Hiển thị các bài đăng có nhãn Hệ thống tài chánh Hoa Kỳ và cơ chế giám sát. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hệ thống tài chánh Hoa Kỳ và cơ chế giám sát. Hiển thị tất cả bài đăng

9/5/10

Hệ thống tài chánh Hoa Kỳ và cơ chế giám sát

Hệ thống tài chánh Hoa Kỳ và cơ chế giám sát
Nguyễn Trường
10/05/2010



SỰ CẦN THIẾT MỘT CƠ CHẾ GIÁM SÁT

Tài hóa công và thị trường tự do, theo định nghĩa, đã luôn mang tính tương khắc. Luật lệ về ô nhiễm và vai trò cảnh sát là những ví dụ cổ điển. Trong cuộc khủng hoảng tài chánh hai năm qua, tài hóa công tối cần nhưng thiếu vắng là quy luật giám sát nghiêm chỉnh. Với một hệ thống giám sát yếu ớt, Wall Street đã vay mượn liều lĩnh và đầy bất trắc. Những món nợ nầy đã cho phép các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, lẽ ra đã không thể thực hiện, để mưu cầu doanh lợi. Khi giá trị các vụ đầu tư bắt đầu suy giảm, các xí nghiệp chỉ có một biên độ sai lầm bé nhỏ. Các xí nghiệp lâm vào tình trạng giống những kẻ mua nhà chỉ trả một số tiền mặt lúc đầu (down payment) quá ít ỏi, và chẳng bao lâu, đã không thể ngoi đầu lên khỏi mặt nước.

Các ngân hàng đầu tư, vì vậy, rất xứng đáng để bị chìm xuồng. Nhưng sự sụp đổ của những ngân hàng lớn thường gây ra những tai họa khủng khiếp. Tín dụng và thanh khoản sẽ cạn kiệt; và kinh tế có thể lâm vào vòng lẩn quẩn bong bóng tích sản đổ vỡ, và công ăn việc làm thất thoát. Đó là những gì đã xẩy ra trong năm 2008. Nhằm phục hồi các nguồn tín dụng, chính quyền liên bang đã phải bỏ ra hàng trăm tỉ tiền thuế để ứng cứu. Một câu chuyện khùng điên: chính quyền đã làm ngơ để các ngân hàng tạo mọi cơ hội làm giàu và ứng cứu khi họ gặp tai họa. Chẳng khác gì các công ty dầu đã thủ lợi cùng lúc gây ô nhiễm, Wall Street đã thủ lợi khi vận động gỡ bỏ giám sát, phương hại cho quyền lợi chung của xã hội.

Nếu có một vấn đề trong các chính sách đối nội rời rạc của chính quyền Obama, đó là chính quyền lẽ ra đã phải đầu tư nhiều hơn vào các tài hóa công: gia tăng chi tiêu cho trường ốc, xa lộ, nghiên cứu khoa học, và cố gắng đóng một vai trò tích cực trong chính sách năng lượng và dịch vụ y tế. Theo bộ trưởng ngân khố Timothy F. Geithner, "tất cả đều là những bộ phận trong mạng lưới những gì cần thiết cho sự vận hành của nền kinh tế, và chúng ta đã chưa làm đủ tốt trong những năm gần đây"[1]. Geithner nói tiếp, một phần quan trọng trong mạng lưới vừa nói là tái giám sát tài chánh.

Để giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng trong tương lai, kế hoạch của Obama cần phải thực hiên ba biện pháp căn bản.

Trước hết, các viên chức giám sát cần được dành nhiều quyền để rà soát kiểm tra mọi việc, từ tín dụng bất động sản đến mọi loại chứng khoán phức tạp. Điều nầy có nghĩa phải ngăn ngừa những bom-mìn-tài-chánh-nổ-chậm trong tương lai, như tín dụng và những trái khoán đầy bất trắc trong quá khứ.

Biện pháp thứ hai tối quan trọng: các xí nghiệp tài chánh cần bị buộc phải giảm số tín dụng tung ra thị trường, hạn chế tỉ suất cho vay-vốn dự trữ, và gánh nặng nợ nần. Điều nầy tương đương với biện pháp đòi hỏi các người mua nhà phải trả ngay từ đầu một bách phân cao hơn: số thu nhập khả dụng sẽ giúp đem lại cho xí nghiệp tài chánh một biên độ an toàn lớn hơn mỗi khi các khoản đầu tư gặp rắc rối.

Cuối cùng, nếu biên độ không đầy đủ, chính quyền phải được quyền tiếp quản xí nghiệp tài chánh sắp phá sản tương tự như hiện đã có thể hành động đối với các ngân hàng chính thống. Cơ quan giám sát lúc đó có thể duy trì hoạt động của xí nghiệp trong một thời gian cần thiết để ngăn ngừa hoảng loạn và sẽ từ từ thanh toán mọi tích sản của xí nghiệp.

Trong thực tế, ngay chính giải pháp nầy cũng chưa chắc đã hiệu quả. Không ai có thể đoan chắc bong bóng hay khủng hoảng tương lai sẽ đến từ đâu, vì vậy, làm cách nào để ngăn ngừa. Người ta có thể đưa ra nhiều luận cứ cho nhiều hình thức giám sát, và cũng đã không thiếu các cuộc thảo luận vào chi tiết các biện pháp tái giám sát khác nhau. Làm sao quy định các loại chứng khoán? Liệu cơ quan bảo vệ giới tiêu thụ cần có một quy chế độc lập hay chỉ là một bộ phận của Cục Dự Trữ Liên Bang? Cơ quan nào chịu trách nhiệm tiếp quản một xí nghiệp sắp phá sản?

Trong bối cảnh đó, kế hoạch tái giám sát của chính quyền Obama có nhiều điều để khuyến cáo. Kế hoạch sẽ phải lấp những lỗ hổng trong mạng lưới giám sát. Quốc Hội phải tạm quên chính trị đảng phái và biểu quyết một luật quan trọng vào mùa hè sắp tới. Trong trường hợp nầy, lý do quan trọng nhất để âu lo về kế hoạch sẽ không phải bất cứ một trong số các chi tiết Quốc Hội đang bận tâm trong những tháng gần đây, mà là một điều căn bản hơn nhiều. Dù guồng máy giám sát ra sao đi nữa, cơ chế giám sát vẫn phải do các viên chức giám sát điều hành. Cơ quan hữu trách sẽ ấn định các điều kiện vốn, quyết định khi nào đóng cửa một xí nghiệp sắp vỡ nợ, và quy định một thế quân bình giữa nhu cầu bảo vệ giới tiêu thụ mà vẫn để họ có đủ tự do lựa chọn. Pháp chế sẽ không xen vào các chi tiết như thế, và Tổng Thống Obama cũng như chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, Ben Bernanke, cũng chẳng mấy rõ ràng về những chi tiết nầy. Họ cũng chưa đưa ra một triết lý chỉ đạo nào ngoài lời hứa các thanh tra giám sát sẽ làm việc tốt hơn trong tương lai.

Trong mọi trường hợp, đây là đề tài liên quan đến bản tính con người nhiều hơn là chính trị. Khủng hoảng tài chánh trong tương lai sẽ có lịch sử gần đây để chiêm nghiệm. Giá trị các tích sản sẽ gia tăng, và các loại chứng khoán hay dụng cụ tài chánh mới nào cũng sẽ có vẻ an toàn. Theo Paul A. Volcker, nguyên chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, "khi mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp thật khó lòng áp đặt một sự giám sát chặt chẽ vì mọi người đều chống đối"[2]. Đã hẳn, cả Bernanke lẫn Geithner, cũng như nhiều thanh tra khác, đã chẳng lưu tâm đến nhiều dấu hiệu nguy cơ dang rình rập trong thập kỷ vừa qua.

Một phương cách đối phó với sự chểnh mảng hay sai lầm của các viên chức giám sát là nghiêm chỉnh thi hành các quy luật rõ ràng và đầy đủ, có mục đích giới hạn khả năng của mọi người dễ dàng để bị thuyết phục bởi tư duy "bong bóng sắp tới sẽ khác" - tỉ số tư bản dự trữ đòi hỏi lúc khởi đầu, chẳng hạn, các ngân hàng không thể thay đổi. Cho đến nay, Tòa Bạch Ốc, Cục Dự Trữ Liên Bang, và Quốc Hội hầu như hoàn toàn tránh né các quy luật như thế.

Vì vậy, tưởng cần phải đặt câu hỏi: kế hoạch tái giám sát hiện nay liệu có đủ các biện pháp hỗ trợ cần thiết hay không? Trong trường hợp Wall Street đi trước Hoa Thịnh Đốn một bước, hay các viên chức giám sát tương lai sơ hở trong những đòi hỏi số tư bản dự trữ sơ khởi, hay khi chính quyền không kịp thời tiếp quản "các Lehman Brothers tương lai" trước khi quá muộn, liệu guồng máy tái giám sát có thể nào hoàn thành trách nhiệm giám sát.
NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG HIỆN NAY

Kể từ Kinh Tế Đại Khủng Hoảng 1929-33, Hoa Kỳ đã được hưởng một giai đoạn sóng yên bể lặng trong sinh hoạt ngân hàng. Trước Đại Khủng Hoảng, khủng hoảng tài chánh thường là một phần của đời sống: theo chu kỳ trên dưới 10 năm. Khi người dân quá âu lo về tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng, họ thường đua nhau rút tiền. Trong lúc đó, vì đã cho các gia đình và xí nghiệp kinh doanh khác vay, ngân hàng không còn đủ thanh khoản để đáp ứng.

Trước tình trạng khủng hoảng vào đầu thập kỷ 1930s, chính quyền Roosevelt và Quốc Hội đã đưa ra hai biện pháp cải cách trong luật Glass-Steagall Act. Một mặt, Federal Deposit Insurance Corporation - FDIC (Công Ty Bảo Hiểm Ký Thác Liên Bang) được thiết lập, để cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với các khoản ký thác ở ngân hàng và bảo đảm khả năng rút tiền của giới gửi tiền dù ngân hàng vỡ nợ. Mặt khác, các ngân hàng bị buộc phải giới hạn hoạt động trong phạm vi cho vay truyền thống, không được phép dùng tiền ký thác của khách hàng để đầu cơ cổ phiếu và bảo hiểm các loại chứng khoán (underwrite securities). Hai loại biện pháp phối hợp tăng cường hai phương diện của sinh hoạt ngân hàng - quan hệ với giới tiết kiệm (trái chủ) và giới đi vay (con nợ) - để giảm thiểu nguy cơ phá sản của các ngân hàng. Thời kỳ sóng yên bể lặng ra đời.

Trong thập kỷ 1980s, sóng gió lại nổi lên. Các ngân hàng bắt đầu đối diện với tình trạng cạnh tranh mới, ve vãn và thu hút hai giới ký thác và vay nợ . Các gia đình có thể gửi tiền vào các quỹ hỗ tương (mutual funds) như Fidelity và Vanguard, những tổ chức trung gian thường hứa hẹn những lợi nhuận cao hơn các chương mục tiết kiệm và đôi khi ít rủi ro bất trắc. Trong khi đó, các công ty xí nghiệp trước kia chỉ có thể vay hay lệ thuộc vào các khoản cho vay của ngân hàng để tài trợ các nghiệp vụ kinh doanh, giờ đây còn có thể vay mượn dễ dàng trên các thị trường trái phiếu (bond markets).

Những đổi thay nầy rõ ràng đã mang lại nhiều điều lợi. Như Daniel K. Tarullo, một thống đốc trong Cục Dự Trữ Liên Bang do T T Obama tiến cử, đã nói: "Các quy định New Deal đã bảo trợ một hệ thống ngân hàng, trong phần lớn 40 năm qua, khá ổn định và hữu lợi, mặc dù không có gì đặc biệt sáng tạo trong việc đáp ứng các nhu cầu của các khách hàng ký thác và vay nợ"[3]. Trong hệ thống mới cạnh tranh gay gắt hơn, tiền lãi vay mượn đã giảm sụt nhiều. Thẻ tín dụng (credit cards), thẻ tá phương (debit cards), A.T.M.'s, và các nghiệp vụ ngân hàng trực tuyến (online banking), đã đem lại nhiều tiện lợi cho giới tiêu thụ. Lợi nhuận tương đối cao trên thị trường chứng khoán đã hấp dẫn một số đông đảo quần chúng hơn trước. Các xí nghiệp với tư bản chờ cơ hội đầu tư (venture-capital firms) đã chuyển nhiều ý tưởng thành doanh nghiệp.

Nhưng hệ thống mới có một nhược điểm cực kỳ nguy hiểm. Các tổ chức cạnh tranh mới của ngân hàng rất ít được giám sát. Họ không trực tiếp bị ràng buộc bởi các "giới hạn Roosevelt". Geithner nói, "chúng tôi có toàn bộ một hệ thống bên ngoài ngân hàng không hề chịu những hạn chế đáng kể về tư bản dự trữ và hiệu năng đòn bẩy"[4]. Các ngân hàng đầu tư như Lehman Brothers đã có thể kiếm nhiều lợi nhuận lớn lao, một phần qua thế mạnh đòn bẩy lớn hơn các ngân hàng chính thống. Dùng một hình ảnh ví von: chẳng khác nào họ chỉ cần bỏ ra 3% giá mua một bất động sản trong khi các ngân hàng phải trả trước một bách phân ít ra 20%. Chỉ cần giá nhà gia tăng 3%, Lehman đã có thể tăng gấp đôi số đầu tư của mình. Cũng tương tự như vậy, A.I.G. đã sáng tạo các derivatives - loại chứng khoán với tỉ lệ đòn bẩy rất cao - hầu như hoàn toàn thoát khỏi mọi giám sát của chính quyền.

Để cạnh tranh, các ngân hàng chính thống bắt đầu vận động cởi bỏ mọi giám sát (deregulation), ngõ hầu có thể nhảy vào các quỹ đầu tư hổ tương (mutual funds) và giúp các công ty bán cổ phiếu và trái phiếu. Năm 1999, chính quyền Clinton và Quốc Hội với đa số Cộng Hòa đã hủy bỏ hầu hết các điều khoản hạn chế của Luật Glass-Steagall, chính thức cho phép các ngân hàng chính thống mở rộng phạm vi hoạt động bao gồm các hình thức đầu tư đầy rủi ro bất trắc. Tuy vậy, các tổ chức cạnh tranh mới của ngân hàng - ngân hàng đầu tư, các hảng bảo hiểm, các quỹ đầu cơ, và nhiều xí nghiệp khác gọi chung như các "ngân hàng nhại phi chính thống" (shadow banks) - vẫn tiếp tục được tự do (ít được giám sát) và phát triển nhanh chóng. Dựa vào lực đòn bẩy, các ngân hàng phi chính thống đã có thể kiếm nhiều lợi nhuận khổng lồ vì luôn đi trước các nhà đầu tư đúng nghĩa một bước, hoặc chỉ cần nắm bắt và lợi dụng thị trường đang nóng bỏng (bull market). Theo Volcker, "lợi nhuận của các xí nghiệp nầy đã vượt xa bất cứ phần đóng góp nào của họ vào nền kinh tế"[5].

Trong thực tế, các giao dịch ngân hàng phi chính thống chiếm khoảng một nửa doanh số của hệ thống tài chánh Hoa Kỳ. Những giao dịch nầy cũng đã giúp tái tạo loại điều kiện tiên quyết (preconditions) đưa đến khủng hoảng hiện hữu trước thập kỷ 1930s. Các xí nghiệp dựa vào lực đòn bẩy cao rất dễ bị thương tổn bởi tình trạng mất tin tưởng. Lần nầy, nạn mất lòng tin hay hoảng sợ không đến từ cá nhân các khách hàng ký thác - vẫn được FDIC bảo vệ - mà từ các xí nghiệp tài chánh khác. Trung tâm của hệ thống tài chánh hiện nay là repo market trong đó các xí nghiệp hàng ngày cho nhau vay mượn những số tiền kếch xù. Nếu các đối tác bất thần cảm thấy âu lo khi một xí nghiệp thứ hai vay tiền của họ đang gặp khó khăn, họ lập tức đòi thêm thế chấp. Một khi một xí nghiệp cho vay bắt đầu đòi thêm thế chấp bảo đảm, các xí nghiệp khác sẽ lo ngại hơn và cũng hành động tương tự. Điều nầy cũng không mấy khác làn sóng các người ký thác đổ xô đến các ngân hàng rút tiền, chỉ khác ở chỗ giờ đây qua điện thoại và máy vi tính thay vì chen chúc trước cửa ngân hàng. Tháng 9-2008, JP Morgan Chase và Citigroup đã hành động như vậy đối với Lehman, và đã thực sự đẩy Lehman đến chỗ phá sản. Sự sụp đổ của Lehman lập tức khởi động tình trạng hoảng sợ trên khắp thế giới.

Sự cởi bỏ giám sát trong mấy thập kỷ vừa qua đã bị lên án là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Và sự cởi bỏ giám sát một phần nào cũng xứng đáng bị chỉ trích. Nếu Citigroup và Bank of America tuân thủ các quy luật New Deal trong quá trình hoạt động, các định chế nầy có lẽ đã có thể tránh khỏi tai họa suýt phải vỡ nợ. Nhưng tưởng cũng nên dành chút thì giờ để nghĩ xem xí nghiệp nào gặp nhiều khó khăn nhất. Đó chính là các ngân hàng phi chính thống: những ngân hàng đầu tư độc lập như Lehman, Bear Stearns và Merrill Lynch; và các xí nghiệp khác như A.I.G., thực ra không phải ngân hàng. Những ngân hàng đầu tư và các xí nghiệp nầy không hoàn toàn bị chi phối bởi luật lệ New Deal, và không mấy bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cởi bỏ giám sát.

Gốc rễ của khủng hoảng, như vậy, không phải từ luật lệ đã thay đổi. Thị trường tài chánh đã biến đổi, và Hoa Thịnh Đốn đã không bắt kịp. Vì vậy, tái lập một giai đoạn ổn định có lẽ không thể chỉ tìm cách phục hồi các luật lệ cũ, mà hầu như chắc chắn phải cần những luật lệ mới, hoặc toàn bộ hay được cải tiến tinh tế hơn.
BẢO VỆ GIỚI TIÊU THỤ

Năm 1988, Quốc Hội đã sáng lập ra Schumer box (hộp Schumer). Lấy tên của Charles Schumer, Nghị sĩ bang New York, lúc đó còn là dân biểu Hạ Viện, hộp Schumer đã trở thành một phần bắt buộc trong đơn xin thẻ tín dụng (credit card), liệt kê lãi suất, niên phí, và các con số căn bản khác. Hộp Schumer nhằm nhiều mục đích. Một trong những mục đích là người nào không muốn trả cước phí hàng năm có thể gạt bỏ bất cứ loại thẻ tín dụng nào đòi hỏi niên phí. Tuy nhiên, với thời gian, các ngân hàng đã tìm ra phương cách lấy cước phí mới không bị chi phối bởi hộp Schumer. Các ngân hàng đã sáng tạo nhiều xảo thuật mới thêm vào thẻ tín dụng và đã thu được hàng triệu cước phí phụ như tiền phạt (penalties) khi người dùng thẻ vượt quá giới hạn tối đa trong thẻ tá phương (overdraft fees in debit cards). Một lần nữa, Wall Street đã đi trước Hoa Thịnh Đốn một bước.

Thật là điên rồ khi tưởng chúng ta có thể nghĩ ra một gói hỗn hợp vừa phải các quy luật và điều lệ để ngăn ngừa những lạm dụng như vậy. Nếu các viên chức có trách nhiệm giám sát luôn bị ràng buộc bởi các quy luật minh thị và khu vực tư luôn duy trì được tính mềm dẻo du di, các quan chức giám sát không bao giờ có thể bắt kịp. Chính vì lẽ đó, một ít quyền chuyên quyết vẫn luôn là một bộ phận thiết yếu của cơ chế tái giám sát.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Obama đã đề nghị thành lập một cơ quan mới - Ủy Hội Sản Phẩm Tài Chánh An Toàn (Financial Product Safety Commission - FPSC) - cho phép các viên chức giám sát được quyền quyết đoán nhiều hơn họ đã từng có trong quá khứ. Họ không chỉ đơn thuần thi hành luật lệ. Họ có thể có đủ khả năng kiểm tra hiện trạng thị trường trong thời gian đích thực. Nếu các ngân hàng che giấu cước phí các thẻ tá phương, hay thuyết phục hàng triệu người vay nợ có thế chấp bất động sản vượt quá khả năng trả nợ - những lề lối đã đem lại những lợi nhuận khổng lồ trong thập kỷ vừa qua - Ủy Hội có thể cảnh cáo hoặc cấm chỉ thủ thuật liên hệ. Quyền hạn của Ủy Hội cũng tương tự như của Ủy Hội Tiêu Thụ Phẩm An Toàn (Consumer Product Safety Commission), cơ quan kiểm tra tính an toàn trong đồ chơi trẻ con và nhiều tiêu thụ phẩm khác. Ngày nay, chưa có một cơ quan tài chánh tương đương để bảo vệ quyền lợi giới tiêu thụ.

Cơ chế bảo vệ giới tiêu thụ đã trở thành phần tranh cãi nhiều nhất trong cuộc thảo luận về tái giám sát, tương tự như "biện pháp chọn lựa công" (public option) trong cuộc tranh luận về bảo hiểm y tế. Richard C. Shelby, nghị sĩ Cộng Hòa trong Tiểu Ban Ngân Hàng, đã nói rõ lập trường chống đối một cơ quan độc lập như thế. Một phần, sự chống đối của phe Cộng Hòa phản ảnh lập trường của giới ngân hàng. Nhưng thái độ chống đối cũng phản ảnh sự âu lo: các quan chức giám sát sẽ bóp chết mọi sáng kiến canh tân, hay, ngược lại, sẽ thúc đẩy các ngân hàng, nhân danh giới tiêu thụ, lấy những quyết định liều lĩnh và thiếu khôn ngoan. Đó là điều đã xẩy ra cho Fannie Mae và Freddie Mac, hai tổ chức tín dụng công, đã giúp tăng cường làn sóng cho vay với lãi suất cực thấp subprime lending - nguyên nhân đưa tới bong bóng bất động sản.

Trong những tuần lễ gần đây, các nghị sĩ đang thảo luận khả năng cho ra đời một hình thức nào đó của cơ chế nầy - có lẽ nằm bên trong Cục Dự Trữ Liên Bang - có thể được phe Cộng Hòa ủng hộ. Tuy nhiên, Cục Dự Trữ Liên Bang nhiều lần trong lịch sử đã tỏ ra không mấy hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền lợi giới tiêu thụ. Vì lý do đó, nghị sĩ Christopher J. Dodd, chủ tịch Ủy Ban Ngân Hàng Thượng Viện, đã đưa ra đề nghị: dành cho cơ quan sẽ thiết lập một ngân sách riêng và vị giám đốc sẽ do Tổng Thống bổ nhiệm.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải chức năng giám sát đặt trụ sở ở đâu, mà chính là phương cách tiếp cận vai trò giám sát. Về phương diện nầy, cơ quan giữ chức năng giám sát có thể là một bộ phận phản ảnh tính quyết đoán chính trị trong kế hoạch của Obama, và cũng phản ảnh khuynh hướng ưa chuộng các chính sách cơ sở trên nghiên cứu thực dụng của chính Tổng Thống và các cố vấn thân cận. Thực dụng (pragmatic) là từ được Tổng Thống ưa thích. Theo quan niệm của các quan chức Bạch Ốc và Bộ Ngân Khố, cơ quan mới nầy sẽ là một phó sản của ngành kinh tế ứng xử (behavioral economics), một ngành phối hợp tâm lý và kinh tế học nhằm nghiên cứu cách ứng xử thực tế của quần chúng trong đời thường, thay vì họ nói họ sẽ ứng xử như thế nào hoặc các mô hình lý thuyết tiên đoán họ sẽ ứng xử ra sao. Cơ quan cũng có thể tổ chức các cuộc thử nghiệm giúp các nhà khoa học xã hội nghiên cứu cách đáp ứng của giới tiêu thụ đối với các lựa chọn do các xí nghiệp tài chánh đưa ra.

Michael S. Barr, phụ tá đặc trách các định chế tài chánh của bộ trưởng Geithner, nguyên giáo sư Đại Học Michigan, chuyên nghiên cứu các vấn đề tài chánh của giới tiêu thụ. Sendhil Mullainathan, giáo sư Harvard, đối tác nghiên cứu của Barr, năm rồi đã làm việc tại bộ Ngân Khố và Cục Quản Lý và Ngân Sách , chuyên trách thiết kế các cơ quan bảo vệ giới tiêu thụ. Theo Mullainathan, trong nhiều địa hạt của đời sống, động lực kiếm lời luôn có tác dụng gián tiếp hỗ trợ an sinh của giới tiêu thụ. Người tiêu thụ hiểu rõ giày hay điện thoại di động nào tốt và các công ty cạnh tranh nhau cả về giá cả lẫn chất lượng. Trong nhiều địa hạt khác, người tiêu thụ không thể phân biệt hàng tốt với hàng xấu. Vấn đề quá phức tạp, chẳng hạn, lãi suất hay lãi kép (compound interests/returns). Trên phương diện lý thuyết, các công ty có thể tìm cách giúp khách hàng làm quen với những đề tài nầy. Nhưng đây là những vấn đề khó khăn. Việc dễ làm hơn là lợi dụng bản năng sẵn có của người tiêu thụ. Do đó, các công ty bán những sản phẩm kỹ thuật cao không muốn cạnh tranh nhau về giá cả và chất lượng. Họ cạnh tranh nhau qua các xảo thuật quảng cáo hay những mánh-khóe-khuyến-mãi-quá-hấp-dẫn-để-có-thể-có-thật (slick advertising or too-good-to-be-true offers), chẳng hạn, quảng cáo lãi suất khởi đầu thấp.

Mullainathan nói, "nhiều người nghĩ, các công ty đang tìm cách phá hoại cái gì tốt cho tôi. Nhưng hãy nghĩ đến anh chàng chịu trách nhiệm về đơn vị phân phối thẻ tín dụng. Anh ta chỉ biết làm nhiệm vụ. Anh ta chỉ phải làm theo khúc tuyến cầu"[6]. Và đường biểu diễn sức cầu lại chỉ cơ sở trên các yếu tố thực sự chi phối số cầu của người tiêu thụ đời thường, chứ không phải trên các yếu tố nhiều người mong muốn sẽ có thể ảnh hưởng đến số cầu. Nhiều người thực sự sẵn sàng ký vào hợp đồng tín dụng bất động sản với số tiền trả hàng tháng khởi đầu thấp, ngay cả khi trong thực tế họ không hy vọng có đủ khả năng trả tiền nhà hàng tháng sau nầy.

Giải pháp hữu hiệu duy nhất cho vấn đề là quy định và giám sát. Các viên chức giám sát bảo đảm tính an toàn của phi cơ, bởi lẽ giới tiêu thụ - hành khách hàng không - không thể kiểm tra các động cơ. Các hãng hàng không chỉ cạnh tranh nhau về những gì kháck hàng có thể thẩm định, như giá vé, chỗ ngồi thoải mái, đường bay thuận lợi, và các loại giải trí truyền hình trong thời gian bay... Theo Mullainathan, mục đích của cơ quan giám sát là "chạy theo dòng thác cạnh tranh gay gắt và điều chỉnh dòng thác theo chiều hướng có lợi cho người tiêu thụ"[7].

Mới đây, Michael S. Barr cho biết một mẩu hóa đơn tiền nợ thẻ tín dụng được thiết kế theo dạng thức có thêm "hộp Schuman" có thể cập nhật qua thời gian. Ngay cả khi hộp nầy không có hiệu lực pháp lý hay bắt buộc, các ngân hàng có thể được khuyến khích sử dụng. Các nhóm tư nhân có thể nhận diện các ngân hàng với cước phí che giấu. Barr cũng đưa ra ý niệm thay thế các giấy tờ rắc rối người mua nhà phải ký nhận khi giao dịch đã hoàn tất, bằng một tài liệu đơn giản tiết lộ điều kiện vay mượn đã thỏa hiệp. Đây là tài liệu ghi rõ những thông tin căn bản nhất, và khác với hồ sơ quá nhiều giấy tờ phức tạp trước đây người mua phải ký, nhiều người mua nhà, giờ đây, có thể đọc và hiểu.

Tự nó, cơ quan bảo vệ người tiêu thụ khó thể ngăn ngừa mọi khủng hoảng tài chánh trong tương lai. Các cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay có khuynh hướng có nhiều gốc rễ nằm sâu bên trong Wall Street, với những loại chứng khoán phức tạp người tiêu thụ không bao giờ thấy hoặc hiểu nổi. Trong một dự luật trước Thượng Viện, hội đồng các ủy viên giám sát, do Bộ Trưởng Ngân Khố chủ tọa, sẽ làm việc với Cục Dự Trữ Liên Bang, có trách nhiệm kiểm tra các bất trắc rủi ro trong hệ thống tài chánh khi đang khai triển. Điều thiết yếu là ủy hội có thể giám sát và kiểm tra các ngân hàng chính thống lẫn các ngân hàng nhại phi chính thống.
TIẾT GIẢM TÁC ĐỘNG CỦA KHỦNG HOẢNG

Hiệu năng guồng máy giám sát phần lớn tùy thuộc ở sự khôn ngoan của các quan chức điều hành - những con người cũng dễ bị lôi cuốn theo làn sóng lạc quan của bong bóng. Và các viên chức chính quyền - đặc biệt là Geithner, kiến trúc sư chính của kế hoạch tái giám sát - rất nhạy cảm đối với ý kiến đòi hỏi quá nhiều quyền chuyên quyết cá nhân. Giải pháp của họ tùy thuộc ở những điều kiện tư bản dữ trữ đòi hỏi để ngăn ngừa tai nạn sụp đổ tài chánh tương lai. Họ gọi những đòi hỏi nầy như những lớp đệm trên phi đạo (runway) các sân bay. Chừng nào một xí nghiệp có đủ các tích sản có giá trị vững chắc - và có thể cải hoán thành giá trị bằng tiền mặt - xí nghiệp sẽ có thể vượt qua những bất trắc do đầu tư thất bại và giám sát thiếu hiệu quả.

Geithner nói với báo The New York Times, "chúng tôi không biết cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ đến từ đâu. Chúng tôi sẽ không thể tiên đoán. Chúng tôi sẽ không thể chặn trước các bong bóng trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi muốn xây dựng một lớp đệm lớn hơn rất nhiều trong hệ thống để khống chế tính nhân-vô-thập-toàn cơ bản của con người. Tôi không muốn một hệ thống lệ thuộc vào sự sáng suốt hay can đảm. Ba điều quan trọng nhất cần làm là tư bản, tư bản, và tư bản"[8].

Nhiều người chia sẻ cách nhìn rộng rãi nầy. Shelby đã nói đến tầm quan trọng của tư bản dự trữ. Sheila Bair, chủ tịch FDIC, cũng đồng ý, và đôi khi đã va chạm với các cố vấn kinh tế của Obama.

Cách tốt nhất để hiểu tầm quan trọng của tư bản dự trữ là nhìn lại số phận của những xí nghiệp đi vào cuộc khủng hoảng với những lớp đệm tương đối dày. Theo phúc trình gần đây của McKinsey & Company, năm 2007, các ngân hàng thương mãi đã có một tỉ lệ đòn bẩy trung bình 12 /1. Điều nầy có nghĩa: các ngân hàng phải có 1USD tích sản cho 12 USD nợ. Tỉ lệ nầy đủ an toàn cho nhiều ngân hàng để có thể sống sót tương đối an lành sau mỗi khủng hoảng. Ở Canada, các xí nghiệp tài chánh có một tỉ lệ trung bình 18/1, và Canada đã thoát khỏi khủng hoảng tương đối an lành hơn bất cứ quốc gia phát triễn nào khác.

Ngược lại, năm ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ - Bear Stearns, Goldman Sachs, Lehman Brothers, Merrill Lynch và Morgan Stanley - có tỉ suất trung bình gần hoặc trên 30/1. Trong số năm ngân hàng đầu tư nầy, Lehman sập tiệm, Bear và Merrill phải sáp nhập vào các công ty khác với một giá bán tích sản rẻ mạt, và Goldman và Morgan Stanley khó thể sống còn nếu không có cứu trợ của chính quyền.

Cuộc khủng hoảng đã khiến Wall Street trở nên bảo thủ hơn. Nhưng tình trạng nầy sẽ không kéo dài. Để tự xoay xở, các xí nghiệp tài chánh sẽ lại vay nợ nhiều và đầu cơ liều lĩnh. Họ có nhiều lý do để hành động như vậy. Một công trình nghiên cứu của Wall Street Journal đã đi đến kết luận: nếu áp đặt một số chuẩn mực đòn bẩy khắt khe hơn trong 5 năm trước cuộc khủng hoảng, lợi nhuận của các xí nghiệp lớn đã có thể phải chịu sụt giảm gần 25%.

Mô hình để thiết kế các quy luật tư bản dự trữ tương lai là những trắc nghiệm sức đề kháng - stress tests - Cục Dự Trữ Liên Bang đã thực hiện trong năm rồi, để thẩm định sức chịu đựng hay đề kháng của từng ngân hàng. Geithner thuyết phục Obama thực hiện những trắc nghiệm như một phần cốt lỏi của chiến lược cứu nguy tài chánh. Kết quả đã đưa đến một điểm ngoặt trong quá trình khủng hoảng. Các ngân hàng ở Hoa Kỳ giờ đây lành mạnh hơn trong nhiều xứ, và kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn. Ấn tượng hơn nữa là, theo thống kê của IMF, chương trình cứu trợ đã có những dấu hiệu ít tốn kém hơn nhiều so với các phí tổn thu dọn sạch sẽ trung bình sau khủng hoảng tài chánh.

Nhìn xa hơn, Geithner xem các trắc nghiệm sức đề kháng như một phương cách chứng tỏ những gì Cục Dự Trữ Liên Bang có thể thành đạt khi được trao quyền phối trí và giám sát mọi bộ phận của hệ thống tài chánh, kể cả các ngân hàng nhại phi chính thống. Hơn nữa, các trắc nghiệm có thể là bằng chứng Cục Dự Trữ Liên Bang giờ đây tin tưởng vào hiệu năng giám sát sau nhiều thập kỷ luôn coi nhẹ. Trong khuôn khổ quy hoạch mới, Cục Dự Trữ Liên Bang - một kho tàng các chuyên gia ngân hàng và các kinh tế gia phi chính trị được huấn luyện kỹ càng - sẽ được trao một vai trò quan trọng hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta có đủ lý do để tự vấn: liệu những tấm đệm tư bản dự trữ, ít ra dưới hính thức hiện nay, sẽ đủ để giúp vượt qua các giới hạn nhân-vô-thập-toàn nhân sự. Chính quyền và Quốc Hội đã cố tình mập mờ về các tỉ lệ tư bản dự trữ. Họ chưa hề đưa ra những con số hay giải thích nhiều chi tiết: chẳng hạn, các tỉ lệ sẽ thay đổi tùy theo kích cỡ xí nghiệp như thế nào hay họ sẽ đối phó ra sao với các tích sản nằm ngoài đối chiếu biểu. Cách tiếp cận của chính quyền và Quốc Hội có điểm lợi là các chi tiết kỹ thuật sẽ tránh khỏi quá trình mặc cả và tương nhượng ở Quốc Hội, tương tự như việc ấn định lãi suất là một quá trình dành cho Cục Dự Trữ Liên Bang , thay vì Quốc Hội. Sự mập mờ cũng đem lại cho các nhà giám sát Hoa Kỳ nhiều tự do hơn trong việc phối hợp với các quan chức giám sát nước ngoài. Vả chăng, tránh được sự xoi mói của công chúng, các đòi hỏi tư bản dự trữ sẽ trở thành một đề tài cuối cùng sẽ tùy thuộc vào quyền chuyên quyết của cơ quan giám sát. Các xí nghiệp Wall Street sẽ có cơ may thuyết phục Cục Dự Trữ Liên Bang là họ có thể không cần đến nhiều vốn liếng như người ta nghĩ. Đã hẳn, các xí nghiệp sẽ phải đưa ra vài mô hình toán học tinh vi phức tạp hậu thuẩn cho lập trường của mình.

Tuy nhiên, các trắc nghiệm sức đề kháng cũng thường chỉ được tổ chức khi các ngân hàng yếu ớt về các phương diện tài chánh và chính trị. Khi mọi chuyện đều tốt đẹp như trong thập kỷ vừa qua, các viên chức Cục Dự Trữ Liên Bang - không riêng gì Alan Greenspan - đã chểnh mảng, hờ hửng trong việc sử dụng quyền hạn của mình. Họ sẵn sàng tin các lý lẽ biện minh cho bong bóng do Wall Street đưa ra. Điều đó rất dễ tái diễn. Trường hợp điển hình là chính Geithner.

Mặc dù Geithner bị chỉ trích quá gần gũi với Wall Street, ông ta chưa bao giờ làm việc ở đó. Ông suốt đời là công chức. Khi chính quyền Clinton sắp mãn nhiệm kỳ, người đỡ đầu của Geithner, Robert Rubin, cho Geithner biết ông có thể có một việc làm béo bở ở Wall Street. Tuy vậy, Geithner đã nhận một chức vụ khiêm tốn hơn với IMF. Trong tư cách chủ tịch Dự Trữ Liên Bang New York, Geithner đã đưa ra nhiều báo động hơn bất cứ viên chức giám sát nào khác. Ông thúc đẩy nhân viên dưới quyền và các lãnh đạo ngân hàng phải nghĩ đến các ngân hàng đang có bao nhiêu vốn liếng và cần có bao nhiêu. Ông cảnh cáo những thời kỳ bình ổn thường đưa đến các cuộc khủng hoảng bất ngờ, không được tiên đoán, và một khi lòng tin bắt đầu lung lay, nó có thể sẽ biến mất nhanh chóng. Trên phương diện trí thức, ông hiểu rõ mọi việc có thể trở nên khó khăn như thế nào.

Tuy nhiên, điều ông đã để tuột khỏi tầm tay, chính là mọi việc đã chệch hướng trong một số định chế do ông giám sát. Tháng 5-2007, trong bài nói chuện ở hội nghị Dự Trữ Liên Bang ở Georgia, Geithner phát biểu "Canh tân tài chánh đã cải thiện khả năng đo lường và quản lý các rủi ro bất trắc". Ông nói tiếp: "các xí nghiệp lớn thường mạnh mẽ về tư bản tương đối với bất trắc"[9]. Bernanke, chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, đã từng nhiều lần có những tuyên bố, giờ đây nhìn lại, người ta thấy còn tệ hại hơn nhiều. Ông chẳng những đã tuyên bố các bong bóng rất khó nhân diện. Ông còn tích cực chối bỏ cả bong bóng bất động sản.

Như vậy, có thể nào quan điểm của Bernanke và Geithner sẽ đúng đắn hơn trong tương lai? Cũng có thể. Nhưng đây là điều rất khó tin. Cả hai đã dành sự nghiệp của mình nghiên cứu và giải quyết các khủng hoảng tài chánh. Ngay cả một vài đồng nghiệp bất đồng quan điểm với hai ông cũng đồng ý cả hai đều rất thông minh. Với tư chất và khả năng như thế, lẽ ra hai ông đã phải là những người có đủ uy tín cần thiết cho vai trò những viên chức giám sát sáng suốt và kiên quyết, nhưng họ đã không hành động như thế.

Giải pháp thay thế như vậy là gì? Canada đã đem lại một bài học rõ ràng. Họ trông cậy vào các quy luật trực tiếp và minh bạch hơn Hoa Kỳ. Canada buộc tín dụng bất động sản với ít hơn 20% trả trước phải được bảo hiểm, và loại tín dụng nầy rất ít phổ thông ở Canada. Canada cũng ấn định tỉ lệ đòn bẩy chuẩn không được vượt quá 20/1. Julie Dickson, lãnh đạo ngành giám sát Canada, đã từng tuyên bố: "Chúng tôi trở nên thực sự cứng rắn khi các ngân hàng tiến gần đến tỉ lệ trần nầy"[10].

Những quy luật trực tiếp và minh thị cũng có nhiều vấn đề riêng. Nhưng những quy luật nầy cũng gửi đi những tín hiệu có thể tồn tại lâu dài qua nhiều chu kỳ kinh tế. Ở Canada, quy luật tư bản dự trữ mang tính bảo thủ được phổ biến rộng rãi không những đã kiềm hảm các ngân hàng Canada, mà còn có giá trị như một lời nhắc nhủ bất biến đối với các viên chức giám sát và giúp các viên chức nầy tránh rơi vào vòng ảnh hưởng của tư duy bong bóng.

Năm ngày trước khi Geithner đọc diễn văn ở Georgia, Dickson đã có bài nói chuyện ở Ontario. Bà nhắc nhở cử tọa về nhân vật chính Samantha, trong show truyền hình "Bewitched" (Phù Thủy) trong thập kỷ 1960s, có quyền lực phi thường và có thể biến tai lợn thành những ví xách tay bằng lụa. Bà nói, "ngày nay thị trường hình như đang sản xuất những chứng khoán ba-A (triple-A) từ những chứng khoán không có giá trị ba-A"[11]. Tai lợn trong câu chuyện bà kể chính là tín dụng bất động sản subprime, do Wall Street gói ghém lại để tái phân phối, thành các trái khoán ba-A an toàn được rao bán như những ví xách tay bằng lụa.
THUẾ ĐÁNH TRÊN CÁC NGHIỆP VỤ TÀI CHÁNH

Quy luật minh bạch gẩy gọn được lưu ý nhiều nhất trong năm qua là Quy Luật Volcker. Lấy tên của nguyên chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang và cố vấn của T T Obama, quy luật sẽ cấm các ngân hàng chính thống tham gia vào các giao dịch chứng khoán - mua bán các cổ phần hay các loại chứng khoán để kiếm lợi nhuận, thay vì như một dịch vụ cho khách hàng.Thoạt trông, quy luật có vẻ như một cố gắng tái lập luật Glass-Steagall. Khi T T Obama thêm biện pháp cấm đoán nầy vào kế hoạch giám sát trong tháng 1-2010, Obama hình như đã chấp nhận một thay đổi quan trọng.

Nhưng nếu lắng nghe tác giả các quy luật nầy - như Volcker hay Austan Goolsbee, một chuyên gia kinh tế Tòa Bạch Ốc - chúng ta sẽ hiểu được biện pháp nầy thường bị hiểu lầm. Mục đích của biện pháp chật hẹp hơn: các ngân hàng chính thống được quyền vay tiền với lãi suất thấp của chính phủ để khuyến khích cho vay lại dễ dàng, cũng như để chận đứng tình trạng hoang mang của người dân trong khủng hoảng. Khi các ngân hàng dùng tiền vay nhẹ lãi để đầu tư, các ngân hàng nầy, trong thực tế, đã được chính quyền trợ cấp trong các giao dịch chứng khoán. Trợ cấp nầy đã giúp Goldman Sachs và các xí nghiệp khác gặt hái nhiều lợi nhuận lớn trong năm vừa qua. Goolsbee nói: "Thật sự không thích đáng một chút nào khi các ngân hàng nhận tiền trợ cấp của dân chịu thuế và dùng vào các việc đầu tư mang tính đầu cơ không dính dáng gì đến khách hàng của mình"[12].

Tuy nhiên, tiền trợ cấp tự nó không gây ra khủng hoảng. Có hay không có trợ cấp, một xí nghiệp vẫn có thể gây ra sụp đổ cho hệ thống tài chánh. Lehman gần như đã làm như vậy, và Lehman không phải là một ngân hàng chính thống.

Chừng nào Quốc Hội có thể định nghĩa một cách thỏa đáng và đầy đủ các giao dịch quyền sở hữu - điều nầy đòi hỏi phải mất chút ít công phu, nhưng không đến nổi khó khăn như Wall Street đã gợi ý - một hình thức nào đó của quy luật hình như là một phần phải chăng của cơ chế tái giám sát. Nhưng nó không phải là một cải cách sẽ giữ vai trò ngăn chặn đáng tin cậy thất bại của nhân viên giám sát.

Đề nghị bạo dạn nhất theo hướng nầy là chia vụn các ngân hàng. Một số người ngoại đạo, như Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng IMF, đưa ra luận cứ các ngân hàng khổng lồ ngày nay đủ hùng mạnh để đề kháng mọi nỗ lực thiết kế một cơ chế giám sát chặt chẽ. Chỉ riêng kích cỡ của một ngân hàng cũng có thể gây khó khăn cho chính quyền tiếp quản và thanh toán một ngân hàng sắp vỡ nợ một cách gọn gàng trong trật tự. Một giải pháp trung dung có lẽ là dành cho các viên chức giám sát quyền chia một ngân hàng lớn đang gặp khó khăn ra làm nhiêu ngân hàng nhỏ trước thời điểm biện pháp cuối cùng - tiếp quản và giải thể - trở nên cần thiết.

Nhược điểm của cách tiếp cận nầy là kích cỡ không phải là bất trắc rủi ro. Lehman và AIG không phải là các xí nghiệp lớn nhất của Mỹ. Khu vực tài chánh được giám sát chặt chẽ của Canada mang tính tập trung cao hơn khu vực tài chánh được giám sát lơi lỏng của Hoa Kỳ. Canada có đến 4 trong số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ, với một nền kinh tế 10 lần lớn hơn kinh tế Canada, chỉ chiếm có 5 trong số 50 ngân hàng hàng đầu trên thế giới.

Điều đáng e ngại hơn kích cỡ của bất cứ một ngân hàng riêng lẻ nào là kích cỡ của toàn khu vực. Ở Hoa Kỳ, khu vực ngân hàng đã chiếm 30% lợi nhuận toàn bộ các công ty trong thập kỷ trước đại suy thoái, từ 16% trong hai thập kỷ 1970s và 1980s. Đã hẳn, một phần tăng trưởng đã phản ảnh những canh tân, như A.T.M., giúp cải thiện đời sống đại chúng. Tuy nhiên, phần lớn có lẽ không phải như thế, và chỉ phản ảnh khả năng Wall Street kiếm những doanh lợi khổng lồ trong giai đoạn thuận lợi và được cứu trợ trong giai đoạn gặp khó khăn. Đó là điều các kinh tế gia gọi: "tư nhân hóa" lợi nhuận và "xã hội hóa" bất trắc. Wall Street đã thủ lợi khi gây thiệt hại cho xã hội.

Chiến lược được chấp nhận rộng rãi để đối phó với các hoạt động gây tổn hại cho xã hội là đánh thuế trên các hoạt động liên hệ. Thuế sẽ làm nản lòng các hoạt động loại nầy. Thuế cũng đem lại thu nhập có thể giúp trang trải các chi phí gây ra. Kinh tế gia gọi các sắc thuế loại nầy - thuế rượu, thuế thuốc lá, thuế ô nhiễm - là loại thuế phụ ngoại vi (externality taxes).

Chương trình tái giám sát do Bộ Ngân Khố phổ biến hồi đầu năm không bao gồm sắc thuế đánh trên ngân hàng. Tuy nhiên, Obama sau đó đã đề nghị một sắc thuế cho phép chính quyền thâu lại các khoản thất thoát trong số 700 tỉ quỹ cứu trợ - Chương Trình Cứu Trợ Tích Sản Lâm Nguy (Troubled Asset Relief Program - TARP). Sắc thuế đã được thông qua năm 2008. Kế hoạch tái giám sát lý tưởng có lẽ phải thiết lập một sắc thuế thường trực theo hướng nầy. Một sắc thuế như vậy sẽ xác nhận các ngân hàng giữ một chức năng nòng cốt trong nền kinh tế thị trường, nhưng các ngân hàng cũng có thói quen kinh doanh thiếu khôn ngoan và đầy bất trắc. Dù các nhà giám sát cố gắng đến đâu và khôn lanh đến mấy , họ thường khó thể khống chế các bất trắc loại nầy.

Người chịu thuế rút cuộc cũng phải gánh trách nhiệm hoàn trái, dù chỉ để ngăn ngừa khủng hoảng tài chánh trở thành đại khủng hoảng. Một sắc thuế đánh vào ngân hàng sẽ buộc các ngân hàng phải gánh chịu một phần phí tổn.

Thuế TARP của Obama chỉ mang tính tạm thời, và sẽ mãn hạn vào năm 2020. Nhưng Quốc Hội có khuynh hướng gia hạn các luật thuế loại nầy, loại thuế thường bắt đầu với một thời hạn nhất định. Và chính quyền Obama hình như khá thoải mái với ý tưởng để sắc thuế trở thành thường trực. Geithner nói "các cuộc khủng hoảng tài chánh gây ra một số tai hại khổng lồ cho cơ sở thuế thu nhập trong một thời gian. Vì vậy, chúng ta có đủ luận cứ chính đáng cần thiết lập một sắc thuế đánh trên khu vực tài chánh, tương tự như thuế ô nhiễm"[13].

Nếu tổng hợp tất cả các phần chính trong kế hoạch, chúng ta có thể thấy kế hoạch Obama cũng nhằm thành đạt cùng các thành công của cơ chế giám sát thời Roosevelt, mặc dù với một hệ thống ngân hàng hoàn toàn khác. Cơ quan bảo đảm an toàn cho giới tiêu thụ là câu trả lời ngày nay cho Ủy Hội Giao Dịch Chứng Khoán (Securities and Exchange Commission -SEC), được thiết lập năm 1934 để bảo vệ giới đầu tư. Nới rộng mạng lưới quy luật giám sát để bao gồm cả những hoạt động của các ngân hàng nhại phi chính thống là một nỗ lực giảm thiểu các bất trắc, giống như luật Glass-Steagall trước đây. Tỉ lệ vốn dự trữ cao hơn nhằm giảm bớt nạn mất lòng tin của giới ký thác tiền ở ngân hàng. Việc trao quyền cho chính phủ tiếp quản các ngân hàng đầu tư sắp vỡ nợ cũng chỉ là một sự nới rộng luật New Deal cho phép chính quyền tiếp quản các ngân hàng chính thống.

Tuy nhiên, vẫn có một khác biệt quan trọng giữa hai cách tiếp cận của Roosevelt và Obama. Roosevelt dựa trên những ý tưởng rộng lớn mà Tòa Bạch Ốc hiện nay đã tránh né phần lớn. Roosevelt đã bảo đảm tiền ký thác ngân hàng, phân biệt các hoạt động của ngân hàng thương mãi với hoạt động của ngân hàng đầu tư, và cấm chỉ mọi thông tin thiếu trung thực về chứng khoán. Obama muốn buộc các ngân hàng vào những chuẩn mực tư bản và thanh khoản chưa được định nghĩa rõ ràng, tương ứng với kích cỡ và cách kết nối với các xí nghiệp khác.

Đây là một bước quyết định, cũng như nhiều quy luật mới khác trong kế hoạch. Nhưng dĩ nhiên người ta sẽ dễ dàng có lòng tin ở kế hoạch nếu chính quyền và Quốc Hội tiến thêm vài bước nhằm giảm thiểu phần chuyên quyết và tăng cường phần minh thị. Trong một bài nói chuyện gần đây, Kevin M. Warsh, một thống đốc Cục Dự Trữ Liên Bang, đã phát biểu: "Các chế độ cơ sở trên quy luật thường khó tránh mang tính sống sượng và thiếu hoàn hảo"[14]. Nhưng Warsh đã gợi ý, các chế độ nầy có thể tốt hơn một hệ thống trong đó các ngân hàng chấp nhận cách quản lý vi tiểu (micro-management) từng chi tiết với giả thiết họ sẽ có thể lựa chọn các vi-quản-lý (micro-managers) của chính họ.

Để tránh điều nầy, thuế đánh trên ngân hàng có thể biến đổi từ một màn trình diễn phụ để trở thành trung tâm cuộc thảo luận về giám sát. Các viên chức giám sát có thể quyết định những lệ luật cứng rắn và phổ biến rộng rãi về tư bản. Những con số minh thị riêng biệt không cần được ghi rõ trong pháp chế, nhưng Cục Dự Trữ Liên Bang - cơ quan có quyền ban hành các quy luật - không cần phải đợi một đồng thuận toàn cầu khó lòng thành đạt. Ít ra, các quy luật phải đủ minh thị và rõ ràng để mọi người hiểu rõ. Như cuộc khủng hoảng đã phơi bày, các mô hình toán học tinh vi có thể đem lại một giải đáp quá dễ dàng mà các người chấp hành ưa thích.

Dù thiếu hoàn hảo, các quy luật đơn giản có điều lợi là gửi đi những tín hiệu có thể thượng tồn lâu dài qua nhiều chu kỳ kinh tế. Đây là bài học từ các cải cách của Roosevelt và của một giai đoạn yên bình trong sinh hoạt ngân hàng sau đó.
KẾT LUẬN

Lý do rõ ràng cần tái giám sát tài chánh là ngăn ngừa khủng hoảng trong tương lai hay ít ra giảm thiểu tác động của khủng hoảng. Tuy nhiên, cải cách cũng còn có nhiều điều lợi tiềm năng khác. Hãy nhìn xem những gì đã xẩy ra cho kinh tế Hoa Kỳ trong ba thập kỷ vừa qua. Các xí nghiệp tài chánh với tỉ lệ đòn bẩy cao đã trở thành một bộ phận áp đảo trong nền kinh tế. Lợi nhuận đã cho phép các xí nghiệp nầy tuyển chọn nhiều nhân viên nòng cốt của Hoa Kỳ - các nhà toán học, các khoa học gia, các sinh viên đại học tốt nghiệp hàng đầu, và các cựu nhân viên cao cấp trong chính quyền... Tuy nhiên, hầu hết các lợi nhuận vừa nói đã tỏ ra phù du. Chẳng hạn, một số các nhân viên sáng giá nhất đã vùi đầu vào việc thiết kế các phương tiện làm tiền ngày một phức tạp từ không khí, số thu nhập lại cho phép tiếp tục thu hút nhiều tài năng hơn.

Một cách tiếp cận nghiêm chỉnh cơ chế giám sát có thể có một tác động lớn trên tình trạng nầy, dù chỉ gián tiếp. Qua sự giảm thiểu số lợi nhuận của các xí nghiệp tài chánh, chính quyền có thể giới hạn khu vực tài chánh ở một kích cỡ phải chăng thích hợp. Tái giám sát có thể chấm dứt một số trợ cấp Wall Street đang thụ hưởng hiện nay. Những cước phí che đậy của khu vực tài chánh, như lãi suất tiệm tăng qua thời gian và nhiều xảo thuật lừa đảo khác, có thể được kiểm soát. Những điều kiện đòi hỏi về tỉ lệ tư bản dự trữ và thuế đánh vào khu vực ngân hàng có thể buộc các xí nghiệp tài chánh phải trải nghiệm những thời kỳ thịnh vượng cũng như suy thoái. Trên hết, tái giám sát có thể xác định hệ thống tài chánh mới có thể mang lại vừa lợi lộc và cả bất trắc.

Phải luôn ghi nhớ thời kỳ sung mãn dài lâu của Wall Street đã không được san sẻ đáng kể bởi phần lớn nền kinh tế Hoa Kỳ. Công xá của công nhân gia tăng quá chậm trong ba thập kỷ vừa qua. Tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ vừa qua nói chung đã chậm hơn trong bất cứ thập kỷ nào sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vả chăng, một mục đích quan trọng của tái giám sát phải nhằm nới lỏng quyền kiểm soát của Wall Street đối với các nguồn tài nguyên, tài chánh và nhân sự, của Hoa Kỳ, với hy vọng các tài nguyên nầy sẽ được tái phân bổ vào các phương cách sử dụng mang tính sản xuất tốt hơn.

GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.
09-4-2010


[1]They're all a necessary part of the network of what makes market economies work, and we have not been good enough about doing them in recent years.

[2] When things are going well, it's very hard to conduct a disciplined regulation, because everyone's against you.

[3] The New Deal regulations "fostered a banking system that was, for the better part of 40 years, quite stable and reasonably profitable, though not particularly innovative in meeting the needs of depositors and borrowers.

[4] We had this entire system of outside banks that had no meaningful constraints on capital and leverage.

[5] The profits these firms make are so out of proportion with any contribution they make to the economy.

[6] A lot of people think, Companies are trying to subvert what's good for me. But think of the guy in charge of a credit-card division. He's doing his job. All he has to work with is the demand curve.

[7] The goal of the consumer-finance agency would be to "take the powerful river of competition and make it flow in a direction that benefits people.

[8] We don't know where the next crisis is going to come from. We won't be able to foresee it. We're not going to pre-empt all future bubbles. So we want to build a much bigger cushion into the system against those basic human limitations. I don't want a system that depends on clairvoyance or bravery. The top three things to get done are capital, capital and capital.

[9] Financial innovation has improved the capacity to measure and manage risk. Large firms, he added, are generally stronger in terms of capital relative to risk.

[10] We become nasty when banks get close to it.

[11] Today,markets seem to be producing triple-A instruments from instruments that are not rated triple-A.

[12] It's just not appropriate for banks to get money subsidized by the taxpayer and use it for their own speculative investments that have nothing to do with their clients.

[13] Finance crises cause a huge amount of damage to the revenue base over time. So there is a very good argument you should put a tax on finance, like a tax on pollution.

[14] Rule-based regimes are inevitably crude and imperfect.






© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org Nguyễn Trường