Vài suy nghĩ về “Nhạc Phạm Duy và những điều cần nói”
Tác giả: Tuấn Hoàng
1. Nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương đã được 4 năm nay. Trong khoảng thời gian ấy, mặc dầu số ca khúc của ông được phép phát hành chính thức không lớn, nhưng nhạc sĩ và Công ty Phương Nam cũng đã có những nỗ lực lớn để tổ chức các show nhạc, ra băng đĩa, in ấn sách… để giới thiệu một số giá trị của kho tàng âm nhạc của Phạm Duy cho khán thính giả ngày nay.
Trên cái nền ấy, và trong khung cảnh nhạc Việt Nam đang bị thương mại hóa, tầm thường hóa về ca từ, đơn giản và nghèo nàn hóa về nhạc điệu, việc nhạc PD - cũng như nhạc của nhiều nhạc sĩ cũ, từng có thời bị cấm đoán, hoặc ít lưu hành - được công luận để tâm lưu ý, là điều dễ hiểu.
Và, khi đã nói đến tác phẩm, dư luận không khỏi không đề cập tới con người tác giả - ấy là trường hợp của Trịnh Công Sơn (qua bài viết của họa sĩ Trịnh Cung mới đây), cũng như, của Phạm Duy qua bài báo “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” của tác giả Khánh Thy, đăng trên Công an Nhân dân Cuối tháng (tháng 4-2009).
2. Tưởng đã qua rồi cái thời câu nói “văn tức là người” (bị quy cho văn hào Nga Maxim Gorky[1]) được diễn giải một cách thô thiển và tùy tiện, theo hướng đánh đồng một cách máy móc giữa tác phẩm và tác giả.
Với cách hiểu ấy, Vũ Trọng Phụng - tác giả những tiểu thuyết trứ danh về cái xấu xa, đen tối, bê tha của kiếp người - thì ắt hẳn phải là một kẻ tệ hại, hút sách và lưu manh. Ngược lại, các vị lãnh tụ được bộ máy tuyên truyền sùng bái và đánh bóng ở mức cao nhất, thì cứ phải là những bậc “đại bút”[2].
Theo quan điểm như thế, sẽ rất khó tin và chấp nhận, nếu chúng ta biết rằng nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của Thuyết Tương đối và của nhiều tư tưởng nhân văn, hay các nhà tư tưởng lớn như Jean-Jacques Rousseau, Karl Marx… đều là những người tệ hại trong đời tư, thiếu trách nhiệm trong các mối quan hệ tình ái, gia đình…
Tuy nhiên, lịch sử đã rất công bằng và họ đã được hậu thế đánh giá thỏa đáng thông qua di sản họ để lại cho đời!
3. Trở lại trường hợp Phạm Duy, rất cần sự sòng phẳng, tránh lập lờ, “đánh tráo khái niệm”, khi cần đánh giá con người và sự nghiệp của ông!
Con người Phạm Duy, bao gồm con người cá nhân và con người chính trị, có thể hay, dở tùy góc nhìn.
Về mặt cá nhân, ông có thể là con người “đào hoa”, lắm nhân tình nhiều nhân ngãi, nhưng đấy là chuyện cá nhân của ông và gia đình ông, người ngoài không ai có quyền tự tiện phán xét. Là một nghệ sĩ nhưng cũng có trách nhiệm đối với gia đình, Phạm Duy đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ (hay chịu đựng) của người vợ hiền Thái Hằng, của các con trên con đường sáng tạo và đó là câu trả lời của gia đình ông đối với những ai muốn mang đời tình ái của Phạm Duy để làm cớ bỉ thử ông.
Về chính trị, trong những trầm luân của đất nước và thời cuộc, Phạm Duy luôn có những lựa chọn riêng cho mình. Đây cũng là điều có thể bàn cãi, tranh luận, nhưng nhất quyết không thể theo kiểu quy chụp cũ kỹ và ấu trĩ, khi cặp phạm trù đối nghịch “ta” - “địch” được coi là quyết định vận mệnh một con người và sự nghiệp của đương sự.
Một điều khó chối cãi: với tất cả những “đường đi nước bước” của mình, có thể đúng, sai xét trên những góc độ khác nhau, nhưng cuộc đời Phạm Duy là một minh chứng về “vận nước nổi trôi” của đất Việt thế kỷ 20 mà ông đã là một chứng nhân tích cực với mọi nỗi “khóc cười” của mình!
Những nói cho cùng, điều để lại của một nghệ sĩ và làm nên giá trị của họ, vẫn là những sáng tác mà nhờ đó, tên tuổi họ còn được “lưu danh thiên cổ”. Xét về dài hạn, công chúng rất công bằng và sáng suốt: không một thứ tuyên truyền nào, cho dù là từ phía chính quyền, từ những toan tính chính trị mà phần nhiều chỉ mang tính thủ đoạn, nhất thời, không một thứ PR nào từ báo chí và thị trường, có thể khiến một tác phẩm (và qua đó, tác giả) trường tồn, nếu bản thân tác phẩm là thứ vô giá trị!
Và, nhạc Phạm Duy là như thế. Việc báo chí “săn đón và tâng bốc thái quá” (lời phàn nàn của nhạc sĩ Phạm Tuyên) các show diễn nhạc Phạm Duy, chỉ là để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của đông đảo người yêu nhạc, muốn sống lại những năm tháng của đời mình với dòng nhạc vô cùng phong phú về thể loại và đa dạng trong cách thể hiện của Phạm Duy. Hoặc đơn thuần, cho những ai muốn nghe nhạc “chất lượng”. Chấm hết!
Nói gì thì nói, bao nhiêu thế hệ dân Việt đã ý thức được bản sắc Việt, biết yêu “tiếng nước tôi“, người nước tôi, biết thương “mẹ Việt Nam không son không phấn“, yêu “con đường cái quan” tượng trưng cho đất nước để căm ghét chiến tranh tàn phá, hoặc cá nhân hơn, biết yêu thương người tình kể từ khi “ngày đó chúng mình” đi nhẹ vào đời” - đấy là lời đánh giá chính xác nhất và xác đáng nhất về nhạc Phạm Duy!
4. Trong số ba nhạc sĩ được tác giả Khánh Thy nhắc tới trong bài viết kể trên, Phạm Tuyên là một trường hợp đặc biệt.
Nếu không bị những quy chụp về thành phần gia đình, với tài năng của mình (mà đa phần, ông đã chứng tỏ trong những ca khúc mặc dầu mang tính tuyên truyền, cổ động, nhưng ít nhiều cũng có giá trị riêng của nó trong thời chiến và đến giờ vẫn được nhiều người nhớ), Phạm Tuyên đã có thể là một “công thần” trong làng nhạc XHCN, như Trọng Bằng, hoặc một quan chức âm nhạc như Hồng Đăng.
Có điều, cái án oan uổng và tàn độc đối với học giả Phạm Quỳnh (mà chỉ đến thời gian gần đây mới được cởi) cũng đã theo Phạm Tuyên đến già nửa đời. Để rồi, sau biến cố 1975, khi Phạm Tuyên đã có “Như có Bác trong ngày đại thắng”, bài ca để đời trong sự nghiệp phục vụ cách mạng của ông, thì sau đó ông cũng vẫn dễ dàng bị quy chụp khi phổ thơ Bùi Văn Dung thành ca khúc “Gửi nắng cho em”, hiền hậu pha chút lãng mạn “tiểu tư sản”, nhưng chẳng hề mang chút “hậu ý” nào.
Những tưởng, trong cảnh ấy, Phạm Tuyên có thể đồng cảm với những gì mà người nghệ sĩ cùng họ với ông phải chịu, và vui mừng cho những thành công của một đồng nghiệp, một người anh. Người viết những dòng này có dịp chứng kiến Phạm Tuyên vui vẻ, tay bắt mặt mừng bên Phạm Duy trong buổi “Minh họa Kiều” (Kiều ca) đầu năm nay ở Hà Nội.
Mười lăm năm trước, tôi đã từng thâu lại cả loạt cassette của các nhạc sĩ miền Bắc - trong đó có Phạm Tuyên - để giúp Phạm Duy có thêm tư liệu trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu các sáng tác của những đồng nghiệp ở nơi xa, mà ông luôn nhắc tới với sự trọng thị. Đầu xuân 2009, tôi đã vui mừng biết chừng nào trong dịp ấy, khi hai nhạc sĩ có dịp hạnh ngộ, dù chỉ là qua vài câu nói, nụ cười, ánh mắt.
Để đến bây giờ, đọc phát biểu của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ánh lên những bất mãn, đố kỵ và cả yếu tố kích động, quy chụp khá lộ liễu, thấy buồn. Cách cư xử ấy không xứng đáng với cả một nghệ sĩ bình thường, nói gì đến một nhạc sĩ thuộc hàng “gạo cội” một thuở của miền Bắc!
Đã có nhiều người lên tiếng phản ứng về ý kiến của các vị Trọng Bằng, Hồng Đăng và Phạm Tuyên. Thực ra, những gì ba vị bày tỏ trong bài báo (giả thiết là các vị không phải nói theo chỉ đạo) không chỉ đã cũ mèm, quá lỗi thời và vì thế, ít được ai để ý, mà chúng còn phản ánh nhiều “ẩn ức” của chính họ, trên cương vị những “công thần” của dòng nhạc cách mạng.
Không thể giải tỏa, các vị buộc phải “trút” lên người khác, thành công hơn và được công chúng yêu thích hơn mà không thông qua bất cứ một mệnh lệnh, một sự “định hướng” nào!
Tiếc lắm thay!
© 2009 Tuấn Hoàng
© 2009 talawas blog
[1] Thực ra, câu của Gorky là: “Văn học là nhân học“.
[2] Ngay như lãnh tụ Liên Xô một thời, Brezhnev, điển hình cho tuýp lãnh đạo dốt nát, khiến cả đất nước trì trệ, bế tắc, cá nhân thì không nói nổi mấy câu chúc mừng sinh nhật đồng sự nếu không có mục kỉnh… và “diễn văn” do thư ký viết sẵn, mà cũng cứ phải là tác giả được giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý nhất, cho những hồi tưởng do… người khác viết hộ!
Create PDF
Phản hồi
12 phản hồi (bài “Vài suy nghĩ về “Nhạc Phạm Duy và những điều cần nói””)
1.
Phùng Tường Vân nói:
01/06/2009 lúc 2:16 sáng
Vì “Huynh” đã có lời hạ vấn (01/06/2009,12:58 sáng), nên không thể không có đôi lời thưa lại, nhưng chỉ xin rất vắn tắt: cái mà tôi gọi là “dáng đứng Phạm Duy” nó quái dị lắm Huynh à. Huynh cũng biết nhiều chuyện đấy chứ, nên thiển nghĩ những chuyện chỉ làm rác tai thêm người thức giả thật không dám nói thêm. Tôi tuyệt đối cũng chưa bao giờ là người mà ông Nguyễn Đắc Xuân gọi là dội “gió tanh mưa máu” lên nhân cách Phạm Duy, vả lại chuyện nhân cách thì có dính gì đến nghệ thuật, tuy nhiên thấy một nghệ sĩ mà mình vốn quý trọng có những “dáng đứng” nó quái quá thì cũng buồn, tỉ như gần đây nhất thấy ông ta cầm cái CHỨNG
MINH NHÂN DÂN mới được cấp, cười trước ống kính của một nhiếp ảnh gia, thì phải thưa là cái nham nhở đến như vậy thì bút mực ở cõi nhân gian này thật không thể nào mà tả cho hết được!
2.
Huynh nói:
01/06/2009 lúc 12:58 sáng
Thưa hai độc giả Phùng Tường Vân, Trần Huy Bách:
Độc giả Phùng Tường Vân không muốn dính dáng thêm nữa đến “dáng đứng Phạm Duy”. Nhưng đã lỡ nhắc đến rồi, tôi xin mạn phép làm phiền hai ông thêm một lần nữa thôi. Tôi muốn trao đổi thêm với hai ông về “dáng đứng Phạm Duy”. Không dám lạm bàn về chuyện nghệ thuật gừng thuật ở đây.
Ông Bách nói, nhiều người cho là Phạm Duy trịch thượng và tráo trở. Tôi ở trong nước, thế hệ sau không biết gì nhiều. Nhưng qua bài phỏng vấn gần đây trên vietnamnet:
http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/03/838470/
tôi thấy Phạm tiên sinh rất ư là khiêm tốn, nhún nhường và rất “ngoan” đấy chớ! Tiên sinh có thủ thỉ “ngày xưa tôi là đứa con hư. Giờ tôi ngoan rồi”!
Xin chúc cho Nhạc sĩ yêu quý của chúng ta ở tuổi “cửu thập cổ lai hy” càng ngày càng “ngoan” hơn nũa!
Trong Hồi ký của một thằng hèn, nhạc sĩ Tô Hải có nhận xét Phạm tiên sinh là chuyên gia trở cờ. Giờ đây tôi dám đánh cược rằng Phạm tiên sinh đã tìm thấy được ngọn cờ lý tưởng của mình rồi, và không bao giờ trở nữa!
Xin hai độc giả tha lỗi đã làm phiền.
Tái bút: Lúc còn bên trời Tây, Phạm tiên sinh có nói nhạc của tôi đi vào lòng của triệu triệu dân Việt Nam thì dễ mà sao để lọt tai ông Đỗ Mười khó thế. Nhạc sĩ yên tâm! Tôi nghĩ lúc này nhạc của tiên sinh không những lọt tai Đỗ Mười, còn lọt tai nhiều vị tai to nữa. Chỉ có điều hơi khó lọt tai các vị nhạc sĩ thiên lôi “gác đền” trong nước chỉ vì lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ, ganh ăn tức ở thôi.
3.
Giac Van Pham nói:
31/05/2009 lúc 9:41 sáng
Ơn đảng cao dầy tựa thái sơn
Thù nhà con gác lại một bên
Hổ phụ Phạm Quỳnh sinh cẩu tử
Ân oán giang hồ chuốc chi thêm
4.
huynh nói:
31/05/2009 lúc 12:36 sáng
Ý kiến của độc giả Phùng Tường Vân và Trần Huy Bách thật thú vị!
Còn bài viết của Tuấn Hoàng thì hơi bị… gửi nhầm địa chỉ! Bài này nên gửi đến báo Nhân dân hoặc báo An ninh Thế giới vừa đăng “giáo huấn” của ba ông nhạc sĩ “thiên lôi” kia là thích hợp nhất.
Lại lên giọng dạy dỗ cần phải tách tác phẩm và tác giả ở một diễn đàn như talawas này.
Làm gì để “chiêu tuyết” cho Phạm Duy mà ông Tuấn Hoàng phải đao to búa lớn viện dẫn đến Albert Einstein, Jean-Jacques Rousseau…? Thật là dùng “dao mổ trâu để cắt tiết gà”, không đáng!
5.
Hoà Nguyễn nói:
30/05/2009 lúc 11:29 chiều
Bốn năm về nước cũng là dài, đủ lâu để Phạm Duy và nhiều người tưởng ông có thể trở lại, hoà nhập được cuộc sống ở nơi ông sinh ra, lớn lên, thành danh như một nhạc sĩ tài ba, được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng có thể vì tên tuổi và được ái mộ hơn nhiều người mà Phạm Duy gặp rắc rối hiện nay. Cũng có thể sự kiện ba nhạc sĩ là “trụ cột” nền âm nhạc VN cùng viết trên An Ninh Thế giới báo hiệu một điều gì lớn hơn là ganh tỵ tài năng như vài người nghĩ. Sao không thể là khởi đầu cho sự trù dập, đánh phá, huỷ diệt thanh danh, để đưa vào quên lãng như từng xảy ra trong quá khứ đối với các văn nghệ sĩ khác, như Văn Cao. Nếu thế, bài viết với lời mạnh mẽ của ông Nguyễn Đắc Xuân và ông Tuấn Hoàng không phải chỉ bày tỏ nỗi bất bình, mà còn có thể là sự báo động, cảnh giác, ngăn chặn cho những tệ hại hơn. Nguyễn Đắc Xuân nêu lên, làm như thế là không tôn trọng nghị quyết 36, nhưng có phải chính ông Xuân đang ngây thơ tin nghị quyết này không phải chỉ có giá trị tuyên truyền, lợi dụng. Là người biết rõ chính sách trong nước, còn “vừa là đồng chí vừa là anh em” với ba nhạc sĩ phê phán Phạm Duy, NĐ-Xuân lại có những nhận xét nặng cảm tính, nhưng nhờ thế mà chân thật hơn chăng. Ông ND-Xuân nói thay cho nhiều người ở miền Nam trước đây về con người và về nhạc Phạm Duy, với tuổi thơ, tuổi thanh xuân, trung niên (và cả lão niên) của họ được ru trong những dòng nhạc tươi sáng, lãng mạn, qua lời hát sánh như thơ, đầy tình tự dân tộc của Phạm Duy, mà nhiều người ngoài này và trong nước vẫn chưa quên.
6.
Phùng Tường Vân nói:
30/05/2009 lúc 10:20 chiều
Kính ông Trần Huy Bách,
Tôi không khỏi có đôi điều tâm đắc trong phản hồi của ông vừa được đọc sáng nay (30/05/2009, 8:04 chiều), chính vì thế mà tôi chỉ dám nói là “tam ông” hơi dại, tôi không bênh vực ông Phạm Duy, không băt bẻ gì tình, lý… các vị kia nêu ra, chuyện ấy chẳng hạn như ông Nguyễn Đắc Xuân đã làm một cách “dở ẹc” trong một lá thư tràng giang đại hải trên mạng vietstudies.info mới đây. Tôi mà như các vị “đại thụ” trong làng nhạc trong nước bây giờ, nếu quý vị ấy ra một lời kêu gọi “hỡi những ai có nhạc mà hát không ai còn muốn nghe nữa, đoàn kết lại” v.v… để có được một cái quyền lực là tất cả những sáng tác, tối tác của Phạm Duy cứ “nhốt” chặt vào kho, không cho hát cho hò gì hết thì “ấy mới là mưu kế thật khôn, mà lại suốt xưa nay chưa có” (BNĐC - Nguyễn Trãi), chứ còn cứ nói năng cay cú mãi tỉ như ông Nguyễn Chính (?) trước đây thì đúng là tỏ dại.
Những ai binh, chống ông Phạm Duy (khổ quá, cứ phải nhắc đến ông này mãi về những chuyện chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật, gừng thuật gì hết), xin quý vị nhớ cho rằng ông ta dinh tê hay trở về đều vẫn là một nhân cách đó thôi, đừng đội bất cứ vòng nguyệt quế nào cho ông ấy, chỉ tổ để ông ấy cười khẩy cho đấy thôi, cũng chả nên bắt bẻ gì nhân cách của ông ấy: “trịch thượng, tráo trở”…, còn nhiều hơn thế nhiều ông ạ, nhưng thôi không khéo chính tôi cũng lại sắp sa đà vào những chuyện nhảm nhí dính dáng đến cái “dáng đứng Phạm Duy” mất rồi!
7.
Trần Huy Bách nói:
30/05/2009 lúc 8:04 chiều
Tôi không ngạc nhiên và cũng không biết phải “đứng trên cơ sở” nào để đánh giá lời phát biểu của các ông Trọng Bằng, Phạm Tuyên và Hồng Đăng. Lý do thật rõ ràng, dễ hiểu, là ba ông không chỉ là nhạc sĩ (XHCN) mà còn là những đảng viên CS. Nếu chỉ phân tích những lời phát biểu này dưới phạm trù âm nhạc, tôi e rằng chúng ta đã “lội ngược dòng sông”.
Phạm Duy là một nghệ sĩ, là một “cây cổ thụ” trong làng âm nhạc Việt Nam, nhưng cuối cùng đã chọn “bó tay về với triều đình”, tất nhiên ông ta phải chịu ít nhiều hệ lụy từ quyết định đó. Hãy để cho chính ông ta phải trả những cái giá mà ông ta phải trả. Biết đâu đó lại là một cuộc mua bán sòng phẳng để ông thấy lòng được nhẹ nhàng hơn.
Nhiều người mê nhạc Phạm Duy, nhưng không trọng con người Phạm Duy: trịch thượng và tráo trở.
Nhưng thôi, xin hãy để cho một chiếc lá sắp rụng được trở về cội. Con cá hồi nào muốn theo dòng nước ngược để trở về cội nguồn, đều phải trải qua bi thảm, có nhiều khi chưa bơi đến cội đã phải chết giữa dòng.
8.
Nguyễn Hoài Phương nói:
30/05/2009 lúc 7:05 chiều
Có một bác nhạc sĩ
Tên là Phạm (Văn) Tuyên
Từ ngày đi theo Đảng
Trở thành rất chính chuyên (đáng lẽ phải viết chuyên chính)
Ngoài việc sáng tác nhạc
Bác còn đi đánh người
Những việc làm của bác
Đảng ta rất hoan nghênh
9.
Bắc Phong nói:
30/05/2009 lúc 6:10 chiều
phê bình hay đánh người chạy lại
đáng buồn thay các bậc anh tài
đức phật dạy những lời ganh tị
thực ra là những tiếng bi ai
10.
Phùng Tường Vân nói:
30/05/2009 lúc 6:04 chiều
Thôi mờ, ông Phạm!
Ông nặng lời làm chi, chẳng qua như tôi đã thưa, các ông ấy hố quá, các ông ấy không hiểu nổi Ngô Thì Nhậm “… gặp thời thế thế thời phải thế”, này nhé: đối với Phạm Duy và những trường hợp tương tự (còn dài dài), một khi các ông ấy đã không có một cái quyền lực như một ông Tố Hữu thuở nào khi ông ấy phán: “Nhốt chúng nó lại, vứt chìa khoá đi!” thì tốt hơn là im đi.
11.
Phạm Quang Tuấn nói:
30/05/2009 lúc 11:42 sáng
Một điểm nhỏ: theo tôi biết thì câu “văn tức là người” là do câu “le style c’est l’homme même” của Buffon (1707-1788).
Đọc bài phỏng vấn ba vị nhạc sĩ tôi thấy vừa buồn cười vừa tởm. Đóng góp cho kháng chiến, cho dân tộc… để rồi trở thành những con người nhỏ mọn bần tiện như thế sao? Vậy thì việc dinh tê của Phạm Duy rất đúng, đúng cho Phạm Duy, và đúng cho âm nhạc Việt Nam.
12.
Phùng Tường Vân nói:
30/05/2009 lúc 3:28 sáng
Tôi còn nhớ sau buổi trình diễn nhạc Phạm Duy (trở về) lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh có một nhạc sĩ mà tôi đã quên mất tên, nhưng còn nhớ ông là con của cụ Nguyễn Xiển (một danh sĩ miền Bắc, nguyên Chủ tịch Bắc Bộ sau Tổng Khởi nghĩa) cũng có một bài viết trên talawas (bộ cũ), có vài độc giả đóng góp ý kiến này khác, sau đó thì… êm luôn. Đến bây giờ, gần như bổn cũ lại được soạn lại và ba vị lên tiếng đều là những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đương đại. Trừ khi có một động cơ nào mà tôi không được biết, việc lên tiếng lần này của các ông Hồng Đăng, Trọng Bằng, Phạm Tuyên, nhất là hai vị sau, cho thấy là các ông có một cái “lapse” về phán đoán rất lớn, nói nôm na là các ông… dại quá!