Phạm Công Thiện
Hố thẳm của tư tưởng
(Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay - Thể và tính)
Chương năm - Hoạ và tính
Tìm lại tính thể của hội hoạ và tư tưởng
Tôi vừa uống một tách cà phê đen, một cốc bia, hai chai nước suối Vichy; tôi đã hút năm sáu điếu thuốc Pall Mall (để hồi tưởng Henry Miller vì Henry Miller chỉ hút năm sáu điều Pall Mall lúc tôi gặp Miller tại California). Tôi không đeo đồng hồ, bây giờ là giờ số không của vũ trụ. Tim tôi đập thực mạnh vì nó muốn đập thực nhẹ để đồng nhịp với Hoạ, nhập thể với Tính, dung dưỡng máu và để máu chảy nhẹ nhàng trở về tính thể của Hội Hoạ, nhờ sức phù phép của nước suối; mặc dù nước suối đã bị vào chai, cũng như tính thể của Hội Hoạ bị nhốt vào chai ngôn ngữ.
Tôi không hấp tấp vội vã, mặc dù ý tưởng của tôi đang phóng nhanh như ánh sáng. Tôi đang thở chậm rãi, nhịp nhàng và ung dung. Tôi nói về Hội hoạ nhưng tôi sẽ nói ra ngoài đề; tôi sẽ nói những chuyện không dính líu gì với Hội hoạ, vì tính thể của Hội hoạ là ở ngoài Hội hoạ như người chết ở ngoài người sống và cho người sống được sống.
Paris đã xuống chiều, mặt trời hồi trưa quá nóng, tôi đang ngồi tại quán cà phê Dôme ở vùng Montparnasse. Người bồi bàn đang nhìn tôi như tôi đang nhìn tính thể Hội hoạ, nhìn một cách thản nhiên, không cố gắng, không thành kiến, không ý nghĩ, không ý thức hệ.
Tôi nhìn; tôi đang nhìn.
Ngó, thấy, nhình, ngóng, ngước. Nhìn hồn nhiên, nhìn mơn trớn, nhìn mông lung, chỉ có thể nhìn mông lung như vậy là sau khi đã nhìn trừng trừng (nhãn trừng trừng) lúc Nguyễn Du ngồi nhớ nàng lẩy đàn khúc Nguyễn ngày xưa ở trong cung vua để rồi giờ nàng phải đàn rong lưu lạc giữa phố chợ hiên thành, giữa chiều thời gian vùn vụt bay qua những biến dạng của rừng xanh và nương dâu.
Nhìn về tính thể của Hội hoạ là Hoạ, vì Hoạ là Nhìn: tính thể của Hội hoạ là đứng xa hay đứng gần để nhìn người mình yêu thuở ban đầu; mà thuở ban đầu ấy đã xảy ra cách đây mười ngàn năm hay cách đây mười năm và Hôm Nay ôm ghì hôn lên Bây Giờ: Bây Giờ thỏ thẻ âu yếm với Nơi Đây.
Bây giờ, hiện tại, nơi đây, tôi đang nhìn. Tôi vừa đi xuống cầu tiêu của quán cà phê Dôme; bước vào nhà cầu, vừa đóng cửa lại, tôi liền nhìn thấy một trăm ngàn người trước tôi cũng đã bước vào nhà cầu này và đóng cửa lại; họ cũng cởi quần ra và ngồi xuống, rồi cũng nhìn vào chỗ trống không của bóng tối. Họ cũng nhìn. Tôi cũng nhìn và tôi thấy: trên vách tường nhà cầu có người viết câu như vầy: “Kẻ nào đã xây cất cầu tiêu này với bàn tay mình thì kẻ ấy đã phụng sự cho loài người hơn là De Gaulle đã phụng sự cho nước Pháp”.
Tôi nhìn thấy câu trên, rồi tôi nhìn thấy tất cả những quyển sách dày cộm của Platon, Aristote, Spinoza, Jaspers, Heidegger v.v., chỉ là những lời chú thích dài dòng cho câu văn cô đọng hàm súc trên; một câu văn viết trên cầu tiêu không phải là một câu văn; nó là một vết máu xuất phát từ đầu óc một người vô danh khi người ấy ngồi trong bóng tối của nhà cầu để lọc sạch thần trí và thể xác; người ấy không có tham vọng, người ấy không sắp đặt chuẩn bị; ngồi một mình trong bóng tối và nhìn vào sự trống không của tư tưởng và nhà cầu; dùng một tiếng sét, người ấy bỗng nhìn thấy máu đầu té ra thành mực than đen trên vách tường để biến thành câu sấm theo dòng Héraclite:
“Kẻ nào đã xây cất cầu tiêu này với bàn tay mình thì kẻ ấy đã phụng sự cho loài người hơn là De Gaulle đã phụng sự cho nước Pháp”.
Câu ngẫu hứng trên là một cho Tất Cả. Là Chân Lý huyền nghĩa, là Tiếng Gọi của Tính (“Ev Pánta”).
Hoạ là bàn tay của tính; Tính thể của Hoạ là Mắt; dụng của Mắt là Nhìn. Thể dụng của Nhãn đi vòng theo ba giai đoạn: thấy, nhìn và nhìn thấy.
Bàn tay xây cất cầu tiêu cũng là bàn tay để hoạ, dụng chất của ý thức là hoạ: tất cả con người đều là hoạ sĩ, hoạ làm ý thức trở thành ý thức, hoạ làm vô thức đảo lộn ra vô thức, hoạ là tượng, tượng là hình, tượng hình là Sống, ngay đến Chết cũng còn tượng hình, dù có hồn hay không hồn, dù đầu thai hay không đầu thai, dù tượng hình như Bardo Thodol của Tây Tạng trong Livre des morts tibétain hay Inferno của Dante. Không thể ý thức nếu không có tượng hình.
Tôi chỉ là Tôi bởi vì Tôi tượng hình Tôi; thế giới chỉ là thế giới bởi vì tôi tượng hình thế giới; cuộc đời, tình yêu, chiến tranh, cách mạng, lòng thù ghét, luân lý, giá trị, tất cả mọi giá trị đều là tượng hình. Tôi yêu đời, yêu người, biết sống, biết chết, biết im lặng, biết ồn ào, biết những gì không thể biết; bởi vì tôi là con người biết tượng hình; biết tượng hình là biết cõi vô hình và biết cõi vô hình là nhìn thấy cõi hữu hình mà hình đã được tượng.
Những người điên là những người mà chất người quá mạnh; do đó sự tượng hình của họ quá mãnh liệt, mãnh liệt đến cùng độ, mà thành ra họ sống ra ngoài thế giới của người tầm thường, vì người tầm thường không tượng hình theo kịp họ, rồi đem nhốt họ trong nhà thương điên để trả thù cho bõ ghét. Những người hoạ sĩ vĩ đại nhất của nhân loại là những con người điên vô danh sống dưới mọi chân trời; tôi không lấy làm lạ khi thấy rằng tất cả những thiên tài hội hoạ của nhân loại hiện nay (như Picasso và Paul Klee) đều là học trò của những người điên.
Những đứa con nít là người nhất, vì chúng nó có ma lực tượng hình mãnh liệt ngang hàng với những người điên. Tượng hình là yêu; yêu là tượng hình bằng phù chú của vô hình.
Khi lớn lên vào đời. Tượng Hình biến thành Tượng Nghĩa; cùng với Tượng Nghĩa phát sinh Đối thoại, Xã hội, Cách mạng, Văn minh, máy phát thanh và phóng thanh, coca cola, những rạp chiếu bóng, những nhà khiêu vũ, những nhà tù, những nhà thương điên để nhốt lại những người muốn tượng hình qua sự trung gian của tượng nghĩa.
Hình cũng trải qua ba giai đoạn:
tượng hình;
tượng nghĩa;
tượng chữ.
Lịch sử Mỹ thuật Tây phương cũng trải qua ba giai đoạn theo hướng chuyển động của Hình: giai đoạn tượng hình là giai đoạn trước Thượng cổ và vào Thượng cổ; giai đoạn tượng nghĩa ở vào thời Phục hưng; giai đoạn tượng chữ ở vào thế kỷ XVII, XIX và XX. Paul Klee và Picasso là những hoạ sĩ muốn trở về giai đoạn tượng hình và tượng nghĩa; Paul Klee mạnh về tượng hình hơn tượng nghĩa; Picasso mạnh về tượng nghĩa hơn tượng hình; tất nhiên tượng chữ đến tuyệt đối thì chữ biến thành hình; tượng nghĩa đến tuyệt đối thì nghĩa cũng thành hình và hình được tượng hình đến tuyệt đối thì không còn hình và trở thành vô hình. Khi vô hình chuyển động thì hình và vô hình làm chân trời cho Tính, tức làm Thể của Tính. Dụng thể của thể là nhìn thấy, tức là dụng thể của nhãn; nhãn là thấy, nhìn và nhìn thấy.
Thấy chỉ là thấy khi hai mắt hoạt động nhẹ nhàng như một mắt, nghĩa là không cố gắng, không cần chú ý, chú tâm; nhìn chỉ nhìn khi thấy một cách rõ ràng, đầy cố gắng, đầy chú ý và chủ ý (Meinung của Husserl), đôi mắt trừng lên, ửng lên ánh sáng; còn nhìn thấy chỉ là nhìn thấy khi tôi nhìn thấy bằng đôi mắt thứ ba; con mắt thứ ba ấy ở ngoài đôi mắt hữu hình; mình có thể nhìn thấy bằng đôi mắt thứ ba ngay cả khi mình nhắm mắt lại, nhắm mắt lúc ngủ, nhắm mắt lúc ôm người yêu, lúc làm ái tình, nhắm mắt lúc thức, nhắm mắt lúc chết, nhắm mắt lúc váy lỗ tai; mình có thể nhìn thấy bằng đôi mắt thứ ba chỉ khi nào mình không chú ý và chủ ý theo điều Husserl; đôi mắt thứ ba ngoài hai đôi mắt thông thường mà con người sống trong đời đôi mắt thứ ba thỉnh thoảng xuất hiện khi mình bước vào cầu tiêu, vì bước vào cầu tiêu là bỏ hai con mắt thường nhật ra ngoài. Tất cả thiên tài đều có con mắt thứ ba, nhưng họ chỉ thỉnh thoảng có được con mắt ấy; may lắm là lúc sáng tác mà có được con mắt ấy thì tác phẩm họ là tác phẩm của thiên tài; thiên tài siêu đẳng nhất là người giữ được con mắt ấy một cách thường xuyên, từ giây phút này đến giây phút khác, trong mỗi cử chỉ nhỏ mọn nhất trong đời sống. Giác ngộ là con mắt thông thường, mắt thứ ba và không có mắt.
Mắt là nhãn, nhãn để nhìn thấy. Nhìn thấy là Kiến. Nhìn thấy Tính là Kiến Tính.
Hoạ là Nhìn Thấy Thể. Những bậc giác ngộ là những người nhìn thấy Tính, vì thế những bậc giác ngộ là những người hoạ sĩ đại tài nhất, vĩ đại nhất của nhân loại. Bức tranh của họ không thể thấy được với hai con mắt thường nhật.
Hoạ sĩ là một tu sĩ.
Tham thiền là Tượng Hình; Tượng Hình bằng hơi thở của Vô Hình; mỗi hoạ sĩ thiên tài đều tham thiền tượng hình bằng hơi thở của sự hủy thể qua hơi thở của ánh sáng, dưới sự hủy thể của màu sắc và vật liệu.
Tượng hình là chuyển thấy thành nhìn và chuyển nhìn thành nhìn thấy.
Nhìn thấy là thở nhẹ nhàng và yêu tất cả những gì nhỏ bé nhất mà mình gặp ngày qua ngày, giây phút qua giây phút. Yêu là nhìn thấy những gì từ lâu mình không thấy và không nhìn. Nhìn thấy là nhảy múa với ánh sáng từ sự đồng loã của bóng tối.
Bây giờ chúng ta hãy vẽ một con rồng.
Người phương Tây không bao giờ vẽ rồng được, đó là điều hiển nhiên và hơn nữa họ cũng không bao giờ thích hay muốn làm việc ấy. Người Trung Hoa ngày xưa vẽ rồng, người Việt ngày xưa cũng vẽ rồng, nước Việt Nam cũng được Tính Mệnh tượng hình ra con rồng, nằm dọc theo Thái Bình dương; dân Việt thường tự gọi là con cháu rồng hay con cháu Lạc Long Quân. Vẽ rồng là tượng hình con rồng mà danh từ Hán Việt gọi là Hoạ Long.
Hoạ Long làm sao để Long thành ra Rồng?
Vì là làm rồng, Vẽ rồng là vẽ với Rồng: Hoạ tức thị Long.
Hoạ tức Long. Long tức Việt. Việt tức Tính. Thể dụng của Tính là Mắt: Mắt tức là Nhãn.
Muốn vẽ rồng cho ra rồng thì phải vẽ với mắt. Mắt của mình phải là mắt rồng. Vẽ rồng cho ra rồng thì phải vẽ cho ra mắt rồng. Vẽ được con mắt của con rồng là vẽ ra được con rồng: con mắt rồng là khó vẽ nhất. Phải im lặng, ngồi im bất động, nhìn thấy Hư Không, không nói năng, điều hoà hơi thở, câm lặng trong mười năm, hai chục năm hay năm chục năm hoặc trên một trăm năm như ước nguyện (đại nguyện) của Hokusai thì mới vẽ xong trong một giây, chỉ trong một giây (sau một năm hay một trăm năm) rồi hốt nhiên tỉnh giấc vẽ xong con mắt của con rồng; điểm xong mắt rồng là rồng tung bay ào ào giữa niềm im lặng của trời mây. Người hoạ sĩ Việt ngày xưa, cũng như hoạ sĩ Trung Hoa, mỗi khi vẽ rồng thì họ chỉ nhất tâm vào mắt con rồng, bởi thế chữ Hán Việt có câu hàm xúc: “Hoạ Long Điểm Nhãn”; vẽ rồng thì phải chấm mắt: “Hoạ Long Điểm Nhãn” cũng dùng trong văn chương để chỉ việc nắm được nguyên tắc, nắm được tính thể của việc sáng tác văn nghệ.
Tôi sinh ra đời bên một dòng sông gọi là sông Cửu Long mà cửu long có nghĩa là chín con rồng; hồi nhỏ, tôi thường bơi lội như một con rồng con, ở bên một cù lao, gọi là cù lao Rồng. Thuở nhỏ, tôi thường trốn học để chạy rong chơi ở cù lao Rồng hoặc trốn nhà để tắm bơi ở trong con sông chín con Rồng. Tôi bắt đầu vẽ từ lúc 4 tuổi cho đến lúc 14 tuổi thì tôi bị ép buộc phải bỏ vẽ; cả gia đình tôi ép buộc tôi và giết chết con mắt rồng của tôi; tôi đành phải bỏ vẽ – bỏ tượng hình để theo tượng nghĩa – bỏ vẽ để đọc sách và viết sách. Từ tượng nghĩa (sau một thời gian mười năm) tôi bước đến Tượng Chữ: tôi nói ồn ào trên Hố thẳm hoang sơ. Bây giờ, ngồi ở đây, tại quán cà phê Dôme giữa mùa xuân Paris, giờ gần 12 giờ khuya, tôi đang nói ồn ào về Hội hoạ, về Tính, về Tính Thể của Hội hoạ. Tôi đang tượng chữ về tượng nghĩa của tượng hình. Tôi đang vẽ con mắt của con rồng để cho rồng thành ra rồng, vì “hoạ long điểm nhãn”. Vẽ hình rồng là tượng hình rồng, tôi đang tượng bằng chữ, tôi đang tượng bằng nghĩa. Còn việc tượng hình thì khó thấy được, vì nếu muốn thấy thì phải nhìn và nhìn ra, nhìn chỉ khi nào đã nhìn thấy mà nhìn thấy thì không phải nhìn thấy bằng hai con mắt thường. Phải nhìn thấy bằng mắt vô hình. Hoạ long điểm nhãn thì phải kiến (nhìn thấy) và kiến là kiến tính. Kiến Tính là Nhìn Thấy Tính. Huyền nghĩa của Tính là chính Tính; Tính là Kiến và Kiến là Tính; Kiến Tính không phải Kiến ra Tính mà Kiến đồng lúc với Tính.
Tính Thể của Hoạ không phải là Thể Hoạ, không phải là hoạ một đối tượng. Tính Thể của Hoạ là Thể Hoạ trong Tính và Tính Hoạ trong Thể.
Cézanne là một hoạ sĩ của văn hoá phương Tây; khám phá vĩ đại nhất của thiên tài Cézanne là hoạ sự vật như là sự vật, đối tượng như là đối tượng, hoạ một cách khách quan, objectivement, để cho Objet được tượng hình nguyên vẹn là Objet (đối tượng).
“Objet” của Cézanne là res mà hoạ sĩ phải làm adaequatio với intellectus; res là thể hay thực thể, intellectus là thức hay tri thức, adaequatio là tương ứng xứng điệu. Cézanne thường nói đến réalisation (thể hiện) và modulation (chuyển thể, chuyển điệu); đối với Cézanne thể hiện (réaliser) là tựu thành sự chuyển thể; mà chuyển thể (moduler) thì không khác nào adaequation trong triết học kinh viện (“adaequatio intellectus et rei”: tương ứng thức và thể), như thế, hoạ của Cézanne không đạt tới chân lý vì Cézanne đã ly tính; muốn kiến tính thì không phải tương ứng như adaequatio mà là khai thị.
Paul Klee là một hoạ sĩ vĩ đại khác, cũng thừa hưởng Thể cách Tiền tượng phương Tây; mặc dù Paul Klee có thao thức trầm lặng tu học với lối “hoạ long điểm nhãn” của phương Đông, nhưng Paul Klee vẫn không thoát được, không từ chối được di sản tâm linh của phương Tây; những bức hoạ vĩ đại nhất của Klee là bức Composition và bức Plénitud cùng bức La Mort et la Feu; nhìn thấy những bức hoạ ấy, tôi ớn lạnh như cởi trần chạy rong trong cơn gió chiều mùa xuân ở vườn cây dẻ xanh tại Paris, nhưng chạy rong một hồi thì tôi thấy khát nước. À, tôi nhìn thấy ra rồi, tôi nhìn thấy thiếu nước!
À “La Mort et le Feu” chứ không bao giờ “La Mort et L’eau”. Paul Klee nằm chết vào năm 1940 đang khi miệng khô vì không nhìn thấy nước. Không nhìn thấy nước của Lão Tử mặc dù Klee biết mình cần nước. Không nhìn thấy nước của Đạo đức kinh, bởi vì Paul Klee đã hoạ sự vật như là đối vật, hoạ hình tượng như là đối tượng mà chính Paul Klee đã tượng chữ cho hoạ của Klee là hoạ hình tượng đối diện; Paul Klee gọi chữ Đức Gegenstand (xem quyển Paul Klee, Wege bildnerischen Denkens của Werner Haftmann, nhà xuất bản Fischer Bücherei, tr. 98). Thường khi Paul Klee chủ trương hoạ vô hoạ, tượng hình vô hình; dù Klee có tượng hình vô hình đi nữa; vô hình của Paul Klee vẫn là vô hình theo nghĩa hình vắng mặt, mà hình vắng mặt vẫn là một thứ Gegenstand được che đậy giấu kín trong tiềm thức hay vô thức hay siêu thức hay hạ thức, dù là thức gì đi nữa thì cũng vẫn là thức.
Thức có nghĩa là tượng hình. Tượng hình theo điệu Gegestand là tượng hình qua tượng nghĩa và tượng chữ. Như thế cũng như Cézanne, cũng như gần hết tất cả những hoạ sĩ thiên tài phương Tây, Paul Klee vẫn không thoát khỏi chân trời của Gegenstand mà đồng nghĩa của chữ Đức Gegestand trong Pháp ngữ là chữ Objet – Objet của Cézanne hay Chose (Sache) của Husserl cũng chỉ là biến dạng, những biến thể của “Như là” nghĩa là “L’identique” (Heidegger gọi là “das Gleiche”). Đồng Tính (das Gleiche) đã là cao siêu, nhưng chưa đến được Như Tính (Heidegger gọi là “das Selbe”).
Tính tức là Như, chữ Phạn (sanskrit) của Như là Tâthatâ; chữ Phạn của Tính là Tat. Chữ Phạn, chữ Tàu, chữ Hy Lạp khi xưa đều là chữ tượng hình; từ tượng hình rơi xuống tượng nghĩa, từ tượng nghĩa rơi xuống tượng chữ. Tất cả những nhà học giả Phạn ngữ, Hán ngữ, Hy Lạp ngữ (dù ở Tây hay ở Đông) đều là những người học chữ và tượng chữ, và chữ chỉ là chữ, nghĩa là chết, không có hơi thở. Tôi không nói đến chữ Ả Rập, Do Thái hay Ba Tư; vì ba chân ngữ (Phạn, Hán, Hy Lạp) có dính líu mật thiết với tính mệnh, Tính Mệnh của dân Việt và cả Tính Mệnh của nhân loại hiện nay.
Hoạ là nhìn thấy, nhìn thấy là KIẾN; kiến là Kiến Tính; kiến tính là hoạ long điểm nhãn: điểm nhãn là chuyển NHƯ LÀ thành LÀ; LÀ là NHƯ TÍNH. Như Tính là con rồng mà Nguyễn Du nhìn thấy cây trúc hoá thành rồng sau khi sương tuyết đã tan biến (vô ngôn độc đối đình tiền trúc, sương tuyết tiêu thời hợp hoá long) nghĩa là: khi đất nước Việt Nam đã trải qua một mùa Đông đầy lạnh lẽo tàn phá tiêu điều hoang sơ thì Rạng Đông sẽ xuất hiện: Rồng sẽ bay chuyển động cả nhân loại).
Biến cố quan trọng nhất trong đời Paul Klee là khi Paul Klee đi lang thang qua Tunis ở Bắc Phi thì bỗng nhiên Paul Klee đã nhìn thấy ánh sáng như Van Gogh đã nhìn thấy và ghì ôm mặt trời miền Nam nước Pháp; Paul Klee đã nói: “Màu sắc và tôi chỉ là một!”. Một lần nào đó trong đời, Paul Klee đã muốn là một đứa bé sơ sinh để quên hết hoạ phẩm của Tây phương. Paul Klee muốn như không là, không LÀ: Paul Klee nhìn thấy Lửa mà không nhìn thấy Nước, nhìn thấy ánh sáng mà không nhìn thấy bóng tối, nhìn thấy Màu Sắc mà không nhìn thấy Vô Sắc. Chân trời của Gegenstand vẫn còn đó và Oswald Spengler đã viết một quyển sách thơ mộng dài gần 1.000 trang nhan đề là “Sự suy tàn của Tây phương”. Thế là Paul Klee vẫn là con người theo Faust, gọi là Faustien.
Hồi còn ở Việt Nam, tôi có những người bạn hoạ sĩ; họ say sưa vẽ, say sưa sống, tôi muốn nhắc đến Trịnh Cung, Đinh Cường, v.v. Họ là những hoạ sĩ có chân tài, tôi hy vọng nhiều vào những hoạ sĩ Việt Nam như Đinh Cường, như Trịnh Cung, nhưng nhiều khi họ làm tôi thất vọng: họ nhìn và họ thấy, nhưng không nhìn thấy. Họ khiến tôi nhớ mang máng màu sắc và không khí của Paul Klee, Chagall, Picasso, Modigliani, Kandinsky, Arp, Wols, v.v., nghĩa là họ vẫn bị trói buộc trong chân Gegenstand của Tây phương.
Qua sống tại Pháp, những ngày tháng ở Paris, tôi đã gặp hoạ sĩ Vĩnh Ấn, tôi nhìn thấy rằng anh hiểu Paul Valéry hơn là mấy ông hàn lâm viện Pháp, anh nhìn thấy tất cả tầm vóc của Cézanne và Paul Klee, anh lăng mạ Kandinsky, anh im lặng trước Van Gogh, anh thở hơi thở của mấy hoạ sĩ thiền sư, anh sống Rilke, ăn Henry Miller, nói Henry Miller, đùa Henry Miller, nhìn thấy với Henry Miller; anh uống Kinh dịch, anh chép Đạo đức kinh, anh cười Trang Tử, đóng kịch Shakespeare, đánh mấy cái máy xay lúa bên Tây Ban Nha với Cervantès trở thành thằng khờ (“L’idiot”!) của Dostoievsky ở Ville d’Avray, nơi mà mỗi đêm vào lúc gần 12 giờ khuya, anh trở về lang thang sau một chuyến tàu hoả băng qua hai nghĩa địa – đi về trên, dưới, bằng, với những bóng của lề đường.
Tôi đã nhìn thấy mấy bức hoạ của Vĩnh Ấn: tôi nín thở.
Paul Klee nhìn thấy ánh sáng; vĩ đại hơn Paul Klee là Vĩnh Ấn đã nhìn thấy bóng tối (vì Vĩnh Ấn đã nhìn thấy ánh sáng từ mười năm nay); bây giờ anh thường uống rượu, hút thuốc dấn, làm những việc tầm thường nhất của cuộc đời rồi mỗi đêm trở về trên chuyến xe lửa băng qua hai nghĩa địa, với bóng tối hoạ phù của những cây trắc bá.
“Kẻ nào đã xây cất cầu tiêu này bằng đôi tay mình thì kẻ ấy đã phụng sự cho con người hơn là De Gaulle đã phụng sự cho nước Pháp”.
Henry Miller đi cầu tiêu và nhìn thấy một vũng nước loang đọng trước mặt, Henry Miller sung sướng ngây ngất nhìn vũng nước với đôi mắt con rồng. Henry Miller vẫn suốt đời là kẻ ngạc nhiên, ngạc nhiên từng giây phút. Henry Miller viết một cuốn sách nhan đề “Vẽ và yêu lại” (To Paint Is To Love Again). Đối với Vĩnh Ấn, vẽ cũng là yêu; nhìn thấy đôi mắt anh, tôi nhìn thấy mắt của một người yêu câm lặng. Vĩnh Ấn đã xây cất xong cầu tiêu của đời anh bằng đôi tay trong mười năm trời, bây giờ anh không xây cất gì nữa; mỗi đêm anh chỉ trầm lặng trở về trong bóng tối đi qua hai nghĩa địa. Bức tranh vĩ đại nhất của Vĩnh Ấn không có tên, mà nếu người đời muốn đặt tên thì phải gọi là “Chết và Nước” (La Mort et L’eau).
Đông phương đã có Vĩnh Ấn để vẽ mắt rồng.
Lúc nào? Câu trả lời không cần thiết tại đây và bây giờ. Quán Dôme đóng cửa, tôi bị người bồi mời về. Tính Thể của Hội Hoạ ở ngoài bóng tối trên đường phố về đêm. Con người chỉ cần NHÌN THẤY. Dù giết người mà NHÌN THẤY thì vẫn là vô tội: Nước đang cháy.
(Viết tại Paris, đêm xuân, viết cho đỡ nhớ chữ A của hoạ sĩ Hakuin, thiền sư, vị tổ của phái Lâm Tế ở Nhật Bản, người đã hoạ chữ Phạn A thành ra một con rồng tung trời, người đã kiến tính qua Vô tâm và Vô niệm, trong Đời, trong Hoạ, trong Đạo; chương cuối này được viết tại nơi mà André Malraux đã viết Le Musée Imaginaire (Les Voix du Silence) và trong quyển ấy, nơi gần cuối sách, André Malraux có in kèm thêm bức hoạ chữ Phạn A của thiền sư Hakuin để nói lên Huyền nghĩa của Đông phương mà Tây phương vẫn chưa đón nhận được.)
Kết luận - Mở ra sứ mệnh của hố thẳm
Tìm lại Hàn Mặc Tử và thế giới vô hình
Không thể gọi Hàn Mặc Tử là thi sĩ vĩ đại nhất trong thi ca Việt Nam, Hàn Mặc Tử bay ra ngoài tất cả mọi chân trời, Hàn Mặc Tử là thi sĩ viết hoa bằng máu: THI SĨ.
Leopardi, Keats, Rimbaud, Hölderlin, Hàn Mặc Tử là những THI SĨ của Hố Thẳm Vô Hình:
“Hoa kim tước thơm ngát an phận với sa mạc” (Leopardi, La Ginestra).
Sau Hàn Mặc Tử ngôn ngữ Việt Nam vỗ cánh run rẩy sương mai trong rừng đông bàng bạc.
Trong thế giới vô hình, Rimbaud, Leopardi, Keats và Hoelderlin đều gặp nhau; khi bốn thi sĩ gặp nhau, họ đều thì thầm bàn tán nhau về con chim phượng hoàng ở trời Đâu Suất. Bỗng nhiên từ cõi vô hình một hoả diệm sơn của Thiên Thanh vụt nổ bùng lên, chấn động cả từng tượng thanh khí: Rimbaud, Leopardi, Keats và Hoelderlin hốt hoảng kinh hồn: bốn thi sĩ run lẩy bẩy, “run như hơi thở chạm tơ vàng” vì Hàn Mặc Tử vụt hiện trên ngọn núi lửa và mỉm cười đưa tay rắc máu xuống Hố Thẳm của Việt Nam; lúc bây giờ Leopardi, Rimbaud, Keats và Hoelderlin liền quì xuống cúi lạy những giọt máu cô liêu của thi ca Á Đông.
Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay xà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa.
Phụ lục - Đi vòng quanh Hố thẳm
I. Dịch hoá pháp về hố thẳm
Trong tư tưởng Trung Quán Luận
1. Dịch hoá pháp và Hố thẳm
Dịch Hoá Pháp là một tên ít thông dụng: người Tàu dịch chữ Dialectique là “dịch hoá pháp”; chữ Dialectique còn được dịch là “biện chứng pháp” và cách dịch “biện chứng pháp” được thông dụng hơn cách “dịch hoá pháp”.
Trung Quán Luận là biện chứng pháp nhưng dịch hoá pháp mới là đặc tính rõ rệt của Trung Quán Luận: “dịch hoá pháp” là phương pháp chuyển hoá dịch tướng và dịch tính của vạn pháp; nói cho dễ hiểu hơn, “dịch hoá pháp” chính là ý thức về sự mâu thuẫn của tất cả nhận thức về Hố thẳm, vì Hố thẳm đưa tất cả lý luận đến chỗ bất khả thể nhận, reductio ad impossible, vì muốn nhận thức thì bắt buộc phải nhận thức từ một vị trí, một thế đứng, quan điểm, lập trường, mà Hố thẳm hoàn toàn không lệ thuộc vào động tướng và cũng không lệ thuộc vào bất động tướng; động và bất động là thể cách của dịch, thể tính của dịch là hoá, thể tính của hoá là pháp, thể tính của pháp là pháp tính, tức là Tính.
Tương thế giữa Dịch hoá pháp và Hố thẳm là tương thể giữa cứu thể và phương thể, mà Hố thẳm là cứu cánh của chính phương tiện và là phương tiện của cứu cánh; Hố thẳm chỉ là Hố thẳm khi mình tự do ngay lúc đầu, ngay bây giờ và lúc sau cùng: Hố thẳm là ý thức triệt để rằng chính phương thể là ý thức triệt để rằng chính phương thể là cứu thể, nghĩa là dịch hoá pháp không phải là một phương pháp nhận thức để đi đến Hố thẳm, mà chính dịch hoá pháp là Hố thẳm.
Giải thoát, trong tư tưởng Trung Quán Luận không có nghĩa là giải thoát ngoài khổ đau triền phược; giải thoát ở đây không có nghĩa là thoát khỏi trói buộc nô lệ; giải thoát hiểu theo nghĩa đối nghịch như vậy chỉ là giải thoát ở tục đế, nghĩa là chưa phải hoàn toàn tự do, tự do rốt ráo, tự do tuyệt đối, tự do siêu việt: tự do của Hố thẳm.
Theo Trung Quán Luận, sự nô lệ, sự phiền muộn, đau khổ, chấp trước chỉ là vọng tưởng (Vikalpa). Chúng ta bám chặt vào sự vật, vào ý tưởng, vào con người, vào hoàn cảnh, vào nguyên nhân, vào kết quả, vào mục đích, vào cứu cánh, vào phương tiện, vào sống và chết: chỉ vì vọng tưởng tạo ra những đặc tính và những hình ảnh mà chúng ta tưởng rằng có thực và bất di dịch.
Hố thẳm là tuyệt tưởng, là chấm dứt vọng tưởng, chấm dứt mọi sự tưởng tượng (Sarva-kalpana-ksayo hi nirvànam). Hố thẳm chính là phá hủy hết mọi lập trường và phá hủy cả lập trường phá hủy.
Sau cùng, Hố thẳm cũng không phải là chấm dứt vọng tưởng, vì Hố thẳm chính là vọng tưởng, vì vọng tưởng là nghịch nghĩa với Tự do và khiến con người đi tìm Tự do; con người chỉ đi tìm Hố thẳm và nói đến Hố thẳm khi nào con người còn vọng tưởng; vọng trưởng tuyệt dứt đi thì chính Hố thẳm trở nên vô nghĩa, vì Hố thẳm chỉ có nghĩa là Hố thẳm lúc mình mất Hố thẳm và bị trói buộc.
2. Ý nghĩa của hố thẳm
Trong đời sống, con người chỉ phản ứng lại một cách phiến diện, con người tâm linh, con người của Hố thẳm là con người phản ứng lại mọi sự bằng trọn con người họ, toàn diện, toàn thể, triệt để, nghĩa là thể nhập, làm một với vạn sự, vạn tướng, vạn thể, vạn pháp.
Con người giải thoát làm việc thiện, cứu đời, độ thế, không phải để đạt đến kết quả nào ở đời nay hay đời sau; hành động không mục đích và không lý do; lý tưởng Bồ tát thể hiện trong Đại Bi (Mahàkarunà) là lòng thương không mục đích, vì còn mục đích là còn trói buộc vào nhân và quả, trói buộc là nô lệ, là chấp nhân hoặc chấp quả, chấp ngã hoặc chấp pháp, chấp hữu hoặc chấp không. Hố thẳm chính là phá chấp và phá chấp triệt để, reductio and impossible: đưa mọi sự đến chỗ bội lý, bất lực và bất khả thể tượng; chữ Phạn, trong Trung Quán Luận, gọi là Prasanga (tạm dịch: ứng thời, ứng cơ) hay prasanga-vakya (ứng ngôn) để chỉ sự thất bại của tất cả mọi hướng vọng đi đến Hố thẳm qua định thời bằng biểu thể, biểu hình, biểu tưởng và biểu tượng.
3. Hố thẳm của Trung Quán Luận
Đời sống Hố thẳm phát xuất từ ý thức về đau khổ, trói buộc, xao xuyến, sợ hãi, mâu thuẫn bấn loạn nội tâm. Sự va chạm phũ phàng giữa thực tế và lý tưởng là nguyên động lực thúc đẩy đời sống nội tâm, đời sống tôn giáo, đời sống tâm linh: sự đối mặt với Hố thẳm.
Ý thức Trung Quán Luận về Hố thẳm là ý thức rằng tất cả mọi sự giải quyết về khổ để đều là giải quyết tạm bợ. Chỉ có giải thoát là thể nhập chân không (synyatâ) và chân không chính là đồng nghĩa với Hố thẳm; con đường thể nhập chân không là Trung đạo, mà trung đạo ở đây không phải là trung đạo, theo nghĩa ngoài hai cực đoan. Trung đạo ở trong Trung Quán Luận là con đường không về đâu cả, một con đường không phải đường, một con đường hủy diệt, con đường hủy diệt tất cả mọi con đường, via negativa, con đường tự hủy diệt, tự hủy diệt không phải để sống hay để chết, vì Trung đạo là bát bất, bát bất là bất sinh, bất diệt, bất đoạn, bất thường, bất nhất, bất dị, bất lai, bất khứ.
Bất sinh không chỉ có nghĩa là không sống, vì không sống có nghĩa là diệt, do đó dịch hoá pháp đưa đến bất diệt; bất diệt không có nghĩa là không chết; do đó dịch hoá pháp đưa đến bất thường mà bất thường không chỉ có nghĩa là không còn, và bất đoạn không chỉ có nghĩa là không dứt, vì muốn dứt chỉ phải có cái gì làm nhất trí, làm lý nhất quán, giống nhau, identique, do đó dịch hoá pháp đi đến bất dị không chỉ có nghĩa là không khác, vì nói đến sự giống nhau, nói đến sự vô phân biệt thì phải nói đến nguồn gốc và cứu cánh, không gian và thời gian, nghĩa là làm “rappochement”, “aller auprès”, “approcher”, “approche”, “aller dans la proximité”, mà đi đến giai đoạn dịch hoá bất lai, tức là không đến, mà bất lai không có nghĩa là không đến, vì muốn đến thì phải đi (passer) mà dịch hoá pháp là chuyển đến bất khứ; bất khứ không có nghĩa là không đi mà có nghĩa là ở giữa, con đường giữa, ở giữa chân không, mà chân không không phải là không gian thì làm sao nói đến việc ở, vì việc ấy kêu gọi bất sinh và bất diệt, tóm lại là bát bất và chân không không phải là không gian nên không có vị trí; đó không phải là một nơi mà mình phải đạt đến, một cái gì mình lấy và với tới: do đó “vô sở đắc” chính là cứu cánh của Hố thẳm.
Kệ:
Bất sinh, diệc bất diệt
Bất thường, diệc bất đoạn
Bất nhất, diệc bất dị
Bất lai, diệc bất xuất.
Chữ quan trọng trong bài kệ trên, không phải là chữ “bất” mà lại là chữ “diệc” (cũng, cũng theo); chữ “diệc” ở đây nằm trong chân trời Như Tính (“das Selbe” của Heidegger).
4. Tự do và chân không
Tự do là Sùnyatà: bỏ tất cả vọng kiến, chân kiến, vọng tưởng, vị trí, lập trường, minh và vô minh – drsti, kalpanà, vikalpananta, vidayâ, avidyà.
Dịch hoá pháp là không hoá chân không, Sùnyatà của những kiến, định kiến, thành kiến, chấp kiến, vọng kiến (drstis), Sùnyatà không phải là hủy diệt, mà hủy diệt (not annihilation, but the negation of negation) (cf. Murti, The Central Philosophy of Buddhism, trang 271).
5. Hố thẳm và Niết bàn
Niết bàn không phải là cái mình bỏ hay mình được, không phải diệt không phải trường tồn, không phải phá hủy, cũng không phải được tạo ra (trở về bát bất). Thế dụng của Prajna không phải thay đổi Hố thẳm bằng Cao nguyên mà thay đổi thái độ của ta trước Hố thẳm để tự dịch hoá và thể nhập Hố thẳm. Sự thay đổi vừa đứng về mặt nhận thức luận vừa đứng về bản thể luận mà đồng thời xoá bỏ tất cả nhận thức luận và tất cả bản thể luận (đây là điểm căn bản mà tôi dùng để phá hủy luận án tiến sĩ của ông T. R. V. Murti, tức là quyển The Central Philosophy of Buddhism, quyển sách giá trị nhất ở thế giới về Trung Quán Luận). Đó là Niết bàn và Luân hồi đều mà một, nghĩa là bất nhị. Kẻ chứng Nirvana là Tathàgata, Như Lai, người sống đời sống tự do siêu việt của Hố thẳm, sống ở chết và chết ở sống, theo nghĩa “vivre de mort et mourir de vie” trong fragment 71 của Héraclite.
II. Hố thẳm của ý thức mới
Nh. Tay Ngàn thân quí,
Tao vừa cho tái bản lại quyển Ý thức mới; dựa vào dịp tái bản lần thứ ba này, tao muốn viết đôi lời để nói lên những điều tao cần nói và đồng thời nói luôn với mày những điều tao muốn nói về mày, về tao, về tất cả bọn trẻ chúng mình.
Đây là lần đầu tiên tao viết thư cho mày và có lẽ cũng là lần cuối cùng; tao muốn dùng bức thư này để trả lời chung cho những người đã đọc quyển Ý thức mới của tao và đã khen hay chê về quyển ấy.
Khen hay chê, đối với tao, tao vẫn là tao, nghĩa là tao vẫn luôn luôn thay đổi từng giây phút: tao theo tao; tao thay đổi theo hơi thở của tao, theo dòng máu nóng hừng hực của tao. Nói như thế cũng có nghĩa là khen hay chê đều vô nghĩa đối với tao, vì tao vốn là một thằng kiêu ngạo và tao chẳng từng nói với mày rằng tao có thể làm bất cứ những gì mà con người đã có thể hay sẽ có thể làm được trên đời này? Shakespeare hay Goethe, Dante hay Heidegger, tao coi như những thằng hề ngu xuẩn. Tao có thể nói như thế được, vì ngày xưa tao đã từng tôn thờ những tên ấy như là những gì bất khả xâm phạm trên đời này. Ngay đến Héraclite, Parménide và Empédocle, bây giờ tao cũng xem thường, xem nhẹ; tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện nay; chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà tao đã gặp trong đời sống tâm linh của tao.
Bây giờ tao muốn nói qua ý nghĩ của tao về quyển Ý thức mới.
Tao viết quyển Ý thức mới từ lúc 18 tuổi cho đến 22 tuổi. Bây giờ hiện nay tao vừa đúng 25 tuổi; mấy thời gian gần đây, tao thường nghĩ đến cái chết của tao. Tao thấy rằng nếu tao chết ngay bây giờ thì tao cũng chẳng hối tiếc một mảy may nào cả. Tao đã sống trọn vẹn với tao từng giây phút; tao đã khổ đến điên người, tao đã sướng đến run lên, tao có thể chết được ngay lúc này hay bất cứ lúc nào; đối với tao, thời gian chỉ là một hơi khói bốc lên hay một mùi thơm của con gái xông lên nồng ấm vào lúc ba giờ sáng; còn cái chết chỉ là sự sống bị lột truồng ra, như tao hay mày lột truồng con Nanou hay con Nicole tại xóm St. Denis ở cái thành phố Paris chó má này.
Tất cả những người quen biết tao đều nói rằng tao là thằng rừng rú, ích kỷ, kiêu ngạo, hoang đàng, vô kỷ luật, vô lễ phép, ham ăn, ham uống, ham ngủ, ham “làm ái tình”; tóm lại tất cả những tật xấu của con người đều xuất hiện trong tao. Tao thấy họ nói đúng, nhưng nói ngược lại thì cũng đúng. Tao là một thằng mâu thuẫn cùng cực; muốn nói chuyện với tao thì đừng lý luận, vì tao có thể lý luận xuôi hay ngược gì cũng được. Chẳng hạn như mới hôm qua tao chửi André Gide, tao mắng Jean Paul Sartre nhưng ngày mai mày sẽ thấy tao ca tụng Gide đến tận mây xanh hay tỏ vẻ nồng nàn với Sartre. Tại sao tao không có quyền mâu thuẫn với tao?
Ừ, bây giờ tao hãy nói về quyển Ý thức mới. Tao không bất mãn cũng không tự mãn về quyển này. Nó có đời sống biệt lập của nó, giống như một con tinh trùng của tao; nó nằm đó trong hố thẳm của đàn bà, nằm đó một cách biệt lập cô đơn, rồi trưởng thành, ra đời, mang tên, đi, đứng, thở, rồi lại lặp lại tất cả những gì con người đã làm hay đã không làm trong bao nhiêu muôn ngàn năm. Nhưng thường thì con tinh trùng ấy cũng chết, vừa mới sinh ra thì đã bị chết, vì đất mầu không dung dưỡng nó.
Tao không muốn phê phán quyển Ý thức mới, vì có bao giờ mày phê phán con tinh trùng của mày, hỡi Nh. Tay Ngàn?
Nếu bây giờ tao muốn viết lại quyển Ý thức mới, nhất định là tao sẽ viết mạnh hơn nữa, tàn bạo hơn nữa, phũ phàng hơn nữa. Tao đã thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng tao không bao giờ nên hoà nhượng, không bao giờ nên làm hoà với cuộc sống này. Tao chỉ muốn nổ tung như mười triệu trái bom nguyên tử, rồi nằm ì lăn ra chết bấy thịt như một con rắn lửa, còn hơn là nhẹ nhàng thỏ thẻ tình thương, nhỏ nhẹ lý tưởng cao đẹp, vân vân; tao muốn chửi thề với tất cả lý tưởng: tao chỉ muốn phá hoại và chỉ muốn phá hoại; tao cảm thấy gần gũi với những người tội lỗi hơn là với những thầy tu thánh thiện. Tao thấy rằng tất cả tội lỗi đều vô cùng cần thiết, vì tội lỗi chỉ là một ý niệm lường gạt và không có thực, cũng như chính đời tao cũng không có thực; cuộc đời tao hay cuộc đời mày cũng chỉ là những ngọn lửa của mấy cái diêm quẹt; đó là lý do cắt nghĩa tại sao tao hút thuốc quá nhiều và tại sao tao muốn bỏ hút.
Tao không thuộc vào nhóm nào, đảng nào, hội nào hết. Tao chỉ thuộc vào một chiếc lá; chiếc lá ấy là chiếc lá ngô đồng mà mày thấy rụng tại Place de la Contrescarpe, mặc dù nó hãy còn xanh mà đã rụng rồi. Mày đừng nghĩ rằng tao vừa đưa ra một câu văn thơ mộng. Không, tao thù ghét tất cả thi sĩ; thỉnh thoảng tao chỉ làm thơ để tán gái. Hoặc làm thơ để nhớ rằng Rimbaud đã chết trên gối mền quạnh hiu, để nhớ rằng tất cả thi sĩ đã bỏ xa trần gian này và thời đại này là thời đại mà thi sĩ chỉ còn là thi sĩ khi thi sĩ dám làm tội nhân đứng ngoài vòng xã hội, ngoài vòng xây dựng lý tưởng quốc gia hay nhân loại.
Thi sĩ phải là kẻ đào ngũ, kẻ phản quốc, kẻ phản bội nhân loại. Thi sĩ phải là một bậc thánh tội lỗi, một thằng khờ, một thằng điên, một thằng kiêu ngạo và ghen tị với Phật Thích Ca hay Chúa Giêsu. Thi sĩ phải là một thằng bất lực, vô danh, im lặng và ồn ào.
Hiện bây giờ, nếu viết lại quyển Ý thức mới, tao sẽ bỏ Clémen Rosset, Ivo Andritch và Erich Fromn. Cũng có thể tao sẽ bỏ luôn Somerset Maugham, André Gide, Fédérico Schmidt, Aldous Huxley, Hemingway, Jean René Huguenin.
Mới đây tao vừa đọc xong cuốn Lettre sur les chimpanzés của Clément Rosset (Gallimard xb. 1965), tao nổi giận muốn điên lên. Ngày trước, khi viết cuốn Philosophie tragique, Clément Rosset còn 20 tuổi; tư tưởng không thâm trầm, nhưng vẫn có hào khí mãnh liệt của tuổi trẻ; đó là lý do đã khiến tao cảm mến Clément Rosset; nhưng bây giờ, sau khi đã đậu thạc sĩ triết học và đã thành người lớn. Clément Rosset viết triết lý như viết bài luận rẻ tiền cho một học sinh trung học đệ nhất cấp. Quyển Lettre sur les chimpanzés chỉ đáng để dành cho khỉ vượn đọc, nếu loài khỉ vượn biết đọc chữ Pháp!
Còn Ivo Andritch và Erich Fromn, bây giờ tao thấy hai tên này hoàn toàn non nớt; còn về Somerset Maugham, André Gide, Fédérico Schmidt, Aldoux Huxley, Hemingway, Jean-René Huguenin, tao thấy chỉ nên liệng họ vào cầu tiêu công cộng. Mới đây, tao đọc xong quyển A Movable Feast của Hemingway, tao buồn muốn khóc được. Tất cả những ngọn lửa đều tắt: đó là bi kịch của thiên tài. Một lần nữa, tao lại hiểu thêm rõ ràng ý nghĩa chuyến bỏ đi của Rimbaud.
Còn trường hợp Faulkner, Nikos Karzantzakis, Kafka, Saroyan, Thomas Wolfe, Jean-Paul Sartre thì tao đã dứt nợ với họ rồi, những tên này chỉ đáng bỏ vào một xó tối ở công cộng, dành riêng cho những mụ đàn bà có chửa, dành riêng cho đàn bà đọc những lúc sắp sinh con hay những lúc chờ chồng đi xa trở về. Tao không phải là đàn bà; tao xin gửi những tên ấy về cho đàn bà.
Còn về Thiền tông, Nietzsche và Heidegger thì tao thanh toán xong mấy tháng nay. Tao gửi Thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ một ngôi chùa nào ở thế giới này, như ngôi chùa vàng của văn sĩ Yukio Mishima ở Nhật Bản. Về Nietzsche, tao gửi Nietzsche về một tu viện Thiên Chúa giáo; còn Heidegger thì tao coi như là một tên đóng kịch tài ba, đóng kịch mà vẫn biết là mình đóng kịch, nhưng tao đã chán xem kịch. Đọc cuốn Sein und Zeit của Heidegger đến mấy mươi lần, tao chỉ thấy Heidegger là kẻ giải buồn cho tao một cách kỳ thú vào những lúc tao không muốn ngủ mà chỉ muốn thức để nhớ đến đứa con gái mà tao yêu lần đầu tiên, tên là Hương, mà Hương thì không bao giờ biết tao đã khổ về cô nàng gần 10 năm nay; cô nàng tên thực là Quế Hương; khi đọc Sein und Zeit của Heidegger, đọc chữ Sein ra là Hương. Còn trường hợp Charles Chaplin thì tao cũng không còn thấy cười được như trước. Tiếng cười của Charlot chỉ là một tiếng khóc lật ngược; tao chỉ muốn cười là cười, khóc là khóc, chứ không lật xuôi hay lật ngược.
Chỉ còn một người duy nhất mà tao vẫn kính mến, thương yêu và quí phúc đến cùng độ; người ấy là Henry Miller, năm nay vẫn còn sống, sắp đến 75 tuổi rồi.
Tao cho rằng Henry Miller là thiên tài vĩ đại nhất của cả Đông phương và Tây phương trong suốt ba bốn ngàn năm văn hoá nhân loại. Tao cho rằng Henry Miller vĩ đại hơn Lão Tử, Héraclite, Parménide và Empédocle.
Như mày cũng đã biết rằng tao đã gặp Henry Miller tại California ở Huê Kỳ, Henry Miller nói rằng tao là Rimbaud đầu thai lại thế kỷ này! Tao không vui, cũng không buồn, vì tao tự biết rằng tao là ai và tao vẫn nghĩ rằng chỉ có tao mới có thể làm những gì mà Rimbaud chưa làm được.
Về Henry Miller, tao muốn nói lên lời tiên tri tối hậu, từ năm chục năm nữa trở đi thì Henry Miller sẽ ảnh hưởng dữ dội đến nhân loại còn hơn Jesus Christ ảnh hưởng đến Tây phương hay Phật Thích Ca ảnh hưởng đến Đông phương. Lời tiên tri của tao như lửa đánh vào máu; tao mong mày sống dai và sẽ thấy những gì tao báo trước hôm nay.
Thời gian tao ở Huê Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học mà tao học, như trường đại học Yale và Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn; ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời; tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp, tao đã sống nghèo đói thế nào thì mày cũng đã biết rõ rồi; những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hegel, về Heidegger hay Héraclite. Tao đọc Heidegger hay Héraclite bằng máu với nước mắt; còn mấy thằng giáo sư ấy chỉ đọc bằng đôi mắt cận thị! Những thằng ấy hiểu gì về tư tưởng mà có thể dạy tao? Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giêsu hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng chẳng nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao, tao là học trò của tao và cũng chỉ có tao là làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và tao cũng không để ai làm thầy tao. Nếu tao biết rằng tao là thằng ngu thì tao sẽ đẩy cái ngu tao cho đến tận cùng, mày nghe rõ chưa?
Tao là thế nào thì tao để là thế ấy, tao thay đổi theo sự thay đổi tự nhiên của đời tao, tao sống thì tao sống, tao chết thì tao chết, tao sợ thì tao sợ, tao không sợ thì không sợ.
Cách đây mấy tháng, tao đã đưa mày đi đến Square Rapp để gặp Krishnamurti; tao nghĩ rằng Krishnamurti sẽ giúp đỡ mày nhiều, giúp đỡ mày trở lại mày, trở lại sự cô đơn cùng cực của chính đời mày để mày đừng tự lường gạt mày bằng một mớ hình ảnh, một mớ danh từ thiêng liêng và cao siêu. Ngày trước, tao thường chép lại những quyển sách của Krishnamurti để có thể đi vào ý thức của Krishnamurti một cách sâu sắc hơn, nhưng bây giờ tao cũng thấy không còn muốn nghe Krishnamurti nữa, tao thấy nét mặt của Krishnamurti hay nét mặt của Sri Aurobindo là nỗi quằn quại cùng độ của những người chịu đóng đinh giữa lòng đời.
Tao đã chết ứ máu trên cây thập giá, bây giờ tao hồi sinh, tao chỉ chờ lúc nào mọc cánh thì sẽ bay mất.
Mày là một thằng thi sĩ nghèo nàn; tao chỉ mới quen mày có mấy tháng nay, nhưng mày đã đối đãi với tao như ruột thịt; có lẽ vì cuộc đời mày đã mang quá nhiều tủi nhục đau khổ của Hố thẳm, nên mày đã nhận ra tao và tao cũng nhận ra mày. Mày đã nuôi dưỡng tao bằng tâm hồn trong sạch thơ mộng của mày, chẳng những thế, mày cũng còn chạy đi vay tiền để nuôi dưỡng tao bằng những bao thuốc Gauloises, những buổi ăn trưa và chiều, những đêm say rượu trác táng ở Pigalle hay những đêm khuya trụy lạc ở Strasbourg St. Denis, những buổi chiều lang thang lê lết qua vườn Luxembourg, những chiều mây trắng hoang mang dưới nhà thờ Saint Germain des Prés, những buổi cà phê đen đắng tim ở Montparnasse và những đêm rượu đỏ mưa men trên những hè phố quê người.
Nay mai, tao sẽ rời bỏ Paris để lang thang đến đất trời Ý Đại Lợi, Hy Lạp hay Tây Tạng hay bất cứ một giải đất mơ hồ nào ở cuối trái đất, tao vẫn còn giữ lại màu xám đậm đà ở Paris, trong đó có màu của đôi mắt mày, đôi mắt nửa đêm nửa ngày của Ý thức mới, của một thứ mây mai vừa hiện trên bầu trời sắp sáng, “một khung trời mưng mủ” như một lần mày đã gọi thế, phải không Nh. Tay Ngàn?
Paris, ngày 19 tháng 8 năm 1966
III. Biểu tượng về hố thẳm trong tư tưởng Nâgârjuna
1. Đối tượng của quan sát
Chữ quán hay quan là một chữ quan trọng trong tư tưởng Phật giáo. Quán là xem, nhìn xem một cách chú ý. Trung Quán trong Trung Quán Luận là quán về Trung, nghĩa là Quán Niết bàn.
Đọc lại chương XXV, của Trung Quán Luận, phần Quán Niết bàn:
Nhược nhất thiết pháp không,
Vô sanh vô diệt giả
Hà đoạn hà sở diệt,
Nhi xưng vi Niết bàn?
Đối tượng của quán sát chính là quán sát; đối tượng chính là biểu tượng; biểu tượng chỉ Hố thẳm bằng con đường dịch hoá pháp: Biểu tượng không phải là Hố thẳm trên bình diện Tục Đế (samvrti-satya); biểu tượng tự phá hủy biểu tượng để nhảy thẳng vào Hố thẳm trên bình diện Chân đế (paramàrtha-satya); Hố thẳm chính là nhất thiết, nói rõ hơn chính là nhất thiết pháp mà nhất thiết pháp chính là không: sùnya.
Câu đầu của bài kệ đặt lên đối tượng của sự quán sát và đồng thời phá hủy chính đối tượng ấy, vì đối tượng là Niết bàn mà Niết bàn không phải là đối tượng: Niết bàn chỉ là Niết bàn khi đối tượng, biểu tượng, hình tượng, ảnh tượng đã được phá hủy toàn triệt.
Câu đầu chứa đựng tất cả ý nghĩa của Trung Quán Luận: “nhất thiết pháp không”.
“Nhất thiết” dịch ra chữ Phạn là Sarva “pháp” tức là “dharma”, “không” là “Sùnya”. Ba chữ “Sarva”, “dharma” và “Sùnya” là ba chữ quan trọng trong tư tưởng Phật giáo.
Câu đầu gồm năm chữ:
“Nhược nhất thiết pháp không”.
Chữ quan trọng nhất trong câu trên là chữ “nhược” có nghĩa là “ví bằng” nói lên tính cách giả định của ngôn từ, của biểu tượng.
Đối tượng của quán sát được xây dựng trên sự giả định của biểu tượng, cứu cánh của sự giả định ấy là tự phá hủy tính cách giả định và giả danh để nhảy thẳng vào Hố thẳm của chân lý.
Chữ quán trong quán niết bàn mang ý nghĩa huyền bí, gần gần như chữ vision mystique của Tây phương hoặc chữ voir của Teilhard de Chardin (cf. Le Milieu Divin, Editions du Seuil, 1957, trang 25).
2. Ý nghĩa của toàn thể
Chữ “nhất thiết” (tất cả, hết thảy) gần ý nghĩa “en pánta” của Héraclite; trong bài Tín tâm minh của tổ Tăng Xán của Thiền tông, chúng ta thấy nhất thiết được định nghĩa rõ ràng như vầy:
nhất tức nhất thiết
nhất thiết tức nhất.
“Toàn thể” ở đây không có nghĩa nói chung tất cả các thể: đây là Hố thẳm phân chia sự khác nhau giữa Nâgârjuna và Hegel (cf. Phénoménologie de l’esprit, cuốn I, bản dịch của Hyppolite, tr.18); nhất thiết ở đây chính là Tính; chính câu đầu trong bài kệ đã nói rõ là “nhất thiết pháp”; do đó “nhất thiết” chính là Tính, Tánh; “nhất thiết pháp” chính là Pháp Tánh, Pháp Tính.
3. Tương thể giữa pháp và không
“Nhất thiết pháp không” có nghĩa là “pháp tánh là không”; nói khác đi, Tánh là Không, mà Pháp cũng là Không. Tương thế giữa Pháp và Không là tương thế giữa Không và Không; nói khác đi là Không của Không hay Không Không (Sùnyata-Sùnyata)
4. Con đường của biểu tượng
Con đường của biểu tượng chỉ có giá trị trên thực tế; biểu tượng là hình ảnh; con đường cũng là hình ảnh; con đường của Trung Quán Luận là hình ảnh của Hố thẳm, mà Hố thẳm thì hoàn toàn siêu việt, không phải là hình ảnh; do đó tất cả con đường, tất cả biểu tượng, tất cả hình ảnh đều là những giới hạn của đời sống ý thức; những giới hạn ấy mở phương trời cho tôi thấy Hố thẳm, cho tôi xem, chú ý xem “bản lai diện mục”: “bộ mặt thực” của tôi chính là Niết bàn; quán Niết bàn tức là giải phóng toàn triệt, không còn phải bị trói buộc vào biểu tượng, không còn phải đi trên bất cứ một con đường nào hết, dù là con đường chân lý.
5. Biểu tượng về Niết bàn
Tại sao gọi là Niết bàn, tại sao lại gọi tên cho cái không có và không tên? Không sinh không diệt thì tại sao phải đoạn mà tại sao nói đến sở diệt. Hãy để ý chữ hà trong câu
hà đoạn hà sở diệt
nhi xưng vi Niết bàn?
Chữ hà là chữ quan trọng đánh dấu sự trở về của biểu tượng trong sân khấu biểu tượng; chữ hà (làm sao, thế nào, đâu?) cũng không có lý do tồn tại, vì Niết bàn cũng như đoá hồng của nhà thần bí Angelus Silesius mà Heidegger dùng mở phương trời cho tư tưởng trong quyển Principe de Raison để phá hủy nguyên tắc, đi vào Nguyên lý của chính tiến trình biểu tượng để đưa Tính thể nhảy vào Hố thẳm: “Sein: der Abgrund” (cf. Heidegger, Der Satz vom Grund, Neske, Pfullingen, 1957, p.93).
Niết bàn không còn là biểu tượng, gọi là Niết bàn là gọi tên cho cái gì không tên mà cũng chẳng có thực thể (bhàvasunyatà), mà cũng không vô thể (abhàvasùnyatà).
Kết luận thì Niết bàn chỉ là Nhược, mà Nhược chính là giả định, giả danh, vì thế chữ Phạn có chữ “paramàrtha-sùnyatà” để chỉ rằng Niết bàn không có thực, mà không có thực không có nghĩa là không có, vì vốn là vô sinh và vô diệt, nói gọn lại là:
“nhất thiết pháp không”.
mà chữ Phạn là:
“sarvadharmasùnyatà”
Tóm tắt lại một cách mâu thuẫn và siêu lý thì biểu tượng về Niết bàn cũng chính là Niết bàn.