Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thụy Kha - 'Ông hoàng' thơ tình mang một thời đáng nhớ ra đi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thụy Kha - 'Ông hoàng' thơ tình mang một thời đáng nhớ ra đi. Hiển thị tất cả bài đăng

6/5/10

Nguyễn Thụy Kha - 'Ông hoàng' thơ tình mang một thời đáng nhớ ra đi

'Ông hoàng' thơ tình mang một thời đáng nhớ ra đi
Cập nhật lúc 15:15, Thứ Năm, 06/05/2010 (GMT+7)


Trái tim đa cảm của “ông hoàng” thơ tình Hoàng Cầm đã ngừng đập tại Bệnh Viện Hữu Nghị. Hà Nội vào hè nóng nực chợt thoáng lạnh, vậy là nhà thơ cuối cùng của một thời đáng nhớ đã ra đi.


Vài hôm trước, đêm 2/5/2010, tôi nhận cú điện thoại và giọng nói đầy nước mắt của cô con dâu nhà thơ Hoàng Cầm: “Anh sang ngay, chắc bố em không qua khỏi”. Tôi vội từ Hàng Bông chạy sang căn nhà 34 Lý Quốc Sư thân thuộc. Trên tận cùng gác cao, Hoàng Cầm đang nằm thở dốc. Ông là người thứ ba sau cha mẹ tôi mà tôi được chứng kiến những giây phút cuối như thế. Cha mẹ tôi vì quá già nên sau đó chừng một tiếng thì tạ thế. Với ông, một giải pháp hữu hiệu “còn nước còn tát” là đưa vào bệnh viện. Nữ bác sĩ cấp cứu tên Phương thoáng ngần ngại “sợ cụ “đi” trên đường thì không biết đưa đến đâu”. Ngần ngại nhưng vẫn đưa đi.

Trưa 3/5/2010, Nguyễn Trọng Tạo sau khi cùng Hữu Thỉnh vào bệnh viện thăm nói với tôi: “Thấy tay cụ lạnh lắm. Chắc chả còn là bao”. Một chút rưng lệ, Tạo vừa chịu tang mẹ được ít ngày. Và cuối cùng, điều không ai mong muốn vẫn cứ xảy ra. Bàng hoàng. trống trải.


Năm 1978 cả nước khốn khó. Tôi được đơn vị cử ra Hà Nội học thêm âm nhạc. Nơi đầu tiên vì tò mò mà tôi tìm đến là quán rượu Hoàng Cầm. Ngồi tụt vào một góc kín, tôi chiêm ngưỡng “Nhà thơ huyền thoại” của mình chăm chỉ đi rót rượu cho các bàn râm ran tửu đồ cười nói. Hoàng Cầm cũng mỉm cười, thỉnh thoảng lại vuốt ngược mái tóc dài đã nhuốm bạc.

Năm 1988, ngọn gió đổi mới bắt đầu thổi mạnh. Hoàng Cầm và những người bạn của mình là Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán được phục hồi hội tịch. Tạp chí “Sông Hương” nhanh nhẹn muốn ấn hành ngay một tập thơ Hoàng Cầm. Tôi được anh em nhờ biên tập và viết giới thiệu. Lúc ấy, tôi và Hoàng Cầm mới chính thức làm việc và để rồi làm “bạn vong niên” của ông cho đến bây giờ.

Tôi là dân Hải Phòng nhưng gia đình có mấy đời lên Sen Hồ-Việt Yên-Bắc Giang bán thuốc lào Vĩnh Bảo. Vậy nên cũng có chút đồng hương như với Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ. Hoàng Cầm sinh ở thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Giang vào năm 1922. Cha ông đặt tên ông là Bùi Tằng Việt. Hoàng Cầm là bút danh của ông – tên của một vị thuốc. Nhưng chính quê mẹ Thuận Thành của Hoàng Cầm mới là nơi thăm thẳm dinh dưỡng nguồn thơ lai láng cho ông.


Sự cởi mở của một tâm hồn vừa được “phục sinh” sau bao biến cố đã dấn tôi vào thế giới thơ đầy ánh sáng vùng Kinh Bắc rất đỗi thân thương của ông. Người đa cảm, đa tình như ông nhiều hệ luỵ là phải. Song không hệ luỵ thì lấy đâu ra thơ hay, xác lập sao được tước hiệu “ông hoàng” thơ tình. Dịp ấy, tập “Bên kia sông Đuống” chưa ấn hành được, song hơn hết là sự gắn bó giữa hai chúng tôi. Gần ông tôi học được sự khoan dung, sự độ lượng với người, với đời. Nhất là học được “cậu bé Hoàng Cầm hồn nhiên và cả tin” trong ông. Những câu chuyện để viết ra trường ca “Về Kinh Bắc” vừa nổi tiếng vừa tai tiếng của ông đã khiến tôi nhận ra: “Thơ Hoàng Cầm thường bắt nguồn từ một vùng núi của sự tích, rồi lặng lẽ chảy ra biển trữ tình. Thơ ông trầm đầy một nỗi Phương Đông”.

Ngọn gió đổi mới càng thổi mạnh vào thập kỷ cuối thế kỷ trước, càng khiến Hoàng Cầm thanh xuân trở lại. Ông vào Sài Gòn rồi đi phiêu lãng nhiều nơi cùng “Lá diêu bông” nổi tiếng. Tôi thường đùa: “Cụ dắt sông Đuống chảy vào văn học chống Pháp, rồi mang lại lá diêu bông đi tung tảy trong văn học đương đại. Cụ cứ đi như đi trong chốn không thời gian”.


Liên tiếp các tập thơ, kịch thơ của Hoàng Cầm được ấn hành, kể cả văn xuôi. Nhưng tầm vóc nhất vẫn là trường ca “Về Kinh Bắc” mà ông thường gọi là “Tập thơ cốt tuỷ”. Vừa ấn hành thơ, vừa phiêu lãng, Hoàng Cầm đã từng cùng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đồng hành cùng hai nhà văn đi bộ: Hoà Vang và Nguyễn Lương Ngọc vào đến Huế. Ông lại cùng con trai cả Hoàng Kỳ vào Quy Nhơn - miền Kinh Đô Đồ Bàn để nhận ra một âm hưởng Chăm đã từng ám ảnh vào Quan Họ, vào thơ ông từ lúc nào chẳng rõ từ những thế hệ người Chăm ly hương ra miền Kinh Bắc. Cứ thế, Hoàng Cầm sứ sống, cứ vui vầy cùng anh em, cứ yêu và dần khẳng định lại những sáng tạo của mình qua nhiều năm im lặng và chìm khuất.

Niềm đau đáu nhất ở đáy sâu tâm hồn Hoàng Cầm là sự không tha thứ của người vợ thứ hai Tuyết Khanh - người đã sinh ra Kiều Loan xinh đẹp và mang tên vở kịch thơ ám ảnh của ông gần đây vừa được Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn. Giữa bà và thơ cùng sự cách tân mà ông theo đuổi, ông đã chọn thơ và mãi mãi mất bà. Bà Tuyết Khanh đã qua đời ở California năm ngoái. Cộng hưởng với niềm đau đáu này là sự ra đi bi phẫn của cô con gái Hoàng Yến và sự ra đi ngậm ngùi của bà vợ Hoàng Yến: “Em xa anh và rất gần nước mắt”, khi ông vẫn còn chìm trong bóng tối. Giờ đã đến lượt ông đi theo họ về cõi xa xăm. Ra đi để bước vào bất tử. Xin vĩnh biệt ông.

* Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha