Hiển thị các bài đăng có nhãn Chân dung Nhất Linh (2 ). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chân dung Nhất Linh (2 ). Hiển thị tất cả bài đăng

12/6/11

Chân dung Nhất Linh (2 )

Chân dung Nhất Linh
(Tập hồi ký)

2

Nguyễn Mạnh Côn
Vĩnh quyết Nhất Linh

Ngày 8-7

Sáng hôm nay, khoảng 9 giờ, tôi qua thăm toà soạn nhật báo Dân Việt, để cám ơn việc đăng cáo phó, cảm ơn vừa qua. Mới thoạt bước qua cửa tôi đã thấy nét mặt anh Chu Tử có vẻ gì là lạ. Dzoãn Bình từ bên nhà chữ chạy sang, kêu to:

"Anh biết gì không? Anh biết gì không? Anh Nhất Linh mất rồi!"

Dzoãn Bình còn trẻ, nói to. Bình có lẽ còn nói gì nữa. Nhưng có thể Bình không nói thêm câu nào. Vì căn phòng nhỏ hẹp của toà soạn Dân Việt tự nhiên thấy rộng thêm ra. Căn phòng rộng đến đâu, tôi không có ý niệm đến hẳn đâu. Nhưng tiếng máy chạy bên kia tường không còn rung trên nền gạch. Trong không gian hình như có sự đổi khác, như một cái gì đang vận động bỗng ngừng lại. Tôi có cảm giác có ai đã muốn nói gì lại thôi. Hay một giọt những đọng trên cửa kính có thể bò xuống nữa, có thể đứng yên, rồi khô cạn ngay ở giữa con đường dốc. Nhưng giọt nước chưa cạn mà không chảy trên tấm kính đứng thẳng thì thật vô lý. Tôi muốn phản đối sự vô lý ấy. Giọt nước bỗng vỡ ra, nhiều giọt nhỏ bắn sang chung quanh. Im lặng, xa xôi trên tấm kính ngay trước mặt. Thế là hết.

Gió ở đâu lành lạnh trong áo sơ-mi. Cơn sốt hôm qua váng vất muốn trở lại. Tôi đứng dậy quên chào anh em, bước ra cửa. Bên ngoài toà báo nắng còn xiên trên con đường vắng. Phía cuối đường, xe chạy nhộn nhịp trên đại lộ Lê Văn Duyệt. Tôi thẩn thờ không biết nên đi về phía nào. Cảm giác rõ rệt như có vật chường ngại chắn ngang lối đi, một cái hố sâu chẳng hạn. Phía bên trái lại khác hẳn. Không gian hình như có từng lớp một, có ngăn cách nhưng có nối tiếp. Cảm thông hay ảo ảnh, chưa chừng.

Ngày 9-7

Tôi mặc áo ngoài, thắt cà-vạt đen. Băng đen trên tay áo. Đã lâu lắm không được gặp, tôi đi tìm Nhất Linh.

Chiếc xe Vespa vòng phía sau bệnh viện Đồn Đất. Đường vắng. Không thấy bóng một công an viên hay nhân viên mật vụ nào. Người ta bảo tôi, từ sáng, rằng lực lượng an ninh bao vây kín khu vực Nhà xác của bệnh viện. Tôi cũng nghĩ có thể như thế lắm, nên tôi đã để ý tìm những người đứng không, những người ngồi xổm trên vỉa hè, hay bán hàng trên con đường vắng. Nhưng con đường quả thật vắng tanh. Cổng nhà xác sơn màu vàng nhạt đóng kín. Chúng tôi đập cửa. Im lặng. Nhìn quanh quẩn, không có ai để hỏi thăm. Tôi nhìn Đỗ Tốn. Anh lắc đầu:

"Có lẽ chưa! Hay ta xuống dưới nhà?"

Tôi lưỡng lự, chỉ vòng tay ra phía trước. Chúng tôi đến cổng lớn bệnh viện. Đỗ Tốn gửi xe, tôi lại gần hỏi người gác:

"Thưa ông, di hài ông Nguyễn Tường Tam có còn ở đây không?"

Người gác gật đầu, nâng chiếc cần chắn ngang cổng. Chúng tôi bước vào, đi bâng khuâng giữa những dải tóc tiên, dưới vòm cây. Không khí êm ả có chút gì khác với không khí ngoài đường phố. Qua phía trước nhà thờ. Có ánh nến lung linh dưới bóng cây thánh giá. Đỗ Tốn gạt nhẹ tôi rẽ tay phải. Đường dốc xuống lượn sang tay trái. Có lẽ chúng tôi đang đi phía sau căn nhà bếp nên thoảng có mùi thơm thịt nướng. Chung quanh chúng tôi hoàn toàn không có bóng người. Nhà xác, phía dưới sân, cũng im lặng. Bên trong hai cánh cửa mở rộng có chiếc bàn không để giấy tờ…

Tôi quay lại nhìn Đỗ Tốn. Anh gật đầu. Phải, anh Tam nằm trong đó.

Chúng tôi quay quanh, tìm kiếm. Phía đối diện với nhà xác có một cảnh sát viên ngồi với một thanh niên mặc bộ đồ lao động cũ kỹ. Họ không có vẻ gì để ý đến chúng tôi, và tiếp tục nói chuyện dưới mái hiên lợp tôn rộng.

Tôi bước vào hiên, tự trong lòng thấy bực bội, tiếng nói gắt gỏng vô cớ:

"Ai gác phòng lạnh ở đây? Tôi cần vào xem thi hài ông Nguyễn Tường Tam!"

Một trong hai người, người công nhân đứng lên, một tay gãi gáy, tay kia đu đưa:

"Dạ, ảnh mới đi khỏi."

Tôi buông thõng, hách dịch:

"Đi kêu!"

Người công nhân líu ríu quay đi ngay. Người gác đã trở lại. Chắc anh công nhân có nói thế nào nên ông ta chạy thật vội, chiếc “kết” có vòng đỏ bật ngửa trên đầu. Ông ta đến chỗ tôi:

"Thưa ông cho gọi tôi?"

Tiếng nói của miền trung châu Bắc Việt. Anh Nhất Linh người huyện Cẩm Giàng. Tôi biết khó có thể giữ giọng cấp trên, bèn đấu dịu:

"Chúng tôi muốn phiền ông cho vào thăm di hài ông Nguyễn Tường Tam."

Người gác đưa chúng tôi ra buồng ngoài, đến trước cánh cửa trong, lấy sức rút chiếc then ngang. Cửa mở. Tôi thoáng có ý nghĩ thật nhanh: mồ hôi, lạnh, cảm… Nhưng luồng gió tê tái đã ùa vào người tôi. Tôi rùng mình, sởn gai ốc khắp thân thể. Tôi muốn lùi ra, nhưng chân cứ bước vào. Tiếng máy chạy ù ù, hai hàng giường sắt chồng đôi, dọc đôi, sơn màu tiếng. Tất cả giống như căn phòng ưỡp món ăn tươi dưới một chiếc tàu chiến của Mỹ.

Một cảm giác uất ức tràn vào tâm hồn tôi vì một thoáng so sánh cái tinh anh thanh cao của Nhất Linh với một không khí kỹ thuật tàn nhẫn, độc ác.

Người gác bước mấy bước về phía tay phải. Ông ta đến bên cạnh một cuộn vải dường bâu gài gần hết ngăn giường dưới. Ông ta giơ tay chỉ. Bấy giờ tôi mới hiểu. Tôi đến gần, tìm dầu mối tấm vải. Nhưng người gác nhanh hơn, đã nâng góc chăn phủ mặt lên. Một chiếc sáo tre định rơi xuống đất. Tôi bước vội đến đỡ lấy.

Anh Nhất Linh nằm đây, hai mắt nhắm. Vẻ thao thức và bồn chồn tìm kiếm ở đôi mắt anh không còn nữa. Mũi anh cũng có vẻ ngắn hơn trước, bộ ria mép thưa hơn. Miệng anh hé mở như có điều gì muốn căn dặn. Vầng trán rộng xuôi xuống mái tóc đã rụng nhiều. Nét mặt anh, quái lạ, có vẻ tươi hơn ngày anh còn sống.

Tôi để tay lên mép giường, định luồn dưới chăn tìm tay anh mà từ biệt. Nhưng người gác ra hiệu không nghe. Bàn tay tôi co đặt lên ngực anh, nằm ngang trên chiếc sáo. Ống tre và mặt vải lạnh buốt. Tôi vẫn tự phụ có sức sống thiết tha đọng trong lòng tay, có thể truyền cho người đau nặng. Ý nghĩ ngông cuồng của tôi lúc ấy là truyền sức sống cho người chết. Nhưng khí lạnh ấp vào bàn tay tôi dồn hơi nóng lên cổ tay, cả năm ngón như đóng băng tê dại.

Tôi bàng hoàng rụt tay lại. Chiếc sáo tre rơi đánh cạch xuống mép giường sắt. Tiếng động khô ngắn làm cho căn phòng có vẻ yên lặng hơn lên. Tiếng quá khứ vang dậy: tiếng demi botte của Mỹ, đế cao-su đúc, đi trên sàn gỗ nặng chình chịch. Tôi nhớ lại một hình ảnh qua đã lâu mà vẫn còn quen thuộc. Hình ảnh một buổi họp của các cấp luận điệu Mặt trận Quốc gia, cách đây 18 năm. Hai người ngồi xử tội hai người. Kết quả nguy hiểm trông thấy. Nhưng vị lãnh tụ thứ ba vừa mới đến. Người mới đến mặc binh phục kaki có yếm bịt kín ngực. Dáng điệu thong thả, hiền lành, không có vẻ gì là võ tướng. Người mới đến ngồi xuống. Cuộc thảo luận tiếp tục, bằng tiếng phổ thông. Tôi không hiểu gì cả. Một lúc sau người đó đứng lên, bắt tay tôi rồi ra khỏi phòng. Cụ Nguyễn hỏi tôi: “Anh có biết ai đấy không? Ông Nguyễn Tường Tam đấy! Ông ấy bảo không được phép giữ anh, vì anh là đại biểu Quốc hội”.

Quá khứ đến năm nay là mười tám năm. Mười tám năm trước, anh không biết tôi là ai, ngoài danh nghĩa đoàn thể mà tôi là đại biểu. Tôi gây truyện đổ vỡ, tính mạng chỉ còn treo trên sợi tóc. May mà anh đến vừa đúng lúc. Hồi bấy giờ đảng lớn mới thống nhất lực lượng, cùng đồng ý bỏ hai chữ trên chia rẽ, giữ ba chữ dưới hợp quần [1] , cùng đồng ý bầu anh làm Bí thư trưởng, nghĩa là làm lãnh tụ. Anh được bầu vì uy tín anh to lớn, đại biểu các đảng bạn quý trọng anh hơn hết. Nhưng việc bầu bán xong rồi, ông Vũ Hồng Khanh cậy có quân lực mạnh, các đảng khác đều phải nhờ bảo vệ, nên nhất định không trao quyền thực tế. Nhưng dù sao, trước mặt cụ Nguyễn Hải Thần, anh vẫn có quyền. Anh không cho phép bắt tôi, họ Vũ không dám công nhiên kháng cự.

Mười tám năm qua rồi. Bao giờ tôi đã nhiều tuổi hơn anh hồi ấy. Có lẽ tôi còn lăn lóc nhiều hơn, còn chịu đựng nhiều hơn. Nhưng ba năm trước, tôi đến thăm anh, đưa tặng anh cuốn Đem tâm tình viết lịch sử, anh đọc mấy câu tôi viết còn mỉm cười nhớ lại quá khứ.

Thế rồi thôi. Từ ba năm về đây, tôi đau yếu luôn và nghe nói anh cũng không được yên, không được mạnh. Vì thế nên muốn đến thăm anh lại lần chần hôm nay để ngày mai. Đến tối thứ sáu tuần trước, luật sư Dương Kiền đến tìm tôi, hỏi tài liệu về quá khứ của anh.

Theo lời Dương Kiền, các đồng chí của anh đều nhận có hoạt động chống đối (hay đánh đổ?) chính phủ. Các đồng chí của anh đều chỉ anh là người lãnh đạo. Nhưng chính anh lại không nhận. Tôi hỏi thêm, được Dương Kiền cho biết những người kia không những nhận ở công an mà còn nhận cả ở dự thẩm, và có lẽ ra toà cũng vẫn giữ lời khai. Dương Kiền có vẻ lo buồn nhiều, vì không đoán được anh ra toà sẽ giữ thái độ thế nào để uy tín anh được trọn vẹn mà không thiệt hại cho các đồng chí của anh. Anh có thể nhận cho họ được nhẹ tội. Vào trường hợp này, luật sư thật khó biện hộ cho anh. Anh có thể phải gánh chịu một hậu quả nặng cho tuổi tác và sức khoẻ của anh. Nhưng nếu ngược lại, anh phủ nhận lời khai của các đồng chí của anh, thì uy tín của nhóm anh sẽ ra sao?

Dương Kiền cho rằng chỉ còn có một phương pháp là tìm lấy rất nhiều tài liệu về cuộc đời tận tuỵ tranh đấu cho dân tộc của anh, để chứng minh rằng sở dĩ nước Việt Nam ngày nay có được một chính quyền độc lập, với đầy đủ chủ quyền, thì bất cứ ai cũng không được phép phủ nhận công lao to tát của anh. Dương Kiền định không xin khoan hồng, mà còn đòi toà án phải cúi đầu trước một nhà đại ái quốc, một vị anh hùng dân tộc. Tôi thấy Dương Kiền nghĩ rất đúng, nên tôi hứa đi tìm Đỗ Tốn, đồng chí và cán bộ của anh từ dạo trốn sang Tàu lần thứ nhất. Nhưng không kịp.

Tôi không ngần ngại mà nhận rằng, đối với tôi, anh vẫn còn là vị thiên thần mà tôi chiêm ngưỡng hồi còn niên thiếu. Tinh thần khai sáng và đức độ chân phương của anh nâng anh lên hàng cha, mẹ của tôi. Nhưng tính tự ái ngông cuồng của tuổi trẻ xui khiến tôi tìm một khía cạnh nào của cuộc đời anh để hạ giá thần tượng. Tôi không chấp nhận sự ngay thẳng mà anh dùng để đối phó với các lực lượng đối thủ. Tôi cũng không chịu đi vào con đường không có lối thoát. Tôi thèm có cái uy tín của anh để xuống đường, để làm việc này việc nọ. Tôi nghĩ “Giá mình được như anh Nhất Linh, mình sẽ gần gũi hơn với bọn trẻ. Mình sẽ nói với họ về cuộc đời của mình. Không! Mình không cần phải thúc giục họ chống lại hay đánh đổ bất cứ ai. Mình chỉ cần làm gương… Rồi sẽ có một ngày, mình chỉ nói một lần là đủ!

Nghĩ như thế, tôi có ý trách anh lìa xa tuổi trẻ đang muốn thấy ở anh một ngọn đuốc soi đường. Tôi có ý trách anh không tham gia cuộc chiến đấu, dù ở về bất cứ phe nào. Nhưng bây giờ anh nằm đây rồi, và như thế cũng xong. Cơn giông tố đã lắng xuống. Nét mặt anh bảo tôi rằng anh đã tha thứ cho hết thảy mọi người bạn, mọi đứa em lầm lỗi. Nét mặt anh bình thảnh, đôi môi hé mở còn có vẻ bao dung hơn. Tôi nghiêng đầu, nhìn kỹ anh một lần cuối. Bao nhiêu câu từ biệt rất văn chương tôi định nói với anh đều có vẻ vô nghĩa. Tôi muốn tìm một ý tưởng có thể gọi là sâu sắc để đánh dấu sự vĩnh quyết một ân nhân, một thầy học, một trưởng huynh…

Nhưng đầu óc tôi thật quả rỗng không trong khi tôi chầm chậm xoay người ra phía cửa. Bao nhiêu sợi dây thần kinh nhạy cảm của tôi đã chết lặng đi hết cả. Rỗng trong đầu, rỗng trong tim, tôi ra khỏi phạm vi bệnh viện lúc nào cũng không để ý.


Từ bệnh viện, chúng tôi đến chợ An Đông. Cửa nhà dưới mở rộng. Nhiều bà, nhiều cô đang cắt khăn, may áo trên tấm ngựa kê sát tường. Hai chiếc bàn quay đầu vào nhau thành thước thợ, phía bên này có mấy cụ già, phía bên kia: Duy Lam, Nguiễn Ngu Í.

Nguiễn Ngu Í đến thăm, còn Duy Lam gọi anh Nhất Linh là Cậu (anh mẹ) ruột. Duy Lam cũng là sản phẩm của Nhất Linh. Sản phẩm lớn lên, muốn vượt khỏi cương toả của con đường cổ điển. Nhất Linh giới thiệu Duy Lam như một Dostoievsky. Lời giới thiệu có lẽ đi hơi xa quá, vì Duy Lam còn phải dọ dẫm nhiều để tìm thấy một con đường mới, xứng đáng với Tự Lực Văn Đoàn.

Nhưng lời giới thiệu, đầy ắp một sự gửi gấm tha thiết, đủ chứng tỏ Nhất Linh đã thấy rõ nhóm Đời Nay cần phải được tiếp tục, tiếp tục công việc mở đường, bằng những khí cụ mới mẻ hơn, thích hợp hơn với thời đại nhiều bối rối hơn suy tư, nhiều thú tính hơn tình cảm. Tâm hồn Nhất Linh đặt vào truyện thằng cu Tý đánh lừa con lợn, truyện Thanh – Ngọc nằm bên nhau suốt một đêm mưa… chỉ còn là những nét đẹp tuyệt nhưng xa vời. Người thầy học đánh lạc mất bầy trò quá trẻ. Là nghệ sĩ anh không buồn sao được!

Tôi ngồi xuống cạnh Duy Lam, trao đổi vài ý nghĩ vụn vặt. Duy Lam nhìn thẳng vào khoảng không, lộ rõ vẻ chiến sĩ. Nhưng tôi không tin những tin tức về một sự tàn bạo một chiều và không cần thiết. Tôi có thói quen hay lý luận, hay đem những nền nếp tâm lý quen thuộc để chứng minh hay phủ định những lời đồn đại. Tôi cũng có tinh thần quốc gia cực đoan nên hay bênh vực người mình chống những áp bức của người ngoại quốc. Có lẽ có phần nào suy tư ảnh hưởng của dòng máu của cha tôi là một cựu công chức ngạch cai trị, tôi không tin ở những lời hô hào của các chính khác, mà tin ở sự khôn ngoan của những nhà hành chính lão luyện. Tôi không tin ở cách mạng, nếu cách mạng không có lý thuyết. Đời sống một dân tộc khó có thể thay đổi nhờ phép lạ như trong truyện thần tiên… Tôi muốn kéo câu truyện về phía văn nghệ. Cuộc đời của Nhất Linh tuy có phần làm cách mạng, chống áp bức đế quốc. Nhưng tôi tiếp tục nghĩ như vậy, sự nghiệp quý giá vô hạn của anh là sự nghiệp mở đường cho thế hệ chúng tôi có căn bản, và thế hệ Duy Lam có thể vươn lên mà không bị đứt liên lạc với gốc tích.

Phải nhiều đời mới có một Nhất Linh thành lập nổi một văn đoàn Tự lực, nuôi sống – về tinh thần – được hai tờ Phong hoá, Ngày nay. Tôi muốn giữ hình ảnh của Nhất Linh văn nghệ sĩ.

Tôi định nói với Duy Lam như thế. Nhưng Thiết, rồi Nghị đã về. Tôi đứng lên chào mà không chia buồn. Chị Nhất Linh cũng từ trên gác xuống. Chị vốn đã gầy, chiều hôm nay tôi tưởng chị hốt nhiên già thêm mười tuổi. Chị khổ tâm nói không thành lời. Tôi cúi đầu, ấp úng một câu khách sáo. Những người thân yêu, dù quý trọng văn nghiệp của anh đến đâu vẫn không quý bằng con người bắt đầu vắng bóng. Tôi nhìn Nghị và Thiết, hai anh em đều có con mắt sâu thẳm mà thao thức vô cùng của bậc thân sinh ra họ. Nhất là Nghị lại càng giống anh Tam lắm lắm.

Tôi ngồi lâu rồi đứng dậy xin về. Mắt đóng đinh vào mắt tôi, Nghị nói:

"Ba tôi quý anh lắm, thường nhắc đến anh luôn…"

Tôi đợi nghe hết câu, quay ra xe, trèo lên yên sau. Chiếc Vespa phóng như tên dưới những giọt mưa lác đác. Cơn lạnh tôi đã quên được một lúc lâu lại trở lại, buốt trong người nhưng nóng rực ở tay chân. Tôi phải cố nghĩ đến một việc quan trọng nào đó cho quên cái rét, rồi thở từng hơi dài để điều hoà nhịp đập của quả tim.

Tôi nghĩ đến anh Nhất Linh. Tôi nhớ ra rằng anh đã mất. Ba năm không được gặp anh rồi. Mà anh nhắc đến tôi luôn. Cố nhiên anh không biết gì về con người của tôi. Vậy anh đã theo dõi tôi về văn nghệ. Tôi đoán mà biết anh còn nhắc đến nhiều anh em khác. Tấm lòng chân thành đối với nền tương lai văn học của chúng ta khiến cho anh tha thứ cho chúng tôi những hỗn xược, những ghẻ lạnh hay quên lãng. Có thể vì chúng tôi ngu xuẩn hay chủ quan, nhưng cũng có thể vì, đến với anh, dù sao chúng tôi cũng không thể tự nhiên như đối với nhiều anh khác có khi còn nhiều tuổi hơn anh.

Đối với chúng tôi như cỏ non, anh rõ rệt là cây đại thụ. Cây đại thụ đã cằn cỗi dần dần. Để một cơn giông nhỏ cũng làm được cho cây bật gốc. Đám cỏ non chói nắng, xót thương. Giọt nước mắt không thành hình len xuống đau trong sống mũi. Buổi chiều vừa qua, đứng trong phòng lạnh, ngay trước khi người gác mở góc tấm dường bâu, tôi không ngờ còn có lúc, tuổi đã nhiều rồi, còn lạc giọng nói thầm:

"Anh Nhất Linh! Anh Nhất Linh! Vĩnh biệt."

*

Nguyễn Tường Thiết
Niềm vui chết yểu

Tôi ngó đồng hồ: 5 giờ kém 15. Chiếc xe sao chạy chậm quá vậy? Người tôi nửa như xôn xao bồn chồn, nửa như bị du sâu vào trong một giấc mơ. Tiếng động, tiếng sinh hoạt về chiều của thành phố, nghe xa vút hẳn đi. Những âm thanh lâm râm, lao xao, mơ hồ như thuộc về một thế giới khác. Đường phố quen thuộc của Sài Gòn, đâu đó một tiếng còi xe giật lại, tôi nghe ngắn và sắc hơn. Chiếc xe chạy qua rạp Olympic, tôi quay người ngó lơ đãng vào mấy tấm vẽ quảng cáo ở cửa rạp: “Cậu coi Jugement à Nuremberg chưa?”. “Rồi!”. “Đấy cậu chẳng cần nói gì cả, cứ im lặng như viên Bộ trưởng Đức mà hay. Cũng chẳng cần viện cớ bệnh không nói được ở Toà. Để tối con lại luật sư Ch. lấy mấy giấy bác sĩ. Con nghĩ chẳng cần phải dùng cách ấy. Mình vẫn khoẻ như thường mà chả thèm nói gì cả, cũng chẳng cần trả lời những câu của Toà, cứ im như hến thế mà hay!”.

Chiếc tắc-xi đến một khúc đường sửa, bị xốc, tôi thấy nặng ở đùi: đầu cha tôi còn gối lên đùi tôi, miệng hé mở, ngả đầu về sau, một ít nước bọt ở mép, cánh tay phải mềm xuội buông lỏng xuống sàn xe. Cách đây một giờ, cha tôi uống thuốc độc thật mạnh để tự tử. Cha tôi đã đồng ý với tôi ở một điểm: “Im như hến thế mà hay!”. Nhưng quả thật tôi không ngờ ông đã đi sâu đến như thế để dọn một thái độ dứt khoát không phải chỉ im lặng ở Toà án mà là một im lặng mãi mãi, một im lặng bi đát đến ghê rợn mà tôi không thể tưởng tượng nổi.

Tôi thò tay vào túi áo ngủ của cha tôi lấy ra một tờ giấy mà lúc ở nhà tôi không kịp xem. Trên một vuông kẻ ô, cha tôi để lại những hàng chữ cuối cùng trong đời ông. Đọc xong, gần như vô ý thức, miệng tôi cứ lặp đi lặp lại mãi một câu “Đời tôi để lịch sử xử…”.

Anh T. ngồi ở đằng trước, giục tài xế chạy thật nhanh để chóng đến bệnh viện, nhưng chiều chủ nhật đông xe, chiếc tắc-xi bị nghẽn đường mấy lần và cuối cùng chỉ tới Grall lúc 5 giờ 10 phút. Chúng tôi xuống xe, trình giấy giới thiệu khẩn cấp của bác sĩ Ph. cho viên quản lý thường trực và khiêng cha tôi, lúc đó đang thiêm thiếp trong chiếc khăn len dày, xuống băng ca. Một lát bác sĩ Gourillon tới, ông bảo mọi người lui ra ngoài rồi tiến vào phòng. 10 phút sau, trước sự chờ đợi nóng lòng của mẹ tôi, anh T. và tôi, viên bác sĩ Pháp đẩy cửa bước ra, ông nhìn mẹ tôi trước nhất, khẽ nhún vai, buông xuôi hai cánh tay xuống tỏ một dáng điệu thất vọng rồi nói với bác sĩ Ph. lúc ấy cũng vừa tới nơi: “C’est foutu!”.

Tôi nhìn lên mấy hàng cây của khu công viên bệnh viện. Bầu trời vẫn chưa lên cao sau một buổi chiều mưa rơi tầm tã. Những vũng nước nhỏ yên lặng như những mặt gương, soi ngược mái dãy bệnh viện im lặng, gác nhà thờ nhỏ nằm im lìm ở phía bên phải, những lá cây ướt nước trở nên sậm màu hơn, và ở đuôi những chiếc lá, giọt nước mưa vẫn thi nhau nhỏ xuống, không gây một tiếng động nhỏ.


Buổi sáng ngày hôm ấy, cha tôi đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Tôi đoán có lẽ cha tôi đi họp ở đâu vì cũng đúng vào chủ nhật tuần trước, ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt. Cha tôi có một thói quen dậy rất sớm khoảng 5 giờ, rồi cùng mẹ tôi ngồi uống trà Tàu. Ngay cả trong những buổi sáng giá buốt của Đà Lạt, thói quen đó cũng không bị bỏ. Nhiều lúc hứng trí, cha tôi còn đánh thức chúng tôi dậy để cùng hưởng cái thú uống trà buổi sáng ấy. Nhưng thường thì chúng tôi phản đối để ngủ lại. Cũng chính vì thức sớm nên đến chơi nhà ai, cha tôi cũng đến vào lúc chủ nhân chưa ngủ dậy.

Khoảng gần 10 giờ, cha tôi về. Tôi đang ngồi ở đi-văng, mở máy thu thanh nghe mấy bản tân nhạc trình diễn, cha tôi bước lên cầu thang, dáng hơn mệt mỏi. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần về nhà, cứ để nguyên quần áo Tây ngồi xuống ghế xích-đu, bên cạnh tôi. Trong suốt buổi sáng hôm ấy chỉ có cha tôi và tôi ở trên gác. Ông ngó quanh quất không thấy ai nữa, hỏi tôi: “Anh T. mấy giờ về?”. Tôi trả lời: “Mọi tuần đêm thứ bảy đã ở Sài Gòn không hiểu sao bây giờ vẫn chưa thấy về nhà”. Cha tôi lộ vẻ băn khoăn, chờ đợi, bứt rứt, điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay. Ông mở bia, rót vào một cái cốc nhỏ. Ánh nắng lọt qua khe cửa chiếu vào thành cốc dày loé lên những ngôi sao sáng. Tự nhiên tôi nhớ đến một kỷ niệm cách đây bảy năm, ở Đà Lạt. Năm 1956, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, cha tôi, chị Th. và tôi tổ chức một buổi pic-nic ở hồ Than Thở. Chúng tôi tìm một chỗ thật vắng vẻ ở cuối hồ, cha tôi và chị Th. rải mấy tờ báo xuống đất, dưới mấy gốc thông, chỗ lá thông khô rụng phủ dày làm cỏ không mọc được. Tôi nghĩ nơi này không có đường mòn dẫn tới chắc chẳng có ma nào đến, nhưng khi xách súng cao-su đi bắn chim ở gần đó, tôi thấy rải rác dưới đất có những hộp cá rỉ, một tờ báo cũ nát, mấy khúc cây cháy dở dang (vết tích của một bữa ăn no say), tôi thấy nơi này không còn hiu quạnh nữa. Cha tôi nghĩ ra một cách nướng lạp-xưởng rất giản dị. Lấy bông đổ alcool vào rồi đốt, hơ khúc lạp-xưởng quăn queo lên trên ngọn lửa màu xanh nhạt. Cha tôi bày biện sắp xếp thức ăn nom rất mỹ thuật, ngon mắt. Đặc biệt ông hay để ý đến màu sắc của dĩa làm nổi những thức ăn bày ở trên, ông thường bảo đĩa màu vàng làm nổi những thức ăn hơn những đĩa màu khác. Trong bữa có món trứng cá caviar cha tôi bảo ăn rất ngon, nhưng chúng tôi chịu không ăn được. Dùng bữa trưa xong, cha tôi mở bia rót vào mấy cái cốc nhỏ. Chúng tôi không quen uống, nhất là lại không có đá, nhưng cha tôi không bao giờ cho đá vào và bảo uống như vậy nhạt. Tôi còn nhớ nắng hắt vào thành cốc – vẫn cái cốc hôm nay ông dùng – làm loé lên những ngôi sao nhỏ. Một giờ sau đó lúc trở về mang theo một con chim bị bắn chết, giơ khoe trước mặt cha tôi thì ông đang ngả người hút thuốc, lưng dựa vào một gốc thông. Những vệt ánh sáng yếu ớt lọt qua lá thông chạy loà xoà trên mặt cha tôi, một tí nắng đậu yên ở trên sống mũi gần chỗ những đường gân đỏ bóng ở cuối mũi trông như một viên cuội có những đường vân đẹp.

Cha tôi ho một tiếng ngắn. Tôi có cảm tưởng ông sửa soạn nói với tôi điều gì. Nhưng ông chỉ im lặng. Từ lúc nãy một ban nhạc nào đó hát đi hát lại mãi bản nhạc “Mừng ngày song thất”, tôi để ý thấy cha tôi chú ý nghe nhưng không để lộ một thái độ nào. Tôi đem vấn đề ra Toà ngày mai ra bàn, xem cha tôi đối phó ra sao. Tôi cũng đề nghị với cha tôi không nên có thái độ nào khác ngoài sự im lặng. Nhưng ông chỉ ầm ừ như không muốn những câu hỏi của tôi có thể làm loãng những điều ông đang xuất ngoại. Thỉnh thoảng có tiếng chân ai lên gác, ông giật mình ngó về phía cửa. Tôi với tay lấy sấp Ronéo để trước mặt ông. Đó là bản cáo trạng khá dày, trong đó có những lời khai của cha tôi ở cảnh sát. Ở trang cuối, tôi chú ý đến những lời kết tội như “phản quốc”, “xâm phạm đến an ninh quốc gia”. Trong suốt hơn một giờ đồng hồ, cha tôi vẫn giữ một thái độ im lặng, suy nghĩ. Ông uống bia rất chậm. Dường như lại không biết mình đang uống bia nữa. Khi ông để cốc rượu xuống bàn, chiếc ly rung rung lơ lửng vài giây sát mặt bàn rồi mới hạ hẳn xuống một cách khó khăn, như giữa ông và cái bàn có một sự xa cách đủ khiến ông phải gắng sức.

Khoảng 11 giờ, như vụt quyết định xong một điều gì, cha tôi có vẻ thảnh thơi hơn, ông bỏ hẳn thái độ băn khoăn, thay quần áo ngủ, rồi quay lại trả lời câu hỏi của tôi ban nãy: “Phải đấy, chẳng cần phải nói gì cả, chiều nay con lại nhà luật sư Ch. lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?”. Tôi gật đầu. Ha tôi kéo ghế ngồi đối diện tôi, nhìn tôi rất lâu. Tôi nói: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lệ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cho cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ coi đó như một dịp đi nghỉ mát, biết đâu lại chẳng có những tài liệu hay để viết, phải không cậu? Ra ngoài ấy, gặp hai chú S., anh V., vui biết mấy! Sẵn dịp đó cậu viết tiếp quyển Xóm Cầu Mới hay là con nghĩ thế này – tôi ngồi ngay lại trên ghế – cậu có thể như Churchill về già viết lại quãng đời mình. Con nghĩ đó cũng là một tài liệu quý lắm!”. Cha tôi nhìn ra ngoài cửa sổ đáp: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc. Còn cái việc viết hồi ký thì cầu cũng đã nghĩ đến hồi 1958 ở Đà Lạt. Cậu dự định viết 3 quyển: cuộc đời làm báo và viết văn của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu nói về sự sưu tầm hoa phong lan. Nhưng rồi về đây vì bận tờ Văn hoá Ngày nay nên chỉ viết được cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, sau đó lại bị dính vào những rắc rối chính trị, không có tâm đâu mà viết”. Cha tôi cúi xuống đọc lại một lần nữa bản án kết tội mình, khi ông ngẩng lên, tôi ngập ngừng đưa ra một câu hỏi: “Bây giờ nghĩ lại tất cả những việc cậu đã làm, cậu thấy hãnh diện về những việc gì nhất?”. Cha tôi cười: “Thật ra thì chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu cho là đến nơi đến chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự lực Văn đoàn. Đến bây giờ cậu vẫn tha thiết về vấn đề này nhất. Chuyện chính trị nhiều khi cái không khí nó bắt buộc mình phải tham gia, như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra giúp nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì khác. Nhiều khi người ta bị đẩy tới guồng máy hoạt động một cách rất giản dị đến nỗi chính họ cũng không ngờ tới sự quan trọng của việc họ làm, rồi như những bánh xe ăn khớp nhau, họ bị đẩy dần vào vòng trách nhiệm. Ngay cả những hồi lấy lan ở Đà Lạt, cậu vẫn bứt rứt vì thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại ở Sài Gòn. Chính vì thế làm chính trị, lúc nào tiến thì dễ, liệu lúc nào rút khỏi đúng lúc mới khó. Nếu ông Diệm sau một năm đầu ổn định tình thế quốc gia từ chức ngay khi ban hành hiến pháp có phải đẹp biết mấy”. Tôi sực nhớ ra một điều hỏi: “Còn đảng Việt Quốc ra sao? Còn hoạt động gì nữa không?”. Cha tôi có vẻ buồn, ông chớp mắt mấy cái rồi hạ giọng: “Lúc nào cậu cũng muốn có một sự đoàn kết thật sự các anh em, đến bây giờ cậu còn muốn những đảng viên trẻ tiến lên hàng lãnh tụ, những tầng lớp già rút lui đến nếu cần thì làm cố vấn thôi”.

12 giờ trưa, cả nhà đông đủ, mẹ tôi ở dưới nhà lên, anh T. mới ở Biên Hoà về, chúng tôi dùng bữa trưa rất vui vẻ. Cơm xong, tôi ngủ trưa, cha tôi khác với lệ thường không đi nghỉ. Trong giấc ngủ chập chờn tôi nghe mơ hồ thấy cha tôi và anh T. nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Đến ba giờ trưa tỉnh giấc, tôi vẫn thấy hai người đang nói chuyện, mẹ tôi đã xuống nhà dưới tự bao giờ. Tôi hơi ngạc nhiên thấy hai người uống Whisky, thứ rượu mà cha tôi đã bỏ từ nhiều năm nay. Nhưng xem dáng, tôi thấy cha tôi rất vui vẻ, ông sốt sắng hỏi tôi về chuyện học hành, chuyện đi dạy học của tôi. Nhân dịp này tôi có hỏi ý kiến ông về việc có một số người lạ tới gặp tôi trong những ngày gần đây rủ tôi vào một đoàn thể thanh niên mưu chống lại chính quyền Diệm. Cha tôi có vẻ lưu tâm đến vấn đề, ông khuyên tôi phải nên thận trọng vì từ sau vụ đảo chánh thất bại ngày 11-11-1960, những đoàn thể đó có thể của Nhu tung ra để gài bẫy những người muốn chống lại họ. Trong câu chuyện ông rất bình tĩnh, vui vẻ, giảng giải khúc chiết khác hẳn thái độ của ông trong mấy ngày qua. Điều đó làm tôi vui lây. Tưởng như câu chuyện ra Toà ngày mai không còn làm cha tôi quan tâm nữa. Uống xong ly rượu nhỏ, cha tôi đề nghị mua thêm rượu mạnh nữa. Chúng tôi nghĩ có lẽ rượu làm ông quên được những sự thắc mắc khó chịu nên chúng tôi rủ nhau đi, hẹn cha tôi 15 phút sau trở về ngay. Lúc tôi sắp bước xuống cầu thang, cha tôi gọi giật tôi lại, tôi nghe ông gọi tên tôi bằng một giọng xúc động, nhưng ngay lúc ấy tôi không để ý. Ông nhìn lâu vào mắt tôi, ngập ngừng đưa một cánh tay về phía trước như muốn nói điều gì lại thôi, chỉ hỏi: “Đi có 15 phút thôi à?”. Đến bây giờ nghĩ lại tôi còn nhớ rõ cái nhìn của cha tôi lúc ấy, ánh mắt như gửi đến tôi những điều mà ông không thể diễn tả bằng lời.

Tôi chở anh T. đến đường Đồng Khánh, lúc ấy khoảng 4 giờ chiều. Trời âm u buồn như muốn mưa. Chúng tôi vào mấy tiệm để lựa thứ rượu nào cha tôi ưa thích. Cuối cùng chọn được chai Johnnie Walker, vừa đi ra thì trời lại đổ cơn mưa to. Chúng tôi trú ở mai hiên nhà hàng Arc-en-ciel. Trời tối sầm lại. Người đi đường chạy dạt vào hai bên trú mưa. Anh T. lộ vẻ băn khoăn, nóng nảy, bứt rứt. Tôi thấy anh đứng một chỗ như không yên. Một chiếc tắc-xi vút tới, những giọt nước mưa màu vàng sáng đan nhau líu ríu trước hai vệt đèn pha. Tôi ngạc nhiên thấy anh T. chạy vụt ra đón chiếc tắc-xi ấy, mặc dù mưa rất nặng hạt. Anh chỉ kịp nói với tôi một câu: “Mày ở lại đây, tao về trước!”.

Tôi nhìn những giọt nước mưa bắn toé bọt trắng ở bên mặt lộ, hơi nước trắng nhờ phủ kín mặt nhựa. Thỉnh thoảng một chiếc xe xẹt ngang rẽ nước sang hai bên. Bên cạnh tôi, dưới mái hiên một cô bé chừng 15 tuổi dứng khép nép vào sát tường, cô ta căng cái ô ướt sũng nước về phía trước, nhưng những giọt nước mưa quái ác vẫn bắn toé vào hai gót chân. Mái tóc của cô ta mềm phủ dài sau lưng, bụi nước mưa phủ trắng lấm tấm như những hạt sương nhỏ.

Tôi nghĩ miên man đến những chuyện riêng rồi cuối cùng trở lại chuyện cha tôi ngày mai phải ra toà, không biết gia đình có được vào xem xử án không. Dần dà tôi khám phá ra hình như thái độ gần đây của cha tôi có một cái gì khác thường tất cả diễn ra như sắp xếp theo một nhịp ngăn nắp, một trật tự đặc biệt. Mọi thái độ, lời nói, cử chỉ của cha tôi mấy hôm nay mơ hồ như có liên quan với nhau như âm thầm, dan díu, mưu tính để cùng tiến tới một ý định duy nhất. Sự khám phá đó nở dần trong tôi một mối lo sợ, đầu tiên là những gợn lo âu vớ vẩn có xen chút hoài nghi như một bộ hành sợ mưa khi nhìn thấy vài áng mây đen trên nền trời xanh. Nhưng sau đó, kiểm điểm lại, thấy quả thật mọi việc đều ăn khớp với nhau mật thiết như một sợi xích, thì lý trí tôi đã tìm được lý do để thông đồng bào chữa cho nỗi lo âu của mình. Từ đó, lo sợ biến thành một cảm giác bàng hoàng xâm chiếm ồ ạt con người tôi như một dòng nước mạnh phá vỡ con đê. Nỗi bàng hoàng toả ra, lan ra khắp người như cảm giác đang khi ở trong phòng lạnh chợt mở cửa bước chân ra ngoài đường phố.

Tôi bắt đầu đi vào giấc mơ. Trí óc tôi vẫn tỉnh suốt. Nhưng cảm giác lạc đi, tê dại. Mưa vẫn quất xối xả. Tôi nhìn xuống mái tóc cô gái đứng trú mưa cạnh tôi, rồi quay đi. Nhưng trong trí tôi vẫn còn vương lại hình ảnh những bụi nước nhỏ lấm tấm, những bụi nước ấy cứ lởn vởn ám ảnh một cách dai dẳng vô lý. Từ đó, hiện lên rất nhiều những đốm trắng nhỏ nhảy múa trước mắt, chúng nở ra nhoà đi, rung rinh trên một nền trắng; trong đó là hình ảnh của cha tôi buổi chiều ngày hôm trước, lúc ông đang nằm trên nệm trắng, vòng tay gối đầu, ngửa mặt lên trần. Hai mắt ông màu nâu đục, cái nhìn xa xăm buồn bã như suốt đời đi tìm chẳng bao giờ toại nguyện. Tôi tiến lại, đưa cho ông một tờ giấy tôi vừa nhận được, trên góc có đóng hai chữ “Thượng khẩn” màu đỏ: người ta buộc cha tôi đúng 6 giờ chiều ngày 6-7-1963 phải trình diện tại Tiểu đội Hiến binh số 635 đường Nguyễn Trãi vì “một lý do sẽ cho biết sau”. Cha tôi nhỏm dậy, chống một khuỷu tay lên giường, ngước nhìn đồng hồ. Tiếng máy xe mô-tô của người hiến binh nổ dòn ở dưới nhà, nhỏ dần, loãng đi rồi mất hẳn. Cha tôi đứng dậy, mở cửa sổ, trông xuống đường. Chặp sau, suy nghĩ hồi lâu, ông quay về phía tôi, bảo: “Con mặc quần áo đi với cậu đến nhà chú K.”. Tôi hơi bực mình, vì chiều thứ bảy nào tôi cũng có mục riêng, không đến chơi nhà mấy thằng bạn thì cũng chui vào rạp xi-nê, nhưng tôi không dám trái lời. Trên chiếc tắc-xi rời chợ An Đông hướng về miệt Sài Gòn, tôi thấy cha tôi cứ chốc chốc lại ngoái về phía sau. Ông bảo tôi: “Con xem có xe nào theo không? Lúc nãy cậu thấy có mấy người lạ đứng bên kia đường nhìn vào nhà mình”. Tôi ra hiệu cho tài xế rẽ quặt sang đường Trần Bình Trọng. Chiếc xe hơi duy nhất chạy phía sau vẫn tiến thẳng đại lộ Thành Thái. Tôi đáp: “Không! Không có xe nào theo mình cả!”. Cha tôi ngồi bên cạnh, một tay chống lên má, cúi đầu nhìn xuống mũi giày. Ông có vẻ thật buồn. Má ông tôi thấy hóp hơn; cha tôi trở về thái độ đăm đăm khó hiểu có từ mấy ngày nay. Tóc ông bị rụng khá nhiều trong những ngày sau cùng nhiều suy nghĩ, nom xơ xác hơn, mấy sợi bạc phất lơ thơ theo gió. Một lát, ông hơi giật mình ngẩng lên nhìn ra ngoài rồi bảo tôi: “Sao không đi xe Vespa của con?” – “Sợ cậu mệt, xe con đi xốc lắm!”. Cha tôi nhăn mặt: “Ối dào! Cần gì!”. Ông im lặng một lát khá lâu rồi nói tiếp, giọng thật nhỏ nghe như một tiếng thở dài: “Từ trước đến nay, cậu đã đi xe con lần nào đâu!”.

Một chiếc tắc-xi ở đằng xa vụt tới, cô gái đứng bên cạnh tôi giơ cao ô, bước ra khỏi hiên, tay ngoắc rối rít, nhưng chiếc xe trên có người. Tôi lắng nghe tiếng mưa rào rào. Để ý thấy tiếng mưa đang reo to bỗng như hụt xuống, âm thanh trầm hẳn kéo dài dật dờ trôi từng đợt nhỏ dần về phía cuối đường. Ở đó, như vỡ ra, tiếng mưa lại ào ào ran lên từng nhịp. Tôi ngẩn ngơ nghe tiếng mưa trôi dạt rồi bỗng nhiên bị hút trong những hình ảnh vô trật tự, những mẩu đối thoại ngắn hỗn độn, đồng thời cảm giác lo âu, bàng hoàng lại trở về, rối loạn, mãnh liệt. “Người ta sẽ giữ tôi lại!”. Cha tôi bấm vào vai chú K., ra hiệu cho tài xế về nhà, lúc chiếc tắc-xi tới gần Tiểu đội Hiến binh. Hình ảnh ban trưa cha tôi và anh T. rì rầm nói chuyện. Gương mặt thảng thốt của ông lúc gắt với chị Th. tối qua!” – “Chết! Sao hôm nay anh nói gì lạ thế!”. “Ngày mai, tôi ra Toà. Họ xử tôi không biết bao nhiêu năm, biết còn sống đến ngày về không?”. Thái độ bỏ về hốt hoảng của anh T. đang lúc mưa rơi nặng hạt. “Không! Không ai xử được tôi đâu!”. Ánh mắt kỳ dị của cha tôi nhìn tôi hồi nãy: “Đi có 15 phút thôi à?”.

Tôi không dám nghĩ tiếp. Tim tôi như đứng lại. Một cái gì ghê gớm đang chờ tôi ở nhà. Tôi quay sang bên, người con gái có mớ tóc dài đã bỏ đi từ hồi nào. Mưa vẫn chưa dứt. Nhưng tôi vẫn băng ngang đường, mở khoá xe. Một chiếc xe buýt màu vàng nặng nề trờ tới, đổ xịch thả một bà cụ xuống vỉa hè.

Lúc tôi nhảy hai bước một lên cầu thang, nhìn vào phòng, thì mọi chuyện đã xong xuôi cả rồi. Căn buồng đóng kín cửa, tối mờ mờ. Một bầu không khí yên lặng trang nghiêm. Mùi hương đâu đây phảng phất. Cuối phòng vẫn trên cái ghế xích-đu buổi sáng ông ngồi nói chuyện với tôi, cha tôi ngồi gục đầu, hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả quệt xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ một ít nước bọt nhỉ ra ở khoé mép. Anh T. từ lúc nãy vẫn ngồi cúi đầu yên lặng, tưởng như không có mặt anh trong phòng, ngẩng lên, tưởng như không có mặt anh trong phòng, ngẩng lên, tôi thấy mắt anh không còn làm cho tôi ngạc nhiên nữa: “Cậu đã bỏ chúng ta đi rồi!”. Mẹ tôi đang thắp hương lâm râm khấn trước bàn thờ, quay lại nhìn tôi, mắt cũng đỏ nhưng không khóc, cái nhìn của bà dại đi như không còn nhận ra tôi là ai nữa. Bà phác vài cử chỉ thừa thãi, rồi như người miên du bà bỏ đi xuống nhà. Đèn cầu thang vẫn bật sáng từ trước, nhưng theo một thói quen vô ý thức, bà giơ tay bật đèn, thành thử cầu thang lại bị tối om.

Trong suốt thời gian trú mưa dưới mái hiên nhà hàng Arc-en-ciel, bàng hoàng và lo sợ đã xâm chiếm lấy tôi. Xúc cảm của tôi như bị dãn ra tê liệt. Tới nỗi bõng dưng giáp mặt trước cảnh tượng này, tôi giản dị quá. Nó mở ra trước mặt tôi một cảm giác mơn man êm ả; như một giải thoát thoải mái. Tôi nghĩ: “Xong rồi!”. Và tự nhiên thấy tâm hồn mình trở nên bình tĩnh. Tôi hỏi anh T.: “Anh gọi bác sĩ chưa?”. “Chú K. đi gọi bác sĩ Ph. từ 15 phút rồi!”. Tôi hỏi tiếp: “Chú K. đến từ hồi nào vậy? Mà tại sao lại đến đúng lúc vậy nhỉ?”. Không óc tiếng trả lời câu nói của tôi.

Cha tôi vẫn ngồi đó, không ai đụng tới. Trên một bàn nhỏ trước mặt ông, chai rượu đã vơi gần nửa. Quyển Wuthering Heigths của Brontë còn mở rộng trước mặt. Thời khắc trôi qua rất chậm. “Phải làm một cái gì chứ”. Tôi nghĩ. Nhưng không biết sao tôi vẫn ngồi bất động ở trên đi-văng. Căn phòng tự nhiên tối tăm và yên lặng quá. Tiếng quạt trần quay chậm rì rầm, rì rầm. Căn nhà sát bên vọng sang một tiếng quát mắng: “Cho mày chết!”. Rồi có tiếng guốc hấp tấp xuống cầu thang, giận dữ. Im một lát. Tiếng một thằng bé oà lên khóc. Tiếng khóc thê thảm kéo dài mãi không ngớt, tôi chú ý nghe mà gần muốn hụt hơi. Tôi nghĩ thầm trong trí: “Thằng bé nào mà khóc dai vậy nhỉ?”. Rồi lắng tai chờ đợi, xem người chị vừa bỏ xuống nhà khi nãy có trả lên dỗ nó không? Khung cảnh ấy thường xảy ra từ bao nhiêu năm nay không bao giờ tôi chú ý, bỗng dưng vô lý lại ám ảnh tôi quá đáng. Những tiếng động vang sang rất rõ, có lẽ là còn nét hơn cả mọi lần, nhưng tôi nghe vẫn thấy như lạc đi, như tất cả cái sinh hoạt ấy thuộc về một thế giới khác, một thế giới thực sự, quen thuộc nhưng xa xăm, không còn liên lạc gì với tôi nữa.

Mẹ tôi bắt đầu sụt sùi. Tiếng anh T. gắt, nhưng vẫn cố đè giọng thật nhỏ: “Mợ khóc làm gì? Có ích gì đâu?”. Anh đến sát bên, nhấc cánh tay cha tôi lên, bắt mạch. Lát sau anh nói: “Mạch yếu lắm! Khiêng cậu lên giường mau!”. Chúng tôi choàng một cái chăn lên dày lên người ông, phải khó khăn lắm mới mang nổi cha tôi lên giường. Thân thể ông mềm ra, nên khi hai người khiêng, người ông trũng ở giữa như một chiếc võng. Anh T. rút trong túi cha tôi một tờ giấy, giơ tôi xem nói: “Di ngôn của cậu đấy! Giấu thật kỹ! Đừng để cho tụi mật vụ nó cướp lấy!”.

Có tiếng nói lao xao ở dưới nhà. Tôi thở ra khi nhận được giọng nói quen thuộc của bác sĩ Ph. và của chú K, bác Ph., tay xách cặp da y sĩ, bước vội lên lầu. Tiếng bác nói rất lớn, tôi có cảm tưởng như ông vừa mang sự sống cho căn phòng này: “Rõ khổ! Mới buổi sáng nay anh Tam còn lại nhà tôi mà! Khổ quá!”. Bác bước vội lại bên giường giở chăn, áp sát tai vào ngực cha tôi nghe ngóng. Ông hấp tấp mở cặp da, cưa ống thuốc, chích cho cha tôi một mũi vào gân máu. Mẹ tôi lo lắng hỏi: “Thế nào?”. Bác thu mũi kim vào, tra vào cặp, lắc đầu trả lời: “Phải chở gấp vào Grall! Để lâu thuộc độc ngấm vào máu không chữa được đâu!”.


Cha tôi kể như đã mất lúc mang đến bệnh viện. Nhưng điều này – ngay lúc ấy – không ai dám nghĩ tới. Câu nói của bác sĩ Gourillon không làm cho chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Bác sĩ Ph. khẩn khoản: “Faites quand même quelque chose pour lui”. Chú K. cũng tiến tới, xúc động còn in rõ trên nét mặt, giọng chú lạc hẳn, tới nỗi tôi tưởng đâu chú đang xúc phạm viên bác sĩ Pháp: “Fais l’impossible!”. Người ta chở cha tôi lên lầu. Trong một phòng nhỏ có máy lạnh, viên y tá bơm dưỡng khí vào phổi cha tôi. Ngực ông thở nhấp nhô đều đều. Mãi sau này, khi nghe bác Ph. trình bày lại là bác sĩ Gourillon đã tính cho chở thi thể cha tôi vào phòng xác ngay sau cuộc khám xét sơ khởi ấy, tôi mới chịu tin rằng cha tôi đã bỏ đi ngay từ buổi chiều hôm đó, ngày 7-7-1963, có lẽ vào lúc mà tôi ngước nhìn lên những hàng cây của khu công viên bệnh viện đứng rũ mình dưới bầu trời màu xám chì thảm đạm. Và tất cả những gì người ta đã làm theo sự khẩn nài của chúng tôi – từ sau đó đến nửa đêm, với tất cả những phương tiện tối tân của bệnh viện, là chỉ cốt gây cho cha tôi một sự sống giả tạo để kéo dài hy vọng cho những người còn lại, cho những giọt nước mắt khoan chảy trên gò má chúng tôi.

Khoảng 7 giờ hơn. Một màn tím thẫm phủ kín khu nhà thương. Cuối con đường lát sỏi của khu vườn hoa, một cột đèn sắt gục đầu phả ánh néon lạnh lẽo. Giờ thăm bệnh đã hết từ lâu. Người gác cổng khom lưng đẩy hai cánh cửa sắt nặng nề. Cười, vì trường hợp đặc biệt, được phép suốt đêm ở lại bệnh viện. Trên một chiếc ghế dài ở hành lang, anh T. và tôi từ lúc nãy không ai nói một câu. Anh để hai tay lên đùi, nhìn xuống sàn. Lát sau, vẫn không ngẩng lên, anh nói: “Liệu có qua được không?”. Tôi đáp: “Hy vọng lắm! Có gì trễ đâu! Cậu uống được vài tiếng thì mình đã mang vào nhà thương rồi”. Ở đầu kia, một bác sĩ Pháp đẩy cửa phòng cha tôi bước ra, ánh đèn hắt ra ngoài cắt một khoảng sáng trên nền hành lang tối sâu thăm thẳm. Bác Ph. đứng ở cửa chặn lại hỏi thăm. Hai người thì thầm nói chuyện rất lâu: “Lúc anh bỏ về thì cậu đã uống chưa?”. “Rồi! Có lẽ ngay từ lúc tụi mình vừa đi khỏi, nhưng ông còn tỉnh lắm, vừa thấy tao là ông hỏi ngay: Đi gì nhanh thế? Tao giơ chai Walker lên bảo ông: Rượu đây, cậu uống cho say rồi quên cái ý tưởng muốn tự tử tối hôm nay đi, người ta chẳng đáng để cậu bận tâm đâu! Ông không nói gì cả, rót rượu vào cốc, uống một hơi cạn liền. Uống xong ông lại rót đầy một ly nữa, rôi cũng uống một hơi cạn. Kể thì cũng hơi lại, nhưng thấy ông xuống buổi chiều nay vui quá tao cũng không để ý”. Tôi giơ tay ngắt lời: “Sao anh biết tối nay cậu tự tử?” – “Chính ông nói mà, vào buổi trưa lúc mày còn ngủ quên trên giường. Ông tin việc làm của mình là phải nên không giấu. Ông bảo đêm nay 10 giờ cứ để ông ngủ như thường. Sáng mai, đánh thức dậy là xong rồi. Tha hồ để cho người ta xử. Ý ông đã quyết như thế, ông bảo nếu không xong hôm nay, thì vào khám cũng chết. Tao đã có kế hoạch đối phó cả rồi nếu… tối nay ông tự tử thật”. Anh T. dừng lại, di một ngón tay lên đùi, lát sau anh hạ giọng: “Nhưng không ngờ ông lại làm sớm thế…”. Tôi bất thần quay hẳn sang phía anh tôi, hỏi: “Còn tờ di chúc cậu viết hồi nào vậy?” – “Có lẽ hồi sáng, tao cũng chẳng biết, ông uống hết cốc thứ ba rồi thì thò tay vào túi rút ra cái tờ giấy ấy đưa cho tao xem. Đến lúc ấy tao mới biết là ông tính làm thật. Tao đã định chốc nửa ông ngủ sẽ lục túi ông lấy thuốc độc giấu đi; ông dặn tao là tờ di ngôn này phải đưa cho ông Đặng Văn S., bác sĩ Đặng Văn S., và nhờ ông chuyển đi ngoại quốc. Còn liệu có thể đưa cho ký giả Mỹ Pháp được thì khỏi cần. Lúc ấy ông như sực nhớ ra điều gì, đi lại bàn viết. Tao thấy ông có vẻ mệt, ông ngồi lên thế tay run run viết bản thứ hai giống hệt bản thứ nhất. Bản này chữ xấu lắm, nét nguệch ngoạc rời rạc những dấu phẩy nằm bên cạnh nhau. Sau này nhìn kỹ tao mới thấy hai bản khác nhau một chữ. Bản thứ nhất: Tôi không chịu để ai xử cả, bản thứ hai thì: Tôi không chịu để ai xử tôi cả [2] . Viết xong ông nói: Tí nữa thì quên, phải viết hai bản thế này nhỡ nó tóm được một thì còn bản kia chứ. Ông giơ tay che miệng ngáp một cái dài ròi nói: Gớm! Buổi trưa mải nói chuyện, không ngủ, bây giờ mệt quá. Ông nhìn ra cửa sổ, nhìn bầu trời ướt sũng nước mưa, rồi nói, rất nhẹ, nghe như hơi gió: Trời hôm nay đẹp quá… Tao quay lại thì ông đã ngủ rồi. Đó là câu nói cuối cùng của ông. Tao cứ để yên ông ngủ, bỏ xuống dưới nhà. Lát sau, lên nhà thì thấy ông nằm trên ghế có vẻ gì khác lạ dáng điệu khổ sở quá, tao nhìn chai rượu vơi gần nửa rồi mới sực nhớ đến cử chỉ của ông lúc nãy. Khi ông uống đến cốc thứ ba, ông như tọng rượu vào đầy người chứ không có vẻ gì là ngon lành cả. Hình như có cái gì chặn tay ông lại khiến ông phải cố gắng lắm mới nâng nổi cốc lên miệng. Ông hấp tấp uống như muốn để nén một cái gì. Lấy làm lạ, tao thử lay lay ông dậy nhưng thấy người ông mềm hẳn ra. Tao tái người vội vàng chạy xuống nhà gọi mợ lên. Tao nghĩ ngay đến việc gọi bác sĩ, nhưng vừa mặc quần áo xong thì chú K. cũng vừa tới nơi”. Anh ngừng lại, nắm chặt tay đập lên đùi: “Không hiểu sao tao không nghĩ là ông có thể tự tử ngay trước mặt mình, tao cứ nghĩ người ta phải tự tử ban đêm, từ lúc tao về đến nhà có đầy 15 phút đâu?”.

10 giờ đêm. Bác Ph. gọi riêng chúng tôi báo cho biết cha tôi khó qua khỏi đêm nay. Chúng tôi bàng hoàng sửng sốt cả người. Mẹ tôi bảo chúng tôi phải báo tin ấy cho những người thân. Trên chiếc xích lô máy rời bệnh viện, tôi quay sang anh T. hỏi: “Cậu uống gì mà có thể chết nhanh vậy nhỉ?”. Anh đáp: “Không biết, vừa rồi bác sĩ phân chất thấy không có thuốc ngủ trong nước tiểu. Chắc là phải mạnh lắm, rồi lại thêm rượu vào nên mới nhanh thế!”. Tôi lại hỏi: “Buổi trưa cậu nói gì với anh?” – “Ông dặn tao rất nhiều điều phải làm sau này. Đầu tiên ông nói về phong trào đấu tranh của Phật giáo, tới vụ tự thiêu của Thượng toạ Thích Quảng Đức, tới việc ngày mai ra Toà, rồi ông kết luận là ông phải chết như Thượng toạ để đẩy mạnh thêm phong trào tranh đấu chống chính phủ Diệm. Tao có nói rằng cậu hy sinh như vậy phí đi. Nhưng ông có vẻ giận tao về câu ấy lắm, ông bảo cứ nghĩ như thế thì chẳng làm được gì cả. Nếu cái chết có thể cảnh cáo được họ hay ít ra cũng có một tiếng vang thì còn tiếc gì thân mình nữa. Ở nhà bác tôi trở về bệnh viện chúng tôi đi trên hai chiếc xe hơi. Dự định là sẽ họp nhau lại tối nay để bàn kế hoạch đối phó, phân công. Nếu cha tôi mất đêm nay, ngày mai sẽ mở ra đầy bất trắc. Người ta có thể xông vào nhà tôi cướp tờ di ngôn ấy không? Làm sao cho tờ giấy ấy có thể lọt ra ngoại quốc, thoát các bàn tay mật vụ? Lúc ấy 11 giờ đêm, hai xe đi cách nhau 50 thước, lướt trên những con đường về đêm vắng ngắt. Một hồi đến ngã tư Duy Tân, Hồng Thập Tự, xe trước đi mất hút. Anh L. làu nhàu gắt gỏng: “Thằng Q. đi gì mà kỳ cục vậy?”. Nhưng vòng một lát gần đến bệnh viện thì bắt gặp lại xe đi trước. Tôi thốt nhiên chú ý tới một xe traction mang số NBN màu đen đi lủi theo sát lấy xe của Q… Xe này vừa quặt sang đường Nguyễn Du, xe traction bám theo liền. Anh L. chỉ tay cho chúng tôi thấy, kêu lên: “Xe mật vụ!”. Rồi anh đập tay lên bánh lái, giận dữ: “Tụi này nó thính mũi như ruồi!”.

Nửa đêm, tôi đứng tựa lan can, nhìn lên bầu trời lòng trĩu nặng. Các bác sĩ Grall vừa báo cho biết cha tôi chỉ còn sống được 15 phút nữa. Tất cả những căn phòng khác mấy khu bệnh viện đều rơi vào bóng tối và yên lặng. Chỉ trừ phòng cha tôi đèn còn bật sáng. Người nữ y tá rời phòng đi ra, lặng lẽ cúi đầu bước xuống cầu thang. Chừng hơn mười người thân thuộc đứng nói chuyện nhỏ tiếng trước cửa phòng. Anh B. ngồi lẻ loi trên một chiếc ghế dài, buồn bã. Đèn phòng hắt ra, đổ dài bóng anh trên nền hành lang lạnh lẽo. Có tiếng vài người khóc. Tiếng mẹ tôi trong phòng lọt ra thảm thiết: “Anh Tam ơi! Anh bỏ…”. Tôi há miệng ra, ngăn chận một xúc động đang dâng lên đầy ngực, nhưng không kịp. Hình ảnh cha tôi nhoè ra, rạng rỡ tươi cười, hình ảnh ấy của 5 năm về trước, lúc ông vừa xem xong một truyện ngắn của tôi tả về cái chết của ông. Trong đó tôi kể một buổi đi chơi núi, cha tôi với một nhánh Huyết-nhung-lan ở bờ vực, rồi hụt chân ngã xuống khe. Người ta vực ông về nhà nhưng đến bên dòng Đa-mê thì ông tắt thở, sau khi mỉm cười nhìn lần cuối cùng vườn hoa của mình. Ông ưa nhất chuyện ấy. Mỗi lần đọc ông lại mỉm cười thích thú. Nhưng ông không đưa cho ai xem, sợ người khác không hiểu cho tôi bất hiếu. Thành thử mỗi lần khoe ai về chuyện ấy, ông có vẻ bực tức khi thấy người đối diện lộ vẻ không tin. Một lần tôi hỏi ông: “Chết rồi sẽ ra sao nhỉ?”. Ông nghỉ một hồi, cười trả lời: “Hồi bà Trưng chắc chắn là mình chưa ra đời chứ gì? Thế mình ở đâu? Chết tức là trở về mình hồi ấy đó!”.

Có tiếng xôn xao. Mọi người đổ dồn vào phòng. Khi tôi chạy lại bên giường thì vừa kịp thấy ngực cha tôi ngưng thở. Ngay lúc ấy, một cái gì thoảng qua rất nhẹ trên nét mặt ông. Nhưng khi nhìn kỹ, thấy gương mặt không có gì đổi khác tôi biết là mình đã quá giàu tưởng tượng. Hai ba người hỏi lao xao: “Mấy giờ rồi? Mấy giờ rồi?”. Không ai trả lời. Mẹ tôi oà lên khóc ngất. Tôi bỏ ra ngoài. Gió từ phía sau nhà thương thổi lạnh gây gây. Một lần nữa, tôi nghĩ thầm trong trí: “Xong rồi!” và thấy chỉ còn trong người một mối uất hận man dại thấm thía. Trước mặt tôi lơ lửng một cái màng mỏng phất phơ qua lại, tôi nhớ mình vừa thấy đâu đây một cái màng nhện giăng ở góc tường. Bỗng nhiên trong người tôi nở dần ra một cảm giác lan ran, một cái thú tê dại khổ sở đau thương như cái thú nuôi nấng một mối căm hờn, cái thú sung sướng man dã khi bắt gặp một người bạn thân m