Hiển thị các bài đăng có nhãn BÀI KỆ LỤC NHƯ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÀI KỆ LỤC NHƯ. Hiển thị tất cả bài đăng

18/6/09

BÀI KỆ LỤC NHƯ

Bài kệ Lục Như

BÀI KỆ LỤC NHƯ
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán
(Tất cả các pháp hữu vi
Như bóng, bọt nước có gì khác đâu
Như sương, như điện lóe mau
Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng.)


Trên đây là bài kệ nổi tiếng trong kinh Kim Cương, thường được gọi là bài kệ Lục Như. Bài kệ này nổi tiếng không phải chỉ vì diệu nghĩa, mà nổi tiếng cả vì văn từ. Trong kinh điển Phật giáo thuộc Hán tạng, có nhiều bài kệ tuy thâm huyền uyên áo nhưng lại quá khô khan vì thiếu chất văn, cũng như có nhiều bài thơ của các thiền sư làm khi chứng ngộ, do văn từ không đạt phần tinh nhã, nên lắm khi nghe như một bài kệ. Dịch kinh Phật mà đạt đến trình hạn như pháp sư Cưu Ma La Thập dịch bài kệ Lục Như quả là toàn bích. Cả bốn câu toàn vần trắc (pháp, ảnh, điện, quán), nhưng chúng ta có cảm tưởng như không phải đang đọc một bài kệ, mà là một bài thơ ngũ ngôn của Thi Phật Vương Duy.
Bài kệ Lục Như có thể được xem là bản tóm tắt tư tưởng của Phật giáo Đại thừa khi quán chiếu thế gian như huyễn mộng. Xem cõi đời như giấc mộng, như cơn gió thoảng qua, như giọt sương rơi chóng tan trên chiếc lá cũng là những hình tượng thường thấy trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là nền văn học Ấn Độ và Trung Quốc.
Hãy quán chiếu thế gian Như Mộng
Nhà thơ Lý Bạch bảo : “Xử thế nhược đại mộng, Hồ lao vi kỳ sinh?” (Chuyện đời như mộng lớn. Việc gì phải nhọc lòng?). Đó là cõi-đời-mộng dưới mắt một thi tiên.
Nhà thơ Tô Đông Pha bảo : “Nhân tự thu hồng lai hữu tín; Sự như xuân mộng liễu vô ngân” (con người như chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức; chuyện đời ngắn ngủi như giấc mộng đêm xuân, trôi qua mất mà chẳng để lại dấu vết nào). Đó là cõi-đời-mộng trong tiếng thở dài minh triết của con người tài hoa khoáng đạt nhưng lại nỗi chìm trong hoạn lộ.
Còn cõi mộng trong bài kệ Lục Như là cõi-đời-mộng dưới sự quán chiếu của một bậc đại giác.
Nhưng nếu đọc bài kệ trên mà chỉ để cảm nhận rằng trần gian là giấc mộng hư ảo, không có thật - như chúng ta thường hiểu- thì có lẽ chưa đúng với tinh thần của bài kệ. Quán tưởng được cuộc đời là mộng, là bào ảnh theo tinh thần bài kệ không phải là chuyện mà chúng ta cảm nhận một cách hời hợt, như những lúc chúng ta rơi vào tâm trạng chán chường, thất vọng vì đột nhiên chịu sự mất mát to lớn về tài sản hoặc tinh thần, để rồi cảm nhận ra sự phù du của cõi thế theo kiểu “Giấc Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không” (Cung oán ngâm khúc) mà ta thường thấy trong văn học Việt Nam và Trung Quốc.
Những sự chán nản tuyệt vọng đó, sự chán nản tuyệt vọng gây nên khi ta buộc phải đối mặt với những thảm họa bất ngờ, hoặc những mất mát lớn lao trong cuộc sống hoàn toàn không có liên quan gì đến sự quán chiếu thế gian là giấc mộng bằng tuệ giác, hoặc sự cảm nhận được cõi đời là cõi mộng bằng hồn thơ.
Có lẽ chúng ta ai cũng đã từng nằm mơ và luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ. Ai lại không từng băn khoăn tự hỏi biết đâu chúng ta lại chẳng đang tồn tại trong giấc mơ của một người nào đó? Sau khi ta tỉnh, giấc mơ tan về đâu? Mà cái tỉnh của ta chắc gì đã không là mộng? Ai dám chắc rằng những điều ta thấy trong giấc mơ đều là không thực, khi mà cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc, không không?
Lý Bạch ôm trăng chết theo sông nước có gì là không thực? Trăng đó đâu phải là vầng trăng trên cõi không bao la, mà là vầng trăng trong cõi mộng của nhà thơ. Trong thiên Tề vật luận của Nam hoa kinh, Trang Chu kể lại chuyện ông nằm mơ thấy mình hóa bướm, vui thú bay lượn cùng cánh bướm, không còn biết mình là Chu nữa, khi tỉnh ra thì lại thấy mình rành rành là Chu, nên không biết là bướm hóa làm mình hay mình hóa làm bướm. Và ông gọi đó là “Vật hóa”.
Tinh thần Như Mộng đã giúp cánh bướm Trang Chu bay mãi trong cõi tư tưởng hơn mấy ngàn năm, và đem lại cho nền văn hóa phương Đông những đỉnh cao tuyệt diệu. Ta cũng có thể cảm nhận được cảnh giới của cõi mộng này qua nhà thơ Hàn Mặc Tử, người đã sống trọn vẹn trong cõi mộng để đem về cho cõi thực vô vàn châu ngọc của thơ ca. Hãy thử đọc cảnh giới mộng của ông trong bài tản văn “Chiêm bao với sự thực”:
“Như có ma lực vô song xô tôi đến bờ huyền diệu. Đêm nay là một đêm hào hoa nên mùa trăng bát ngát, giờ bốn phương thôi không cầu nguyện nữa mà lòng tôi rực lên cảm hứng.
…… Nhỡn tuyến đưa tới đâu, cũng gặp chói lói, cũng gặp hào quang. Nên trí tôi rất ngợp, miệng lưỡi tôi không phải bối rối nhưng tựa hồ như mới nếm xong khí vị thanh tao của muôn điệu nhạc,. …
Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết…
… Tôi cảm thấy sự khoái lạc vô biên cũng như tôi cảm thấy sự sợ hãi vô cùng …..
Tôi đang đi trên con đường sáng láng tìm lấy Chân lý ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của những ngọc ngà, châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào nữa… “
Cõi mộng của nhà thơ chan hòa ánh sáng thuần khiết và âm nhạc thanh tao, dễ làm ta liên tưởng đến cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Phải có một tâm hồn trong suốt như pha lê mới có thể cảm nhận được những rung động vô cùng vi tế dường kia. Trong không gian cực kỳ thanh khiết đó, nắng sẽ thơm, gió sẽ ngọt, trăng sẽ mênh mang, và con người sẽ mở rộng hồn ra để hòa nhập vào diệu cảnh. Một cành lá rung cũng vang thành giai điệu, một tiếng chim hót cũng biến thành diệu âm thuyết pháp, một ánh trăng sáng cũng hóa thành vô lượng quang trong cõi Tịnh độ.
Tôi tin rằng đó cũng là cảnh giới mà các Bồ Tát, khi soạn những kháng thư đại thừa thâm áo như kinh Lăng Già hay kinh Kim Cương, đều đã trải qua. Các Bồ Tát đều là những thi sĩ lớn nên dễ dàng để tâm hồn hòa điệu cùng những rung động cực kỳ vi tế trước những cảnh tượng kỳ diệu mà họ đã trực ngộ. Nếu nhà thơ cảm nhận được diệu cảnh trong cõi mộng bằng hồn thơ, thì các Bồ Tát đạt đến cảnh giới đó bằng cách quán chiếu thế gian bằng Diệu Quán sát trí, bằng nội lực của thiền quán và còn đạt đến trình hạn thâm huyền hơn nữa, vì quán chiếu thế gian như là mộng để đạt được trạng thái an lạc tâm linh, cũng là tinh thần của Phật giáo Đại thừa.
Minh họa cho ý tưởng này có lẽ không gì bằng phẩm mở đầu của kinh Lăng Già. Phẩm này không có trong bản dịch của Cầu Na Bạt Ða La vốn là bản cổ nhất còn giữ được. Tôi xin trích dịch theo bản tiếng Anh trong “Studies in the Lankavatra Sutra” của đại sư Suzuki.
Sau khi đức Phật hiện ra vô số cảnh giới thù thắng để thuyết pháp cho vua quỷ Rāvana về thánh trí tự chứng, đột nhiên Ngài biến mất cùng với tất cả Phật tử, để một mình vua quỷ Rāvana đứng trơ trọi giữa lâu đài và hoang mang suy tưởng về những cảnh tượng vừa diễn ra.
39. Rāvana suy tưởng :”Thế này là sao? Ðiều này có nghĩa gì? Ai đã thuyết pháp? Cảnh vừa hiện ra là gì? Và ai là người trông thấy? Thành phố ở đâu? Phật ở đâu?
40. “Cung điện đâu? Chư Phật, các đấng Thiện Thệ sáng ngời như châu ngọc đâu? [9] Mộng chăng? Ảo ảnh chăng? Hay là lầu các do các Gandharva dùng pháp thuật hóa ra chăng?
41. Những gì ta thấy đây có phải là do bụi vướng vào trong mắt chăng? Hay đó chỉ là đứa con của người đàn bà vô sinh chăng? Hay là khói của vòng xe [do đốm] lửa [tạo ra] chăng?
42. Rồi Rāvana lại suy tưởng, “Ðây là pháp tính (Dharmatā) cuả vạn pháp do tâm biến hiện; kẻ ngu không thể hiểu được điều này vì họ bị điên đảo trong vọng tưởng phân biệt.
43. Không có người thấy cũng không có vật bị thấy; không có người thuyết pháp cũng không có pháp được thuyết; tướng và dụng của các Phật sự cũng chỉ là vọng tưởng phân biệt.
44. Kẻ nào thấy mọi vật như đã thấy trước kia sẽ không thấy được Phật, không còn khởi vọng tưởng phân biệt thì mới thực sự thấy được Phật, Phật là đấng Toàn Giác; kẻ nào thấy được Phật là thấy trong cảnh giới vô tướng.
Vua thành Lăng Già hoát nhiên đại ngộ. Do có sự chuyển y (parāvritti) trong tâm và hiểu rằng thế gian không gì khác hơn là tự tâm của mình, nên ông ta an trụ trong cảnh giới vô phân biệt, hứng khởi từ kho công đức tich nhóm trong quá khứ, đạt được trí huệ thấu hiểu kinh điển, đạt được khả năng nhìn thấy vạn pháp y như thực, vô ngại tự tại, dùng trí huệ quán tưởng muôn vật, đạt được tri kiến vượt ngoài hí luận phân biện, vô ngại tự tại; trở thành bậc đại hành giả; có thể hóa thân thành mọi hình tướng; thông đạt mọi phương tiện thiện xảo, đạt được trí huệ về đặc tướng của từng địa, nhờ đó mà khéo vượt qua các địa; vui mừng quán sát tự tánh của Tâm (Citta), Ý (Manas), Ý thức (Manovijñāna), thoát ly được sự luân hồi trong ba cõi, đạt được trí tuệ bác bỏ tà kiến [10] của ngoại đạo, thấy hiểu được Như Lai tạng (Tathāgata-garba), các Phật địa, Tự ngã, an trụ trong Phật trí.”
Đạt đến cảnh giới tự chứng mới thực sự là mục đích của sự quán chiếu thế gian Như Mộng. Theo tinh thần Đại thừa, khi cả cõi thế hiện ra như giấc mộng thì toàn thể vạn hữu đều hòa nhập vào bản giao hưởng vô cùng huyền diệu của cảnh giới Hoa Nghiêm. Khi quán tưởng được thế gian là Như Mộng thì cõi đời sẽ hiện ra trong vẻ đẹp rực rỡ và bi tráng của cảnh giới vô tướng, để con người có thể mở rộng tâm thức mà chứng nhập được Như Huyễn tam muội. Có lẽ đó mới thực sự là ý nghĩa của chữ “Mộng” trong bài kệ Lục Như.
Trong Tam quốc chí diễn nghĩa có một đoạn có thể được xem như là phần minh họa cho cảnh giới được mô tả trong kinh Lăng Già, theo tinh thần của bài kệ Lục Như.
Sau khi thất thủ Kinh Châu, Quan Vân Trường bị vua Ngô là Tôn Quyền chém đầu. Linh hồn ông cứ cưỡi ngựa Xích Thố bay phiêu diêu khắp nơi, kêu gào “Trả đầu cho ta”. Khi đến núi Ngọc Tuyền, sư Phỗ Tĩnh nghe tiếng kêu trên không, liền bước ra khỏi am, cầm cây phất trần gõ vào cửa mà hỏi “Vân Trường an tại?” Câu hỏi đơn giản đó lại giống tiếng hét của Lâm Tế, cây gậy của Đức Sơn khiến hồn ông sực tỉnh, liền hạ ngựa xuống trươc am để nghe thuyết pháp và quy y cửa Phật. Câu này thường được dịch là “Vân Trường ở đâu?”, mà lẽ ra nên hiểu là “Vân Trường có chăng?” nghĩa là “Vân Trường có thực sự tồn tại chăng?” mới đúng tinh thần của sư Phổ Tĩnh muốn điểm hóa cho vị danh tướng huyền thoại này.
Nhà phê bình Mao Tôn Cương cho rằng chỉ một câu đó của sư Phổ Tĩnh cũng bao hàm cả diệu nghĩa của cuốn kinh Kim Cương. Nhận xét đó quả vô cùng sâu sắc. Chính tại sát na thù thắng mà vị danh tướng đó nhận ra diệu nghĩa của chữ Mộng, chữ Không, và tạo được sự chuyển y trong tâm thức. Lúc đó, ắt hẳn anh hồn Vân Trường, như vua quỷ Rāvana hoang mang trước cảnh tượng tất cả đều đột nhiên biến mất, cũng hoang mang trước câu hỏi “Vân Trường an tại?”. Đó là một công án giúp Quan Công hoát nhiên đốn ngộ “Quan Công anh hồn đốn ngộ”. Chuyện thành bại thị phi đáo cùng cũng chỉ là hư không mộng ảo. Kinh Châu chỉ là mộng. Thục cũng chỉ là mộng. Ngụy hay Ngô cũng chỉ là mộng. Tham vọng tranh bá đồ vương cũng chỉ là mộng. Mà cả đến bản thân của Vân Trường cũng là mộng nốt. Vân Trường an tại? Có nghĩa là “Nhất thiết Ngụy Ngô Thục, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Bởi vậy, sau khi nghe sư Phổ Tĩnh thuyết pháp, Quan Công mới đại ngộ rồi cúi đầu làm lễ quy y mà đi ”mang nhiên đại ngộ, khể thủ quy y nhi khứ” (Tam quốc chí diễn nghĩa, hồi 77).
Trong Tam quốc chí diễn nghĩa, đoạn văn tả cảnh trên chỉ ngắn ngủi có vài dòng, nhưng đó mới chính là chỗ mà ngọn bút của La Quán Trung đạt đến mức “đăng phong tháo cực, lô hỏa thuần thanh”, khiến người đọc liên tưởng đến bài kệ Lục Như.
Hãy quán chiếu thế gian Như Lộ
So sánh thế gian như hạt sương rơi cũng là hình ảnh thường thấy trong thi ca Thiền tông. Phật tử Việt Nam không mấy ai là không thuộc bài thơ nổi tiếng của Thiền sư Vạn Hạnh :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành
(HT Thích Mật Thể dịch)
Câu thứ ba “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” là sự quán chiếu thế gian Như Lộ. Thịnh hay suy rồi cũng đều như hạt sương phô mình trên ngọn cỏ. Nắng lên nó sẽ tan. Sự tồn tại đó quá đỗi phù du. Phù du như cõi thế. Tất cả những thứ được coi là giá trị trong thế gian như của cải, danh lợi, kiến thức … chỉ là hạt sương long lanh trên ngọn cỏ trong đôi mắt của bậc chân nhân đạt ngộ. Nhưng khi những đôi mắt phàm phu nhìn vào thì những hạt sương kia lại biến thành những viên kim cương vô giá. Và cả thế gian trở thành cõi tranh chấp hỗn loạn để giành giật những viên kim cương ấy.
Trong tác phẩm “Buddhism and science” (Đạo Phật và khoa học), tác giả Paul Dahlke trình bày về điểm này bằng một đoạn văn lý thú:
«Khi nào tôi còn ngỡ hạt sương long lanh trên cỏ là viên kim cương thì tôi sẽ giành giật và liều mạng để cướp lấy nó cho bằng được. Nhưng đến khi tôi hiểu rằng : “À! Đó chỉ hạt sương lấp lánh dưới ánh nắng thôi mà”, thì tôi sẽ không tự làm khổ mình về điều đó nữa. Tôi biết : “Như một cơn gió thoảng, mọi thứ đều sẽ qua đi hết”.
Nhà tư tưởng chân chính cũng suy nghĩ như vậy khi đối mặt với thế giới và những giá trị của nó, cho dù các giá trị đó được gọi tên là vợ con, của cải, lợi danh, gia đình. Một nhãn quan thấu suốt, sắc bén sẽ có ý nghĩa nhiều hơn giá trị đó. Đối với một trí tuệ thấu suốt thì những cảnh khổ não vô thường bày ra ở khắp mọi nơi, và ông ta sẽ ngoảnh mặt đi – vì chúng chắng có giá trị gì! ».
Tinh thần Như Lộ của bài kệ Lục Như dạy ta quán chiếu vào thực tướng của vạn pháp để “Ưng tác Như Thị quán” rằng cái mà ta ngỡ là những viên kim cương trên thế gian thực ra chỉ là những hạt sương rơi trên lá cỏ. Những hạt sương đó vẫn đẹp và vẫn hoàn toàn có lý do để tồn tại, nhưng chúng chỉ đẹp khi ta ngắm nhìn chúng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai bằng cái tâm thanh thản “vô bố úy” . Đó là sự quán chiếu thế gian theo tinh thần Như Lộ một cách chân chính.
Hãy quán chiếu thế gian Như Điện
Nhà thơ Tô Đông Pha, khi được một sư trụ trì ở chùa Cát Tường xin đặt tên cho một căn gác, đã làm bài thơ “Cát Tường tự tăng cầu các danh “ như sau :
Quá nhãn vinh khô điện dữ phong
Cửu trường na đắc tự hoa hồng
Thượng nhân yến tọa Quán Không các
Quán sắc quán không, sắc tức không.
(Tạm dịch : Chuyện thịnh suy thành bại lướt qua trước mắt nhanh như tia điện chớp hoặc như ngọn gió bay. Sự lâu bền của nó chẳng được như màu hồng của đóa hoa. Bậc thượng nhân ngồi yên lặng trên căn gác Quán Không; quán tưởng Sắc, quán tưởng Không rồi ngộ ra rằng Sắc chính là Không.)
Quán chiếu thế gian thoáng qua nhanh như tia điện chớp để hiểu rằng vạn pháp đang tồn tại trước mắt ta đều không thực hữu. Có đấy rồi lại mất đấy. Sắc mà lại Không!
Quán chiếu thế gian “Như Mộng” để thấy thế gian hiện ra trong tất cả vẻ đẹp rực rỡ bi tráng. Quán chiếu thế gian “Như Lộ” để thấy thế gian hiện ra trong tất cả vẻ đẹp diễm ảo long lanh. Quán chiếu thế gian “Như Điện” để thấy thế gian tồn tại nhưng không thực hữu; vạn pháp chỉ là bào ảnh, Sắc chính là Không, và giữa đại dương sinh tử, sự tồn tại của chúng ta chỉ là “Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh” (Cung oán ngâm khúc).
Kinh Kim Cương dạy chúng ta quán chiếu thế gian bằng tinh thần của bài kệ Lục Như là để “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy“ như Thiền sư Vạn Hạnh, và để đạt đến cảnh giới ”vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn” của Bát Nhã Tâm Kinh.
Mấy ngàn năm qua, tinh thần bài kệ Lục Như đã mở rộng tâm thức nhân gian ra với những chân trời bao la trong tư tưởng Phật giáo, và giúp chúng ta, trong những phút linh cầu, tìm được một chút giao tình với những tâm hồn tiêu dao thế ngoại, khi một mình tĩnh tâm nhìn lại thế gian trong ánh sáng của bài kệ Lục Như.
Mùa phật Đản 2553
HUYNH NGOC CHIEN

________________________________________
Suzuki, Studies in the Lankavatra Sutra, NXB Routledge & Kegan Paul Ltd., London, 1968. tr.72.

Paul Dahlke, Buddhism & Science, translated from the German by Bhikkhu Sllacara, Macmillan & Co., Limited, 1913, tr. 73,74.