Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời. Hiển thị tất cả bài đăng

8/6/09

Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời

Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời

07/06/2009 | 6:00 sáng |

Tác giả: Vũ Văn Dzi

Chuyên mục: Đời sống
Thẻ: Người Việt tại Mỹ

Sau đúng một năm “rửa tay gác kiếm, giã từ võ khí,” tôi mới có dịp nhìn lại những thời gian qua kể từ lúc ban đầu chập chững làm lại cuộc đời cho tới lúc hoàn tất nhiệm vụ và trở về với những điều ước mơ của thời xa xưa.

Một số anh em bác sĩ chúng tôi thuộc khóa tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn trong những năm 1967, 1968 và 1969 quyết định tổ chức họp mặt lần đầu tiên tại Bắc Mỹ. Con số gần 200 người tham dự chứng tỏ là nhu cầu gặp lại nhau để cùng chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc sống tại hải ngoại rất lớn. Sau biến cố 1975, có thể nói là 95 phần trăm giới bác sĩ miền Nam đã tìm đường ra ngoại quốc để sinh sống. Ngoài một số rất nhỏ bạn bè cùng lớp với tôi chọn ở lại như Trần Đông A, Nguyễn Cường Nam, Hồ Tiêm, phần lớn đã làm lại cuộc đời. Có người tương đối thành công, có những người kém may mắn hơn, và cũng có một vài anh em đã mất tích cùng gia đình trên biển cả. Nói chung thì sau những gian nan ban đầu thì một số đã trở về với nghề cũ và một số cũng thành công trong những lãnh vực khác. Mỗi người một con đường khác nhau nhưng có một điểm chung là đại đa số thế hệ thứ hai đều đạt được những thành quả ngoài sự mong đợi của chúng tôi trước khi lên tàu vượt biển.

Khi bước chân tới nước Mỹ ngày 5 tháng 3 năm 1979, gia đình tôi được bảo trợ tới Minesota, nổi danh là “Cái tủ lạnh của nước Mỹ” nhưng lại được giới y học biết đến là nơi có Mayo Clinic nổi tiếng thế giới.

Lúc đầu, tôi cũng phấn khởi lắm. Tôi đã có ECFMG từ năm 1968, tuy văn bằng thì đã đem đi đốt khi được tin công an đến khám xét nhà. Tôi cảm thấy không vội vàng gì phải định cư hẳn ở Minesota, vì nghe tin thời trước các bậc đàn anh trong trường khi sang Mỹ du học đều được thụ giáo tại những trường nổi tiếng nhất: neurosurgery thì đi Yale, pediatrics thì Southwestern, pediatric surgery thì Northwestern, orthopedics thì Mayo Clinic, obstetrics thì Emory, public health thì Johns Hopkins, Harvard. Tôi nghĩ rằng với thân phận mới của một người tỵ nạn, có lẽ người bạn đồng minh Mỹ của mình cũng không đến nỗi nào mà không ban cho một chỗ định cư xứng đáng.

Sau khi nhận được bản sao ECFMG từ Philadelphia gủi về và tôi bắt đầu tìm hiểu việc đi tìm nơi định cư ở Mỹ, tôi nhận được một gáo nước lạnh đầu tiên đổ lên đầu. Theo khuyến cáo của Y sĩ đoàn Minnesota, không một chương trình nào muốn nhận một bác sĩ FMG từ Việt Nam. Trước đó có một vị, sau khi được một ngôi làng bỏ tiền hỗ trợ giúp định cư được một năm, đã cuốn gói đi Michigan để học tiếp thay vì về nông thôn “phục vụ nhân dân” để trả lại món nợ như đã cam kết.

Nản trí, nhưng tôi may mắn được một bác sĩ gia đình người Mỹ cho một tờ JAMA, trong đó có một vài nơi đang tuyển mộ resident tại Chicago, thành phố đất rộng, với hơn 8 triệu dân. Còn dĩ nhiên là Mayo Clinic thì đừng nên nghĩ tới!

Ngay từ bước đầu tôi đã “giác ngộ cách mạng,” chuyển ngành sang Internal Medicine hoặc Family Practice vì ở Mỹ nghề trị bệnh trẻ con không khá, dân Mỹ phá thai nhiều hơn là sinh đẻ và tại Mỹ dinh dưỡng ruợu thịt ê hề thì làm gì có bệnh trẻ con ốm đói gày còm như ở Việt Nam. Đi theo con đuờng Pediatrics thì đói là cái chắc, mặc dù tôi đã được thụ giáo với đại sư phụ Heinz Eichenwald của Southwestern Medical School trong vòng ba năm khi ngài sang gây dựng nền tảng về nhi khoa cho nước Việt Nam trong thời chiến.

Khởi đầu công việc “đáy biển mò kim,” tôi được Bệnh viện Grant mời đến phỏng vấn sau khi nộp xong đơn từ, bản sao lý lịch, thành tích phấn đấu tốt, các bài viết đã xuất bản. Quản giáo Charles Davis mời tôi vào phỏng vấn. Sau khi thăm hỏi qua loa, ông ta đặt ngay một câu hỏi: “What do you do with a chest pain?”

Dĩ nhiên là tôi ú ớ, chỉ biết nói qua loa về bệnh lao phổi, sưng phổi chứ không ai ngờ là trước một trường hợp chest pain (đau ngực) là phải nghĩ ngay đến heart attack (trụy tim), kẻ thù số một của nước Mỹ! Quản giáo lắc đầu bèn hỏi thêm một câu nữa: “What do you do with a case of fever of unknown origin (FUO)?” Tôi tưởng mình trúng tủ bèn sổ một tràng về bệnh sốt rét ngã nước và khoe kinh nghiệm đầy mình về căn bệnh này. Quản giáo thở dài và hẹn sẽ viết thư thông báo sau. Trước khi ra về thì quản giáo khuyên tôi một câu là nên cố gắng học tập thêm về y học của nước Mỹ và hãy quên đi những gì đã biết trước đây.

Sau khi giã từ trường y tại Việt Nam, tôi gia nhập quân đội VNCH với cấp bậc Ttrung uý và sau một năm tại Phú Quốc tôi được ân huệ về vùng đất lành chim đậu, mưa thuận gió hoà là Quân y Viện Long Xuyên, đất thiêng của Phật giáo Hòa Hảo được cả nước biết tiếng là chống cộng sản triệt để vì mối thù giết đức thày Huỳnh Phú Sổ. Anh Cao Xuân Sơn đã giúp tôi rất nhiều nhân dịp này và nhờ thế cuộc đời tôi đã chuyển sang một hướng khác.

Trong suốt 5 năm trời tại đây, công việc chuyên môn chẳng có gì đáng kể. Sáng thì “tả chấm” rồi tà tà đến QYV làm việc tại khu nội khoa. Trưa về nhà tả chấm tiếp, và đến chiều thì lại tiếp tục. Một ngày như mọi ngày, sáng xách ô đi tối xách về, tối rượu sâm banh sáng sữa bò, trong khi cuộc nội chiến Nam Bắc đang đi lần vào một thế trận mới có phần ác liệt hơn.

Nhờ tinh thần rộng rãi cởi mở của BS Trương Ngọc Tích nên các anh em đều làm ăn khấm khá, đời sống thoải mái, trong khi cả nước đều đang lên cơn sốt của thời kỳ “Mùa hè đỏ lửa”, thời kỳ chiến tranh sôi động nhất. Quân y viện Long Xuyên giữ vai trò yểm trợ cho chiến trường Chương Thiện, Thất Sơn, Cà Mâu và Giang Đoàn 26 có nhiệm vụ khai thông thủy lộ sang Cao Miên.

Những lúc rảnh rổi, anh Tích cùng các anh em chơi Domino. Nhưng kể từ khi tôi có cái “tội” đem theo một cỗ mạt chược, nhiều anh em “hủ hóa,” cứ chiều thứ Sáu là rủ nhau “koong” cho đến tận sáng hôm sau. Đôi khi sang cả ngày Chủ nhật phòng mạch bỏ bê. Cho đến cái năm 1975 bi đát đó.

Sau gần 3 năm cải tạo “học tập tốt, lao động tốt,” tôi được thả về làm việc tại Trường Trung học Y tế thành phố với một nhóm sinh viên điều dưỡng, nữ hộ sinh. Nhờ học tập tinh thần của Pavel trong thời gian ở trong trại nên tôi cũng phấn khởi lắm, tin tưởng lắm vào chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giới chuyên viên “ngụy.”

Cũng vui. Vừa làm quản giáo vừa lên lớp nói truyện lăng nhăng, chẳng có mấy khi học tập về chuyên môn vì ban giám hiệu khuyến khích “không nên đọc sách nước ngoài.” Anh Năm Châu chính uỷ nhắc nhở là “các anh đều là một lũ cá mè một lứa cả, cách mạng không đem đi ‘cáp duồn’ là may lắm rồi.” Anh khoe du học ở Poznan (Ba Lan) và thỉnh thoảng cũng tỏ ra thân mật nói về đời sống cao đẹp của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tôi nhẹ nhàng nói là Poznan có một chợ phiên Ba Lan nổi tiếng hàng năm, khiến anh hơi ngỡ ngàng tại sao một “thằng BS ngụy mới ở tù ra” lại biết điều này. Anh quên rằng tại Poznan vào năm 1956 đã có vụ khởi nghĩa đầu tiên chống lại cộng sản Nga đằng sau bức màn sắt. Vào dịp đó, một nhóm sinh viên chúng tôi đã tham gia biểu tình tại Sài Gòn để ủng hộ nhân dân Ba Lan và Hung Gia Lợi.

Bản tính tôi hay nói đùa nên trong một dịp lên lớp cho các nữ hộ sinh giảng về các chứng bệnh sinh lý, tôi quả quyết là ở bên châu Âu và Mỹ có hiện tượng đàn ông lấy đàn ông và đàn bà lấy đàn bà, khiến nhiều em nữ hộ sinh thắc mắc ngay là “đàn bà làm thế nào để giao hợp với nhau” và nhờ ban giám hiệu giải thích. Tôi được mời lên “làm việc” ngay với anh Năm Châu và từ đó cẩn thận hơn về cách ăn nói.

Tôi vượt biên cùng gia đình, đổ bộ lên Marang, bờ biển Mã Lai. Ngày 18 tháng 10 năm 1979 được cảnh sát Mã Lai đem đi giam tại Pulau Bidong, nằm chờ trên hòn đảo “buồn lâu bi đát” đúng bốn tháng rồi được máy bay của Cao Uỷ bốc đi đến cái xứ lạnh Minnesota, còn có tên là xứ Vạn Hồ.

Trong suốt khoảng thời gian mười năm ở Việt Nam sau khi ra trường, tôi gần như không rờ tới một cuốn sách hay tài liệu y học, hoàn toàn mù tịt về những thay đổi và tiến bộ to lớn của lãnh vực y tế trong suốt thập niên 70. Hậu quả hiển nhiên là khi được quản giáo Bệnh viện Grant hỏi về chest pain và FUO, tôi bị “á khẩu” và trật đường rầy ngay tại chỗ.

Tôi trở về nhà đứa cháu tại Chicago. Đang không biết làm gì cho hết thời giờ thì tôi được cháu tôi cho biết là ở Chicago có một bác sĩ Việt Nam rất hào hiệp và hay giúp đỡ mọi người. Đó là anh Phạm Gia Cổn. Anh thường tự xưng là “Cổn L.” Có thể nói là anh Cổn là một trong ba người đã đưa cuộc đời tôi sang một khúc quanh mới; hai người kia là anh Cao Xuân Sơn và anh Trần Quốc Toản. Tôi vừa gọi điện thoại là anh Cổn đã vui vẻ đến tận nơi nhà cháu tôi và đưa cho một tập giấy kết quả “matching program” và khuyên tôi nên dùng Yellow Pages gọi điện thoại ngay tới những nơi còn trống chỗ.

Vẫn dáng dấp của một nhà võ tướng, hào hùng vui vẻ, anh Cổn thực là một anh tài kiểu mẫu trong giới anh em chúng tôi và những thành quả anh đạt được sau này quả thực đáng kính nể.

Matching program là chương trình “tuyển lựa ca sĩ” giúp các chương trình định cư “match” với các sinh viên y khoa mới ra trường. Trung bình mỗi năm giữa con số bệnh viện cần resident và sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường có một sự chênh lệch khoảng từ 7000 đến 10000 chỗ, nên “Đảng AMA” phải chiêu hồi thêm các bác sĩ nước ngoài vào làm việc. Sau 3 năm học tập, “cải tạo” tốt thì được cấp giấy đi thi Board, cái khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một bác sĩ. Tại một vài tiểu bang cần người thì chỉ đòi một năm “cải tạo” hay đôi khi không cần gì cả mà chỉ đòi cái bằng FLEX mà thôi. Nhờ kẽ hở này nên các bác sĩ Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông và sau cùng là Á châu như Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Hương Cảng và Việt Nam mới có dịp đổ vào Mỹ để kiếm sống và làm lại cuộc đời.

Các BS Ấn Độ đông đảo hơn cả. Cũng dễ hiểu vì tại Ấn Độ có hơn 200 đại học y khoa , con số đào tạo dư thừa đổ đi không hết, nhiều như “cát sông Hằng” và họ cũng học thực tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh, nên sang Mỹ họ như cá gặp nước, hổ về rừng, thành công mau lẹ và cứ thế lớp đàn anh dẫn lối chỉ đường cho đàn em, khiến hiện nay con số bác sĩ Ấn Độ FMG tại Mỹ lên tới khoảng trên 70000 vị và nếu kể cả lớp con cháu tốt nghiệp ở Mỹ thì có thể lên tới 100000 người. Ấn Độ tuy có quốc ngữ là tiếng Hindi nhưng phe miền Nam không muốn dùng và chọn tiếng Anh làm gốc nên họ nói tiếng Anh rành rọt, đúng giọng Oxford, Cambridge. Vì cả nước có tới hơn 400 ngôn ngữ khác nhau nên người Ấn, Pakistan bắt buộc phải dùng tiếng Anh để giao thiệp. Và khi sang Mỹ, họ không hề có “communication problems,” trong khi đây là một vấn nạn đối với phe ta.

Khoảng thời gian sau ngày 15 tháng 3 (thời gian hoa anh đào nở ở Washington), là ngày công bố kết quả matching nên có một cuộc chạy đua vô cùng ác liệt giữa các FMG vào những chỗ unmatched. Chỉ trong vòng vài ngày là các chỗ này được các FMG nhảy dù vào chiếm cứ ngay. Nhiều FMG Ấn Độ khôn ngoan vào “nằm vùng” phục kích từ trước tại các thành phố lớn, làm việc tại những cơ sở research chờ đợi thời cơ.

Nếu không có tập tài liệu của anh Cổn thì có lẽ cuộc đời tôi đã đổi sang một chiếu hướng khác. Năm 1979 là một năm đặc biệt vì kỳ thi VQE ra đời và đã chặn lại các FMG nhưng khoan hồng cho những người thuộc diện “tỵ nạn” nên con số dư thừa unmatched khá nhiều, tôi chỉ cần ECFMG là được chiếu cố ngay. Tôi bèn ở nhà gọi điện thoại tới một số chương trình thì đều được mời gửi hồ sơ lý lịch để được xét cứu rồi hẹn đến cho quản giáo xem mặt.

Đến Chicago Medical School (CMS), tôi được “chính uỷ” của chief program là Harvey Cantor mời đến phỏng vấn ngay. Ông còn chỉ đường đi nước bước tới tận nơi tại North Chicago, và sau khi xem xét hồ sơ, thấy tôi có giấy giới thiệu của đại sư Eichenwald, mời tôi ký hợp đồng ngay tại chỗ, không hỏi han thêm gì cả! Dĩ nhiên là tôi ký cả hai tay, ra về thông báo cho vợ con để khăn gói sang Chicago, còn có tên là thành phố giông gió (Windy City), quê hương của Al Capone.

Về nhà, tôi bán tin bán nghi. Tại sao họ lại nhận mình quá dễ dàng mà không kiểm chứng tài năng võ nghệ gì cả? Nếu đem ra mổ xẻ thì quả thật sau mười năm gián đoạn, sự hiểu biết của tôi về y học chưa bằng một sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường và dĩ nhiên tôi không thể nào so sánh được với một bác sĩ Ấn Độ trẻ trung mới ra trường, sinh lực dồi dào, Anh văn lưu loát, văn võ kiêm toàn.

Tôi đã mất đi những khoảng thời gian quý báu nhất của một đời người, khi mà trí óc sung sức nhất để khảo cứu, học tập. Tôi giống như một cây cam, cây quít đem trồng vào mùa Thu, mùa Đông thì làm sao có thể sinh ra được những bông trái ngon ngọt? Thời gian ở Quân y Viện thì giỏi koong mạt chược, còn trong trại cải tạo thì rành rẽ các thế cờ tướng hóc hiểm, nghiên cứu tử vi đẩu số, cầu cơ giáng bút, yoga ngoại cảm, xem chỉ tay. Trong khi đó thì ở bên ngoài y học đang có những bước tiến nhảy vọt. Tâm trạng cũng như sự hiểu biết của tôi giống như một người từ cung trăng trở về trái đất sau mười năm xa vắng.

Buổi giao ban đầu tiên tại bệnh viện, tôi đúng như “vịt nghe sấm” trong khi người PGY 1 Ấn Độ bạn tôi trình bày lưu loát như nước chảy mây trôi, hai tay không cần cầm giấy (đó là một hình thức chứng tỏ nắm vững vấn đề, vì khi giao ban có một quy luật là các PGY 1 không được cầm giấy đọc giống như kiểu thày Trần Vỹ dạy physiology). Nhìn qua nhìn lại thì tôi thấy từ năm thứ nhất, thứ hai cho đến năm thứ ba và các fellow cũng toàn là Ấn Độ hay Pakistan, Trung Đông, nên tôi nói đùa sau khi giao ban rằng “đây là Đại học Y khoa Bombay.” Nhưng hai năm sau, khi tôi giới thiệu được gần tám, chín anh em vào Chicago Medical School thì các anh bạn Ấn Độ của tôi lại nói kháy trở lại rẳng “đây là Đại học Y khoa Sài Gòn.”

Trong một dịp tâm tình với người chief resident Ấn Độ, tôi có dịp hỏi chương trình tại Chicago Medical School có tốt không và tại sao anh lại làm việc ở đây. Anh ta chậm rãi nói “nếu tốt thì nó đã không nhận tao và mày, nhưng thôi hãy cố gắng đi, xong đủ 3 năm thì mày tha hồ ra trường hành nghề không khó gì đâu. Những chương trình như Northwestern, Rush, họ không cho phép mày nộp đơn với cái thân phận FMG.”

Khi thực dân Anh chiếm vùng tô giới Thượng Hải, ngoài cửa câu lạc bộ dành riêng của họ có tấm bảng “Nơi này cấm chó và người Tàu.” Cũng như vậy, một số chương trình residency nổi tiếng ở Mỹ có lập trường “we do not take FMG”, thư gửi đến bị trả lại không thèm mở vì nơi này cấm chó và cấm FMG.

Tôi hiểu ngay là sau khi “nước Mỹ tháo chạy khỏi Việt Nam” thì chúng ta chỉ là những thành phần rơi rớt mà người Mỹ đồng hóa với một cuộc chiến mà họ đang muốn quên đi. Chúng ta không còn có một chỗ đứng như trước năm 75 của một người bạn đồng minh thân thiết. Dưới thời Eisenhower và Kennedy, nước Việt Nam được coi là tiền đồn chống cộng sản trên thế giới. Nước Mỹ theo truyền thống của Lord Palmerston, nhà ngoại giao Anh trong thế kỷ 18, là “không có bạn trăm năm và cũng không có kẻ thù truyền kiếp mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn mà thôi.” Sau khi phủi tay, cuốn cờ ra đi thì người Mỹ không còn đoái hoài gì đến thân phận một FMG Việt Nam.

Nhưng tôi bèn cãi lại anh bạn Ấn Độ, “thế thì thế hệ con cháu của chúng ta thì sao? Liệu có cái trò ba đời làm cách mạng mới được học lái phi cơ Mig không?”

Anh BS Ấn Độ gật gù nói: “Hãy yên tâm. Nếu con mày là một American graduate chính hiệu con nai thì ‘the sky is the limit’. Hãy cố gắng khuyến khích nó học đi, hãy dạy và nhắc nhở nó cái gương nhọc nhằn của đời cha, đời ông để rồi trả thù dân tộc. Không sao đâu, đời cha không được thì đời con phải được. Người Mỹ có gì hay ho đâu, còn chúng ta đã có những truyền thống văn hóa lâu đời từ cả chục ngàn năm về trước. Đừng ham làm giàu làm gì. Nghề bác sĩ ở Mỹ không bao giờ chết đói cả và y nghiệp Mỹ cũng không có cái truyền thống cứu nhân độ thế của chúng ta đâu, chỉ là một thứ business mà thôi. Còn danh vọng hả, không ai cho phép mày làm research hay làm quản giáo giảng dạy cho lũ sinh viên y khoa Mỹ bạc bẽo đâu! Người Mỹ chỉ quen nhìn chúng ta như những tên bác sĩ nghèo ăn nhờ ở đậu chứ không thích chúng ta lên làm thày của họ. Còn khảo cứu và báo cáo khoa học thì mấy bài viết trước đây của mày về sốt xuất huyết có giá trị gì đâu. Những bài như vậy bên này nhiều như rừng. Họ chỉ muốn chúng ta hãy giữ vai trò của thằng mọi Tonto đi hầu đằng sau the Lone Ranger phong lưu mã thượng trên lưng ngựa, hai tay hai súng. Hãy an phận thủ thường, nín thổ qua song để cho qua ngày đoạn tháng. Ngay như tao đây, sau khi có được một số vốn kha khá thì tao sẽ về Florida mở một vài cái motel cũng đủ sống thỏa thuê suốt đời.”

Quả thật ngày nay tôi thấy đa số các thế hệ thứ hai, thứ ba của các bạn tôi đều xuất thân từ những nơi như Mayo Clinic, Harvard, Dartmouth, Massachusetts Institute of Technology, Emory, Johns Hopkins, Stanford. Những anh tài trẻ trung Việt Nam ở Mỹ ngày nay nhiều như sao trên trời, ra đường ngoài ngõ đâu đâu cũng gặp anh hùng. Chúng ta không uổng công khi sang xứ Mỹ làm lại cuộc đời, dù rằng chỉ là những bậc thang lót đường cho các thế hệ mai sau.

© 2009 Vũ Văn Dzi

© 2009 talawas blog