Hiển thị các bài đăng có nhãn Thi ca xứ này. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thi ca xứ này. Hiển thị tất cả bài đăng

3/7/07

Thi ca xứ này -Trần Ngọc Cư

Trần Ngọc Cư

Thi ca xứ này

Chúng ta thường nghĩ rằng ở trong mỗi tâm hồn Việt Nam đều có một thi sĩ, hay nói cách khác, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bầu khí văn hoá ra-ngõ-gặp-thi-nhân. Đầu đời là những câu ca dao mẹ hát ru con, cuối đời là câu kinh tiếng kệ, những lời nguyện cầu, đều là thơ cả. Làm thơ và thưởng thức thơ là một sinh hoạt trí thức phổ biến trong nếp sống văn hóa Việt Nam. Người Việt ta khi ra định cư ở nước ngoài cũng mang theo ít nhiều hành trang văn hoá này, mặc dầu hiện nay lòng yêu thích thi ca chỉ còn được biểu hiện rõ nét ở những người lớn tuổi, nói chung là những người khi rời quê hương cũng đã được trang bị một ít vốn liếng Việt văn, tiếp thu được từ chương trình trung học, khả dĩ cảm nhận thấm thía khi nghe câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời..." của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhan nhản trong các tạp chí bày bán hoặc tặng biếu ở các khu thương mại hoặc trên các báo điện tử của người Việt đều có trang thơ. Trong các cộng đồng người Việt rải rác trên đất Mỹ, nếu chịu tò mò một chút chúng ta cũng có thể phát hiện một số hội thơ. Nắm bắt được tấm thịnh tình người Việt dành cho thi ca, Bill Clinton đã chịu khó soạn bài trước khi sang thăm nước ta vào năm 2000 và ông đã nhắc đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong một bài diễn văn đọc trong chuyến công du này.

Với tình yêu thi ca của một tâm hồn Việt Nam, liệu chúng ta có thể "suy bụng ta ra bụng người" được không? Trong bài này chúng tôi sẽ điểm qua tình hình thi ca hiện nay tại Mỹ, hay đặt vấn đề một cách khác: Người Mỹ có còn thích đọc thơ hay không?

Nói ra thì nghe thật bẽ bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người ở ngoài đường phố hay là một trí thức chuyên gia, thi ca là một loại hình văn chương đang trên đường đi tới chỗ diệt vong. Nàng Thơ đang vào cõi chết, nhưng chẳng mấy ai “sẵn mối động tâm”. Khó mà tưởng tượng được người Mỹ có thể sống trong một thế giới không có phim ảnh, kịch nghệ, hài, tiểu thuyết và âm nhạc; nhưng nếu phải ở trong một thế giới thiếu vắng thi ca thì họ vẫn điềm nhiên theo đuổi hạnh phúc trần thế, chẳng có gì băn khoăn thắc mắc. Sau khi rời ghế nhà trường, là nơi bị cưỡng chế phải học thơ văn, cả hàng chục năm trong cuộc đời trưởng thành của một người Mỹ chưa chắc đã có mấy ai chịu cầm lấy một tập thơ hay một bài thơ để “thưởng thức”. Họ ngại phải động não để giải mã những biểu tượng (symbols) hay ám từ (allusion) rải rác trong một bài thơ. Từ người lao động đến các nhà khoa bảng, chẳng mấy ai có đủ tự tin để kể được tên một thi sĩ lớn hiện đang còn sống, mặc dù ai cũng có thể nói vanh vách tên các cầu thủ, các tài tử điện ảnh, các tỉ phú, các tiểu thuyết gia mà họ hâm mộ. Trong phép ứng xử với giới trẻ, ta lại càng không nên đem thi ca ra mà luận bàn với họ. Xin đừng vội nghĩ người Mỹ không thích đọc sách, mà nên nghĩ ngược lại. Trên ghế đá công viên, trên máy bay, trên các phương tiện di chuyển công cộng, số người có quyển sách trên tay vẫn là con số đáng kể. (Mỗi lần đi xa bằng phương tiện máy bay hay xe lửa, tôi luôn luôn có ấn tượng về không khí yên ắng chung quanh, trong đó đa số hành khách chăm chú đọc sách chứ không chuyện trò trao đổi ồn ào với người ngồi bên cạnh.) Trong tuần báo Newsweek, số ra ngày 5 tháng 5, 2003, Bruce Hexter đã bày tỏ nỗi bức xúc với các nhà thơ: "Là một người đam mê đọc sách, tôi thậm ghét việc đọc thơ. Mỗi lần phải cày qua các ngụ từ, các biểu tượng [trong một bài thơ] là một lần tôi lại thắc mắc là tại sao các ông thi sĩ mắc dịch (the damn poets) không nói huỵch toẹt cái điều họ muốn nói ra.”

Sự chuyển biến trong đời sống văn hóa của xã hội Mỹ trong mấy thập niên qua không có gì thuận lợi cho thi ca. Đã xa rồi cái thời người ta trải chiếu hoa cho các nhà thơ. Hình ảnh thi sĩ Robert Frost được mời đọc thơ trong ngày John F. Kennedy nhậm chức Tổng thống đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của nỗ lực "chiêu hiền đãi sĩ," xiển dương văn hóa, khoa học kỹ thuật, hướng về một “tân biên cương”, qui tụ dưới trướng cuả mình những "bộ óc ưu việt" (“the best and the brightest"). Người Mỹ thường gọi thời kỳ của Kennedy là Camelot, theo tên triều đình Camelot của vua Arthur trong huyền sử nước Anh, với thẩm mỹ và giác ngộ trí tuệ được đề cao và lý tưởng hoá. (Thi ca được coi là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự vận dụng của một tri thức tổng hợp, theo đó người thưởng thức thi ca phải có trình độ nắm bắt những biểu tượng, hiểu được các điển tích, ngụ từ, nhằm giải mã thông điệp của một bài thơ.)

Nhưng bước qua hai thập niên 70 và 80, văn hoá Mỹ trở nên chân phương (prosaic) hẳn ra so với thời kỳ hào nhoáng và đỏm dáng của J. F. Kennedy. Tính hàm hồ, phức tạp và nghịch lý bị thất sủng; trong khi sự trong sáng giản dị được đề cao trong lãnh vực truyền thông. Đây là thời kỳ mà văn hoá Mỹ ôm lấy nghĩa đen hơn là chạy theo nghĩa bóng (the literalization of America). Người ta đâm ra dị ứng với quan niệm “ý tại ngôn ngoại, ý tưởng nằm ngoài ngôn ngữ,” một thuộc tính của thi ca mà trước đây từng được nhiều nhà thơ raogiảng. Như ý kiến của William Butler Yeats (1965-1939), “Những gì có thể giải thích thì không còn là thi ca” (What can be explained is not poetry) hay phát biểu của Archibald MacLeish (1892-1982), “Một bài thơ phải không có lời/ Như là đường bay của chim" (A poem should be wordless/ As the flight of birds). Lối tư duy này của thi ca không phục vụ cho yêu cầu truyền thông đại chúng. Không mấy chính trị gia trong thời kỳ này còn trích dẫn thơ của các thi sĩ đương thời trong diễn văn của mình và một thiểu số rất nhỏ các thi sĩ thành danh cũng dần dần khuất núi hay vắng bóng trên văn đàn. Thật ra thập niên 60 đã chứng kiến sự ra đi của ba nhà thơ lớn là Robert Frost (1874-1963), Carl Sandburg (1878-1967) và Langston Hughes (1921-1967); tiếng chuông chiêu hồn của những vị này cũng là hồi chuông báo tử cho thi ca Mỹ.

Vào khoảng thập niên 90, Nàng Thơ coi như đã trút xong hơi thở cuối cùng trên xứ Cờ Hoa. Độc giả yêu thơ, như phần lớn người Việt ta, chắc sẽ bàng hoàng và cho đây là một phát biểu ngoa ngụy. Dẫu nói thế nào đi nữa, không ai có thể bắt người khác phải tin vào một điều gì mà không cần thực chứng. Thực chứng đó là: trong các loại hình văn học nghệ thuật hiện nay ở Mỹ, thi ca có lẽ là loại hình có số người viết vượt quá xa số người chịu bỏ thì giờ ra để đọc. Có lẽ bất cứ ai cũng viết được một bài thơ "con cóc". Nhưng muốn thưởng thức một bài thơ hay, như đã trình bày ở trên, người đọc phải có một trình độ tri thức tổng hợp và phải có đủ đam mê. Trong thời đại thông tin internet này, không ai có đủ kiên trì để ngồi đọc một bài thơ đến hàng chục lần trước khi âm điệu thấm vào cảm quan và ý nghĩa đi vào tâm thức. Không ai muốn những con chữ đến với mình như nước đổ lá môn; người ta đòi hỏi ý nghĩa một bài thơ phải triển khai mạch lạc, vừa rõ ràng vừa nhanh nhạy. Người đọc muốn một thể văn có tính tự sự (narrative-driven), một loại hình nghệ thuật tự lập (stand-alone art), không đòi hỏi người thưởng ngọan phải có trình độ để nắm bắt một văn cảnh quá rộng lớn như thi ca.

Cuộc sống ngày càng đa dạng và con người bị phân tán mỏng bởi nhiều lực hấp dẫn khác nhau, ngay cả trong sinh hoạt văn nghệ. Điện ảnh, âm nhạc, tiểu thuyết, kịch nghệ, thông tin internet và sự nở rộ các phương tiện truyền thông bằng văn nói đã giành mất chỗ đứng của thi ca. Đối với tuyệt đại đa số độc giả Mỹ, có lẽ thi ca đã làm xong vai trò lịch sử của nó và đang đi vào màn đêm của dĩ vãng. Thi ca được thiết kế cho một thời đại trong đó người ta có đủ nhàn tản và đam mê để trau chuốt, nâng niu, nhâm nhi từng con chữ, mà nhiên hậu đã đưa nghệ thuật này đến dạng thức cao nhất của văn viết. "Thi ca là nghệ thuật lựa chọn và sắp đặt những biểu tượng theo một cách thế có thể kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ và kỳ thú nhất", như William Current Bryant đã nói. Thi ca trên hết là nơi tập trung sức mạnh của ngôn ngữ, có khả năng diễn đạt mối quan hệ thiết tha nhất giữa nội tâm và ngoại giới. Nếu đọc những bài thơ giá trị được viết ra trong thời vàng son của thi ca, nhiều người vẫn cảm nhận sức mạnh đích thực của thi ca - những bài thơ có khả năng đánh động tim óc của người đọc trong những cách thế mà các nhà làm phim hiện nay chỉ biết mơ tưởng mà thôi. Thi ca là phương tiện chuyển tải con người đến những tầng cao của cảm thức, cao hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào có thể làm được trong chức năng này. Nhưng chính trên đỉnh cao, thi ca trở nên cô đơn và đánh mất người thưởng thức, vì thi ca đòi hỏi quá nhiều ở người làm thơ cũng như người đọc thơ.

Nàng Thơ (Mỹ) đã chết, nhưng chẳng phải là với “cảnh hương tàn bàn lạnh” đâu. Trong môn văn ở trung học vẫn còn một mục mà học sinh không mấy ưa, đó là thi ca. Trong văn giới vẫn còn lác đác một số nỗ lực, dù vô vọng, nhằm giành lại chỗ đứng cho thi ca trên bầu trời nghệ thuật Mỹ. Tháng 11 năm 2003 bà tỉ phú Ruth Lilly, 87 tuổi, người thừa hưởng gia tài kếch sù của nhà đại tư bản ngành dược Eli Lilly, đã làm một nghĩa cử vô tiền khoáng hậu là trao tặng 100 triệu đô-la cho nguyệt san Thi Ca (Poetry Magazine), một tờ báo có uy tín nhưng đã từ chối đăng thơ của bà suốt nhiều năm. Nhưng bà không lấy đó làm điều, mục đích của bà là phục sinh một loại hình nghệ thuật đã mất hậu thuẫn và sự quan tâm của quần chúng. Trước khi có được quà tặng này, tờ báo trả nhuận bút mỗi dòng thơ được đăng là 2 đô-la, dù tác giả là một nhà thơ từng được giải Nobel đi nữa. Sự thù lao này quả đã phản ánh lời than thở của thi sĩ Tản Đà ở đầu thế kỷ trước, "Văn chương hạ giới rẻ như bèo." Dù có những tấm lòng vàng như bà Lilly, nhưng không mấy ai tin tưởng tiền bạc có thể thay đổi bộ mặt của một loại hình nghệ thuật không đáp ứng yêu cầu thưởng thức của đại chúng.

Trần Ngọc Cư
12/2006
© 2006 talawas