Diễn trình lịch sử cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Nguyễn Nhã Cập nhật : 25/03/2009 09:35
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học, thành viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN
TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA –
NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
TÓM TẮT
Hoàn cảnh lịch sử bắt đầu từ năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa cho rằng Hoàng Sa của Việt Nam là đất vô chủ, nên đã có hành động khảo sát, chiếm hữu theo cung cách của Phương Tây, đã không gặp bất cứ phản ứng nào của Việt Nam vì Việt Nam bị mất hết chủ quyền ngoại giao vào tay người Pháp, trong khi Pháp vốn biết trước ý đồ của chính quyền Quảng Đông, song vẫn không can thiệp ngay vì sợ chủ nghĩa dân tộc “sô-vanh” bùng dậy ở Trung Hoa, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Pháp ở Trung Hoa. Tuỳ theo từng thời kỳ lịch sử từ giai đoạn 1 (1909-1930), giai đọan 2 (1930-1945), giai đoạn 3 (1945-1954), giai đoạn 4 (1954-1975), giai đoạn hiện nay (1975 đến nay), có những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dẫn đến những nguyên nhân tranh chấp khác nhau, tính chất tranh chấp khác nhau, liên tiếp không ngừng cho đến tận ngày nay.
Khi Thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam vào tháng 4/1956 để lại khoảng trống lực lượng bố phòng trong khi đang diễn ra chiến tranh lạnh, thế giới chia hai phe : phe Tư bản chủ nghĩa và phe Xã hội chủ nghĩa, Việt Nam, lại bị chia cắt có hai chính quyền mà theo Hiệp Định Genève mà Trung Quốc đã ký, phía nam vĩ tuyến 17 trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Chính quyền phía Nam quản lý, đã không thể̉ bảo vệ hiệu quả chủ quyền vốn có của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, khiến các nước Trung Quốc, Đài Loan, Philippines trong bối cảnh chiến tranh lạnh ấy đã vội vã chiếm cứ một số đảo tại Hoàng Sa & Trường Sa. Khi Mỹ ký Thông cáo chung Thượng Hải với Trung Quốc năm 1972 và ký Hiệp Định Paris năm 1973, rút quân ra khỏi Việt Nam, không can thiệp để Trung Quốc chiếm toàn thể Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974. Nguyên nhân tranh chấp trong thời kỳ này đã thay đổi về chất, sự đối đầu trong chiến tranh lạnh, và nhất là trong chiến tranh nóng hai chính quyền Nam Bắc có những đồng minh, đồng chí anh em ủng hộ lẫn nhau trong tranh chấp mang tính quốc tế này.
Sau năm 1975, Việt Nam đã thống nhất, thế lực chính trị quốc tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến Việt Nam trong đó có việc tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tiếp tục, không những vì vị trí chiến lược vốn có tầm quan trọng lớn lao cũng như tài nguyên nhất là trữ lượng dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...
Sự thực lịch sử ra sao và giải pháp ?
Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời : từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long) qua đội dân binh Hoàng Sa và đội Bắc Hải được đội Hoàng Sa kiêm quản, Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, chủ yếu là tài liệu công trong đó có đặc biệt cả châu bản, hội điển chép những hành động của nhà nước chiếm hữu, thực thi chủ quyền như vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, xây miếu thờ (Hoàng sa tự), trồng cây, đào giếng… của thuỷ quân triều Nguyễn chứ không còn ít ỏi như thư của Toàn Quyền Pasquier gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa ngày 18-10-1930, mà người Pháp lúc ấy cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.
Trong khi ấy tư liệu phương Tây như Jean Baptiste Chaigneau, Gutzlaff (năm 1849) nhất là giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816 và An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838, phụ bản của cuốn từ điển La tinh - Annam, ghi rõ « Paracels seu Cát Vàng » với toạ độ rõ ràng như hiện nay chứ không phải như Trung Quốc cho là ven bờ biển.
Ngay tư liệu của Trung Quốc như Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán năm 1696, quyển 3, đã ghi chép Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ cá tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa …
Sự thực chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa đã rõ ràng như trên. Nguyên nhân tranh chấp đã không còn nữa. Việt Nam đã độc lập, thống nhất, làm bạn với tất cả các nước kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nga…Vì thế không một chính quyền nào cũng như bất cứ người Việt Nam nào dù khác nhau chính kiến lại không coi trọng việc đòi lại Hoàng Sa về với Việt Nam và bảo toàn toàn vẹn Trường Sa. “ Cái gì của César phải trả lại cho César ”. Đối với các nước ASEAN trên cơ sở Công ước 1982 về luật biển sẽ tương nhượng trong tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong khối càng ngày càng chặt chẽ, đôi bên đều có lợi. Đối với Trung Quốc, núi liền núi, sông liền sông, đã có những bài học lịch sử quý giá. Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm luôn kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ của mình, song luôn luôn tôn trọng nước đàn anh Trung Quốc, luôn theo truyền thống làm “ phên dậu của Trung Quốc ”, không bao giờ làm hại đến quyền lợi Trung Quốc.
Bất cứ giải pháp nào dựa vào sức mạnh như người Nhật đánh chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa, Trường Sa năm 1938, 1939 hoặc thực dân Pháp suốt thập niên 20 đến thập niên 50 thế kỷ XX dựa vào ưu thế quân sự của mình cũng như Trung Quốc dùng võ lực năm 1974,1988 chỉ mang tính nhất thời.
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN VIỆC CHÍNH QUYỀN TỈNH QUẢNG ĐÔNG (TRUNG HOA) KHẢO SÁT TRÁI PHÉP QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀO NĂM 1909 VÀ TIẾP TỤC LÚN SÂU VÀO VIỆC XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở HOÀNG SA CHO ĐẾN NĂM 1930 KHI CHÍNH QUYỀN THỰC DÂN PHÁP THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM
Việt Nam bị Pháp xâm lược năm 1858, mất hết chủ quyền tự chủ ngoại giao theo Hiệp ước cuối cùng ký với Pháp năm 1884, không bảo vệ được chủ quyền của mình tại Hoàng Sa khi bị các nước khác xâm phạm.
Chính trong thời Pháp thuộc đă xảy ra sự kiện chính quyền Quảng Đông (Trung Hoa) do Tổng Đốc Trương Nhân Tuấn đứng đầu vào tháng 6 năm 1909 như báo chí Quảng Châu hồi bấy giờ đưa tin, lần đầu tiên đă cử một hạm đội nhỏ của nhà Thanh đã đi khảo sát trái phép quần đảo Paracels, vốn của Việt Nam từ lâu, tên chữ là Hoàng Sa hay tên nôm gọi là Cát Vàng hay Cồn Vàng.
Tên Tây Sa mà chính quyền Quảng Đông mới đặt ra sau sự kiện tháng 10 năm 1907, chính quyền nhà Thanh đuổi được nhóm thương gia người Nhật Nishizawa Yoshiksugu chiếm giữ đảo Pratas trong 3 tháng (từ 2 tháng 7 năm 1907). Cũng bắt đầu từ khi này, chính quyền Quảng Đông đã đặt tên Pratas là Đông Sa vốn là tên một đảo ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, đã được ghi rất rõ trên bản đồ “Duyên Hải Toàn Đồ” trong sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1730).
Diễn Đàn cảm ơn tác giả Nguyễn Nhã đã cung cấp bài nghiên cứu của ông. Nội dung bài này đã được trình bày tại Hội thảo Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 17.2.2009 vừa qua tại Hà Nội.
Không phải chính quyền thực dân Pháp không biết sự kiện khảo sát trái phép này. Chính bức thư của lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu gửi Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 4 tháng 5-1909 đã nêu ý đồ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam khi viết : “ Như tôi đã trình bày với ông khi kết thúc bản báo cáo gần đây của tôi (số 86 ngày 1 tháng 5 năm 1909) về vấn đề các đảo Đông Sa (Pratas), vấn đề này khiến chính phủ Trung Hoa chú ý đến các nhóm đảo khác nằm dọc bờ biển của Thiên Triều và tới một mức độ nhất định có thể được coi như một bộ phận của Thiên triều, trong đó có quần đảo Paracels ” [Monique Chemillier-Gendreau, La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys, Paris, L’Harmattan,1996, p.206]. Cũng cần lưu ý bức thư trên đã viết khi chính quyền Quảng Châu c̣òn đang chuẩn bị thực hiện chuyến khảo sát. Cuộc khảo sát diễn ra sau đó, có mặt cả người Đức, đã rời Hồng Kông vào ngày 21-5-1909 và về Quảng Châu vào ngày 9-6-1909.
Cũng trong thư trên đề ngày 4 tháng 5 năm 1909, lãnh sự Pháp ở Quảng Châu gửi cho Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp có một số nội dung đáng lưu ý sau đây :
Do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas (Đông Sa), Trung Quốc muốn chiếm luôn quần đảo Paracels gần Hải Nam.
Cuộc khảo sát trái phép đầu tiên là của Ngô Kính Vinh đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá (tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò). [Monique Chemillier-Gendreau, sđd, Paris, L’Harmattan,1996, p.207].
Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa, bị đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến Hải Nam [Monique Chemillier-Gendreau, sđd, Paris, L’Harmattan, 1996,p. 210].
Như thế chính phủ Pháp ngay tại chính quốc đã rõ ý đồ của chính quyền Trung Hoa dù chỉ là chính quyền địa phương xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Paracels hay Hoàng Sa của Việt Nam. Sở dĩ Chính quyền Pháp không ngăn chặn hành động khảo sát trên vì nhiều lý do :
Một là khi ấy, Pháp chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ sở hữu quần đảo của nước “An Nam” mà Pháp bảo hộ theo Hiệp ước Patenôtre 1884. Vấn đề ngăn chặn ý đồ của Trung Hoa ngay từ năm 1909 mà Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu là Beauvais đã báo cáo, bị chính quyền Pháp ở mẫu quốc bỏ qua.
Điều này cũng dễ hiểu, nếu như các đảo ấy vốn thuộc sở hữu của nước Pháp hoặc thuộc đất Nam Kỳ, nhượng địa hay thuộc địa chứ không phải đất bảo hộ, thì chắc chắn chính phủ Pháp sẽ có hành động ngăn chặn ngay và sẽ không thể xảy ra tranh chấp lâu dài về sau. Nếu không chính phủ Pháp sẽ bị kết tội hay sẽ bị lên án do chính người Pháp hoặc giới chính trị hoặc những công dân yêu nước của Pháp.
Hai là chính quyền thực dân Pháp ngại sự ngăn chặn có thể làm phát sinh trong ḷòng dân chúng Trung Hoa một phong trào “sô vanh” có hại cho quyền lợi Pháp ở Trung Quốc.
Điều này cũng đã được Ông Beauvais nêu ra trong chính văn thư báo cáo ngày 4-5-1909 gửi Ông Bộ trưởng Ngoại Giao Pháp và đã được chính phủ Pháp cân nhắc làm theo :
“ Như vậy, thưa Ông Bộ Trưởng, nếu ta còn lợi ích trong việc ngăn không cho Chính phủ Trung Hoa nắm lấy nhóm các đá ngầm này, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng nghiên cứu, tìm ra các lập luận chứng minh rõ ràng quyền của chúng ta và những bằng chứng không thể bác bỏ về quyền đó. Nhưng nếu việc đó không đáng làm, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, có lẽ nên nhắm mắt làm ngơ. Một cuộc can thiệp của chúng ta sẽ có khả năng làm xuất hiện một phong trào sô vanh mới làm cho chúng ta bị thiệt hại nhiều hơn lợi ích mà việc sở hữu được thừa nhận đối với quần đảo Hoàng Sa đem lại ” (Monique Chemillier-Gendreau, La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, L’Harmattan, 1996, p.211-212).
Trong văn thư đề ngày 14 Janvier 1921 của Ông Chủ Tịch Hội Đồng Pháp Quốc (tức Thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pháp gửi Bộ Trưởng Bộ Hải Quân Pháp cũng đã khẳng định Bộ ngoại Giao Pháp đã nghe theo ý kiến của Beauvais (Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 205).
Ba là các quan chức thực dân Pháp từ Phủ Toàn quyền đến Bộ Thuộc Địa hay Bộ Ngoại giao Pháp không biết rõ hoặc rất mơ hồ về sở hữu từ lâu thuộc về Việt Nam.
Có rất nhiều bằng chứng như chính Ông Beauvais trong bản báo cáo trên cũng không chắc chắn mà chỉ nói : “ có lẽ sẽ dễ dàng nghiên cứu…”. …
Cho đến ngày 6 tháng 5 năm 1921, có nghĩa sau hơn 1 tháng ngày 30-3-1921, lệnh mang số 831 của Ban Đốc Chính chính quyền quân sự Miền Nam Trung Hoa sau phiên họp ngày 11-3-1921 đã quyết định sáp nhập về mặt hành chính các đảo Hoàng Sa vào huyện Yai Hien (Châu Nhai, đảo Hải Nam), Vụ Các Vấn đề chính trị và Bản Xứ thuộc Phủ Toàn Quyền Đông Dương đã có văn bản ghi chú (Note) ghi rất nhiều điều liên quan đến quần đảo Hoàng Sa lấy từ Hồ sơ hiện có ở Phủ Toàn Quyền Đông Dương, cho biết đã tìm trong kho tư liệu của hải quân Sàig̣òn, lưu trữ của Thống đốc Nam kỳ, của Phủ Toàn quyền không thấy có tư liệu nào có tính chất làm rõ quốc tịch của các đảo Hoàng Sa. Chính lúc Toàn Quyền Đông Dương ra chỉ thị điều tra về vấn đề quốc tịch của Hoàng Sa cũng là lúc nhận được bức thư của Tổng lãnh sự Beauvais ở Quảng Châu báo tin có sự kiện chính quyền quân sự Nam Trung Hoa quyết định sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Đông.
Rõ ràng sự kiện Chính quyền quân sự Miền Nam Trung Hoa ra tuyên bố sáp nhập Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Đông ngày 30 tháng 1 năm 1921 cũng đã xảy ra vào thời Pháp thuộc, khi Việt Nam đã hoàn toàn mất chủ quyền.
Khi c̣òn mơ hồ về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Ḥoàng Sa, trong khi ấy thực chất quyền lực nhà nước là do chính quyền thực dân Pháp nắm, nên chính quyền thực dân Pháp không tích cực ngăn chặn sự vi phạm chủ quyền của chính quyền Quảng Đông tại quần đảo Hoàng Sa là chuyện đương nhiên. Chắc chắn khi Việt Nam có c̣òn chủ quyền, được độc lập tự chủ hay Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Pháp thì chính quyền nào cũng phải lấy nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước mình. Vì thế chung quy không có sự ngăn chặn kịp thời sự xâm phạm chủ quyền của chính quyền quân sự Miền Nam Trung Hoa vào năm 1921 cũng như của chính quyền Quảng Đông năm 1909 chính là do Việt Nam bị Pháp đô hộ, không c̣òn chủ quyền để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Vậy về phía Việt Nam nguyên nhân sâu xa hay khách quan dẫn đến sự tranh chấp không đáng có chính là Việt Nam bị Pháp đô hộ, mất hết chủ quyền để có thể bảo vệ lãnh thổ của mình khi bị xâm phạm.
Về phía Trung Hoa, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas (Đông Sa), Trung Quốc muốn chiếm luôn quần đảo Paracels gần Hải Nam để tránh xảy ra sự kiện bất cứ nước nào nhất là các cường quốc hồi bấy giờ phỗng tay trên, chiếm cứ những đảo ở Nam Hải mà Trung Hoa coi là vô chủ.
Về phía chính quyền thực dân Pháp, nguyên nhân chủ quan chính là do quyền lợi riêng của Chính quyền thực dân Pháp đã khiến Pháp không phản ứng kịp thời để Trung Hoa cho là đất vô chủ và đi sấu vào hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Ḥoàng Sa và sự thiếu hiểu biết do hạn chế của người đi đô hộ, không hiểu quan điểm của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Song sau đó chính quyền thực dân Pháp lại bắt đầu quan tâm đến hành động trái phép của chính quyền Quảng Đông với quấn đảo Hoàng Sa. Vậy thì nguyên nhân nào khiến chính quyền thực dân Pháp bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa trong thời gian từ năm 1921 đến 1930, Pháp bắt đầu thay đổi quan điểm. Đó chính là tầm quan trọng của vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa đối với an toàn quyền lực của Chính quyền thực dân Pháp về sự hiểu biết lập trường của Việt Nam (theo Thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề giải thích).
Trước hết chính vì vị trí chiến lược quan trọng của quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa cũng như Biển Đông đối với lãnh thổ Pháp đang cai trị, nên thực dân Pháp ở Đông Dương phải cân nhắc lợi hại, đã quyết định đối mặt với những ý đồ tranh chấp chủ quyền của các nước khác trong đó có Trung Quốc.
Lúc ban đầu, trong bản báo cáo ngày 04 tháng 5 năm 1909, Tổng lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu đã đề cập tới tầm quan trọng vị trí của quần đảo Hoàng Sa, song lại chưa sát sườn với lợi ích của chính quyền thực dân, dù có hệ trong đến hàng hải hay sự đe dọa đối với ngư dân Việt nam như sau :
“ Về vấn đề này, nhân viên của chúng tôi nhận xét rằng các đảo Hoàng Sa đối với chúng ta có một tầm quan trọng nhất định : vì nằm giữa tuyến đường đi từ Sàig̣òn đến Hồng Kông, các đảo đó là một mối nguy hiểm lớn đối với hàng hải và việc chiếu sáng ở đó có thể là cần thiết. Ngoài ra, các đảo đó thường có ngư dân An Nam và Trung Quốc qua lại : họ đến đó trong quá trình đánh cá để sơ chế sản phẩm. đã xảy ra những cuộc đổ máu giữa ngư dân hai nước trong dịp đó ” (Monique Chemillier-Gendreau, La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, L’Harmattan, 1996, p.197).
Trong văn thư của Khâm Sứ Trung Kỳ Le Fol gửi Toàn Quyền Đông Dương vào ngày 22 tháng 1 năm 1929 đã nhấn mạnh về vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa :
“ Trong tình hình hiện nay, không ai có quyền phủ nhận tầm quan trọng chiến lược rất lớn của các đảo Hoàng Sa. Trong trường hợp có xung đột, việc nước ngoài chiếm đóng chúng sẽ là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất có thể có đối với việc phòng thủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang [Đông Dương].
“ Thực vậy, các đảo nói trên là sự kéo dài tự nhiên của Hải Nam. Một đối phương có thể thấy ở đó một căn cứ hải quân hùng mạnh nhờ những vụng và nhiều nơi tầu đậu tuyệt vời, và do tính chất của chúng thực tế là không thể đánh bật. Một đội tầu ngầm dựa vào căn cứ đó sẽ có thể, không những phong tỏa cảng Đà Nẵng là cảng quan trọng nhất của Trung Kỳ, mà còn cô lập Bắc Kỳ bằng cách ngăn cản việc đi đến Bắc Kỳ bằng đường biển. Lúc đó để liên lạc giữa giữa Nam Kỳ với Bắc Kỳ ta phải dùng đường sắt hiện có, một con đường rất dễ bị đánh vì chạy dọc theo bờ biển, pháo hải quân đặt trên các chiến hạm có thể mặc sức phá hủy.”
“ Đồng thời, mọi con đường thông thương giữa Đông Dương - Viễn Đông - Thái Bình Dương sẽ bị cắt đứt : hải lộ Sàig̣òn - Hồng Kông đi gần quần đảo Paracels, do đó nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của căn cứu trên các đảo ” ( onique Chemillier-Gendreau, La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, L’Harmattan, 1996, p.174).
Mặc dù có những báo cáo rất rõ về tầm quan trọng của Hoàng Sa đối với việc bảo vệ lãnh thổ thuộc địa Đông Dương của Pháp, song phải có sức ép của dư luận báo của người Pháp ở Đông Dương mới làm cho chính quyền thực dân Pháp có những hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa của nước được Pháp bảo hộ.
Đầu tiên với loạt bài trong các số 606, 622, 623, 627 (tháng 1, 5, 6 năm 1929), nhà báo Henri Cucherousset đã lược qua về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa với những dẫn chứng hết sức cụ thể như : 1/ Jean Baptiste Chaigneau viết năm 1820 dưới nhan đề : Notice sur la Cochinchine cho biết năm 1816 vua Gia Long thực sự chiếm đảo Hoàng Sa. 2/ Giám mục Jean Louis Taberd viết trong Journal of the Asiatic Society of Bengal, tậpVI, măm 1837, tr.737 và những trang kế tiếp, tập VII, năm 1838, tr.317 và những trang kế tiếp đề cập đến quần đảo Hoàng Sa trong mục Géographie de la Cochinchine. 3/ Dubois de Jaucigny viết trong L’Univers – Histoire et Description de tous les peuples de leurs religions. Moeurs, coutumes ; Japon, Indochine, Ceylan xuất bản năm 1850 tại Paris, F. Didot xuất bản, có đoạn viết : “ …từ 34 năm về trước quần đảo Hoàng Sa (mà người Annam gọi là Cát Vàng đã được chiếm cứ bởi các người xứ Nam Kỳ ”. Cucherousset còn viết những chi tiết về quần đảo Hoàng Sa trong Nam Việt Địa Dư [Hoàng Việt Địa Dư ?], Minh Mạng năm thứ 14 ; Đại Nam Nhất Thống Chí, in thời Duy Tân, tập 6, tờ 18b, 19a cùng việc tàu De Lanessan thám sát Hoàng Sa năm 1925.”
Theo tác giả, quần đảo Hoàng Sa quan trọng do 5 đặc tính sau đây : 1/ Trạm cho thuỷ phi cơ Sàig̣òn - Hồng Kông ; Tourane- Philippines. 2/ Điểm tựa chiến lược cho tầu ngầm khi có chiến trảnh. 3/ Trạm thông báo khí tượng. 4/ Nơi tránh gió băo cho tàu đánh cá. 5/ Giàu phốt phát. Lý do tác giả viết loạt bài vì nhân một đại uý người Anh muốn nhân danh Anh Hoàng đặt chủ quyền Anh lên đảo Sein đồng thời tác giả cực lực phản đối việc hải quân trung tá Rémy ở Sàig̣òn trả lời cho 1 công ty hàng hải Nhật rằng không biết quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của ai và việc ông Monguillot đã viết cho ông Gravereaud nói rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Hoa.
Theo tác giả, chánh quyền bảo hộ Pháp phải chấp hữu chủ quyền trên quần đảo Ḥoàng Sa bằng các hành động : 1/ Vẽ bản đồ tổng quát Hoàng Sa tỉ lệ 1/200.000, vẽ bản đồ chi tiết 1/25.000, vẽ bản đồ hải quân và bản đồ địa chất. 2/ Đặt đài hải đăng. 3/ Đặt trạm quan sát và thông báo khí tượng. 4/ Lập đội trú phòng trú đóng tại Hoàng Sa.
Tác giả còn luôn luôn trách cứ chánh quyền Pháp đã quá lơ là trong việc xác nhận và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa.
Sau đó chính bức thư của Toàn quyền Pasquier gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc Địa ngày 18-10-1930 đã chấm dứt thái độ do dự của chính quyền Pháp đối với hành động xâm phạm trái phép của chính quyền Trung Hoa đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Trong bức thư trên, Toàn quyền Pasquier đã gửi tập tư liệu về quần đảo Hoàng Sa bao gồm :
1.
Một đoạn trích bằng chữ Hán với bản dịch bằng tiếng Pháp của Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6 hay biên niên sử của chính phủ An Nam.
2.
Một đoạn trích bằng chữ Hán với bản dịch bằng tiếng Pháp của Nam Việt Địa Dư, tập 2 hay Địa dư thời Minh Mạng [Chú thêm của tác giả : tức Hoàng Việt Địa Dư Chí].
3.
Một đoạn trích bằng chữ Hán với bản dịch bằng tiếng Pháp của Đại Nam Nhất Thống Chí hay địa dư thời Duy Tân.
Cùng kèm theo bốn thư phụ lục và bốn bản đồ, Toàn Quyền Pasquier viết : “ Chắc hẳn Ngài cũng đánh giá như tôi rằng chúng ta đã đủ để xác định không thể tranh cãi rằng An Nam đã thực sự nắm sở hữu quần đảo và làm như vậy trước năm 1909 nhiều.” (Monique Chemillier-Gendreau, La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, L’Harmattan, 1996, p.233).
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN VIỆC TRUNG HOA VÀ PHÁP TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA HOÀNG SA & TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM TỪ NĂM 1930 ĐẾN NĂM 1945, THỜI GIAN PHÁP CÒN ĐÔ HỘ VIỆT NAM
Từ 1931 đến 1933, Cucherousset lại tiếp tục viết 7 bài viết cũng trên báo L’Éveil Économique de L’Indochine trong các số 685 (10-5-1931), 688 (31-5-1931), 743 (26-6-1932), 744 (03-7-1932), 746 (17-7-1932), 777 (26-02-1933) và 790 (28-5-1933). Trong loạt bài báo kể trên, không thấy nhắc đến lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam nữa mà chỉ tập trung vào thái độ của Toàn quyền Pasquier về việc xử lý việc bảo vệ chủ quyền ấy. Tác giả chỉ trích một lá thư của Toàn quyền Pasquier khi Ông này viết : “ Chủ quyền của xứ Annam trên quần đảo Hoàng Sa là điều không thể chối cãi được nhưng lúc này chưa phải cơ hội để xác nhận chủ quyền ấy ”. Tác giả gay gắt chất vấn Ông Toàn Quyền : “ Tại sao nay không phải là cơ hội ? Trở lực nào đã ngăn cản xứ “Annam” nhìn nhận chủ quyền trên đảo Hoàng Sa mà họ đã chấp hữu từ trăm năm trước ? Có phải chăng đợi đến lúc người Nhật khai thác đến tấn phốt phát cuối cùng ? Có phải người Nhật đã trả thù lao một phần cho ai chăng ? ”
Vì những bài báo lập luận vững chắc và chỉ trích nặng lời toàn quyền Pasquier, Ṭòa Soạn báo E.E.I. bị ông Dự thẩm Bartet ra lệnh khám xét ban đêm buộc nhà báo phải nộp hồ sơ liên quan đến vụ Hoàng Sa. Trong số báo 743, Cucherousset cực lực phản đối và nhất quyết không giao nộp, nếu muốn nghiên cứu thì chỉ cho đọc tại chỗ. Trong số báo 746, Cucherousset viết nếu không có loạt bài của E.E.I. thì có lẽ chính quyền Pháp làm ngơ vụ Trung Hoa chiếm hữu Hoàng Sa.
Trong số báo 777, Cucherousset đã trình bày tại sao ông phản đối Toàn quyền Pasquier nhún nhường trước hành động của Tổng Đốc Quảng Đông : 1/ Chính quyền tỉnh Quảng Đông không hề bao giờ được nước Pháp thừa nhận là một chính quyền tự trị. 2/ Chính phủ Trung Hoa ở Bắc Kinh lúc trước, ở Nam Kinh bây giờ, không hề bao giờ lên tiếng tranh giành quần đảo này và không thừa nhận chủ quyền Quảng Đông. 3/ Ngược lại từ hơn 100 năm nay rồi, nước Nam đã chấp hữu chủ quyền trên Hoàng Sa và sự việc này có ghi rõ trong văn khố của triều đình Huế. Hơn nữa chính quyền Quảng Châu không thể dựa vào lý do ngư phủ Trung Hoa thường xuyên ghé đảo để bắt rùa, phơi lưới để bảo Hoàng Sa thuộc Trung Hoa bởi ngư phủ Pháp cũng thường làm như vậy tại bờ biển Terre Neuve nhưng Terre Neuve vẫn thuộc nước Anh. Trong khi ấy trong 1 phiên họp của Hội Đồng Tư Vấn Đông Dương, để trả lời vị đại diện của xứ Annnam là ông Piguax, Toàn Quyền Pasquier cho biết vụ Hoàng Sa đã có tiếng vang tại Pháp và vị Tổng trưởng Bộ Thuộc Địa đã quyết định đưa nội vụ ra Ṭòa án quốc tế La Haye.
Ngoài tờ báo E.E.I., còn nhiều báo của người Pháp ở Đông Dương và cả ở Pháp cũng đăng những bài về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa như Revue Indochinoise Illustrée, số 38, 1929 (Sàig̣òn), tr.605-616, P.A. La Picque đã dẫn nhiều tài liệu về chủ quyền của Viêt Nam ; việc chính quyền Quảng Đông trả lời không chịu trách nhiệm về việc dân Hải Nam cướp trên các tầu bị đắm Le Bellona năm 1895 và Imezi Maru 1896 vì Hoàng Sa không thuộc chủ quyền Trung Quốc ; dịch lại bài báo đăng trên Quảng Châu Báo ngày 10-7-1909 kể chuyện chuyến đi khảo sát Hoàng Sa của hải quân tỉnh Quảng Đông. Mémoire No 3 du Service Océanographique de L’Indochine (Saigon), 1930, 24 tr. do J. de Lacour & Jabouillé kể chuyến đi khảo sát Hoàng Sa 21-7-1926 theo lời mời của M.A.Krempf. Avenir du Tonkin, số 10495 (17-04-1931), tr2 khẳng định năm 1816, vua Gia Long long trọng cho dựng cờ trên đảo vì thế cho nên dù năm 1909, Trung Hoa có muốn giành chủ quyền, chánh phủ Pháp phải lên tiếng xác nhận quyền bảo vệ các đảo ấy. Trong hoàn cảnh hiện nay, không ai có thể phủ nhận sự quan trọng có tính cách chiến lược của Hoàng Sa.
Nature (Paris), số 2916,01-11-1933, tr.385-387 do Sauvaire-Jourdan viết trên tờ Công báo ngày 19-7-1933 đăng một thông tư về việc hải quân Pháp chiếm cứ một vài đảo ở Phía nam Biển Đông, điểm qua lịch sử chiếm hữu, vua Gia Long cho hải đội đổ bộ và dựng cờ trên đảo năm 1816 rồi đến sự kiện năm 1909 được bài báo ở Quảng Châu ngày 20-6-1909 mà tác giả cho là khôi hài cùng những đề nghị không nên bỏ rơi quyền sở hữu các đảo ấy. La Géographie, bộ LX (tháng 11-12-1933), tr.232-243, A. Olivier Saix đưa ra những luận cứ theo đó chánh quyền bảo hộ của Pháp tại Việt Nam phải bảo vệ và duy trì chủ quyền cho Việt Nam vì : 1/ Hoàng Sa có vị trí rất cần thiết lập hải đăng. 2/ Là vị trí thiết lập đài quan sát khí tượng và trạm vô tuyến kịp thời bào thời tiết băo cho tàu bè. 3/ Hoàng Sa nhiều nguồn lợi kinh tế : phốt phát, cá, rùa.. 4/ lợi ích quân sự từ Hoàng Sa phong toả Vịnh Bắc Việt, cảng Đà Nẵng, hải lộ quốc tế. 5/ Lịch sử xác lập chủ quyền : Vua Gia Long đã cho hải đội Hoàng Sa đổ bộ lên đảo dựng cờ, lập cứ điểm, Thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề ngày 3-3-1925 nói rằng : “ Các đảo đó bao giờ cũng là sở hữu của nước Annam, không có gì tranh căi trong vấn đề này ”.
Rõ ràng với sức ép dư luận trên, chính quyền thực dân Pháp đã phải hành động, trước hết khoảng 1930 đến 1933, Pháp đã thiết lập chủ quyền tượng trưng tại Trường Sa cũng như Hoàng Sa..
Với Hoàng Sa thuộc về Trung Kỳ, đất bảo hộ của Pháp, nên không cần phải hành động xác lập chủ quyền mà chỉ cần những hành động thực thi chủ quyền, tiếp theo những hành động khảo sát Hoảng Sa đầu tiên năm 1925 của Viện Hải Dương Học Nha Trang là những hoạt động thể theo đề nghị của dư luận báo chí thời ấy. Ngày 15.6.1932, chính quyền Pháp ra nghị định số 156-SC ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chánh gọi là quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1937, kỹ sư trưởng công chánh Gauthier nghiên cứu khả năng xây dựng một hải đăng trên đảo Pattle (Hoàng Sa) ; năm 1938 Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo và xây dựng môt hải đăng, môt trạm khí tượng (OMM đăng ký số 48860) đặt ở đảo Pattle (Hoàng Sa) và số 48859 ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée), một trạm vô tuyến TSF trên đảo Pattle. Tháng 3-1938, Hoàng đế Bảo Đại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi như các triều trước. Tháng 6 năm 1938, một đơn vị bảo an lính Việt Nam tới trấn đóng Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Pattle với dòng chữ : “ République Francaise - Royaume d’Annam - Archipels des Paracels 1816- Ile de Pattle 1938 ”.
Còn với quần đảo Trường Sa phía Nam thuộc địa giới Nam Kỳ lại là đất thuộc địa của Pháp, nên Pháp có hành động xác lập chủ quyền cho nước Pháp. Song để ngăn chặn nước thứ ba cũng như đối phó với pháp lý quốc tế, Cố vấn pháp luật Bộ Ngoại Giao Pháp đã viết trong Bản Ghi Chú cho Vụ Châu Á Đại dương rằng “ việc chiếm hữu quần đảo Spratleys do Pháp tiến hành năm 1931-1932 là nhân danh Hoàng Đế Annam ”. Ngày 13 tháng 4 năm 1933, một hạm đội nhỏ do trung tá hải quân De Lattre chỉ huy từ Sàigòn đến đảo Trường Sa (Spratley) gồm thông báo hạm La Malicieuse, pháo thuyền Alerte, các tàu thuỷ văn Astrobale và De Lanessan. Sư chiếm hữu tiến hành theo nghi thức cổ truyền của Phương Tây. Một văn bản được thảo ra và các thuyền trưởng ký thành 11 bản. Mỗi đảo nhận 1 bản, được đóng kín trong 1 chai rồi được gắn trong 1 trụ xi măng xây trên mỗi đảo tại một địa điểm ấn định và cố định trên mặt đất. Người ta kéo cờ Tam tài và thổi kèn trên từng hòn đảo…
Ngày 26 tháng 7 năm 1933, Bộ Ngoại Giao Pháp đã có một thông tin đăng trên Công báo Pháp, ghi rõ 6 nhóm hải đảo và tiểu đảo từ nay đã thuộc chủ quyền Pháp quốc, trong đó gồm nhóm Spratley (8°39’ bắc - 111°55 đông) và các tiểu đảo nhỏ xung quanh được chiếm hữu sớm nhất từ ngày 13-4-1930 và đảo Thị Tứ được chiếm cuối cùng vào ngày 12-4-1933. Ngày 21 -12-1933, thống đốc Nam Kỳ M.J. Krautheimer ký nghị định số 4762 sát nhập các nhóm hải đảo thuộc quần đảo Pratleys (Trường Sa) vào tỉnh Bà Rịa.
Năm 1938 Pháp cũng thiết lập một bia chủ quyền, một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến tại đảo Itu - Aba (Ba Bình)...
Tất cả những hành động thực thi chủ quyền của Pháp nhân danh “Annam” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra một cách suôn sẻ, dù muộn màng, không gặp bất cứ ngăn cản nào, bởi chỉ duy có chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông có ý đồ, có dự án khai thác Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, và muốn chiếm hữu Hoàng Sa khi cho là đất vô chủ, song các dự án của chính quyền địa phương mới chỉ trên giấy tờ, chính quyền trung ương Trung Quốc chưa mặn mà. Tuy vậy Nhật Bản lại giấu mặt về ý đồ chiếm giữ Hoàng Sa và Trường Sa, đã lên tiếng phản đối sự chiếm giữ của Pháp trong thông báo cho chính phủ Pháp vào ngày 24 -7-1933. Ngày 31 tháng 3 năm 1939, Bô Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố gửi tới Đại sứ Pháp ở Nhật Bản khẳng định Nhật Bản là người đầu khám phá Trường Sa vào năm 1917 và tuyên bố Nhật kiểm soát Trường Sa. Nhật đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm (Ile Boisée) của Hoàng Sa và đảo Itu-Aba (Ba Bình) của Trường Sa vào năm 1938, song mãi đến ngày 9-3-1945, Nhật mới bắt làm tù binh những lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa cũng như đất liền của Việt Nam.
Luật pháp quốc tế thời đó sau Định ước Berlin năm 1885 được hiểu là :
- Việc thụ đắc lãnh thổ là hành động của quốc gia, chính quyền địa phương (tỉnh Quảng Đông) không đủ danh nghĩa đại diện cho quốc gia.
- Cũng theo Định ước này, hành động của phía Trung Quốc (năm 1909) không đủ mang lại danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc vì chưa thoả mãn các tiêu chí về thụ đắc lãnh thổ thời đó. Do vậy, sự im lặng của chính quyền Phpá ở Đông Dương không có nghĩa là sự thừa nhận chủ quyền của phía Trung Quốc và không tạo ra estopel.
Nhật Bản đã bại trận và đã đầu hàng vô điều kiện Đồng Minh 16 tháng 8 năm 1945 và đã rút khỏi Hoàng Sa &Trường Sa.
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN VIỆC TRUNG HOA, PHÁP TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA & TRƯỜNG SA TỪ THÁNG TÁM NĂM 1945 ĐẾN THÁNG 4 NĂM 1956, KHI PHÁP XÂM CHIẾM TRỞ LẠI
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Cách Mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945 nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ở Quảng Trường Ba Đình, chấm dứt chế độ đô hộ của Pháp.
Sau khi Nhật bại trận, Pháp trở lại đô hộ Việt Nam, Quân Tưởng Giới Thạch tiếp quản nơi quân đội Nhật chiếm đóng từ phía Bắc vĩ tuyến 16, cả hai nước Pháp và Trung Hoa đều tiếp tục tranh chấp Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam, vẫn tiếp tục coi trọng vị trí chiến lược Hoàng Sa & Trường Sa.
Việt Nam bận lo kháng chiến chống Pháp trong khi quân Pháp làm chủ Biển Đông.
Quân Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa vào năm 1946, Pháp trở lại Việt Nam làm chủ Biển Đông, lập tức cử một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza đến thay thế quân đội Nhật từ tháng 5 năm 1946, nhưng đơn vị này chỉ ở đó trong vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27 tháng 5 năm 1946, đô đốc D’Argenlieu, cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Vào lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì ngày 26 tháng 10 năm 1946, lợi dụng thời cơ, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân (tiền thân của quân thuỷ đánh bộ) xuất phát từ cảng Ngô Tùng ngày 9 tháng 10. Ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa (mà lúc này Trung Quốc còn gọi là Đoàn Sa chưa phải mang tên Nam Sa (tác giả nhấn mạnh).
Trong phiên họp ngày 11 tháng 10 năm 1946, Uỷ Ban Liên Bộ về Đông Dương thuộc Chính phủ lâm thời Pháp quyết định cần khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và thể hiện việc tái chiếm bằng việc xây dựng một đài khí tượng. Theo ý kiến của đại tướng Juin cho rằng “ lợi ích cao nhất ” của nước Pháp là phòng ngừa mọi ý đồ của một cường quốc nào muốn chiếm lại các đảo đó là những đảo kiểm soát việc ra vào căn cứ tương lai Cam Ranh, con đường hàng hải Cam Ranh - Quảng Châu - Thượng Hải (Thư số 199/DN/S. col ngày 7 tháng 10 năm 1946 của Đại tướng Juin, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Pháp tại Paris). Mãi đến năm 1935, Trung Quốc mới chú ý đến Trường Sa, gọi là Đoàn Sa sau thời điểm năm 1933.
Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Hoa Dân Quớ́c và ngày 17 tháng 10 năm 1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm nhưng họ không rút. Pháp gửi một phân đội lính trong đó có cả quân lính "Quốc gia Việt Nam" đến đóng một đồn ở đảo Pattle (Hoàng Sa). Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 1947 tại Paris. Tại đây, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã từ chối không chấp nhận việc nhờ trọng tài quốc tế giải quyết do Pháp đề xuất. Ngày 1 tháng 12 năm 1947, Bộ Nội Vụ chính quyền Tưởng Giới Thạch công bố tên Trung Hoa cho hai quần đảo và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Hoa.
Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập từ năm 1945, không còn ràng buộc vào hiệp định Patenôtre (1884) với Pháp song Pháp vẫn cho rằng theo hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà còn nằm trong khối Liên Hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc về Pháp, nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Pháp bổ sung quân sự bằng cách đóng quân và thực hiện quản lý trên hai quần đảo. Điều này chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đã được củng cố vững chắc từ thời Pháp thuộc.
Do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Ḥoà kháng chiến chống Pháp và hải quân Pháp làm chủ Biển Đông, nên với hiệp định ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp gây dựng được chính quyền thân Pháp còn gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, đối đầu với Chính quyền Cách Mạng do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trên thực tế, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đang làm chủ Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thay mặt nhà nước Việt Nam.
Tháng 4 năm 1949, Đổng lý văn phòng của quốc trưởng Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sàigòn đã công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã từ lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa.
Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa được thành lập ở lục địa Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã rút lui ra Đài Loan. Tháng 4 năm 1950, đồn lính Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) thuộc quần đảo Hoàng Sa đã rút lui. Còn đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn còn duy trì. Đến năm 1954, Pháp đã chính thức trao lại quyền quản lý cho Chính phủ Việt Nam.
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ toạ việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa.
Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 8 tháng 9 năm 1951, ký kết hoà ước với Nhật. Ngày 5 tháng 9 năm 1951, họp khoáng đại, ngoại trưởng Gromyko đề nghị 13 khoản tu chính. Khoản tu chính liên quan đến việc Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam. Khoản tu chính này đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Như vậy, cái gọi là danh nghĩa chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ một Hội nghị quốc tế.
Ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam : « Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui de tout temps ont fait partie du Viet Nam ».
Không một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này.
Kết thúc hội nghị là ký kết hoà ước với Nhật ngày 8 tháng 9 năm 1951. Trong hoà ước này có điều 2, đoạn 7 ghi rõ :
Nguyên văn là « Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracels và Spratly ». Song đến đây, tình hình chính trị thế giới đã bắt đầu biến chuyển, chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu và khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã bắt đầu tác động đến Việt Nam trong đó có chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa lại tăng lên sự tranh chấp, càng ngày càng phức tạp khiến sự bảo vệ chủ quyền trở nên hết sức khó khăn với nhiều danh nghĩa khác nhau với nhiều thế lực quốc tế can thiệp.
Ngày 24 tháng 8 năm 1951, lần đầu tiên Tân Hoa Xã lên tiếng tranh cãi về quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines, thân Mỹ và kiên quyết khẳng định quyền của Trung Quốc.
Khi ra thông báo về bản dự thảo Hiệp Ước với Nhật ở San Francisco, ngày 15 tháng 8 năm 1951, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa Chu Ân Lai ra bản tuyên bố công khai khẳng định cái gọi là « tính lâu đời » của các quyền của Trung Quốc đối với quần đảo, trong khi Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc không tham dự hội nghị này.
Cũng lợi dụng cục diện chiến tranh lạnh đang xảy ra, sự giành giật thế lực ở một nơi trong đó có Biển Đông, phái đoàn Liên Xô đề xuất giao cho Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã không được Hội Nghị chuẩn nhận, song cũng là cái cớ để Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa lên tiếng. Dù sao, sau năm 1950, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng ngoài lực lượng trú phòng Việt Nam của Chính quyền Bảo Đại.
Hiệp định Genève ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Điều 1 qui định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của Hiệp định. Cũng theo điều 14 của bản Hiệp định, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử đưa lại sự thống nhất cho Việt Nam, bên đương sự và quân đội do thoả hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm việc hành chánh trong khu tập kết đó. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chánh của phía chính quyền quản lý miền Nam vĩ tuyến 17.
Như thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chánh của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp. Chính quyền ở Phía Nam vĩ tuyến 17 phải chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo trên ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam dưới vĩ tuyến 17.
Tháng 4 năm 1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Miền Nam Việt Nam, Philippines nêu vấn đề chủ quyền.
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN VIỆC TRUNG QUỐC, PHÁP, VIỆT NAM CỘNG HÒA VÀ CÁC NƯỚC KHÁC TRONG KHU VỰC TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA & TRƯỜNG SA TỪ NĂM 1956 ĐẾN 1975.
Việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và ký hiệp định Genève 20 tháng 7 năm 1954, khiến tháng 4-1956 quân Pháp phải rút lui khỏi Việt Nam và để khoảng trống bố phòng ở Biển Đông khiến các nước trong khu vực trong đó có Cộng Ḥòa Nhân Dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Philippines cho là cơ hội tốt chiếm đóng trái phép Hoàng Sa cũng như Trường Sa của Việt Nam.
Khi ấy, quân đội Quốc Gia Việt Nam sau gọi là Việt Nam Cộng Hoà đã chiếm đóng các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Hoàng Sa (Pattle). Ngày 1 tháng 6 năm 1956, Ngoại Trưởng Chính Quyền Việt Nam Cộng Hoà Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày hôm sau, Pháp cũng nhắc lại cho Philippines biết những quyền hạn mà Pháp đã có đối với hai quần đảo trên từ năm 1933.
Ngày 22 tháng 8 năm 1956, lục hải quân Việt Nam Cộng Hoà đổ bộ lên các đảo chính của quần đảo Trường Sa và dựng bia, kéo cờ. Sau khi trấn giữ ở các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, ngày 22 tháng 8 năm 1956, lực lượng hải quân của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng một cột đá và trương quốc kỳ.
Tháng 10 năm 1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba). Ngày 22 tháng 10 năm 1956, sắc lệnh số 143 – NV của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà thay đổi địa giới các tỉnh và tỉnh lỵ tại « Nam Việt » (Nam Bộ). Trong danh sách các đơn vị hành chánh « Nam Việt » (Nam Bộ) đính kèm theo sắc lệnh có những thay đổi tên mới, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nay được gọi là tỉnh Phước Tuy và đảo Spratly thuộc tỉnh Phước Tuy được gọi là Hoàng Sa cùng tên với quần đảo phía Bắc là Paracels.
Trong khi ấy, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cũng đã nhanh chóng chiếm giữ đảo Phú Lâm (Ile Boisée), đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, song hành với việc Đài Loan chiếm giữ đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Một tình hình hết sức phức tạp, đen tối cho chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa & Trường Sa. Song từ sau Hiệp định Genève mà Trung Quốc đã ký, chính quyền phía Nam mới có trách nhiệm quản lý chủ quyền Ḥoàng Sa & Trường Sa vì hai quần đảo này nằm phía dưới vĩ tuyến 17. Vụ việc công hàm của Thủ tướng Phạm văn Đồng năm 1958 chỉ ủng hộ Tuyên bố 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc cũng như những biểu hiện khác thuộc chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Ḥoà vào thời gian này cũng không có giá trị pháp lý quốc tế về sự từ bỏ chủ quyền mà Chính quyền Trung Quốc tố cáo là lật lọc là không đúng sự thực và thực chất về chủ quyền ở Hoàng Sa. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu của hai khối chính trị mà Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đang là đồng minh chí cốt của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và cùng thù địch với Mỹ lại là đồng minh của Đài Loan và Việt Nam Cộng Hòa, nên tất cả những hành động đối đầu cũng chỉ là đối sách chính trị thù địch nhất thời.
Ngày 13 tháng 7 năm 1961, sắc lệnh số 174 – NV của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải trực thuộc quận Hoà Vang.
Trong sắc lệnh trên, ghi rằng : « Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam » (điều 1). Đặt đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang. Xã Định Hải dưới quyền một phái viên hành chính (điều 2). Tháng 2 năm 1959, nhiều dân chài Trung Quốc định đến đóng trên phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thành công, bị hải quân Việt Nam Cộng Hoà bắt và hoàn trả lại Trung Quốc.
Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hoà, ông Trần Văn Lắm có mặt ở Manila đã lên tiếng nhắc lời yêu sách của Việt Nam và các danh nghĩa làm cơ sở cho những yêu sách đó trên quần đảo Trường Sa.
Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã sửa đổi việc quản lý hành chính của Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy mà trước đây vào năm 1956, thời chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sắc lệnh gọi quần đảo Spratly là quần đảo Hoàng Sa.
Trong bối cảnh sau Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972 giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo sự nứt rạn không thể hàn gắn giữa Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trong khi Chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn gần kết thúc, cuộc diện chính trị thế giới biến đổi đã ảnh hưởng đến Việt Nam kể cả về sự bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa & Trường Sa. Ngày 11 tháng 1 năm 1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa tuyên bố việc sáp nhập các đảo của quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy của Việt Nam Cộng Hoà là sự lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc và khẳng định lại các yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 12 tháng 1 năm 1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Ngày 15 tháng 1 năm 1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa bắt đầu triển khai một lực lượng hải quân mạnh mẽ trong đó có nhiều tàu được nguỵ trang thành tàu đánh cá và có phi cơ yểm trợ. Mặt khác, Bộ Tư Lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã điều động tuần dương hạm Lý Thường Kiệt đến Hoàng Sa để tuần phòng và canh chừng.
Sau khi phát hiện sự có mặt của quân đội Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa tại vùng Hoàng Sa với cờ dựng trên các đảo Quang Anh (Money), Hữu Nhật (Robert), lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hoà được tăng cường với khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng, hộ tống hạm Nhật Tảo. Lực lượng tăng cường của Việt Nam Cộng Hoà có các toán biệt hải được lệnh đổ bộ đến các đảo hạ cờ của quân đội Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Vài vụ xô xát đã xảy ra, súng đã nổ trên đảo Quang Hoà (Duncan) và một đảo khác.
Tiếp ngày 16 tháng 1 năm 1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã ra tuyên cáo bác bỏ luận cứ của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và đưa ra những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử để xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà trên hai quần đảo này. Hai bên bắt đầu phối trí toàn bộ lực lượng, các chiến hạm hai bên cách nhau chừng 200m. Sau đó hai bên bỗng tách rời nhau để chuẩn bị, cuộc hải chiến bắt đầu diễn ra vào lúc 10 giờ 25 phút ngày 19 tháng 1 năm 1974. Một chiến hạm Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa bị bốc cháy. Các chiến hạm Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa mang số 281, 182 dồn sức đánh trả khiến chiến hạm Nhật Tảo bị trúng đạn trên đài chỉ huy và hầm máy chính, hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh. Sau hơn 1 giờ giao tranh, 2 chiến hạm Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa chìm, 2 chiếc khác bị bắn cháy. Bên lực lượng Việt Nam Cộng Hoà ngoài hộ tống hạm Nhật Tảo bị chìm, còn có một số chiến hạm bị thương tổn, trong đó có một số binh sĩ bị bắt và mất tích. Một người Mỹ tên Gerald Kosh, một nhân viên dân sự thuộc văn phòng tuỳ viên quốc phòng toà đại sứ Mỹ ở Sàigòn, được biệt phái làm liên lạc viên cạnh bộ chỉ huy hải quân Quân Khu I Việt Nam Cộng Hoà cũng bị bắt (theo Nhật báo Chính Luận, số 2982, ngày 31 tháng 1 năm 1974). Kosh được trao trả lúc 12 giờ trưa ngày 31 tháng 1 năm 1974. Ngày 17 tháng 2 năm 1974, chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho 43 quân nhân và nhân viên của Việt Nam Cộng Hoà tại Tân Giới (Hồng Kông).
Lầu Năm Góc được chính quyền Sài Gòn yêu cầu can thiệp, quyết định đứng ngoài cuộc xung đột. Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao Mỹ, Arthur Hummel cho chính quyền Sài Gòn biết Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.
Qua thông điệp ngoại giao được gởi đến tất cả các nước ký Hiệp Định Paris (1973), chính quyền Việt Nam Cộng Hoà nhắc lại sự đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, yêu cầu Hội Đồng Bảo An họp một phiên họp đặc biệt.
Ngày 1 tháng 2 năm 1974, chính quyền Sàigòn quyết định tăng cường phòng thủ các đảo ở quần đảo Trường Sa, đưa lực lượng ra đóng ở 5 đảo thuộc Trường Sa. Qua đại sứ ở Manila, chính quyền Sàigòn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ngày 1 tháng 2 năm 1974, đoàn đại biểu của Việt Nam Cộng Hoà ra tuyên bố tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về luật Biển Caracas khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo, tố cáo Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa. Ngày 30 tháng 3 năm 1974, đại biểu chính quyền VNCH khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội Đồng Kinh Tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14 tháng 2 năm 1975, Bộ Ngoại giao chính quyền VNCH công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.
Tóm lại, Pháp xâm chiếm trở lại Việt Nam, dẫn đến cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Pháp vẫn làm chủ Biển Đông và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Hiệp định Genève năm 1954 qui định từ vĩ tuyến 17 trở xuống thuộc chính quyền phía Nam quản lý. Khi Pháp rút quân tháng 4/1956, xảy ra chiến tranh lạnh giữa Liên Xô đứng đấu phe xã hội chủ nghĩa và Mỹ đứng đầu phe tư bản chủ nghĩa, Việt Nam bị chia cắt khiến hai chính quyền bị cuốn hút vào sự đối đầu, không có điều kiện bảo vệ toàn vẹn được chủ quyền để cho Trung Quốc chiếm từng phần rồi toàn thể Hoàng Sa và Việt Nam Cộng Hoà chỉ trấn giữ quần đảo Trường Sa song lại để cho Đài Loan chiêm đảo Ba Bình, lớn nhất của quần đảo Trường Sa cùng Philippines chiếm một số đảo, đá trong đó có Song Tử Đông ở Trường Sa.
Chính vì vậy, chúng ta có thể nói rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các nước trong khu vực tranh chấp chủ quyền của Việt Nam cũng như Trung Quốc chiếm giữ trái phép hoàn toàn Hoàng Sa và Trường Sa trong thời kỳ này chính là những biến động chính trị ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, không còn bảo vệ đồng minh Việt Nam Cộng Hoà, để cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN VIỆC TRUNG QUỐC, VIỆT NAM THỐNG NHẤT CÙNG CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI TRƯỜNG SA TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY
- Từ 1975 đến 1990, Việt Nam hợp tác toàn diện với Liên Xô, Trung Quốc đã ký với Mỹ Thông cáo chung ở Thượng Hải năm 1972, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô không giảm ; Việt Nam và Trung Quốc xảy ra chiến tranh năm 1979 khiến tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa trở nên gay gắt.
Chính Quyền Việt Nam thống nhất tiếp tục khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn chịu những dư âm tác động đối đầu của các thế lực quốc tế trước đây chưa chấm dứt được sự tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, thời cơ chiến lược giải phóng Miền Nam đã đến. Bộ chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong mùa khô 1975 bao gồm các đảo và các quần đảo Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc…
Ngày 5 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư Lệnh Hải Quân chủ trương chuẩn bị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa. Lực lượng tham gia giải phóng gồm có các tàu của đoàn vận tải quân sự 125, đoàn 126 đặc công, tiểu đoàn 471, đặc công quân khu 5 và tiểu đoàn 407 cùng lực lượng đặc công tỉnh Khánh Hoà. Bộ Tư Lệnh Hải Quân chủ trương nhanh chóng đánh đảo Song Tử Tây trước để làm bàn đạp và rút kinh nghiệm đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa và các đảo còn lại của quần đảo.
Ngày 9 tháng 9 năm 1975, đại biểu chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam tại hội nghị khí tượng thế giới tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 10 tháng 9 năm 1975, Bắc Kinh gửi công hàm cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa).
Ngày 24 tháng 9 năm 1975, trong cuộc gặp đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Tổng Bí Thư Lê Duẩn dẫn đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau này hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề Tây Sa và Nam Sa.
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, chính phủ Việt Nam tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Tháng 9 năm 1977, khi thăm Philippines và tháng 10 năm 1977 khi đi thăm Malaysia, thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng ý với tổng thống Ferdinand Marcos và thủ tướng Hussein On rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng thương lượng hoà bình.
Tháng 3 năm1978, Hội nghị hành chính thế giới về thông tin vô tuyến điện thông qua một nghị quyết cho phép Trung Quốc sử dụng một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa.
Ngày 30 tháng 12 năm 1978, người phát ngôn Bộ ngoại giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra tuyên bố bác bỏ luận điệu nêu trong tuyên bố ngày 29 tháng 2 năm 1978 của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp hoặc bất bình bằng thương lượng hoà bình.
Ngày 30 tháng 7 năm 1979, Trung Quốc đã công bố tại Bắc Kinh tài liệu để chứng minh rằng Việt Nam đã “thừa nhận” chủ quyền Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 7 tháng 8 năm 1979, Bộ ngoại giao nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc trong việc công bố một số tài liệu của Việt Nam liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc giải quyết sự tranh chấp về 2 quần đảo giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình.
Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ ngoại giao Việt Nam công bố một số tài liệu về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ ngoại giao Việt Nam bác bỏ việc Philippines tuyên bố sát nhập hầu hết lãnh thổ Trường Sa vào lãnh thổ Philippines.
Ngày 30 tháng 1 năm 1980, Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện về Tây Sa và Nam Sa. Ngày 5 tháng 2 năm 1980, Bộ ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn xuyên tạc của Trung Quốc trong văn kiện ngày 30 tháng 1 năm 1980.
Ngày 29 tháng 4 năm 1980, Bộ ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Malaysia phản đối việc Malaysia công bố bản đồ Malaysia lấn vào vùng biển và thềm lục địa Việt Nam tại vùng Trường Sa.
Ngày 8 tháng 5 năm 1980, nhân chuyến viếng thăm và hội đàm với Malaysia, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định đảo An Bang là của Việt Nam.
Tháng 6 năm 1980, tại Hội nghị Khí Tượng Khu Vực Châu Á II họp tại Genève, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm như cũ.
Ngày 13 tháng 6 năm 1980, Việt Nam yêu cầu OMM đăng ký trạm khí tượng Trường Sa vào mạng lưới OMM.
Tháng 12 năm 1981, Tổng cục Bưu Điện Việt Nam điện cho Chủ Tịch Ủy Ban đăng ký tần số tại Genève phản đối việc Trung Quốc được phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại Giao Việt Nam công bố sách trắng : “ Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam ”.
Tháng 6 năm 1982, Tân Hoa Xã loan tin là một hải cảng lớn được xây dựng tại Hoàng Sa.
Tháng 10, tại Hội Nghị Toàn Quyền của UIT, đại biểu Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Genève.
Ngày 12 tháng 11 năm 1982, chính phủ Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Ngày 4 tháng 2 năm 1982, chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày 9 tháng 12 năm 1982, chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa. Đến ngày 28 tháng 12 năm 1982, chính phủ Việt Nam quyết định huyện Trường Sa được nhập vào tỉnh Phú Khánh.
Tháng 1 năm 1983, Hội Nghị Hành Chính Thế Giới về thông tin vô tuyến đồng ý sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị sắp tới.
Cũng tháng 01 năm 1983, Hội Nghị Hàng Không Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương họp ở Singapore. Trung Quốc muốn mở rộng FIR Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và FIR TP Hồ Chí Minh, nhưng Hội Nghị quyết định duy trì nguyên trạng.
Từ ngày 4 đến 16 tháng 4 năm 1984, đoàn đại biểu Quốc Hội Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu tỉnh Phú Khánh thăm huyện Trường Sa. Thứ trưởng Bộ Thủy Sản Việt Nam Vũ Văn Trác đi khảo sát nghề cá tại huyện Trường Sa.
Ngày 25 tháng 4 năm 1984, Uỷ Ban Địa Danh Trung Quốc công bố tên mới cho các đảo, bãi, đá trong Biển Đông trong đó có đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 6 tháng 5 năm 1984, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối việc đặt tên của Trung Quốc.
Tại Hội Nghị Tổ Chức Thông Tin Vũ Trụ Quốc Tế (INTU SAT) lần thứ 13 họp tại Bangkok, đại biểu Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc sử dụng những bản đồ ghi Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa) là của Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối Malaysia chiếm đóng đảo Hoa Lau trong quần đảo Trường Sa. Việt Nam phản đối việc ngày 1 tháng 6 năm 1984 Quốc hội Trung Quốc tuyên bố việc thiết lập khu hành chính Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa.
Vào đầu năm 1985, Đại Tướng Văn Tiến Dũng, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa.
Sang năm 1986, ông Hồ Diệu Bang, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc cùng Lưu Hoa Thanh, Trương Trọng Tiến đi thị sát Hoàng Sa.
Tháng 5 năm 1987, đô đốc Giáp Văn Cường, Tư lệnh hải quân Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa.
Từ 16 tháng 5 đến 6 tháng 6 năm 1987, hải quân Trung Quốc tập trận tại vùng biển Trường Sa.
Tháng 10 năm 1987, hải quân Trung Quốc diễn tập quân sự tại Tây Thái Bình Dương và Nam Biển Đông.
Ngày 10 tháng 11 năm 1987, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên đá Louisa (Nandong Jiao) (113° – 6°8').
Tháng 1 năm 1988, một lực lượng lớn tàu chiến, có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa, đi từ đảo Hải Nam xuống phía Nam, trong đó có bốn chiếc được phái đến khu vực quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của hai tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên là hai bãi san hô còn đang lập lờ mặt nước. Quân lính Trung Quốc cắm cờ trên hai bãi đá trên, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang tiến hành những hoạt động tiếp tế bình thường giữa các đảo do quân đội Việt Nam bảo vệ. Trong đợt hoạt động trên, Trung Quốc đã thành lập một bộ tư lệnh đặc biệt, sử dụng lực lượng của hạm đội Nam Hải, được tăng cường một bộ phận của hạm đội Đông Hải và họ thường xuyên dùng trên 20 tàu các loại ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Về sự kiện xảy ra ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc nói rằng : “ Trung Quốc buộc phải phản kích để tự vệ ”. Theo cách nói đó, có nghĩa là hải quân Việt Nam là kẻ tấn công (bằng hai tàu vận tải!), còn hải quân Trung Quốc là kẻ phòng thủ tự vệ. Trung Quốc sử dụng một biên đội tàu chiến đấu gồm sáu chiếc, trong đó có ba tàu hộ vệ số 502, 509 và 531 trang bị tên lửa và pháo cỡ 100mm, vô cớ tiến công bắn chìm ba tàu vận tải Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Lan Đao, Cô Lin, Gac Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nổ ra cuộc chiến đấu trên biển Nam Trung Quốc. Cuộc chiến đấu này mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian 28 phút nhưng nó đã làm cả thế giới quan tâm theo dõi. Tàu vận tải số 64 của hải quân Việt Nam chở đầy binh lính bị bắn chìm tại chỗ, tàu đổ bộ số 505 và một tàu vận tải khác số 605 bị bắn trọng thương, kéo theo đám cháy và cột khói đen ngòm. Tàu đổ bộ số 505 bị chìm trên đường về, còn tàu đổ bộ số 605 thì bị mắc cạn. Cuộc chiến đấu không cân sức trên giữa các tầu vận tải của Việt Nam vời các tầu chiến của Trung Quốc, vẻn vẹn chỉ diễn ra có 28 phút đã kết thúc với kết quả phía Việt Nam có một tàu bị chìm tại chỗ, hai tàu bị thương, chết và bị thương 20 người, mất tích 74 người. Còn phía Trung Quốc chỉ có một số nhân viên khảo sát và nhân viên khác trên đảo bị thương, ngoài ra không bị tổn thất gì, đây là một trận chiến đấu trên biển mà phía Trung Quốc cho là « đánh gọn và đẹp mắt » (sic). Sau các va chạm trên, hải quân Trung Quốc tiếp tục ngăn cản các hoạt động tiếp tế do tàu Việt Nam thực hiện.
Tính đến ngày 6 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng : Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Subi.
Ngày 3 tháng 1 năm 1989, Trung Quốc đặt bia chủ quyền trên các bãi họ chiếm được trong năm 1988 : Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Subi.
Năm 1988, Chính phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp Quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ ngoại giao Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (nghị quyết ngày 13 tháng 4 năm 1988 thành lập tỉnh Hải Nam).
Tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại Giao Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố Sách trắng Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luật pháp quốc tế.
Ngày 14 tháng 8 năm 1989, chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Cụm Kinh Tế Khoa Học Dịch Vụ trên vùng bãi ngầm Tứ Chính, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên thuộc thềm lục địa Việt Nam có toạ độ 7 - 8°3' B, 109 - 112°20' Đ.
Ngày 2 tháng 10 năm1989, người phát ngôn Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ luận điệu trong bản tuyên bố của Trung Quốc ngày 28 tháng 4 năm 1989. Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên án Việt Nam xâm phạm trái phép một số đảo và cù lao tại bãi Vạn An và Bãi Vạn Nhã thuộc “quần đảo Nam Sa” .
Ngày 9 tháng 3 năm 1990, Trung Quốc kết thúc đợt khảo sát khoa học ở quần đảo Trường Sa bắt đầu từ ba năm trước.
Ngày 18 tháng 3 năm 1990, nhiều tàu đánh cá từ Quảng Châu đến đánh cá ở Trường Sa. Ngày 16 tháng 4 năm 1990, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi bản ghi nhớ cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc cho nhiều tàu quân sự, tàu khảo sát, tàu đánh cá đến hoạt động trong vùng biển Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Ngày 28 tháng 4 năm 1990, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc đã cho quân lính xâm chiếm bãi Én Đất trên quần đảo Trường Sa.
- Từ năm 1990 đến nay, khối Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam đổi mới, làm bạn với tất cả các nước kể cả Trung Quốc và Mỹ, sự tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam không còn gay gắt như trước, song số dự trữ dầu lửa lớn ở Biển Đông khiến Trung Quốc vẫn chưa chịu trả Hoàng Sa cho Việt Nam và các nước khu vực và Trung Quốc vẫn tiếp tục tranh chấp với Việt Nam ở Trường Sa.
Tháng 8 năm 1990, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đề nghị tiến hành khai thác chung khu vực quần đảo Trường Sa.
Ngày 1 tháng 12 năm 1990 trong cuộc đi thăm Philippines, Thủ tướng Lý Bằng nói : “ Chúng ta có thể tìm ra một giải pháp thích hợp đối với vấn đề Trường Sa với các bên hữu quan vào lúc thích hợp, nếu không phải là vào lúc này, tôi nghĩ chúng ta có thể gác lại vấn đề này và không để nó gây trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hữu quan ”.
Ngày 1 tháng 2 năm 1991, Trung Quốc xây dựng nhiều hải đăng trên các bãi đá ngầm mới chiếm được trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 25 tháng 5 năm 1991, Trung Quốc công bố kết quả 8 năm khảo sát khoa học ở Trường Sa kể từ năm 1984.
Ngày 4 tháng 7 năm 1991 tại KuaLa Lumpur tổ chức một hội thảo không chính thức về giải quyết các tranh chấp trên vùng Biển Đông, Trung Quốc có cử đoàn cán bộ tham gia, người phát ngôn Bắc Kinh tuyên bố việc tham gia như thế không phải là Trung Quốc đã thay đổi lập trường và nói : “ Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình, Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước liên quan thảo luận con đường và phương pháp cùng khai thác ” .
Từ ngày 15 đến 18 tháng 7 năm 1991, do sáng kiến của Indonésia, một hội nghị quốc tế đã được tổ chức giữa các quốc gia trong khu vực về vấn đề quần đảo Trường Sa. Bản thông cáo cuối cùng khuyến khích đối thoại và đàm phán.
Ngày 10 tháng 11 năm 1991, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc ký tại Bắc Kinh thông báo chung về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.
Ngày 25 tháng 2 năm 1992, quốc hội Trung Quốc công bố luật lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Quốc, quy định lãnh hải rộng 12 hải lý và lãnh thổ Trung Quốc giữa bốn quần đảo Đông, Tây, Nam, Trung Sa và đảo Điếu Ngư. Việt Nam đã lên tiếng công khai phản đối sự kiện này. Năm 1994, Việt Nam phản đối Trung Quốc đã xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc ký với công ty Crestones (Mỹ) cho phép thăm dò khai thác dầu mà Trung Quốc gọi là hợp đồng Vạn An Bắc 21. Ngày 18 tháng 4 năm 1994, ông R.C. Thompson, chủ tịch công ty Năng Lượng Crestones (Mỹ) ra thông báo với báo chí, nói rằng họ đang tiến hành khảo sát địa chấn và chuẩn bị thăm đảo để đánh giá tiềm năng dầu khí của khu vực, gọi là hợp đồng "Vạn An Bắc 21". Thông báo nói rằng : " Việc nghiên cứu khoa học và kế hoạch khai thác thương mại trong tương lai là những bước phát triển mới nhất của lịch sử nghiên cứu khoa học và thăm dò ở Biển Nam Trung Hoa và Khu vực vạn An Bắc của Trung Quốc, bắt đầu từ những báo cáo năm 200 trươc Công Nguyên vào thời Hán Vũ Đế ".
Trước năm 1957, đã có nhiều công ty nước ngoài khảo sát địa vật lý và khoan thăm dò ở thềm lục địa Nam Việt Nam, trong đó có hai giếng đã phát hiện dầu thương mại. Vào cuối những năm 1970, có nhiều công ty như AGIP (Ý), DIMINEX (CHLB Đức), BOW VALLEY (Canada) đã thăm dò 5 lô dầu ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Sau đó đến 1979, các công ty trên chấm dứt hoạt động. Tháng 9/1975, Tổng Cục Dầu Khí Việt Nam được thành lập nhằm thúc đẩy hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Thềm lục địa Việt Nam rộng chừng 1,3 triệu km2, được chia thành 171 lô với diện tích trung bình mỗi lô khoảng 8000 km2. Trong đó có 31 lô có độ sâu mực nước biển dưới 50m, 35 lô từ 50 -100m, 10 lô từ 100 - 250m, 38 lô từ 200-2000m và 57 lô là có mực nước sâu trên 2000m. Trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam có nhiều bồn trầm tích đệ tam có triển vọng chứa dầu khí. Cho đến cuối những năm 80, trên toàn thềm lục địa Việt Nam, chủ yếu ở phía Nam, đã khảo sát trên 100.000 km tuyến địa vật lý, khoan hàng chục giếng tìm kiếm thăm dò và đã phát hiện được ba mỏ dầu khí (Bach Hổ, Rồng và Đại Hùng). Từ năm 1986, mỏ Bạch Hổ bắt đầu được khai thác. Sản lượng năm 1986 : 0,04 triệu tấn, 1988 : 0,68 triệu tấn, 1989 : 1,5 triệu tấn, 1990 : 2,7 triệu tấn, 1991 : 3,96 triệu tấn… (PTS Nguyễn Hiệp, Phó Tổng Giám Đốc Công Ty Dầu Khí Việt Nam, " Thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam ", Khoa học và Tổ Quốc, (số 93), 1992, tr5).
Việc thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam trên khiến người ta thấy tiềm năng vùng Biển Đông có nhiều triển vọng về dầu khí. Các tài liệu của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa cho con số trữ lượng từ 23 đến 30 tỷ tấn dầu tại vùng Nam Biển Đông. Chính số lượng dự trữ dầu lớn như vậy đã khiến cho sự tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa chưa dễ gì chấm dứt.
SỰ THỰC VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA & GIẢI PHÁP BỀN VỮNG CHO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA & BIỂN ĐÔNG.
Như trên đã trình bày, Trung Hoa khi bắt đầu khảo sát Tây Sa vào năm 1909 cho rằng Tây Sa là vô chủ. Hồi năm 1898, Chính quyền Quảng Châu, Trung Hoa đã trả lời các khiếu nại của công sứ Anh ở Bắc Kinh về công ty Bảo hiểm người Anh bảo hiểm các tàu Bellona của Đức (bị đắm năm 1895) và tàu Humeji-Maru của Nhật (bị đắm năm 1896) đã bị những người Trung Hoa ở Hải Nam cướp phá rằng : “ Quần đảo Tây Sa là những ḥòn đảo bị bỏ rơi, chúng không phải sở hữu của cả Trung Hoa lẫn An Nam, cũng không sáp nhập về hành chánh vào bất kỳ quận nào của Hải Nam và không có nhà chức trách nào chịu trách nhiệm về cảnh sát của chúng ” ( Monique Chemillier- Gendreau, sđd, p.158).
Đến khi Pháp bắt đầu đưa ra những bằng chứng lịch sử sự chiếm hữu của Việt Nam, Trung Hoa hồi đó và Trung Quốc bây giờ lại luôn luôn nói rằng Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) đã thuộc về Trung Quốc từ lâu, bất khả tranh nghị, khi thì nói từ đời Minh, khi thì nói từ đời Tống. Sự thực thế nào ?
Sự thực là quần đảo Hoàng Sa không hề là vô chủ như luận điểm của chính quyền Trung Hoa hồi năm 1909 : Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời : từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, không ít ỏi như thư của Toàn Quyền Pasquier gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa ngày 18-10-1930, mà đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.
Thời kỳ Đại Việt, từ thời kỳ Nam Bắc phân tranh và thời Tây Sơn, nguồn tư liệu về Hoàng Sa hầu như chỉ còn lại tư liệu của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà, chủ yếu là Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ bản đồ, trong Hồng Đức Bản Đồ năm 1686 và Phủ Biên Tạp Lục năm 1776 của Lê Quý Đôn.
Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ, năm 1686 có bản đồ là tài liệu xưa nhất, ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng. Còn tư liệu trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, quyển 2 có hai đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
Sang thời kỳ triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa :
- Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833). Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII.
- Đại Nam Thực Lục phần tiền biên, quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844) tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
- Đại Nam Thực Lục Chính biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848) ; đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864) ; đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Tài liệu rất quý gía, châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại kho lưu trữ trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám, sau đó lại tiếp tục.
- Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần hai và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản...
Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.
Đặc biệt nhất sự kiện năm 1836 Vua Minh Mạng sai suất đội thủy binh Phạm Hữu Nhật, người gốc đảo Lý Sơn chỉ huy thuỷ quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, sau đó thành lệ hàng năm. Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 165 cũng đã chép rất rõ từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu vua hàng năm cử người ra Hoàng Sa ngòai việc đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Châu bản, Tập tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836) với lời châu phê của vua Minh Mạng cũng đã nêu rất rõ : “ Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc ”. Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 6 còn ghi rõ : “ Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mỗi bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mỗt bài khắc những chữ :
“ Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hòang Sa tương đồ chí thử hữu chí đẳng tư ”(tờ 25b).
(Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ).
Vì̀ sự kiện trên đã thành lệ hàng năm, nên Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1851), quyển 207, tờ 25b-26a và quyển 221 đã chép lại việc dựng miếu, dựng bia đá, cắm cột mốc năm 1836 và lệ hàng năm phái biền binh thủy quân đi vãng thám, vẽ bản đồ…
Về những tư liệu của Trung Quốc minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta thấy :
- Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Kỷ Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.
- Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Trung Quốc.
Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1-1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.
Về những tư liệu Phương Tây cũng xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa :
*
Nhật Ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
*
“Le Mémoire sur la Cochinchine” của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.
*
“Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes” của giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816.
*
An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838, phụ bản của cuốn từ điển La tinh- Annam, ghi rõ « Paracels seu Cát Vàng » với tọa độ rõ ràng như hiện nay chứ không phải như Trung Quốc cho là ven bờ biển.(« Seu » tiếng la tinh có nghĩa « hay là », Cát Vàng : chữ nôm, Hoàng Sa : chữ Hán)..
*
The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels.
*
“The Journal of the Geographycal Society of London” (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...
….
Về sau Trung Hoa đưa ra những bằng chứng ngụy tạo nói ngược lại luận điệu ban đầu, từng cho là đất vô chủ hồi 1909, cho rằng Tây Sa đã thuộc Trung Quốc từ lâu. Ngay tên Tây Sa và Nam Sa cũng mới đặt từ sau năm 1907 và Nam Sa lại bất nhất khi chỉ Trung Sa, khi chỉ Nam Sa ở vị trí hiện nay (Spratleys). Có chăng thời Minh hay thời Hán thì cả nước Nam đã bị Trung Hoa đô hộ, Thời Tống Đại Việt cũng bị xâm lược, song đã giành được độc lập rồi !
Sự thực chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa đã rõ ràng như trên. Khi bị Trung Hoa xâm phạm, vào thời điểm ban đầu, với tư cách là người đến xâm chiếm thuộc địa, người Pháp chưa hiểu hết lịch sử chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nên có lúc đã không lên tiếng bảo vệ kịp thời. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Chính quyền thực dân Pháp đã có đủ thông tin và thay đổi quan điểm, bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự thực là bất cứ chính quyền nào kể cả chính quyền thuộc địa chịu trách nhiệm về quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Và nguyên nhân chủ yếu khiến cho Trung Quốc tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa chính là Việt Nam đã bị Pháp đô hộ và chịu ảnh hưởng những biến động chính trị quốc tế cũng như quốc nội, nhất là từ thời chiến tranh lạnh và sau nà̀y và tham vọng bành trướng mở rộng yêu sách lãnh thổ bằng vũ lực.
Sự thực lịch sử về chủ quyền và những hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự tranh chấp cùng nguyên nhân xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đã quá rõ ràng như thế thì khi Việt Nam không còn bị Pháp đô hộ và tình hình thế giới và Việt Nam đã biến chuyển, khác trước thì giải pháp phải là “ cái gì của César phải trả lại cho César ”.
Bất kỳ chính quyền nào cũng như bất cứ người Việt Nam nào dù khác chính kiến đều coi trọng việc lấy lại Hoàng Sa về với Việt Nam và bảo toàn toàn vẹn Trường Sa. Lịch sử cho biết dù có hàng ngàn năm bị lệ thuộc rồi cũng có ngày với sự kiên cường, bất khuất, khi có thời cơ, sẽ đấu tranh thành công. Đối với các nước Asean trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, sẽ tương nhượng trong tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong khối càng ngày càng chặt chẽ, đôi bên đều có lợi.
Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, đã có những bài học lịch sử quí giá. Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm luôn kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ của mình, song luôn luôn tôn trọng nước đàn anh Trung Quốc, luôn theo truyền thống làm “phên dậu của Trung Quốc”, không bao giờ làm hại đến quyền lợi Trung Quốc.
Bất cứ giải pháp nào dựa vào sức mạnh như người Nhật đánh chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa, Trường Sa năm 1938, 1939 cũng như Trung Quốc dùng võ lực năm 1974 chỉ mang tính nhất thời, không có giá trị pháp lý. Có đế quốc nào mạnh như đế quốc La Mã thời Cổ đại hay đế quốc Mông Cổ thời Trung đại hay đế quốc Anh, Pháp thời cận đại, rồi có ngày cũng suy yếu, phải bỏ những lãnh thổ chiếm giữ bằng võ lực.
Bất cứ giải pháp nào muốn vững bền phải dựa trên sự thực lịch sử nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự trước tiên tại Hoàng Sa và Trường Sa, chưa có ai tranh chấp và phải dựa vào trật tự thế giới hiện hành khi có Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 và những Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sau đó và Công ước quốc tế về luật biển năm 1982.
Mọi người kể cả người Trung Quốc phải thấy rõ sự thật lịch sử trên !
Việt Nam phải luôn luôn nhắc đi nhắc lại cho cả thế giới được biết rằng vụ Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 là trái phép hoàn toàn, trái với Hiến Chương và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Không thể để cho Trung Quốc coi vụ chiếm đóng Hoàng Sa như đã xong. Khi nội lực Việt Nam chưa đủ mạnh thì dứt khoát không ký kết bất cứ một hiệp định nào gây sự thiệt hại cho Việt Nam.
Việc cần làm ngay là làm rõ, quảng bá lịch sử nhà nước Việt Nam đã từ lâu chiếm hữu thật sự Hoàng Sa & Trường Sa và xây dựng nội lực Việt Nam vững mạnh, đoàn kết hùng cường.
Sự đấu tranh đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam cũng như sự bảo toàn quần đảo Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhứt định sẽ thành công cũng như Việt Nam đã từng bị Phong kiến Phương Bắc đô hộ hơn một ngàn năm, khi có thời cơ, sẽ giành được độc lập tự chủ./
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org
25/3/09
Nhà Thơ Số Một Của Thơ Mới
Nhà Thơ Số Một Của Thơ Mới
VƯƠNG TRÍ NHÀN Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 1-2009
*Tham luận hội thảo 90 năm sinh Xuân Diệu
Đi tìm một cách nói hợp lý
Xuân Diệu thường nói ông mang trong mình quê hương thống nhất.Cha đàng ngoài má ở đàng trong, -- cái lý của ông thật cụ thể.
Mượn cách nói ấy, khi xem xét sang lĩnh vực thơ, tôi cũng muốn nói rằng ông mang trong mình nền thơ thế kỷ Việt Nam thế kỷ XX.
Nửa đầu thế kỷ, thơ Việt có chuyển đổi về mặt cơ cấu, từ mô hình kiểu trung đại chuyển sang một mô hình hiện đại. Khi thơ như một cơ cấu đã ổn định, từ sau 1945, cái định hướng rõ nhất là chuyển đổi chức năng để phục vụ xã hội. Trong cả hai cuộc vận động, người ta đều thấy Xuân Diệu là một trong những tên tuổi được nhắc nhở nhiều nhất.
Trong phạm vi Thơ mới, ông không có những bài thơ coi là mở đầu như Phan Khôi. Ông không có vai trò người khai phá đầy tài năng như Thế Lữ, không có những tác phẩm chín như Huy Cận. Song nói đến thời đại này là phải nói đến ông. Qua ông, thấy cả sự vận động của Thơ mới.
Tuy cùng nằm trong khuôn khổ hiện đại hóa văn học, song những gì diễn ra trong thơ tiền chiến khác hẳn trong văn xuôi. Với văn xuôi các nhà văn của ta bằng lòng làm người học trò nhỏ của văn học Pháp. Thơ thì khác. Ban đầu người ta không chịu. Phạm Quỳnh từng kể, có những ông đồ tự hỏi : Bên Tây cũng có thơ à?
Quan niệm như vậy, cho nên trong thực tế, đồ thị diễn tả vận động của mỗi thể loại cũng khác nhau. Ở văn xuôi mọi chuyện từ từ, không có đột biến. Thơ cũ, sau một hồi chống chọi, như là xảy ra tình trạng "vỡ trận". Kết quả là có Thơ mới náo động một thời.
Có thể tìm thấy bóng dáng cuộc vận động này trong bước đi của Xuân Diệu.Ông đến trong tư thế ào ạt khẳng định. Ban đầu Thơ mới làm cho người ta ngỡ ngàng ư? Thì Xuân Diệu làm cho chúng ta ngỡ ngàng. Rồi cuối cùng chúng ta thấy Thơ mới gần với ta ư ? Thì Xuân Diệu đã được cả một thời say đắm.
Xuân Diệu là tất cả cái hay cái dở của thơ mới. Là sự cởi mở và tham vọng của con người đương thời. Là hào hứng đi ra với thế giới. Nhưng cũng là nông nổi, cạn cợt, là nhanh chóng chán chường và bế tắc.
Nếu cần nói gọn một câu về vai trò của Xuân Diệu trong Thơ mới thì nên nói gì ?
Hoài Thanh là người đầu tiên cho rằng " Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới". Ở Sài Gòn năm 1967, trong tập Bảng lược đồ của văn học Việt Nam ( Ba thế hệ của nền văn học mới ),Thanh Lãng cũng viết một câu tương tự. Tôi vừa đọc lại hồ sơ cuộc hội thảo kỷ niệm 10 năm nhà thơ Xuân Diệu qua đời. Cho đến nay công thức đó vẫn được nhiều người nhắc lại.
Có lẽ ý kiến đó hình thành một phần là do từ trước, Hàn Mặc Tử còn ít được đọc và được nghiên cứu. Còn ngày nay với sự phổ biến của Hàn Mặc Tử, thì theo tôi, vai trò người mới nhất của Thơ mới phải thuộc về Hàn mới đúng.
Nhưng sao người ta vẫn thích trích dẫn cái câu của Hoài Thanh ?
Tạm thời có thể diễn giải như thế này: Nếu từ góc độ khoa học của vấn đề, Hàn đã là người đi xa nhất, và do đó mới nhất. Còn nếu xem xét hiệu ứng của thơ trong đời sống thì những ấn tượng Xuân Diệu để lại trong lòng người không ai có thể bì kịp.
Thay cho công thức "gương mặt tiêu biểu" đã mòn, tôi muốn nói Xuân Diệu là hiện thân của Thơ mới. Là nhà thơ số một không phải với nghĩa hay nhất, giá trị nhất, đứng cao hơn hết …, mà là, nếu bây giờ chỉ cần gọi tên một nhà thơ trong thơ mới thôi, thì gần như tất cả sẽ gọi Xuân Diệu.
Giữa các phong cách của Thơ mới, Xuân Diệu là một cái gì vừa phải, hợp lý, ông vốn có cái dễ dàng để đến với đám đông trong văn chương cũng như trong cuộc đời.Thế Lữ hơi cổ. Trong thơ Thế Lữ người ta vẫn cảm thấy một cái gì hơi già, hơi cũ, mắt nhìn về cái mới chứ chân chưa đặt tới cái miền mới mẻ đó. Mong muốn kéo nhà thơ này đi tới nhưng con người ông không theo kịp. Lưu Trọng Lư cũng vậy, mà lại ngả sang mơ mộng xa xôi. Huy Cận chậm rãi khoan thai đậm chất văn hóa, và Huy Cận như già trước tuổi nữa Về độ chín của thơ, Xuân Diệu không bằng Huy Cận. Song sự trẻ trung làm cho Xuân Diệu có sự hấp dẫn hơn, phổ biến hơn nhiều.
Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên ăn nhiều ở sự hướng thượng, suy tư, độc đáo. Các ông có cái gì đó mà người bình thường khó với tới. Họ nhìn theo các ông mà ngại.
Xét về ảnh hưởng với các thế hệ sau, vai trò của Xuân Diệu cũng rất lớn. Như ở thế hệ những người sinh khoảng 40 của thế kỷ trước, những Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật. Nếu đặt ra một hàng những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử thì trong sự khác nhau rất rõ, họ vẫn gần với Xuân Diệu hơn cả, số người nằm cùng một trục dọc với Xuân Diệu khá đông đảo.
Xuân Diệu như hoa hồng trong một vườn hoa loại nào cũng đẹp. Như một thứ cơm tẻ vừa với mọi người. Đi đến một tổng hợp khái quát nhất Hoài Thanh ở cuối bài tổng luận về thơ mới bảo Xuân Diệu là " nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại ".
Thêm một ít khía cạnh trong con người Âu hóa và mỹ cảm hiện đại
Xuân Diệu trước hết đại biểu cho những con người tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngay từ nhà trường, làm nên một thứ nhân tố mới hình thành trong xã hội. Nhiều người đã nói về điều này, mấy ghi nhận dưới đây chỉ là một ít khía cạnh nhỏ.
Ông là con người của ham muốn say đắm muốn sống hết mình. Chỉ cần đọc một câu thơ Anh nhớ tiếng anh nhớ hình anh nhớ ảnh -- Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi, càm nghe hết cái sự nồng nàn của nó …người ta đã biết ngay nó không thể có ở nhà thơ cổ điển, nó phải thuộc về một nhà thơ hiện đại.
Mặc dù có những bài tuyệt bút, song Xuân Diệu thường vẫn để lại ấn tượng có chỗ sượng, chưa chín, chưa đều tay. Ông là người rất có ý thức mà cũng là rất nhạy cảm khi bênh vực cho cái dang dở. So sánh ca dao Nam Trung bộ và ca dao miền Bắc, ông nói rằng ca dao miền Bắc quá chau chuốt quá hoàn chỉnh, trong khi ca dao Nam Trung bộ trần trụi thô mộc nên dễ gần. Có lần, nhận xét về một bài thơ, Xuân Diệu bảo khi người ta cảm động quá, người ta có gì đó run rẩy lúng túng. Trong những trường hợp này, Xuân Diệu đã biện hộ cho mình. Chính ở cái vẻ vội vàng hấp tấp dở dang chưa thành này mà Xuân Diệu gần với con người đương thời.
Nhưng không chỉ có thế. Không chỉ có hồn nhiên tuổi trẻ, mà càng về sau, Xuân Diệu càng tỏ ra sống hết với cái đã đầy của cuộc sống.Bài Hy mã lạp sơn là một cách ướm thử sự vượt lên cái thông thường, tự làm khác mình đi và đẩy suy nghĩ của mình tới cùng, tới cái tuyệt đối. Nhưng một lần tới rồi thì lộ ngay ra là không bao giờ nên trở lại nữa. Biết điều tội nghiệp run rẩy thiết tha, Xuân Diệu là chính mình hơn trong Lời kỹ nữ.
Sự khác nhau giữa Thơ cũ và Thơ mới bắt đầu từ sự đổi khác của tâm lý con người, của cách xúc động… và điều này đã được nhiều người như Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh diễn tả sâu sắc. Mối quan hệ giữa lý trí và cảm xúc là một vấn đề lớn của con người hiện đại. Hồi 1961, nhân tuyển thơ 15 năm sau Cách mạng, Chế Lan Viên nói như một câu buột miệng " Xuân Diệu cần hồn nhiên hơn và Tế Hanh phải bớt tự nhiên đi". Tôi đọc và tưởng là về già Xuân Diệu mới vậy. Sau đọc lại, thấy cái cách sống và làm việc theo lý trí này có từ Xuân Diệu hồi Thơ mới. Xét trên toàn cục, Xuân Diệu đã là một con người nhất quán, những năm cuối đời chỉ tô đậm những nét cốn có của ông lúc trẻ. Và đó chính là dấu hiệu làm chứng cho sự có mặt của nền văn hóa mà ông tiếp nhận từ nhỏ.
Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn gần đây nói rằng con người ông có cả văn hóa Việt Nam lẫn văn hóa Mỹ. Trong Xuân Diệu cái yếu tố Mỹ được thay bằng văn hóa Pháp. Cố nhiên là cách kết hợp những yếu tố khác nhau ở người này không bao giờ giống như ở người khác, nhưng họ đều là hiện tượng đa văn hóa.
Thơ tám chữ, thơ bảy chữ
Trên phương diện hình thức nghệ thuật thơ, so với các nhà Thơ mới khác, Xuân Diệu cũng để lại ấn tượng riêng, về một cái gì vừa miệng với số đông, nghĩa là rất phổ biến.
Sáng tạo của Thơ mới trên phương diện thể thơ gồm hai phần: một là đưa thể tám chữ lên mức hoàn chỉnh và thứ hai là có những cách tân mới đối với các thể cũ như thơ bảy chữ, thơ lục bát.
Sở dĩ đọc Thế Lữ ta cảm thấy một cái gì cũ cũ, bởi vì ngoài Nhớ rừng, các bài tám chữ khác của ông để lại ấn tượng nặng nề do sự xâm nhập của yếu tố văn xuôi còn thô . Ở các bài như Đi giữa đường thơm, Nhạc sầu của Huy Cận, Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, chúng ta thấy thơ tám chữ tự nhiên như một sản phẩm thuần Việt. Mà cái đó đến sớm với Xuân Diệu. Những bài như Tương tư chiều,Vội vàng, Hoa đêm của ông cùng với Lời kỹ nữ Hy mã lạp sơn vừa nói ở trên là những sáng tác hoàn thiện.
Hoài Thanh bảo thơ tám chữ của Xuân Diệu có nguồn gốc ở ca trù. Cảm giác gần gũi có được là do cái hồn thơ, một cái gì thanh thoát mà lại hơi lẳng lơ tinh nghịch. Mặt khác là hơi thơ, biểu hiện ở độ dài. Tính số câu của một bài thơ, trong khi Tiếng địch sông Ô của Huy Thông làm chúng ta ngợp, thì các bài tám chữ của Xuân Diệu và những bài vừa nhắc trên của Huy Cận, Tế Hanh…cũng gần gũi hơn hẳn.
Một đóng góp khác của Xuân Diệu trong thể thơ bảy chữ, những bài gồm ba –bốn khổ, nó là một hơi thơ mạnh đi như một lát dao sắc.
Tản Đà không có bài thơ nào sử dụng tứ tuyệt như vậy. Trong số 47 bài của Mấy vần thơ của Thế Lữ, tôi chỉ thấy có một bài mang tên Yêu là cũng gồm ba khổ như thế này. Nhưng đây là một bài thơ rất ít người nhớ.
Còn với Xuân Diệu chúng ta thấy hàng loạt trường hợp Nguyệt cầm, Nụ cười xuân,Trăng, Huyền Diệu, Gặp gỡ,Yêu, Tình trai, Đây mùa thu tới, Ý thu, Hẹn hò, Đơn sơ.
Tôi chợt nhớ tới thể sonnet (1) của Pháp,và muốn giả thiết rằng ở những bài thơ nói trên, Xuân Diệu đã làm một cuộc hôn phối giữa thơ Pháp và thơ dân tộc. Ông Việt hóa sonnet từ nền văn hóa mà ông mới tiếp nhận và mang lại cho nó một âm hưởng phương Đông, bằng cách lai tạo nó với thất ngôn tứ tuyệt. Giờ đây loại thơ gồm ba hay bốn khổ tứ tuyệt -- 12 hoặc 16 câu bẩy chữ -- đã là một cấu trúc cổ điển. Thơ tình của Xuân Diệu sau 1945 thường trở lại với thể này Nguyện, Hoa nở sớm, Tình yêu san sẻ, Ngược dòng sông Đuống.Và đây, tạm kể một số bài thơ được nhiều người thuộc của các tác giả về sau :
Buồn, Xuân, Em về nhà, Vạn lý tình, Gánh xiếc … của Huy Cận
Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Cô hái mơ của Nguyễn Bính
Xuân ý của Hồ Dzếnh
Sầu chung, Chiều loạn ( Chiều loạn mây rồi gió đã lên ) của Trần Huyền Trân
Với thơ từ sau 1945 , tôi muốn nhắc Hoa cỏ may (Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ) của Xuân Quỳnh, cũng như bài Thanh xuân (2) của Nhã Ca, giữa hai bài của hai thi sĩ có gì như là đồng vọng và cùng âm hưởng .
Cái mới đến từ hội nhập
Nhớ lại khi Xuân Diệu mới xuất hiện, Hoài Thanh thú nhận:
"Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy.Nhưng rồi ta cũng quen dần vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng"
Cái tình đồng hương nói ở đây gồm hai yếu tố :
Một là những yếu tố thuần Việt. Đã nhiều người nói tới cái phần thi liệu Việt ở Xuân Diệu từ "Đã nghe rét mướt luồn trong gió --, Đã vắng người sang những chuyến đò" tới "Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya" hoặc "Con cò trên ruộng cánh phân vân"
Hai là những yếu tố mượn từ đời sống và văn hóa Trung Hoa đã được Việt hóa. Cái yếu tố Tàu này vốn thấy ở nhiều nhà văn tiền chiến, từ những ông già thả thơ đánh thơ ở Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tới chú khách bán mằn thắn và mấy người khách ở phố Cẩm Giàng của Thạch Lam …
Bấy lâu ta cứ ngỡ ở Xuân Diệu chỉ có Rimbaud với Verlaine, hóa ra ta nhầm.
Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đọc lại báo Ngày nay 1938 còn dẫn ra cả một đoạn Xuân Diệu ca ngợi mùa thu "mặc dầu ở bên Tây vẫn có mùa thu, thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu. Mùa thu cũng đồng một quê quán với Tây Thi, với nàng Tây Thi quá xa nên quá đẹp"
Trong cả Thơ thơ lẫn Gửi hương cho gió, cái chất Trung Hoa này xuất hiện ở nhiều dạng.Trong vốn từ ngữ. Trong cái nhịp thơ tứ tuyệt nói ở trên. Và trong thi liệu : Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi /Tôi mê Ly Cơ hình mơ màng / Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng / Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.Có cả một bài mang tên Mơ xưa, nhắc lại những Gió liễu chiều còn nhớ kẻ dương quan. Yếu tố Trung hoa cố điển ở đây là một bộ phận của yếu tố Việt Nam. Nước Việt trong thời gian. Nước Việt với chiều dài lịch sử , với cái vẻ quý tộc tinh thần...Tất cả lại hiện diện.
Xin nói tiếp về Nguyệt cầm. Trăng ở đây được gọi là nguyệt, đàn gọi là cầm.Nguyệt và trăng, đàn và cầm cùng tồn tại song song. Cái hồn hiện đại nhập vào cảnh cũ Linh lung bóng sáng bỗng rung mình. Nhưng trăng và đàn lại là những motip của thơ cổ phương Đông. Còn chữ linh lung với nghĩa ánh sáng chấp chới thì không biết có phải lấy từ bài Ngọc giai oán của Lý Bạch (khước há thủy tinh liêm -- linh lung vọng thu nguyệt), (3) , chỉ biết sau Xuân Diệu, không ai dùng nó nữa, và các từ điển tiếng Việt mới in nửa sau thế kỷ XX chỉ ghi lung linh chứ không còn ghi linh lung.
Với bài viết kinh điển Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã sớm cảm thấy cái mới ở Xuân Diệu nói riêng và Thơ mới nói chung là là đến từ hội nhập.Gần đây nhà thơ Hoàng Hưng ( bài Thơ mới và thơ hôm nay ) phát hiện thêm. Ông bảo : "thơ Pháp thế kỷ XIX đã thúc đẩy Huy Cận Xuân Diệu tìm ra những ý vị lãng mạn của thơ Đường mà suốt một thế kỷ trước đó, các vị túc nho đã không cảm nhận nổi mà chỉ nhai cái bã niêm luật". Tức là nhờ hội nhập hôm nay mà ta phát hiện lại thành tựu của hội nhập hôm qua. Ta được làm giàu lên nhiều lần hơn là ta tưởng.
Hơn thế nữa, hội nhập không phải chỉ có một chiều là hướng ngoại, hội nhập còn là quay trở về phát hiện lại bản thân và nhận diện lại những yếu tố nội sinh.Nói cách khác, nhờ hội nhập mà cốt cách của dân tộc được phát hiện.
Xuân Diệu đã làm công việc này một cách có ý thức. Ồng có riêng một bài viết mang tên Tính cách An Nam trong văn chương (báo Ngày nay 28-1-1939 ), ở đó ông nói rằng "Trong lòng An Nam của chúng ta vẫn có những phần những ý những cảm giác mà người Tây có. Xưa kia ta không nói là vì ta không ngờ ; bây giờ cái não khoa học của Âu Tây đã cho biết rằng ta có, vẫn có đã lâu những của cải chôn giấu trong lòng thì sao ta không nói"(4)
Lịch sử không lặp lại
Không phải là thơ Việt Nam sau 1945 không có những đổi mới về hình thức, song một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt như hồi 1932-41 không còn nữa. Nhu cầu của xã hội lúc này là tận dụng sự phát triển đã có từ Thơ mới để hướng thơ vào các hoạt động tuyên truyền giáo dục quần chúng. Ngay ở Sài gòn trước 1975 nơi sự hội nhập với thế giới diễn ra một cách tự nhiên, thì thơ vẫn không tạo được những bước nhảy đáng kể. Tuy xuất phát từ những tình thế khác nhau, song giữa sự tìm tòi của Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca …với tìm tòi của Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Trần Dần, Hữu Loan ở miền Bắc suy cho cùng có sự tương tự. Nhìn chung là phân tán nhỏ lẻ và không sao tạo được cao trào hoặc trở thành xu thế bao trùm.
Nổi lên trên bề mặt thơ sau 1945 vẫn là sáng tác của các nhà thơ mới : Huy Cận, Chế Lan Viên Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, ấy là không kể một lớp nhà thơ trẻ mới hình thành, tất cả mang lại cho thơ mới một sự hồi sinh, một đỉnh cao thứ hai.
Trên hướng phát triển này, Xuân Diệu tiếp tục vị trí hàng đầu của mình. Năng lực của ông không còn hướng vào việc tìm tòi cái mới; có cảm tưởng với ông tất cả đã đủ, vấn đề bây giờ chỉ là tìm cách khai thác tận dụng cái đã có. Mà về việc này thì từ bản tính "tay hay làm lụng mắt hay kiếm tìm" ông có cả, từ sự thành thạo, thói quen siêng năng, tới sự nhạy cảm biết tìm ra những phương án tối ưu trong lao động.
Thơ Xuân Diệu những năm cuối đời gợi cho ta cảm giác một trái cây không còn được tiếp nhựa sống từ toàn thân mà chỉ tự chín, thời gian chín lại kéo quá dài, nên -- nói như dân gian vẫn nói -- chín rụ chín rị, tức có cả cái phần đã đầy, nát, vỡ, lữa ra , là cái phần "suy đồi" xảy ra ở mọi quá trình lão hóa. Nhưng ở chỗ này nữa lại càng thấy tính chất "đại diện toàn quyền" của Xuân Diệu với Thơ mới.
Người ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở một người. Đặt trên cái nền chung của lịch sử vẫn thấy ông đứng sừng sững ở giai đoạn chuyển đổi của nền thơ Việt Nam, như một thách thức và một điểm đối chiếu.
Vương Trí Nhàn
-------
(1) Xin tạm coi đây mới là một giả thiết, bởi chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu vào bản chất của sonnet và tác động của nó tới các nhà thơ Việt Nam. Chỉ xin lưu ý thêm, sonnet hiện đại thường có 14 câu trong khi tứ tuyệt ba khổ là 12 câu, bốn khổ là 16 câu
(2) nguyên văn toàn bài:
Thanh xuân
Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân bày
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may
Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần
Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ
Trong Thơ Nhã Ca ( S. Nxb Ngôn ngữ , 1965 ) . Lưu ý là bài này như vậy viết ở Sài Gòn những năm sáu mươi thế kỷ XX , còn bài Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh viết ở Hà Nội, 1985 . Khi thơ Nhã Ca tái bản ( S. 1972 ) bài Thanh xuân này xếp vào phần I, mang tên thơ viết thời con gái . Nhã Ca còn nhiều bài khác, có cấu tứ tương tự : Ngày tháng trôi đi, Bước tàn phai, Bàn tay chàng, Vết cắt xuân
(3) Đây cũng là điều Phan Cự Đệ dẫn trong cuốn Phong trào thơ mới , in lần đầu 1966. Nhà nghiên cứu chỉ không nói rõ do ông tìm ra hay do sự mách bảo của chính Xuân Diệu .
(4)Tìm đọc bài viết của chúng tôi Xuân Diệu và một quan niệm cởi mở về íính dân tộc trong đó có dẫn lại đầy đủ Tính cách An Nam trong văn chương. Có trong nhiều tập "hồ sơ" về Xuân Diệu đã xuất bản.
VƯƠNG TRÍ NHÀN Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 1-2009
*Tham luận hội thảo 90 năm sinh Xuân Diệu
Đi tìm một cách nói hợp lý
Xuân Diệu thường nói ông mang trong mình quê hương thống nhất.Cha đàng ngoài má ở đàng trong, -- cái lý của ông thật cụ thể.
Mượn cách nói ấy, khi xem xét sang lĩnh vực thơ, tôi cũng muốn nói rằng ông mang trong mình nền thơ thế kỷ Việt Nam thế kỷ XX.
Nửa đầu thế kỷ, thơ Việt có chuyển đổi về mặt cơ cấu, từ mô hình kiểu trung đại chuyển sang một mô hình hiện đại. Khi thơ như một cơ cấu đã ổn định, từ sau 1945, cái định hướng rõ nhất là chuyển đổi chức năng để phục vụ xã hội. Trong cả hai cuộc vận động, người ta đều thấy Xuân Diệu là một trong những tên tuổi được nhắc nhở nhiều nhất.
Trong phạm vi Thơ mới, ông không có những bài thơ coi là mở đầu như Phan Khôi. Ông không có vai trò người khai phá đầy tài năng như Thế Lữ, không có những tác phẩm chín như Huy Cận. Song nói đến thời đại này là phải nói đến ông. Qua ông, thấy cả sự vận động của Thơ mới.
Tuy cùng nằm trong khuôn khổ hiện đại hóa văn học, song những gì diễn ra trong thơ tiền chiến khác hẳn trong văn xuôi. Với văn xuôi các nhà văn của ta bằng lòng làm người học trò nhỏ của văn học Pháp. Thơ thì khác. Ban đầu người ta không chịu. Phạm Quỳnh từng kể, có những ông đồ tự hỏi : Bên Tây cũng có thơ à?
Quan niệm như vậy, cho nên trong thực tế, đồ thị diễn tả vận động của mỗi thể loại cũng khác nhau. Ở văn xuôi mọi chuyện từ từ, không có đột biến. Thơ cũ, sau một hồi chống chọi, như là xảy ra tình trạng "vỡ trận". Kết quả là có Thơ mới náo động một thời.
Có thể tìm thấy bóng dáng cuộc vận động này trong bước đi của Xuân Diệu.Ông đến trong tư thế ào ạt khẳng định. Ban đầu Thơ mới làm cho người ta ngỡ ngàng ư? Thì Xuân Diệu làm cho chúng ta ngỡ ngàng. Rồi cuối cùng chúng ta thấy Thơ mới gần với ta ư ? Thì Xuân Diệu đã được cả một thời say đắm.
Xuân Diệu là tất cả cái hay cái dở của thơ mới. Là sự cởi mở và tham vọng của con người đương thời. Là hào hứng đi ra với thế giới. Nhưng cũng là nông nổi, cạn cợt, là nhanh chóng chán chường và bế tắc.
Nếu cần nói gọn một câu về vai trò của Xuân Diệu trong Thơ mới thì nên nói gì ?
Hoài Thanh là người đầu tiên cho rằng " Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới". Ở Sài Gòn năm 1967, trong tập Bảng lược đồ của văn học Việt Nam ( Ba thế hệ của nền văn học mới ),Thanh Lãng cũng viết một câu tương tự. Tôi vừa đọc lại hồ sơ cuộc hội thảo kỷ niệm 10 năm nhà thơ Xuân Diệu qua đời. Cho đến nay công thức đó vẫn được nhiều người nhắc lại.
Có lẽ ý kiến đó hình thành một phần là do từ trước, Hàn Mặc Tử còn ít được đọc và được nghiên cứu. Còn ngày nay với sự phổ biến của Hàn Mặc Tử, thì theo tôi, vai trò người mới nhất của Thơ mới phải thuộc về Hàn mới đúng.
Nhưng sao người ta vẫn thích trích dẫn cái câu của Hoài Thanh ?
Tạm thời có thể diễn giải như thế này: Nếu từ góc độ khoa học của vấn đề, Hàn đã là người đi xa nhất, và do đó mới nhất. Còn nếu xem xét hiệu ứng của thơ trong đời sống thì những ấn tượng Xuân Diệu để lại trong lòng người không ai có thể bì kịp.
Thay cho công thức "gương mặt tiêu biểu" đã mòn, tôi muốn nói Xuân Diệu là hiện thân của Thơ mới. Là nhà thơ số một không phải với nghĩa hay nhất, giá trị nhất, đứng cao hơn hết …, mà là, nếu bây giờ chỉ cần gọi tên một nhà thơ trong thơ mới thôi, thì gần như tất cả sẽ gọi Xuân Diệu.
Giữa các phong cách của Thơ mới, Xuân Diệu là một cái gì vừa phải, hợp lý, ông vốn có cái dễ dàng để đến với đám đông trong văn chương cũng như trong cuộc đời.Thế Lữ hơi cổ. Trong thơ Thế Lữ người ta vẫn cảm thấy một cái gì hơi già, hơi cũ, mắt nhìn về cái mới chứ chân chưa đặt tới cái miền mới mẻ đó. Mong muốn kéo nhà thơ này đi tới nhưng con người ông không theo kịp. Lưu Trọng Lư cũng vậy, mà lại ngả sang mơ mộng xa xôi. Huy Cận chậm rãi khoan thai đậm chất văn hóa, và Huy Cận như già trước tuổi nữa Về độ chín của thơ, Xuân Diệu không bằng Huy Cận. Song sự trẻ trung làm cho Xuân Diệu có sự hấp dẫn hơn, phổ biến hơn nhiều.
Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên ăn nhiều ở sự hướng thượng, suy tư, độc đáo. Các ông có cái gì đó mà người bình thường khó với tới. Họ nhìn theo các ông mà ngại.
Xét về ảnh hưởng với các thế hệ sau, vai trò của Xuân Diệu cũng rất lớn. Như ở thế hệ những người sinh khoảng 40 của thế kỷ trước, những Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật. Nếu đặt ra một hàng những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử thì trong sự khác nhau rất rõ, họ vẫn gần với Xuân Diệu hơn cả, số người nằm cùng một trục dọc với Xuân Diệu khá đông đảo.
Xuân Diệu như hoa hồng trong một vườn hoa loại nào cũng đẹp. Như một thứ cơm tẻ vừa với mọi người. Đi đến một tổng hợp khái quát nhất Hoài Thanh ở cuối bài tổng luận về thơ mới bảo Xuân Diệu là " nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại ".
Thêm một ít khía cạnh trong con người Âu hóa và mỹ cảm hiện đại
Xuân Diệu trước hết đại biểu cho những con người tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngay từ nhà trường, làm nên một thứ nhân tố mới hình thành trong xã hội. Nhiều người đã nói về điều này, mấy ghi nhận dưới đây chỉ là một ít khía cạnh nhỏ.
Ông là con người của ham muốn say đắm muốn sống hết mình. Chỉ cần đọc một câu thơ Anh nhớ tiếng anh nhớ hình anh nhớ ảnh -- Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi, càm nghe hết cái sự nồng nàn của nó …người ta đã biết ngay nó không thể có ở nhà thơ cổ điển, nó phải thuộc về một nhà thơ hiện đại.
Mặc dù có những bài tuyệt bút, song Xuân Diệu thường vẫn để lại ấn tượng có chỗ sượng, chưa chín, chưa đều tay. Ông là người rất có ý thức mà cũng là rất nhạy cảm khi bênh vực cho cái dang dở. So sánh ca dao Nam Trung bộ và ca dao miền Bắc, ông nói rằng ca dao miền Bắc quá chau chuốt quá hoàn chỉnh, trong khi ca dao Nam Trung bộ trần trụi thô mộc nên dễ gần. Có lần, nhận xét về một bài thơ, Xuân Diệu bảo khi người ta cảm động quá, người ta có gì đó run rẩy lúng túng. Trong những trường hợp này, Xuân Diệu đã biện hộ cho mình. Chính ở cái vẻ vội vàng hấp tấp dở dang chưa thành này mà Xuân Diệu gần với con người đương thời.
Nhưng không chỉ có thế. Không chỉ có hồn nhiên tuổi trẻ, mà càng về sau, Xuân Diệu càng tỏ ra sống hết với cái đã đầy của cuộc sống.Bài Hy mã lạp sơn là một cách ướm thử sự vượt lên cái thông thường, tự làm khác mình đi và đẩy suy nghĩ của mình tới cùng, tới cái tuyệt đối. Nhưng một lần tới rồi thì lộ ngay ra là không bao giờ nên trở lại nữa. Biết điều tội nghiệp run rẩy thiết tha, Xuân Diệu là chính mình hơn trong Lời kỹ nữ.
Sự khác nhau giữa Thơ cũ và Thơ mới bắt đầu từ sự đổi khác của tâm lý con người, của cách xúc động… và điều này đã được nhiều người như Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh diễn tả sâu sắc. Mối quan hệ giữa lý trí và cảm xúc là một vấn đề lớn của con người hiện đại. Hồi 1961, nhân tuyển thơ 15 năm sau Cách mạng, Chế Lan Viên nói như một câu buột miệng " Xuân Diệu cần hồn nhiên hơn và Tế Hanh phải bớt tự nhiên đi". Tôi đọc và tưởng là về già Xuân Diệu mới vậy. Sau đọc lại, thấy cái cách sống và làm việc theo lý trí này có từ Xuân Diệu hồi Thơ mới. Xét trên toàn cục, Xuân Diệu đã là một con người nhất quán, những năm cuối đời chỉ tô đậm những nét cốn có của ông lúc trẻ. Và đó chính là dấu hiệu làm chứng cho sự có mặt của nền văn hóa mà ông tiếp nhận từ nhỏ.
Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn gần đây nói rằng con người ông có cả văn hóa Việt Nam lẫn văn hóa Mỹ. Trong Xuân Diệu cái yếu tố Mỹ được thay bằng văn hóa Pháp. Cố nhiên là cách kết hợp những yếu tố khác nhau ở người này không bao giờ giống như ở người khác, nhưng họ đều là hiện tượng đa văn hóa.
Thơ tám chữ, thơ bảy chữ
Trên phương diện hình thức nghệ thuật thơ, so với các nhà Thơ mới khác, Xuân Diệu cũng để lại ấn tượng riêng, về một cái gì vừa miệng với số đông, nghĩa là rất phổ biến.
Sáng tạo của Thơ mới trên phương diện thể thơ gồm hai phần: một là đưa thể tám chữ lên mức hoàn chỉnh và thứ hai là có những cách tân mới đối với các thể cũ như thơ bảy chữ, thơ lục bát.
Sở dĩ đọc Thế Lữ ta cảm thấy một cái gì cũ cũ, bởi vì ngoài Nhớ rừng, các bài tám chữ khác của ông để lại ấn tượng nặng nề do sự xâm nhập của yếu tố văn xuôi còn thô . Ở các bài như Đi giữa đường thơm, Nhạc sầu của Huy Cận, Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, chúng ta thấy thơ tám chữ tự nhiên như một sản phẩm thuần Việt. Mà cái đó đến sớm với Xuân Diệu. Những bài như Tương tư chiều,Vội vàng, Hoa đêm của ông cùng với Lời kỹ nữ Hy mã lạp sơn vừa nói ở trên là những sáng tác hoàn thiện.
Hoài Thanh bảo thơ tám chữ của Xuân Diệu có nguồn gốc ở ca trù. Cảm giác gần gũi có được là do cái hồn thơ, một cái gì thanh thoát mà lại hơi lẳng lơ tinh nghịch. Mặt khác là hơi thơ, biểu hiện ở độ dài. Tính số câu của một bài thơ, trong khi Tiếng địch sông Ô của Huy Thông làm chúng ta ngợp, thì các bài tám chữ của Xuân Diệu và những bài vừa nhắc trên của Huy Cận, Tế Hanh…cũng gần gũi hơn hẳn.
Một đóng góp khác của Xuân Diệu trong thể thơ bảy chữ, những bài gồm ba –bốn khổ, nó là một hơi thơ mạnh đi như một lát dao sắc.
Tản Đà không có bài thơ nào sử dụng tứ tuyệt như vậy. Trong số 47 bài của Mấy vần thơ của Thế Lữ, tôi chỉ thấy có một bài mang tên Yêu là cũng gồm ba khổ như thế này. Nhưng đây là một bài thơ rất ít người nhớ.
Còn với Xuân Diệu chúng ta thấy hàng loạt trường hợp Nguyệt cầm, Nụ cười xuân,Trăng, Huyền Diệu, Gặp gỡ,Yêu, Tình trai, Đây mùa thu tới, Ý thu, Hẹn hò, Đơn sơ.
Tôi chợt nhớ tới thể sonnet (1) của Pháp,và muốn giả thiết rằng ở những bài thơ nói trên, Xuân Diệu đã làm một cuộc hôn phối giữa thơ Pháp và thơ dân tộc. Ông Việt hóa sonnet từ nền văn hóa mà ông mới tiếp nhận và mang lại cho nó một âm hưởng phương Đông, bằng cách lai tạo nó với thất ngôn tứ tuyệt. Giờ đây loại thơ gồm ba hay bốn khổ tứ tuyệt -- 12 hoặc 16 câu bẩy chữ -- đã là một cấu trúc cổ điển. Thơ tình của Xuân Diệu sau 1945 thường trở lại với thể này Nguyện, Hoa nở sớm, Tình yêu san sẻ, Ngược dòng sông Đuống.Và đây, tạm kể một số bài thơ được nhiều người thuộc của các tác giả về sau :
Buồn, Xuân, Em về nhà, Vạn lý tình, Gánh xiếc … của Huy Cận
Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Cô hái mơ của Nguyễn Bính
Xuân ý của Hồ Dzếnh
Sầu chung, Chiều loạn ( Chiều loạn mây rồi gió đã lên ) của Trần Huyền Trân
Với thơ từ sau 1945 , tôi muốn nhắc Hoa cỏ may (Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ) của Xuân Quỳnh, cũng như bài Thanh xuân (2) của Nhã Ca, giữa hai bài của hai thi sĩ có gì như là đồng vọng và cùng âm hưởng .
Cái mới đến từ hội nhập
Nhớ lại khi Xuân Diệu mới xuất hiện, Hoài Thanh thú nhận:
"Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy.Nhưng rồi ta cũng quen dần vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng"
Cái tình đồng hương nói ở đây gồm hai yếu tố :
Một là những yếu tố thuần Việt. Đã nhiều người nói tới cái phần thi liệu Việt ở Xuân Diệu từ "Đã nghe rét mướt luồn trong gió --, Đã vắng người sang những chuyến đò" tới "Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya" hoặc "Con cò trên ruộng cánh phân vân"
Hai là những yếu tố mượn từ đời sống và văn hóa Trung Hoa đã được Việt hóa. Cái yếu tố Tàu này vốn thấy ở nhiều nhà văn tiền chiến, từ những ông già thả thơ đánh thơ ở Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tới chú khách bán mằn thắn và mấy người khách ở phố Cẩm Giàng của Thạch Lam …
Bấy lâu ta cứ ngỡ ở Xuân Diệu chỉ có Rimbaud với Verlaine, hóa ra ta nhầm.
Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đọc lại báo Ngày nay 1938 còn dẫn ra cả một đoạn Xuân Diệu ca ngợi mùa thu "mặc dầu ở bên Tây vẫn có mùa thu, thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu. Mùa thu cũng đồng một quê quán với Tây Thi, với nàng Tây Thi quá xa nên quá đẹp"
Trong cả Thơ thơ lẫn Gửi hương cho gió, cái chất Trung Hoa này xuất hiện ở nhiều dạng.Trong vốn từ ngữ. Trong cái nhịp thơ tứ tuyệt nói ở trên. Và trong thi liệu : Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi /Tôi mê Ly Cơ hình mơ màng / Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng / Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.Có cả một bài mang tên Mơ xưa, nhắc lại những Gió liễu chiều còn nhớ kẻ dương quan. Yếu tố Trung hoa cố điển ở đây là một bộ phận của yếu tố Việt Nam. Nước Việt trong thời gian. Nước Việt với chiều dài lịch sử , với cái vẻ quý tộc tinh thần...Tất cả lại hiện diện.
Xin nói tiếp về Nguyệt cầm. Trăng ở đây được gọi là nguyệt, đàn gọi là cầm.Nguyệt và trăng, đàn và cầm cùng tồn tại song song. Cái hồn hiện đại nhập vào cảnh cũ Linh lung bóng sáng bỗng rung mình. Nhưng trăng và đàn lại là những motip của thơ cổ phương Đông. Còn chữ linh lung với nghĩa ánh sáng chấp chới thì không biết có phải lấy từ bài Ngọc giai oán của Lý Bạch (khước há thủy tinh liêm -- linh lung vọng thu nguyệt), (3) , chỉ biết sau Xuân Diệu, không ai dùng nó nữa, và các từ điển tiếng Việt mới in nửa sau thế kỷ XX chỉ ghi lung linh chứ không còn ghi linh lung.
Với bài viết kinh điển Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã sớm cảm thấy cái mới ở Xuân Diệu nói riêng và Thơ mới nói chung là là đến từ hội nhập.Gần đây nhà thơ Hoàng Hưng ( bài Thơ mới và thơ hôm nay ) phát hiện thêm. Ông bảo : "thơ Pháp thế kỷ XIX đã thúc đẩy Huy Cận Xuân Diệu tìm ra những ý vị lãng mạn của thơ Đường mà suốt một thế kỷ trước đó, các vị túc nho đã không cảm nhận nổi mà chỉ nhai cái bã niêm luật". Tức là nhờ hội nhập hôm nay mà ta phát hiện lại thành tựu của hội nhập hôm qua. Ta được làm giàu lên nhiều lần hơn là ta tưởng.
Hơn thế nữa, hội nhập không phải chỉ có một chiều là hướng ngoại, hội nhập còn là quay trở về phát hiện lại bản thân và nhận diện lại những yếu tố nội sinh.Nói cách khác, nhờ hội nhập mà cốt cách của dân tộc được phát hiện.
Xuân Diệu đã làm công việc này một cách có ý thức. Ồng có riêng một bài viết mang tên Tính cách An Nam trong văn chương (báo Ngày nay 28-1-1939 ), ở đó ông nói rằng "Trong lòng An Nam của chúng ta vẫn có những phần những ý những cảm giác mà người Tây có. Xưa kia ta không nói là vì ta không ngờ ; bây giờ cái não khoa học của Âu Tây đã cho biết rằng ta có, vẫn có đã lâu những của cải chôn giấu trong lòng thì sao ta không nói"(4)
Lịch sử không lặp lại
Không phải là thơ Việt Nam sau 1945 không có những đổi mới về hình thức, song một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt như hồi 1932-41 không còn nữa. Nhu cầu của xã hội lúc này là tận dụng sự phát triển đã có từ Thơ mới để hướng thơ vào các hoạt động tuyên truyền giáo dục quần chúng. Ngay ở Sài gòn trước 1975 nơi sự hội nhập với thế giới diễn ra một cách tự nhiên, thì thơ vẫn không tạo được những bước nhảy đáng kể. Tuy xuất phát từ những tình thế khác nhau, song giữa sự tìm tòi của Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca …với tìm tòi của Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Trần Dần, Hữu Loan ở miền Bắc suy cho cùng có sự tương tự. Nhìn chung là phân tán nhỏ lẻ và không sao tạo được cao trào hoặc trở thành xu thế bao trùm.
Nổi lên trên bề mặt thơ sau 1945 vẫn là sáng tác của các nhà thơ mới : Huy Cận, Chế Lan Viên Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, ấy là không kể một lớp nhà thơ trẻ mới hình thành, tất cả mang lại cho thơ mới một sự hồi sinh, một đỉnh cao thứ hai.
Trên hướng phát triển này, Xuân Diệu tiếp tục vị trí hàng đầu của mình. Năng lực của ông không còn hướng vào việc tìm tòi cái mới; có cảm tưởng với ông tất cả đã đủ, vấn đề bây giờ chỉ là tìm cách khai thác tận dụng cái đã có. Mà về việc này thì từ bản tính "tay hay làm lụng mắt hay kiếm tìm" ông có cả, từ sự thành thạo, thói quen siêng năng, tới sự nhạy cảm biết tìm ra những phương án tối ưu trong lao động.
Thơ Xuân Diệu những năm cuối đời gợi cho ta cảm giác một trái cây không còn được tiếp nhựa sống từ toàn thân mà chỉ tự chín, thời gian chín lại kéo quá dài, nên -- nói như dân gian vẫn nói -- chín rụ chín rị, tức có cả cái phần đã đầy, nát, vỡ, lữa ra , là cái phần "suy đồi" xảy ra ở mọi quá trình lão hóa. Nhưng ở chỗ này nữa lại càng thấy tính chất "đại diện toàn quyền" của Xuân Diệu với Thơ mới.
Người ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở một người. Đặt trên cái nền chung của lịch sử vẫn thấy ông đứng sừng sững ở giai đoạn chuyển đổi của nền thơ Việt Nam, như một thách thức và một điểm đối chiếu.
Vương Trí Nhàn
-------
(1) Xin tạm coi đây mới là một giả thiết, bởi chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu vào bản chất của sonnet và tác động của nó tới các nhà thơ Việt Nam. Chỉ xin lưu ý thêm, sonnet hiện đại thường có 14 câu trong khi tứ tuyệt ba khổ là 12 câu, bốn khổ là 16 câu
(2) nguyên văn toàn bài:
Thanh xuân
Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân bày
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may
Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần
Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ
Trong Thơ Nhã Ca ( S. Nxb Ngôn ngữ , 1965 ) . Lưu ý là bài này như vậy viết ở Sài Gòn những năm sáu mươi thế kỷ XX , còn bài Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh viết ở Hà Nội, 1985 . Khi thơ Nhã Ca tái bản ( S. 1972 ) bài Thanh xuân này xếp vào phần I, mang tên thơ viết thời con gái . Nhã Ca còn nhiều bài khác, có cấu tứ tương tự : Ngày tháng trôi đi, Bước tàn phai, Bàn tay chàng, Vết cắt xuân
(3) Đây cũng là điều Phan Cự Đệ dẫn trong cuốn Phong trào thơ mới , in lần đầu 1966. Nhà nghiên cứu chỉ không nói rõ do ông tìm ra hay do sự mách bảo của chính Xuân Diệu .
(4)Tìm đọc bài viết của chúng tôi Xuân Diệu và một quan niệm cởi mở về íính dân tộc trong đó có dẫn lại đầy đủ Tính cách An Nam trong văn chương. Có trong nhiều tập "hồ sơ" về Xuân Diệu đã xuất bản.
24/3/09
MARXISME & PHÉNOMÉNOLOGIE
Revue Internationale
N°2, 1946, p. 168-174
MARXISME & PHÉNOMÉNOLOGIE
Trần Đức Thảo
Par opposition au communisme grossier qui ne supprime la propriété privée que par sa généralisation, dans un nivellement où se trouve niée la personnalité humaine, le marxisme se propose une suppression positive qui sera une véritable appropriation. II ne s’agit pas pour l’homme de prendre possession - au sens de l’avoir - mais de jouir de son œuvre, en y reconnaissant son être propre. Dans la société «sans classes» où s’appliquerait, grâce au développement de la technique moderne, la formule «de chacun suivant ses capacités, à chacun suivant ses besoins», les biens créés par la communauté sont éprouvés par les individus comme des objectivations d’eux-mêmes, ou, en se reconnaissant, ils jouissent d’eux-mêmes, dans la plénitude du sens que ce mot comporte pour une conscience humaine: «l’homme s’approprie son être universel d’une façon universelle, donc en tant qu’homme total. Chacun de ses rapports humains avec le monde: voir, entendre, flairer, goûter, toucher, penser, regarder, sentir, vouloir, agir, aimer, bref tous les organes de son individualité, qui sont immédiats dans leur forme d’organes communs, sont dans leur rapport objectif ou dans leur comportement vis-à-vis de l’objet, l’appropriation de cet objet, l’appropriation de la réalité humaine; la façon dont ils se comportent vis-à-vis de l’objet est la manifestation de la réalité humaine. Cette manifestation est aussi multiple que les déterminations et les activités humaines, l’activité humaine et la souffrance humaine, car les souffrances prises au sens humain sont une jouissance propre de l’homme» (K. Marx, Economie politique et philosophie, 1844, p. 29 de la trad. Molitor).
Ce texte nous semble donner la véritable signification du matérialisme historique, dans son opposition au matérialisme vulgaire. La réalité, c’est cela même que nous produisons, non pas uniquement sur le plan proprement physique, mais au sens le plus général, qui englobe toute activité humaine, y compris les activités dites «spirituelles». «La plus belle musique n’a pas de sens pour l’oreille non musicale, n’est pas un objet, parce que mon objet ne peut être que la manifestation d’une des forces de mon être» (Ibid., p. 32). Le réel, c’est ce monde plein de sens dans lequel nous vivons et qui n’a justement son sens que par notre vie même: cette nature devenue humaine par le travail des générations. Le renversement dialectique de l’idéalisme au matérialisme gardait chez Marx, tout le contenu spirituel développé dans l’hégélianisme. L’identification du monde de l’esprit avec ce monde, que nous perçevons, ne lui fait pas perdre la richesse de son sens: il ne s’agit pas de «réduire» l’idée au réel, mais de montrer dans le réel lui-même la vérité de l’idée.
Alors que le matérialisme vulgaire avait défini l’être comme pure matière abstraite, le matérialisme historique se référait, du moins à son origine, à une expérience totale où le monde se donne à nous avec cette plénitude de sens humain, avec laquelle il existe pour nous, pendant que nous vivons en lui. C’est précisément à cette expérience que revenait Husserl, quand au début de ce siècle, il créa l’école phénoménologique en rassemblant une pléiade de jeunes philosophes autour de son mot d’ordre fameux: «zu den sachen selbst»: revenir aux choses mêmes! Il ne s’agissait pas, évidemment, de l’objet physique, défini par un système d’équations, mais de tout ce qui pour nous existe, dans le sens même dans lequel il existe pour nous. La suppression de la primauté du physique devait précisément permettre de prendre conscience de l’existence concrète dans la plénitude de sa signification. Dégoutée des abstractions desséchées du criticisme et de la philosophie des sciences, la nouvelle génération accueillit comme une rosée fertile cet appel qui lui ouvrait toute la richesse du monde vécu.
«L’appropriation » se faisait, il est vrai, sur le plan individuel et théorique, par un retour à la conscience de soi, où s’explicitent les significations cachées - «aliénées» - dans la vie naïve. Sous sa forme existentialiste, la phénoménologie n’est encore qu’un appel du sentiment de l’action, plutôt qu’un guide pour une action effective. L’absence d’un passage à une pratique cohérente la dénonce comme philosophie bourgeoise. Elle n’en réalisait pas moins le maximum de vérité accessible à la bourgeoisie, en montrant dans l’existence effectivement vécue la source dernière où l’être puise son sens. Il suffisait d’une prise de conscience de la signification objective de cette existence pour trouver dans les conditions économiques l’élément déterminant, en dernier ressort, de la structure générale de l’expérience du monde.
Les textes classiques du marxisme définissent, il est vrai, la primauté de l’économique d’une manière inacceptable pour le phénoménologue. Les superstructures sont considérées comme de simples illusions, reflétant sur le plan idéologique les rapports «réels», alors que l’originalité de la phénoménologie a consisté précisément à légitimer la valeur de toutes les significations de l’existence humaine. Mais le marxisme ne consiste pas simplement à affirmer la nécessité d’une référence dernière à l’infrastructure: le cours de l’histoire ne s’explique que par la lutte des classes, dont la dialectique se fonda sur l’autonomie des superstructures. Les rapports de production doivent changer quand ils se trouvent dépassés par les forces productives. Mais ce changement exige une lutte, et se réalise sous la forme d’une révolution, précisément parce que les anciens rapports se maintiennent grâce à l’énorme superstructure qui persiste à vivre, alors qu’il a perdu sa base économique. L’autonomie des superstructures est aussi essentielle à la compréhension de l’histoire que le mouvement des forces productives. Mais comment en rendre compte, s’il ne s’agit que de simples reflets du processus réel? La résistance de l’idéologie est due, dira-t-on, à une illusion. Mais comment cette illusion se maintient-elle, et, du reste, la notion même de l’illusion ne suppose-t-elle pas celle de la vérité?
Nous allons essayer de trouver une solution, non par des discussions, mais par l’examen d’un exemple. «La mythologie grecque, déclare Marx dans l’Introduction à la Critique de l’Économie politique, n’était pas seulement l’arsenal de l’art grec, mais sa terre nourricière. La conception de la nature et des relations sociales, qui est au fond de l’imagination et partant de l’art grec, est-elle compatible avec les machines automatiques, les chemins de fer, les locomotives et le télégraphe électrique?... L’art grec suppose la mythologie grecque, c’est-à-dire la nature et la société elles-mêmes façonnées déjà d’une manière inconsciemment artistique par la fantaisie populaire». On voit immédiatement que l’art grec n’est pas un simple reflet des conditions de la vie matérielle antique: il s’agit plutôt d’une construction s’édifiant sur une activité esthétique spontanée, et, corrélativement, une intuition mythologique du monde: «la nature et la société façonnées déjà d’une manière inconsciemment artistique par la fantaisie populaire». L’art spontané est «la terre nourricière» de l’art réfléchi, et c’est cet art spontané qui, comme moment de l’expérience totale, se trouve conditionné par la structure générale de cette expérience, sa structure économique.
En langage phénoménologique, nous dirons que la vie en ce monde, l’expérience de ce monde, comporte un ensemble de significations, parmi lesquelles la signification esthétique. L’allure générale de cet ensemble est évidemment dessinée par certaines conditions élémentaires, les conditions économiques. Il ne s’agit nullement d’une détermination sur le mode causal, mais simplement d’une délimitation nécessaire, qui définit l’expérience vécue comme expérience de ce monde. Les moments particuliers n’en gardent pas moins leur vérité, comme intuitions effectivement vécues, et c’est cette vérité qui fonde celle des produits de la culture. Il ne s’agit pas, bien évidemment, d’intuitions passives, révélatrices d’un au-delà incompréhensible, mais du simple fait de comprendre, immédiatement, le sens de notre vie en ce monde, le sens des activités auxquelles nous nous livrons spontanément, du seul fait que nous vivons une vie humaine. C’est ce monde de la vie (Lebenswelt) qui supporte toutes les constructions du monde culturel. La beauté de l’art grec se réfère à cette manière propre à la société grecque de sentir le monde, sur le mode esthétique, dans son activité artistique inconsciente. Dans cette expérience esthétique, le beau se révèle de la seule manière dont il puisse se révéler, étant donné les conditions matérielles de l’existence des Grecs. Cette limitation ne diminue pas mais exprime son authenticité, en tant qu’il s’agit bien d’une expérience effective en ce monde. Le rapport de l’art grec au mode de production antique ne supprime pas, dès lors, la valeur propre de ses chefs-d’euvre, mais la fonde. L’«infrastructure» sur laquelle cet édifice s’est élevé n’est pas à proprement parler l’infrastructure économique, mais bien ce monde esthétique spontanément constitué par l’imagination grecque: le monde de la mythologie. Ce monde n’est pas le reflet des rapports matériels de production: il exprime la manière dont la vie des Grecs prenait un sens esthétique, la manière dont ils vivaient, sur le mode esthétique. Leur art ne faisait qu’expliciter ce sens de leur vie.
La primauté de l’économique ne supprime pas la vérité des superstructures, mais la renvoie à son origine authentique, dans l’existence vécue. Les constructions idéologiques sont relatives au mode de production, non pas parce qu’elles le reflètent – ce qui est une absurdité – mais simplement parce qu’elles tirent tout leur sens d’une expérience correspondante, où les valeurs «spirituelles» ne sont pas représentées, mais vécues et senties, et que toutes les expériences particulières s’insèrent dans l’expérience totale de l’homme dans le monde. En tant que celle-ci se définit à chaque moment dans ses lignes les plus générales, par les rapports économiques existants, et qu’une modification dans ces rapports entraîne une réorganisation de l’ensemble, il sera vrai de dire que le mouvement de l’histoire se réfère en dernier ressort aux conditions de la vie matérielle. Chaque état nouveau de la technique implique une «culture» nouvelle, non pas que celle-ci doive le refléter, mais parce qu’elle n’est authentiquement culture que si elle exprime les intuitions originales que les nouvelles conditions de vie ont fait apparaître. II n’en reste pas moins vrai que les superstructures constituées sur une expérience antérieure se maintiennent par le souvenir de leur vérité, de sorte qu’une révolution est nécessaire pour leur substituer une organisation nouvelle.
Cette interprétation du marxisme ne prendra évidemment tout son sens que par des analyses concrètes où l’Etat, le droit, l’art, la religion, la philosophie de chaque époque seront rapportés aux intuitions politiques, juridiques, esthétiques, religieuses, philosophiques correspondant à l’économie de la même époque et constitutives de l’existence qu’on y menait. Les idéologies successives seront aussi comprises dans leur vérité historique, compréhension qui nous permettra de dégager la valeur éternelle de ces moments privilégiés où l’humanité sut fixer dans ses œuvres la signification de son être, être qui encore le nôtre en tant que nous nous y reconnaissons nous-mêmes, tels que nous sommes, véritablement, et tels que nous aspirions toujours à être, quoique d’une manière entièrement renouvelée. «La chose difficile, fait remarquer Marx, n’est pas de comprendre que l’art grec et l’épopée soient liés à certaines formes de développement social, mais de comprendre qu’il puissent encore nous procurer des jouissances esthétiques et soient considérés à certains égards comme norme et comme modèle inaccessibles.
«Un homme ne peut pas redevenir un enfant sans retomber en enfance. Mais ne se réjouit-il pas de la naïveté de l’ enfant, et ne doit-il pas lui-même aspirer à reproduire, à un niveau plus élevé, la sincérité de l’enfant? Est-ce que, dans la nature enfantine, le caractère propre de chaque époque ne revit pas dans sa vérité naturelle? Pourquoi l’enfance sociale de l’humanité, au plus beau de son épanouissement, n’exercerait-elle pas comme une phase à jamais disparue un éternel attrait»? (K. Marx, Introduction à la Critique de l’Economie politique, p. 351-352, dans Contribution à la Critique de l’Economie politique, trad. Laura Lafargue).
L’application de la méthode dont nous venons de dépasser le principe, entraînera évidemment une révision radicale de la doctrine, dans son contenu orthodoxe, bien qu’elle s’effectue par un retour à l’inspiration originelle. Nous allons essayer de montrer, par un exemple concret, comment cette «reprise» peut-être en même temps une transformation totale.
La Réforme, selon Marx, serait la forme idéologique qu’a prise, au XVIe siècle, l’effort de la bourgeoisie pour se libérer de la domination papale: le reflet illusoire d’une lutte d’intérêts «réels». Il est clair qu’une telle explication supprime précisément la signification même du phénomène à étudier, comme phénomène religieux. Le lien avec l’économique étant évident, nous proposerions, pour notre part, de l’interpréter de la manière suivante.
La constitution de l’Eglise en puissance temporelle était nécessaire, au moyen âge, pour maintenir la vie spirituelle contre la brutalité des mœurs féodales. Dans le malheur des temps, la contemplation se réfugiait dans les cloîtres, tandis que les autorités ecclésiastiques cherchaient par une organisation politique et militaire, à défendre l’héritage des Pères. Avec le développement de la bourgeoisie et du pouvoir central qu’elle appuyait, la sécurité revenait, permettant une vie régulière, et qui pouvait prendre un sens spirituel. II n’était plus nécessaire de quitter le monde pour adorer Dieu: il suffisait de remplir honnêtement sa tâche quotidienne, en la pénétrant d’un sens absolu, en tant que chaque chose s’interprétait comme une manifestation de la volonté divine. Au culte de Dieu hors du monde, seul possible du temps des désordres de la féodalité, se substituait spontanément, dans la vie vécue, un culte de Dieu dans le monde, par la pratique des vertus bourgeoises: l’honnêteté dans les affaires, le mariage, le travail, l’épargne. L’intuition religieuse, au moyen âge, s’évadait de ce monde, pour se réaliser dans un monde à part qui comportait ses règles, ses rites, ses moyens d’existence. La matérialisation de la foi dans les oeuvres, la détermination quantitative de la valeur religieuse de celles-ci n’étaient pas l’effet d’une décadence où se serait perdu le sens de la spiritualité, mais simplement l’expression d’une expérience religieuse qui devait concrétiser les valeurs de la foi dans certains actes, certains objets spéciaux, pour pouvoir constituer un monde religieux comme monde à part, monde où, seul, elle pouvait se réaliser. Avec les progrès de la bourgeoisie et les conditions nouvelles de l’existence matérielle, au début des temps modernes, l’organisation ecclésiastique, avec son appareil de rites et de règles, apparaissait comme inutile, sans relation avec la vie religieuse spontanée, l’expérience religieuse nouvelle. Les scandales bien connus, qui avaient provoqué au moyen âge une multitude de tentatives de schismes et d’hérésies, n’avaient jamais pu compromettre sérieusement le prestige et la puissance de l’Eglise, dont l’existence répondait au mode de vie réligieuse, seul possible sous la féodalité. La Réforme du XVIe siècle connut au contraire un succès durable parce qu’elle exprimait les exigences d’une expérience authentique. Le culte de Dieu dans le monde impliquait l’abandon des cloîtres, la suppression des rites et de la hiérarchie. Le salut se fait par la foi et non par les œuvres. Il ne s’agit plus de constituer un monde à part, mais d’éprouver la présence divine dans les moindres actes de la vie ordinaire. Le dogme de la prédestination répondait précisément à cette intuition de la volonté de Dieu dans chaque événement de ce monde, intuition qui donne un sens absolu à la vie sur cette terre. L’accumulation du capital prend la forme d’une ascèse, pratiquée dans la crainte de Dieu. Le protestantisme est la religion de la bourgeoisie, la forme dans laquelle elle peut vivre une vie religieuse authentique. Aussi la foi fut-elle facilement maintenue dans les pays protestants. La bourgeoisie française, au contraire, ayant été forcée par le pouvoir royal de conserver le catholicisme, qui ne correspondait plus à une expérience effective, versa dans l’anticléricalisme et l’irréligion.
Si nous entendons, par expérience religieuse, cette intuition du sens absolu des êtres, qui transfigure la vie en ce monde et en fait une vie en Dieu, nous dirons qu’elle se réalise dans la société bourgeoise - plus généralement, dans les sociétés où règne la lutte des classes - sous la forme d’une expérience de la transcendance divine. L’objet étant, en effet, en raison de la division du travail, le produit de l’ensemble de l’activité collective, et les différents membres de la société ne se reconnaissant pas les uns des autres, en raison de l’opposition des classes, le sujet, en éprouvant, dans une intuition mystique, le sens absolu des choses, reste dans l’ignorance de sa nature véritable. Cette ignorance se traduit dans le concept de la transcendance divine. Dans la société «sans classe», le sujet s’approprie l’objet en se reconnaissant en lui. Il se plait à se contempler dans son œuvre. L’absolu de la chose est compris comme son identité avec moi. La vie en ce monde prend un sens mystique, non par la référence à une transcendance, mais dans la jouissance de son accomplissement. Il est faux de dire que la suppression de l’aliénation entraînera la disparition de toute religion: l’appropriation de la réalité humaine s’épanouit dans une religion de la pure immanence où «la béatitude n’est pas la récompence de la vertu, mais la vertu elle-même» [1].
Après avoir explicité le sens de l’idéalisme hégélien comme réalisme authentique, l’esprit universel n’étant précisément que l’homme en ce monde, après avoir ainsi découvert le sens de la réalité humaine, dans toute la richesse de son vécu, Marx devait développer sa doctrine dans les perspectives de la pratique révolutionnaire. Dans la double lutte que menait au XIXe siècle la bourgeoisie libérale contre les derniers vestiges de la monarchie et contre un prolétariat particulièrement misérable, auquel s’appliquait dans toute sa rigueur la loi d’airain, la petite bourgeoisie était encore du côté de la classe exploiteuse et se ralliait normalement aux intérêts du capital, toutes les fois qu’il apparaissait nécessaire de réprimer les éléments populaires qu’on avait appelés au combat pour la démocratie. La tâche de la pensée révolutionnaire consistait dès lors uniquement dans une destruction des superstructures de la classe dominante. II ne semblait pas urgent de se livrer à la construction d’une idéologie pour la société future, le prolétariat étant trop engagé dam les dures réalités matérielles pour pouvoir se détourner de la lutte immédiate. Un tel travail aurait intéressé la petite bourgeoisie. Mais elle restait, par sa situation objective, trop attachée au capital pour qu’on pût espérer la gagner, en tant que classe. Aussi, Marx, penseur pratique, devait-il réserver tout son effort à la considération de l’infrastructure.
Les progrès de la technique, unis au .mécanisme politique de la démocratie bourgeoise, amenèrent à partir de la seconde moitié du XIXe siècle, un relèvement sensible du niveau de vie du prolétariat européen. II s’ensuivit un commencement d’embourgeoisement des masses laborieuses pendant que la petite bourgeoisie se prolétarisait, notamment dans ses couches intellectuelles que l’absence de conscience de classe empêchait de se défendre dans la lutte sociale. La composition de la classe objectivement révolutionnaire a subi ainsi des modifications radicales. Elle ne comprend plus simplement, comme au milieu du XIXe siècle, un prolétariat soumis à la loi d’airain, mais aussi des couches importantes de prolétaires embourgeoisés et de petits-bourgeois prolétarisés, dont les besoins intellectuels ne peuvent plus être satisfaits par le marxisme sous sa forme orthodoxe. La dépréciation systématique de l’idéologie comme telle leur laisse la nostalgie des valeurs de la tradition. De là cette trahison constante des cadres petits-bourgeois, aux moments décisifs de l’action, qui entraîna l’échec des révolutions européennes.
La classe que nous venons de définir - prolétariat plus on moins embourgeoisé et petite bourgeoisie prolétarisée - à laquelle la démocratie impérialiste assure en temps normal un niveau de vie relativement élevé, prend conscience de sa situation objectivement révolutionnaire en temps de crise ou de guerre. II s’offre alors une chance pour la société de se libérer d’un régime d’aliénation qui l’oblige à se livrer périodiquement, pour écouler les produits surabondants de la technique moderne, à de gigantesques entreprises de destruction. Mais le succès d’une telle tâche se trouve compromis par l’impuissance du marxisme classique à satisfaire les aspirations des nouvelles couches révolutionnaires, qui s’orientent vers l’absurdité d’un socialisme plus ou moins «idéaliste». Une révision s’impose, par les nécessités mêmes de la pratique.
Une telle revision, qui ne serait pas une infidélité, mais simplement un «retour à l’origine», peut profiter des nombreuses recherches de l’école phénoménologique, qui bien qu’elles n’aient encore donné que des esquisses trop générales, présentent le mérite de constituer les premières explorations systématiques dans le monde de la vie vécue. En s’attachant à comprendre, dans un esprit de soumission absolue au donné, la valeur des objets «idéaux», la phénoménologie a su les rapporter à leurs racines temporelles, sans pour cela les déprécier. Il lui manquait les concepts objectifs qui auraient permis une analyse effective de la notion même de l’existence. Le rapport dernier à l’économique fournit une base solide qui permet à l’homme d’assumer sa vie en ce monde avec la certitude de réaliser des valeurs véritables. Le projet de l’existence ne se dessine pas dans un choix arbitraire, mais toujours sur le fondement d’une connaissance qu’il est de notre devoir de rendre aussi claire que possible, afin que le sens que nous nous assumons par notre vie soit ce sens même qu’elle avait d’ores et déjà et que c’est justement notre «tâche historique» d’accomplir. La réalité humaine, «jetée dans le monde», n’accède à l’existence authentique que si elle reconnaît dans sa situation non pas un simple point de départ pour un élan dans une direction quelconque, mais l’être même qu’elle est, objectivement, et dont elle doit assumer le sens, si elle veut être véritablement elle-même. Le «donné» n’est pas un simple ensemble de déterminations passives, mais porte, immanent à son être-réalisé, un sens de devoir-être dont l’accomplissement définit le concept de l’authenticité. Si, selon le mot magnifique de Heidegger, «la réalité humaine se choisit ses héros», son choix n’est l’acte d’une liberté effective que s’il se porte précisément sur la destinée préfigurée dans sa situation objective, si son projet n’est pas un projet quelconque, mais le projet même de sa déréliction.
L’essence de l’analyse marxiste, comme analyse pratique, consiste précisément à dégager, de la considération du réel, l’exigence d’un dépassement dialectique, où s’accomplit sa vérité. Dans l’assomption d’une telle exigence, l’homme se réalise dans son éternité, comme l’actualité de l’être qui se pose lui-même, à chaque instant, comme toujours le même dans un renouvellement perpétuel, qui s’affirme comme une éternelle réalisation de soi. «Ma théorie, disait Marx, n’est pas un dogme, mais un guide pour l’action». Cette signification pratique de la pensée révolutionnaire ne constitue pas un abandon des exigences propres à la spéculation, mais leur réalisation même, dans leur authenticité. L’être véritable n’est pas l’être-donné comme tel, mais son sens comme devoir-être, sens qui fait de l’existence un appel de soi à soi: «Deviens ce que tu es!». La théorie humaine ne consistera pas dès lors à calculer les déterminations objectives, dans leur matérialité abstraite, mais à trouver dans le monde réalisé le sens de l’existence que nous avons à assumer. Que ce sens ne soit pas uniquement dans l’établissement d’une économie nouvelle, c’est ce qui s’impose par la notion même d’une réalité humaine. L’analyse phénoménologique du travail spirituel concret, comme moment de l’existence réelle, donnera à la dialectique des rapports de production la pleine signification d’une appropriation universelle.
TRẦN ĐỨC THẢO
N°2, 1946, p. 168-174
MARXISME & PHÉNOMÉNOLOGIE
Trần Đức Thảo
Par opposition au communisme grossier qui ne supprime la propriété privée que par sa généralisation, dans un nivellement où se trouve niée la personnalité humaine, le marxisme se propose une suppression positive qui sera une véritable appropriation. II ne s’agit pas pour l’homme de prendre possession - au sens de l’avoir - mais de jouir de son œuvre, en y reconnaissant son être propre. Dans la société «sans classes» où s’appliquerait, grâce au développement de la technique moderne, la formule «de chacun suivant ses capacités, à chacun suivant ses besoins», les biens créés par la communauté sont éprouvés par les individus comme des objectivations d’eux-mêmes, ou, en se reconnaissant, ils jouissent d’eux-mêmes, dans la plénitude du sens que ce mot comporte pour une conscience humaine: «l’homme s’approprie son être universel d’une façon universelle, donc en tant qu’homme total. Chacun de ses rapports humains avec le monde: voir, entendre, flairer, goûter, toucher, penser, regarder, sentir, vouloir, agir, aimer, bref tous les organes de son individualité, qui sont immédiats dans leur forme d’organes communs, sont dans leur rapport objectif ou dans leur comportement vis-à-vis de l’objet, l’appropriation de cet objet, l’appropriation de la réalité humaine; la façon dont ils se comportent vis-à-vis de l’objet est la manifestation de la réalité humaine. Cette manifestation est aussi multiple que les déterminations et les activités humaines, l’activité humaine et la souffrance humaine, car les souffrances prises au sens humain sont une jouissance propre de l’homme» (K. Marx, Economie politique et philosophie, 1844, p. 29 de la trad. Molitor).
Ce texte nous semble donner la véritable signification du matérialisme historique, dans son opposition au matérialisme vulgaire. La réalité, c’est cela même que nous produisons, non pas uniquement sur le plan proprement physique, mais au sens le plus général, qui englobe toute activité humaine, y compris les activités dites «spirituelles». «La plus belle musique n’a pas de sens pour l’oreille non musicale, n’est pas un objet, parce que mon objet ne peut être que la manifestation d’une des forces de mon être» (Ibid., p. 32). Le réel, c’est ce monde plein de sens dans lequel nous vivons et qui n’a justement son sens que par notre vie même: cette nature devenue humaine par le travail des générations. Le renversement dialectique de l’idéalisme au matérialisme gardait chez Marx, tout le contenu spirituel développé dans l’hégélianisme. L’identification du monde de l’esprit avec ce monde, que nous perçevons, ne lui fait pas perdre la richesse de son sens: il ne s’agit pas de «réduire» l’idée au réel, mais de montrer dans le réel lui-même la vérité de l’idée.
Alors que le matérialisme vulgaire avait défini l’être comme pure matière abstraite, le matérialisme historique se référait, du moins à son origine, à une expérience totale où le monde se donne à nous avec cette plénitude de sens humain, avec laquelle il existe pour nous, pendant que nous vivons en lui. C’est précisément à cette expérience que revenait Husserl, quand au début de ce siècle, il créa l’école phénoménologique en rassemblant une pléiade de jeunes philosophes autour de son mot d’ordre fameux: «zu den sachen selbst»: revenir aux choses mêmes! Il ne s’agissait pas, évidemment, de l’objet physique, défini par un système d’équations, mais de tout ce qui pour nous existe, dans le sens même dans lequel il existe pour nous. La suppression de la primauté du physique devait précisément permettre de prendre conscience de l’existence concrète dans la plénitude de sa signification. Dégoutée des abstractions desséchées du criticisme et de la philosophie des sciences, la nouvelle génération accueillit comme une rosée fertile cet appel qui lui ouvrait toute la richesse du monde vécu.
«L’appropriation » se faisait, il est vrai, sur le plan individuel et théorique, par un retour à la conscience de soi, où s’explicitent les significations cachées - «aliénées» - dans la vie naïve. Sous sa forme existentialiste, la phénoménologie n’est encore qu’un appel du sentiment de l’action, plutôt qu’un guide pour une action effective. L’absence d’un passage à une pratique cohérente la dénonce comme philosophie bourgeoise. Elle n’en réalisait pas moins le maximum de vérité accessible à la bourgeoisie, en montrant dans l’existence effectivement vécue la source dernière où l’être puise son sens. Il suffisait d’une prise de conscience de la signification objective de cette existence pour trouver dans les conditions économiques l’élément déterminant, en dernier ressort, de la structure générale de l’expérience du monde.
Les textes classiques du marxisme définissent, il est vrai, la primauté de l’économique d’une manière inacceptable pour le phénoménologue. Les superstructures sont considérées comme de simples illusions, reflétant sur le plan idéologique les rapports «réels», alors que l’originalité de la phénoménologie a consisté précisément à légitimer la valeur de toutes les significations de l’existence humaine. Mais le marxisme ne consiste pas simplement à affirmer la nécessité d’une référence dernière à l’infrastructure: le cours de l’histoire ne s’explique que par la lutte des classes, dont la dialectique se fonda sur l’autonomie des superstructures. Les rapports de production doivent changer quand ils se trouvent dépassés par les forces productives. Mais ce changement exige une lutte, et se réalise sous la forme d’une révolution, précisément parce que les anciens rapports se maintiennent grâce à l’énorme superstructure qui persiste à vivre, alors qu’il a perdu sa base économique. L’autonomie des superstructures est aussi essentielle à la compréhension de l’histoire que le mouvement des forces productives. Mais comment en rendre compte, s’il ne s’agit que de simples reflets du processus réel? La résistance de l’idéologie est due, dira-t-on, à une illusion. Mais comment cette illusion se maintient-elle, et, du reste, la notion même de l’illusion ne suppose-t-elle pas celle de la vérité?
Nous allons essayer de trouver une solution, non par des discussions, mais par l’examen d’un exemple. «La mythologie grecque, déclare Marx dans l’Introduction à la Critique de l’Économie politique, n’était pas seulement l’arsenal de l’art grec, mais sa terre nourricière. La conception de la nature et des relations sociales, qui est au fond de l’imagination et partant de l’art grec, est-elle compatible avec les machines automatiques, les chemins de fer, les locomotives et le télégraphe électrique?... L’art grec suppose la mythologie grecque, c’est-à-dire la nature et la société elles-mêmes façonnées déjà d’une manière inconsciemment artistique par la fantaisie populaire». On voit immédiatement que l’art grec n’est pas un simple reflet des conditions de la vie matérielle antique: il s’agit plutôt d’une construction s’édifiant sur une activité esthétique spontanée, et, corrélativement, une intuition mythologique du monde: «la nature et la société façonnées déjà d’une manière inconsciemment artistique par la fantaisie populaire». L’art spontané est «la terre nourricière» de l’art réfléchi, et c’est cet art spontané qui, comme moment de l’expérience totale, se trouve conditionné par la structure générale de cette expérience, sa structure économique.
En langage phénoménologique, nous dirons que la vie en ce monde, l’expérience de ce monde, comporte un ensemble de significations, parmi lesquelles la signification esthétique. L’allure générale de cet ensemble est évidemment dessinée par certaines conditions élémentaires, les conditions économiques. Il ne s’agit nullement d’une détermination sur le mode causal, mais simplement d’une délimitation nécessaire, qui définit l’expérience vécue comme expérience de ce monde. Les moments particuliers n’en gardent pas moins leur vérité, comme intuitions effectivement vécues, et c’est cette vérité qui fonde celle des produits de la culture. Il ne s’agit pas, bien évidemment, d’intuitions passives, révélatrices d’un au-delà incompréhensible, mais du simple fait de comprendre, immédiatement, le sens de notre vie en ce monde, le sens des activités auxquelles nous nous livrons spontanément, du seul fait que nous vivons une vie humaine. C’est ce monde de la vie (Lebenswelt) qui supporte toutes les constructions du monde culturel. La beauté de l’art grec se réfère à cette manière propre à la société grecque de sentir le monde, sur le mode esthétique, dans son activité artistique inconsciente. Dans cette expérience esthétique, le beau se révèle de la seule manière dont il puisse se révéler, étant donné les conditions matérielles de l’existence des Grecs. Cette limitation ne diminue pas mais exprime son authenticité, en tant qu’il s’agit bien d’une expérience effective en ce monde. Le rapport de l’art grec au mode de production antique ne supprime pas, dès lors, la valeur propre de ses chefs-d’euvre, mais la fonde. L’«infrastructure» sur laquelle cet édifice s’est élevé n’est pas à proprement parler l’infrastructure économique, mais bien ce monde esthétique spontanément constitué par l’imagination grecque: le monde de la mythologie. Ce monde n’est pas le reflet des rapports matériels de production: il exprime la manière dont la vie des Grecs prenait un sens esthétique, la manière dont ils vivaient, sur le mode esthétique. Leur art ne faisait qu’expliciter ce sens de leur vie.
La primauté de l’économique ne supprime pas la vérité des superstructures, mais la renvoie à son origine authentique, dans l’existence vécue. Les constructions idéologiques sont relatives au mode de production, non pas parce qu’elles le reflètent – ce qui est une absurdité – mais simplement parce qu’elles tirent tout leur sens d’une expérience correspondante, où les valeurs «spirituelles» ne sont pas représentées, mais vécues et senties, et que toutes les expériences particulières s’insèrent dans l’expérience totale de l’homme dans le monde. En tant que celle-ci se définit à chaque moment dans ses lignes les plus générales, par les rapports économiques existants, et qu’une modification dans ces rapports entraîne une réorganisation de l’ensemble, il sera vrai de dire que le mouvement de l’histoire se réfère en dernier ressort aux conditions de la vie matérielle. Chaque état nouveau de la technique implique une «culture» nouvelle, non pas que celle-ci doive le refléter, mais parce qu’elle n’est authentiquement culture que si elle exprime les intuitions originales que les nouvelles conditions de vie ont fait apparaître. II n’en reste pas moins vrai que les superstructures constituées sur une expérience antérieure se maintiennent par le souvenir de leur vérité, de sorte qu’une révolution est nécessaire pour leur substituer une organisation nouvelle.
Cette interprétation du marxisme ne prendra évidemment tout son sens que par des analyses concrètes où l’Etat, le droit, l’art, la religion, la philosophie de chaque époque seront rapportés aux intuitions politiques, juridiques, esthétiques, religieuses, philosophiques correspondant à l’économie de la même époque et constitutives de l’existence qu’on y menait. Les idéologies successives seront aussi comprises dans leur vérité historique, compréhension qui nous permettra de dégager la valeur éternelle de ces moments privilégiés où l’humanité sut fixer dans ses œuvres la signification de son être, être qui encore le nôtre en tant que nous nous y reconnaissons nous-mêmes, tels que nous sommes, véritablement, et tels que nous aspirions toujours à être, quoique d’une manière entièrement renouvelée. «La chose difficile, fait remarquer Marx, n’est pas de comprendre que l’art grec et l’épopée soient liés à certaines formes de développement social, mais de comprendre qu’il puissent encore nous procurer des jouissances esthétiques et soient considérés à certains égards comme norme et comme modèle inaccessibles.
«Un homme ne peut pas redevenir un enfant sans retomber en enfance. Mais ne se réjouit-il pas de la naïveté de l’ enfant, et ne doit-il pas lui-même aspirer à reproduire, à un niveau plus élevé, la sincérité de l’enfant? Est-ce que, dans la nature enfantine, le caractère propre de chaque époque ne revit pas dans sa vérité naturelle? Pourquoi l’enfance sociale de l’humanité, au plus beau de son épanouissement, n’exercerait-elle pas comme une phase à jamais disparue un éternel attrait»? (K. Marx, Introduction à la Critique de l’Economie politique, p. 351-352, dans Contribution à la Critique de l’Economie politique, trad. Laura Lafargue).
L’application de la méthode dont nous venons de dépasser le principe, entraînera évidemment une révision radicale de la doctrine, dans son contenu orthodoxe, bien qu’elle s’effectue par un retour à l’inspiration originelle. Nous allons essayer de montrer, par un exemple concret, comment cette «reprise» peut-être en même temps une transformation totale.
La Réforme, selon Marx, serait la forme idéologique qu’a prise, au XVIe siècle, l’effort de la bourgeoisie pour se libérer de la domination papale: le reflet illusoire d’une lutte d’intérêts «réels». Il est clair qu’une telle explication supprime précisément la signification même du phénomène à étudier, comme phénomène religieux. Le lien avec l’économique étant évident, nous proposerions, pour notre part, de l’interpréter de la manière suivante.
La constitution de l’Eglise en puissance temporelle était nécessaire, au moyen âge, pour maintenir la vie spirituelle contre la brutalité des mœurs féodales. Dans le malheur des temps, la contemplation se réfugiait dans les cloîtres, tandis que les autorités ecclésiastiques cherchaient par une organisation politique et militaire, à défendre l’héritage des Pères. Avec le développement de la bourgeoisie et du pouvoir central qu’elle appuyait, la sécurité revenait, permettant une vie régulière, et qui pouvait prendre un sens spirituel. II n’était plus nécessaire de quitter le monde pour adorer Dieu: il suffisait de remplir honnêtement sa tâche quotidienne, en la pénétrant d’un sens absolu, en tant que chaque chose s’interprétait comme une manifestation de la volonté divine. Au culte de Dieu hors du monde, seul possible du temps des désordres de la féodalité, se substituait spontanément, dans la vie vécue, un culte de Dieu dans le monde, par la pratique des vertus bourgeoises: l’honnêteté dans les affaires, le mariage, le travail, l’épargne. L’intuition religieuse, au moyen âge, s’évadait de ce monde, pour se réaliser dans un monde à part qui comportait ses règles, ses rites, ses moyens d’existence. La matérialisation de la foi dans les oeuvres, la détermination quantitative de la valeur religieuse de celles-ci n’étaient pas l’effet d’une décadence où se serait perdu le sens de la spiritualité, mais simplement l’expression d’une expérience religieuse qui devait concrétiser les valeurs de la foi dans certains actes, certains objets spéciaux, pour pouvoir constituer un monde religieux comme monde à part, monde où, seul, elle pouvait se réaliser. Avec les progrès de la bourgeoisie et les conditions nouvelles de l’existence matérielle, au début des temps modernes, l’organisation ecclésiastique, avec son appareil de rites et de règles, apparaissait comme inutile, sans relation avec la vie religieuse spontanée, l’expérience religieuse nouvelle. Les scandales bien connus, qui avaient provoqué au moyen âge une multitude de tentatives de schismes et d’hérésies, n’avaient jamais pu compromettre sérieusement le prestige et la puissance de l’Eglise, dont l’existence répondait au mode de vie réligieuse, seul possible sous la féodalité. La Réforme du XVIe siècle connut au contraire un succès durable parce qu’elle exprimait les exigences d’une expérience authentique. Le culte de Dieu dans le monde impliquait l’abandon des cloîtres, la suppression des rites et de la hiérarchie. Le salut se fait par la foi et non par les œuvres. Il ne s’agit plus de constituer un monde à part, mais d’éprouver la présence divine dans les moindres actes de la vie ordinaire. Le dogme de la prédestination répondait précisément à cette intuition de la volonté de Dieu dans chaque événement de ce monde, intuition qui donne un sens absolu à la vie sur cette terre. L’accumulation du capital prend la forme d’une ascèse, pratiquée dans la crainte de Dieu. Le protestantisme est la religion de la bourgeoisie, la forme dans laquelle elle peut vivre une vie religieuse authentique. Aussi la foi fut-elle facilement maintenue dans les pays protestants. La bourgeoisie française, au contraire, ayant été forcée par le pouvoir royal de conserver le catholicisme, qui ne correspondait plus à une expérience effective, versa dans l’anticléricalisme et l’irréligion.
Si nous entendons, par expérience religieuse, cette intuition du sens absolu des êtres, qui transfigure la vie en ce monde et en fait une vie en Dieu, nous dirons qu’elle se réalise dans la société bourgeoise - plus généralement, dans les sociétés où règne la lutte des classes - sous la forme d’une expérience de la transcendance divine. L’objet étant, en effet, en raison de la division du travail, le produit de l’ensemble de l’activité collective, et les différents membres de la société ne se reconnaissant pas les uns des autres, en raison de l’opposition des classes, le sujet, en éprouvant, dans une intuition mystique, le sens absolu des choses, reste dans l’ignorance de sa nature véritable. Cette ignorance se traduit dans le concept de la transcendance divine. Dans la société «sans classe», le sujet s’approprie l’objet en se reconnaissant en lui. Il se plait à se contempler dans son œuvre. L’absolu de la chose est compris comme son identité avec moi. La vie en ce monde prend un sens mystique, non par la référence à une transcendance, mais dans la jouissance de son accomplissement. Il est faux de dire que la suppression de l’aliénation entraînera la disparition de toute religion: l’appropriation de la réalité humaine s’épanouit dans une religion de la pure immanence où «la béatitude n’est pas la récompence de la vertu, mais la vertu elle-même» [1].
Après avoir explicité le sens de l’idéalisme hégélien comme réalisme authentique, l’esprit universel n’étant précisément que l’homme en ce monde, après avoir ainsi découvert le sens de la réalité humaine, dans toute la richesse de son vécu, Marx devait développer sa doctrine dans les perspectives de la pratique révolutionnaire. Dans la double lutte que menait au XIXe siècle la bourgeoisie libérale contre les derniers vestiges de la monarchie et contre un prolétariat particulièrement misérable, auquel s’appliquait dans toute sa rigueur la loi d’airain, la petite bourgeoisie était encore du côté de la classe exploiteuse et se ralliait normalement aux intérêts du capital, toutes les fois qu’il apparaissait nécessaire de réprimer les éléments populaires qu’on avait appelés au combat pour la démocratie. La tâche de la pensée révolutionnaire consistait dès lors uniquement dans une destruction des superstructures de la classe dominante. II ne semblait pas urgent de se livrer à la construction d’une idéologie pour la société future, le prolétariat étant trop engagé dam les dures réalités matérielles pour pouvoir se détourner de la lutte immédiate. Un tel travail aurait intéressé la petite bourgeoisie. Mais elle restait, par sa situation objective, trop attachée au capital pour qu’on pût espérer la gagner, en tant que classe. Aussi, Marx, penseur pratique, devait-il réserver tout son effort à la considération de l’infrastructure.
Les progrès de la technique, unis au .mécanisme politique de la démocratie bourgeoise, amenèrent à partir de la seconde moitié du XIXe siècle, un relèvement sensible du niveau de vie du prolétariat européen. II s’ensuivit un commencement d’embourgeoisement des masses laborieuses pendant que la petite bourgeoisie se prolétarisait, notamment dans ses couches intellectuelles que l’absence de conscience de classe empêchait de se défendre dans la lutte sociale. La composition de la classe objectivement révolutionnaire a subi ainsi des modifications radicales. Elle ne comprend plus simplement, comme au milieu du XIXe siècle, un prolétariat soumis à la loi d’airain, mais aussi des couches importantes de prolétaires embourgeoisés et de petits-bourgeois prolétarisés, dont les besoins intellectuels ne peuvent plus être satisfaits par le marxisme sous sa forme orthodoxe. La dépréciation systématique de l’idéologie comme telle leur laisse la nostalgie des valeurs de la tradition. De là cette trahison constante des cadres petits-bourgeois, aux moments décisifs de l’action, qui entraîna l’échec des révolutions européennes.
La classe que nous venons de définir - prolétariat plus on moins embourgeoisé et petite bourgeoisie prolétarisée - à laquelle la démocratie impérialiste assure en temps normal un niveau de vie relativement élevé, prend conscience de sa situation objectivement révolutionnaire en temps de crise ou de guerre. II s’offre alors une chance pour la société de se libérer d’un régime d’aliénation qui l’oblige à se livrer périodiquement, pour écouler les produits surabondants de la technique moderne, à de gigantesques entreprises de destruction. Mais le succès d’une telle tâche se trouve compromis par l’impuissance du marxisme classique à satisfaire les aspirations des nouvelles couches révolutionnaires, qui s’orientent vers l’absurdité d’un socialisme plus ou moins «idéaliste». Une révision s’impose, par les nécessités mêmes de la pratique.
Une telle revision, qui ne serait pas une infidélité, mais simplement un «retour à l’origine», peut profiter des nombreuses recherches de l’école phénoménologique, qui bien qu’elles n’aient encore donné que des esquisses trop générales, présentent le mérite de constituer les premières explorations systématiques dans le monde de la vie vécue. En s’attachant à comprendre, dans un esprit de soumission absolue au donné, la valeur des objets «idéaux», la phénoménologie a su les rapporter à leurs racines temporelles, sans pour cela les déprécier. Il lui manquait les concepts objectifs qui auraient permis une analyse effective de la notion même de l’existence. Le rapport dernier à l’économique fournit une base solide qui permet à l’homme d’assumer sa vie en ce monde avec la certitude de réaliser des valeurs véritables. Le projet de l’existence ne se dessine pas dans un choix arbitraire, mais toujours sur le fondement d’une connaissance qu’il est de notre devoir de rendre aussi claire que possible, afin que le sens que nous nous assumons par notre vie soit ce sens même qu’elle avait d’ores et déjà et que c’est justement notre «tâche historique» d’accomplir. La réalité humaine, «jetée dans le monde», n’accède à l’existence authentique que si elle reconnaît dans sa situation non pas un simple point de départ pour un élan dans une direction quelconque, mais l’être même qu’elle est, objectivement, et dont elle doit assumer le sens, si elle veut être véritablement elle-même. Le «donné» n’est pas un simple ensemble de déterminations passives, mais porte, immanent à son être-réalisé, un sens de devoir-être dont l’accomplissement définit le concept de l’authenticité. Si, selon le mot magnifique de Heidegger, «la réalité humaine se choisit ses héros», son choix n’est l’acte d’une liberté effective que s’il se porte précisément sur la destinée préfigurée dans sa situation objective, si son projet n’est pas un projet quelconque, mais le projet même de sa déréliction.
L’essence de l’analyse marxiste, comme analyse pratique, consiste précisément à dégager, de la considération du réel, l’exigence d’un dépassement dialectique, où s’accomplit sa vérité. Dans l’assomption d’une telle exigence, l’homme se réalise dans son éternité, comme l’actualité de l’être qui se pose lui-même, à chaque instant, comme toujours le même dans un renouvellement perpétuel, qui s’affirme comme une éternelle réalisation de soi. «Ma théorie, disait Marx, n’est pas un dogme, mais un guide pour l’action». Cette signification pratique de la pensée révolutionnaire ne constitue pas un abandon des exigences propres à la spéculation, mais leur réalisation même, dans leur authenticité. L’être véritable n’est pas l’être-donné comme tel, mais son sens comme devoir-être, sens qui fait de l’existence un appel de soi à soi: «Deviens ce que tu es!». La théorie humaine ne consistera pas dès lors à calculer les déterminations objectives, dans leur matérialité abstraite, mais à trouver dans le monde réalisé le sens de l’existence que nous avons à assumer. Que ce sens ne soit pas uniquement dans l’établissement d’une économie nouvelle, c’est ce qui s’impose par la notion même d’une réalité humaine. L’analyse phénoménologique du travail spirituel concret, comme moment de l’existence réelle, donnera à la dialectique des rapports de production la pleine signification d’une appropriation universelle.
TRẦN ĐỨC THẢO
Trần Đức Thảo : CHỦ NGHĨA MARX VÀ HIỆN TƯỢNG HỌC
Trần Đức Thảo
Nguyên tác: Marxisme et Phénoménologie
(Revue Internationale, số 2, 1946, tr. 168-174
___________
Nếu «Chủ Nghĩa Marx và Hiện Tượng Học» là đề tài nghiên cứu suốt đời của Trần Đức Thảo, thì tiểu luận cùng tên mà chúng tôi dịch đăng hôm nay là bài đầu tiên trong chuỗi tác phẩm của tác giả về khả năng tương trợ giữa hai triết thuyết. Tuy nhiên, câu hỏi chính ở đây là: «Hiện tượng học có thể mang lại gì cho chủ nghĩa Marx?», thay vì ngược lại như ở tác phẩm nổi tiếng viết sau. Nó nói lên cái «tâm» của triết gia, khi từ hiện tượng học mà ông đã tiếp thu trên ghế đại học quay lại với chủ nghĩa Marx, không rõ đã đến với ông từ đâu và vào lúc nào [01].
Phủ nhận «chủ nghĩa cộng sản thô lậu» và «chủ nghĩa duy vật lịch sử thông tục», Trần Đức Thảo ở đây là đại biểu của thứ chủ nghĩa Marx cởi mở mà khi điểm sách ông Roland Barthes gọi là «chủ nghĩa Marx tư duy» [02]. Qua hai ví dụ rút ra từ các tác phẩm kinh điển thuộc thời «Marx trẻ», một (về nghệ thuật và thần thoại Hy Lạp) để minh họa, và một (cuộc Cải Tổ tôn giáo ở thế kỷ 16) để phê phán ngay chính Karl Marx, «Thảo trẻ» đề xướng một sự «xét lại chủ nghĩa Marx trong nội dung chính thống», thực chất là sự trở về với ý hướng nhân bản ban đầu của Marx, nhưng dựa trên những thành tựu của hiện tượng học. Theo Jean-François Lyotard [03], bài viết này đã khiến một nhà xã hội học Pháp theo chủ nghĩa Marx đương thời là Pierre Naville thấy cần phải trả lời ông trong một chương của tác phẩm «Les Conditions de la Liberté» (1947) [04]. Như vậy, ngoài hai cuộc tranh luận trực diện Thảo-Kojève, Thảo-Sartre, còn có một cuộc tranh luận gián tiếp Thảo-Naville. Xin trở lại vấn đề này trong một dịp khác.
Về phần kỹ thuật, ngoài những khó khăn cố hữu do sự thiếu hụt thuật ngữ, xin nói thêm đôi dòng về các đoạn trích từ tác phẩm của Karl Marx. Trần Đức Thảo sử dụng hai bản dịch Pháp ngữ của Jean Molitor và Laura Lafargue. Vì đây là các bản đã quá xưa không mấy ai có, chúng tôi xin ghi thêm trong phần chú thích các đoạn tương ứng ở ba dịch giả khác của Editions Sociales là Emile Bottigelli, Maurice Husson và Gilbert Badia, sau đó mới chuyển ngữ từ sự đối chiếu tất cả các bản tiếng Pháp của năm dịch giả trên, hy vọng giảm bớt được thêm nguy cơ ngộ nhận về Marx.
Được thực hiện trong mục đích giới thiệu lại một triết gia người Việt viết bằng tiếng Pháp với độc giả trong nước, bản dịch này chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết do năng lực khiêm tốn về triết học và nghệ thuật chuyển ngữ của người dịch. Chúng tôi mong được sự tham gia của bạn đọc, hoặc chỉ giúp những vụng về sai sót, hoặc dựa trên bản này cùng nguyên bản đã công bố để dịch lại toàn bài nếu thấy cần thiết. Thay vì chỉ có một, thế hệ sau sẽ tham khảo được nhiều bản khác nhau, và có thể không chỉ trên vấn đề ngôn ngữ, bởi vì dịch triết luôn luôn cũng là diễn dịch phần nào .
Phạm Trọng Luật.
__________
Trái với chủ nghĩa cộng sản thô lậu, khi nó chỉ hủy bỏ quyền tư hữu bằng sự san bằng phổ quát trong đó ngay cả phẩm cách con người cũng bị chối bỏ, chủ nghĩa Marx đề xuất một sự hủy bỏ tích cực, thực chất là chiếm hữu. Chiếm hữu ở đây không phải là lấy làm của riêng – theo nghĩa là có – mà là hưởng dụng sản phẩm do con người làm ra bằng sự nhận biết ngay chính con người trong đó. Ở xã hội «không giai cấp», nhờ sự phát triển kỹ thuật hiện đại, công thức «đòi hỏi từ mỗi người theo khả năng, phân phối cho mỗi người theo nhu cầu» sẽ tự khắc áp dụng. Những sản phẩm do xã hội tạo ra sẽ được mỗi cá nhân cảm nhận như sự vật hoá của bản thân hắn; nói cách khác, bằng sự nhận thấy chính mình trong sản phẩm, mỗi cá nhân sẽ tự hưởng thụ trong nghĩa trọn vẹn nhất của từ này đối với ý thức con người.
«Con người chiếm hữu bản thể phổ cập của hắn một cách phổ quát, nghĩa là với tư cách con người tổng thể. Mỗi quan hệ mang tính người với thế giới như thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ, nhìn, cảm nhận, suy tư, ham muốn, hành động, yêu thương, nói tóm lại, tất cả các cơ quan tạo nên cá tính hắn, nếu về mặt hình thức là những cơ quan xã hội trực tiếp, thì trong quan hệ khách quan hay trong cách ứng xử đối với sự vật, là sự chiếm hữu sự vật đó, nghĩa là sự chiếm hữu thực tại người; nói cách khác, cách thức ứng xử của các cơ quan tạo nên cá tính mỗi người đối với sự vật là sự biểu thị của thực tại người. Sự biểu hiện này cũng đa tạp như những xác định và những sinh hoạt của con người, hoạt động và đau khổ trong kiếp người, bởi vì hiểu theo nghĩa nhân văn, khổ đau cũng là cách thụ hưởng riêng của con người» [05].
Dường như đoạn văn này cho ta ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa duy vật lịch sử, đối lập với chủ nghĩa duy vật thông tục. Hiện thực chính là cái gì ta sản xuất ra, không phải chỉ độc trên bình diện vật chất, mà theo nghĩa tổng quát, bao gồm tất cả mọi sinh hoạt mang tính người, kể cả loại sinh hoạt gọi là «tinh thần». «Bản nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì đối với đôi tai không biết thưởng thức nhạc, nó không phải là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự biểu hiện của một trong những năng lực của tôi» [06]. Hiện thực chính là cái thế giới đầy ý nghĩa trong đó chúng ta sống, và đúng là nó chỉ có ý nghĩa bởi ngay chính cuộc sống của chúng ta: thế giới tự nhiên đã được nhân hoá bởi bao thế hệ cần lao. Ở Marx, sự đảo lộn biện chứng từ chủ nghĩa duy tâm sang duy vật vẫn giữ lại nội dung tinh thần của học thuyết Hegel. Sự đồng hoá thế giới tinh thần với cái thế giới mà chúng ta cảm nhận không làm mất đi sự phong phú của nó về ý nghĩa: vấn đề không phải là «quy giản» ý tưởng vào hiện thực, mà là vạch ra ngay trong bản thân hiện thực phần chân lý của ý tưởng.
Trong khi chủ nghĩa duy vật thông tục định nghĩa hữu thể một cách trừu tượng như vật chất thuần túy, thì ít nhất trong buổi đầu, hệ quy chiếu của chủ nghĩa duy vật lịch sử là một kinh nghiệm toàn diện, nơi thế giới tự phơi mở trước mắt ta đầy ý nghĩa nhân sinh, xác nhận là nó tồn tại cho ta, trong khi ta sống trong lòng nó. Đấy chính là cái kinh nghiệm nguyên thủy mà Husserl muốn quay lại, khi ông lập ra trường phái hiện tượng học vào đầu thế kỷ 20, bằng cách tập hợp một nhóm triết gia trẻ quanh khẩu hiệu nổi tiếng: «Zu den Sachen selbst»: trở về với ngay chính sự vật! Tất nhiên, sự vật ở đây không phải là đồ vật mà ta định nghĩa bằng một hệ thống phương trình toán học; nó là tất cả những gì tồn tại đối với chúng ta, trong ngay chính cái ý nghĩa là nó tồn tại cho ta. Đòi hỏi hủy bỏ tính ưu tiên của vật chất chính là để dẫn tới ý thức về tồn tại cụ thể trong ý nghĩa trọn vẹn của tồn tại. Chán ngấy sự trừu tượng khô cứng của phê phán luận và của triết lý khoa học, thế hệ mới đã đón nhận lời kêu gọi này như giọt sương mai mầu nhiệm sẽ khai mở tất cả sự phong phú của thế giới cuộc sống.
Trong thực tế, «sự chiếm hữu» được thực hiện trên bình diện cá nhân và lý thuyết bằng bước lùi lại với ý thức về cái ta hay ý thức bản ngã, nơi những ý nghĩa tiềm ẩn – «tha hoá» - của cuộc sống hồn nhiên bỗng rực sáng. Dưới hình thức hiện sinh chủ nghĩa của nó, hiện tượng học chỉ mới là hồi kèn động viên cảm thức hành động hơn là cẩm nang hành động thực hiệu. Sự thiếu vắng bước chuyển tiếp từ cảm thức này sang một thực tiễn xã hội mạch lạc tố cáo tính chất triết lý tư sản của nó. Dù sao, chí ít nó cũng đã thực hiện được tối đa phần chân lý mà giai cấp tư sản có thể đạt đến, bằng cách chỉ ra trong nghiệm sinh thực hiệu nguồn căn cuối cùng, nơi con người rút ra ý nghĩa của tồn tại. Chỉ cần thêm vào đấy ý thức về ý nghĩa khách quan của tồn tại nữa để nhìn thấy trong những điều kiện kinh tế yếu tố xét đến cùng là quyết định đối với cấu trúc tổng quát của kinh nghiệm về thế giới.
Đúng thật là những văn bản kinh điển của chủ nghĩa Marx đã định nghĩa ưu thế của cơ sở kinh tế một cách khó chấp nhận cho các nhà hiện tượng học. Thượng tầng kiến trúc bị xem là ảo ảnh đơn thuần, như chỉ phản ánh những quan hệ «hiện thực» lên bình diện tư tưởng hệ, trong khi nét độc đáo của hiện tượng học chính nằm ở chỗ nó xem mọi ý nghĩa của nhân sinh là giá trị chân chính. Nhưng chủ nghĩa Marx đâu chỉ đơn giản khẳng định sự tất yếu của hạ tầng cơ sở như quy chiếu cuối cùng: dòng lịch sử chỉ giải thích được bởi đấu tranh giai cấp, nhưng biện chứng đấu tranh lại được xây dựng trên những kiến trúc thượng tầng tự tồn. Quan hệ sản xuất phải thay đổi khi đã lỗi thời so với lực lượng sản xuất. Song sự thay đổi này đòi hỏi phải đấu tranh thực hiện dưới hình thức cách mạng, chính vì quan hệ sản xuất cũ vẫn được duy trì, nghĩa là vì thượng tầng kiến trúc đồ sộ vẫn tiếp tục sống mặc dù cơ sở kinh tế đã mất. Để hiểu lịch sử một cách thấu đáo, tính tự tồn của thượng tầng kiến trúc cũng thiết yếu như sự vận động của hạ tầng cơ sở. Nhưng làm sao giải thích nó, nếu đấy chỉ là phản ánh của quá trình hiện thực? Cứ cho rằng sức kháng cự của hệ tư tưởng xuất phát từ một ảo ảnh đi, như ta vẫn thường nghe. Nhưng cái ảo ảnh ấy tự duy trì như thế nào, và hơn nữa, ngay ý niệm ảo ảnh lại không giả định ý niệm chân lý hay sao?
Chúng ta thử tìm một giải đáp, không phải qua tranh luận, mà bằng sự khảo sát một ví dụ. Marx đã từng tuyên bố trong Dẫn Vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị như sau: «Thần thoại Hy Lạp không chỉ là kho tàng mà còn là mảnh đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp. Liệu cách nhận thức tự nhiên và quan hệ xã hội nằm dưới đáy óc tưởng tượng, và từ đó, của [thần thoại] [07] Hy Lạp nay còn thích hợp chăng với máy kéo sợi tự động, đường và đầu máy hỏa xa, máy móc điện báo?... Nền nghệ thuật Hy Lạp giả định thần thoại Hy Lạp, nghĩa là sự tạo tác một cách mỹ thuật tuy vô thức thế giới tự nhiên và ngay chính những hình thái xã hội bởi thị hiếu phóng đãng của quần chúng» [08]. Ta thấy ngay rằng nghệ thuật Hy Lạp không chỉ đơn thuần phản ánh điều kiện vật chất của đời sống cổ đại: đúng hơn, nó là cả một kiến trúc được xây dựng trên loại sinh hoạt mỹ thuật tự phát, tương giao với một trực quan đầy tính thần thoại về thế giới: «tự nhiên và xã hội được tạo tác một cách mỹ thuật tuy vô thức bởi thị hiếu phóng đãng của quần chúng». Mỹ thuật tự phát là nền «đất nuôi» của nghệ thuật phản tỉnh, và chính nền mỹ thuật tự phát đó, như một thời cứ của kinh nghiệm tổng quát, mới lệ thuộc vào cấu trúc tổng quát của kinh nghiệm sống, nghĩa là vào cấu trúc kinh tế.
Trong ngôn ngữ hiện tượng học, ta nói rằng cuộc sống trần gian này, kinh nghiệm về thế giới này bao gồm một tập hợp ý nghĩa, trong đó có ý nghĩa mỹ thuật. Dáng dấp tổng quát của tập hợp này tất nhiên đã được phác họa bởi một số điều kiện sơ đẳng nào đó - điều kiện kinh tế. Đây không phải là một quy định dưới dạng nhân quả, mà đơn giản là sự phân ranh cần thiết nhằm định nghĩa nghiệm sinh đó như kinh nghiệm của thế giới này. Những thời cứ đặc thù không vì thế mà mất đi phần chân lý của chúng như loại trực quan đã từng được sống thực, và chính trên phần chân lý đó mà các sản phẩm văn hoá được xây dựng. Tất nhiên, trực quan nói đây không phải là sự trực nhận thụ động những tiết lộ về một cõi-bên-kia không ai biết, nó đơn giản chỉ cái khả năng hiểu ngay tức khắc ý nghĩa của cuộc sống trong thế giới này, ý nghĩa của những sinh hoạt mà ta tiến hành, bởi vì và chỉ vì ta sống cuộc đời của một con người. Chính cái thế giới cuộc sống hay thế giới nhân sinh [Lebenswelt] này đã gánh chở mọi kiến trúc của thế giới văn hoá.
Cái đẹp trong nghệ thuật Hy Lạp nói lên phong cách cảm nhận thế giới độc đáo của xã hội Hy Lạp dưới dạng thức mỹ thuật và trong sinh hoạt nghệ thuật vô thức. Trong kinh nghiệm mỹ thuật này, với điều kiện sinh sống vật chất của người Hy Lạp thời đó, cái đẹp đã được biểu lộ bằng cách duy nhất nó có thể bộc lộ. Giới hạn trên không giảm thiểu mà diễn đạt tính chân chính của nó như một kinh nghiệm sống có thực trong thế gian này. Như thế, tương quan giữa mỹ thuật Hy Lạp với phương thức sản xuất cổ đại không thủ tiêu mà đặt nền cho giá trị riêng biệt của các kiệt tác đương thời. «Hạ tầng cơ sở» trên đó toàn bộ lâu đài này được xây dựng không phải là cơ sở kinh tế, mà nói đúng ra, chính là cái thế giới mỹ thuật tự phát được cấu tạo bởi óc tưởng tượng của người Hy Lạp: thế giới thần thoại. Cái thế giới này không phản ánh những quan hệ sản xuất vật chất; nó diễn tả cách thức người Hy Lạp mang ý nghĩa mỹ thuật vào đời sống, cách họ sống đời dưới dạng thức mỹ thuật. Nghệ thuật của họ chỉ là sự soi sáng ý nghĩa và dạng thức mỹ thuật trong cuộc sống của họ.
Ưu thế của hạ tầng kinh tế không thủ tiêu mà giao trả phần chân lý của các kiến trúc thượng tầng về nguồn gốc chân chính của chúng trong kinh nghiệm sống. Các kiến trúc tư tưởng hệ không tương quan với phương thức sản xuất theo nghĩa là chúng phản ánh các phương thức này - chuyện phi lý – mà đơn giản vì: một mặt, mỗi kiến trúc tư tưởng rút lấy ý nghĩa của nó từ một nghiệm sinh tương ứng, ở đó các giá trị «tinh thần» không những chỉ được phô bày mà còn được cảm nhận và sống thực; và mặt khác, vì mọi kinh nghiệm đặc thù đều xen vào kinh nghiệm tổng quát của con người trong thế giới như một bộ phận. Do thế giới này có thể được định nghĩa ở mỗi thời điểm như lệ thuộc vào quan hệ kinh tế đương thời trong các nét chính, và một thay đổi nào trong quan hệ kinh tế cũng đều kéo theo sự tổ chức lại toàn bộ cái tổng thể, đúng là xét đến cùng thì vận động lịch sử bị quy định bởi những điều kiện của cuộc sống vật chất thật. Mỗi mức độ phát triển mới của kỹ thuật bao hàm một nền «văn hoá» mới; mới không phải bởi vì văn hoá phải phản ánh trình độ kỹ thuật, mà vì nó chỉ là văn hoá chân chính nếu nó nói lên được những trực quan độc đáo mà điều kiện sinh sống mới đã đẻ ra. Mặt khác, cũng đúng không kém là mỗi thượng tầng kiến trúc được xây dựng trên kinh nghiệm sống trước đấy vẫn tồn tại bởi hoài niệm về phần chân lý nó đã gánh chở, đến nỗi cần phải làm cách mạng để thay thế nó bằng một tổ chức mới.
Sự minh giải chủ nghĩa Marx trên chỉ có trọn vẹn ý nghĩa khi những phân tích cụ thể về nhà nước, pháp chế, nghệ thuật, tôn giáo, triết học... của mỗi thời đại đã được gắn liền vào loại trực quan chính trị, pháp luật, mỹ thuật, tôn giáo, triết lý... tương ứng với nền kinh tế của cùng thời đại và cấu thành cuộc sống của người đương thời. Những hệ tư tưởng kế tiếp sẽ được hiểu trong phần chân lý lịch sử của chúng, và sự hiểu biết này sẽ cho phép ta rút ra giá trị vĩnh cửu của các thời cứ ưu việt, khi loài người biết gửi gấm lâu dài vào bao kiệt tác văn hoá ý nghĩa của bản chất người - cái bản chất vẫn còn là của chúng ta trong chừng mực chúng ta còn nhận thấy mình trong đó, như chúng ta thực là nó hiện nay, và như chúng ta vẫn luôn luôn mong mỏi là nó dù trong một phong cách hoàn toàn đổi mới. Marx đã từng lưu ý: «Cái khó không phải là hiểu rằng nghệ thuật Hy Lạp và sử thi gắn bó ra sao với các hình thái phát triển xã hội nào đó, mà là hiểu vì sao chúng còn cho ta cảm khoái mỹ thuật, và dưới nhiều khía cạnh còn được xem như quy phạm hay mẫu mực khó vươn tới» [09].
«Một người không thể nào trẻ lại thành đứa bé mà không rơi lại tuổi thơ. Nhưng bộ anh ta không biết thưởng thức sự ngây thơ của trẻ nhỏ, và đến một tuổi cao hơn, không ham muốn sống lại sự hồn nhiên ấy hay sao? Bộ mỗi thời đại không thấy cá tính độc đáo của mình tái hiện như chân lý tự nhiên nơi bản tính con trẻ hay sao? Tại sao tuổi thơ lịch sử của loài người, ở điểm khai hoa rực rỡ nhất, lại không thể có được sức quyến rũ vĩnh cửu dù như một thời đã vĩnh viễn trôi qua?» (Karl Marx, Dẫn vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị, trong Đóng Góp vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị, bản dịch của Laura Lafargue, tr. 351-352) [10].
Việc áp dụng phương pháp mà chúng tôi vừa nêu lên nguyên tắc tất nhiên sẽ kéo theo yêu cầu xét lại triệt để học thuyết Marx trong nội dung chính thống, mặc dù sự xét lại này được thể hiện bằng bước quặt trở lại với ý hướng ban đầu. Dưới đây, chúng tôi thử trình bày qua một ví dụ cụ thể vì sao và như thế nào sự xét lại này lại có thể là một biến đổi toàn diện.
Theo Marx, cuộc Cải Tổ tôn giáo ở thế kỷ 16 chỉ là hình thức tư tưởng hệ mà nỗ lực tự giải phóng của giai cấp tư sản khỏi ách thống trị của giáo hoàng đã đề ra: phản ánh hư ảo của một cuộc tranh giành lợi quyền «hiện thực». Rõ ràng là lối giải thích này đã thủ tiêu ngay chính cái ý nghĩa của hiện tượng phải nghiên cứu, như một hiện tượng tôn giáo. Vì tương quan của Cải Tổ với cơ sở kinh tế đã quá hiển nhiên, về phần chúng tôi, xin diễn giải như dưới đây.
Thời trung cổ, việc xây dựng Nhà Thờ thành thế quyền là thiết yếu để duy trì đời sống tinh thần trước sự thô bạo của phong tục tập quán đương thời. Thời cuộc nhiễu nhương khốn đốn đẩy phần suy niệm tâm linh lánh vào tu viện, trong khi hàng chức sắc tôn giáo tìm cách bảo vệ di sản của các Cha Cố bằng tổ chức chính trị và quân sự. Với sự phát triển của giai cấp tư sản và chính quyền trung ương mà nó ủng hộ, an ninh dần dần trở lại, cho phép xây dựng một đời sống tôn giáo có ý nghĩa về mặt tinh thần. Không còn phải rời bỏ thế gian này để tôn thờ Thượng Đế: chỉ cần gán cho công việc hàng ngày một ý nghĩa tuyệt đối như biểu hiện của ý chí tối cao, và làm bổn phận một cách lương thiện. Sự sùng bái Thượng Đế siêu thế, hình thức khả thi duy nhất trong thời phong kiến loạn lạc, tự khắc nhường chỗ cho sự tôn thờ Thượng Đế tại thế bằng sự thực thi các đức tính (lương thiện, cần lao, tiết kiệm) và giá trị (nghề nghiệp, hôn nhân) tư sản trong cuộc sống. Thời trung cổ, trực quan tôn giáo thoát ly thế gian này để tự thực hiện ở một cõi bờ biệt lập, với những giới luật, nghi lễ và phương tiện sinh nhai riêng. Sự vật chất hoá đức tin qua các công tác từ thiện, rồi sự định lượng giá trị tôn giáo của lòng từ thiện một cách thuần vật chất, ... không phải là hệ quả của sự suy đồi theo nghĩa là đánh mất ý thức về các giá trị tinh thần; chúng chỉ là biểu hiện của một kinh nghiệm tôn giáo đòi hỏi phải chuyển hoá cụ thể giá trị của lòng tin vào một số hành vi, vật thể đặc biệt, hầu tạo dựng một thế giới tôn giáo như cõi bờ riêng biệt, ở đó và chỉ ở đó thôi, đức tin mới có thể tự thực hiện. Vào đầu thời hiện đại, với những bước tiến của giai cấp tư sản và điều kiện sinh sống vật chất mới, tổ chức giáo hội với bộ máy nghi lễ và giới luật bỗng trở thành vô ích, chẳng còn quan hệ gì với đời sống tôn giáo tự phát, với kinh nghiệm tôn giáo mới. Những tai tiếng mà ai cũng biết, mặc dù đã gây ra bao mưu toan ly giáo và dị giáo thời trung cổ, chưa bao giờ có khả năng làm lung lay uy tín và thế lực của Nhà Thờ, bởi vì sự hiện diện của tổ chức giáo hội đáp ứng đúng cái dạng thức sống đạo duy nhất có thể tồn tại dưới thời phong kiến.
Cuộc Cải Tổ ở thế kỷ 16, trái lại, đã tiếp nhận được sự thành công bền vững, bởi vì nó biểu đạt những đòi hỏi của một kinh nghiệm tôn giáo thực sự. Sự tôn thờ Thượng Đế tại thế bao hàm yêu cầu từ bỏ các tu viện cùng nghi lễ và trật tự giáo phẩm. Sự cứu rỗi được thực hiện qua lòng tin chứ không nhờ vào công tác từ thiện. Vấn đề không còn là xây dựng một cõi bờ riêng biệt, mà là cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế trong bất kỳ cử chỉ, hành động nào của cuộc sống bình thường. Tín điều về số phận tiền định đáp ứng chính xác cái trực quan về ý chí của Thượng Đế trong mỗi biến cố phàm trần, và trực quan đó đã tạo cho cuộc sống trên trái đất này một ý nghĩa tuyệt đối. Rồi sự tích lũy tư bản mang lấy hình thức khổ hạnh, được thi hành trong sự kính sợ Thượng Đế. Tin lành là tôn giáo của giai cấp tư sản, cái hình thức qua đó nó có thể sống đạo một cách chân thực. Nhờ vậy, đức tin đã được bảo tồn dễ dàng trong các quốc gia tin lành; ngược lại, giai cấp tư sản Pháp, bị chính quyền quân chủ bắt buộc phải giữ lấy đạo Cơ Đốc mặc dù nó không còn tương ứng với một kinh nghiệm tôn giáo thực hiệu nào, rơi dần vào tình cảnh chống giáo hội và phi tôn giáo.
Nếu hiểu kinh nghiệm tôn giáo là trực quan về cái ý nghĩa tuyệt đối của hữu thể đã khiến cuộc sống tại thế biến thân thành nếp sống trong lòng Thượng Đế, chúng ta sẽ nói rằng trong xã hội tư bản - tổng quát hơn, trong mọi xã hội có đấu tranh giai cấp -, tôn giáo tự thực hiện dưới hình thức một kinh nghiệm siêu nhiên. Thật vậy, do phân công lao động, mặc dù khách thể đối tượng là sản phẩm của toàn thể sinh hoạt tập thể, đối kháng giai cấp lại ngăn cản thành viên xã hội nhìn nhận lẫn nhau. Trong điều kiện đó, dù có cảm nhận được ý nghĩa tuyệt đối của sự vật nhờ loại trực quan huyền bí đi nữa, chủ thể vẫn hoàn toàn không hiểu biết bản chất thực của mình; và sự bất khả tri đó được thể hiện qua quan niệm Thượng Đế siêu nhiên. Trong xã hội «không giai cấp», chủ thể chiếm hữu đối tượng qua sự nhận diện chính bản thân mình trong đó; hắn thích thú tự chiêm ngưỡng trong sản phẩm do con người làm ra. Cái tuyệt đối được hiểu sâu sắc như sự đồng nhất của vật thể với cái tôi của chủ thể. Cuộc sống tại thế cũng mang ý nghĩa huyền bí, nhưng không phải do quy chiếu về siêu nhiên, mà trong sự hưởng thụ cái ý thức đã tự thực hiện được trọn vẹn. Thật là sai lầm nếu nói rằng tôn giáo sẽ biến mất khi không còn tha hoá nữa: thật ra, sự chiếm hữu hiện thực người chỉ sẽ nẩy nở trong một thứ tôn giáo nội tại thuần khiết, nơi «hạnh phúc hoàn toàn không phải là phần thưởng của đạo hạnh mà chính là bản thân đạo hạnh» [11].
Sau khi đã rọi sáng ý nghĩa của chủ nghĩa duy tâm ở Hegel như chính thật là một thứ chủ nghĩa hiện thực (tinh thần phổ cập thật ra chỉ là con người tại thế), sau khi đã phát hiện ý nghĩa của hiện thực người trong tất cả sự phong phú của nghiệm sinh như thế, Marx còn phải khai triển học thuyết của ông trong viễn cảnh của thực tiễn cách mạng. Trong cuộc đấu tranh hai mặt mà giai cấp tư sản tự do phải tiến hành đầu thế kỷ 19, vừa để tiêu diệt tàn dư của chế độ quân chủ, vừa để kìm hãm một đội quân vô sản cực kỳ khốn khổ trước quy luật tay làm hàm nhai khắc nghiệt, tầng lớp tiểu tư sản còn là đồng minh của giai cấp bóc lột, luôn luôn đứng về phía tư bản mỗi khi cần phải trấn áp những phần tử bình dân đã được động viên trong cuộc chiến đòi dân chủ. Nhiệm vụ duy nhất của tư duy cách mạng thời đó nằm ở việc đánh phá những kiến trúc thượng tầng của giai cấp thống trị. Dường như chưa khẩn cấp phải xây dựng hệ tư tưởng cho xã hội tương lai, giai cấp vô sản còn quá chật vật vì sinh kế để có thể quay lưng lại với những tranh chấp cục bộ trước mắt. Công cuộc xây dựng này có thể quyến rũ giai cấp tiểu tư sản, song do tình cảnh khách quan, nó lại quá gắn bó với giới tư bản để có thể đứng về phía cách mạng như một giai cấp. Vì thế, Karl Marx, nhà tư tưởng thực tiễn, phải dành tất cả mọi nỗ lực cho việc phân tích hạ tầng cơ sở.
Từ nửa sau thế kỷ 19, tiến bộ kỹ thuật kết hợp với cơ chế chính trị của nền dân chủ tư sản đã nâng cao đáng kể mức sống của giai cấp vô sản Âu châu. Hệ quả là sự tư sản hoá một bộ phận của quần chúng lao động song song với sự vô sản hoá giai cấp tiểu tư sản, cụ thể là ở thành phần trí thức mà sự thiếu vắng ý thức giai cấp đã không cho phép tự vệ một cách hữu hiệu trong cuộc đấu tranh xã hội. Kết cấu của giai cấp cách mạng khách quan, do đó, đã chịu nhiều thay đổi cơ bản. Nó không chỉ đơn giản là một giai cấp vô sản hoàn toàn lệ thuộc vào quy luật tay làm hàm nhai như hồi giữa thế kỷ 19 nữa, mà bao gồm cả nhiều tầng lớp lao động quan trọng được tư sản hoá và thành phần tiểu tư sản bị vô sản hoá. Nhu cầu trí thức của thành phần sau không còn có thể được thỏa mãn bởi chủ nghĩa Marx dưới hình thức chính thống nữa, trong khi sự bài bác có hệ thống hệ tư tưởng dưới dạng thức một hệ thống tư tưởng được xây dựng trên quyền lợi giai cấp lại bỏ mặc nó trong hoài niệm về những giá trị truyền thống. Đấy là con đường dẫn đến sự phản bội thường kỳ của cán bộ tiểu tư sản ở các thời điểm quyết định của hành động, kéo theo nó sự thất bại của bao cuộc cách mạng ở Âu châu.
Được nền dân chủ của các nước đế quốc bảo đảm một cuộc sống tương đối cao lúc bình thường, cái giai cấp mà chúng tôi vừa định nghĩa – vô sản ít nhiều đã tư sản hoá và tiểu tư sản bị vô sản hoá - chỉ ý thức được hoàn cảnh cách mạng khách quan của nó trong thời khủng hoảng hoặc chiến tranh. Những lúc ấy, xã hội có cơ may tự giải phóng khỏi loại chế độ đã sản sinh và nuôi dưỡng tha hoá, thứ chế độ thỉnh thoảng vẫn bắt buộc nó phải tiến hành nhiều cuộc thiêu hủy khổng lồ để «tiêu thụ» sản phẩm dư thừa của nền kỹ thuật hiện đại. Nhưng sự bất lực của chủ nghĩa Marx nhằm thoả mãn khát vọng của các tầng lớp cách mạng mới đã phá hỏng vận hội này, và đẩy họ vào sự phi lý của một con đường xã hội chủ nghĩa phảng phất mùi vị «duy tâm». Yêu cầu xét lại là thiết yếu, do chính những bế tắc của thực tiễn áp đặt.
Sự xét lại này không phải là hành động phản bội, mà đơn giản là sự «trở về cội nguồn»; nó có thể tận dụng nhiều công trình nghiên cứu của trường phái hiện tượng học: mặc dù còn trong tình trạng phác thảo quá tổng quát, chúng đã có giá trị của những cuộc thám hiểm có hệ thống vào thế giới nghiệm sinh. Cố gắng tìm hiểu những sự vật «ý tưởng» trong tinh thần phục tùng tuyệt đối dữ kiện, hiện tượng học đã biết liên hệ giá trị của các sự vật ấy với nguồn gốc vật chất thế tục của chúng mà không hề làm chúng xuống cấp. Nó chỉ còn thiếu những khái niệm khách quan để đạt tới một phân tích thực hiệu ngay chính ý niệm tồn tại. Quan hệ tối hậu với kinh tế đưa ra một cơ sở bền vững cho phép con người đảm nhận cuộc sống tại thế với niềm tin chắc chắn rằng nó sẽ thực hiện được những giá trị đích thực. Dự án tồn tại không hình thành qua một chọn lựa độc đoán mà luôn luôn trên cơ sở của tri thức; bổn phận của chúng ta là soi rọi kiến thức đó càng sáng càng tốt, để cái ý nghĩa chúng ta cáng đáng bằng chính cuộc đời mình đồng nhất với cái ý nghĩa vốn có của nó, cái ý nghĩa mà chúng ta phải thực hiện như «nhiệm vụ lịch sử».
«Bị ném vào thế giới», thực tại người chỉ vươn tới tồn tại chân thực nếu hắn nhìn cảnh ngộ trớ trêu đó không đơn giản như bàn đạp để phóng về một hướng nào đó, mà như chính bản thể của hắn, cái mà hắn khách quan là, cái mà hắn phải cưu mang ý nghĩa, nếu muốn đích thực là con người. «Dữ kiện» không đơn thuần là một tập hợp những quy định thụ động; «dữ kiện người» mang trong nội thân của con-người-đã-thành ý nghĩa của đòi hỏi con-nguời-phải-là mà sự hoàn tất chính là định nghĩa của con-người-chân-thực, và của khái niệm chân thực hiểu theo nghĩa đích thực. Nếu đúng như câu văn tuyệt vời của Heidegger, «hiện thực người tự chọn lấy những anh hùng của hắn», thì sự chọn lựa của con người chỉ là hành động tự do thực hiệu, nếu nó đích thị là chọn lựa trên cái số phận đã được hình dung trước trong cảnh ngộ khách quan của kiếp người, nghĩa là nếu dự án làm người của hắn không phải là một dự án bất kỳ nào, mà chính là dự án của kẻ bơ vơ vô chủ.
Tinh hoa của chủ nghĩa Marx, như phân tích thực tiễn, nằm ở chỗ: từ quan sát hiện thực nó rút ra được đòi hỏi siêu vượt biện chứng, nơi phần chân lý của nó thành tựu. Trong sự đảm đương đòi hỏi siêu vượt, con người tự thực hiện trong sự vĩnh cửu của hắn, như cái hiện tại của một hữu thể mỗi lúc tự đặt để chính nó như vẫn luôn luôn là một trong dòng đổi mới không ngừng, tự xác lập như vĩnh viễn là một sự tự thực hiện. Marx đã từng nói: «Học thuyết của tôi không phải là giáo điều mà là cẩm nang hành động». Ý nghĩa thực tiễn của tư duy cách mạng không phải là sự bỏ rơi những đòi hỏi đặc thù của suy luận, mà chính là sự thực hiện chân chính những đòi hỏi ấy. Hữu thể đích thực không phải là hữu-thể-cho-đó như dữ kiện, mà là ý nghĩa của hắn như hữu-thể-phải-là, cái ý nghĩa đã làm cho tồn tại luôn luôn là lời mời gọi từ ta gửi đến ta: «Trở thành chính mày». Từ nhận định này, lập thuyết về con người không phải là tính toán những quy định khách quan trong tính vật chất trừu tượng của chúng, mà là tìm kiếm trong thế giới đã được thực hiện cái ý nghĩa của tồn tại mà ta phải đảm nhận. Rằng cái ý nghĩa đó không chỉ nằm trong sự xây dựng một nền kinh tế mới chính là điều đã quá hiển nhiên trong ngay chính ý niệm về một thực tại người. Sự phân tích hiện tượng học về lao động tinh thần cụ thể, như thời cứ của tồn tại hiện thực, sẽ mang lại cho biện chứng về quan hệ sản xuất cái ý nghĩa trọn vẹn của một sự chiếm hữu phổ quát.
Chú Thích
[01] Trần Đức Thảo rất kín đáo về việc tiếp thu chủ nghĩa Marx. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề khó trả lời. Một giáo sư Mỹ viết về ông khẳng định Trần Đức Thảo đã từng gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp trong thập niên 1940 (Silvia Federici. Viêt Công Philosophy: Trân Đuc Thao. Telos, n° 6, 1970. Tr. 104-117, ct 9. Địa chỉ truy cập: http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_Federici.htm). Dù thông tin trên đúng hay không, Đảng Cộng Sản Pháp đương nhiên là nơi đã đào tạo rất nhiều trí thức theo chủ nghĩa Marx tại đây, trong số đó hẳn cũng có Trần Đức Thảo.
[02] Roland Barthes. Về Quyển Sách của Trần Đức Thảo: Hiện Tượng Học và Duy Vật Biện Chứng. Địa chỉ truy cập: http://amvc.free.fr & http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_Barthes.htm
[03] Jean-François Lyotard. La Phénoménologie. Paris: PUF, 1999 (in lần đầu 1954). Tr. 113.
[04] Pierre Naville. Marx ou Husserl. Trong: Les Conditions de la Liberté [Ðiều Kiện của Tự Do]. Paris: Ed. du Sagittaire, 1947. Tr. 162-167.
[05] «L’homme s’approprie de son être universel d’une manière universelle, donc en tant qu’homme total. Chacun de ses rapports humains avec le monde, la vue, l’ouïe, l’odorat, le goût, le toucher, la pensée, la contemplation, le sentiment, la volonté, l’activité, l’amour, bref tous les organes de son individualité, comme les organes qui sont immédiatement dans leur forme des organes sociaux, sont dans leur comportement objectif ou dans leur rapport à l’objet l’appropriation de celui-ci, l’appropriation de la réalité humaine; leur rapport à l’objet est la manifestation de la réalité humaine; c’est l’activité humaine et la souffrance humaine car, comprise au sens humain, la souffrance est une jouissance que l’homme a de soi» (Karl Marx. Manuscrits de 1844. Présent., trad. et notes de Emile Bottigelli. Paris: Ed. sociales, 1968. Tr. 91).
[06] «... c’est d’abord la musique qui éveille le sens musical de l’homme; pour l’oreille qui n’est pas musicienne, la musique la plus belle n’a aucun sens, [n’]est [pas] un objet, car mon objet ne peut être que la confirmation d’une de mes forces essentielles, il ne peut donc être pour moi que tel que ma force essentielle est pour moi en tant que faculté subjective, car le sens d’un objet pour moi (il n’a de signification que pour un sens qui lui correspond) s’étend exactement aussi loin que s’étend mon sens» ( Sđd, tr. 93).
[07] Đây là từ đã nhảy mất trong nguyên bản. Bản dịch của Laura Lafargue mà Trần Đức Thảo sử dụng ghi là «art», theo bản in của K. Kautsky; bản dịch sau của Maurice Husson và Gilbert Badia ghi là «mythologie», và giải thích là dựa trên bản in ở Moscou (1939). Chúng tôi cũng nghĩ rằng «mythologie» đúng hơn, vì mấy câu kế tiếp đều nêu danh các vị thần Hy Lạp. Xin chép lại nguyên văn: «On sait que la mythologie grecque n’a pas été seulement l’arsenal de l’art grec, ma la terre même qui l’a nourri. La façon de voir la nature et les rapports sociaux qui inspire l’imagination grecque et constitue de ce fait le fondement de [la mythologie] grecque est-elle compatible avec les Selfactors [machines à filer automatiques], les chemins de fer, les locomotives et le télégraphe électrique? Qu’est-ce que Vulcain auprès de Robert et C°, Jupiter auprès du paratonnerre et Hermès auprès du Crédit mobilier ?»... (Karl Marx, Contribution à la Critique de l’Economie Politique. Trad. de l’allemand par Maurice Husson et Gilbert Badia. Paris: Ed. sociales, 1957. Tr. 174).
[08] «L’art grec suppose la mythologie grecque, c’est-à-dire l’élaboration artistique mais inconsciente de la nature et des formes sociales elles-mêmes par l’imagination populaire» (Sđd, tr. 174).
[09] «Mais la difficulté n’est pas de comprendre que l’art grec et l’épopée sont liés à certaines formes du développement social. La difficulté réside dans le fait qu’ils nous procurent encore une jouissance esthétique et qu’ils ont encore pour nous, à certains égards, la valeur de normes et de modèles inaccessibles» (Sđd, tr. 175).
[10] «Un homme ne peut redevenir enfant, sous peine de tomber dans la puérilité. Mais ne prend-il pas plaisir à la naïvité de l’enfant, et ayant accédé à un niveau supérieur, ne doit-il pas aspirer lui-même à reproduire sa vérité? Dans la nature enfantine, chaque époque ne voit-elle pas revivre son propre caractère dans sa vérité naturelle? Pourquoi l’enfance historique de l’humanité, là où elle a atteint son plus bel épanouissement, pourquoi ce stade développement révolu à jamais n’exercerait-il pas un charme éternel?» (Sđd, tr. 175).
[11] Tất nhiên, không nên lẫn lộn sự hưởng thụ cái tuyệt đối do con người sản sinh ra một cách ý thức với tình cảm thụ động về tính đồng nhất chung chung của vạn vật. Ở một nơi như Ấn Độ, thứ cảm thức sau tương ứng với loại trình độ kỹ thuật lạc hậu và bất lực, không làm chủ nổi thiên nhiên phong phú (Chú thích của Trần Đức Thảo)
Nguyên tác: Marxisme et Phénoménologie
(Revue Internationale, số 2, 1946, tr. 168-174
___________
Nếu «Chủ Nghĩa Marx và Hiện Tượng Học» là đề tài nghiên cứu suốt đời của Trần Đức Thảo, thì tiểu luận cùng tên mà chúng tôi dịch đăng hôm nay là bài đầu tiên trong chuỗi tác phẩm của tác giả về khả năng tương trợ giữa hai triết thuyết. Tuy nhiên, câu hỏi chính ở đây là: «Hiện tượng học có thể mang lại gì cho chủ nghĩa Marx?», thay vì ngược lại như ở tác phẩm nổi tiếng viết sau. Nó nói lên cái «tâm» của triết gia, khi từ hiện tượng học mà ông đã tiếp thu trên ghế đại học quay lại với chủ nghĩa Marx, không rõ đã đến với ông từ đâu và vào lúc nào [01].
Phủ nhận «chủ nghĩa cộng sản thô lậu» và «chủ nghĩa duy vật lịch sử thông tục», Trần Đức Thảo ở đây là đại biểu của thứ chủ nghĩa Marx cởi mở mà khi điểm sách ông Roland Barthes gọi là «chủ nghĩa Marx tư duy» [02]. Qua hai ví dụ rút ra từ các tác phẩm kinh điển thuộc thời «Marx trẻ», một (về nghệ thuật và thần thoại Hy Lạp) để minh họa, và một (cuộc Cải Tổ tôn giáo ở thế kỷ 16) để phê phán ngay chính Karl Marx, «Thảo trẻ» đề xướng một sự «xét lại chủ nghĩa Marx trong nội dung chính thống», thực chất là sự trở về với ý hướng nhân bản ban đầu của Marx, nhưng dựa trên những thành tựu của hiện tượng học. Theo Jean-François Lyotard [03], bài viết này đã khiến một nhà xã hội học Pháp theo chủ nghĩa Marx đương thời là Pierre Naville thấy cần phải trả lời ông trong một chương của tác phẩm «Les Conditions de la Liberté» (1947) [04]. Như vậy, ngoài hai cuộc tranh luận trực diện Thảo-Kojève, Thảo-Sartre, còn có một cuộc tranh luận gián tiếp Thảo-Naville. Xin trở lại vấn đề này trong một dịp khác.
Về phần kỹ thuật, ngoài những khó khăn cố hữu do sự thiếu hụt thuật ngữ, xin nói thêm đôi dòng về các đoạn trích từ tác phẩm của Karl Marx. Trần Đức Thảo sử dụng hai bản dịch Pháp ngữ của Jean Molitor và Laura Lafargue. Vì đây là các bản đã quá xưa không mấy ai có, chúng tôi xin ghi thêm trong phần chú thích các đoạn tương ứng ở ba dịch giả khác của Editions Sociales là Emile Bottigelli, Maurice Husson và Gilbert Badia, sau đó mới chuyển ngữ từ sự đối chiếu tất cả các bản tiếng Pháp của năm dịch giả trên, hy vọng giảm bớt được thêm nguy cơ ngộ nhận về Marx.
Được thực hiện trong mục đích giới thiệu lại một triết gia người Việt viết bằng tiếng Pháp với độc giả trong nước, bản dịch này chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết do năng lực khiêm tốn về triết học và nghệ thuật chuyển ngữ của người dịch. Chúng tôi mong được sự tham gia của bạn đọc, hoặc chỉ giúp những vụng về sai sót, hoặc dựa trên bản này cùng nguyên bản đã công bố để dịch lại toàn bài nếu thấy cần thiết. Thay vì chỉ có một, thế hệ sau sẽ tham khảo được nhiều bản khác nhau, và có thể không chỉ trên vấn đề ngôn ngữ, bởi vì dịch triết luôn luôn cũng là diễn dịch phần nào .
Phạm Trọng Luật.
__________
Trái với chủ nghĩa cộng sản thô lậu, khi nó chỉ hủy bỏ quyền tư hữu bằng sự san bằng phổ quát trong đó ngay cả phẩm cách con người cũng bị chối bỏ, chủ nghĩa Marx đề xuất một sự hủy bỏ tích cực, thực chất là chiếm hữu. Chiếm hữu ở đây không phải là lấy làm của riêng – theo nghĩa là có – mà là hưởng dụng sản phẩm do con người làm ra bằng sự nhận biết ngay chính con người trong đó. Ở xã hội «không giai cấp», nhờ sự phát triển kỹ thuật hiện đại, công thức «đòi hỏi từ mỗi người theo khả năng, phân phối cho mỗi người theo nhu cầu» sẽ tự khắc áp dụng. Những sản phẩm do xã hội tạo ra sẽ được mỗi cá nhân cảm nhận như sự vật hoá của bản thân hắn; nói cách khác, bằng sự nhận thấy chính mình trong sản phẩm, mỗi cá nhân sẽ tự hưởng thụ trong nghĩa trọn vẹn nhất của từ này đối với ý thức con người.
«Con người chiếm hữu bản thể phổ cập của hắn một cách phổ quát, nghĩa là với tư cách con người tổng thể. Mỗi quan hệ mang tính người với thế giới như thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ, nhìn, cảm nhận, suy tư, ham muốn, hành động, yêu thương, nói tóm lại, tất cả các cơ quan tạo nên cá tính hắn, nếu về mặt hình thức là những cơ quan xã hội trực tiếp, thì trong quan hệ khách quan hay trong cách ứng xử đối với sự vật, là sự chiếm hữu sự vật đó, nghĩa là sự chiếm hữu thực tại người; nói cách khác, cách thức ứng xử của các cơ quan tạo nên cá tính mỗi người đối với sự vật là sự biểu thị của thực tại người. Sự biểu hiện này cũng đa tạp như những xác định và những sinh hoạt của con người, hoạt động và đau khổ trong kiếp người, bởi vì hiểu theo nghĩa nhân văn, khổ đau cũng là cách thụ hưởng riêng của con người» [05].
Dường như đoạn văn này cho ta ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa duy vật lịch sử, đối lập với chủ nghĩa duy vật thông tục. Hiện thực chính là cái gì ta sản xuất ra, không phải chỉ độc trên bình diện vật chất, mà theo nghĩa tổng quát, bao gồm tất cả mọi sinh hoạt mang tính người, kể cả loại sinh hoạt gọi là «tinh thần». «Bản nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì đối với đôi tai không biết thưởng thức nhạc, nó không phải là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự biểu hiện của một trong những năng lực của tôi» [06]. Hiện thực chính là cái thế giới đầy ý nghĩa trong đó chúng ta sống, và đúng là nó chỉ có ý nghĩa bởi ngay chính cuộc sống của chúng ta: thế giới tự nhiên đã được nhân hoá bởi bao thế hệ cần lao. Ở Marx, sự đảo lộn biện chứng từ chủ nghĩa duy tâm sang duy vật vẫn giữ lại nội dung tinh thần của học thuyết Hegel. Sự đồng hoá thế giới tinh thần với cái thế giới mà chúng ta cảm nhận không làm mất đi sự phong phú của nó về ý nghĩa: vấn đề không phải là «quy giản» ý tưởng vào hiện thực, mà là vạch ra ngay trong bản thân hiện thực phần chân lý của ý tưởng.
Trong khi chủ nghĩa duy vật thông tục định nghĩa hữu thể một cách trừu tượng như vật chất thuần túy, thì ít nhất trong buổi đầu, hệ quy chiếu của chủ nghĩa duy vật lịch sử là một kinh nghiệm toàn diện, nơi thế giới tự phơi mở trước mắt ta đầy ý nghĩa nhân sinh, xác nhận là nó tồn tại cho ta, trong khi ta sống trong lòng nó. Đấy chính là cái kinh nghiệm nguyên thủy mà Husserl muốn quay lại, khi ông lập ra trường phái hiện tượng học vào đầu thế kỷ 20, bằng cách tập hợp một nhóm triết gia trẻ quanh khẩu hiệu nổi tiếng: «Zu den Sachen selbst»: trở về với ngay chính sự vật! Tất nhiên, sự vật ở đây không phải là đồ vật mà ta định nghĩa bằng một hệ thống phương trình toán học; nó là tất cả những gì tồn tại đối với chúng ta, trong ngay chính cái ý nghĩa là nó tồn tại cho ta. Đòi hỏi hủy bỏ tính ưu tiên của vật chất chính là để dẫn tới ý thức về tồn tại cụ thể trong ý nghĩa trọn vẹn của tồn tại. Chán ngấy sự trừu tượng khô cứng của phê phán luận và của triết lý khoa học, thế hệ mới đã đón nhận lời kêu gọi này như giọt sương mai mầu nhiệm sẽ khai mở tất cả sự phong phú của thế giới cuộc sống.
Trong thực tế, «sự chiếm hữu» được thực hiện trên bình diện cá nhân và lý thuyết bằng bước lùi lại với ý thức về cái ta hay ý thức bản ngã, nơi những ý nghĩa tiềm ẩn – «tha hoá» - của cuộc sống hồn nhiên bỗng rực sáng. Dưới hình thức hiện sinh chủ nghĩa của nó, hiện tượng học chỉ mới là hồi kèn động viên cảm thức hành động hơn là cẩm nang hành động thực hiệu. Sự thiếu vắng bước chuyển tiếp từ cảm thức này sang một thực tiễn xã hội mạch lạc tố cáo tính chất triết lý tư sản của nó. Dù sao, chí ít nó cũng đã thực hiện được tối đa phần chân lý mà giai cấp tư sản có thể đạt đến, bằng cách chỉ ra trong nghiệm sinh thực hiệu nguồn căn cuối cùng, nơi con người rút ra ý nghĩa của tồn tại. Chỉ cần thêm vào đấy ý thức về ý nghĩa khách quan của tồn tại nữa để nhìn thấy trong những điều kiện kinh tế yếu tố xét đến cùng là quyết định đối với cấu trúc tổng quát của kinh nghiệm về thế giới.
Đúng thật là những văn bản kinh điển của chủ nghĩa Marx đã định nghĩa ưu thế của cơ sở kinh tế một cách khó chấp nhận cho các nhà hiện tượng học. Thượng tầng kiến trúc bị xem là ảo ảnh đơn thuần, như chỉ phản ánh những quan hệ «hiện thực» lên bình diện tư tưởng hệ, trong khi nét độc đáo của hiện tượng học chính nằm ở chỗ nó xem mọi ý nghĩa của nhân sinh là giá trị chân chính. Nhưng chủ nghĩa Marx đâu chỉ đơn giản khẳng định sự tất yếu của hạ tầng cơ sở như quy chiếu cuối cùng: dòng lịch sử chỉ giải thích được bởi đấu tranh giai cấp, nhưng biện chứng đấu tranh lại được xây dựng trên những kiến trúc thượng tầng tự tồn. Quan hệ sản xuất phải thay đổi khi đã lỗi thời so với lực lượng sản xuất. Song sự thay đổi này đòi hỏi phải đấu tranh thực hiện dưới hình thức cách mạng, chính vì quan hệ sản xuất cũ vẫn được duy trì, nghĩa là vì thượng tầng kiến trúc đồ sộ vẫn tiếp tục sống mặc dù cơ sở kinh tế đã mất. Để hiểu lịch sử một cách thấu đáo, tính tự tồn của thượng tầng kiến trúc cũng thiết yếu như sự vận động của hạ tầng cơ sở. Nhưng làm sao giải thích nó, nếu đấy chỉ là phản ánh của quá trình hiện thực? Cứ cho rằng sức kháng cự của hệ tư tưởng xuất phát từ một ảo ảnh đi, như ta vẫn thường nghe. Nhưng cái ảo ảnh ấy tự duy trì như thế nào, và hơn nữa, ngay ý niệm ảo ảnh lại không giả định ý niệm chân lý hay sao?
Chúng ta thử tìm một giải đáp, không phải qua tranh luận, mà bằng sự khảo sát một ví dụ. Marx đã từng tuyên bố trong Dẫn Vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị như sau: «Thần thoại Hy Lạp không chỉ là kho tàng mà còn là mảnh đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp. Liệu cách nhận thức tự nhiên và quan hệ xã hội nằm dưới đáy óc tưởng tượng, và từ đó, của [thần thoại] [07] Hy Lạp nay còn thích hợp chăng với máy kéo sợi tự động, đường và đầu máy hỏa xa, máy móc điện báo?... Nền nghệ thuật Hy Lạp giả định thần thoại Hy Lạp, nghĩa là sự tạo tác một cách mỹ thuật tuy vô thức thế giới tự nhiên và ngay chính những hình thái xã hội bởi thị hiếu phóng đãng của quần chúng» [08]. Ta thấy ngay rằng nghệ thuật Hy Lạp không chỉ đơn thuần phản ánh điều kiện vật chất của đời sống cổ đại: đúng hơn, nó là cả một kiến trúc được xây dựng trên loại sinh hoạt mỹ thuật tự phát, tương giao với một trực quan đầy tính thần thoại về thế giới: «tự nhiên và xã hội được tạo tác một cách mỹ thuật tuy vô thức bởi thị hiếu phóng đãng của quần chúng». Mỹ thuật tự phát là nền «đất nuôi» của nghệ thuật phản tỉnh, và chính nền mỹ thuật tự phát đó, như một thời cứ của kinh nghiệm tổng quát, mới lệ thuộc vào cấu trúc tổng quát của kinh nghiệm sống, nghĩa là vào cấu trúc kinh tế.
Trong ngôn ngữ hiện tượng học, ta nói rằng cuộc sống trần gian này, kinh nghiệm về thế giới này bao gồm một tập hợp ý nghĩa, trong đó có ý nghĩa mỹ thuật. Dáng dấp tổng quát của tập hợp này tất nhiên đã được phác họa bởi một số điều kiện sơ đẳng nào đó - điều kiện kinh tế. Đây không phải là một quy định dưới dạng nhân quả, mà đơn giản là sự phân ranh cần thiết nhằm định nghĩa nghiệm sinh đó như kinh nghiệm của thế giới này. Những thời cứ đặc thù không vì thế mà mất đi phần chân lý của chúng như loại trực quan đã từng được sống thực, và chính trên phần chân lý đó mà các sản phẩm văn hoá được xây dựng. Tất nhiên, trực quan nói đây không phải là sự trực nhận thụ động những tiết lộ về một cõi-bên-kia không ai biết, nó đơn giản chỉ cái khả năng hiểu ngay tức khắc ý nghĩa của cuộc sống trong thế giới này, ý nghĩa của những sinh hoạt mà ta tiến hành, bởi vì và chỉ vì ta sống cuộc đời của một con người. Chính cái thế giới cuộc sống hay thế giới nhân sinh [Lebenswelt] này đã gánh chở mọi kiến trúc của thế giới văn hoá.
Cái đẹp trong nghệ thuật Hy Lạp nói lên phong cách cảm nhận thế giới độc đáo của xã hội Hy Lạp dưới dạng thức mỹ thuật và trong sinh hoạt nghệ thuật vô thức. Trong kinh nghiệm mỹ thuật này, với điều kiện sinh sống vật chất của người Hy Lạp thời đó, cái đẹp đã được biểu lộ bằng cách duy nhất nó có thể bộc lộ. Giới hạn trên không giảm thiểu mà diễn đạt tính chân chính của nó như một kinh nghiệm sống có thực trong thế gian này. Như thế, tương quan giữa mỹ thuật Hy Lạp với phương thức sản xuất cổ đại không thủ tiêu mà đặt nền cho giá trị riêng biệt của các kiệt tác đương thời. «Hạ tầng cơ sở» trên đó toàn bộ lâu đài này được xây dựng không phải là cơ sở kinh tế, mà nói đúng ra, chính là cái thế giới mỹ thuật tự phát được cấu tạo bởi óc tưởng tượng của người Hy Lạp: thế giới thần thoại. Cái thế giới này không phản ánh những quan hệ sản xuất vật chất; nó diễn tả cách thức người Hy Lạp mang ý nghĩa mỹ thuật vào đời sống, cách họ sống đời dưới dạng thức mỹ thuật. Nghệ thuật của họ chỉ là sự soi sáng ý nghĩa và dạng thức mỹ thuật trong cuộc sống của họ.
Ưu thế của hạ tầng kinh tế không thủ tiêu mà giao trả phần chân lý của các kiến trúc thượng tầng về nguồn gốc chân chính của chúng trong kinh nghiệm sống. Các kiến trúc tư tưởng hệ không tương quan với phương thức sản xuất theo nghĩa là chúng phản ánh các phương thức này - chuyện phi lý – mà đơn giản vì: một mặt, mỗi kiến trúc tư tưởng rút lấy ý nghĩa của nó từ một nghiệm sinh tương ứng, ở đó các giá trị «tinh thần» không những chỉ được phô bày mà còn được cảm nhận và sống thực; và mặt khác, vì mọi kinh nghiệm đặc thù đều xen vào kinh nghiệm tổng quát của con người trong thế giới như một bộ phận. Do thế giới này có thể được định nghĩa ở mỗi thời điểm như lệ thuộc vào quan hệ kinh tế đương thời trong các nét chính, và một thay đổi nào trong quan hệ kinh tế cũng đều kéo theo sự tổ chức lại toàn bộ cái tổng thể, đúng là xét đến cùng thì vận động lịch sử bị quy định bởi những điều kiện của cuộc sống vật chất thật. Mỗi mức độ phát triển mới của kỹ thuật bao hàm một nền «văn hoá» mới; mới không phải bởi vì văn hoá phải phản ánh trình độ kỹ thuật, mà vì nó chỉ là văn hoá chân chính nếu nó nói lên được những trực quan độc đáo mà điều kiện sinh sống mới đã đẻ ra. Mặt khác, cũng đúng không kém là mỗi thượng tầng kiến trúc được xây dựng trên kinh nghiệm sống trước đấy vẫn tồn tại bởi hoài niệm về phần chân lý nó đã gánh chở, đến nỗi cần phải làm cách mạng để thay thế nó bằng một tổ chức mới.
Sự minh giải chủ nghĩa Marx trên chỉ có trọn vẹn ý nghĩa khi những phân tích cụ thể về nhà nước, pháp chế, nghệ thuật, tôn giáo, triết học... của mỗi thời đại đã được gắn liền vào loại trực quan chính trị, pháp luật, mỹ thuật, tôn giáo, triết lý... tương ứng với nền kinh tế của cùng thời đại và cấu thành cuộc sống của người đương thời. Những hệ tư tưởng kế tiếp sẽ được hiểu trong phần chân lý lịch sử của chúng, và sự hiểu biết này sẽ cho phép ta rút ra giá trị vĩnh cửu của các thời cứ ưu việt, khi loài người biết gửi gấm lâu dài vào bao kiệt tác văn hoá ý nghĩa của bản chất người - cái bản chất vẫn còn là của chúng ta trong chừng mực chúng ta còn nhận thấy mình trong đó, như chúng ta thực là nó hiện nay, và như chúng ta vẫn luôn luôn mong mỏi là nó dù trong một phong cách hoàn toàn đổi mới. Marx đã từng lưu ý: «Cái khó không phải là hiểu rằng nghệ thuật Hy Lạp và sử thi gắn bó ra sao với các hình thái phát triển xã hội nào đó, mà là hiểu vì sao chúng còn cho ta cảm khoái mỹ thuật, và dưới nhiều khía cạnh còn được xem như quy phạm hay mẫu mực khó vươn tới» [09].
«Một người không thể nào trẻ lại thành đứa bé mà không rơi lại tuổi thơ. Nhưng bộ anh ta không biết thưởng thức sự ngây thơ của trẻ nhỏ, và đến một tuổi cao hơn, không ham muốn sống lại sự hồn nhiên ấy hay sao? Bộ mỗi thời đại không thấy cá tính độc đáo của mình tái hiện như chân lý tự nhiên nơi bản tính con trẻ hay sao? Tại sao tuổi thơ lịch sử của loài người, ở điểm khai hoa rực rỡ nhất, lại không thể có được sức quyến rũ vĩnh cửu dù như một thời đã vĩnh viễn trôi qua?» (Karl Marx, Dẫn vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị, trong Đóng Góp vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị, bản dịch của Laura Lafargue, tr. 351-352) [10].
Việc áp dụng phương pháp mà chúng tôi vừa nêu lên nguyên tắc tất nhiên sẽ kéo theo yêu cầu xét lại triệt để học thuyết Marx trong nội dung chính thống, mặc dù sự xét lại này được thể hiện bằng bước quặt trở lại với ý hướng ban đầu. Dưới đây, chúng tôi thử trình bày qua một ví dụ cụ thể vì sao và như thế nào sự xét lại này lại có thể là một biến đổi toàn diện.
Theo Marx, cuộc Cải Tổ tôn giáo ở thế kỷ 16 chỉ là hình thức tư tưởng hệ mà nỗ lực tự giải phóng của giai cấp tư sản khỏi ách thống trị của giáo hoàng đã đề ra: phản ánh hư ảo của một cuộc tranh giành lợi quyền «hiện thực». Rõ ràng là lối giải thích này đã thủ tiêu ngay chính cái ý nghĩa của hiện tượng phải nghiên cứu, như một hiện tượng tôn giáo. Vì tương quan của Cải Tổ với cơ sở kinh tế đã quá hiển nhiên, về phần chúng tôi, xin diễn giải như dưới đây.
Thời trung cổ, việc xây dựng Nhà Thờ thành thế quyền là thiết yếu để duy trì đời sống tinh thần trước sự thô bạo của phong tục tập quán đương thời. Thời cuộc nhiễu nhương khốn đốn đẩy phần suy niệm tâm linh lánh vào tu viện, trong khi hàng chức sắc tôn giáo tìm cách bảo vệ di sản của các Cha Cố bằng tổ chức chính trị và quân sự. Với sự phát triển của giai cấp tư sản và chính quyền trung ương mà nó ủng hộ, an ninh dần dần trở lại, cho phép xây dựng một đời sống tôn giáo có ý nghĩa về mặt tinh thần. Không còn phải rời bỏ thế gian này để tôn thờ Thượng Đế: chỉ cần gán cho công việc hàng ngày một ý nghĩa tuyệt đối như biểu hiện của ý chí tối cao, và làm bổn phận một cách lương thiện. Sự sùng bái Thượng Đế siêu thế, hình thức khả thi duy nhất trong thời phong kiến loạn lạc, tự khắc nhường chỗ cho sự tôn thờ Thượng Đế tại thế bằng sự thực thi các đức tính (lương thiện, cần lao, tiết kiệm) và giá trị (nghề nghiệp, hôn nhân) tư sản trong cuộc sống. Thời trung cổ, trực quan tôn giáo thoát ly thế gian này để tự thực hiện ở một cõi bờ biệt lập, với những giới luật, nghi lễ và phương tiện sinh nhai riêng. Sự vật chất hoá đức tin qua các công tác từ thiện, rồi sự định lượng giá trị tôn giáo của lòng từ thiện một cách thuần vật chất, ... không phải là hệ quả của sự suy đồi theo nghĩa là đánh mất ý thức về các giá trị tinh thần; chúng chỉ là biểu hiện của một kinh nghiệm tôn giáo đòi hỏi phải chuyển hoá cụ thể giá trị của lòng tin vào một số hành vi, vật thể đặc biệt, hầu tạo dựng một thế giới tôn giáo như cõi bờ riêng biệt, ở đó và chỉ ở đó thôi, đức tin mới có thể tự thực hiện. Vào đầu thời hiện đại, với những bước tiến của giai cấp tư sản và điều kiện sinh sống vật chất mới, tổ chức giáo hội với bộ máy nghi lễ và giới luật bỗng trở thành vô ích, chẳng còn quan hệ gì với đời sống tôn giáo tự phát, với kinh nghiệm tôn giáo mới. Những tai tiếng mà ai cũng biết, mặc dù đã gây ra bao mưu toan ly giáo và dị giáo thời trung cổ, chưa bao giờ có khả năng làm lung lay uy tín và thế lực của Nhà Thờ, bởi vì sự hiện diện của tổ chức giáo hội đáp ứng đúng cái dạng thức sống đạo duy nhất có thể tồn tại dưới thời phong kiến.
Cuộc Cải Tổ ở thế kỷ 16, trái lại, đã tiếp nhận được sự thành công bền vững, bởi vì nó biểu đạt những đòi hỏi của một kinh nghiệm tôn giáo thực sự. Sự tôn thờ Thượng Đế tại thế bao hàm yêu cầu từ bỏ các tu viện cùng nghi lễ và trật tự giáo phẩm. Sự cứu rỗi được thực hiện qua lòng tin chứ không nhờ vào công tác từ thiện. Vấn đề không còn là xây dựng một cõi bờ riêng biệt, mà là cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế trong bất kỳ cử chỉ, hành động nào của cuộc sống bình thường. Tín điều về số phận tiền định đáp ứng chính xác cái trực quan về ý chí của Thượng Đế trong mỗi biến cố phàm trần, và trực quan đó đã tạo cho cuộc sống trên trái đất này một ý nghĩa tuyệt đối. Rồi sự tích lũy tư bản mang lấy hình thức khổ hạnh, được thi hành trong sự kính sợ Thượng Đế. Tin lành là tôn giáo của giai cấp tư sản, cái hình thức qua đó nó có thể sống đạo một cách chân thực. Nhờ vậy, đức tin đã được bảo tồn dễ dàng trong các quốc gia tin lành; ngược lại, giai cấp tư sản Pháp, bị chính quyền quân chủ bắt buộc phải giữ lấy đạo Cơ Đốc mặc dù nó không còn tương ứng với một kinh nghiệm tôn giáo thực hiệu nào, rơi dần vào tình cảnh chống giáo hội và phi tôn giáo.
Nếu hiểu kinh nghiệm tôn giáo là trực quan về cái ý nghĩa tuyệt đối của hữu thể đã khiến cuộc sống tại thế biến thân thành nếp sống trong lòng Thượng Đế, chúng ta sẽ nói rằng trong xã hội tư bản - tổng quát hơn, trong mọi xã hội có đấu tranh giai cấp -, tôn giáo tự thực hiện dưới hình thức một kinh nghiệm siêu nhiên. Thật vậy, do phân công lao động, mặc dù khách thể đối tượng là sản phẩm của toàn thể sinh hoạt tập thể, đối kháng giai cấp lại ngăn cản thành viên xã hội nhìn nhận lẫn nhau. Trong điều kiện đó, dù có cảm nhận được ý nghĩa tuyệt đối của sự vật nhờ loại trực quan huyền bí đi nữa, chủ thể vẫn hoàn toàn không hiểu biết bản chất thực của mình; và sự bất khả tri đó được thể hiện qua quan niệm Thượng Đế siêu nhiên. Trong xã hội «không giai cấp», chủ thể chiếm hữu đối tượng qua sự nhận diện chính bản thân mình trong đó; hắn thích thú tự chiêm ngưỡng trong sản phẩm do con người làm ra. Cái tuyệt đối được hiểu sâu sắc như sự đồng nhất của vật thể với cái tôi của chủ thể. Cuộc sống tại thế cũng mang ý nghĩa huyền bí, nhưng không phải do quy chiếu về siêu nhiên, mà trong sự hưởng thụ cái ý thức đã tự thực hiện được trọn vẹn. Thật là sai lầm nếu nói rằng tôn giáo sẽ biến mất khi không còn tha hoá nữa: thật ra, sự chiếm hữu hiện thực người chỉ sẽ nẩy nở trong một thứ tôn giáo nội tại thuần khiết, nơi «hạnh phúc hoàn toàn không phải là phần thưởng của đạo hạnh mà chính là bản thân đạo hạnh» [11].
Sau khi đã rọi sáng ý nghĩa của chủ nghĩa duy tâm ở Hegel như chính thật là một thứ chủ nghĩa hiện thực (tinh thần phổ cập thật ra chỉ là con người tại thế), sau khi đã phát hiện ý nghĩa của hiện thực người trong tất cả sự phong phú của nghiệm sinh như thế, Marx còn phải khai triển học thuyết của ông trong viễn cảnh của thực tiễn cách mạng. Trong cuộc đấu tranh hai mặt mà giai cấp tư sản tự do phải tiến hành đầu thế kỷ 19, vừa để tiêu diệt tàn dư của chế độ quân chủ, vừa để kìm hãm một đội quân vô sản cực kỳ khốn khổ trước quy luật tay làm hàm nhai khắc nghiệt, tầng lớp tiểu tư sản còn là đồng minh của giai cấp bóc lột, luôn luôn đứng về phía tư bản mỗi khi cần phải trấn áp những phần tử bình dân đã được động viên trong cuộc chiến đòi dân chủ. Nhiệm vụ duy nhất của tư duy cách mạng thời đó nằm ở việc đánh phá những kiến trúc thượng tầng của giai cấp thống trị. Dường như chưa khẩn cấp phải xây dựng hệ tư tưởng cho xã hội tương lai, giai cấp vô sản còn quá chật vật vì sinh kế để có thể quay lưng lại với những tranh chấp cục bộ trước mắt. Công cuộc xây dựng này có thể quyến rũ giai cấp tiểu tư sản, song do tình cảnh khách quan, nó lại quá gắn bó với giới tư bản để có thể đứng về phía cách mạng như một giai cấp. Vì thế, Karl Marx, nhà tư tưởng thực tiễn, phải dành tất cả mọi nỗ lực cho việc phân tích hạ tầng cơ sở.
Từ nửa sau thế kỷ 19, tiến bộ kỹ thuật kết hợp với cơ chế chính trị của nền dân chủ tư sản đã nâng cao đáng kể mức sống của giai cấp vô sản Âu châu. Hệ quả là sự tư sản hoá một bộ phận của quần chúng lao động song song với sự vô sản hoá giai cấp tiểu tư sản, cụ thể là ở thành phần trí thức mà sự thiếu vắng ý thức giai cấp đã không cho phép tự vệ một cách hữu hiệu trong cuộc đấu tranh xã hội. Kết cấu của giai cấp cách mạng khách quan, do đó, đã chịu nhiều thay đổi cơ bản. Nó không chỉ đơn giản là một giai cấp vô sản hoàn toàn lệ thuộc vào quy luật tay làm hàm nhai như hồi giữa thế kỷ 19 nữa, mà bao gồm cả nhiều tầng lớp lao động quan trọng được tư sản hoá và thành phần tiểu tư sản bị vô sản hoá. Nhu cầu trí thức của thành phần sau không còn có thể được thỏa mãn bởi chủ nghĩa Marx dưới hình thức chính thống nữa, trong khi sự bài bác có hệ thống hệ tư tưởng dưới dạng thức một hệ thống tư tưởng được xây dựng trên quyền lợi giai cấp lại bỏ mặc nó trong hoài niệm về những giá trị truyền thống. Đấy là con đường dẫn đến sự phản bội thường kỳ của cán bộ tiểu tư sản ở các thời điểm quyết định của hành động, kéo theo nó sự thất bại của bao cuộc cách mạng ở Âu châu.
Được nền dân chủ của các nước đế quốc bảo đảm một cuộc sống tương đối cao lúc bình thường, cái giai cấp mà chúng tôi vừa định nghĩa – vô sản ít nhiều đã tư sản hoá và tiểu tư sản bị vô sản hoá - chỉ ý thức được hoàn cảnh cách mạng khách quan của nó trong thời khủng hoảng hoặc chiến tranh. Những lúc ấy, xã hội có cơ may tự giải phóng khỏi loại chế độ đã sản sinh và nuôi dưỡng tha hoá, thứ chế độ thỉnh thoảng vẫn bắt buộc nó phải tiến hành nhiều cuộc thiêu hủy khổng lồ để «tiêu thụ» sản phẩm dư thừa của nền kỹ thuật hiện đại. Nhưng sự bất lực của chủ nghĩa Marx nhằm thoả mãn khát vọng của các tầng lớp cách mạng mới đã phá hỏng vận hội này, và đẩy họ vào sự phi lý của một con đường xã hội chủ nghĩa phảng phất mùi vị «duy tâm». Yêu cầu xét lại là thiết yếu, do chính những bế tắc của thực tiễn áp đặt.
Sự xét lại này không phải là hành động phản bội, mà đơn giản là sự «trở về cội nguồn»; nó có thể tận dụng nhiều công trình nghiên cứu của trường phái hiện tượng học: mặc dù còn trong tình trạng phác thảo quá tổng quát, chúng đã có giá trị của những cuộc thám hiểm có hệ thống vào thế giới nghiệm sinh. Cố gắng tìm hiểu những sự vật «ý tưởng» trong tinh thần phục tùng tuyệt đối dữ kiện, hiện tượng học đã biết liên hệ giá trị của các sự vật ấy với nguồn gốc vật chất thế tục của chúng mà không hề làm chúng xuống cấp. Nó chỉ còn thiếu những khái niệm khách quan để đạt tới một phân tích thực hiệu ngay chính ý niệm tồn tại. Quan hệ tối hậu với kinh tế đưa ra một cơ sở bền vững cho phép con người đảm nhận cuộc sống tại thế với niềm tin chắc chắn rằng nó sẽ thực hiện được những giá trị đích thực. Dự án tồn tại không hình thành qua một chọn lựa độc đoán mà luôn luôn trên cơ sở của tri thức; bổn phận của chúng ta là soi rọi kiến thức đó càng sáng càng tốt, để cái ý nghĩa chúng ta cáng đáng bằng chính cuộc đời mình đồng nhất với cái ý nghĩa vốn có của nó, cái ý nghĩa mà chúng ta phải thực hiện như «nhiệm vụ lịch sử».
«Bị ném vào thế giới», thực tại người chỉ vươn tới tồn tại chân thực nếu hắn nhìn cảnh ngộ trớ trêu đó không đơn giản như bàn đạp để phóng về một hướng nào đó, mà như chính bản thể của hắn, cái mà hắn khách quan là, cái mà hắn phải cưu mang ý nghĩa, nếu muốn đích thực là con người. «Dữ kiện» không đơn thuần là một tập hợp những quy định thụ động; «dữ kiện người» mang trong nội thân của con-người-đã-thành ý nghĩa của đòi hỏi con-nguời-phải-là mà sự hoàn tất chính là định nghĩa của con-người-chân-thực, và của khái niệm chân thực hiểu theo nghĩa đích thực. Nếu đúng như câu văn tuyệt vời của Heidegger, «hiện thực người tự chọn lấy những anh hùng của hắn», thì sự chọn lựa của con người chỉ là hành động tự do thực hiệu, nếu nó đích thị là chọn lựa trên cái số phận đã được hình dung trước trong cảnh ngộ khách quan của kiếp người, nghĩa là nếu dự án làm người của hắn không phải là một dự án bất kỳ nào, mà chính là dự án của kẻ bơ vơ vô chủ.
Tinh hoa của chủ nghĩa Marx, như phân tích thực tiễn, nằm ở chỗ: từ quan sát hiện thực nó rút ra được đòi hỏi siêu vượt biện chứng, nơi phần chân lý của nó thành tựu. Trong sự đảm đương đòi hỏi siêu vượt, con người tự thực hiện trong sự vĩnh cửu của hắn, như cái hiện tại của một hữu thể mỗi lúc tự đặt để chính nó như vẫn luôn luôn là một trong dòng đổi mới không ngừng, tự xác lập như vĩnh viễn là một sự tự thực hiện. Marx đã từng nói: «Học thuyết của tôi không phải là giáo điều mà là cẩm nang hành động». Ý nghĩa thực tiễn của tư duy cách mạng không phải là sự bỏ rơi những đòi hỏi đặc thù của suy luận, mà chính là sự thực hiện chân chính những đòi hỏi ấy. Hữu thể đích thực không phải là hữu-thể-cho-đó như dữ kiện, mà là ý nghĩa của hắn như hữu-thể-phải-là, cái ý nghĩa đã làm cho tồn tại luôn luôn là lời mời gọi từ ta gửi đến ta: «Trở thành chính mày». Từ nhận định này, lập thuyết về con người không phải là tính toán những quy định khách quan trong tính vật chất trừu tượng của chúng, mà là tìm kiếm trong thế giới đã được thực hiện cái ý nghĩa của tồn tại mà ta phải đảm nhận. Rằng cái ý nghĩa đó không chỉ nằm trong sự xây dựng một nền kinh tế mới chính là điều đã quá hiển nhiên trong ngay chính ý niệm về một thực tại người. Sự phân tích hiện tượng học về lao động tinh thần cụ thể, như thời cứ của tồn tại hiện thực, sẽ mang lại cho biện chứng về quan hệ sản xuất cái ý nghĩa trọn vẹn của một sự chiếm hữu phổ quát.
Chú Thích
[01] Trần Đức Thảo rất kín đáo về việc tiếp thu chủ nghĩa Marx. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề khó trả lời. Một giáo sư Mỹ viết về ông khẳng định Trần Đức Thảo đã từng gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp trong thập niên 1940 (Silvia Federici. Viêt Công Philosophy: Trân Đuc Thao. Telos, n° 6, 1970. Tr. 104-117, ct 9. Địa chỉ truy cập: http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_Federici.htm). Dù thông tin trên đúng hay không, Đảng Cộng Sản Pháp đương nhiên là nơi đã đào tạo rất nhiều trí thức theo chủ nghĩa Marx tại đây, trong số đó hẳn cũng có Trần Đức Thảo.
[02] Roland Barthes. Về Quyển Sách của Trần Đức Thảo: Hiện Tượng Học và Duy Vật Biện Chứng. Địa chỉ truy cập: http://amvc.free.fr & http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_Barthes.htm
[03] Jean-François Lyotard. La Phénoménologie. Paris: PUF, 1999 (in lần đầu 1954). Tr. 113.
[04] Pierre Naville. Marx ou Husserl. Trong: Les Conditions de la Liberté [Ðiều Kiện của Tự Do]. Paris: Ed. du Sagittaire, 1947. Tr. 162-167.
[05] «L’homme s’approprie de son être universel d’une manière universelle, donc en tant qu’homme total. Chacun de ses rapports humains avec le monde, la vue, l’ouïe, l’odorat, le goût, le toucher, la pensée, la contemplation, le sentiment, la volonté, l’activité, l’amour, bref tous les organes de son individualité, comme les organes qui sont immédiatement dans leur forme des organes sociaux, sont dans leur comportement objectif ou dans leur rapport à l’objet l’appropriation de celui-ci, l’appropriation de la réalité humaine; leur rapport à l’objet est la manifestation de la réalité humaine; c’est l’activité humaine et la souffrance humaine car, comprise au sens humain, la souffrance est une jouissance que l’homme a de soi» (Karl Marx. Manuscrits de 1844. Présent., trad. et notes de Emile Bottigelli. Paris: Ed. sociales, 1968. Tr. 91).
[06] «... c’est d’abord la musique qui éveille le sens musical de l’homme; pour l’oreille qui n’est pas musicienne, la musique la plus belle n’a aucun sens, [n’]est [pas] un objet, car mon objet ne peut être que la confirmation d’une de mes forces essentielles, il ne peut donc être pour moi que tel que ma force essentielle est pour moi en tant que faculté subjective, car le sens d’un objet pour moi (il n’a de signification que pour un sens qui lui correspond) s’étend exactement aussi loin que s’étend mon sens» ( Sđd, tr. 93).
[07] Đây là từ đã nhảy mất trong nguyên bản. Bản dịch của Laura Lafargue mà Trần Đức Thảo sử dụng ghi là «art», theo bản in của K. Kautsky; bản dịch sau của Maurice Husson và Gilbert Badia ghi là «mythologie», và giải thích là dựa trên bản in ở Moscou (1939). Chúng tôi cũng nghĩ rằng «mythologie» đúng hơn, vì mấy câu kế tiếp đều nêu danh các vị thần Hy Lạp. Xin chép lại nguyên văn: «On sait que la mythologie grecque n’a pas été seulement l’arsenal de l’art grec, ma la terre même qui l’a nourri. La façon de voir la nature et les rapports sociaux qui inspire l’imagination grecque et constitue de ce fait le fondement de [la mythologie] grecque est-elle compatible avec les Selfactors [machines à filer automatiques], les chemins de fer, les locomotives et le télégraphe électrique? Qu’est-ce que Vulcain auprès de Robert et C°, Jupiter auprès du paratonnerre et Hermès auprès du Crédit mobilier ?»... (Karl Marx, Contribution à la Critique de l’Economie Politique. Trad. de l’allemand par Maurice Husson et Gilbert Badia. Paris: Ed. sociales, 1957. Tr. 174).
[08] «L’art grec suppose la mythologie grecque, c’est-à-dire l’élaboration artistique mais inconsciente de la nature et des formes sociales elles-mêmes par l’imagination populaire» (Sđd, tr. 174).
[09] «Mais la difficulté n’est pas de comprendre que l’art grec et l’épopée sont liés à certaines formes du développement social. La difficulté réside dans le fait qu’ils nous procurent encore une jouissance esthétique et qu’ils ont encore pour nous, à certains égards, la valeur de normes et de modèles inaccessibles» (Sđd, tr. 175).
[10] «Un homme ne peut redevenir enfant, sous peine de tomber dans la puérilité. Mais ne prend-il pas plaisir à la naïvité de l’enfant, et ayant accédé à un niveau supérieur, ne doit-il pas aspirer lui-même à reproduire sa vérité? Dans la nature enfantine, chaque époque ne voit-elle pas revivre son propre caractère dans sa vérité naturelle? Pourquoi l’enfance historique de l’humanité, là où elle a atteint son plus bel épanouissement, pourquoi ce stade développement révolu à jamais n’exercerait-il pas un charme éternel?» (Sđd, tr. 175).
[11] Tất nhiên, không nên lẫn lộn sự hưởng thụ cái tuyệt đối do con người sản sinh ra một cách ý thức với tình cảm thụ động về tính đồng nhất chung chung của vạn vật. Ở một nơi như Ấn Độ, thứ cảm thức sau tương ứng với loại trình độ kỹ thuật lạc hậu và bất lực, không làm chủ nổi thiên nhiên phong phú (Chú thích của Trần Đức Thảo)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)