7/8/10

Phát biểu cảm tính của một nhà khoa học

Phát biểu cảm tính của một nhà khoa học
( Đoan Trang viết riêng cho Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông trên Facebook )


Từ ngày 29 tới ngày 31/7, một hội thảo khoa học với chủ đề “Tranh chấp Biển Đông Nam Á và vấn đề an ninh con người” đã diễn ra tại Đại học Temple, Philadelphia (Mỹ), với sự tham dự của gần 50 học giả Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, chủ yếu là nước ngoài. Đây là hội thảo hè lần thứ 13 của một nhóm các nhà nghiên cứu người Việt, trong đó có những trí thức nổi tiếng như GS Trần Hữu Dũng, GS Hà Dương Tường, TS Vũ Quang Việt, v.v. Phía Việt Nam tham dự lần này có ông Đinh Kim Phúc, giảng viên sử, Đại Học Mở TP HCM.
Ngày 28/7, một ngày trước khi diễn ra Hội thảo, Trưởng ban Tổ chức, TS Vũ Quang Việt đã có bài trả lời phỏng vấn của BBC. Nói về tình hình Biển Đông, ông Việt cho rằng: “Phải làm sao để dư luận thế giới hiểu rõ vấn đề vì chỉ khi đó họ mới có thể ủng hộ các giải pháp tốt đẹp được. Và bản thân chính người Việt Nam cũng phải hiểu rõ tình hình như thế nào trước. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam”.
Phát biểu của ông Vũ Quang Việt lập tức gây phản ứng trong giới nghiên cứu về Biển Đông. Có ý kiến từ phía Hội thảo cho rằng TS Việt đã làm sai nguyên tắc của Ban Tổ chức khi trả lời báo chí trước khi Hội thảo chính thức diễn ra; ngoài ra, đây chỉ là ý kiến cá nhân, không thể là tiếng nói của Hội thảo Mùa hè 2010.
Tuy nhiên, bước vào Hội thảo, TS Vũ Quang Việt một lần nữa lại nhắc lại ý kiến này. Quan điểm của ông bị phản bác ngay tại Hội thảo.
Sơ hở về học thuật
Những tài liệu nghiên cứu về lịch sử tranh chấp Trường Sa – Hoàng Sa đều có ghi lại rằng, ngay từ đầu thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo mỗi năm 8 tháng. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thủy trình. Năm 1835, Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp vào Đông Dương.
Năm 1932, chính quyền thực dân Pháp đã tuyên bố An Nam có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời sáp nhập Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên. Năm 1933, Pháp tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Đó đều là những “chứng cứ tài liệu trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, phân tích cụ thể sơ hở trong luận điểm của ông Vũ Quang Việt: “Pháp đã tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo một cách phù hợp với Công ước Berlin. Chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa mặc định đi cùng chủ quyền đối với Việt Nam. Sau này, Pháp trao trả chủ quyền lại cho Việt Nam, nghĩa là hiển nhiên Việt Nam có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Có vẻ như ông Vũ Quang Việt đã nhìn nhận thiếu điều mặc định trên, nên hiểu lầm là Pháp phải tuyên bố cụ thể rằng họ trả hai quần đảo trên cho Việt Nam thì Việt Nam mới có thể có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa”.
Cũng có thể ông Vũ Quang Việt cho rằng, khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa thì đó là hành động thực dân của một nước thực dân, không phải là sự xác lập chủ quyền cho Việt Nam. Theo ông Dương Danh Huy, quan điểm này, nếu có, sai trầm trọng vì “trong luật quốc tế, nhất là trong các phiên tòa về tranh chấp lãnh thổ, thì những hành động, thỏa thuận, động thái của các nước thực dân trong thời kỳ thuộc địa là luận điểm cơ bản trong việc phân xử. Tòa sẽ xem xét trong thời thuộc địa, các nước thực dân đã làm gì, không làm gì, để xem vùng lãnh thổ trong quá khứ thuộc về ai, và lấy đó làm điểm xuất phát”. Ở đây, có thể nói rằng TS Vũ Quang Việt có xu hướng sa vào cảm tính “không công nhận hành động của nước thực dân trong thời kỳ thuộc địa”. Đáng tiếc là, theo ông Dương Danh Huy, quan điểm đó cũng chính là lập luận mà phía Trung Quốc hay sử dụng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Không có lợi về chính trị
Trước sự phản bác của một số học giả trong và ngoài Hội thảo, TS Vũ Quang Việt cho rằng ông chỉ đưa ra quan điểm cá nhân về học thuật. Về điểm này, ông Lê Minh Phiếu, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, góp ý: “Tôi luôn quan niệm rằng, việc tìm những chứng cứ và lập luận cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông giống như việc một luật sư bảo vệ cho thân chủ của mình (mà trong trường hợp này, thân chủ là Nhà nước, là quốc gia Việt Nam). Nhiệm vụ của luật sư đối với thân chủ là bảo vệ thân chủ. Do vậy mà chúng ta không nên công bố rộng rãi những luận cứ và luận chứng bất lợi cho thân chủ của chúng ta cho bên ngoài. Việc trao đổi, nếu có, phải trong phạm vi bảo mật. Vì thế, việc công bố trên BBC một nhận định như vậy theo tôi là không nên, không đúng về mặt chính trị, ngay cả trong trường hợp nhận định đó là quan điểm cá nhân về học thuật”.
Trong bài trả lời BBC, TS Vũ Quang Việt có nói: “Nếu các bên bây giờ đẩy mạnh tinh thần dân tộc, vận động người dân trong nước chiến đấu bảo vệ, sống chết với nó thì sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh hết sức vô ích. Nhưng nếu ta thừa nhận đây là một vùng hải đảo không thuộc về ai, thì sẽ vận dụng công pháp quốc tế để giải quyết vấn đề”. Có thể ông muốn hạn chế tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong những tranh chấp về chủ quyền. Tuy vậy, vấn đề là Việt Nam thực sự có chứng cớ về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa, và do vậy không nên cho rằng chúng ta đang đòi hỏi cao hơn mức mà Việt Nam lẽ ra được hưởng theo luật pháp và theo lẽ công bằng.

MẶT TRÁI CỦA MỘT TRUNG QUỐC CHINH PHỤC

MẶT TRÁI CỦA MỘT TRUNG QUỐC CHINH PHỤC
(Tạp chí “Politique internationale” số 127/2010)

Việc mở cuộc chiến lãm thế giới tại Thượng Hải ngày 1/5/2010 là điểm nhấn của một năm 2009, năm đánh dấu một bước ngoặt trong sự khẳng định những tham vọng toàn cầu của đất nước Trung Hoa. Dựa vào khả năng kháng cự dẻo dai của nền kinh tế của đất nước mình trước cuộc khủng hoảng – một sự tăng trưởng 8,7% so với một sự suy thoái 2,4% ở Mỹ và 5% ở Nhật Bản – Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng sự bảo lãnh của mình từ nay là cần thiết đối với các vấn đề quốc tế lớn.
Tháng 4/2009, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tự tin vào bản thân mình và quả quyết, đã chi phối cuộc họp các nước thuộc G20 tại Luân Đôn, thủ đô của nước Anh. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không dừng lại ở đó trong hội nghị cấp cao ở Côpenhaghen hồi tháng 12… với tinh thần phối hợp thể hiện trong hội nghị G20 để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thế giới. Bức thông điệp là rõ ràng: đối với các vấn đề môi trường cũng như đối với các vấn đề khác (chính sách hối đoái, nhân quyền, vấn đề Tây Tạng…), Trung Quốc muốn buộc các nước khác phải tôn trọng chủ quyền của mình và không nhượng bộ trước sức ép ở bên ngoài. Nếu các cuộc cải cách phải diễn ra thì cũng phải với nhịp độ mà Trung Quốc cho là tương hợp với những mục tiêu riêng của mình: tiếp tục một sự tăng trưởng vững vàng, sự toàn vẹn lãnh thổ, vai trò lãnh đạo của đảng v.v…
Dưới con mắt của một số nhà quan sát, sự kết hợp lòng quyết tâm mang màu sắc ngạo mạn này với thành công vang dộ về kinh tế (tỷ lệ tăng trưởng năm 2009 là 8,7% bất chấp cuộc khủng hoảng, vươn lên là nhà xuất khẩu hàng đầu và thị trường ô tô hàng đầu trên thế giới v.v…) là dấu hiệu cho thấy rằng Trung Quốc đã tự cho mình là người đối thoại không thể lẩn tránh của Mỹ trong cái gọi là hội đồng điều hành thế giới; nhóm G2 này đã đóng dấu bảo đảm chấm dứt sự bá quyền của Mỹ, giai đoạn tạm thời trước khi một đất nước Trung Quốc chinh phục có thể chiếm “vị trí thích đáng” trên thế giới – tức là đến lúc nào đó, sẽ là vị trí hàng đầu. Một sự gợi lại của lịch sử không phải là vô ích để tiết chế sự hăng hái quá mức của các phương tiện thông tin đại chúng khi nói về sự nổi lên của cường quốc Trung Quốc. Trong những năm 1980, không có cái gì dường như kìm hãm được sự bay bổng sáng chói về sức mạnh công nghiệp, công nghệ và tài chính của đất nước Nhật Bản trước sự suy tàn của Mỹ. Nhật Bản đã chinh phục được toàn thế giới và tấn công vào các biểu tượng của nước Mỹ – Rockefeller Center, CBS Records, Uninversal MCA v.v… Người ta biết rõ điều gì xảy ra tiếp sau sự lên giá của đồng yên và sự đầu cơ trong suốt những năm cuối 1980, sau đó là sự trì trệ về chính trị của thập niên tiếp sau đó. Đối với Trung Quốc, kinh nghiệm này của Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990 đã được xem xét kỹ lưỡng và những bài học đã được rút ra từ đó. Trái với cảm tưởng mà một số thái độ hoặc những lời tuyên bố mới đây có thể mang lại, không phải sự ngông cuồng chỉ đạo các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà, trái lại, một nhận thức sắc sảo về những thách thức mà đất nước này phải đương đầu nếu họ muốn giành lại vị trí của mình sau hai thế kỷ vắng bóng. Nhà lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (PCC) Zeng Bijian đã tóm tắt những thách thức này vào năm 2004 theo “nguyên tắc về phép nhân và phép chia”: “Mọi phép tính đều nhân với 1,3 tỷ (người) và mọi kết quả đều chia cho chính con số trên”. Những thách thức này bao gồm ở 3 lĩnh vực đối với Trung Quốc. Về mặt đối nội, tiến hành cải cách mô hình kinh tế và sửa chữa những sự mất cân bằng xã hội. Về mặt khu vực, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á bất chấp ảnh hưởng kinh tế nổi trội của Nhật Bản. Về mặt quốc tế, dung hòa việc bảo vệ những lợi ích riêng của mình và những trách nhiệm là cường quốc lớn trong khuôn khổ một chủ nghĩa đa phương đã được công bố.
Một sự phụ thuộc gấp ba vào nước ngoài
Những thách thức nội bộ của Trung Quốc đang gia tăng nhưng vào lúc này nó xuất phát từ một mô hình phát triển vừa dẫn đến một sự phụ thuộc mạnh mẽ đối với nước ngoài vừa dẫn đến tình tạng mất cân bằng đến mộ lúc nào đó không thể chịu đựng được cả về mặt xã hội lẫn về môi trường. Nền kinh tế của Trung Quốc có một tiềm năng thực tế về sự tăng trưởng nhờ hai con bài chủ yếu: tiền tích lũy nhiều (nhất là do một sự bảo hộ xã hội yếu) và lượng nhân công dồi dào (với điều mà người ta có thể gọi là một “đội quân dự bị” kép những người lao động). Tuy nhiên, mô hình phát triển của Trung Quốc khiến cho nước này phụ thuộc vào nước ngoài. Đúng vậy, sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn dựa vào xuất khẩu, bộ máy sản xuất của Trung Quốc phần nhiều cần đến các công nghệ của nước ngoài và sự bùng nổ nhu cầu về công nghiệp đòi hỏi phải nhập khẩu hàng loạt các nguyên liệu. Về xuất khẩu, tỷ lệ tăng trưởng 8,7% được ghi nhận vào năm 2009 không phải là ảo tưởng. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đén gót chân Achill của Trung Quốc – sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu – và sự tăng trưởng của năm 2009 chỉ đạt được nhờ các vốn đầu tư công cộng ồ ạt. Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng là rõ ràng: mô hình tăng trưởng phải tái tập trung vào nhu cầu gia dụng trong nước. Thế nhưng, nhu cầu này đã giảm mạnh từ năm 1996 đến 2008, từ 47% giảm xuống còn 37%, trong khi trái lại phần xuất khẩu lại tăng vọt từ 20% lên 40%. Sự thay đổi triệt để này trong mô hình tăng trưởng đòi hỏi phải có một sự tăng thu nhập của các gia đình cũng như sự phổ cập một sự bảo bộ xã hội hiện đang chỉ là từng phần. Một sự tiến triển như vậy sẽ là chậm chạp và nền kinh tế sẽ vẫn còn phụ thuộc lâu dài vào xuât khẩu và do đó, dễ bị tổn thương trước những biến cố về nhu cầu của thế giới.
Điều bất lợi khác của ngành công nghiệp Trung Quốc: một sự phụ thuộc mạnh mẽ về công nghệ mà chính quyền nước này đang nỗ lực giảm bớt bằng cách dành cho nó nguồn quan trọng về tài chính và nhân lực. Các công nghệ của quốc gia chỉ còn chỉ chiếm 30% kho kỹ thuật của đất nước. Mục tiêu là đảo ngược chỉ số này đến năm 2020. Những chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng gấp ba lần trong vòng 6 năm nhưng chỉ chiếm 1,4% tổng sản phẩm quốc nội so với 3,4% đối với Nhật Bản và 2,6% trung bình đối với các nước thuộc OCDE. Ngay cả trong các lĩnh vực công nghệ cao, các nguồn mà các xí nghiệp dành cho công cuộc nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm 4% việc bán hàng so với 38% ở Mỹ và 29% ở Nhật Bản. Cần phải nhắc lại rằng con số này bao gồm cả các xí nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc như Dell, Toshiba, v.v…, thực hiện khoảng 70% lượng xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc. Bất lợi lớn thứ ba cản trở một sự tăng trưởng mạnh mẽ: sự phụ thuộc về việc cung cấp nguyên liệu. Mặc dù Trung Quốc có các nguồn khoáng sản dồi dào, nhưng vẫn chưa đủ để duy trì cho sự tăng trưởng rất nhanh và rất tốn kém này. Những nhu cầu về năng lượng là rất to lớn: với tổng sản phẩm quốc nội chỉ chiếm 8% của toàn thế giới, Trung Quốc đã thu hút 17,7% nguồn năng lượng được sản xuất trên hành tinh, và tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030. Dù Trung Quốc tự cung cấp được phần lớn than, nguồn năng lượng quan trọng nhất (64%), thì sự phụ thuộc của Trung Quốc về dầu lửa vẫn gia tăng vì Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều dầu lửa thứ hai trên thế giới, sau Mỹ: tự cung cấp cho đến năm 1992, từ nay Trung Quốc phải nhập khẩu một nửa lượng tiêu thụ dầu lửa, khiến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lửa nhiều thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản (năm 2008, nhập khẩu thô của Trung Quốc chiếm 10% toàn thế giới và chiếm 48% nhu cầu của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến năm 2008, nhập khẩu thô của Trung Quốc đã tăng 68% so với 10% đối với toàn thế giới). Từ nay đến năm 2030, nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc sẽ tăng gấp ba và tỷ lệ phụ thuộc sẽ đạt 80%, nhất là do bãi để xe khi đó sẽ gồm 270 triệu chiếc – nhiều gấp 5 lần qui mô hiện nay. Để giảm bớt sự phụ thuộc của mình về nguyên liệu và năng lượng, Trung Quốc đã tăng cường việc nghiên cứu và thăm dò các mỏ dầu mới trên lãnh thổ của mình, nhất là ở Tây Tạng; Sở dĩ chính quyền tỏ thái độ không nhân nhượng về vấn đề Tây Tạng không phải là do nỗi ám ảnh về sự toàn vẹn lãnh thổ, mà là do nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào ở tỉnh này. Phần chủ yếu của các nguồn mới là từ nước ngoài và sự an toàn cho việc cung cấp năng lượng cho thấy rõ nền tảng địa lý của một nền ngoại giao kinh tế cực kỳ năng động ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông. Trung Đông có một con bài chủ đạo cho phép giảm bớt sự phụ thuộc này: qui mô của các phương tiện tài chính mà Trung Quốc có được nhờ việc tích lũy những số dư từ cán cân thanh toán của nước mình. Cũng giống như Nhật Bản trong những năm 1980, việc Trung Quốc nhanh chóng trở nên hùng mạnh về mặt tài chính thể hiện bằng những khoản tiền tích lũy trong nước rồi lại được chuyển ra nước ngoài: xuất khẩu các sản phẩm chế biến và cũng xuất khẩu cả vốn. Số dư hiện hành năm 2008 đạt 426 tỷ USD, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội – một con số phi thường đối với một nước lớn mới nổi. Tài sản minh bạch của Trung Quốc ở nước ngoài, khấu trừ từ khoản nợ, là 1.519 tỷ USD năm 2008 (chiếm 35% tổng sản phẩm quốc nội). Trữ lượng hối đoái chính thức đã tăng 12 lần kể từ năm 2000 và đạt 2.400 tỷ USD vào tháng 12/2009. Người ta cho rằng hơn hai phần ba số tiền trên được đầu tư bằng USD, nhất là bằng trái phiếu của kho bạc Mỹ. Trung Quốc (theo sau là Nhật Bản) nắm giữ 22% khoản nợ công nước ngoài của Mỹ và trở thành chủ nợ hàng đầu nước ngoài của Mỹ. Gần như chắc chắn là phần tiền tích lũy này chỉ hạn chế ở việc phổ cập sự bảo trợ xã hội – điều kiện cho một sự tái định tâm nền kinh tế trên thị trường nội địa. Hơn nữa, việc sử dụng số dư phải được tái định hướng: thay vì tài trợ cho những sự thâm hụt của Mỹ, sức mạnh tài chính này cho phép Trung Quốc bảo đảm an ninh cho việc cung cấp năng lượng của mình bằng những hợp đồng dài hạn và sở hữu ở nước ngoài các công ty công nghệ cao, như vậy là đốt cháy giai đoạn để theo kịp Nhật Bản trong các lĩnh vực tương lai. Tiến trình đã được bắt đầu một cách rộng rãi. Nó thể hiện bằng một sự tăng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, từ 3 tỷ USD năm 2003 tăng lên đến 52 tỷ USD năm 2008. Vào lúc này, điều chủ yếu là tập trung vào lĩnh vực nguyên liệu và năng lượng (châu Phi, Mỹ Latinh, khu vực Trung Á). Tuy nhiên, một chính sách công nghiệp theo thuyết ý chí dần dần thể hiện rõ: nó huy động các nguồn tài chính lớn cho việc các công ty hàng đầu quốc gia phát triển ở nước ngoài và cho việc các công ty Trung Quốc hoặc quĩ China Investment Corporation, thành lập tháng 9/2007, đạt được thành quả trong các lĩnh vực chiến lược.
Những sự mất cần bằng nội bộ đáng lo ngại
Ngoài 3 sự phụ thuộc trên có thể đe dọa sự tăng trưởng, chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn nhận thức được những mối đe dọa có thể gây tổn hại đến tính hợp pháp của Đảng nếu sự rạn nứt xã hội lan rộng và nếu cuộc khủng hoảng môi sinh không được ngăn chặn.
Sự phát triển của Trung Quốc đã cho phép một sự giảm đáng kể nạn đói nghèo, nhưng nó cũng dẫn tới một sự rạn nứt kép. Những sự bất bình đẳng xã hội không ngừng gia tăng và những sự chênh lệch giữa các khu vực không ngừng lan rộng. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị gần như tăng gấp đôi trong vòng 20 năm và những người dân nông thôn, chiếm 55% số dân, chỉ nắm giữ 11% số tài sản của đất nước. Những sự bất bình đẳng về thu nhập ở cấp quốc gia khiến cho những sự chênh lệch giữa các khu vực, giữa các tỉnh miền biển với các tình khác, gia tăng mạnh mẽ. Các cấp chính quyền, khuyến khích việc thực hiện biểu ngữ “xã hội hài hòa”, thể hiện ý muốn giảm bớt những sự mất cân bằng này. Về cái gọi là những sự chênh lêch giữa các khu vực, một số tiến bộ đã được ghi nhận từ đầu những năm 2000; trái lại, những sự bất bình đẳng xã hội vẫn gia tăng và nạn đói nghèo vẫn ảnh hưởng đến 16% dân chúng – theo những tiêu chuẩn đã được đề ra thì thậm chí tỷ lệ này là 36% – gần như không giảm nữa từ cuối những năm 1990.
Mối đe dọa thứ hai: thảm họa môi sinh mà tiến trình công nghiệp hóa quá mức và công cuộc đô thị hóa rất nhanh chóng dẫn tới. Do việc sử dụng quá mức than, năm 2007, Trung Quốc đã trở thành nước xả khí điôxin các bon hàng đầu chiếm 21% tổng lượng toàn thế giới. Hơn một phần ba lượng nước sông bị ô nhiễm; một nửa lượng nước giếng bị ô nhiễm; và 300 triệu người dân nông thôn không được dùng nước sạch. Các cơn mưa axit ảnh hưởng đến một phần ba lãnh thổ và Trung Quốc có 20 trong số 30 thành phố bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Tình hình càng đáng lo ngại hơn vì nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc – khoảng 15% tổng số hiện nay trên thế giới – gần như sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030. Vì vậy, điều tồi tệ có thể sẽ xảy ra nếu các cuộc cải cách hà khắc không được tính đến. Trong các hội nghị của Liên Hợp Quốc diễn ra vào năm 2009 về mối đe dọa của khí hậu, Trung Quốc đã cho biết rằng từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ tăng phần năng lượng có thể tái tạo trong quá trình tiêu thụ năng lượng khoảng từ 15% đến 20%; Trung Quốc cũng đề nghị giảm bớt khoảng từ 40% đến 45% “lượng các bon” so với năm 2005 trong nền kinh tế của mình. Đề nghị này không bảo đảm một sự giảm khí thải theo giá trị tuyệt đối, nếu sự tăng trưởng vẫn còn mạnh thì những lượng khí thải có thể vì thế mà gia tăng, mặc dù với một nhịp độ chậm hơn. Thỏa thuận đã ký tại Côphenhaghen hồi tháng 122009 chỉ hạn chế ở những lời tuyên bố về ý định mà không phải là bắt buộc do lập trường không thể hòa giải được của Mỹ và Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, đây không phải là là những đòi hỏi của các nước phát triển, đứng đầu là Mỹ, những nước sẽ chuyển hướng chính sách của mình, mà là những sự phân xử mà chính quyền sẽ thực hiện giữa nhịp độ và chất lượng của sự tăng trưởng dưới sức ép của dư luận công chúng Trung Quốc. Thực vậy, cuộc khủng hoảng môi sinh đang góp phần vào sự gia tăng cuộc tranh cãi của nhân dân và các “cuộc nổi dậy xanh” của những người phản đối sự gây ô nhiễm của các công xưởng ở sát bên đang gia tăng. Cũng như các cuộc nổi dậy của những người dân bị lãng quên từ sự tăng trưởng (những nông dân được thuê mướn với giá thấp, những người ăn lương bị thôi việc và vì vậy không được sự bảo đảm của xã hội v.v…), các hành động này vẫn có tính chất hạn chế và không dẫn đến các phong trào có cơ cấu chặt chẽ ở cấp tỉnh hoặc quốc gia. Nhưng số lượng của nó không ngừng tăng và mầm mống gây ra tình trạng bất ổn này khiến chính quyền lo ngại vì họ biết rằng hòa bình và sự đoàn kết nhất trí xã hội là điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục một sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Cạnh tranh với Nhật Bản để giành ưu thế về kinh tế ở châu Á
Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rõ rằng tính hợp pháp và sự sống còn của mình là dựa vào kết quả của chính sách kinh tế và sự khẳng định sức mạnh của đất nước Trung Quốc trên thế giới, bắt đầu là châu Á, nơi Trung Quốc phải loại bỏ đối thủ Nhật Bản của mình. Ngoài biểu ngữ “trỗi dậy hòa bình”, mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một “đất nước giàu có và hùng mạnh”, thành ngữ đã được sử dụng trong công cuộc khôi phục kỷ nguyên Minh Trị hồi năm 1868 cho phép Nhật Bản tự coi mình như một cường quốc khu vực và thế giới. Giờ đây, cả hai nước thống trị châu Á chiếm một vị trí trái ngược nhau trong phép biện chứng giữa sự giàu có và hùng mạnh này. Nhật Bản tự coi mình là người lãnh đạo về kinh tế ở châu Á nhưng Hiến pháp theo tư tưởng hòa bình của nước này lại không cho phép họ thực hiện những con bài mang tính chiến lược đối với nước làng giềng khổng lồ của mình. Trái lại, Trung Quốc đã lao vào một cuộc chạy đua nhằm bù lại sự thụt lùi về kinh tế của nước mình. Khả năng của Trung Quốc trong việc tự coi mình là cường quốc duy nhất trong khu vực, dựa vào ưu thế cả về kinh tế lẫn chiến lược của mình, phụ thuộc vào kết quả của cuộc cạnh tranh này.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Golman Sachs hồi năm 2007 về các cường quốc lớn mới nổi “BRIC” (Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu trên thế giới (tổng sản phẩm quốc nội và thu nhập tính theo đầu người dân với tỷ giá hối đoái của thị trường. Những tác động của cuộc khủng hoảng có thể còn làm gia tăng những khác biệt về sự tăng trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ và như vậy là đẩy mạnh sự đuổi kịp này), thậm chí chỉ đến năm 2027. Mặc dù những điều dự kiến về lâu dài còn rất bấp bênh, nhưng rất có khả năng là trong khoảng 20 năm tới, Đế quốc Trung Hoa sẽ lại đứng ở hàng đầu, vị trí mà nước này đã từng có vào đầu thế kỷ 19, cho dù mức sống của người dân ở nước này vẫn thấp hơn mức sống của người dân tại các nước phát triển. Trong thứ tự thế giới mới, Trung Quốc sẽ đứng đầu, tiếp theo là Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, nước đến năm 2030 chỉ chiếm một phần tư nền kinh tế của Trung Quốc. Rất có thể tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ vượt tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản ngay từ năm nay. Sự lật ngược thế cờ này chắc chắn tạo ra một ảnh hưởng mang tính biểu tượng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự vươn lên này của Trung Quốc, mà cuộc khủng hoảng đã đẩy mạnh, là nằm trong trật tự của tình hình: đây là biểu hiện của trò chơi cơ học về sức mạnh, vì dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc nhiều gấp 10 lần so với Nhật Bản. Trái lại, về mặt chất lượng, khoảng cách về năng suất giữa hai nền kinh tế vẫn rất lớn, tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người dân ở Trung Quốc thấp hơn 10 lần so với Nhật Bản. Ngoài ra, ưu thế về kinh tế cảu Nhật bản đã được khẳng định ở châu Á trên tất cả các mặt – công nghệ, công nghiệp và tài chính. Được ủng hộ bởi một nền ngoại giao kinh tế tích cực, Nhật Bản đã triển khai một mạng lưới rất dày đặc các xí nghiệp và ngân hàng, mạng lưới này bao phủ toàn khu vực và cơ cấu phân chia việc làm của khu vực. Nhật Bản đã tài trợ phần lớn cho sự phát triển của châu Á mới nổi và, mặc dù có những vết ô nhục trong lịch sử, Nhật Bản vẫn là một mô hình tham khảo không thể bỏ qua đối với các nước châu Á, mà phần lớn đã học theo mô hình kinh tế của Nhật Bản. Con át chủ bài của Nhật Bản để duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế của mình ở châu Á là khả năng đổi mới tuyệt vời (các xí nghiệp của Nhật Bản chiếm 70% thị trường thế giới trong ít nhất 30 lĩnh vực công nghệ mà mỗi lĩnh vực là một thị trường hàng năm mang lại ít nhất một tỷ USD). Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả các phương tiện của mình trong cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ này.
Hiện nay, bản tổng kết về công nghệ của ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn còn khá tương phản nhau, nhưng sự đuổi kịp đang đạt được những bước tiến lớn trong một số lĩnh vực có độ nhạy cảm cao (như chế tạo ô tô, công nghiệp vũ trụ và đường sắt v.v…). Tháng 9/2008, tàu Thần Châu 7 của Trung Quốc chở người lên vũ trụ đã đạt được thành công vang dội. Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đã không quên nhấn mạnh rằng Trung Quốc, từ nay trở thành cường quốc về vũ trụ, đã thực hiện được kỳ tích này trước khi Nhật Bản có thể đạt được điều đó. Thí dụ khác là về các siêu máy tính với việc sắp đưa vào sử dụng loại máy tính Dawning dòng 6.000 sử dụng một bộ xử lý Gordson – 3 của Trung Quốc và sẽ là một trong 5 bộ xử lý mạnh nhất thế giới. Việc tăng nguồn dành cho công cuộc nghiên cứu từ năm 2000 đã được nói tới nhiều. Đây là một dấu hiệu tốt đẹp cho thấy chính sách rất theo thuyết ý chí mà Trung Quốc muốn thực hiện để trở thành “phòng thí nghiệm của thế giới” chứ không chỉ là “công xưởng của thế giới” nữa. Lễ khai mạc hoành tráng Thế vận hội Olympique Bắc Kinh ngày 8/8/2008 đã nhắc lại vấn đề “4 phát minh lớn” của Trung Quốc cũ, compas, giấy, nghề in và phấn đen. Đây cũng là một bức thông điệp và một cách để nhắc lại với phần còn lại của hành tinh năng lực sáng tạo về khoa học vẫn sáng chói của một Trung Quốc vĩnh cửu. Nếu Trung Quốc nhấn mạnh đến quá khứ vinh quan và những thành công hiện nay của mình, thì đó là họ muốn nhanh chóng tự coi mình như một cường quốc lớn về công nghệ.
Những tiêu chuẩn phải được lưu ý tới để đánh giá tình trạng hiện nay về công cuộc nghiên cứu của Trung Quốc: các nguồn tài chính và nhân lực; sản xuất khoa học, và nhu cầu cấp văn bằng. Những chi phí cho công cuộc nghiên cứu và phát triển đã tăng gấp 3 lần trong vòng 6 năm, nhưng nỗ lực nghiên cứu này vẫn chưa bằng của Nhật Bản. Số nhà nghiên cứu của Trung Quốc cũng kém xa số nhà nghiên cứu của Nhật Bản: mặc dù con số này gần như đã tăng gấp đôi từ năm 2000, đạt 1,2 triệu người vào năm 2006, song nó vẫn thấp hơn 10 lần so với của Nhật Bản nếu người ta lưu ý đến số dân ở độ tuổi lao động (1,6 phần nghìn của Trung Quốc so với 11,1 phần nghìn của Nhật Bản). Nhưng con số này sẽ tăng mạnh trong những năm tới với việc rất nhiều người có bằng đại học mới ra trường (tăng 20% năm kể từ năm 2000). Theo nhiều bài báo đã được đăng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba trên thế giới và thậm chí ở vị trí thứ hai về khoa học nano. Trái lại, nhu cầu cấp văn bằng ở nước ngoài, mặc dù đang phát triển, nhưng vẫn còn cực thấp vì năm 2006, Trung Quốc chỉ đạt 384 văn bằng “bộ ba” (được cấp đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản) so với 14.187 đối với Nhật Bản. Cho dù nhu cầu cấp văn bằng trong ngành điện tử học có một sự đột phá rõ rệt ở châu Âu và ở Mỹ, nhưng cũng chỉ chiếm một phần mười so với ở Nhật Bản, bởi vì các công ty công nghệ cao của Trung Quốc đều có một vai trò thu gom các thành phần nhập khẩu. Tuy nhiên, những tiến bộ trong lĩnh vực này có thể đạt được một cách nhanh chóng vì nó nằm trong những ưu tiên của Kế hoạch 2006-2020 về sự phát triển khoa học và công nghệ. Kế hoạch này đã được công bố sau khi đã tiến hành trao đổi ý kiến một cách tỉ mỉ với cộng đồng khoa học trong nhiều năm trời. Mục tiêu của nó là phát triển những khả năng đổi mới tự chủ trong các lĩnh vực chủ chốt trong tương lai bằng cách tăng gấp đôi các quĩ dành cho công cuộc nghiên cứu và phát triển. 7 lĩnh vực ưu tiên đã được ghi nhận, trong đó có: ngành vi điện tử; công nghệ sinh học, các ngành công nghiệp hàng không và hàng không vũ trụ; cũng như các thiết bị mới. Vì vậy, sự theo kịp về công nghệ của Trung Quốc dường như đã được thực hiện căn cứ vào những kết quả đầu tiên này và những nguồn tài nguyên ồ ạt sẽ được huy động. Giải pháp cho “cuộc trường chinh” này vẫn còn bấp bênh bởi vì Nhật Bản đang đẩy mạnh nhịp độ trong cuộc chạy đua của mình nhờ một hệ thống đổi mới thường xuyên. Đối với Trung Quốc, thách thức của cuộc cạnh tranh về công nghệ này là chủ yêu bởi vì đó là chiếc chìa khóa giành ưu thế về kinh tế ở châu Á, điều kiện để tiến tới giành vai trò lãnh đạo toàn cầu trong khu vực. Mục tiêu này dường như khó có thể thực hiện được trước năm 2025 – 2030.
Trái lại, ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á là nổi trội, nhất là về mặt an ninh. Trung Quốc có ảnh hưởng đến tất cả các công việc của diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và vai trò của Trung Quốc có tính quyết định trong các “cuộc thương lượng 6 bên” liên quan đến Bắc Triều Tiên. Nói rộng hơn, Trung Quốc cho rằng với vai trò là nước châu Á duy nhất là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là người đại diện cho châu Á tại diễn đàn lớn nhất thế giới này, nhất là châu Á mới nổi, và vì vậy Trung Quốc có một quyền uy nào đó đối với các nước trong khối ASEAN. Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, thái độ tích cực của Trung Quốc trong việc đạt được những thỏa thuận theo chủ trương mậu dịch tự do đã buộc Nhật Bản phải khắc phục sự trì trệ trong lĩnh vực này. Ngoài những lợi ích về kinh tế mà Trung Quốc có được trực tiếp từ các thỏa thuận trên, chính sách của Trung Quốc nằm trong một khuôn khổ rộng lớn hơn mà một số người có thể so sánh với chế độ phụ thuộc cũ. Theo cách giải thích này, Trung Quốc sẽ khôi phục trật tự cũ, dựa vào một mối quan hệ không cân xứng: ở trung tâm của châu Á mới, Trung Quốc sẽ là đối tác có trách nhiệm và khoan dung bảo đảm cho tất cả, và trước hết là cho bản thân mình, sự ổn định và phồn vinh. Chế độ châu Á của Trung Quốc – trung tâm này là chế độ của một “sự ổn định bá quyền” kết hợp ý muốn bá quyền của cường quốc thống trị, khả năng của cường quốc này trong việc thực hiện nó và việc các nước yếu hơn chấp nhận phục tùng nó.
Bằng những thỏa thuận theo chủ trương mậu dịch tự do, các vốn đầu tư trực tiếp và viện trợ cho sự phát triển, Trung Quốc đã lập ra một chủ nghĩa khu vực mới, sự biến đổi của chế độ phụ thuộc cũ mang màu sắc hám lợi. Sự hợp tác của Trung Quốc với các nước trong khối ASEAN phát triển hơn so với của Nhật Bản và đã dẫn đến một khu vực trao đổi tự do có hiệu lực vào năm 2010. Về mặt hợp tác tiền tệ và tài chính, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng được khẳng định trong khuôn khổ các nước ASEAN cộng 3 (các nước trong khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), cũng như trong các cuộc họp của Ngân hàng phát triển châu Á. Nó xem xét lại vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trong hai tổ chức, như người ta đã có thể thấy trong cuộc họp của Ngân hàng phát triển châu Á diễn ra tại Bali hồi tháng 5/2009, tiếp theo cuộc họp của các nước G20 diễn ra tại Luân Đôn hồi tháng 4/2009; các cuộc họp này đã thể hiện rõ sự trở thành cường quốc của Trung Quốc về mặt địa chính trị – tại Bali như là chủ thể hàng đầu trong khu vực, tại Luân Đông như là cường quốc toàn cầu.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của một cường quốc toàn cầu trong tương lai
Trong sự phát triển của thế giới, Chính quyền Bắc Kinh ngày càng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là phải bảo vệ những lợi ích riêng của đất nước mình và một bên là trách nhiệm ngày càng nặng nề trên trường quốc tế. Trung Quốc dựa vào ảnh hưởng của mình tại châu Á để củng cố uy tín quốc tế của mình và dần dần tự khẳng định mình là cường quốc toàn cầu. Để làm được điều đó, Trung Quốc có hai con bài mà Nhật Bản không có: Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và là cường quốc hạt nhân. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc vừa nhằm phát triển những sự trao đổi kinh tế song phương vừa nhằm góp phần vào sự ổn định của hệ thống thế giới dựa trên cơ sở chủ nghĩa đa phương và đa cực.
Sự phát triển các quan hệ đối tác song phương về kinh tế là ưu tiên để bảo đảm an ninh cho việc tiếp tế nguyên liệu cho Trung Quốc và để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của mình. Sự phát triển rõ rệt mối quan hệ với châu Phi, nơi dưới lòng đất chứa đựng các nguồn khoáng sản mang tính chiến lược đối với Bắc Kinh, là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy điều đó. Những sự trao đổi đã tăng gấp 10 lần kể từ đầu thập niên đến nay và đã đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2008. Kết quả của cuộc tấn công thương mại này đã trở thành hiện thực qua cuộc họp thượng đỉnh ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2006, nơi đã tụ họp 48 nguyên thủ quốc gia của các nước châu Phi để chào mừng một “một quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và châu Phi. Thí dụ khác, châu Mỹ Latinh, mà Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba với những sự trao đổi đạt 140 tỷ USD. Bắc Kinh đã đầu tư vào các lĩnh vực dầu lửa và mỏ, xuất khẩu các hàng dệt may và các sản phẩm điện tử và nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và các nguyên liệu. Năm 2008, Trung Quốc đã thay thế Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Braxin và đã trở thành thành viên thứ 48 của Ngân hàng phát triển liên châu Mỹ.
Trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc dựa vào chủ nghĩa đa phương, nhưng nền ngoại giao song phương của Trung Quốc bị chi phối mạnh mẽ bởi kinh tế đôi khi không nhất quán với tiêu chí trên. Đúng vậy, đối với Bắc Kinh, ưu tiên tuyệt đối dành cho việc phát triển kinh tế của đất nước buộc Trung Quốc phải có một thái độ thực dụng nào đó, như người ta có thể thấy điều đó ở châu Phi. Những kết quả mà Trung Quốc đạt được ở châu Phi là do sự lợi dụng một cách khéo léo nhiều con bài: quá khứ thuộc thế giới thứ ba, tình đoàn kết được thể hiện giữa các nước đang phát triển và nhất là từ chối mọi sự can thiệp của các nước phương Tây vào các công việc nội bộ của các nước châu Phi – dù với danh nghĩa nhân quyền, các điều kiện được gắn với khoản tín dụng v.v… Mặc dù chủ nghĩa đa phương đã được công bố, cách nhìn của Trung Quốc về các mối quan hệ quốc tế phản ánh quan niệm Westphalie mà Trung Quốc coi là chủ quyền riêng của mình (người ta đã thấy rõ điều đó trong hội nghị cấp cao Côpenhaghen hồi tháng 12/2009: đối với Trung Quốc, một sự kiểm soát siêu quốc gia những cam kết về năng lượng – khí hậu của hội nghị này là một sự gây tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc) và tìm ra những giới hạn của mình trong khái niệm hệ quả của sự “không can thiệp”, chủ đề quán xuyến trong hành động quốc tế của nước này. Đây là lý lẽ mà Trung Quốc đã sử dụng để tránh cho đối tác và là tay chân của mình là Xuđăng khoi rmoij sự lên án của Liên Hợp Quốc trong tấn thảm kịch Darfur; đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc có thái độ dè dặt đối với mọi thái độ cứng rắn trong những sự trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran – ngoài thực tế Iran là nước cung cấp dầu lửa ngày càng quan trọng cho Trung Quốc.
Điểm chính trong nền ngoại giao của Trung Quốc rõ ràng đối với Mỹ bởi vì ưu tiên mà Trung Quốc dành cho sự phát triển kinh tế đang buộc Trung Quốc phải có một hình thức quan hệ đối tác với Mỹ. Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ có tính chất sống còn đối với cả Mỹ và Trung Quốc và phải tuân theo một sự bắt buộc đối xứng: Trung Quốc cần thị trường Mỹ, Mỹ lại cần số tiền tiết kiệm của Trung Quốc. Những sự mất cân bằng của phần tiết kiệm vẫn còn thiếu ở Mỹ và quá nhiều ở Trung Quốc thể hiện bằng một sự thâm hụt thương mại lớn của Mỹ. Năm 2009, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt tổng số 517 tỷ USD đối với những sự trao đổi tài sản, trong đó 227 tỷ USD là của riêng Trung Quốc. Vấn đề này là mầm mống gây bất hòa lớn giữa hai đối tác trong chừng mực mà đối với Mỹ, việc định giá thấp đồng nhân dân tệ đang tăng cường một cách quá đáng tính cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc và là một lợi thế bất chính. Điều này đặc biệt khiến người ta nhớ lại vào đầu những năm 1980, khi Mỹ giải thích việc gia tăng sự thâm hụt thương mại với Nhật Bản bằng việc định giá thấp đồng yên. Sẽ là ảo tưởng khi cho rằng với một sự tái định giá đồng nhân dân tệ, cán cân thương mại của Mỹ và châu Âu sẽ được cải thiện mạnh mẽ, bởi vì tính cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ việc chi phí cho sản xuất ở Trung Quốc thấp. Bằng chứng là việc tăng giá 21% đồng nhân dân tệ so với đồng đôla từ tháng 7/2005 ảnh hưởng rất ít đối với sự thâm hụt của Mỹ. Vấn đề là nếu đồng nhân dân tệ dao động tự do, thì sự bùng nổ những số dư lưu hành sẽ dẫn đến một sự định giá còn mạnh hơn nhiều. Dù sao thì người ta vẫn có thể cho rằng ngoại hối của Trung Quốc vẫn bị định giá thấp, rõ ràng là từ 20% đến 30% so với đồng đôla hoặc đồng euro. Tình hình này là có hại đối với phần còn lại của thế giới nhưng trước hết là đối với Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã ngừng định giá ngang nhau của đồng nhân dân tệ và đồng đôla từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng để hạn chế việc ngày càng xấu đi của ngành ngoại thương (tháng 11/2009, tỷ giá hối đoái thực tế của đồng nhân dân tệ – phản ánh tỷ giá hối đoái với toàn bộ các đối tác thương mại – đã trở lại mức như năm 2001, theo nguồn tin của Ngân hàng các giải pháp quốc tế). Nhưng chính vì thế, Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải theo tỷ lệ lãi suất rất thấp của Mỹ, với nguy cơ nuôi dưỡng một bong bóng tiền tệ ở qui mô lớn. Ngoài ra, sự chỉ số hóa đồng nhân dân tệ trên thực tế này theo một đồng đôla thấp một cách quá mức là một mối đe dọa nặng nề đối với sự ổn định hệ thống tài chính thế giới. Còn nữa, Trung Quốc đang bị rơi vào thế giằng co giữa việc bảo vệ những lợi ích riêng của mình và những trách nhiệm của cường quốc toàn cầu. Nhưng Trung Quốc khong phải là một mình: nếu một sự đánh giá đồng nhân dân tệ, từng bước được thực hiện nhưng rất vững chắc, là cần thiết, thì điều đáng mong muốn là Mỹ sẽ góp một phần gánh đỡ cho gánh nặng này bằng cách nâng tỷ lệ tiết kiệm, mà sự suy yếu là nguồn gốc gây ra sự mất cân bằng ở cấp thế giới. Trung Quốc chủ trương một chủ nghĩa đa phương mà nhân danh nó Trung Quốc tiến hành tranh cãi, dưới hình thức các cuộc chiến nhỏ, sự bá quyền của Mỹ: vai trò của đồng đôla, đại diện trong các thể chế đa phương, sự lộn xộn về tài chính khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng v.v…
Về vấn đề đồng nhân dân tệ cũng như vấn đề khí hậu nóng lên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn dành ưu tiên cho những đòi hỏi của sự phát triển của mình. Nhưng đằng sau hình ảnh của một đất nước Trung Quốc chinh phục, thậm chí là ngạo mạn dưới con mắt của một số người, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngây ngất trước những kết quả mới đây của họ; trái lại, họ hoàn toàn tỉnh táo để nhận thức được những thách thức mà đất nước của họ phải đối mặt để đạt tới “vị trí thích đáng” của mình trên thế giới. Giảm bớt 3 sự phụ thuộc vào nước ngoài; sữa chữa những sự mất cân bằng nội bộ; chinh phục ưu thế kinh tế ở châu Á; và làm cho mình trở thành cường quốc toàn cầu: ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc biết rõ rằng tính hợp pháp của đảng phụ thuộc vào việc thực hiện các mục tiêu này. Đây là điều kiện cần thiết để làm cho công dân Trung Quốc chấp nhận sự kiểm soát chặt chẽ về xã hội đối với họ./.

Bồ Tùng Linh - Cuộc Tháo Thân Khỏi Địa Ngục

Cuộc Tháo Thân Khỏi Địa Ngục

Bồ Tùng Linh

Lời giới thiệu của người dịch [dẫn lại có chỉnh sửa từ bản đã công bố năm 1995]

Bồ Tùng Linh (1640-1715) đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam từ hơn 200 năm nay với tư cách một nhà văn Trung Hoa trứ danh chuyên viết về thế giới ma quái, kinh dị. Ông tự là Liễu Tuyền, người huyện Truy Xuyên, tỉnh Sơn Đông, hồi nhỏ trúng Tú tài, sau thi trượt mãi, không dự vào quan trường, về làm đồ làng và chuyên chú ở sáng tác, mãi đến năm 72 tuổi mới được Cống sinh, 4 năm sau thì tạ thế.

Truyện này nguyên tên là "Nhiếp Tiểu Thiến" (rút từ tập Liêu trai chí dị - tác phẩm để đời của họ Bồ) chưa từng được dịch ra Việt văn a [Xin đọc các chú thích 1, 2, 3 sau khi đọc bản dịch]. Lấy thế giới ma quái để luận về thế giới người trần, đan xuyên một cách tài tình hai cõi hữu và vô (hình), truyện biểu hiện quan điểm tích cực của nhà văn về thiện – ác, ân – oán, đạo đức – tình yêu b.

Chu Xuân Giao


Ninh Thái Thần người tỉnh Chiết Giang, tính cương trực, giàu lòng tự trọng, thường thề sống chết với gia nhân và bè bạn: "Ngoài vợ mình ra, Ninh này hứa suốt đời không chàng màng tới người đàn bà thứ hai !". Gặp buổi có việc phải đến phường Kim Hoa, tới ngoại ô phía bắc, dỡ hành trang, nán nhờ lại trong một ngôi chùa cổ.

Trong chùa, tháp điện tuy tráng lệ,nhưng lau lách mọc ngút đầu, tưởng như lâu lắm không có bước chân người tới. Cửa lớn, cửa con ở nhà tăng hai bên hành lang phía đông – tây cài đóng im ỉm, duy chỉ có ổ khóa một phòng nách ở phía nam thấy còn như mới. Lại bước tới xem đầu hồi phía đông điện Phật, thấy một rặng tre san sát, dưới bờ là khoảng ao rộng, sen dại nở tung. Trong lòng bỗng thấy nao nao, ý như say cảnh u tịch.

Vừa may, gặp lúc quan chủ khảo tới Kim Hoa mở trường thi, do thí đồ nườm nượp kéo về nên giá thuê nhà trong thành vọt lên cao, họ Ninh định bụng nghỉ lại chùa, rỗi việc liền lững thững dạo quanh quẩn đợi sư về.

Xế chiều, có một trang thanh niên ra dáng thư sinh tới mở cửa phòng nách phía nam, Ninh vội tới chào và bày tỏ ý nguyện. Người kia bảo: "Chốn này không có chủ nhà, tôi cũng là kẻ ở nhờ. Nếu khách chịu được cảnh buồn tẻ nơi đây, ta cùng nương nhờ, sớm tối chỉ bảo nhau, thực là may !". Ninh cả mừng, rải rơm cỏ làm giường ổ, bắc mấy tấm gỗ cũ làm bàn viết, tính chuyện ở lại dài dài.

Đêm ấy, trăng treo vằng vặc, ánh sáng trong vắt tuôn xuống như nước suối. Hai người ngồi kề gối ngoài hành lang, xưng tên họ với nhau. Người kia tự bảo: "Tôi họ Yến, tự là Xích Hà". Ninh nghĩ Yến là thí sinh đi thi, nhưng nghe tiếng nói thì rõ không phải người Chiết Giang, bèn hỏi. Yến nhận: "Tôi người đất Thiểm Tây". Trò chuyện hồi lâu, thấy Yến thực là người chất phác, đáng tin. Lúc cạn chuyện, cả hai đứng dậy làm lễ chào nhau, ai về buồng nấy.

Vì lạ phòng, Ninh nằm mãi mà không sao ngủ được, chợt nghe thấy tiếng lầm rầm ở phía bắc phòng, giống như có một gia đình đang trò chuyện với nhau; bèn nhỏm dậy, khom người núp dưới cửa sổ đá ở bức tường phía bắc, lén nhìn xuống. Trên mảnh sân chùa nhỏ ngoài đoạn tường ngăn, có một phụ nữ trạc ngoại tứ tuần, lại có một bà lão vận chiếc áo lụa hồng màu đã bạc, đầu vấn một vành bạc, lưng còng rạp, vẻ lụ khụ. Hai bên đương bàn chuyện gì đó dưới trăng. Người trẻ: "Con Tiểu Thiến sao mà lâu đến thế nhỉ ?". Người trẻ lại vẻ dè chừng: "Chẳng nhẽ con ranh này dám có lời khục khặc với bà chăng ?". Bà già nói: "Đâu, chưa nghe thấy bao giờ. Nhưng xem nó có vẻ nhăn nhó khó chịu". Người trẻ cáu: "Con đĩ này không thể đối xử tốt với nó được !"c.

Nói chưa hết lời đã thấy có một thiếu nữ cỡ mười bảy, mười tám đi tới, dung mạo lả lướt xinh đẹp. Bà già cười bảo: "Đi lén sau lưng người ta, hai bọn ta đang nói chuyện về mi đây, nhóc con rón rén đến không lên tiếng gì cả, may mà bọn ta không nói xấu mi". Rồi xít xoa khen: "Dung mạo con tuyệt vời như người trong tranh, thân già này nếu được là bọn trai tơ, chắc cũng bị con hút mất hồn thôi !". Thiếu nữ bẽn lẽn: "Không có bà chắc chẳng có ai khen thế đâu ạ !".

Sau đó thì không biết ba người nói chuyện gì nữa. Ninh nghĩ bụng mấy người ấy chắc là chỗ láng giềng, thân thuộc của nhau, liền trở về ngủ, không nghe lỏm nữa. Một lúc lâu sau, tất cả im ắng, không còn thấy có tiếng lầm rầm.

Vừa chợp mắt, chợt thấy có người bước vào chỗ ngủ, Ninh chồm ngay dậy xem ai, thì ra là người thiếu nữ lúc ban nãy. Chàng ngạc nhiên hỏi. Người con gái cười đĩ thõa: "Đêm nay trăng sáng không ngủ được, muốn cùng chàng ân ái". Ninh nghiêm nét mặt: "Cô phải coi chừng người ngoài, tôi sợ rằng người ta sẽ biết chuyện. Lỡ may có sơ suất thì còn gì là liêm với sỉ nữa". Ninh quát mắng, người kia ngập ngừng, nửa ở nửa đi, ý như muốn gạ gẫm tiếp. Ninh mắng: "Cút xéo đi ! Nếu không tao gọi người ở phòng phía nam bây giờ". Người con gái sợ hãi lùi dần ra ngoài cửa, rồi lại quay trở lại, thả vào chỗ nằm của Ninh một thỏi vàng. Ninh vội nhặt lấy vất ra ngoài bực cửa và mắng: "Của phi nghĩa, chỉ tổ làm bẩn túi tao!". Người kia thẹn lắm, lượm lấy thỏi vàng, trở ra, miệng lẩm bẩm: "Đây thực là người đàn ông gang thép !".

Sáng sớm hôm sau, có một thí sinh người huyện Lan Khê dắt theo một thằng hầu tới chờ thi, ngụ lại ở ngoài hành lang phía đông. Đến đêm, người học sinh lăn ra chết, giữa lòng bàn chân thấy có một lỗ nhỏ như bị dùi đâm, máu đang rỉ ra, không biết chết vì cớ gì. Qua đêm nữa thì người hầu cũng ngoẻo nốt, bệnh trạng hệt như chủ. Xẩm tối, Yến trở về, Ninh đem chuyện hỏi. Yến bảo đấy là ma làm. Ninh vốn xưa nay là người bạo gan, nghe chuyện ma quỉ chẳng chút run sợ.

Nửa đêm, người con gái lại tới, bảo với Ninh rằng: "Thiếp đã từng gặp rất nhiều người nhưng chưa có ai cương trực được như chàng. Bởi chàng là kẻ trượng phu nghĩa cả, nên thiếp tôi không dám lừa gạt. Tôi họ Nhiếp, tên là Tiểu Thiến, năm 18 tuổi bị chết yểu, mộ táng ở mé chùa, thường bị bọn yêu quái uy hiếp, bao lần sai tôi làm cái việc hạ tiện này. Vác cái mặt thớt để gạ gẫm người, thực là điều thiếp đau khổ. Bây giờ trong chùa không có ai bị giết nữa, nhưng sợ rằng quỉ Dạ Xoa sẽ tới". Ninh cả sợ, hỏi làm thế nào. Thiếu nữ bảo: "Sang ở chung phòng với ông Yến thì tránh được". Hỏi: "Sao không mơi Yến ?". Trả lời: "Đấy là người kỳ dị, không dám đến gần". Hỏi: "Lừa người bằng cách nào ?". Trả lời: "Những kẻ cùng hoan lạc với tôi sẽ bị tôi lấy dùi đâm vào chân, trong lúc hắn còn đê mê, tôi hút lấy máu mang về cung hiến làm đồ uống cho bọn yêu quái. Hoặc lấy cái thỏi vàng này, thật ra chẳng phải vàng mà là xương của quỉ La Sát, thả nó ở lại, nó có thể cứa đứt tim gan người ta, mang đi. Hai cách ấy phải tùy cơ mà ứng biến". Ninh cảm tạ, hỏi khi nào cần cảnh giác. Người kia bảo: "Tối mai". Lúc từ biệt, nàng khóc lóc, than rằng: "Thiếp nay đã sa chân xuống biển thẳm, tìm bờ lên mà không được. Chàng là người nghĩa khí động đến cả trời xanh, chắc có thể cứu vớt được. Nếu như chàng chịu giúp, hãy gói xương mục của thiếp táng vào nơi yên tĩnh thì thiếp giống như được sinh ra lần thứ hai vậy". Ninh mủi lòng, chẳng do dự liền hứa luôn, rồi hỏi nơi mộ táng. Người con gái bảo: "Chàng chỉ cần nhớ tìm cây bạch dương trên có tổ chim, dưới đó là mồ thiếp". Nói xong, trở ra, thoắt cái đã không thấy đâu nữa.

Sáng hôm sau, sợ Yến đi ra ngoài mất, từ tờ mờ Ninh đã tới chỗ Yến, mời sang chơi. Tới non trưa, sau khi đã dọn xong rượu thịt, hai người cùng chén, Ninh vừa nhắm vừa để ý Yến. Nghe Ninh xin được ở cùng phòng, người kia từ chối, lấy cớ "xưa nay tính thích yên lặng". Ninh chẳng nghe cứ đùng đùng vác chăn màn sang. Yến không làm sao được, đành phải dịch giường, nhường chỗ cho Ninh. Yến dặn: "Yến tôi biết ngài là kẻ trượng phu, rất kính nể đức của ngài. Duy có một điều thực khó bộc bạch, chỉ mong ngài đừng có mở xem túi đồ của tôi. Nếu không thì chẳng hay cho cả hai ta". Ninh ngoan ngoãn nghe lời. Tới đêm, giường ai nấy ngủ.Yến mang tay nải đặt lên cửa sổ, nằm được một lúc đã gáy vang như sấm. Ninh không sao mà ngủ được.

Khoảng canh một, ngoài cửa thấp thoáng bóng người, lúc sau tới sát cửa, ngó vào bên trong, mắt lóng la lóng lánh. Ninh sợ quá, định gọi Yến. Bỗng có một vật tự rạch túi lao ra, hình tròn mà rực sáng, va vào song cửa sổ, song cửa sổ bằng đá liền gẫy, một luồng lửa phun ra, rồi vật đó lại xẹp ngay chui vào túi, ánh sáng tắt ngấm.

Yến tỉnh giấc. Ninh giả vờ ngủ, hé mắt xem động tĩnh. Yến bê túi xuống, lấy một vật, chìa ra ánh trăng xem và đưa lên mũi ngửi. Ninh thấy một vệt sáng trong như ngọc, dài độ hai tấc, mỏng như lá lúa. Yến dùng vải quấn làm nhiều lần, rồi lại để vào trong cái túi đã bị rách và nói một mình: "Không biết con ma nào gớm thật, làm hỏng cả túi của ông". Thế rồi lại nằm xuống ngủ.

Ninh lấy làm kỳ lạ bèn chồm dậy hỏi Yến và kể lại chuyện mình nhìn thấy. Yến thành thực: "Đã nể trọng nhau, tôi chẳng cần giấu giếm nữa. Yến tôi đây chính là kiếm khách. Nếu không phải là song cửa sổ bằng đá thì con yêu ấy chắc chết rồi. Tất nhiên nó cũng đã bị thương". Ninh hỏi: "Thế còn vật đã thu vào trong túi ?". Trả lời: "Kiếm đấy, vừa rồi ngửi thấy có mùi yêu ma". Ninh muốn được xem. Yến đồng ý, đưa cho, Ninh thấy rõ đó là một thanh kiếm nhỏ. Từ đấy, Ninh càng thêm nể Yến.

Sớm hôm sau, ngoài cửa sổ, thấy có vết máu. Ninh liền ra mé bắc chùa tìm, thấy một nấm mộ hoang lè xè, bên trên là cây bạch dương, trên ngọn của nó thấy có một tổ chim.

Đợi đến khi chuẩn bị xong, Ninh vội vàng sắp xếp hành lý để ra về. Yến bèn bày cỗ tiễn chân, tình kẻ ở người đi thực là quyến luyến. Yến lấy chiếc túi da bị rách hôm nọ tặng cho Ninh và bảo: "Đây là cái bao kiếm, giữ của quí trong đó thì không sợ bọn ma quỉ nữa". Ninh ngỏ ý muốn được học phép thuật. Yến bảo: "Người cương trực hiếu nghĩa như ông có thể học được đấy. Nhưng ông sau này sẽ trở thành bậc đại phú đại quí, chứ không cùng đường với tôi". Ninh nói thác là có mộ người em gái táng ở đây, tới đào nấm mồ có cây bạch dương, thu xương tàn, lấy quần áo gói ghém lại, rồi thuê thuyền mà về.

Buồng sách của Ninh sát với cánh đồng, đem táng xương ở gần đó. Lấp đất xong, vừa khấn vừa chú rằng: "Thương cho nàng côi cút, nay táng gần tệ xá của ta, để có ca hát hay khóc lóc thì đều nghe thấy nhau. Mong nàng không còn bị bọn quỉ ác làm nhục.Tế nàng một cốc rượu, đó là thay tấm lòng thành thực của ta, mong nàng đừng tủi hổ !". Khấn xong ra về, bỗng có người gọi ở phía sau: "Hãy đi từ từ đợi tôi với !". Ninh quay đầu lại thì hóa ra là Tiểu Thiến. Nàng mừng lắm, lạy tạ: "Chàng thực là người hiếu nghĩa, thiếp dẫu chết mười lần cũng không đủ báo đáp.Xin chàng cho cùng về để bái kiến cha mẹ, dù có làm vợ bé hay kẻ hầu, thiếp cũng chịu". Ninh định thần, ngắm dung nhan của nàng, thấy da dẻ hồng hào, hai bắp chân thon thả. Bây giờ mới được mặt đối mặt giữa thanh thiên bạch nhật, Ninh thấy trước mắt mình một nhan sắc tuyệt trần.

Rồi hai người cùng trở về buồng sách, Ninh bảo nàng đợi ở ngoài một lúc để mình vào thưa trước với mẹ. Mẹ lấy làm kinh ngạc lắm. Bấy giờ, vợ Ninh ủ bệnh đã lâu, mẹ không dám nói, sợ chàng bị cuống. Lúc mẹ con còn đương dở chuyện, nàng Nhiếp nhẹ nhàng lẻn vào, sụp lạy dưới đất. Ninh thưa: "Đây là Nhiếp Tiểu Thiến". Mẹ lại càng hoảng. Thiếu nữ liền thưa: "Con vò võ một thân, không có bố mẹ anh em, may mà được gặp chàng đây che chở, cứu vớt. Nay con nguyện làm kẻ hầu người hạ trong nhà để đền đáp ơn sâu". Mẹ thấy dáng người thon thả, đáng yêu, mới dám bằng lòng, nói: "Nay con chiếu cố đến nó, thân già này vui mừng khôn xiết. Nhưng mẹ chỉ có mỗi mình nó, sợ rằng để nối dõi tông đường thì không được kết hôn với người cõi âm". Nàng lại thưa: "Con đây không dám hai lòng, vì âm dương cách trở mà không được mẹ tin. Nguyện xin làm em gái anh nhà, cho con được sớm hôm chăm sóc, mẹ có đồng ý không ?". Bà lão nể lòng thành mà gật đầu. Nàng muốn được vào vái chị dâu. Nhưng bà mẹ không cho, lấy cớ vợ Ninh bị ốm, nàng đành thôi, mà đi ngay xuống bếp, nấu nướng thay mẹ, đi khắp buồng ngang phòng dọc hệt như người nhà.

Đến tối, mẹ Ninh đâm sợ, không cho chuẩn bị thêm giường chiếu mà giục nàng về. Nàng biết ý, đi ngay, qua buồng sách muốn vào nhưng lùi lại, cứ do dự mãi ở ngoài, ý như sợ sệt. Ninh liền gọi vào. Nàng thưa: "Trong phòng có kiếm khí, thiếp rất sợ. Sở dĩ dọc đường suốt mấy ngày qua thiếp không dám xuất hiện để cung phụng chàng chính vì cớ đó". Ninh biết ý, đem túi da treo sang phòng khác. Bấy giờ nàng mới dám vào ngồi tiếp chuyện dưới ánh nến. Cứ ngồi thế, không nói gì, mãi sau mới hỏi: "Ban đêm chàng có đọc sách không ? Thiếp thưở nhỏ tụng kinh Lăng Nghiêm, nay đã quên quá nửa, phiền chàng tìm cho một cuốn, những đêm nhàn rỗi nhờ chỉ dẫn cho". Ninh đồng ý. Nàng lại ngồi yên, tư lự. Sắp tàn canh hai vẫn chưa chịu về, Ninh phải giục, Nhiếp mới buồn rầu mà rằng: "Thiếp lạnh lẽo một mình ở chốn trống trải, rất sợ phải trở về mồ hoang". Ninh bảo: "Trong phòng không có thừa giường ngủ, hơn nữa anh em mình cần tránh điều ra tiếng vào". Nàng đứng dậy, mặt buồn rầu tưởng như sắp khóc, nặng nhọc cất bước trở ra, qua bậc tam cấp thì biến mất. Ninh lấy làm thương lắm, muốn đặt thêm cái giường nữa nhưng lại sợ mẹ giận.

Sớm tinh mơ nàng đã tới bái kiến, bê nước hầu mẹ rửa mặt, sau xuống nhà dưới dọn dẹp, công việc lo liệu chu toàn nhất nhất đều hợp ý bà mẹ. Xấm tối xin trở về, liền tới phòng đọc sách, thắp nến tụng kinh. Bao giờ thấy Ninh sắp đi ngủ thì lại buồn rầu đứng dậy mà về. Trước đây, vợ Ninh đổ bệnh, mẹ xoay xở không xuể, từ ngày có Nhiếp, được rảnh rỗi nhiều, trong lòng mến lắm. Ngày qua ngày, dần trở nên thân thiết như con đẻ, mẹ như quên nàng là người cõi âm, không nỡ giục về mộ vào lúc tối nữa mà giữ ở lại ngủ cùng. Ngày mới về nhà,Nhiếp chẳng hề ăn uống, dần quá nửa năm mới biết húp cháo loãng. Bà mẹ và cậu con đều rất yêu Nhiếp, cấm ngặt không để lộ sự thật, nên người ngoài cũng không biết nàng chẳng phải người dương gian.

Ít lâu sau, vợ Ninh mất, bà mẹ định bụng chọn Nhiếp làm dâu, nhưng lại lo hại cho con trai. Nàng dò được ý, nhân buổi thảnh thơi mới lựa lời thưa: "Con ở đây đã hơn năm, mẹ chắc thừa biết lòng dạ thế nào, con theo anh nhà không phải có ý xấu hại người. Con vốn chẳng hai lòng, chỉ vì đức thẳng của anh nhà, được người cõi âm kẻ dương gian ai cũng chuộng, nguyện được nâng khăn sửa túi cho chàng ít năm, nhờ vào phúc phận của chàng mà được công danh phong tặng để làm rạng mặt con dưới tuyền đài". Mẹ cũng đã biết vậy nhưng lại sợ nàng không có khả năng duy trì nòi giống. Nhiếp phân giải: "Việc con cái là ở tay ông xanh quyết. Xem trong sổ trời, anh nhà được những ba con, không lẽ vì lấy vợ cõi âm mà bị giảm đi". Bà mẹ tin, cho con trai được đính ước cùng nàng, chàng Ninh mừng lắm.

Thế rồi tới ngày đặt tiệc báo hỉ với anh em nội ngoại, có người xin được coi mặt cô dâu. Nàng trang điểm xong bước ra, cả gia tộc ai cũng ngạc nhiên nhìm chằm chặp, cứ ngỡ là tiên giáng chứ không ai biết là người cõi âm. Thế là cô dì chú bác tranh nhau tặng quà để làm thân. Tiểu Thiến vốn giỏi vẽ hoa mai, hoa lan, liền mang những bức họa nhỏ tặng lại mọi người. Người được nhận tranh đem cất giữ cẩn thận, tự cho là vinh hạnh lắm.

Một hôm, Tiểu Thiến ngồi trước cửa sổ, vẻ buồn rầu như mất gì đó. Bỗng nhiên hỏi: "Túi da đâu rồi ?". Ninh bảo: "Vì nàng sợ, tôi đã treo nó sang chỗ khác rồi". Nhiếp nói:"Thiếp thụ sinh khí đã lâu, giờ không còn sợ nữa. Chàng hãy lấy ra treo lên đầu giường". Ninh đồng ý. Nàng tiết lộ: "Ba ngày nay ruột gan thiếp rối bời không yên. Chắc chắn bọn yêu quái ở Kim Hoa do hận thiếp bỏ trốn, sớm muộn sẽ tìm tới đây". Ninh đi lấy túi mang ra. Nàng giở đi giở lại để xem, miệng nói: "Đây là vỏ kiếm tiên dùng để đựng đầu người. Rách rạn đến như thế này, không biết đã giết bao nhiêu kẻ ! Chứ thiếp hôm nay xem vẫn còn nổi da gà". Nói rồi treo lên đầu giường. Hai hôm sau lại nhờ Ninh treo lên cửa. Đêm ấy, vợ chồng ngồi kề nhau nhìn nến cháy, cùng hẹn là không ngủ. Bỗng nhiên có một vật như con chim đàn bay rớt xuống, Tiểu Thiến kinh hãi nhảy vào nấp trong mùng. Ninh nhòm ra thấy một con vật nhác giống quỉ Dạ Xoa, mồm ngậm đầy máu, mắt rực sáng nháy nháy như chớp, nhe nanh giương vuốt, đang tiến về phía trước, sắp tới cửa thì khựng lại không dám bước tiếp. Mãi sau mới lò dò tới gần túi da, giương vuốt chộp xuống, toan xé tan. Đột nhiên túi nổ một tiếng, phình to như hai cái dó, từ trong có một quái vật vươn ra nửa mình, túm lấy Dạ Xoa kéo vào. Tiếng động nhỏ dần, túi cũng lập tức thu lại như cũ.

Ninh kinh hãi, Tiểu Thiến chạy ra, mừng quá, reo lên: "Thế là từ nay yên ổn!". Hai vợ chồng nhìn vào trong túi, chỉ thấy một ít nước trong vắt.

CHU XUÂN GIAO dịch

Hà Nội, tháng 12 năm 1994

Tokyo, tháng 6 năm 2006

Ghi chú:


Bản dịch công bố lần đầu trên tạp chí "Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam" (DĐVNVN, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) số 2 (tháng 4) năm 1995, từ trang 58 đến trang 63, có kèm tranh minh họa của Phạm Quang Vinh, dưới hình thức "Truyện ngắn" (theo phân loại của tòa soạn) trong phần "Văn nghệ nước ngoài".

Người dịch đánh máy lại, có sửa một vài lỗi mo-rát, và thay đổi một đôi con chữ từ bản in hơn 10 năm về trước. Khi gửi bản thảo đến DĐVNVN, chắc chắn có dòng ghi xuất xứ nguyên bản (tên sách, tên nhà xuất bản, năm xuất bản…) nhưng có thể người biên tập đã bỏ, nay do soạn lại ở Tokyo, chưa có điều kiện khôi phục dòng xuất xứ, xin tạm gác cho đến khi tôi có dịp lục tìm trong giá sách của mình tại Hà Nội. Cảm ơn bạn M. ở xứ Quảng ― nhà ngay cạnh dòng sông Hàn thơ mộng ― đã có nhã ý gửi scan từ bản lưu DĐVNVN tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng.

Xin lưu ý rằng, mặc dù bám sát nguyên bản trong từng chữ, nhưng tôi tạm bỏ (tạm gác lại) mấy câu thơ đề dẫn (tựa như thấy ở đầu mỗi chương/hồi trong loại tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc ―"Đông Chu liệt quốc" hay "Tam quốc diễn nghĩa"…) và mấy câu cuối cùng của truyện này (nói về việc Ninh ra làm quan và cưới thêm vợ, sinh thêm con). Nếu có dịp đối sánh với nguyên bản hoặc bản chuyển ngữ tiếng Việt của các dịch giả khác, tôi tin là bạn đọc sẽ hiểu được vì sao tôi quyết định như vậy (cho dù, với tư cách là dịch giả, tôi luôn có suy nghĩ rằng nếu làm việc trong khuôn khổ một chương trình dài hơi như dịch trọn bộ "Liêu trai chí dị" thì không nên bỏ một chữ nào).


Source : HỢP LƯU

Ðôi Lời Minh Xác: Trước Hiện Tượng Mọi Rợ Văn Hóa [ Cultural Barbarism]

Ðôi Lời Minh Xác: Trước Hiện Tượng Mọi Rợ Văn Hóa [ Cultural Barbarism]

NGUYÊN VŨ VŨ NGỰ CHIÊU

Mọi Rợ văn hóa [cultural barbarism]. Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy thấm thía. Ðọc cổ thư Trung Hoa, thường thấy những người tự xưng là “người Hoa hạ” rất tự hào về tập tục đội mũ, mặc áo, dinh thự nguy nga, ăn uống tiếp khách ngồi bàn, ngồi ghế, có chữ viết, sách vở. Chung quanh Hoa hạ toàn là bọn man, di, nhung, địch, hướng về triều đình Hán tộc để nghênh đón ân đức. Khổng Khâu–một thời được xưng tụng như vạn thế sư biểu–cũng từng thận trọng phân loại man di tứ phương, và “phán” rằng bọn mọi rợ ở phương Nam lúc nằm ngủ, chân đầu lộn ngược. Dù trên thực tế, Khổng Khâu chẳng hiểu biết gì về phong tục, tập quán, hay thứ ngôn ngữ “líu lo như chim” của các dân tộc phương Nam. Và, dĩ nhiên, cũng chưa từng đặt chân đến những xứ mà có thời gian, bốn năm thế kỷ sau ngày Khổng Khâu chết, vua quan Hán vẫn tin rằng người ta làm nhà cửa hướng về phương Bắc để đón ánh mặt trời! Sách Lễ Ký huyễn truyền về tám tộc Nam Man khắc chữ tên trán, cẳng chân giao nhau. Văn gia Hán sau này còn có thói quen thêm những bộ trùng, bộ khuyển trong việc đặt tên nước, tên dân lân bang.
Những dân tộc bị Khổng Khâu hay trí thức Hán đặt tên là “Nam Man” hay “Tây Nam Man Di” hẳn chẳng vui vẻ gì, nếu không phải phẫn nộ trước thái độ có thể gọi là “mọi rợ văn hóa” kiểu Hán tộc này. Nhưng thực ra, sự mọi rợ văn hóa không chỉ dành độc quyền cho Khổng Khâu cùng Hán tộc. Chính những người phương Nam của Trung Hoa đôi lúc cũng có những hành động mọi rợ văn hóa không kém. Sự mọi rợ này bộc lộ rõ ràng nhất qua hành vi “đào mộ” (chửi rủa) hay “cung văn” (nịnh hót trong những cơn lên đồng) nhan nhản trong lịch sử mà ta có thể tạm gọi là những loài sâu bọ của bông hoa lịch sử.
Một số sử quan Việt, chẳng hạn, từng mượn những quốc sử để ca ngợi người có quyền uy, tiền bạc hầu kiếm chút đỉnh chung, hay miệt thị, nguyền rủa những người thua cuộc là “ngụy” hay “yêu đảng.” Nhưng đáng ghê tởm hơn nữa là hiện tượng “ziết sử” một thời thịnh hành ở hải ngoại cũng như quốc nội trong thế kỷ XX và XXI.
Có nhiều loại người “ziết sử,” với trình độ học vấn, xuất thân khác nhau. Nổi danh nhất là Ðặng Thái Mai, Tôn Thất Thiện, Lữ Giang, Trần Chung Ngọc, Lê Trọng Văn, v.. v . . Trường phái này thường sử dụng thủ thuật cả vú lấp miệng em, tảng lờ mọi sự thực lịch sử, ngụy tạo tư liệu, hoặc trộm cắp công trình tim óc của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp–rồi xào nấu, nhắm mắt lại mà cung văn hoặc đào mộ trên báo chí hay những cuốn “sách” của họ. Ðặng Thái Mai, chẳng hạn, từng bịa đặt ra việc Phó Bảng Nguyễn Sinh [Sanh] Huy yêu nước, không chịu làm quan cho Pháp–trong khi thực tế Phó Bảng Huy làm việc đắc lực cho “Tây” đến độ Nguyễn Sinh Côn được đặc cách nhận vào trường Quốc Học Huế năm 1908, và ít lâu sau bản thân Huy được cử làm tri huyện Bình Khê–một huyện dữ dằn nhất tỉnh Bình Ðịnh trong cuộc nổi dạy năm 1908 của nông dân, cần được “vỗ yên” sau “loạn cúp tóc” hay “loạn đồng bào.” Sau đó, Huy bị cách chức, tống giam từ ngày 19/5/1910, rồi phiêu lưu vô định ở miền Nam, khiến Nguyễn Sinh Côn phải bỏ học, rồi trốn xuống tàu ra hải ngoại, làm đủ thứ nghề. Xin nhập học đường tắt trường Ecole Coloniale, nhưng bị từ chối, “Paul Thành”–một bí danh mới của Nguyễn Sinh Côn–từng viết thư cho viên chức thuộc địa Pháp nhờ chuyển tiền giúp đỡ Phó bảng Huy, và xin cho cha được phục hồi chức tước, nhưng Khâm sứ Pháp không tìm ra tông tích Phó Bảng Huy. Nguyễn Sinh Côn còn yêu cầu anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm viết thư “van nài” Sarraut “đại nhân” can thiệp cho Côn (Tất Thành) được nhập học trường Thuộc Ðịa Paris, vì trường này đòi hỏi học viên phải được chính phủ Liên Bang Ðông Dương gửi đi. Tóm lại, hai lá đơn xin nhập học trường Thuộc Ðịa ngày 15/9/1911 không phải là nỗ lực cuối cùng xin phục vụ Pháp của Nguyễn Sinh Côn (Tất Thành). Không hề có việc cha Nguyễn Sinh Côn không chịu làm quan cho Pháp; và, HCM đã lên đường ra hải ngoại chưa hẳn đã vì muốn tìm đường cứu nước như những nhà cung văn của chế độ khua chiêng, gõ trống bên cạnh những lời xưng tụng muôn năm vang dội các hội trường.
Trần Chung Ngọc–cựu giảng nghiệm viên phòng thực tập Vật Lý tại Ðại học Wisconsin-Madison–nhắm mắt chửi rủa công giáo, tin lành, ca ngợi hay bênh vực chế độ cộng sản–dù chẳng biết gì nhiều về hai tôn giáo lớn Tây phương, hay phong trào Cộng Sản. Cóp nhặt từ tác giả này vài câu, tác giả khác ít câu in vào “sách” mình, làm như học nhiều, hiểu rộng–nhưng chưa hẳn đọc mà đã hiểu các tác giả hay những điều trích dẫn đó. Chẳng thấy Trần Chung Ngọc công bố một tài liệu nào do mình phát hiện–nên lập luận chỉ là một thứ nhai lại của người khác, kèn kẹt tiếng nghiến răng khoái trá, man rợ. Khi được đọc lần đầu tiên trong đời về kế hoạch “chỉnh quân,” “chỉnh huấn” theo kiểu Mao-ít qua sự dạy bảo của các cố vấn Trung Cộng dưới quyền Luo Guibo [La Quí Ba] và Wei Guoqing [Vi Quốc Thanh] trong thập niên 1950, kiến thức “kinh điển” của Trần Chung Ngọc chỉ cho phép nhà ziết sử giẫy nẩy lên rằng đó là vu cáo bộ đội Cụ Hồ, vì bộ đội cụ Hồ vô cùng oai hùng, tại sao bỗng dưng lại bắt phải chỉnh quân, chỉnh huấn. Lối “ziết sử” trên của Trần Chung Ngọc khiến những cán bộ tuyên giáo CSVN có lẽ cũng phải đỏ mặt vì sự cung văn lố bịch, dựa trên sự ngu dốt hào nhoáng và điêu ngoa sặc sỡ. Ðó là chưa kể những người như Khuất Duy Tiến hay Ðặng Vũ Hiệp, cựu Tư lệnh B-3, cùng hàng chục ngàn nạn nhân khác của kế hoạch Mao hóa quân đội CSVN, dưới sự chỉ đạo của cán bộ Trung Cộng. Khi có người chỉ cho Trần Chung Ngọc biết chỉnh huấn, chỉnh quân ở đây có nghĩa học tập tư tưởng quân sự Mao Nhuận Chi “vĩ đại,” Trần Chung Ngọc mới ngẩn người ra, xin lỗi, tự biện hộ mình không chuyên biệt về sử. Nhưng chỉ nhận lỗi cho có, trên mặt các báo và mạng điện tử hải ngoại, Trần Chung Ngọc lúc nào cũng hùng hồn ziết sử (Trần Chung Ngọc rất sính dụng từ ngữ này).
Một “nhà ziết sử” lừng lẫy khác, thường bút chiến với Trần Chung Ngọc, là Lữ Giang. Lữ Giang tìm đủ cách đào mộ các lãnh tụ Phật Giáo, cung văn họ Ngô, thấy ai đưa ra những tư liệu bất lợi cho họ Ngô là chửi rủa bằng những ngôn ngữ hạ cấp. Nhưng kiến thức thực sự của Lữ Giang ra sao? Trong cuốn Những Bí Ẩn Lịch Sử, nhà ziết sử Lữ Giang phán rằng: Thân phụ cụ Phan Bội Châu đã phải sửa tên “San” của cụ thành Châu, vì sợ “phạm húy” vua Duy Tân (Vĩnh San) vài ba năm trước ngày vua Duy Tân chào đời! Khi ăn cắp tư liệu của tôi về lá thư riêng của Khâm sứ Pháp gửi cho Toàn quyền Ðông Dương, Lữ Giang mọc ra rằng đó là một “văn thư,” lại còn trích dẫn số ký hiệu văn khố cẩn thận. Ðó là chưa nói đến những tư liệu chưa giải mật mang danh hiệu SPCE tại Aix-en Provence mà chỉ những người nghiên cứu chuyên nghiệp mới được tham khảo nếu được phép của Bộ Văn Hóa Pháp. Thái độ thiếu lương thiện trí thức của Lữ Giang còn bộc lộ qua việc trộm cắp tư liệu của nhiều tác giả khác, nhưng quên trưng dẫn, và còn ghi chú nguồn tài liệu rõ ràng mà những tác giả nạn nhân tham khảo, ra vẻ ta đây cũng từng “nghiên cứu.” Khi bị vạch mặt nạ, Lữ Giang đưa ra một thứ lý luận cuối cùng của trò mọi rợ văn hóa: vu cáo tôi xuyên tạc lịch sử vì đưa ra những sử liệu văn khố mà không ai có thể phủ nhận hay phản bác sự khả tín. Tiếp đó là cái mũ “chống Ki-tô giáo.” Tôi vẫn nghĩ Lữ Giang, hay những người–như một người từng quen biết ở San Jose, chẳng có chút vốn liếng sử học nào, vu cáo tôi là “bài Ki-tô” hay chống Ngô Ðình Diệm, trên loại lưới nhện Talawas (mà tôi từng nói rõ vô cùng khinh bỉ)–chẳng thuyết phục được ai, ngoại trừ những người muốn được thuyết phục. Y hệt lập luận tôi “chống Cộng khét tiếng” hay muốn làm giảm gia trị Hồ khi công bố tư liệu văn khố mới về HCM. Nhưng tôi vẫn nghĩ Lữ Giang chỉ là một trường hợp cá biệt, không thể đại diện cho tập thể trí thức Ki-tô.
Còn Lê Trọng Văn–từng kiêu hãnh tự nhận là nhặng báo cho Ngô Ðình Nhu để tăng giá trị “bí ẩn lịch sử” về họ Ngô–HAI LẦN ăn cắp tư liệu của tôi in vào “sách” [thư Ngô Ðình Thục gửi Toàn Quyền Decoux năm 1944, và thư Petrus Key gửi Trung tá Jauréguiberry vào tháng 3/1859]. Lê Trọng Văn còn cho rằng tôi không biết lịch sử Việt Nam khi gọi sông Cửu Long (hạ nguồn Lan Thương Giang trong lãnh thổ Lào) là sông Khung, hay Liên Bang Thái Tự Trị (ZANO) gồm mười sáu (16) châu mà không phải mười hai (12) châu như huyền thoại Thái–hai ý niệm và thực thể chính trị hoàn toàn khác biệt nhau mà những nhặng báo như Lê Trọng Văn khó đủ học vấn để tường tận. Giống như Trần Chung Ngọc và Lữ Giang, chẳng phải tôi sai, mà các đương sự chưa từng được nghe hay biết đến những chi tiết lịch sử tầm thường trên.
Thực ra, với tôi, những côn đồ và mọi rợ văn hóa không đủ khiến quan tâm. Sau lần bị kích tim đầu năm 2008, kế cận cõi chết, tôi nhận hiểu không còn nhiều thì giờ, cần tập trung vào việc kết thúc những nghiên cứu của mình. Tôi cũng phá lệ thường, cho phổ biến trên tạp chí Hợp Lưu những nghiên cứu mới nhất, hy vọng xan xẻ kiến thức sử học với học giả và độc giả thân quí bốn phương. Cuối năm 2008, do đề nghị của văn hữu Nguyễn Vĩnh Châu, tôi còn chấp thuận cho ông Trần Quốc Bảo phỏng vấn để “làm film” về HCM, với điều kiện duy nhất là phải tôn trọng sự thực lịch sử. Bạn quí của tôi, như nhà văn Trùng Dương và Ngô Thế Vinh, có thể chứng thực điều trên. Việc nhóm ông Bảo không thực hiện đúng lời hứa–sản xuất cuốn DVD “sự thực về HCM” nhưng còn chứa đựng nhiều chi tiết sai lầm, những lời chứng mà mức khả tín rất đáng hoài nghi–không vượt ra ngoài sự lo ngại của tôi. Bởi thế, tôi đã dành cho Nguyễn Vĩnh Châu một bài phỏng vấn quanh những đề tài về HCM để có dịp phổ biến khi thuận tiện.
Cuốn DVD vừa phát hành, tôi được website Cộng Sản Việt Nam xếp hạng là chống Cộng khét tiếng, và hàm ý không đưa ra điều gì mới. Thực ra, cần minh xác, tôi chống bất cứ hình thức độc tài nào, bất kể màu sắc ý thức hệ. Ðây không phải lần đầu tiên tôi nói đến sự vi phạm Hiến Chương LHQ và Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948. Trong “Seminar Paper” năm 1999 đòi hỏi của trường Luật Houston trước ngày tốt nghiệp–với tựa “The Human Rights Aspect of the United States-Vietnam Relations, 1975-1995”–đã phản ảnh hết tâm ý của tôi nói chung, và nhận định về Việt Nam, nói riêng. Ðiều khó ngỡ là mới đây, chuyên viên ziết sử Trần Chung Ngọc bỗng nhập cuộc, chẳng hiểu do tự nguyện hay nhận lệnh từ đâu, hung hăng đả kích DVD “Sự Thực về HCM.” Giở trò giả mù sa mưa, Trần Chung Ngọc trích tác giả này, tác giả nọ để bảo vệ luận cứ mình. Trong số những người được dẫn chứng có Duiker và Quinn-Judge, hai tác giả cũng xuất hiện trong DVD của nhóm Linh mục Lễ. Nhưng chẳng thấy Trần Chung Ngọc đưa ra được bằng chứng có giá trị nào để phản bác, ngoài những lời “tinh tinh” vu vơ. Mặc dù được chính phủ VNCH gửi qua Mỹ du học nhờ học bổng Mỹ và thành tích cựu sĩ quan, kiếm được mảnh bằng về Vật Lý, nhưng Trần Chung Ngọc không nắm được nguyên tắc cơ bản của đối thoại và lý luận. Ðó là muốn bài bác một nhận định sử học của những người nghiên cứu chuyên nghiệp, phải xuất trình được những tư liệu khác với những dữ kiện do người Trần Chung Ngọc muốn phê phán đưa ra. Ðáng lẽ Trần Chung Ngọc phải biết theo thí dụ cụ thể sau: Ðể chứng minh Quinn-Judge không phải là một học giả nghiêm túc hay có giá trị về HCM, mà Trần Chung Ngọc ca ngợi hết lời, đánh giá mỗi nhận xét như chừng mang sức nặng thánh kinh, một sinh viên năm thứ nhất Sử học thôi cũng đủ cho Trần Chung Ngọc thấy hai trong hàng chục nhược điểm của Quinn-Judge trong tập tiểu thuyết lịch sử về HCM: Thứ nhất, trong bài “Thỉnh nguyện của dân An-na-mít” trên báo L’Humanité ngày 18/6/1919, không hề có tên Nguyễn Ái Quốc như Quinn-Judge hoang tưởng. (Xem Chính Ðạo, HCM con người và huyền thoại, tập I, 1997). Thứ hai, mặc dù mật thám Pháp báo cáo rõ ràng người phụ nữ vượt biên qua Vân Nam năm 1939 không phải là “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh, nhưng Quinn-Judge vẫn cho rằng Minh Khai có thể đã âm thầm đi tìm Linov Côn. Quinn-Judge cũng chẳng biết gì nhiều về Nguyễn Sinh Côn hay bối cảnh xã hội VN trong hai thập niên đầu của thế kỷ XX–liệu có xứng đáng chăng để diễn dịch về tâm trạng HCM? (Tôi vẫn nghĩ Trần Chung Ngọc chưa đọc kỹ Quinn-Judge, hoặc đọc mà không hiểu, không phát hiện nổi sai lầm và dụng tâm của người cựu nữ ký giả này)
Cách nào đi nữa, trung thành với tinh thần mọi rợ văn hóa, Trần Chung Ngọc nhảy ngay đến kết luận là tôi “cường điệu” khi đưa ra nhận xét rằng HCM là người chỉ có tham tâm giành đoạt quyền lực và duy trì độc quyền cai trị. Hy vọng quí thân hữu và độc giả đọc những điều tôi phát biểu về HCM, do Nguyễn Vĩnh Châu ghi lại, và cho tôi biết ý kiến.
Một cách tổng quát, tất cả những kẻ “Ziết sử” đều san sẻ một đặc tính chung. Ðó là chẳng biết gì về sử, chỉ dùng trí tưởng tượng của mình để uốn cong những mảnh vụn sử liệu lịch sử theo mục đích “cung văn,” hay “đào mộ” giai đoạn. Lập luận của Trần Chung Ngọc hay Lữ Giang khiến người ta không thể không nhớ đến một câu bất hủ của Socrate: “Ðiều tội lỗi nhất là cứ tưởng mình biết điều mình thực sự chẳng biết gì cả.” Nhưng những kẻ ziết sử hình như bất chấp dư luận, miễn hồ đạt được mục tiêu của mình. Như cầu xin một bữa ăn nhậu, hay một chút đỉnh chung, ân sủng cuối đời của nhà cầm quyền; và, không đủ kiến thức hoặc sự tỉnh táo để nhìn lại những cái gương tầy liếp đầy phẫn hận, cùng máu và nước mắt của thành viên hai tổ chức Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, hay Liên Minh Dân Chủ, Hòa Bình năm 1968–hai dụng cụ thôn tính miền Nam của Lê Duẩn-Lê Ðức Thọ–nhưng đã bị vứt ra hải ngoại hay chìm vào bóng tối các đô thị sau khi người CS đã đạt mục tiêu.
Ðáng lẽ tôi giữ thái độ im lặng, tập trung vào việc hoàn tất các nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, Trần Chung Ngọc đã mượn trang website Sách Hiếm có liên hệ với ông bà Nguyễn Mạnh Quang để phô trương đặc tính hung hãn mọi rợ văn hóa khi đả kích cuốn DVD “Sự Thực về HCM,” đào mộ và cung văn theo cảm tính hoặc lệnh trên, bất chấp sự thực, lương tâm và công tâm của con người thôi, nói chi người từng tốt nghiệp một đại học Mỹ. Chẳng hiểu Trần Chung Ngọc đã được hưởng những phần thưởng gì để đả phá những người chống Cộng miền Nam không chút kiêng dè. Nhưng những người thuê mướn Trần Chung Ngọc quên một điều: Bầy ziết sử và tinh tinh tân thời không thể tô son, thiếp vàng lại cho HCM hay chế độ được nữa. Hành động viết thư cho Chu Ân Lai nhìn nhận biên giới biển có những dấu chấm và gạch đứt quãng là bằng chứng hùng hồn nhất về tham vọng giành đoạt quyền lực với mọi giá của HCM cùng Ðảng CSVN. Cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ là những tấm gương soi gáy HCM và Ðảng CSVN đến ngàn đời. Lúc ấy thi hài những HCM, Phạm Văn Ðồng, Nông Ðức Mạnh có thể đã tan thành tro bụi, nhưng sẽ bị các cháu học sinh từ lớp đồng ấu trở lên hài tội cắt đất cho Hán tộc để cầu quyền lực, danh vọng. Chắc là dòng giõi, con cháu “lãnh tụ” chẳng hãnh diện gì và sẽ gánh chịu đủ búa rìu dư luận.
Phần những người như Lữ Giang hay Trần Chung Ngọc, Ðặng Thai Mai? Chỉ có sự im lặng, và một cái nhún vai rẻ rúng, cho những kẻ vì chút lợi nhuận nhất thời mà tẩy xóa cho sạch lương tâm và niềm kiêu hãnh của một con người. Họ sẽ chìm vào lãng quên, chẳng còn dấu tích nào về một thời gian hiện hữu như những ngụy trí thức và mọi rợ văn hóa.


Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu

Houston, 29/8/2009







Source : www.hopluu.net.

VŨ KÝ - Hội An, thành phố của hoài niệm

Hội An, thành phố của hoài niệm
Written by Vũ Ký


Trích từ đặc san Quảng Nam Ðà Nẵng 2001-Dallas Fortworth
Hội An, thành phố của hoài niệm



Cũng lại là một trong nhiều hiện tượng nữa, qua những nhân vật đã đến với cuộc sống bình lặng của Hội An tỉnh lẽ theo dòng hoài niệm của tôi. Ðó là nhà văn Phạm văn Hạnh, một đồng nghiệp dạy trường Viên Minh với tôi bấy giờ. Suốt ngày im hơi lặng tiếng không nói nên lời, không biết khi giảng bài thì anh làm sao. Tính tình rất dễ thương, anh Hạnh có rất nhiều cảm tình ngầm với các tiểu thư phố Hội. Anh lại có thói quen khác thường gần như một cố tật, làm ngạc nhiên rất nhiều người hiếu kỳ bấy giờ, là chiều Chủ Nhật nào cũng vậy, anh cùng với một thanh niên nữa, tuy ít học nhưng ăn bận chĩnh tề, cả hai lầm lì thả bộ rong chơi từ khắp các đường phố mãi đến ngoại ô. Một cuộc du ngoạn thông lệ khá lạ kỳ khó hiểu làm đề tài bình luận cho dân cả thành phố. Thêm nữa, tôi cũng vô cùng bùi ngùi nhớ đến các buổi chiều Chủ Nhật: Tạ Ký - cậu học sinh của tôi ở trường Viên Minh bấy giờ - rời nhà trọ học ở Hội An tìm đến thăm thầy để rồi hai thầy trò, đúng ra là hai anh em, rảo bước dạo chơi khắp phố phường của thị xã bé nhỏ nầy.


Nào con đường Chùa Cầu có cái tên Pháp, gợi chính nền văn hóa xa xưa: "Rue du Pont Japonais" và con đường Quảng Ðông (Rue des Cantonais) song song từ đầu đến cuối thành phố, chạy dài ra mãi ngoại ô đầy những xóm nhà chi chít lụp xụp nằm không cân đối ở hai bên vệ đường đá sỏi. "Chùa Cầu" (Chùa Nhật Bổn) tối om, trên lợp mái ngói thấp trệt với những thanh gỗ bắc ngang qua con sông hẹp, mỗi khi có xe cộ lưu thông rung rinh vang lên các âm thanh rập rình liên tiếp. Dưới cầu, dòng nước róc rách không ngừng, chỉ nghe tiếng nước mà không thấy dòng nước chảy đâu hết. Một cái chùa nhỏ - thấy đó mà không bao giờ tôi bước chân vào - được dựng lên giữa cầu ở hai bên trông thật ngộ nghĩnh. Ở đầu và cuối cầu, có hai bàn thờ bằng gỗ đỏ chói, hai con khỉ đội khăn đỏ ngộ nghĩnh, ngồi lầm lì, khói hương nghi ngút...Thầy trò chúng tôi đã nhiều lần dừng lại cầu, chiêm ngưỡng hai cái tượng khỉ với nhiều cảm xúc hay hay...

Chạy dài theo bờ sông, các ngôi nhà xăm xắp chuyên buôn các hàng hóa mà ghe thuyền chở đến hoặc chở đi từng đợt nhộn nhịp, rộn ràng. Và đây Hội An, một giang cảng có một lịch sử xa xưa đầy tính quốc tê khá phồn thịnh trong chiều dài của văn hóa Việt xây dựng nên nền văn minh Cổ Việt. Mùi cá tôm, mùi nước mắm hăng hắc, mùi nước sông vừa lạnh vừa hôi, một thứ rong rêu của thủy thổ địa phương xứ Quảng làm cho người địa phương càng đi xa quê hương, lạc lòi nhiều tháng năm trên miền đất lạ, càng bùi ngùi thương nhớ về phố Hội, nhớ cảnh tấp nập ở bờ sông ấy.

Hai thầy trò chúng tôi lủi thủi dạo chơi, ngắm nhìn cảnh vật như những kẻ hiếu kỳ vô công rỗi nghề cô độc. Rồi có lúc hai thầy trò tạt vào tiệm "cao lầu" ông Cảnh, với các hàng song gỗ bắt chéo như mặt võng, hắt cả ra một luồng khói mịt mờ thơm phức bay đến tận ngoài đường phố, "kêu" vài tô thưởng thức mùi vị đặc sản Hội An.

Có những buổi chiều nắng xuống, khí hậu dịu hẳn, gió phất phơ từ Cửa Ðại thổi lên mát rượi, thầy trò lạc vào các ngôi chùa cổ, lớn có, nhỏ có, rải rác đây đó khắp thành phố; nào chùa Phúc Kiến, chùa Triều Châu, chùa Quảng Triệu, chùa Hải Nam... chiêm ngưỡng các tượng Thần, Ông Thiện, Ông Ac, Quan Công, Tề Thiên Ðại Thánh...hùng hỗ nghênh ngang chen lẫn với các tượng Phật từ bi, thanh thoát. Mỗi chùa là một thắng cảnh mang sắc thái riêng nhưng tổng hợp lại dựng nên cái sơ đồ biểu hiện văn hóa Ðông Phương khó ai lầm lẫn được của một nước Việt cổ xưa, đệ tử trung thành của bậc thầy Trung Hoa lão đại. Nhiều lúc lặng đứng trầm ngâm hằng giờ trước các công trình chạm trỗ li ti, sơn phết vàng son đỏ chói ấy đầy tính nghệ thuật giữa mùi nhang khói, mùi đèn sáp vừa thơm vừa khét, cái mùi khó tả, mùi không khí đông đặc đọng lại của loại đền chùa ngày này qua tháng nọ khép cửa triền miên tạo nên đạo vị tôn giáo muôn thuở của phố Hội nghìn đời.

Tôi đã có dịp dừng chân hồi còn sinh viên trên khắp một số lớn các thành phố miền Trung như Thanh Hóa, Lệ Thủy, Ba Ðồn ở Quảng Bình, Quảng ngãi, Qui Nhơn, Sông Cầu, Nha Trang v..v... phần nhiều là các thị trấn tỉnh lỵ, nhưng không đâu bằng Hội An với quang cảnh, hình nét riêng biệt của nó, gieo vào tâm hồn du khách bao hoài niệm trầm tư trổi dậy về ta, về người, về mình, về khách, về chủ...nhiều và rộn ràng như thế, sâu đến thế...theo chiều dài của lịch sử nước Việt cộng với sự chung đụng mật thiết, trộn lẫn Tây, Tàu, Nhật, Việt, Bồ, Hòa Lan, Y Pha Nho và còn ai đó nữa trên đất Hội An.

Theo nhà khảo cổ A. Sallet, trong bài viết "Le Vieux Faifo" thì người Bồ Ðào Nha như giáo sĩ Borri chẳng han đã đến Hội An rất sớm vào năm 1618.

Trong "Phủ Biên Tạp Lục" của văn hào Lê Quý Ðôn, vào năm 1771, Hội An đã có 16 thuyền ngoại quốc cặp bến. Dom Jao, năm 1617, Phó Vương Bồ ở Ấn Ðộ tâu về nước rằng: "Hội An là một hải cảng của Cochinchina có rất nhiều ích lợi cho ta vì vị trí rất tốt, đối diện với Manila, gần Macao và ta có thể mua đủ các thứ lụa".

Vào thời kỳ cực thịnh vàng son của nó, - theo nhà báo Pháp Pierre Bigorgne viết trong "Những phóng sự lớn" (Paris tháng 2/2000 số 217) thì Hội An đã cạnh tranh rất thắng lợi với những hải cảng lớn ở A châu, như Macao. Bây giờ, bao tang thương xảy đến, ở đó, những ngôi nhà xưa lở lói soi bóng xuống mặt nước sông Thu Bồn, mà cát bồi mãi mãi làm xa phố Hội khỏi bờ biển đến gần 3 cây số. Một giang cảnh mà cũng là thương cảng ở trung tâm nước Việt, trên các con đường hàng hải quan trọng; từ thế kỷ 16, Hội An đã là một thương cảng quốc tế. Tàu buôn từ tứ phương đến, nào Tàu, nào Nhật, Hòa Lan, Ấn độ đặt văn phòng, vị trí buôn bán trên thành phố. Nhưng từ 1636, quốc vương Nhật bế quan tỏa cảng, không giao thương nữa với nước ngoài thì các tàu buôn Nhật rời khỏi Hội An, để khoảng trống ấy cho thương gia người Tàu đến càng ngày càng rộn rịp. Vì thế mà còn di tích Chùa Cầu Nhật Bổn và sau đó là các chùa chiềng, các kiến trúc theo lối Tàu ở Hội An. Màu đỏ chói, màu vàng ối với các rồng, các phượng trang trí rực rỡ các đền chùa, các đình miếu và các ngôi nhà công cộng của các bang Hoa Kiều... Hội An ngày nay đếm lại còn hơn 50 ngôi đền, chùa và đình công cộng của các bang Tàu.

Theo L.Cadière, nhà truyền giáo Pháp am hiểu nhiều về tình hình Việt Nam ngày trước, trong bài viết "Le Quartier des Arènes" năm 1919 thì vào năm 1666, vợ chồng Phó vương Jao đến Hải Phố (Hội An) thăm các Cha Dòng Tên, khi lên bờ được rước theo nghi vệ long trọng, có kèn, có cáng lụa. Và Hải Phố trở nên một thủ phủ rất quan trọng về chính trị, kinh tế lẫn tôn giáo. Việc buôn bán ở đó vô cùng phồn thịnh, người Nhật, người Hòa Lan lẫn người Tàu là kẻ tiền phong đến kinh doanh trên xứ sở ta, chính vì thê mà mỗi phiến đá, mỗi viên gạch lót đường nhẵn thín, mỗi miếng vách lở lói của chùa chiền, đền đài ở phố Hội đều rên rỉ lên trong âm thầm câm lặng cái tiểu sử sầu nặng thời gian của mình trên dòng Cổ Việt rất xa xưa.

Nếu Hội An với cầu, với chùa. với nhà cửa đầy cảnh sắc Tàu là một mảnh Quảng Ðông, Phúc Kiến, Trùng Khánh di cư từ thuở nào xuống miền Trung nước Việt, bao giờ nó cũng để lại đây nét tàn phai của một cung phi rủ buồn muôn thuở, thì Cửa Hàn - bấy giờ với cái tên Pháp là Tourane - trên đất Quảng, xa cách đó hơn ba mươi cây số, là một thiếu nữ đương thì vươn lên sức sống tráng kiện vô cùng để chinh phục và lôi cuốn tất cả thổ dân.

Tôi còn nhớ hồi học lớp Nhất Tiểu học Pháp, trong cuốn "Les Cinq Fleurs", một nhà văn thực dân đã diễn tả bằng một câu văn ngắn mà nêu rõ đặc trưng sinh hoạt, vị thế của hai thị trấn anh em nầy thành lập khít nhau trên chéo đất eo hẹp xứ Quảng: "Thành phố nầy giết dần giêt mòn thành phố kia" (Celui-ci tue lentement celui-là).

Cho đến nay, câu nói trên của Jean Marquet vẫn còn đúng và đúng hơn nữa với thời gian là khác. Nếu phố Hội là dung mạo về chiều của một cung nữ héo úa thì ngộ thay, bà mẹ già quá thời nầy luyến tiếc thời vang bóng, gieo rắc sau gót hài của mình cả một thế hệ tiểu thư tràn đầy hương sắc, những ái nữ yêu kiều thanh tú dệt bao nét diễm lệ trinh nhã cho phố Hội bấy giờ, vướng vít hoài niệm, vương vấn trong ký ức bao chàng trai, sinh viên từ các tỉnh lạ đã có thời đi ngang qua bất chợt hoặc lưu lại ở đó nhiều ngày trên đoạn đường giang hồ son trẻ của mình.

Hội An, thành phố của chào mừng Tình Yêu, của Welcome Tuổi Trẻ ngay buổi đầu sơ ngộ. Quê hương của một số thiếu nữ mỹ miều, dễ thương, tình tứ, lãng mạn bên trong mà kiêu sa đoan cách bên ngoài. Không biết bây giờ, cách xa quá nửa phần thế kỷ, tâm tình mỹ cảm ấy còn gây xao xuyến cõi lòng các cô gái Hội An và các chàng trai Quảng Ðà xuất thân từ các trường Trung học trong vùng như Ðà Nẵng, Huế và nhất là ở chính trường Viên Minh, được xem như một thứ "Viện Ðại Học" đầu tiên của địa phương cao cấp nhất.

Hội An, một tỉnh lỵ nhỏ xíu, không sôi động lắm nhưng có lắm tao nhân mặc khách của văn chương nghệ thuật ái mộ, vẻ xinh xinh tĩnh lặng của nó lại được trang điểm thêm, trung bình nhiều hơn các thị trấn khác của miền Trung, bởi một quần tinh bông hoa đẹp vừa có tâm hồn vừa có nết na khiêm ái.

Hoặc họ là nữ sinh đang học hay đã thôi học ở trường Trung học địa phương Viên Minh, hoặc trước kia hay bấy giờ là nữ sinh trường Ðồng Khánh Huế, trường Trung học Jeanne d’ Arc ở cố đô Hà Nội. Mỗi kỳ hè rộn rịp về thăm gia đình kéo theo nhiều bạn gái khác hoặc vô tình "đèo" theo một số nam sinh viên đa cảm "ái mộ ngầm" các nàng từ bao giờ, lấy cớ là đi chơi hè, tạm trú một thời gian ở phố Hội để may ra có dịp làm quen qua đường hay là muôn thuở.

Vài ba nhóm kiều nữ kết thành những cụm hoa xinh xắn, nào Khánh V., Thuý V., (Nhị Kiều), nào Bích D., Tâm Th., Tô thị B.H., nào Ai T., L. Hương, Bích H.. v.v.. mỗi người một vẻ, duyên dáng, sầu mộng, thích buồn vẩn vơ hay nhí nhảnh yêu đời...(Có kiều nương nào chúng tôi quên, xin hãy âm thầm tự nhiên nhắc thêm tên mình vào và cho tôi lời đại xá).

Tôi cũng nhớ một buổi tiệc gia đình mà một nhân vật địa phương là cụ Hường Ng. thết đãi chúng tôi, những vị giáo sư của trường Trung học lớn của địa phương bấy giờ, trường Viên Minh. Hai ái nữ lễ phép, dịu dàng tiếp khách là cô L.D. và L.H. làm cho các bạn giáo sư sinh viên chúng tôi bấy giờ bồi hồi xúc cảm. Nghe đâu một nàng đã không còn trên cõi đời, còn cô em ở Sài Gòn hương sắc về chiều vẫn còn giữ vẻ đằm thắm thời xuân. Ðối với chúng tôi, nàng không là nữ sinh của mình để kết thành một mối tình không tưởng trong tác phẩm "Nỗi Lòng" tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn thời nào!

Bên cạnh số thiếu nữ của các vọng tộc địa phương, còn có vài ba bông sắc lạ đã sinh ra trên đất khách của một miền Cổ Việt xa xăm: đó là các thiếu nữ Minh Hương có rất nhiều Tàu, một ít Việt hay ngược lại. Họ nhập bọn hòa đồng kết thành hương sắc vuờn hoa phố Hội thuở bấy giờ. Trong số ấy có người đẹp họ Diệp, cô Diệp T.V., người nữ sinh dễ thương trường Quảng Triệu của Tàu đã gợi cho chúng tôi nhiều khắng khít cao thượng về tình đồng chí, những liên tưởng khó quên về ý thức cách mạng của nàng. Cô Diệp T.V. là ái nữ của một đại gia đình Trung Hoa khả kính, bén gốc rể thâm niên ở phố Hội không biết tự bao giờ, chủ nhân một cơ sở thương mãi có truyền thống kinh doanh lớn và đứng đắn. Một mẩu văn nhân, thi sĩ nhạy cảm, tài hoa đang trưởng thành với một nét đẹp Tàu duyên dáng, cô D. cũng là đối tượng ái mộ thầm kín của nhiều thanh niên từ xa đến và của nhà văn và giáo sư Phạm Văn Hạnh nữa.

Hiện nàng (đã thành Bà rồi) sống với con cháu ở vùng Vịnh, Hoa Kỳ, có thể bà nhìn cảnh núi đồi sông bể nước non nơi quê hương ly khách mà nhớ lại bao hoài niệm vui buồn, bi hùng dính cứng con người mình với chéo đất ngàn thu oai hùng xứ Quảng, từ hồi nàng chỉ là một nữ sinh ngoại kiều nhí nhảnh, thùy mị của trường Quảng Triệu.

Bây giờ, ngồi viết đôi dòng hoài niệm xa xưa trên dòng đời viễn khách, tôi đã điện đàm với Bà để nhờ Bà nhớ thêm những dư âm, dư hương nào Bà còn giữ được về thời vang bóng ấy...Và Bà đã ngậm ngùi trả lời: "Thôi nhắc lại làm chi cái thời xa lắc đó!" Nhưng với một nhà văn thì càng xa trong ký ức, càng gần về kỷ niệm và chôn chặt một kỷ niệm trong cõi lòng tức là giữ mãi trong tim đó vậy! úng tôi cũng thành tâm ghi ơn người thiếu nữ mảnh mai ấy của dòng máu son sắt nước ngoài về công trạng nàng đóng góp cho bước đầu đấu tranh vì sinh tồn của chính nghĩa quyết liệt trên đất Quảng.

Tôi sẽ trở lại với vài mẩu hành trình cách mạng khả kính của cô Diệp và cô Trần Thị S. ở một bài sau: "Hội An theo dòng hoài niệm cách mạng, chính trị".

Một vài giai thoại tình duyên vui vui đã diễn ra với sắc thái đặc biệt mà bối cảnh tình trường vẫn là Hội An, làm cho tôi nhớ đến sức quyến rủ khác thường của phố Hội: Một người bạn sinh viên trường Luật ở Hà Nội - anh N. T.V.- nghe tôi tâng bốc người đẹp, cảnh đẹp Hội An hơn cả Sầm Sơn, Ðồ Sơn bấy giờ (tôi cường điệu một chút cho thêm hấp dẫn vì mối tình quê mặn nồng) bèn khăn gói lên đường, thong dong về chơi hè ở phố Hội suốt hai tháng trời. Trên chuyến xe đò Tourane - Vĩnh-Ðiện, anh bị "hớp hồn" (lời anh nói) bởi khoé mắt Thúy Kiều, lời ăn nói dịu dàng, đôi má hồng ửng đỏ của cô nữ sinh nhà ở phố Chùa Cầu bấy giờ là cô Tô Thị Bạch H. (nếu tôi nhớ không sai). Thế là "cái phút ban đầu lưu luyến ấy" dẫn đến cuộc tình kín đáo kéo dài trong hai năm trời: Nào cùng dạo chơi Cửa Ðại, nào ngắm cảnh Non Nước hữu tình và rồi những cánh thư màu hồng, màu xanh tiếp nhau phấp phới...Nhưng hè năm sau, khi trở lại định làm lễ thành hôn với nàng thì nàng xin lỗi hẹn vì không muốn xa rời phố cổ Hội An. Sau đó thì "đã trâm gãy bình rơi bao giờ", nàng bạo bệnh qua đời vào năm 1947. Và nàng cũng là đối tượng yêu thầm nhớ trộm của người học sinh lỗi lạc của tôi, nhà học giả N.T. hồi đó.

Một sinh viên năm cuối ở Phân khoa Thủy lâm Hà Nội là anh Trần V.S. quê Lệ Thủy, Quảng Bình được tôi ân cần khuyên nên vào Hội An chơi hè. Chân ướt, chân ráo mới đến năm ba ngày đã được nhà bà Phán T. đường Phúc Kiến mời về kèm Pháp văn cho cô X.T. ái nữ của bà. Tia mắt ướt của người đẹp nữ sinh đã gặp mối xúc cảm đa tình của chàng sinh viên xứ lạ, để rồi được kết thúc bằng lời "thệ hải" mặn nồng. Thế là hè năm sau, chàng đưa nàng với đủ "lễ nghi quân cách" về miền Bắc Trung phần. Ðược cái vui sướng làm chứng nhân số một, tôi cũng đóng vai "ông mai dong" danh dự tình cờ! Bây giờ nhớ lại, viết khúc trường thiên hoài niệm về Hội An: "Tài Hoa và Lãng Mạn", cảnh cũ không còn mà người xưa cũng biền biệt ở phương trời!

Nhắc đến chuổi ngày xưa ngắn, đẹp, thời xuân tình tuổi trẻ sinh viên, bên cạnh tôi có vài bạn tâm tình vong niên bây giờ, chính gốc Hội An, bén nhạy, xúc cảm, luyến lưu về đất Quảng thuở nào nhằm biểu đồng tình với tôi "ta cùng nòi tình thương người đồng điệu", thiệt là tâm đầu ý hợp đó vậy. Hội An, bối cảnh những mối tơ duyên ngẫu hợp bỗng thành thiên thu "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ!". Bao hoài niệm mênh mang của người lữ khách trong cảnh vật đổi sao dời, từ chân trời quê cũ đến góc bể xa xăm diệu vợi, khoảng cách thời gian quá hơn nửa phần thế kỷ. Rất nhớ! Rất thương!

Bên cạnh các cô gái Hội an nhí nhảnh, hiền vui ấy, còn ngự trị một thế hệ đứng tuổi cũng đầy tài hoa, đức hạnh làm thành một giai cấp nữ lưu nho nhỏ khả kính trang trí cho cảnh sắc phố Hội. Ðó là bà Tống K., Hiệu trưởng trường Nữ Tiểu Học Hội An (hiện ở WA.DC). Tôi nhớ lại bà và phu quân - một trí thức địa phương hiền đức - đã thết đãi tôi một bữa tiệc tri tình lúc tôi đi tù Việt Minh về (1954); đó là cô Trần Thị S. nữ giáo viên mà cũng là một nữ nhân sĩ cách mạng trí thức tiền phong của tỉnh (tôi đã nói ở trên).và nay cô đã mất rồi.

Bà Ðốc Hồ, một nhà thơ tài tử, có tài trào phúng ý nhị, thường xướng họa thơ Ðường với các văn nhân thi sĩ; bà Phi Y. với chồng, những thương gia giàu lòng hào hiệp; bà Huỳnh Tân một thời là hoa khôi và Giám đốc trường Nữ Trung học Jeanne d’ Arc và trường Trung học Hoài Ðức Hà Nội. Tôi cũng không quên những chàng trai Hội An thuở ấy có nhiều cá tính lãng mạn như nhạc sĩ La Hối mà chúng tôi thường gặp bên cạnh phòng hình Lệ ảnh, một tiệm hình nổi tiếng về nghệ thuật cao và đẹp nhất ở miền Trung được "giải thưởng về thu hình đẹp nhất".

Nói đến nhạc sĩ La Hối là nói đến một danh tài bạc mệnh với nhạc phẩm "Xuân và Tuổi Trẻ" nổi danh, mà một nhạc sư bấy giờ đánh giá là bản nhạc độc đáo, vui tươi, yêu dời, chói rạng của thanh thiếu niên nam nữ buổi xuân thì trong nền âm nhạc Việt Nam cận đại. Tiếc thay, thời cuộc chính trị khắc nghiệt đã thổi tắt một ngôi sao trên vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa chớm sáng. Còn chàng thi sĩ Vũ Hân vì mặc cảm nào đó cho nên ít tìm gặp chúng tôi, chỉ giao duyên văn tự qua vài câu chuyện qua đường, thường là với anh Phạm Văn Hạnh.

Phong trà thính thông lệ của chúng tôi - những thanh niên lạc lòi tránh bom đạn từ Hà Nội về tỉnh lẻ - là Pharmacie Huỳnh Quang Ðại, mới mở ở đường Quảng Ðông, thơm phức những ngào ngạt của mùi nước hoa "Eau De Cologne" thoát ra từ phòng bào chế của chàng dược sĩ vừa xuất thân từ phân khoa Dược của Viện Ðại học Hà Nội. Anh Ðại là bạn hữu chí thiết của nhóm chúng tôi bấy giờ. Ðộc nhất ở Hội An còn có một "cơ quan truyền thông" tư nhân, thực ra là một cửa hàng bán báo sách rất khiêm nhường của một thanh niên đứng tuổi, bảng hiệu Trường Xuân, nằm duới bờ sông, bên hông chợ, thường bán các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Ðàn Bà, Loa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm...từ Hà Nội gởi vào. Ðó cũng là nơi lui tới chuyện vãn của những người yêu văn thơ, sính tin tức, thèm báo chí, tin văn học khắp nước, phần lớn từ Hà Nội, Huế truyền đi. Nói đến các nhà thơ, văn tài tử, số tiêu thụ văn chương nghệ thuật ở Hội An so vào dân số Quảng Nam quá ít thì ở Hội An nhiều độc giả hơn và mật độ thi văn nhân lớn hơn các tỉnh khác. Ðó cũng là đặc trưng văn nghệ trí thức của nơi đã sản sinh ra "Ngũ Phụng Tề Phi" và "Tứ Hùng, Tứ Kiệt" mà trong các đặc san Quảng Ðà khắp nơi trên thế giới đều có nói đến và có khi nói lầm nữa là khác với rất nhiều hãnh diện và trang trọng.

Hội An bấy giờ còn là nơi dừng chân lưu luyến của các nghệ sĩ trong các Ban Ca Kịch nổi tiếng của Hà Thành hoa lệ, nào là ban kịch Anh Vũ, ban kịch Thế Lữ về đó lưu diễn nhiều ngày từ Hội An đến Tourane (tên gọi Ðà Nẵng lúc bấy giờ) rồi Bảo An, Vĩnh Ðiện...

ững nhân vật văn, kịch nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Ðoàn Phú Tứ, Vi Huyền Ðắc, Phạm Văn Hạnh....không tiếc lời ca ngợi tính hiếu khách đón mời khả ái nồng nàn của nguời xứ Quảng đông đảo trai thanh, gái lịch ái mộ. Họ từ biệt phố Hội An lên đường về Bắc mà còn hẹn hò ngày trở lại với tất cả nhớ nhung lưu luyến. Nhưng rồi không bao giờ và không biết đến bao giờ vì chiến cuộc sôi động khắp nước. Hội An có tất cả cái hợp sắc, hợp lưu cổ kính theo chiều dài của nền cổ sử mà cũng có những tình tứ lãng mạn của những đứa con yêu, kiều nữ xinh xinh mang theo trong cặp sách đến trường bao mộng đẹp tình hoa sánh đôi cùng những chàng trai hào hoa tinh nghịch, đa cảm, đa tình, đắm say hương sắc một thời đến nổi lãng quên nghề nghiên bút. Bùi Giáng, cố thi sĩ đất Quảng, gởi đến cho tôi năm trước mấy vần thơ làm vội gọi là dể tặng vòm trời quê hương mình đôi làn tơ sầu muộn của chàng cuồng sĩ tài hoa:

Hội An

Mơ màng phố cũ hoang liêu
Cánh buồm con sóng sương chiều Hội An
Tờ mây chan chứa mộng vàng
Tuổi đời em kết mấy ngàn cánh hoa
Mừng vui giọt tuổi chan hoa
Bước đi từ đó gió xa bay về
Ngậm ngùi đàn lệ ai nghe
Cộ nguồn bên tháng năm thề xẻ chia
Dấu mờ hoen hận còn kia
Hồn trăng soi bóng sầu khuya một bờ.

Bùi Giáng


Vũ Ký (Bruxelles 99)

2/8/10

THIỀN SƯ VẠN HẠNH – VỊ QUỐC SƯ TÀI BA LỖI LẠC

THIỀN SƯ VẠN HẠNH – VỊ QUỐC SƯ TÀI BA LỖI LẠC


Thật tuyệt vời! Chỉ với một bài sấm vỏn vẹn bốn mươi chữ mà có sức mạnh bằng cả đoàn quân, đánh đổ được một vương triều. Trong bốn ngàn năm lịch sử của nước ta chỉ có hai người “buôn vua” thành công như Lã Bất Vi thời Chiến quốc (TQ). Đó là sư Vạn Hạnh và Trần Thủ Độ (2). Họ là hai trong những nhà chánh trị lỗi lạc của nước ta.
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại (979) triều đình tôn phò Đinh Toàn lên ngôi mới 6 tuổi. Quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm phụ chính phó vương. Vài tháng sau, nhà Tống đưa hơn 3 vạn quân thuỷ bộ chia làm hai đường tiến sang xâm lược nước ta tình thế rất nguy cấp. Lê Hoàn bèn sai đại tướng quân Phạm Cự Lương đem quân chống cự. Trước khi ra mặt trận, Cự Lượng cùng các tướng sĩ kéo thẳng vào điện kim loan nói với quần thần: “Thưởng kẻ có công, giết kẻ không theo mệnh lệnh là phép hành binh. Nay chúa thượng còn thơ ấu, chúng ta dốc sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài, dù có lập được chút công thì ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn thập đạo tướng quân làm thiên tử rồi sau sẽ ra quân”. Các tưóng sĩ đều tung hô vạn tuế, Dương thái hậu bèn trao áo long cổn cho Lê Hoàn lên ngôi vua tức Đại Hành hoàng đế.
Ba mươi năm sau (1009) Lê Long Đỉnh chết, con nối dõi là Sạ còn nhỏ, đáng lẽ triều đình tôn phò Sạ lên ngôi vua mới đúng đạo quân thần. Nhưng, quan Chi hậu Đào Cam Mộc lại họp bàn với quần thần: “Nay (đối với nhà Lê) ức triệu người đã khác lòng, thần dân đều lìa ý, mọi người chán ghét sự hà khắc bạo ngược của tiên đế, không muốn theo về vua nối dòng và đều có ý suy tôn Thân vệ(1). Nếu không nhân dịp nầy cùng suy tôn thân vệ làm thiên tử phút chốc xảy ra tai biến thì liệu chúng ta có giữ được đầu không”. Bá quan không ai dám có ý kiến gì bèn đem việc nầy tâu lên bà thái hậu, bà thái hậu bèn mời Lý Công Uẩn lên ngôi vua tức vua Thái Tổ, gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Lý.
Hai cuộc thay ngôi đổi chủ giữa họ Đinh họ Lê và họ Lê họ Lý về tình tiết tương đối giống nhau nhưng về nguyên nhân thì hoàn toàn khác nhau. Nếu việc trước xuất phát từ cái hoạ xâm lăng của quân Tống thì việc sau lại bắt nguồn từ một bài “sấm ký”. Nếu việc trước do vị đại tướng quân cầm đầu thì việc sau người chủ mưu là một nhà sư trong tay không tên quân, không tấc sắt! Sự việc như sau.
Lê Long Đỉnh là đứa con hư của vua Lê Đại Hành, là đứa em ngỗ nghịch của thái tử Lê Long Việt. Sau khi giết anh chiếm ngôi, Long Đỉnh trở thành tên hôn quân vô đạo, ác như Kiệt, Trụ ngày xưa, lấy rượu gái và chém giết làm vui. Nhân dân oán ghét, căm thù cùng cực những mong sớm có vị anh hùng nào đó đứng lên đánh đổ. Triều đình cũng lắm người chán ngán, bất mãn một ông vua bệnh hoạn ngông cuồng, muốn phế truất đi nhưng chưa tìm được minh chủ.
Vào một đêm mưa to gió lớn tại làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, sét đánh trúng cây gạo cổ thụ. Vài hôm sau, người làng phát hiện trong vết sét đánh có chữ rằng :”thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh, hoà đao mộc lạc, thập bát tử thành, Đông A nhập địa, mộc dị tái sinh, chấn cung hiện nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình” (tạm dịch : gốc cây thăm thẳm, ngọn cây xanh xanh, hạt hoà đao rụng, mười tám hạt thành, Đông A vào đất, cây khác lại sanh, phương đông mặt trời mọc, phương tây sao ẩn mình, trong sáu bảy năm, thiên hạ thái bình).
Hay tin có chuyện lạ, sư Vạn Hạnh bèn đến xem rồi dùng phép chiết tự và đồng âm trong chữ Hán, phân tích, giải nghĩa cặn kẽ những ẩn tự trong từng câu từng chữ của bài sấm ký đại khái như sau: Gốc cây chỉ vua, gốc yếu tức vua yếu, ngọn cây chỉ bề tôi, ngọn xanh tức bề tôi mạnh, Họ Lê sắp mất (ba chữ hoà đao mộc ghép lại là chữ Lê), họ Lý sẽ thành (ba chữ thập bát tử ghép lại là chữ Lý). Phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, trong sáu bảy năm, thiên hạ thái bình. Bài sấm ký và lời bàn tinh thông, sâu sắc, rõ ràng của sư nhanh chóng lan truyền khắp trong thành ngoài nội, mọi người đều hân hoan đón chờ và có ý hướng vào Lý Công Uẩn chính là vị minh quân mà thần nhân đã mách trước cho họ biết.
Thấy mọi người đều một lòng như vậy, sư Vạn Hạnh bèn đem việc ấy nói khích Lý Công Uẩn: “Gần đây, cứ suy lời sấm thì họ Lý đáng nổi lên. Nay họ Lý trong nước có ai nhân từ khoan thứ rất được lòng người như thân vệ, binh quyền trong tay, làm chủ muôn hộ, nếu bỏ thân vệ còn ai đương nổi”. Lý Công Uẩn thích lắm nhưng vẫn còn dè dặt, sợ sự việc bại lộ sẽ mang hoạ bèn cho người giấu sư Vạn Hạnh ở Tiên Sơn. Bài sấm còn tác động mạnh đến triều thần, nhiều người theo về với Công Uẩn để hưởng lợi sau nầy, trong đó quan trọng nhất là quan Chi hậu Đào Cam Mộc. Chính ông là người ủng hộ mạnh mẽ việc đưa Công Uẩn lên ngôi vua sau khi Lê Long Đỉnh chết.
Thật ra trời không viết gì, nói gì cả. Đó chẳng qua là sản phẩm của…sư Vạn Hạnh hay nói đúng hơn sư là tác giả bài sấm trên.
Sư Vạn Hạnh ( ? – 1025) họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì, người châu Cổ Pháp, cùng quê với vua Lý Thái Tổ, tu tại chùa Lục Tổ ở Tiên Sơn. Sư chẳng những tinh thông Phật học còn giỏi cả Nho học, Đạo học. Có chí lớn và kiến thức hơn người, nhiều kinh nghiệm sống ở đời và chốn quan trường. Biết tính toán, tiên đoán được việc trước việc sau, việc nào thành, việc nào bại. Hồi thời vua Lê Đại Hành sư là “cố vấn” về chính trị, quân sự của vua, có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược nước ta năm 981 và đánh bại quân Chiêm Thành quấy phá vùng biên giới phía nam, rất được vua tin dùng. Khi nhận nuôi dạy Lý Công Uẩn, sư khen : “Cậu bé nầy không phải người tầm thường, sau này lớn lên chắc sẽ giải quyết được nhiều việc khó, làm bậc vua sáng suốt trong thiên hạ”. Nói theo dân gian thì Lý Công Uẩn có “chơn mạng đế vương” nên sư âm thầm ôm tài thao lược phò tá nghiệp vương. Để làm được việc nầy, sư đã tận tâm dạy dỗ Công Uẩn như vị sư phó dạy dỗ thái tử khi thái tử còn ở cung tiềm để. Sư đã không phí công, hấp thụ được tinh hoa của những điều đã học từ sư phụ, Công Uẩn trở thành người khảng khái, có chí khí hơn người. Lại lớn lên nơi cửa Phật, ông còn là người đức độ, khoan từ nhân thứ, bao dung độ lượng, được triều thần và nhân dân kính phục, nễ trọng xứng đáng làm bậc đế vương. Long Đỉnh là tên hung tàn bạo ngược còn khen Công Uẩn thì huống gì ai?
Sư Vạn Hạnh rất hài lòng với người đệ tử nhưng sư vẫn phải ôm ấp cái mộng to lớn trong lòng đến trên 20 năm mà vẫn chưa thực hiện được. Bởi vì, thời vua Đại Hành, Công Uẩn còn bé và là thời thịnh trị. Sang thời Long Việt, dù các hoàng tử đánh nhau tranh giành ngôi vua gây cuộc hỗn loạn kéo dài 8 tháng trời nhưng sư vẫn chưa cho đó là cơ hội ra tay vì thế lực của họ còn khá mạnh. Đến thời Long Đỉnh, sư đoán sớm muộn gì nhà Lê cũng mất, ngặt vì chẳng có biến cố nào trọng đại ngoại trừ những cuộc nổi loan nhỏ của vài thân vương và của người Man đều bị Long Đỉnh đánh tan. Giao thiệp với nhà Tống cũng rất tốt! Đến khi hay tin chuyện sét đánh vào cây gạo, sư Vạn Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm và biết thời cơ đã đến bèn chớp lấy và hành động ngay.
Nắm bắt được tâm lý của quần chúng và bá quan trong triều chán ghét Long Đĩnh, khát khao chờ đợi vị minh quân như con thơ chờ sữa mẹ, nắng hạn chờ mưa rào. Làng Diên Uẩn lại là quê hương của Lý Công Uẩn nên sư lén đến viết bài sấm vào vết sét đánh nhằm kích động lòng người. Để bài sấm có thêm sức mạnh và sức thuyết phục cao sư còn chỉ cho Công Uẩn và mọi người biết vị vua tương lai là ai (phương đông vua xuất hiện. Làng Diên Uẩn nằm chếch về phía đông kinh đô Hoa Lư) Đây cũng là nguyên nhân Đào Cam Mộc chỉ phò tá Công Uẩn chứ không phải ai khác. Ông ta nói với Công Uẩn, sau khi Long Đỉnh chết : “Người trong nước đều biết họ Lý đáng nổi lên, lời sấm đã hiện ra, đó là cái hoạ không thể che giấu nổi, chuyển hoạ thành phúc chỉ một sớm một chiều. Đây là lúc trời trao mệnh và người hưởng ứng theo thân vệ còn ngờ gì nữa”.
Cái mưu của sư Vạn Hạnh rất hoàn hảo cũng rất mạo hiểm như cái kế “không thành” của Khổng Minh thời Tam quốc (TQ). Mạo hiểm ở chỗ sau khi biết chuyện xảy ra ở làng Diên Uẩn, Long Đỉnh rất lo sợ, ngầm sai thủ hạ tìm người họ Lý giết đi nhưng lại “bỏ sót” Công Uẩn ở sát bên mình!? Nếu Long Đỉnh mạnh mẽ, cương quyết chắc chắn Công Uẩn sẽ bị hoạ sát thân!
Tuy nhiên, khi bày ra việc viết bài sấm trong vết sét đánh trên cây gạo, sư Vạn Hạnh biết rất rõ tâm lý của Long Đỉnh như Khổng Minh biết rất rõ bản tính của Tư Mã Ý mới dám bày ra kế “Không thành”. Là ông vua hung tàn bạo ngược nhưng xét kỹ Long Đĩnh chỉ tàn bạo với anh em trong nhà, với dân chúng, tử tội và tù binh người Man. Những việc róc mía trên đầu nhà sư, đánh tù binh người Man thật đau cho chúng kêu tên vua cha ra chửi…hoặc những cách giết người không giống ai như quấn rơm quanh tên tử tội rồi đốt, bắt trèo lên cây cao rồi chặt gốc cho ngả, nhốt vào cũi dìm xuống sông…đều là những việc làm mang tính thù vặt, liếng khỉ của một tên tiểu nhân bệnh hoạn, láu cá, không có chí khí. Trong khi đó Công Uẩn là quan to, binh quyền nắm trong tay, được triều thần và dân chúng hậu thuẩn tạo thành bức tường rào, tấm lá chắn vững chắc bao quanh nên Long Đỉnh không dám hạ thủ chứ không phải ông ta “bỏ sót”.
Thật tuyệt vời! Chỉ với một bài sấm vỏn vẹn bốn mươi chữ mà có sức mạnh bằng cả đoàn quân, đánh đổ được một vương triều. Trong bốn ngàn năm lịch sử của nước ta chỉ có hai người “buôn vua” thành công như Lã Bất Vi thời Chiến quốc (TQ). Đó là sư Vạn Hạnh và Trần Thủ Độ (2). Họ là hai trong những nhà chánh trị lỗi lạc của nước ta. Có thể nói không có sư Vạn Hạnh và Trần Thủ Độ sẽ không có vua Lý Thái Tổ và vua Trần Thái Tông. Không có vua Lý Thái Tổ và vua Trần Thái Tông sẽ không có một thời đại hoàng kim của quân dân Đại Việt, nhiều lần đánh bại các đoàn quân xâm lược Tống, Nguyên và Chiêm Thành.
Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ phong sư Vạn Hạnh làm Quốc sư, làm “cố vấn” cho vua như hồi thờ vua Lê Đại Hành. Sư chẳng những là người tài ba lỗi lạc trong giới thiền mà còn cả trong chánh trị, quân sự, văn hoá…Nhờ ảnh hưởng và sự dạy dỗ của Sư, vua Lý Thái Tổ đã thừa thời mở vận, có đức độ và tầm nhìn xa rộng, lấy lòng nhân hậu trị nước an dân, truyền ngôi lâu dài tạo nên thời thịnh trị. Sư thường hay làm thơ, tương truyền lời thơ của sư phát ra đều là lời sấm. Sư thường đọc cho các đệ tử nghe bài thơ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhâm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Thân người như ánh chớp có như không. Muôn cây xuân tươi tốt thu héo khô. Mặc vận thịnh suy đừng lo sợ. Vận thịnh suy cũng như hạt sương trên đầu cỏ mà thôi).
Vào mùa thu tháng 8 năm Ất Sửu (1025) sư Vạn Hạnh hoá thân về cõi niết bàn. Vua Lý Thái Tổ đích thân về chùa Lục tổ viếng tang, lập đàn siêu độ cho sư và cấp dân hộ làm người coi chùa, mỗi năm hai người. Vua Lý Nhân Tông khen sư bằng bài thơ:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ
(Vạn Hạnh thông ba kiếp, phục hợp cổ sấm thi, quê hương châu Cổ Pháp, cắm gậy trấn kinh kỳ). *

(Bài kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội)
TRƯƠNG HOÀNG MINH
----------------
Chức quan của Công Uẩn : Tả thân vệ
Điện tiền chỉ huy sứ
(2) Việc Trần Cảnh vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng,
được se duyên chồng vợ cùng Chiêu Hoàng, được
Chiêu Hoàng nhường ngôi là cái mưu của TTĐ
* Sách tham khảo : Đại việt sử ký tiền biên
của Ngô Thì Sĩ (NXB.KHXH – 1997)