Phạm Công Thiện
Im lặng hố thẳm
XI.
Vì sao Nietzsche phải im lặng?
Tại sao Hố Thẳm và Núi Cao chỉ là một?
Hãy nghe tiếng nói không lời của Hố Thẳm trên đỉnh Núi Cao ngất trời
“Kẻ nào ở gần những ngôi sao mà cũng vẫn ở nơi Hố Thẳm u ám nhất?
“Wer wohnt den Sternen
“So nahe, wer des Abgrunds grausten Fernen?
(Nietzsche, Aus hohen Bergen)
Tại sao ngôi sao trên cao và hố thẳm dưới kia chỉ là một?
Kẻ nào sống trên những ngôi sao mà cũng vẫn sống dưới hố thẳm âm u nhất? Người ấy là ai mà những ngôi sao lại còn thấp hơn hẳn? Kẻ ấy là ai?
Kẻ lang bạt
Đêm đã khuya, lúc Zarathustra bắt đầu lên đường vượt qua đỉnh cao của hải đảo để sớm mai sang tới bờ bên kia, vì hắn muốn khởi trình nơi bờ biển ấy. Nơi bờ ấy có một vùng cạn ăn thông ra biển rất tiện lợi cho tàu bè, nhất là những tàu bè xa lạ thường hay bỏ neo ở đó và mang theo những kẻ ở vùng đảo thần tiên muốn vượt biển. Vừa leo lên đỉnh cao, Zarathustra vừa hồi tưởng lại muôn vàn chuyến hành trình cô đơn trong đời từ lúc lên đường phiêu dạt thuở còn trai trẻ, ở, biết bao là núi non đồi đỉnh mà hắn đã băng qua.
Ta vốn là kẻ lang bạt kỳ hồ, kẻ băng núi xuyên sơn, ở, hắn tự nói với lòng, ta không thích những đồng bằng, dường như là ta không thể ở yên nơi đâu được lâu nữa.
Dù vận số ta thế nào đi nữa, dù có biến cố gì xảy ra đi nữa — đối với ta, đó cũng chỉ là một dịp để phiêu lưu đăng trình, một cớ để thượng sơn: rốt ráo rồi thì mình chỉ sống với những gì còn lại với mình.
Đã qua rồi cái thời mà ta chỉ nương cậy trông đợi những sự việc ngẫu nhiên xảy đến, bây giờ thì có gì xảy đến lại chẳng nằm sẵn trong ta rồi?
Ta chỉ cần trở lại ta, cuối cùng trở về lại với mình, về nhóm lại những mảnh hồn ly tán trong cõi xa lạ và rã rời tan tác giữa vạn sự ngẫu nhiên ở đời.
Ờ, ta còn biết một điều này nữa: bây giờ ta đang đứng trước chóp đỉnh cuối cùng của đời ta, mà từ lâu ta vẫn chưa được đối mặt. Hỡi ôi, ta phải đi theo con đường mình, con đường khó khăn gian nan nhất trên đời: Ôi chao, ta bắt đầu chuyến đi cô đơn nhất của đời mình!
Kẻ nào mang một dòng máu như ta thì sớm muộn gì cũng không thoát khỏi giờ phút đó, giờ phút lên tiếng gọi thầm: “Chỉ có lúc này mới đúng là lúc mi đi theo con đường oanh liệt cao sang của mi! Chóp đỉnh và Hố thẳm chỉ là một thôi!
Mi đang đi theo con đường oanh liệt cao vút của mi: cho mãi đến bây giờ nỗi nguy hiểm cuối cùng của đời mi mới trở thành nơi ẩn náu tối thượng của lòng mi!
Mi đang đi theo con đường oanh liệt cao ngất của mi: bây giờ mới phải là lúc mi cần tỏ ra can đảm nhất vì không còn con đường nào nữa rớt lại sau mi!
Mi đang đi theo con đường oanh liệt cao vút của mi: bây giờ chẳng có ai còn lén lút đi theo nổi mi được nữa? Những bước chân mi đã xóa nhòa con đường đã đi qua và đằng trước con đường mi đi chỉ còn viết lại hàng chữ: Không thể đi tới được nữa!
Và từ đây trở đi nếu mi không còn nấc thang để bước lên nữa thì phải biết leo lên đầu mi mà vươn lên: chứ làm gì nữa bây giờ để mà có thể lên cao hơn nữa?
Leo lên đầu mi và vượt lên trên kia, lên trên tim mi! Bây giờ cái gì dịu dàng nhất trong lòng mi sắp trở thành cứng rắn nhất.
Kẻ nào chỉ e dè kiêng nể thì sự kiêng kị nể nang quá sức ấy rốt lại chỉ xui hắn đau bệnh thôi. Phúc cho kẻ nào trở nên cứng rắn lì lợm! Ta không hề xưng tụng vùng nào trù phú xôi mật!
Muốn nhìn thấy nhiều sự lạ thì phải tập nhìn xa ngoài mình: lòng cứng rắn lì lợm ấy rất cần thiết cho những kẻ nào muốn leo núi cao.
Nhưng kẻ nào muốn tìm hiểu với đôi mắt hờ hững, thì làm sao mà nhìn thấy được xuyên qua những ý tưởng bình phong hời hợt?
Nhưng mi, hỡi Zarathustra, mi muốn thấy hết những lý lẽ đằng sau sự vật: mi phải vượt qua chính mi để mà leo lên — leo lên cao vút, trên cao kia, leo cao ngất đến nỗi chính những ngôi sao cũng phải ở lại dưới mi!
Ừ, ờ, nhìn xuống dưới mình và xuống dưới những ngôi sao của mình: đó mới đúng là chóp đỉnh của ta, đó mới là chóp đỉnh tối thượng còn lại để ta leo lên!
Zarathustra tự nói như thế, lúc hắn leo lên cao và an ủi lòng mình với những lời lẽ cứng rắn: bởi vì tim hắn trở nên lở lói nhói đau hơn bao giờ hết. Vừa khi hắn leo tới chóp đỉnh cao, hắn vụt thấy đằng trước hắn mặt biển kia trải dài lóng lánh.
Thế rồi hắn ngồi im lặng bất động, không hề nói năng gì nữa một hồi lâu. Cao vòi vọi ở trên thượng đỉnh thì đêm tối trở lạnh buốt giá, trong suốt và nhấp nhánh những hạt sao cườm.
Ta nhận ra số phận ta rồi, hắn nói một cách buồn thảm. Thôi! Ta sẵn sàng chuẩn bị rồi! Nỗi cô đơn tối hậu của đời ta vừa mới bắt đầu.
Ồ! Mặt biển buồn thảm đen tối ở dưới chân ta! Ồ! Nỗi bất mãn tối đen khuya khoắt! Ồ! Tính mệnh và đại dương! Ta phải đi xuống ngươi!
Ta đang đứng đối mặt với đỉnh núi cao nhất đời mình và đối mặt với cuộc viễn trình dài nhất đời mình: vì thế ta phải đi xuống sâu, đi xuống sâu thẳm hơn bao giờ hết:
- Xuống sâu thẳm trong cơn đau nhói quằn quại hơn bao giờ hết, sâu thẳm trong lòng nước đen tối nhất của cơn đau đớn! Tính mệnh ta muốn như thế! Ồ, thôi, ta đã chuẩn bị sẵn sàng rồi!
Núi cao nhất mọc lên từ đâu? Trước kia ta đã từng hỏi thế. Thế rồi ra mới biết rằng những ngọn núi cao nhất đều mọc từ đáy biển sâu thẳm.
Chứng tích ấy đã được hằn vết trong những băng đá, tận trên vách đỉnh núi. Chính từ dưới lòng sâu thẳm nhất mà ngút đỉnh vòi vọi cao nhất phải đạt tới chóp ngọn của nó.
Zarathustra đã nói thế trên chóp đỉnh núi lạnh buốt, nhưng lúc hắn đi gần biển, rồi đứng lại cô thân độc ảnh giữa những mỏm đá loi nhoi hắn bỗng cảm thấy chán chường mỏi mệt về lộ trình của mình và cảm thấy khao khát u hoài hơn bao giờ cả.
Mọi sự hiện giờ đều đang còn ngủ say, hắn nói, ngay cả biển cũng đang ngủ say. Khóe mắt của biển đang hướng nhìn về ta, lạ lùng, mê man chập chờn nửa mê nửa tỉnh.
Nhưng hơi hám của biển cả vẫn nồng ấm, ờ, ta cảm thấy thế. Ờ, ta cũng cảm thấy rằng biển cả đang mê man, mộng mị, biển động đậy mơ màng trên những gối tảng chai cứng.
Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Bao nhiêu là kỷ niệm đau đớn xui biển kêu gào van vỉ! Phải chăng mộng triệu quái gở gì đây?
Ôi chao, ta cảm thấy đau buồn cùng mi, hỡi con quái vật đen tối kia và ta bực mình cũng chỉ vì mi.
Ơi trời, tại sao đôi tay ta lại không còn đủ sức! Ta hăm hở muốn rứt mi khỏi cơn ác mộng kia! Vừa lúc Zarathustra nói thế thì hắn vụt cười ầm lên để tự nhạo báng mình một cách bàng hoàng chua chát. Thế nào! Ồ Zarathustra! Hắn nói, mi lại còn muốn ca xướng vỗ về biển cả ư?
Chao ôi! Ồ Zarathustra, ồ thằng điên mà giàu nặng tình thương, tràn đầy tự mãn? Nhưng mi vẫn luôn luôn là thế kia mà: mi vẫn luôn luôn xoắn xuýt gần gũi với tất cả những con quái vật khủng khiếp.
Mi muốn vuốt ve mân mê tất cả những con quái vật. Chỉ cần một hơi hám ấm áp, một nhúm lông mơn mơn dưới chân móng quái vật — ờ, chỉ thế thôi, mi cũng đã sẵn sàng yêu đương và dụ dỗ quyến rũ nó cho mi.
Tình thương là nỗi nguy hiểm của kẻ cô đơn nhất; thương yêu tất cả mọi sự, miễn là chúng nó sống động! Ồ, cơn điên dại và lòng nhún nhường của ta trong tình thương! Ồ, thực là đáng cười!
Zarathustra đã nói thế và hắn vụt cười giòn một lần nữa: nhưng rồi bỗng hắn nhớ đến những bạn bè bỏ quên, ngỡ như là trong tâm tưởng mình đã phạm lỗi với chúng: hắn liền nổi giận với tâm tưởng mình. Thế rồi bỗng nhiên đang cười hắn sực khóc nức nở, vừa cười vừa khóc: Zarathustra khóc chua xót trong cơn thịnh nộ, diệu vợi mang mang khát vọng nuối tiếc.
XII.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Trong quyển Qu’appelle-t-on penser? (P.U.F., 1959, trang 125), phần đầu nói về Nietzsche trong khóa dạy mùa đông năm 1951-1952 tại trường Đại học Fribourg-en-Brisgau, Heidegger lại nhấn mạnh một lần nữa:
“Thể tính của tính thể xuất hiện trong siêu thể học hiện đại theo cách thể của ý tính”.
(L’Être de l’étant apparait dans la métaphysique moderne comme la volonté).
“Ý tính” diễn tả trọn vẹn danh từ “la volonté” trong ý nghĩa của Siêu thể học. Chúng ta hãy để ý chữ ý nghĩa trong chữ ý tính: ba chữ ý lại có thể diễn tả ba chữ khác nhau của ngôn ngữ Tây phương: để ý → remarquer; ý nghĩa → signification; ý tính → volonté. Điều này nói lên cái gì? Phải chăng nói lên rằng thể ngữ Đông phương có khả năng suy tư tận nguồn hơn thể ngữ Tây phương?
Nghĩa là ngôn ngữ của Việt và Tính có khả năng suy tư về ý nghĩa của tư tưởng Nietzsche hơn là bất cứ một triết gia hay tư tưởng gia Tây phương nào, dù người ấy là thiên tài tư tưởng như Heidegger, hay giáo sư tư tưởng như Karl Jaspers?
“Phục thể là phẫn thể của ý thể đối ngược lại với thời thể và tính thể quá thể của chính thời thể”.
Câu trên tối nghĩa? Đó là ngôn ngữ của tư tưởng về Việt và Tính, dùng để giải nghĩa và dịch nghĩa ý nghĩa câu văn dưới đây của Nietzsche:
- Dies, ja dies allein ist Rache selber: des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.
Câu trên nằm trong chương “Von der Erlösung” (Nói về giải thoát) ở phần II quyển Also sprach Zarathustra (cf. Nietzsche in drei Bänden, II, p. 394).
Trong bản dịch Essais et Conférences, André Préau dịch là:
“Ceci, oui, seul ceci est la vengeance elle-même: le ressentiment de la vonlonté envers le temps et son “il y avait””. (cf. op. cit., p. 133).
Trong bản dịch Qu’appelle-t-on penser? Aloys Becker và Gérard Granel dịch là:
“La vengeance est le ressentiment de la volonté contre le temps et son “il était”.” (cf. op. cit., p 125, 126).
Trong bản dịch Ainsi parlait Zarathustra, Henri Albert dịch là:
“Ceci, oui, ceci seul est la vengeance même: la répulsion de la volonté contre le temps et son “ce fut”.” (cf. op. cit. p., 163)
Trong bản dịch Ainsi parlait Zarathustra, Maurice Betz dịch là:
“Ceci, oui, ceci seul est la vengeance même: la répulsion de la volonté contre le temps et son “ce fut”.” (cf. op. cit., p. 164)
Trong bản dịch Thus spoke Zarathustra, Walter Kaufmann dịch là:
“This, indeed this alone, is what revenge is: the will’s ill will against time and its “it was””. (cf. The Portable Nietzsche, p. 252)
Chúng ta hãy đọc lại nguyên tác chữ Đức của Nietzsche:
- Diess, ja diess allein ist Rache selber: des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.
Và đọc lại bản dịch chữ Việt theo tư tưởng về Việt và Tính:
- Đây, ừ, đây mới chính là phục thể: phẫn thể của ý thể đối ngược lại với thời thể và quá thể của chính thời thể.
Chữ Đức “Rache” có nghĩa là sự trả thù; “Will” (Wille, Willens, Willen) có nghĩa là ý muốn, ý chí, chí hướng; “wider” có nghĩa là chống lại, đối lại, ngược lại, nghịch lại: “Widerwille” (Widerwillen) có nghĩa là phật ý, nghịch ý, cưỡng ý, phản ý, ác ý; “Zeit” là thời gian; “Es war” có nghĩa là đã qua, đã xảy ra, đã qua rồi.
Chúng ta hãy đọc lại một lần nữa nguyên tác Đức ngữ của Nietzsche:
- Diess, ja diess allein ist Rache selber: des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.
Đây không phải là nơi giảng văn Đức ngữ; việc tư tưởng không thể là việc trích cú từ chương hay tầm nguyên kinh sách. Im lặng Hố thẳm lưu ý đặc biệt câu văn trên của Nietzsche vì lý do là Heidegger đã tập trung tất cả nỗ lực suy tư của ông hướng về câu trên của Nietzsche để lật ngược thế cờ tư tưởng, để xô đẩy Nietzsche vào trong đường cùng của toàn thể Siêu thể học Tây phương (cf. Qu’appelle-t-on penser?; pp. 21-126; Essais et Conférences, p.p. 116-145).
Những chữ quan trọng trong câu văn của Nietzsche là chữ “Rache” (sự trả thù), “des Willens Widerwille” (sự phẫn hận của ý chí), “die Zeit und ihr “es war” (thời gian và cái “đã qua” của thời gian). Nếu dịch nôm na câu văn của Nietzsche ra ngôn ngữ thông thường thì có thể dịch như thế này:
- Đây, ừ, đây, mới thực chính là sự trả thù: sự phẫn hận của ý chí chống lại thời gian và cái “đã qua” của thời gian.
Nhưng nếu dịch lại một cách “triết lý” theo ngôn ngữ độc đáo của tư tưởng về Việt và Tính thì phải dịch như thế này:
- Đây, ừ, đây, mới chính là phục thể: phẫn thể của ý thể đối ngược lại thời thể và quá thể của thời thể.
Dịch là suy tư; dịch Nietzsche là suy tư với Nietzsche. Chữ Việt-Hán “phục” có hai nghĩa: 1. trở về; 2. đáp lại. Chữ “phục thể” dùng để dịch chung cho hai chữ của Nietzsche:
1) Rache
2) die ewige Wiederkehr
Dịch nôm na là:
1) Sự trả thù
2) Sự trở về vĩnh cửu
Dịch lại theo ngôn ngữ của hố thẳm:
1) phục thể
2) phục thể (phục thể vĩnh thể).
Chữ “phục” trong “phục thể” (1) có nghĩa là: “đáp lại”; chữ “phục” trong “phục thể” (2) có nghĩa là: “trở về” (Wiederkehr).
Theo Heidegger, “Rache” (trả thù), “rächen” (trả thù), “wreken” (cùng nghĩa), “uregeen” còn có nghĩa là: đuổi theo (poursuivre, être sur la piste…) (cf. Essais et Conférences, p 130), như thế chữ “phục” lại diễn tả trọn vẹn ý nghĩa chữ “Rache”, vì chữ “phục”, ngoài ý nghĩa “đáp lại”, còn có ý nghĩa là “theo”. Song thoại với tư tưởng Tây phương thì phải đặt lại tính thể của ngôn ngữ; đặt lại tính thể ngôn ngữ Đông phương thì phải cần nhấn mạnh tính thể nhất như của ngữ tính Đông phương để mở cửa ngõ cho sự đón nhận tính thể nhất đồng của ngữ tính Tây phương, để rồi cùng nhau chuẩn bị cho cuộc song hôn giữa thể tính Như Tính của Tư Tưởng Á Đông và tính thể Đồng Tính của Tư Tưởng Âu châu trong Tính Mệnh của Uyên Mặc (Im lặng Hố thẳm).
Đặc tính của Tư Tưởng Âu châu là sự phẫn thể, sự trả thù của thể đối với thể qua sự tiền tượng (Vor-stellen) của tư tưởng; đặc thể của tư tưởng ấy là ý thể (le vouloir) (cf. F. W. J. Schellig: “ý thể là tính thể uyên nguyên”: Vouloir est l’Être originel. Cf. F. W. J. Schelling, Écrits philosophiques, t. Ier, Landshut, 189, p. 419); chữ “ý thể” (vouloir) ở đây, theo Heidegger, chính là thể tính của tính thể trong toàn thể (l’être de l’étant dans son ensemble) và thể tính ấy chính là ý tính (cet être est vonlonté). Đối với Nietzsche, tinh thần phẫn thể (l’esprit de vengeance=Rache) đã qui định tư tưởng Tây phương từ trước đến nay, mà phẫn thể (Rache) có nghĩa là phẫn thể của ý thể (Des Willens Widerwille=la contre-volonté de la volonté=le ressentiment de la volonté):
- des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.
(Phẫn thể của ý thể đối ngược lại thời thể và quá thể của thời thể).
Đối với Heidegger, câu “quá thể của thời thể” (und ihr “Es war”) có nghĩa:
- đối với sự lướt qua của thời gian.
Thời gian là sự lướt qua, như thế là sự đi ngược chiều lại ý muốn, ý chí; do đó, ý chí, ý muốn phải đau đớn, đau đớn về sự lướt qua (souffrance du passer) và muốn mình lướt qua mình (souffrance qui veut alors son propre passer) (cf. Essais et Conférences, p. 135) Chấp nhận thời gian là ý tính (volonté) muốn rằng quá thể (le passer) được thường còn (le passer demeure); muốn quá thể còn lại thì quá thể không chỉ luôn luôn hiện đến (venir); đi và đến là trở về, trở về vĩnh cửu; phục thể vĩnh thể (die ewige Wiederkehr). Giải thoát khỏi phẫn thể là đạt đến ý tính (la volonté) tiền tượng tính thể (l’étant) trong sự phục thể vĩnh thể của đồng thể (le Retour éternel de l’Identique).
Heidegger giải thích: thể tính của tính thể xuất hiện cho con người như là sự phục thể vĩnh thể của đồng thể, chỉ có thế, con người mới đi qua cầu mà giải thoát khỏi sự phẫn thể để mà làm kẻ quá giang, gọi là việt nhân (le surhomme). Đó là lối giải thích của Heidegger về ý nghĩa của tư tưởng Nietzsche. Heidegger lại kết luận rằng Nietzsche không thể thể hiện ý tính của mình vì chính Nietzsche không thể giải thoát khỏi cái mình muốn giải thoát.
Heidegger đã hiểu sai Nietzsche: chính Heidegger mới không giải thoát khỏi cái mình muốn giải thoát: tinh thần phẫn thể đã qui định thái độ của Heidegger đối với Nietzsche.
Ý tính của Nietzsche đi qua hai chặng:
1. ý tính giải thoát ra khỏi phẫn thể đối lại với quá thể của thời gian;
2. ý tính trở về phục tính (Wiederkehr) phục tính ở đây chính là sự im lặng của ý tính: ý tính im lặng: trò đùa: trẻ con, sự ngây thơ: vòng tròn tự động: Dionysos: tiếng chấp nhận thiêng liêng của uyên mặc. Chặng hai chính là Im lặng của Hố thẳm:
Heidegger đã bỏ quên chặng hai và chỉ giải thích Nietzsche qua chặng đầu: do đó, mười năm im lặng cuối cùng (1889-1900) của Nietzsche vẫn đời đời giấu kín sự Huyền Bí lạ lùng của Phục Tính giữa Hiện Thể Tây phương.
XIII.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Buổi tư nghiệm vừa qua (XII), chúng ta đã nói về sự im lặng của Nietzsche và chấm dứt bằng một câu nói về Hiện Thể Tây phương. Hiện thể là gì? Câu hỏi này đã được đặt lên theo thể điệu “ti tó õn” của Aristote: thể là gì?
Thể có nghĩa là Hiện (an-wesend). Hiện Thể là Thể Hiện (l’Être en tant que Présence); Hiện thể thể hiện (là Présence pré-sente=Nune Stans) chính là phục thể của vĩnh thể (l’éternité); nhưng Phục Tính của Nietzsche thì không có nghĩa là “phục thể vĩnh thể của đồng thể” theo ngôn ngữ siêu thể học: Hiện Tính của Nietzsche trong Tính Mệnh Uyên Nguyên chính là Phục Tính, mà Phục Tính (Wiederkehr) có nghĩa là Phục Hương (hồi phục Quế Hương) lên đường trở về quê hương (Heimkehr) (cf. Im lặng Hố thẳm, trang 262-271); Phục Tính cũng có nghĩa là Phục Nguyên và Phục Uyên: Phục Tính đồng nghĩa với Uyên Mặc (Sự Im lặng của Hố thẳm). Giờ phút im lặng nhất chính là Phục Tính của Uyên Nguyên: thời gian đảo ngược xoáy tròn như con rắn ôm tròn con ó, lúc ó đảo vòng tròn lớn giữa trời.
Die stillste Stunde (giờ phút im lặng nhất) → Die ewige Wiederkehr (phục tính vĩnh cửu) → die Heimkehr (sự trở về quê hương: phục hương, hồi hương).
Zarathustra chính là kẻ bình phục, kẻ thoát bệnh (Der Genesende), con người lên đường trở về tính thể của mình, kẻ phục nguyên, phục tính, con người của Hố thẳm:
Ồ sung sướng cho ta, mi đến! Ta nghe mi! Hố thẳm của ta đang nói.
- Heil mir! Du kommst — icd höre dich! Mein Abgrund redet…
(Also Sprach Zarathustra, III, Der Genesende)
Phục tính chính là Uyên Tư: tư tưởng của Hố thẳm (cf. Zarathustra “meinen abgründigsten Gedanken!”).
Phục Tính là khoen tròn hôn phối của những khoen tròn (dem hochzeitlichen Ring der Ringe), khoen tròn của sự Phục Hồi (dem Ring der Wiederkunft).
Zarathustra nói lên tiếng nói của Hố thẳm:
- Ta, Zarathustra, kẻ phát ngôn của đời sống, kẻ phát ngôn của nỗi đau khổ, kẻ phát ngôn của vòng tròn.
Ich, Zarathustra, der Fürsprecher des Lebens, der Fürsprecher des Leidens, der Fürsprecher des Kreises…
(Zarathustra, III, Der Genesende)
Phục Tính chính là con rắn cuộn tròn và Việt Nhân (Übermensch) chính là kẻ nuốt con rắn đen trong cổ họng mình, cắn đứt đầu rắn và cười ầm lên một cách dị thường, tiếng cười, không phải của một người nữa (nicht mehr Mensch), tiếng cười của một kẻ hóa thể, nhập một với rắn, nhập thể vì đã phục tính trong vòng tròn vĩnh cửu của Tính thể và Dịch thể (cf. Zarathustra, III, Vom Gesicht und Rätsel).
Zarathustra dạy những gì?
1) Thượng đế đã chết (Gott ist tot).
2) Việt nhân (Übermensch).
3) Phục tính vĩnh cửu (ewige Wiederkunft).
Đó là ba hóa thể (drei Verwandlungen) của Tâm Thể (des Geistes): tâm thể biến thành con lạc đà, mang chở tất cả những gánh nặng nề nhất của loài người để băng qua sa mạc mênh mông lớn rộng, chịu đựng đói khát trong hồn vì quá yêu chân lý: sự chịu đựng lì lợm của một kẻ đau đớn và bệnh hoạn mà vẫn đuổi bỏ tất cả những ai muốn vỗ về an ủi mình, làm bạn bè với những kẻ điếc vì chúng nó không bao giờ nghe biết mình muốn gì trong lòng, lao mình xuống vũng nước lạnh đục ngầu của chân lý, mà không kinh tởm lũ cóc nhái sốt nóng ([Oder ist es das:] in schmutziges Wasser steigen, wenn es das Wasser der Wahrheit ist, und kalte Frösche und heisse Kröten nicht von sich weisen?), yêu thương những kẻ khinh bỉ mình, chìa tay cho quỉ ma bắt khi nó muốn nhát mình ([Oder ist es das:] Die lieben, die uns verachten, und dem Gespenste die Hand reichen, wenn es uns fürchten machen will?), vội vàng chạy lủi vào sa mạc (also eilt er in seine Wüste)
Trong vùng sa mạc cô liêu nhất:
Aber in der einsamsten Wüste…
Nhưng giữa vùng sa mạc hoang vu nhất, cô đơn nhất, hiu quạnh nhất:
Aber in der einsamsten Wüste
Giữa miền sa mạc hiu hắt ấy, con lạc đà bỗng hóa thể thành con sư tử: sư tử chinh phục tự do và làm chủ sa mạc của chính mình (Freiheit will er sich erbeuten und Herr sein in seiner eigenen Wüste).
Sư tử rống lên và vồ chụp tàn phá tất cả những gì thiêng liêng nhất trong bao nhiêu ngàn năm: tất cả những giá trị đều sụp đổ: Hư vô bắt đầu lan rộng vây phủ trần gian: Hư vô bay về ám đen tất cả lãnh thổ Việt Nam: Hư vô bay vèo trên đôi mắt khép lại của người trai trẻ Việt trên đèo heo hút gió, giữa sơn khê rừng quế, dưới đồng ruộng lúa đỏ: Hư vô bay vèo trên đôi mắt vời vợi của người con gái Việt, khi con bướm đen không còn bay về phố cũ: Hư vô bay vèo qua bước chân lạnh lùng của người về từ miền núi: Hư vô bàng bạc tràn ngập Trời tháng Tư: Hư vô cuộn tròn bí ẩn trong Ngày sinh của rắn; Hư vô viết thư gửi cho Nietzsche trong Ý thức mới trong văn nghệ và triết học: Hư vô mửa khói đen bi tráng trong Hố thẳm Tư tưởng: Hư vô ôm chân Nietzsche một cách bơ phờ trong Im lặng Hố thẳm — Hư vô ho lao, bể phổi, vỡ tim những hàng cây hững hờ âm thầm trên đất xưa.
Hư vô lại nói? Hư vô lại im lặng? Im lặng để nói? Nói để im lặng? Im lặng mà nói? Nói vì không còn gì để nói? Hư vô trở về với Hư vô. Hố thẳm kêu gọi Hố thẳm. Nhưng giữa vùng sa mạc hoang vu nhất…
Aber in der einsamsten Wüste…
Lạc đà biến thể thành sư tử: Sư tử làm chủ sa mạc của chính mình: làm chủ Hư vô của chính mình.
Có người trai trẻ Việt nào đã làm chủ Hư vô của chính mình? Có người Việt nào trở thành người Việt, nghĩa là “Việt nhân”, nghĩa là “Übermensch”?
“Übermensch” không có nghĩa là “siêu nhân”; “Übermensch” chỉ có nghĩa là “việt nhân”, vì “việt” có nghĩa là đi lên và đi xuống, đi lên núi cao và đi xuống hố thẳm, đi lên là Übergang và đi xuống là Untergang, đúng như nghĩa của chữ “Übermensch” mà Nietzsche muốn dựng lên để đối mặt với Hư vô của thế kỷ XX, và lạ lùng biết bao, Hư vô của thế kỷ XX lại thành tựu tại Việt Nam, và huyền bí biết bao, người Việt chính là ý nghĩa của chữ “Übermensch”?
Giữa vùng sa mạc hoang vu nhất của Việt Nam…
Aber in der einsamsten Wüste…
Có người Việt nào hóa thể thành sư tử để tàn phá tất cả những giá trị truyền thống? Tàn phá hết để cưu mang sứ mệnh của Hố thẳm? Phá hủy hết tất cả triết lý Đông phương và Tây phương để nhìn thẳng vào Hố thẳm? Phá hủy hết Văn hóa và Văn minh nhân loại để đứng trần truồng dưới ánh mắt của mặt trời? Lột truồng đứng thẳng dưới mắt mặt trời? Nackt vor den Augen der Sonne zu stehn (cf. Zarathustra, III, Von der grossen Sehnsucht) Chủ nghĩa quốc gia ư? Chủ nghĩa quốc tế ư? Dân tộc tính ư? Xã hội tính ư? Ái quốc ư? Tình thương ư? Vứt bỏ tất cả những thứ ấy vào sọt rác.
Hãy vứt bỏ tất cả những mớ giá trị lải nhải đàn bà ấy! Bước một bước là dân tộc, bước một bước là truyền thống dân tộc; bước hai bước là đạo pháp và giáo hội; bước hai bước là trách nhiệm và hy sinh; bước ba bước là đạo đức và xã hội. Dân tộc gì? Ái quốc gì? Truyền thống gì? Trách nhiệm gì?
Vứt hết tất cả thứ ấy vào sa mạc.
Đứng lên.
Đứng lên trần truồng nhìn thẳng vào mắt mặt trời. Giữa vùng sa mạc hoang vu nhất của Việt Nam, anh hãy đứng lên mà nhìn thẳng vào mắt mặt trời; anh hãy cắn đầu rắn đen mà phun nhổ vào mắt mặt trời. Nhảy múa trên hố thẳm và cười ầm lên, cười như chưa bao giờ biết cười. Leo lên tận đỉnh núi mà tru lên như điên, rồi nhảy xuống ôm hố thẳm của Empédocle. Bước đi giữa loài người như con sư tử, bởi vì chỉ có trách nhiệm duy nhất và tối thượng là trách nhiệm trước Hố thẳm.
Hãy cắn đầu Nietzsche và phun nhổ đầu tóc đen vào mắt Hư vô.
Im lặng Hố thẳm? Hố thẳm đang nói? Đánh rách tất cả ngôn ngữ để cho Hố thẳm lên tiếng…
Mein Abgrund redet…
Khi Hố thẳm lên tiếng thì sự sâu thẳm cuối cùng lật ngược lại ánh sáng (meine letzte Tiefe habe ich ans Licht gestülpt!) cf. (Zarathustra III, Der Genesende), Hố thẳm tiếp nối Núi cao: sư tử biến thành trẻ thơ và thành tựu chặng hóa thể thứ ba cuối cùng:
Ngây thơ và quên lãng là trẻ thơ, một sự bắt đầu mới, một trò chơi, một bánh xe tự xoay chuyển, một cử chỉ đầu tiên, một tiếng Dạ thiêng liêng…
Unschuld ist das Kind und Vergessen, ein Neubeginnen, ein Spiel, ein aus sich roolendes Rad, eine erste Bewegung, ein heiliges Ja-sagen.
(cf Zarathustra, I, Von den drei Verwandlungen)
Ba sự hóa thể của tâm thể: lạc đà biến thành sư tử, sư tử biến thành trẻ con (cf. Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, t.b. III, trang 524-535).
1) Thượng đế đã chết = lạc đà.
2) Việt nhân = sư tử.
3) Phúc tính vĩnh cửu = trẻ con.
Hay
1) Thượng đế đã chết = kẻ bị đóng đinh mà không sống lại.
2) Việt nhân = Zarathustra.
3) Phục tính vĩnh cửu = Dionysos
Hay
Nietzsche = le crucifié + Zarathustra + Dionysos.
Khi sư tử biến thành trẻ con thì Hố thẳm lại trở về với sự im lặng: Nietzsche trở về im lặng trên mười năm trời (1889-1900) và lìa bỏ mặt đất khi thế kỷ XX vừa bắt đầu xuất hiện.
Mặt trời lặn dưới chân thế kỷ XX.
Hãy đứng lên trần truồng dưới mắt đêm tối…
XIV.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì đã nói? Hay chưa nói? Để rồi im lặng?
Still! —
Von grossen Dingen — ich sehe Grosses! — soll man schweigen…
(cf, Nietzsche, Werke in drei Bänden, II, trang 1262)
Im lặng!
Về những sự thể vĩ đại — ta đã thấy sự vĩ đại! —
Ta phải im lặng…
XV.
Trong bức thư gửi cho Malwida von Meysenbug vào tháng Hai năm 1884, đang lúc ở Nice, Nietzsche xin lỗi về sự im lặng của mình:
“Tôi không có được người nào hiểu nổi tác phẩm của tôi muốn nói gì: không có ai đủ sức để giúp đỡ tôi. Đó chính là nhân thể của tôi: sống ở đời mà tôi đành phải im lặng một cách tế nhị về những ý định tối thượng của mình… Người ta sẽ chạy trốn xa tôi nếu họ biết được những bổn phận nào đã xuất phát từ đường lối suy tư của tôi! Và chính cô cũng thế! Cô bạn thân mến mà tôi kính trọng nhiều!
Tôi vẫn đập nát cái này, tôi vẫn phá hủy cái kia: xin cô hãy bỏ tôi trong nỗi cô đơn của tôi!!!
… Tôi đã ngu dại khờ khệch mà đi về “giữa loài người”: đáng lẽ tôi phải biết trước những gì có thể xảy đến cho tôi.
Nhưng điều quan trọng nhất là điều này: tôi mang trong hồn tôi những sự việc nặng trĩu gấp trăm lần sự ngu xuẩn của loài người. Có thể tôi là một định mệnh, tôi là tính mệnh cho tất cả những người trong tương lai và rất có thể một ngày nào tới đây tôi sẽ phải tự im lặng vì thương nhân loại !
… Ồ, ôi chao! Bây giờ tôi cảm thấy cần nghe nhạc quá!… Có còn người nào khao khát âm nhạc như thế?”
(cf. Nietzsche, Lettres choisies, traduite par A. Vialatte, Gallimard, pp. 214-216)
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Hãy đọc lại bức thư trên, đọc từng dấu phết, dấu chấm và nhất là những dấu chấm than!
XVI.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì sao Rimbaud phải im lặng? Vì sao Van Gogh phải im lặng? Vì sao Henry Miller phải nói với sự im lặng, bằng sự im lặng và qua sự im lặng? Vì sao trầm tư về Nietzsche hay trầm tư về Henry Miller là trầm tư về sự im lặng qua chính sự im lặng? (cf. Hố thẳm tư tưởng, ecce homo: Henry Miller, fire for fire). Vì sao Nietzsche phải im lặng? Rimbaud? Henry Miller?
René Char trả lời:
Vài ba người không ở trong xã hội, cũng không ở trong mộng mị. Họ thuộc về một tính mệnh đơn độc, thuộc về một nỗi hoài vọng xa lạ. Việc làm dễ thấy của họ dường như đi trước sự tố cáo đầu tiên của thời gian và đi trước niềm vô tư lự của những phương trời…
(Quelques êtres ne sont ni dans la société ni dans une rêverie. Ils appartiennent à un desti isolé, à une espérance inconnue. Leurs actes apparents semblent antérieurs à la première inculpation du temps et à l’insouciance des cieux…)
“Họ thuộc về một Tính mệnh đơn độc, thuộc về một nỗi hoài vọng xa lạ…” Họ là ai? Héraclite? Rimbaud? Nietzsche? Van Gogh? Henry Miller? Những người đi về từ Hố thẳm? Những người lên đường đi trở về lại Hố thẳm?
René Char trả lời mà không trả lời:
Tương lai chảy tan trước cái nhìn của họ. Họ là những người cao thượng quí phái nhất và xao xuyến ray rứt nhất…
(L’avenir fond devant leur regard. Ce sont les plus nobles et les plus inquiétants).
XVII.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Tại sao Zarathustra nằm ngủ mà vẫn mở mắt? Tại Zarathustra nằm mộng mà mắt vẫn mở?
- Mặc dù ngủ, nhưng mắt Zarathustra vẫn mở.
(cf. Im lặng Hố thẳm, Credo, trang 183)
Người nào mơ mộng mà mắt vẫn mở? Người nào nói mà môi vẫn bất động? Nói mà vẫn im lặng? Mơ mộng mà mắt vẫn mở? Mơ mộng mà vẫn thức tỉnh? Và quan trọng nhất là vì sao người viết cứ hỏi mãi mà không trả lời?
Và vì sao khi viết về Dostoievski, tình cờ André Gide đã viết một câu bất ngờ như sau:
Nỗi xao xuyến quằn quại bắt đầu xuất hiện, khi câu hỏi còn lại, mà vẫn không có sự trả lời…
- L’angoisse commence lorsque la question demeure sans réponse (André Gide, Dostoïevski, N.R.F., 1964, trang 191)
Khi tất cả mọi sự đều sụp đổ rồi thì còn lại gì nữa?
Còn lại gì?
Chỉ còn lại câu hỏi.
Chỉ còn lại một dấu hỏi: một dấu hỏi bằng lửa.
Một dấu hỏi bằng lửa mà Zarathustra đã nhóm lên trên đỉnh núi cao.
Một câu hỏi bằng lửa dưới bầu trời đen tối:
Nơi đây, châu đảo nhoai đầu lên giữa những mặt biển,
Nơi đây sừng sững vút lên mô đá tế trời,
Nơi đây, dưới lòng trời đen huyền,
Zarathustra nhóm dậy ngọn lửa của chóp cao ngút đỉnh:
Dấu hiệu lửa đỏ cho những hoa tiêu lạc hướng
Dấu hỏi cho những kẻ nào được hồi âm…
Ngọn lửa se lòng tro xám trắng phau
Phóng lưỡi khát khao liếm quanh vùng viễn phương buốt lạnh,
Ngọn lửa se cổ thon lên những đỉnh cao trong suốt
Con rắn ngoi thẳng lưng cao se dạ bồn chồn:
Đó là dấu hiệu mà ta đã dựng lên trước mặt ta
Chính hồn ta là ngọn lửa ấy:
Nó đốt cháy khôn nguôi nhiệt cuồng lặng lẽ vọng về những phương trời mới lạ
Vút cao nghi ngút, nghi ngút…
Tại sao Zarathustra phải trốn bỏ loài người, loài thú
Và bỏ trốn những giải đất triền miên?
Hắn đã quen biết sáu nỗi cô đơn
Biển cả không còn chứa đủ cô đơn cho hắn
Châu đảo bồng hắn lên cao; trên chóp cao, hắn hóa thể trở thành ngọn lửa
Và ném lưỡi câu lên đầu mình
Tìm kiếm nỗi cô đơn thứ bảy.
Ới những hoa tiêu lạc lõng! Ới những phế tích của những vì sao xưa!
Ới chúng mi, những biển cả của tương lai!
Ới chúng mi, những phương trời vô lượng!
Ta ném lưỡi câu đến tất cả niềm cô đơn:
Hãy đáp ứng lại nỗi bồn chồn của lửa ngọn
Ới nỗi cô đơn tối hậu, nỗi cô đơn thứ bảy!
Hãy bắt lấy ta, kẻ câu cá trên những đỉnh non cao.
Nguyên tác chữ Đức của Nietzsche gợi lên trọn vẹn tiếng kêu trên đỉnh núi của bảy nỗi niềm cô đơn:
Das Feuerzeichen
Hier, wo zwischen Meeren die Insel wuchs,
Ein Opferstein jäh hinaufgethürmt,
Hier zündet sich unter schwarzem Himmel
Zarathustra seine Höhenfeuer an,
Feuerzeichen für verschlagne Schiffer,
Fragezeichen für solche, die Antwort haben…
Die Flamme mit weissgrauem Bauche
- in kalte Fernen züngelt ihre Gier,
nach immer reineren Höhn biegt sie den Hals —
eine Schlange gerad aufgerichtet vor Ungeduld:
dieses Zeichen stellte ich vor mich hin.
Meine Seele selber ist diese Flamme,
Unersättlich nach neuen Fernen
Loder aufwärts, aufwärts ihre stille Gluth.
Was floh Zarathustra vor Thier und Menschen?
Was eintlief er jäh allem festen Lande?
Sechs Einsamkeiten kennt er schon -,
aber das Meer selbst war nicht genug ihm einsam,
Die Insel liess ihn steigen, auf dem Berg wurde er zur Flamme,
Nach einer siebenten Einsamkeit
Wirft er suchend jetzt die Angel über sein Haupt.
Verschlagne Schiffer! Trümmer alter Sterne!
Ihre Meere der Zukünft! Unnausgeforschte Himmel!
Nach allem Einsamen werfe ich jetzt die Angel:
Gebt Antwort auf die Ungeduld der Flamme,
Fangt mir, dem Fischer auf hohen Bergen,
Meine siebente letzte Einsamkeit! -
(Nietzsche, Dionysos-Dithyramben, cf. Werke in drei Bänden, p. 1253)
Hiểu được sự khác nhau giữa Biểu tượng (Sinnbild) và Dấu hiệu (Zeichen) là hiểu được sự khác nhau giữa Tính thể (Seiende) và Thể tính (Sein): ý thức được sự khác nhau giữa dấu hiệu và biểu tượng là một bước đi quan trọng trong tư tưởng (cf. Hố thẳm Tư tưởng, chương I-II); sự khác nhau giữa biểu tượng và dấu hiệu là sự khác nhau giữa văn minh và u minh (Ủngund).
Tư tưởng của Nietzsche là tư tưởng của dấu hiệu (Zeichen); tất cả truyền thống triết lý Tây phương chỉ là tư tưởng của biểu tượng (Sinnbild); ngay đến Heidegger, mặc dù Heidegger ý thức được sự bí ẩn huyền diệu của dấu hiệu (Zeichen), nhưng chính tư tưởng của Heidegger cũng chỉ là tư tưởng của biểu tượng về dấu hiệu: biểu tượng về dấu hiệu cũng chỉ là biểu tượng bất lực. Heidegger không hiểu tư tưởng Nietzsche, chỉ vì Heidegger chỉ muốn biến đổi dấu hiệu của Nietzsche thành biểu tượng: biểu tượng ấy là Siêu thể học; biểu tượng thì siêu thể; dấu hiệu thì nhập thể để phục tính (siêu thể: đi lên trên thể; nhập thể: đi vào trong thể).
Tư tưởng Nietzsche là một dấu hiệu (Zeichen).
Quan trọng hơn nữa, dấu hiệu của Nietzsche là một dấu hỏi (Fragezeichen).
Quan trọng nhất, dấu hỏi của Nietzsche là một dấu hỏi bằng lửa (Feuerzeichen).
Bài thơ trích dịch ở trên mang nhan đề là “Feuerzeichen”, nghĩa là “dấu hỏi bằng lửa”.
Nỗi cô đơn thứ bảy Nietzsche chính là ý thức sự im lặng tối hậu mà dấu hiệu đã đưa về trong ngọn lửa nghi ngút tận đỉnh non cao: hóa thể phục tính: nhìn thấy và im lặng: con người biến thành lửa núi: nỗi cô đơn cuối cùng của một kẻ suất tính để biến thành lửa của những vũ trụ mới: lửa tế trời biến thành lửa của trời.
Mặt trời chỉ là vết tích rớt lại của con rắn lửa se tròn đùa chơi trong khoen tròn của vòng tròn thế mệnh.
XVIII.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Tính thể của sự im là dấu hỏi; thể tính của dấu hỏi là sự im lặng. Nietzsche im lặng, vì đã hỏi; và khi dấu hỏi biến thành dấu hỏi lửa thì sự im lặng của Nietzsche đã được thành tựu. Lực ý chính là dấu hỏi; phục tính vĩnh cửu chính là dấu hỏi lửa: con rắn ngoi đầu thẳng lên đỉnh trời mà Zarathustra đã dựng lên trước mặt mình (eine Schlange gerad aufgerichtet… dieses Zeichen stellte ich vor mich hin).
Khi Zarathustra hóa thể thành Dionysos thì Nietzsche trở về im lặng (1889-1900).
Sự hóa thể phục tính trải qua hai giai đoạn:
1) Dionysos chống lại kẻ bị đóng đinh
2) Dionysos và kẻ bị đóng đinh chỉ là một.
Khi Dionysos chống lại kẻ bị đóng đinh thì Nietzsche đánh lên một dấu hỏi trước toàn thể giá trị truyền thống Tây phương. Đó là đảo ngược lại tất cả giá trị (Umwertung aller Werte); trong lời mở đầu của quyển Götzen – Dämmerung (Hoàng hôn của những thần tượng), Nietzsche gọi “sự đảo ngược tất cả giá trị ấy” là một dấu hỏi màu đen, một dấu hỏi quá đen:
Eine Umwertung aller Werte, dies Fragezeichen so schwarz…
(cf. Werke in drei Bänden, II, p. 941)
mà Nietzsche phải mang sinh mệnh mình để đổi lấy nó trong việc cưu mang thể mệnh nhân loại.
Khi Dionysos và kẻ bị đóng đinh nhập lại làm một, như trong năm đầu tiên đi vào im lặng, năm 1889, Nietzsche đã viết thư cho Peter Gast và ký ở dưới là:
- “kẻ bị đóng đinh”
- Der Gekreuzige
(cf. Werke in drei Bänden, III, p. 1350)
Lúc viết cho Georg Brandes, Nietzsche cũng ký tên là “kẻ bị đóng đinh” (Poststempel: Turin 4. I. 1889); còn viết cho Jacob Burckhardt, Nietzsche ký là “Dionysos” (Poststempel: Turin, 4.I.1889), nghĩa là cũng vào ngày 4 tháng 1 năm 1889, Nietzsche đã ký cùng lúc hai tên đối nghịch “kẻ bị đóng đinh” (Der Gekreuzigte) và “Dionysos”.
Khi Dionysos và kẻ bị đóng đinh nhập lại làm một (Der Gekreuzigte = Dionysos) thì Phục Tính vĩnh cửu xuất hiện như mười hai giờ trưa nhập với mười hai giờ khuya: Việt nhân (Übermensch) không còn mâu thuẫn với phục thể vĩnh thể của đồng thể (Die ewige Wiederkehr des Gleichen): lực ý (Der Wille zur Macht) và phục thể vĩnh thể của đồng thể nhập nhau làm một, tương dung tương nhiếp với nhau:
“Trong sự thể hữu hạn và độc nhất chiếu ngời lên sự vĩnh cửu của vũ trụ; sự thể biến mất trong thâm cùng Hố thẳm bỏ ngỏ lời trần gian”.
- Dans la chose finie et unique luit l’éternité du cosmos; la chose disparait pour ainsi dire dans la profondeur de l’ABIME ouvert du temps.
(Eugen Fink, La philosophie de Nietzsche, Editions de Minuit, p. 220)
Hố thẳm bỏ ngỏ là Uyên Nguyên khai thể: Thái cực sinh lưỡng nghi: con bướm xòe ra hai cánh và bay lượn tròn quanh thi thể của người con trai chết trong trận chiến tranh Việt Nam: Sự im lặng của lòng đất quê hương bốc lên trở về nhập một với sự im lặng cuối cùng của Nietzsche: Uyên Tư trở về với Uyên Mặc…
Nguồn: Im lặng hố thẳm của Phạm Công Thiện. An Tiêm xuất bản 1967, tái bản lần 2 năm 1969.