27/4/13

Đám trẻ ham ca điệp khúc 30 tháng Tư

 
Cập nhật: 11:04 GMT - thứ năm, 25 tháng 4, 2013
Ngày 30/4/1975 tôi có ba đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội.
Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác.
Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.
Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt.
Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi từ 50 trở xuống - tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12 tuổi - chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.
Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân.
Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy - có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi - con trai một ủy viên Bộ Chính trị - còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số.

Thế hệ Tân Gia Ba

Nói theo kiểu dân gian: họ là những người “tân gia ba” tức là mới tham gia cách mạng sau ngày Ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố:
“Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác”.
Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà - tiếc thay - họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện “đổ xương máu”.
Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.
"Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà - tiếc thay - họ chỉ là kẻ thừa hưởng"
Đào Hiếu
Thật vậy sao?
Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.
Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75 bởi vì điều đó thật vô lý.
Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: “chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”… đã trở nên quá nhàm chán.
Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.
Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù.
Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ.
Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời.
Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.
Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà văn Đào Hiếu, hiện sống tại Sài Gòn.
 
Theo BBC
 

Liêm sỉ và... xã hội đen -



 

Ấn tượng trong tuần: Liêm sỉ và... xã hội đen -


Con người vốn là động lực phát triển, nhưng cũng là... mầm mống tai họa xã hội.
Những ngày này, thế giới vừa chứng kiến một chấn động mạnh của nước Mỹ. Hai anh em nhà Tsarnaev- nghi phạm đánh bom khủng bố tại Boston, kẻ bị chết, kẻ bị bắt và nay mai sẽ phải hầu tòa. Giờ là lúc dư luận lắng xuống bởi những câu hỏi, chuyển từ "kẻ nào" sang "tại sao"? Trước một vụ việc tội ác, động cơ kẻ phạm tội bao giờ cũng được đặt ra.
Còn trước sự suy thịnh, hưng vong của xã tắc, quốc gia, phẩm cách con người bao giờ cũng được đề cập đến.
Những tháng năm thật buồn...
Mới đây, Cổng TTĐT Chính phủ có bài viết của GS. TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ mà chủ đề bài viết khiến dư luận giật mình, quan tâm sâu sắc: Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ.
Liêm sỉ, theo Hán Việt từ điển giản yếu (Đào Duy Anh- NXB Văn hóa- Thông tin, 2005) là "liêm khiết, biết điều sỉ nhục", là bản tính trong sạch quyết không làm điều phải xấu hổ. Còn theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng (Như Ý- NXB Giáo dục), liêm sỉ là bản chất trong sạch, ko vướng vào điều tủi hổ.
Đương nhiên, đối ngược với liêm sỉ là vô liêm sỉ, là con người ta làm những điều đáng hổ thẹn, nhưng không hề hổ thẹn. Nói theo cách nói của giáo dục, là mất nhân cách, không coi trọng danh dự, không biết hổ thẹn là gì.
Suy ngẫm kỹ, thấy cái chủ đề bài viết Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ là... hơi muộn. Vì liêm sỉ- biết xấu hổ, phải là ý thức, là thái độ sống con người được dạy dỗ từ bé thơ cho đến khi trưởng thành. Không chỉ bằng những tấm gương của các bậc tiền nhân, bằng trang sách, mà còn bằng những câu thành ngữ của trang đời, của cha ông tự ngàn xưa để lại, thâm thúy và thấm thía: Đói cho sạch/ rách cho thơm; Giấy rách phải giữ lấy lề; Thật thà là cha quỷ quái...
Thế nhưng vì sao, bài viết của vị GSTS Hội đồng Lý luận TƯ lại xới lên một vấn đề tưởng chừng như nằm sâu trong ý thức sống của người Việt? Bởi liêm sỉ hiện đang là của quý và hiếm? Hay bởi xã hội hiện đại ngày nay, có những "đồng dao" còn tuyệt vời hơn cả... liêm sỉ: Tiền là Tiên, là Phật/ Là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già/ Là đà cho danh vọng/ Là lọng của nịnh thần/ Là cán cân công lý/ Tiền là hết ý...
Mới đây, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi "lui về ở ẩn" tại quê nhà, vừa cho ra mắt bài thơ có những câu thơ thấm đẫm nghĩ ngợi với rất nhiều dấu hỏi:
Đất nước những năm thật buồn/ Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt/ Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành/ Như kẻ khát nước qua sa mạc...
...Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành/ Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội/ Có còn bay trong đêm/ Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng/ Mong gặp một con cá hanh khác? Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường/ Thấy mọi người nhẹ nhàng vui tươi?
Đặt bài viết của một vị GSTS chuyên làm lý luận, bên cạnh bài thơ của một nhà thơ, liệu có thấy một thông điệp chung nào không, về chủ đề liêm sỉ?
Cũng không phải chỉ có nhà thơ (mà trong ông, có cả nhà thơ vốn sống bằng trực cảm, cũng lại có cả nhà chính trị quá dày dạn chính trường) mới thấy Đất nước những tháng năm thật buồn. Xã hội, người dân, và ngay cả người viết bài này, từ lâu rồi, đã thấy thật buồn. Nỗi buồn của sự day dứt, sự đơn độc của cái tốt, sự... bất lực và cả sự hèn kém.
Trước đó khá lâu, tháng 6/2012, vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng trong cuộc gặp gỡ cử tri quận Ba Đình đã phải buồn rầu: Hiện tượng tham nhũng, hư hỏng, nhìn vào đâu cũng có...
Không buồn sao được, khi những quan chức, cán bộ cốt cán có trách nhiệm lớn trước nhân dân, trước xã hội, nhưng lời nói và hành vi của họ trái ngược "nói zậy,không phải zậy", như tốt/ xấu, trắng/đen, hay/ dở...
Chủ tịch tỉnh miền núi nghèo nhất nhì nước- tham gia vào đường dây mua bán dâm học trò, nhưng lại thao thao bất tuyệt rao giảng đạo đức. Và còn những vị nào nữa...?
"Hiện tượng tham nhũng, hư hỏng, nhìn vào đâu cũng có...". Ảnh minh họa
Một ông Chủ tịch tỉnh khác, cho đến các vị quan chức cốt cán của tỉnh đó, vừa phải trả lại 25 tỷ đồng trót bỏ túi vì những hành vi, quyết định sai trái, khi lợi dụng chức quyền?
Rồi hàng chục ông quan chức và cán bộ Vinakhủng, làm thất thoát tới 4 tỷ USD tiền vay nợ nước ngoài, đưa Vinakhủng lên thành "biểu tượng" của chính sách "tập đoàn kinh tế thua lỗ"?
Hàng chục "quan chức- đại gia" của ngành ngân hàng bị bắt, bị khởi tố vì lợi dụng và cố ý làm trái quy định của luật pháp, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Nhà nước...
Không buồn sao được trước cái hội chứng gian dối trắng trợn của ngành giáo dục, được xã hội gọi một cách văn vẻ là bệnh thành tích. Trước cái hội chứng ăn tiền của ngành y tế, mà khoảng cách từ chiếc phong bì đến cái khẩu hiệu biến tướng "lương y đang... từ mẫu" lại rất gần.
Hai ngành giáo dục- y tế, vốn là những ngành nhân bản nhất của xã hội- dạy người và trị bệnh cứu người, nhưng "ngành cách" cũng lại đang cần chữa trị, thì người dân, trẻ em Việt sẽ trông vào đâu, để sống và lớn lên có liêm sỉ?
Liêm sỉ không có hình hài, nhưng lại được định tính, định lượng, định hình rất rõ?
Sự thiếu vắng liêm sỉ, xấu hổ thay, có khi trở thành... bình thường, như phẩm cách công chức, mà người ta đã điều tra và tổng kết, có tới 30% số công chức ăn không ngồi rồi, có làm việc cũng như không. Đôi khi, nó còn là hình ảnh quan chức lặc lè, phì nộn khiến người dân thấy bất bình, phản cảm, đặt bên cạnh hình ảnh trẻ em nghèo nhiều vùng còn đói ăn, đói chữ.
Có khi, nó nhức nhối như điều tra xã hội học mới đây: "Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn" (Chủ nhiệm đề tài- ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng- thanh tra Chính phủ), cho thấy thu nhập ngoài lương của 79% cán bộ có chức quyền tăng và đến từ nhiều nguồn. Đặc biệt, có những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng...
Liêm sỉ của người Việt, không còn là hành vi đơn lẻ của cá nhân người đó, mà nó liên quan đến những thăng tiến, phát triển hay họa hại của cả một xã hội, cả một quốc gia.
Người ta còn chưa quên cái chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2012 (CPI) hổ thẹn, xót xa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố. Ở đó, Việt Nam đứng thứ 123/ 176 quốc gia, vùng lãnh thổ, tụt hẳn 11 bậc so với năm ngoái.
Điểm đáng chú ý, ở những quốc gia "sạch" vào loại nhất, nhì thế giới, như Đan Mạch, Phần Lan và New Zealan đều nhờ có sự công khai, minh bạch hóa thông tin, có những quy định rạch ròi điều chỉnh hành vi các quan chức nắm hệ thống công quyền.
Dù vậy, liêm sỉ con người không chỉ giáo dục bằng giải pháp tự phê bình và phê bình như vị GSTS của Hội đồng Lý luận TƯ đề xuất. Hay như ước mong của nhà thơ: Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má/ Không phải gạt vội vì xấu hổ/ Ngước mắt tin yêu mọi người/ Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta/ Trong không gian đầy sợ hãi? Bởi nơi thì quá duy ý chí, nơi thì cô đơn và bất lực.
Liêm sỉ của con người chỉ có thể được giáo dục, được nảy nở, hình thành trên một nền tảng thiết chế chính trị- xã hội thay đổi theo hướng văn minh, khoa học và ? bạch hóa, phù hợp quy luật thực tiễn và hội nhập hiện đại. Ở đó, giáo dục tôn trọng cá tính, bản ngã cá nhân và khuyến khích sự sáng tạo của mọi con người. Ở đó, quan chức "nói đi đôi với làm", pháp luật không bị... cầm tay chỉ việc, được thượng tôn. Pháp luật và chỉ pháp luật mà thôi!
Liêm sỉ không chỉ là thuộc tính riêng của cá nhân. Nó còn được hình thành và mang tính cộng đồng sâu sắc trong một xã hội, mà nền tảng Hiến pháp thực sự tiến bộ, mang tầm lịch sử của thời cuộc mới, không phải bằng những khẩu hiệu đầy mỹ từ, mà bằng sự hiến định cụ thể, được dân thừa nhận... Bởi, nói như GSTS Hoàng Chí Bảo, có dân thì có tất cả, mất dân là mất tất cả.
"Đỏ" và "đen"
Chuyện liêm sỉ của một bộ phận không nhỏ quan chức, đảng viên suy thoái đang là nỗi nhức nhối của xã hội, thì câu chuyện cán bộ chính quyền cơ sở ...bảo kê cho xã hội đen được báo chí khui ra ánh sáng mới đây, khiến cho vấn đề liêm sỉ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên càng trở nên SOS hơn bao giờ hết.
Khái niệm xã hội đen là cụm từ chỉ một nhóm những kẻ hoạt động tội phạm có tổ chức, hoạt động trong thế giới ngầm, nhưng lại tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Những năm trước đây, người Việt từng biết đến xã hội đen qua những bộ phim nổi tiếng của Italia, của Hồng Kông...
Còn nay, đến người nông dân một nắng hai sương hay những doanh nghiệp làm ăn ở Khoái Châu (Hưng Yên), ở Sài Gòn, bỗng nhiên thấy mình như những diễn viên... bất đắc dĩ trong những "bộ phim" tự phát, mà ở đó, cuộc sống mưu sinh của họ được quyết định không phải bởi lao động của họ, mà bởi những kẻ giang hồ, bởi xã hội đen, rất ngang nhiên, công khai và trắng trợn.
Cái kết cục của "bộ phim" khá có hậu: Đó là gần chục đối tượng đầu sỏ trong băng nhóm tội phạm (khoảng 100 tên) chuyên hoạt động theo kiểu xã hội đen tại địa bàn huyện Khoái Châu vừa bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt giữ, cùng với nhiều loại hung khí băng nhóm này chuyên sử dụng để làm ăn.
Một số tang vật thu được trong vụ án xã hội đen tại Khoái Châu
Cách làm ăn của băng nhóm xã hội đen này cũng không mới: Đó là thâu tóm địa bàn hoạt động, đòi các doanh nghiệp nộp tiền "bảo kê" hàng trăm triệu đồng cho chúng. Bên cạnh đó là các hoạt động phi pháp, manh động như tổ chức cá độ, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản và đòi nợ thuê...
Sự yên ổn làm ăn của các doanh nghiệp, của người dân hóa ra không phụ thuộc vào luật pháp Nhà nước đã quy định, mà phụ thuộc rất lớn vào... luật rừng.
Điều đáng nói, là sự cầu cứu hay tố cáo của các doanh nghiệp ở địa bàn này gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện đã chỉ gặp sự im lặng là vàng- tiền bạc? Chả lẽ, chính quyền cơ sở huyện Khoái Châu, các ngành chức năng của huyện này, trở thành "cánh tay nối dài" cho băng đảng xã hội đen ngang nhiên quản lý?
Đến mức, nỗi nghi ngờ của người dân, của các doanh nghiệp ở Khoái Châu đã thành tít của một loạt các bài báo "Tội phạm "xã hội đen" lộng hành: Có hay không sự bảo kê? (VTV News, ngày 20/4), Thế lực nào bảo kê cho băng xã hội đen? (LĐ, ngày 23/4).
Còn người nông dân thì bất bình: Bức xúc nhất của người dân hiện nay là ai đứng đằng sau? Ai che chắn, ai bênh vực, ai bị nó khống chế, bịt mồm, dây dợ với nó để cho bọn nó hoạt động công khai?
Ai? Có lẽ chỉ chính quyền huyện Khoái Châu là có thể trả lời chính xác nhất cho người dân, cho dư luận xã hội những câu hỏi đáng hổ thẹn này.
Khi cái "bộ phim" xã hội đen ở Khoái Châu tạm thời... The End, là lúc hàng loạt câu hỏi cần mở ra.
Vì sao, nói như ông Hồ Sỹ Tiến, Đại tá, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an): Băng nhóm của "Tú khỉ" hoạt động công khai, trắng trợn như thế trong suốt một thời gian dài, người dân ở khu vực đấy rất bức xúc, mà chính quyền cơ sở không biết được?
Vì sao, Trưởng Công an xã Đông Ninh bị nhóm côn đồ chém, viết đơn tố cáo rồi lại phải viết đơn xin rút? Phải chăng, vì ông này một mình... không chống lại nổi mafia?
Vì sao, kết luận của Thanh tra tỉnh giao UBND huyện Khoái Châu xử lý những cán bộ sai phạm, huyện vẫn "ngâm" cả ba năm trời?
Anh em nhà Tsarnaev đánh bom khủng bố người Mỹ, nước Mỹ đã không còn nơi ẩn nấp. Tiếc thay, băng đảng xã hội đen như của "Tú khỉ" khủng bố tinh thần doanh nghiệp, người dân, lại có nơi trú ẩn? Mới đây lại xảy chuyện côn đồ hành hung người dân xã Đại Thắng (Tiên Lãng- Hải Phòng) xung quanh chuyện đất đai.
Chữ liêm sỉ ở đây, liệu chỉ cần được giáo dục bằng ...rút kinh nghiệm nội bộ, phê và tự phê như thường thấy. Hay cần có các biện pháp xử lý bằng luật pháp nghiêm khắc, mang tính răn đe?
Chợt nhớ bài thơ Đất nước những năm tháng thật buồn.
Như một tiếng kêu bi thương!
---------------
Tham khảo:
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/621304/79-can-bo-cong-chuc-co-thu-nhap-ngoai-luong-tpp.html
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/99943/xep-hang-tham-nhung--viet-nam-tut-11-bac.html
http://laodong.com.vn/Phap-luat/Bai-hoc-tu-Khoai-Chau-Sai-qua-lau-da-tro-thanh-dung/112714.bld




24/4/13

TƯỞNG NIỆM

TƯỞNG NIỆM

Trần Hồ Dũng

                             "In memory of fallen Soldiers in VN's War. THD "

  

Ơi những anh em còn sống sót

Sẻ chia nước mắt đắng cay này
Biết bao đồng đội không về nữa
Thây vùi trong đất Mẹ lạnh căm
Tên rồi cũng nát theo bia đá
Chỉ còn sương khói lạnh mồ hoang

Nhớ thương ngày cũ ! Ôi đồng đội
Rựơu rót đêm nay tưới mộ người !
Xin hãy về đây cùng uống cạn
Nỗi buồn thất trận , lạc quê hương
Cùng dòng máu đỏ , da vàng cả
mà sao thù hận cứ mang mang ?
Ôi những anh linh xưa bất khuất
Gối đầu trong đất , khóc quê nhà !


Nào những linh hồn đồng đội cũ

Hãy về đây uống cạn chén sầu
Đốt nén hương trầm, ta rót rượu
Rượu buồn như máu chiến trường xưa

THD- Washington- USA . 2012-2013

  


23/4/13

Mẹ & ngọn gió tháng Tư




Đất nước những ngày tháng Tư
Có người vui
Có người buồn
Có  người dửng dưng 
Có  người lặng im
nhìn vào khoảng không trước mặt

Chiến tranh đã đi qua lâu rồi
Có người vênh vang nói về chiến thắng
hả hê là người của bên "thắng cuộc "
Có người trầm ngâm nhớ về những năm tháng cũ
Khi mình   là  " bên  thua cuộc "
Có người khẳng định mình
Chẳng thuộc về bên thua hay thắng
Họ xếp mình vào " bên bỏ cuộc "
Cuộc sống còn nhiều thứ phải lo trước mắt
chẳng hơi đâu đào bới lại lịch sử

Đất nước những ngày tháng Tư
Có người vênh vang  reo mừng chiến thắng 
Có người  dửng dưng 
Có người yên lặng trầm ngâm

Có người mẹ già
 âm thầm
Cắm cây nhang nơi đầu ngõ
Khấn hương hồn đứa con
đã  chết trận
Không tìm được xác
Hãy nhớ lối tìm về
Có bát cơm trắng
Mẹ đợi  con   về
Đã mấy mươi năm 

Có ngọn gió tháng Tư
hắt hiu
thổi ngang qua
nỗi buồn của Mẹ

Tran hodung. Những ngày tháng Tư (1975-2013)

Đất nước những tháng năm thật buồn





NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Đất nước những  năm thật buồn
 Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
 Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
 Như kẻ khát nước qua sa mạc
 Chung quanh yên ắng cả
 Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
 Người giàu, người nghèo đều ngủ
 Cả bầy ve vừa lột xác
 Sao mình thức?
 Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
 Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
 Có còn bay trong đêm
 Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
 Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
 Mong gặp một con cá hanh khác?
 Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
 Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
 Ấm áp ly cà phê sớm
 Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
 Hớn hở tập thể dục
 Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
 Không phải gạt vội vì xấu hổ
 Ngước mắt, tin yêu mọi người
 Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
 Trong không gian đầy sợ hãi?
 Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
 Đời đời an ủi
 Cho người đã khuất và người sống hôm nay …

22.4.2013

Nguồn : Quê Choa

22/4/13

Quảng Nam có văn học, văn chương từ bao giờ ?

    


Nguyễn Văn Xuân


Câu hỏi đó rất khó trả lời.

Vì người Quảng Nam thật sự xuất hiện và được biết tới là vào những thời Trần, Hồ, Lê, Mạc trong hai vùng Điện Bàn và Thăng Hoa (tên hai phủ của Quảng Nam xưa). Tên Quảng Nam chỉ xuất hiện để chỉ một xứ: xứ Quảng Nam bao gồm từ Thăng Hoa đến vùng nay là Bình Định - Điện Bàn thuộc về xứ Thuận Hoá (nay là Thừa Thiên Huế) bên kia Hải Vân.
Cho đến thời Nguyễn Hoàng mới rút Điện Bàn ra khỏi Thuận Hoá để thành Thăng - Điện. Sau 1802, khi lập tỉnh mới gộp hai phủ ấy lại thành tỉnh Quảng Nam.

Khi còn là Thăng, Điện, ở đây sự học chưa thực sự mở mang và những chức vụ lớn đều ở trong tay người Đàng Ngoài. Tuy vậy, theo các sách do người Pháp viết để lại, bấy giờ đã có diễn tuồng. Mà muốn diễn phải có tuồng bản. Sự thật văn tuồng có thể được xem là văn học cổ nhất, nhưng không thấy lưu lại bản nào. Còn văn học dân gian thì chắc đã có từ lâu, nào hò, nào vè, hò khoan, ca dao, tục ngữ. Ví dụ những câu sau đây cho biết tình trạng Hội An khi còn nghèo:

Hội An bán gánh, bán lều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành.

Cho tới khi Hội An giàu có thịnh vượng:

Hội An bán gấm, bán điều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành.

Kim Bồng là vùng cách Hội An một con sông. Vùng ấy về sau chuyên về xây dựng và nghề mộc khá tinh xảo. Còn Trà Nhiêu là một đầm rộng lớn để tàu thuyền ngoại quốc vào đậu. Cửa Đà Nẵng chỉ dành cho các tàu thuyền lớn có tính cách tiền cảng. Vào thời xa xưa, chưa có tàu thuyền lớn thì chắc chắn Hội An giữ vai trò chuyên biệt thương mại của Hội An.

Sự lớn mạnh của thương mại và xuất nhập của tỉnh Quảng Nam (chứ không còn là xứ Quảng Nam) bắt đầu từ triều Nguyễn.

Biết bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng.
Đào sông Cao Nhí, đắp đàng Bông Miêu.

Câu ca dao nói lên thực tế xa xưa đó. Dưới thời Minh Mạng, đào sông Vĩnh Điện, sông này mở khẩu từ làng Câu Nhí nên cũng mang tên ấy và rất thuận lợi tiếp nối với sông Hàn, biến nơi này thành nơi tụ hội một hải đội chuyên xuất khẩu.

Từ Hội An ra cửa Hàn, sao bạn lại không lên đường đi chơi đèo Hải Vân và Hải Vân Quan. Tôi thấy mấy ông nhà văn, nhà thơ ngày trước như Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Lưu Trọng Lư... thỉnh thoảng vào Quảng Nam, lại rủ nhau lên đỉnh đèo uống rượu trước trời cao, biển rộng và mây trắng bay sau các lùm cây. Các tiệc rượu như thế thanh tao và thanh cao biết bao nhiêu. Các du khách còn được xem lại cửa ải xưa, nơi lập ra để ngăn chặn quân địch đổ bộ vào Đà Nẵng để kéo quân ra Huế đánh kinh đô.

Cũng tại con đèo núi tiếp núi này, nơi:

Chiều chiều ra đứng Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn.

Chắc đây là tiếng than thở của dân làng bị định cư tại lưng đèo để bảo vệ đèo hoặc của một phụ nữ nào đó sống trong quạnh quẽ, cô đơn. Tuy vậy, vào ngày nắng sáng mùa hè, chính mắt tôi đã từng trông thấy những lẵng hoa vĩ đại rực rỡ chói chang. Đó là một loại hoa màu mát dịu như hoa rau muống nhưng lớn hơn, trải khắp hết cụm núi này sang cụm núi nọ, dưới chân lại có loại hoa vàng đậm như để đan viền cho những tấm thảm khổng lồ, bất tận kia.

Tôi mời bạn đến với Ngũ Hành Sơn. Thời xa xưa, trước Minh Mạng có tên cúng cơm Non Nước trải qua nhiều thế kỷ. Cuối thế kỷ XVII, chúa Hiển Tông Nguyễn Phước Chu (1691 - 1725) có mời một đại sư Trung Quốc sang xứ Đàng Trong. Nhà sư đến Non Nước chơi và khi trở về có viết tập Hải ngoại ký sự - Viện đại học Huế ấn hành bản dịch năm 1963. Ông khen cảnh đẹp, cảm hứng làm nhiều bài thơ ca tụng Tam Thai (tức Non Nước). Ông cũng trách thi nhân ta đã không biết thưởng thức cảnh đẹp, không dùng đề tài ấy để ngâm vịnh.

Khi tôi lớn lên, không cần ông động viên (vì sách của ông chưa ai biết) thấy các sườn núi đã đầy ngập những thơ Hán, Nôm, dở hay, làng nhàng cũng đều có, thường dân, danh sĩ cũng có. Những người Quảng Nam thường thích đọc hai bài (không rõ có đục vào sườn núi hay không) của bà Bang Nhãn và ông Thái Duy Thanh.

Bài của bà Bang Nhãn có khẩu chí chân tình:

Núi chen sắc đá màu phơi gấm
Chùa nực hơi hương khói lộn mây

Bài của Thái Duy Thanh độc đáo:...

Ngó lại, ngó qua năm đống đá
Tu lên, tu xuống mấy ông thầy
Lên đài Vọng Hải trông xa tít;
Vào động Huyền Không ngó trống quầy
Lếu láo ngâm đưa đôi chén rượu,
Cõi trần khi cũng có tiên đây.

Ngũ Hành Sơn là cái tên mới đặt thời vua Minh Mạng. Đó là nơi vua Minh Mạng, Thành Thái đến xây dựng hoặc vãn cảnh. Lại có một bà công chúa đến tu. Đây là nơi người Quảng Nam rất tôn trọng, xem như “Địa linh nhân kiệt”, nơi tạo ra những nhân tài xuất chúng. Học trò thời trước thường đến vãn cảnh và trước khi ra Huế thi Hương, thi Hội vẫn có mặt ở đây để xin được phù trì. Những cảnh đẹp nào Huyền Không động, động Chiêm Thành, nào Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài, nào các chùa danh tiếng, nào những bậc cấp khéo xây, huyền thoại ly kỳ về con rắn biển đã tạo nên cửa Đà Nẵng, sông Hàn rồi đẻ trứng tại đây hoá thành núi... Một thi nhân cũ tặng cho Ngũ Hành Sơn một câu thơ đầy ý nghĩa “Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết” (dịch).

Bạn đã biết các khu vực nổi tiếng qua ca dao. Nhưng thiếu sót biết bao nếu không ngược dòng Thu Bồn, viếng xem những cảnh trí khác cũng rất nổi tiếng thời xưa - chúng ta có thể từ Hội An ngược lên. Bạn sẽ thấy, trước hết cùng nước bao la xa đổ về biển. Ấy là vùng Trà Nhiêu. Cũng tại cái đầm vĩ đại mà chắc chắn thời Chiêm Thành lập kinh đô tại đây, nó cũng đóng vai trò Chiêm cảng. Ngược sông Thu Bồn đến cầu Câu Lâu, nhìn qua hướng bên phải là một dải đất rộng, nơi có những làng Phú Chiêm, Thanh Chiêm vốn rút từ Chiêm của Chiêm động ra.

Lại ngược sông nữa, bạn sẽ gặp một vùng gọi là Gò Nổi. Đây là vùng trù phú nổi tiếng về dệt các mặt hàng vải, tơ lụa. Cũng vì có tơ lụa nên có những ruộng dâu xanh ngắt. Các cô con gái làm nghề tằm tang quen ở trong bóng mát nên có tiếng xinh đẹp nhất.

Cũng vì có dâu xanh lúa tốt, nên Gò Nổi sản xuất biết bao danh nhân lững lẫy trong học vấn, trong chính trị - từ Hoàng Diệu đến Phạm Phú Thứ, từ Trần Cao Vân đến Phan Thành Tài. Riêng một họ Phan, về lớp sau cũng sản sinh những Phan Khôi, Phan Thanh... thú vị hơn nữa là những cô gái Bảo An xinh đẹp một thời.

Lại ngược dòng nữa, trải qua những di tích cũ-mới, ở đây có lễ hội hằng năm ở miếu thờ bà Thu Bồn - và các địa danh nổi tiếng.

Rồi bạn đến nơi có ca dao ai cũng biết:

Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!

Từ nguồn xa xôi, nước đổ về đây rồi dừng lại, chậm lại ở Hòn Kẽm, hai bên có đá dựng. Nước tạo nên một dải giống hệt một cái hồ tuyệt đẹp gợi cho chúng ta cảm tưởng “Non bồng, nước Nhược” cực kỳ êm ả. Nếu có một con thuyền nhỏ, bạn cùng người yêu đưa nhau đi trên hồ thiên tạo này, bạn sẽ cảm thấy thế giới “Kinh tế thị trường” dưới kia sao mà ồn ào, trần tục đến thế. Ở đây có bãi cát đẹp, bạn có thể đóng trại một hai hôm để thưởng thức tinh tuý tươi mát trong lành của trời đất.

Nói đến cảnh đẹp Quảng Nam mà quên “Hòn Kẽm Đá Dừng” cũng như quên “Mỹ Sơn thánh địa” của Chiêm Thành thì phải nói là chưa đủ đấy! Nhất là quần Tháp và các di vật lưu lại ở vùng thung lũng dưới sự chứng kiến đời đời của ngọn núi Quắp độc đáo mang tính thiêng liêng khó hiểu. Có đến Mỹ Sơn bạn mới có sự thông cảm sâu sắc hơn với cổ viện Chàm tại Đà Nẵng, một cổ viện không đồ sộ nhưng danh tiếng lớn. Một thi sĩ xưa vịnh câu này và Huỳnh Thúc Kháng coi là tuyệt hay “Núi thấp nhất nhưng danh vọng cao nhất” như đã nói, ta cũng có thể gán câu đó cho cổ viện Chàm.

Nói đến Quảng Nam, người ta hay nhắc chuyện học. Người Quảng Nam cũng tự tin, tự hào về mặt này.

Họ lại cũng hay nhắc về “Ngũ phụng tề phi”. Tôi nhớ trước kia, các sinh viên Quảng Nam có đề nghị tôi phát biểu về sự kiện này. Tôi cũng cho đó là điều đáng quan tâm qua những kỳ thi Hội, thi Đình ở một vài tỉnh. Ba tiến sĩ, hai phó bảng cùng đỗ một khoa thi thì cũng đúng là “năm con phượng cùng bay”. Nhưng trong việc học, bằng cấp cao đến đâu cũng chỉ đánh dấu sự khởi đầu... Điều quan trọng nhất của việc học hành, chính là đậu để làm gì? Để lập sự nghiệp. Năm nhà đại khoa đó có sự nghiệp chính trị, văn hoá, học thuật nào? Tôi không thấy. Vậy ta nên coi đó là giai thoại giúp cho các bạn trẻ phấn chấn hơn trong việc học hành. Học giỏi, đậu cao, phụng sự đất nước, có sự nghiệp xứng đáng, lưu danh là điều đáng quý, đáng trân trọng, noi gương. Song đã có “Lục phụng bất tề phi”. Phạm Phú Thứ (tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (phó bảng), Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng Giáp) và ngoại trừ Phạm Như Xương ít hiểu biết nên cho dù ông bỏ quan để theo Nghĩa hội Quảng Nam rồi sau đó là chỗ dựa bí mật và là cố vấn cho Quang Phục Hội (phong trào Đông Du của Tiểu La và Phan Bội Châu). Nếu nói học thì ông có học vị cao nhất khắp miền Nam, còn hành thì ông hành động như một đại trí thức.

“Lục phụng bất tề phi” mới thực sự nêu gương cho người Quảng Nam và Việt Nam để tuổi trẻ biết thế nào là học và hành”, bây giờ và cả trường kỳ lịch sử. Ví như Phạm Phú Thứ, đỗ song nguyên (cử nhân, tiến sĩ đầu) khi sang Pháp chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đã chuyên tâm viết bộ Du ký lừng lẫy (Tây hành nhật ký) đến nay còn giá trị đối với lịch sử trong nước và thế giới. Vậy mà lúc về, không quên mang theo về cái xe đạp nước kéo bằng trâu theo kiểu mẫu Ai Cập, gọi là xe trâu. Phan Châu Trinh khi ở Côn Đảo là tay câu cá giỏi, sang Pháp là “xếp” một câu lạc bộ câu cá và kiếm sống bằng nghề thợ ảnh đồng thời là tác giả bao nhiêu bộ sách chính trị vang động giới chính trị Pari (Việt và Pháp). Trần Quý Cáp chuyên nghề bút canh (Cày ruộng bằng bút) là thầy đồ tiếng tăm, cả các tỉnh Nam ra học và nhờ đó ông mới hướng đạo được cuộc Nam du của ba chí sĩ (Phan, Huỳnh và Trần) đã là bậc giáo thọ tử vì đạo. Ông Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân Pháp đã đề cao “Ông nghè Trần Quý Cáp, một nhà nho thanh cao ai cũng kính phục”. Ông là nhà hùng văn và hùng biện. Huỳnh Thúc Kháng (cũng song nguyên) là người học trò nức tiếng thuở trẻ. Khi đi tù Côn Đảo, ông học làm đồi mồi và quản lý sở buôn. Ông trở về đất liền trên tay có bộ từ điển Pháp Việt mà người ta bảo ông học thuộc lòng từ đầu chí cuối. Với nghề đồi mồi, ông đã thực hành và đưa các mặt hàng mỹ nghệ nữ trang đi chào để xuất khẩu sang Pháp và sau này, ông tự đứng làm quản lý cho công ty Huỳnh Thúc Kháng (nhà in và báo Tiếng Dân). Cũng cần nhắc thêm 1905, ba nhà đại khoa này đã giúp Phan Thiết lập công ty nước mắm Liên Thành đầu tiên. Học như thế mới gọi là học, và nêu cái gương học vấn cho dân, cho nước. Lục phụng này mới thật là phụng hoàng không thẹn cùng nhật nguyệt.

Còn không học đúng ra là không có bằng cấp thì cũng có nhiều tay cự phách: Tiểu La, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Phan Khôi…

“Đất Quảng quê tôi” còn nhiều điều để nói, với tính đặc thù của nó, hầu góp phần vào kho tàng văn hoá nước nhà, đang đi lên trong sự nghiệp đổi mới.

GS Nguyễn Văn Xuân
Written by Nguyễn Văn Xuân (1921-2007)
 Saturday, 15 April 2006

© 2010 www.xuquang.com