26/2/14

Putin ra lệnh tập trận khẩn cấp tại miền tây Nga


Putin ra lệnh tập trận khẩn cấp tại miền tây Nga


Tảu chiến Nga tại Sebastopol, vùng Crimée, Ukraian (ảnh chụp 2007)
Tảu chiến Nga tại Sebastopol, vùng Crimée, Ukraian (ảnh chụp 2007)
@wikipedia.org

Anh Vũ -RFI
Theo AFP, hôm nay, 26/02/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến hành khẩn cấp các cuộc tập trận ở miền tây đất nước nhằm kiểm tra lại khả năng chiến đấu trong bối cảnh tình hình Ukraina đang có những biến động và quan hệ căng thẳng với phương Tây.

Thông tấn xã Nga Interfax, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu tuyên bố: "Theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, các lực lượng thuộc quân khu miền tây đất nước đã được đặt trong tình trạng báo động lúc 14h00 ( 10h giờ quốc tế) hôm nay (26/2/2014)".

Tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng, ông Choigu thông báo, các cuộc tập trận sẽ diễn ra trong hai giai đoạn và kết thúc vào ngày 3 tháng Ba. Tham gia đợt tâp trận này có các đơn vị chỉ huy phòng không và vũ trụ Nga, các đơn vị lính nhảy dù, các đơn vị không quân có tầm hoạt động xa.
Quân khu miền tây bao gồm vùng lãnh thổ rộng lớn nằm bên biên giới với Ukraina.
Liên quan đến hạm đội biển Đen của Nga đóng căn cứ tại Crimée, một khu tự trị thuộc Ukraina, Matxcơva cho biết đã có các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các cơ sở vũ khí, khí tài của Nga. Theo thông tấn xã Nga RIA, Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng: “Chúng tôi rất chú ý theo dõi những gì đang diễn ra tại Crimée, xung quanh hạm đội biển Đen”.
Vào lúc mà cuộc khủng hoảng Ukraina đang làm dấy lên căng thẳng giữa Nga và phương Tây, việc Tổng thống Putin phát lệnh tập trận khẩn cấp lần này gây sự chú ý đặc biệt.
Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi Nga để cho UKraina tự chọn đường đi, sau những biến cố chính trị cuối tuần qua ở nước này. Trong khi đó, Matxcơva tuyên bố không công nhận chính quyền lâm thời Ukraina. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, hôm 24/02, đã nhận định, lợi ích của Nga và các kiều dân của họ ở Ukraina đang bị đe doạ.
Hôm nay, nhiều cuộc đụng độ ngắn giữa người biểu tình thân Nga và những người ủng hộ tân chính quyền Ukraina đã xảy ra tại Simferopol, thủ phủ của khu tự trị Crimée.
Những động thái và tuyên bố của lãnh đạo Nga đã gợi lại bối cảnh trước cuộc tấn công của quân đội Nga vào Gruzia năm 2008.
Hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond đã có phản ứng, tỏ lo ngại việc Tổng thống Putin ban hành lệnh tập trận khẩn cấp ở vùng biên giới với Ukraina.

Source : RFI

Viktor Yanukovych và những ‘Hòa Thân’ thời hiện đại


27-02-2014

Viktor Yanukovych và những ‘Hòa Thân’ thời hiện đại

Lê Thanh Phong

Vị tổng thống bị truất phế của Ukraine, ông Viktor Yanukovych có một dinh thự xa hoa như cung điện của vua chúa hơn là nhà ở của nguyên thủ một quốc gia dân chủ. Những gì mà ông Viktor sở hữu đều có dấu vết của đồng tiền nước mắt dân chúng, cho nên cái giá mà ông trả là một cuộc tẩu thoát và lệnh truy nã theo sát gót.


Báo chí trích dẫn lời một người dân khi đến trước dinh thự, rằng: “Tôi sốc quá. Ở đất nước vẫn còn nhiều người nghèo đói như thế này, tại sao lại có người giàu có đến thế. Ông ta là kẻ bệnh hoạn. Thế giới phải nhìn thấy điều này và đưa ông ta ra trước công lý”.
Tham lam của cải vô độ là một thứ bệnh hoạn. Một căn bệnh sinh ra từ chế độ độc tài.
Số phận của ông Viktor Yanukovych chưa biết kết thúc như thế nào, nhưng mới chỉ “chương 1” của đoạn trường, đã thấy tương tự như hoạn lộ của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Dân chúng Ai Cập đã quá phẫn nộ trước sự độc tài và tham nhũng của nhà lãnh đạo này, cho nên họ đã vùng dậy đạp đổ ngai vàng khoác áo dân chủ của ông Mubarak.
Người ta từng xuýt xoa về đống tài sản 70 tỉ USD mà ông Mubarak vun vén trong mấy chục năm cầm quyền, bỗng dưng một ngày tay trắng. Hóa ra suốt đời của Tổng thống Mubarak, chỉ làm thân phận của một người “thủ kho”, giữ của cải cho người khác. Hình ảnh ông Mubarak nằm trên cáng đến hầu tòa và xin giao nộp tài sản để cứu cái mạng già bệnh tật, đã để lại dấu ấn đậm đà trong tâm trí của những ai có “chân dung” tương tự.
Nhưng ghê gớm hơn cả về tài sản và bi kịch có thể tính tới nhân vật Muammar Gadaffi – cựu tổng thống Libya. Quyền lực tưởng chừng vô song, tài sản đã là vô biên, nhưng cả hai thứ đó không cứu được thân ông trong chiếc ống cống. 170 tỉ USD tham nhũng của Gadaffi không còn lại được một xu méo trên bàn tay ông khi bị đưa vào trong thùng đựng thịt đông lạnh. Hóa ra, Gadaffi cũng chỉ là tay “thủ kho” tầm cỡ, quản lý một kho tài sản khổng lồ, nhưng không có được một cắc lương hưu mà lãnh những viên đạn vào ngực.
Và đáng sợ thay, những gương “thủ kho” rành rành đó chưa làm tỉnh thức được ai. Thế giới vẫn còn những nhà độc tài, những kẻ tham nhũng vơ vét của cải quốc gia và nhân dân. Dinh thự, biệt thự xa hoa, xe hơi xa xỉ vẫn trêu ngươi trước mắt người nghèo, vẫn ung dung trước những phận người khốn khổ.
Sử sách Trung Hoa nổi danh nhân vật Hòa Thân thời nhà Thanh, có thể nói là “tổ sư” của “nghề” tham nhũng. Tài sản Hòa Thân vơ vét nhiều bằng quốc khố của nhà Thanh thu trong 15 năm. Và cuối cùng gã “thủ kho” của mọi thời đại này bị giết chết, tài sản bị tịch thu.
Cái hại của độc tài và tham nhũng gây ra không chỉ là phá nát tiền của quốc gia, mà còn nhiều những tan nát xáo trộn sau khi họ đã bị trừng trị. Hãy nhìn nhà Thanh sau Hòa Thân, Libya sau Gadaffi, Ai Cập sau Mubarak, Ukraine sau Vitor Yanukovych thì rõ.

Khủng hoảng Ukraine và lựa chọn của Nga



Khủng hoảng Ukraine và lựa chọn của Nga

BBC  Cập nhật: 09:21 GMT - thứ tư, 26 tháng 2, 2014
Người nói tiếng Nga tuần hành ở Sevastopol
Nga đã bày tỏ quan ngại và tức giận sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị người biểu tình lật đổ tại Ukraine. Giáo sư Andrei Zagorski, phân tích gia chính trị tại Viện Kinh tế và Quan hệ Quốc tế Moscow, xem xét các lựa chọn của Điện Kremlin trong tình hình khủng hoảng hiện thời.
Moscow đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ban lãnh đạo mới ở Ukraine, trong khi ngừng hỗ trợ tài chính và triệu hồi đại sứ của mình từ Kiev. Thế nhưng đây không phải là các quyết định không thể thay đổi được vì chính trị Ukraine chuyển động từng ngày.

Phục dựng lại vị thế trước kia không còn là phương án khả thi đối với Moscow - Nga không thể thay đổi được những gì đã diễn ra, và dường như cũng không quan tâm lắm tới việc đưa ông Yanukovych trở lại.
Nga đang phải cân nhắc nhiều điều. Tổng thống Vladimir Putin đang tìm cách kéo Ukraine vào một liên minh hải quan do Nga đứng đầu và nhiều thế kỷ nay, hai nước cùng chia sẻ số phận chung.
Phát triển một phong trào đối lập với Kiev tại các khu vực nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine có những giới hạn của nó. Và ý tưởng chơi lá bài chia rẽ không dễ làm và không mấy hấp dẫn với Moscow, cho dù đã có những diễn biến gần đây ở cảng chiến lược và căn cứ hải quân Sevastopol, Crimea.
Người biểu tình thân Nga ở Sevastopol tuyên bố phải bảo vệ thành phố của họ khỏi tay các "phần tử cực đoan" ở Kiev, và có tin rằng Nga có thể sẽ tạo điều kiện để người dân Crimea xin hộ chiếu Nga một cách dễ dàng hơn. Crimea mới chỉ được chuyển cho Ukraine vào năm 1954, dưới thời Soviet.

Tư duy chiến lược

Trọng tâm chính yếu của Moscow hiện nay có thể là ủng hộ sự hình thành một lớp lãnh đạo chính trị mới có sức thu hút toàn dân, đặc biệt ở khu vực phía đông, để thay thế đảng của ông Yanukovych. Những người này sau đó có thể thách thức lại các đảng phái đã tổ chức đợt biểu tình chống Yanukovych trong ba tháng vừa qua.
Người biểu tình phẫn uất vì bị trấn áp
Cố gắng sử dụng các biện pháp truyền thống trong tình cảnh hiện nay ở Ukraine sẽ không có hiệu quả cho Moscow.
Tăng giá gas hay giảm cung cấp, tìm cách khơi sâu khủng hoảng kinh tế hay hạn chế nhập khẩu hàng từ Ukraine đều có thể gây khó khăn cho chính quyền mới tại Ukraine.
Thế nhưng ngược lại, chúng có thể khiến cho xu hướng nghiêng về Âu châu của Ukraine càng mạnh mẽ hơn và làm gia tăng tâm lý bài Nga trong nền chính trị Ukraine. Các biện pháp kinh tế như vậy đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng tới khu vực phía đông Ukraine vốn thân Nga vì quan hệ kinh tế và văn hóa truyền thống.
Ngừng cấp khí gas cho Ukraine cũng có thể khiến Moscow gặp bất đồng với EU.
Ukraine đã khôi phục lại Hiến pháp 2004 với nhiều quyền lực cho Quốc hội và chính phủ hơn là tổng thống.
Bởi vậy một giải pháp cho khủng hoảng chính trị hiện tại ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào kỳ bầu cử Quốc hội mùa hè tới hơn là bầu cử tổng thống vào 25/5.
"Một giải pháp cho khủng hoảng chính trị hiện tại ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào kỳ bầu cử Quốc hội mùa hè tới hơn là bầu cử tổng thống vào 25/5."
Cuộc bầu cử Quốc hội sẽ cho Nga và EU động lực để hợp tác. Cả Moscow và Brussels đều không muốn nhìn thấy một nước Ukraine sụp đổ. Cả hai bên cần quan tâm tới thiết lập một chính phủ hợp pháp và bầu cử công bằng.
Brussels mong muốn chính phủ mới có được sự ủng hộ tối đa của người dân, còn Moscow thì muốn cân bằng lại dàn xếp chính trị hiện thời ở Ukraine.
Tốt nhất cho cả Nga và EU là quyết định ký thỏa thuận liên minh hợp tác EU-Ukraine chưa được đưa ra vội.
Quyết định của ông Yanukovych không ký thỏa thuận này đã gây ra làn sóng biểu tình hồi tháng 11. Thế nhưng nếu Ukraine ký nó bây giờ thì điều này sẽ được hiểu là thất bại chiến lược của Nga.
Thỏa thuận này có thể chờ tới khi tình hình chính trị và kinh tế ở Ukraine bình ổn mới ký.
BBC

Khó xử Công hàm Phạm Văn Đồng


Khó xử Công hàm Phạm Văn Đồng

Cập nhật: 15:01 GMT - thứ tư, 26 tháng 2, 2014


Trung Quốc xây dựng mạnh đô thị Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa
Trong bài viết mới đây của Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng “Công hàm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký gửi Trung Quốc chỉ ủng hộ và thừa nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố, không có chữ nào nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền với tên gọi Tây Sa, Nam Sa.”
Do đó mà việc kêu gọi hủy bỏ công hàm này là mắc lừa chủ trương hiện nay của Bắc Kinh.

Đó là lý do vì sao đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có những biện pháp cứng rắn hơn đối với những hành vi xâm phạm ngày một gia tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tiến Sĩ Trần Công Trục đã chỉ nói một phần ý nghĩa của Công hàm 1958, và là phần phụ, phần bao quát không bao gồm ý nghĩa và hệ quả đích thực của Công hàm này.

Kẽ hở của Công hàm 1958

Đúng là Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập gì đến Hoàng Sa hay Trường Sa.
Nhưng Công hàm đã viết:
"Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc."
Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đã viết:
"Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc."
"Việt Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được quốc tế công nhận"
Ông Trần Công Trục
Dù giải thích thế nào đi nữa, Công hàm 1958 vẫn đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm luôn quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam, và cho Trung Quốc lý cớ để cột công hàm này vào nền tảng biện minh cho chủ trương xâm lược của họ hiện nay.
Nói cách khác, cái “thòng lọng pháp lý của Bắc Kinh đang giăng sẵn” như mô tả của Tiến sĩ Trần Công Trục chỉ có thể có được từ chính sợi dây thừng mà Công hàm 1958 đã cung cấp.
Trong bài viết, Tiến sĩ Trần Công Trục cũng đã đề cập: “Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được quốc tế công nhận. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa là đại diện cho nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.”
Tôi tán đồng cách nhìn này và vì thế Tuyên bố của Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 4-2-1974 là một văn kiện quan trọng để cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay khai dụng trong việc tranh luận với Trung Quốc về vấn để chủ quyền biển đảo.
Chính tư thế pháp lý của VNCH năm 1974 đã nói lên giá trị của Tuyên Bố 4-2-1974 và do đó, trực tiếp hủy giá trị của Công hàm 1958 trong “chiêu bài lập lờ đánh lận con đen cho tham vọng bành trướng” của Bắc Kinh.
Công hàm này chỉ mang tính ngoại giao trong bối cảnh của giai đoạn 1958 và càng không phải là một bản cam kết giữa hai quốc gia.
Tiến sĩ Trần Công Trục đã nhầm lẫn giữa một “diplomatic note” với một “bilateral agreement” khi viết rằng: “theo luật pháp quốc tế nếu như một chính thể đã chính thức công nhận một vấn đề thì không thể hủy bỏ đơn phương một cách đơn giản như vậy là xong. Tiền hậu bất nhất là điều tối kỵ khi đưa một vấn đề tranh chấp ra các cơ quan tài phán quốc tế”.
Hơn thế nữa, ngay cả một cam kết giữa hai quốc gia cũng chỉ được tôn trọng trong bối cảnh ngày nào nó còn bảo vệ được quyền lợi của cả hai quốc gia.
Ngày nào còn tránh né việc công khai xác định với Trung Quốc sự sai trái về pháp lý và vô hiệu lực của Công hàm Phạm Văn Đồng, thì ngày đó nhà quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bị lúng túng trong sự giải thích lòng vòng, vừa khó thuyết phục được công luận vừa cho Trung Quốc thấy thế yếu của Việt Nam.

Mặt trận pháp lý


Công hàm Phạm Văn Đồng khiến chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bị lúng túng trong sự giải thích lòng vòng
Trong nhiều thập niên vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chọn phương thức "ngoại giao” để giải quyết các tranh chấp biển đảo đối với Trung Quốc. Đến nay thì phương án này không những không hiệu quả mà còn gây nguy hiểm cho Việt Nam khi thời gian kéo dài chỉ càng củng cố và có lợi cho các ý đồ bành trướng tiếp của Trung Quốc.
Khi Trung Quốc ỷ thế lớn và tìm cách gây chia rẽ nội bộ các nước trong khối ASEAN thì việc ASEAN có thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc hay không cũng sẽ chỉ mang giá trị hình thức.
Đã đến lúc Việt Nam cần mạnh dạn tiến hành phương án đấu tranh pháp lý, tức kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc như Philippines đã làm vì có khá nhiều điểm tương đồng.
Mặc dù Philippines không kiện Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, mà kiện Trung Quốc "áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)” như Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích, thì đó ít ra cũng là điểm khởi đầu cần thiết trong việc dùng công pháp quốc tế buộc Trung Quốc phải “nói chuyện”, chứ không thể để họ cố tình tránh né, phớt lờ như hiện nay.
Đương nhiên tiến hành một vụ kiện cần phải nghiên cứu thật kỹ, nhưng không vì thế mà chần chừ quá lâu và nuôi hy vọng quá nhiều vào việc ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tuyên bố hôm đầu năm 2014.

Sức mạnh toàn dân

Vận dụng bằng ngoại giao hay pháp lý để lấy lại chủ quyền biển đảo đã bị xâm chiếm là những phương thức cần thiết nhưng chắc chắn là chưa đủ và khiếm diện.
"Trách nhiệm giành lại chủ quyền không thể ủy thác vào chính quyền hay bất cứ một tập thể nào mà phải dựa trên nền tảng toàn dân"
So với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam có ít nhất 138 chiến sĩ từ hai thể chế chính trị khác nhau đã hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
Nếu coi nỗ lực bảo vệ và lấy lại chủ quyền các phần lãnh thổ, lãnh hải của cha ông là mục tiêu tối hậu, Việt Nam cần vượt lên trên mọi khuynh hướng chính trị, mọi nhu cầu ngắn hạn của những chính phủ đang cầm quyền.
Nhưng để thực hiện được ước muốn tối thượng đó thì phải có nền tảng tối thiểu.
Nền tảng đó chính là sức mạnh của Toàn dân.
Lịch sử Việt đã chứng minh quá nhiều lần rằng không có cách nào khác.
Vì vậy, nếu thực tâm muốn bảo vệ chủ quyền đất nước dựa trên nền tảng sức mạnh toàn dân, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cần phải:
Thả ngay những người yêu nước đang bị giam giữ và tôn trọng quyền bày tỏ lòng yêu nước của người dân;
Thực hiện tinh thần Hội nghị Diên Hồng bằng cách chấm dứt ngay chính sách độc quyền yêu nước;
Dẹp bỏ thái độ thù nghịch đối với những tiếng nói xây dựng, ôn hòa vì quyền lợi của Tổ quốc.
Nói tóm lại, khi một phần lãnh thổ, hải đảo đã bị nước ngoài xâm chiếm, trách nhiệm giành lại chủ quyền không thể ủy thác vào chính quyền hay bất cứ một tập thể nào mà phải dựa trên nền tảng toàn dân.
BBC

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng :
Tập tin:1958 diplomatic note from phamvandong to zhouenlai.jpg

25/2/14

Lời cảnh báo của Warren Buffett về TTCK


Lời cảnh báo của Warren Buffett về TTCK

Rủi ro là khi bạn không thấu biết những gì mình đang làm (Risk comes from not knowing what you’re doing – Buffett)

Warren Buffett đã lấy trang trại mà ông sở hữu từ năm 1986 làm minh chứng để lưu ý các nhà đầu tư cá nhân không nên liên tục mua vào và bán ra cổ phiếu.


Theo Thu Hương (Trí Thức Trẻ/Bloomberg 25/2/2014)

Trong bức thư thường niên gửi cho nhà đầu tư được đăng tải trên website của tạp chí Fortune, Buffett cho rằng nhà đầu tư nên coi các chứng khoán mà họ đang nắm giữ giống như bất động sản, tập trung vào lợi nhuận tiềm ẩn trong dài hạn hơn là vào những biến động giá trong ngắn hạn.

Warren Buffett, vị Chủ tịch tỷ phú của tập đoàn Berkshire Hathaway Inc., đã lấy trang trại mà ông sở hữu từ năm 1986 làm minh chứng để lưu ý các nhà đầu tư cá nhân không nên liên tục mua vào và bán ra cổ phiếu.

Năm 1986, Buffett mua trang trại rộng 400 mẫu Anh (1,6 km2) nằm cách Omaha 80km về phía Bắc với giá 280.000 USD. Dựa trên ước tính về sản lượng đậu tương và ngô được trồng ở đây, ông từng tính toán trang trại này sẽ đem lại lợi suất 10% mỗi năm. Giờ đây, trang trại này đã có giá trị gấp 5 lần so với năm 1986 và lợi suất thì tăng gấp 3.

“Những người có thể “ngồi im” hàng thập kỷ khi họ sở hữu một trang trại hay một ngôi nhà lại thường xuyên trở nên “điên cuồng” khi đứng trước bảng giá chứng khoán”, Buffett nói.

Ông so sánh biến động hàng ngày của giá chứng khoán giống như một “người hàng xóm có tính khí thất thường”. Người hàng xóm này ngày nào cũng “gào thét” đòi bán mảnh đất của ông ta cho Buffett hoặc mua lại mảnh đất của ông. Mức giá mà người hàng xóm đưa ra biến động rất mạnh trong ngắn hạn và phụ thuộc vào tâm trạng. “Nếu mức giá đưa ra thấp một cách nực cười và tôi có dư tiền mặt, tôi sẽ mua đất của anh ta. Nếu mức giá đưa ra quá cao, tôi có thể bán hoặc tiếp tục trồng trọt trên mảnh đất của mình”.

“Đó là cách cư xử thường thấy của những người nắm giữ chứng khoán”, Buffett nói.

Đồng thời, bộ phận này cũng thường xuyên để những hành vi thất thường và phi lý của người khác chi phối đến tâm lý. Bởi vì có quá nhiều nhận định (không biết có chính xác hay không) về thị trường, nền kinh tế, lãi suất, giá cổ phiếu … một số nhà đầu tư tin rằng lời khuyên của các chuyên gia là điều quan trọng.

Từ lâu nay, nhà đầu tư huyền thoại vẫn nổi tiếng với phương thức đầu tư giá trị. Buffett đã biến công ty nhỏ bé Berkshire trở thành đế chế 280 tỷ USD, nắm giữ các cổ phiếu Coca-Cola, American Express và Wells Fargo trong nhiều thập kỷ.

Ông cũng cho rằng các nhà đầu tư cá nhân có lẽ sẽ giàu có hơn nếu đầu tư vào một quỹ nắm giữ cổ phiếu của tất cả các công ty trong chỉ số Standard & Poor’s 500. “Các nhà đầu tư cá nhân không nên đặt mục tiêu chọn lựa cổ phiếu tốt nhất. Một nhà đầu tư chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng biết đa dạng hóa danh mục và tối thiểu hóa chi phí gần như chắc chắn sẽ không nhận được kết quả hài lòng”, ông viết.

Chỉ số S&P 500 đã đem về mức lợi suất 7% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua, cao hơn so với bất kỳ cổ phiếu nào trong danh mục nắm giữ của Berkshire.

Những lựa chọn cổ phiếu và thương vụ thâu tóm công ty của Buffett luôn đem lại mức lợi nhuận cao và do đó các bức thư của ông nhận được rất nhiều sự chú ý của  phố Wall. Ông từng chia sẻ luôn cố gắng viết những bức thư đơn giản sao cho các chị gái của ông – những người không làm việc trong ngành tài chính – cũng có thể hiểu được.

Source : Goc nhin Alan 

24/2/14

Lãnh Đạo Từ Sau Lưng Quần Chúng


Tuesday, February 25, 2014


Lãnh Đạo Từ Sau Lưng Quần Chúng


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140223
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Một hình ảnh khác về nước Mỹ quanh vụ Ukraine 


 * Chú Sam Tự Bắn Vào Chân - Hý họa của The Economist * 



Tổng thống Barack Obama vừa bay qua Âu Châu. 

Trên chuyến bay xuyên đại dương, từ Air Force One, Tổng thống Mỹ đã điện thoại cho Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga.

Trước hết, ông chúc mừng Thế vận hội mùa Đông đã hoàn thành mỹ mãn tại Sochi và nước Nga đạt kỷ lục về huy chương cho một Thế vận hội tốn kém nhất lịch sử Thế vận - hơn 51 tỷ đô la so với 47 tỷ của Trung Quốc cho Thế vận hội mùa Hè tại Bắc Kinh năm 2008. Sau đó, lãnh đạo hai nước trao đổi về tình hình Ukraine, mục tiêu của chuyến bay bất ngờ của Tổng thống Hoa Kỳ.

Ông Obama tới Thủ đô Bruxelles của Liên hiệp Âu Châu - trụ sở của Minh ước NATO - để thảo luận với lãnh đạo Âu Châu và giới quân sự về nhu cầu ổn định Ukraine theo nguyên tắc tự do, dân chủ, độc lập và thống nhất lãnh thổ. Ông cũng kêu gọi các định chế quốc tế và Liên bang Nga cùng hợp tác để giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế của Ukraine.

Giới bình luận quốc tế đánh giá chuyến Âu du chớp nhoáng này là một hành động quả quyết hiếm hoi của Tổng thống Hoa Kỳ với cả Liên Âu và nước Nga....

Tất nhiên, cho tới khi báo lên khuôn thì cả đoạn trên chỉ là tin vịt.


***


Hôm Chủ Nhật 23, quả thật là Cố vấn An ninh Quốc gia Suzan Rice có cảnh báo Nga là không nên đưa quân vào Ukraine để cứu vãn một chính quyền dễ bảo của họ. Điều ấy, khiến ta nhớ tới một tiền lệ... Thế vận. 

Khi Thế vận hội Bắc Kinh khai mạc vào ngày tám Tháng Tám năm 2008 thì Putin đưa quân vào chiếm đóng hai khu vực tự trị của Cộng hòa Georgia. Và nay vẫn chưa rút. Bây giờ, bán đảo Crimea của Ukraine lại có sẵn Hạm đội Nga bên bờ Hắc hải, tại quân cảng Sevastopol! Cảnh báo là phải....

Nhưng lời cảnh báo của nàng Rice trên truyền hình Mỹ lại bị nhiễu âm đến độ khó nghe, vì cùng dịp đó, nàng khẳng định là không ân hận gì khi phát biểu về vụ thảm sát Benghazi tại Libya vào ngày 11 Tháng Chín năm 2012. Thực tế thì đấy là chuỗi phát biểu sai lạc trong một ngày Chủ Nhật 16 Tháng Chín trên năm đài truyền hình Mỹ. Một em gái Mỹ nói vừa sai vừa lạc.

Vì khi ấy Suzan Rice là Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, không có thẩm quyền về an ninh và "chẳng liên hệ gì tới Benghazi" như cậu chủ Obama của em đã biện hộ. Mà em lại chỉ nói như vẹt về những lý do không đúng của vụ thảm sát khiến bốn người Mỹ thiệt mạng, kể cả Đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, để tránh hậu quả bất lợi cho cuộc tranh cử Tổng thống vào Tháng 11. 

"Nhà ngoại giao là người nói dối cho chế độ", ta có thể đồng ý như vậy. Nhưng vì lộ liễu quá nên em Suzan không thể lên làm Ngoại trưởng mà đành về làm Cố vấn An ninh Quốc gia, là chức vụ không cần được Quốc hội phê chuẩn. 

Từ một tay cố vấn loại tay mơ như vậy, lời cảnh báo của Hoa Kỳ không đủ trọng lượng cho một lãnh tụ lạnh lùng gian ác như Putin. Vì vậy, đáng lẽ Obama không nên trao trả gắn bó với Suzan mà tự mình tấu lên một khúc hùng ca về cái thế của Hoa Kỳ trên đại lục địa Âu Á. 

Và khẳng định hậu thuẫn của Hoa Kỳ với lãnh đạo Âu Châu.



***

Hãy nói về quan hệ Mỹ-Âu đã.

Ngày 29 Tháng Giêng, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Victoria Nuland có lời phát biểu rất tục ("F. the E.U." – xin miễn dịch!) qua điện thoại với Đại sứ Mỹ tại Ukraine về sự nhu nhược của Liên Âu trước cục diện Ukraine - sau khi nhục mạ một lãnh tụ đối lập của Ukraine là Vitali Klitschko. Cuộc đàm thoại bị tình báo Nga nghe lén, thu được và phóng lên You Tube để gây khó chịu cho các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ!

Ít ra, vụ đó cũng chứng minh rằng Hoa Kỳ không là xứ duy nhất nghe lén chuyện thiên hạ....

Nói khí oan, khi cục diện Ukraine đi vào khúc quanh đầy nguy hiểm vào tuần qua thì Phó Tổng thống Joe Biden có điện thoại cho Tổng thống Ukraine là Viktor Yanukovich trước khi ông này bị truất phế, lẩn trốn và đang bị truy nã. Đấy là cuộc điện đàm thứ ba trong bốn ngày. Cùng ngày 20 đó, Tổng thống Obama cũng điện thoại cho Thủ tướng Đức Angela Merkel về chuyện Ukraine.

Đấy là phong cách "lãnh đạo từ sau lưng" của Chính quyền Obama.

Ở tại chỗ, ba Ngoại trưởng Đức, Pháp và Ba Lan đã bay thẳng vào thủ đô nghi ngút của Ukraine để gặp các lãnh tụ đối lập và Tổng thống Yanukovich. Họ làm con thoi dàn xếp giải pháp nhượng bộ với Yanukovich, cho tới khi ông ta lùi dần khỏi ghế, bị đảng của chính mình đả kích là hèn nhát bất lực và cùng phe đối lập bỏ phiếu truất phế theo tỷ lệ 328-0. Còn Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ thì bận cảnh báo thế giới về nguy cơ nhiệt hóa địa cầu. Ai bảo là Mỹ không biết hài!

Trong vụ Ukraine, các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ có quyền trông đợi một thái độ tích cực hơn về cả ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự, từ Chính quyền Barack Obama.

Nhưng họ nên thông cảm, nếu nhìn vào bên trong.


***


Chì vì hôm Thứ Năm 19, khi khói lửa đã mịt mù tại Kiev và nhiều khu vực khác của Ukraine, thì Tổng thống Hoa Kỳ bận tham dự thượng đỉnh với hai nước láng giềng tại Toluca của xứ Mexico.

Cùng Thủ tướng Stephen Harper của Canada và Tổng thống Enrique Pena Nieto của Mexico, ông Obama đã có dịp phân trần.

Với xứ Canada, Thủ tướng Harper nên thông cảm là Obama chưa thể có quyết định gì về dự án thiết lập ống dẫn dầu khí Keystone XL rất có lợi cho hai nước về năng lượng và nhân dụng. Lý do là sự chống đối của phe bảo vệ môi sinh, một thành phần rộng chi cho Obama. Với xứ Mexico, Tổng thống Pena Nieto nên thông cảm là Obama chưa thể đẩy mạnh dự án cải tổ chế độ di trú và quyết định về số phận của 11 triệu người Mễ nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Lý do là sự chống đối của bọn Cộng Hoà phản động!

Thế còn TPP, Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, với triển vọng đẩy mạnh ngoại thương giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico cùng 11 quốc gia khác của vành cung Thái Bình Dương mà ông Obama đã đưa tiêu chí là phải hoàn tất trong năm 2013? Cũng xin thông cảm cho. 

Vì Tổng thống Mỹ gặp hai con kỳ đà nặng ký của đảng Dân Chủ, là Nghị sĩ Harry Reid, Trưởng khối Đa số tại Thượng viện, và Dân biểu Nancy Pelosi, Trưởng khối Thiểu số tại Hạ viện. Họ lãnh đạo phe bảo hộ mậu dịch, protectionist, để lấy lòng các nghiệp đoàn lạc hậu và không cho Hành pháp rộng quyền thương thuyết về ngoại thương theo thủ tục gọn nhẹ là "fast track". Tờ Economist gọi đó là Chú Sam tự bắn vào chân! Ai bảo là giới kinh tế không biết giễu?

Vì vậy, ta hãy lùi lại một chút mà nhìn vào sân sau, hay ao nhà, của nước Mỹ, để khỏi nhắc tới Ukraine.

Hai chục năm trước, Tổng thống Dân Chủ Bill Clinton vận động được sự hợp tác của đảng Cộng Hoà để vượt qua cản Dân Chủ mà thông qua Hiệp định Tự do Ngoại thương Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Kết quả ngày nay là hàng năm ba nước buôn bán với nhau một lượng hàng trị giá cả ngàn tỷ và tạo ra cả triệu việc làm, với mỗi ngày một tỷ bảy chảy qua biên giới Hoa Kỳ - Gia Nã Đại và một tỷ tư qua biên giới Mỹ-Mễ. 

Đấy là hai nước đồng minh và bạn hàng cần thiết nhất của Hoa Kỳ. Vậy mà thượng đỉnh tay ba vừa qua tại Toluca, nơi có hai nhà máy lớn nhất của Chrysler, đã "tan theo ngày nắng vội"! 

Nếu mình than thì đã có người nhắc, rằng Chrysler là hãng xe của... Ý, được tập đoàn Fiat mua lại năm 2011 và từ ngày 29 Tháng Giêng vừa qua đã hoàn toàn do Fiat làm chủ, với hội sở đặt tại Âu Châu.

Lãnh đạo từ sau lưng là như vậy chăng?

__________________________

Chuyện Chỉ Có Tại Nước Mỹ

Charles Lee Warren vừa thoát một án tù có thể lên tới ba năm. Anh ta bị truy tố vì gửi hình dương vật của mình có xâm chữ khá thô tục cho một phụ nữ có con, mà không được sự đồng ý trước của bà ta. Nhưng hôm Thứ Hai 23, Tối cao Pháp viện của tiểu bang Georgia đã bác lời cáo buộc của Biện lý Quận Cherokee. Lý do là luật lệ tiểu bang không bao hàm hình ảnh gửi qua máy điện thoại lên không gian điện tử! Khi kỹ thuật chạy nhanh hơn luật lệ thì kẻ gian vẫn tràn trề hy vọng!...


Source : dainamax tribune