Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Huy Đường : Tư-duy tự-do(8). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Huy Đường : Tư-duy tự-do(8). Hiển thị tất cả bài đăng

8/8/10

Phan Huy Đường- : Tư-duy tự-do(8) -« Khoa-học » nhân-văn, con người xẻ thành linh kiện

Tư-duy tự-do

Phan Huy Đường

III. Những nền tảng của kiến-thức
8. « Khoa-học » nhân-văn, con người xẻ thành linh kiện

Một vật-thể có ý-thức
Nếu chỉ dựa vào số tác-phẩm được đăng, tác-động của chúng vào ngôn-ngữ, tư-duy và ứng-xử của con người ở những xã-hội Âu Tây trong thế kỷ 20 thì thế kỷ này là thế kỷ của khoa-học nhân-văn, khó mà nghi-ngờ. Chưa bao giờ người ta bàn tán nhiều đến thế về con người. Mùa hoa bùng nở tán loạn này có một đặc điểm : hầu hết những thuyết-trình kia đều tự tô điểm với danh hiệu khoa-học. Tất cả đều đã trở thành khoa-học : lịch-sử, xã-hội-học, kinh-tế-học, tâm-lý-học, ngôn-ngữ-học, tiểu sử[1], v.v. Trong mớ khoa-học đông đảo đó, mỗi môn lại chia thành nhiều khoa chuyên môn, khoa nào cũng khoa-học hơn những khoa khác. Dạo chơi một vòng Thư viện nước Pháp[2] giúp ta hình dung sơ sơ hiện-tượng này. Một mình nó, xã-hội-học chiếm hơn hai phần ba một gian phòng mênh mông. Ở đấy cũng chỉ có những tác giả nổi danh trên thế-giới. Có đủ thứ, xã-hội-học về lao-động, giải trí, sự nghèo khổ, công-nghệ biểu diễn, xã-hội-học không tuổi tác và xã-hội-học cho lớp tuổi thứ N, v.v. Cảnh tượng khiến ta nhớ sự sắp xếp các loài sinh-vật của Linné. Nhưng ở đây chỉ có một loài thôi, loài người, thái mỏng từng lát tùy theo chuyên môn, phơi bày qua vô vàn khoanh xúc xích. Sự chia cắt đó có thể cần-thiết để đào sâu kiến-thức về một số khía cạnh của con người đúng là có thể nghiên cứu một cách khoa-học. Nó có giá phải trả : mất khả-năng hiểu chính con người. Người ta sẽ nói điều ấy cần-thiết trong mọi môn khoa-học. Kiến-thức của con người mênh mông, phải chuyên môn hoá mới đạt được. Điều đó đúng trong khoa-học tự-nhiên. Không phải ai cũng có khả-năng đào bới thế-giới thầm kín của vật-chất và bí mật của sự-sống. Tuy vậy, môn nào cũng dựa vào một hệ-quy-chiếu khoa-học chung. Điều đó không đúng khi ta đề cập tới con người. Con người tất nhiên là một vật-thể phức tạp, nhưng vật-thể đó có một đặc điểm : nó tự biết mình, tự hiểu mình. Đặc điểm ấy chính là đối tượng nghiên cứu đặc-thù của khoa-học nhân-văn. Sự hiểu-biết chính-mình đó, bất kể nó giới hạn hay mung lung thế nào, là nền tảng giá-trị của những thuyết-trình về con người. Thuyết-trình của anh về con người uyên bác tới đâu đi nữa, nếu con khỉ đó không nhận thấy mình trong đó thì thuyết-trình ấy không có cơ sở, giá-trị gì cả. Khi anh bàn về con người mà đại đa số không hiểu gì hết, có nhiều khả-năng là anh bàn tới chuyện gì khác chứ không bàn về nó. Điều đó không có nghĩa là lúc nào ta cũng có thể, cũng phải nói một cách đơn giản về con người, nhất là khi ta có điều mới để nói. Thỉnh thoảng cũng phải sáng-tạo một ngôn-ngữ mới để có thể biểu-đạt một ý mới[3]. Nhưng dù sao đi nữa, nếu ý ấy thực sự liên quan tới con người thực, nếu nó khớp với một khía cạnh của nhân-tính chưa từng được biểu-đạt, nó sẽ tìm ra điểm tựa để tự móc vào ngôn-ngữ và tư-duy của con người. Ta không cần phải là triết gia có môn bài mới có thể suy-nghĩ về tư-tưởng của Phật, Socrate, Platon, Aristote, Descartes, Hegel, Marx, Darwin, Freud... Nhân-loại bàn tư-tưởng của họ từ lâu rồi. Những tác giả đó biết trình bày những điều tuy khó hiểu nhưng không bí hiểm (trừ Hegel). Hiện-tượng mất khả-năng nói về con người ngoài một ngôn-ngữ chuyên môn đôi khi dẫn tới sản-xuất những tác-phẩm lạ lùng trong đó một khối-lượng lớn thông-tin ta tạm cho là khoa-học chỉ có ý-nghĩa qua một kiểu giải thích. Kiểu giải thích ấy mở cửa cho đủ thứ tưởng tượng vớ vẩn đôi khi nghèo nàn về mặt trí tuệ đến mức chết người : một vài ý-chung cũ mèm của tâm-lý-học hay phân-tâm-học.
Trong những môn học đó, dù ở mức đại cương hay chuyên môn nào đi nữa, không bao giờ có thể bàn tới vấn đề được nghiên cứu mà không đề cập tới môn khoa-học khác. Cứ thử xem môn lịch-sử. Lịch-sử tôn-giáo, hội hoạ, điêu khắc, nhạc, nghệ-thuật nấu nướng, lịch-sử của những vĩ nhân, những nền văn minh, của bất cứ cái gì. Ngoài sự-kiện và biến cố làm vật liệu cho tác-phẩm, sử gia luôn luôn phải vận dụng kiến-thức của những môn khoa-học khác để tạo-nghĩa cho thuyết-trình, khiến nó có một vẻ nhất-quán : xã-hội-học, kinh-tế-học, tâm-lý cá-nhân và tâm-lý quần chúng, văn-hoá của một dân tộc, thậm chí phân-tâm-học. Làm như thế, ngài vay mượn những khái-niệm và phương-pháp mà giá-trị không tùy thuộc khoa-học của chính ngài. Giá-trị ấy chỉ do niềm-tin của ngài quyết định và, xét cho cùng, do tiếng tăm của những tác giả mà ngài tin cậy.

Điều trên dễ hiểu. Cứ cho rằng sử gia làm việc khắt khe « khoa-học ». Kết quả của công việc ấy là gì ? Một danh sách sự-kiện, biến cố được xác-nhận bằng vết tích vật-chất chúng để lại, hay xác minh bằng những chứng nhận được kiểm soát và so sánh kỹ lưỡng. Danh sách đó chỉ cho phép khẳng-định : những điều ấy đã từng xảy ra. Ý-nghĩa của chúng tùy thuộc cách hiểu của con người. Cách hiểu đó tùy thuộc văn-hoá của họ. Sau đây, một thí dụ. Một người đã đặt một quả bom tại trạm métro Port-Royal ở Paris một ngày nào đó và hành-động ấy đã giết và làm bị thương nhiều người. Ông Clinton đã ra lệnh cho quân đội Mỹ bắn một số không ít tên lửa vào những thành phố nước Irak trong đó nhiều người không có vũ khí và không mang tên Saddam Hussein đang sống. Hành-động ấy đã giết một số không nhỏ đàn ông, đàn bà và trẻ em. Những điều ấy đã từng xảy ra, đều là sự-kiện được xác-nhận một cách khoa-học. Phải chăng điều sau đây cũng là một sự-kiện được xác-nhận một cách khoa-học : một người là kẻ khủng bố trong khi người kia là người có tầm vóc nguyên thủ quốc gia[4] ? Để có thể khẳng-định điều ấy, sử gia buộc phải chui ra khỏi lĩnh-vực hiểu-biết của mình, vận dụng những môn khoa-học khác, chính-trị-học hay luật chẳng hạn. Những môn khoa-học kia cũng lại phải kêu gọi những môn khoa-học nhân-văn khác. Cứ thế, lần lần, ta sẽ đi hết một vòng các khoa-học nhân-văn mà không tìm ra được khả-năng kết luận một cách khoa-học bất cứ điều gì. Bất kể ta trả lời câu hỏi trên như thế nào, câu trả lời đó chỉ thuyết phục những người đã tin trước như vậy. Điều người này thấy là sự-thật lại bị người khác coi như gian dối. Khôn ngoan nhất là né vấn đề và gán cho nó một câu trả lời ngầm. Để làm điều ấy, chỉ cần nêu sự-kiện đầu trong một chương nhan đề là « Đường lối khủng bố ở Pháp » và nêu sự-kiện thứ hai trong chương khác, « Trật tự quốc tế mới sau Chiến tranh lạnh », thế là xong. Sự có-thực của những sự-kiện mang lại cho tác-phẩm một lớp son khoa-học, che giấu kiểu diễn-giải tạo-nghĩa cho nó, khiến nó có vẻ hữu-lý. Không có vẻ ấy, danh sách sự-kiện khách-quan biến ngay thành một bản kiểm kê kiểu Prévert[5].

Đầu óc nhại dường như giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng những khoa-học nhân-văn. Người ta mượn của vật-lý từ-ngữ, phương-pháp tìm tòi, quan sát, đo lường, suy diễn, công cụ toán, thống kê, v.v. Và người ta tưởng như thế là đặt nền tảng cho một ngành khoa-học mới. Cách làm ấy vấp một giới hạn lớn : phương-pháp khoa-học có hiệu quả khi ta ứng dụng nó để xử-lý những vật-thể vì chúng là và chỉ là vật-thể. Do đó ta có thể xử-lý hữu-hiệu chúng như vật-thể. Đương nhiên, con người cũng là vật-thể. Do đó ta có thể xử-lý nó như vật-thể, xử-lý những ứng-xử của nó như sự-kiện tự-nhiên. Marx đã từng làm thế khi ông coi quy-luật phát-triển của xã-hội như quy-luật tự-nhiên, độc-lập với ý-chí của con người. Nhưng, là người tư-duy biện-chứng, ông hiểu và giải thích rằng cơ sở của sự tất-yếu ấy là sự dốt-nát của con người. Họ chưa hiểu và chưa làm chủ được hành-động của họ vào thế-giới. Vì họ chưa biết quan-niệm con người như một thực-thể xã-hội, chưa hiểu rằng ý-thức cá-nhân là hình-thái đặc-thù xã-hội-tính của một nền văn minh đã đạt một mức phát-triển nào đó khiến hành-động trong lòng xã-hội của nó tự-hiện-thực một cách mù quáng và biến thành một định-mệnh không thể hiểu được đối với bản thân người hành-động. Trước tác của Marx nhằm giảm bớt sự dốt-nát ấy, khiến thời điểm gần lại, khi bản-chất xã-hội của con người tự nhìn nhận thấy mình trong hiện-sinh cá-biệt của nó, khi thế-giới tự-nhiên trở thành nhân-giới, do mỗi người làm ra cho mọi người, khi con người tự-giải-phóng mình bằng kiến-thức khỏi thế-giới của sự tất-yếu để tạo ra, xuyên qua hành-động có ý-thức về chính-mình, thế-giới của tự-do. Quên hay không biết tới nửa đó của học thuyết của ông, những khoa-học nhân-văn quy con người thành những vật-thể đơn thuần hay những con thú. Qua đó, chúng lập ra những « quy-luật » đúng trong phạm vi con người cơ-bản ứng-xử như vậy. Mỗi lần con người hiện-hữu với đầy đủ nhân-tính của nó, những quy-luật kia tan nát liền. Chính-trị-gia cũng biết đôi điều về chuyện này. Ta đếm con người, hành-động, ý-nghĩ của nó như đếm đồ-vật. Ta vận dụng đủ thứ quy-luật thống kê để phóng đại số liệu đó vào tương lai. Trên cơ sở « kiến-thức » ấy, ta giải tán Quốc hội, giải thích hành-động ấy với những diễn văn do các chuyên-gia khoa-học xã-hội và thông-tin thảo ra, để rồi... thua trong cuộc bầu cử[6]. Mặc dù họ bị điều-kiện-hoá hàng ngày, mặc dù quán-tính của những ứng-xử sinh-tính và văn-hoá, dân Pháp không là một đàn cừu.


Sự-kiện và con người
Ta thử tìm hiểu tính khoa-học của những sự-kiện nhân-tính xem sao.
Trong vật-lý, những sự-kiện ta quan sát gắn liền với vật-thể và quan-hệ giữa chúng. Chính điều đó tạo cho chúng tính khách-quan. Đó là hiện-tượng vật-chất, là quan-hệ về lượng giữa những vật-thể. Vật-thể ta tìm hiểu, bối-cảnh trong đó ta tìm hiểu nó, công cụ ta dùng để quan sát nó đều là vật-thể. Trong một số thử-nghiệm, ta có thể kể thêm sự hiện-diện của người quan sát. Sự hiện-diện ấy thay đổi hình-thái của những kết quả thấy được. Khi chọn công cụ quan sát và điều kiện vận dụng chúng, người quan sát quyết định hình-thái biểu-hiện kết quả của đo lường đối với giác-quan của nó. Nhưng sự hiện-diện ấy không ảnh hưởng vào những lượng được đo. Điều con người nghĩ về vật-thể không ảnh hưởng tới phản ứng của chúng vì phản ứng đó quy về những vận-động vật-chất. Chúng không có ý-hướng, không tạo-nghĩa. Chúng tồn-tại. Giữa những vật-thể được quan sát, bối-cảnh vật-chất trong đó chúng vận-động và công cụ tương-tác với chúng, có những quan-hệ về lượng độc-lập với những gì ta nghĩ về chúng. Mặt khác, ta có thể tái-tạo y-hệt toàn bộ những tương-tác kia, không kể đến tính không-thể-đảo-ngược của thời-gian vật-lý. Quy-luật vật-lý không thay đổi với thời-gian. Cách xa nhau nghìn năm, hai cuộc thử-nghiệm tiến hành trong « cùng » điều kiện thử-nghiệm đưa lại kết quả như nhau. Nhưng đúng là có hai kinh-nghiệm khác nhau trong không-thời-gian ! Trong khuôn khổ một cuộc thử-nghiệm, ta có thể không phát hiện ra một sự-kiện quan trọng vì ta dốt-nát hay vì công cụ quan sát không đủ chính xác. Nhưng nếu ta lặp lại cuộc thử-nghiệm đó, trong cùng hoàn cảnh, nhưng với công cụ quan sát và đo lường tối tân hơn, sự-kiện bị bỏ quên trong những thử-nghiệm trước chắc chắn sẽ hiện hình dưới hình-thái một độ so le giữa dự đoán của lý-thuyết với kết quả đo lường. Những triết gia biểu-đạt điều đó khi họ định-nghĩa sự-thật khoa-học với « khái-niệm » « có thể khiến thành sai[7] » : một lý-thuyết đáng gọi là khoa-học khi nó có khả-năng bị thực-tiễn phản bác, ít nhất là phần nào. Một lý-thuyết về Chúa không có tính khoa-học vì ta không thể nào phản bác nó bằng thử-nghiệm. Nôm na, nói thế này : kiến-thức mà ta có được về thế-giới vật-chất tùy thuộc hành-động mà ta có khả-năng tiến hành để tác-động vào nó và khả-năng quan sát phản ứng của nó qua những công cụ mà ta có khả-năng tạo ra.

Nếu ta so sánh những sự-kiện mà nhà vật-lý nghiên cứu với những sự-kiện mà sử gia tìm hiểu, có nhiều sự khác biệt nổ mắt. Trong những khác biệt ấy, ít nhất có mấy điều sau :

1. Không có sự-kiện nào có thể được tái lập y-hệt trong điều kiện y-hệt, ngay cả khi ta không tính tới sự không-thể-đảo-ngược của thời-gian.

2. Giữa hàng tỷ sự-kiện xảy ra mỗi ngày trong đời sống của con người, sử gia chỉ tuyển chọn một số rất nhỏ thôi. Phần còn lại vĩnh-viễn chìm vào quên lãng, không cứu vớt được. Tại sao tuyển lựa một danh sách sự-kiện này thay vì một danh sách sự-kiện khác không kém khách-quan ? Tại vì những sự-kiện được tuyển lựa còn nằm trong ký-ức của con người. Chúng đóng neo vào đó vì chúng có ý-nghĩa đối với người biết đến chúng. Ký-ức về sự-kiện lịch-sử gắn liền với giá-trị mà con người trong một thời đại gán cho chúng. Giá-trị ấy biểu-hiện qua cách họ thuật lại chúng. Cách hiểu và cách thuật lại ấy tùy thuộc văn-hoá của một dân tộc, của những giai cấp hay tầng lớp xã-hội[8]. Văn-hoá đó biểu-hiện « độ » nhân hay phi-nhân của một xã-hội. Một số không phải không đáng kể người Pháp đã từng ủng hộ Pétain, hợp tác vào chuyện săn bắt người Do Thái trong thời kỳ Đức chiếm đóng nước Pháp là một sự-kiện khách-quan. Người Do Thái đã dùng vũ lực để xua đuổi người Palestine khỏi đất của họ và thành lập trên đó Nhà nước Israël cũng là một sự-kiện khách-quan. Những chính phủ Mỹ đã đổ xuống nước Việt Nam một khối-lượng bom tương đương với 70 quả bom nguyên tử Hiroshima và một khối-lượng khổng lồ chất độc hoá-học trong đó có dioxine, chất da cam lừng danh, cũng là một sự-kiện khách-quan. Trong chiến tranh Việt Nam, có chưa tới 60.000 người Mỹ chết, có dưới 2000 biệt tích, có mấy triệu người Việt thiệt mạng và mất tích. Đó là những sự-kiện khách-quan. Lại một sự-kiện khách-quan nữa : trong sân chơi chính trị và trí thức quốc tế, 2000 anh MIA và POW có giá-trị hơn hàng triệu người Việt đã chết hay mất tích trong bùn lầy của cuộc chiến ấy. Cuộc diệt chủng do Khmer đỏ tiến hành là một sự-kiện khách-quan. Ta có thể kéo dài vô tận danh sách những sự-kiện như vậy. Tự nó, nó chẳng có ý-nghĩa gì cả. Những sự-kiện nhân-tính đều có cả ba chiều-kích vật-chất, ý-hướng và văn-hoá. Chúng tuân theo ba loại quan-hệ « nhân quả », vật-tính, sinh-tính, trí-tính[9]. Lại là một cách nói không thích hợp. Đúng hơn, chúng tuân theo một lôgích tự khai triển cùng lúc trong cả ba chiều-kích của hành-động. Khá nhất, khoa-học có thể trình bày lại sự tác-động của những khía cạnh vật-tính hay sinh-tính vào lôgích ấy. Nó hoàn toàn bất-lực để giải thích lôgích ấy : chính lôgích ấy mới có khả-năng đặt nền tảng cho khoa-học chứ không phải ngược lại.

Nghệ-thuật quân sự cho ta một thí dụ điển hình về giới hạn của tham vọng hiểu hành-động của con người một cách khoa-học. Người ta tiến hành chiến tranh với vũ khí và những con người muốn hay chấp nhận chiến đấu. Người ta có thể chấm dứt chiến tranh bằng cách tiêu diệt địch thủ. Nhưng bất kể tàn phá đến đâu, tàn sát bao nhiêu, ngày nào còn người muốn chiến đấu, ngày đó chiến tranh tiếp diễn. Kẻ chiến thắng là kẻ có quyết tâm tới cùng để đạt mục tiêu của mình. Khoa-học có thể tác-động vào khía cạnh vật-chất hay sinh-học của cuộc chiến, nó bất-lực trong phần còn lại. Kết quả thảm hại của chiến tranh tâm-lý mà nhà cầm quyền Mỹ đã thể nghiệm ở Việt Nam giúp ta hiểu khá nhiều điều về giá-trị khoa-học của những khái-niệm, phương-pháp-luận và kỹ thuật do những đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cơ quan chuyên trị tạo ra : phải đương đầu với những con người cương quyết tiếp tục làm-người, chúng tiết lộ chúng chỉ là « lý-thuyết » kêu, kẻng, hão.


Sự lựa-chọn của con người và ý-nghĩa của ngôn-từ
Những sự-kiện lịch-sử được sử gia giữ lại trong tác-phẩm, sau khi gạt bỏ những sự-kiện khác cũng khách-quan không kém, tùy thuộc ý-nghĩa mà con người của một thời đại và của một nền văn-hoá gán cho chúng, thậm chí tùy thuộc bản thân sử gia. Ta có thể nói như thế đối với tất cả các khoa-học nhân-văn. Đối tượng của chúng là con người hay những con người chung sống trong xã-hội. Thực-thể ấy vừa là vật-thể, sinh-thể và trí-thể. Ta có thể tìm hiểu nó dưới một khía cạnh hay như một tổng-thể. Nếu ta muốn tìm hiểu nó như một vật-thể, nên đi vào vật-lý, đặc biệt ngành cơ khí và ngành điện tử. Nếu ta muốn tìm hiểu nó như một con thú, nên đi vào sinh-học. Những kiến-thức đó hiện nay không mang lại cho ta một hiểu-biết nào về con-người-tư-duy. Nhưng chúng đã cho phép người bị tê liệt điều khiển máy tính bằng tư-duy. Kỳ công kỹ thuật rất có ích này chỉ dựa vào kiến-thức về nền tảng vật-chất và sinh-học của tư-duy, chúng không nợ nần gì hết đối với « khoa-học » nhân-văn. Nếu ta muốn hiểu con người trong chiều-kích tư-duy biệt-lập, ta nên đi vào triết-học kinh-viện, thi ca, nghệ-thuật hay văn-chương, theo kiểu người đời xưa, đừng có tham vọng tìm ra một sự-thật khoa-học : đối tượng không thích hợp với điều ấy. Trong lĩnh-vực này, người quan sát, vật-thể bị quan sát, những công cụ quan sát, đo lường, phân-tích và trình bày kết quả lẫn lộn với nhau không thể phân biệt được : đó là con-người-tư-duy xuyên qua một ngôn-ngữ. Nếu ta muốn xem xét nó trong thể thống-nhất ba-chiều-kích kia, ta không nên mất thời giờ tô son chét phấn sự dốt-nát của ta với cái khố rách của khoa-học tự-nhiên : bản thân nó đang giãy giụa trong khó khăn nan giải để giải thích khả-năng biết và hiểu chỉ vật-giới thôi. Nếu ta muốn hiểu những sự-kiện nhân-tính, ta phải giải thích thể thống-nhất ấy, đặt nền tảng cho một cách tiếp cận thế-giới thích hợp, sáng-tạo ngôn-ngữ thích hợp để biểu-đạt chúng. Những sự lựa-chọn ấy quyết định ý-nghĩa và năng lực của những ngôn-từ mà ta dùng để đề cập tới con người.



--------------------------------------------------------------------------------

[1] Trong chương này, tôi chỉ bàn tới những tác-phẩm tự-khẳng-định mình là khoa-học mà không nói rõ : tính khoa-học mà chúng viện ra có dựa trên cùng nền tảng với khoa-học tự-nhiên hay không và, nếu không, lại không trình bày rõ do đâu và tại sao ta có thể tin chúng như ta tin khoa-học tự-nhiên.

[2] Bibliothèque de France, còn gọi là Bibliothèque François Mitterrand, tại Paris. Thư viện hiện-đại nhất của Pháp do tổng thống Mitterrand cho xây cất.

[3] Như ngôn-ngữ của Hegel, Marx, Freud... chẳng hạn.

[4] homme d’État.

[5] Nhà thơ siêu-thực nổi tiếng của Pháp, có những bài thơ kiểm kê loạn xạ đủ thứ chuyện chẳng dính dáng gì với nhau.

[6] Thời đó, chỉ hai năm sau khi thắng cử, ông Chirac giải tán Quốc hội do đảng ông nắm để thiết lập một nhiệm kỳ mới, đảm bảo cho ông bẩy năm quyền-lực liên tục. Mọi cuộc thăm dò dư luận đều kết luận : ông sẽ thắng đậm. Cuối cùng ông thua, ông Jospin của Đảng xã-hội lên làm thủ tướng, nắm phần lớn thực quyền trong 5 năm.

[7] falsifiabilité và réfutabilité (có thể biện-bác) là những khái-niệm nổi tiếng của Popper về tính khoa-học. falsifiabilité cùng gốc với faux : sai.

[8] Cứ đọc quyển Le passé d’une illusion (Quá-khứ của một ảo ảnh) của ông François Furet mà xem. Nếu ta vứt bỏ những diễn-giải nặng tính tâm-lý, phân-tâm-học, ý-thức-hệ mà ông gán cho những sự-kiện lịch-sử mà ông quan tâm, thì còn lại cái gì ? Một danh sách sự-kiện chẳng có ý-nghĩa gì cả. Lôi quyển sách ấy ra khỏi môi-trường trí thức mà nó nhắm, thì đó là một câu chuyện không đầu không đuôi. Song song, ông Eric J. Hobsbawm cho xuất bản trong ba mươi nước quyển L’âge des extrêmes, Histoire du court 20e siècle (Thời đại của những thái cực, Lịch-sử của thế kỷ 20 ngắn, trong nghĩa thời đại ấy chỉ chiếm một phần của thế kỷ 20). Không nhà xuất bản Pháp nào dám đăng mặc dù hầu hết tác-phẩm của tác giả này đã từng được những nhà xuất bản nổi tiếng ở Pháp đăng. Nguyệt san Le Monde Diplomatique phải liên hợp với một nhà xuất bản Bỉ (vinh quang thay, người Bỉ !), với sự trợ cấp của Centre National du Livre (vinh quang thay, CNL !) để đăng bản tiếng Pháp. Đáng buồn. Cho xứ sở của những người suy-luận tự-do [libres penseurs, một niềm tự-hào của văn-hoá Pháp]. Có lẽ đây là chuyện tiếu lâm về người Bỉ hay nhất ở cuối thế kỷ 20. [Người Pháp thích giễu cợt người Bỉ bằng truyện tiếu lâm Bỉ, histoires belges.]


Tôi hoàn toàn không có ý chống quyền sử dụng tâm-lý, phân-tâm-học và những lý-thuyết khác về con người của sử gia. Tôi sẽ không hợp-lý với chính-mình. Trừ khi ta coi con người đồ-vật hay thú-vật mà nó đích thực là, một khi ta đã nói tới nó thì ta đã đặt mình trong thế-giới của ý-niệm và, sợ gì mà không dám nói, của những ý-thức-hệ. Chủ-nghĩa duy-khách-quan (objectivisme), chủ-nghĩa duy-khoa-học (scientisme) cũng là ý-thức-hệ. Nhưng một khi ta đã vận dụng những lý-thuyết kia thì ta đã từ bỏ danh giá của một môn khoa-học lấy tính khách-quan và lôgích hình-thức làm nền tảng. Chẳng ai bắt ta leo lên mái nhà để la điều đó, nhưng không nên tự gán cho mình tính khoa-học (ta có thể nói rõ điều đó lắm chứ), và không nên để người khác gán cho trước tác của ta tính khoa-học ấy (thực-hiện điều này thì khó hơn, tôi công nhận). Cuối cùng nếu ta có tham vọng mang lại một kiến-thức loại khác, dựa vào một lôgích khác, ta nên trình bày nền tảng của nó và báo trước cho độc giả biết.

[9] Những quan-hệ nhân quả đầu thuộc phạm vi những phương-pháp suy-luận khoa-học. Những quan-hệ nhân quả thứ nhì thuộc phạm vi những phương-pháp suy-luận trong sinh-học. Nhà sinh-học dùng những khái-niệm và phương-pháp suy-luận của vật-lý khi họ tìm hiểu khía cạnh vật-chất của sinh-vật. Chưa có ai nẩy ra ý phương-trình hoá lý-thuyết của Darwin, đo lường một cảm-giác.

Phan Huy Đường