Hiển thị các bài đăng có nhãn Cầm quyền cầm ly và cầm bút. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cầm quyền cầm ly và cầm bút. Hiển thị tất cả bài đăng

1/4/09

Cầm quyền cầm ly và cầm bút

Cầm quyền cầm ly và cầm bút

31/03/2009 | 12:00 chiều |

Tác giả: Tưởng Năng Tiến

Chuyên mục: Tạp văn

Ông Phạm Xuân Nguyên - qua một cuộc phỏng vấn thực hiện bởi talawas, vào ngày 24 tháng 4 năm 2005 - tuyên bố “ở Viện văn chỉ có bà bán nước và tôi là không tiến sĩ.” Tôi cũng thế, cũng thuộc loại “không tiến sĩ,” mẹ tôi cũng bán trà đá - và cũng chả có bằng cấp gì ráo trọi - nên không dưng mà đâm ra thấy gần gũi, yêu mến cái ông họ Phạm này quá xá!

Mối hảo cảm này - tiếc thay - tôi đã không giữ được luôn, và cũng chả giữ được lâu. Chả bao lâu sau, vào ngày 17 tháng 10 năm 2008, trên mạng của Hội Nhà văn Việt Nam, xuất hiện bài viết về “Cái hèn” của người cầm bút của ông Phạm Xuân Nguyên . Đọc xong (cái) tôi… bị quê ngang, và mất gần hết tình cảm (chứa chan) đã dành cho đương sự.

Ông ấy nói, rành rành, thế này đây:

“Cái hèn này, gần đây, đã được một số người nói đến khi nhìn lại một giai đoạn văn học vừa qua. Nhưng tôi có cảm tưởng các tác giả đó chỉ mới đủ dũng cảm để dám nói về ‘cái hèn’ của mình do từ bên ngoài mình đưa tới mà thôi. Nghĩa là hoàn cảnh, không khí của một thời không thuận lợi cho người cầm bút, buộc họ luôn phải sợ hãi, nơm nớp cho số phận mình, phải dè dặt, canh chừng cho ngòi bút mình, từ đó đưa đến ‘cái hèn’ của nhân cách người viết. Người khác làm cho mình sợ mà trở nên hèn! Hoàn cảnh của đời sống văn học trước đây bị phê phán chính từ phía này. Điều đó đúng nhưng không đủ. Và sẽ là thiếu sót, sẽ là không toàn diện, nếu các bài viết quá khứ chỉ bằng lòng dừng lại ở mức độ phê phán cái bên ngoài, hoàn cảnh bên ngoài như vậy… Nói đến tình trạng kém phát triển của văn học ta giai đoạn trước không thể không đụng chạm đến chính ngay sự kém cỏi của người cầm bút. Sự kém cỏi đây tôi muốn nói là ‘cái hèn’ do chính người cầm bút tạo nên cho mình. Mình tự làm hèn mình!”

Nói cách khác, và nói tóm lại, cứ theo như ông Phạm Xuân Nguyên thì dù lâm vào hoản cảnh nào cũng mặc, người ta vẫn cứ nên sống cho nó thật đàng hoàng (hoặc ít ra thì cũng phải “đàng hoàng chút đỉnh”) chớ không vì lý do gì để có thể trở nên bệ rạc, bết bát, bê tha, bê bối và …hèn nhát quá!

Quan niệm như vậy, tất nhiên, không trật. Tuy thế, khi nhìn kỹ vào bối cảnh xã hội đã gây ra “tình trạng kém phát triển của văn học ta giai đoạn trước,” tôi e rằng ông ấy (có phần) hơi khe khắt với kết luận rằng “cái hèn do chính người cầm bút tạo nên cho mình. Mình tự làm hèn mình!”

Coi: ở cái gọi là “giai đoạn trước” đó, thực phẩm hoàn toàn đều do Đảng CSVN độc quyền quản lý. Và chính nó đã treo bút, cũng như treo niêu, không ít người cầm viết:

“Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mặc Lân, Lê Bầu. Nếu hạn hữu có in cũng không được ký tên hai người… không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt.

Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…

Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…

Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:

Chính Yên!

Phan Kế Bảo!

…..

Phương Nam!

Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời gian gấp ruổi“. Viết về bè bạn. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006. 65 - 67)

Và đến “bước đường cùng” thì mới thấm thía hương vị của một tô phở. Nó có thể làm cho khách qua đường phải ứa nước miếng, và (đôi khi)… nước mắt:

“Ngày ấy từ quê ra đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở. Nhưng khi lục túi chỉ còn ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt, nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở.” (Bùi Ngọc Tấn. Vũ trụ không cùng. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2007. 32).

Nói tóm lại là… nghèo, túng, và đói. Nghèo đói, thiếu hụt - tất nhiên - phát sinh ra rất nhiều hệ lụy: nghèo khốn, nghèo khó, nghèo khổ, nghèo hèn… Cái nghèo (cùng với những thuộc tính thổ tả của nó) khiến cho người ta phải sống (thường trực) trong một tình trạng hoang mang và bất ổn - theo như nhận xét của bà Phạm Thị Hoài:

“Bởi vì ngoài cái nghèo và lạc hậu, thì đến đầu thế kỷ 21 này xã hội Việt Nam còn là chỗ hội tụ của những dịch bệnh dường như vô phương cứu chữa khác mà bao trùm lên tất cả là một khái niệm, tôi đặt tên khái niệm đó là sự bất an… Người ta có thể nghèo, nhưng nếu người ta có được một cảm giác an toàn nhất định, điều đó quan trọng hơn. Nếu không có cảm giác ấy thì người ta chỉ có thể miễn cưỡng sống tạm cuộc đời của mình và đương nhiên không có một động cơ nào đủ mạnh để sống tiếp cuộc đời của những thế hệ trước, sống trước cuộc đời của những thế hệ sau và sống chung cuộc đời của những kẻ cùng thời. Nói như thế thì xã hội Việt Nam là một tập hợp tạm bợ, rời rạc và hoàn toàn không hữu cơ của những cá nhân hoang mang và bất ổn.”

Sau đây là một hoạt cảnh (tương đối) đỡ “hoang mang” nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, vào “giai đoạn trước” đó, qua ngòi bút của Tô Hoài:

“Hội Nhà văn Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. Ấy là việc dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế.

Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào. Hai trăm cái xe lăn cả vào kho Bộ Thương nghiệp. Nguyễn Tuân hỏi mắng Nguyên Hồng:

- Đóng trò xong rồi, dắt mẹ nó cái xe ấy đi, đứa nào làm gì được!

Nguyên Hồng cười vuốt râu, đánh trống lảng…” (Tô Hoài. Cát bụi chân ai. Hà Nội: Hội Nhà văn, 1992)

Dù túng thiếu, nghèo đói, bất ổn, hoang mang đến thế, “các ông mỗi người đã ghánh cây thập ác đi trọn đường trần ai của mình.

Không vứt xuống

Không chạy trốn.

Không ngã gục.

Không dừng bước

Và dẫu không là Chúa, các ông đã được phục sinh“

(Phạm Xuân Nguyên. “Một kiếp bên Trời“. Viết về bè bạn. Ed. Bùi Ngọc Tấn. NXB Hải Phòng, 2003. 296).

Nhưng sức Chúa, cũng như sức người, đều có hạn thôi chớ bộ! Thỉnh thoảng cũng vấp ngã (chút xíu) thì đã sao cơ chứ?

Đã thế, người ta còn phải ngụp lặn trong một bối cảnh xã hội mà “không có nhân cách người ta vẫn sống. Thậm chí còn sống béo tốt hơn” (Hà Sĩ Phu. “Chia tay ý thức hệ“. Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. California: Thế Kỷ 21, 1966. 207).

Thời phải thế. Thế thời phải thế. Sĩ mãi để cho chết à. Mà muốn không hèn, không sợ, bộ dễ chắc?

..........

Nói tóm lại sợ là tình trạng chung của cả nước, không loại trừ ai - dù là cầm rìu, cầm rựa, cầm liềm, cầm cầy, cầm quốc, cầm dùi, cầm phấn hay… cầm súng!

Ủa, cầm súng mà còn (phải) sợ gì ai nữa - cha nội ? Tưởng vậy thôi chớ không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Cỡ người hùng Điện Biên đang cầm quân mà chúng bắt cầm quần, cũng phải lật đật… cầm liền (và cầm chắc) mà!

Vậy chớ dân cầm ly thì sao?

Sao cái con cặc gì! Đ… mẹ, tụi tui say chớ đâu có điên mà không biết sợ - mấy cha?

Vụ này, ông bạn đồng nghiệp (cầm chai) của tôi - Bùi Minh Quốc - cũng đã thú nhận lâu rồi. Tụi này là dân nhậu, chớ có phải dân biểu (quốc hội) đâu mà phải giấu diếm hay lấp liếm mọi chuyện:

“Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu

Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên

Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu

Thi nhau bốc phét để quên hèn.”

Mà Nguyệt Nga, nói tình ngay, dù sao cũng là một cô gái đã trưởng thành. Còn biết bao nhiêu đứa bé thơ Việt Nam khác, đang bị dầy vò ở khắp mọi nơi trên thế giới - cũng đau đớn “xé trời kêu chẳng thấu” - nhưng có thấy ông (hay bà) tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, tu sĩ, nhân sĩ, ca sĩ, chiến sĩ … nào lên tiếng thắc mắc hoặc khiếu nại gì đâu.

Nói tóm lại (lần nữa) thì hèn - “ở giai đoạn trước” - là một cơ hội đồng đều (equal opportunity) không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo, sắc tộc, hay thành phần xã hội. Như thế, cớ sao ông Phạm Xuân Nguyên chỉ lườm nguýt cái đám cầm viết mà lại không nói một lời nào với bọn cầm quyền.

Cái được gọi là “giai đoạn trước” đã qua. Cái thời mà chúng ta phải đổ lỗi cho nạn nhân thay vì chỉ tay vào mặt thủ phạm (tưởng) cũng qua luôn rồi chớ?

© 2009 Tưởng Năng Tiến
Create PDF

Phản hồi

1 phản hồi (bài “Cầm quyền cầm ly và cầm bút”)

1.
Trần Văn Tích nói:
31/03/2009 lúc 3:00 chiều

Sợ là một phản ứng tự vệ, một phản xạ sinh tồn. Sartre từng bảo: “Tất cả mọi người đều sợ hãi, tất cả. Người không biết sợ vốn không bình thường. Điều đó chẳng ăn nhằm gì đến sự can đảm.” Không phải chỉ “giai đoạn trước” mới tạo nên chứng sợ nơi người cầm bút. Thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng nói nhiều đến sợ. Nhưng trong giai đoạn phong kiến phản động và lạc hậu, Nguyễn Du sợ một cách bình thường, Nguyễn Du sợ một cách rất người; còn trong “giai đoạn trước” cách mạng và tiến bộ thì người ta sợ một cách bệnh hoạn, người ta sợ một cách rất gì cũng không biết nữa. Nhưng có khi đó cũng là một cái… may cho dân tộc. Vì theo đông y, khủng thương thận, sợ hãi quá mức háo thương thận khí, khiến tinh khí bị nén xuống không nâng lên được, cho nên dân gian mới nói sợ đến vãi đái, sợ đến són đái. Vì sợ quá thì thận khí suy nên dân ta… bớt được nạn nhân mãn. Âu đó cũng là một thành công trong rất nhiều thành công, đại thành công khác.

source : talawas 2009