27/9/13

Nguyễn Trung : Từ Diễn văn của Tổng thống CHLB Đức – Bàn về Chính trị Việt Nam

Bàn về quyền dân sự và chính trị của công dân trong xã hội dân sự ở nước ta, xin kính mời bạn đọc tham khảo diễn văn kỷ niệm 150 Đảng Dân chủ Xã hội Đức.
Nguyễn Trung. Hà Nội, Tây Hồ, Võng Thị, ngày 28-09-2013
(Tựa bài viết tổng hợp này do Diễn đàn XHDS đặt)
Diễn văn của Tổng thống CHLB Đức, Joachim Gauck, tại lễ kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD)[1]
 Leipzig, 23 tháng 5 năm 2013
Một dịp hiếm có và đầy tự hào đoàn tụ chúng ta tại đây hôm nay: Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của mình. Không một đảng nào khác tồn tại lâu như vậy, bởi lẽ những mục tiêu phấn đấu cơ bản của đảng này đã  và luôn luôn có tính thời sự với nội dung mới, đó là: Các quyền tự do, công bằng xã hội, quyền tham dự vào chính trị.

Đây là ngày kỷ niệm của đảng lâu đời nhất nước Đức. Đây cũng là ngày lễ của châu Âu đấu tranh cho tự do và dân chủ. 150 năm này là cả một thiên lịch sử đầy những thắng lợi và thất bại, những cuộc chiến tranh khủng khiếp và tàn bạo, các cuộc nổi dậy và sự đàn áp; có thể nói đấy là các cuộc nổi dậy luôn luôn với nhận thức cho rằng các xã hội có thể thay đổi, dân chủ là có thể thực thi, nếu như chúng ta hiểu rõ được chúng ta phấn đấu, bảo vệ hay phải giành lấy những giá trị gì, và nếu như chúng ta đủ dũng cảm vượt qua được mọi đàn áp.
Mọi chuyện tùy thuộc vào việc chúng ta đã và luôn luôn dám đối mặt với tâm trạng cảm thấy mình bất lực, dám như thế vì chính mình và vì những người khác, dám tiến tới những bước phát triển mới. Với ý chí không gì lay chuyển nổi, nhiều nam nữ đảng viên Đảng Dân Chủ Xã hội Đức đã phấn đấu như vậy trong suốt quá khứ đầy biến động của đảng mình, dám xả thân cho niềm tin của mình, để đẩy mạnh phong trào, để giành được sự công nhận của xã hội, giành lấy sự tồn tại của chính mình, và nhiều người đã hy sinh.
Những con người dũng cảm này gửi lại chúng ta di chúc: Không nên coi lễ kỷ niệm hôm nay chỉ là “nơi để tưởng nhớ”. Nhìn vào nhiệm vụ của mình trong tương lai, chúng ta phải tự hỏi: Khẩu hiệu “Tiến lên!” (“Vorwaerts!”) [2]  của hôm qua sẽ có ý nghĩa gì đối với triển vọng sắp tới nhìn từ hôm nay?
Xin các quý vị hãy cho tôi bắt đầu từ năm 1863, xin hãy nhớ đến sự nghèo khốn, sự bóc lột, nhớ đến những điều kiện lao động mà ngày nay chúng ta chỉ thấy ở một số nước đang phát triển mà chúng ta từng phê phán; xin thưa đấy cũng chính là đời sống ngột ngạt thường ngày của hàng triệu người Đức thời đó. Thử hỏi những người thời ấy dám nổi dậy đấu tranh sẽ có thể lựa chọn như thế nào: Nên chăng đấy sẽ là sự nổi dậy để dẫn đến cách mạng, để rồi lại thiết lập nên một nền thống trị mới của những người trước đó đã từng bị áp bức? Tình hình đã đến mức gần xảy ra một kịch bản như thế. Nhưng Ferdinand Lassalle – người đã từng trải qua cuộc cách mạng 1848 ở tỉnh Rhein – đã tìm thấy đáp án khác cho nghèo khốn và áp bức. Ngày nay trong tai chúng ta chúng ta vẫn còn vang lên cương lĩnh của ông: Thay đổi xã hội bằng chính sách giải phóng con người, nhằm tạo ra sự tham gia của quảng đại quần chúng nhân dân vào chính sự. Mục tiêu này trước hết bao gồm giáo dục, cưỡng bách giáo dục đối với mọi người, đương nhiên bao gồm cả những nghiệp đoàn giáo dục tự lập của công nhân nhằm giúp mỗi cá nhân có thể thăng tiến nhờ có hiểu biết qua học hỏi. Giải phóng con người  bằng cách thực hiện tham gia vào các quyền đã ghi thành luật, nhất là bằng cách mỗi người tự nâng cao quyền năng của mình. Cách đây 150 năm những đòi hỏi này là cách mạng, và hôm nay vẫn còn rất hiện đại.
Trong thời kỳ Đảng Dân chủ Xã hội Đức mới được thành lập, đương nhiên phải đặt cuộc đấu tranh vì những quyền bình đẳng của cộng đồng công nhân bị áp bức lên trước. Cương lĩnh Eisenach năm 1869 ghi rõ, đấy là bầu cử tự do, bình đẳng trong cả nước, bất chấp sự khác biệt về đẳng cấp xã hội của những người tham gia bầu cử, là cấm lao động trẻ em, là các tòa án phải độc lập.
Trong cuộc đấu tranh triền miên trong nội bộ đảng DCXHĐ, cuối cùng quan điểm đã thắng thế là: không thiết lập một đặc quyền giai cấp mới nào. Vì không thể đáp trả sự bất bình đẳng bằng cách thiết lập nên một sự bất bình đẳng mới. Hơn ba  thập kỷ sau khi Lassalle thành lập ĐDCXHĐ, Eduard Bernstein, nhà lý luận nổi tiếng và cũng là người bị đả kích rất nhiều của ĐDCXHĐ, đã mô tả: “dân chủ phải vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu”. Đối với tôi, trong nhãn quan chính trị mới này hàm chứa một trong những cống hiến lịch sử vĩ đại nhất của đảng DCXHĐ.  Hồi ấy, ĐDCXHĐ đã rất sớm làm cho dân chủ có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng trong một bộ phận đáng kể của tầng lớp công nhân và phong trào xã hội chủ nghĩa ở nước Đức. Chính là ĐDCXHĐ đã đấu tranh cho cải cách, chứ không phải cho việc làm cách mạng. Và cũng chính là ĐDCXHĐ đã kiên trì  con đường của mình và cuối cùng đã vận động được đa số tham gia, với cái đích là cải thiện từng bước cụ thể đời sống con người, thay vì công bố những mục tiêu không tưởng xa vời.
Nhưng phong trào cộng sản thế giới đã quyết định cho mình con đường khác – hiển nhiên với những hệ quả vô cùng khủng khiếp. Phong trào này đã thiết lập nên một giai cấp nắm quyền mới, và thay thế sự thống trị cũ bằng một sự thống trị mới. Còn tự do, công bằng xã hội, sự ấm no… người công nhân phải mong ngóng một cách vô vọng.
Chính vì thế, ngày nay chúng ta càng đánh giá cao những nỗ lực cải cách của phong trào xã hội dân chủ. Nhờ những nỗ lực này, chúng ta lần đầu tiên có được Luật Bảo hộ lao động, Luật về Quyền tham gia bầu cử của phụ nữ, và nhiều điều khác nữa. Thể chế dân chủ đầu tiên của nước Đức – cụ thể ở đây là Nền Cộng hòa Weimar – sẽ không thể thiết lập được, nếu như các đảng viên xã hội dân chủ – đứng đầu là Friedrich Ebert và Philipp Sheidemann – không có can đảm phấn đấu cho sự hợp tác chính trị với những lực lượng to lớn khác của các đảng phái tư sản. Đặc biệt là, các đảng viên xã hội dân chủ đã đấu tranh kiên cường hơn, bền bỉ hơn nhiều nhà dân chủ khác trong việc bảo vệ nền cộng hòa này. Các đảng viên xã hội dân chủ đã nêu cao lý tưởng của mình về tự do, bình đẳng và đoàn kết, quyết đấu tranh chống lại mọi kẻ chỉ muốn áp bức và chiến tranh.
Không thể nào quên bài nói của Otto Wels ngày 23-03-1933 tại Quốc hội Đức, giữa lúc quốc xã đã bắt giam nhiều người chống đối, đồng thời khiến nhiều người chống đối khác phải sống lưu vong. “Người ta có thể tước đoạt mạng sống và tự do của chúng tôi, nhưng danh dự của chúng tôi thì không bao giờ!..”  Bài nói ấy của Otto Wels quả là “can đảm nhất chưa từng có tại Quốc hội Đức” – đúng như Peter Struck đã nhận xét.
Chúng ta nên ghi nhớ, bằng cách nói “Không!” với cái  gọi là Đạo luât Ủy quyền[3], hồi đó 94 nghị sỹ của ĐDCXHĐ chẳng những đã cứu danh dự của chính mình, mà còn cứu cả danh dự của thể chế dân chủ đầu tiên của nước Đức (nền Cộng hòa Weimar – ND chú giải). Những con người ấy đã hiến tặng mọi người Đức chúng ta một trang sử chính nghĩa của dân chủ – đấy cũng là sự đối nghịch hoàn toàn đối với tội lỗi và sự hổ thẹn (của sử nước Đức – ND chú giải), đấy cũng là một kinh nghiệm quý báu cho thấy con người ta có thể kiên định với những giá trị của mình – cho dù bị bêu giếu, bị làm nhục, bị đầy đọa. Ngày nay chúng ta trân trọng với tinh thần biết ơn sự can đảm của họ.
Trong hàng ngũ những người này có Kurt Schumacher, một trong những nghị sỹ đã bác bỏ cái gọi là Đạo luật Ủy quyền. Sau hàng chục năm bị giam trong trại tập trung, khi chiến tranh kết thúc, ông đã chống lại sự quyến rũ muốn thành lập một đảng công nhân bao gồm những người xã hội dân chủ và những người cộng sản. Bởi vì ông nhận ra rằng – xin trích lời ông – Đảng Cộng sản Đức “không phải là một giai cấp Đức, mà là một quốc đảng xa lạ”. Tại miền Đông nước Đức, Đảng Dân Chủ Xã hội Đức chính thống xưa kia mãi đến sau năm 1989 (khi CHDC Đức sụp đổ – ND chú giải) mới được tái lập. Tôi vô cùng biết ơn vì điều này.
Ngược lại, ở miền Tây nước Đức, ĐDCXHĐ đã tham gia một cách có ý nghĩa quyết định cùng với những người thuộc đảng bảo thủ và đảng tự do, làm cho Cộng Hòa Liên Bang Đức có thể hoạt động có hiệu quả, với thẩm quyền rộng rãi, trở thành một “liên bang dân chủ và xã hội” như đã quy định trong Đạo Luật Cơ Bản, và chúng ta đều biết Đạo luật này được ban hành cũng ngày 23 tháng 5[4].
Ngày nay chúng ta đều biết thể chế dân chủ của chúng ta thật vững chãi, cho dù đôi lúc suy yếu tùy theo tình trạng của các đảng phái. ĐDCXHĐ chẳng những có thể nhìn nhận lại truyền thống lâu đời nhất của mình. ĐDCXHĐ còn phải thực  hiện sự thay đổi rất sâu sắc từ bên trong. Đơn giản vì ĐDCXHĐ ngày nay không còn là đảng của giai cấp nữa. Trong quá trình học hỏi lâu dài và gian khổ,  ĐDCXHĐ đã phải tự phát triển mình để trở thành đảng của nhân dân. Cương lĩnh Godesberg năm 1959 đã xác định, củng cố và thúc đẩy sự cải tổ này.
Đối với hầu hết chúng ta, những cống hiến của ĐDCXHĐ cho CHLBĐ thật rõ ràng. Tôi xin kể ở đây những cải cách xã hội được tiến hành trong những năm thập niên 70 dưới thời Willi Brandt, giai đoạn đầu tiên đổi mới của Chính sách phương Đông mở cửa hướng sang Cộng Hòa Dân Chủ Đức và các nước láng giềng Đông Âu, chính sách này đã giúp vén lên bức màn sắt.
Cuốn phim (chiếu trong lễ kỷ niệm này – ND chú giải) cũng cho chúng ta thấy những cống hiến của Thủ tướng Liên bang Helmut Schmidt và Gerhard Schroeder, cả hai vị này hôm nay cũng có mặt tại đây cùng với chúng ta. Các nhiệm kỳ thủ tướng của hai vị gắn liền với những cống hiến lâu bền của ĐDCXHĐ đối với CHLBĐ.
Trong suốt 150 năm qua vấn đề cốt lõi của dân chủ xã hội là: xã hội đoàn kết, thể chế dân chủ thường xuyên được cải thiện. Nhưng trong thế giới thay đổi  ngày nay, nhiều thách thức mới đang đặt ra cho ĐDCXHĐ cũng như cho các đảng khác. Trong đó vấn đề trung tâm là các đảng phải luôn luôn là một bộ phận của một xã hội công dân tự lớn mạnh, và nhờ đó luôn luôn tạo ra được những mối ràng buộc vững chắc cho một chương trình chính trị tổng quát (được hiểu là  chiến lược phát triển – ND chú giải).
Nhiệm vụ này không hề dễ, bởi vì trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến nhiều phong trào phản đối; những phong trào này nhiều khi cực đoan hơn các chính đảng, thường tập trung chỉ vào một vấn đề, và những phong trào này tư coi mình là đối thủ của các đảng. Những phong trào này cho thấy nhiều công dân muốn phải có tiếng nói của mình. Tôi hoan nghênh và ủng hộ điều này. Các đảng không nên lo sợ về hình thức tham gia này của công dân, mà ngược lại nên coi đấy là một hệ thống cảnh báo sớm, để nhờ đó có thể luôn luôn đi cùng với thời cuộc. Về phần mình, các đảng cũng cần phải có những phương thức tham chính mới, để từ đó làm cho sự năng động của mình tìm thấy hướng đi trong cuộc sống hàng ngày của nền dân chủ đại nghị của chúng ta. Tóm lại: Hình thức tham chính mới có một vai trò bổ sung quan trọng, nhưng dứt khoát không thay thế cho dân chủ đại diện.
Một lần nữa chúng ta hãy nghĩ xem, điều tôi vừa trình bầy có thể thấy rõ trong vấn đề: Các sáng kiến của công dân thường đại diện  những mối lợi ích riêng biệt – nhìn chung là chính đáng; trong khi đó ngược lại các đảng phải hướng về cái chung nhiều hơn, phải để mắt vào cái tổng thể. Thậm chí đôi khi các đảng có thể thành công trong việc tác động vào những cử tri của mình để lựa chọn những quyết định mâu thuẫn với đường lối hiện hành đến nay hoặc những lợi ích ngắn hạn của đảng. Tôi hiểu, trong phạm vi nội bộ một đảng điều này không được ưa chuộng lắm. Nhưng mà chúng ta đã chứng kiến: Chính những quyết định như thế thường là những quyết định có ý thức trách nhiệm đối với cả nước.
Hôm nay tôi chúc mừng ĐDCXHĐ 150 tuổi. Cho tôi nói lời cảm ơn và đánh giá cao đối với những người suốt 150 năm qua đã đấu tranh cho tự do, công bằng  và đoàn kết và qua đó đã cải thiện đời sống của hàng triệu người.
Cùng với lời cảm ơn ĐDCXHĐ, tôi đánh giá cao tất cả những ai đang hoạt động trong các đảng dân chủ vì hạnh phúc của tất cả chúng ta – dù đấy là các hiệp hội tại các địa phương hay là trong khung khổ Chính sách Châu Âu, dù họ là làm việc nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Cống hiến của họ đã góp phần vào những thành tựu trong nền dân chủ của chúng ta. Vì vậy tôi cũng xin chúc mừng tất cả chúng ta việc chúng ta có các đảng dân chủ. Các đảng này do con người tạo ra, vì thế chúng không hoàn hảo và không tránh khỏi thiếu sót, cho nên cần luôn luôn thực hiện phê bình, tự phê bình và phải chịu học. Các đảng dân chủ ở nước ta là cần thiết cho sự sống của nền dân chủ ở nước ta, và trong tương lai cũng không thể nào thiếu chúng. Với ý nghĩa ấy, xin nhiệt liệt chúc mừng sinh nhật (của ĐDCXHĐ – ND chú giải)!
Hết

Một vài cảm nghĩ của người dịch

Như một phản sạ tự nhiên, đọc xong bài diễn văn này, tôi liên hệ ngay đến nước ta, mặc dù toàn bộ câu chuyện của diễn văn xẩy ra ở nước Đức xa xôi, nghĩa là  – nhìn theo góc cạnh nào đó – chẳng dính dáng tí teo nào đến nước ta.
Suy nghĩ của tôi đơn giản: Lịch sử 150 năm của ĐDCXHĐ (SPD), về mặt nào đó mà nói cũng phản chiếu lịch sử thất bại của Đảng Cộng Sản Đức và sau này là Đảng Xã hội Thống Nhất Đức – đảng cầm quyền ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức kể từ khi nhà nước này được thiết lập năm 1949, cho đến khi nó bị chính nhân dân của mình lật đổ năm 1989. Thực tế này gợi lên nhiều điều phải suy nghĩ.
Hai trào lưu: Cải cách và cách mạng vô sản
Trước hết xin thưa, cách dây 150 năm, hoặc thậm chí ít nhiều sớm hơn nữa, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới nói chung và ở nước Đức nói riêng, ngay từ đầu – trước cả khi Marx bước lên vũ đài chính trị với Tuyên Ngôn Cộng Sản – cũng là lịch sử của hai trào lưu đấu tranh khác biệt nhau và đối lập nhau khủng khiếp, gần như giữa nước và lửa. Một bên là trào lưu dân chủ xã hội – được những người mác-xít đặt cho cái tên là “cải lương”, còn một bên là trào  lưu của cách mạng chuyên chính vô sản. Cuộc đấu tranh giữa hai trào lưu này – mặc dù cả hai đều thuộc về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế – càng về sau càng đối kháng nhau quyết liệt, chẳng kém gì đấu tranh với kẻ thù giai cấp. Chỉ xin điểm lại, các nhà lý luận mác-xít – kể từ Marx, Lénin trở xuống – đã giành cho trào lưu cải lương và toàn bộ cánh xã hội dân chủ sự bác bỏ tuyệt đối, với những lời lẽ và việc làm nặng nề nhất, không hiếm khi rất đẫm máu trong các chính quyền xô-viết và cộng sản sau này – dù ở châu Âu hay châu Á.
Nhân dịp này, nhìn lại phong trào cộng sản và công nhân thế giới 150 năm qua, có thể khẳng định: Tư tưởng của trào lưu cách mạng vô sản là thực hiện khát vọng xây dựng một xã hội mới không người bóc lột người – mang tên là chủ nghĩa xã hội, với 2 đặc trưng xuyên suốt: Thực hiện chuyên chính vô sản và công hữu hóa tư liệu sản xuất. Sau những bước phát triển ban đầu, phong trào này đạt tới đỉnh cao là thiết lập nên hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa gồm 12 quốc gia, bao gồm toàn Đông Âu và một phần lớn châu Á,  sau này có thêm Cuba.
Hệ thống các quốc gia XHCN này có ảnh hưởng quan trọng tới phong trào độc lập dân tộc trong 2 thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh thế giới II, qua đó chi phối 1/3 quả địa cầu. Hệ thống thế giới XHCN phân rã rất sớm, đạt tới hồi kết là sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô Đông Âu trong các năm 1989 – 1991.
Sau chặng đường 150 năm kể trên, cuối cùng thế giới ngày nay đã chứng kiến sự phá sản và thất bại hoàn của trào lưu cách mạng vô sản dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời thế giới cũng chứng kiến: Trào lưu dân chủ xã hội là một trong những yếu tố quyết định đem lại những thành quả quan trọng cho công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ở hầu hết các nước phát triển – đặc biệt là các nước Bắc Âu. Trong những thành quả ấy, trước hết phải nói tới các quyền tự do, dân chủ của cá nhân con người, các điều kiện để mỗi con người ngày một tự nâng cao quyền năng của mình trong một chính thể dân chủ, cuộc sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân lao động ngày một cải thiện và nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước.
Có thể nói một cách tổng quát: Sự phát triển của các nước công nghiệp, kể cả những tiến bộ đạt được trong thể chế chính trị và đời sống văn hóa – xã hội, có sự đóng góp không thể thiếu của trào lưu dân chủ xã hội. Nếu muốn, có lẽ cũng có thể nói: Do sự vận động  bên trong như vậy – trước hết được hiểu là những thắng lợi của trào lưu dân chủ xã hội – và  và do những thay đổi trên thế giới,  chủ nghĩa tư bản tại các nước công nghiệp này đã ngày một bớt đi “mùi đế quốc chủ nghĩa”. Ở phạm vi toàn cầu, chính sự vận động này đã góp phần từng bước đẩy lùi chủ nghĩa đế quốc trên thực tế. Đấy chính là xu thế vận động của thế giới đã diễn ra từ nửa sau thế kỷ 20 và đang tiếp diễn.
 Bản kết toán của trào lưu cách mạng vô sản tại các nước LXĐÂ nói ngắn gọn là: (1)chỉ thành công trong bạo lực đập tan (ở Nga) hay xóa bỏ (ở các nước Đông Âu) sự thống trị của giới cầm quyền áp bức đương thời, (2)nhưng thất bại hoàn toàn trong xây dựng một chế độ xã hội mới; nội dung cốt lõi được đề xướng thành lý tưởng của trào lưu này là giải phóng con người cuối cùng chỉ còn là một khẩu hiệu không tưởng, (3)trên thực tế giai cấp công nhân và nhân dân lao động cuối cùng lại trở thành kẻ bị chính những đồng chí của mình áp bức thống trị trong chế độ toàn trị mới. Chính 3 kết quả cụ thể này trong bản kết toán là những nguyên nhân quyết định, trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của các nước XHCN Liên Xô – Đông Âu 1989-1991.
Trong khi đó, tại các nước công nghiệp có trào lưu dân chủ xã hội phát triển mạnh  – dù là ở Tây Âu hay Bắc Âu – những thành quả tự do, dân chủ và cuộc sống phồn thịnh dành cho con người ngày càng cao và bền vững hơn. Dù chẳng  bao giờ hết những vấn đề xấu tồn đọng, song cho đến nay chưa có một nước phát triển nào sụp đổ. Hơn nữa, những quốc gia này luôn luôn tìm được lối thoát ra khỏi mọi cuộc khủng hoảng để đi tiếp. Nhìn chung, thực tế cuộc sống thừa nhận các nước phát triển hiện nay đang là đầu tầu của đoàn tầu thế giới.
Thực tế trình bầy trên khẳng định: Trào lưu dân chủ xã hội tiếp tục có sức sống và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nguyên nhân thật dễ hiểu: Trong bất kể nấc thang phát triển nào của mỗi quốc gia, tự do và các quyền dân chủ cụ thể của công dân luôn luôn là khát vọng thường trực thôi thúc và làm nên con người; cộng đồng ngày càng đông những con người tự do và có quyền năng như vậy trong mỗi quốc gia chính là động lực phát triển quyết định của quốc gia ấy. Hơn thế nữa, tự do và dân chủ là tiền đề cho đòi hỏi tất yếu của đa nguyên chính trị làm nên sức sống quốc gia trong thời đại ngày nay.
Trong khi đó, chủ nghĩa bao giờ và ở bất kỳ đâu cũng chỉ là một giáo điều, trong quá trình vận động luôn luôn bị biến dạng thành tín điều, và cuối cùng bị lợi dụng thành công cụ chuyên chính bóp chết tự do – dân chủ và quyền con người.
Không có chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng
Cần lưu ý một sự thật lịch sử: Cách mạng vô sản xóa bỏ chế độ thống trị đương thời thật ra cho đến nay mới chỉ thành công duy nhất ở nước Nga mà thôi. Thực tế này trái hẳn với dự báo nêu trong Tuyên Ngôn Cộng Sản. Từ những gì quan sát được trên thế giới 150 năm qua cho đến hộm nay, còn có thể nói: Cách mạng Tháng Mười Nga có lẽ cũng là cuộc cách mạng vô sản cuối cùng.
Tại các nước Đông Âu không hề có một cuộc cách mạng vô sản nào cả để vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, dù rằng phong trào cộng sản và công nhân tại những nước này phát triển rất sớm. Hoàn toàn không sai nếu nói rằng: Sự giải phóng của Hồng quân Liên Xô, vai trò tác động của Liên Xô sau chiến tranh thế giới II, và phong trào cộng sản tại các nước Đông Âu là các nhân tố trực tiếp dựng nên chế độ xã hội chủ nghĩa tại các quốc gia này.
Nhưng đúng là chủ nghĩa Mác – Lênin đã được các nước LXĐÂ vận dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khoảng 4 thập kỷ tồn tại, các chế độ xã hội chủ nghĩa này phá sản hoàn toàn. Năm 1989 các nước XHCN Đông Âu sụp độ. Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội và cũng là dinh lũy của chủ nghĩa Mác – Lênin, sụp  đổ cuối cùng năm 1991.
Chủ nghĩa Mác – Lênin (CNMLN) – phần liên quan đến đấu tranh giai cấp, đến đấu tranh giữa 2 còn đường ai thắng ai?[5] chống chủ nghĩa đế quốc – là một trong những yếu tố quan trọng (không phải yếu tố quan trọng duy nhất) đối với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc tại Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, và sau này có thêm Cuba. Chính thực tế này đã xác định con đường đốt cháy giai đoạn để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội sau khi các quốc gia này giành được độc lập. Nói một cách khác, thảm bại nghiêm trọng của những quốc gia này khi bắt tay vào xây dựng CNXH trong thời bình là tất yếu (ở Việt Nam đã có lúc khẩu phần lương thực phải có cả hạt bo-bo!), vì sự thất bại này đã được lập trình và cài đặt sẵn ngay từ lúc còn kháng chiến.
Bản kết toán của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước Liên Xô – Đông Âu cũ cũng giữ nguyên vẹn tại 4 quốc gia này. Nguyên nhân cơ bản vẫn là sau khi giành được độc lập, con đường chuyên chính vô sản và công hữu tư liệu sản xuất không cho phép 4 quốc gia xã hội chủ nghĩa đi sau này  thành công trong những nhiệm vụ của phát triển và giải phóng con người. Cả 4 nước này buộc phải xé rào ý thức hệ mác xít – lê-nin-nít, để cải cách – (1)với nhãn hiệu là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, (2)hoặc để đổi mới như ở Việt Nam – với cái tên gọi mới là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, (3)hoặc là đã phải vứt bỏ tuốt luột chủ nghĩa Mác – Lênin để thế vào đó bằng “thuyết chủ thể” như ở Bắc Triều Tiên, (4)hoặc hiện nay đang phải quay về tìm kinh tế thị trường nhưng chưa muốn dân chủ cải cách chính trị như ở Cuba. Kết quả đạt được của quá trình cải cách ở cả 4 quốc gia này nhìn chung còn khá mờ nhạt tính xã hội và nhân văn, nhưng vẫn mang đặm ở các mức độ khác nhau mầu sắc của chủ nghĩa tư bản hoang dã (có người muốn gọi là chủ nghĩa tư bản dã man – nhất là ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên), nội dung thật của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa vẫn là chế độ độc quyền toàn trị, cái nhân dân lao động được quá nhỏ bé so với cái họ mất.
Riêng ở chỗ đứng hôm nay của nước ta sau 38 năm độc lập thống nhất, còn phải nói thêm: Sự tha hóa của đảng cầm quyền đang phạm phải làm cho cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước đắt quá. Ngoài sự ngột ngạt của chế độ độc quyền toàn trị, đất nước đang bị uy hiếp nghiêm trọng, lòng tin của nhân dân vào chế độ chính trị và vào vai trò của ĐCSVN chưa bao giờ khủng hoảng như hiện nay.
 Bản kết toán hôm nay của chủ nghĩa Mác – Lênin trên thế giới phải chăng là:
Chủ nghĩa (hay học thuyết) Mác, được Lênin tổng hợp và bổ sung thêm (phần vai trò của chuyên chính vô sản và đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc) thành chủ nghĩa Mác – Lênin (CNMLN) để dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng con người và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã không thành công ở bất kỳ quốc gia nào. CNMLN với tinh thần và nội dung như vậy đã cáo chung, kể cả Glasnos hay Perestroika thời cuối trào Liên Xô cũng không cứu vãn nổi. Chưa nói đến việc chính Lênin trong những năm cuối đời đã muốn sửa đổi lại nó (đang viết lại trong NEP[6]), nhưng Lênin không còn đủ thời gian làm việc này. Chưa nói đến (1)học thuyết Marx và những ý tưởng giải phóng con người của Marx – như những gì Marx (phần nào cùng với Engels) đã  xây dựng lên, và (2)chủ nghĩa Mác – Lênin về “chủ nghĩa xã hội khoa học” là hai câu chuyện khác nhau, không ít điều mâu thuẫn nhau, không ít học giả trên thế giới đã chứng minh điều này.
Trên thế giới ngày nay không còn tồn tại phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nữa. Trào lưu dân chủ xã hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng lớn mạnh cho đến khi các nước XHCN LXĐÂ sụp đổ; nhưng kể từ đó trào lưu DCXH cũng đang ngày càng mờ nhạt đi rất nhanh, và bây giờ đang ngày càng hòa nhập vào các trào lưu khác trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Đơn giản: Một thế giới thay đổi đang đặt ra những vấn đề thời sự hoàn toàn khác, tạo ra những người tham gia cuộc chơi khác.
Chủ nghĩa Mác – Lênin và  cái gọi là ý thức hệ cách mạng của Việt Nam
Mặc dù CNMLN và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cáo chung như vừa trình bầy trên, nhưng hiện nay, trong nhiều văn kiện chính thống của ĐCSVN, nhất là trong các phát ngôn của nhiều người lãnh đạo, trong các bài viết của một số chính khách, học giả của ĐCSVN đang tham gia hàng ngũ dư luận viên, trong những giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Quốc hội (giải trình bản Dự thảo 5, ngày 17-05-2013), trong toàn bộ hoạt động của hệ thống báo chí “lề phải”.., chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đang được tìm mọi cách để áp đặt vào dân, để được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như là nền tảng tư tưởng và chính trị của quốc gia.
Làm như thế nhằm mục đích gì?
Trước hết cần xem xét CNMLN được nói tới trên diễn đàn lề phải là chủ nghĩa nào? Đó là CNMLN gốc, do Lênin tổng hợp lại? Hay là thứ đã được Stalin xô-viết hóa, rồi tiếp đến là thứ đã được “mao-ít” hóa, rồi vào đến nước ta lại được “Việt Nam hóa” tiếp cho hợp khẩu vị chuyên chính và trình độ phát triển ở nước ta? Tiếp đến nữa còn phải hỏi: CNMLN đang được nói đến trên mọi diễn đàn của dư luận viên hiện nay còn đọng lại hay được thêm thắt mới đến mức nào so với chính những giáo trình của các trường và các cơ quan nghiên cứu lý luận của ĐCSVN?
Nếu đọc lại các bài nói, bài viết rất khiên cưỡng một chiều đả kích, không cần lý lẽ giải thích, của các dư luận viên trên các diễn đàn “lề phải”, thậm chí còn phải nghi ngờ: Không biết các tác giả dư luận viên của những bài viết hay bài nói này đã đọc hay đã được học với đúng nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin hay chưa? Hay là chỉ học, chỉ biết lơ mơ về nó, được dậy tốt dậy xấu như thế nào, hay là được yêu cầu phải nói như thế nào, thì phát thanh lại như thế?! Một trong những cao điểm trí tuệ của các bải này làm nên sự nghi ngờ ở đây chính là sự hù dọa về nguy cơ “mất sổ hưu”!
Trong khi đó, như đã trình bầy ở các phần trên, sự thất bại của  CNMLN trong việc xây dựng CNXH trên toàn thế giới – kể cả ở Việt Nam – không còn là chuyện phải bàn cãi.
Hơn thế nữa, cứ lấy những điều cao đẹp hiện đang được nói về CNMLN nhân dịp sửa đổi Hiến pháp, đối chiếu với những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày – như một chiều đả kích những ý kiến xây dựng trong việc sửa đổi Hiến pháp, nhất quyết bóp chết hay không cho phép mở ra các diễn đàn để nhân dân trao đổi ý kiến của mình về sửa đổi Hiến pháp, liên tiếp các bản án rất nặng trấn áp những người yêu nước bất đồng chính kiến với chế độ và những người chống Trung Quốc xâm phạm bờ cõi đất nước, sự đàn áp thô bạo những người đi biểu tình bầy tỏ thái độ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, nhìn vào tệ nạn tham nhũng và biết bao nhiêu bất công xã hội đang xảy ra hàng ngày trên đất nước, nhìn vào sự sa đọa của hệ thống chính trị cai quản đất nước, nhìn vào sự xuống cấp và tha hóa ngày càng trầm trọng của đời sống văn hóa – xã hội của đất nước..,  không thể không đặt ra câu hỏi: CNMLN đang được áp đặt ở đây thực chất có nội dung gì và nhằm mục đích gì?
Cũng phải đặt ra câu hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh được nói đến trên các diễn đàn của dư luận viên là tư tưởng nào?
Tinh hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, là Hiến pháp 1946, là tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập tự do!, là đạo đức Cần kiệm liêm chính – chí công vô tư.., là Dân chủ có nghĩa là để cho nhân dân mở mồm ra nói!...
Xin hỏi có bất kỳ điều gì trong tinh hoa này của tư tưởng Hồ Chí Minh được tôn trọng, được vận dụng vào việc sửa đổi Hiến pháp lần này không?
Thậm chí hệ thống nhà nước cần được phân công nhiệm vụ, phân quyền kiểm soát lẫn nhau (tạm gọi là vấn đề “tam quyền phân lập” – như được thiết kế trong Hiến pháp 1946), nhưng được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân bác bỏ, với lập luận dứt khoát: Quyền lực nhà nước là thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN…
Bác bỏ cách làm phô trương hình thức theo kiểu “26 triệu lượt ý kiến & 28 nghìn hội thảo…” để áp đặt, nhiều người đã hỏi thẳng lãnh đạo ĐCSVN: Sửa đổi Hiến pháp theo như cách đang làm thì sửa đổi làm gì? Chỉ thêm tốn tiền thuế của dân, công sức và thời gian của cả nước! Bản tuyên bố của nhóm 72 bác bỏ bản dự thảo 5 (ngày 17-05-2013) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định: bản Dự thảo 5 thụt lùi so với Hiến pháp 1992 đang hiện hành.
Theo hay không theo ý thức hệ nào, tư tưởng nào, là quyền tự do của mỗi người. Nhưng áp đặt một ý thức hệ đã phá sản trên toàn thế giới, kể cả ở Việt Nam – cụ thể ở đây là CNMLN – vào Hiến pháp nước ta nhân dịp sửa đổi lần này nhằm mục đích gì?
Câu trả lời chỉ có thể là: Đây là sự áp đặt một công cụ chuyên chính tư tưởng và tinh thần, với mục đích phục vụ cho chuyên chính bạo lực, nhằm (a)bảo vệ chế độ độc quyền toàn trị nhân danh sự lãnh đạo của ĐCSVN, và (b)biện minh cho vị thế tối thượng bất khả xâm phạm của ĐCSVN để ghi vào Điều 4 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi (bản dự thảo ngày 17-05-2013). Có lẽ vì hai lý do chủ yếu này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã giải trình trước Quốc hội: Trước mắt không đặt ra vấn đề Luật về đảng trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Giải trình như thế, khác gì tự xác nhận ĐCSVN đứng ngoài và đứng trên pháp luật, giữa lúc ĐCSVN kêu gọi cả nước sống và làm theo pháp luật!
Tuyên bố của nhóm 72 về bản dự thảo 17-05-2013 phân tích rõ:
-       Sự áp đặt này nhằm tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, cho thấy ĐCSVN quyết đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp;
-       sự áp đặt này hàng chục năm nay đã và đang trực tiếp hủy hoại vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, là nguy cơ xóa bỏ toàn bộ sự nghiệp lịch sử của ĐCSVN từ bên trong, triển vọng với nhiều hệ quả đẫm máu cho đất nước  – không một thế lực thù địch nào có thể làm nổi việc này;
-       chế độ độc quyền toàn trị dưới hình thức “đảng hóa” mọi mặt đời sống đất nước ta là nguyên nhân gốc đẩy đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện hiện nay, với nhiều nguy cơ và thách thức mới rất nguy hiểm.
Tóm lại: Dùng một chủ nghĩa đã phá sản như một công cụ chuyên chính làm ngọn cờ khua trương cho một sứ mệnh chính trị không được phép tồn tại trong một nhà nước của dân – do dân – vì dân, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân có nghĩa trong thực tế là sự phủ nhận trực tiếp nhà nước này, là để tiếp tục duy trì chế độ độc quyền toàn trị nhân danh kiên trì con đường định hướng xã hội chủ nghĩa,  nhân danh sự lãnh đạo của ĐCSVN. Kịch bản đen tối này không thể là sự lựa chọn của nhân dân ta, cũng không mở ra cho ĐCSVN con đường tồn tại. Cưỡng bức nhân dân đi theo kịch bản đen tối này, hệ quả cuối cùng sớm muộn sẽ chẳng khác mấy là sự tự sát của chính người cưỡng bức.
Sửa đổi Hiến pháp lần này đang tạo ra một cơ hội khó mà có lại, để ĐCSVN tự tay trực tiếp xóa bỏ kịch bản đen tối này cho chính mình mà những tha hóa tự thân đang cuốn hút mình vào. Không ai có thể làm thay ĐCSVN việc này.
Với gần 4 triệu đảng viên, lại trực tiếp nắm mọi quyền lực trong tay, ĐCSVN là lực lượng chính trị mạnh nhất trong xã hội Việt Nam, chiếm tới khoảng gần 4 triệu gia đình, có ảnh hưởng trực tiếp / gián tiếp tới 1/3 hay hơn nữa dân số cả nước, chưa nói đến nhiều ảnh hưởng to lớn khác nữa. Vì thế, tối ưu cho ĐCSVN và cũng là cho đất nước, là xóa bỏ kịch bản đen tối nêu trên. Con đường Myanmar đang gợi ý ra cho ĐCSVN một hướng đi hiện thực: Tất cả cùng sống, tất cả cùng nhau khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ (bao hàm cả nghĩa không hồi tố), để cùng nhau theo tinh thần đoàn kết – hòa giải dân tộc mở ra một chương sử mới cho chính mình và cho đất nước, để từ nay mỗi người và cả đất nước trở thành chính mình: Xây dựng một đất nước tự do của những con người tự do. Đấy cũng là nguyện vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam ngày nay: Xây dựng một Việt Nam độc lập – tự do – hạnh phúc, để có được một Việt Nam đáng sống, không ai có thể ức hiếp, và cùng đi được với cả thế giới! Tìm đường cho nhân dân thực hiện khát vọng này, đấy mới chính là vai trò lãnh đạo mà ĐCSVN bây giờ phải lột xác phấn đấu để đạt tới. Đấy chính là con đường cứu đảng cứu nước mỗi đảng viên ĐCSVN bây giờ nhất thiết phải giác ngộ, chứ không phải cam tâm làm nô lệ của CNMLN đã bị cuộc sống loại bỏ – chỉ để phục vụ cho mục đích duy tri chế độ độc quyền toàn trị của một số người trong đảng đang giam hãm đất nước.
Trung thành với lịch sử chiến đấu vì nước vì dân của ĐCSVN, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, đảng viên ĐCSVN bây giờ nhất thiết và trước hết phải chiến thắng chính mình, để chiến thắng sự sa đọa đang dìm đảng của mình vào tội lỗi, để đặt lại đảng của mình vào con đường đấu tranh vì nước vì dân đã từng làm nên sự nghiệp của đảng, nhất là để không phản bội lại những hy sinh, những mất mát của dân tộc, của đồng chí và đồng đội trên chặng đường gần một thế kỷ qua!
Các đảng viên ĐCSVN hãy bắt đầu từ việc thảo luận thẳng thắn trong đảng về thực trạng của ĐCSVN và của đất nước, về những vấn đề đang đặt ra cho việc sửa đổi Hiến pháp. Hãy bắt đầu từ việc đòi trả tự do cho tất cả những người yêu nức bất đồng chính kiến với chế độ đang bị cầm tù. Hãy phản đối đàn áp biểu tình bảo vệ tổ quốc. Hãy xóa bỏ phân biệt đối xử lề trái hay lề phải trong báo chí, để cho trong báo chí chỉ có lẽ phải, lòng yêu nước, ý chí bảo vệ tổ quốc!
Các đảng viên của ĐCSVN dù ở cương vị nào, nếu còn giữ đất nước trong tim mình, nhất thiết phải đứng lên như thế để cứu đảng của mình, và như thế cũng là cứu nước. Các đảng viên ĐCSVN đừng để cho đảng của mình rơi vào tình trạng mà một chính khách ở Liên Xô[7] hồi đó đã phải thốt lên: ĐCS Liên Xô không thể cải tạo được nữa! Chỉ còn cách đập tan nó!
Đối nghịch lại, nếu các đảng viên ĐCSVN không phấn đấu lựa chọn con đường cứu đảng cứu nước, sẽ chỉ còn lại con đường của kịch bản đen tối, của tha hóa và tội lỗi. Đó là con đường cố tính đối kháng lại nhân dân, sớm muộn sẽ dẫn tới thảm họa nồi da xáo thịt cho đất nước, kết cục chắc chắn với sự phủ nhận dứt khoát của nhân dân cả nước dành cho ĐCSVN, với một màn chót không phải là không hình dung được.
Người dịch tạm kết luận
Thành, bại và cuối cùng là sự cáo chung của trào lưu cách mạng của chuyên chính vô sản trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sau 150 năm tồn tại; gắn liền với chặng đường lịch sử này là sự cáo chung của chủ nghĩa Mác – Lênin với tính cách là cẩm nang cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; thành, bại và những thành tựu lâu bền của trào lưu xã hội dân chủ trên chặng đường 150 năm đồng hành này; thành và bại của chính thực tiễn 38 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta – bây giờ lùi xuống là định hướng xã hội chủ nghĩa, tất cả những thứ này có lẽ là đủ để cho chúng ta thấy: Thường xuyên mở rộng các quyền tự do, dân chủ rất cụ thể của mỗi công dân trong mỗi bước đi của đất nước, thường xuyên làm tất cả mọi việc để mỗi công dân luôn luôn tự nâng cao được quyền năng của mình từ hiểu biết và học hỏi, đấy mới là động lực sáng tạo, năng động và lâu bền cho sự phát triển của đất nước ta.
Tận dụng cơ hội việc sửa đổi Hiến pháp đang mang lại, sẽ mở ra cho đất nước ta một con đường đi lên của tự do và dân chủ.
Đọc kỹ diễn văn 150 năm ĐXHDCĐ (SPD) của Tổng thống Joachim Gauck, tôi thấy thêm một bằng chứng sống động của nước Đức cho những điều trình bầy trên. Tôi tin như vậy, tôi cũng mong nhân dân nước ta vận dụng được lợi thế của nước đi sau./.
Võng Thị – Hà Nội, ngày 10-06-2013
Nguyễn Trung

[1] Bài này đã được đăng trên Viet – Studies ngày 11-06-2013
[2] “Vorwaerts!” (“Tiến lên!”) là khẩu hiệu đấu tranh của Đảng Xã hội Dân Chủ Đức, lấy từ cuộc đấu tranh của phong trào công nhân Đức cuối thế kỷ XIX. ND.
[3] Đạo luật trao những quyền hành đặc biệt cho chính qyền Hitler, qua đó phát xít hóa nước Đức, mở đường cho chiến tranh thế giới II. – ND chú giải.
[4] Đạo Luật Cơ Bản năm 1949 là Hiến pháp của Cộng Hòa Liên Bang Đức.  Chú ý, vì là nước phát xít bại trận trong chiến tranh thế giới II, nên cả 2 miền Tây và Đông nước Đức tuy đã có 2 nhà nước có chủ quyền, nhưng cả 2 nhà nước này vẫn chịu những ràng buộc nhất định trong khuôn khổ Hiệp ước Postdam và một số quyền kiểm soát của 4 bên đồng minh là Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp.  ND chú thích.
[5] “Ai thắng ai?” – giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc.
[6] NEP – Neww Economic Policy.
[7] Boris Eltsin.

Source :diendanxahoidansu.wordpress.com

26/9/13

Lý Quang Diệu : VIỆT NAM – Bị nhốt trong ý thức hệ xã hội chủ nghĩa


2Đôi lời: Dưới đây là trích đoạn viết về Việt Nam, trong cuốn sách “One Man’s View of the World“ của ông Lý Quang Diệu, Nhà xuất bản SPH Singapore, 2013, được độc giả NTS có nhã ý dịch và gửi tới, với lời bình:
“… Vừa rồi Vietnam và Singapore mới kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao bằng việc khánh thành VSIP thứ 5 với sự có mặt của thủ tướng và quan chức 2 nước và những lời lẽ ngoại giao chúc tụng.  Hãy thử đọc đoạn đánh giá về VN của Lý Quang Diệu xem người Singapore thực sự nghĩ gì về chúng ta (cụ thể là giới lãnh đạo, bằng thái độ khinh thường+ mỉa mai)”.
Thế nhưng, khi thử tìm trên mạng về cuốn sách này, thì có một số bài báo giới thiệu một cuốn “tương tự” đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Tuy hình bìa có khác, nhưng lướt qua nội dung có vẻ như đúng là cuốn sách được đề cập dưới đây. Có điều, trong các bài báo viết khá kỹ về cuốn sách thì không có chút thông tin nào cho thấy nội dung có nói về VN. Phải chăng nhà xuất bản đã “tự kiểm duyệt”, cắt bỏ đi phần rất “nhạy cảm” này? Mời tham khảo một bài tóm lược công phu của tờ Doanh nhân Sài GònLý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới.
 Nhưng tìm thêm trên mạng thì có lẽ có 2 cuốn khác nhau. Cuốn mà NXB Thế giới dịch là đâyLee Kuan Yew by Graham Allison Robert D. Blackwill Henry A. Kissinger Ali Wyne.
Lý Quang Diệu
Nhiều người đặt nhiều kỳ vọng vào Việt Nam khi nước này quyết định cải cách theo hướng thị trường tự do vào những năm 1980s, tức là chỉ vài năm sau khi Trung Quốc thực hiện bước đi tương tự. Đổi Mới, hay “thay đổi để chuyển sang cái mới” theo cách nói của người Việt Nam, lúc đầu có triển vọng.  Một trong những hành động đầu tiên là nước này giao đất sở hữu tập thể theo thuyết xã hội chủ nghĩa đến cá nhân người nông dân.  Việc này dẫn đến sản lượng nông nghiệp tăng vượt trội chỉ trong vài năm. Nhiều người cả trong nước lẫn ngoài nước đã nghĩ rằng nước này đang đi đúng hướng.  Sự thực là những người biết đến sự đổi mới của Trung Quốc mang đến những thành công về kinh tế đáng kinh ngạc , mà nghĩ rằng Việt Nam cũng phát triển theo con đường tương tự, là những người không theo dõi Việt Nam một cách sát sao.
Khi thận trọng đánh giá thì ta thấy có gì không ổn.  Quan điểm cá nhân của tôi về đổi mới ở Việt Nam đã thay đổi nhiều, không còn lạc quan như những lần đầu tôi mới thăm nước này những năm 90s.  Giờ đây tôi tin rằng những nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam kỳ cựu không thể khai phá nổi tư duy xã hội chủ nghĩa cố hữu. Ban đầu họ đồng ý thuận theo con đường cải cách bởi vì họ nhận thấy nước này chẳng còn lối đi nào khác.  Nhưng kể từ đó đến nay họ không có tiển triển gì thêm khi kiên định cải cách hệ thống như ở Trung Quốc.   Những vị “lão thành cách mạng” này làm cho Việt Nam trì trệ .  Chỉ khi những vị này không còn thì Việt Nam mới có thể có đột phá theo hướng hiện đại hóa. 
Một trong những kinh nghiệm mới đây khi tôi đi thăm nước này có thể minh họa những vật cản mà Việt Nam đang gặp phải. Tôi gặp gỡ một số quan chức dân sự và quân sự và tôi nhắc họ những vấn đề mà công ty Singapore vướng phải khi triển khai dự án khách sạn ở Hồ Tây Hà Nội.  Khi công ty này bắt đầu việc đóng cọc, hàng ngàn dân làng đến yêu cầu bồi thường ô nhiễm tiếng ồn. Để tránh phí tổn gia tăng, công ty này đã phải chuyển sang phương pháp làm móng  bằng bắt vít vì phương pháp này gây ít tiếng ồn hơn.  Lần này vị quan chức, người đã duyệt dự án, đến và nói “chúng tôi không cho phép phương án này” . Rõ ràng là có sự thông đồng giữa quan chức này với những người dân bốc đồng kia. Tôi nói rõ với lãnh đạo Việt Nam rằng, hành động như vậy là phản tác dụng. Tôi khuyên họ là nếu các anh muốn khai phóng thì hãy nghiêm túc thực hiện.  Họ trả lời một cách ba phải, điều đó cho thấy họ nửa vời khi thực hiện cải cách. Họ không hiều rằng một nhà đầu tư hài lòng sẽ mang đến nhiều nhà đầu tư khác. Ý định của họ là khi đã phục kích được một nhà đầu tư , sẽ là cơ hội để họ vắt kiệt anh ta nhiều nhất có thể.  Các nguyên lão lên lon trong hệ thống đảng là nhờ cuộc chiến và hiện giờ chiếm giữ các vị trí trong chính quyền.  Thật không may là họ thăng quan tiến chức không phải vị họ giỏi giang trong quản lý kinh tế hay có tài năng quản trị.  Họ thăng tiến vì đào hầm từ bắc vào nam trong hơn 30 năm.
Việt Nam có điểm chung với Trung Quốc trong quá trình khai phóng cải cách là các quan chức tham nhũng.  Các cán bộ đảng , người coi mình sẽ được hệ thống chăm sóc, đột nhiên chứng kiến những người ngoài đảng giàu có lên nhanh chóng.  Họ vỡ mộng và trở nên tham lam , ví như cán bộ hải quan nhập lậu xe hơi để họ có thể được chia phần.  Cái mà họ khác với Trung Quốc là không có lãnh tụ dạng Đặng Tiểu Bình, người có địa vị tuyệt đối trong hệ thống Đảng và có niềm tin kiên định rằng chỉ có cải cách mới là cứu cánh.    Nguyên nhân lại chính là do cuộc chiến Việt Nam. Trong khi những đồng chí Trung Cộng xoay sở hàng thập kỷ để thử nghiệm các kinh nghiệm quản trị trong thời bình, rút ra luận điểm xem cách nào thì tốt cách nào không tốt và điều chỉnh niềm tin và ý thức hệ khi thực hành, Việt Cộng lại bị tắc trong cuộc chiến tranh du kích đẫm máu với Hoa Kỳ, nên họ chẳng biết gì về trị quốc.  Ngoài ra, hầu hết các thương gia thành đạt ở Nam Việt Nam, những người rất thông thạo vận hành chủ nghĩa tư bản, đều rời bỏ Việt Nam những năm 70s.
Người Việt là giống người năng động và tài giỏi ở Đông Nam Á. Học sinh đến Singapore theo dạng học bổng Asean rất nghiêm tục học hành và đậu thứ hạng cao nhất.  Với giống người thông minh như vậy, quả thật là đáng tiếc là họ lại thiếu tiềm năng.  Hy vọng rằng sau khi hết lớp người trải qua cuộc chiến, giới trẻ sẽ kế nhiệm, họ sẽ thấy Thái Lan đã thành công ra sao và họ sẽ bị thuyết phục bởi mức độ quan trọng của thị trường tự do.

Hỏi: Việt Nam có vấn đề lớn với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Và ở cuộc họp bộ trưởng Asean năm 2012, khi các nước không thể ra thông cáo chung lần đầu tiên sau 45 năm, Việt Nam là nước tranh cãi chính với Trung Quốc
 Đáp: Họ không thể có được sự hỗ trợ từ Asean để bảo vệ lập trường của mình bởi vì người Trung Quốc đã đàm phán riêng rẽ với Malaysia và Brunei với những tranh chấp nhỏ hơn.  Nhưng tranh chấp chủ yếu, cái tranh chấp này mới là vấn đề, lại từ phía Việt Nam
 Hỏi: Điều đó cho thấy Trung Quốc có thể chia rẽ Asean về vấn đề này
Đáp: Nó cho thấy người Trung Quốc giỏi thế nào.  Họ đã giải quyết với các ngoại bang, với các bộ lạc man di từ hàng ngàn năm nay và họ biết rằng phải xử từng đối tượng một, tránh để chúng kết liên minh và họ không phải đối đầu với một nhóm.  Họ chơi nhóm kia từng người một.
 Hỏi: Việt Nam đang xúc tiến quan hệ với Hoa Kỳ, điều đó có làm cân bằng hơn với Trung Quốc?
Đáp: Đúng vậy, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã đến Cam Ranh năm 2012.  Có thể có lợi nếu có người Mỹ tham gia vào tranh cãi về quần đảo Hoàng Sa nhưng tôi không nghĩ người Mỹ và người Hoa sẽ đối đầu trực diện.  Điều tốt nhất Việt Nam có thể hy vọng là nộp hồ sơ lên Ủy Ban Công Ước Luật Biển Liên Hợp Quốc(UNCLOS) về nhưng tranh chấp.
 Hỏi: Cũng có tin là Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ
Đáp: Tôi không ngạc nhiên, Người Mỹ đang gần hơn người Trung Quốc. Và người Mỹ có vũ khí hiện đại hơn người của Trung Quốc
Hỏi: ông có nghĩ rằng Asean có thể sẽ bỏ nghị trình về tranh chấp lãnh hải Biển Đông trong các cuộc họp thượng đỉnh săp tới
Đáp: họ đã làm như vậy. Đáng lẽ ra phải có bộ quy tắc ứng xử (COC) nhưng nó đang bị phá.




4
5

Hạ Đình Nguyên - Sự nói dối cưỡng bức?

27/09/2013
 Hạ Đình Nguyên 


Bản chất của sự nói dối là biết sự thật nhưng cố ý nói khác đi một cách có ý thức, với mục đích che giấu hay tránh né sự thật. Nói khác sự thật, do tình thế cưỡng bức không thể nói sự thật, phải gượng lòng nói dối, tạm gọi là nói dối cưỡng bức.
Sự nói dối cưỡng bức được lặp lại nhiều lần, rồi quen đi, nó trở thành tính, thành nết, thành tật xấu, cuối cùng là hình thành sự ngụy tín cho chính mình. Sự nói dối bấy giờ trở nên trơn tru, hồn nhiên, giống y như nói thật, mà người nghe thì thấy nó trần trụi, nó gợi lên một cảm nhận trơ trẽn.
Trẻ em nói dối thì bị quở mắng, có khi bị trừng phạt. Người lớn – với tư cách là người dân bình thường – nói dối thì hàng xóm, bạn bè tránh xa không muốn chơi, người thân thì không thể tin cậy. Người có cương vị xã hội mà nói dối thì bị nhiều người coi khinh; cương vị xã hội càng lớn, thì sự coi khinh càng nhiều, càng báo hiệu sự nguy hiểm.

Sự nói dối về dân chủ, nhân quyền ở nước ta ngày càng trở thành đề tài thời sự nóng hổi trên các diễn đàn, cả ở diễn đàn quốc tế.
Cứ mỗi lần một nhân vật cao cấp nói về dân chủ, nhân quyền là họ đã thảy một mồi lửa vào đống rơm khô, tức thì gây nên bất bình rộng khắp và không cưỡng được.
Người ta không tin rằng những con người ấy có tính nói dối bẩm sinh, cũng không thể tin rằng họ không biết sự thật, một sự thật mà người dân thường cũng hiểu được, với nhan nhản sự kiện đầy ắp trên trang báo, trang mạng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi năm và năm này qua năm khác. Chỉ có thể lý giải rằng đây là sự nói dối cưỡng bức, tức là bị bắt buộc phải nói dối.
Thử đặt vài câu hỏi:
- Nhưng ai có thể cưỡng bức họ, khi họ có quyền lực cao?
- Điều gì khiến họ chịu sự cưỡng bức dài hơi, lâu ngày đến thế?
- Và nó đã trở thành sự nói dối hồn nhiên?
1- Cách đây không lâu, bà Phó Chủ tịch nước nói: Dân chủ của Việt Nam là “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”. Câu nói ấy đã gây nhiều phản ứng, nhưng không phải là nói dối nếu so với giáo trình Mác-Lênin [Thực ra, so với Lenin, bà Phó Chủ tịch nước đã rất khiêm tốn, vì Lenin quả quyết: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính quyền xô-viết so với nước cộng hoà tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ hơn gấp triệu lần.” (V. I. Lenin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1974, tr. 39). Hay đơn giản là vì bà không thuộc sách vở kinh điển Lenin? Khó tin, vì bà là Giáo sư Tiến sĩ, có trình độ cao cấp về lí luận chính trị, trong khi câu nói “nổi tiếng” trên đây của Lenin đã được đưa ra giảng dạy trong nhà trường Việt Nam xã hội chủ nghĩa mấy chục năm nay, đến mức thầy giáo rất hay lấy làm đề thi cho học trò, chẳng xem ở đây hay ở đâyBVN]. Còn so với thực tế, nó rất vô nghĩa, một so sánh định lượng “quá mức tình cảm”, hoặc do quán tính thuần túy… Nhưng câu nói ấy không gây nên sự phẫn nộ từ dân chúng, mà chỉ gây nên một nỗi buồn đến kinh hoàng về sự tụt hậu của trình độ “suy thoái tư tưởng” mang tính biểu trưng của tầng lớp lãnh đạo. Nếu hiểu về mặt đạo đức của sự “trung thành” hay “kiên định” với ý thức hệ, thì cái đạo đức ấy cũng gây kinh hoàng không kém. Chỉ vì cái đức tin đặt nhầm vào chỗ không phải của tôn giáo. Nó làm buồn nhân dân suốt cả năm, cũng chỉ vừa mới nguôi ngoai.
2- Nay lại đến phiên ông Chủ tịch nước!
Người ta hỏi rằng bây giờ ông có đang đói bụng không, ông trả lời một cách biện chứng rằng, vì hôm qua ông có ăn nên hôm nay không thể đói được!
Vì rằng nước ông (Việt Nam) đã từng chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc cả trăm năm qua, nên đương nhiên có ý chí – thậm chí rất mãnh liệt – về khát vọng dân chủ và nhân quyền. Và vì “có” khát vọng đó, nên đương nhiên dân chủ, nhân quyền phải “có” thôi! Cái lý nó thế.
Phải mượn tạm lịch sử chứ biết nói sao! Cũng như mượn tạm cái bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 2/3 thế kỷ, khi sang Mỹ tháng trước, để gởi cho ngài Obama.
Đây cũng không phải là lời nói dối thuần túy, mà chỉ là nói tránh/trớ/né thôi. Tính của ông Chủ tịch như đã từng thể hiện, ít khi nói thẳng, có lẽ không phải vì thiếu dũng khí, mà vì tính “nói khéo” có phần nổi trội. Thí dụ, đồng chí X.
Nhưng cái dẫn chứng mà ông đưa ra, mới gây nên chuyện, vì là nói dối đủ 100% . Nhiều báo trích nguyên văn, xin lặp lại:
Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...” (Phát biểu của Chủ tịch nước với báo chí tại Đan Mạch, đăng trên Thanh Niên, nhưng bị rút xuống. Xin xem ở đâyBVN)
Biến đổi hàng giờ vì phải liên tiếp thay hình đổi dạng, tự chết đi để tìm cách sống dậy. Mà dù có sự phát triển, thì không phải là sự vui mừng, mà là nỗi lo ngay ngáy của phía nhà nước. Rất tự do lại như một cơn gió độc quất vào mặt các blogger dù họ đang ở trong nhà tù kín gió. Cái đội ngũ hùng hậu về người và phương tiện: 17.000 phóng viên, 700 tờ báo, 200 kênh truyền hình..., đúng là đất nước còn nghèo (ông Chủ tịch khẳng định), nhưng rất thích chơi sang! Chừng ấy là chưa tính tới bao nhiêu cái loa phường, mỗi phường một loa thôi, trên khắp đất nước, cũng quá đủ để trấn áp hệ thần kinh người dân. Lực lượng hùng hậu mà Chủ tịch dẫn chứng, có số người đông như bộ máy an ninh cảnh sát, có phương tiện truyền thông dồi dào vô địch, được hiểu một cách hùng hồn chỉ là một bộ máy đàn áp. 17.000 phóng viên ư? Trong đó biết bao nhiêu tiếng thở dài? Bao nhiêu tiếng hò reo cùng với kèn trống? Với một nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, chỉ một bài báo, trong chỉ một ngày là bị đuổi việc. Nhanh và nhạy vô cùng. Nhưng còn bao nhiêu sự kiện, sự cố diễn ra hằng ngày, cụ thể, ngoài sự phản ảnh của truyền thông và báo chí?
Nói không đúng sự thật như trên, kể ra ông Chủ tịch cũng đã có dũng cảm. Nhưng dũng cảm nhất, và khách khí nữa, là “Mời các bạn đến Việt Nam” thì… biết liền! Có lẽ, không cần đến Việt Nam, họ cũng có khả năng biết liền. Ông Chủ tịch còn hồn nhiên phản kích: “Ở ngoài [nước ngoài] thì đồn đại rất nhiều, nhưng…”, có nghĩa là báo chí nước ngoài nói dối (đồn đại = thổi phồng, nói càn, ít xít ra nhiều).
Ông Chủ tịch và các ông lãnh đạo khác không thể không biết chính những điều mà các ông đã và đang làm, về dân chủ và nhân quyền bao nhiêu năm qua, ở cái xứ sở khốn khổ này. Một đất nước tràn trề tham nhũng mà lại có dân chủ và nhân quyền được sao, lạ thật!
Thế nhưng không thể nói thật.
Là “nói dối cưỡng bức” hay đã trở thành ngụy tín?
Hầu hết trong bộ máy nhà nước, từ cao đến thấp, đều như thế!
Nghĩa là cùng trong tình thế cưỡng bức.
Và sự ngụy tín đã trở nên toàn diện, bao trùm.
Nhưng ai có thể cưỡng bức họ?
Câu trả lời là cơ chế của bộ máy này đã cưỡng bức họ, buộc họ không thể nói thật. Vì cơ chế đó được đặt trên một tiền đề không có thật nốt: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”. Quả là bi hài! Bị kẹp chặt và bẹp dí như con mắm, mà còn làm chủ được sao? Thế là sự nói dối “dân làm chủ” cứ chễm chệ trên ngai, như lời hô vạn tuế trên môi các quan chức suốt gần 4 thập niên qua, cho cái ông vua “làm chủ” khốn khổ ấy, kể từ khi đất nước thống nhất. Từ đó, mọi sự nói dối và suy đồi các loại phát triển, lan rộng và nhanh như cỏ mọc, thành “tập thể nói dối cưỡng bức”, hùng hậu ở mọi lãnh vực: dân chủ, nhân quyền, kinh tế, văn hóa xã hội, cả sự nói dối về đạo đức, tư tưởng. Sự nói dối còn di căn sang một bộ phận thanh niên có quan hệ gần gũi với bộ máy cầm quyền, trở thành dạng nói dối ngu muội hồn nhiên.
Một bộ máy có thể kẹp chặt người dân như thế, thì cán bộ dù cao đến đâu, cũng không thoát khỏi thân phận chung của người dân, dù là lãnh đạo của bộ máy. Vì cái thân phận lâu dài của anh ta vẫn là người dân, trước khi làm quan và sau khi làm quan. Những người về hưu có thể rất cay đắng với một quãng đời nói dối hồn nhiên hoặc nói dối cưỡng bức của mình, khi thoát được khỏi tình trạng ngụy tín!
Nhưng vì sao họ có thể chịu đựng lâu dài, bền bỉ đến thế?
Câu trả lời thì dễ, nhưng vấn đề lại hết sức gay go.
Đó là quá trình hy sinh và gắn bó với nhiều ràng buộc của quyền và lợi. Sự hy sinh của những ai đó có thể chưa nhiều lắm, mà sự gắn bó thì nhiều hơn, nhất là những cái chức đã mua bằng tiền, hoặc bằng sự thân quen nâng đỡ. Cách vận hành của lối sống này lại được sự bồi dưỡng tích cực của triết học Mác-Lênin: “Vật chất quyết định ý thức”. Theo đà giục giã của vật chất cứ thế tiến lên, tiến lên nữa… Riêng những người đã chết, và những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì nằm lại thôi. Còn người dân, họ đang “làm chủ” theo thân phận “con mắm”.
Đang làm quan mà nói thật, thì mất hết, thân có thể vào nhà lao, tinh thần có thể bị giày xéo, nhục mạ, đã và đang có bao nhiêu là điển hình!
Vì thế mà không thể nói thật.
Nói dối cưỡng bức, lâu ngày thành nói dối hồn nhiên, bạo dạn, trơn tru…
Dân chủ, nhân quyền tuy là những danh từ chung, nhưng không phải là trừu tượng. Nó có nội dung được thể hiện bằng những thiết chế cụ thể, có hệ thống, được thừa nhận trong một Hiến pháp đúng nghĩa, trong hệ thống luật pháp minh bạch. Vì thế không thể muốn nói gì thì nói. Các cách nói dối cần được thẩm định, phê phán bằng truyền thông tự do để nhanh chóng chấm dứt nó.
3- Lại không công bằng nếu không đề cập đến một dạng “nói dối đạo đức” (là nói dối về phương diện đạo đức) đang ồn ào diễn ra ở vị lãnh đạo cấp cao.
Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường. (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn nghệ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình)
Thật hiếm có một vị chính khách nào trên thế giới, như Tổng thống, Thủ tướng, hay nguyên thủ quốc gia, dám cao giọng dạy cho ai đó với kiểu cách của một thầy giáo, hay của bậc cha mẹ. Nếu vị ấy có học hàm học vị, được tín nhiệm mời vào dạy ở một trường học, thì cũng chỉ được phép dạy chuyên môn của mình có và dạy cho sinh viên của mình. Chính khách khi tham gia các hội thảo khoa học cũng chỉ phát biểu quan điểm của cá nhân. Ai dạy ai trong thời đại này trở nên vô cùng khó. Sự khiêm tốn đích thực đã là một trong những phẩm giá quan trọng cho mỗi nhân cách.
Chỉ riêng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, thì Tổng Bí thư Đảng Cộng sản luôn khả năng dạy tất cả mọi người, mọi lãnh vực, nếu muốn. Lênin đã làm như thế, và mọi ông Tổng Bí thư đều có thể làm như thế. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mới lên lớp về đạo đức trong sáng tạo văn học nghệ thuật cho những người làm văn học nghệ thuật trong nước, cấp trung ương. Hãy lắng nghe:
“Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của nhân dân.”
Đoạn văn này khá văn hoa bay bổng. Cái “khát vọng lớn lao và lý tưởng cao cả” khó ai dạy cho ai được. Ông Tổng Bí thư muốn áp đặt cái khát vọng nào là lớn lao, lý tưởng nào là cao cả cho mọi người? Ông bổ sung làm rõ thêm cho mệnh đề rất ư lửng lơ trên, là: “hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc”. Sự hòa nhịp đập trái tim của hai nam nữ yêu nhau cũng đã khó, huống là! Nhà lý luận “nổi tiếng” về chủ nghĩa duy vật biện chứng của học thuyết Mác-Lênin, bỗng trở thành duy tâm đến độ cao.
Muốn nói đến sự thống nhất ý chí của toàn dân hướng đến cùng một mục tiêu chung, mà không nói đến cơ chế dân chủ, công bằng được sao?!
Và ông yêu cầu “lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân”. Nghe thế nào ấy! Vừa sáo rỗng, vừa có vẻ lấy lòng nhân dân, lại vừa như châm biếm mỉa mai chứ không phải là ngợi ca. Đau khổ, chết chóc của những “con mắm” chẳng bao giờ là vĩ đại cả. Thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân cần học hỏi, phải chăng là rút ra từ tiếng súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn, hay những phát súng đòi công lý của Đặng Ngọc Viết?
Nhưng không thể trách, vì ông đã sinh ra từ điều 4 Hiến pháp thiêng liêng có tính mặc khải, đã men theo con đường Đảng mà “thành đạt”! Vị trí đó cho ông mọi quyền, kể cả quyền mắng mỏ bất cứ ai ông muốn. Ông đã từng mắng những người tham gia góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là “suy thoái” và toan tính xử lý. Nay ông mắng các nhà làm văn học nghệ thuật (của ông): “không chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”.
Sao ông Tổng Bí thư có thể nói vậy được? Sao nói đội ngũ ấy “gặm nhấm”? Vì sự gặm nhấm là chỉ của loài gặm nhấm. Cái đội ngũ cấp Trung ương ấy đã “lấy tiểu xảo thay cho tài năng”. Thật thế sao? Lại “nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp”. Trong bối cảnh nào mà cái xấu phát sinh như thế? Thật ra, con người ai chẳng đi ra từ chỗ “chật hẹp”, và nhìn đời qua chỗ “chật hẹp” ấy? Và từ đó trở nên bao la, có vợ chồng, có con cái, có anh em, có đồng bào, có cái toilet, có mái nhà, có miếng ruộng vườn để cày xới… Thế mà tất cả trở thành khó khăn, trở thành bấp bênh, vì có thể bị cưỡng đoạt bởi những người nhân danh sự “lớn lao”, sự “cao cả”!
Ông băm vằm tiếp: “[…] thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”.
Thế là, văn nghệ không phải là thú vui, không phải là để giải trí, cũng không phải là cuộc chơi. Thật thế sao? Tất cả chỉ là “đam mê tầm thường”? Phải chăng, trong cái khát vọng lớn lao, trong cái lý tưởng cao cả, trong cái lý luận mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã muốn giáo dục, “không có bóng dáng con người” như lời của GS Trần Đức Thảo đã nói cách đây khá lâu?
Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và đại diện lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành của Trung ương đã ra nông nổi nào và xứng đáng chăng để nhận những lời giáo huấn như băm như vằm nói trên? “Xứng đáng cao”, “xứng đáng”, và “xứng đáng thấp”, như ba cái bậc thang tín nhiệm mà Quốc hội đã sáng tạo? Nó đang xoáy vào tim gan của những người có lòng tự trọng, dù người có làm văn học nghệ thuật hay không.
Kẻ ngoại đạo này nghĩ rằng, trong số thành phần kể trên, hẳn là có một số thuộc loài gặm nhấm (như sự ám chỉ của Tổng Bí thư), thì xin hãy tiếp tục kiên trì “gặm nhấm” những lời giáo huấn của thầy Tổng Bí thư, và cố thoát ra khỏi cái góc nhìn “chật hẹp” mà thầy đã công phu chỉ ra.
Riêng bài nói chuyện của Tổng Bí thư, đã là “sự sáng tạo văn học nghệ thuật với tài năng, tâm hồn, nhân cách và bản lãnh” của ngài. Tôi trộm nghĩ thế!
25-9-2013
H. Đ. N.

Source : BVN (Bauxite Viet Nam )

Đôi điều về dịch thuật

26.09.2013

Đôi điều về dịch thuật


Trịnh Y Thư

Trước khi nói đến dịch thuật, bạn hãy cho phép tôi đưa ra một nhận định hết sức cơ bản và sơ đẳng như sau: Giữa bất kì hai ngôn ngữ dân tộc nào không hề hiện hữu sự đồng dạng cùng chia sẻ một hệ thống phối ngữ biến những kí hiệu ngôn từ hữu cơ thành những biểu hiệu có ý nghĩa. Nếu bạn chấp nhận đó là định đề hay nguyên lí đã được chứng minh thì tôi có thể rút ra một hệ luận dùng làm nguyên tắc chỉ đạo cơ bản cho công việc dịch thuật, đó là, nội dung một dịch phẩm ít nhiều có thể bị thêm, bớt, hoặc sai lệch với nguyên tác. Hầu hết các thể loại dịch thuật đều bị chi phối bởi nguyên tắc này, ít hơn ở sách giáo khoa, khoa học thường thức và nhiều hơn ở bình diện văn học. Nếu bạn đồng ý như thế, tôi có thể bảo dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới.

Rất có khả năng nó sẽ tái hiện ở một “đời sống mới”. Bốn thành tố quyết định đời sống của tác phẩm là thời đại, nhà văn, tác phẩm và người đọc; một dịch phẩm hiển nhiên phải có riêng nó một đời sống mới bởi nếu dịch phẩm thành công thì chí ít năm mươi phần trăm những thành tố trên là mới. Đời sống mới này đôi khi còn rực rỡ, trường tồn hơn đời sống “cũ” của nguyên tác như trường hợp bản dịch Chinh Phụ Ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; và, nhìn ở góc độ nào đó, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng là tác phẩm dịch.

Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều những nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Tựu trung, có hai xu hướng: hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng. Mặc dù những tôn chỉ chung chung như tín-đạt-nhã kềm chế người dịch, không cho hắn sa đà, nhưng người dịch không còn là kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống chừa cho hắn để hắn phô diễn nét tài hoa trong sáng tạo của mình. Câu hỏi được đặt ra là khoảng đất trống đó rộng rãi thong dong lắm không và có giới hạn nào không? Nếu bạn là Bùi Giáng thì không giới hạn nào có thể ngăn trở bạn được. Bạn có thể “tương” vào cả chục câu lục bát rất ư là Bùi Giáng ngay giữa mạch truyện của nguyên tác. Sự can thiệp tới hạn của người dịch như thế hiển nhiên có thể làm nhiều vị học giả nghiêm túc cau mày khó chịu. Riêng tôi, tôi thấy thú vị bởi tôi đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một cuốn sách y học. Nhưng tôi không thể làm như Bùi Giáng, lẽ dễ hiểu bởi tôi không có văn tài độc đáo như ông. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên bản, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.

Song bạn có thể hỏi ngược lại tôi: “Đọc Mùi Hương Xuân Sắc, tôi đâu muốn đọc Bùi Giáng, tôi muốn đọc Sylvie của Gérard de Nerval cơ mà. Chỗ nào cũng thấy Bùi Giáng ‘lai rai phiêu hốt’ còn tác giả ra sao, văn phong như thế nào thì chẳng thấy đâu.”

Văn phong hay phong cách trong văn học là đề tài lớn, chúng ta từng nghe nhiều nhà phê bình nói đến. Tôi vốn dị ứng với lí thuyết văn học nên không dám nói gì ở đây ngoại trừ định nghĩa cơ bản của cụm từ “phong cách văn học.” Theo tôi, phong cách trong văn học giản dị là phương thức biểu đạt nghệ thuật, nó tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của nhà văn.  Nó chính là nghệ thuật của sáng tạo. Nhìn rộng hơn, các nghệ sĩ lớn qua mọi thời đại đều có riêng cho mình cái phong cách đặc trưng này và nó có yếu tính như một dấu ấn khắc họa chân dung nhà nghệ sĩ. Claude Debussy và Maurice Ravel sinh cùng thời, đều là người Pháp, cùng sáng tác dưới luồng sáng của nhạc phái Ấn tượng, nhưng nhạc của hai ông khác nhau lắm, người nghe không thể nào lẫn lộn được. Đó là nhờ mỗi ông đều thành công trong việc tự tạo cho mình cái dấu ấn đặc trưng. Đôi lúc tôi nghĩ nghệ thuật phải chăng chỉ có thế, kẻ thành công lưu danh muôn thuở chẳng qua chỉ là kẻ có cái tài năng vượt trội biết sáng tạo nên cái khác thường, độc đáo, mà sau khi công bố người đời nhìn vào đều phải bật ngửa, ngẩn ngơ thốt lên, “Ủa, có dzậy thôi mà hồi nào đến giờ mình hổng thấy cà?”

Phong cách trong văn học định đoạt tiềm năng nghệ thuật của tác phẩm. Gustave Flaubert bỏ ra năm năm trời để viết cuốn Madame Bovary. Tác phẩm ra đời đánh dấu khúc quành quan trọng trong văn học Pháp tiền bán thế kỉ XIX. Ngoài sự kiện nó là cuốn tiểu thuyết “tâm lí” đầu tiên, chính phong cách nghệ thuật của nó, nội dung cũng như hình thức, đã khiến nó được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Baudelaire bảo sau Balzac chính Flaubert là người bứt phá, đập tan cái trì trệ của văn học Pháp lúc đó.

Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng nó đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp lắm. Tôi đang nghĩ đến tác phẩm tiểu thuyết Lolita của văn hào Vladimir Nabokov. Trong tác phẩm tiểu thuyết này Nabokov thuật một câu chuyện vô luân bằng thứ ngôn từ phải nói là linh diệu. Cú pháp và thủ pháp sử dụng Anh ngữ của ông kể như vào hàng cao thủ thượng thừa, chí ít cũng mười hai thành công lực. Tiếng Việt của tôi cũng phải linh diệu như tiếng Anh của Nabokov để dịch tác phẩm này, nếu không, tôi sẽ giết Nabokov mất vì tôi biến tác phẩm nghệ thuật của ông thành chuyện dâm ô! Nhưng cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không? Căn cứ vào định đề đặt ra ở phần vào nhập của bài viết, câu trả lời là không và có lẽ tôi sẽ không công bằng với Nabokov chút nào. Văn phong của Nabokov chính là cái linh diệu của ngôn từ ông sử dụng trong ứng tác nghệ thuật. Thế nhưng nếu chỉ với bút pháp dịch thuật linh diệu thôi thì đã đủ để lột tả phong cách văn học (nghệ thuật) của Nabokov chưa? Tôi không biết bạn ạ, bởi nó thuộc về cái bất khả tư nghì mất rồi, tôi phải dùng trực giác để định đoạt thôi và chưa chắc tôi đã thành công. Chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, có thể tôi nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, của cái bất khả tư nghì thì tôi chỉ có cách dùng trực giác mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.

Traduttore, traditore—dịch là phản. Dĩ nhiên, giữa hai nền văn hoá bao giờ cũng hiện hữu những giá trị tương phản gần như nghịch lí, nhưng càng ngày, do sự toàn cầu hoá cộng thêm sự bùng nổ của Internet, tính tương phản ấy càng thu nhỏ. Hơn nữa, từ lâu tôi đã không xem ý nghĩa của nó là chân lí. Ngược lại là đằng khác, bởi nó có tính thời thượng. Với tôi, nó chỉ có tác dụng cảnh báo người dịch phải cẩn trọng tối đa bởi muôn vàn cạm bẫy cùng hầm hố lúc nào cũng túc trực chờ đón người dịch để chôn vùi hắn nếu hắn cẩu thả, không chịu khó tìm hiểu thấu đáo văn bản nguyên tác trước khi hạ bút. Tín-đạt-nhã. Ba tôn chỉ người Trung quốc đặt ra cho công việc dịch thuật, tưởng đơn giản nhưng quả thật không dễ dàng và con đường người dịch chọn lựa cho mình đi không rộng rãi bằng phẳng chút nào.

Cách đây ít lâu tôi bạo gan dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết The Unbearable Lightness of Being của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera. Thoạt nhìn vào nhan đề cuốn sách, hiển nhiên vấn đề quan trọng và gay go nhất cho người dịch là làm thế nào để dịch từ “being” cho chuẩn và hay. Tôi đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ tìm kiếm một từ tiếng Việt thích hợp cho nhan đề của bản dịch. Khi tác phẩm khởi đăng nhiều kì trên tạp chí Hợp Lưu, tôi chọn nhan đề “Nhẹ Kiếp Nhân Sinh” vì tôi thấy cụm từ “kiếp nhân sinh” có vẻ “ăn khách vì hợp thời trang triết học hiện sinh” lắm. Trong đám bạn bè có người thích nhan đề này. Tuy vậy tôi vẫn thấy có cái gì không ổn và tôi nhíu mày bảo anh, “Nhưng nhan đề thiếu chữ Unbearable vốn quan trọng không kém và Kundera sẽ không vui nếu ông ta biết tớ bỏ một chữ của ông ấy, làm sao bây giờ? Hay là cậu cho tớ thêm chữ Khôn Kham vào thành Khôn Kham Nhẹ Kiếp Nhân Sinh nhá. Nghe như câu lục của bài thơ lục bát ấy. Được không?” “Xì, tựa sách gì mà dài như chợ Đệu, chẳng ma nào thèm mua đọc đâu.” Anh bạn tôi trề môi lắc đầu. Thế là sách có nhan đề mới “Đời Nhẹ Khôn Kham” như bạn thấy. Từ “nhân sinh” biến thành “đời” và Kundera, nếu biết, chắc chắn sẽ không vui bởi “being” với ông không phải là “đời sống”! Ngay cả “nhân sinh” hoặc “hiện tính”, “hiện hữu”, “hữu thể”, “thể tính”, “con người”, “thể chất”, “bản chất” và cả chục từ khác tôi tìm thấy trong các từ điển Anh-Việt cũng không thể nào phù hợp một cách xác thực với ý nghĩa Kundera muốn nói đến trong từ ngữ. Ông nói như sau về ý nghĩa của từ “being” dưới nhãn quan siêu hình của ông: “… Nếu sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục mơ, sau cái chết vẫn còn có cái gì đó thì cái chết không thể nào giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi kinh khiếp của cái being.” Đúng ra, ông mượn câu độc thoại của Hamlet “To be or not to be” trong bi kịch Hamlet của Shakespeare.  “… Hamlet đưa ra vấn nạn về cái being chứ không phải đời sống. Sự kinh khiếp của being là: Cái chết có hai mặt. Một mặt là cái non-being, mặt kia là sự hiện hữu vật thể ghê sợ của cái thây ma.”

Phải chi tôi được quyền dịch là “Khôn Kham Nhẹ Cái Bi-ing”! thì đỡ khổ cho tôi biết mấy. Thôi, tôi đành phụ lòng Kundera vậy. Nếu người dịch là kẻ bắc cầu giữa hai nền văn hóa thì cây cầu của tôi là cây cầu khỉ lắc la lắc lẻo băng qua đại dương đầy sóng dữ.

Bạn hỏi tôi tại sao chọn con đường dịch thuật. Không, tôi đâu có chọn nó. Nó chọn tôi đấy chứ. Dịch mệt lắm. Dịch còn có nghĩa là sai khiến. Với tôi, nó đồng nghĩa với “dịch vật”. Từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh định nghĩa “dịch vật” là “Sai khiến mọi vật, như dùng trâu cày dùng ngựa cỡi.” Đôi khi người dịch chẳng qua chỉ là con trâu kéo cày, bảo gì làm nấy, đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Và “dịch vật” nhất là dịch thơ.

Dịch một bài thơ có lẽ nhanh chóng hơn dịch một cuốn tiểu thuyết nhưng chưa chắc đã dễ dàng hơn. Tôi không tin tưởng vào việc dịch thơ lắm mặc dù trước đây tôi có lai rai dịch một số thơ của Yevgeny Yevtushenko, Boris Pasternak, Czeslaw Milosz, Robert Frost . . . sang Việt ngữ, phần lớn là những bài tương đối dễ dịch, dễ hiểu, không đòi hỏi chữ nghĩa ẩn mật hoặc tư duy siêu hình. Có nhiều lập luận chống đối việc dịch thơ, phần lớn là của các nhà thơ. Họ bảo bản dịch không bao giờ lột tả được trọn vẹn cái phong phú và ẩn mật của chữ nghĩa trong nguyên tác. Quả tình tôi không rõ lắm, hoang mang là đằng khác, và mỗi lần dịch thơ, tôi đều cảm thấy có cái gì bất ổn.

Nghệ thuật thơ là phương thức phối từ trong câu thơ khiến cho ý thơ trở nên phong phú, tạo phong cách nghệ thuật, gây thú vị nơi người đọc. Mỗi từ đứng riêng một cõi xem tầm thường vô vị nhưng khi kết hợp nhau nhờ cây đũa thần của nhà thơ bỗng như mang sức mạnh truyền tải cảm xúc mạnh mẽ. Giở ra một bài thơ nổi tiếng của một thi hào lớn nào đó, tôi thấy các từ ngữ ăn nằm với nhau như các gam màu trên bức tranh tuyệt hảo và hồ như chúng chỉ có tác dụng ở ngôn ngữ của nguyên tác thôi, khi chuyển sang ngôn ngữ khác, hiệu ứng đó mất sạch. Tôi không rõ lắm, chỉ mơ hồ nhận biết như vậy. Nhưng bạn cứ để tôi tiếp tục dịch bài thơ. Rồi nhạc tính trong thơ. Tôi phải cải biên tính nhạc của bài thơ như thế nào để khúc giao hưởng hoành tráng tuyệt vời đừng biến thành giai điệu tưng từng tứng tưng từng vô vị, gượng ép. Rồi cảm xúc của bài thơ—nếu bạn theo tôi trèo lên tầng thứ hai của thi phẩm—sẽ ra sao nếu chúng ta cho nó cái đời sống mới mà chúng ta o ép gán lên nó? Ngoại trừ những thể thơ cố tình chối từ cảm xúc (mà từ lâu tôi ngưng theo dõi vì quá ngán ngẩm), phần lớn thi ca của nhân loại đều mang nặng tính trữ tình. Ở đó, trĩu nặng đằng sau mỗi từ ngữ, mỗi con chữ, là cả một khung trời, một mảnh đất, một dòng sông, một con phố, một dung nhan, một tình yêu, một cành cây, một phiến đá, một ngôi nhà, một thành quách, một đền đài, một kỉ niệm, một quãng đời, một lịch sử, một thời đại đặc trưng mà khi chuyển ngữ chúng như bị lưu đày sang mảnh đất hoàn toàn khác lạ. Những con chữ thốt nhiên hoảng loạn; chúng li tán, ngơ ngác, loạn xạ; lai lịch chúng biến đâu mất, bản lai diện mục chúng không còn mà còn lại chỉ là những xác chữ vô hồn. Bài thơ trở nên vô cảm. Tôi nhìn những từ ngữ đường bệ hạnh phúc nằm bên nhau trong bài thơ nguyên tác bỗng thấy tội nghiệp cho chữ nghĩa của tôi nhếch nhác buồn thảm như những khuôn mặt đám lưu dân vô tổ quốc bên bài thơ dịch và tôi vò nát trang giấy rồi ném nó vào sọt rác.

Có lẽ tôi sẽ vẫn dịch thơ nhưng quả thật đó chỉ là công việc của người học trò tập tành làm thơ.

Các nền văn học dân tộc trên thế giới hầu hết đều có truyền thống dịch thuật lâu dài. Nhiếu chứng tích thư tịch cổ cho thấy loài người đã dịch từ khi có ngôn ngữ viết. Sự trưởng thành của nền văn học dân tộc nào cũng kèm theo sự trưởng thành của các cao trào dịch thuật. Riêng ở Mĩ, xứ sở tôi đang sinh sống, gần như không có tác phẩm nghệ thuật quan trọng nào không được dịch sang Anh ngữ, từ Homer đến Đường thi, Hài cú. Thậm chí Tôn Tử Binh Pháp của Tôn Tử viết từ thời Chiến Quốc bên Trung Hoa cũng có chí ít hai ba bản dịch khác nhau. Tác phẩm của những nhà văn quan trọng ngoài dòng văn học những quốc gia nói tiếng Anh đều có bản dịch bày bán cho công chúng. Đó là thành tựu to tát xây đắp bởi nhiều thế hệ. Tri thức của nhân loại mấy ngàn năm bạn có thể đọc hết chỉ cần bạn thông thạo Anh ngữ (và có thời gian).

Đó là những điều tôi chứng kiến, bởi thế tôi rất ngạc nhiên khi bạn bảo tôi “… nước Mĩ, vì ít bị áp bức trong vấn đề tự do ngôn luận, nên đã không có một truyền thống mạnh về dịch thuật.” Tôi không đồng ý chút nào về lập luận này. Đúng hơn, dịch giả Mĩ là những người thầm lặng bị lãng quên. Tên tuổi họ không ai biết đến. Họ là chuyên gia, mà chuyên gia thì xoàng quá, ai cũng có thể làm được, chỉ cần chịu khó học hành và lao động. Đa phần người ta nghĩ như thế. Lại tủ sách lấy xuống cuốn One Hundred Years of Solitude của Gabriel García Márquez, tìm mãi tôi mới thấy tên dịch giả Gregory Rabassa nhỏ xíu nằm khiêm nhường ở trang trong. Họ cũng ít ồn ào. Chẳng bao giờ bạn nghe tin một dịch giả bị công an chính quyền độc tài bỏ tù vì những gì ông ta dịch. Bạn cũng chẳng bao giờ thấy dịch giả đi diễn thuyết trước công chúng nói về những điều trong dịch phẩm của ông. Ê, nếu tôi muốn biết tường tận về tác phẩm X thì tôi tìm đến nghe tác giả nó nói chuyện chứ việc gì tôi phải nghe một người second-hand như ông! Hơn nữa, văn học Mĩ quá phong phú và đa dạng, độc giả Mĩ không có nhiều nhu cầu tìm đọc các tác phẩm nước ngoài. Dịch phẩm đa phần được chiếu cố bởi giới trí thức, kinh viện ngoại trừ những tác phẩm nổi tiếng được công chúng biết đến qua báo chí, truyền thông vì nó dính líu đến khía cạnh chính trị.

Phần lớn dịch giả cũng là học giả, giáo sư Đại học, chuyên gia văn học so sánh, nghiên cứu sinh về ngôn ngữ và văn hóa thế giới. Họ làm việc với tinh thần nghiên cứu và dịch thuật luôn luôn là một chuyên đề cho họ bàn thảo. Dịch giả Mĩ hồ như là chuyên gia nhiều hơn là nhà văn, có lẽ tệ hơn thế, một người cạo giấy, một anh thợ thủ công nghệ.

Dịch. Lao động thì như “dịch vật” lại còn bị người đời xem như anh thợ thủ công nghệ. Có thể tôi đang tô son trát phấn, trang điểm lộng lẫy cho cô Chung Vô Diệm chăng? Nghề văn vốn dĩ đã bạc bẽo, nghề dịch có lẽ còn bi thảm hơn.

Một hôm chiều thứ Sáu vợ tôi gọi dây nói trong lúc tôi đang làm việc ở cơ quan, “Anh ơi, tối nay về sớm anh pha bột cho em làm bánh nhé. Recipe em để sẵn trong bếp.” “Được rồi, chuyện nhỏ, em yên trí.” Tôi trả lời. Tôi về nhà đọc recipe của vợ và sắn tay áo pha bột làm bánh sinh nhật cho thằng con. Trong recipe có câu “Then pour in 5 cups of water.” Ồ, dễ quá, 5 “tách” nước đổ vào tô bột rồi cho máy đánh vào quậy. Quậy bột nên hồ. Tôi vừa làm vừa ư ử trong cổ một điệu nhạc quen thuộc. Phen này vợ tôi phải phục tài nội trợ của tôi sát đất mất thôi. Tôi làm xong bỏ đi tắm, chờ cô về nướng cái bánh tuyệt hảo.

“Giời ơi! Anh làm gì mà bột nhão như cháo loãng thế này!” Tiếng vợ tôi kêu lên thảng thốt. Mặt tôi đang hí hửng bỗng xịu xuống như mèo mắc mưa. “Ơ … thì anh làm đúng theo recipe của em đấy thôi.” Tôi chống chế. “Đây này, đổ vào 5 cup nước.” Vừa nói tôi vừa đưa cô xem cái tách cà phê tôi vẫn dùng uống cà phê mỗi sáng trước khi đi làm.

“Giời ơi là giời! Cup là cái này đây, ông ơi là ông!” Cô mở tủ bếp lấy ra một cái “cup” thủy tinh trên có những đường chỉ màu xanh vạch ngang, trên mỗi đường chỉ lại có thêm hàng chữ 1 cup, 2 cups, 3 cups chỉ định dung lượng của chất lỏng bên trong. Hiển nhiên một “tách” cà phê của tôi tương đương với 2 cups của cô! Thật là tai hại! Và sự nghiệp làm đầu bếp của tôi chấm dứt từ hôm đó.

Lost in translation. I rest my case.


Source : VOA