Hải quân Trung Quốc phô trương sức mạnh
B.Raman
27-04-2010
Từ đầu năm ngoái, Hải quân Trung Quốc đã không còn bí mật về tham vọng trở thành cường quốc hải quân ở Thái Bình Dương ngang hàng với Hoa Kỳ. [Hải quân Trung Quốc] đang áp dụng một chiến lược kép.
Chiến lược này được đánh dấu bằng việc mở rộng và ngày càng gia tăng sự quyết đoán ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và việc mở rộng thêm các khả năng phòng thủ, các khu vực hoạt động và mạng lưới hải quân ở Ấn Độ Dương cùng các khu vực vùng Vịnh.
Sự quyết đoán ở Biển Đông và Biển Hoa Đông được đánh dấu bằng việc lặp đi lặp lại đòi hỏi chủ quyền trong khu vực và quyết tâm bảo vệ các quyền lợi thuỷ sản, khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tại các khu vực mà họ tranh chấp. Sự quyết đoán đó cũng được đánh dấu qua việc cho thấy họ sẵn sàng sử dụng Hải quân để bảo vệ quyền lợi.
Ngày 16 tháng 5 năm 2009, Trung Quốc chính thức áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở Biển Đông. Bác bỏ sự phản đối của Việt Nam chống lại lệnh cấm [bắt đánh cá] đã làm ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân Việt Nam, những người đã hưởng các quyền đánh cá truyền thống trong khu vực, ông Tần Cương, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói vào ngày 9 tháng 6 năm 2009 rằng, Trung Quốc có chủ quyền “không thể tranh cãi” ở các đảo thuộc Biển Đông, gồm cả các đảo ở Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển phụ cận. “Đó là biện pháp hành chính thường lệ và hợp lý của Trung Quốc, đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè ở Biển Đông, với mục đích bảo vệ sự bền vững nguồn tài nguyên biển trong khu vực này”, ông Tần nói. Đồng thời Trung Quốc cũng đã triển khai một số tàu tuần tra trong khu vực để thi hành lệnh cấm.
Ngày 5 tháng 1 năm 2010, bà Khương Du, phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rằng chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là không thể chối cãi. Bà (trong bài viết là “ông”) giải thích thông báo của Hội đồng Nhà nước về chủ trương phát triển du lịch ở tỉnh Hải Nam, trong đó nói rằng du lịch sẽ được đẩy mạnh ở quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và một số đảo không có người ở.
Ngày 9 tháng 2 năm 2010, Công ty Dầu khí Quốc gia Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC Ltd) thông báo rằng, đối tác của họ, Công ty dầu Husky Trung Quốc (Husky Oil china Ltd.), một công ty con của Husky Energy Inc., đã phát hiện một mỏ khí đốt mới nằm sâu dưới đáy Biển Đông. Công ty đã nói trong một tuyên bố trên website của họ rằng giếng Lưu Hoa 29-1 (LiuHua 29-1) là giếng thứ ba nằm sâu dưới đáy biển được phát hiện, thuộc lô 29/26 ở cửa Châu Giang phía đông Biển Đông, sau các phát hiện khác trong năm 2006 và 2009 . Theo Tân Hoa xã, CNOOC Ltd được liệt kê là công ty con của Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Ngoài khơi Trung Quốc, là công ty dầu ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc.
Ngày 26 tháng 4 năm 2010, quản lý ngành thủy sản Trung Quốc cho biết họ đã bắt đầu tuần tra vùng Biển Đông bằng cách gửi hai tàu đến thay thế hai tàu khác đang hộ tống các tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực. Ông Ngô Tráng, Giám đốc Cục Quản lý Nghề cá và Giám sát Cảng cá ở Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp, cho biết: “Tàu Yuzheng 301 và 302 Trung Quốc sẽ thay tàu Yuzheng 311 và 202, đang tuần tra vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) từ ngày 1 tháng 4″. Ông nói thêm rằng các tàu tuần tra đã được gửi tới hộ tống tàu đánh cá Trung Quốc ở Biển Đông và củng cố quyền đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển quanh quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Hai tàu đi từ Tam Á, thành phố ven biển thuộc tỉnh Hải Nam .
Cùng lúc với sự khẳng định ngày càng gia tăng ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh sự quyết đoán ở Biển Hoa Đông, vùng biển mà các tuyên bố chủ quyền và lợi ích của họ xung đột với quyền lợi của Nhật Bản. Thực tế là Tokyo có bây giờ có một chính phủ coi trọng và xử lý tốt đối với Trung Quốc hơn là các chính phủ trước đây đã làm, nhằm tăng cường các mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc, đã không theo cách quyết đoán mới ở Biển Hoa Đông.
Ngày 23 tháng 2 năm 2010, ông Tần Cương, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi phản ứng của Trung Quốc đối với bản tin Nhật Bản sẽ kháng cáo lên tòa án hàng hải quốc tế nếu Trung Quốc bắt đầu sử dụng các mỏ dầu và khí đốt ở Đông Hải để sản xuất khí đốt. Ông ta trả lời như sau: “Trung Quốc và Nhật Bản có nguyên tắc chung mà hai bên đều hiểu về vấn đề Biển Hoa Đông. Trung Quốc ủng hộ và duy trì sự hiểu biết chung. Vị trí này sẽ không bao giờ thay đổi.”
Ông Tần nói thêm rằng, Trung Quốc hy vọng Nhật Bản tạo môi trường thuận lợi hơn để đưa các hiểu biết chung vào thực tế. Theo nguyên tắc chung mà hai bên hiểu, phía Nhật có thể tham gia hợp tác khai thác mỏ dầu và khí đốt Chunxiao phù hợp với luật pháp liên quan của Trung Quốc, nhưng sự hợp tác khai thác thì khác với “khai thác chung”, ông nói.
Ngày 8 tháng 4 năm 2010, Nhật báo Hải quân Trung Quốc thông báo Hạm đội Đông Hải sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự với “quy mô lớn” ở Biển Hoa Đông. Sau bản tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Toshimi Kitazawa thông báo vào ngày 13 tháng 4 rằng, 10 tàu của Hải quân Trung Quốc (PLAN), trong đó có hai tàu ngầm và tám tàu chiến, đã qua vùng biển quốc tế giữa đảo Okinawa và Miyako, đi về hướng đông nam vào Thái Bình Dương, từ ngày 10 tháng 4.
Tin tức loan báo rằng Nhật đã gửi những thắc mắc về những hành động này tới Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao. Cùng ngày hôm đó, Bắc Kinh đã chỉ ra rằng các cuộc tập trận tương tự, do các lực lượng hải quân ở các nước khác đã được tiến hành ở vùng biển quốc tế trong quá khứ. Bắc Kinh muốn nói rằng, hải quân các nước khác có thể thực hiện các cuộc diễn tập như thế ở vùng biển quốc tế, nên Trung Quốc cũng có thể tập trận.
Các nguồn tin từ Nhật Bản diễn giải các hoạt động này là để “báo hiệu một nỗ lực của Bắc Kinh, mở rộng các hoạt động hải quân trong vùng biển quốc tế với mục đích ngăn ngừa sự can thiệp của các lực lượng hải quân khác”.
Ngày 21 tháng 4, Nhật Bản phàn nàn với Trung Quốc rằng một máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay gần một tàu hải quân của Nhật, đây là lần chạm trán thứ hai xảy ra như thế trong một tháng. Bộ Quốc phòng Nhật cho biết máy bay trực thăng cách tàu Nhật trong vòng 300 feet (90 mét) và đã bay hai vòng quanh tàu. Tàu Nhật Bản đã theo dõi các hoạt động quân sự Trung Quốc.
Tuy nhiên, hãng tin Kyodo đã trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Katsuya Okada nói rằng các tàu của Trung Quốc không vi phạm bất kỳ luật pháp quốc tế nào. Sau sự cố đầu tiên ngày 08 tháng 4, Bộ Ngoại giao Nhật đã phản đối Trung Quốc vào ngày 12 tháng 4, nói rằng bay gần như thế là “hành động nguy hiểm theo quan điểm về sự an toàn của hải quân”, và yêu cầu Trung Quốc xem xét vấn đề này. Bộ Ngoại giao cũng đã phản đối tiếp sau sự cố lần thứ hai và nhận được câu trả lời rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cho điều tra.
Bộ Quốc phòng Nhật cho biết họ tin rằng những hành động của Trung Quốc có thể là phô trương sức mạnh, và thêm rằng, Nhật Bản dự định tăng cường phòng thủ trong khu vực. Nhật báo “Mainichi” trích lới Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 ở Biển Hoa Đông. Các tàu Trung Quốc đi qua vùng biển quốc tế giữa hai đảo chính, Okinawa và Miyako vào ngày 10 tháng 4 khoảng 8:00 tối và khoảng ngày 13 tháng 4 đi đến gần đảo Okinotorishima, phần cực nam của Nhật Bản.
Tóm lược tin tức truyền thông ở Bắc Kinh hôm 22 tháng 4, ông Huang Xueping, phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bào chữa cho các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và khẳng định rằng hoạt động của các tàu hải quân Trung Quốc ở Biển Hoa Đông không vi phạm luật pháp quốc tế và không đặt ra mối đe dọa cho các nước khác. Ông nói thêm rằng đó là việc thực tập thường xuyên để quân đội có các cuộc tập trận ở vùng biển quốc tế, và cũng là thực tập được các nước khác thực hiện. Ông cảnh báo: “Các nước quan tâm không nên theo dõi hoặc làm gián đoạn các hoạt động của các tàu quân sự Trung Quốc tham gia vào các cuộc tập trận phòng thủ bình thường”.
Thay vì phòng thủ và xuất hiện khiêm tốn, sự quyết đoán của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Chính phủ / Đảng kiểm soát các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã công khai khẳng định sự sẵn sàng của Trung Quốc để bảo vệ các quyền lợi truyền thống và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong khu vực qua việc hiện đại hóa hải quân. Họ cho thấy sự quyết đoán ngày càng tăng như là một thông điệp rằng Hải quân hiện đại và mạnh mẽ của Trung Quốc đã đến khu vực Thái Bình Dương như là một lực lượng được tính tới.
Trả lời phỏng vấn trên “Bản tin Nhật báo Trung Quốc” (ngày 27 tháng 4), ông Jin Linbo, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho rằng Tokyo nên nói chuyện với Bắc Kinh trước khi sử dụng bất cứ hành động đơn phương nào có thể làm cho Trung Quốc “hiểu sai”. Ông nói thêm rằng: “Việc gia tăng số lần và quy mô tập trận quân sự của chúng tôi là bình thường, chỉ cho thấy rằng lực lượng hải quân Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Miễn là nó không vi phạm bất kỳ luật pháp nào, các quốc gia khác nên tập quen dần dần với điều đó”.
Tờ “Global Times”, nhật báo tiếng Anh do Đảng sở hữu, thuộc nhóm “Nhân dân Nhật báo”, đã viết ngày 27 tháng 4 rằng: “Khi chiến lược cân bằng đang dịch chuyển ở phía tây Thái Bình Dương, ngay cả những thay đổi nhỏ, có thể khó cho một bên chấp nhận. Luyện tập quân sự thường xuyên của các tàu hải quân Trung Quốc trong vùng biển quốc tế đầu tháng này đã gây ra chuyện ồn ào tại Nhật Bản. Truyền thông Nhật có đầy tin nóng qua vụ việc này và cố đổ lỗi cho hành vi có vẻ quyết đoán của Trung Quốc. Thừa nhận chuyện diễn tập đã xảy ra ở vùng biển quốc tế, nhưng truyền thông Nhật Bản vẫn tuyên bố rằng điều đó đã gây ra mối quan ngại ở Nhật ‘bởi vì nó chưa từng xảy ra trước đây’. Lực lượng hải quân mạnh hơn là kết quả của sức mạnh kinh tế Trung Quốc đang phát triển và việc hiện đại hóa sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang diễn ra. Đó là một yêu cầu chiến lược của một nước lớn, trong đó phải bảo vệ lợi ích tốt nhất trong khả năng của nó.
Trung Quốc cho rằng họ có trách nhiệm hơn ở khu vực Đông Á, [nên] sẽ có nhiều cuộc diễn tập quân sự thường xuyên hơn ở vùng biển quốc tế. Gia tăng các lực lượng hải quân của Trung Quốc cũng cần thiết để cho Hoa Kỳ dịch chuyển sức mạnh phòng thủ chiến lược đáng kể ở phía tây Thái Bình Dương.
Đương nhiên, sự chuyển đổi của hải quân Trung Quốc sẽ mang lại sự thay đổi về mô hình chiến lược ở Đông Á và phía tây Thái Bình Dương kéo dài trong năm thập kỷ qua. Nhưng sự biến đổi là tích cực. Trung Quốc không có ý định thách thức Hoa Kỳ ở Trung tâm Thái Bình Dương hoặc tham gia vào một cuộc đụng độ quân sự với Nhật Bản ở vùng biển lân cận, mặc dù nó sẵn sàng bảo vệ lợi ích cốt lõi bằng mọi giá.
Khu vực phía tây Thái Bình Dương rất quan trọng cho hòa bình và ổn định thế giới, bảo đảm cả hai yêu cầu về sự tham gia của tất cả các nước lớn trong khu vực. Không bên nào độc quyền ở phía tây Thái Bình Dương trong tương lai. Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, cùng với các cường quốc khác trên thế giới, đã tích cực mở rộng khả năng hàng hải của họ, nhưng họ cần điều chỉnh quan điểm khi xem xét các hành động của Trung Quốc.
Cái thời mà các cường quốc thống trị tận hưởng “phạm vi ảnh hưởng” không chia sẻ trên khắp thế giới, giờ đã đi qua. Mục đích của việc gia tăng của hải quân Trung Quốc là để cung cấp phòng thủ ngoài khơi và để bảo vệ tuyến đường thương mại và bảo vệ công dân Trung Quốc khắp toàn cầu. Rất khó có thể tưởng tượng Trung Quốc sẽ dựa vào một hệ thống chiến lược hàng hải của Hoa Kỳ được xây nên sau Đệ nhị Thế chiến nhằm bảo vệ lợi ích toàn cầu của họ ngày nay. Hải quân Trung Quốc phát triển là một biểu tượng của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc (*).
Nhiều quốc gia thừa nhận rằng sự gia tăng của Trung Quốc không đặt ra một mối đe dọa nào cho thế giới. Nếu họ thực sự muốn nói như vậy, họ có thể hiểu hải quân Trung Quốc đang lớn mạnh“.
Hải quân Trung Quốc phát triển và khẳng định việc đòi chủ quyền và các quyền của Trung Quốc. Thông điệp đó đã được nói to và rõ ràng.
Trong khi gia tăng sự quyết đoán bằng sự hiện diện và các hoạt động của Hải quân [Trung Quốc] ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và tây Thái Bình Dương, Trung Quốc tiếp tục giữ sự khiêm tốn hơn sự hiện diện và các hoạt động của các tàu hải quân ở Ấn Độ Dương và vùng Vịnh. Họ cho thấy họ đang giữ một vai trò phòng thủ trong việc bảo vệ các tàu buôn Trung Quốc và cung cấp năng lượng từ các cuộc tấn công cướp biển và những chuyện khác. Các nhà phân tích Trung Quốc vẫn chưa nói về bất kỳ lợi ích chiến lược nào của Trung Quốc trong việc phô trương sức mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương.
Tác giả là Bộ trưởng (nghỉ hưu), thuộc Ban Thư ký Nội các Chính phủ Ấn Độ (**), New Delhi, và hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu các đề tài thời sự, Chennai. Ông cũng hợp tác với Trung tâm Chennai về Nghiên cứu Trung Quốc. E-Mail: seventyone2@gmail.com
Người dịch: Ngọc Thu
Dịch từ: http://www.srilankaguardian.org/2010/04/chinese-navys-power-projection.html
———
(*) A growing Chinese navy is a symbol of China ‘s peaceful rise: câu này của báo Trung Quốc đã được tờ American Thinker dẫn lại trong câu cuối như sau: Thus, the editorial’s conclusion that, “A growing Chinese navy is a symbol of China ‘s peaceful rise” (emphasis added) is not very convincing.
(**) Ông Raman từng điều khiển văn phòng đặc trách chống khủng bố, thuộc Hội đồng Bộ trưởng Quốc gia Ấn (Cabinet Secretariat Of the Govt of India), chứ không phải thuộc Ban Thư ký Nội các Chính phủ Ấn. Người điều khiển văn phòng này mang cấp Bộ trưởng, nhưng khi gặp thì mình lại chào là Giám đốc (Nếu có lỡ gọi là ông Bộ trưởng cũng không sao).