Nguyễn Hưng Quốc Bùi Giáng, tận cùng chủ nghĩa hư vô
Tôi đã viết một số bài về Bùi Giáng. Vẫn chưa ngớt băn khoăn về ông.
Bùi Giáng để lại một sự nghiệp khá đồ sộ, với hơn 50 đầu sách khác nhau, vừa thơ vừa văn xuôi. Văn xuôi của ông bao gồm ba thể loại chính: dịch thuật, biên khảo về triết học và bình luận về văn học. Gây sôi động trong dư luận và được nhiều người nhắc nhở nhiều nhất - cả khen lẫn chê - là hai thể loại đầu, nhưng tôi thích Bùi Giáng ở thể loại sau hơn. Trong thể loại sau đó, tôi đặc biệt thích những bài viết về thơ của Bùi Giáng, phần lớn tập trung trong hai tập Đi vào cõi thơ và Thi ca tư tưởng, cũng như rải rác trong nhiều cuốn sách khác, từ Mùa thu trong thi ca đến Ngày tháng ngao du, v.v... Có thể nói, ở miền Nam, từ năm 1954 đến 1975, Bùi Giáng là người viết về thơ nhiều nhất và có một số bài có thể nói là hay.
Hay, không phải ở những sự đánh giá về từng nhà thơ hay từng bài thơ cụ thể. Ở phương diện này, Bùi Giáng khá lạc hậu và dễ dãi: ông vẫn chưa thoát được mỹ học của Thơ Mới, thời 1932-45, chủ yếu qua cách nhìn của Hoài Thanh, vốn đậm màu sắc lãng mạn chủ nghĩa, trong cách cảm thụ và phân tích, do đó, những nhà thơ hoặc những bài thơ được ông khen ngợi một cách nồng nhiệt thường không thực sự hay, hoặc nếu hay, thì cũng là những cái hay cũ, của một thời đã xa. Đáng chú ý hơn, trong những bài viết về thơ của Bùi Giáng, là những nhận xét về thơ nói chung hoặc về từng chữ và từng câu thơ cụ thể, nhưng từ đó, thỉnh thoảng ông làm sáng lên một số điều thuộc về bản chất của thơ. Chính ở khía cạnh này, Bùi Giáng tỏ ra là một cây bút nhạy bén, có những ý kiến thú vị và bất ngờ.
Dù sao, Bùi Giáng chủ yếu cũng vẫn là một nhà thơ.
Với tư cách là nhà thơ, Bùi Giáng là một hiện tượng lạ lùng, nếu không nói là lạ lùng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông chứa đựng những nghịch lý không dễ gì có thể giải thích được. Ngay cái cách làm thơ cực kỳ dễ dàng của ông cũng là một bí nhiệm, làm nhiều người, nhất là giới cầm bút, không ngớt bàng hoàng. Với cách sáng tác ào ạt và trong điều kiện hiếm khi đủ tỉnh táo để nhuận sắc thơ mình, Bùi Giáng ít khi, rất ít khi, có được những bài thơ thực sự hoàn chỉnh. Thơ ông thường hay ở câu chứ không phải ở bài. Và có một hiện tượng thú vị là những câu thơ được xem là hay của Bùi Giáng thường được lặp lại khá nhiều lần, ở những bài thơ khác nhau, có khi cách nhau đến cả hàng chục năm. Điều đó chứng tỏ Bùi Giáng không những tâm đắc mà còn sống thường trực với những câu thơ ấy. Điều đó cũng có nghĩa là ông rất tự giác về những câu thơ hay của mình, đồng thời cũng chính là mặt mạnh của mình. Ông làm cả hàng ngàn bài thơ, thật ra, là để ngắm nghía từ nhiều góc độ khác nhau sự huyền diệu của một số câu thơ hay.
Thơ Bùi Giáng hay ở câu, ở một số câu. Nhưng ngay cả ở những câu không hay, thậm chí, ở những câu hoàn toàn nhảm nhí, Bùi Giáng vẫn đóng được dấu ấn của mình. Bùi Giáng là một trong vài nhà thơ hiếm hoi tạo được một phong cách riêng ở đơn vị rất nhỏ trong thơ: từ. Có một cú pháp thơ của Xuân Diệu, của Thanh Tâm Tuyền. Và có một từ vựng thơ của Bùi Giáng (cũng như của Trần Dần). Cái gọi là từ vựng thơ riêng ấy không phải là những từ do Bùi Giáng sáng chế ra mà là, chủ yếu là những từ được Bùi Giáng sử dụng. Chúng là những từ ngữ thông thường, có khi đã cũ mèm trong thơ văn cổ (như: thập thành, tháp tùng, ban sơ, phong nhuỵ, phiêu bồng, v.v...) hay có khi còn lấm lem bụi bặm của đường phố (lai rai, cà chớn, số dzách, tùm lum, nhe răng, chân đi chữ bát, v.v...), nhưng có điều oái oăm là, khi đi vào thơ Bùi Giáng, dường như chúng trở thành vật sở hữu của Bùi Giáng, để, sau đó, nếu có ai sử dụng những từ ngữ ấy, người ta cứ ngờ như là họ... ăn cắp của Bùi Giáng.
Nhưng thơ Bùi Giáng không phải chỉ đặc sắc ở cấp độ chữ hay cấp độ câu. Ỡ Bùi Giáng còn có một cái gì khác hơn thế nữa: thơ ông còn có một khí quyển riêng. Chính cái khí quyển ấy làm cho, một là, từng chữ của Bùi Giáng đều mang hơi hướm của ông; hai là, hoá giải những khác biệt trong phong cách của mỗi chữ khiến cho những chữ Hán Việt cổ kính nằm cạnh những tiếng lóng rất mới mà không hề thấy chỏi nhau; và ba là, làm cho mọi câu thơ, dù hay hay dở, dù nghiêm trang hay nhả nhớt, đều mang phong cách của ông, không lẫn với ai được.
Nói đến phong cách Bùi Giáng, trên báo chí, từ trước đến nay, thỉnh thoảng có người xem đó là một phong cách tắc tị hay quậy phá, bỡn cợt, rất thiếu nghiêm túc. Hình như không phải. Theo tôi, ít có nhà thơ nào say mê và trân trọng ngôn ngữ như Bùi Giáng. Ông có đùa nghịch với chữ nghĩa thì cũng chỉ là một cách để trắc nghiệm quyền năng của ngôn ngữ: từ chữ này, ông liên tưởng đến chữ khác; rồi từ chữ khác đó, ông lại liên tưởng đến những chữ khác khác nữa. Chữ nghĩa cứ gọi nhau. Thành trùng trùng điệp điệp chữ. Động một chữ mà bao nhiêu chữ khác cùng vang động. Tương tự kinh nghiệm được Bùi Giáng mô tả trong cuốn Mùa thu trong thi ca (1969, tr. 236):
“Ta ngồi dưới gốc cây sim, lắng tai nghe bò đương gặm cỏ, thong dong đưa tay vói một cành, hái một trái ăn chơi. Và bỗng dưng? Bỗng dưng nảy ra một sự tình kỳ lạ: bàn tay ta vừa chạm tới một trái sim riêng lẽ, thì suốt dãy rừng, toàn thể ngàn sim lục bỗng chấn động lừng vang. Đó là một bí quyết lạ lùng.”
Và bí quyết lạ lùng ấy thể hiện trong nhiều bài thơ của Bùi Giáng. Phần lớn những bài thơ có vẻ lảm nhảm hay tối tăm của Bùi Giáng là những bài thơ trong đó ông đuổi bắt miên man những khả năng kết hợp mới của một chữ hay lắng nghe những tiếng nói huyền bí của ngữ âm. Bài “Ngẫu hứng” sau đây có thể được xem như một ví dụ thuộc loại tiêu biểu nhất cho phong cách thơ ông:
Một hôm gầu guốc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha? đạn hả? bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen
("Ngẫu hứng")
Đoạn thơ chỉ là một chuỗi liên hệ vô tận trong ngôn ngữ. Chữ "gầu guốc" làm Bùi Giáng liên tưởng đến chữ "gầm ghì" và "gần gũi": tất cả đều bắt đầu bằng phụ âm [g]. Chữ "một hôm" làm ông liên tưởng đến "hai hôm" rồi "ba hôm"; chữ "ba hôm" làm ông liên tưởng đến cách nói lái "bôm ha"; trong "bôm ha", từ tố "bôm" khiến ông liên tưởng đến "đạn"; từ âm tố "gao", ông liên tưởng đến "gạo"; từ "gạo đỏ", ông liên tưởng đến một điều không hề có: "gạo đen", v.v... Thành ra, chữ "một hôm" mở đầu đoạn thơ trên không phải chỉ là ý niệm về một đơn vị thời gian mà còn bao hàm ý niệm về sự tranh chấp ("gầu guốc gầm ghì"), về súng đạn (và từ đó, chết chóc), là cơm gạo (và phía sau của nó, sự cùng cực, khốn quẫn), cuối cùng, là may rủi trong sự thành, bại và cả trong sự sống, chết. Xin mở một dấu ngoặc: bài thơ này được Bùi Giáng sáng tác trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đang hồi khốc liệt. Thời ấy, với rất nhiều người, thời gian được đo lường bằng khả năng chịu đựng những đe doạ từ chiến tranh và từ sinh kế, tuỳ thuộc vào những sự đỏ đen của số mệnh.
Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ chỉ là một chuỗi những liên hệ bất tận như vậy thì, như các nhà hậu cấu trúc luận sau này đã chỉ rõ, ngôn ngữ không còn khả năng quy chiếu về hiện thực và do đó, cũng không còn khả năng phát hiện chân lý được nữa. Bùi Giáng hoàn toàn hiểu điều đó. Trong bài "Phố phường cỏ mọc" in trong tập Mùa thu trong thi ca, ông mỉa mai: "người ta tưởng chừng như tin rằng ngôn ngữ có thể nói ra được sự thật." Ai tưởng thì cứ tưởng, riêng ông, ông rất bi quan:
Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây.
("Lẫn lộn lung tung")
Nên lưu ý là những cách đổi tên gọi như vậy xuất hiện không phải một lần trong thơ Bùi Giáng. Trong bài "Trường giang lục tỉnh", ông lại viết:
Tôi gọi Cần Thơ là Cần Thở
Cần Thở muôn đời là Gió Việt đêm nay
...
Tôi gọi Bình Dương là Bình Dưỡng
Dượng dì ơi thương nhớ cháu nhiều không...
Hoài nghi khả năng "tái hiện hiện thực" của ngôn ngữ, có khi Bùi Giáng bỏ cuộc chơi trong lãnh vực ngữ nghĩa để đuổi bắt một trò chơi ở lãnh vực ngữ âm, với nhịp điệu trầm bổng của các thanh, các âm. Đó là những lúc Bùi Giáng làm những câu thơ toàn bằng chữ Hán hoặc những câu thơ hoàn toàn vô nghĩa, trong đó, chỉ có những tiếng động lanh canh lách cách của các âm, các vần, các thanh điệu va chạm vào nhau mà thôi.
Có thể nói Bùi Giáng làm thơ như một người chơi cờ không nhắm tới mục đích chiếu tướng mà nhắm tới việc khám phá khả năng biến chuyển vô tận của các nước cờ. Bùi Giáng là người làm thơ thuộc loại hồn nhiên nhất trong thơ Việt Nam. Ông là kẻ làm thơ, trước hết, với chữ.
Nhưng khi các từ ngữ chỉ, hay chủ yếu chỉ, liên hệ với các từ ngữ khác thì quan hệ giữa các từ ngữ ấy và hiện thực được chúng ám chỉ trở thành hàm hồ và xa xôi hẳn như cái điều các nhà hậu cấu trúc luận đã từng phân tích. Bùi Giáng, từ rất sớm, đã nhận ra điều đó. Bùi Giáng đã cảm nhận sâu sắc hơn ai hết sự bất lực của ngôn ngữ. Không phải là sự bất lực của người sử dụng ngôn ngữ mà là sự bất lực của chính ngôn ngữ. Thơ Bùi Giáng có khi là thơ về sự bất lực của ngôn ngữ. Do đó, một mặt, người ta có thể nói Bùi Giáng là nhà thơ hồn nhiên, nhưng mặt khác, người ta cũng có thể nói Bùi Giáng là một nhà thơ bi quan nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, người đi đến tận cùng sự tuyệt vọng đối với cái gọi là chức năng phản ánh hay tái hiện hiện thực và từ đó, chức năng truyền thông và giao cảm của ngôn ngữ.
Với các nhà thơ khác, ngôn ngữ là một thứ chất liệu. Với Bùi Giáng, ngôn ngữ không phải chỉ là một chất liệu mà còn là một đề tài, một cảm hứng. Bùi Giáng làm thơ không phải bằng ngôn ngữ, với ngôn ngữ mà còn về ngôn ngữ. Cái bi kịch của Bùi Giáng là ở chỗ: là người cầm bút, ông chỉ có một thứ vũ khí duy nhất phải sử dụng, đó là ngôn ngữ, một thứ vũ khí ông rất yêu, nhưng đồng thời, tự thâm tâm, khác hẳn các nhà thơ khác, ông không ngớt hoang mang hoài nghi về hiệu năng của nó.
Trong văn học Việt Nam, hình như chưa có ai đi đến tận cùng chủ nghĩa hư vô như Bùi Giáng. Ở khía cạnh này, có thể nói Bùi Giáng là nhà thơ tiêu biểu nhất của thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc mọi niềm tin đều bị sụp đổ.
1999