11.1.2007
Nguyên Ngọc
Một sự nghiệp lớn và cấp thiết
(Phát biểu tại lễ ra mắt Quĩ Dịch thuật Phan Chu Trinh - thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - ngày 9/1/2007 tại Hà Nội)
Tôi xin cảm ơn ban tổ chức đã dành cho tôi vinh dự được nói vài lời trong buổi gặp gỡ trang trọng này, buổi gặp gỡ, tôi tin vậy, mở đầu cho một công việc rồi về sau hẳn sẽ được ghi nhớ như một cái mốc quan trọng trong đời sống văn hóa của chúng ta.
Tôi muốn mở đầu bằng một câu chuyện và mấy con số. Đó là chuyện cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill, từ lâu đã được coi là kinh điển không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu ở Anh năm 1859. Không đầy 10 năm sau, năm 1868, nó đã được dịch ở Nhật Bản, số phát hành lên đến 2 triệu bản, trong khi dân số Nhật lúc bấy giờ chỉ 36 triệu người. Có thể nói chắc chắn điều này gắn liền sâu sắc với công cuộc duy tân nổi tiếng của Nhật cách đây mấy thế kỉ, cuộc lựa chọn vĩ đại đã đưa nước Nhật vào một con đường và đến một số phận khác hẳn các nước châu Á bấy giờ hầu như đều ở trong hoàn cảnh và đứng trước những thách thức sống còn tương tự. Nước Nhật ngày nay cũng đang đứng đầu thế giới về số người đọc và về số sách dịch. Tôi nghĩ sẽ không quá đáng khi nói rằng tình hình đặc biệt đó không phải không có liên quan gì đến điều mà ta vẫn gọi là “sự thần kì Nhật Bản”. Có lẽ cũng nên biết rằng hầu hết các thuật ngữ về xã hội học, triết học, chính trị học, và nhiều khoa học khác đang được sử dụng ngày nay ở ta chính là xuất phát trước tiên từ Nhật, chính người Nhật là những người đầu tiên đã sáng tạo ra các thuật ngữ ấy để dịch các khái niệm du nhập từ phương Tây trong quá trình duy tân và hiện đại hoá của họ, các thuật ngữ này sau đó được các nhà cách mạng Trung Hoa đưa vào tiếng Trung, rồi mới chuyển sang Việt Nam. Và như ai cũng hiểu, một khái niệm mới chỉ có thể hình thành, định hình trong một xã hội, trong đời sống một dân tộc khi trong ngôn ngữ của xã hội và dân tộc đó đã chính thức xuất hiện những thuật diễn đạt những khái niệm ấy. Chính những khái niệm mới được định hình tạo ra những chuyển động xã hội, thậm chí những cuộc cách mạng xã hội rộng lớn, quyết định số phận các dân tộc.
Một ví dụ Nhật Bản thôi hẳn cũng đã khá đủ để cho ta thấy vai trò của dịch thuật trong đời sống và phát triển của các dân tộc. Đúng ra đấy là một quy luật phổ biến: một dân tộc, một đất nước chỉ có thể phát triển - thậm chí tồn tại mà không bị mỏi mòn, mai một – qua việc trao đổi liên tục với những nền văn hóa khác mình, trong đó dịch – “dịch” bằng cách này hay cách khác - là một phương tiện quan trọng nhất; và những biến đổi quan trọng nhất của đời sống một dân tộc thường gắn với những công cuộc tiếp nhận những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, càng xa và mới lạ thì tác động càng mạnh và càng quyết định, và cũng thường chủ yếu thông qua dịch thuật.
Ngay lịch sử ta cũng từng chứng minh khá rõ điều này: tiếp nhận văn hóa Phật giáo Ấn Độ thông qua dịch kinh Phật rất sớm ngay từ vài thế kỉ trước Công nguyên, tạo nên một nền văn hóa Việt rất độc đáo kết hợp văn hóa bản địa với văn hóa Phật giáo, đủ sức chống lại đồng hoá một nghìn năm của văn hóa xâm lược phương bắc; tiếp nhận văn hóa Trung Hoa Nho giáo bằng một lối “dịch” rất đặc biệt, qua một ngôn ngữ Hán Việt, viết Hán đọc Việt, cũng tạo sức mạnh văn hóa đủ để tồn tại một nghìn năm tiếp theo độc lập bên cạnh một đế quốc khổng lồ, và hơn thế nữa còn nhân đôi lãnh thổ về phương Nam; tiếp nhận văn hóa phương Tây, trước tiên bằng đọc trực tiếp, rồi bằng dịch, để tạo nên xã hội Việt Nam, văn hóa và văn học Việt Nam hiện đại …
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong thời kì cận đại và hiện đại, việc tiếp cận và dịch thuật những tri thức tinh hoa của nhân loại ở ta khá chậm trễ và phiến diện. Các tác phẩm văn học thế giới được giới thiệu và dịch khá hơn, nhưng cũng chưa thật có hệ thống; đặc biệt từ khi có tác động của kinh tế thị trường thì vừa có mặt phong phú, đa dạng hơn, lại vừa có mặt hỗn độn hơn, chất lượng dịch nhiều khi rất kém. Còn những tác phẩm tinh hoa thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn thì rất vắng bóng. Trước Cách mạng Tháng Tám, có thể nói ở Việt Nam hoàn toàn không có một tác phẩm triết học quan trọng nào của phương Tây được dịch ra tiếng Việt. Sau năm 1945, đặc biệt sau năm 1954, một số tác phẩm triết học đã được dịch khá công phu, nhưng cũng chỉ tập trung trong hệ tư tưởng Mác-Lênin. Có thể nói, không hề quá đáng, chúng ta hầu như bị đứt mất hàng trăm năm với tinh hoa của tri thức toàn diện của nhân loại. Chỉ một ví dụ này thôi cũng đã quá hùng hồn: Cuốn sách kinh điển “Bàn về tự do” của John Stuart Mill vừa nói đến trên kia mãi đến năm 2004 mới được dịch lần đầu tiên ở ta, và cũng chỉ in lèo tèo có một 1.000 bản, tức chậm hơn Nhật một thế kỉ rưởi và số lượng in thì ít hơn họ 2.000 lần! Có phải chỉ qua một điều này thôi đã có thể cắt nghĩa được sự chậm trễ hàng trăm năm của ta so với cái đất nước cách đây nghiệp phục hưng dân tộc. Tôi muốn đề nghị trong buổi họp mặt hôm nay, ít nhất và trước hết vài thế kỉ hoàn cảnh cũng chẳng hơn gì ta, và ngày nay ta thật sự chẳng biết đến bao giờ mới đuổi theo cho kịp. Quả thật cho đến hôm nay, ta vẫn còn là một ốc đảo cách biệt rất xa với đại dương mênh mông của tri thức nhân loại, cả cổ điển lẫn đương đại, đó là điều không thể và cũng không nên cố tìm cách chối cãi.
Cho nên sẽ hoàn toàn không đầy đủ, sẽ là phiến diện và thậm chí nguy hiểm, nếu trong chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước không thật sự có kế hoạch toàn diện, nghiêm túc, có hệ thống, và cả bức bách nữa, dịch thuật tinh hoa tri thức thế giới như một trong những chiến lược then chốt của phát triển, hoặc cũng có thể nói cách khác, trong sự trong những người tâm huyết chúng ta, thống nhất với nhau về nhận thức ấy, để rồi từ đó mới bàn đến những kế hoạch, những công việc cụ thể, và cũng từ đây loan nhận thức này ra toàn xã hội. Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, với Nhà xuất bản Tri Thức làm trung tâm đầu tiên, chỉ có thể thành công nếu chúng ta thật sự nhận ra tình hình nghiêm trọng này, và từ đó thống với nhau nhận thức này.
Cách đây hơn một thế kỉ có một người Việt Nam đã giật mình hiểu ra tình hình này, nhận ra sự lạc hậu chết người của xã hội ta về văn hóa và tri thức giữa một thế giới đang biến động dữ dội, đang “toàn cầu hoá” như cách nói của chúng ta ngày nay, cuộc toàn cầu hoá lần thứ nhất; và biết rằng Việt Nam chỉ có thể sống còn nếu quyết mạnh dạn hoà nhập cùng toàn thế giới, ra sức học thế giới. Người đó là Phan Châu Trinh, người Việt Nam sáng suốt nhất trong thời của ông. Về sau Huỳnh thúc Kháng có một đánh giá thoạt nghe có thể rất lạ về Phan Châu Trinh, ông gọi Phan Châu Trinh là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. Nhà cách mạng là người không chỉ chống ngoại xâm, mà là người muốn làm thay đổi xã hội, thay đổi một cách căn bản. Phan Châu Trinh chủ trương muốn cứu nước ra khỏi tình trang nô lệ thảm khốc thì phải làm thay đổi xã hội, khắc phục sự lạc hậu về văn hóa xã hội của đất nước, rút ngắn khoảng cách chết người giữa chúng ta với thế giới đang chuyển động như vũ bão. Và khẩu hiệu của ông ngắn gọn, súc tích, quyết đoán: “Chi bằng học!”. Chiến lược hàng đầu của ông là khai dân trí, tức khai hoá dân tộc, khai hoá cho dân tộc đang chìm đắm trong vòng u tối. Phan Châu Trinh đã tìm sang Nhật, và kết luận của ông sau chuyến khảo sát tận nơi ấy rất rõ ràng. Ông nói, đau đớn: "Xem dân trí nước Nhật rồi đem dân trí ta so sánh thật không khác gì đem con gà đọ với con chim cắt già... Trình độ quốc dân Nhật như thế, trình độ quốc dân ta như thế, không nô lệ làm sao được". Trở về, ông phát động phong trào Duy Tân nổi tiếng. Hoàng Xuân Hãn đánh giá phong trào đó như sau: “Phan Châu Trinh đã chủ trương một cuộc cách mạng tân văn hóa”… Tiếc thay, vì những éo le của lịch sử, sự nghiệp tâm huyết và sáng suốt của Phan Châu Trinh đã phải dở dang. Độc lập dân tộc đã được dành lại bằng mấy cuộc chiến tranh khốc liệt và anh hùng. Song, như một nhà sử học đã nói, những nan đề do Phan Châu Trinh đã nhận thức và nêu ra cho đất nước, về nhiều mặt, vẫn còn nguyên đấy. Công cuộc khai hoá bị chậm trễ vì những uẩn khúc của lịch sử nhất định phải được tiếp tục, một cách ráo riết, cơ bản, có hệ thống. Phải đưa xã hội, dân tộc ta hoà nhập được với nền tảng tri thức cả cơ bản lẫn cập nhật của nhân loại. Đây phải là sự nghiệp của toàn dân, của tất cả những người tâm huyết với sự phát triển của dân tộc. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà quĩ dịch thuật như là một công cụ hữu hiệu để góp phần thực hiện sự nghiệp này mang tên là Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh. Và cũng thật đẹp khi đứng đầu Quĩ này là nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người cháu ngoại yêu quí của cụ.
Công việc ắt sẽ rất nhiều và rất nặng nề. Cần có kế hoạch tổng thể có tầm nhìn xa và lớn, đồng thời thiết thực từng bước. Cần huy động được tối đa trí tuệ, tài năng của nhiều người từng trải, đồng thời lại cần có chương trình đào tạo lực lượng dịch mạnh cho tương lai.
Hoàn cảnh mới của đất nước đang tạo cho chúng ta những điều kiện tốt hơn bao giờ hết để tiếp nối khai sáng cuộc được Phan Châu Trinh bắt đầu từ một 100 năm trước. Và cũng chính hoàn cảnh ấy, với quyết đoán của đất nước chủ động mạnh mẽ đi vào trào lưu toàn cầu hoá, buộc chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho kì được sự nghiệp này. Chúng ta đã chậm trễ mất hàng trăm năm, quyết không thể chần chừ nữa. Mong cuộc gặp hôm nay, khiêm tốn, song sẽ là sự bắt đầu, bắt đầu lại con đường khai sáng rất đáng để tất cả chúng ta dồn hết tâm huyết và trí tuệ.