11/5/09

Phạm Công Thiện : Ngày Sanh Của Rắn

Phạm Công Thiện

Ngày Sanh Của Rắn


Ngày Sanh Của Rắn là tập thơ duy nhất được xuất bản của Phạm Công Thiện. Trước hết, nhà Hoa Nắng in tập thơ này tại Paris [không ghi năm] với số lượng rất nhỏ để biếu. Sau đó, An Tiêm chính thức ấn hành lần đầu tiên tại Sài Gòn năm 1966, và, cuối cùng, Trần Thi in lại tại California năm 1988.

*

Ngày 10 tháng 7 năm 1988, tại Garden Grove, California, trong lời tựa của ấn bản cuối cùng, Phạm Công Thiện viết:

[...] Tập Ngày Sanh Của Rắn đã được nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần đầu năm 1966 tại Sài Gòn, và tập thơ đã biến mất biệt tích ngay sau đó chừng một thời gian ngắn. Tác giả đã lãnh đạm từ chối không cho tái bản trong vòng 22 năm nay.
Bây giờ tôi có thể tự cho phép mình được thong dong rộng lượng đối với tiền thân của mình, đang lúc hậu thân hiện vùng vẫy rung chuyển tập khí để tự tạo ra huyễn thân tương lai...
Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?

*

Hiện nay, trên internet đã có một số websites đăng lại tập thơ này, nhưng chúng tôi thấy không có bản nào hoàn toàn chính xác. Tất cả đều ghi nhầm nhan đề thành "Ngày Sinh Của Rắn", và bản nào cũng có một số lỗi về chính tả và những chỗ nhắt câu, xuống dòng, viết hoa tuỳ tiện, có lẽ do ghi lại từ ký ức, mà không có cơ hội so với bản in chính thức. Thậm chí, có lẽ vì trình độ thẩm thi quá lạc hậu, một số websites ở Việt Nam đã tự ý cắt bỏ những câu sau đây trong bài VI:

tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt

Vì thế, Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản chính xác nhất dưới đây, căn cứ theo ấn bản cuối cùng tại California năm 1988.

Tiền Vệ

__________




PHẠM CÔNG THIỆN
(1941~)


Ngày Sanh Của Rắn



I

tôi đi đông chìm
trời âm u thung lũng khô
nhiều mây chim bay không nổi

tôi đi
dưới kia sụp đổ
núi cấm nổ tôi ra
cửu long ca từ tây tạng

tôi về
tôi hiện
đèn tắt trời gió tắt trăng
chim lạ
kêu tiếng người
hố thẳm ra đời
tôi bay trên biển



II

tôi nằm cho rã chiếu cạp điều
nước chảy lên vùng phố tịch liêu
tôi nhớ một lần cây quế mọc
tôi đứng gọi hương trọn buổi chiều



III

mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông



IV

trời mưa nữu ước cây mọc
nhớ hương trời mưa ngày tháng
nhớ hương đường hoang mái vắng
nữu ước chỉ còn hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim hương
đổ vào tám tách cà phê đen anh uống mỗi đêm

tại greenwich village
tại làng thi sĩ
tại đường khói bay
tại hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở việt nam
bây giờ anh xa hương đến mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay
mưa làm tóc anh thơm
mùi cây quế
giữa hồ
mọc giữa hồ quế hương
tóc anh mọc dài
che chở hương
lúc mưa rơi
lúc đông lạnh
lúc chim chiều đi mất
mưa trên phố đêm
trên quán cà phê ý đại lợi
trên chiến tranh
của quê hương
của quế hương
còn anh



V

rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng
đợi kinh đào chảy ngược
cửa nhỏ đóng kín
những chiếc cầu tuổi dại
mười sáu năm tôi thức trong đời
mười sáu con kinh đào không bao giờ chảy ngược
đứng ngang cầu pont-neuf
nhìn sông seine tôi thấy cửu long
paris đuổi mất mây mộng hoang đường
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương
tôi trốn giặc đời
tắm trong hồn hương
trái đu đủ
trong khu vườn xưa
con rắn nhỏ



VI

tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm paris
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt



VII

tôi nuốt nọc đen giữa đường guillaume apollinaire
từ xóm saint-germain-des-prés
mọc lên giáo đường hang động
cà phê biến hồn đầu thai
hoá thành một triệu con ma đen
nhảy múa trên núi lửa đầu tôi
tôi mặc đồ xanh
và mang đồng hồ da đen
tôi chứa chấp sáu ngọn lửa điên
trong sáu diêm quẹt còn rớt lại
tôi gọi hương và tôi chết giấc
tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm
máu đổ mưa đen
ồ cây mồng tơi
của thời trẻ dại
tôi gọi thầm
rắn cuộn tròn
tương lai



VIII

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông



IX

rắn trườn vỡ trứng chim rừng
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
khuya buồn tủi nhục môi em
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
tiếng ru chín đỏ điện thờ
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu
tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành thu đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên
bỏ mình nước chảy đồi tiên
theo con chim dại lạc miền thiên hương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa



X

mùa xuân bay thành khói
tôi ca hát một mình
suốt đời không biết nói
nước chảy tràn con kinh
quá khứ bay lên trời
biến thành cánh chim non
tôi quì hôn lá mới
đau khổ trắng linh hồn
hư không đổ ra khơi
kỷ niệm trôi qua cầu
bãi chiều chưa người tới
tình nhỏ quên từ lâu
xuân bay trắng núi đồi
tôi nằm ngủ mơ chim
bỗng hét lên trong tối
ngồi thức dậy bảy đêm
trời cuối năm gác trọ
đèn tắt suốt đêm dài
con chim mười năm nhỏ
bay về đậu nơi đây
hơi thở giết thời gian
bướm nằm chết thang lầu
tiếng chim ru ngày tháng
máu chảy về sông sâu
suốt đời không biết nói
tôi ngồi thức một mình
đốt thuốc lên nhìn khói
đêm rạng điềm hư linh



XI

tôi lái ô tô buýt giữa thành phố new york
mỗi ngày tôi lái ô tô buýt đi trên những con đường không người những con đường chim chết
những con đường của mỗi ngày
từ riverside drive đến broadway đến đại lộ thứ năm rồi đến washington square
công trường nghệ sĩ tóc bay hương hát
từ greenwich village tôi đi về chinatown
mười lăm xu mỗi chuyến
xa hay gần hay mau hay chậm
tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc không mây
mùa lá hay mùa kèn nửa đêm
dong buồm thổi đến honolulu lặng gió
xa việt nam đà lạt và cà phê tùng cuối năm
tôi cúi đầu trong hầm cà phê figaro nữu ước
chuyến ô tô buýt của đời tôi vẫn chạy hoài
trên những con đường mỹ châu trống rỗng
chuyến xe không về harlem đói lửa
vì mỹ châu trống rỗng trên chuyến ô tô buýt chiều nay tóc bay hương khóc
tôi vẫn lái chuyến xe này đi về đêm tối
đêm tối nữu ước là đêm tối nhà xác
tôi đốt đèn cầy để nhìn xác tôi giữa nhà mồ mỹ châu lạnh lẽo mưa đen
đêm qua tôi thấy máu đổ trong hầm xe điện irt
giữa con đường 42nd hay times square
tôi thấy việt nam ngang tàng cho mặt trời vẫn mọc trên rắn lửa
trên mái ô tô buýt chiều thu



XII

buổi chiều mưa đụng tim
mưa đụng máu
đèn đường đổ xuống nước xanh
xin hét lên rừng u minh đầu đông
tử hình trong ngục
nhốt vào trong ngục
suốt đời trong ngục
khói vóc lửa núi
nhóm nước đầu thu
xin đừng nói
lá chuối
lá me non
xanh nhà thương
ngồi trong thành phố
hoa trắng không còn
con chó đứng nhìn xe lửa mỗi ngày
chùm hoa trắng rụng một hai bông rất nhỏ
bông trắng quá nhỏ
buổi chiều ích kỷ
con đường quá dài
những cây trắc bá chùi đầu lên nghĩa địa
một người hoạ sĩ thất tình
nhân loại đều thất tình
nói đi thật nhiều
khoai tây
lang thang ngược vòng những vũ trụ
anh nói gì
tôi không nghe
xuống phố và lên phố
chạy hun hút qua hai nghĩa địa
cây trắc bá
chôn vùi con chó nhà ga

Đọc lại Phạm Công Thiện

Nguyễn Hưng Quốc

Đọc lại Phạm Công Thiện






Phạm Công Thiện là một trong vài tác giả cũ trước 1975 thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại. Và vẫn thấy thích. Có điều hiếm khi nào tôi đọc lại trọn vẹn một tác phẩm nào đó từ đầu đến cuối. Thường, tôi chỉ đọc lóc cóc từng đoạn. Như đọc thơ. Mỗi lần cầm sách ông lên, cứ mở đại một trang nào đó, đọc; xong, gấp sách lại mà không cần làm dấu. Lần sau, lại mở sách một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, không chọn lọc. Tôi để ý: hình như, trong văn xuôi, ngoài Võ Phiến, chỉ với Phạm Công Thiện, tôi mới đọc như thế. Điều đó chứng tỏ cách đọc ấy không đến từ thói quen đọc sách của tôi mà chủ yếu đến từ phong cách viết văn của ông. Nói cách khác, theo tôi, cách viết của Phạm Công Thiện không đòi hỏi, thậm chí, không khuyến khích người ta đọc trọn. Có cảm tưởng ông không quan tâm nhiều đến tính hệ thống và cấu trúc chung của cuốn sách. Rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, cuốn nào của ông có môt bố cục thật chặt chẽ. Phần lớn, nếu có, chỉ chặt chẽ được phần đầu. Sau đó, là những ý rời, những đoạn rời. Là phóng bút. Là viết theo sự đưa đẩy của cảm hứng.

Mà cảm hứng của Phạm Công Thiện thì hình như bao giờ cũng dào dạt. Nó cuồn cuộn. Nó tràn bờ; nó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ quen thuộc. Nó tạo nên đặc điểm đầu tiên và rất dễ nhận thấy trong văn phong Phạm Công Thiện: nồng nhiệt. Trong văn như có lửa. Lúc nào ông cũng ném hết tâm hồn và nhiệt huyết vào câu chữ. Không cần dè dặt. Đã tin, tin hết lòng. Đã thích, thích hết mực. Khen ai, ông khen không tiếc lời. Những từ ngữ như “đại thi hào”, “đại văn hào” “hay nhất”, “lớn nhất”… được dùng một cách thật hào sảng. Năm 1967, trong cuốn Im lặng hố thẳm, ông xem Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương Đông; năm 1996, trong cuốn Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, ông đi xa hơn một chút nữa, cho Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại, bên cạnh Hoelderlin và Walt Whitman. Ngoài ba nhà thơ ấy, có còn ai đáng kể nữa không? Hình như là không. Đó là “ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất.” Với Nguyễn Du, viết thế, dù sao, cũng được: Ở Việt Nam, Nguyễn Du là một biểu tượng; mà đối với một biểu tượng, người ta không cần đặt ra những giới hạn. Nhưng với nhiều nhà thơ khác, Phạm Công Thiện cũng hào sảng như thế. Trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng, xuất bản năm 1967, Phạm Công Thiện viết về Quách Tấn: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ Đọng bóng chiều và Mộng ngân sơn”. Hơn nữa, “Quách Tấn là một thi sĩ duy nhất của Việt Nam, đã thành tựu tất cả những gì mà Nguyễn Du còn để dở dang; còn tất cả những thi sĩ khác, kể cả Hàn Mặc Tử, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, v.v. đều là những thi sĩ thiên tài, nhưng không có đủ tất cả tính kiện hay kiện tính trong thơ họ để tính dưỡng và thành tựu thi cuộc mà Nguyễn Du đã mở đầu cho thi ca Việt Nam”. Cũng trong cuốn ấy, Phạm Công Thiện viết về Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay sà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa.” Những kiểu phát ngôn như thế này rất phổ biến trong văn chương Phạm Công Thiện: “Chỉ một câu thơ của Nguyễn Du cũng đủ phá huỷ trọn tư tưởng Nam hoa kinh của Trang Tử. Một bài thơ của Trần Cao Vân (bài Vịnh tam tài) đủ thu gọn tất cả Tống Nho. Một vài câu thơ Hàn Mặc Tử đủ nói hết trọn sự nghiệp tư tưởng thánh Thomas d’Aquin và thánh Augustin. Một câu thơ của Rimbaud hay một dòng văn của Henry Miller đủ nói hết Kierkegaard, Paul Tillich hay Heid gger.” Với những tên tuổi lớn, Phạm Công Thiện vung bút như thế, kể cũng dễ hiểu. Với một số nhà thơ có tầm vóc nhỏ hơn, chỉ hơn mức trung bình một tí, Phạm Công Thiện cũng rất hào phóng lời khen ngợi. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, giải Nobel văn chương 1995, nhắc đến hai câu thơ của Hoài Khanh “Con sông nào đã xa nguồn / Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi”, ông hạ bút: “Câu thơ bất hủ”; nhắc đến bốn câu “Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng / Thương về con nước ngại ngùng xuôi / Những người con gái bên kia ấy / Ai biết chiều nay có nhớ tôi” của Hoàng Trúc Ly, ông bình: “bốn câu thơ bát ngát như đất trời quê hương” (tr. 29).

Phạm Công Thiện là như thế. Lúc nào cũng nồng nhiệt. Lúc nào cũng rộng rãi. Lúc nào cũng cực đoan.

Có người cực đoan vì đần. Phạm Công Thiện cực đoan nhưng vẫn toát lên vẻ thông minh và rất thông thái. Sự cực đoan ở nhiều người khác gợi lên ấn tượng hẹp hòi và hung bạo. Phạm Công Thiên cực đoan một cách hồn nhiên và vô hại. Bao trùm lên tất cả, ông cực đoan một cách chân thành và duyên dáng. Đọc, thấy ngay ông cực đoan, nhưng không ai nỡ bắt bẻ. Bắt bẻ, tự nhiên có cảm giác là mình tỉnh táo một cách nhỏ nhen.

Một trong những đặc điểm nổi bật khác của Phạm Công Thiện là ám ảnh về hình ảnh và ám ảnh về chữ. Văn Phạm Công Thiện có nhiều hình ảnh và ẩn dụ. Đoạn văn viết về Hàn Mặc Tử ở trên là một ví dụ. Phượng hoàng và hoả diệm sơn. Ở những nơi khác, hết núi lửa thì đến hố thẳm, hết ngày sinh của rắn thì đến những con chim biết nói tiếng Phạn, hết đòi giết các con kiến trong ý thức thì đến giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng, v.v... Đâu đó, Phạm Công Thiện tự nhận “ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.” Là ngôn ngữ của thi sĩ, giọng văn của Phạm Công Thiện lúc nào cũng thơ mộng. Thơ mộng ngay cả khi ông bàn chuyện triết lý hay Phật pháp. Thơ mộng ngay cả khi ông hục hặc gây hấn phản kháng, thậm chí, chửi bới ầm ĩ. Sự thơ mộng ấy đến, một phần, từ hình ảnh, nhưng phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, từ nhạc điệu. Văn của Phạm Công Thiện rất giàu nhạc tính. Câu văn của ông biến hoá đa dạng, thường thì dài hơn mức cần thiết. Để cho chữ có âm vang. Ông không ngại lặp lại, dưới hình thức này hay hình thức khác, dường như để những âm vang ấy không bị tắt quá sớm. Thấy rõ nhất là qua các câu văn dịch của Phạm Công Thiện. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, ông dịch chữ “recollections” của Yeats thành “hồi tưởng, truy tưởng, hoài tưởng, mặc tưởng, nhớ tưởng”; (tr. 14); câu “The end of art is peace” thành “Cứu cánh của nghệ thuật là sự hoà bình, sự an bình, thanh bình” (tr. 46). Dịch, như thế. Ông viết cũng thế. Thiếu một chút cô đúc. Bù lại, câu văn trở thành nhẹ nhàng và vang hưởng.

Tôi có cảm tưởng một trong những ám ảnh lớn nhất của Phạm Công Thiện là chữ. Rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, chẳng hạn, trong cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988), ông nói về sự say mê học tiếng và học chữ của ông. Quả thật, khả năng học tiếng và học chữ của Phạm Công Thiện là một kỳ tích ở Việt Nam. Cho đến nay có lẽ cũng chưa có ai vượt qua ông được. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi văn chương: ở Phạm Công Thiện, ám ảnh về chữ có thể thấy rõ trong cách viết văn. Có thể nói văn Phạm Công Thiện có khi chỉ là một dòng liên tưởng bất tận gợi lên từ những con chữ. Chữ này gọi chữ nọ. Ngỡ như chữ chứ không phải là ý đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc của đoạn văn. Nhưng chữ, dưới ngòi bút của Phạm Công Thiện, thật ra, cũng tức là ý. Chữ đẩy đưa, luyến láy nhưng không thừa thãi. Cũng trong cuốn Khơi mạch… ông viết: “Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc; hình ảnh của Thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh: hiện hình và hiện ảnh của Thơ chính là hiện cảnh linh động và hiện thực hơn tất cả cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền” (tr. 7). Xin lưu ý: những chữ “hiện” trong đoạn này cũng như các đoạn sau là do tôi in nghiêng. Để độc giả dễ thấy. Ám ảnh về từ tố “hiện” ấy kéo dài sang mấy trang sau: “Một bài thơ hốt nhiên xuất hiện, đột hiện; một tia chớp ngang trời, một sự xuất hiện thình lình như tiếng sét bất ngờ. Thơ là xuất nhập, tất cả rạng ngời của một sự Xuất Hiện, tất cả oai lực lặng lẽ của sự Linh Hiện. Sự Xuất Hiện, Linh Hiện là suối nguồn của tất cả mọi ý nghĩa, ban bố ý nghĩa và khai mở vạch đứt giữa mọi ý nghĩa và mọi vô nghĩa. Từ đó có vô hạn nghĩa” (tr. 9). Chưa hết, sau đó, nhắc đến mấy câu thơ của Archibald MacLeish: “… wordless / as the flight of birds… / A poem should not mean / but be.” Ông viết: “Cái chữ ‘be’ đơn sơ ở trên xuất đầu lộ diện như một tiếng sét, cái ‘là’ hiện hữu, nói lên sự xuất hiện của Tính thể và Thể tính: sự hiện thể, hiện tính, hiện tính thể của chính tính thể, sự hiện thân nguyên vẹn, sự hiện diện sung mãn của cái ‘là’, cái ‘có’; sự hiện diện ở đây chính là sự thị hiện bất ngờ từ cái không đến cái có, từ cái không là đến cái là, thoáng hiện, thoáng mất như tia chớp. […] Bài thơ là sự hiện diện, hiện tính, thị hiện; sự hiện diện chẳng những là hiện diện của chính sự hiện diện mà lại còn hiện diện ngay cả sự khiếm diện, ngay cả sự mất tích và xa vắng.” (tr. 10-11). Cách viết như thế đã xuất hiện ngay từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Sau khi nêu lên năm chữ: chay, cháy, chày, chảy và chạy trong tiếng Việt, Phạm Công Thiện viết:
“Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần tuý, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả, vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đầu đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY), vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY).

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (tr.xi-xii)

Thì cũng yêu chữ, nhưng ở nhiều cây bút khác, chúng ta chỉ được dẫn đến những điệu ầu ơ cũ rích. Ở Phạm Công Thiện, chúng ta bắt gặp những ý tưởng thật thâm trầm và thú vị. Rõ ràng bên cạnh tình yêu đối vối chữ, ông còn có một tình yêu gì khác nữa. Đó là tình yêu gì? Giới hạn trong phạm vi văn học, không chừng đó là tình yêu đối với cái khó, cái phức tạp và cái trừu tượng. Trong tập Mặt trời không bao giờ có thực (1967) của ông, tôi thích hai đoạn này:
“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” (Số XXXVI)

và:
“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.” (Số XXXVIII).

Nói đến chuyện khó hiểu, không thể không nghĩ ngay đến chính các cuốn sách của Phạm Công Thiện. Không ít người vẫn cho văn của Phạm Công Thiện là tối tăm. Tôi nghĩ ngược lại. Vấn đề không chừng là ở cách đọc. Có thể vận dụng kinh nghiệm đọc Kafka của Phạm Công Thiện vào việc đọc chính Phạm Công Thiện: “Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.” Lâu nay, tôi vẫn đọc Kafka từ góc độ của một nhà nghiên cứu và nhà phê bình. Và tôi không chắc các nhà thơ trung bình có thể biết và hiểu Kafka nhiều hơn tôi. Nhưng riêng với Phạm Công Thiện thì tôi tin cách đọc từ góc độ một nhà thơ sẽ có hiệu quả lớn.

Tôi đã đọc (lại) các tác phẩm của Phạm Công Thiện như đọc những bài thơ. Với một tâm cảm thơ. Và tôi thấy mọi thứ đều dễ dàng. Trong vắt.

Melbourne 5 tháng 1.2009




________
Trích dẫn:

Phạm Công Thiện (1965), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ ba (1966). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1967), Mặt trời không bao giờ có thực, Sài Gòn: An Tiêm. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1967), Hố thẳm của tư tưởng, Sài Gòn: Phạm Hoàng xuất bản. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1967), Im lặng hố thẳm, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ hai (1969). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1988), Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, California, USA: Trần Thi.

Phạm Công Thiện (1996), Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.

Phạm Công Thiện (1996), Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, Giải Nobel Văn Chương 1995, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.




----------------

Những tác phẩm của Phạm Công Thiện đã đăng trên Tiền Vệ:
I-VIII (truyện / tuỳ bút)
Đường trước là đường sau, đường trên là đường dưới, đường cao là đường tháp và đường thấp, đường thẳng là đường tròn. Trước đường hay đường trước? Đường hay đàng? Đàng trong và đường ngoài. Lên đường hay trên đường? Lạc đường không hẳn là lộn đường. Liệng ra ngoài đường, liệng ra trong đường, tự quăng lên đường, thảy ra một cái, phải liệng rồi, có con én nào nó liệng? Những con đường liệng ngang qua trí nhớ. Ném lên một mối liên tố giữa con đường và con chim... (...)

Ngày Sanh Của Rắn (thơ)
“... Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?”...

Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong (truyện / tuỳ bút)
Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: “Trên tất cả đỉnh cao...” (...)

5 bài thơ 5 chữ (thơ)
Bôn ba ngoài vạn dặm / Cũng chỉ một trăng rằm / Bao nhiêu là hố thẳm / Xoáy về nốt ruồi đậm...

Trường giang Mỹ Tho (thơ)
Thôi nôi con trường giang mọi rợ / tôi mọi mãi mỗi trường an / con diều hâu chạy bắt con chim / con chim lòn qua kẽ núi / lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn / nước trường giang mẹ ru chim ngủ / con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa...

Anh sẽ hiện (thơ)
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện / Cả rừng cây không ai lên tiếng / Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang / Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến...

Thơ cho khoảng trống (thơ)
Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ. Vùng núi cao thổ phồn sinh sôi nẩy nở phôi châu của ngút ngàn bông đậu tía. Cơn giông tố rã rượi trên thiên đảnh tuyết sơn, hốt nhiên vùng dậy tung hoành, làm sụp ngã những cây tùng lạc diệp, và bao dong con chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài...


Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2009

Chuyện bên phố cũ

Chuyện bên phố cũ
Nguyễn Tường Thiết Chia sẻ với bạn bè ♦ 0 bình luận ♦ 11.05.2009



Phố cũ là phố Hàng Bè Hà Nội. Chuyện xẩy ra bên phố cũ thì nhiều lắm. Tôi chỉ xin kể dăm ba chuyện thôi. Chẳng hạn:

Chuyện bố tôi bắt trộm

Câu chuyện ấy mẹ tôi kể tôi nghe tự hồi nào nhỉ? Không thể nhớ. Thỉnh thoảng nó xuất hiện loáng thoáng trong mớ ký ức mịt mờ của tôi về thời thơ ấu. Mà tự cái thuở xa vời vợi ấy bây giờ có cố nhớ lại cũng chẳng thể nhớ rõ mà đoan chắc chuyện gì. Chẳng hạn có chắc gì mẹ tôi đã trực tiếp kể chuyện ấy cho tôi nghe?

Rất có thể câu chuyện “bố tôi bắt trộm” tôi đã nghe “trộm” được của bà khi mẹ tôi vừa ăn trầu vừa kể với bà bạn hàng cau, trên chiếc sập gụ của bà, một căn nhà mang số 15 bên phố cũ hàng Bè Hà Nội. Và tôi, đứa bé tình cờ có mặt, bắt được mẩu chuyện. Mẩu ấy đâm vào tuổi thơ tôi, dính mãi vào trí nhớ tôi. Cho đến tận giờ.

Dẫu vậy cái mẩu mà tôi còn nhớ được nó cụt lắm. Nếu cứ chép lại nguyên lời thì “chuyện” ấy tài lắm chỉ kéo được dăm dòng, chẳng thể nào thành “truyện” được, cho dù là truyện “cực ngắn”.

Cũng may loài người còn có trí tưởng tượng. Và tưởng tượng đã pha loãng rất nhiều cho lời kể của mẹ tôi năm xưa để ngày nay câu chuyện có thật ấy, chuyện ông Nhất Linh bắt trộm, có thể được kể lại dưới một hình thức mới trang trọng hơn gọi là hư cấu.

Truyện hư cấu ấy nó như sau:

Hồi đó…

tôi mới chừng chín mười tuổi. Tôi hay chơi trò búng cóc. Cóc là những mảnh giấy vuông nhỏ được xếp thành hình con cóc. Tôi đặt một dọc những con cóc giấy lên mép cái sập gụ rồi búng tay thật mạnh vào đít cóc xem con nào nhẩy xa nhất.

Trên sập gụ có tiếng mẹ tôi kể với bà bạn hàng cau:

–Thấy có tiếng động tên ăn trộm chui tọt vào gầm giường.

Bà bạn hỏi:

–Thế hả? Nó chui vào gầm giường hả bà?

Tôi dừng tay lắng nghe. Con mèo tam thể nằm trong lòng mẹ tôi cũng lắng nghe.

–Tôi và nhà tôi nằm trên giường, nó nằm ngay dưới gầm cả tiếng đồng hồ mà cả hai chúng tôi không ai biết.

–Bà nói chiếc sập gụ này?

–Ừ, đúng chiếc sập này nhưng không phải tại căn nhà 15 này đâu, hồi đó chúng tôi còn ở bên căn số 9. Chuyện xẩy ra cũng lâu rồi. Đêm đó chúng tôi dự đám cưới ông bà Lơ-Muya Cát Tường, khuya trở về nhà thì thằng ăn trộm không biết từ lúc nào đã lẻn vào trong nhà trước rồi.

Mẹ tôi chỉ tay vào tôi:

–Hồi đó tôi chưa sinh thằng này.

Bây giờ…

tôi tưởng tượng khác. Bố tôi tinh lắm. Mẹ tôi nói tên ăn trộm nằm dưới gầm giường cả tiếng mà cả bố lẫn mẹ tôi không biết, chắc bà nói sai. Bố tôi biết chứ nhưng ông còn đang nghĩ mưu tìm cách đối phó.

Mẹ tôi nhỏm dậy hỏi bố tôi:

–Mình này, mình có nghe thấy tiếng động gì là lạ ở trong nhà không?

Bố tôi giả vờ lắng nghe một lúc rồi nói:

–Có gì đâu. Chắc chuột nó rúc dưới gầm tủ đấy.

Miệng nói thế nhưng bố tôi suy nghĩ…

nếu mình để vợ hốt hoảng làm toáng lên tên ăn trộm đâm hoảng mà liều mạng thì nguy hiểm lắm. Nếu hắn có mang vũ khí, một con dao chẳng hạn, lại càng nguy hơn. Mình không sợ lắm nếu hắn to lớn mà không mang vũ khí vì mình những hai người nhưng khi nó đã liều mình thì… Tốt nhất là mình nên đối phó bằng đường lối ngoại giao. Nhưng ngoại giao cũng cần sức mạnh. Mình phải tỏ cho hắn biết là mình cũng có vũ khí…

Bố tôi nhỏm dậy với tay bật ngọn đèn con ở đầu giường.

–Chiều nay uống nhiều rượu người cứ nôn nao cả lên khó ngủ quá. Mình nằm quay mặt phía trong cho tôi bật đèn đọc sách.

Bố tôi cầm lên cuốn truyện Đoạn Tuyệt mới in xong. Cuốn sách in trên giấy bản, chưa rọc, còn thơm mùi giấy. Trí ông thoáng hiện lên hình ảnh cô Loan giết chồng bằng con dao rọc giấy. Ông quay sang hỏi vợ:

–Quái con dao rọc giấy mình vẫn để ở đầu bàn đâu mất rồi?

–Tôi cất dưới bếp ấy. Mình xuống mà lấy.

Bố tôi vào bếp. Thay vì lấy con dao díp nhỏ ông mang ra một con dao phay thật lớn. Trước khi lên giường ông thoáng nhìn phía dưới gầm.

Vừa rọc giấy ông vừa nói to với vợ nhưng cốt để tên trộm nghe thấy:

–Tôi không thấy con dao díp ở đâu, dùng tạm con dao phay lớn này. Chà, con dao này sắc quá, mình mới mua hả?

Bố tôi giả vờ chăm chú đọc sách. Nhưng trí ông thì lại nằm dưới gầm giường…

nếu mình là thằng ăn trộm thì chỗ trốn nhanh nhất và kín nhất là chui tọt xuống dưới gầm giường. Cái sập gụ này tuy cao thật đấy, nhưng không phải dễ chui. Chung quanh sập có gờ trạm trổ bao quanh che kín gần nửa chiều cao của sập. Vậy thì muốn chui lọt được tên ăn trộm phải là một đứa bé con hay là người lớn gầy tong teo. Cả hai trường họp đều không đáng sợ, thứ nữa mình lại có con dao phay lớn này. (Ông nghĩ thế và thấy yên tâm). Bây giờ mình phải ăn nói làm sao cho khéo để dụ nó ra…

Bà hàng cau sốt ruột hỏi mẹ tôi:

–Thế sau ra sao? Có bắt được nó không?

Mẹ tôi đưa tay vuốt vuốt lưng con mèo tam thể rồi bà với cái ống phóng đưa lên gần miệng nhổ bã trầu vào đó chậm rãi nói:

–Mới đầu tôi cứ tưởng là ông nhà tôi say ăn nói lung tung. Sau thấy tôi ngạc nhiên ngồi nhỏm hẳn dậy ông khẽ bấm vào đùi tôi và đưa một ngón tay lên miệng thì tôi hiểu ngay cái dụng ý của nhà tôi.

–Ông nhà nói gì với bà?

–Nhà tôi nói: “Cuốn sách này mới mua có một truyện ngắn hay lắm. Để tôi đọc cho mình nghe!”. Rồi thay vì đọc cuốn sách cầm tay ông nhà tôi lại bịa ra một câu chuyện kể về đời của một thằng bé có bản chất tốt nhưng trót sinh ra làm con nhà nghèo nên phải làm nghề trộm cắp. Một bữa nọ hắn lẻn vào nhà một gia đình kia, chưa trộm được món nào thì gia chủ đã về, hắn hoảng sợ trốn ngay xuống dưới gầm giường. Chủ nhà biết được dùng dao đe dọa bắt được hắn. May quá ông ta là một người có lòng từ tâm nên không những không đi báo sở cẩm mà lại còn khuyên bảo và giúp tiền cho nó ăn học. Đứa bé về sau này trở thành một người hữu ích cho xã hội. Chuyện ông nhà tôi kể cứ y như là một câu chuyện thật ấy bà ạ, nghe cảm động lắm. Khi nhà tôi đọc xong chuyện ấy thì ở dưới gầm giường có tiếng khóc thút thít và một thằng bé chừng mười lăm mười sáu tuổi lòm còm chui ra. Nhà tôi giữ đúng lời hứa với thằng bé. Chúng tôi giúp nó ăn học trong mấy năm liền cho đến khi nó bước qua khỏi tuổi trưởng thành.

Kể xong mẹ tôi cúi xuống lấy tay xoa đầu tôi một lát rồi bà quay sang tiếp tục câu chuyện buôn bán với bà khách.

Chuyện con bé Phương (hay Phượng?)

Cho mãi đến nay mặc dù đã rời xa phố cũ Hàng Bè trên nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ như in căn nhà mang số 15 ấy nơi mẹ tôi mở tiệm bán cau khô.

Căn nhà ấy ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của tôi thời thơ ấu. Cái sân gạch kia, cái buồng chứa cau nọ, cái sàn đá hoa ấy, cái sập gụ này… chỗ nào cũng nhắc nhở tôi một vài hình bóng của tuổi thơ in đậm trong trí nhớ. Những kỷ niệm ấy bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh đứa em trai tôi, thằng Thái, kém tôi hai tuổi.. và hình ảnh một con bé láng giềng.

Tên con bé là Phương. Hay Phượng? Tôi không nhớ. Năm đó tôi 10 tuổi. Con bé lớn hơn tôi. Nó độ chừng 11, 12 gì đó. Tôi đoán thế. Nhà nó ở sát cạnh nhà tôi, số 17 phố Hàng Bè.

Nhà tôi hai từng, nhà nó một tầng. Ở trên gác nhà tôi chỗ trên cái hành lang lát đá hoa từ một cái cửa sổ hông nhìn qua nhà nó tôi thấy hai cái mái ngói phủ rêu châu xuống hai đầu của một cái sân gạch lộ thiên. Sân này nối nhà trên với nhà bếp nên mọi người đều phải đi băng qua đó. Hầu như lúc nào tôi cũng thấy trên sân có người qua lại. Ở góc sân có một cái chum lớn đựng nước mưa. Tôi thấy thằng Tý em con Phương vạch quần đứng đái vào thành cái chum ấy nhiều lần. Có bận nó mải đái mẹ nó dón dén lại đằng sau phát vào đít nó một cái mạnh làm nó giật nẩy mình: “Tiên sư bố mày! Đây là chỗ để mày đứng đái đó hả thằng Tý?”. Mẹ nó chửi nó thế nhưng chính bà cũng có lần ngồi đái ở sân. Một đêm tình cờ đi ngang qua cửa sổ nhìn xuống tôi thấy bà nhìn trước nhìn sau không thấy ai rồi ngồi sụp hẳn xuống. Dưới ánh trăng cái mông của bà lộ ra trắng hếu. Còn con Phương thì hay kiễng chân chúi đầu vào trong miệng chum để vớt những con cung quăng ở trong đó. Một bữa thằng anh cả nó nghịch chụp ngang bụng nó dúi đầu nó sâu vào trong chum. Con bé sợ quá kêu oai oái, hai chân nó dẫy đành đạch.

Nhà số 17 bán nước mắm. Thảo nào mà người con Phương hôi mùi nước mắm. Tôi biết thế vì có lần bọn tôi 4 đứa chơi trò đi trốn, tôi và nó cùng chui vào trốn trong những bồ cau, nó sợ bị bắt nên rúc hẳn người vào tôi. Dẫu sao tôi thân với con bé này nhất, thân hơn cả thằng Thái. Thằng Thái trẻ con lắm, động một tí là khóc. Còn thằng Tý bằng tuổi tôi nhưng tôi ghét nó thậm tệ. Nó hay phá đám. Lại có tính gian nữa. Khi nào chơi trốn oẳn tù tì nó bị là người phải đi bắt thì nó giở trò gian liền.

Nhà mẹ tôi rộng lắm, có nhiều buồng. Chính giữa nhà có một cái buồng rộng nhưng tối lắm, mẹ tôi dùng làm kho chứa hàng, kho lúc nào cũng đầy những bao cau xếp đống cao gần đụng trần. Đây là chỗ đi trốn lý tưởng cho bốn đứa tôi. Giữa những đống bao tải có chừa một khoảng hở rất hẹp chỉ một người đi lọt lại tối tăm và ngoắt ngoéo, trốn vào đó thì ngay người trốn cũng lạc chứ đừng nói là người đi bắt.

Con Phương và tôi là hai người khỏe nhất bọn. Đi trốn hai đứa chúng tôi xoạc chân giữa hai đống bao tải mà trèo dần lên cao. Nằm sát trần nhà áp mặt trên bao tôi ngửi thấy mùi cau nồng nồng toát ra từ những bao bố. Trên đó nhìn xuống tôi thấy cái đầu của thằng Tý di chuyển giữa những bồ cau. Đi trốn, thằng Thái bao giờ cũng là người bị chộp trước tiên. Nó nhát cáy lại sợ ma không bao giờ dám mạo hiểm chui sâu vào những ngõ ngách. Nếu gặp phải thằng Tý là người đi tìm thì nó lại bị chộp nhanh nữa vì thằng Tý đếm gian không để nó có đủ thì giờ tìm chỗ nấp kín đáo. Thay vì phải đứng dựa cột nhà lấy hai tay bịt kín hai mắt mình lại và đếm năm mười mười lăm hai mươi… thật to và chậm cho đủ số một trăm để mọi người có thì giờ tìm chỗ trốn thì thằng Tý lại đếm nhỏ và nhanh, đã thế vừa đếm vừa xoè mấy ngón tay ra để nhìn lén. Nó đếm nhẩy cóc: 5, 10, 15, 20… rồi bắt qua 45, 50, 55… cứ thế cho đến con số 100 là nó chạy đi liền làm thằng Thái không kịp trở tay. Còn khi nào thằng Thái phải đi tìm thì tội nghiệp quá! Nó không dám chui sâu vào những chỗ tối. Tìm mãi không bắt được ai nó bèn đứng yên một chỗ mà khóc tỉ tê.

Mẹ tôi đi ngang thấy nó khóc thì dừng lại hỏi. Thế là bà biết được cái trò chơi nguy hiểm của chúng tôi. Mẹ tôi hét tướng lên: “Mấy cái bồ cau nó mà đổ xuống đầu thì tụi bay cứ mà chết bẹp!”. Sau đó bà cấm tiệt không cho chúng tôi vào nhà kho nữa.

Chúng tôi tìm trò chơi khác. Cạnh nhà kho có một cái buồng nhỏ chứa đồ, tuy nhỏ nhưng vì ít đồ đạc bên trong nên chúng tôi có một khoảng khá rộng để chơi. Chúng tôi làm nhà để ở trong đó. Làm nhà là sáng kiến của con Phương. Nó mang sang nhà tôi một cái chiếu hoa thật to. Đặt chiếu dựa sát tường nó uốn cong cái chiếu lại thành một cái nhà vòm. Mặt kia của chiếu nó lấy mấy cái ghế chặn lại. Bốn chúng tôi chui vào cửa tò vò ở hai đầu. Con Phương còn bắt tôi đi vơ vét thật nhiều gối rồi mỗi đứa ngồi trên một cái gối rù rì nói chuyện. Vì muốn tránh mẹ tôi bắt gặp nên chúng tôi phải đóng cửa. Đóng cửa thì buồng này tối om. Con Phương kiếm đâu ra một cái đèn pin. Thế là dưới ánh đèn bốn chúng tôi ngồi hể hả trong căn nhà mới. Thằng Tý và thằng Thái thoạt đầu thích lắm nhưng hôm sau là chúng hết thích ngay. Ngồi mãi trong bóng tối chỉ để nghe con Phương và tôi nói chuyện, thằng Tý chán quá năn nỉ chị nó ra ngoài chơi đánh khăng, nhưng con Phương không chịu. Căn nhà tôi cũng có một cái sân gạch lộ thiên rộng, còn rộng hơn sân nhà con Phương, và chúng tôi thường chơi đánh khăng ở đó. Thằng Tý bèn rủ em tôi ra ngoài chơi khăng. Lát sau có lẽ vì nó chê thằng Thái chơi dở quá nó cáu sườn mở cửa rồi chẳng nói chẳng rằng nhẩy ụp lên trên cái nóc nhà vòm. Con Phương và tôi đang nói chuyện trong chiếu bị nó đè lên ngã dúi vào nhau. Lần đầu tiên tôi nằm đè lên người nó. Tôi chỉ thấy cái đùi nó êm êm chứ không nhớ có một cảm giác nào khác. Con Phương nổi sùng với thằng em phá đám nhất định không thèm chơi với nó nữa. Thành thử căn nhà chiếu từ đó chỉ còn mỗi hai đứa tôi. Mỗi buổi chiều đi học về là con Phương và tôi quẳng hết mọi thứ, hai đứa chui vào nhà chiếu thủ thỉ với nhau.

Chiếu đèn pin vào mặt tôi con Phương hỏi tôi: “Tao đố mày con muỗi và con ruồi con nào sống dai hơn?”. Tôi bảo con muỗi sống lâu hơn vì nó hút máu người, máu người tốt lắm. Con ruồi ăn cứt chỉ tổ mau chết. Con Phượng cãi: “Tao thấy con ruồi sống lâu hơn vì nó to hơn con muỗi, nó khoẻ hơn. Khoẻ thì phải sống dai”. Cuộc tranh luận giữa hai đứa kéo dài bất phân thắng bại.

Mấy hôm sau nhìn thấy anh Doãn, một người anh họ lớn tuổi của tôi hồi đó còn ở chung hút thuốc lá Cotab tôi bèn nẩy ra một ý kiến. Tôi lén bóc hai cái bao thuốc lá Cotab của anh Doãn lấy ra hai cái bao giấy bóng kính. Đưa một bao cho con Phương tôi bảo nó bắt ruồi bỏ vào đó, còn tôi thì bắt muỗi. Ruồi thì ở đâu cũng có lại dễ bắt, chỉ việc lấy bao giấy bóng chụp lên lưng con ruồi đậu là xong. Muỗi thì khó hơn phải chờ đến đêm có con nào chui vào màn mới bắt được. Chúng tôi nhét hai cái bọc giấy kính lên cái bệ cao trong căn chứa đồ. Thế là chiều chiều đi học về hai đứa lấy xuống mang vào trong nhà vòm chiếu đèn pin quan sát. Mấy ngày đầu hai con đều còn khỏe, vẫy nhẹ một cái là chúng bay vo vo trong bọc. Nhưng sau đó mỗi ngày phải lắc mạnh thêm thì hai con vật mới chịu nhúc nhích. Rồi một buổi chiều vừa mới rọi đèn pin thì hai đứa biết ngay là con ruồi đã chết ngắc: nó co quắp nằm ngửa ra đưa mấy cái chân bé xíu lên. Còn con muỗi tuy suội lơ nhưng vẫn còn sống. Tôi thắng cuộc. Con Phương thua. Nó tức lắm. Cả tuần lễ sau nó không thèm nhìn mặt tôi.

Vào tháng Ba của năm 1950 ấy cả thành phố Hà Nội bị một nạn dịch hoành hành. Đó là bệnh dịch tê liệt trẻ em. Thằng Thái lên cơn sốt. Mẹ tôi chở nó vào nhà thương Phủ Doãn. Khi biết nó bị bệnh dịch mẹ tôi sợ tôi ở nhà bị lây nên tức tốc gửi tôi qua phố Hàng Trống ở tạm nhà bác cả Chi. Tôi ở đó tới gần một tháng. Ngày tôi trở về căn nhà Hàng Bè thì tôi được biết cả nhà đã đi chôn thằng Thái từ mấy hôm trước rồi. Tôi còn nhớ ngày chết của nó; rất dễ nhớ, cứ đếm từ hai đến năm là ra. Thứ Hai, mồng Ba, tháng Tư, năm Năm mươi. Khi nghe tin nó chết tôi chẳng thấy buồn, chỉ thấy nhà thiếu nó thì có vẻ vắng hẳn đi. Cho mãi đến buổi chiều ngày hôm sau tôi lên gác nhìn qua cái cửa sổ hông thấy cái sân gạch bên nhà con Phương vắng hoe, đứng mãi cũng không thấy bóng người qua lại. Căn nhà im lìm không nghe một tiếng động. Hỏi ra mới biết là cả nhà nó đã dọn đi ở chỗ khác. Lúc đó tôi mới thấy buồn. Thật buồn. Cái buồn lắng sâu vào tuổi thơ tôi và là nỗi buồn xa xôi nhất của thời quá vãng mà ngày nay tôi còn nhớ được. Đám bốn đứa chơi với nhau nay chỉ còn trơ lại mình tôi. Từ nay tôi phải tập chơi lấy một mình.

Ngày tháng qua hình ảnh thằng Thái và con Phương nhanh chóng phai mờ. Năm 1951 tôi theo bố tôi và chị cả tôi là chị Thư vào sống ở trong Sài Gòn. Từ đó tôi hoàn toàn không nhớ gì về chúng nó nữa.

Chuyện mảnh giấy đi cầu của anh tôi

Đời có những chuyện run rủi lạ lùng. Chỉ một chút xíu thôi mà thay đổi hẳn cả cuộc đời. Những chuyện ấy nghe xong người ta dễ tin vào số mạng. Chẳng hạn như chuyện cái mảnh giấy đi cầu do anh tôi kể lại.

Vào năm 1950 bố tôi còn ở bên Hồng Kông chưa về nước. Chúng tôi sống với mẹ tại căn nhà số 15 phố Hàng Bè. Anh cả tôi, anh Việt năm ấy 19 tuổi, còn tôi lên 10. Sau khi em Thái của tôi mất vào tháng Tư năm ấy thì tôi bị đẩy xuống làm em út trong nhà.

Anh cả thường dẫn em út đi chơi. Tôi còn nhớ mãi những buổi anh đèo tôi trên chiếc xe đạp từ phố Hàng Bè lên Petit Đồ Sơn ở ven Hồ Tây để thuê thuyền perissoire chèo sang bên kia hồ phía Quảng Bá. Lúc về anh em chúng tôi ăn bánh tôm trên đường Cổ Ngư rồi anh dẫn tôi vào vườn bách thảo để chụp ảnh. Anh tôi mê chụp ảnh lắm. Hồi đó trên căn gác căn nhà số 15 anh đã tự làm một phòng tối để rửa ảnh lấy. Đứa em út của anh đôi lần vén màn vào phòng nhìn người anh cả thả những miếng giấy ảnh vào một chậu nước hoá chất. Dưới ánh đèn màu đỏ nó ngây người nhìn trong thau nước miếng giấy trắng nổi dần lên những bức hình anh chụp mới đầu còn mờ mờ nhưng hiện ra mỗi lúc một rõ nét. Ngay từ hồi nhỏ anh tôi đã có khiếu về khoa học. Thảo nào mà khi sang Pháp du học anh đã đoạt bằng tiến sĩ về vật lý và sau này anh được mời làm giảng sư để hướng dẫn sinh viên lấy bằng tiến sĩ tại truờng đại học danh tiếng Stanford của tiểu bang California.

Năm 1950 cũng là năm anh đi Pháp du học. Anh ở luôn bên ấy cho mãi đến tận năm 1973 mới trở về Việt Nam lần đầu. Sau hai mươi ba năm dài xa cách lần đầu tiên gặp lại nhau tại căn nhà số 39 chợ An Đông Sài Gòn tôi nhìn anh ngỡ ngàng. Anh đã 42 tuổi và tôi 33. Mặc dù tôi đã trưởng thành nhưng anh vẫn xem tôi như một người em nhỏ thuở nào: hôm gặp mặt, tôi ngỡ là anh sẽ ôm chầm lấy tôi khi anh tiến lại gần tôi nhưng không, anh đứng áp sát hẳn vào người tôi giơ một bàn tay đặt lên đầu tôi, lưng bàn tay ấy chạm vào trán của anh như để đo lường xem là thằng em út 10 tuổi của anh nay đã cao lớn chừng nào rồi.

Từ ngày anh qua Pháp anh có một cuộc đời khác hẳn với chúng tôi. Hai mươi ba năm xa nhà anh sống nơi một thế giới khác trong khi ở trong nước có bao nhiêu là biến chuyển. Cả một cuộc di cư vào Nam, cả một cuộc chiến khốc liệt, anh không hề chứng kiến, như thể anh là người đã sống ngoài lề của lịch sử. Những người bạn thân thiết của anh từ hồi còn ở Hà Nội như các anh Quí, anh Tô, anh Ái, anh Khang mỗi người một số phận. Anh Quí qua Pháp sống, anh Ái anh Tô ở lại Hà Nội sau ngày di cư, anh Khang vào Nam đăng vào quân đội sau này lên đến cấp bậc Đại Tá. Trong số những người học cùng lớp với anh Việt ở Hà Nội hồi đó có cả tướng Nguyễn Cao Kỳ. Cách đây vài năm tình cờ lên mạng Internet tôi đọc một bài báo ở Việt Nam tường thuật những người bạn cũ cùng lớp Chu Văn An tiếp đón ông Kỳ ở Hà Nội, trong số tôi thấy có tên anh Nguyễn Tô.

Năm 2002 anh tôi và tôi từ Mỹ cùng về thăm Hà Nội. Anh 71 tuổi và tôi cũng đã 64. Hai anh em rủ nhau đi thăm lại căn nhà cũ 15 Hàng Bè, nơi anh đã sống trước khi đi Pháp hơn nửa thế kỷ trước. Chúng tôi nhờ một người em họ ở phố Cầu Gỗ có quen biết với chủ căn nhà dẫn đến giới thiệu và được phép vào hẳn bên trong nhà để xem.

Mặc dù con số nhà 15 rành rành gắn phía trước nhưng tôi không nhận ra căn nhà xưa. Cho đến lúc ngước mặt nhìn lên cao tôi mới nhận ra đúng là căn nhà cũ của mình bởi vì mặt tiền trên cao vẫn giữ nguyên trạng như trước với ba cái cửa sổ rộng và bức từng vôi loang lổ. Hoá ra hiệu bán cau rộng rãi của mẹ tôi nay bị chia làm hai căn nhà nhỏ, chính giữa là một cái cổng gỗ. Căn bên trái là hiệu cắt uốn tóc Thu Hương. Người em họ bảo chúng tôi đứng đợi phía ngoài rồi anh ta đẩy cổng gỗ vào trong. Lát sau chủ nhà, một người ở tuổi trung niên, mời chúng tôi vào nhà.

Lúc ấy giữa trưa mà bên trong tối tù mù. Chúng tôi vào nhà mà cứ như vào một đường hầm hẹp. Vừa bước vào hầm chủ nhà dẫn chúng tôi lên một cái cầu thang nhỏ lên gác. Ông ta tiếp chúng tôi trong một gian phòng rộng và sáng sủa nhìn ra hành lang nơi có ba cái cửa sổ rộng hướng ra ngoài phố. Qua cửa sổ ấy tôi nhìn thấy tàn lá xanh của mấy cây dâu da xoan. Tôi nhớ rõ là tại một góc của hàng hiên này anh Việt tôi ngày xưa đã thiết lập phòng rửa ảnh. Trong lúc dùng trà người em họ tôi nói với chủ nhà: “Ông biết không, nhà này xưa kia là nhà ông Nguyễn Tường Tam ở đấy!”. Ông ta gật đầu nói: “Tôi có nghe”. Trước khi về tôi ngỏ ý muốn được xem toàn thể căn nhà. Ông ta có vẻ chần chừ một lát, nhưng sau cũng nhận lời. Trước khi bước xuống cầu thang tôi nhìn sang bên hông nhà tìm cái cửa sổ mà năm mươi hai năm trước tôi đã thường nhìn qua căn nhà bên cạnh. Cái cửa sổ vẫn còn nguyên đó. Hình ảnh con bé Phương (hay Phượng?) vụt loé lên trong tôi và một ý nghĩ muốn tiến lại gần cửa sổ để nhìn xuống nhưng chủ nhà đã vội vã dẫn chúng tôi xuống cầu thang. Xuống tới bậc cuối cùng, thay vì đi về phía cửa để về thì ông ta dẫn chúng tôi đi sâu vào con đường hầm mà ở hai bên, trong những gian buồng rất nhỏ và tăm tối, tôi thấy người ta ở lố nhố. Căn nhà lớn của mẹ tôi năm xưa nay đã bị cắt thành nhiều hộ nhỏ chỉ chừa một lối đi chung là con đường hầm này để đi vào nhà sau nơi có một khoảng sân lộ thiên và sau đó là nhà bếp, cầu tiêu.

Đến sân lộ thiên chủ nhà dừng lại. Tôi nhìn cái sân gạch cũ mà lòng bồi hồi. Trên cái sân gạch này những trò chơi năm xưa của tuổi ấu thơ được gợi lại. Tôi thấy tôi ép vào lòng bàn tay cái đầu cao su của một chiếc đạn đũa vào nòng khẩu súng lò xo Eureka và nheo mắt bắn bia trên bức tường vôi kia, tôi thấy chị Thoa nhẩy giây trên sân cứ quay vài vòng chị lại bắt chéo hai tay, tôi thấy thằng Thái cúi xuống bắn hòn bi ve, nó chăm chú đến nỗi mồm miệng nó méo xẹo cả lại. Cũng tại cái sân gạch này, trước bức tường vôi này, ngày bố tôi từ bên Tàu về nước có chụp một bức ảnh kỷ niệm tôi còn cất giữ cho đến tận giờ. Bức ảnh chụp bố mẹ tôi, chị Thoa và tôi. Ảnh chụp lúc tôi cúi xuống ôm một con chó nhỏ.

Đứng nói chuyện một lát ở sân chúng tôi đi trở ra. Tôi ngoái nhìn lần sau cùng vào trong bếp nơi đó sau cánh cửa gỗ là cái cầu tiêu mà hồi đó chúng tôi gọi là “nhà trồ”. Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được cái nhà trồ ấy. Được xây xi măng nhà trồ nằm trên cao, có năm sáu bực thang đi lên. Trên nền nhà trồ khoét một vòng tròn hơi trũng xuống có hai chỗ gồ lên để chân được dũa trên xi măng bằng những nhát gạch chéo, chính giữa là một cái lỗ. Khi đi cầu có thể nghe rõ tiếng những cục phân rớt bịch bịch trên một cái thùng nhôm, lại còn nghe cả tiếng ruồi nhặng vo ve ở phía dưới. Cái thùng phân ấy nằm ở cuối một con hẻm dài và hẹp ăn thông sang một con phố khác. Mỗi sáng có người gánh phân theo con hẻm ấy mà vào thay thùng mới. Chúng tôi là những người rất may mắn vì ở nhà rộng và sâu nên có đường lấy phân riêng. Còn những nhà bên cạnh không được may như thế. Họ phải chịu cái cảnh mỗi ngày người gánh phân vào nhà bằng lối trước, khi đi ra họ gánh một thùng phân đầy làm thối um cả nhà.

Chính ở cái nhà trồ ấy mà số phận cuộc đời của anh Việt tôi được định đoạt. Và nó định đoạt bởi một cái giấy đi cầu!

Khoảng cuối năm 1950 anh Việt nộp đơn xin du học bên Pháp. Hồi ấy muốn du học không phải dễ. Qua những thủ tục giấy tờ phức tạp sau cùng anh cũng được chính phủ chấp thuận. Mọi chuyện xong xuôi, vé tàu đã có, anh chỉ việc chờ có chuyến tàu thủy từ Sài Gòn ra Hải Phòng để đưa anh đi Pháp. Hồi đó những chuyến tàu như vậy rất hiếm. Anh ngồi chờ dài cổ ngày này qua tháng nọ mà vẫn chưa có tin tàu đến. Người ta nói khi có tàu từ Pháp về Việt Nam lúc tàu ghé bến Sài Gòn trước khi ra Bắc họ sẽ đánh điện tín báo cho biết ngày tàu cập bến Hải Phòng và ngày tàu rời bến Hải Phòng để đi Pháp.

Hai tháng sau một bữa nọ anh mót đi cầu. Hồi đó trong nhà cầu làm gì có sẵn giấy chùi như bây giờ. Ai ấy đều vớ đại một mảnh giấy lộn nào đó vò nhàu cho nát ra cho đến khi giấy mềm thì dùng mà chùi đít. Anh tôi mở cái ngăn kéo mà mọi người vẫn dùng để bỏ vào những giấy tờ vứt đi không dùng nữa. Anh vớ một tờ giấy màu xanh rồi vừa chạy vào nhà trồ vừa vò nát tờ giấy. Vì cầu tiêu hồi đó luôn luôn hôi thối nên thời gian đi cầu được cắt giảm đến mức tối đa. Nhưng hôm đó có chuyện bất thường. Người gánh phân đến sớm hơn thường lệ. Cái thùng phía dưới là thùng mới thay. Nhà trồ sạch ít hôi hám, và cũng chính vì thế anh tôi đi cầu lâu hơn thường lệ. Ngồi lâu buồn buồn anh tẩn mẩn giở tấm giấy vò nhầu nát trong tay ra đọc và tá hỏa tam tinh khám phá ra cái giấy đi cầu chính là cái tờ điện tín báo cho biết tàu đã đến bến từ mấy hôm trước và ngày mai là ngày tàu nhổ neo rời Hải Phòng để đi Pháp. Tờ điện tín ấy được gửi đến nhà mẹ tôi gần một tháng trước, nhưng không biết ai nhận được (có thể là người làm vì nhà mẹ tôi có đông người giúp việc lắm) đã sơ ý không báo cho anh tôi biết và tờ giấy ấy không biết bằng cách nào lại lọt vào cái ngăn đựng những giấy tờ vứt đi.

Câu chuyện mảnh giấy đi cầu ấy anh tôi kể tôi nghe lúc hai anh em rời căn nhà Hàng Bè trên đường đi bộ về khách sạn Prince ở đường Lương Ngọc Quyến. Chuyện anh kể khiến tôi liên tưởng ngay tới một truyện ngắn của bố tôi, truyện Cái Tẩy, trong truyện ấy một cái tẩy cỏn con đã thay đổi hẳn cuộc đời của anh chàng “Huy địa dư” và tôi tự hỏi: nếu cái tẩy ấy nó “nặng” hơn một tí, nếu cái cầu tiêu ấy nó “thối” hơn một tí, thì có lẽ cuộc đời của anh chàng Huy, của anh Việt đã khác hẳn. Anh Việt kết luận: “Hôm ấy nếu anh không mở tờ điện tín ra đọc thì chắc chắn anh đã trễ chuyến tàu đi Pháp. Cơ hội đi Pháp có thể không bao giờ xẩy đến một lần thứ hai. Cuộc đời của anh đã khác. Nhưng đâu biết “cái khác” đó là rủi hay là may? Chuyện đời biết sao mà nói cho cùng. Biết đâu ở lại Việt Nam anh lại làm lớn, như anh Khang, như ông Kỳ?”. Tôi không nói gì nhưng tôi nghĩ trong bụng: “Hay là anh đã chết rục xương trong cuộc chiến tranh rồi”.

Về đến khách sạn Prince đứng trước cửa anh quay sang nói với tôi:

–À này, lúc nẫy nhìn vào hiệu cắt tóc Thu Hương anh thấy có hai con bé xinh xinh. Anh mới cắt tóc ở bên Mỹ nhưng cần gì cắt lại và xấy gội cũng không sao. Chiều nay anh sẽ đến đó để hai nàng chăm sóc mái đầu, lại được ngồi ngay trong căn nhà cũ của mình, cũng thú vị lắm chứ?

Nguyễn Tường Thiết

* Chuyện bên phố cũ - 11.05.2009
* Chai rượu khai xuân - 26.01.2009

Trịnh Cung : Xem tranh, chơi tranh và thẩm định tranh

Xem tranh, chơi tranh và thẩm định tranh

11/05/2009

Tác giả: Trịnh Cung


Xem tranh và vẽ tranh, việc làm nào quan trọng hơn?

Riêng ở Việt Nam chúng ta, việc học vẽ tranh là một nhu cầu của nhiều người, nhất là của giới trẻ, thậm chí có nhiều em tuổi sinh viên coi việc tốt nghiệp được một bằng Đại học Mỹ thuật là một danh vọng nếu như họ không có đủ tiêu chuẩn để đậu các khoa bảng khác. Và chẳng có ai đi học xem tranh cả, có thể do không có nơi nào dạy cách xem tranh vì việc này chắc từ lâu người Việt đã coi là “chuyện nhỏ”.

Thực ra, xem tranh cũng quan trọng không kém vẽ tranh. Biết và thích xem tranh là một điều rất quí, không những cho ai đó mà còn rất cần cho một nền mỹ thuật của đất nước họ. Một nền mỹ thuật èo uột chắc chắn vì bởi không có nhiều người thích và biết xem tranh. Do đó tất yếu các phòng triển lãm và bảo tàng mỹ thuật sẽ vắng như chùa Bà Đanh. Một tất yếu kế tiếp là thị trường nghệ thuật trở thành chỗ thao túng của những kẻ đội lốt art gallery để bán tranh chép, tranh giả và tranh “Cô gái áo dài với cành sen”.

Người biết xem tranh không nhất thiết phải vẽ được tranh, nhưng hoạ sĩ thì chắc phải biết xem tranh? Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ vậy. Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta, hoạ sĩ không biết xem tranh không phải là không ít, hay chính xác hơn là phần đông họ chỉ thấy tranh của mình hoặc tranh của hoạ sĩ khác vẽ theo lối của mình là đẹp mà thôi. Vì thiếu kiến thức về sự phát triển của lịch sữ mỹ thuật và thiếu cập nhật thông tin mới về các trào lưu sáng tạo nghệ thuật đang xảy ra nên mọi cái khác với cách vẽ của họ đều bị chê là vẽ bậy bạ.

Trong nhận định tác phẩm mỹ thuật, mỗi hệ qui chiếu có vai trò riêng để giúp thấy đúng giá trị sáng tạo của mỗi tác phẩm, nếu áp đặt lên tác phẩm khác trường phái bằng cái nhìn vị kỷ hoặc cục bộ thì chắc chắn tác phẩm ấy sẽ bị nhận một số phận không mấy tốt đẹp.

Để tránh những sai sót trong xem tranh do cảm tính và chủ quan, việc xem tranh không chỉ cần phải được dạy trong các trường học từ mẫu giáo trở lên mà cũng phải được coi trọng tại các trường mỹ thuật. Dù đã có khoa Lý luận và Phê bình và môn lịch sử mỹ thuật, nhưng do chúng ta có ít thầy giỏi và sinh viên không mấy coi trọng giờ học lý thuyết (trừ sinh viên chuyên ngành Lý luận và Phê bình) nên nghệ thuật xem tranh của một số hoạ sĩ sau khi ra trường đã bộc lộ những khoảng trống kiến thức. Mặc khác, do có năng khiếu tốt và nhạy bén với thị hiếu nghệ thuật của khách mua tranh hoặc do thành công với cách vẽ hợp thị trường, họ đã sớm tự thấy mình có quyền đưa ra những nhận định thế nào là một bức tranh đẹp, những tiêu chí mỹ học rất chủ quan. Và thật nguy hiểm khi những hoạ sĩ như thế được cơ cấu ngồi vào các hội đồng nghệ thuật!

Xem tranh, lợi cho ai?

Xem tranh là một thú giải trí rất văn hoá cũng như đi xem kịch, xem phim, đọc sách… của con người. Ở đây chúng ta không bàn đến những lợi ích quan trọng mà thú xem tranh mang đến cho mỗi người vì nó quá hiển nhiên, điều lợi ích mang tính chiến lược cho mỗi nền mỹ thuật quốc gia là tạo được một tập quán xem tranh cho người dân thì cơ hội phát triển nền mỹ thuật quốc gia mới thật sự đầy triển vọng. Đó chính là nguồn khách cho các phòng triển lãm, cho thị trường mỹ thuật và cho các viện bảo tàng, thậm chí họ cũng là nguồn độc giả cho các bài báo và sách viết về mỹ thuật. Riêng với giới doanh nhân, biết xem tranh đồng nghĩa với biết thẩm định cơ bản về tác phẩm sẽ giúp họ đi vào con đường kinh doanh nghệ thuật một cách lành mạnh, hòng tạo được một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp cho đất nước.

Rõ ràng, tình trạng vắng hoe khách xem tranh của các bảo tàng mỹ thuật và phòng triển lãm trên toàn Việt Nam hiện nay là hậu quả tất yếu gây ra bởi lỗ hổng giáo dục mỹ thuật tại học đường ở nước ta từ hằng chục năm qua. Nhìn ra ngoài, không phải nhờ sự giàu có và hùng cường về khoa học và kinh tế mà tất yếu nền mỹ thuật của các nước phương Tây trở nên tiên tiến, chắc chắn là không phải như vậy và cũng chắc chắn rằng ta sẽ trở nên có văn hoá văn minh sau khi ta có nhiều tiền. Văn hoá luôn là cái nền cho mọi sự thăng tiến, vì thế người phương Tây luôn chuẩn bị cái nền văn hoá từ rất sớm cho lớp công dân trẻ của họ. Tác giả đã từng chứng kiến cảnh các bé từ 6-8 tuổi được cô giáo hướng dẫn xem tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại Paris một cách nghiêm túc và hào hứng. Thật ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh một bé gái khoảng 7 tuổi trả lời một cách chính xác một bức tranh lập thể của Picasso vẽ về một bãi biển đang được treo trước mặt bé. Càng ngạc nhiên hơn khi cô giáo hỏi bức treo bên phía tay phải em là của hoạ sĩ nào? Bé trả lời không đắn đo: “Thưa cô, đó là tranh của hoạ sĩ Kandinsky, một tác phẩm trừu tượng”. Thì ra, sau khi trao đổi với cô giáo của các bé, tác giả mới biết là các em được chuẩn bị ở lớp rất kỹ bằng các bài giảng về cách vẽ cũng như xem tác phẩm được in lại của các hoạ sĩ mà các em sẽ đi xem tại bảo tàng mỹ thuật. Mặt khác, cũng nằm trong chiến lược giáo dục văn hoá của nước Pháp, cứ mỗi thứ Tư trong tuần, các học sinh được xem tranh miễn phí và sinh viên thì vào cửa được giảm giá phân nửa, thảo nào các bảo tàng mỹ thuật ở các nước tiên tiến lúc nào cũng đông người xem dù vé vào cửa không rẻ.

Để việc xem tranh trở thành một tập quán thì việc xem tranh phải được bắt đầu từ tuổi thơ. Nếu không được hướng dẫn từ mẫu giáo thì chí ít cũng phải từ tiểu học, để đến trung học mới thực hiện việc hướng dẫn các em xem tranh đã là trễ, nhưng nền giáo dục của chúng ta vẫn còn đặt nó bên ngoài dù bây giờ đã là thế kỷ 21.
Chơi tranh

Những gì cần cho người chơi tranh?

Như thế, biết xem tranh thì mới nên chơi tranh, vì nhờ có kiến thức nên không khó tránh được việc mua nhầm tranh giả, nhận biết giá trị sáng tạo của hoạ sĩ và sự khác nhau giữa các trường phái và nhận ra phong cách của từng hoạ sĩ. Tất nhiên, việc bạn yêu một loại tranh nào lại là chuyện riêng của bạn, nhưng có kiến thức về mỹ thuật bạn sẽ tránh được việc khen chê không đúng cách. Biết xem tranh có trình độ cao (chỉ bắt buộc cho hoạ sĩ và nhà phê bình) là biết cả màu vẽ tốt hay xấu, biết cả bố vẽ thuộc loại được dệt từ loại sợi nào và đã được sơn lót có đúng cách không… Để chơi tranh của các danh hoạ, người sưu tập tất nhiên là phải có nhiều tiền, tuy nhiên có ít tiền vẫn chơi được tranh, không nhất thiết phải cố mua tranh của các danh hoạ, bạn có thể chọn tranh của các hoạ sĩ trẻ, chưa nổi tiếng nhưng nhờ có trình độ xem tranh cao tay, bạn có thể nhận ra tài năng đầy triển vọng trong số họ để mua. Dù sao chơi tranh thật vẫn thú vị hơn là chơi tranh của các bậc thầy mà toàn là copy. Một trong những điều kiện quan trọng mà người mua tranh phải biết là xem bức tranh có được vẽ bằng mầu tốt không, tranh có bị nấm mốc và mầu có bị xuống chất không, toan vẽ mặt sau có bị thấm dầu không (nếu là tranh sơn dầu), khi đưa lên ngược sáng, có tia sáng nào lọt qua sau lưng bức tranh không và cuối cùng là biết treo tranh đúng cách nhằm bảo quản tác phẩm. Một trong những sai lầm quan trọng là treo tranh tại những nơi ẩm thấp, nhiều khói và hơi nước như tại những nhà hàng ăn uống, quán phở và quán café, hoặc để ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt tranh. Tất cả những điều đó hay điều kiện thời tiết có độ ẩm cao như ở miền Bắc Việt Nam vào mùa Thu-Đông đều có thể khiến tranh bị hư hỏng (xuống mầu, bong tróc, nấm mốc,…). Điều này đã xảy ra cho tranh của các danh hoạ Việt Nam thuộc các thế hệ mỹ thuật Đông Dương do tư nhân và nhà nước lưu giữ không được bảo quản đúng cách là khá nhiều, nhất là các tranh sơn dầu và bột màu được vẽ trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Tất nhiên, nếu ở phương Tây thì bạn có thể uỷ thác những việc thẩm định, tư vấn, xử lý kỹ thuật phục chế,… cho các chuyên gia hoặc công ty bảo hiểm tác phẩm nghệ thuật, còn ở trong nước thì ngay cả nhiều hoạ sĩ Việt có tiếng đương thời cũng không biết nhiều về những điều bài viết vừa đề cập, huống gì đến những người buôn bán tranh, kể cả những “đại gia” sưu tập tranh như THT, BQC, D.VL, Apricot,…

Vậy chơi tranh có lợi gì?

Chơi tranh có 5 cái lợi:

- Thứ nhất là để giữ lại trong nhà mình một hoặc nhiều tác phẩm nghệ thuật mà nó đem lại cho mình những thú vị tinh thần đặc biệt mỗi khi ngồi trước nó. Từ khi ngôi nhà có những bức tranh ấy, ngôi nhà trở nên đẹp hơn và rộn rã hơn. Hạnh phúc gia đình cũng tăng phần đậm đà hơn.

- Chơi tranh sẽ giáo dục được con cháu về tình yêu nghệ thuật và hiểu biết lịch sử phát triển nền mỹ thuật đất nước một cách thực tế nhất.

- Chơi tranh cũng là cách đầu tư không sợ rớt giá.

- Chơi tranh sẽ giữ lại cho đất nước những tác phẩm quí của các danh hoạ Việt Nam.

- Và sau cùng, chơi tranh là nuôi dưỡng tài năng sáng tạo của hoạ sĩ Việt Nam, giúp ngành gallery Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp và sẽ giúp tranh của họ luôn có giá xứng đáng trên thị trường nghệ thuật quốc tế.
Thẩm định tranh

Một khoa học chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam

Thẩm định tranh là việc xem tranh của giới chuyên môn (hoạ sĩ, nhà phê bình). Họ không xem tranh như người yêu tranh (chủ yếu là cảm tính), Họ không hỏi đại loại như bức tranh này vẽ cái gì, mầu sắc êm dịu hay “chỏi” quá, v.v. và v.v…, mà họ sẽ đánh giá phong cách hội hoạ, trình độ kỹ năng và sau cùng là hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm. Đây là một khoa học đòi hỏi người thẩm định tranh phải có nhiều kiến thức chuyên môn.

Các trường mỹ thuật ở Việt Nam từ sau ngày giành được độc lập từ tay người Pháp không có khoa dạy về cách thẩm định tác phẩm hội hoạ đúng chuyên môn. Dưới thể chế xã hội chủ nghĩa, khoa Lý luận và Phê bình chỉ tập trung ở nội dung chính trị, xem nhẹ phần sáng tạo nghệ thuật và dị ứng với những cái mới. Ngay cả hoạ sĩ nổi tiếng Nguyễn Huy Tiếp, từng được đào tạo ở Liên Xô cũ, hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa phát biểu trên kênh truyền hình VTV về nghề vẽ tranh sơn dầu, sau khi cho biết: vẽ tranh sơn dầu tưởng là dễ mà thực ra rất khó, muốn vẽ được tranh mầu dầu người vẽ phải có nghề,… Nhưng khi được phóng viên truyền hình hỏi: “Theo hoạ sĩ, vẽ thế nào là có nghề?” lại cũng trả lời loanh quanh là: vẽ làm sao để diễn tả được cảm xúc của tác giả, đường cọ vẽ phải toát lên được ý nghĩa sâu xa mà hoạ sĩ muốn gửi gắm, v.v và v.v… Đây là câu hỏi rất hay, người hỏi đã chụp ngay được chỗ quan trọng đầy hứa hẹn sẽ mở ra một “kho ý kiến chuyên nghiệp” từ một hoạ sĩ đã từng được đào tạo tại Nga trước kia và hiện đang đứng đầu nhóm những nhà thẩm định tác phẩm nghệ thuật của HMTVN. Thế nhưng, theo dõi cuộc phỏng vấn đến kết thúc nhưng người xem vẫn không thấy ông nói đến phần cơ bản nhất về kỹ thuật sử dụng mầu dầu đúng cách và những phụ liệu hỗ trợ nào cần cho mỗi cách vẽ. Hay thế nào là “matière”, có mấy loại và các cách tạo ra matière thích hợp cho từng loại toan và cho từng trường phái. (Có thể vì trả lời trên VTV, ông không thể giải thích sâu về chuyên môn vì thời gian và đối tượng xem truyền hình là đại chúng, hay muốn giữ cho riêng mình những bí quyết nghề nghiệp được học từ nước ngoài?)

Cái đẹp và hay của một tác phẩm hội hoạ không hẳn chỉ là ý nghĩa của nội dung bức vẽ mà trong hội hoạ hiện đại nhiều khi cái đẹp cũng phụ thuộc vào nghệ thuật sử dụng chất liệu hỗ trợ. Từ Hiện đại đến Đương đại, các chất liệu hỗ trợ cho sáng tác đã tiến một bước khá dài và giữ một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra những giá trị của tác phẩm. Ngày nay chất liệu mỹ thuật không còn đơn thuần là chất liệu, mà dưới tay của nghệ sĩ, nó đã là ngôn ngữ nghệ thuật của riêng họ.
Pierre Soulages - Peinture 195 x 130 (1948), New York, Museum of Modern Art

Pierre Soulages - Peinture 195 x 130 (1948), New York, Museum of Modern Art

Như thế, chất liệu mỹ thuật là một ngành công nghiệp tiên tiến với những sáng tạo ngày càng mới lạ, mở đường cho ý tưởng thực hiện tác phẩm của nhà nghệ sĩ. Rõ ràng là có một sự gắn kết vô hình giữa nhà sáng tạo chất liệu mỹ thuật và người làm ra tác phẩm nghệ thuật. Một trong nhiều ví dụ về sự đóng góp rất âm thầm của những nhà hoá học cho giới nghệ sĩ tạo hình là mầu đen trong tranh trừu tượng của danh hoạ Soulages được chế riêng bởi một kỹ sư hoá học theo yêu cầu của hoạ sĩ, vì ông không muốn dùng mầu đen có trên thị trường.

Để thẩm định một bức tranh, bạn cần có những phẩm chất nào?

Được ngồi vào ghế của một nhà thẩm định tranh là một vinh dự lớn cho người làm nghệ thuật, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi nếu bạn không có đủ kiến thức chuyên môn về cả lý thuyết lẫn kỹ thuật vẽ tranh. Có thể coi một nhà thẩm định tác phẩm nghệ thuật như một người thuộc hết quyển tự điển, họ nhìn vào một tác phẩm là biết ngay lối vẽ này thuộc về trường phái nào, bút pháp ở trình độ nào, kỹ thuật non tay hay điêu luyện, tư duy nghệ thuật của tác giả mới lạ hay vay mượn của ai,… Nếu không có nghề như thế, một sự lầm lẫn trao huy chương vàng cho một bức tranh chép như Hội đồng Nghệ thuật của HMTVN đã thực hiện trong cuộc triển lãm toàn quốc năm 2007 là dễ hiểu.

Khi nói về phê bình thơ, có một câu được truyền tụng như sau: “Phê bình thơ thì ai cũng phê bình được, nhưng để phê bình cho hay thì phải là một nhà thơ có tài”. Còn về mỹ thuật thì: “Một nhà phê bình hội hoạ giỏi có khi là một hoạ sĩ thất bại.” Chữ “tài” trong câu nói thứ nhất là có nghĩa đòi hỏi ở một nhà phê bình thơ một phẩm chất đặc biệt. Có tài lớn anh mới nhận ra giá trị của tác phẩm mà anh đang xem thuộc cỡ nào dù nó khác “chiêu” hay cùng môn phái, hơn nữa, anh còn nhận ra tương lai rực rỡ của một tài năng lớn đang tiềm ẩn. Còn trong câu nói thứ hai, sao lại là một “hoạ sĩ thất bại”? Nghe ra có vẻ mâu thuẫn nhưng thật ra, đây là cách nói khéo, một kiểu ca ngợi kín đáo, dành cho những nhà phê bình không phải là hoạ sĩ nhưng lại có kiến thức mỹ thuật rất uyên bác và một cảm quan thưởng ngoạn sáng tạo nghệ thuật bén nhạy như trường hợp tác giả của Tuyên ngôn Siêu thực (Manifeste du Surréalisme), nhà văn André Breton và tác giả cuốn sách nổi tiếng Les Voix du silence, nhà văn André Malraux, cả hai đều là người Pháp, đã viết và đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật hiện đại phương Tây rất lớn.

Riêng mỹ thuật Việt Nam, Thái Bá Vân, tác giả của cuốn sách Tiếp xúc với mỹ thuật, là một người cũng đã để lại một dấu ấn khó quên trong chúng ta.

Sài Gòn 12-2008

© 2009 Trịnh Cung

Đồng cỏ Miên

Đồng cỏ Miên

11/05/2009 | 2:13 sáng |

Tác giả: Trần Vũ

Chuyên mục: Sáng tác
Thẻ: Chiến tranh Việt Nam - Campuchia

tv1Buổi chiều. Những phiến lá của khu rừng vàng ửng màu nắng. Một khúc sông đột ngột hiện ra sau bụi gai um tùm. Đồng cỏ lau, qua những lùm cây vạt lá, ngược gió, cành ngọn xoắn vào nhau thành những âm thanh xào xạc.

- Biên giới?

Tôi khều Trình từ chỗ nấp, sau một lúc im lặng vì bị khoảng nước soi nắng lấp lánh thu hút. Trình gật đầu khẳng định, mắt vẫn ném vào vùng nước sáng rực. Tôi nghe rõ tiếng thở nhẹ cố kềm giữ của cả hai. Dòng sông Măng Koi, một nhánh của rất nhiều nhánh Mê Kông chảy qua đất Miên để chảy vào biển hồ Tông Lê Sáp. Chúng tôi đang tìm cách rời khu rừng lau, vượt sông sang bờ bên kia. Trình rời khỏi bìa rừng trước, tôi theo sau. Chúng tôi dùng mác vạch những ngọn cỏ gai dầy bám cứa vào người ra đến bờ đất ẩm. Mặt nước mấp mé, chảy mạnh và xiết. Bờ đối diện, ngược sáng nên không trông rõ, thu hẹp thành một giải đất nhỏ, dài xa mờ mờ.

- Bây giờ?

Tôi bật hỏi, không chế ngự được xúc động vì đã tới được ranh giới chót cùng.

- Không. Phải chờ và tìm…

Trình không nói hết câu, bình tĩnh thõng một tay đo độ xiết của nước. Cánh tay Trình trôi phăng về một phía. Nhìn những khúc củi mục và lục bình không ngớt chảy tuôn xuống, tôi hiểu vì sao Trình do dự. Tôi đảo mắt quan sát canh chừng chung quanh. Ngoài tiếng động của gió và cỏ cây, cảnh vật vẫn im lìm tắm trong thứ nắng vàng đặc biệt của đất Miên. Lẫn trong trăm nghìn thắc mắc và lo âu về kế hoạch và dự tính của cả hai, là sức thôi thúc gần như ham muốn chạm vào dòng nước trước mặt. Bắt chước Trình, tôi cúi người vốc nước uống. Cảm giác mát lạnh của ngụm nước làm trí não tôi bớt căng thẳng. Nước lờ lợ có mùi sình. Tôi tiếp tục vã nước vào mặt cho tỉnh hẳn. Hơi nóng đổ lửa bừng bừng trong đầu tôi của một ngày dài dang nắng nguội nhanh và tan dần, nhường chỗ cho những suy nghĩ tỉnh táo. Như vậy, sau một năm rưỡi lặn lội tôi cũng tìm được biên giới của sự sống. Chính dòng sông này biểu tượng cho tương lai, đã là động lực chính giúp chúng tôi chấp nhận, chịu đựng tháng ngày nghiệt ngã của nghĩa vụ quốc tế ở Kampuchia. Nhưng chiều nay, buổi chiều hè vàng nắng 21 tháng 6-1981, đến được bờ sông ngăn cách biên giới Thái-Miên chỉ còn mình tôi và Trình. Các bạn tôi, Thắng, Khanh, Mẫn, Côn và Tùng đều đã bỏ cuộc.

- Mình trở về kẻo thằng Hợi kiếm.

Trình gọi tôi. Cả hai đi lại con đường đã vạch lau lúc nãy. Trình vẫn đi trước mở đường, dùng mã tấu gạt những cành lau gai tua tủa. Giữa hai lát mác, Trình quay lại nói vừa đủ nghe:

- Phải tìm cho ra khúc sông hẹp nhất và trữ lương khô. Bờ bên đó mình chưa biết ra sao. Nếu là trại Khmer Đỏ thì không nên qua.

- Làm sao rõ?

Tôi hỏi lại, bắt gặp tia nhìn đăm chiêu của Trình. Quân Khmer Đỏ là mối nguy hiểm chính, thường trực đe dọa chúng tôi. Giữa vùng cỏ tranh, cái chết của Côn trong trận Siêm Riệp như hiện ra lại. Hình ảnh cái thủ cấp bị chặt đứt vất lây lất và thây người bạn lẫn trong hố xác bộ đội lởn vởn bất kỳ lúc nào nghĩ đến. Thật ra sau mười sáu tháng trên chiến trường Kampuchia, tôi và Trình đã quá quen với cái chết đến không còn sợ. Cả hai chỉ ngán những dã man, tàn ác phải hứng chịu trước khi chết. Chúng tôi càng không muốn chết ở cuối đoạn đường, chết phi lý tức tưởi khi đã đặt chân đến bến bờ tự do. Nhưng làm cách nào để biết chắc không có quân Pol Pot bên kia bờ?

Trình tiếp tục đi, sau khi cho biết nội trong tuần tới chúng tôi phải vượt biên giới. Tôi đồng ý với Trình không thể chần chờ lâu hơn nữa. Đơn vị chúng tôi có thể đổi đi nơi khác, vào sâu nội địa, chưa kể những nguy hiểm rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong vòng một tuần, chúng tôi bắt buộc phải tìm biết an ninh của phần đất Thái bên kia sông.

Đi hết đồng cỏ tranh, tôi và Trình ngừng lại ở bìa rừng. Không bảo nhau, cả hai cùng quay nhìn về phía con sông. Khúc sông ngập nắng giữ nguyên màu sắc óng ánh khi nãy. Bầu trời xế trưa mang màu xanh nhiệt đới chen nhiều vầng mây mỏng. Cánh đồng, khu rừng, con sông và bầu trời hợp lại thành một bức tranh. Hình như Trình cũng ngây ngất như tôi về vẻ đẹp khác thường của cảnh vật. Ấn tượng hung bạo, đe dọa thường trực của đất Miên đã từ lâu đè nặng lên tinh thần chúng tôi, xóa bỏ hoàn toàn tĩnh từ đẹp đẽ. Ý niệm về tĩnh từ này gần như biến mất trong thế giới mà tôi và Trình đang sống, chiều nay bỗng nhiên hiện trở lại với hình ảnh dòng sông trước mặt. Tôi biết đó là cảnh sắc của hy vọng, hình ảnh mà các tử tù thường bắt gặp đằng sau khung sắt.

Vượt qua khu rừng thưa, tôi và Trình trở ra con đường mòn sau rừng dẫn về chỗ đóng quân. Trên đường về, chúng tôi im lặng không nói chuyện, phần đeo đuổi những ý nghĩ riêng tư, phần cẩn trọng trong khi di chuyển. Trình đi trước cách tôi hai mươi bước, tay cầm AK. Tôi đi phía sau mang trung liên nồi, tránh đạp lên những mô đất. Mọi vật đều có thể là cạm bẫy. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm, đã chứng kiến Khanh rồi Mẫn chết đau đớn vì lơ đãng trong việc bảo vệ sinh mạng chính mình. Đã chứng kiến Tùng đổ ruột trên mặt đất. Song chiều nay tôi không thể nào tập trung nhìn trừng quãng đường mòn xuyên qua khu rừng rậm. Thính giác và thị giác tê liệt không phân định nổi vùng không gian che khuất sau từng lùm cây bụi lá, nơi dễ dàng bắn ra lưỡi hái tử thần. Tôi cũng không nghĩ đến bài báo cáo công tác giao liên hoàn thành với K trưởng lát nữa. Trong đầu tôi chỉ có một hình dạng duy nhất: khúc sông hy vọng và cánh đồng lau trầm mình dưới nắng. Không phải thứ nắng Kampuchia hận thù mà là vạt nắng tươi lần đầu tiên tôi nhận biết như chợt trông thấy ánh sáng rọi từ trời cao.

*

Ngày hôm sau, Trình xin Hợi cho tổ chúng tôi được xung phong đi kích lập chiến công truy quét tàn dư Pol Pot. Hợi hoan hỉ tán thành và tỏ ra hồ hởi lúc trên chấp thuận.

- Các đồng chí tinh thần cao lắm nhé, mình ghi công đấy.

Hợi nói khi ra khỏi lều về tổ anh nuôi xin lương khô. Tôi đoán Trình lợi dụng công tác để trữ lương và rời khỏi trại không bị kiểm soát. Nhưng đi kích Khmer Đỏ cũng rất nguy hiểm. Tôi đưa mắt dò hỏi thì Trình ra dấu đừng thắc mắc. Tin tưởng vào những quyết định bén nhậy của Trình, tôi không hỏi thêm, thu xếp khởi hành.

Trời đổ mưa sau khi cả ba đi được một tiếng. Những cơn mưa Miên nóng và độc, thường gây bệnh sốt rét vàng da và gây kiết kỵ cho bộ đội uống nước không đun sôi. Tôi nhớ Thắng đã ngã nước sau cơn mưa đầu mùa như hôm nay. Nhớ Tùng đã vàng bủng như một tàu lá chuối. Những giọt mưa nóng và nặng hạt rơi trên mặt tôi ướt đầm đìa không làm mát mà chỉ gây khó chịu. Giống tôi muốn quên, không muốn nghĩ đến những cái chết cũ mà chúng cứ xăm xuống mặt đánh thức từng lúc. Những kim nước thấm qua áo mưa, khiến tôi rùng mình.

Mặt đất biến dần thành sình nhầy nhụa, bám vào dép râu nhơm nhớp đóng thành cục như bánh chưng. Chúng tôi vẫn lầm lũi bước. Trình đi trước tôi, bước đều dù đường trơn trợt. Tôi đi sau Trình và Hợi sau chót. Hợi là tổ trưởng của tôi và Trình. Trong quân đội nhân dân, cấu trúc căn bản là tổ tam tam. Cứ hai người Nam lại có một người Bắc làm tổ trưởng kiêm chính trị viên cho tổ. Hỏa lực chúng tôi gồm có một AK-47 của Trình, trung liên nồi RPD do tôi mang và RPG-7 tức B-41 của Hợi với bốn trái đạn nổ. Nhiệm vụ của tổ tam tam thường là đóng chốt, đôi khi giúp bộ đội chủ lực phản kích vây ép. Hợi là tổ trưởng mới của tôi và Trình. So với những K trước, Hợi trẻ và hoạt bát ưa bắt chuyện. Tuy vậy chúng tôi vẫn đề phòng dù Hợi chưa tỏ ra nghi kỵ như phần đông các đảng viên từ A vào công tác chiến trường.

Dưới cơn mưa, tôi nghe tiếng nước vỡ trên vành nón cối và tiếng hát giọng cao của Hợi phía sau. Hình như Hợi đi nhanh lên gần tôi vì tiếng hát to dần. Lúc tôi quay lại, Hợi đến sát bên. “… Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người, Điện Biên năm nào vọng lời Bác dưới chiến hào, cờ sao phất phới…” Bắt gặp ánh mắt tôi, Hợi ngừng hát, cười và bắt chuyện:

- Chắc mình hát không hay nên cậu không thấy phấn khởi? Thú thật cậu, ngày xưa mình đăng ký công tác bên văn công, nhưng vào thi nhạc lý thì không được thông qua.

Thái độ Hợi tự nhiên và thân mật làm tôi có cảm tưởng Hợi không giống đám thủ trưởng môi thâm thường hay phê bình kiểm thảo chúng tôi một cách kệch cỡm. Tôi tin Hợi có cái chất phác của người dân quê miền Bắc, dù Trình cho rằng Hợi đóng kịch vì chúng tôi là dân Sài Gòn.

- Mình phấn đấu vào văn công không thành nên buồn và bỏ học. Rồi xung phong đi bộ đội, một phần vì mình phục anh hùng Cù Chính Lan và muốn được như anh ấy. Thế cậu đã xem phim Người chiến sĩ trẻ chưa?

Hợi vui vẻ tâm sự, không lo lắng an ninh của đoạn đường vì khúc này còn gần trại Sư bộ và có bộ đội Tên Lửa bảo vệ chống máy bay Thái Lan xâm nhập quan sát.

- Có coi trong tivi.

Tôi trả lời, nhát gừng, mắt không rời Trình bước đều đằng trước. Trình không để ý đến câu chuyện của tôi và Hợi, xăm xăm bước mau. Tôi lờ mờ hiểu chuyến đi kích kỳ này liên quan đến kế hoạch vượt biên của cả hai mà Trình gấp rút thực hiện.

- Ngoài mình thì chưa có máy chiếu bóng cho mỗi hộ. Nhà nước cũng tranh thủ cải thiện nhưng có lẽ phải đợi thêm một kế hoạch năm năm nữa cậu ạ. Công nhận ngoài các cậu có nhiều cái lạ và đẹp mắt quá. Mình chưa được vào thành phố, chỉ trông các đồng chí khác vào Nam rồi về Bắc thì mình nhận định thế thôi.

Hợi đi song song với tôi và thân mật như anh em. Nếu Hợi luôn luôn xưng hô đồng chí với Trình thì lại tỏ vẻ mến tôi hơn, tôi nghĩ Hợi đoán biết Trình không ưa đảng viên. Phần tôi, tôi không nghĩ Hợi giả dối từ bản chất mà cũng như chúng tôi, bộ đội gốc Nam, Hợi thuộc thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn thụ động, chịu sự áp đặt của guồng máy. Trong hoàn cảnh xã hội, Hợi trở thành đảng viên như một cách thích nghi với môi trường sống, giống trong chiến trận khi bắn vào quân Khmer Đỏ tôi và Trình chỉ làm hành động của một con vật đấu tranh để sinh tồn. Chúng tôi giống bầy sâu ngã màu xanh khi trèo lên phiến lá. Biến dị tập nhiễm từ môi trường ngoài theo quy luật.

Đi thêm một tiếng đồng hồ chúng tôi nghỉ ăn trưa, sau đó lại tiếp tục đi. Mưa tạnh hẳn khi cả ba qua một khúc quẹo gắt. Tôi chợt hiểu quyết định xung phong đi kích của Trình. Con đường mòn chúng tôi phải quẹo gần như song song với giòng sông, phía sau những cánh rừng thưa và đồng cỏ lầy lội. Từ đây, những cảm giác nôn nóng của ngày hôm qua lại đập mạnh trong lồng ngực tôi. Vừa đối đáp cầm chừng với Hợi, tôi không ngớt dòm chừng về bên trái, cố ước lượng độ rộng của khúc sông và ghi nhận những điểm chuẩn hai bên đường. Nhưng rất nhanh sau một lúc cố gắng, tôi thất vọng ngay. Từ đường đến bờ sông còn khá xa và bờ bên kia phủ chìm trong hơi sương của cơn mưa vừa tạnh khiến không sao đoán được khoảng cách.

Chúng tôi tiếp tục đi bộ cho đến khi hai chân mỏi nhừ thì Hợi cho lệnh nghỉ. Chiều xuống, Hợi bỏ lối nói thân mật chuyện trò với tôi lúc nãy, thay bằng giọng chính trị viên, cho chúng tôi biết phải rời đường mòn đi sâu vào nội địa. Điểm kích đêm sẽ là một lối mòn nhỏ trong rừng nơi du kích Khmer Đỏ hay tải lương qua. Chúng tôi sẽ ẩn nấp gần đó cho đến khi chận bắn được quân Pol Pot. Thời hạn kích là ba đêm, sau đó theo đường cũ trở về. Từ đây về sau Hợi sẽ là người dẫn đường và mọi hành động tuyệt đối theo chỉ thị của Hợi. Tôi và Trình im lặng nghe Hợi lý giải phương án phục kích. Cả hai chúng tôi đều biết những giờ phút sắp đến rất quan trọng, sẽ là khúc quanh của cuộc đời chúng tôi. Riêng tôi đã đoán ra phần nào bài toán của Trình, nếu cuộc kích thất bại nghĩa là không có du kích Pol Pot xuất hiện, chứng tỏ không có trại Khmer Đỏ bên kia sông, quân Khmer Đỏ có thể đã bị tiêu hao và quét sạch trong vùng theo tuyên truyền toàn thắng của quân đội nhân dân trong chiến dịch mùa khô vừa qua. Chừng đó trên đoạn đường về với lương khô còn lại, chúng tôi sẽ vượt sông.

Lợi dụng những phút nghỉ cuối, Trình và tôi lấy thuốc hút. Hợi cũng kéo thuốc lào. Khói thuốc lan vào sương chiều đang buông. Như trước mỗi lần kích, tôi căng thẳng cực độ, không hút hết điếu thuốc Sông Cầu. Lát nữa, tôi lại sắp băng mình vào rừng già với tất cả hiểm độc của nó. Những bầy đỉa, muỗi, vắt và rắn rít, chưa kể những đôi mắt rình mò của kẻ thù… Tôi tránh nghĩ đến những điều ấy, quay nhìn bờ sông hy vọng ở xa mờ mờ trong ánh sáng cuối ngày. Về phía sông, những quầng mây đen đùn lên nền trời xám lặng, một vài tia chớp muộn màng sau cơn mưa. Tôi gây lạnh vì quần áo vẫn còn ướt. Hợi đứng lên ban lệnh xuất phát. Có lẽ chúng tôi sẽ đến điểm kích vào giữa đêm. Lúc Trình qua mặt tôi, nối gót Hợi mở đường, Trình liếc nhìn tôi khẽ gật đầu ra dấu mọi sự như dự tính. Tôi bước theo sau, giữ một khoảng cách an toàn. Đêm nay, đêm mai rồi đêm tới, định mệnh sẽ an bài mọi chuyện.

*

Đêm kích thứ nhì. Bóng tối giăng ngang khu rừng trùm lên bãi kích mờ ảo. Ánh trăng lúc trắng đục, lúc lờ mờ vì mây khuya càng làm tăng vẻ âm u ma quái của cây rừng. Tôi nằm im trong hố cá nhân đào sâu đến cầm, lắng nghe tiếng côn trùng trong đất ẩm và đặc biệt tiếng rắn rung chuông rung từng chặp. Chúng tôi đã qua được một đêm kích đầu trong yên lặng. Tôi thấy an tâm và hy vọng dự đoán của Trình đúng. Nếu đêm mai không có động tĩnh gì, chứng tỏ du kích Khmer Đỏ không hoạt động trong vùng, không có căn cứ địa hậu thuẫn bên kia sông, tôi và Trình sẽ vượt tuyến tìm vào một trại tị nạn Liên Hiệp Quốc thường nghe nhắc. Tôi gạt bớt nhánh lá ngụy trang phủ trên đầu cho dễ thở, soát lại băng đạn 100 viên 7 ly 62 cuộn tròn trong nồi thép. Tôi có tất cả bốn nồi đạn và sáu trái lựu đạn nội hóa đủ bắn cầm chừng suốt đêm. Tôi cẩn thận cắm sâu hai chân vạc trước mũi súng cho khẩu trung liên nặng bảy ký lô ở tư thế vững. Tôi nằm ở vị trí che cho tổ, trường hợp đụng nặng tôi biết Trình và Hợi đều trông cậy vào hỏa lực khẩu RPD. Đêm tiếp tục qua trong tiếng gió vi vu. Càng khuya sương càng nhiều làm tôi ướt đẫm. Chân tay tôi lạnh cóng, hai áo sơ mi bộ đội bằng vải Nam Định và lớp áo đay trấn thủ chỉ đủ giúp tôi không bị lạnh ngực. Tôi co người, chà xát hai bàn tay vào nhau tìm hơi ấm. Bên phải tôi năm mươi thước là Trình và đằng sau là Hợi. Trình và Hợi bất động, chìm hẳn vào màn đêm. Ba hố cá nhân đào theo hình tam giác cân, đáy đối diện đường mòn mà du kích Pol Pot phải đi qua. Tôi chong mắt nhìn con đường đen chạng vạng lờ mờ ánh sao. Đám sao đêm lấp lửng khi tan khi hiện. Gió khuya khua động cành lá, rời rạc. Mây đêm trôi chậm, cả khu rừng thu mình như con thú dữ ngủ say. Tôi nhìn trừng trừng lối mòn không biết bao lâu, đến lúc gần ngủ gật, có cảm giác con đường trườn mình lại gần như con rắn rung chuông. Giật mình sực tỉnh, con rắn chuông lại lùi ra xa. Tôi rơi vào trạng thái thức ngủ như vậy nhiều lần cho đến gần sáng, lúc màn đêm đen thẫm chuyển sang tím nhạt thì súng nổ.

Tôi không rõ ai bắn trước, song phân biệt được ngay tiếng súng lệnh K-54 khô ran của Hợi và tiếng AK tạch tạch của Trình. Thật nhanh, tôi nhận ra sáu, bảy bóng đen cách độ hai trăm thước sau những gốc cây. Tôi tỳ vội bá súng vào vai, khai hỏa. Khẩu RPD giật mạnh, hộc lên ở loạt đạn đầu. Tôi gồng sức kềm súng, cố giữ đạn đạo thẳng và ngắt quãng ba viên một. Các vết đạn cày trên đất. Tôi tin du kích Pol Pot chỉ có một tốp trước mặt vì Trình và Hợi có lẽ đã quan sát kỹ trước khi khai hỏa làm lộ vị trí kích. Tiếng trung liên bây giờ vang rền góc rừng. Đạn hộc lên liên tục. Trời gần sáng nên tôi trông rõ những bóng người cố gắng ẩn núp sau một thân đại thụ. Đã có hai xác trúng đạn nằm tênh hênh cạnh những vật gì như bao bố. Những đường đạn của tôi và Trình vạch vung vãi quanh thân cây. Trong lúc tôi ngạc nhiên vì không thấy quân Khmer Đỏ bắn trả, trái B-41 của Hợi từ sau bắn tới, bay qua xịt khói. Tiếng nổ chát và rung động. Tôi chỉ kịp chớp mắt khi thấy ánh lửa cam và hơi nóng hực phả vào mặt. Hợi đã bắn tiếp. Trái B-41 thứ nhì nổ tan ngay trên thân cổ thụ. Những cành cây cháy đỏ vung vãi, khói đen đặc lẫn mùi khét. Tôi chưa kịp định thần vì sức dội ép quá mạnh của hai trái nổ liên tục làm tức lồng ngực thì Hợi đã chạy lên, ngoắc Trình và ban lệnh cho tôi:

- Cậu ở lại bao bãi.

Nhìn Hợi tay cầm K-54 chạy thoăn thoắt, tôi mới nhận Trình có lý. Hai trái B-41 vừa rồi bắn chính xác với tầm xa một trăm năm mươi thước và cách nhận định tình hình nhanh chóng hiệu quả, chứng tỏ Hợi là bộ đội ưu tú, không chỉ là người dân Bắc quê mùa như tôi nghĩ. Tôi nằm lại hố cá nhân ghìm súng canh chừng cho Hợi và Trình xung kích. Năm phút trôi qua không có gì xảy ra, du kích Khmer Đỏ có lẽ đã chết hết. Trình và Hợi lên thẳng gốc cây bị chém gẫy. Chờ đến khi hoàn toàn không thấy gì khả nghi, tôi rời khỏi hố. Trời mờ sáng. Đám cháy chưa tắt, tan hoang ngập ngụa thuốc súng. Từng vạt sáng tím xuyên qua cây rừng. Song tôi không có thì giờ ngắm hừng đông. Hợi và Trình to tiếng gần như cãi vã.

- Không phải Khmer Đỏ, toàn ông già bà cả thôi.

Trình lớn tiếng.

- Thì đấy là giao liên của giặc.

Giọng Bắc Thanh Nghệ của Hợi nặng và gay gắt.

- Nhưng họ không có võ trang súng ống gì hết.

- Tôi đã bảo đồng chí họ làm anh nuôi cho quân phản động. Cứ nhìn mấy bao gạo là biết.

Sự hiện diện của tôi làm Hợi thêm khó chịu. Sau cái quắc mắc, Hợi ra lệnh:

- Các đồng chí mang mấy cái xác ra vất sau bụi cây kia.

Lúc này tôi mới nhận ra hai người Miên sống sót bị bắt. Một thằng nhỏ độ mười ba, mười bốn tuổi bị trúng hai mảnh B-41 vào đùi và một đứa con gái Miên trạc tuổi tôi, khoảng mười tám, mười chín không thương tích. Thấy tôi tần ngần, Hợi giục:

- Khẩn trương tranh thủ lên để còn di chuyển nào!

Năm cái xác của ba người đàn ông và hai người đàn bà lớn tuổi ghim đầy mảnh và cháy phỏng loe loét, được chúng tôi ném xuống chỗ trũng sau mô đất. Trình mở kíp một trái lựu đạn gài dưới bụng người đàn ông nằm úp. Hành động của Trình mâu thuẫn, vì mới vừa rồi Trình cãi vã với Hợi vì cho lệnh chúng tôi bắn vào thường dân. Nhưng tôi hiểu, trong chiến tranh, sự sinh tồn nhiều lúc xô đẩy vào chỗ tàn ác không tránh được. Tôi tin mình cũng sẽ cài lựu đạn dưới cái xác lật xấp nếu Trình đã không làm trước. Nếu thật sự tốp người kia là du kích Khmer Đỏ, đồng bọn sắp kéo đến… việc gài bẫy là điều bắt buộc.

Tôi và Trình trở lại chỗ gốc cổ thụ cháy xém. Hợi cũng lui cui vừa cài xong trái lựu đạn bật kíp dưới một trong bốn bao gạo, ngẩng lên:

- Các đồng chí khuân mỗi người một bao, mình đi ngay.

Tôi lấy dây ba lô buộc vội vết thương quanh đùi thằng nhỏ Miên, rồi xốc bao gạo. Bao tải nặng độ hai mươi ký. Tôi và Trình không phản đối ý định tịch thu chiến lợi phẩm của Hợi vì số gạo này cần thiết cho chúng tôi trong nhiều tuần sắp tới. Ngày lên dần, ráng hồng nhạt bừng lên ở chân trời. Trong ánh nắng ban mai lấp lánh, tôi nhìn kỹ đứa con gái bị bắt. Không cao lắm, nước da đen sạm, nhưng đôi mắt sáng quả quyết. Cặp lông mày đậm và môi đỏ khiến đứa con gái đẹp man dại. Tóc cháy úa xổ tung pha thêm vào sắc đẹp sự hung dữ thường thấy ở phụ nữ Miên. Đứa con gái tuyệt nhiên không nói lời nào từ lúc bị bắt. Nó cõng thằng bé bị thương mà tôi đoán là em đi giữa tôi và Trình.

Chúng tôi cố băng mau qua rừng để ra nhanh đường lộ, chỗ ngã rẽ hôm trước. Trời sáng hẳn. Di chuyển cật lực, nhưng qua vài tiếng đồng hồ, Hợi phải nhìn nhận sức nặng của ba bao gạo vượt quá sức vận chuyển của tổ. Sau hai lần nghỉ chân thở dốc, Hợi đành bấm bụng cho đổ bớt mỗi bao năm ký gạo. Chúng tôi đi tiếp. Đường rừng rậm rạp và vác nặng nên bước rất khó khăn. Tôi vấp ngã nhiều lần mặc dầu Trình đã đeo hộ hai nồi đạn. Chốc chốc Hợi quay lại dòm chừng, ánh mắt kỳ lạ khi nhìn đứa con gái Miên. Đến trưa, mặt trời lên cao, trong rừng dầy đặc hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Bây giờ tất cả đều đuối sức, đói cồn cào. Hợi ngần ngừ trước khi quyết định cho tổ ăn trưa ở một trảng trống. Tôi và Trình lập tức nhóm lửa nấu cơm trong ống tre. Đến lúc này chúng tôi mới dám chắc không bị theo. Thật tình nếu quân Pol Pot tấn công, không vị trí chiến đấu, không sức lực, tổ chúng tôi sẽ bị diệt gọn. Song từ lúc chạm súng đến giờ đã hơn năm tiếng, quân Khmer Đỏ dư thời giờ bắt kịp và trả thù, không phải đợi lúc này.

- Các đồng chí ở đây. Tôi đi làm việc với chị này.

Hợi bất thình lình kéo tay đứa con gái Miên vào bụi, bỏ mặc tôi và Trình với thằng nhỏ. Đứa trẻ rên xiết, vết thương ở chân sưng tấy. Trình xé bao thuốc rê đắp vào đùi nó cho cầm máu. Chúng tôi không làm được gì khác.

- Những nguời Miên hồi đêm có lẽ là nông dân trong vùng.

Trình nói sau khi buộc lại miếng thịt đùi bị cứa rách của thằng nhỏ.

- Làm sao giải thích được việc họ chuyển gạo ban đêm?

- Chắc dân vùng xôi đậu sợ Khmer Đỏ và sợ cả bộ đội Việt Nam thu lúa gạo.

Nếu đúng như vậy, bài toán của chúng tôi có đáp số. Song sự an ninh dự đoán của phần đất Thái không che giấu được mặc cảm sát hại thường dân, tôi và Trình tránh nhìn nhau. Những cành củi khô cháy lặng lẽ. Một lúc lâu, Trình nói:

- Sẽ không về kịp Phum. Ăn xong ra đến lộ là chiều. Thằng Hợi thế nào cũng phải cho nghỉ đêm dọc đường. Hai cây số trước ngã rẽ, tối nay…

Trình bỏ lừng câu nói khi tôi gật đầu ra dấu hiểu. Cả hai loay hoay vừa thổi cơm vừa canh chừng chung quanh. Đúng lúc đó một tiếng thét vang đau đớn từ bụi rậm. Tôi và Trình cùng đứng bật dậy chạy vào bụi cây.

Một cảnh tượng phơi bày trước mặt cả hai. Đứa con gái Miên bị trói, hàng nút áo ngực đứt tung và Hợi đè lên mình nó. Nghe bước chân chúng tôi, Hợi đứng bật ngay dậy, một tay cài quần và một tay che gò má bị cắn rướm máu. Đôi mắt đứa con gái Miên long sòng sọc.

- Mình lấy cung nhưng nó ngoan cố đành dùng biện pháp…

Hợi lúng túng gượng gạo. Tôi chợt hiểu tia nhìn kỳ lạ của Hợi suốt dọc đường ban sáng. Sự thèm muốn dồn nén nảy sinh từ những ràng buộc gò bó. Trong rừng rậm, tính ưu việt đúng đắn không thắng được bản năng.

- May có các cậu…

Hợi đổi giọng thân mật khi thấy tôi và Trình không có vẻ hưởng ứng trò chơi tập thể. Hợi lùi lại tìm lối ra trước cái nhìn chằm chằm của Trình. Không khí nặng nề giữa ba chúng tôi, nhưng sau cùng Trình cũng để Hợi trở ra trảng không nói lời nào.

Hợi bỏ ra ngoài. Tôi và Trình cởi trói cho đứa con gái. Nó vừa gượng dậy vừa khép vạt áo, mặt không mất nét thù hận. Tôi không hiểu tại sao đứa con gái Miên đã không kêu cứu, chấp nhận để Hợi hãm rồi cắn trả thù. Hay nó nghĩ cả ba sẽ thay phiên nhau làm nhục nó?

- Sao không kêu cứu? Khmer Đỏ hả?

- …

Tôi rót một nắp nước trong khi Trình cố gắng nói chuyện bằng tiếng Pháp với nó. Tôi và Trình học trường Dòng lúc nhỏ, song sau sáu năm giải phóng tôi hoàn toàn quên mất sinh ngữ này, chỉ hiểu được hai chữ “camp” là trại và “rivière” là sông lúc Trình hỏi. Đứa con gái Miên hất đổ bi đông nước trên tay tôi, mím môi nhất định không hé răng. Tôi và Trình đành trở lại trảng gặp Hợi. Trình đề nghị thả, vì bây giờ rõ ràng là chúng tôi không thể dẫn hai chị em nó đi theo. Từ đây về làng còn xa, sau vụ hãm hiếp của Hợi, chắc chắn con nhỏ đã trở nên căm thù nguy hiểm, sẵn sàng rình rập cơ hội ám hại cả ba hay tẩu thoát. Hợi do dự và nghe theo, không vì nhân đạo nhưng vì muốn phi tang vụ việc.

- Thả cho mày đi. On te laisse t’en aller.

Đứa con gái Miên thông minh hơn tôi nghĩ, nó hiểu tiếng Pháp và vùng khỏi tay tôi chạy lại cõng em nó ngay khi Trình vừa dứt lời. Cả hai biến mất trong rừng với một tràng tiếng Miên chửi rủa the thé. A-sơ-kay-dưa… A-giuông-cân-tóp… Tôi hiểu lõm bõm vài tiếng chửi đe dọa. Từ lâu rồi, người Miên vẫn muốn chặt đầu người Việt. Mấy chữ giuông-cân-tóp của con bé vang vang trong rừng.

Sau vài nắm cơm vắt nấu vội trong ống tre, chúng tôi lại lên đường. Rừng bớt rậm và mặt đất bớt lồi lõm nhưng tôi chợt đuối sức. Từ lúc kích, chạm súng đến giờ không quá mười tiếng mà tôi thấy dài kinh khủng. Cơn buồn ngủ ghê gớm của hai đêm ba ngày ập xuống làm đầu tôi váng, nhức buốt và mệt mỏi. Nắng hâm hấp của khu rừng bao phủ như cơn sốt bừng bừng đang dâng cao trong mình tôi. Hình ảnh mấy các xác chết bê bết máu, cặp mắt oán hận và thân thể đứa con gái Miên cùng trang lứa hở hai ngực vú, chờn vờn ẩn hiện sau mỗi tùm lá. Bước chân tôi trĩu nặng trong khu rừng bềnh bồng và bầu trời gay gắt, dao động… Khi cánh rừng thưa dần và mặt nước sông sáng rực chiếu vào mắt, tôi khuỵu xuống ngã trên mặt lộ…

*

Đêm. Trình đánh thức tôi dậy. Chung quanh tối đen như mực không một tiếng động. Một thoáng, tôi tưởng mình ngủ quên đang khi kích, nhưng rất nhanh tôi nhớ lại mọi chuyện. Buổi chiều ra đến lộ chúng tôi mệt lả, lê lết thêm một cây số thì dừng hẳn. Tại đây chúng tôi tình cờ gặp hai tổ tam tam của một đơn vị anh nuôi thuộc trung đoàn 57 của sư đoàn 304 từ Phum Tà Krêy xuống vận lương. Lúc đó tôi mệt quá, chỉ nhớ Trình có mua lại của anh nuôi ba can rượu năm lít. Sau đó chúng tôi đóng chốt. Hình như bộ đội anh nuôi chốt bên kia lộ, về phía rừng. Chia phiên gác xong tôi lăn ra ngủ, không nhớ gác đêm, chắc Trình đã gác thay. Bây giờ thức giấc, tôi tỉnh táo lạ lùng, mạch máu chạy rần rần làm tôi căng thẳng đến độ quên hết mệt mỏi của nhiều ngày qua.

Tôi bò theo Trình ra chỗ Hợi nằm. Trình chỉ tay ra hiệu lấy can rượu của Hợi. Can rượu còn phân nửa. Tôi lấy đeo vào người và nhận ra Trình cũng đeo hai can khác trên mình. Hợi ngủ say và ngáy nhỏ. Gió thổi nhẹ. Đêm nồng mùi đất. Ánh sáng duy nhất phát ra từ bầy đom đóm lập lòe. Trình đưa cao tay trên đầu Hợi, hơi thép của cây mã tấu rờn rợn. Ánh thép xanh. Đêm chợt biến dạng thành hình ảnh khủng khiếp của đêm rừng núi Bát Tam Bang với hố sọ người và hầm xác hôi thối… Tôi chợt đưa tay ngăn Trình, không rõ vì sao. Trình ngước mắt nhìn tôi không hiểu, lầm tưởng tôi muốn tự mình làm việc đó, trao mã tấu qua tôi. Tôi đón lấy như một phản ứng tự nhiên. Những thớ gân cánh tay co giật liên hồi. Tôi bỗng phân vân, trí óc bị giằng co. Tại sao ngăn Trình? Tại sao chùn tay? Có phải giọng Thanh Nghệ quê mùa của Hợi, lối trò chuyện chân tình nhiều lúc như anh em làm tôi do dự? Hay tôi thương hại cho Hợi, những nạn nhân bị lừa phỉnh đau đớn nhất? Tôi cố nhớ lại cảnh Hợi đè lên đứa con gái Miên có đôi mắt tóe lửa, hình dạng tan nát của xác người già. Song tôi biết vô ích. Không phải cử chỉ thân mật giả tạo của Hợi, cũng không phải cách tâm sự chất phác làm tôi yếu mềm. Chính cảm xúc nhân đạo cuối cùng còn sót lại trong mình, thứ tình cảm con người bị đánh giá hữu khuynh, đã ngăn tôi lại. Chúng tôi, những bộ đội gốc miền Nam chỉ cầm súng bắn khi sinh mạng bị đe dọa trực tiếp. Trước mặt tôi lúc này, không có vẻ mặt tàn nhẫn hay dâm dục. Hợi ngủ mê mệt như một nông dân Bắc say rượu. Tôi run tay, không thể… Trình đặt một tay lên vai tôi, gật đầu ra dấu đồng ý. Tôi thở nhẹ lúc Trình trườn ra xa.

Chúng tôi gom đồ đạc trong im lặng và đi mau ra bờ sông. Lau lá um tùm. Tôi và Trình vừa luồn cúi vừa vạt gai mò mẫm, lầm lũi trong rừng tranh. Sau đám tranh là cánh đầm lầy đen như mực. Tôi không trông thấy gì ngoài gấu áo Trình. Tiếng động của bước chân chúng tôi bì bõm trong sình lỏng, tiếng cóc nhái và ễnh ương nỉ non từng chập. Một con chim heo bay vụt qua kêu lớn làm tôi giật mình. Mặt nước bất ngờ hiện ra sau lau lách, mấp mé bấp bênh.

Trình dừng lại, thì thào:

- Trong vòng hai mươi cây số, khúc sông này hẹp nhất. Mình lội qua bờ bên kia, nhắm hướng Nam có một làng Thái tên là Phya-Kăm-Phụt.

Tôi gật đầu, phụ Trình đổ hết rượu trong ba cái can năm lít, buộc tụm lại bằng dây cước đem theo. Trình trút hết số đạn và lựu đạn phòng hờ cùng lương khô vào bao chuẩn bị sẵn. Tôi buộc khẩu AK và trung liên nồi song song trên ba cái can, chất lên đó bao gạo đã trút bớt còn mười ký. Tôi buộc gút tất cả lại, xiết, thắt chặt như một cái máy. Xong, chúng tôi cởi bỏ áo trấn thủ, nón cối, ba lô và dép râu, chỉ giữ trên người một quần bộ đội và áo thun lá. Tôi và Trình buộc mỗi người một đầu dây cước vào thắt lưng, đầu kia nối vào quai can không. Khi đã sẵn sàng, cả hai đứng lên hít thở thật nhiều không khí. Đêm thanh vắng, dòng nước đen lặng lờ và cỏ cây im lìm. Mãi mãi, chắc chẳng bao giờ tôi quên được phút giây đang diễn ra. Giờ phút chúng tôi chờ đợi từ bao lâu đang thành hình. Tôi và Trình thận trọng kéo cái bè nhỏ đơn sơ ra mặt nước. Chân tôi lún xuống bùn, nước sông dâng từ từ lên đầu gối, đến đùi, rồi bụng. Trước lúc trầm mình xuống nước, Trình chợt nắm vai tôi, hai đứa nhìn nhau. Trình mấp máy môi, định nói điều gì đó rồi lại thôi. Tình bạn đang ở ranh giới tự do của chia xa và tù đày. Sang bên kia may mắn, cả hai sẽ tìm vào một trại tị nạn, nếu gặp lính Thái sẽ bị giam cầm đánh đập và nếu gặp Khmer Đỏ là cầm chắc cái chết. Tôi và Trình sẽ sống sót trên đất hứa hay bỏ thây trong những giờ sắp đến? Phút này, tình bạn vượt qua mọi ngôn ngữ. Tôi siết tay Trình rồi cả hai cùng trầm mình xuống sông.

Nước lạnh và nhờn loang loáng như có chất dầu. Tôi bơi vài sải tay cho xa bờ trước khi chuyển sang bơi ếch. Tôi và Trình bơi song song, cứ năm, sáu thước lại ngừng, với tay kéo sợi dây cước đã mắc vào thắt lưng để lôi mảng bè lại gần. Cứ bơi, kéo bè rồi lại bơi. Chúng tôi bơi chậm vì sức nặng của bè. Mặt nước đặc, đen đậm, giãn ra rồi lại ụp vào. Tôi cố gắng bơi thật đều với Trình và tránh gây tiếng động song vẫn có cảm giác đang vùng vẫy làm khuấy động cả một khoảng sông. Tiếng chân bì bõm và nước róc rách không ngừng vang dội. Tôi hụp đầu rồi lại ngước lên, rồi lại hụp, ngước không biết bao nhiêu lần. Chừng như tôi bơi lâu lắm mà vẫn có cảm tưởng đang đứng tại chỗ và cái bè níu kéo, đóng đinh tôi vào vũng nước cứng đặc không di chuyển. Đêm dừng lại. Tôi hoàn toàn mất khái niệm về thời gian. Chúng tôi rời Hợi đã bao lâu? Tôi mù mờ bơi lội trong hố thẳm thời gian khuya khoắt. Đến khi dang tay kéo cái bè đến lần thứ một ngàn, tôi đuối sức. Những bắp thịt không chịu cử động, vâng theo sự sai khiến của trí não. Tôi cố ngước đầu nhìn bờ, nhưng chỉ thấy một khoảng tối đen đặc không chút ánh sáng, vô hình dạng. Tôi chìm xuống, ngoi lên rồi lại chìm xuống. Tôi thở hào hển, chân tay đập tứ tung, thân thể nặng như bị trì xuống đáy sông. Tôi gọi Trình trong lúc uống nước sặc sụa. Nước lờ lợ và mằn mặn. Tôi chìm xuống, uống thêm ngụm nước khi cùng lúc chân dẫm lên bùn.

Trình kéo tôi lên bờ sông. Tôi nằm vật ra đất, thở dốc. Mắt tôi mở lớn nhìn trời song không trông thấy gì, chỉ nghe tiếng động của bè nước đập vào đá và tiếng động Trình đang tháo dây cước. Lâu lắm, lúc tôi đứng dậy được, Trình đã rã xong bè, múc đầy hai can nước. Tôi đeo can nước và súng vào vai. Trình vác bao gạo lên vai, tay cầm AK.

- Mấy giờ?

- Quá nửa đêm.

Trình nhìn đồng hồ, đáp. Chúng tôi chỉ mới rời Hợi không quá một tiếng. Tôi loạng choạng, nghe đói và quặn thắt ruột. Trình đi trước mở đường, tôi bước theo sau, máy móc. Cả hai không hề quay nhìn đằng sau. Bây giờ là lúc mọi giác quan phải làm việc tối đa. Tôi đi theo Trình trong rừng. Không biết có phải trăng lên hay mắt tôi đã quen với bóng tối mà cảnh vật như sáng tỏ hơn. Tôi phân biệt được những thân cây và dây leo chằng chịt chăng ngang. Khung cảnh không khác mấy so với đất Miên. Có tiếng cú rúc lanh lảnh. Một vài tiếng sột soạt của chuột rừng và những con vật bò sát. Tôi đạp lên một hòn đá đau điếng. Chưa kịp định thần thì Trình đứng phắt lại ra dấu cho tôi đừng bước tới. Trình thụp người sau một thân cây nghe ngóng. Theo phản xạ, tôi tháo dây súng đeo vai ngồi vội xuống tìm chỗ nấp. Những giọt nước mặn không ngừng lăn xuống mí mắt và nhễu đọng trên mũi tôi. Mồi hôi lạnh vã ra ở thái dương và sống lưng làm tôi rùng mình. Trình im lìm bất động nhìn đăm đăm về một hướng. Bóng tối vây phủ tứ bề trở nên đe dọa. Khu rừng im tiếng gió hú, một đám mây trôi nhanh để lại tia sáng óng ánh trên cành lá. Linh tính báo cho chúng tôi biết có sự rình rập đâu đó, rất gần. Tôi thở đứt quãng, cố kéo cơ bẩm không gây tiếng động đẩy viên đạn lên nòng súng.

Bụi cây trước mặt chợt giao động rồi bỗng dạt hẳn sang bên. Tôi chỉ kịp thấy những khuôn mặt dữ dằn và đứa con gái Miên chiều hôm qua. Tất cả xảy ra thật nhanh sau đó. Trình và bọn Khmer Đỏ bắn cùng một lúc. Tiếng nổ chát chúa, xé nát đêm. Tôi bị hất ngã chúi như có ai lấy búa giáng mạnh vào khẩu súng tôi cầm. Bá khẩu RPD gẫy làm đôi, hai cườm tay tôi đau ê ẩm và xương sườn buốt nhói. Tôi không rõ viên đạn sau khi cắt đôi báng súng, có cắm vào mạng sườn mình hay chỉ trợt ngang. Mọi diễn biến xảy ra trong tích tắc, song tôi tỉnh táo kỳ lạ, nghe nhận được hết.

Trình bắn quạt vòng cung và ném trái lựu đạn vào lùm cây nơi có ánh lửa. Tiếng nổ, tiếng Miên la hét trộn lẫn vào nhau. Tiếng rú, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, cả khu rừng vùng chuyển động. Trình lôi bật tôi dậy, thay băng đạn và bắn liên tục.

- Chạy đi!

Trình đẩy mạnh tôi dạt bắn ra sau. Đạn Khmer Đỏ bắn vụt qua, xé không khí, cày mặt đất. Tôi chần chờ, không muốn bỏ rơi Trình, nửa muốn bỏ chạy vì sợ hãi.

- Chạy đi! Gặp lại sau!

Trình quát khi thấy tôi còn do dự. Chợt nhận ra sự thừa thãi vô ích của mình, tôi cắm đầu chạy.

tv2

Từ lúc này cả khu rừng là một khối lập thể chồng lên nhau, đổ ập vây bủa chung quanh. Những hình cây, bụi lá thoáng hiện thoáng mất bấu víu đan mắc, lúc kềm hãm lúc mở rộng. Tiếng súng AK dây chuyền vang dội lẫn với tiếng lựu đạn đuổi theo tôi bén gót. Đạn rượt bên tai, hình ảnh lũ lính Pol Pot dữ tợn với đứa con gái Miên chỉ trỏ the thé tắt hiện, tắt hiện. Tôi ngã xuống, đứng lên rồi lại ngã xuống, bước chân chới với trong chân không. Thân thể tôi rớt chạm xuống mặt nước tung tóe. Trong vô thức tôi đã chạy ngược trở lại và rơi xuống sông. Tôi bơi tận lực như cào cấu vào mặt nước. Như lúc nãy, tôi mang ấn tượng bị đè, dán chặt tại chỗ, không thể bơi nhích được một thước. Tôi đạp chân, sải tay vùng vẫy cật lực. Tôi không cảm thấy đau đớn mà chỉ sợ hãi trong đầu óc điếng lặng khi nghe tiếng súng im bặt. Trình chết rồi? Tình bạn muốn tôi quay trở lại cứu Trình nhưng não bộ tiếp tục ra lệnh cho tứ chi tôi quạt nước bơi mau về bờ bên kia. Dòng sông như chảy xiết, nước loáng nhờn và có lân tinh. Tôi thét gọi tên Trình, nước sông óng ánh bạc, mặt trăng tròn to chao động sóng sánh. Tôi bơi vào bờ. Không, hình như tôi trôi dật dờ, thả nổi về phía bờ. Rừng cây đen chập chờn, rậm rạp. Tàn cây nghiêng, bóng chờn vờn. Tiếng chân người rầm rập đạp lên cành gẫy. Một giọng nói nặng, âm Bắc quê mùa:

- Bọn trốn nghĩa vụ đang bơi dưới sông.

Lại có tiếng nổ. Tiếng súng CKC, tiếng phụt của những viên đạn xuyên xoáy trong nước. Thêm tiếng AK-47 lạch tạch từng loạt. Tôi tỉnh táo kỳ quặc, phân biệt sáng suốt từng tiếng động. Tôi muốn trở người bơi ngược lại bờ bên kia, phần đất Thái Lan. Nhưng cả hai bến bờ đều là địa ngục và tôi lạc mất Trình, tôi vùng vẫy cật lực, gào thét tuyệt vọng thấy mặt nước sẫm màu giống hệt chất lỏng sệt tuôn ra từ vết thương, rất nhiều vết thương… Tôi tỉnh táo kinh khủng, tỉnh táo đến phút chót chìm xuống đáy sông tôi vẫn còn trông thấy rõ đôi mắt căm thù của đứa con gái Miên và tiếng Bắc nặng giọng Thanh Nghệ vang vang.

*

Khanh, Thắng, Côn, Mẫn, Trình và Tùng là các bạn tôi trong Trường Phổ thông cấp III Bùi Thị Xuân, của các lớp 11C17, 11C18, 11D30 và Chuyên Toán. Như rất nhiều thanh niên miền Nam sau giải phóng, giữa năm học 1979 chúng tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự quốc tế bên Kampuchia. Rất ít sống sót trở về thành phố hay sang được Thái Lan. Các bạn tôi biến mất, giản dị, âm thầm vào những đồng cỏ Miên hoang dại. Họ bị xóa tên đang khi đem tuổi trẻ lầm lũi tìm một lối thoát. Nhưng đất Thái? Tệ hơn một lối thoát cay đắng.

Trần Vũ, 1987

Nguồn: Đăng lần đầu trên tạp san Làng Văn 1988. Bản đánh máy của Nguyễn Xuân Tường Vy, tháng 5-2009.
Create PDF

Phản hồi

2 phản hồi (bài “Đồng cỏ Miên”)

1.
Bắc Phong nói:
11/05/2009 lúc 10:20 sáng

trong hư cấu nỗi đau có thật
về bản chất phi lý chiến tranh
các vai đồng cỏ miên hoang dại
tất cả đều trúng tuyển nạn nhân
2.
Tôn Thất Tuệ nói:
11/05/2009 lúc 6:29 sáng

Tôi đến trại Sikiw Thái 1982. Theo trại trưởng Ban Hãn, 1981 trại còn chừng hơn trăm thanh niên Việt rã ngũ bên Miên đưa về Panat, còn trại nầy cho thuyền nhân.

Khoảng thu 1982, lúc gần trưa loa gọi tôi lên văn phòng trại gặp một người Mỹ. Ông nầy nói tôi được nhập cảnh Mỹ và yêu cầu tôi về lấy đồ đạc đi ngay ra Bangkok để làm thông ngôn và dịch tài liệu cho phòng tỵ nạn thuộc tòa đại sứ Mỹ sáu tháng cho đến khi Thái giải tỏa. Tôi đi theo phái đoàn phỏng vấn giải quyết trại đường bộ Arianapathet gồm mọi thành phần băng đất Miên qua Thái, không có nhóm rã ngũ nói trên.
Một hôm vừa xong một ca dịch trần ai lúc gần trưa, tôi được cô trưởng đoàn bảo lên xe về Panat thông dịch cho nhóm Hồ Chí Minh City. Tôi hết sức ngạc nhiên vì phỏng vấn người từ Saigon thuộc chương trình ra đi trật tự.

Patty cho biết HCM City là phân khu đặc biệt trong tổng trại Panat dành cho đào binh CS ở Miên không được định cư nhiều năm nay từ Sikiw về. Nhóm nầy chưa đi kịp thì Mỹ đổi tiêu chuẩn không cho họ qui chế tỵ nạn chính trị, tuy trước đó họ nhận bất cứ ai, cán bộ, gốc Nam, gốc Bắc…

Phiên họp giữa nhân viên di trú Mỹ và hai đại diện HCM City rất ngắn. Sau khi bị từ chối định cư, một anh nói: Đài phát thanh nói bỏ ngũ qua Thái sẽ đi Mỹ. Đáp: Anh không nói dối nhưng chính phủ Mỹ không nói thế.

Tôi vừa bước ra lối sau, phía trước nhau nháu. Một anh dùng dao đâm bụng, một anh tự thiêu. Người dùng dao được cứu sống; người dùng lửa ít hôm sau tan biến như bạn của Trần Vũ tan trong đồng cỏ Miên.

© talawas 2009