Trả lời phỏng vấn về quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài và về thơ Việt Nam đương đại
31/03/2009 | 6:35 sáng |
Tác giả: Hoàng Hưng
Tháng 12 năm 2008, phóng viên một tờ báo có tên tuổi ở Việt Nam xin phỏng vấn tôi một số vấn đề văn chương Việt Nam (quốc nội), chủ yếu về tình trạng phổ biến của nó ở nước ngoài và về thơ. Rất lâu sau đó, không thấy công bố, hỏi thì được trả lời: “Bài của chú đã được duyệt, đang chờ săp xếp để lên”. Mới đây nhất (sau khi cuộc phỏng vấn được thực hiện hơn 3 tháng), lại hỏi, thì câu trả lời là “Ban biên tập đợi lấy ý kiến thêm của những nhà văn khác rồi đi một thể”. Liền đó nhà báo cho biết nếu tôi muốn công bố bàu này ở đâu khác thì cũng không có vấn đề gì. Vậy thì tôi xin đưa lên Talablog với vài bổ sung rất nhỏ. Xin lưu ý rằng: vì thiện chí với người phỏng vấn và với tờ báo nọ, khi trả lời phỏng vấn tôi cũng cố “giữ mồm giữ miệng” để công việc của họ trôi chảy, thế mà… hình như vẫn không được việc!
Hỏi: Là nhà văn có nhiều chuyến xuất ngoại, ông thấy người Việt ở nước ngoài có quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam không? Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm ấy?
- Tôi chỉ có một ít kinh nghiệm với người Việt ở các nước Pháp, Mỹ, Đức là những nơi tôi có dịp qua không chỉ một lần và có thời gian ở lâu. Tôi nhận thấy thực sự quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam (trong nước) là những trí thức rất tâm huyết với công cuộc đổi mới đất nước, trong đó số đông là những người liên quan ít nhiều đến cái nghiệp viết lách. Và sự đọc bây giờ chủ yếu là qua các mạng văn chương như Tiền Vệ, Da Màu, Talawas, Ăn mày văn chương… Một số ít tác giả, tác phẩm có tiếng vang rộng hơn trong cộng đồng có thể coi là những trường hợp ngoại lệ: Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Nguyễn Huy Thiệp với một số tập truyện ngắn của anh, Dương Thu Hương với vài cuốn tiểu thuyết của chị, Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngày, Bùi Ngọc Tấn với Chuyện kể năm hai ngàn, Phạm Thị Hoài với một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết (Thiên sứ, Mari sến…), gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận. Những tác giả tác phẩm trên có được sự quan tâm nhất định của cộng đồng chủ yếu do sức mạnh phơi bày hiện thực xã hội với tình cảm nhân bản khá sâu sắc, vấn đề đặt ra có tầm bao quát đời sống, thể hiện bản lĩnh thực sự của ngòi bút độc lập: không né tránh những gai góc của cuộc đời, dám viết đúng như mình cảm nghĩ. Một sự thật đáng buồn là thế hệ thứ hai của người Việt ở nước ngoài không còn quan tâm gì đến văn học Việt Nam, đơn giản vì họ sử dụng tiếng nước bản xứ như là “tiếng mẹ đẻ” mất rồi. Trong bối cảnh ấy, tôi rất trân trọng những cố gắng của một số nhà nghiên cứu, nhà giáo người Việt và người Pháp, Mỹ dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam ở một vài trường đại học mà tôi có dịp đến nói chuyện như Đại học Paris VII ở Paris (có nhà nghiên cứu phê bình thơ Đặng Tiến và những người khác), Đại học Berkeley ở San Francisco (có vợ chồng nhà giáo kiêm dịch giả Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm). Những việc làm ấy sẽ góp phần làm cho văn học Việt Nam không đến nỗi trơ thành “vô tăm tích” trong lòng những người có gốc Việt ở bốn phương thế giới mai sau.
Hỏi: Người nước ngoài biết đến văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng ở mức nào? Là người có nhiều buổi trực tiếp đọc thơ cho công chúng nước ngoài, ông thấy thực sự tác động của thơ Việt Nam đến với họ ra sao?
- Theo quan sát riêng, cho đến nay, những tác giả tác phẩm được người nước ngoài biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay: cổ thì có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, cận đại là Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), đương đại là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài. Cũng gây được ấn tượng gần đây là tuyển tập văn xuôi đương đại Tình yêu sau chiến tranh (Love After War) do Hồ Anh Thái và Wayne Karlin chủ biên (xuât bản ở Mỹ năm 2003), giới thiệu 45 tác giả từ Tô Hoài đến Nguyễn Ngọc Tư. Thơ đương đại Việt Nam lần đầu tiên được bán rộng rãi ở Mỹ là tuyển tập mang tên Black Dog, Black Night (Chó đen và đêm) vào đầu năm nay (2008) do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover chủ biên, giới thiệu 21 nhà thơ từ Hữu Loan đến Vi Thùy Linh. Cũng gần đây nổi lên những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn chương Việt Nam đương đại của chị Đoàn Cầm Thi ở Pháp.
Người nước ngoài chỉ biết đến văn học Việt Nam qua bản dịch. Đọc văn xuôi còn khả dĩ (tuy chưa mấy bản dịch được coi là thực sự thành công), chứ đọc thơ qua bản dịch thì tất nhiên rất hạn chế. Tuy nhiên, qua những buổi đọc thơ trước công chúng, chủ yếu là giới đại học và văn nghệ sĩ, tôi thấy họ thật sự chia sẻ xúc cảm của những bài thơ mang tính nhân bản, gần gũi với mọi con người không phân biệt chủng tộc. Đúng như cảm tưởng của nhà thơ Paul Hoover, một tên tuổi trong làng thơ Mỹ, trong bài bạt của tập thơ đương đại Việt Nam: “Có thể thấy rõ ngay tấn kịch nhân sinh của bài thơ nằm sẵn đó hiển nhiên bên dưới cái mặt nạ của sự khác biệt văn hoá”. Sau khi nghe bản tiếng Anh hay Pháp, họ thường yêu cầu được nghe nguyên bản để hình dung âm thanh tiếng Việt, việc đó bao giờ cũng gây ấn tượng thú vị trong các buổi đọc thơ.
Hỏi: Là một dịch giả từng giới thiệu thơ Việt Nam ra nước ngoài, vậy yếu tố nào để ông quyết định chọn nhà thơ, bài thơ được dịch?
- Tôi chỉ có chút kinh nghiệm trong việc giới thiệu một số tác giả thơ Việt Nam với công chúng văn học Pháp, Mỹ, và cũng chủ yếu làm công việc chọn lựa tác giả, tác phẩm và tổ chức việc dịch, chứ không trực tiếp dịch bao nhiêu. Cụ thể là năm 2002, tôi giới thiệu 4 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Europe là tạp chí văn học uy tín của Pháp (Dương Tường, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Vi Thùy Linh); năm 2003 tôi giới thiệu 2 nhà thơ Việt Nam đầu tiên đi dự Liên hoan Thơ Quốc tế ở Val-de-Marne (Thanh Thảo, Vi Thùy Linh), sau đó tôi giới thiệu 12 nhà thơ cho tạp chí Action Poétique, một tạp chí chuyên về thơ nổi tiếng ở Pháp. Việc làm của tôi có sự cộng tác nhiệt tình của các dịch giả trong nước và ở Pháp như Dương Tường, Trần Thiện Đạo, Châu Diên, Nguyễn Ngọc Giao, Trương Quang Đệ, Từ Huy, Hồ Thị Hoà… Tôi chọn chủ yếu những nhà thơ đương đại có khuynh hướng mới, những bài thơ có tinh thần và bút pháp hiện đại, nội dung nhân bản. Tất nhiên do nhạc tính độc đáo của tiếng Việt, nên không thể chọn dịch những bài thơ hay ở âm điệu nhiều hơn là ý tưởng. Ngay những kiệt tác kinh điển như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương mà đọc qua bản dịch thì… chẳng còn thấy hay bao nhiêu, vì cái hay nằm ở phần “chữ” quá lớn (làm sao dịch được “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”, “trái gió cho nên phải lộn lèo”). Thơ hiện đại có đỡ hơn vì ăn vào phần ý tưởng. Tuy thế, bản dịch cũng chỉ chuyển được chủ yếu là tinh thần và ý tưởng, tức là chỉ được cỡ 60% nguyên tác.
Với công chúng Mỹ, ngoài việc tự dịch thơ của bản thân cho một số tạp chí văn học, tôi cũng tập trung vào việc giới thiệu khuynh hướng hiện đại hoá trong thơ Việt qua những buổi đọc thơ và nói chuyện, và một tiểu luận (có lẽ là đầu tiên về đề tài này ở Mỹ) in trên tạp chí văn học New American Writing năm 2003. Tuyển tập thơ Việt Nam mới xuất bản ở Mỹ cũng chọn lựa tác giả tác phẩm theo một tinh thần tương tự, vì hai người đồng chủ biên là bạn thân của tôi, chúng tôi có nhiều điểm giống nhau về cách nhìn đối với thơ (và chính tôi cũng là người “làm mai” cho họ đến với nhau).
Một điều phải khẳng định là việc dịch thơ Việt Nam phải có sự cộng tác của nhà thơ người Việt thạo tiếng nước ngoài với một nhà thơ nước ngoài chính hiệu mới mong có chất lượng (ít ra cũng như trong trường hợp của tuyển Black Dog, Black Night ở Mỹ vừa rồi).
Hỏi: Ông là một trong số những nhà thơ quan tâm đến vấn đề cách tân thơ. Vậy sự cách tân thơ của các nước ông từng biết có gì khác và giống với các nhà thơ Việt Nam cách tân không?
- Cách tân của thơ Việt Nam kể từ thế kỷ XX đến nay luôn luôn theo sau thơ Âu Mỹ (chủ yếu là thơ Pháp, có lúc có phần theo Nga và mới đây là Mỹ), nhưng chỉ tiếp thu một vài yếu tố chứ không bao giờ hình thành một trường phái, một chủ nghĩa hẳn hoi như ở nơi chính gốc. Trước 1945, đó là lãng mạn pha chút tượng trưng, sau 1945 là vài tác giả thơ tự do không vần ở vùng kháng chiến, sau 1954 là vài tác giả “dòng chữ” ở miền Bắc, vài tác giả siêu thực và hiện sinh ở miền Nam. Hiện nay, một số yếu tố “hậu hiện đại” có mặt trong thơ của một số nhà thơ trẻ (phá vỡ tuyến tính, đứt gãy, từ bỏ “đại tự sự”, cắt dán, “tục hoá” và giễu nhại, “ráp hoá”…). Chuyện chạy theo đằng sau là tất nhiên mà sự chắp vá, manh mún, thiếu hệ thống trong ảnh hưởng cũng là tất nhiên, vì bước đi của lịch sử, hoàn cảnh xã hội và truyền thống văn hoá quá khác biệt. Riêng sự khác biệt văn hoá khiến cho ngay cả ở các nước phát triển nhất cũng chỉ có một số cây bút “tiên phong” trong giới thơ người Việt là theo được tinh thần thơ đương đại của quốc gia ấy. Nhưng dẫu sao, tôi thấy mừng vì sau một thời gian quá dài dậm chân tại chỗ, tinh thần cách tân bây giờ đã trở thành động lực của thơ Việt.
Hỏi: Thời gian gần đây một số nhà thơ ra nước ngoài đọc thơ, một số nhà văn phát hành sách của mình, bạn bè thân quen, hay một nhóm nhỏ… Nhưng tất cả những việc làm đó chỉ mới mang tính cá nhân, ở một mức độ hẹp nên chưa đưa ra cái nhìn tổng quan về Văn học Việt Nam cho bạn bè thế giới biết. Liệu chúng ta có nên hy vọng những việc làm này trong hoàn cảnh hiện nay không? Có thể tồn tại lâu dài được không hay nhất thiết phải có một tổ chức chuyên nghiệp?
- Đúng là những quan hệ cá nhân như chị nói chỉ có thể giúp đưa vài nét chấm phá của văn học Việt Nam ra thế giới. Một tổ chức chuyên nghiệp là điều ai cũng dễ mong muốn, kiểu như NXB Thế giới đã làm ít nhiều với phần văn học cổ điển. Nhưng với văn học đương đại, vấn đề nằm ở chỗ: cách nhìn nhận và hành xử ở nước ta khác về cơ bản với các nước tiên tiến. Ở ta, chắc hẳn là nhà nước hay tổ chức do nhà nước chỉ đạo sẽ quyết định công việc này (thí dụ: Bộ Văn hoá, Hội Nhà văn). Ta có bao giờ tự hỏi là cách làm ấy liệu có hiệu quả trong việc chinh phục công chúng nước ngoài? Liệu một tổ chức như thế sẽ đưa ra những cái mình muốn hay những gì người đọc muốn - những “gì” mà cho đến nay, chỉ có các NXB nước ngoài mới nắm được? Thí dụ, để quyết định in 5000 bản đầu tiên của quyển thơ Việt Nam vừa rồi, NXB Milkweed, một NXB có uy tín ở Mỹ, phải để một năm gửi bản thảo thăm dò thị trường, sau khi nhận được sự ủng hộ của các trường đại học, các nhà phát hành hàng đầu như Barnes and Noble, Border, Amazon.com, họ mới dám chơi. Cho nên nếu thực sự quan tâm đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra ngoài, phương án tốt nhất có lẽ là ủng hộ những cá nhân, những nhóm có đề án tốt, có năng lực thật sự, hiểu biết tâm lý đọc của công chúng nước ngoài và có quan hệ tốt với các NXB nước ngoài (một kiểu liên doanh liên kết?). Vì chưa có cơ chế này nên vừa rồi, hai dịch giả đã thành công với tuyển thơ Việt Nam ở Mỹ gõ cửa nhiều nơi trong nước xin tài trợ dịch Thơ Nguyễn Trãi đã chẳng được ai ngó ngàng đến (may sao phút chót NXB Văn hoá Sài Gòn lấy một phần bản dịch của họ đưa vào một cuốn sách sắp in. Và tin mới nhất (nhận ngày 17//3/2009): NXB Counterpath Press ở Mỹ đã nhận in tuyển tập này).
Hỏi: Được biết hình thức “Trình diễn thơ (đuơng đại)” ở Việt Nam được du nhập từ nước ngoài vào. Và thực tế ở ta mới chỉ là những bước đi đầu còn mang tính thử nghiệm, có người thích, có người chưa. Nhưng trong năm vừa qua, chúng ta có một số nhà thơ ra nước ngoài “trình diễn thơ”. Ông thấy có ngược không?
- Theo tôi biết, đến nay mới có 2 nhà thơ trẻ Việt Nam “trình diễn” thơ ở nước ngoài (nếu coi “trình diễn” nghĩa là phải kết hợp đọc thơ với sử dụng những yếu tố nghệ thuật khác): Ly Hoàng Ly từ đầu thập niên 2000, gần nhất và có tổ chức qui mô nhất (nằm trong chương trình của Hội đồng Anh) là Dạ Thảo Phương. Theo tôi đó là chuyện rất hay, vì đó là con đường hiệu quả nhất để giới thiệu thơ Việt Nam trong thời đại nghe-nhìn lấn át đọc. Nếu cho là “ngược” thì nó cũng chỉ “ngược” như đưa phim Việt Nam, thời trang Việt Nam, hội họa Việt Nam… ra nước ngoài mà thôi, vì tất cả những thứ đó ta cũng đều mới “du nhập” chưa đến một thế kỷ mà. Thêm nữa, đó cũng là con đường ngắn để học tập kinh nghiệm quốc tế nhắm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của nghệ thuật trình diễn Việt Nam.
Hỏi: Ông dự báo gì về Thơ – trình diễn ở Việt Nam trong những năm tới?
- Một điều tôi đã nói không chỉ một lần ở các diễn đàn thơ, nay xin nhắc lại: Cần phân biệt “trình diễn thơ” (poetry performance) - một cách thức đưa thơ đến công chúng - với “thơ trình diễn” (performance poetry) - một loại hình nghệ thuật mới, là sự cộng sinh của hai hay nhiều bộ môn nghệ thuật trong đó có thơ. Nếu là “thơ trình diễn” thì ở ta cho đến nay mới có 1 tác phẩm duy nhất của Nguyễn Thúy Hằng hồi đầu năm 2007 ở Ly’s Café (Hà Nội). Loại hình này chắc còn lâu mới có chỗ đứng trong đời sống văn học Việt Nam vì nó còn quá xa lạ với truyền thống văn học của ta. Còn về “trình diễn thơ”? Tôi đồng ý với Dạ Thảo Phương sau chuyến đi Anh vừa rồi của chị: nhà thơ Việt Nam có tố chất rất tốt cho nghệ thuật này (ngoài ra còn nhờ âm điệu trầm bổng của tiếng Việt rất dễ tạo hiệu quả âm nhạc cho bài thơ được trình diễn). Không sớm thì muộn “trình diễn thơ” sẽ phát triển, vì trước tiên đó là nhu cầu ngày càng tăng của bản thân các nhà thơ trẻ muốn tìm đường đến với công chúng hôm nay. Khởi đầu với những ngày hội thơ, hình thức này sẽ dần dần lan ra những lễ hội quần chúng. Và rải rác, sẽ được tiến hành trong các buổi ra mắt tập thơ mới, triển lãm, giao lưu nghệ thuật… Vấn đề còn lại là tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà tổ chức.
Hỏi: Trên văn đàn thế giới chưa có thương hiệu văn học Việt Nam, theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu và chúng ta có thể thay đổi tình hình này được không?
- Phải nói thật rằng cho đến nay người nước ngoài quan tâm đến văn học Việt Nam chủ yếu là giới trí thức mà công việc có liên quan đến nước ta, và chủ yếu là họ tìm hiểu xã hội, con người Việt Nam thông qua văn học như một phương tiện, chứ chưa phải bản thân văn học Việt Nam với tư cách công trình nghệ thuật để thưởng thức. Những chương trình giới thiệu văn học đương đại Việt Nam tích cực nhất đã được thực hiện bởi Trung tâm Williams Joiner ở Đại học MIT là một trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh của Mỹ, cho ta thấy rõ điều đó, cũng như có thể lý giải vì sao Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) vẫn gần như là tác phẩm duy nhất được nhắc đến khi mình hỏi người nước ngoài biết gì về văn học Việt Nam.
Thương hiệu cho văn học Việt Nam chỉ có được một khi có những tên tuổi đủ sức chinh phục công chúng thế giới. Mà muốn chinh phục thế giới, trước nhất phải độc đáo - sự độc đáo ở tận mức cá nhân chứ không chỉ là “đậm đà bản sắc dân tộc” nói chung. Nhưng sự độc đáo ấy phải thể hiện một văn hoá, một tư tưởng nhân văn cao sâu ở tầm nhân loại. Liệu văn học Việt Nam tương lai có nổi một tư cách như thế không? Gần đây tôi thường nghĩ đến một hiện tượng văn hoá Việt Nam có sức mạnh chinh phục người phương Tây: đó là những ý niệm và thực hành Phật gíao đang được hiện đại hoá theo phong cách rất Việt Nam. Tư tưởng Phật giáo là một tư tưởng phổ quát đã thấm nhuần sâu xa và được Việt Nam hoá tích cực nhất trong lịch sử dân tộc. Việc hiện đại hoá thành công Phật giáo theo kiểu Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh (cũng là một nhà văn) gợi cho tôi nghĩ đến con đuờng của văn học. Một đóng góp thực sự vào văn học thế giới phải là sản phẩm “3 trong 1” (cá nhân – dân tộc – nhân loại) như thế.
Cảm ơn và chúc nhà thơ dồi dào sức khoẻ cũng như sức sáng tạo
© talawas 2009