Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Quyên : Viết vào Bùi Giáng mong manh.... Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Quyên : Viết vào Bùi Giáng mong manh.... Hiển thị tất cả bài đăng

11/2/09

Viết vào Bùi Giáng mong manh... Đỗ Quyên

"Đêm nay
Những lứa đôi gặp gỡ
Để ngày mai
Ra đời
Những đứa trẻ mồ côi"...
(Bertolt Brecht)

Trong bài Bài Thơ Ấy của Trung niên thi sĩ, có hai câu
"Viết vào tờ giấy mong manh
Bao nhiêu tình tự long lanh không lời".

Đọc thơ Bùi Giáng là thuốc thử về quan niệm thơ, về mỹ học thi ca. Đã và sẽ không ai sai nhiều lắm, cũng không ai đúng là bao, khi bình bàn về thơ họ Bùi. Nhắc về cái tuyệt đỉnh trong thơ Bùi Giáng, độ cao sâu tư tưởng ở trước tác Bùi Giáng nhiều bao nhiêu cũng thấy thiếu; mà chỉ ra những câu thơ dở, những bài thơ tệ, những đoạn văn chán trong chữ nghĩa Bùi Giáng bao nhiêu cũng bằng thừa.

Cái Hay cái Dở ăn ở ở thơ Bùi Giáng

Hay dở dở hay: Đây là đầu mối của các bình giá về thơ Bùi Giáng!
Đa số các nhà phê bình đều đánh giá thơ Bùi Giáng đến mức cạn nguồn tiếng Việt ở độ ca ngợi. Tôi theo "phe" này, nhưng ngợi ca bằng lời nôm: thơ Bùi Giáng, một là: hay... ơi là hay; hai là: không phải chỉ có hay! "Phe" chê thì không nhiều, điển hình là Trần Hữu Thục, Thụy Khuê, Phan Nhiên Hạo...
Giá có ai cầm bút dọa... giết, tôi cũng không đồng ý với Trần Hữu Thục rằng: "Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay – chưa hẳn là rất hay –, còn lại hầu hết thơ ông đều dở", "Ta có thể nói, cái dở trở thành tính cách của thơ ông". Cũng như ít san sẻ được với Thụy Khuê: "Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng". Vâng, sự nhàm lặp là có. Nhưng với cái "thằng" nhàm lặp chịu trách nhiệm ở nhiều câu dở, cũng khó có thể thể thổi tội hắn lên như vậy. Trong một dịp ngồi chuyện phiếm với Phạm Duy, tôi nhắc đến thơ họ Bùi với ý ca, họ Phạm gật gù vẻ cho qua, rồi không đừng được ông hơi nhăn mặt: "Nhưng lắm câu nhàm! Lặp lại quá, cậu ạ!" Cái nhàm ở cấu tứ, nhịp điệu, ngôn từ trong thơ Bùi Giáng, nhiều người nhận ra như thế. Nguyễn Hưng Quốc đã bình giá thơ Bùi Giáng mà tôi nghĩ có thể như một lý giải khả ái về vụ nhàm lặp: "Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: thơ Bùi Giáng chính là sự xoá nhòa của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay". Tôi thật tiếc cho Thụy Khuê khi chị tiếc cho một cái tiếc xây nên tất cả "ngôi nhà Bùi Giáng", tác phẩm cùng con người: "Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá (...) khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại". Ô! Nếu như Bùi quân đừng thế này phải thế kia (đóng complet, leo lên mạng mà chat mà mail thì thơ của ông đã... giáng trần mất rồi!
Thưởng thức thơ, bất nhất như với ẩm thực. Vì "mùi sầu riêng" ở thơ Bùi Giáng mà sinh tranh cãi – đó là điều dễ hiểu. Như, trong bài Tặng Quán Phở Huyền Trân,
"Hai cô bán phở dịu dàng
Đừng nên nói bậy hai nàng buồn ta
Trẫm từ lịch kiếp phôi pha
( . . . )
Tuỳ thời thể dựng mà tuy nhiên là"
khi mà Nguyễn Hưng Quốc ngạc nhiên "Ai cũng thấy rõ hai câu đầu và sáu câu sau có giọng điệu khác hẳn nhau. Vậy mà, riêng tôi, thú thật, tôi không hiểu tại sao Bùi Giáng có thể chuyển từ hai câu đầu xuống sáu câu dưới một cách dễ dàng tự nhiên như vậy", thì cũng thú thật là tôi hiểu tại sao rồi.

Cái dở trong thơ của các nhà thơ hay

Sẽ rất thú vị về những phát hiện vết đen trên mặt trời thi ca mà các chiêm tinh gia, thiên văn gia với đầy đủ kính viễn vọng, vô tình hay cố ý, hoặc bị ràng buộc bởi cách thức phê bình đã không nhận ra ở các bài phê bình mô phạm. Cái dở trong thơ của các nhà thơ hay. Đó không phải dọn vườn thơ ở các thi sĩ đã mang thương hiệu. Càng không là hành vi "lật đít tượng" hay "đốt đền"! Đó cũng không hẳn là "nói đến cái dở thì cũng chỉ cốt làm nổi cái hay" (Hoài Thanh). Tìm hiểu điều dở trong thơ ở các thi nhân, xét cho cùng, là – vươn qua các thi nhân cụ thể – để thấy cái thú vô tận trong cõi chung, bất định, bất toàn của nghệ thuật thi ca.
Với các bậc kỳ tài, có những cái dở tệ trong thơ có thể chấp nhận được. Nhưng, thơ rất khó tính: có những cái thơ không thể cho phép một nhà thơ đã đến thế mà lại có thể hạ một chữ thơ, một câu thơ, một bài thơ như thế. Điều đó nằm ở đâu: Đề tài? Nội dung? Chi tiết? Câu chữ? Cấu tứ? Hình tượng? Nhịp điệu? Âm vần? Xúc cảm? Tất cả đều có thể. Và ở từng tác giả, từng câu, bài cụ thể nó hiện ra mỗi cách, khi hiển hiện khi ẩn tàng. Trong thơ, chúng là cái dở vô cớ; nói nôm là lãng xẹt, vớ vẩn. Phân tích từng nhà thơ với văn phong, tính cách, cuộc đời, bối cảnh xã hội… ta có thể tiếp cận nguyên do của các cái dở vô cớ. Nói chung, với những nhà thơ tránh được lỗi này, ta gọi họ là những người biết tự biên tập thơ. Làm thơ là khó, là phiêu lưu; biên tập thơ là chuyện sống chết! Chiến công trong các chuyện sửa thơ thường được lưu truyền như giai thoại.
Bạn bè chúng tôi hay bày trò lập "Top” cho thơ Việt hiện đại. Đương nhiên kết quả rất khác nhau. Tùy sân chơi. Tôi ghi nhận được rằng Bùi Giáng thường có trong "Top-10"; thi thoảng lọt vào "Top-7"; rất hiếm khi trúng "Top-5". Trong các nhà thơ được xếp hạng đó, hình như Thanh Tâm Tuyền, Huy Cận là các nhà thơ ít có những cái dở vô cớ. Xuân Diệu, Nguyễn Bính rồi Bùi tiên sinh nhà ta là các đấng tài hoa kiêm các đấng "hơi bị nhiều" các cái dở vô cớ, các đoạn, bài vớ vẩn. Thật chí vớ va vớ vẩn! (Ở đây không xét những gì gọi là "phục vụ chính trị" đưa đến cái dở vô cớ của một số vị nói trên. Nhấn mạnh: quan hệ giữa chính trị và chất lượng thơ lại là một đề tài khác. Ta đang hàm ý việc nhiều nhà thơ vốn không hạp gu chính trị thì dễ có cái dở vô cớ ở thơ trong khi phải phục vụ chính trị tức thời.)
Còn điều nữa, tương tự: Cái dở trong các bài thơ hay. Tìm hiểu điều dở, điểm bất cập trong những thi phẩm đã được xếp hạng kinh điển xét cho cùng, là – vươn qua các thi phẩm cụ thể – để thấy cái thú vô tận trong cõi chung, bất định, bất toàn của thi ca.
Hàn Mặc Tử có thơ rằng "Người thơ phong vận như thơ ấy". Bùi Giáng có một đời thơ; và trên hết, còn có những bài thơ, có một trường thơ vĩnh cửu trong làng thi ca tiếng Việt.
Các tiểu phẩm, dịch phẩm, biên khảo, sách giáo khoa của thi sĩ dường như chỉ mang giá trị tinh thần, không nhiều người tìm được giá trị sử dụng. Đọc xong ít nhiều trang văn xuôi của ông, tôi chẳng biết dùng nó vào việc gì, nhưng đinh ninh chúng là thứ của chìm cho hành trang sáng tác, suy tư của mình. Còn với Phan Nhiên Hạo: " (…) biết rõ, ngay từ lần đầu tiên đọc Bùi Giáng, tôi không thích văn chương ông. (...) và tôi không chịu được dịch thuật của ông. Thơ ông làm theo những thể điệu cũ, vừa trong sáng nhưng cũng vừa cầu kỳ, giọng điệu vừa đùa cợt lại vừa trịnh trọng, và phảng phất một không khí cổ. Còn dịch thuật, phải nói ông phóng tác thì đúng hơn. Mà phóng tác như viết kiếm hiệp. (…) kiểu văn chương "phiêu bồng" của Bùi Giáng dường như ở quá xa mặt đất đối với tôi." Trang lứa đàn em Phan Nhiên Hạo bây giờ, chắc sẽ dành hàng giờ để sục xạo các mạng hơn là đọc những trang văn Bùi Giáng nửa đùa nửa thật, nửa thấp nửa cao. Nên tôi giật mình trước chi tiết Nguyễn Hữu Hồng Minh đưa ra: "Bùi Giáng rất hay nổi điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai, ông không muốn tái lặp lại bất cứ một đặt đề, một định đề nào cho nghệ thuật". Phải chăng chính tiên sinh nhận ra, hơn ai hết, chất lỏng lẻo, bất nhất, tang bồng trong các áng văn thơ đó và ngài ngại bị chất vấn đến cùng? Hay vì ngài là cái nòi không muốn đặt đích cho công việc, nên không chịu trước tác "thẳng lối ngay hàng" để có các trang bài mà Phan Nhiên Hạo trông chờ? Nền văn nghệ, văn hóa miền Nam 1954-1975 với đặc thù của mình đã sinh ra được vài kỳ nhân. Xã hội Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua, chưa ở đâu có được những Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện như vậy. Những "thiên thần" đó đều có... "ma quỷ" trong mình.

Nhìn Bùi Giáng "đi vào cõi thơ"

Đi Vào Cõi Thơ, có thể xem đây là tập phê bình (nửa bình luận nửa nhận định) văn chương đặc trưng phong cách Bùi Giáng. Không khó đọc, như nhiều trang văn xuôi khác của ông. Nhà xuất bản An Tiêm, Paris, 1998, tái bản (từ bản in lần đầu 1969, nhà Ca Dao, Sài Gòn, 1969); hai cuốn, mỗi cuốn trên dưới 160 trang, khổ thường, trình bày sang, trong sáng. Nhìn chung các bài đều ngắn, 2-3 trang, nhiều bài chỉ 5-6 câu, nửa trang. (Gọi là trang cho tiện, chứ các trang của hai cuốn sách này chứa rất ít chữ). Ở cuốn Hai (mang tên Thi Ca Tư Tưởng – Sổ Đoạn Trường) kích cỡ các bài khá đều; cuốn Một thì thất thường: những bài chỉ 3-4 câu (về Dylan Thomas, Walt Whitman); vài bài thiệt dài: về Huy Cận (21 trang), Hoài Khanh (13 trang), Quang Dũng (8 trang), Tuệ Sỹ (8 trang). Nếu Anton Tchekhov làm phê bình gia, chắc ông sẽ không cần phải mơ đến "những bài gọn bằng một bàn tay" nữa. Chúng có trong Đi Vào Cõi Thơ rồi!
Bùi Giáng đã phê, bình, bàn... về nhiều nhà thơ, nhà tư tưởng cổ kim Đông-Tây. Ở cuốn Hai, vài chủ điểm chung chung cũng được đáo qua (dịch, thi ca, triết lý, Thượng Đế). Chừng 90 tác giả khá tiêu biểu được chọn làm tên bài, và hầu như tên bài cũng chỉ là tên tác giả cần bàn tới. Những tác giả được viết thành bài nhiều nhất là Hồ Dzếnh (7 lần), Nguyễn Du (6), Xuân Diệu (3), Huy Cận (3), Đinh Hùng (3), Phạm Hầu (2), Hoài Thanh (2), Đỗ Long Vân (2), Hoài Khanh (2), Mai Vân Thu (2), Khổng Tử (2), Shakespreare (2), Martin Heidegger (2)... Một lần tác giả tự bình mình, trong bài Bùi Giáng (trang 98, cuốn Một).
Nhà An Tiêm đã có một thao tác thừa mà rất nhà nghề, khiến tập sách và tác giả thêm điểm: Lưu ý độc giả rằng tác giả, vì các hoàn cảnh éo le, không thể viết tiếp các tập 3, 4, v.v... như dự định "để cố tránh sự ngộ nhận, bởi vì còn nhiều nhà thơ tài ba mà Bùi Giáng chưa đề cập đến." Khỏi cần thanh minh. Mọi cách thức phê bình đều có chỗ mạnh yếu. Bản thân lối phê bình theo thị hiếu cá nhân đã là bất cập về tuyển chọn. Chả thế Hoàng Trung Thông từng viết về Hoài Thanh: "Đừng trách anh tại sao chỉ nói nhiều về người này mà ít nói về người kia." Cũng như các tác phẩm hay dở dở hay của Bùi Giáng, tập sách này nếu biên tập chỉn chu, chắc phải bỏ đến mươi bài.
Phương cách luận thơ của ông cũng theo lối bình giải văn học, với nội dung và hình thức độc nhất vô nhị. Và, vẫn như Hoài Thanh – Hoài Chân làm Thi Nhân Việt Nam, cách tuyển chọn, bình giải ở đây không qui luật, hoàn toàn "phê bình cảm thụ hồn nhiên theo thị hiếu cá nhân". Phong cách của Hoài Thanh thì sang cả, nhẹ nhõm mà tinh vi. Còn với Bùi Giáng "nhiều khi đọc lên thật bàng hoàng. Với nhận xét tinh tế, độc sáng về một khía cạnh nào đó của một tác giả thơ nào đó." (Tạp chí Thời Văn, Sài Gòn; trang bìa cuối cuốn Hai). Tôi còn nhớ, khi đọc lần đầu, các bài như những đoản kiếm khi đâm thẳng lúc lao xiên vào nỗi ham biết về thơ ca, vào cái tò mò về Bùi Giáng của tôi. Trong bài về Hoài Thanh (trang 70, cuốn Hai), Bùi Giáng đã viết về người thày cũ của ông, rằng phong cách phê bình Hoài Thanh tạo ra "không biết bao nhiêu con đường cho những thi sĩ và phê bình gia đi sau". Xin được nói thêm: Bùi Giáng là một. Người sau nên và có thể đi theo Hoài Thanh được; và người sau không nên mà cũng không thể đi theo Bùi Giáng được.
Bài đầu tiên của cuốn Một, về Tuệ Sỹ, là một áng phê bình không thể nào quên. Làm ta hiểu đúng và hiểu hay về Tuệ Sỹ, nhà sư-nhà thơ mà theo tôi có thơ hay nhất trong giới tu hành (tức tính cả Phạm Thiên Thư.) Các bài hay khác: Hoài Thanh, Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa, Đỗ Long Vân, Huy Cận...
Bài Vui Nhất Và Buồn Nhất (trang 110, cuốn Hai) là tản văn ngắn, dung dị, châm đến một cốt tủy của thơ, ít người viết ra: làm sao nói được nỗi vui nhất bằng thơ! Xứng đáng đứng vào văn tuyển cho học sinh.
Bài Đỗ Long Vân (trang 66, cuốn Một) chỉ có ngần này câu chữ – "Đỗ Long Vân không làm thơ, nhưng lại là kẻ có tâm hồn thơ sâu đậm thâm thiết rộng rãi hơn bất cứ kẻ thi sĩ nào. Trường hợp ông cũng như trường hợp Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... mang tâm hồn thi sĩ giấn mình vào cuộc biên khảo ngậm ngùi" – mà sao lênh láng, ngậm ngùi. Ở sự đúng và sự thơ. Bài Đỗ Long Vân khác ở trang 87 cũng trúng lắm!
Bùi Giáng tài đúc những câu bảng hiệu cho nhiều tác giả: "Nguồn thơ Đinh Hùng trong Mê Hồn Ca là nguồn thơ lạ nhất trong thi ca Việt Nam." (trang 38, cuốn Hai); "Ngôn ngữ thơ Việt Nam thành tựu bởi Nguyễn Du. Văn xuôi Việt Nam đạt tới cõi thâm viễn với Hoài Thanh." (trang 70, cuốn Hai); "Thơ Huy Cận quả có như là cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông Phương." (trang 98, cuốn Hai).
Người thơ được thành bài nhiều lần nhất là Hồ Dzếnh: 7 lần! (Nguyễn Du chính thức là 6 lần, nhưng thơ và con người của "cha nàng Kiều" thì đi tới đi lui trong hai cuốn sách.) Tôi hơi khó hiểu vì sự hợp "gu" giữa hai nhà thơ này. Có thể giải thích thế nào: Cùng là thần lục bát? Cùng tâm trạng tha hương bỏ xứ, cô đơn? Đây cũng xin là một câu hỏi tới các nhà Bùi Giáng học. Đọc 7 bài bình ấy, tôi thấy nó không sai, không trúng; thú vị thôi, chớ không thần phục. Tôi cũng mê thích thi sĩ Minh Hương này lắm, coi ông như một trong các đại tướng của quân chủng lục bát Việt Nam, nhưng cái mê thích của tôi khác với Bùi tiên sinh nhiều quá. Chắc tôi chưa hiểu hết Hồ Dzếnh rồi! Sẽ phải đọc lại các bài Giang Tây, Phút Linh Cầu từng khiến Bùi Giáng "bải hoải chân tay".
Và cũng chính từ hai bàn tay ấy có biết bao lời bình rất... chán:
– Sáo tai, nhàm mắt: "Nghĩ tới Nguyễn Trãi, không còn can đảm đâu viết nên một lời gì cả" (trang 64, cuốn Một);
– Đại ngôn, tếu táo: "Đọc ông Nguyễn Du mãi cũng chán. (...) Thơ Nguyễn Công Trứ là một con zéro. Thơ Cao Bá Quát là một con zéro rưỡi (...) Hàng vạn bài na ná giọng điệu giống nhau. Chỉ còn mấy bài của Ngân Giang nữ sĩ và Vân Đài nữ sĩ là có linh hồn" (trang 30, cuốn Hai); "Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia (bài Rằm Tháng Giêng – ĐQ) của Hồ Dzếnh" (trang 36, cuốn Hai);
– Không thuyết phục: "Thơ Nguyễn Thị Hoàng trang nhã như thơ Bà Huyện Thanh Quan, mà lại cũng cay đắng như thơ Hồ Xuân Hương, nhiều lúc nghe thống thiết như thơ bà Đoàn Thị Điểm" (trang 124, cuốn Một).
Họ Bùi bình chọn không ít các nhà thơ chưa, đang thành danh, nhưng tôi thấy hiếm có bài nào thành công. Không phải vì tên tuổi các vị đó không rạng rỡ như các vị thành danh, mà chính là ở chất lượng bài viết. Chúng làm dở một tác phẩm quí hiếm như Đi Vào Cõi Thơ! Dễ có cảm giác ông có các bài ấy vì thù tạc, hoặc vì ẩu! Có những bài tệ tới độ không phải bình thơ mà là bàn tán loạn! Như các bài Mai Vân Thu, Phạm Quang Bình...
Võ Phiến cũng nhận xét: "Nói về một thi sĩ khác, ông bảo khỏi cần trích thơ, chỉ cần nên ra các tên bài cũng đủ. Và ông liệt kê một loạt tên bài tùm lum; chỉ có tên bài thôi. Có nhiều thi sĩ, ông "đi vào cõi thơ" của người ta một hồi mà không thấy ông chọn được bài nào, thậm chí một ý hay một câu hay, một chữ đẹp cũng không! Như thể bận tâm chứng minh là một bận tâm nhỏ mọn quá, ti tiểu quá, không đáng lí đến."
Võ Phiến đã tinh tường nhìn ra vài bất cập ở cách bình luận trong hai cuốn sách, khi tác giả động đến các thi sĩ cùng thời, các bạn thơ của ông: "Khi khác, Đi vào cõi thơ (1969) của các thi sĩ cùng thời với mình, Bùi Giáng càng tỏ ra tinh quái quá lắm. Chẳng hạn về trường hợp một thi sĩ nọ – đồng hương với ông – ông nói qua nói lại một hồi, rồi ông bảo trót đánh mất tập thơ của bạn nên không trích được bài nào. Sau này, có dịp cầm chính tập thơ nọ trong tay, tôi loanh quanh tìm mãi không thấy có bài nào trích được! Vậy Bùi Giáng có mất sách thực chăng? Và không tìm ra cuốn sách nào khác của bạn thực chãng? Lẽ nào ba muơi nãm trước ở Việt Nam thơ ấy khó tìm hơn ba muơi nãm sau ở Mĩ? Vả lại, không chỉ có trường hợp người bạn vừa kể. Chuyện như thế xảy ra đều đều". Hai tác giả được Võ Phiến nhắc đến mà Bùi Giáng "chạy làng" là: Tạ Ký (trang 109, cuốn Một) và Đặng Tấn Tới (trang 168, cuốn Hai).
Tôi không khẳng định có thật là Bùi Giáng không có sách của hai-ba người đó hay không. Cũng không cho việc cả Bùi Giáng lẫn Võ Phiến không chọn được bài thơ nào thì tập thơ đó phải dở. (Chúng ta đang nói về phương pháp bình chọn theo "gu" mà!) Nhưng nếu Võ Phiến có lý thì, xin thưa rằng bảo "tinh quái" là ông nói yêu đấy thôi. Hay vì ông đã trọng tuổi nên dư lòng tha thứ! Kẻ viết bài này thua ông 2-3 thế hệ nên cũng ráng bảo Bùi quân là "quái". Còn đám trẻ hơn, thế hệ "gọi con mèo là con mèo", sẽ la lên: "Cụ Bùi xạo quá tụi bây nè!" Nếu như Bùi quân có thủ sách trong tay nhưng không khoái trích dẫn thì quả đấy là một giọng... trí trá (xin lỗi tôi chưa tìm được từ khác nhẹ hơn!) Ai cũng biết trong nghề phê bình, tội trí trá được xem là tệ nhất! Nhưng mà thôi, tha lỗi cho tôi chót nặng lời. Là Bùi "siêu quậy" của thi ca Việt Nam, lời nhận định của ông cũng quậy, "cũng đi rồi đến". Chúng ta nên đọc ông với một tâm thế riêng trong tương quan của mình với ông.
Một điểm này thì vui vui. Điều chính của bài Quang Dũng (trang 88, cuốn Một) là bình bài thơ Kẻ Ở để chứng minh nhận định (cũng nên coi như một ''đại ngôn" của tác giả): "Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi". Đoạn bình Kẻ Ở và toàn bài Quang Dũng có thể xem là thành công. Nó chỉ "thất bại" ở chỗ, tác giả lời bình cũng bị số phận như đa số dư luận yêu thơ khác – đó là biết bao nhiêu năm đã bé cái lầm về tác giả bài thơ quen thuộc. Quang Dũng "người Sơn Tây" không phải là tác giả của nó đâu ạ! Từ những năm 1989-1992, báo chí trong nước, rồi ngoài nước, đã "trả cát bụi về cho cát bụi": bài thơ Kẻ Ở trước được biết của Quang Dũng chính là bài Dặm Về (hay Mai Chị Về) của Nguyễn Đình Tiên. Báo Cánh Én (Đức, số 15, 1992) đã có bài của V.X.L. tổng kết vụ này. Các nghi án văn học đều kèm theo tai nạn. Trời giáng ai nấy chịu. Đến "người trời" như Bùi Giáng cũng không thoát được. (Phụ lục 1)

Thục quốc danh tướng, Việt Nam lục bát thi sĩ và Bùi Giáng

Nếu Bùi Giáng (chỉ) là thơ, thì thơ Bùi Giáng (chỉ) là lục bát.
Tôi sẽ ví các danh tướng nhà Thục thời Tam Quốc với các thi sĩ lục bát tài danh Việt Nam! Một cách tương đối: Về ngôi thứ uy quyền, nếu coi Lưu Bị là Nguyễn Du, thì tiếp theo ai là ai? Quan Vũ, ấy là Nguyễn Bính; Trương Phi là Bùi Giáng. Vậy là xong nhà Lưu-Quan-Trương. Tiếp: Triệu Tử Long: Hồ Dzếnh. Rồi những Hoàng Trung, Ngụy Diên, v.v... là những Bàng Bá Lân, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Duy, Luân Hoán, Đồng Đức Bốn, v.v... Còn hạng xoàng xoàng Tôn Càn, My Chúc, Giản Ung... thì kể không kể xiết. "Lục bát là nơi thử thách bút lực của các thi sĩ" (Trần Đăng Khoa). Tôi đoán chắc không sai là ai đã làm thơ tiếng Việt thế nào cũng kinh qua một tá bài lục bát? Với rất nhiều người thơ, lục bát là mối tình đầu.
Bùi Giáng quí cưng Hồ Dzếnh lắm, quí hơn Nguyễn Bính bội phần. Trong hai cuốn Đi Vào Cõi Thơ nói trên, Dzếnh được bình những 7 lần (lại còn được yêu đến mức cải tên thành Hồ Xuân Dzếnh!); Bính được nhõn có 1 lần! Bất chấp, trong khi chưa hiểu hết Hồ Dzếnh, tôi vẫn coi Nguyễn Bính và Bùi Giáng là hai vị tả hữu quanh ông vua lục bát Việt – Nguyễn Du, Hồ Dzếnh ở sau, cách xa hai vị này. Và còn khoảng cách rất xa nữa mới tới các vị sau đó.
Rất nhiều câu thần ở lục bát hai ông thơ này. Thần thơ Nguyễn Bính là thần dân, thần đất. Ta ngẩn ngơ và ngẫm một hồi, không lâu. Ta hiểu, cảm được. Phần nào.
"Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay".
(Hành Phương Nam)
Hay chính câu mà Bùi Giáng chọn khi bình Nguyễn Bính ở Đi Vào Cõi Thơ:
"Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi".
(Thư Gửi Thầy Mẹ)
Đọc Bùi Giáng ta gặp Nguyễn Du đều đều, ở những câu trang trọng, phức tạp:
"Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh"
(Áo Xanh)
Và cũng gặp Nguyễn Bính thường xuyên, ở những câu chân chất như lời lách lẹ ra từ tim; như thế này:
"Hôm nay mưa gió đầy trời
Về sau sẽ có vài người quên nhau"
(Mê Cung)
Hay như thế này này, khi nhà thơ tự tả mình trong cái nhìn của cô hàng xóm:
"Vừa điên dại vừa thê lương
Vừa vui trời đất vừa buồn nắng mưa".
(Lẩm Cẩm)
Lục bát Bùi Giáng là thơ của trời, lục bát Nguyễn Bính từ đất. Tư tưởng là nền cho thơ Bùi Giáng. Ở Nguyễn Bình là tình cảm. Có thể vì học vấn của họ Bùi thâm hậu, còn của họ Nguyễn thì chân quê! Nhiều câu thần của Nguyễn Bính, đọc xong bạn có thể vỗ đùi: "Giá Bính không viết, ắt mình hay thằng X. sẽ viết!" Cái thần Bùi Giáng là thần trời. "Ông trời xanh ắt cũng phải bối rối lắc đầu…" huống hồ. Bạn chỉ có thể vò đầu:
"Quét xong sân lá chợt buồn
Bỗng dưng chợt thấy nghìn muôn lỗi lầm" .
(Ca Dao)
Thần! Thần đến thế là cùng!
Hỏi ngay giới phê bình hay các fan Bùi Giáng rằng bài thơ nào, 2-3 bài thơ nào là hay nhất. Chắc họ tắc tị! Bù vào họ sẽ đọc vanh vách một vài câu, thậm chí cả chục câu xuất thần. Không! Bùi Giáng đâu phải là nhà-thơ-của-những-câu-thơ-bạc-cắc. Trong tập Đi Vào Cõi Thơ, khi tự bình thơ mình, ông chọn ra hai bài đượm chất chuồn chấu nhất – tức Bùi Giáng nhất – đó là Giữa Phố và Bóng Dương Buồn Ngủ. Đã nhâm nhi đến cả tá lần hai bài này, tôi khó mà có ý gì khác với tác giả. Song, nếu là người tuyển chọn, tôi sẽ chọn hai-ba bài khác, của riêng mình. Với những độc giả đã chịu rồi, thơ Bùi Giáng tỏ ra rất hào phóng, "dân chủ". Không như với đại đa số nhà thơ tên tuổi khác, các bài hay của họ dễ thành của chung trong lòng người yêu thơ. Ai cũng có thể có một Bùi Giáng, một thơ Bùi Giáng của riêng mình. Trong khi chúng ta thường có chung một Nguyễn Du, một Nguyễn Bính, một Xuân Diệu, một Hàn Mặc Tử, một Thanh Tâm Tuyền, một Hoàng Cầm, một Tô Thùy Yên... Và ngay cả một Đinh Hùng, một Trần Dần...
Thơ Bùi Giáng có trong sách giáo khoa cho học sinh chưa? Tôi cũng không biết! Nếu chưa thì nên có. Chọn vài bài thơ hay nhất của Bùi Giáng vào hợp tuyển văn học thì khó. Nhưng không khó lắm khi chọn thơ của ông vào văn tuyển, sách giáo khoa. Không xa tay tôi đang là tập Mưa Nguồn (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1993.) Thi phẩm đầu tay của ông. "Có lẽ Mưa Nguồn là tập thơ đều tay và giá trị nhất của Bùi Giáng" (Đặng Tiến). Tôi giở không chủ ý, nơi trang 108, được bài lục bát Xuân Bình Dương. Nó có thể làm bài thuộc lòng cho học trò trung học thời a còng. (Phụ lục 2)

Công việc biên tập, in sách của Bùi Giáng được làm ra sao?

Tại sao thơ Bùi Giáng lại hay dở dở hay? Đây không chỉ là câu hỏi quan trọng cho giới phê bình nghiên cứu văn học, mà còn cho các nhà Bùi Giáng học. Vấn đề biên tập dự phần ra sao? Tôi muốn hỏi to một câu: Những khi thể trạng ông không điên-tỉnh, là người bình thường liệu Bùi Giáng có tham gia chịu trách nhiệm trong việc in ấn, phổ biến tác phẩm của mình không? Thực ra, các bản thảo "nguyên đai nguyên kiện" của một tác giả nào đó chỉ có giá trị nhất định đối với những ai làm công tác nghiên cứu văn bản. Một tác giả chỉ được đánh giá công bình qua các tác phẩm ra mắt độc giả trong sự kiểm soát nào đó của anh ta về sự công bố.
Ngợp và ngạt giữa cái phi phàm lại thú vị, cái khó hiểu đến kinh dị mà dễ thương, cái lộn xộn mà vẫn đâu ra đấy trong trước tác của Bùi Giáng, công tác biên tập sách, bài vở của ông ở miền Nam trước 1975, ở Việt Nam và hải ngoại sau đó, dường như đã không qua cách thức bình thường. Con người ta vốn sợ bỏ rơm rác ra khỏi một kho vàng. Cứ y như là khi phải ra đi rác rơm mang theo vàng vậy! Là người không có đời sống tinh thần và vật chất ổn định, là người viết tự do tuyệt đối (về phong cách, nhu cầu in ấn, tính chuyên nghiệp), tác phẩm của Bùi Giáng dựa trên ý thức của một người phi học, vô nghề. Cho dù có đúng là Bùi Giáng "không che dấu cái dở của mình. (...) Chẳng những thế, ông lại còn cố ý phô bày nó ra, phô bày một cách chân tình, hồn nhiên, toàn diện", nhưng những người biên tập đã làm gì cho tròn trách nhiệm? Chính các điều dang dở và các điều dở trong bản thảo đã góp phần tạo phong cách hay dở dở hay ở văn chương Bùi Giáng. Và thách đố cho những ai bạo gan biên tập sách, bài vở của ông là ở đấy. In sách thì phải cho ra sách. Ô cửa này của văn minh nhân loại thiên tài nào cũng phải qua, nếu đã vào vòng định giá. Nhất là ở thời này, khi văn hóa truyền thông coi việc truyền khẩu, giai thoại và các sản phẩm của nó như một cái gì man rợ!
Tôi ngưng đoạn này trong sự đồng tình cùng ý với Phạm Thị Hoài: "Không sửa sang cho ông, như thường miệt mài gọt rũa hay tưởng đang gọt rũa mình công phu lắm, với cái cớ rằng chữ nghĩa của ông từ ngàn khơi đổ về, chẳng ai biên tập một đại dương. Không thẩm định, không đòi hỏi, không đặt niềm tin, không thất vọng, ta nhẹ ban cho ông hai chữ "thiên tài".”

Bùi Giáng và Những đứa trẻ mồ côi

Lời đề từ ở trên cho bài này là nguyên một bài thơ của Bertolt Brecht. Lời, ý và tứ rõ ràng, lại mang nhiều nghĩa, nghĩa nào cũng rõ ràng. Rất Đức tính. Thực tế, hiển hiện. Trữ tình, sâu ngút. Ta hãy đọc nó (bốn câu đầu) bằng nụ cười, rồi (một câu cuối, hai chữ sau cùng) bằng nước mắt. Sau, đọc lại cả bài bằng nước mắt hay nụ cười cũng được. Các lần đọc sau, nước mắt khác nước mắt lần đọc trước, nụ cười cũng khác. Để chiêm nghiệm luật nhân quả như một lẽ thường tình, một điều bất an. Từ khi đọc nó lần đầu, chừng 30 năm nay, tôi giữ bài thơ nhỏ nhắn trong mình như ôm trọn bông hồng đơn rực sắc với những cánh gai dài nhọn. Mỗi nghĩa của bài thơ ám ảnh tôi trong từng vụ việc cụ thể.
Độc giả người Việt Nam và người ngoại quốc của văn học, rồi lịch sử, văn hóa Việt Nam cận-hiện đại là những đứa trẻ mồ côi. Nhiều "đêm-ngày" đã qua, trong số họ, kẻ chỉ có Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi; đứa là của Nhất Linh, Hồ Hữu Tường, Mai Thảo; dăm tên mau mắt hơn thì có thêm Đào Duy Anh, Trịnh Công Sơn, Trần Dần, Bùi Giáng...
Mong cho bài tạp văn này về Bùi Giáng không phải theo phận đứa trẻ mồ côi. *)

Canada, 2003 - 2009
Đỗ Quyên

*) Được sửa đổi, rút gọn nhiều từ bài “Bùi Giáng và Những đứa trẻ mồ côi” đã đăng ở báo mạng talawas.org 21-10-2003

Các tài liệu trích dẫn khác:

1. Bùi Giáng: Đêm Ngắm Trăng, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh 1997
2. Phạm Thị Hoài: Một giải thưởng văn chương mang tên Bùi Giáng (talawas.org 10/10/2003
3. Trần Hữu Thục: Bùi Giáng giữa chúng ta; trích “Viết và Đọc”, Văn Học, California 1999
4. Thanh Tâm Tuyền: Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khốn, Văn, Sài Gòn 1973
5. Nguyễn Hưng Quốc: Cuộc hòa giải vô tận: Trường hợp Bùi Giáng; Trích “Thơ, v.v... và v.v...”, Văn Nghệ, California 1996
6. Phan Nhiên Hạo: Bùi Giáng như tôi thấy (talawas.org 8-10-2003)
7. Nguyễn Hữu Hồng Minh: Bùi Giáng – Người thơ cuối cùng của thế kỷ 20 (vnexpress.net 7-10-2003)
8. Võ Phiến: Bùi Giáng, Văn học miền Nam - Thơ, Văn Nghệ, California 1999

Phụ lục:

1) Bài thơ Dặm Về (Kẻ Ở) khá nổi tiếng và có thể nhiều độc giả chưa tường xuất xứ, xin tóm tắt:
Nguyễn Đình Tiên (tên thật Nguyễn Đình Tiến), sinh năm 1924; viết Dặm Về (hay Mai Chị Về) sau ngày 19-8-1945, đây là sáng tác thơ duy nhất của ông. Trên báo Văn Nghệ (Hà Nội, số 37, 1989) Vân Long nêu ra việc tìm xuất xứ của bài thơ. Ngay sau đó Nguyễn Đình Tiên (Văn Nghệ, số 41, 1989) đã xác nhận là tác giả của bài thơ. Báo Đoàn Kết (Hà Nội, số 4-1991) Hoài Vân đã công bố có lẽ là bản cuối cùng của bài thơ, với nhiều câu chữ khác so với các dị bản khác. Bản mà Bùi Giáng bình trong Đi Vào Cõi Thơ (hiện chúng tôi không có toàn văn) có một số câu chữ sau đây khác so với bản in trên Văn Nghệ (theo bài của V.X.L.):
– "Sương buông khắp lối đường muôn ngả" (bản Văn Nghệ);
"Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả" (bản Bùi Giáng).
– "Hươu chạy theo đàn, theo ngó theo" (VN);
"Hươu chạy quay đầu, theo ngó theo" (BG).
– "Ngựa chị vừa qua thác sao vàng" (VN);
"Ngựa chị dừng bên thác sao vàng" (BG).
– "Sao trôi đáy nước, rơi chân ngựa" (VN);
"Sao rơi đáy nước, vương chân ngựa" (BG).
– "Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn" (VN);
"Buồn dâng đôi mi, hàng lại hàng" (BG).
So với bản trong băng thơ Hồng Vân (giọng ngâm Hoàng Hương Trang), làm trước 1975, thì bản Bùi Giáng cũng khác không ít. An Tiêm tái bản cuốn Đi Vào Cõi Thơ sau gần 10 năm khi tác giả và văn bản của bài Dặm Về (Kẻ Ở) được xác định lại. Còn ấn bản điện tử của Đi Vào Cõi Thơ trên talawas.org 11-5-2006 làm theo sách nói trên cũng không có chú thích gì về bài Quang Dũng. Nếu như An Tiêm và talawas.org có một chú thích nhỏ thì thiệt quí cho các tác giả Quang Dũng, Nguyễn Đình Tiên, cho bạn đọc, và cho cả nhà phê bình Bùi Giáng!
2) Bài Xuân Bình Dương của Bùi Giáng:
"Xin lời mở rộng con mương
Xin chiều bến đỗ Bình Dương bây giờ
Những bàn chân bước hoang sơ
Những bàn tay những mùa thu trong mình
Xin lời nói hãy nín thinh
Xin hàng phượng đỏ bên đình ngơ cho
Bến sông ghe đỗ bây giờ
Ngàn năm thôn nữ lên bờ ướt chân
Xin người em hãy lại gần
Nhắm hai mắt mở muôn phần hai con
Ngó sương mây lục trời tròn
Ngó sương muối nhuộm tóc còn xanh vai
Bàn chân đen ngón không dài
Bàn tay đen ngón nắm hoài không nguôi
Bây giờ xin hãy nhìn tôi
Người em ấy nhận ra người anh chưa".