Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (5). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (5). Hiển thị tất cả bài đăng

19/7/10

Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (5)

Vũ Hoàng Chương
Ta đã làm chi đời ta

....

Bơ vơ

Vừa chân ướt chân ráo về đến Hà Nội đã có tiền tiêu rồi. Số Tử vi của Hoàng có ngôi Thiên Lộc hay sao ấy; để hôm nào tính lại coi!

Tiền thì không nhiều, đối với thời giá; tám trăm bạc giữa thủ đô Hà Nội khoảng 1950-1951, nghĩa lý gì! Nhưng đối với một kẻ vừa hồi cư thì giá trị lớn lắm!

Có tám trăm bạc là thuê được nhà rồi; và cũng sống tạm được rồi. Mặc dầu đến tháng sau lại phải lo tiền nhà, và cái chuyện sống tạm chỉ kéo dài được chừng bảy ngày là kịch liệt!

Đó là số tiền tác giả do Ban kịch Mai Lân trả cho Hoàng. Vở kịch thơ Vân Muội được ban kịch này đưa lên sân khấu Nhà hát Lớn khoảng một tháng trước; sau đó Hoàng hồi cư, vừa kịp để lãnh tiền; đỏ thật! Năm 1944 đã một lần, đến nay lại một lần; vở kịch Vân Muội đóng vai trò “cứu nguy” đúng lúc quá đi thôi! Ban Thế Lữ, ban Mai Lân đều đáng cám ơn cả.

… Thế rồi anh em tìm đến, và Hoàng đi tìm gặp anh em…

Trong số anh em làng văn, Ngọc Giao của Tiểu thuyết thứ bảy ngày xưa có vẻ nhiều thiện cảm với Hoàng nhất.

Nhà văn lãng mạn này vẫn còn viết văn lãng mạn, và có nhiều thế lực ở một vài nhà xuất bản lớn của Hà Nội 1950. Nhưng đồng thời anh cũng trở thành biên tập viên của Sở Thông tin Bắc Việt, nên đã vững lại càng vững hơn.

Thấy Hoàng đi giữa phố Hàng Đào mà nghênh ngang chiếc “ba-toong”, trên mình lại mặc một cái áo dài bằng vải ta nhuộm nước củ nâu; sư chẳng ra sư. Tây thuộc địa chẳng ra Tây thuộc địa, Ngọc Giao liền kéo phăng Hoàng về nhà, lấy ra một bộ quần áo Tây bằng “lên”, màu tím sẫm, có đủ cả “gi-lê”; rồi “sơ-mi”, “cờ-ra-vát”, khuy tay mạ vàng… Cũng lại đủ cả bít tất, giầy “bốt can”. Và cả mũ “fớt” nữa.

Ngọc Giao ngắm nghía Hoàng thay bộ cánh xong; gật gật cái đầu, có vẻ đắc ý lắm.

Thế là Hoàng ra đường, y hệt một dân Hà Nội chính cống, chẳng còn chút màu sắc mùi vị tản cư nào bám vào người.

Ba hôm sau, Ngọc Giao lại tìm đến, reo lớn từ cầu thang, nơi căn gác Hoàng vừa thuê được trên con đường Quan Thánh, đối diện vườn hoa Hàng Đậu:

“Có tiền cho ông rồi!”.

Thì ra ông bạn quý của Hoàng đã mách nước cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh xin tái bản tập thơ Mây. Tác quyền định là hai ngàn đồng; hãy đưa một ngàn trước, còn một ngàn nữa đưa sau, rất có thể ngay khi sách lên khuôn chữ.

Đang nằm dịch bài Tương tiếu tửu, phân vân chưa biết dịch đoạn cuối ra sao:


Ngũ hoa mã, thiên kim cừu
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.


Hoàng nghe câu chuyện của Ngọc Giao, liền nổi hứng, dịch luôn thành bốn câu thơ Song thất lục bát:


Ngựa hoa đấy, áo cừu cũng đấy,
Gọi trẻ đem đổi lấy rượu mau!
Ta cùng ngươi, lại cùng nhau
Uống cho ngàn trước ngàn sau tan buồn [1] .



*

Tuy “ngàn sau” chưa đến, nhưng có “ngàn trước” trong túi, cũng là oai lắm rồi, Hoàng vững bụng dời nhà tại Hàng Điếu, và đi tìm cố tri.

Đỗ Quân – người phiếm du Kinh Bắc hồi xưa – lúc này cũng đang có mặt ở Hà Nội, thuê nhà ở trại Trung Phụng, xóm Khâm Thiên, đúng ngôi nhà của họ Đinh trước mới là quái ác chứ!

Hỏi tin các bạn hầu hết vẫn còn phiêu bồng. Chưa một nhân vật nào trong bài thơ của Hoàng tống biệt Đỗ Quân năm 1942 về họp mặt ở đây với Đỗ và Hoàng cả! Ông Quỹ thì còn bàn trời bàn đất ở tận đâu. Ông Đoàn thì đang viết kịch dựng kịch cho những ai chẳng biết. Ông Cung thì say vẽ tranh, say đi bộ, chẳng hiểu đang dừng chân múa bút tận phương trời nào…

Theo đà câu chuyện, Đỗ cho hay tin nữ sĩ Ngân Giang đã hồi cư lâu rồi, và cũng thuê nhà trong xóm này, chỉ cách trang trại của Đỗ chừng năm mươi thước.

Hai chữ “Ngân Giang” được ném ra như cả một con rắn bạc khổng lồ đang quằn quại vươn mình về quá khứ, kéo theo cả Hoàng trên nẻo ngược Thời gian…

Ôi! Hoàng với Ngân Giang chẳng có duyên chút nào hết! Những từ 1936, đã có người rủ Hoàng đến thăm phòng khách thính của Ngân Giang, lúc ấy còn là Hạnh Liên nữ sĩ. Đào Quân, tác giả Mấy nét mơ rủ Hoàng đi chứ ai! Vườn Bách Thảo – nơi Hoàng cư ngụ lúc bấy giờ – được lấy làm địa điểm tập hợp. Rồi cái ông chuyên làm thơ tám chữ, là Thao Thao; và cái ông chuyên viết về ngày xưa, là Nguyễn Nhược Pháp cũng lục tục y hẹn đến.

Nhưng chẳng hiểu sao lại chỉ gặp nhau ở Bách Thảo rồi giải tán luôn, không có mục kéo đến “salon littéraire” của Hạnh Liên, mới kỳ chứ!...

Mãi sau tám năm, trải biết bao vật đổi sao dời, bút hiệu Hạnh Liên đã nhường chỗ cho bút hiệu Ngân Giang, giòng sông nước mắt, càng ngày càng sáng rực trên thi đàn, lúc ấy Hoàng mới được cùng “ai” hội ngộ.

Nhưng, khoảng thời gian này, Ngân Giang có vẻ bận rộn về chuyện chồng con; mà Hoàng thì vừa viết xong vở kịch thơ Vân Muội, đang chạy khắp Hà Nội cùng Chu Ngọc để tìm cho ra vai nữ đủ khả năng diễn xuất vai “Cô gái làng trên” nghĩa là vừa có giọng ngâm ma quái, mê hồn, lại vừa có chút ít tiếng tăm trong văn giới, và lẽ dĩ nhiên về xuân sắc nếu chẳng được cả mười phần thì cũng không đến nỗi làm thất vọng giới mê kịch mê thơ của Hà Nội thanh lịch!

Được Ngân Giang hợp tác thì còn nói gì nữa! Thế mà rồi câu chuyện chẳng đi đến đâu, chỉ vì đức lang quân của Ngân Giang không chấp thuận. Ấy là Ngân Giang bảo thế!

“Anh ấy ghen ghê lắm. Họp thơ với các bạn còn khó khăn; huống hồ lại lên sân khấu mà thỏ thẻ uốn éo!”


*

Duyên ngoài đời đã không, duyên sân khấu cũng không! Mấy lần gặp sau đều vô ích như vậy nốt. Khoảng 1943, 1944, lúc nào cũng thấy “người đẹp sông Ngân” vướng vít bận rộn về chuyện chồng con cả. Còn thơ, còn kịch gì!

Cho mãi đến nay, cái tuổi giang hồ lạc phách có chiều đã xế bóng. Hoàng mới lại tái ngộ Ngân Giang.

Từ nhà Đỗ Quân đi tới nhà “người đẹp’, quả nhiên chỉ trong gang tấc. Thế mà không biết sao, vừa nói chuyện được mấy câu, Hoàng đã thấy cả muôn trùng quan san dựng lên ngay trước mặt… và chặn ngang lấy cổ họng, chặn ngang lấy trái tim.

Chả là người Hà Nội lúc bấy giờ có một mặc cảm ly kỳ lắm – chẳng biết đẹp hay không đẹp? – Mặc cảm rằng kẻ hồi cư trước phải giúp đỡ người hồi cư sau mình. Ngân Giang đã “bỏ chiến khu” về Hà Nội từ một năm trước, cũng đề ra cái bổn phận quái gở ấy để đòi Hoàng phải nhận một số tiền, mặc dầu chỉ là số tiền mọn… ba trăm thôi!

Hoàng vội xua tay: “Không được! Hoàng đến đây hôm nay là do ngẫu nhiên; đâu có ý “đả thu phong”. Nếu thật Ngân Giang bây giờ đã trở thành “con sông Bạc”, thì cứ để đấy; còn nhiều dịp, lo gì? Hôm nào tan sở (sở Thông tin) và rảnh rỗi, Ngân Giang đến nói chuyện Thơ với Hoàng nhé! Địa chỉ: số nhà tám, phố Hàng Điếu, cứ đi vào cái cổng bên cạnh, vượt qua sân là tới cầu thang ngay, Hoàng ở phòng thứ nhất trên lầu đó!”.

Người-đẹp-công-chức lại bỏ chiếc phong bì đựng tiền vào ngăn kéo, nở một nụ cười rất tươi.

“Anh không giận Ngân Giang đấy chứ?”

“Sao lại giận! Anh chị em làng văn chúng ta thiếu tiền và đưa tiền cho nhau là sự thường. Chỉ vì hôm nay, Hoàng hãy còn đang “giàu”, những tiền “trời ơi đất hỡi” tiêu chưa hết. Cũng như cái lần sơ ngộ năm 1942 đó, Ngân Giang nhớ không?”

“Lần nào nhỉ?”

“Thì cái lần Hoàng cùng đi với Chu Ngọc đến phố Hàng Bông ấy!”

“À… nhớ rồi! Thế sao?”

“Thì hôm đó, Hoàng cũng dự bị trước một số tiền đựng trong phong bì, định rằng nếu Ngân Giang nhận lời đóng giúp vai Vân Muội, thì, với tư cách người tổ chức, Hoàng sẽ “a văng” luôn. Vừa là tác giả, vừa là “giám đốc” Ban Kịch Hà Nội mà!


*

Bẵng đi hai tuần lễ, mới thấy Ngân Giang tìm đến. Và chưa kịp ngồi xuống chiếu đã vừa nói vừa cười:

“Ngân Giang đang đói đây. Có gì Hoàng cho ăn ngay đi nhé!”.

“Yên tâm. Thục Oanh làm bếp rất nhanh, lại rất khéo!”

Và lần thứ nhất Hoàng giới thiệu Oanh với Ngân Giang…

Đúng như lời Hoàng khoe trước, Oanh chỉ tốn mười lăm phút là cơm rượu đàng hoàng đã bày ra. Ngân Giang cao hứng quá, nghĩ ngay đến… tương lai:

“Chà! Công chức đi làm về mà ngửi thấy mùi xào nấu thơm phức thế này thì tốt số nhất còn gì! Mai mốt cứ buổi trưa là Ngân Giang về đây cho gần nhé! Từ sở đạp xe về tận Khâm Thiên giữa trưa để ăn cơm rồi lại hối hả đạp xe đi làm buổi chiều, ngại quá!”.

Rồi Ngân Giang ngồi vào mâm. Ăn ngon miệng và uống rượu cũng khá lắm. Con-người-công-chức theo với hơi men tan dần, để lộ nguyên hình một nữ sĩ tài hoa, từng vang danh một thuở, khiến cho vô khối anh chàng mất hồn vì “Tiếng vọng sông Ngân”.

“À, mà Ngân Giang có bài thơ “Mây trắng…” nổi tiếng lắm thì phải. Hoàng đã nghe một anh bạn nào ngâm khi còn ở hậu phương. Bài ấy thế nào nhỉ? Hoàng chỉ nhớ có năm vần: trời, nơi, rồi, đôi, và rơi. Ngân Giang thử ngâm lại coi nào”.

“Anh cũng biết bài ấy hả? Nó như thế này!”

Và Ngân Giang lấy giọng cao ngâm:


Mây trắng lang thang mãi cuối trời,
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi.
Cung đàn biết mấy dây chùng hẳn
Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi.
Chốn ấy tờ hoa đành lẻ ý
Mùa nàng chim nhạn có chung đôi?
Thương thay trên quãng đường chia ngả.
Thì ngả nào không có lá rơi!


Hoàng vỗ tay tán thưởng:

“Tuyệt lắm! Lúc nãy Hoàng bảo rằng nhớ vần, ấy là vì chính Hoàng đã họa nguyên vận từ năm ngoái năm kia, trên bước đường “mưa gió”. Tiện đây Hoàng đọc cho Ngân Giang nghe!”.

Thế rồi Hoàng cũng ngâm:


Lửa khóa mây then bốn vách trời,
Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi.
Vẫn chưa ý gửi vào thơ được,
Mà đã dâu toan hóa biển rồi.
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi?
Tin thu lạnh lắm… rồng ao cạn,
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi [2] !


Hôm sau quả nhiên Ngân Giang về nghỉ buổi trưa ở nhà Hoàng thật. Căn lầu ở phố Hàng Điếu chỉ có độc một chiếc giường, nơi dành riêng lão mẫu. Còn Hoàng thì trải chiếu trên nền đá hoa, sách vở bề bộn, mây khói tung hoành. Ngân Giang phải chen vào nằm giữa Oanh và Hoàng. Nghĩa là Hoàng vẫn cao ngọa, đối diện với hoa đèn. Còn Ngân Giang thì nằm ngủ ngay sau lưng Hoàng; rồi đến Oanh. Kế đó là soong, chảo, bếp cồn, mọi thứ lủng củng. Nhưng Oanh đâu dám ngủ. Còn phải cứ đợi đến giờ đi làm thì gọi Ngân Giang dậy chứ! Tin vào Hoàng thế nào được. Vì Hoàng mà bận nghĩ câu thơ nào thì chẳng còn biết gì trời đất chung quanh nữa; nhớ sao nổi giờ-đi-làm của ai!…

Thế rồi Thục Oanh cũng thân với Ngân Giang lắm. Chẳng rõ hai nàng thủ thỉ với nhau những gì mà ít lâu sau, Ngân Giang đem đến cho hai tấm hình, cỡ 9x12. Đằng sau một tấm có chép đủ bài thơ “Mây trắng lang thang mãi cuối trời” và lời đề tặng. Còn một tấm thì chép bốn câu thơ Thất ngôn:


Ngày muộn nắng soi vàng nhạt nhạt
Chợ tàn quán đổ bóng xiêu xiêu.
Có con chim én bay trong gió
Cánh đập bơ vơ bạt mấy chiều.


Và hai câu lục bát:


Từ khi trở lại Kinh thành
Chiều nay mới thấy rằng mình bơ vơ.


Hoàng chợt nhớ lại mấy lần ngồi đối ẩm, Ngân Giang có vẻ làm ra “say-quá-chén”. Rồi giọng nói trở nên bi phẫn khác hẳn những lúc thường. Và cả mấy phen Hoàng đến sở đón Ngân Giang cùng về, cũng thấy “mặt hoa ủ dột” lo lắng thế nào ấy! Hoàng bèn hạ bút một bài như sau:


Đôi bờ thăm thẳm giấc Tiêu Tương
Chợt bóng hoa mai động cách tường.
Tâm sự đã nhàu trong khói lửa
Thiên duyên còn ngát ở văn chương.
Giả say, ta biết sầu kia thực,
Gỡ mộng, người e nghiệp sẵn vương.
Đừng nói “bơ vơ từ trở lại”,
Tháp ngà ai khép với đài gương!



*

Thơ chẳng cần trao tay, vì đọc lên ngâm lên cho nhau nghe là đủ.

“Phải họa nguyên vần đấy nhé! Rượu sẵn đây, chúng ta là đôi bạn “vong hình”; mặc cho tửu hứng đưa đường dẫn nẻo! Cùng với “Mây trắng lang thang…”.

“Hoàng có “đòi nợ” thì cũng để thong thả đã chứ! Bây giờ hãy ngâm trước một câu; Ngân Giang thấy có thể nối vần được thì nối; bằng không, Ngân Giang sẽ đọc liều một câu khác để Hoàng nối theo”.

“Cũng được. Ờ…! Hãy uống một hớp đã!…” Và Hoàng ngâm:


“Tình đã trần gian mấy thuở rồi”


Ngân Giang có vẻ tư lự:

“Nối cũng sẵn vần; nhưng chỉ sợ ý không liền. Hay là không tự nối lấy đi; Ngân Giang sẽ lãnh phần bốn câu cuối”.

“Khó tính quá! Vâng, thì xin chiều… Đây nhé bốn câu đầu:


Tình đã trần gian mấy thuở rồi
Hồn thơ chung một hướng về ngôi.
Bước chân Bắc đẩu vàng toan dạo
Khóe mắt Thiên hà bạc muôn trôi”.


“Hoàng sẵn chữ nghĩa quá nhỉ? Ngân Giang đến chịu thôi”.

“Sao lại chịu? Tâm sự thế nào, cứ trút xuống lời thơ. Vần sẽ liệu sau. Bất chấp!...”

“Nghĩ được hai câu rồi đây; Hoàng nghe nhé!


Thuyền buộc quê xưa, lòng họ Đỗ;
Hoa cười năm ngoái, hận chàng Thôi”.


Hoàng reo lên:

“Hay quá! Chịu Ngân Giang. Thú thật hồi trước đọc đến những câu:


Sương thu giá áo;
Mây thu ngưng trời.
Chốn đài trang bối rối ruột tằm, trăng thu một mảnh;
Chiều quan ải xông pha vó ngựa, sầu thu đôi nơi [3] .


Hoàng không dám tin rằng của Ngân Giang; mà cứ nghi nghi hoặc hoặc, chẳng đoán ra được nhà Nho lãng mạn nào đã gà cho “người đẹp”… Bây giờ thì Hoàng tin, tin cả mười phần”.

“Hoàng không “nịnh đầm” đấy chứ?”

“Thì nịnh cũng được, có sao đâu! Nhưng nịnh “Sông” chứ sao lại nịnh “Đầm”?... À… mà… Hoàng chỉ khen “hay” thôi; chưa hẳn đã đồng ý. Thử ngâm lại hai câu giai tác ấy xem nào…


Thuyền buộc quê xưa, lòng họ Đỗ;
Hoa cười năm ngoái, hận chàng Thôi.


Sao chàng… lại… “thôi”? Có gì để chàng hận? Ai chả biết câu trên nói Đỗ Phủ, câu dưới nói Thôi Hộ. Nhưng ở đây – trên mảnh chiếu này, đúng nửa đường thế kỷ XX này – chỉ có Ngân Giang với Hoàng; Đỗ chính là họ của Ngân Giang, như vậy chàng Thôi chẳng là Hoàng thì còn ai vào đó nữa? Mà… Hoàng… đâu có “thôi”!”

“Vậy Hoàng sẽ…”

“Yêu cầu được đổi lại câu dưới. Nàng “Thôi” chứ không chàng “Thôi”, nếu quả có cái sự “thôi” ấy! Nghĩa là hai câu tuyệt tác của Ngân Giang phải là:


Thuyền buộc quê xưa, lòng họ Đỗ.
Mây in trăng mới, ý nàng Thôi…”


Vừa lúc Thục Oanh đi mua hoa quả về, Ngân Giang nhìn Oanh cười lớn… Rồi ngâm đi ngâm lại mãi. Ngâm một lần, cũng một lần uống cạn chén.

Mặt đỏ bừng. Oanh phải đỡ xuống chiếu nằm nghỉ. Ngân Giang đã say quá. Hai câu cuối đành bỏ dở. Và bài thơ Đường luật chỉ có sáu câu…

Bẵng đi mấy tháng, Hoàng được tin Ngân Giang lại bước lên xe hoa thêm lần nữa. Không ngạc nhiên. Chỉ buồn cho bài thơ đành thiếu hẳn hai câu kết.

Nhưng còn may mắn ở điểm người đẹp vẫn tiếp tục nghề công chức. Hoàng vẫn đến sở tìm gặp được. Và trao một bài thơ khác – cũng chỉ sáu câu – trong đó câu nào cũng giữ lại mấy chữ đầu của bài cũ:


Tình lại trần gian nữa đó sao?
Hồn thơ lẻ hướng xót ngôi cao!
Bước chân Bắc đẩu vàng chưa động,
Khóe mắt Thiên hà bạc sớm trao.
Thuyền buộc quê xưa, giòng lệ cũ,
Mây in trăng mới, giấc mơ nào?...



*

Thơ trao theo kiểu chim xanh; nhưng càng nghĩ đến hai câu thơ Khiển sầu của cố nhân, càng thương cho nòi thi sĩ luôn luôn bị thực tế vây hãm dưới vùng trời vẩn đục này:


Bồng lai tiêu tức trầm thanh điểu
Kinh lạc phong trần cảm tố y. [4]


Nhưng Ngân Giang không năng lui tới nữa, âu cũng là một điều may mắn cho Hoàng.

Lý do là mấy khoản “ngàn trước, ngàn sau” đã tiêu hết sạch. Cả số tiền gọi là tác quyền vở kịch thơ Tâm sự kẻ sang Tần công diễn tại Nhà hát Lớn đêm mồng một tháng Một năm 1951.

Bước sang “Hậu bán thế kỷ hai mươi” rồi, Hoàng phải dời khỏi căn lầu phố hàng Điếu, dọn về một đường hẻm, phố Sinh Từ.

Không khí ban đầu của buổi hồi cư đã mất hết ý nghĩa! Chỉ còn một Hà Nội mệt mỏi và đầy cát bụi thôi.

Đêm đêm ngẩng nhìn giải Thiên hà, cố trấn tĩnh để lắng tai nghe, Hoàng chỉ còn bắt được một vài “tiếng vọng” yếu ớt!


*

Mãi hai năm sau. Giữa mùa ve gọi. Bỗng dưng đưa đẩy một gợn sóng bất ngờ khiến cho kiếp phiêu bồng của Hoàng lại có dịp bay tới gần Sông Bạc.

Chiều hôm đó – chừng đã quá giờ Mùi – Hoàng đang cao ngọa trong ngõ Hàng Đũa, sau phố Sinh Từ, thì… cổng ngoài xịch mở. Có khách của Hoàng.

Nhưng Hoàng trông ra không khỏi thất vọng: một thiếu nữ – hay thiếu phụ? – áo gấm hoa tròn, màu đỏ tím, quần sa tanh trắng, giầy kinh thêu cánh phượng, hành lý khá nặng trên tay; mà… mà… giọng nói sao xa lạ, hình như Hoàng chưa nghe thấy bao giờ. Cả đến mặt hoa vẻ ngọc, Hoàng cũng chưa bao giờ được chiêm ngưỡng thì phải!

Thục Oanh ra đón khách mời vào; rồi khi biết rõ chủ nhân là ai, khách tự giới thiệu:

Mai Đình nữ sĩ. Từ miền Trung bay ra. Có chút việc riêng. Và nhân dịp cũng để tiếp xúc với làng Thơ đất Bắc. Cho nên Phượng mới đến cầu… Hoàng.

“Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ!”. Sách đã dạy thế; Hoàng không vui sao được! Huống chi danh hiệu “Mai Đình” từ ít lâu nay gắn liền vào tiếng tăm của nhà thơ bạc phước và yểu mệnh Hàn Mặc Tử.

Một nữ thi sĩ từ xa muôn dặm tìm đến, mình có bổn phận phải chiều ý, và – nếu cần – phải lựa lời hỏi cho rõ ý của người đẹp để chiều theo. Tận kỳ tâm, kiệt kỳ lực, không được thoái thác hay phàn nàn.

Tuy vậy, ý muốn của Mai Đình rất đơn sơ, mà lại dễ thực hiện:

“Tìm gặp nữ sĩ Ngân Giang”.

Oanh pha trà mời khách; Hoàng vội lui vào phía trong, chỉnh tề y phục để còn ra đường nên quên phắt ngay đi không hỏi Mai Đình rằng tại sao lại cứ phải Hoàng mới được, và ai là người đã cho địa chỉ Hoàng.

Chiều Thăng Long êm như giấc mộng cung vua phủ chúa thời nào. Chẳng cần đến xe, ngựa, hay … võng kiệu!

“Mai Đình tìm gặp Ngân Giang có việc gì gấp lắm chăng?”

“Làng Thơ chúng ta thì đâu có việc gì gấp. Chẳng nay thì mai, mốt… hay lần sau”.

“Hoàng hỏi vậy thôi, chứ tìm gặp Ngân Giang, không khó gì hết. Mà cũng gần thôi. Chúng ta đi về nẻo Hồ Gươm đi!”

Hoàng đinh ninh: cứ đến Sở Thông tin là tin tức Nguồn Đào sẽ thông suốt ngay. Ngư phủ này mê đường mê bến thế nào được!

Ai hay Trời lại còn chiều người hơn thế nữa. Chẳng cần phải thả bộ đến tận sở làm của Ngân Giang chi! Kìa, Ngân Giang đương ngồi trong một quán giải khát lớn bậc nhất của phố Trường Tiền, kế cận nhà “Gô-đa” cũ.

Thế là Hoàng dẫn Mai Đình vào ăn “kem”, uống “cà phê”, Ngân Giang và các bạn đồng ẩm – trong đó hình như có tác giả tập bút ký hoạt kê Trên vỉa hè Hà nội! – trông thấy Hoàng đi với người đẹp, liền gọi ầm lên.

Tiếp đó, Hoàng giới thiệu… và… bàn giao.

“Hoàng đi tìm Ngân Giang chứ không phải ngẫu nhiên gặp đâu. Mai Đình thích Ngân Giang lắm đó. Cứ bắt Hoàng dẫn nẻo lên “Sông Trời’. Hai nữ sĩ hội ngộ hôm nay, thỏa lòng mong ước nhé! Vậy, cho Hoàng rút lui thôi. Vì nhiệm vụ của “băng nhân” đã chấm dứt”.

Ngân Giang cười lớn, rồi gật đầu:

“Tùy ý Hoàng đấy. Có bận thì cứ để mặc chị em chúng tôi”.

Và quay sang phía người khuê hữu vừa nhất kiến:

“Có phải không, chị Mai Đình?...”

Nhưng đến khi tiễn thêm Hoàng mấy bước, thừa dịp vắng người, Ngân Giang đứng dừng lại, trỏ mặt Hoàng, trách khéo:


Mai Sinh ơi hỡi Mai Sinh,
Toan gieo cái vạ tầy đình cho ai? [5]


Hoàng không cãi; biết tính Ngân Giang hay nói đùa rồi mà! Vả lại, nữ sĩ Mai Đình đâu phải “một cái vạ”. Mà từ xưa, Hoàng cũng có “gieo vạ” cho ai bao giờ đâu! Phép lịch sự tối thiểu phải như vậy chứ. Nhân vật “tương đương” với Mai Đình tại Hà Nội là Ngân Giang. Hoàng chỉ có thể tiếp tay, không vượt quá vị trí được…

Nhưng rồi… đợi mãi chẳng thấy ai cả; hôm sau, hôm sau nữa… rồi tuần sau, bặt tin Mai Đình nữ sĩ, lạ chưa! Có dễ Hoàng chiêm bao chắc? Rõ ràng buổi đó Hoàng đã yêu cầu Mai Đình hôm sau trở lại để Hoàng hướng dẫn đi gặp Hoài Điệp Thứ lang, một thi sĩ rất thông cảm với thơ Hàn Mặc Tử.

Đành nhắn hỏi Ngân Giang vậy. Cũng bặt luôn chẳng có hồi âm.

Thế mà – khoảng một tháng sau – lại tiếp được thư của Ngân Giang mời tới họp bạn ngâm vịnh. Địa chỉ mới: Đường Phủ Doãn, ngay Hàng Bông Đệm quặt xuống.

Đến nơi, hỏi chuyện về Mai Đình, Ngân Giang ngơ ngác một lúc lâu mới nhớ ra; nhưng rồi khách đến đông – có cả nhà tướng số Khánh Sơn và nhà văn Triều Đẩu – câu chuyện bị chìm mất giữa một bầu không khí thật khó hiểu đối với Hoàng.

Lúc chia tay, Ngân Giang có vẻ cởi mở: “Bây giờ Ngân Giang ngâm vịnh được rồi. Tương đối tự do hơn năm ngoái. Hoàng cứ đến đây thăm Ngân Giang hoặc ra Sở tìm cũng được nữa!”.

Hoàng vội lắc đầu; trách khéo để trả đũa:


Ngân Giang ơi hỡi Ngân Giang!
Toan đeo cái ách giữa đàng cho ai?


Vì ai còn lại gì! Mối “tình trần gian” kia đã trở thành một cái dây trói khắc nghiệt cho người bạn thơ khả ái của Hoàng tự buộc lấy mình, khó gỡ ra lắm!

Dầu sao Hoàng cũng có dịp nhắc lại – ít lâu sau – không phải câu chuyện Mai Đình, mà câu chuyện Thơ giữa Hoàng và Ngân Giang kia!

“Thế nào, dạo ngày Ngân Giang có sáng tác gì đắc ý không?”

“Chuyện đời phiền lắm, có giản dị như Hoàng tưởng đâu! Ngân Giang mỗi ngày một thấy buồn hơn trước. Và một quãng nào đó trong dĩ vãng cứ ám ảnh Ngân Giang, lôi kéo trở về. Thế có rắc rối không!”

“Lạ nhỉ! Mà… quãng nào trong dĩ vãng?”

Ngân Giang không trả lời thẳng vào câu hỏi của Hoàng. Chỉ cất giọng ngâm:


Sau trước nghìn thu một Quế Anh
Hòa Phiên từng đã xót phân tranh
Ngựa Hồ tiếng thét mười phương gió,
...


Hoàng đợi mãi không thấy Ngân Giang ngâm tiếp – chẳng hiểu vì lý do gì! – đành phá trước sự im lặng đến nặng nề đó:

“Hồ thì đối với Hán; gió thì gọi ra trăng; ở địa vị Hoàng là tác giả, câu bốn sẽ như sau:


Cung Hán màu trăng vạn dặm thành.


Có đúng với tâm sự Minh Phi đời nay không?”

Ngân Giang trầm tư một lúc:

“Nếu vậy câu năm và câu sáu phải đặt:


Chí dẫu côn bằng, e hẹp biển
Lòng còn sương khói, ngại tan canh”.


Hoàng vỗ tay tán thưởng, nhưng khi lấy giọng:


“Chí dẫu côn bằng e hẹp biển
Lòng nàng sương khói, ngại tan canh”.


Ngân Giang phản ứng ngay:

“Sao lại có “gã” với “nàng” trong đó?”

“Thì Ngân Giang để cho Hoàng cùng chung tâm sự với, không được ư?... Và Hoàng đọc luôn câu bảy nhé!


Làm mây Ải Nhạn chiều heo hút”.


“Để Ngân Giang hoàn tất câu tám cho! Cấm Hoàng không được tranh phần đấy!”

“Thơ của Ngân Giang mà! Hoàng tranh sao được! Cả đến chữ “mây” chữ “heo hút” cũng của Ngân Giang đó thôi!


Mây trắng lang thang mãi cuối trời
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi”.


Hoàng vừa ngâm dứt, Ngân Giang đã tìm ra câu tám để kết cho liền ý; và ngâm lại cả câu bảy của Hoàng nhân thể:


“Làm mây Ải Nhạn chiều heo hút
Rồi cũng lang thang kiếp độc hành”.


Thế là lần đầu tiên Hoàng có một bài thơ trọn vẹn cùng làm với Ngân Giang. Mặc dầu “độc hành” là hai chữ kết thúc; buồn quá!


Sau trước nghìn thu một Quế Anh
Hòa Phiên từng đã xót phân tranh.
Ngựa Hồ tiếng thét mười phương igó
Cung Hán màu trăng vạn dặm thành.
Chí dẫu côn bằng e hẹp biển
Lòng còn sương khói ngại tan canh.
Làm mây Ải Nhạn chiều heo hút
Rồi cũng lang thang kiếp độc hành.



*

Cuối năm Giáp Ngọ – tức là tháng Hai dương lịch 1955 – các chuyến đi đi về về Sài Gòn – Hải Phòng hãy còn hợp pháp; nhân có một bạn quen ra buôn bán ngoài đó, Hoàng gửi cho Ngân Giang bài thơ sau đây:


Đặt bút cùng ngâm khúc Bể dâu
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau.
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi Sáng
Hai ngả lòng thu dựng tháp Sầu.
Tỉnh cũng hoài thôi, say chẳng nỡ
Xuân sang đó nhỉ, mộng về đâu?
Rằng hư rằng thực lời tâm huyết
Non vẫn cao, hề, nước vẫn sâu! [6]


Nhưng lần này thì Hoàng biết trước rằng “Sông Ngân” chẳng thể nào có “Tiếng Vọng” được nữa. Thơ của Hoàng có đến tay ai hay không, cũng thế thôi.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Trọn vẹn bản dịch bài Tương tiếu tửu (của Lý Bạch) sang Quốc văn như sau:
Ngươi chẳng thấy từ cao đổ xuống
Nước sông Hoàng cuồn cuộn ra khơi?
Một ra biển, chẳng về trời;
Nhà cao gương sáng thương ai bạc đầu!
Sớm như tơ, xanh màu tóc ấy
Chiều đã như tuyết đấy… biết không ?
Thì vui sao chẳng đến cùng?
Việc đời dễ được như lòng mấy khi!...
Đừng để chén vàng kia trơ đáy
Cùng vầng trăng đây đấy ngẩn ngơ.
Trời sinh tài, chẳng để hư;
Ngàn vàng, một trắng tay ư?... Lại về…
Hãy mổ thịt trâu dê mà khoái,
Gặp nhau đây là phải say sưa,
Uống, xin đừng một giọt thừa,
Ba trăm chén, hãy cho vừa một hơi.
Ý ta muốn chén mời chẳng gác
Chớ dừng tay, hai bác Đan, Sầm!
Vì nhau một khúc ca ngâm,
Lẳng tai, nào bạn tri âm đó hề!
Của trước mắt đủ gì quý báu,
Cho ngọc ngà! Cho dẫu trống chuông!
Nguyện say một giấc ra tuồng,
Mình ta tỉnh, bốn phương cuồng… nhảm chưa?
Đều thế cả… từ xưa hiền thánh
Cũng giờ đây nằm lạnh Thời gian.
Tiếng tăm còn để trần hoàn
Chỉ duy có gã say tràn cung mây.
Trần Vương trước, tiệc vây Bình Lạc
Rượu ngàn chum thả sức vui đùa.
Chủ nhân, nào! đã nhớ chưa?
Nói chi tiền ít mà thưa dặt dìu!
Ngựa Hoa đấy, áo Cừu cũng đấy,
Gọi trẻ đem đổi lấy rượu… mau!
Ta cùng Ngươi… lại cùng nhau
Uống cho ngàn trước ngàn sau tan buồn.
V.H.C.
[2]Tám câu thơ này có in trong tập Rừng phong (Sài Gòn, 1954).
[3]Trích trong bài văn biền ngẫu của Ngân Giang bắt đầu bởi câu “Hoa cúc gầy rồi; Non vàng xa khơi”, và có in trong tập thơ Tiếng vọng sông Ngân, sau khi đã đăng vào Tri Tân tạp chí (Hà Nội).
[4]Tạm dịch là :
“Bồng Lai dứt nẻo chim xanh
Ngùi thương áo trắng kinh thành bụi bay”
V.H.C.
[5]Hai câu thơ này rút từ truyện Nhị Độ Mai.
[6]Bài này có in trong tập Trời một phương với nhan đề Nổi trôi (Sài Gòn, 1962).
Nguồn: Cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký, in tại Sài Gòn ấn quán, 35 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn, Việt Nam. In 5.000 cuốn, xong ngày 20-3-1974 – Nạp bổn tháng 3-1974. Giấy phép PTUDV số 278-74 – KSALP – TP – ngày 21-1-1974. Phát hành: 25-3-1974 – Số đăng ký tại Nhà xuất bản: I-A.