Hoàng Cầm
Về Kinh Bắc (1959-1960)
Mục lục
Về Kinh Bắc bài nào cũng buồn – Tâm tình với bạn đọc talawas
Dâng
Nhịp một - Khấn nguyện
Nhịp hai - Kiếp trước
Nhịp ba – Rũ bụi gia phả
Nhịp bốn - Rồi cùng đi tất cả
Nhịp năm – Còn em
Nhịp sáu - Điểm trang
Nhịp bảy - Rồi lại đi
Nhịp cuối - Về với ta
Xong cuộc tuần du
Vĩ thanh
Về Kinh Bắc bài nào cũng buồn
(Tâm tình với bạn đọc talawas)
Tập thơ Về Kinh Bắc (NXB Văn học 1994) không được nêu tên trong danh mục những tác phẩm được Giải thưởng của Nhà nước Việt Nam lần thứ V, nhưng trong các tập thơ Bên kia sông Đuống (NXB Văn hoá 1993), Lá Diêu bông (NXB Hội Nhà văn 1993), 99 tình khúc (NXB Văn học 1999) được nêu trong giải thưởng, có rất nhiều bài nằm trong bản thảo Về Kinh Bắc, trong đó có đủ những bài thơ chủ yếu bị quy kết là phản động hồi những năm đầu thập kỷ 1980 (“Cây tam cúc”, “Lá Diêu bông”, “Quả vườn ổi”…). Để bạn đọc có dịp đọc toàn bộ tập thơ đã trở thành một di sản văn hoá nước nhà trong bản chính thức của nó, chúng tôi đã đề nghị chính tác giả Hoàng Cầm cung cấp tài liệu. Nhà thơ đã vui vẻ nhận lời và nhân dịp này, có đôi lời tâm sự với bạn đọc.
talawas
Về Kinh Bắc ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Vào cuối những năm 1950, bốn anh em chúng tôi (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) sau khi đi lao động cải tạo về, vẫn nằm trong thời kỳ bị kiểm soát chặt chẽ. Nói cho đúng thì riêng tôi không phải đi lao động, (không biết vì lý do gì mà những nơi Hội Nhà văn liên hệ để đưa tôi đến lao động đều không nơi nào chịu nhận, thế là tôi thoát!) trong khi Lê Đạt thì đi Phú Thọ, Trần Dần đi Thái Nguyên. Và nói về sự kiểm soát thì tôi cũng được thoải mái hơn hai anh ấy. Tôi cứ việc ở nhà trong khi Lê Đạt và Trần Dần thì tất cả các buổi sáng phải đến ngồi ở Hội Nhà văn. Chỉ uống nước chè, tán chuyện, cười ha hả thôi, nhưng vẫn phải đến. Nhưng việc in ấn thì dứt khoát là không được phép. Trong tình cảnh ấy, tôi đề xướng với các bạn: lúc này chính là lúc bọn mình phải để tâm vào việc phá ra về thi pháp, phải phá ra khỏi kiểu thơ Tố Hữu, hay nói rộng ra là kiểu thơ cũ mà mình đã chán ngấy. Thế là bốn anh em thống nhất về đường lối sáng tác. Từ đấy hai anh Trần Dần, Lê Đạt ở Hội Nhà văn sáng sáng chỉ tán chuyện một lúc rồi mỗi người yên lặng cắm cúi viết lách. Trần Dần viết Cổng tỉnh dựa vào những kỷ niệm thời thanh niên ở Nam Định. Lê Đạt thì những kỷ niệm ở Yên Bái (thân phụ của anh làm xếp ga ở đó) cho anh loạt thơ sau in trong Bóng chữ. Đặng Đình Hưng, với sự "đỡ đầu" (dùng đúng từ anh nói) của Trần Dần, cũng viết được những bài thơ mới hẳn, lâu lâu anh lại đến khoe, rất hào hứng. Tôi rất thích những bài thơ ấy của Hưng, và học tập được khá nhiều ở tinh thần mới mẻ của anh.
Riêng tôi, như đã nhiều lần tự bạch, tôi viết Về Kinh Bắc hoàn toàn nhờ chìm đắm vào những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi luôn nghĩ rằng: với bất cứ anh thi sĩ nào, cái thời kỳ từ 5 đến 15 tuổi là thời kỳ quyết định hơi thơ, cốt cách thơ của cả đời anh ta. Từ năm 4 tuổi đến 14 tuổi (lúc đỗ certificat [1] ), tôi sống ở một phố nhỏ trên đường quốc lộ 1, cách thị xã Bắc Giang 6 km. Mười năm ấy ăn vào mình nhiều nhất. Chỗ tôi ở là một con phố đìu hiu, lèo tèo vài hàng quán, ông thân sinh tôi mở hàng thuốc bắc ở đó, còn mẹ tôi thì có gánh hàng xén. Cái phố ấy vẫn có phong vị nông thôn với rặng tre, cây đa, con đường đất nhỏ, lại có tí văn minh với cảnh ô tô, tàu hoả, tôi hay ra ga xem khách lên khách xuống, tàu đến tàu đi. Những đêm trăng cô hàng xóm thích hát xướng tập họp bọn trẻ trong phố ra giữa đường hoặc cái bãi rộng sau ga hát trống quân, cò lả…
Có lẽ vì thế mà toàn bộ tập Về Kinh Bắc chìm trong cái buồn, cái buồn của sự hoài vọng quê hương, bài nào cũng buồn, câu nào cũng buồn. Hồi trong Hoả Lò [2] bị buộc phải viết kiểm điểm về tập thơ này, tôi cũng dễ dàng thừa nhận là tập thơ buồn quá. Nguyên cái buồn ấy hình như đã là chống lại đường lối văn nghệ của Đảng rồi, vì Đảng yêu cầu văn nghệ phải khấn khởi tươi vui. Nhưng ngoài cái đó ra, tôi còn phải nhắm mắt tự nhận tội với những từ nặng nề nhất như phản động, chống Đảng. Có điều tôi cũng viết rất khéo sao cho nếu bản kiểm điểm sau này được công bố thì bạn bè và công chúng cũng thấy đó là sự nhận tội không tự nguyện, nhận mà là không nhận. Thí dụ như tôi dẫn chứng câu thơ "Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa" là rủa Đảng, bài thơ “Lá Diêu bông” và một số bài khác là mang tính chất tư sản, than thở số phận con người, qua đó thấy cuộc sống thất vọng quá, buồn quá, những ước nguyện đẹp nhất đều không thực hiện được.
Sau khi tôi ra tù, không ít bạn trách tôi vì sao lại nhận tội như thế? Có phải là hèn quá chăng? Nhưng thực tế hoàn cảnh tôi trong tù rất khốn đốn, sau ba tháng là sức khoẻ suy sụp, nếu kéo dài thêm hai tháng nữa thì có thể chết trong tù. Vì vậy, trước sức ép ngày đêm của những người công an thụ lý và những hứa hẹn của họ, tôi suy nghĩ: phải giữ cái mạng của mình cái đã, phải tồn tại, phải sống, còn tác phẩm của mình chẳng đi đâu mà mất, nó còn hay không là do nó, nó có giá trị thì nó sẽ tồn tại. Cho nên tôi quyết định nhận tội. Khi tôi viết xong bản kiểm điểm (dài 6 trang giấy thếp thì phải), anh công an thụ lý tên N. đọc ngay, và bảo "Tốt quá rồi!". Hôm sau, anh đem đến một cái cassette mới toanh, bảo tôi tự đọc bản kiểm điểm vào máy. Anh cẩn thận dặn tôi phải đọc hết sức tự nhiên, không phải như người bị ép buộc hoặc như đọc dictee [3] . Là một diễn viên kịch, tôi thừa sức để "diễn" theo đúng ý anh. Tôi muốn tỏ ra hết sức ngoan ngoãn, cốt để được về. Tôi vừa đọc xong, anh ta chồm dậy, bắt tay tôi rối rít và cảm ơn cảm ơn hai lần liền, sau đó cho người đi mua phở cho tôi ăn. Anh còn tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đề nghị để Tết này anh được về". Tôi mừng quá, viết thư về cho bà Yến [4] báo tin vui. Thế là suốt những ngày gần Tết năm ấy tôi cứ khấp khởi đợi chờ. Sau này tôi biết bà Yến nhà tôi cũng trong tâm trạng ấy. Sáng 30 Tết bà bắt anh con rể mang xe đến chờ ở cổng Hoả Lò suốt từ sáng tới tối. Nhưng thực tế là tôi không được thả như lời hứa của công an mà ngay mồng 4 Tết thì bị chuyển tới "xà lim bộ" [5] và tiếp tục bị giam, tổng cộng là 18 tháng.
Vì sao lại có chuyện thay đổi như thế? Có phải anh công an tên N. đã nói lừa tôi cốt để tôi nhận tội cho được việc của anh ta? Tôi cũng không rõ sự thực thế nào, cho đến một hôm sau khi đã ra tù, tôi tình cờ gặp một anh công an thụ lý khác (xin phép không nêu tên) ở quán bia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Trông thấy tôi anh mừng lắm, anh mời tôi vào uống bia để tâm sự. Anh nói là anh đã ra khỏi ngành, và anh kể cho tôi một chuyện khá bất ngờ. Chuyện đại ý như sau: Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ [6] gọi công an lên hỏi về vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: "Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm". Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu [7] . Ông lập tức hạ lệnh: "Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!"
Thái độ cứng rắn đến nghiệt ngã của Tố Hữu với riêng tôi cũng như với các anh em Nhân văn-Giai phẩm rất nhất quán. Ngay cả đối với những sáng tác mà anh em chúng tôi tìm lối mới vào cuối những năm 1950 nói trên, ông cũng rất ghét, mặc dù không biết ông có đọc hay không. Lại nói là sau khi bốn người chúng tôi bật ra được thứ thơ ấy, ai cũng mãn nguyện vì đã lộ rõ cốt cách từng người. Riêng tôi thì ngay từ lúc viết xong Về Kinh Bắc, tôi đã tin là nó có giá trị, có đóng góp cho văn học nước nhà. Tuy tôi không dám truyền đi rộng rãi, chỉ cho vài người bạn đọc, nhưng rồi nó được tự động lan truyền, đặc biệt có những bạn sinh viên trẻ say mê nó lạ lùng. Phải nói tình yêu đối với Về Kinh Bắc có cái gì đó rất đặc biệt. Tôi không tin là tập thơ dễ hiểu chút nào, đặc biết là phần Nhịp một với "những đêm ngũ hành" kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Ngay nhà thơ Lữ Huy Nguyên, cố giám đốc NXB Văn học, cũng thú thực với tôi rằng: "Em in cho anh thì cứ in chứ nói thật là em chỉ hiểu được 1/4 tập thơ". Đến anh công an thụ lý N. sau khi tôi nhận tội cũng thú nhận: "Thực tình tôi chẳng hiểu anh nói gì, bây giờ anh khai ra tôi mới biết ý đồ chống Đảng của anh, thì ra anh thâm thuý thật!"
Việc chúng tôi sáng tác những tác phẩm mới nhanh chóng được báo cáo với Tố Hữu. Một người bạn được tham dự buổi họp tuyên giáo mở rộng kể với tôi rằng trong cuộc họp Tố Hữu đã cảnh báo: "Tụi Trần Dần Hoàng Cầm… bây giờ đang thực hiện đúng khẩu hiệu phục xuống sáng tác mà Văn Cao đã khởi xướng. Phải canh chừng và dập tắt ngay."
Đây là lần đầu tiên tôi nói rõ một số chuyện liên quan đến Về Kinh Bắc, nói ra để khép lại những cái đau buồn ấu trĩ của một thời. Bây giờ, tôi xin các bạn thưởng thức nó vượt qua mọi bối cảnh chính trị xã hội, thưởng thức nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đến hôm nay tôi vẫn thấy hài lòng.
Hoàng Cầm
Dâng hương hồn mẹ
Ta con chim cu về gù dặng tre
đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
đưa mây lành những phương trời lạ
về tụ nóc cây rơm
Ta ru em
lớn lên em đừng tìm Mẹ phía cơn mưa
*
Nhịp một - Khấn nguyện
Bưởi Nga My
sao mẹ bắt đèo bòng
Đêm Thổ
Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông
Đê mười tám khúc Văn Giang
Chuông Bách Môn đổ xô gò má
Mây thành thổi lửa
Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân
Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xoã ngủ
thoắt chìm
Gấu đẩy đá Thiên Thai
Đi đâu
Tràng mày xếch vòng cung
bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây
Không gặp người quen
hờ
ngõ cũ
Đêm xuống
làm lầu hoang
Trò chuyện gì ai đâu
Mồ tháng giêng mưa sũng
Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu
Bưởi Nga My sao mẹ bắt đèo bòng
Đêm Kim
Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười
Con thoảng nhớ thoảng quên
Hình nhân má điệp tóc mực tàu
Mắt nghiêng dựa liếp
Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu
Gấm Song Cầu khoác lại áo ngày xưa
Da trứng bóc
phủ bụi tàn nhang
Phía đông kéo cưa xẻ gỗ
Phía tây chầy nện ván thiên
Ông phó may già mười đêm chẳng ngủ
rũ xô gai biển động tìm kim
Kèn già lam ai tập thổi
Gió mất chồi xuân đay nghiến luỹ tre dầy
Năm ba gã trai tập bài lưu thuỷ
Một trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang
qua miếu mưa phùn
Giặc bên sông đã cắm cờ hạ trại
Mẹ đón con rung gậy mía Đường Trèo
Đêm Mộc
Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng
Khế chua vôi bột lòng tay
Tràng pháo ròng thân cau mới bói
Tênh tênh chở đá Ba Vì
Tiếc gì nhau nữa
Lứa ong bầu châm lửa gót chân
Cói Thanh ép mỏng
Bao giờ lim gãy đá tan
Ngủ lại giấc mơ dang dở
Chũm cau căng nứt mạch tằm
Yếm may ba ngày mẹ vá lại
Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm
Súng lệnh gươm đao rậm rịch
Thua
lá màn lay
muỗi ngủ mê
Đêm Thuỷ
Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt
Gài mảnh gương giàn thiên lý đợi tua rua
Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan Âm má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Câu kinh tê tê mười ngón tay măng
Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng rịt lá trường sinh
Gió vào trăm cửa
Gió ra hồng da trinh nữ
Gió vào xanh quan lục
Gió ra vàng thớ mít
ong bay vai áo tiểu thon mình
Thập điện Diêm vương mở hội
trong mắt trẻ lên năm
Trưa hè gãy rắc cành hoa đại
Mái hậu cung bồ các tha rơm
Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân
Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm
Chuối chín cây đổ gục đứt dây bìm
Đêm Hoả
Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa
Ngón tay di sợi chỉ nâu
Mây nồi rang úp chụp đỉnh đầu
Giun đất lòng thòng mỏ con gà trụi
Võng mắc cành hồng chạc ổi
Kiều khàn
dứt giọng nho sinh
... “buông mành...
... Con oanh học nói...”
Vợ xách giỏ cua đồng nghén nước
Hoa thui ngọn bí lông tơ
Đại hạn tháng ba
lá lúa rang châu chấu
Mải dỗ con
Mắt cua nghênh giã cảnh giã người
Càng hy vọng tủa lên trời đợi bão
Chiều cơm suông
Năm ngón tay lằn mông trẻ nhỏ
Trăng lên chém đầu ngọn gió
Cành si bưng chậu máu chát chao
Cuối năm rì rầm tiếng khóc
Chàng ôi ngựa tía võng đào
Chợt mê thét giữa sân
Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng
Máu đổ
Mây đùn
Gió lộng
Sớm mai đi
*
Nhịp hai - Kiếp trước
Giếng ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử
Nắng phù sa
Người thơ kể
Ướm vết chân bãi phù sa sông Đuống
Dựng tre làng Cháy
sạt năm tầng mây lửa rực Phong Châu
Chuột thành than
đen xạm dọc sông Hồng
Kẻ cướp run dưới Rạng-đông-thần-thoại
Người thơ kể
Thiên vương chẳng nói
Lúc gật đầu
vó ngựa đào ao hồ liên tiếp mãi Đông Anh
Thiên vương chẳng nói
Lúc nghiêng tai
cò chở nắng tề phi điệp điệp đằng ngà
Hoa gạo các triền sông
giải lối Sóc Sơn bay
Người thơ kể
Thiên vương chẳng nói
Chân Mẹ còn đê mê cát mịn
Hội Gióng dong chiêng
Bé em về nằm khoanh lòng mẹ
Nghe nghìn muôn năm sau
xoa nắn đôi bầu vú lửa
Sông dài
Cát bỏng
Nắng hồng hoang [8]
Gió lông ngỗng
Lông ngỗng trải bờ lau
Sông Cầu xuôi bến Hát
Rập rềnh Mộ Dạ chiếu tân hôn
Chuỗi ngọc trai ai gửi lễ mừng
Vỏ ốc đổ bờ ao sờ sẫm tối
Bè lông ngỗng ngược sông Hồng mưa lũ
Cổ Loa cú rúc chòi canh
Giếng ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử
I...i...m...m
ứ... !
I...i...m...m
ứ... !
Mất rồi
Mười bảy mười ba
An Dương Vương ôi
Bọt bể bồ hòn
Sương Cầu Lim
Chấp chới lá chè non
Cầu Lim Nội Duệ
The Hà Đông đón kiệu
bỏ quê Xim
Ếch Quế Dương xếp đùi tròn gõ trống
Sáo sậu Phù Ninh
rợp nắng
về Thăng Long
Đá nghển trông con
gục đầu sườn núi Dạm
Lụa vàng xé lộc rắc tro tiền
Đè ngang khói bếp
bặt mùi khoai nướng
Đầu rau nằm sấp toạc môi
Trống Chờ thúc chín tiếng
Chuông Trõ nện ba hồi
Mõ Phù Lưu khua bến đò Lo
Thấy phẩm Huệ xênh xang năm sắc áo
Biết lòng chim sáo chim ri
Gái Cầu Lim Nội Duệ đã đi
Khói Yên Thế
Ngựa Ô-truy lao cầu vồng Yên Thế
Râu cắm rừng quanh ánh mắt sao bay
Ngựa Ô-truy phi một đêm đến cửa Bồ Đề
Bờm nhả khói
Đuôi dựng mây
Hí lửa dài
Vó chồm nghiêng soái phủ
Nhe răng cười
Trai Cầu Vồng Yên Thế đã đi
*
Nhịp ba - Rũ bụi gia phả
Bình pha lê nghiêng rượu
liệm đêm tàn
Đèn nhang 1
Ông già thả gậy
bắc cầu phao vượt bến
bạc đầu lên núi thổi cơm chiều
Tay rẽ lá giở trang vàng diễm sử
Áo Hai Bà dăng mắc
rừng liên miên chi chít mộ Hùng Vương
Gia phả rũ bụi bay mịn chuốt Dó Vân
Cụ tổ mười lăm đời
Cùng ngửa mặt với Trần Bình Trọng
nhận gươm phương bắc chém
Cụ tổ mười đời
lăn đá Chi Lăng
chẹn ngõ Đông Quan cứu viện
gõ ba hồi trống
tuyên giờ tuyệt mệnh Liễu Thăng
Cụ tổ chín đời
mở trang Bình Ngô Đại Cáo
Nơi thôn xa ba chén chúc mừng
Chợt thấy mấy hài nhi khăn trắng
xẵng canh gà thét đuổi đêm đông
Ông tổ năm đời
cáo quan dưỡng bệnh
Tóc trắng bồng bênh trước án
Câu thơ chểnh mảng gối đầu tay
Tia hoàng hôn xuyên kẽ liếp
dở khóc dở cười
Đứa cháu đích tôn vừa qua cơn sốt cuối răng
Ngựa cố tri buộc ngoài ngõ trúc
Hũ rượu hoàng hoa
Hịch bốn trấn
Xé trang Luận Ngữ
lau gươm
lên đường
Đời cha tiến sĩ năm Nhâm Thân
Kéo quân về cửa khuyết
hỏi tội nghịch thần
mắt Chúa đảo thiên
kéo áo che ngai
né mũi kiếm vô hình xốc tới
Phanh hầm nhét vội một vầng dương
Cắn nhọn móng tay
Thơ cùm lim khắc máu
Chợt nghe tin giặc dữ
lấp sông san núi ùa sang
Vùng chặt xích bẻ gông
phá cửa
cướp ngựa Hình Tham tri
phóng lên ải bắc
Dù nghẹn ngào thuốc độc tam ban
đã ngấm tuỷ xương từ chén rượu đêm qua
Đèn nhang 2
Dó lụa lật trang
sang chữ triện quan tài
Bóng người cô ruột
mây uốn hàng cau cúi ngó vành môi
Sông trôi xa còn ngoái về
xem gót chân uyển chuyển
Bao nhiêu núi đồi Kinh Bắc
dịch sườn thông sang xúm xít
quanh hàng mi
nắng đọng hồ trong
Một sớm đi làm vương hậu
Cười rũ cỏ hoa
rè tiếng trống chấp đòn khênh
Xà tích dấu đưa em
Nâng lụa ngang mày câm tiếng khóc
Nhìn mây về ngọn cau
Mái rạ thiu thiu
Đi
bứt lá xanh giữ cỗi cành gầy
níu cuộng lá vàng qua trận bão
Phân kim hạ kiệu
khói ly đoài thoai thoải khúc hành vân
Mấy chục nguyên tiêu
thời trân thưa thớt
Cơn trái nắng kén gì
đúng lúc quả đào rơi
Vua băng hà
Đời hậu tắt sao băng
Sợi tóc trắng quấn vòng Khiêm lăng
chẳng dứt
Rêu lầy vầng trán thuở nào xưa cấy lúa
nghểnh xem diều tầng xanh đảo cánh
Đêm ngủ gối đầu cẩm thạch
Hồn ma đế bá cũng lang thang
đói khát tình thương
Đá Quảng Nam quen lệ nghìn năm lấp sống
Đêm doang tay
mời vương hậu
ngủ chung giường
Chợt nghe tin giặc dữ tràn sang
Bàn tay quấn tóc khô
che mặt
về quê
Chết bên cây ngâu nhòm bể nước mưa đầy
Ngựa 1
Trấn Kinh Bắc vua nuôi đàn lính ngựa
Trăm trận đông đoài chập vút bì tiên
cắt thịt chia da
Nhai cỏ úa lối mòn đường quê chát đắng
Cô gái nhà ai đến đây cắt cỏ
ngửi hơi chồng quanh quất cửa đông nam
Dù gục khóc dưới chân thành
đã mất giải khăn đào hứng lệ
Người đổi kiếp ra mô đất xám
đắp thêm cho vững mái lầu hoa
chiều nổi cung đàn phỉ thuý
thong dong
Trận mạc võng lưng Phiêu-kỵ-tướng-quân
phóng giữa Trường Sơn lớp lớp
san bằng đồi núi lô nhô
Vó sắt lún ba năm cỏ bồng chẳng mọc
Tiếng hí dài
ba lần triều đại đổi ngôi
Khoét thủng sáu lần nhung phục
Đập rập tám lọng vàng đô đốc
cha truyền con nối
đã xơ lơ
Bên cầu lếch thếch trẻ mồ côi
nhớ sữa mẹ gặp con ngựa út
bờm lông còn ướt
đã vểnh tai nghe động trống doanh lâu
nếp nếp áo chầu
ngã rạp
Chiến thư
dùng dắng
tử sinh
Ai gặp lúc tuổi măng háu đá
Óc ngu phu giám mã
chạm yên
đau rức xương hông
quằm gót
thốc ngang sườn quật thây tổng quản
Hỏng rồi
Chiến trường không dụng
Đeo thẻ bài nhà Chúa
ngẩn ngơ gặm cỏ
quanh quanh cửa bắc cửa đông
Nhìn tít mù xa khanh tướng
cờ bay bụi lốc
nghe tin về lái ngựa quận công
xiêm quận chúa tung rung kỳ ngộ
Tiếng hí khải hoàn chìm lịm
Bình pha lê nghiêng rượu liệm đêm tàn
Xương vụn kéo lên gò đống
Cháu bốn đời vỗ mả áp tai
nghe tràng đạc rộn hoang vu
còn thoảng khét mồ hôi
ngày huyết chiến năm Thân
Những Việp-Quận-công Bằng-lĩnh-hầu
đổ xuống bủng beo da thị rụng
Ngựa 2
Có một thời
Tin lửa đến giục thôn vàng ngái ngủ
Giặc tràn sang cỏ rạp ải quan rồi
Đàn lính ngựa vua nuôi
bỗng lừ đôi mắt mỏi
phi dài vệt khói
Cánh dăng dăng quan lộ
áo nẹp vàng lên chín ngọn Hùng Sơn
Đường nắng bay từng đám hoả hoàng
san sát rừng gươm
Gia Bình - Bạch Hạc
tràn lên thốc ngược cờ đốc đồng Kinh Bắc
Trước mặt cào cào rộn cánh
tốc xiêm y trăm sắc cung tần
Trên lưng nắng hạn xém yên cương
Dưới bụng dầm dề cỏ rướn mình
uống nước mưa thổ hoàng bách chiến
Giặc cuồng vắt chân tháo chạy
Đầu lâu lăn lóc vó
vụn xương hàm cắm mốc biên thuỳ
tít tắp
từ Tiên Yên Hà Cối
đến Hà Giang dựng Cổng Giời xanh
Cũng từ thuở ấy
Cô gái quê thả tấm khăn điều
bay nối đường tre liền ngọn thác
bạc phau đổ xuống tự vòm mây
Mắt ướt môi se không nức nở
Răng đen rưng rức
nghiến oán thù tím ngắt
nắng Phong Châu
Cũng từ thuở ấy
lính - ngựa vua nuôi gọi lính - người
Hội vật
Trống lớn Giảng Võ đường
đội bổng vòm trời cao vót
Gió thượng du dội lại
Mưa trung du thốc sang
Bão hạ du dồn vang
Ba hồi chiêng lảo đảo các toà lầu
cong mái đỏ quanh thành
Kỳ xí đêm qua ủ gió
sớm nay thả hết về nam
săn đàn mây bò mộng ngổn ngang
Loa khua nắng thét mời đô lực sĩ
Hiệp trấn rón hia lên đài khảo sát
Tuốt gươm trần trăm vệ sĩ
hai hàng tăm tắp võ hoàng môn
Lệ ba năm nức lòng dòng võ tướng
Vua kén người giỏi tiên phong
vật núi núi lăn
ngáng sông sông gãy
Gái thường dân Kinh Bắc
tìm ai đây giỏi phận làm chồng
hai tay căng sợi chỉ
quỳ ba đêm không mảy động đường tơ
Các ngả đường bụi đùn lốc nổi
Thác người đổ qua cửa ngọ
Cờ xua hết mây đi
toà biếc lắng xem
Trống vẫn thúc
sạt sườn Tam Đảo đổ nghiêng
Loa vẫn rải
núi đồi trùng trùng đi bốn hướng
Chiêng lê thê sông Nhị
dăng dài bãi mía bờ khoai đi
Một khắc cờ im gió đợi
Trai đô ùn đọng ngã tư thành
Ai từng buôn ngược bán xuôi
Chiều hoang rừng xế gặp hùm
liều thân cứu mạng
tránh hổ vồ học được miếng lèo đuôi
Ai xuống bể mò ngọc trai
tặng người yêu dấu
Né đuôi cá mập
bỗng nên tài dụng phép thúc sườn
Ai lên núi chặt ngà voi tiến cống
giỏi khoa vặn chệch hàm răng
Lại kìa ai thuở bé thích trèo cây
giỏi môn vặn cổ
Ai vượt thác tìm vợ xưa tu chùa Yên Tử
tài ngậm hơi phồng bọng ễnh ương
Ai vào núi ba ngày ăn một hạt vừng khô
Chân nhái bén ngáng khoeo mất cựa
Lại kìa ai quen trộm gà bà thím
Miếng nấn đùi trùng tuột các đường gân
Lại có ai từng quen tranh nhan đoạt sắc
tài dùng phép “Chiết yêu điểm huyệt”
Cò bợ tháng tư mổ rút ruột voi già
Loa càng dóng dả
Võ nghệ mười phương
hồi hộp bắc đồng cân
Đây Tổng Dong Võ Giàng vào trước nhất
Nhiễu xanh vắt hông
Cử vạc ba trăm cân
nước đầy
không sóng sánh
Rồi Bá Ngạc Tiên Du
Tư Đang Yên Dũng
Bóp tay vỡ toác đốt tre ngà
nghiêng mình thi lễ
Mắt trầm tư ngó vội khảo đài
mấy giải hồng y phơ phất phấn vua bay
Kia Bảy Kình khét tiếng Yên Phong
gạt dóng tre ngà
cầm tấm mía nhai ròn
thổi bã ngất trời bụi trắng
Đến Ba Ngư Siêu Loại
trề môi khinh vạc lớn
đứng tấn đại bàng
lay voi đá cửa dinh
nhấc bổng
diễu hai [9] vòng bãi rộng
Phong ba động biển reo hò
Gái nhà quan bố nuông
cho giữ dịp
bỗng để rơi dùi trống
nín hơi nghe rần rật
bão liên hồi
trong búp lá măng tơ
Hồi cồng buông trấn lệnh
Từng đôi vào
sư tử vờn quanh
Lên điệu "Bạch hầu đoạt trái"
Sang điệu "Hồng hạc tề phi"
Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu
ngực yếm phập phồng bưởi ngọt
Nhiều nho sĩ bút gài tai nghển ngó
lòng run nghiêng thời vận Trình Chu
Thùng thùng trống chuyển nhịp tơi bời
Nhiễu đỏ bên trái lên
Nhiễu xanh bên phải xuống
Nhoè bụi cuốn
Cột đồng dựng
Núi đá mọc
Ngón chân cày đất ba gang
Vạt cỏ đuôi gà bật rễ
Đất võ đài nhô lên lõm xuống
Chòng chành vạn chiếc mắt thuyền
Cờ xoay hướng chỉ lên tây bắc
Vảy tê tê gạt gió
xô về xem cuộc giao phong
Đã vào trận léo tay tư
Chùm trống rụng rã rời từng quả mõm
Ôi thôi
Bá Ngạc cắn môi vít gót
Bảy Kình nhắm mắt xuống bò
Ba Ngư bạnh quai hàm chơi miếng hiểm
Tổng Dong nghiến răng ken két
giật ngang mạng mỡ
Tử sinh là lúc này đây
Phẩm tước tay vua khua lủng lẳng
Cồng chiêng thoi thóp
Dựng giăng chưa dứt miếng kỳ phùng
Đốt hồng lạp hai hàng cột cháy
ánh lửa loáng lưng gò cật thắt
Mồ hôi người máu nến
rụng song song
Rạng đông
Người toàn thắng bước ra
ức vạn người xem khiếp sợ
Cuộc tàn tản mác cát lòng sông
Đô nhất là ai
quê vùng đâu đó
Vươn tay chạm giời
Tóc hất sao mai
quỳ xuống
vọng về cửa khuyết
lạy hai lạy
Lưng vàng rạp cỏ
Nàng chấm thi khép mắt ngoảnh đi
kén được một người
nụ cười chếch đôi mắt lạ
vồn vã đến
thong dong thua
rồi lửng lơ đi
Vua kén đủ mười hai đô uý
Triệu về kinh ban yến năm đêm
Giọt rượu hồng hoen bố tử
Nâng ngự tửu xuống án rãi thây trăm họ
Một lời khảng khái tung hô
Mai sớm kéo quân đi
nghìn dặm lấn thành xa
Khúc quân thiều còn múa lượn
vành tai sương cóng
Chiều tím bặt sa trường màu giun chết
Thân mười thước đổ ngang rụng ngửa
phơi mồi quạ xúm đen ngòm
Bắp thịt đường gân ngày thí võ hôm xưa
thoắt đã bầy nhầy phân ngựa
Đêm vàng Kinh Bắc
Thuyền ngự đè sen chồm sóng rượu
Phi tần dâng hoa ngoài Thuỷ tinh cung
Lính thú
Lá cơm nếp dâng hương ngày giỗ mẹ
Mười lần khấn gửi nước về xuôi
Lính thú đèo Mây
vươn tay chém nứa
xọc ngang sườn
Gục bên khe Vân tuyền nước đọng
Rừng khô thoảng động gót chân người
quẩy gạo thăm chồng đồn thú đèo Mây
Cô hàng xóm cũ ở riêng
Lạt cánh sen buộc nem lá chuối
cũng gửi quà xưa hội tháng giêng
Góc tuần trăng chưa vợi mặt sông
Đòn gánh đã theo củi giạt
Thúng Nha Kiều nghe nghé mắt xuôi
Cụm tóc lá sung lạt mở
Bến về nghe sợi đập làng xanh
Thôn cũ
đầu sân guốc chiếc nằm nghiêng
Cung quăng đo thân cau
vại nước lưng chừng
Đuôi nắng quệt ngang cành ớt
Lưng trâu mười tuổi ngủ đồng xa
[1]Bằng tiểu học (Certificat d'études primaires) – Chú thích trong bài của talawas
[2]Trại giam của Pháp ở phố Hoả Lò, mang tên Maison Centrale, sau này là trại tạm giam của công an Hà Nội cho đến cuối thập kỷ 1990. Tác giả bị bắt vào đây ngày 20/8/1982 sau khi công an phát hiện có "âm mưu" tuồn bản thảo Về Kinh Bắc ra nước ngoài.
[3]Chính tả (các chú thích đều của talawas)
[4]Bà Lê Hoàng Yến, vợ tác giả
[5]Trung tâm thẩm vấn của Bộ Công an ở ngoại thành Hà Nội.
[6]Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc ấy.
[7]Lúc đó là Phó Thủ tướng thường trực, đồng thời vẫn là người lãnh đạo về văn hoá tư tưởng.
[8]Dị bản: Sông dài sóng đôi/ Mượt mà gò nổi/ Cánh rừng rưng rưng say/ Hồng hoang hương ấm mấy chân trời (bản in ở NXB Văn học 1994)
[9]Bản của NXB Văn học 1994: "diễu năm vòng"
Nguồn: Văn bản sử dụng cho tập Hoàng Cầm-Tác phẩm-Thơ do NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2002. Những chỗ khảo dị trong phần chú thích của talawas dựa trên đối chiếu với bản Về Kinh Bắc của NXB Văn học 1994.