Hiển thị các bài đăng có nhãn Roger C. Altman - Cuộc đại suy trầm 2008. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Roger C. Altman - Cuộc đại suy trầm 2008. Hiển thị tất cả bài đăng

23/3/09

Roger C. Altman - Cuộc đại suy trầm 2008

Roger C. Altman - Cuộc đại suy trầm 2008, một trở ngại địa chính trị cho Phương Tây




Trần Ngọc Cư dịch
Lời người dịch: Roger C. Altman là Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kì trong thời kì 1993-1994. Mặc dù bài tiểu luận sau đây phân tích những thất bại của hệ thống tài chính Phương Tây, nhưng nó cũng vẽ ra viễn cảnh của sự phân bố quyền lực địa chính trị (geopolitical powers) trong tương lai có thể tiên đoán được, sự thể này sẽ diễn ra như là một hệ quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đang phơi bày những yếu kém của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do từng được Hoa Kì và Phương Tây cao rao hàng chục năm nay. Trong bối cảnh này, Trung Quốc, trong tay vẫn còn một lượng tiền dự trữ (nhờ quá trình thặng dư mậu dịch) đến những 2000 tỉ đôla và vẫn giữ độ tăng trưởng GDP ở mức cao, sẽ là con hùm có cánh trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Trong khi Hoa Kì và Phương Tây đang co cụm để lo đối phó những vấn đề kinh tế nội bộ, thì đây là lúc Trung Quốc thênh thang lùng sục tài nguyên thiên nhiên qua các thỏa ước song phương kí kết với các chế độ độc tài Á-Phi. Là người Việt Nam chắc hẳn chúng ta không còn mơ màng tự hỏi, đất nước chúng ta đang ở dưới thế lực địa chính trị nào đây? Bô-xít! Bô-xít! Ôi bô-xít.
*
Cuộc suy sụp kinh tế và tài chính 2008, biến cố tệ hại nhất trong vòng 75 năm, là một trở ngại địa chính trị nghiêm trọng cho Hoa Kì và Châu Âu. Trong trung kì (medium term), Washington và các chính phủ Châu Âu sẽ không có đủ cả nguồn lực lẫn uy tín kinh tế để đóng vai trò mà họ mong muốn trong các vấn đề toàn cầu. Những yếu kém này cuối cùng sẽ được chỉnh sửa, nhưng trong lúc này, chúng sẽ tăng tốc những khuynh hướng có khả năng chuyển dịch trọng tâm quyền lực của thế giới ra khỏi vùng ảnh hưởng của Hoa Kì.
Một cuộc suy trầm kinh tế tàn khốc đang diễn ra tại Hoa Kì, Châu Âu, và chắc chắn cả Nhật Bản — một cuộc suy trầm có thể tai hại hơn cuộc đình trệ kinh tế năm 1981-82. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã gieo nỗi sợ hãi sâu sắc cho người tiêu thụ và các doanh nghiệp; để phản ứng lại, họ chỉ biết đào sâu thế thủ. Thêm vào đó, những phương thức phục hồi kinh tế thông thường được nhiều chính phủ sử dụng — như kích thích tiền tệ và tài chính — tương đối sẽ vô hiệu trong tình thế này.
Tổn thất kinh tế này đã đặt mô hình tư bản, thị trường tự do, của Mĩ dưới một đám mây đen. Toàn bộ hệ thống tài chính coi như đang suy sụp trước mắt mọi người, trong khi cơ chế điều tiết thất bại một cách ngoạn mục vì không kềm chế được những nhũng lạm xảy ra đều khắp. Hiện nay, trong lúc tìm cách ổn định kinh tế, chính phủ Mĩ cũng như các chính phủ Châu Âu đã quốc hữu hoá nhiều khu vực tài chính đến một mức độ mâu thuẫn với giáo điều của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nhiều nước trên thế giới đang đi một bước ngoặt lịch sử, hướng đến một giai đoạn trong đó vai trò của nhà nước sẽ lớn hơn và vai trò của khu vực tư sẽ bé lại. Như sự thể đang diễn ra, sức mạnh toàn cầu của Hoa Kì cũng như sức hấp dẫn của chế độ dân chủ kiểu Mĩ đang ngày càng suy giảm. Mặc dù Hoa Kì có cái may mắn là cuộc khủng hoảng này đã xảy ra đồng thời với những triển vọng nội tại trong việc Barack Obama đắc cử tổng thống, nhưng những lực tác động lịch sử — và cuộc suy sụp kinh tế 2008 — vẫn sẽ đưa thế giới rời xa hệ thống đơn cực (unipolar system), bất chấp mọi nỗ lực của Hoa Kì.
Thật vậy, những cường quốc kinh tế tân hưng (mới xuất hiện) đang tạo thêm nhiều ảnh hưởng. Không một quốc gia nào có thể hưởng lợi nhờ cuộc khủng hoảng tài chính này trong vòng một năm tới, nhưng một vài quốc gia — đặc biệt là Trung Quốc — sẽ giữ được một tư thế toàn cầu tương đối vững mạnh hơn. Trung Quốc cũng đang kinh qua cơn suy trầm địa ốc, thị trường xuất khẩu yếu kém, và tốc độ phát triển toàn bộ bị khựng lại. Nhưng quốc gia này vẫn còn tương đối cách li với cuộc khủng hoảng toàn cầu. Quĩ dự trữ ngoại thương của Trung Quốc xấp xỉ 2000 tỉ đôla, có khả năng biến nước này thành thành quốc gia mạnh nhất thế giới về tiền mặt (thanh khoản). Hệ thống tài chính của Trung Quốc không bị cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng bao nhiêu. Sự tăng trưởng quốc gia, hiện được huy động vào sinh hoạt kinh tế trong nước, sẽ tiếp tục với một tốc độ chắc nịch, dù có giảm đi so với trước đây. Trong tư thế tương đối không bị tổn thương, Trung Quốc có được cơ hội củng cố những lợi thế chiến lược trong khi Hoa Kì và Châu Âu còn phải phấn đấu để phục hồi kinh tế. Trung Quốc sẽ có đủ tư thế để tài trợ cho các quốc gia khác và có thể thực hiện những đầu tư then chốt, chẳng hạn, trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vào một thời điểm mà Phương Tây không làm được. Đồng thời, cuộc khủng hoảng này có thể mang lại một quan hệ khắn khít hơn giữa Hoa Kì và Trung Quốc. Những va chạm trong lãnh vực ngoại thương sẽ giảm bớt đi, điều này sẽ xoa dịu lập trường bảo hộ mậu dịch trong Quốc hội Mĩ. Và rất có thể, một khi Washington ít bị cuộc chiến tại Iraq chi phối, chính quyền mới của Tổng thống Obama sẽ nhận chân rõ ràng hơn chính quyền Bush, rằng quan hệ Mĩ-Trung sẽ trở thành quan hệ song phương chủ yếu nhất của Hoa Kì. Chính quyền Obama sẽ dẫn đầu các nỗ lực để đưa Trung Quốc vào G-8 (nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu) và mở rộng địa vị cổ phần của Trung Quốc trong Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Về phần mình, Trung Quốc sẽ dẫn đầu nỗ lực gia tăng cơ sở vốn của IMF.
Bản chất vấn đề
Dư luận thông thường gán cuộc khủng hoảng tài chính này cho sự suy sụp giá nhà và thị trường thế chấp thứ cấp (suprime mortgage market) tại Mĩ. Nghĩ vậy là không đúng; bản thân của sự suy sụp này là hậu quả của một vấn đề khác. Nguyên nhân sâu xa nằm trong sự kết hợp nguy hiểm giữa lãi suất quá thấp và những lượng tiền lớn chưa từng thấy rót vào thị trường Mĩ. Lãi suất thấp phản ánh chính sách tiền tệ quá dễ dãi của chính phủ Mĩ sau biến cố 9/11. (Cục Dự trữ Liên bang hạ lãi suất do quĩ liên bang xuống 1% và duy trì lãi suất gần mức này suốt trong 3 năm.) Lượng tiền mặt hay thanh khoản (liquidity) từ ngoài vào, cùng một số yếu tố khác, phản ánh hiện tượng mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke từng gọi là “lượng tiền tiết kiệm thừa mứa của thế giới”: đó là những nố thặng dư tài chánh đồ sộ của một số quốc gia, đặc biệt Trung Quốc, Singapore, và các nước sản xuất dầu hỏa của vùng Vịnh Ba Tư. Mãi cho đến giữa thập niên 90, hầu hết các nền kinh tế tân hưng đều kinh qua những thâm thủng cán cân chi phó (balance-of-payments deficits) vì chúng phải thu hút vốn nước ngoài vào để tài trợ cho sự phát triển kinh tế. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á những năm 1997-98 là một trong những nhân tố đã thay đổi tình trạng này trong nhiều nước Châu Á. Sau đó, những thặng dư tài chính đã gia tăng khắp vùng để rồi chúng liên tục được luân lưu trở lại với Phương Tây dưới dạng thức các danh mục vốn đầu tư. Gặp phải lãi suất quá thấp, núi tiền ròng này đương nhiên đi tìm những đầu tư có lợi nhuận cao hơn. Một qui luật cơ bản của tài chính là lợi nhuận của tiền cho vay tỉ lệ nghịch với phẩm chất tín dụng: người vay càng đáng tin tưởng thì tiền lời càng thấp, và ngược lại. Những số vốn rất lớn cứ như thế mà chảy vào khu vực thế chấp thứ cấp (the subprime mortgage sector) và lọt vào tay những con nợ thiếu khả năng vay mượn, ở Mĩ, ở Châu Âu, và với mức độ nhỏ bé hơn, ở khắp thế giới. Chẳng hạn, tại Mĩ số lượng nợ thế chấp thứ cấp và được cổ phần hoá (đem bán lại trên thị trường chứng khoán) đã gia tăng từ mức bình quân dài hạn là 100 tỉ lên đến 600 tỉ đôla trong hai năm 2005 và 2006. Như trong mọi trường hợp bong bóng tài chính, các bài học lịch sử luôn bị quên lãng, kể cả bài học về tỉ số thất bại của những con nợ xấu trong việc hoàn trả nợ dài hạn.
Cơn lũ tiền đầu tư tràn vào thị trường thế chấp đã đẩy giá bất động sản (nhà ở và cơ sở thương mại) lên mức cao chưa từng thấy. Trong khi giá nhà trung bình ở Mĩ mỗi năm chỉ tăng 1,4% trong suốt 30 năm trước năm 2000, sự tăng giá lần này lại nhảy vọt lên 7,6% một năm trong thời gian từ 2000 đến giữa 2006. Riêng khoảng giữa năm 2005 đến giữa năm 2006, là lúc có quá nhiều người đầu cơ trong thị trường địa ốc, giá nhà đã tăng 11%. Nhưng tương tự hầu hết các trường hợp giá cả hàng hóa tăng đột biến, nạn tăng vọt giá nhà đất cuối cùng cũng phải đổi chiều – và tuột dốc đáng sợ. Giá nhà rơi nhanh trong vòng hai năm qua, và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy. Các thị trường thương phẩm tương lai (futures markets) báo hiệu rằng trị giá địa ốc có thể tuột 30-35% từ đỉnh đến đáy. Đây là một sự mất giá khủng khiếp cho một khu vực tài sản có thời điểm được định giá khoảng 13 ngàn tỉ đôla.
Sự suy sụp giá địa ốc đã phá hoại trị giá của các khoản nợ thế chấp thiếu an toàn, tức là các khoản nợ xấu được tạo ra trong thời kì 2003-6. Thêm vào đó, vô số nợ thế chấp thứ cấp được cơ cấu với lãi suất nhẹ một cách giả tạo lúc đầu, rồi sau một thời gian theo khế ước lại bắt đầu chuyển qua lãi suất đắt đỏ hơn. Vô số con nợ không đủ sức góp tiền nhà theo lãi suất mới điều chỉnh, nạn chểnh mãng tiền nhà (delinquencies) trở nên ngày càng nhiều. Những khoản thất thu của các nợ này bắt đầu xuất hiện vào giữa năm 2007, rồi nhanh chóng gia tăng đến mức choáng váng. Và với giá địa ốc và các loại tài sản khác vẫn còn xuống dốc, giá trị của những khoản cho vay này tiếp tục trở nên tồi tệ. Các cơ sở tài chính lớn đang tiếp tục khai lỗ. Những cơ sở này hạ thấp giá trị của một khoản tiền cho vay hay một tài sản thế chấp trong tam cá nguyệt này, để rồi chỉ làm lại như thế trong tam cá nguyệt tiếp theo. Chu kì đi xuống bằng sức đẩy tự động này khiến các thị trường chúi mũi khắp thế giới.
Sự thiệt hại biểu hiện rõ rệt trong từng gia đình. Dân Mĩ đã mất đến 1/4 trị giá tài sản của họ chỉ nội trong một năm rưởi, kể từ 30-6-2007, và chiều hướng này vẫn còn tiếp tục. Tài sản lớn nhất của người Mĩ là vốn liếng họ có được (equity) trong trị giá của cái nhà [equity = giá thị trường - tiền còn nợ]. Tổng số vốn liếng mà toàn dân Mĩ có được trong nhà ở (total home equity), vào lúc cao điểm trong năm 2006, được đánh giá khoảng 13 ngàn tỉ đôla – con số này đã tuột xuống 8.800 tỉ vào giữa năm 2008 và vẫn còn tuột vào cuối năm 2008. Tài sản lớn thứ hai trong gia đình Mĩ là tài sản hưu trí (retirement assets) [phần lớn loại tài sản này hiện nằm trong cách danh mục đầu tư]. Tổng số vốn liếng của người Mĩ trong các danh mục hưu trí đã tuột mất 22%, rơi từ 10.300 tỉ trong năm 2006 xuống 8 ngàn tỉ giữa năm 2008. Trong cùng một thời kì, tài sản nằm trong các danh mục tiết kiệm và đầu tư (không kể đến tiền để dành hưu trí, retirement savings) đã mất 1.200 tỉ và quĩ lương hưu (pension funds) của các công ti hay công sở cũng mất đi 1.300 tỉ đôla. Gộp lại tất cả, tổng số những mất mát này đã lên đến một con số chóng mặt là 8.300 tỉ.
Những cú đấm bạo liệt và bất thần như vậy đã gây sốc cho nhiều gia đình Mĩ. Và vì những biến động tài chính này đã diễn ra đồng thời với các tít lớn trên báo đài và các ngân khoản tiếp cứu khổng lồ do chính phủ hứa hẹn, cơn sợ hãi của dân Mĩ về mức độ an tòan và khả năng tiếp cận với các trương mục đầu tư và ngân hàng lan rộng hơn bao giờ cả, kể từ cuộc khủng hoảng 1933. Đây là lí do vì sao dân Mĩ đã rút 150 tỉ đôla khỏi các quĩ thị trường tiền tệ (money-market funds) chỉ trong vòng hai ngày vào tháng Chín 2008 (con số rút ra trung bình hàng tuần là 5 tỉ đôla). Đó cũng là li do vì sao Cục Dự trữ Liên bang đã thiết lập một quĩ đặc biệt gồm 540 tỉ đôla để giúp các quĩ thị trường tiền tệ có khả năng đáp ứng những lượng tiền vẫn tiếp tục rút ra.
Hỗn loạn
Người ta thấy càng ngày càng hiển nhiên là, cuộc suy trầm nghiêm trọng đang diễn ra tại Hoa Kì và Châu Âu sẽ là cuộc suy thoái kinh tế thế giới gay gắt nhất kể từ thập niên 1930. Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Hoa Kì đã sa sút trong quí ba năm 2008 và được tiên đoán sẽ rớt nhanh, gần 4%, trong quí tư. Trong số 52 nhà kinh tế được The Wall Street Journal thăm dò ý kiến trong năm qua, đại đa số dự kiến kinh thế Mĩ sẽ co thắt chí ít trong ba quí liên tiếp, một điều chưa hề xảy ra trong 50 năm qua. It ra trong trung kì, vai trò quốc tế của Hoa Kì và các quốc gia Châu Âu sẽ se thắt đồng bộ với nền kinh tế của mình.
Thị trường chứng khoán tại Hoa Kì và cả thế giới đang báo hiệu một thời kì kinh tế tàn bạo đang lù lù trước mặt. Khoảng đầu tháng Mười Một 2008, chỉ số thị trường bao trùm nhất của Mĩ, S&P 500, rơi xuống 45% so với đỉnh cao năm 2007. Sự tuột dốc này còn gay gắt hơn thời kì suy trầm 1981-82, một cuộc suy trầm cho đến nay vẫn được coi là thời kì tồi tệ nhất từ thập niên 1930. Lối giải thích hợp lí duy nhất cho sự chúi mũi này là, thị trường chứng khoán hiện nay đang dự kiến mức lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế sẽ sút giảm thảm hại hơn nữa trong năm 2009, so với cuộc suy trầm xảy ra cách đây ngót 30 năm.
Một sự sa sút lợi nhuận to lớn như thế có thể xảy ra vì người tiêu thụ Mĩ hiện nay rất sợ hãi trước tương lai nên đã ngừng chi tiêu những khoản không bắt buộc. Bị sốc vì cơn khủng hoảng tài chính, lo sợ về tính an toàn của các ngân hàng và các số tiền kí gửi trong thị trường tiền tệ, đồng thời bị giao động vì cảm thức “ngày tận thế” đang tràn ngập Washington và báo đài Mĩ, người dân Mĩ bèn nhanh chóng nâng mức tiết kiệm của mình lên bằng cách hạn chế chi tiêu và tìm cách trả bớt nợ. Kết quả vào tháng Chín vừa qua là mức sút giảm lớn nhất trong chỉ số tự tin của giới tiêu thụ, còn được gọi là Conference Board Comsumer Confidence Index, một chỉ số được nhiều giới theo dõi. Tháng Chín cũng chứng kiến mức tiêu thụ hàng tháng sút giảm nghiêm trọng nhất kể từ 1980 – và sự sút giảm trong tháng Mười còn tệ hại hơn nữa. Tổng giám đốc của tập đoàn Caterpillar [sản xuất máy ủi đất] và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác đã mô tả những tình trạng này là tồi tệ chưa từng thấy và đang nghiêm khắc cắt giảm việc sử dụng vốn.
Như cựu Tổng trưởng Tài chính Lawrence Summers nhận xét, cuộc suy trầm này sẽ kéo dài khá lâu một phần vì bản chất bất thường của đường xoắn ốc đi xuống trong lãnh vực tài chính. Khi giá trị các tài sản trên thị trường [cổ phiếu chẳng hạn] mất đi nhanh chóng, các lệnh bán trước mua sau (margin calls) được thi hành, khiến các tài sản đó cũng như các loại tài sản khác bị bán tháo, việc này sẽ làm cho tài sản bị giảm giá thêm nữa. Điều này có nghĩa là nhiều gia đình và nhiều cơ sở tài chính sẽ chịu nhiều thiệt hại to lớn hơn, đưa đến hậu quả là người dân không dám tiêu xài và ngân hàng không dám cho vay. Kết quả nhiên hậu là một nền kinh tế thậm chí còn yếu kém hơn nữa, một nền kinh tế có những đặc tính sau: người dân ít tiêu xài hơn, mức thu nhập thấp hơn, và nạn thất nghiệp nghiêm trọng hơn. Cuộc suy thoái này còn sẽ kéo dài thêm nữa vì những biện pháp của chính phủ nhằm kích thích sự phục hồi hoặc là không có hoặc là vô hiệu. Phương sách cơ bản nhất để kích hoạt một nền kinh tế bệnh hoạn là nới lỏng chính sách tiền tệ, như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kì đã làm trong Mùa Thu vừa qua. Nhưng lãi suất ở Hoa Kì và Châu Âu đã xuống mức quá thấp, đồng thời các ngân hàng trung ương đã bơm vào các thị trường tín dụng một lượng tiền lớn chưa từng thấy. Như thế, dù chính sách tiền tệ có được nới lỏng thêm nữa thì hiệu quả chắc cũng không được bao nhiêu.
Một khí cụ khác là kích thích tài chính, rất có thể sẽ được sử dụng ở Hoa Kì, Châu Âu, và Nhật bản – nhưng kết quả chắc cũng khiêm nhường thôi. Ngay cả gói 300 tỉ đôla, nhằm gia tăng việc chi tiêu và trả lại tiền thuế cho công dân, đang được bàn luận trong Quốc Hội Mĩ cũng còn quá ít ỏi so với nền kinh tế 15 ngàn tỉ đôla của Hoa Kì. Dựa trên kinh nghiệm quá khứ, một loạt kích thích nữa có lẽ cũng chỉ hiệu nghiệm phần nào thôi: gói kích thích 160 tỉ đôla thực thi vào tháng Hai [năm ngoái] chỉ làm Tổng sản lượng quốc nội, hay GDP, của Hoa Kì tăng thêm một sản lượng chỉ bằng nửa số tiền đó mà thôi. Người ta dự kiến cuộc suy trầm kinh tế ở Châu Âu cũng nghiêm trọng không kém gì ở Hoa Kì. Giới tiêu thụ Châu Âu cũng cắt giảm chi tiêu vì cùng những lí do như giới tiêu thụ Mĩ. Những khu vực tài chính của các nước Châu Âu, nếu so với GDP của các nước ấy, đến nay đã chịu nhiều thiệt hại hơn khu vực tài chính của Hoa Kì. Chính phủ Anh đã công bố sự co thắt của nền kinh tế nước này vào mùa thu vừa qua, và các nước trong khu vực đồng euro đang chính thức ở vào cuộc suy trầm.
Hệ thống tài chính quốc tế cũng bị tàn phá. Quĩ Tiền tệ Quốc tế, hay IMF, ước tính rằng số nợ thất thu của các cơ sở tài chính toàn cầu cuối cùng sẽ lên đến 1500 tỉ đôla. Khoảng 750 tỉ đôla trong con số thất thu ấy đã được tường trình kể từ tháng Mười Một vừa qua. Những khoảng thất thu này đã xoá sạch một phần lớn số vốn trong hệ thống ngân hàng và khiến nhiều luồn tín dụng bị tắt nghẽn. Từ cuối năm 2007, nhiều định chế tài chính bắt đầu lo ngại về khả năng hoàn trả (creditworthiness) của người vay, kể cả giữa các cơ sở tài chính với nhau, đến nỗi họ không còn cho vay nữa. Điều này được chứng minh bằng khoảng cách giữa lãi suất của Công khố phiếu 3-tháng của Hoa Kì và lãi suất 3-tháng theo chuẩn LIBOR, một chuẩn lãi suất dành cho việc vay mượn giữa các ngân hàng (London Interbank Offered Rate) — chuẩn lãi suất này đã tăng gấp bốn một tháng sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers khai phá sản vào tháng Chín 2008. Nạn đóng băng tín dụng đã đưa hệ thống tài chính toàn cầu đến bờ suy sụp. Vào tháng Mười, giám đốc quản lí của IMF, Dominique Strauss-Kahn, đã nói đến một “cuộc tan rã có hệ thống” (a systematic meltdown) sắp xảy ra. Vì thế, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kì, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và các ngân hàng trung ương khác đã bơm vào các thị trường tín dụng một thanh khoản (liquidity) trị giá tổng cọng 2500 tỉ đô la, đây là cuộc can thiệp tiền tệ vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Về phần mình, chính phủ Hoa Kì và các chính phủ Châu Âu đã đi một bước trước đó chưa ai nghĩ đến, là bơm thêm 1500 tỉ đôla vào các danh mục đầu tư vốn trực tiếp tại các cơ sở tài chính trong nước.
Con đường tiến đến phục hồi
Khi chúng tôi ngồi viết bài này thì đã có một chút băng tan khiêm nhường trong những điều kiện cho vay của thị trường tín dụng. Nhưng con đường trở lại tình trạng bình thường thì vẫn còn hun hút xa xăm. Hệ thống tài chính Phương Tây hiện nay đã là một xác không hồn. Trong tình trạng những thiệt hại đang diễn ra, các định chế tài chính Phương Tây phải co cụm nhiều hơn nữa chỉ để giữ ổn định tờ quyết toán [cân bằng giữa chi và thu, DG]. Nói thế khác, các cơ sở tài chính này sẽ phải rút lại tín dụng từ thị trường thế giới chí ít trong ba hoặc bốn năm.
Như trong mọi trường hợp quá đà điển hình, con lắc của các thị trường tài chính đang chuyển động từ hồ hỡi sang thất vọng. Hiện nay tâm lí của các định chế tài chính là quay trở lại một thái độ bảo thủ cực đoan. Các định chế này đang duyệt xét và tu sửa toàn bộ các hệ thống cấp tín dụng và chế ngự rủi ro, cũng như tỉ số đầu cơ và thanh khoản. Những chuẩn mực cho vay khắc khe hơn sẽ thắng thế trong tương lai trước mặt.
Những mô thức cho vay mới mẻ này sẽ bị hạn chế thêm nữa bởi một chế độ điều tiết chặt chẽ hơn trước. Nhiều người nhìn nhận rằng cuộc khủng hoảng tài chính phản ánh sự thất bại lớn nhất trong lịch sử hiện đại của các cơ quan điều tiết — một sự thất bại dàn trải từ việc giám sát ngân hàng, đến những tiết lộ của Ủy ban Điều tiết Thị trường Chứng khoán Mĩ (SEC), đến công tác giám sát việc định giá tín dụng. Ở đây, những lời cáo buộc lẫn nhau cũng mới chỉ bắt đầu, chưa nói đến việc truy tố hình sự. Và mọi người đều nhất trí là cần phải có một cải tổ rộng lớn trong chức năng điều tiết thị trường tài chính. Obama và Quốc Hội mới của Hoa Kì chắc chắn sẽ theo đuổi việc làm luật để thực thi cải tổ nội năm nay. Các chính phủ Châu Âu nhất định sẽ có những biện pháp tương tự. Những tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản tối thiểu, mà các cơ quan điều tiết đòi hỏi ở các định chế tài chính, chắc chắn sẽ khắc khe hơn – bên cạnh nhiều biện pháp khác. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm lịch sử, người ta tiên đoán rằng những cải tổ tài chính sẽ đi quá xa. Đạo luật Sarbanes-Oxley, ra đời theo sau sự sụp đổ của hai tập đoàn Enron và WorldCom, là một ví dụ điển hình của một phản ứng quá đà. Nếu sự việc lại xảy ra đúng như thế, những hạn chế gắt gao áp đặt lên hệ thống ngân hàng Mĩ và Châu Âu sẽ trì hoãn việc phục hồi những hoạt động mạnh mẽ của ngành tín dụng.
Hoa Kì sẽ bị giới hạn hơn nữa do những thâm thủng ngân sách khổng lồ, hậu quả của những chi tiêu của chính phủ nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính và cũng là hậu quả của nạn sút giảm lợi tức quốc gia do cuộc suy trầm kinh tế. Ở thời điểm này, có vẻ như là, con số thâm thủng của Hoa Kì trong tài khoá bắt đầu vào tháng Mười 2008 sẽ lên tới 1000 tỉ đôla, hơn hai lần con số thâm thủng 450 tỉ đôla của năm trước. Rõ ràng, đây sẽ là thâm thủng ngân sách lớn nhất chưa có một quốc gia nào gây ra trong lịch sử và nó tương đương với 7,5% Tổng sản lượng quốc nội, GDP, của Hoa Kì, một tỉ lệ trước đây chỉ thấy trong hai cuộc thế chiến.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng
Hoa Kì và Châu Âu đang lâm vào tình trạng bị hạn chế gay gắt nhất. Một là, cuộc suy trầm kinh tế nghiêm trọng sẽ thúc đẩy các chính phủ này tập chú vào kinh tế trong nước vì dân chúng đòi hỏi các nguồn lực quốc gia phải được tập trung vào việc phục hồi quốc nội. Những ưu tiên của Obama, như được diễn tả trong cuộc vận động tranh cử của ông, rất phù hợp với mô thức này. Nếu vấn đề chưa được tranh luận trong khoá Quốc Hội sắp miễn nhiệm (the lame-duck session) vào cuối năm 2008, hành động chính yếu đầu tiên của Obama trong tư cách tổng thống sẽ là đưa ra các dự án luật kích thích kinh tế. Obama chắc cũng sẽ từng bước làm dịu bớt cuộc khủng hoảng tài chính, chú tâm vào tình trạng nghiệt ngã các hãng sản xuất xe hơi Mĩ, và bắt tay vào nhiệm vụ phức tạp cải tổ chính sách y tế và năng lượng.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng sẽ tập chú vào mặt trận quốc nội. Họ cũng sẽ thực thi những chương trình kích thích kinh tế và cố gắng chế ngự những thiệt hại trong khu vực tài chính. Mùa thu vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đều đã đọc những bài diễn văn nảy lửa nói về việc bảo vệ cho các công ti trong nước khỏi bị các nhóm tư bản nước ngoài mua lại — một thông điệp gần như không phù hợp với kinh tế học hiện đại.
Hai là, những thâm thủng ngân sách chưa hề thấy và những khó khăn trong các hệ thống tài chính cũng sẽ không cho phép Phương Tây lao vào các nỗ lực quốc tế quan trọng. Nếu Obama thừa hưởng 1000 tỉ đôla thâm thủng trong tài khoá này và lâm thời tăng nó lên 1300 tỉ với chương trình kích thích kinh tế, nhất định không còn bao nhiêu nhóm cử tri muốn kêu gọi chính phủ Mĩ gia tăng chi tiêu cho những nỗ lực ở nước ngoài. Thật vậy, quốc gia này có lẽ đang đi vào một thời kì bị kìm hãm chưa từng thấy kể từ [Khủng hoảng Kinh tế] thập niên 1930. Nếu một cuộc khủng hoảng như sự suy sụp kinh tế của Mê-hi-cô năm 1994 tái diễn, không ai còn tin Hoa Kì sẽ can thiệp. Và thậm chí nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra trong các vùng quan trọng chiến lược, như Pakistan chẳng hạn, Hoa Kì hay các quốc gia chủ chốt Châu Âu sẽ không còn đứng ra chi viện kinh tế đáng kể. Thay vào đó, IMF sẽ phải gánh lấy trách nhiệm can thiệp chủ yếu.
Trong khu vực tư, các thị trường tư bản Phương Tây sẽ chưa hoàn toàn hồi sức trong nhiều năm tới. Trong một tương lai vô định, các định chế tài chính quan trọng sẽ phải co cụm lại khi các thiệt hại vẫn còn tiếp tục và khi các định chế này cần giảm bớt các sinh hoạt đầu cơ (leverage). Lối phản ứng quá đà tiếp theo sau các cuộc khủng hoảng cũng sẽ làm cho các thị trường ngại rủi ro và không dám vung vít đầu cơ trong tương lai trước mắt.
Trong lịch sử, thị trường tư bản Hoa Kì đã có thời thâm hậu hơn và có khả năng chi trả hơn bất cứ thị trường tư bản nào trên thế giới. Chúng cấu kết nhau để giữ lợi thế qua nhiều thập niên, mãi cho đến khi các thị trường tư bản Châu Âu cũng bắt đầu phát triển nhanh chóng trong vòng 10-15 năm qua. Lúc bấy giờ, phần còn lại của thế giới phải dựa vào thị trường tài chính của Mĩ để có vốn phát triển, và quan hệ này đã củng cố ảnh hưởng toàn cầu của Mĩ. Nhưng từ nay thị trường tài chính Mĩ sẽ cung ứng một lượng tư bản tương đối ít ỏi hơn nhiều trong nhiều năm tới.
Ba là, uy tín kinh tế của Phương Tây đã bị cuộc khủng hoảng hiện nay làm lung lay tận gốc rễ. Điều này có ý nghĩa nghiêm trọng vì qua nhiều thập niên phần lớn ảnh hưởng và quyền lực mềm [ý thức hệ, DG] của Hoa Kì phản ánh sức mạnh tri thức của chủ nghĩa tư bản thị trường nhãn hiệu Anglo-Saxon. Nhưng bây giờ, chính cái mô hình đã giúp đẩy lùi chủ nghĩa xã hội và chủ trương nới lỏng thay vì tăng cường việc điều tiết kinh tế — cái mô hình đã thúc đẩy sự thoát xác của Đảng Lao động Anh, khuyến khích những cải tổ kinh tế ở Đông Âu, và thúc đẩy việc mở cửa Việt Nam trong thập niên 1990 — đang ở dưới một đám mây đen. Hệ thống tài chính của Hoa Kì đang bị nhiều người cho là đã thất bại.
Ngoài ra, Hoa Kì và các quốc gia trong khu vực đồng euro đang sử dụng những biện pháp can thiệp kinh tế trên qui mô lớn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, những can thiệp có khả năng xoi mòn những lí thuyết về thị trường tự do. Chính phủ Hoa Kì đã mua cổ phần trong hơn 20 cơ sở tài chính lớn và, theo Tổng trưởng Tài chính Henry Paulson, rốt cuộc có thể đầu tư vào “hàng ngàn” cơ sở như thế. Ngoài ra, chính phủ Mĩ còn tạm thời đứng ra đảm bảo món nợ chính của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Pháp, Đức, và Anh thậm chí còn can thiệp rộng lớn hơn nữa, mỗi nước trong một cách thế hơi khác nhau, chẳng hạn ở Đức, chính phủ đảm bảo toàn bộ các trương mục kí gửi ngân hàng của tư nhân. Những can thiệp vào hệ thống ngân hàng của chính phủ Anh, khi đem đo với GDP của nước này, thậm chí còn sâu rộng hơn cả những can thiệp của chính phủ Hoa Kì, khi đem so với GDP của Mĩ. Những can thiệp loại này sẽ chấm dứt khuynh hướng nới lỏng việc điều tiết kinh tế trên toàn cầu. Như Tổng thống Sarkozy đã nói, “Le laisser-faire, c’est fini.” Hay như Phó Thủ tướng Trung Quốc Wang Qishan đã khéo ngoại giao hơn qua câu nói: “Bây giờ các sư phụ lại có vấn đề.” Thái độ này trùng hợp với chuyển động tự nhiên và trường kì của các quốc gia muốn tách rời cái thế giới mà nước Mĩ giữ vị trí trung tâm (the U.S.-centric world), một thế giới được khai sinh sau vụ sụp đổ của Bức tường Bá Linh hai thập niên về trước.
Thắng lợi của Trung Quốc
Chuyển động này cũng phản ánh sự vươn lên nhanh chóng của các nền kinh tế khác, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Trọng lượng kinh tế của Hoa Kì trong tổng sản lượng thế giới đã giảm 7 năm liền trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra. Và càng ngày người ta càng thấy rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt quá GDP của Hoa Kì ở một thời điểm nào đó trong vòng 25-30 năm tới. Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của các nước tân hưng (the rising nations) sẽ gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và mang lại nhiều cạnh tranh. Hậu quả sẽ là sự xuất hiện của một “thế giới không có cực” (nonpolar world), theo cách nói của Richard Haass, chủ tịch của Ủy ban Nghiên cứu Quan hệ Đối ngoại.
Trung Quốc, chẳng hạn, sẽ bị tác hại ít hơn vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu này. Nước này cũng đang kinh qua ít nhiều nỗi đau kinh tế. Thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, đứng đầu là Hoa Kì và Châu Âu, đang nhanh chóng khựng lại. Trung Quốc cũng đang chịu đựng những cơn rớt giá trong một số thị trường địa ốc nhất định ở các thành phố. Độ tăng trưởng khựng lại ở mức 9% trong tam cá nguyệt thứ ba năm 2008 — một tốc độ mà nhiều quốc gia đang thèm muốn nhưng vẫn là độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. Những yếu tố này giải thích tại sao lãnh đạo Trung Quốc đang thực thi một chương trình kích thích kinh tế trị giá 500 tỉ đôla, hay khoảng 15% GDP. Dẫu sao, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn dự kiến rằng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm 2009. Về phương diện tài chính, Trung Quốc ít bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng tài chính của Phương Tây. Toàn bộ hệ thống tài chính của nước này đóng một vai trò tương đối nhỏ trong nền kinh tế quốc gia, và rõ ràng là Trung Quốc không phải đối đầu với những tài sản thế chấp đang rớt giá trong thị trường địa ốc (toxic assets), thực chất là những món nợ xấu đang làm ngã quị các hệ thống ngân hàng Mĩ và Châu Âu. Các hộ gia đình Trung Quốc để dành khoảng 40% mức thu nhập, một con số làm cho thế giới kinh ngạc. Và danh mục 2000 tỉ đôla của quĩ dự trữ mậu dịch đã tăng thêm 700 triệu đôla năm ngoái, nhờ thặng dư mậu dịch và vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI).
Điều này có nghĩa là mặc dù Trung Quốc cũng bị tổn thương vì cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng sức mạnh kinh tế và tài chính của nó lại trở nên khỏe hơn so với sức mạnh kinh tế tài chính của Phương Tây. Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc nhờ thế mà được gia tăng và Bắc Kinh sẽ có thể lao vào những nỗ lực kinh tế và chính trị trên thế giới nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình thêm nữa. Trung Quốc và Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN) vừa kí kết một thỏa hiệp nhằm tạo ra một vùng mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, và Bắc Kinh có thể tiến hành từng bước để hình thành một khối tương lập giữa các nước Châu Á (Asian interdependence) và giữ vai lãnh đạo ngày càng lớn mạnh ở trong vùng. Trung Quốc còn có thể nới rộng quan hệ ngoại giao trong thế giới đang phát triển, để bành trướng mô hình tư bản chủ nghĩa của mình và, tại các nước như Angola, Kazakhstan, và Sudan, để thỏa mãn cơn khát tài nguyên thiên nhiên. Giữa cuộc khủng hoảng tài chính này, Trung Quốc cũng có thể đem tiền ra cho các nước vay khẩn cấp, hoặc trực tiếp, xuyên qua các dàn xếp tài trợ song phương, hoặc gián tiếp, bằng cách tạo thêm một quĩ mới tại IMF nhằm nới rộng tín dụng ra ngoài mức mà các hạn ngạch (quotas) hiện nay cho phép. Người ta cũng dự kiến Trung Quốc sẽ thực hiện những đầu tư chiến lược bằng cách sử dụng quĩ đầu tư nhà nước (sovereign wealth funds). Trong bối cảnh Trung Quốc đang khát tài nguyên, đây có thể là một lãnh vực đáng chú ý; cơ cấu hạ tương đối kém phát triển của Trung Quốc dành cho các dịch vụ tài chính lại là một lãnh vực đáng chú ý khác.
Sự sụp đổ của phần còn lại
Ấn Độ cũng có thể thoát được cơn khủng hoảng tương đối không sây sướt. Ở Ấn Độ, cũng như ở Trung Quốc, hệ thống tài chính chỉ đóng một vai nhỏ trong toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Kinh tế Ấn Độ tương đối còn khép kín đối với đầu tư nước ngoài, vì thế nước này ít lệ thuộc vào nguồn vốn từ ngoài vào. Nhiều nhà quan sát thân cận dự kiến kinh tế Ấn độ vẫn tiếp tục tăng trưởng, có lẽ ở mức độ 6,5 đến 7 phần trăm mỗi năm. Nhưng Ấn Độ không có đủ vốn liếng và sự cố kết nội bộ (internal cohesion) như Trung Quốc. Mùa thu vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh suýt thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội và suýt phải giải tán vì những chống đối về thoả ước nguyên tử mà Ấn Độ đã kí kết với Hoa Kì năm 2005. Do đó nhìn chung sẽ thấy, Ấn Độ có thái độ hướng nội và không sẵn sàng bành trướng ảnh hưởng địa chính trị của mình.
Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới, rất bị chao đảo vì cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những ngân hàng đang bị tổn thất của Phương Tây, trước đây thường xuyên cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trong thế giới đang phát triển, nay bỗng đột ngột ngừng cho vay vốn. Khi vốn nước ngoài bị rút ra, đương nhiên tiền tệ, hệ thống ngân hàng địa phương và thị trường chứng khoán vốn đã ở trong tình trạng tồi tệ ngày càng trở nên yếu kém hơn nữa. Các nước Đông Âu, trước đây vốn đã bị thâm thủng ngân sách cực kì lớn và chất ngất nợ nước ngoài, hiện đang đặc biệt thấm đòn. Hungary, Latvia và Ukraine là những trường hợp điển hình rất rõ nét — với Hungary và Ukraine đã vay mượn khẩn cấp từ Quĩ Tiền tệ Quốc tế.
Ở Nga, sự rớt giá của dầu hỏa và các thương phẩm khác đã gần làm suy sụp giá trị đồng ruble và giá cổ phần địa phương. Chính phủ của Tổng thống Dmitry Medvedev đã và đang chi ra nhiều nố khổng lồ, cho đến nay có lẽ đã lên tới 200 tỉ đôla, để chống đỡ giá trị đồng ruble, hệ thống tài chính của Nga, và nhiều xí nghiệp quốc doanh có tính đầu cơ vung vít. Với 500 tỉ đôla hiện có trong quĩ dự trữ mậu dịch, Nga vẫn còn ở trong thế mạnh tài chính ngay cả sau khi thực thi những nỗ lực tiếp cứu này. Tuy nhiên, những biến cố nghiêm trọng này sẽ làm cho Nga khó thực hiện những tham vọng địa chính trị vừa nhem nhúm tái sinh. Trên lí thuyết, điều này có thể giảm bớt sự lạnh nhạt trong quan hệ Nga-Mĩ nếu Obama chịu đưa ra đề nghị trước. Tuy nhiên, trước khi điều này xảy ra, có lẽ Moscow sẽ thử nghiệm đường lối “cứng rắn” mà Thủ tướng Xô-viết Nikita Khrushchev đã sử dụng với Tổng thống Mĩ John F. Kennedy tại Vienna vào năm 1961. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này sẽ là nghiêm trọng hơn đối với Iran và Venezuela, những nước này cũng như Nga đang chịu đựng cơn rớt giá dầu hỏa, nhưng khác với Nga ở chỗ là quĩ dự trử mậu dịch của chúng khá bị hạn chế. Kinh tế Iran vốn đã xập xệ và những sức ép bên trong hiện có khả năng gia tăng. Venezuela, quốc gia đã và đang chi tiêu vung vít để xúc tiến chương trình nghị sự quốc tế của Tổng thống Hugo Chávez, đang đối diện với một vấn đề thậm chí nghiêm trọng hơn.
Cần dao giải phẫu chứ không cần mã tấu
Cuộc khủng hoảng lịch sử này nêu lên nghi vấn là liệu có cần đến một đường lối toàn cầu để kiểm soát tiền tệ, ngân hàng và tài chính hay không. Nhiều nhà kinh tế và lãnh đạo hiện đang cổ vũ tái thiết một trật tự mới và kêu gọi triệu tập một loại hội nghị thượng đỉnh như Bretton Woods II [tức Hội nghị Thượng đỉnh G-20 bàn về kinh tế tài chính thế giới tại Washington vào tháng Mười Một năm 2008, DG]. Nhưng việc tạo ra một trật tự tài chính toàn cầu sẽ không thực hiện được. Thị trường tài chính và tiền tệ hiện nay quá rộng lớn và quá mạnh không ai có thể kềm chế được; cái thời quản lí hối suất đã qua rồi. Việc điều tiết tài chính toàn cầu chắc sẽ tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề trước mắt, sự thể cũng chỉ vì những cải tổ cần thiết ở Phương Tây lại quá khác những cải tổ mà những nơi khác đòi hỏi.
Một đường lối giải quyết vấn đề hiệu quả hơn là phải tập trung vào một số biện pháp then chốt. Một là, cuộc khủng hoảng này là một cơ hội củng cố và cải tổ lại IMF. Tổ chức này có 250 tỉ đôla để cho vay nhưng không được sử dụng, tuy nhiên cơ sở vốn này kể từ năm 1997 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh và có lẽ không đủ lớn để giúp đỡ nhiều quốc gia hiện đang bị khủng hoảng cán cân chi phó và thanh khoản. (Hungary, Iceland, Pakistan, Ukraine, và sáu nước khác đã hoặc đang thương lượng để nhận những gói tài trợ khẩn trương từ IMF.) Tình trạng này cần phải được chỉnh sửa. IMF cũng có thể được điều chỉnh để trở thành linh động hơn. Trong thời gian qua, IMF đặt điều kiện tài trợ cho các quốc gia vay tiền trên nỗ lực thắt lưng buột bụng, chẳng hạn, bằng cách giảm bớt những thâm thủng ngân sách của họ. Việc đặt điều kiện như thế này vẫn còn cần thiết trong trường kì, nhưng với cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra, IMF đã đi đúng hướng, tiến tới tạm thời đình chỉ việc đặt điều kiện. Ngoài ra, những quốc gia có thặng dư ngân sách cao (high-surplus countries), như Trung Quốc và các nước sản xuất dầu hỏa trong vùng Vịnh Ba Tư, phải được phép có cổ phần lớn hơn trong IMF. Chẳng hạn, một điều hợp lí là phải để cho những quốc gia này đứng đầu bất cứ một quĩ cho vay mới thành lập riêng biệt nào.
Hai là, cơ cấu tổ chức của nhóm G-8 ngày càng trở nên lỗi thời. Của cải và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi rằng, chí ít, quốc gia này phải được thu nhận vào trong nhóm. Ngoài ra, vì tính cách đại diện rộng rãi hơn, cơ cấu tổ chức của nhóm G-20 (19 nền kinh tế quốc gia lớn nhất thế giới cọng với Liên Minh Châu Âu) phải được sử dụng thường xuyên hơn và nhóm G-8 phải được sử dụng ít lại.
Ba là, những đường lối chỉ đạo Base II, tức là những nguyên tắc điều tiết việc cấp tư bản cho các ngân hàng, cần phải được duyệt xét lại. Những nguyên tắc này tỏ ra thiếu sót nghiêm trọng trong việc bảo vệ các ngân hàng chống lại những khủng hoảng quyết toán (balance-sheet crises) đã xảy ra cho chúng. Một đường lối hiệu quả hơn sẽ là tạo ra tư bản gối đệm (capital cushions) cho các ngân hàng trong thời kì thịnh vượng để có thể rút ra sử dụng trong các giai đoạn khủng hoảng. Hoa Kì vẫn còn là một nước mạnh nhất thế giới thêm một thời gian nữa. Nội một mình sức mạnh quân sự của nó cũng đủ đảm bảo viễn ảnh này. Nhưng cuộc suy trầm kinh tế 2008 đã gây tổn thất sâu đậm cho hệ thống tài chính, kinh tế, và tư thế của Mĩ trên thế giới; cuộc khủng hoảng là một trở ngại địa chính trị quan trọng đối với Hoa Kì. Những tiếng hoan của thế giới đón chào việc Obama đắc cử tổng thống có thể làm dịu bớt các hậu quả của cuộc khủng hoảng, nhưng ngay cả sự hồ hỡi nhiệt tình này cũng không thể xoá sạch những hậu quả ấy đi. Sở dĩ vậy một phần vì cuộc khủng hoảng đã xảy ra trùng hợp với những lực tác động lịch sử, những lực vốn đã xê dịch sự tập chú của thế giới xa dần nước Mĩ. Qua trung kì, Hoa Kì sẽ phải hành hiệp từ một diễn đàn thế giới nhỏ bé hơn trước – trong khi các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ có một cơ may vươn lên nhanh chóng hơn.

Nguồn: Foreign Affairs, tháng Giêng/tháng Hai 2009

Roger C. Altman là Chủ tịch và Tổng giám đốc của Evercore Partner, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mĩ trong thời gian 1993-94.