12/6/13

nẻo vàng phai




    Cuồng Từ


    (tặng THD)


Ta bát ngát như rừng
chờ đêm xuống
Nhớ trăng tàn
mây khóc cuộc phù sinh
Dòng cổ sử
dậy hoàng hôn ngủ muộn
Những thu phai
còn đắm khúc vong tình

Hồn đã trót tương tư
ngày không nắng
Vẫn hoài mong xế bóng
những thu xưa
Thơ
và rượu
đưa ta về bến vắng
Một đêm ngồi
gội tóc nhớ vào mưa .

Đôi mắt lửa
cháy khung trời quá khứ
Chia phôi từ mây phủ mộng trùng lai
Chưa hiu hắt
sao môi đầy viễn xứ
Nụ hôn chiều đã tắt nẻo vàng phai


11/6/13

Ai có thể đánh bại được Cộng sản?



10.06.2013


bởi Nguyễn Hưng Quốc

Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng sản trong gần suốt thế kỷ 20, nhận xét đầu tiên người ta có thể rút ra là: Không ai có thể đánh bại được Cộng sản.

Nhận xét ấy được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:

Thứ nhất, trên phạm vi toàn cầu, trong 70 năm đầu tiên, chủ nghĩa Cộng sản phát triển cực nhanh, nhanh đến độ dường như không có ai và không có cái gì có thể ngăn cản được. Ra đời tại Nga năm 1917, năm năm sau, 1922, Liên bang Xô Viết được thành lập với vai trò nòng cốt của Nga, châu tuần bởi các nước láng giềng nhỏ của Nga, như Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia và Azerbaijan. Sau đó, một số nước khác bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết, như Estonia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đến giữa thập niên 1980, Liên bang Xô Viết, với diện tích trên 22 triệu cây số vuông và đường biên giới trên 60.000 km, chiếm đến một phần sáu diện tích trái đất, rộng bằng cả Bắc Mỹ. Năm 1945, sau Đệ nhị thế chiến, một số nước thuộc Trung Âu và Đông Âu lần lượt rơi vào tay Cộng sản: Albania, Ba Lan, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Đông Đức, Hungary, Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tiệp Khắc, Nam Tư. Sau đó nữa là các nước thuộc châu Á và châu Phi, như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Afghanistan, Campuchia, Congo, Mông Cổ, Yemen, Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Somalia, Eritrea và Mozambique. Vào giữa thập niên 1980, khối Cộng sản rất mạnh, chiếm một phần ba dân số thế giới. Cho đến lúc ấy, câu khẩu hiệu chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc chủ nghĩa Cộng sản bách chiến bách thắng vang lên khắp nơi. Dân chúng ở các nước Cộng sản, vốn bị nhồi sọ, tin điều đó, đã đành. Ngay phần lớn dân chúng ở Tây phương, tuy biết tất cả những mặt trái đầy tiêu cực của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn không tin là Tây phương có thể đánh bại được Cộng sản.

Thứ hai, dù cả hai bên, tư bản và Cộng sản, lúc nào cũng cố gắng tự kiềm chế, nhưng ít nhất cũng có hai nơi cuộc chiến tranh lạnh đã biến thành chiến tranh nóng: Ở Triều Tiên trong ba năm, 1950-1953, và ở Việt Nam, từ 1954 đến 1975. Ở trận chiến đầu, hai bên hòa nhau, Triều Tiên bị chia đôi, Nam và Bắc. Điểm phân cách vẫn là vĩ tuyến 38, đúng với quyết định của phe Đồng Minh trong hội nghị Potsdam vào tháng 8 năm 1945. Ở trận chiến sau, Mỹ tự nhận là thua sau khi rút khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. (Về điểm này, tôi có phân tích khá kỹ trong bài “1975: Việt Nam có thắng Mỹ?”. Ở đây, tôi tạm thời chấp nhận cách nhìn quen thuộc và phổ biến để khỏi bị gián đoạn mạch lý luận trong bài viết này.)

Có điều, từ nhận xét nêu ở đầu bài viết, không ai có thể đánh bại được Cộng sản, người ta lại chứng kiến một sự kiện oái oăm vào thời điểm bản lề giữa hai thập niên 1980 và 1990: chủ nghĩa Cộng sản đã bị sụp đổ trên phạm vi toàn cầu. Cái gọi là “sụp đổ” ấy có hai mức độ: sụp đổ hoàn toàn và sụp đổ một phần, hơn nữa, phần lớn. Nhưng dù sụp đổ hoàn toàn hay sụp đổ một phần thì cũng vẫn là sụp đổ. Một sự sụp đổ lớn lao, nhanh chóng, và đặc biệt, hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của mọi người ở mọi phía.

 Sự sụp đổ hoàn toàn diễn ra ở Nga, Đông Âu, Trung Âu, Trung Đông, Trung Mỹ và châu Phi.

Trước hết, ở châu Âu, chỉ trong vòng chưa tới ba năm, toàn bộ các đảng Cộng sản đang nắm quyền sinh sát gần như tuyệt đối ở Đông Âu và Trung Âu đều mất sạch quyền hành; chế độ độc đảng trở thành đa đảng; bầu cử tự do được tổ chức khắp nơi, các thành phần đối lập hoặc lên cầm quyền hoặc được chia quyền (ở Ba Lan, ngày 4/6/1989; Turkmenistan 7/1/1990; Uzbekistan 18/2/1990; Lithuania 24/2/1990; Moldova 25/2/1990; Kyrgyzstan 25/2/1990; Belarus 3/3/1990; Nga 4/3/1990; Ukraine 4/3/1990; Đông Đức 18/3/1990; Estonia 18/3/1990; Latvia 18/3/1990; Hungary 25/3/1990; Kazakhstan 25/3/1990; Slovenia 8/4/1990; Croatia 24/4/1990; Romania 20/5/1990; Armenia 20/5/1990; Tiệp Khắc 8/6/1990; Bulgaria 10/6/1990; Azerbaijan 30/9/1990; Georgia 28/10/1990; Macedonia 11/11/1990; Bosnia & Herzegovina 18/11/1990; Serbia 8/12/1990; Montenegro 9/12/1990; và Albania 7/4/1991). Liên bang Xô Viết tan rã. Hầu hết các quốc gia trước đây bị sáp nhập vào Liên bang đều tuyên bố độc lập hoặc tự trị. Ngay cả ở Nga, đảng Cộng sản không những bị mất quyền mà còn bị khinh bỉ và tẩy chay, không còn đóng vai trò gì trên bàn cờ chính trị quốc nội.

Xin lưu ý; sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở các nước trên đều diễn ra rất gọn gàng, không gây xáo trộn và đặc biệt, không đổ máu, trừ Romania, nơi Ceaușescu bị lật đổ và giết chết, kéo theo cái chết của khoảng 1.100 người khác.

Sự sụp đổ ấy nhanh chóng lan sang các vùng khác, đặc biệt các vùng Trung Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Năm 1990, ở Nicaragua, sau một cuộc bầu cử tự do, đảng Cộng sản mất quyền; ở Angola, cuộc chiến giữa Cộng sản và phe chống Cộng chấm dứt; năm 1991, ở Ethiopia, Trung tá Mengistu Meriam, nhà độc tài Cộng sản từng thống trị đất nước suốt gần 15 năm, chạy trốn khỏi đất nước, và Eritrea tuyên bố tách khỏi Ethopia, trở thành độc lập và từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản. Ở Trung Đông, năm 1990, chế độ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Yemen bị sụp đổ, sau đó, hợp nhất với Nam Yemen, thành lập nước Cộng hòa Yemen; ở Afghanistan, chế độ Cộng sản của Najibullah sụp đổ vào mùa xuân 1992.

Sự sụp đổ một phần diễn ra ở Trung Quốc, Lào, Cuba và Việt Nam.

Chế độ Cộng sản, như nó từng tồn tại từ năm 1917 đến cuối thập niên 1980, dựa trên ba nền tảng chính: Về ý thức hệ, dựa trên chủ nghĩa Marx-Lenin; về kinh tế, dựa trên chính sách quốc hữu hóa và nguyên tắc kế hoạch hóa tập trung; và về bộ máy quyền lực, dựa trên sức mạnh độc tôn của đảng, công an và quân đội. Ở cả bốn quốc gia kể trên, từ đầu thập niên 1990, nền tảng ý thức hệ coi như đã bị phá sản; nền tảng kinh tế cũng bị biến chất theo chiều hướng tư bản hóa. Trên cái thế kiềng ba chân của chế độ, hai chân đã bị sụp. Chỉ còn một chân là bộ máy quyền lực. Gọi chế độ Cộng sản ở bốn quốc gia này bị sụp đổ một phần, thậm chí, phần lớn, là vậy.

Trên thế giới hiện nay, chỉ có một quốc gia duy nhất còn giữ được chế độ Cộng sản chính thống và “truyền thống” trước năm 1990, đó là Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, không ai xem đó là điều đáng tự hào. Ngược lại. Nó chỉ bị xem làmột thứ quái thai.

Như vậy, chúng ta chứng kiến một nghịch lý: một mặt, có cảm tưởng như không ai có thể đánh bại được Cộng sản; mặt khác, chỉ trong vòng mấy năm thật ngắn ngủi, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều thi nhau ngã gục. Vậy thì ai đánh bại nó?

Có nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Nhưng câu trả lời được nhiều học giả đồng tình nhất là: Không có ai đánh bại Cộng sản cả. Chỉ có Cộng sản mới đánh bại được Cộng sản.

Cộng sản đánh bại Cộng sản bằng cách nào?

Bằng nhiều cách. Thứ nhất, bằng các sai lầm có tính hệ thống trong kinh tế khiến nước Cộng sản nào cũng nghèo đói xơ xác. Giữa thập niên 1980, phần lớn các cửa hàng quốc doanh, kể cả cửa hàng thực phẩm, ở phần lớn các nước Cộng sản, bao gồm cả Liên Xô, đều trống không. Nợ nước ngoài chồng chất. Riêng Ba Lan, nơi chế độ Cộng sản sụp đổ đầu tiên, nợ các nước Tây phương đến trên 100 tỉ đô la và đối diện với nguy cơ không thể trả được. Thứ hai, tình hình kinh tế tồi tệ ấy càng tồi tệ thêm nữa do nạn tham nhũng tràn ngập ở mọi cấp. Thứ ba, những thất bại về kinh tế, sự hoành hành của tham nhũng và những chính sách độc tài tàn bạo của chính quyền làm dân chúng bất mãn và nổi dậy tranh đấu đòi thay đổi chính sách, đặc biệt, dân chủ hóa. Cuối cùng, đối diện với tất cả các vấn đề ấy, hầu như mọi người, kể cả các cán bộ cao cấp nhất, đều mất hẳn niềm tin vào chủ nghĩa Cộng sản. Họ biết chắc chắn một điều: họ không thể tiếp tục tồn tại được nếu họ không tự thay đổi. Chính sách glasnost và perestroika của Mikhail Gorbachev ra đời là để đáp ứng lại nhu cầu đó. Nhưng ngay cả khi đưa ra chính sách cải tổ và tái cấu trúc như vậy, giới lãnh đạo vẫn không an tâm hẳn. Họ biết đó chỉ là những biện pháp vá víu. Tự thâm tâm, tất cả đều mất niềm tin vào chế độ.

Chính vì mất niềm tin như vậy nên ở những thời điểm quan trọng nhất, mọi người đều đâm ra hoang mang, không ai dám quyết định điều gì. Ngày 9 tháng 11 năm 1989, khi dân chúng đổ xuống đường biểu tình trước bức tường Bá Linh, bộ đội và công an, dù đông hơn hẳn, không biết đối phó thế nào. Họ gọi điện thoại lên cấp trên. Các cấp trên của họ sợ trách nhiệm, cứ đùn qua đẩy lại với nhau: Cuối cùng bức tường bị đổ. Ở Nga cũng vậy, trước các cuộc xuống đường của dân chúng, không ai dám ra lệnh quân đội hay công an nã súng vào dân chúng: cuối cùng, chế độ sụp.

Không phải cán bộ, công an hay giới lãnh đạo bỗng dưng nhân đạo hơn. Không. Ở đây không phải là sự thay đổi trong tính khí. Mà ở nhận thức. Tất cả đều nhận thức được sâu sắc mấy điểm chính: Một, ngày tàn của chế độ Cộng sản đã điểm; nó không thể tồn tại thêm được nữa. Hai, nó cũng không thể cứu được. Mọi nỗ lực cứu vớt đều tuyệt vọng và chỉ gây tai họa không những cho đất nước mà còn cả cho chính bản thân họ. Cuối cùng, như là hệ quả của hai điều ấy, chọn lựa tốt nhất mà họ nên làm là buông tay bỏ cuộc.

Cả ba nhận thức ấy đều không thể có nếu không có hai điều kiện: Thứ nhất, người ta có dịp so sánh với sự giàu có, tự do và dân chủ ở Tây phương và thứ hai, các nỗ lực tranh đấu không ngưng nghỉ của dân chúng, đặc biệt giới trí thức, trong việc vạch trần các sai lầm và tội ác của chế độ. Cả hai điều kiện đều quan trọng, nhưng điều kiện thứ nhất chỉ có thể phát huy được tác dụng là nhờ điều kiện thứ hai. Những sự phê phán và tranh đấu cho dân chủ liên tục càng ngày càng làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc giữa tự do và toàn trị, càng làm lung lạc niềm tin ngay cả ở những kẻ cuồng tín và mê tín nhất, cuối cùng, cô lập những kẻ lì lợm bám víu vào bộ máy độc tài. Khi sự cô lập đến mức độ nào đó, người ta chỉ còn hai lựa chọn: hoặc trở thành Gorbachev hoặc trở thành Ceaușescu (hay gần hơn, Muammar Gaddafi ở Libya).

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


10/6/13

giang hồ

giang hồ         

tran ho dung

Cứ tưởng ra đi ... rồi trở lại 

Quê hương đâu dễ chẳng quay về

Cứ  ngỡ   giang hồ dăm bảy bữa 

Hay vài ba tháng, đủ rong chơi

giang hồ - đi  nửa vòng quả đất

Ngó trời xứ lạ, ngắm tuyết rơi

Khi nào thỏa chí ta về lại 

Uống nước sông quê, tắm mưa nguồn

Rau đắng sau hè, ta cứ hái 

Dưa muối  bao đời, đâu dễ quên 

Rượu quê sẵn đó, bao bè bạn 

Mặc sức mà say, thỏa thích cười 

Nào ngờ năm tháng trôi vun vút  

Biết đến bao giờ  qui cố hương ?    

Đường về sao thấy xa thăm thẳm

Mắt mỏi mòn trông , tóc bạc dồn

Mẹ tóc phơ phơ còn đứng đợi  

Bạn bè dăm đứa  bặt tăm hơi

Gió ở bên trời hiu hắt lắm 

Đâu bằng gió lạnh buốt lòng tôi

Chí lớn  vo chưa tròn một nắm

Quăng vào trời tuyết  buốt hư không !

Đành  đưa tay vẫy chào sông núi 

Làm sao kim chỉ vá non sông 

Tuyết lạnh ,trời cao , ly rượu đắng

Mềm môi tê tái  mộng giang hồ

Giữa trời xứ lạ giơ tay  vẫy 

Người ơi chờ nhé, đợi ta về !

tranhodung. washington.usa. .2012-2013

  

      

Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu: 50 năm nhìn lại

Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn, ngày 11/6/1963. (AP/ Malcolm Browne)




10.06.2013

 

​​Ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức thể hiện sự phản đối đầy bi phẫn bằng việc tẩm xăng tự thiêu ngay giữa một giao lộ đông đúc ở Sài Gòn.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng sục sôi giữa Phật giáo miền Nam và chính quyền Ngô Đình Diệm, một người theo Công giáo và bị cho là có những hành động đàn áp Phật giáo.

Sự kiện này có thể đã không được cả thế giới biết tới nếu không nhờ ký giả Malcolm Browne của hãng tin AP.

Ông Malcome Browne khi đó đang là Trưởng văn phòng của AP tại Sài Gòn và đã tác nghiệp ở Việt Nam được 3 năm.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí TIME, ông Browne thuật lại rằng vào thời điểm đó quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm trở nên xấu hơn, nhất là sau sự kiện cảnh sát ở Huế dùng vũ lực với Phật tử biểu tình phản đối việc chính quyền cấm treo Phật kỳ trong ngày Lễ Phật Đản.

Ông Browne nói lúc bấy giờ ông quan tâm nhiều hơn đến người theo Phật giáo ở Việt Nam vì ông dự cảm rằng họ sẽ là những người làm biến chuyển thế cuộc.

Mùa xuân năm 1963, giới tăng sư ngụ ý rằng họ sẽ thể hiện một sự phản kháng chưa từng có. Ông Browne nói họ còn gọi điện thoại đánh tiếng với báo giới nước ngoài vào đêm hôm trước rằng một “điều gì đó rất quan trọng” sắp sửa xảy ra.

Cảnh báo này bị hầu hết các nhà báo phớt lờ vì trước đây cũng đã có những lời đe dọa tương tự, nhưng ông Browne vẫn quyết định xách theo máy ảnh vào sáng hôm sau.

Nhận xét về quyết định này của ông Browne, Richard Pyle, Trưởng văn phòng AP ở Sài Gòn từ năm 1970 đến năm 1973, nói:

“Malcolm chụp ảnh với khả năng nhìn xa trông rộng xuất sắc. Tôi biết là Horst Fass, chủ biên nhiếp ảnh của Malcolm, từng nói với anh ấy rằng đi đâu cũng phải xách theo máy chụp ảnh và đó là lý do tại sao Malcolm xách máy theo vào hôm đó. Nếu Horst Fass mà biết Malcolm không mang máy, ông ta sẽ nhảy dựng lên mắng nhiếc. Và một phóng viên người Việt nữa tên Ha Van Tran đi cùng Malcolm cũng mang theo máy. Vậy là AP có 2 máy chụp ảnh ở đó và không hãng nào có máy ảnh cả.”

‘Ký ức kinh hoàng’

Khi ông Browne đến ngôi chùa nơi các tăng ni đang tề tựu, ông thấy mọi thứ có vẻ đang được tiến hành. Họ đang tụng kinh cầu siêu. Ông biết rằng lần này họ không nói suông.

Rồi theo hiệu lệnh của những người lãnh đạo, tất cả tăng ni đổ ra đường và tuần hành về trung tâm Sài Gòn.

Khi đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám), họ đứng thành vòng tròn vây quanh chiếc xe Austin Westminster màu xanh dẫn đầu đoàn tuần hành trong suốt chặng đường.

Ông Browne thuật lại chi tiết những diễn biến sau đó trong một cuộc phỏng vấn do AP thực hiện:

​​​​“Và một vị cao tăng bước ra khỏi xe, người mà sau này tôi mới biết tên là Thích Quảng Đức, rồi thêm hai vị sư trẻ tuổi khác. Hai người họ dìu ông ấy ra giữa vòng tròn, đặt một cái gối xuống đường rải nhựa. Quả là ký ức kinh hoàng! Một người họ quay trở lại xe và lấy ra một can nhựa polyethylene đựng đầy xăng màu hồng, sau này tôi mới biết là có pha thêm nhiên liệu máy bay phản lực để cháy lâu hơn, rồi người này đổ xăng từ trên đầu xuống và lùi lại mấy bước.

“Ngay lúc đó, vị hòa thượng rút ra một hộp diêm, quẹt một que và thả nó rơi vào lòng. Ngọn lửa lập tức phừng lên trùm kín cả thân người. Mặt ông ấy nhăn nhúm lại. Nhìn nét mặt ấy là biết ông ấy đang đau đớn khôn xiết nhưng ông ấy không kêu lên một tiếng. Tôi nghĩ ông ấy tự thiêu khoảng 10 phút, có lẽ lâu hơn một chút, nhưng cảm thấy như kéo dài đến vô tận vậy. Tất nhiên, cả giao lộ nồng lên mùi thịt cháy và tăng ni thì khóc than kêu gào. Xe cứu hỏa tới và cố len qua vòng người, nhưng mấy vị sư lao tới chèn người dưới bánh xe trước và nằm ra giữa đường, nên thành ra xe muốn tiến lên chỉ có cách là cán qua người họ. Mọi thứ diễn ra khi tôi đang chụp ảnh.”

Lúc đó trong đầu ông Browne chỉ nghĩ đến việc phải chụp như thế nào để làm nổi bật đối tượng. Trả lời phỏng vấn của TIME, ông nói:

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc đối tượng chụp là đối tượng tự phát sáng nên phải chỉnh khẩu độ ống kính về f10 hoặc đại loại thế. Tôi dùng máy chụp ảnh rẻ tiền của Nhật tên là Petri. Tôi dùng rất thạo máy này nên tôi muốn đoan chắc rằng không những phải chỉnh chế độ chụp cho đúng mỗi lần bấm máy mà còn phải canh cho chuẩn, rồi còn phải thao tác thật nhanh để theo kịp diễn tiến. Tôi xài khoảng 10 cuộn phim vì chụp luôn tay.”

Phản ứng và hệ quả

Biết mình đã chụp được những bức ảnh quan trọng, phóng viên Malcolm Browne tức tốc gửi phim qua văn phòng AP ở Manila, Philippines, nơi có thiết bị đánh điện bằng radio gửi về trụ sở AP ở Mỹ.

Và khi AP công bố bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi kiết già giữa ngọn lửa ngùn ngụt, cả thế giới choáng váng.

Được biết Tổng thống Mỹ Kennedy khi nhìn thấy bức ảnh đã nói: “Không bức ảnh thời sự nào trong lịch sử khơi lên nhiều cảm xúc khắp thế giới như bức ảnh đó.”

AP nói bức ảnh này đã khiến chính quyền Kennedy nghiêm túc xem xét lại chính sách ủng hộ của Mỹ đối với chế độ Ngô Đình Diệm.

Ông Hal Buell, Giám đốc Nhiếp ảnh của AP đánh giá:

“Bức ảnh của Malcolm đưa cuộc chiến ở Việt Nam lên trang nhất, và nó ở đó trong suốt hơn 10 năm. Bức ảnh đó gây sốc và khiến người ta chú ý đến mức người ta bắt đầu hỏi, ‘Việt Nam này là nước nào? Chuyện gì xảy ra ở đó? Bao nhiêu người Mỹ ở đó?’ Tất cả những câu hỏi kiểu như vậy.”

Đến tháng 11 năm 1963, ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị ám sát cùng với người em trai Ngô Đình Nhu trong một cuộc đảo chính khi cuộc khủng hoảng Phật giáo ngày càng trầm trọng.

Từ năm 1964, Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến ở Việt Nam và mãi cho đến năm 1975 mới rút đi hoàn toàn khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

Bức ảnh mang về cho Malcolm Browne giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới của Năm năm 1963. Năm 1964, Browne giành luôn giải Pulitzer danh giá cho tường trình của ông về cuộc chiến ở Việt Nam và vụ lật đổ ông Diệm.

Malcolm Browne sau này rời AP về làm việc với báo The New York Times.

Ông qua đời vào ngày 27 tháng 8 tại Mỹ, thọ 81 tuổi.




8/6/13

Tay mẹ nối đầu rồng




Tháng 6 6, 2013
Nguyễn Hoàng Văn
Chưa thấy nghệ sĩ nào làm xấu quê hương của mình như Phạm Văn Hạng. Cũng chưa thấy nghệ sĩ nào dai dẳng bám trụ cái công việc ngu muội hóa nhận thức thẩm mỹ dân mình bằng nhà điêu khắc ấy, qua hai công trình mang tính dấu mốc của Đà Nẵng: Mẹ Nhu cứng đờ chỉ lối 1985 và Đầu Rồng loè loẹt bê vàng 2013, nghĩa là suýt soát ba thập niên.
Suýt soát ba thập niên nhưng chỉ nhích nhắc một đọan đường rất ngắn mà, thậm chí, không đáng mặt là “đường” dẫu chỉ một đoạn thực ngắn. Chỉ lởn vởn, xà quần. Xà quần từ thứ mỹ học “công nông binh trí tiến lên” cho đến “mỹ học nhà đòn”, quan niệm màu mè về cái đẹp theo kiểu ma chay tang tế của mấy bang hội người Hoa.
Có thể thấy ngay cái mỹ học màu mè ấy ở con rồng sắt bò trên cây cầu bắc qua sông Hàn, vàng choé và đồng bóng, nhìn xa như một cái cáng khiêng hòm, một món hàng mã hạng sang hay một thứ vật dụng trang trí phong thủy của người Trung Quốc. Nhưng tôi phải nói ngay rằng nhà điêu khắc này không phải là tác giả của mớ hổ lốn ấy. Cây cầu là tham vọng khẳng định mình của đám vua vùng, thứ lãnh chúa tân thời mà, đến thế kỷ 21 rồi, trình độ thẩm mỹ vẫn chưa thoát khỏi mỹ học “lân rồng” và phần việc của kẻ mệnh danh nghệ sĩ này, tập trung ở điểm nhấn đầu rồng, chỉ là tiếp tay phụ họa.
Nhưng vấn đề là vai trò của người nghệ sĩ. Nếu chúng ta kỳ vọng ở giới trí thức sự dũng cảm của trí tuệ và lương thức qua việc thách thức những chính sách gây hại cho đất nước và nhân quần thì, trong lĩnh vực thẩm mỹ, chúng ta cũng có quyền kỳ vọng tương tự với người nghệ sĩ. Là người, họ phải ngay thẳng với cái chân và cái thiện. Là nghệ sĩ, họ phải tự trọng với cái đẹp. Vạn nhất, không ngăn cản nổi những công trình vừa làm kiệt quệ sức dân, vừa tầm thường hoá nhận thức thẩm mỹ của người dân thì, ít ra, họ phải có sự tự trọng tối thiểu để bất hợp tác, không tiếp tay với những công trình vừa hút kiệt nguồn sống của nhân dân, vừa hoàn toàn hủ lậu và bệnh hoạn về cái đẹp.
Thế nhưng trải dài gần ba mươi năm, qua hai công trình thật tốn kém, nhà điêu khắc mệnh danh “người con đất Quảng” vẫn vậy. Vẫn chưa lớn, chưa thật sự trưởng thành trong tư cách nghệ sĩ mà, tệ hơn, còn lún sâu hơn trong cốt cách “văn công”. Mẹ Nhu giữa ngã tư Thanh Khê và Đầu Rồng ở đoạn giữa sông Hàn. Mẹ đồng, đầu rồng sắt. Mẹ ghép đâu từ gần hai ngàn vỏ đại bác Mỹ và đầu rồng cũng hàn, cũng ghép, bằng thép, chẳng rõ thép Mỹ hay thép Tàu. Nhưng cả mẹ cả rồng, như là đồng lòng, đều cùng nhìn một hướng.
Đầu tiên là Mẹ Nhu, một hình mẫu “mẹ đào hầm” [i]. Xưa mẹ đào hầm và mẹ hy sinh rồi, đến lúc đó, 1985, kỷ niệm 10 năm chiến thắng, mẹ vụt đứng lên ở cửa ngõ của Đà Nẵng để chỉ lối soi đường.
Nhưng mẹ, ở đâu, và bao giờ, cũng là… mẹ. Nghệ sĩ phải có khả năng cảm nhận tinh tế hơn người, tinh tế đến mức có thể nghe được cả tiếng cây cỏ bật mầm trong khoảng lặng hiếm hoi giữa hai đợt xung phong ngay trên trận tuyến thì, với mẹ, họ phải thấy được đâu là vòng tay nên đặt chứ? Tay mẹ, dẫu xương xẩu nắng mưa hay êm đềm vị sữa, không nên là cánh tay chỉ hướng. Tay mẹ, nên mở ra, rộng rãi. Tay mẹ, cần khoanh lại, vỗ về. Mẹ rộng mở bao dung và mẹ khép lại chở che, chở che cho cả những đứa con hư lúc thất bại cùng đường huống hồ đây đã chính danh là bà mẹ “Che chở mỗi bước chân con bước”? [ii] Nhưng theo cái mỹ học “tiến lên dưới ánh soi đường”, mẹ cứng đờ chỉ hướng tiến lên. Tiến như những công-nông-binh hùng hục tiến trong những công trình điêu khắc đại trà, những bảng hiệu tuyên truyền cũng rất đại trà: tiến theo hướng phất cán cờ, tiến theo mũi nhọn lưỡi lê, tiến theo đầu ruồi AK-47, tiến với tay súng binh, tay búa công, tay liềm nông và màu mè thêm, là tay sách cùng cặp mắt kính trí. Cứ thế mẹ chỉ. Chỉ như ông Lenin sắt máu Hai sách lược của Đảng Dân chủ – Xã hội trong thời kỳ dân chủ, như ông Mao gian manh và tàn bạo Mâu thuẫn luận, như ông Hồ trần sì tác phong Sửa đổi lối làm việc hay như, con người quyền lực nhất thời ấy, cái ông Lê Duẫn ít chữ lắm lời: Dưới là cờ vẻ vang cuả đảng vì độc lập, tự do vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới [iii].
Nhưng mẹ rất kiệm lời, chỉ đẫn đờ đưa tay về biển. Oái ăm thay, theo hướng mẹ, lớp lớp đàn con âm thầm và hồi hộp dắt díu nhau ra biển, dẫu dắt díu trong đớn đau ray rứt với ý nghĩ một đi không trở lại, cơ hồ chỉ thấy mỗi “thắng lợi” ở tận bên kia biển. Rồi thì đàn con thầm lặng, không ít đứa, đã nhởn nhơ ngược hướng, lăng xăng nhăng nhít với những “thắng lợi” mang về. Rồi thì những mẹ khác, bằng xương bằng thịt, cũng từng là “mẹ đào hầm”, lò dò lặn lội những bước chân ngược hướng theo từng chặng hành trình oan ức [iv]. Chỉ có cái Đầu Rồng thời thượng. Chỉ cái đầu loè loẹt này là theo mẹ để ngóc nhìn cùng một hướng trong âm hưởng của khẩu hiệu “Tiến ra biển lớn” đã rỗng tuếch, sáo mòn.
Cái Đầu Rồng nhìn lên lưng lửng là phần “nghệ thuật” nhất của công trình xây dựng tốn kém theo tham vọng chứng tỏ mình và lưu dấu đời sau, thứ tham vọng mà những pharaoh Ai Cập đã thành hay một Saddam Hussein đã cố nhưng hoàn toàn thất bại. Tham vọng của đám vua vùng hãnh tiến mà tài kinh bang tế thế chẳng qua là vét sạch tài nguyên để dựng lên một bề mặt hào nhoáng: tài nguyên không nằm sâu trong lòng đất thì tài nguyên chính là bề mặt của đất và họ đã đua đòi như những ông lý trưởng khi vét sạch đất hương hỏa của mình hay của người để cung phụng cho cái nhu cầu “khẳng định mình” trong quan niệm thẩm mỹ “sơn son thép vàng”. Phong cách “kinh bang” không khá. Cảm quan thẩm mỹ cũng không khá. Gắng gượng khẳng định mình bao nhiêu đi nữa kết cuộc cũng chỉ là một thứ sản phẩm chắp vá nên, dẫu đã vẽ vời bằng những khẩu hiệu rung trời với mục tiêu “biển lớn”, chỉ mới vượt một con sông không lớn lắm thôi, con rồng mỏng manh đã hụt hơi, tận sức.
Rồng, không tiến ra biển nổi mà, cơ hồ, phải bám trụ, ở bờ Đông sông Hàn.
Bờ Đông của một thời là An Hải, làng chài, còn được thi vị hoá trong vài cái tên là Đông Giang. Bờ Đông của một thời chiến tranh là đất của dân tản cư, của những trại lính, của những snack-bar, của gái điếm và của cô hồn cắc đảng. Bờ Đông của thời bình, lúc mẹ đứng lên ở Thanh Khê chỉ lối, từng bị dè bỉu trong cái nhìn trịch thượng của những thị dân bờ Tây như là “Quận Ba”, đất “nhà quê”, thứ đất của thứ dân chài và những thị dân hạng hai nửa quê nửa tỉnh. Nhưng rồi thì bờ ấy cũng đổi đời như một mảnh đất bê vàng để “rồng” – ví như một biểu tượng “tinh hoa” — bị lụy bờ, sụm xuống. “Khát vọng hoá rồng” đã bị nhấn chìm trong ma lực bê vàng.
Không ai có thể đưa ra một dự phóng chính danh là “khát vọng” khi ngang tàng chà đạp lên sức người và sức đất nhưng đó lại là những chuyện mỉa mai rất thực. Những đám “nhà quê” – bờ Đông hay bờ Tây – đã bị đuổi đi và những cao ốc, những biệt thự lộng lẫy, những khu đô thị khang trang đã nối đuôi nhau mọc lên, choáng ngợp. Một dải biển dài đã bị “ngăn sông cấm chợ” và những resort hạng sang nối tiếp mọc lên, san sát. Dân chài đang mất biển và những thị dân, nửa quê nửa tỉnh hay toàn phần là tỉnh, cũng bị mất biển: không được sống bằng biển quê hương, họ cũng không được tắm cả biển của quê hương. Sức dân và sức đất đã bị chà đạp tàn mạt thế nên “rồng” cứ là yếu ớt mỏng manh, không thể bay ra tới biển.
Nhưng dù không là như thế, dù mãnh liệt và vũ bão, dù hừng hực khát vọng thì rồng vẫn là… rồng. Chúng ta có thể nói thao thao bất tuyệt về con rồng thời Lý, thời Trần hay thời Lê; chúng ta có thể bơm thổi cho rồng vàng “tiến ra biển lớn”, có thể chôn vùi “rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc” của thực dân Pháp một thời nhưng, suy cho cùng, rồng nào cũng là rồng, cũng là một thứ sản phẩm thực dân. Nếu thực dân là một thế lực ăn cướp, cướp đất và cướp cả tư cách con người thì dân tộc chúng ta đã bị đặt trên đe và trên thớt của của bao nhiêu là kẻ cướp. Sau bọn cướp đất phương Bắc thì đến bọn cướp đất phương Tây. Hết băng cướp đất phương Tây thì đến đảng cướp đất toàn trị [v]. Chưa thoát ra khỏi cái búa của giặc cướp toàn trị thì lại lấp ló cái mã tấu của giặc cướp phương Bắc, tình thế thật là rối ren và bi đát quá.
Rối ren và bi đát hệt tình cảnh mà những thế hệ như Phan Chu Trinh đã đối mặt khi thức tỉnh ra rằng, để cứu lấy mình, tộc Việt phải tự “đả phá” lấy chính mình: ngày nào còn tiếp tục nhai lại những giáo điều đã học của ông thầy Tàu, như là một sản phẩm của thực dân cũ, ngày đó tộc Việt không thể nào mạnh lên để thoát khỏi ách thực dân mới, không thể “ngửng mặt nhìn năm châu bốn bể”. Và chính sự thức tỉnh này đã mở lối cho cuộc vận động “chấn hưng dân khí và dân trí” nhằm đục bỏ sự nô lệ về tinh thần để xây dựng một ý thức quốc gia mới.
Tôi vẫn nhớ như in nét mặt của điêu khắc gia kiêm hoạ sĩ Lê Thành Nhơn, cách đây mười mấy năm, trong một lần họp mặt tại nhà của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Lê Thành Nhơn say sưa nói về một ý tưởng sáng tạo mà, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn không có cơ hội thực hiện: một hình khối nửa người nửa đá, hai tay vung ra, tay đục và tay búa, dùng chính sức của mình đục nên hình vóc của chính mình.
Tác phẩm chưa thành của người nghệ sĩ sống hết mình cho nghệ thuật, cơ hồ, cũng là giấc mơ chung bất thành sau bao thế hệ. Bởi vượt qua kiếp đá, vươn lên thành người, hiểu trong hoàn cảnh của chúng ta, là “mạnh lên”, là “ngửng mặt nhìn năm châu bốn bể”. Kể ra thì đó cũng chính là điều gói ghém trong khẩu hiệu “Tiến ra biển lớn” khi ngụ ý ước vọng thoát khỏi hoàn cảnh nhược tiểu để hòa nhập với thế giới như một sân chơi bình đẳng. Và đó vẫn tiếp tục là một giấc mơ xa vời khi “dân trí” và “dân khí” chưa được “chấn hưng”.
Rõ ràng là “dân trí” từng thấp lắm nên bọn ăn cướp toàn trị mới có thế thành công với những lớp mặt nạ mỵ dân “bình đẳng”, “tự do” và “độc lập”. Nhưng cả khi những lớp mặt nạ ấy đã rớt xuống để hở bộ mặt của thứ đầu trộm đuôi cướp ra rồi thì “dân khí” phải thế nào đó nên mới có những thế hệ tiếp nối nhau nhẫn nhịn sống chung. Một dân tộc sống chung với bầy ăn cướp. Một dân tộc tự điều chỉnh mình để thích nghi với những trò ăn cướp. Một dân tộc cam tâm trong vai của một nạn nhân trường kỳ.
Để dân tộc vượt qua thân phận yếu hèn không thể “ngửng mặt nhìn năm châu bốn bể” thì từng cá nhân phải ngửng mặt sống như những con người. Phải vượt qua cái tâm lý nhẫn nhịn và thích nghi trường kỳ, phải vung đôi tay của mình lên đục bỏ những căn tính nô lệ đã kết tủa trong chính não trạng của mình. Công việc lớn lao đó đòi hỏi sự góp phần của người nghệ sĩ bởi, nếu không nâng được cảm quan của công chúng về những giá trị chân thiện mỹ lên thì, ít ra, họ cũng không thể cam tâm dìm  nó xuống, không thể cam tâm bắt tay hợp tác với những trò mỵ dân cực kỳ hao tổn tài nguyên nấp dưới cái bóng nghệ thuật.
Mà tự thân người nghệ sĩ cũng vậy. Hắn phải tự vung tay lên để tự tạo lấy hình vóc và tầm cỡ của hắn hay ít ra là để tự giải thoát cho hắn. Ngoan ngoãn đục đẽo tô nắn theo ngón tay duy ý chí của những kẻ đang thao túng nguồn sống của nhân dân thì, dù thực hiện hết công trình “phì đại” này đến công trình “phì đại” khác, trọn kiếp hắn cũng chỉ “tròn kiếp văn công”. Những tác phẩm minh hoạ càng đồ sộ và hoành tráng theo cuồng vọng khẳng định mình của những kẻ cầm quyền hãnh tiến, tư cách nghệ sĩ của hắn càng bé lại, choắt lại, co rúm trong vòng khép của đôi tay cơ hồ hoá đá.
Nhưng thế, hóa đá, kể cũng là sang. Đã “tròn kiếp văn công” thì nói gì là đá, con tim hắn, khối óc của hắn còn tệ hơn, không đáng mặt là đá mà, xét cho cùng, chỉ là một nhúm đất bạc màu.
Đà Nẵng – Sydney 1.6.2013
© 2013 Nguyễn Hoàng Văn & pro&contra



[i] Tên thật là Lê Thị Dãnh (? – 1968), từ năm 1967 đã đào hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu cán bộ nằm vùng, đặc biệt là “biệt động thành”. Ngày 21-12-1968, cơ sở bị bố ráp. Theo tài liệu tuyên truyền thì 7 “biệt động thành” vùng chống trả và thoát ra khu, riêng bà mẹ thì bị giết.
Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng viết về bức tượng: “Sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã tác tượng Mẹ Nhu bằng cách ghép nối hàng nghìn vỏ đạn đồng đại bác của Mỹ. Bức tượng đồ sộ cao hơn chục mét của bà mẹ anh hùng mặt hướng về phía cửa biển Đà Nẵng, trong tư thế đang phất tay ra lệnh “tiến lên”, được đặt trên đại lộ Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm thành phố.”
[ii] Trích từ bài thơ “Đất quê ta mênh mông” của Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc)
[iii] Tên những tác phẩm sặc mùi giáo điều của các lãnh tụ cộng sản này
[iv] Tôi thử google mấy chữ “Mẹ liệt sĩ khiếu kiện” thì chỉ trong vòng 0.31 giây đã nhận được 515,000 kết quả. Thử liệt kê những kết quả đầu tiên:
i/ Mẹ liệt sỹ 90 tuổi trong túp lều xiêu vẹo
ii/ Khiếu nại của mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ngùy về đất bị thu hồi: Những …
iii/ Đừng để mẹ liệt sĩ phải hoài công khiếu nại
iv/ Một mẹ liệt sĩ mỏi mòn chờ đợi phép công
[v] Xem: “Thực dân, nô lệ, ăn mày”: 1/ http://www.talawas.org/?p=21228, 2/ http://www.talawas.org/?p=21230
 

3/6/13

10 kiệt tác hội họa khỏa thân được bán với giá đắt nhất trong lịch sử ......




10 kiệt tác hội họa khỏa thân được bán với giá đắt nhất
                     trong lịch sử mỹ thuật thế giới



Những bức họa nổi tiếng về chân dung và hình thể của con người vẫn được lưu giữ và truyền tay nhau từ hàng ngàn năm nay. Tranh khỏa thân là một loại hình nghệ thuật không chỉ rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của những người yêu nghệ thuật mà còn được đấu giá rất cao.
                                  
Sau đây là 10 kiệt tác hội họa khỏa thân được bán với giá đắt nhất trong lịch sử mỹ thuật thế giới:

1. Nude in a Black ArmchairTác giả: danh họa Pablo Picasso
Trị giá: 45,1 triệu USD
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Bức tranh mang tên “khỏa thân trên ghế bành đen” này của danh họa Picasso được bán với giá 45,1 triệu USD, mức giá cao kỷ lục mà chưa một họa phẩm cùng thể loại nào từng vượt qua được. Picasso vẽ bức tranh này từ năm 1932 và cho tới nay, có vẫn được lưu truyền như một trong những bức tranh quý giá nhất của ông.

2. Study of Nude with Figure in a Mirror Tác giả: danh họa Francis Bacon.
Trị giá: 39,7 triệu USD
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Sau khi ra đời vào năm 1992, bức tranh này chỉ được bán với giá 1 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, giá trị của tác phẩm đã leo thang với tốc độ chóng mặt và làm cho Francis Bacon trở thành một trong những họa sĩ được săn lùng nhiều nhất thế giới cũng như làm cho các tác phẩm khác của ông trở nên có giá trị hơn.

3. Benefits Supervisor Sleeping Tác giả: danh họa Lucien Freud.
Trị giá: 33,6 triệu USD.
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Được ra đời năm 1995, tác phẩm này được các nhà phê bình nghệ thuật bình chọn là tác phẩm tuyệt nhất của Lucien Freud từ những năm 1990. Đây chỉ là môt bức vẽ giản đơn về một phụ nữ nằm tựa trên ghế sofa. Điểm thú vị ở đây là cô chẳng có vẻ gì là đẹp đối với quan niệm hiện đại về cái đẹp cả. Đây là tác phẩm quý giá nhất của họa sĩ Freud, một trong những họa sĩ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ.

4. Les Femmes d’Alger (O)

Tác giả: danh họa Pablo Picasso.
Trị giá: 32 triệu USD
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Thêm một kiệt tác của Picasso nữa. Đây là tác phẩm ra đời trước tác phẩm “Nu au Collier” của ông. Bản phóng tác “O” của kiệt tác Les Femmes d’Alger có giá trị nhất trong loạt tác phẩm này. Tác phẩm này đã được bán vào năm 1997.

5. Nu Couche de DosTác giả: danh họa Amedeo Modigliani
Trị giá: 26,9 triệu USD
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Tại buổi bán đấu giá, mọi người cảm thấy hơi bất ngờ trước giá bán ra của tác phẩm. Đây là một tác phẩm tuyệt vời của Modigliani nhưng lại không phải là tác phẩm khỏa thân đắt nhất mọi thời đại.

6. Nu au Collier Tác giả: danh họa Pablo Picasso.
Trị giá: 24 triệu USD.
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Kiệt tác này được đấu giá vào năm 2002. Có lẽ do công chúng không biết đến sự có mặt của nó trong thời gian khá dài đã làm cho kiệt tác này có giá trị cao như vậy, và chứng tỏ người ta ao ước sở hữu các tác phẩm của Picasso đến như thế nào. Tác phẩm này được ra đời vào những năm 1930, là lúc ông và bà Marie-Therese Walters yêu nhau say đắm. Hai người sống ẩn dật trong một tòa lâu đài. Chủ đề của kiệt tác này là nhấn mạnh vào đường cong nữ tính, và thể hiện tình yêu sâu sắc đối với người phụ nữ ông yêu.

7. Naked Portrait with ReflectionTác giả: danh họa Lucien Freud.
Trị giá: 23,5 triệu USD.
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Bức họa “Naked Portrait with Reflection” được ra đời vào năm 1980, là một bức tranh sơn dầu và được xếp vào dòng tranh hiện thực Phục Hưng. Từ “reflection” trong tên của bức họa minh họa cho chân của một người đàn ông đằng sau ghế sofa. Có ý kiến cho rằng đó chính là tác giả.

8. Eve, grand modele-version sans rocher
Tác giả: nhà điêu khắc Auguste Rodin
Trị giá: 18,97 triệu USD.
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Đây là bức tượng do một trong những nhà điêu khắc nổi tiếng nhất mọi thời đại, Auguste Rodin, sáng tác. Mặc dù được mệnh danh là cha đẻ của ngành điêu khắc hiện đại nhưng các tác phẩm của Rodin vẫn bị các nhà điêu khắc đương thời chỉ trích. Eve là nỗ lực đầu tiên của ông tạo ra một người mẫu nữ cỡ lớn để sánh vai bên tác phẩm điêu khắc Adam của ông cho dù là nó chưa bao giờ được hoàn thành. Tuy vậy, tác phẩm điêu khắc này vẫn có giá trị cao ngất ngưởng là 19 triệu USD.

9. Les Femmes d’Alger (J) Tác giả: danh họa Pablo Picasso.
Trị giá: 18,6 triệu USD.
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Les Femmes d’Alger (J) của Picasso đứng ở vị trí tiếp theo trong danh sách này. Thật thú vị là ông cũng đã tạo ra rất nhiều bản phóng tác của tác phẩm này. Và bản phóng tác mang “J” đã là bản có giá trị thứ 2 sau bản (O), được bán với giá 18,6 triệu USD vào năm 2005.

Nó chứa đựng rất nhiều đặc điểm về tác phẩm của Picasso với tư cách là một họa sĩ lập thể. Bức họa này được vẽ lại vào năm 1955 và được gợi cảm hứng từ tác phẩm “Women of Algiers in their Apartment” ra đời năm 1855 bởi danh họa Eugene Delacroix.

10. Nu assis sur un divan (la belle Romaine)
Tác giả: danh họa Amedeo Modigliani.
Trị giá: 16,77 triệu USD.
Những kiệt tác khỏa thân đắt nhất mọi thời đại
Amedeo Modigliani là môt họa sĩ người Ý, gốc Do Thái. Ông sống một cuộc sống chật vật: nghiện ma túy, nghiện rượu, đói nghèo và chết sớm. Trong cuộc đời 35 năm ngắn ngủi của mình, ông đã sáng tác những tác phẩm nghệ thuật đáng ao ước.

Bức tranh này được ra đời vào năm 1919, vẽ về một phụ nữ chỉ khoác trên người một mảnh vải mỏng. Phong cách của ông là độc nhất vô nhị và rất khó phân loại, mặc dù có một vài ý kiến cho rằng ông cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách của Toulouse-Lautrec và Cezanne. Bức tranh này được đấu giá vào năm 1999.

HOÀI THƯ