh hàng xóm đó chưa phải là kẻ mạnh nhất trong vùng.

Charles Darwin – Con người và thuyết tiến hóa

Charles Darwin – Con người và thuyết tiến hóa

Nguyễn Đức Hiệp

Năm 2009 là kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin và 150 năm ngày xuất bản quyển sách “On the origin of species” (“Nguồn gốc của các loài sinh vật”), một công trình nghiên cứu sinh học nổi tiếng và đặt nền tảng cho thuyết tiến hóa của ông. Sự ra đời của quyển “On the origin of species” có ảnh hưởng to lớn không những trong khoa học sinh học mà còn trong nhiều phương diện khác từ tư tưởng, chính trị, tôn giáo, tâm lý, triết học đến nghệ thuật trong sự phát triển ở xã hội con người, không kém ảnh hưởng của thuyết lượng tử mà Max Planck đã đề ra sau này. Sự khám phá ra quá trình kiến tạo sinh học trên trái đất bắt đầu cách đây khoảng 10 tỉ năm và vẫn tiếp diễn ngày nay là một trong những khám phá lớn nhất trong lịch sử khoa học.

Sự ra đời của “On the origin of species” đặt con người vào một tình thế phải xác định lại vị trí của mình trong vạn vật: con người không phải là trung tâm của các sinh vật như mình nghĩ hay do Thượng đế đặc biệt tạo ra và các sinh vật khác phục vụ cho nhu cầu của mình mà thật ra chỉ là một trong những loài thú vật trên trái đất hay trong vũ trụ. Tư tưởng cách mạng này đảo lộn tư duy như sự khám phá của Copernicus vào thế kỷ 16 là không phải trái đất là trung tâm của vũ trụ và tất cả đều xoay quanh trái đất như mọi người tưởng mà thật ra trái đất chỉ là một hành tinh xoay quanh mặt trời như những hành tinh khác.

Trong 4 quyển sách của Darwin “The voyage of the Beagle”, “On the origin of species”, “The descent of men”, và “The evolution of emotion in man and animal”, thì quyển “The origin of species” là gây ảnh hưởng nhất qua sự trình bày cặn kẽ, logic đầy đủ thuyết phục cho thuyết tiến hóa qua các dữ kiện và quan sát được đưa ra.

Dĩ nhiên quyển sách và thuyết tiến hóa của Charles Darwin đã bị nhiều thế lực chống đối và phản bác. Ngày này thuyết tiến hóa đã được đa số chấp nhận nhưng cũng còn có những sự phản bác chối từ mà đa số là từ các tổ chức tôn giáo thành kiến.

Sự hình thành của thuyết tiến hóa và ra đời của “On the origin of species”

Darwin sinh năm 1809 trong một gia đình khá giả ở một thành phố nhỏ Shrewbury, Tô Cách Lan. Ông nội của Darwin là một thi sĩ có tiếng, Eramus Darwin. Lúc còn là sinh viên y khoa trẻ ở đại học Edingburg, ông bắt đầu say mê tìm hiểu và học hỏi sinh vật học: thiên nhiên đã có một sức hấp dẫn đặc biệt đến ông. Sau này khi ông bỏ y khoa chuyển qua đại học Cambridge để học thần học như ý thân phụ ông muốn, ông đã có dịp học hỏi từ các bậc thầy nổi tiếng về thực vật học như J. Henslow, địa chất học như A. Sedgwick (4). Ông theo dõi và đọc các sách của các nhà khoa học đương thời như A . Humboldt, C. Lyell, đặc biệt sách ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông là “Nguyên lý địa chất học” (Principles of Geology) của C. Lyell trong đó nó cho ông thấy trái đất rất cổ xưa và tuổi địa chất rất lớn so với độ thời gian thế hệ của các sinh vật, sự thay đổi nhỏ, dần trên trái đất nhưng với một thời gian địa chất lâu đời sẽ kết tinh lại đưa đến sự thay đổi rất lớn.

Năm 1838, nhờ Henslow ông được đi trên tàu HMS Beagle đi thám hiểm nghiên cứu vòng quanh thế giới do nhà sinh vật và thuyền trưởng R. Fitzroy điều khiển. Cuộc hành trình này kéo dài 5 năm và đây là thời gian mà Darwin được dịp quan sát và thâu thập, khám phá được nhiều dữ kiện quan trọng về địa chất (núi lửa, động đất, các đảo tạo từ núi lửa gần Nam Mỹ), các hóa thạch của nhiều sinh vật đã tuyệt chủng, thực động vật mới ở nhiều nơi, và nguồn gốc của các dãy san hô.

clip_image001

Chuyến đi của Darwin trên tàu Beagle đi vòng quanh trái đất ghé lại nhiều nơi ở Nam Mỹ, các đảo ở Thái Bình Dương, Úc,.. giúp ông thâu thập nhiều dữ kiện động thực vật, địa chất, địa lý, hóa thạch làm ông suy nghĩ và từ những quan sát dữ kiện này ông đã kết hợp chúng thành những chất liệu gây dựng thuyết tiến hóa sau này. Ông nhận thấy một số các sinh vật hóa thạch ở Nam Mỹ giống với các loài sinh vật hiện có ở trên lục địa này hơn tất cả các sinh vật ở những lục địa khác. Ông tự hỏi là có đủ loại các sinh vật rất khác nhau sống ở trong các rừng nhiệt đới ở Phi châu, Á châu, Nam Mỹ mặc dầu khí hậu đều giống nhau, tại sao như vậy và các sinh vật khác nhau này từ đâu đến?

Darwin không phải là người đầu tiên đề cập về thuyết tiến hóa, nhưng ông là người đã giải thích thuyết tiến hóa có hệ thống với các bằng chứng dựa trên những lý luận và các dữ kiện quan sát về nguồn gốc của các sinh vật qua sự chọn lựa tự nhiên (natural selection). Darwin cũng đã nói rõ trong sách của ông là nhà sinh vật học Wallace cũng có cùng ý nghĩ với ông về nguồn gốc sinh vật qua thuyết tiến hóa qua các bản báo cáo và bài về thuyết tiến hóa của Wallace (“On the Tendency of Varieties to Depart Indefinitely from the Original Type”) gởi ông về các phát hiện từ quần đảo Indonesia, nơi ông Wallace đang thám hiểm. Darwin đã viết và suy nghĩ về thuyết tiến hóa qua chọn lựa tự nhiên từ nhiều năm qua trước khi nhận được bài của Wallace về thuyết tiến hóa. Darwin đã thảo luận với hai nhà khoa học Charles Lyell và Joseph Hooker về sự trùng hợp hy hữu này. Qua sự giàn xếp của nhà sinh học Joseph Hooker, Darwin đã gởi bài của Wallace và của ông để cùng đăng trên tạp chí của hội sinh vật học Linnean Society of London (hiện nay vẫn còn hoạt động) và cả hai bài đã được đọc trong buổi họp và nói chuyện ở hội. Như vậy cha đẻ của thuyết tiến hóa là Darwin và Wallace. Nhưng quyển sách đầy đủ hơn về thuyết tiến hóa của Darwin ra đời sau đó mới có ảnh hưởng lớn và tiếng vang lan rộng trong giới khoa học.

Ảnh hưởng của thuyết tiến hóa vào xã hội, khoa học và nghệ thuật

Ngay sau khi sách “Nguồn gốc của các loài sinh vật” được xuất bản, trong một thời gian ngắn sách được tiêu thụ nhanh chóng và tái bản lần thứ hai và gây chú ý không những trong giới khoa học mà ở nhiều tầng lớp xã hội và khơi mào ra nhiều cuộc thảo luận tranh cãi khắp nơi.

Nổi tiếng nhất là cuộc tranh luận giữa giám mục Anh giáo (địa phận Oxford) Samuel Wilberforce, một nhà hùng biện lúc đó, và nhà sinh học Thomas Huxley ở Bảo tàng của Đại học Oxford ngày 30 tháng 6 1860, bảy tháng sau khi sách ra đời. Darwin lúc đó bị đau bụng đang dưỡng bệnh nên không tham dự. Trong số những người ủng hộ Darwin là Thomas Huxley, Sir Joseph Hooker và ủng hộ giám mục Wiberforce là nhà sinh học Richard Owen. Ngoài những bộ óc lớn trong khoa học, giới trí thức và thượng lưu của Anh lúc đó hiện diện còn có sinh viên, công chúng cả ngàn người tham dự chật bảo tàng và hàng trăm người không vào được (8)(11).
clip_image002 clip_image002[7]
Nhà sinh học Thomas Huxley (hí họa trong tạp chí Vanity Fair) Giám mục Wiberforce (hí họa trong tạp chí Vanity Fair)


Mục sư (Reverend) Robert Henslow (người trước kia bảo hộ Darwin học ở Cambridge) là chủ tọa buổi tranh luận.

Mở đầu và trọng tâm cho buổi thảo luận là bài báo cáo của Dr. John Draper, New York University, tựa đề “On the Intellectual Development of Europe, considered with reference to the views of Mr. Darwin and others, that the progression of organisms is determined by law.” (Thảo luận về sự phát triển tri thức châu Âu, với dẫn chứng quan niệm của ông Darwin và một số người khác, cho rằng sinh vật tiến hóa theo quy luật tất định). Bài của Draper hiện nay không ai để ý đến vì những cuộc đối đáp tranh luận nảy lửa xảy ra sau đó, nhưng bài nói chuyện của Draper cho thấy sự ẩn dụ của ý tưởng thích ứng với môi trường thiên nhiên trong thuyết của Darwin đã đi vào các lãnh vực khác mà ngày nay ta gọi là khoa học xã hội và chính trị (11). Sau Draper, Henslow mời đến lượt phát biểu các ông Rev. Richard Cresswell, Sir Benjamin Brodie (Chủ tịch hội khoa học Royal Society).

Chi tiết của cuộc tranh luận không được ghi chép đầy đủ nhưng những gì mà mọi người nhớ và biết nhiều đến là sau khi giám mục Wilberforce được Henslow gọi đứng lên phát biểu. Là một nhà hùng biện (ông cũng là Fellow của Royal Society), ông dùng lý luận mà ông đã dùng trong bài viết “The Origin” số tháng 7 trong tạp chí “The Quarterly Review” vừa ra, và với phong cách hoa mỹ ông được sự đồng tình cổ võ của nhiều người trong cử tọa – thật ra đa số đến nghe cũng đồng ý kiến với ông về thuyết của Darwin, các công nương bên ngoài cửa sổ vẫy khăn tay trắng ủng hộ, các sinh viên ngồi phía sau vỗ tay và la lối cổ võ, các mục sư giáo sĩ trong hàng giáo phẩm Anh giáo có thế lực trong giới thượng lưu và cầm quyền trong xã hội chậm rãi vỗ tay nhẹ nhàng chấp thuận. Wiberforce chỉ trích thuyết tiến hóa không có cơ sở và cho rằng không được sự ủng hộ của các nhà sinh học nổi tiếng như Owen, nhà địa chất Adam Sedgwick. Cuối cùng, theo truyền thuyết kể lại và được phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay là với giọng mỉa mai, chế diễu, Wilberforce đã hỏi Huxley, nhà sinh học bảo vệ thuyết tiến hóa của Darwin trong cuộc tranh luận, là Huxley nếu tự cho là mình có nguồn gốc từ con khỉ, thì đó là qua dòng ông nội hay bà nội của mình? Nhưng thực sự thì theo các tư liệu từ lá thư của John Green dự cuộc tranh luận viết gởi Sir William Dawkins, thư của Balfour Stewart gởi David Forbes và bài viết sau đó của tạp chí văn học The Athenaeum thì giám mục Wilberforce đã không hỏi như vậy mà nói là ông (Wilberforce) được nghe là Professor Huxley trước đây đã nói là ông (Huxley) không thấy có vấn đề gì và cần bận tâm phải lo nghĩ là ông nội của mình là con khỉ hay không (11), vậy thì hãy để Professor thông thái nói như vậy cho chính mình và các bạn cùng chí hướng chứ không cho ai khác cả.

Sau khi Wilberforce ngồi xuống giữa tràng pháo tay của khán giả, Huxley sau đó đứng lên bảo vệ thuyết tiến hóa của Darwin và cuối cùng trả lời câu hỏi của Wilberforce là ông không thấy xấu hổ tổ tiên của ông là con khỉ nhưng ông sẽ xấu hổ nếu có liên hệ với một người dùng tài năng phong phú của mình để làm mờ đi sự thật.

Theo lá thư của Huxley gởi Frederick Dyster thì, “Tôi đã lắng nghe rất kỹ những gì Ngài Giám mục (Lord Bishop) nói nhưng đã không thể khám phá một dữ kiện mới hay lý luận mới nào khác—ngoại trừ, thật vậy, câu hỏi về ý kiến riêng tư của tôi đối với vấn đề tổ tiên—Thật ra tôi không có nghĩ là mang vấn đề này ra trong cuộc tranh luận, nhưng tôi rất sẵn sàng đối đầu với Ngài giám mục ngay cả trên lãnh vực đó…”..

Lá thư của Green cũng đồng ý như vậy, “Huxley—trẻ, điềm đạm, ít nói, châm biếm, rất khoa học trong dữ kiện và xử lý vấn đề, trả lời Ngài gây một tác động mãnh liệt…. Đây là phần đầu trả lời của Huxley “Tôi đã xác nhận, và lập lại nữa, là một người không có lý do gì phải xấu hổ có con khỉ là ông nội của mình. Nếu có một tổ tiên nào mà tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại, thì có lẽ đó là một người, một người có tri thức hiếu động, nhiều tài năng, không hài lòng với sự thành công không chắc chắn trong lãnh vực hoạt động của mình, lại đi lao vào những câu hỏi khoa học mà mình thật sự không quen thuộc, chỉ làm tối mờ chúng đi bằng những tu từ không mục đích, và làm lãng đi sự chú ý của người nghe khỏi điểm chính thật sự của vấn đề bằng những lời hùng biện lạc đề và những lời kêu gọi rất khéo léo đến những định kiến tôn giáo.” (Huxley sau này không nhận là dùng từ ‘không chắc chắn’)

Câu trả lời của Huxley tạo một ấn tượng lớn đến những khán thính giả đến nghe, và có người nói Công nương Lady Brewster lúc đó choáng váng bất tỉnh khi nghe xong Huxley trả lời Wilberforce.

Huxley không phải là nhà hùng biện, nhiều người không nghe rõ phần cuối của phần trả lời của Huxley. Theo nhà sinh học Joseph Hooker, bạn của Darwin, thì chưa phải là dứt điểm. Sau đó chủ tọa Henslow mời Đề đốc Robert Fitzroy, thuyền trưởng tàu HMS Beagle đi cùng với Darwin 25 năm trước đó, phát biểu. Fitzroy tấn công sách của Darwin và hối tiếc quyển sách đã được xuất bản, và chống lại câu tuyên bố của Giáo sư Huxley là sách xếp đặt các dữ kiện rất logíc. Giáo sư Beale sau đó “chỉ ra vài khó khăn mà thuyết của Darwin phải đối diện” (the tạp chí The Athenaeum 14/7/1860). Nhà khảo cổ (sau này cũng là đại biểu Quốc hội) John Lubbock đứng lên bảo vệ thuyết tiến hóa.

Người sau cùng nói là Hooker. Ông hăng hái trả lời các điểm của giám mục Wilberforce giữa nhiều tiếng tràng vỗ tay sau đó ông chứng minh là Wilberforce chưa bao giờ đọc sách của Darwin và Wilberforce hoàn toàn không biết gì về thực vật học. Theo thơ của Hooker gởi Darwin thì “Sam (tức Samuel Wilberforce) im lặng không nói lời nào, và sau đó cuộc tranh luận được giải tán”. Mọi người rất thích thú ra về và cùng đi ăn tối với nhau.

Hai bên đều cho là mình thắng trong cuộc tranh luận - Wilberforce (thơ gởi Sir Charles Anderson July 3, 1860): “Hôm thứ bảy, Giáo sư Henslow… gọi tên tôi phát biểu về thuyết của Darwin. Vì thế tôi không tránh được và đã có một cuộc đọ sức rất lâu dài với Huxley. Tôi nghĩ là tôi đã hoàn toàn đánh bại ông ấy.”. Theo Huxley thì: “Tôi là người sau đó nổi tiếng nhất ở Oxford trong đủ bốn và hai mươi tiếng đồng hồ sau đó”. Hooker: “Tôi đã được chúc mừng và cám ơn từ những vị mang áo khoác đen nhất và vớ trắng nhất ở Oxford” (11). Đối với diễn giả ở Oxford, công chúng và ảnh hưởng sau này trong xã hội thì Huxley và thuyết tiến hóa khoa học của Darwin thắng lớn

Cuộc tranh luận thường được cho là sự đối chọi giữa khoa học va tôn giáo, nhưng thực sự là sự tranh đấu giữa hai trào lưu Anh giáo bảo thủ và Anh giáo tiến bộ. Trong cuộc tranh luận, đứng bên phe của Wilberforce có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng và phía Huxley (Darwin) có sự cảm tình của các nhà tôn giáo tiến bộ (ngay cả chủ tọa là Giáo sư và mục sư Henslow, người đỡ đầu Darwin đi tàu HMS Beagle). Tất cả các nhân vật đều theo Ki tô Anh giáo và không ai vô thần.

Trong lịch sử khoa học có lẽ cuộc tranh luận này ở Oxford là hào hứng và then chốt nhất cho sự chấp nhận của thuyết tiến hóa. Thuyết tiến hóa khoa học được phát triển và bảo hộ không những ở Oxford, Cambridge mà khắp Anh và Âu châu khi sách của Darwin được lan truyền khắp nơi.

clip_image004

Monkeyana 1861. Hí họa trong tạp chí Punch về thuyết tiến hóa của Darwin (British Library Board)

Thuyết tiến hóa giải thích thỏa đáng và có độ thuyết phục cao về nguồn gốc không những của con người mà của các sinh vật trên trái đất qua những dữ kiện, quan sát chi li và lập luận vững chắc của Darwin. Câu hỏi mà con người ai cũng tự hỏi từ khi bắt đầu có suy nghĩ, nhận thức là con người từ đâu mà ra và cuộc sống có mụch đích gì đã được thuyết tiến hóa của Darwin trả lời một cách thỏa đáng dựa trên khoa học mà không cần phải dựa vào tư tưởng thần quyền đã ngự trị trước đó nhiều năm trong mọi xã hội văn hóa khác nhau trên thế giới. Vì thế không lạ gì khi thuyết tiến hóa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống con người đóng góp vào sự phát triển văn hóa, xã hội, chính trị, khoa học từ khi Darwin ra cuốn sách “The origin of species” của ông.

Sách của ông đã được quần chúng đủ mọi giới trong tầng lớp xã hội ưa chuộng mua đọc đi quá sự mong ước ban đầu của nhà xuất bản mặc dầu đây không phải là sách loại khoa học phổ thông mà là sách kỹ thuật, rất dài và khó đọc Trong nhiều năm, các sách vở báo chí thảo luận, diễn dịch thuyết tiến hóa qua các tranh ảnh, các suy tưởng về sự liên hệ giữa người và các sinh vật khác, không kể nhiều sách truyện khoa học tưởng tượng. Khắp Âu châu vào các thập niên cuối thế kỷ 19, ảnh hưởng của Darwin lan rộng. Ở Đức, nhà khoa học và cũng là họa sĩ Ernst Haekel phổ cập thuyết tiến hóa của Darwin qua sách với nhiều hình ảnh và các tranh vẽ sinh vật trong sự liên hệ lẫn nhau giữa các loài trên “cây đời sống” (Tree of Life)

Trong lãnh vực nghệ thuật, các họa sĩ nổi tiếng như Turner, Degas, Monet, Ceanne đã bị ảnh hưởng của thuyết tiến hóa. Họ đã triển khai tư tưởng của Darwin trong các tác phẩm của họ. Tư tưởng tiến hóa mà các nghệ sĩ ở Pháp gọi là “transformisme” đã giúp họ nhìn thiên nhiên vạn vật và bản năng của con người dưới một góc cạnh rất khác lúc trước kia. Thí dụ như Degas trong bối cảnh tranh luận ở Pháp trong các thập niên 1870 và 1880 về học thuyết Darwin áp dụng trong xã hội về tội ác, thoái hóa, đặc tính bẩm sinh định sẳn của tội phạm đã vẽ tranh “Physionomie de criminal” vẽ hình thể khuôn mặt của hai bị can ra tòa về tội giết người. Sắc diện của hai bị can cho người xem ‘đọc thấy’ được ý tưởng về hình thể tất yếu có từ bẩm sinh của tội phạm. Những con người này, theo một số người, thuộc một tầng lớp trong xã hội chưa tiến hóa cao và là vết tích thú vật còn sót lại trong các giai đoạn tiến hóa.

Triễn lãm ở Yale (New Haven, Connecticut) và ở Cambridge với tựa đề “Endless forms: Charles Darwin, Natural Science and the Visual Arts” trong năm 2009 sẽ cho thấy vai trò quan trọng của hình ảnh, hình thể trong sự phát triển ý tưởng của Darwin và ảnh hưởng của ông đến các họa sĩ như Turner, Degas, Monet, Cézanne, Church, Heade, Landseer. Ở Franfurt, triễn lãm “Darwin: Art and the search for origin” cho thấy các nghệ sĩ vẽ về các sinh vật biến dạng qua tư tưởng thuyết tiến hóa, đặc biệt từ biển nơi cội nguồn của các sinh vật, người tiền sử và sự tranh đấu sống còn tương lai số phận con người như trong các tác phẩm của Martin Johnson Heade, František Kupka, Odilon Redon, George Frederic Watts, Arnold Böcklin, Gustav Klimt, Gabriel von Max, Alfred Kubin, và Max Ernst trong thời gian từ 1859 đến giữa thế kỷ 20 (12).

Ngoài ra trong năm 2009, còn có một số các hoạt động khác kỷ niệm 200 năm ngày sinh và 150 năm ngày xuất bản sách “The origin of species” ở nhiều nơi trên thế giới. Một con tàu được làm lại giống con tàu mang tên HMS Beagle mà Darwin đã đi khảo sát trong 5 năm sẽ được tổ chức đi đúng lại hành trình qua nhiều nơi mà trước đây Darwin đã đến. Trên tàu có các nhà khoa học, thầy giáo, sinh viên học sinh (xem www.thebeagleproject.com); các thí nghiệm, quan sát sẽ được truyền tin đến các lớp học ở nhiều nơi trên thế giới. Các triển lãm về Darwin và thuyết tiến hóa sẽ được tổ chức ở Cambridge, London, Lisbon, Berlin, Canberra, Moscow. Ảnh hưởng của Darwin vào xã hội và hệ quả sẽ được thảo luận trong một hội nghị quốc tế vào tháng 11/2009 ở Alexandria, Ai Cập.
Charles Darwin và Úc

Darwin đến Sydney trên tàu HMS Beagle ngày 12/1/1836 (5). Sau khi nhận xét Sydney lúc này là một thành phố tốt, đường xá rộng, sạch, nhà cửa phố xá khang trang, ông lập tức sửa soạn chuyến đi sâu vào bên trong lục địa để khảo sát. Ông mướn người và ngựa để dẫn ông đi Bathurst, một thành phố phía tây Sydney băng qua núi Blue Mountains thuộc dãy núi Darling Range chạy dài ở gần bờ biển phía đông lục địa Úc.

clip_image005

Tranh vẽ của Augustus Earle, “Table Land Blue Mountains”, 1826, (National Library of Australia). Augustus Earle là một trong những bạn của Darwin mà ông tiếp xúc khi đến Úc. Earle là một họa sĩ có tiếng. Bức tranh tả cảnh và đường mới mở ở Blue Mountains mà Darwin đi qua từ Sydney đến Bathurst.

Trong chuyến đi này ông dừng chân lại ở nhiều nơi như Wentworh Falls, Lithgow. Mặc dầu không thấy kangaroo nhưng ông gặp nhiều thổ dân, và tình cờ quan sát được con platypus, một loài thú mỏ vịt đuôi chồn, đặc hữu ở Úc. Trên một bờ sông gần Wallerang, ông nằm suy nghĩ và viết trong nhật ký về các đặc tính lạ lùng của các thú vật ở lục địa Úc so với các nơi khác (5) và ông nhận xét: “Một người không tin vào tất cả những gì vượt quá khỏi những lý luận của chính mình có thể sẽ phát biểu là ‘chắc chắn là có hai đấng tạo hóa khác nhau thực hiện việc hình thành các sinh vật’”. Tuy vậy khi Darwin thấy và quan sát các con kiến “lion-ant”, ông nhận ra ngay chúng cùng họ với một loài kiến mà ông biết được ở Âu châu, nhưng thuộc một loài (species) khác. Trong nhật ký, ông viết “Giờ thì người hoài nghi không dễ tin sẽ phải nói gì về sự kiện này? Có thể nào lại có hai Người tạo hóa có cùng một kiến tạo thật quá hoàn mỹ, giản dị, không tự nhiên như vậy được chăng?” Suy nghĩ này là một trong các hạt nhân bắt đầu gieo vào đầu ông và sau này hình thành ý tưởng về thuyết tiến hóa qua sự chọn lọc tự nhiên .

Phụ giúp Darwin trong chuyến đi trên tàu Beagle là một thiếu niên 15 tuổi, Syms Covington. Covington giúp Darwin thu thập các mẫu sinh vật, tìm kiếm hóa thạch, phụ giúp công việc nghiên cứu trong chuyến đi kéo dài 5 năm này. Trong những ngày ở Sydney, Covington có ấn tượng tốt về vùng đất mới ở Úc. Sau khi trở về Anh, ông di dân qua Úc lập nghiệp năm 1840. Ở Sydney một thời gian, ông và gia đình đi xuống thành phố nhỏ Pambula vùng bờ biển phía nam Sydney năm 1854 làm trưởng ty bưu điện của Pambula, nơi nhiều người đến để tìm vàng. Trong những năm ở Úc, ông vẫn còn giữ liên lạc qua thư từ với Darwin. Darwin có nhờ Covington thâu lượm và gởi cho ông các mẫu sinh vật chân tơ (barnacle), loại sò bám đá ở Twofold Bay để ông nghiên cứu . Tháng 3 năm 1849, Darwin đã viết cho Covington như sau: “Tôi đang viết một bộ sách lớn, mô tả cơ thể và tất cả các loài chân tơ (barnacle) từ khắp nơi trên thế giới. Tôi không biết anh có sống gần biển không, nhưng nếu anh sống gần biển thì tôi rất vui lòng nếu anh thâu lượm cho tôi bất cứ sinh vật bám vào các đá ở biển hay vào các vỏ sò hay vào các san hô bị dạt vào bờ từ các gió bão biển, và gởi cho tôi mà không phải chùi rửa chúng, hay làm sạch đáy…” (10). Darwin công bố các bài viết khoa học về các sinh vật này. Không lâu sau đó, Darwin xuất bản quyển sách nổi tiếng “On the origin of species”.

Năm 1857, Covington xây một toà nhà bưu điện bằng đá và gạch. Tòa nhà này không những là bưu điện của Pambula nhưng lớn đủ để có thêm một cửa tiệm buôn bán và một quán bia rượu (Forest Oak Inn). Toà nhà này vẫn còn và được xếp vào di tích lịch sử. Hiện nay tòa nhà là một nhà hàng Thái có tên là Covingtons Thai do hai anh em người Thái di dân qua Úc làm chủ.

clip_image006

Mẫu sinh vật cua ở Viện bảo tàng Đại học Oxford do Darwin thâu thập trong chuyến đi tàu Beagle với dòng chữ viết tay của Covington.

Ở viện bảo tàng Đại học Oxford còn có các sưu tập của Darwin, trong nhiều mẫu sinh vật thâu thập là các dòng chữ ghi chú được coi là của Syms Covingtons trong chuyến đi của con tàu HMS Beagle.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin, Viện Mỹ Thuật quốc gia Úc (National Art Gallery) ở Canberra có một triển lãm về Darwin và sự liên hệ của ông với Úc. Và dĩ nhiên sau cùng, Darwin cũng là tên một thành phố lớn bắc nước Úc, thành phố được đặt tên để tưởng niệm một vĩ nhân trong khoa học.
Darwin, một nhà khoa học vĩ đại

Ngày 19 tháng tư năm 1882, Darwin từ trần. Theo thông báo thì ngày hôm sau ông sẽ được chôn ở sân của nhà thờ St Mary, Down gần nơi ông sống gần 40 năm. Tuy nhiên, những người bạn uy tín và có thế lực lại có ý khác. William Spottiswoode, Chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Royal Society đánh điện tín cho gia đình Darwin và hỏi gia đình có đồng ý chôn Darwin trong nhà thờ Westminster Abbey, nơi chôn lịch sử của các vua và các vĩ nhân của nước Anh. Giám mục Canon Farrar thông báo cho tu viện trưởng (Dean) của Westminster Abbey, George Bradley, lúc đó đang ở Pháp, Bradley trả lời chấp nhận. Một thỉnh nguyện được gởi truyền tay trong Quốc hội và nhanh chóng được nhiều chữ ký của các nhân vật quan trọng (7).

Ở trong và ngoài nước Anh, ông đã được so sánh như Isaac Newton - cũng ghi nhận là Darwin, mặc dầu là một nhà khoa học vĩ đại, nhưng khác với Newton là chưa từng được tôn vinh phong tước hầu. Ông đã không được tôn trọng đúng mức trong lúc sống, vì thế một nước được ân huệ như Anh quốc mong muốn đền đáp lúc ông mất. Vào ngày thứ Bảy, mặc cho dù Darwin hay gia đình ông muốn khác đi nữa, tất cả đồng ý là ông sẽ được an táng ở Westminster Abbey. Lễ an táng được tổ chức ngày thứ tư sau đó, đúng một tuần sau khi Darwin mất. Đám tang của Darwin được tổ chức theo nghi thức Ki tô giáo

Những người hiện diện hôm đó được nói là “một buổi hội tụ lớn nhất chưa bao giờ có của tri thức của nước chúng ta” (7). Trong số những người khiêng quan tài của Darwin là hai người bạn và cũng là hai nhà sinh học nổi tiếng, Joseph Hooker và Alfred Wallace (Wallace cũng là người đồng khám phá thuyết tiến hóa qua chọn lựa tự nhiên), đại sứ Mỹ James Lowell và William Spottiswoode, Chủ tịch Hội Hoàng Gia. Darwin được chôn cạnh nhà vật lý Isaac Newton

Darwin xứng đáng là nhà khoa học được thế giới tưởng niệm nhân dịp 200 năm ngày sinh và 150 năm ngày ra đời của cuốn sách “Nguồn gốc của các loài sinh vật” trong năm 2009, ở thế kỷ 21.

Tham khảo

(1) M. Kohn, The needs of the many, Nature, Vol. 456, 20 November 2008, pp. 296-299.

(2) J. Baker, Darwin: Heading to a town near you, Nature, Vol. 456, 20 November 2008, pp. 322-323

(3) T. Chouard, Beneath the surface, Vol. 456, 20 November 2008, pp. 300-303.

(4) J. Van Wyhe, Charles Darwin: Gentleman naturalist, http://darwin-onlinẹorg.uk/darwin.html

(5) S. Meacham, Darwin’s idea survives the fitness test of time, Sydney Morning Herald, Jan. 12 2009.

(6) S. Meacham, Origin of species, how a missing link ties Charles Darwin to an idyllic South Coast hamlet and its Thai restaurant, The Sun Herald, Januray 11 2009.

(7) Westminster Abbey web site, http://www.westminster-abbey.org/events/forthcoming-events/36261

(8) Wikipedia, 1860 Oxford evolution debate, http://en.wikipedia.org/wiki/1860_Oxford_evolution_debate

(9) University of Oxford, Celebrating Darwin 200, http://www.ox.ac.uk/media/news_stories/2009/090210_2.html

(10)Pete Wilton, Darwin’s crabs, University of Oxford, http://www.ox.ac.uk/media/science_blog/080212.html

(11)K. Thomson, Huxley, Wilberforce and the Oxford Museum, American Scientist, Volume 88, Number 5, Sept. - Oct. 200, pp. 210-212.

(12)Schirn Kunsthalle Frankfurt, http://www.schirn-kunsthalle.de/index.php?do=exhibitions_detail&id=88&lang=envà http://www.schirn-kunsthalle.de/data/news/1229356102_presse_darwin_engl_logo.pdf
bài đã đăng của Nguyễn Đức Hiệp

* Charles Darwin – Con người và thuyết tiến hóa - 10.03.2009
* Max Planck – Từ lý thuyết lượng tử đến nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại - 30.01.2009