Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần cuối
28/04/2010 | 1:21 chiều |
Nguyễn Việt dịch
Âm mưu hay trùng hợp?
Cuối tháng Bảy năm 1967, ngay tiếp theo sau sau phiên họp Bộ Chính trị căng thẳng khi ý tưởng mới về cuộc tấn công 1968 của Lê Duẩn-Văn Tiến Dũng được đem ra bàn luận, đợt đầu tiên trong nhiều đợt bắt các nhóm những người bị gọi là chống đảng được thực hiện tại Hà Nội. “Nhóm chống đảng” được cho là nằm dưới sự cầm đầu của Hoàng Minh Chính, trước đây là viện trưởng Viện Triết học Marx-Lenin, và bị nghi ngờ là âm mưu chống đảng và cung cấp thông tin cho một thế lực nước ngoài không được nêu tên. Một đợt bắt bớ thứ hai những kẻ bị coi là đồng mưu được tiến hành có tường thuật vào ngày 18 tháng Mười, hai ngày trước khi diễn ra cuộc họp thứ hai của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch cuộc tấn công 1968, và đợt bắt bớ thứ ba được tiến hành vào tháng Mười hai năm 1967, đồng thời với cuộc họp của Bộ Chính trị với mục đích thông qua kế hoạch[1].
“Vụ án Chống Đảng” có nguồn gốc từ xung đột Trung Quốc-Liên Xô hồi đầu những năm 1960. Cuối năm 1963, tiếp theo những thảo luận mở rộng và tranh cãi nội bộ, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Lê Duẩn, đã thông qua một nghị quyết chống lại “xét lại hiện đại”, một thuật ngữ được người Trung Quốc dùng để miêu tả các chính sách của lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev về “cùng tồn tại hòa bình” và tránh đối đầu quân sự trực tiếp với phương Tây[2]. Nghị quyết này và một nghị quyết đi kèm kêu gọi một nỗ lực quân sự một mất một còn để đánh bại chế độ Ngô Đình Diệm tại Việt Nam Cộng hòa chính là nguồn cơn cho sự chia rẽ bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có Hoàng Minh Chính, khi ấy là viện trưởng Viện Triết học Marx-Lenin, và thượng tướng Đặng Kim Giang, bị giáng chức hoặc mất chức, như là hậu quả của việc họ phản đối các nghị quyết đó, những nghị quyết đã đặt người cộng sản Việt Nam (ít nhất là trong thời điểm này) hẳn về phe Trung Quốc trong cuộc xung đột Nga-Trung đang mở rộng. Sự phản đối trước các nghị quyết mạnh mẽ đến mức một số cán bộ cao cấp Việt Nam đã trốn sang Liên Xô[3].
Những rạn nứt nội bộ của đảng thể hiện qua các tranh luận tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục dai dẳng. Các rạn nứt nghiêm trọng đến mức vào tháng Mười hai năm 1965, tổng bí thư Lê Duẩn buộc phải nói tới chúng trong một bài diễn văn tại Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương. Trong bài diễn văn này Lê Duẩn công nhận: “Từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 về các vấn đề quốc tế, Trung ương Đảng ta vẫn giữ vững và làm đúng đường lối đã đề ra. Nhưng sở dĩ có một số đồng chí hiểu lầm rằng hình như đường lối của Đảng ta đã thay đổi là vì các đồng chí ấy không hiểu đúng tinh thần cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương, do sự phổ biến nghị quyết ở một số nơi không được đầy đủ và nghiêm túc[4].” Lê Duẩn tiếp tục bằng cách tuyên bố sẽ là sai lầm nếu nghĩ nghị quyết của Hội nghị lần thứ 9 cho thấy đảng đã chọn phe trong cuộc tranh cãi Trung Quốc-Liên Xô. Ông cho biết “đường lối của Đảng ta khác về chiến lược với đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc[5].”
Một cuốn sách chính thức của Công an Việt Nam xuất bản vào cuối những năm 1970 công nhận rằng chế độ coi sự phản đối trước nghị quyết “chống xét lại” năm 1963 của Trung ương Đảng Cộng sản là một mối đe dọa về an ninh và cho biết sự phản đối này đã trực tiếp dẫn tới các sự kiện của Vụ Chống Đảng năm 1967:
“Bè lũ xét lại hiện đại tìm cách tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin. Một số phần tử trong nước ta đã sao chép các luận điểm của chúng, sử dụng các khái niệm xét lại để tuyên truyền chống lại các chính sách của đảng ta. Bọn họ đã vứt bỏ nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 1963, đường lối cơ bản của nghị quyết là phê phán và phủ nhận chủ nghĩa xét lại hiện đại. Mặc dù các hoạt động của bè lũ này không gây ra tổn thất nghiêm trọng, chủ nghĩa xét lại đã bắt đầu gây ảnh hưởng tới hàng ngũ cán bộ tại một số cơ quan chính quyền, đặc biệt là trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, và luật pháp. Cần ghi nhận rằng bè lũ này đã tập hợp các cá nhân bất mãn, ghen tị và đồi trụy bên trong đảng để lập ra một “tổ chức chính trị phản động để làm một tổ chức ngụy cho người nước ngoài.”[6]
Một chú thích cho đoạn trên nói, “Vụ Chống Đảng đã được giật dây bởi các phần tử chịu ảnh hưởng của ý thức hệ xét lại và do Hoàng Minh Chính cầm đầu[7].”
Một số cá nhân bị bắt trong đợt bắt bớ năm 1967 là sĩ quan cao cấp của quân đội, gồm cả thượng tướng Đặng Kim Giang, người vào quãng thời gian ấy đã bị điều sang Bộ Nông nghiệp, Thứ trưởng và Phó Tổng Tham mưu trưởng thượng tướng Nguyễn Văn Vĩnh, và cục trưởng Cục Quân báo của Bộ Tổng Tham mưu, đại tá Lê Trọng Nghĩa. Hai trong số những sĩ quan ấy, thượng tướng Nguyễn Văn Vĩnh và đại tá Lê Trọng Nghĩa, từng có dính líu rất sâu vào công việc chuẩn bị các kế hoạch cuộc tấn công của Bộ Tổng Tham mưu, và cả hai đều tham gia trong các báo cáo cho Bộ Chính trị trong cuộc thảo luận về kế hoạch vào tháng Mười[8]. Nhiều sĩ quan trong số đó rõ ràng là có liên hệ mật thiết với tướng Võ Nguyên Giáp, và một số người bị bắt tuyên bố rằng các sĩ quan an ninh thẩm vấn họ đã tìm kiếm sự liên kết giữa vị tướng họ Võ và âm mưu Chống Đảng[9]. Trong hồi ký của mình, tướng Cao Phá, Phó Cục trưởng Cục Quân báo cho tới 1968, công nhận ông đã bị rối trí trước việc đảng bắt đầu “sắp xếp lại các cấp bậc sĩ quan của… Bộ Chỉ huy Tối cao” vào quãng thời gian diễn ra Cuộc Tấn công Tết[10]. Vì “Chỉ huy Tối cao” là tên chính thức của bộ tổng hành dinh Võ Nguyên Giáp, lời bình luận này dường như đã xác nhận rằng quả thực đã từng có một nhóm sĩ quan làm việc chung với tướng Võ Nguyên Giáp.
Thông tin về vụ việc tuyệt mật này vẫn quá sơ sài, không đủ để rút ra được kết luận cuối cùng nào về sự thật của những liên kết nước ngoài như cáo buộc, nhưng các tài liệu do Ilya Gaiduk phát hiện tại lưu trữ chính thức của Liên Xô trước đây cho thấy trong quãng thời gian này các nhân viên Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, có khả năng là có cả một số sĩ quan tình báo, quả thực đã liên lạc với một nhóm “chống đối” nhỏ gồm các nhân vật chính trị Bắc Việt từng bị cắt chức từ nhiều năm trước đó. Những người ly khai này đã yêu cầu người Liên Xô giúp đỡ nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các quyết định về chính sách tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[11]. Miêu tả của nhóm này có vẻ rất khớp với Hoàng Minh Chính và các bạn của ông. Những liên hệ với người Liên Xô có vẻ đã là quá đủ để biện minh cho các cuộc bắt bớ và tra hỏi, và một khi một “mối nguy về gián điệp” và khe hở về an ninh đã lộ diện, một đợt bắt bố lớn gần như là không thể tránh khỏi, đặc biệt là tại một nhà nước cảnh sát như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong khi còn chưa thể tiếp cận tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng sản và An ninh Việt Nam, không thể nào xác định tuyệt đối liệu việc lên kế hoạch các vụ bắt bớ có liên quan tới những suy tư của Bộ Chính trị về kế hoạch Tấn công Tết hay không, và liệu Võ Nguyên Giáp có quả thực là một trong các mục tiêu của cuộc điều tra hay không. Tuy nhiên, có vẻ như là khi quyết định về thực hiện Tấn công Tết được đưa ra, một cuộc tấn công hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ, một mệnh lệnh đã được ban xuống ở mức độ cao nhất, “thắt chặt an ninh”. Ban đầu mệnh lệnh này có thể không hướng tới các mục tiêu cụ thể, nhưng chắc chắn là các lực lượng an ninh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn giải nó như là một mệnh lệnh nhằm, nói như những lời bất hủ của Claude Raines trong bộ phim Casablanca, “Tóm hết những kẻ tình nghi!”
Tuy cơ quan an ninh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thoạt đầu có thể chỉ làm một việc là kiểm soát một cách thụ động các đường dây liên kết với cán bộ Liên Xô của nhóm Hoàng Minh Chính, nhưng giờ đây đã rõ ràng rằng các thành viên của nhóm bị bắt là để loại trừ mọi khả năng bí mật về cuộc Tấn công Tết sắp diễn ra bị lọt ra bên ngoài. Sau đợt bắt bớ đầu tiên, bất kỳ ai có liên hệ thậm chí là vô hại nhất với những người âm mưu kia, bất kỳ ai từng biểu hiện bất kỳ sự dè dặt nào đối với Nghị quyết 9 của Trung ương Đảng, và bất kỳ ai có tì vết dù là nhỏ nhất trong lý lịch hoặc xuất thân gia đình đều phải đối mặt với các điều tra viên hăng hái đáp ứng yêu cầu của thượng cấp trong việc tìm ra những “mối đe dọa an ninh” tiềm ẩn. Có bằng chứng cho thấy rằng quả thực điều này đã xảy ra. Chẳng hạn, theo một hồi ký viết bởi một sĩ quan cao cấp của tình báo và an ninh cộng sản Việt Nam, sự suy sụp của tướng Nguyễn Văn Vĩnh chính là kết quả của những nghi ngờ không có căn cứ theo đó con trai của vị tướng có liên hệ với tình báo Pháp. Phải mười năm sau, ngay trước khi qua đời, tướng Nguyễn Văn Vĩnh rốt cuộc mới minh oan được cho mình[12]. Mặt khác, việc liệu các nghi ngờ về con trai vị tướng có được sử dụng để chống lại ông bởi ông có quan hệ mật thiết với tướng Võ Nguyên Giáp (Nguyễn Văn Vĩnh là thứ trưởng quốc phòng và đã làm việc rất gần gũi với tướng Võ Nguyên Giáp) hoàn toàn là một vấn đề khác.
Mặc dù không có bằng chứng chính xác nào cho thấy các vụ bắt bớ là cố tình nhắm vào tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng minh của ông, thì cũng rõ ràng rằng quả thực chúng đã gây tổn hại tới vị tướng, cả về mặt nghề nghiệp lẫn mặt cá nhân. Năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên một tờ báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ sụp đổ, Võ Nguyên Giáp đã nhờ người phóng viên gọi điện cho một thuộc cấp trung thành của ông, một người mà vị tướng nói đã rất gần gũi với ông từ trận Điện Biên Phủ cho tới ngay trước cuộc Tấn công Tết nhưng vị tướng nói là chỉ biết ông ta “tách rời” khỏi ông vì những lý do “bất khả kháng” (tác giả nhấn mạnh). Võ Nguyên Giáp yêu cầu người phóng viên nói với người thuộc cấp trước kia là trong cuộc phỏng vấn này vị tướng đã không “quên” nhắc tới đóng góp của người thuộc cấp trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Người thuộc cấp ngày xưa là người phụ trách bộ phận tình báo tại Điện Biên Phủ, đại tá Lê Trọng Nghĩa, người từng là một trong các nạn nhân của đợt bắt bớ năm 1967[13]. Hành động này không chỉ cho thấy Võ Nguyên Giáp vẫn còn một số tình cảm đối với đại tá Lê Trọng Nghĩa và tin Lê Trọng Nghĩa đã bị đối xử bất công, mà còn cho thấy vị tướng vẫn không thể trực tiếp liên lạc với Lê Trọng Nghĩa, vì các lý do chính trị.
Kết luận
Sau khi từ Đông Âu trở về tiếp sau khi cuộc Tấn công Tết Mậu Thân đã bắt đầu, Võ Nguyên Giáp quay lại giữ chức tổng tư lệnh tối cao của Các Lực lượng Vũ trang và bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nơi ông chỉ đạo đợt Tấn công Tết thứ hai và thứ ba. Tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ các cương vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị và các lực lượng vũ trang cho tới khi chiến tranh kết thúc năm 1975, và ông đóng một vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch và tiến hành cuộc tấn công cuối cùng của cộng sản dẫn đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa và chiếm được Sài Gòn tháng Tư năm 1975[14]. Rõ ràng là quyền lực của ông bị giảm sút, nhưng ông vẫn là người lính trung thành và “giữ đoàn kết” với các nhân vật còn lại của ban lãnh đạo đảng.
Bốn mươi năm sau cuộc Tấn công Tết, giờ đây chúng ta vẫn chưa có được kết luận về việc liệu quyết định của Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng tung một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa một mất một còn ngay lập tức là đúng, hay liệu Võ Nguyên Giáp đã đúng khi phản đối quyết định ấy. Tôi tin rằng đây là một việc tế nhị và câu chuyện quá phức tạp, với quá nhiều biến số được đưa vào, nên không thể nói dù là ở mức độ chắc chắn như thế nào về việc một tình huống cụ thể có thể xảy ra như thế nào nếu lựa chọn một con đường khác.
Tuy nhiên, lợi thế về thời điểm cũng cho phép chúng ta có được một số kết luận về cuộc Tấn công Tết. Nhận định tình hình của cộng sản theo đó chiến lược Tấn công Tết đã sinh ra rõ ràng là không chính xác ở nhiều khía cạnh: Nhận định đó đã đánh giá quá cao số lượng thương vong mà các lực lượng cộng sản gây ra cho Mỹ và các đồng minh; nó đã đánh giá quá cao sự ủng hộ mà lý tưởng cộng sản nhận được trong dân chúng miền Nam; và nó đã đánh giá thấp đến nực cười sức mạnh và khả năng của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, quả thực người cộng sản đã làm đúng được nhiều điều quan trọng: Họ đã kết luận một cách đúng đắn rằng mức độ sẵn sàng can dự của Mỹ vào Chiến tranh Việt Nam là một điểm yếu chính có thể khai thác trong nỗ lực chiến tranh liên minh ở miền Nam; nhận định của họ cho rằng mùa chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968 sẽ là giai đoạn trọng yếu trong việc xác định con đường tương lai của chiến tranh Việt Nam từ phía Mỹ là vô cùng chính xác; và kết luận của họ rằng chỉ thông qua việc sử dụng các biện pháp đặc biệt họ mới có thể khai thác thời điểm của “điểm bùng phát” này nhằm biến chuyển tình thế có lợi cho họ, xét cho cùng, cũng là đúng. Chiến lược “các trận đánh lớn” đã từng có khả năng gây tổn thất cho các lực lượng Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhưng Văn Tiến Dũng đã tuyệt đối đúng khi ông kết luận rằng các lực lượng cộng sản chỉ đơn giản là không đủ khả năng dùng các trận đánh lớn để tạo ra được các tổn thất hàng loạt lên kẻ thù mà quyết định của Bộ Chính trị về tìm kiếm một “chiến thắng nhanh chóng” đòi hỏi.
Rốt cuộc, với tất cả những thất bại của cuộc Tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản, ở số lượng rất nhiều, có một điều lộ ra: cuộc Tấn công Tết đã thuyết phục cử tri Mỹ và vị lãnh đạo người Mỹ, tổng thống Johnson, rằng không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh và đã đến lúc bắt đầu đàm phán tìm ra một giải pháp và người Mỹ phải rút đi. Đây là một thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến, một thời điểm kể từ đó không có đường lùi nữa. Ý tưởng của Lê Duẩn-Văn Tiến Dũng đã hoàn thành một trong những mục tiêu được đề ra: “đè bẹp ý chí xâm lược [của kẻ thù]… nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta[15].” Trong khảo luận về binh pháp của mình, chiến lược gia quân sự Trung Quốc cổ đại Tôn Tử viết:
“Phàm việc tác chiến, dùng chính binh đối địch, kỳ binh thủ thắng.”[16].
Tôn Tử cũng viết:
“Nước lũ chảy xiết cuốn trôi cả đá gạch, đó là nhờ thế nước lũ.
Chim ưng vồ mồi chỉ một cú có thể xé nát con mồi, đó là dựa vào thế tiết nhanh như chớp nhoáng.”[17]
Trong quyết định tung cuộc Tổng tiến công Tết, người cộng sản đã làm theo lời chỉ dạy của Tôn Tử. Họ đã sử dụng sự “biến hóa”, và “thế tiết” của họ là hoàn hảo.
Merle L. Pribbenow II là cựu sĩ quan tác chiến CIA và chuyên gia tiếng Việt, về hưu vào năm 1995. Một phần tiểu luận này được trình bày tại Sixth Triennial Vietnam Symposium, Vietnam Center, Texas Tech University, tháng Ba năm 2008. Tác giả muốn bày tỏ lòng biết ơn với giáo sư A. J. Langguth và Annenberg Institute for Justice and Journalism của Đại học Southern California vì đã tài trợ cho chuyến đi của tác giả tới Hà Nội mùa hè năm 2007 để thực hiện các cuộc phỏng vấn tại chỗ, một trong số những cuộc phỏng vấn đó đã làm nảy ra ý tưởng về bài viết này. Tác giả cũng muốn cám ơn một người bạn không nêu tên, người đã, nhiều năm trước đây, giảng qua cho tác giả về cách tiến hành công việc nội bộ của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tóm tắt: Cuộc Tấn công Tết Mậu Thân là phát minh của tổng bí thư Đảng Cộng sản và tướng Văn Tiến Dũng. Chính quyền Hà Nội muốn khai thác cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968 để mở ra các đàm phán với Mỹ. Khi tướng Võ Nguyên Giáp thất bại trong việc đề ra một kế hoạch khả dĩ nhằm giành được một chiến thắng quân sự để mang về cho người cộng sản lợi thế trong các đàm phán đã được lên kế hoạch, Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng đã thúc đẩy một kế hoạch đầy nguy cơ về “tổng tấn công” trên phạm vi toàn quốc thông qua một Bộ Chính trị đang lưỡng lự, bất chấp sự phản đối của tướng Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh.
Ghi chú của người dịch: Một số trích dẫn của tác giả do nằm ở các trang web trên Internet không còn hoạt động hoặc ở những cuốn sách rất khó tìm nên được dịch sát nghĩa chứ chưa được truy nguyên; cách gọi “Đảng Cộng sản” được thống nhất trong bài, mặc dù tên chính thức hồi đó là Đảng Lao động Việt Nam; cách viết tên riêng người Việt Nam của tác giả được giữ nguyên, kể cả các trường hợp như “Hồ Kháng” hoặc “Cao Phá”.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 3, Number 2, Summer 2008
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Nguyễn, The War Politburo, 25-26; Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 481-482. Cũng xem “Alleged Coup d’Etat Plot in Hanoi: 1967,” trích dịch từ cuốn sổ tay lính cộng sản bị quân đội Mỹ thu được vào năm 1970, số hiệu 2320120032, Douglas Pike Collection, Unit 06, Virtual Archive, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University, www.virtualarchive.vietnam.ttu.edu/starweb/virtual/vva/servlet.starweb?path=virtual/vva/virtual.web (truy cập 10/1/2008). Để biết một trong số rất ít dẫn chiếu tới các vụ bắt bớ năm 1967 trong các ấn phẩm công khai của cộng sản Việt Nam, xem “Hoàng Minh Chính: ông là ai?”, Hà Nội Mới, 20/10/2005, http://www/hanoimoi.com.vn/41/62857 (truy cập 11/7/2007).
[2] Xem “Nghị quyết của hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của đảng ta, tháng 12 1963”, Trần Tình, bs., Văn kiện đảng 1963, 716-800.
[3] Nguyễn, “The War Politburo,” 15-19; Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 483. Để có một dẫn chiếu ngắn tới sự phản đối của tướng Đặng Kim Giang trước nghị quyết 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xem một bài diễn văn đọc năm 1969 của Bộ trưởng Nội vụ Trần Quốc Hoàn: “Kết luận của đồng chí Bộ trưởng về công tác sưu tra và xác minh hiểm nghi (1969)”, trong Một số vấn đề về đấu tranh chống phản cách mạng (Tối mật: chỉ lưu hành nội bộ ngành công an) (Hà Nội: Viện Nghiên Cứu Khoa Học Công An, 1975), 352.
[4] Phạm Thị Vịnh, Văn kiện đảng 1965, 609.
[5] Sđd., 610.
[6] Viện Nghiên Cứu Khoa Học Công An, Công an nhân dân Tập II, 1954-1965 (Dự thảo: chỉ lưu hành nội bộ) (TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Khoa Học Công An, 1978), 206.
[7] Sđd., 206.
[8] Nguyễn Văn Minh, Lịch sử kháng chiến, 1968, 32. Theo Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến, phần 8, tướng Nguyễn Văn Vịnh tham gia các cuộc bàn luận lên kế hoạch về Tấn công Tết cho đến tận 11/11/1967, cho nên có vẻ như là ông chưa bị bắt cho tới đợt giam giữ/bắt bớ cuối cùng vào tháng Mười hai.
[9] Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, chương 18, truy cập vào trang Đặc Trưng tại http://dactrung.net/truyen/noidung.aspx?BaiID=8AyT%2feTR1%2fFqSJaT6QufqQ%3d%3d (truy cập 15/12/2007); đại tá Bùi Tín (dưới bút danh Thành Tín), Mặt thật: Hồi ký chính trị của Bùi Tín (Garden Grove, CA: Turpin Press, 1994), 189-190.
[10] Tướng Cao Phá, Những ký ức không bao giờ quên (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2006), 140.
[11] Ilya V. Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War (Chicago: Ivan R. Dee Publishers, 1996), 67-68.
[12] Trần Quốc Hương và Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Quốc Hương: Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2004), 200; tướng Trần Văn Trà, Những chặng đường lịch sử của B2 Thành Đồng, Tập I: Hòa bình hay chiến tranh (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1992), 36.
[13] Dương Trung Quốc, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 7/5/2004,” Vietnam Net, 8/5/2004, www.vnn.vn/thuhanoi/2004/05/108102/ (truy cập 22/12/2007).
[14] Xem Merle Pribbenow, “North Vietnam’s Final Offensive,” Parameters 29, số 4 (mùa xuân 1999-2000): 60.
[15] Bản gỡ băng diễn văn của Lê Duẩn tại Hội nghị mười bốn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong Văn kiện đảng 1968, Đào Trọng Cảnh bs. (xem chú thích số 53), 23.
[16] Nhóm dịch Denma, The Art of War: A New Translation (Boston: Shambhala Publishing, 2001), 16.
[17] Samuel B. Griffith, d., Tôn Tử: Binh pháp (New York: Oxford University Press, 1963), 92.
Phản hồi
1 phản hồi (bài “Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần cuối”)
1.
Hoà Nguyễn nói:
29/04/2010 lúc 10:04 sáng
Trích vài câu đáng chú ý trong bài :
“Tấn công Tết Mậu Thân là phát minh của tổng bí thư Đảng Cộng sản (Lê Duẩn) và tướng Văn Tiến Dũng”. “Võ Nguyên Giáp không công khai phản đối cuộc tấn công, nhưng ông đã để cho sự vắng mặt của mình ngầm chỉ ra sự bất đồng đối với kế hoạch mới”, (và ông) “cố tình trì hoãn việc trở về Việt Nam và mãi đầu tháng Hai 1968 mới về tới Hà Nội, sau khi Cuộc Tấn công Tết đã bắt đầu”. (Chủ tịch) “Hồ Chí Minh từ chối bỏ phiếu thông qua nghị quyết như một cách thể hiện những dè dặt của ông về tính chất khôn ngoan của kế hoạch”.
Các mục tiêu lớn đề ra cho cuộc tấn công: “(1) “tiêu diệt” 150.000 lính Mỹ, bao gồm cả việc tiêu diệt ba trên năm lữ đoàn Mỹ, (2) “tiêu diệt” 300.000 quân Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả việc tiêu diệt từ sáu đến bảy sư đoàn, (3) “giải phóng” từ 5 đến 8 triệu người dân miền Nam và (4) “giải phóng” các thành phố Đông Hà và Quảng Trị, tiêu diệt các căn cứ địch tại Ban Mê Thuột và Kon Tum, và tiến hành các đợt tấn công vào Huế, Sài Gòn, cũng như thủ phủ của nhiều tỉnh”.
Theo các tài liệu đọc ở chỗ khác (của Mỹ, VNCH và miền Bắc), các đơn vị tấn công vào Sài Gòn được đặt dưới quyền chỉ huy của hai bộ Tư lệnh: bộ Tư lệnh Tiền phương Bắc do Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ và Lê Đức Anh lãnh đạo, và bộ Tư lệnh Tiền phương Nam do Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng chỉ huy.
Miền Bắc (và MTGP) đã tung vào Tổng công kích (TCK) tất cả 97 tiểu đoàn và 18 đại đội biệt lập, tổng cộng khoảng 80 ngàn ngườì. Trong khi đó, lực lượng của VNCH và đồng minh tham dự chiến trận khoảng 88.400 người.
Theo báo cáo của bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH, thiệt hại về nhân mạng trong cuộc TCK Tết Mậu Thân tính đến ngày 31-3-1968, như sau:
1/ Quân lực VNCH: tử thương 4.954, bị thương 15.097, mất tích 926
2/ Mỹ và đồng minh: tử thương 4.124, bị thương 19.285. mất tích 604
3/ CS: tử thương 58.374, bị thương ?, tù binh 9461
4/ Dân chúng: tử thương 14.300, bị thưông 24.000, di tản tỵ nạn 627.000.
Theo “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999), tổng kết hậu quả của Tổng Tấn công như sau: diệt 630.000 quân địch (trong đó có 230.000 quân Mỹ và chư hầu), phá hủy trên 600 máy bay, 13.000 xe quân sự, 1200 kho tàng các loại, 1.000 tàu xuồng chiến đấu, tiêu diệt và bức rút 15.000 đồn bót. Về phía ta (CS) : 111.306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền Nam đã hy sinh và bị thương.
Vế quân sự, miền Bắc có được yếu tố hoàn toàn bất ngờ và giữ được bí mật đến phút chót, nhưng đã tấn công trên một diện rất rộng với nhiều mục tiêu, nên không đủ sức mạnh tập trung để chiếm được mục tiêu quân sự nào; chỉ ở Huế Cộng quân kiểm soát được tất cả cơ quan hành chính (trừ đài phát thanh), và cố thủ được trên 20 ngày. Cuộc tổng tấn công xảy ra không đồng thời, có lẽ do một sai lầm nhỏ nào đó. Quân miền Bắc nổ súng tấn công Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Tây nguyên vào lúc 00:15 giờ ngày 30-1-1968, và mãi hai mươi bốn giờ sau Sài Gòn, Huế, và các thành phố khác mới bị tấn công (Cộng quân vào Huế sáng mồng Hai Tết, 31-1).
Tuy thất bại về quân sự, trận tấn công Tết Mậu Thân đem lại cho Hà Nội một thắng lợi rất lớn đối với Mỹ. Tổng thống Johnson quyết định rời bỏ chính trường, và tìm giải pháp hoà bình cho cuộc chiến. Nixon đắc cử tổng thống với tuyên bố có “kế hoạch bí mật” để chấm dứt chiến tranh. Nhưng chưa thấy có người phân tích để biết Johnson và Nixon ai yêu chuộng hoà bình hơn ai khi chiến tranh ác liệt hơn kéo dài thêm bốn năm sau đó..
Hiển thị các bài đăng có nhãn Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần cuối. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần cuối. Hiển thị tất cả bài đăng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)