Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng cỏ Miên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng cỏ Miên. Hiển thị tất cả bài đăng

11/5/09

Đồng cỏ Miên

Đồng cỏ Miên

11/05/2009 | 2:13 sáng |

Tác giả: Trần Vũ

Chuyên mục: Sáng tác
Thẻ: Chiến tranh Việt Nam - Campuchia

tv1Buổi chiều. Những phiến lá của khu rừng vàng ửng màu nắng. Một khúc sông đột ngột hiện ra sau bụi gai um tùm. Đồng cỏ lau, qua những lùm cây vạt lá, ngược gió, cành ngọn xoắn vào nhau thành những âm thanh xào xạc.

- Biên giới?

Tôi khều Trình từ chỗ nấp, sau một lúc im lặng vì bị khoảng nước soi nắng lấp lánh thu hút. Trình gật đầu khẳng định, mắt vẫn ném vào vùng nước sáng rực. Tôi nghe rõ tiếng thở nhẹ cố kềm giữ của cả hai. Dòng sông Măng Koi, một nhánh của rất nhiều nhánh Mê Kông chảy qua đất Miên để chảy vào biển hồ Tông Lê Sáp. Chúng tôi đang tìm cách rời khu rừng lau, vượt sông sang bờ bên kia. Trình rời khỏi bìa rừng trước, tôi theo sau. Chúng tôi dùng mác vạch những ngọn cỏ gai dầy bám cứa vào người ra đến bờ đất ẩm. Mặt nước mấp mé, chảy mạnh và xiết. Bờ đối diện, ngược sáng nên không trông rõ, thu hẹp thành một giải đất nhỏ, dài xa mờ mờ.

- Bây giờ?

Tôi bật hỏi, không chế ngự được xúc động vì đã tới được ranh giới chót cùng.

- Không. Phải chờ và tìm…

Trình không nói hết câu, bình tĩnh thõng một tay đo độ xiết của nước. Cánh tay Trình trôi phăng về một phía. Nhìn những khúc củi mục và lục bình không ngớt chảy tuôn xuống, tôi hiểu vì sao Trình do dự. Tôi đảo mắt quan sát canh chừng chung quanh. Ngoài tiếng động của gió và cỏ cây, cảnh vật vẫn im lìm tắm trong thứ nắng vàng đặc biệt của đất Miên. Lẫn trong trăm nghìn thắc mắc và lo âu về kế hoạch và dự tính của cả hai, là sức thôi thúc gần như ham muốn chạm vào dòng nước trước mặt. Bắt chước Trình, tôi cúi người vốc nước uống. Cảm giác mát lạnh của ngụm nước làm trí não tôi bớt căng thẳng. Nước lờ lợ có mùi sình. Tôi tiếp tục vã nước vào mặt cho tỉnh hẳn. Hơi nóng đổ lửa bừng bừng trong đầu tôi của một ngày dài dang nắng nguội nhanh và tan dần, nhường chỗ cho những suy nghĩ tỉnh táo. Như vậy, sau một năm rưỡi lặn lội tôi cũng tìm được biên giới của sự sống. Chính dòng sông này biểu tượng cho tương lai, đã là động lực chính giúp chúng tôi chấp nhận, chịu đựng tháng ngày nghiệt ngã của nghĩa vụ quốc tế ở Kampuchia. Nhưng chiều nay, buổi chiều hè vàng nắng 21 tháng 6-1981, đến được bờ sông ngăn cách biên giới Thái-Miên chỉ còn mình tôi và Trình. Các bạn tôi, Thắng, Khanh, Mẫn, Côn và Tùng đều đã bỏ cuộc.

- Mình trở về kẻo thằng Hợi kiếm.

Trình gọi tôi. Cả hai đi lại con đường đã vạch lau lúc nãy. Trình vẫn đi trước mở đường, dùng mã tấu gạt những cành lau gai tua tủa. Giữa hai lát mác, Trình quay lại nói vừa đủ nghe:

- Phải tìm cho ra khúc sông hẹp nhất và trữ lương khô. Bờ bên đó mình chưa biết ra sao. Nếu là trại Khmer Đỏ thì không nên qua.

- Làm sao rõ?

Tôi hỏi lại, bắt gặp tia nhìn đăm chiêu của Trình. Quân Khmer Đỏ là mối nguy hiểm chính, thường trực đe dọa chúng tôi. Giữa vùng cỏ tranh, cái chết của Côn trong trận Siêm Riệp như hiện ra lại. Hình ảnh cái thủ cấp bị chặt đứt vất lây lất và thây người bạn lẫn trong hố xác bộ đội lởn vởn bất kỳ lúc nào nghĩ đến. Thật ra sau mười sáu tháng trên chiến trường Kampuchia, tôi và Trình đã quá quen với cái chết đến không còn sợ. Cả hai chỉ ngán những dã man, tàn ác phải hứng chịu trước khi chết. Chúng tôi càng không muốn chết ở cuối đoạn đường, chết phi lý tức tưởi khi đã đặt chân đến bến bờ tự do. Nhưng làm cách nào để biết chắc không có quân Pol Pot bên kia bờ?

Trình tiếp tục đi, sau khi cho biết nội trong tuần tới chúng tôi phải vượt biên giới. Tôi đồng ý với Trình không thể chần chờ lâu hơn nữa. Đơn vị chúng tôi có thể đổi đi nơi khác, vào sâu nội địa, chưa kể những nguy hiểm rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong vòng một tuần, chúng tôi bắt buộc phải tìm biết an ninh của phần đất Thái bên kia sông.

Đi hết đồng cỏ tranh, tôi và Trình ngừng lại ở bìa rừng. Không bảo nhau, cả hai cùng quay nhìn về phía con sông. Khúc sông ngập nắng giữ nguyên màu sắc óng ánh khi nãy. Bầu trời xế trưa mang màu xanh nhiệt đới chen nhiều vầng mây mỏng. Cánh đồng, khu rừng, con sông và bầu trời hợp lại thành một bức tranh. Hình như Trình cũng ngây ngất như tôi về vẻ đẹp khác thường của cảnh vật. Ấn tượng hung bạo, đe dọa thường trực của đất Miên đã từ lâu đè nặng lên tinh thần chúng tôi, xóa bỏ hoàn toàn tĩnh từ đẹp đẽ. Ý niệm về tĩnh từ này gần như biến mất trong thế giới mà tôi và Trình đang sống, chiều nay bỗng nhiên hiện trở lại với hình ảnh dòng sông trước mặt. Tôi biết đó là cảnh sắc của hy vọng, hình ảnh mà các tử tù thường bắt gặp đằng sau khung sắt.

Vượt qua khu rừng thưa, tôi và Trình trở ra con đường mòn sau rừng dẫn về chỗ đóng quân. Trên đường về, chúng tôi im lặng không nói chuyện, phần đeo đuổi những ý nghĩ riêng tư, phần cẩn trọng trong khi di chuyển. Trình đi trước cách tôi hai mươi bước, tay cầm AK. Tôi đi phía sau mang trung liên nồi, tránh đạp lên những mô đất. Mọi vật đều có thể là cạm bẫy. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm, đã chứng kiến Khanh rồi Mẫn chết đau đớn vì lơ đãng trong việc bảo vệ sinh mạng chính mình. Đã chứng kiến Tùng đổ ruột trên mặt đất. Song chiều nay tôi không thể nào tập trung nhìn trừng quãng đường mòn xuyên qua khu rừng rậm. Thính giác và thị giác tê liệt không phân định nổi vùng không gian che khuất sau từng lùm cây bụi lá, nơi dễ dàng bắn ra lưỡi hái tử thần. Tôi cũng không nghĩ đến bài báo cáo công tác giao liên hoàn thành với K trưởng lát nữa. Trong đầu tôi chỉ có một hình dạng duy nhất: khúc sông hy vọng và cánh đồng lau trầm mình dưới nắng. Không phải thứ nắng Kampuchia hận thù mà là vạt nắng tươi lần đầu tiên tôi nhận biết như chợt trông thấy ánh sáng rọi từ trời cao.

*

Ngày hôm sau, Trình xin Hợi cho tổ chúng tôi được xung phong đi kích lập chiến công truy quét tàn dư Pol Pot. Hợi hoan hỉ tán thành và tỏ ra hồ hởi lúc trên chấp thuận.

- Các đồng chí tinh thần cao lắm nhé, mình ghi công đấy.

Hợi nói khi ra khỏi lều về tổ anh nuôi xin lương khô. Tôi đoán Trình lợi dụng công tác để trữ lương và rời khỏi trại không bị kiểm soát. Nhưng đi kích Khmer Đỏ cũng rất nguy hiểm. Tôi đưa mắt dò hỏi thì Trình ra dấu đừng thắc mắc. Tin tưởng vào những quyết định bén nhậy của Trình, tôi không hỏi thêm, thu xếp khởi hành.

Trời đổ mưa sau khi cả ba đi được một tiếng. Những cơn mưa Miên nóng và độc, thường gây bệnh sốt rét vàng da và gây kiết kỵ cho bộ đội uống nước không đun sôi. Tôi nhớ Thắng đã ngã nước sau cơn mưa đầu mùa như hôm nay. Nhớ Tùng đã vàng bủng như một tàu lá chuối. Những giọt mưa nóng và nặng hạt rơi trên mặt tôi ướt đầm đìa không làm mát mà chỉ gây khó chịu. Giống tôi muốn quên, không muốn nghĩ đến những cái chết cũ mà chúng cứ xăm xuống mặt đánh thức từng lúc. Những kim nước thấm qua áo mưa, khiến tôi rùng mình.

Mặt đất biến dần thành sình nhầy nhụa, bám vào dép râu nhơm nhớp đóng thành cục như bánh chưng. Chúng tôi vẫn lầm lũi bước. Trình đi trước tôi, bước đều dù đường trơn trợt. Tôi đi sau Trình và Hợi sau chót. Hợi là tổ trưởng của tôi và Trình. Trong quân đội nhân dân, cấu trúc căn bản là tổ tam tam. Cứ hai người Nam lại có một người Bắc làm tổ trưởng kiêm chính trị viên cho tổ. Hỏa lực chúng tôi gồm có một AK-47 của Trình, trung liên nồi RPD do tôi mang và RPG-7 tức B-41 của Hợi với bốn trái đạn nổ. Nhiệm vụ của tổ tam tam thường là đóng chốt, đôi khi giúp bộ đội chủ lực phản kích vây ép. Hợi là tổ trưởng mới của tôi và Trình. So với những K trước, Hợi trẻ và hoạt bát ưa bắt chuyện. Tuy vậy chúng tôi vẫn đề phòng dù Hợi chưa tỏ ra nghi kỵ như phần đông các đảng viên từ A vào công tác chiến trường.

Dưới cơn mưa, tôi nghe tiếng nước vỡ trên vành nón cối và tiếng hát giọng cao của Hợi phía sau. Hình như Hợi đi nhanh lên gần tôi vì tiếng hát to dần. Lúc tôi quay lại, Hợi đến sát bên. “… Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người, Điện Biên năm nào vọng lời Bác dưới chiến hào, cờ sao phất phới…” Bắt gặp ánh mắt tôi, Hợi ngừng hát, cười và bắt chuyện:

- Chắc mình hát không hay nên cậu không thấy phấn khởi? Thú thật cậu, ngày xưa mình đăng ký công tác bên văn công, nhưng vào thi nhạc lý thì không được thông qua.

Thái độ Hợi tự nhiên và thân mật làm tôi có cảm tưởng Hợi không giống đám thủ trưởng môi thâm thường hay phê bình kiểm thảo chúng tôi một cách kệch cỡm. Tôi tin Hợi có cái chất phác của người dân quê miền Bắc, dù Trình cho rằng Hợi đóng kịch vì chúng tôi là dân Sài Gòn.

- Mình phấn đấu vào văn công không thành nên buồn và bỏ học. Rồi xung phong đi bộ đội, một phần vì mình phục anh hùng Cù Chính Lan và muốn được như anh ấy. Thế cậu đã xem phim Người chiến sĩ trẻ chưa?

Hợi vui vẻ tâm sự, không lo lắng an ninh của đoạn đường vì khúc này còn gần trại Sư bộ và có bộ đội Tên Lửa bảo vệ chống máy bay Thái Lan xâm nhập quan sát.

- Có coi trong tivi.

Tôi trả lời, nhát gừng, mắt không rời Trình bước đều đằng trước. Trình không để ý đến câu chuyện của tôi và Hợi, xăm xăm bước mau. Tôi lờ mờ hiểu chuyến đi kích kỳ này liên quan đến kế hoạch vượt biên của cả hai mà Trình gấp rút thực hiện.

- Ngoài mình thì chưa có máy chiếu bóng cho mỗi hộ. Nhà nước cũng tranh thủ cải thiện nhưng có lẽ phải đợi thêm một kế hoạch năm năm nữa cậu ạ. Công nhận ngoài các cậu có nhiều cái lạ và đẹp mắt quá. Mình chưa được vào thành phố, chỉ trông các đồng chí khác vào Nam rồi về Bắc thì mình nhận định thế thôi.

Hợi đi song song với tôi và thân mật như anh em. Nếu Hợi luôn luôn xưng hô đồng chí với Trình thì lại tỏ vẻ mến tôi hơn, tôi nghĩ Hợi đoán biết Trình không ưa đảng viên. Phần tôi, tôi không nghĩ Hợi giả dối từ bản chất mà cũng như chúng tôi, bộ đội gốc Nam, Hợi thuộc thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn thụ động, chịu sự áp đặt của guồng máy. Trong hoàn cảnh xã hội, Hợi trở thành đảng viên như một cách thích nghi với môi trường sống, giống trong chiến trận khi bắn vào quân Khmer Đỏ tôi và Trình chỉ làm hành động của một con vật đấu tranh để sinh tồn. Chúng tôi giống bầy sâu ngã màu xanh khi trèo lên phiến lá. Biến dị tập nhiễm từ môi trường ngoài theo quy luật.

Đi thêm một tiếng đồng hồ chúng tôi nghỉ ăn trưa, sau đó lại tiếp tục đi. Mưa tạnh hẳn khi cả ba qua một khúc quẹo gắt. Tôi chợt hiểu quyết định xung phong đi kích của Trình. Con đường mòn chúng tôi phải quẹo gần như song song với giòng sông, phía sau những cánh rừng thưa và đồng cỏ lầy lội. Từ đây, những cảm giác nôn nóng của ngày hôm qua lại đập mạnh trong lồng ngực tôi. Vừa đối đáp cầm chừng với Hợi, tôi không ngớt dòm chừng về bên trái, cố ước lượng độ rộng của khúc sông và ghi nhận những điểm chuẩn hai bên đường. Nhưng rất nhanh sau một lúc cố gắng, tôi thất vọng ngay. Từ đường đến bờ sông còn khá xa và bờ bên kia phủ chìm trong hơi sương của cơn mưa vừa tạnh khiến không sao đoán được khoảng cách.

Chúng tôi tiếp tục đi bộ cho đến khi hai chân mỏi nhừ thì Hợi cho lệnh nghỉ. Chiều xuống, Hợi bỏ lối nói thân mật chuyện trò với tôi lúc nãy, thay bằng giọng chính trị viên, cho chúng tôi biết phải rời đường mòn đi sâu vào nội địa. Điểm kích đêm sẽ là một lối mòn nhỏ trong rừng nơi du kích Khmer Đỏ hay tải lương qua. Chúng tôi sẽ ẩn nấp gần đó cho đến khi chận bắn được quân Pol Pot. Thời hạn kích là ba đêm, sau đó theo đường cũ trở về. Từ đây về sau Hợi sẽ là người dẫn đường và mọi hành động tuyệt đối theo chỉ thị của Hợi. Tôi và Trình im lặng nghe Hợi lý giải phương án phục kích. Cả hai chúng tôi đều biết những giờ phút sắp đến rất quan trọng, sẽ là khúc quanh của cuộc đời chúng tôi. Riêng tôi đã đoán ra phần nào bài toán của Trình, nếu cuộc kích thất bại nghĩa là không có du kích Pol Pot xuất hiện, chứng tỏ không có trại Khmer Đỏ bên kia sông, quân Khmer Đỏ có thể đã bị tiêu hao và quét sạch trong vùng theo tuyên truyền toàn thắng của quân đội nhân dân trong chiến dịch mùa khô vừa qua. Chừng đó trên đoạn đường về với lương khô còn lại, chúng tôi sẽ vượt sông.

Lợi dụng những phút nghỉ cuối, Trình và tôi lấy thuốc hút. Hợi cũng kéo thuốc lào. Khói thuốc lan vào sương chiều đang buông. Như trước mỗi lần kích, tôi căng thẳng cực độ, không hút hết điếu thuốc Sông Cầu. Lát nữa, tôi lại sắp băng mình vào rừng già với tất cả hiểm độc của nó. Những bầy đỉa, muỗi, vắt và rắn rít, chưa kể những đôi mắt rình mò của kẻ thù… Tôi tránh nghĩ đến những điều ấy, quay nhìn bờ sông hy vọng ở xa mờ mờ trong ánh sáng cuối ngày. Về phía sông, những quầng mây đen đùn lên nền trời xám lặng, một vài tia chớp muộn màng sau cơn mưa. Tôi gây lạnh vì quần áo vẫn còn ướt. Hợi đứng lên ban lệnh xuất phát. Có lẽ chúng tôi sẽ đến điểm kích vào giữa đêm. Lúc Trình qua mặt tôi, nối gót Hợi mở đường, Trình liếc nhìn tôi khẽ gật đầu ra dấu mọi sự như dự tính. Tôi bước theo sau, giữ một khoảng cách an toàn. Đêm nay, đêm mai rồi đêm tới, định mệnh sẽ an bài mọi chuyện.

*

Đêm kích thứ nhì. Bóng tối giăng ngang khu rừng trùm lên bãi kích mờ ảo. Ánh trăng lúc trắng đục, lúc lờ mờ vì mây khuya càng làm tăng vẻ âm u ma quái của cây rừng. Tôi nằm im trong hố cá nhân đào sâu đến cầm, lắng nghe tiếng côn trùng trong đất ẩm và đặc biệt tiếng rắn rung chuông rung từng chặp. Chúng tôi đã qua được một đêm kích đầu trong yên lặng. Tôi thấy an tâm và hy vọng dự đoán của Trình đúng. Nếu đêm mai không có động tĩnh gì, chứng tỏ du kích Khmer Đỏ không hoạt động trong vùng, không có căn cứ địa hậu thuẫn bên kia sông, tôi và Trình sẽ vượt tuyến tìm vào một trại tị nạn Liên Hiệp Quốc thường nghe nhắc. Tôi gạt bớt nhánh lá ngụy trang phủ trên đầu cho dễ thở, soát lại băng đạn 100 viên 7 ly 62 cuộn tròn trong nồi thép. Tôi có tất cả bốn nồi đạn và sáu trái lựu đạn nội hóa đủ bắn cầm chừng suốt đêm. Tôi cẩn thận cắm sâu hai chân vạc trước mũi súng cho khẩu trung liên nặng bảy ký lô ở tư thế vững. Tôi nằm ở vị trí che cho tổ, trường hợp đụng nặng tôi biết Trình và Hợi đều trông cậy vào hỏa lực khẩu RPD. Đêm tiếp tục qua trong tiếng gió vi vu. Càng khuya sương càng nhiều làm tôi ướt đẫm. Chân tay tôi lạnh cóng, hai áo sơ mi bộ đội bằng vải Nam Định và lớp áo đay trấn thủ chỉ đủ giúp tôi không bị lạnh ngực. Tôi co người, chà xát hai bàn tay vào nhau tìm hơi ấm. Bên phải tôi năm mươi thước là Trình và đằng sau là Hợi. Trình và Hợi bất động, chìm hẳn vào màn đêm. Ba hố cá nhân đào theo hình tam giác cân, đáy đối diện đường mòn mà du kích Pol Pot phải đi qua. Tôi chong mắt nhìn con đường đen chạng vạng lờ mờ ánh sao. Đám sao đêm lấp lửng khi tan khi hiện. Gió khuya khua động cành lá, rời rạc. Mây đêm trôi chậm, cả khu rừng thu mình như con thú dữ ngủ say. Tôi nhìn trừng trừng lối mòn không biết bao lâu, đến lúc gần ngủ gật, có cảm giác con đường trườn mình lại gần như con rắn rung chuông. Giật mình sực tỉnh, con rắn chuông lại lùi ra xa. Tôi rơi vào trạng thái thức ngủ như vậy nhiều lần cho đến gần sáng, lúc màn đêm đen thẫm chuyển sang tím nhạt thì súng nổ.

Tôi không rõ ai bắn trước, song phân biệt được ngay tiếng súng lệnh K-54 khô ran của Hợi và tiếng AK tạch tạch của Trình. Thật nhanh, tôi nhận ra sáu, bảy bóng đen cách độ hai trăm thước sau những gốc cây. Tôi tỳ vội bá súng vào vai, khai hỏa. Khẩu RPD giật mạnh, hộc lên ở loạt đạn đầu. Tôi gồng sức kềm súng, cố giữ đạn đạo thẳng và ngắt quãng ba viên một. Các vết đạn cày trên đất. Tôi tin du kích Pol Pot chỉ có một tốp trước mặt vì Trình và Hợi có lẽ đã quan sát kỹ trước khi khai hỏa làm lộ vị trí kích. Tiếng trung liên bây giờ vang rền góc rừng. Đạn hộc lên liên tục. Trời gần sáng nên tôi trông rõ những bóng người cố gắng ẩn núp sau một thân đại thụ. Đã có hai xác trúng đạn nằm tênh hênh cạnh những vật gì như bao bố. Những đường đạn của tôi và Trình vạch vung vãi quanh thân cây. Trong lúc tôi ngạc nhiên vì không thấy quân Khmer Đỏ bắn trả, trái B-41 của Hợi từ sau bắn tới, bay qua xịt khói. Tiếng nổ chát và rung động. Tôi chỉ kịp chớp mắt khi thấy ánh lửa cam và hơi nóng hực phả vào mặt. Hợi đã bắn tiếp. Trái B-41 thứ nhì nổ tan ngay trên thân cổ thụ. Những cành cây cháy đỏ vung vãi, khói đen đặc lẫn mùi khét. Tôi chưa kịp định thần vì sức dội ép quá mạnh của hai trái nổ liên tục làm tức lồng ngực thì Hợi đã chạy lên, ngoắc Trình và ban lệnh cho tôi:

- Cậu ở lại bao bãi.

Nhìn Hợi tay cầm K-54 chạy thoăn thoắt, tôi mới nhận Trình có lý. Hai trái B-41 vừa rồi bắn chính xác với tầm xa một trăm năm mươi thước và cách nhận định tình hình nhanh chóng hiệu quả, chứng tỏ Hợi là bộ đội ưu tú, không chỉ là người dân Bắc quê mùa như tôi nghĩ. Tôi nằm lại hố cá nhân ghìm súng canh chừng cho Hợi và Trình xung kích. Năm phút trôi qua không có gì xảy ra, du kích Khmer Đỏ có lẽ đã chết hết. Trình và Hợi lên thẳng gốc cây bị chém gẫy. Chờ đến khi hoàn toàn không thấy gì khả nghi, tôi rời khỏi hố. Trời mờ sáng. Đám cháy chưa tắt, tan hoang ngập ngụa thuốc súng. Từng vạt sáng tím xuyên qua cây rừng. Song tôi không có thì giờ ngắm hừng đông. Hợi và Trình to tiếng gần như cãi vã.

- Không phải Khmer Đỏ, toàn ông già bà cả thôi.

Trình lớn tiếng.

- Thì đấy là giao liên của giặc.

Giọng Bắc Thanh Nghệ của Hợi nặng và gay gắt.

- Nhưng họ không có võ trang súng ống gì hết.

- Tôi đã bảo đồng chí họ làm anh nuôi cho quân phản động. Cứ nhìn mấy bao gạo là biết.

Sự hiện diện của tôi làm Hợi thêm khó chịu. Sau cái quắc mắc, Hợi ra lệnh:

- Các đồng chí mang mấy cái xác ra vất sau bụi cây kia.

Lúc này tôi mới nhận ra hai người Miên sống sót bị bắt. Một thằng nhỏ độ mười ba, mười bốn tuổi bị trúng hai mảnh B-41 vào đùi và một đứa con gái Miên trạc tuổi tôi, khoảng mười tám, mười chín không thương tích. Thấy tôi tần ngần, Hợi giục:

- Khẩn trương tranh thủ lên để còn di chuyển nào!

Năm cái xác của ba người đàn ông và hai người đàn bà lớn tuổi ghim đầy mảnh và cháy phỏng loe loét, được chúng tôi ném xuống chỗ trũng sau mô đất. Trình mở kíp một trái lựu đạn gài dưới bụng người đàn ông nằm úp. Hành động của Trình mâu thuẫn, vì mới vừa rồi Trình cãi vã với Hợi vì cho lệnh chúng tôi bắn vào thường dân. Nhưng tôi hiểu, trong chiến tranh, sự sinh tồn nhiều lúc xô đẩy vào chỗ tàn ác không tránh được. Tôi tin mình cũng sẽ cài lựu đạn dưới cái xác lật xấp nếu Trình đã không làm trước. Nếu thật sự tốp người kia là du kích Khmer Đỏ, đồng bọn sắp kéo đến… việc gài bẫy là điều bắt buộc.

Tôi và Trình trở lại chỗ gốc cổ thụ cháy xém. Hợi cũng lui cui vừa cài xong trái lựu đạn bật kíp dưới một trong bốn bao gạo, ngẩng lên:

- Các đồng chí khuân mỗi người một bao, mình đi ngay.

Tôi lấy dây ba lô buộc vội vết thương quanh đùi thằng nhỏ Miên, rồi xốc bao gạo. Bao tải nặng độ hai mươi ký. Tôi và Trình không phản đối ý định tịch thu chiến lợi phẩm của Hợi vì số gạo này cần thiết cho chúng tôi trong nhiều tuần sắp tới. Ngày lên dần, ráng hồng nhạt bừng lên ở chân trời. Trong ánh nắng ban mai lấp lánh, tôi nhìn kỹ đứa con gái bị bắt. Không cao lắm, nước da đen sạm, nhưng đôi mắt sáng quả quyết. Cặp lông mày đậm và môi đỏ khiến đứa con gái đẹp man dại. Tóc cháy úa xổ tung pha thêm vào sắc đẹp sự hung dữ thường thấy ở phụ nữ Miên. Đứa con gái tuyệt nhiên không nói lời nào từ lúc bị bắt. Nó cõng thằng bé bị thương mà tôi đoán là em đi giữa tôi và Trình.

Chúng tôi cố băng mau qua rừng để ra nhanh đường lộ, chỗ ngã rẽ hôm trước. Trời sáng hẳn. Di chuyển cật lực, nhưng qua vài tiếng đồng hồ, Hợi phải nhìn nhận sức nặng của ba bao gạo vượt quá sức vận chuyển của tổ. Sau hai lần nghỉ chân thở dốc, Hợi đành bấm bụng cho đổ bớt mỗi bao năm ký gạo. Chúng tôi đi tiếp. Đường rừng rậm rạp và vác nặng nên bước rất khó khăn. Tôi vấp ngã nhiều lần mặc dầu Trình đã đeo hộ hai nồi đạn. Chốc chốc Hợi quay lại dòm chừng, ánh mắt kỳ lạ khi nhìn đứa con gái Miên. Đến trưa, mặt trời lên cao, trong rừng dầy đặc hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Bây giờ tất cả đều đuối sức, đói cồn cào. Hợi ngần ngừ trước khi quyết định cho tổ ăn trưa ở một trảng trống. Tôi và Trình lập tức nhóm lửa nấu cơm trong ống tre. Đến lúc này chúng tôi mới dám chắc không bị theo. Thật tình nếu quân Pol Pot tấn công, không vị trí chiến đấu, không sức lực, tổ chúng tôi sẽ bị diệt gọn. Song từ lúc chạm súng đến giờ đã hơn năm tiếng, quân Khmer Đỏ dư thời giờ bắt kịp và trả thù, không phải đợi lúc này.

- Các đồng chí ở đây. Tôi đi làm việc với chị này.

Hợi bất thình lình kéo tay đứa con gái Miên vào bụi, bỏ mặc tôi và Trình với thằng nhỏ. Đứa trẻ rên xiết, vết thương ở chân sưng tấy. Trình xé bao thuốc rê đắp vào đùi nó cho cầm máu. Chúng tôi không làm được gì khác.

- Những nguời Miên hồi đêm có lẽ là nông dân trong vùng.

Trình nói sau khi buộc lại miếng thịt đùi bị cứa rách của thằng nhỏ.

- Làm sao giải thích được việc họ chuyển gạo ban đêm?

- Chắc dân vùng xôi đậu sợ Khmer Đỏ và sợ cả bộ đội Việt Nam thu lúa gạo.

Nếu đúng như vậy, bài toán của chúng tôi có đáp số. Song sự an ninh dự đoán của phần đất Thái không che giấu được mặc cảm sát hại thường dân, tôi và Trình tránh nhìn nhau. Những cành củi khô cháy lặng lẽ. Một lúc lâu, Trình nói:

- Sẽ không về kịp Phum. Ăn xong ra đến lộ là chiều. Thằng Hợi thế nào cũng phải cho nghỉ đêm dọc đường. Hai cây số trước ngã rẽ, tối nay…

Trình bỏ lừng câu nói khi tôi gật đầu ra dấu hiểu. Cả hai loay hoay vừa thổi cơm vừa canh chừng chung quanh. Đúng lúc đó một tiếng thét vang đau đớn từ bụi rậm. Tôi và Trình cùng đứng bật dậy chạy vào bụi cây.

Một cảnh tượng phơi bày trước mặt cả hai. Đứa con gái Miên bị trói, hàng nút áo ngực đứt tung và Hợi đè lên mình nó. Nghe bước chân chúng tôi, Hợi đứng bật ngay dậy, một tay cài quần và một tay che gò má bị cắn rướm máu. Đôi mắt đứa con gái Miên long sòng sọc.

- Mình lấy cung nhưng nó ngoan cố đành dùng biện pháp…

Hợi lúng túng gượng gạo. Tôi chợt hiểu tia nhìn kỳ lạ của Hợi suốt dọc đường ban sáng. Sự thèm muốn dồn nén nảy sinh từ những ràng buộc gò bó. Trong rừng rậm, tính ưu việt đúng đắn không thắng được bản năng.

- May có các cậu…

Hợi đổi giọng thân mật khi thấy tôi và Trình không có vẻ hưởng ứng trò chơi tập thể. Hợi lùi lại tìm lối ra trước cái nhìn chằm chằm của Trình. Không khí nặng nề giữa ba chúng tôi, nhưng sau cùng Trình cũng để Hợi trở ra trảng không nói lời nào.

Hợi bỏ ra ngoài. Tôi và Trình cởi trói cho đứa con gái. Nó vừa gượng dậy vừa khép vạt áo, mặt không mất nét thù hận. Tôi không hiểu tại sao đứa con gái Miên đã không kêu cứu, chấp nhận để Hợi hãm rồi cắn trả thù. Hay nó nghĩ cả ba sẽ thay phiên nhau làm nhục nó?

- Sao không kêu cứu? Khmer Đỏ hả?

- …

Tôi rót một nắp nước trong khi Trình cố gắng nói chuyện bằng tiếng Pháp với nó. Tôi và Trình học trường Dòng lúc nhỏ, song sau sáu năm giải phóng tôi hoàn toàn quên mất sinh ngữ này, chỉ hiểu được hai chữ “camp” là trại và “rivière” là sông lúc Trình hỏi. Đứa con gái Miên hất đổ bi đông nước trên tay tôi, mím môi nhất định không hé răng. Tôi và Trình đành trở lại trảng gặp Hợi. Trình đề nghị thả, vì bây giờ rõ ràng là chúng tôi không thể dẫn hai chị em nó đi theo. Từ đây về làng còn xa, sau vụ hãm hiếp của Hợi, chắc chắn con nhỏ đã trở nên căm thù nguy hiểm, sẵn sàng rình rập cơ hội ám hại cả ba hay tẩu thoát. Hợi do dự và nghe theo, không vì nhân đạo nhưng vì muốn phi tang vụ việc.

- Thả cho mày đi. On te laisse t’en aller.

Đứa con gái Miên thông minh hơn tôi nghĩ, nó hiểu tiếng Pháp và vùng khỏi tay tôi chạy lại cõng em nó ngay khi Trình vừa dứt lời. Cả hai biến mất trong rừng với một tràng tiếng Miên chửi rủa the thé. A-sơ-kay-dưa… A-giuông-cân-tóp… Tôi hiểu lõm bõm vài tiếng chửi đe dọa. Từ lâu rồi, người Miên vẫn muốn chặt đầu người Việt. Mấy chữ giuông-cân-tóp của con bé vang vang trong rừng.

Sau vài nắm cơm vắt nấu vội trong ống tre, chúng tôi lại lên đường. Rừng bớt rậm và mặt đất bớt lồi lõm nhưng tôi chợt đuối sức. Từ lúc kích, chạm súng đến giờ không quá mười tiếng mà tôi thấy dài kinh khủng. Cơn buồn ngủ ghê gớm của hai đêm ba ngày ập xuống làm đầu tôi váng, nhức buốt và mệt mỏi. Nắng hâm hấp của khu rừng bao phủ như cơn sốt bừng bừng đang dâng cao trong mình tôi. Hình ảnh mấy các xác chết bê bết máu, cặp mắt oán hận và thân thể đứa con gái Miên cùng trang lứa hở hai ngực vú, chờn vờn ẩn hiện sau mỗi tùm lá. Bước chân tôi trĩu nặng trong khu rừng bềnh bồng và bầu trời gay gắt, dao động… Khi cánh rừng thưa dần và mặt nước sông sáng rực chiếu vào mắt, tôi khuỵu xuống ngã trên mặt lộ…

*

Đêm. Trình đánh thức tôi dậy. Chung quanh tối đen như mực không một tiếng động. Một thoáng, tôi tưởng mình ngủ quên đang khi kích, nhưng rất nhanh tôi nhớ lại mọi chuyện. Buổi chiều ra đến lộ chúng tôi mệt lả, lê lết thêm một cây số thì dừng hẳn. Tại đây chúng tôi tình cờ gặp hai tổ tam tam của một đơn vị anh nuôi thuộc trung đoàn 57 của sư đoàn 304 từ Phum Tà Krêy xuống vận lương. Lúc đó tôi mệt quá, chỉ nhớ Trình có mua lại của anh nuôi ba can rượu năm lít. Sau đó chúng tôi đóng chốt. Hình như bộ đội anh nuôi chốt bên kia lộ, về phía rừng. Chia phiên gác xong tôi lăn ra ngủ, không nhớ gác đêm, chắc Trình đã gác thay. Bây giờ thức giấc, tôi tỉnh táo lạ lùng, mạch máu chạy rần rần làm tôi căng thẳng đến độ quên hết mệt mỏi của nhiều ngày qua.

Tôi bò theo Trình ra chỗ Hợi nằm. Trình chỉ tay ra hiệu lấy can rượu của Hợi. Can rượu còn phân nửa. Tôi lấy đeo vào người và nhận ra Trình cũng đeo hai can khác trên mình. Hợi ngủ say và ngáy nhỏ. Gió thổi nhẹ. Đêm nồng mùi đất. Ánh sáng duy nhất phát ra từ bầy đom đóm lập lòe. Trình đưa cao tay trên đầu Hợi, hơi thép của cây mã tấu rờn rợn. Ánh thép xanh. Đêm chợt biến dạng thành hình ảnh khủng khiếp của đêm rừng núi Bát Tam Bang với hố sọ người và hầm xác hôi thối… Tôi chợt đưa tay ngăn Trình, không rõ vì sao. Trình ngước mắt nhìn tôi không hiểu, lầm tưởng tôi muốn tự mình làm việc đó, trao mã tấu qua tôi. Tôi đón lấy như một phản ứng tự nhiên. Những thớ gân cánh tay co giật liên hồi. Tôi bỗng phân vân, trí óc bị giằng co. Tại sao ngăn Trình? Tại sao chùn tay? Có phải giọng Thanh Nghệ quê mùa của Hợi, lối trò chuyện chân tình nhiều lúc như anh em làm tôi do dự? Hay tôi thương hại cho Hợi, những nạn nhân bị lừa phỉnh đau đớn nhất? Tôi cố nhớ lại cảnh Hợi đè lên đứa con gái Miên có đôi mắt tóe lửa, hình dạng tan nát của xác người già. Song tôi biết vô ích. Không phải cử chỉ thân mật giả tạo của Hợi, cũng không phải cách tâm sự chất phác làm tôi yếu mềm. Chính cảm xúc nhân đạo cuối cùng còn sót lại trong mình, thứ tình cảm con người bị đánh giá hữu khuynh, đã ngăn tôi lại. Chúng tôi, những bộ đội gốc miền Nam chỉ cầm súng bắn khi sinh mạng bị đe dọa trực tiếp. Trước mặt tôi lúc này, không có vẻ mặt tàn nhẫn hay dâm dục. Hợi ngủ mê mệt như một nông dân Bắc say rượu. Tôi run tay, không thể… Trình đặt một tay lên vai tôi, gật đầu ra dấu đồng ý. Tôi thở nhẹ lúc Trình trườn ra xa.

Chúng tôi gom đồ đạc trong im lặng và đi mau ra bờ sông. Lau lá um tùm. Tôi và Trình vừa luồn cúi vừa vạt gai mò mẫm, lầm lũi trong rừng tranh. Sau đám tranh là cánh đầm lầy đen như mực. Tôi không trông thấy gì ngoài gấu áo Trình. Tiếng động của bước chân chúng tôi bì bõm trong sình lỏng, tiếng cóc nhái và ễnh ương nỉ non từng chập. Một con chim heo bay vụt qua kêu lớn làm tôi giật mình. Mặt nước bất ngờ hiện ra sau lau lách, mấp mé bấp bênh.

Trình dừng lại, thì thào:

- Trong vòng hai mươi cây số, khúc sông này hẹp nhất. Mình lội qua bờ bên kia, nhắm hướng Nam có một làng Thái tên là Phya-Kăm-Phụt.

Tôi gật đầu, phụ Trình đổ hết rượu trong ba cái can năm lít, buộc tụm lại bằng dây cước đem theo. Trình trút hết số đạn và lựu đạn phòng hờ cùng lương khô vào bao chuẩn bị sẵn. Tôi buộc khẩu AK và trung liên nồi song song trên ba cái can, chất lên đó bao gạo đã trút bớt còn mười ký. Tôi buộc gút tất cả lại, xiết, thắt chặt như một cái máy. Xong, chúng tôi cởi bỏ áo trấn thủ, nón cối, ba lô và dép râu, chỉ giữ trên người một quần bộ đội và áo thun lá. Tôi và Trình buộc mỗi người một đầu dây cước vào thắt lưng, đầu kia nối vào quai can không. Khi đã sẵn sàng, cả hai đứng lên hít thở thật nhiều không khí. Đêm thanh vắng, dòng nước đen lặng lờ và cỏ cây im lìm. Mãi mãi, chắc chẳng bao giờ tôi quên được phút giây đang diễn ra. Giờ phút chúng tôi chờ đợi từ bao lâu đang thành hình. Tôi và Trình thận trọng kéo cái bè nhỏ đơn sơ ra mặt nước. Chân tôi lún xuống bùn, nước sông dâng từ từ lên đầu gối, đến đùi, rồi bụng. Trước lúc trầm mình xuống nước, Trình chợt nắm vai tôi, hai đứa nhìn nhau. Trình mấp máy môi, định nói điều gì đó rồi lại thôi. Tình bạn đang ở ranh giới tự do của chia xa và tù đày. Sang bên kia may mắn, cả hai sẽ tìm vào một trại tị nạn, nếu gặp lính Thái sẽ bị giam cầm đánh đập và nếu gặp Khmer Đỏ là cầm chắc cái chết. Tôi và Trình sẽ sống sót trên đất hứa hay bỏ thây trong những giờ sắp đến? Phút này, tình bạn vượt qua mọi ngôn ngữ. Tôi siết tay Trình rồi cả hai cùng trầm mình xuống sông.

Nước lạnh và nhờn loang loáng như có chất dầu. Tôi bơi vài sải tay cho xa bờ trước khi chuyển sang bơi ếch. Tôi và Trình bơi song song, cứ năm, sáu thước lại ngừng, với tay kéo sợi dây cước đã mắc vào thắt lưng để lôi mảng bè lại gần. Cứ bơi, kéo bè rồi lại bơi. Chúng tôi bơi chậm vì sức nặng của bè. Mặt nước đặc, đen đậm, giãn ra rồi lại ụp vào. Tôi cố gắng bơi thật đều với Trình và tránh gây tiếng động song vẫn có cảm giác đang vùng vẫy làm khuấy động cả một khoảng sông. Tiếng chân bì bõm và nước róc rách không ngừng vang dội. Tôi hụp đầu rồi lại ngước lên, rồi lại hụp, ngước không biết bao nhiêu lần. Chừng như tôi bơi lâu lắm mà vẫn có cảm tưởng đang đứng tại chỗ và cái bè níu kéo, đóng đinh tôi vào vũng nước cứng đặc không di chuyển. Đêm dừng lại. Tôi hoàn toàn mất khái niệm về thời gian. Chúng tôi rời Hợi đã bao lâu? Tôi mù mờ bơi lội trong hố thẳm thời gian khuya khoắt. Đến khi dang tay kéo cái bè đến lần thứ một ngàn, tôi đuối sức. Những bắp thịt không chịu cử động, vâng theo sự sai khiến của trí não. Tôi cố ngước đầu nhìn bờ, nhưng chỉ thấy một khoảng tối đen đặc không chút ánh sáng, vô hình dạng. Tôi chìm xuống, ngoi lên rồi lại chìm xuống. Tôi thở hào hển, chân tay đập tứ tung, thân thể nặng như bị trì xuống đáy sông. Tôi gọi Trình trong lúc uống nước sặc sụa. Nước lờ lợ và mằn mặn. Tôi chìm xuống, uống thêm ngụm nước khi cùng lúc chân dẫm lên bùn.

Trình kéo tôi lên bờ sông. Tôi nằm vật ra đất, thở dốc. Mắt tôi mở lớn nhìn trời song không trông thấy gì, chỉ nghe tiếng động của bè nước đập vào đá và tiếng động Trình đang tháo dây cước. Lâu lắm, lúc tôi đứng dậy được, Trình đã rã xong bè, múc đầy hai can nước. Tôi đeo can nước và súng vào vai. Trình vác bao gạo lên vai, tay cầm AK.

- Mấy giờ?

- Quá nửa đêm.

Trình nhìn đồng hồ, đáp. Chúng tôi chỉ mới rời Hợi không quá một tiếng. Tôi loạng choạng, nghe đói và quặn thắt ruột. Trình đi trước mở đường, tôi bước theo sau, máy móc. Cả hai không hề quay nhìn đằng sau. Bây giờ là lúc mọi giác quan phải làm việc tối đa. Tôi đi theo Trình trong rừng. Không biết có phải trăng lên hay mắt tôi đã quen với bóng tối mà cảnh vật như sáng tỏ hơn. Tôi phân biệt được những thân cây và dây leo chằng chịt chăng ngang. Khung cảnh không khác mấy so với đất Miên. Có tiếng cú rúc lanh lảnh. Một vài tiếng sột soạt của chuột rừng và những con vật bò sát. Tôi đạp lên một hòn đá đau điếng. Chưa kịp định thần thì Trình đứng phắt lại ra dấu cho tôi đừng bước tới. Trình thụp người sau một thân cây nghe ngóng. Theo phản xạ, tôi tháo dây súng đeo vai ngồi vội xuống tìm chỗ nấp. Những giọt nước mặn không ngừng lăn xuống mí mắt và nhễu đọng trên mũi tôi. Mồi hôi lạnh vã ra ở thái dương và sống lưng làm tôi rùng mình. Trình im lìm bất động nhìn đăm đăm về một hướng. Bóng tối vây phủ tứ bề trở nên đe dọa. Khu rừng im tiếng gió hú, một đám mây trôi nhanh để lại tia sáng óng ánh trên cành lá. Linh tính báo cho chúng tôi biết có sự rình rập đâu đó, rất gần. Tôi thở đứt quãng, cố kéo cơ bẩm không gây tiếng động đẩy viên đạn lên nòng súng.

Bụi cây trước mặt chợt giao động rồi bỗng dạt hẳn sang bên. Tôi chỉ kịp thấy những khuôn mặt dữ dằn và đứa con gái Miên chiều hôm qua. Tất cả xảy ra thật nhanh sau đó. Trình và bọn Khmer Đỏ bắn cùng một lúc. Tiếng nổ chát chúa, xé nát đêm. Tôi bị hất ngã chúi như có ai lấy búa giáng mạnh vào khẩu súng tôi cầm. Bá khẩu RPD gẫy làm đôi, hai cườm tay tôi đau ê ẩm và xương sườn buốt nhói. Tôi không rõ viên đạn sau khi cắt đôi báng súng, có cắm vào mạng sườn mình hay chỉ trợt ngang. Mọi diễn biến xảy ra trong tích tắc, song tôi tỉnh táo kỳ lạ, nghe nhận được hết.

Trình bắn quạt vòng cung và ném trái lựu đạn vào lùm cây nơi có ánh lửa. Tiếng nổ, tiếng Miên la hét trộn lẫn vào nhau. Tiếng rú, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, cả khu rừng vùng chuyển động. Trình lôi bật tôi dậy, thay băng đạn và bắn liên tục.

- Chạy đi!

Trình đẩy mạnh tôi dạt bắn ra sau. Đạn Khmer Đỏ bắn vụt qua, xé không khí, cày mặt đất. Tôi chần chờ, không muốn bỏ rơi Trình, nửa muốn bỏ chạy vì sợ hãi.

- Chạy đi! Gặp lại sau!

Trình quát khi thấy tôi còn do dự. Chợt nhận ra sự thừa thãi vô ích của mình, tôi cắm đầu chạy.

tv2

Từ lúc này cả khu rừng là một khối lập thể chồng lên nhau, đổ ập vây bủa chung quanh. Những hình cây, bụi lá thoáng hiện thoáng mất bấu víu đan mắc, lúc kềm hãm lúc mở rộng. Tiếng súng AK dây chuyền vang dội lẫn với tiếng lựu đạn đuổi theo tôi bén gót. Đạn rượt bên tai, hình ảnh lũ lính Pol Pot dữ tợn với đứa con gái Miên chỉ trỏ the thé tắt hiện, tắt hiện. Tôi ngã xuống, đứng lên rồi lại ngã xuống, bước chân chới với trong chân không. Thân thể tôi rớt chạm xuống mặt nước tung tóe. Trong vô thức tôi đã chạy ngược trở lại và rơi xuống sông. Tôi bơi tận lực như cào cấu vào mặt nước. Như lúc nãy, tôi mang ấn tượng bị đè, dán chặt tại chỗ, không thể bơi nhích được một thước. Tôi đạp chân, sải tay vùng vẫy cật lực. Tôi không cảm thấy đau đớn mà chỉ sợ hãi trong đầu óc điếng lặng khi nghe tiếng súng im bặt. Trình chết rồi? Tình bạn muốn tôi quay trở lại cứu Trình nhưng não bộ tiếp tục ra lệnh cho tứ chi tôi quạt nước bơi mau về bờ bên kia. Dòng sông như chảy xiết, nước loáng nhờn và có lân tinh. Tôi thét gọi tên Trình, nước sông óng ánh bạc, mặt trăng tròn to chao động sóng sánh. Tôi bơi vào bờ. Không, hình như tôi trôi dật dờ, thả nổi về phía bờ. Rừng cây đen chập chờn, rậm rạp. Tàn cây nghiêng, bóng chờn vờn. Tiếng chân người rầm rập đạp lên cành gẫy. Một giọng nói nặng, âm Bắc quê mùa:

- Bọn trốn nghĩa vụ đang bơi dưới sông.

Lại có tiếng nổ. Tiếng súng CKC, tiếng phụt của những viên đạn xuyên xoáy trong nước. Thêm tiếng AK-47 lạch tạch từng loạt. Tôi tỉnh táo kỳ quặc, phân biệt sáng suốt từng tiếng động. Tôi muốn trở người bơi ngược lại bờ bên kia, phần đất Thái Lan. Nhưng cả hai bến bờ đều là địa ngục và tôi lạc mất Trình, tôi vùng vẫy cật lực, gào thét tuyệt vọng thấy mặt nước sẫm màu giống hệt chất lỏng sệt tuôn ra từ vết thương, rất nhiều vết thương… Tôi tỉnh táo kinh khủng, tỉnh táo đến phút chót chìm xuống đáy sông tôi vẫn còn trông thấy rõ đôi mắt căm thù của đứa con gái Miên và tiếng Bắc nặng giọng Thanh Nghệ vang vang.

*

Khanh, Thắng, Côn, Mẫn, Trình và Tùng là các bạn tôi trong Trường Phổ thông cấp III Bùi Thị Xuân, của các lớp 11C17, 11C18, 11D30 và Chuyên Toán. Như rất nhiều thanh niên miền Nam sau giải phóng, giữa năm học 1979 chúng tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự quốc tế bên Kampuchia. Rất ít sống sót trở về thành phố hay sang được Thái Lan. Các bạn tôi biến mất, giản dị, âm thầm vào những đồng cỏ Miên hoang dại. Họ bị xóa tên đang khi đem tuổi trẻ lầm lũi tìm một lối thoát. Nhưng đất Thái? Tệ hơn một lối thoát cay đắng.

Trần Vũ, 1987

Nguồn: Đăng lần đầu trên tạp san Làng Văn 1988. Bản đánh máy của Nguyễn Xuân Tường Vy, tháng 5-2009.
Create PDF

Phản hồi

2 phản hồi (bài “Đồng cỏ Miên”)

1.
Bắc Phong nói:
11/05/2009 lúc 10:20 sáng

trong hư cấu nỗi đau có thật
về bản chất phi lý chiến tranh
các vai đồng cỏ miên hoang dại
tất cả đều trúng tuyển nạn nhân
2.
Tôn Thất Tuệ nói:
11/05/2009 lúc 6:29 sáng

Tôi đến trại Sikiw Thái 1982. Theo trại trưởng Ban Hãn, 1981 trại còn chừng hơn trăm thanh niên Việt rã ngũ bên Miên đưa về Panat, còn trại nầy cho thuyền nhân.

Khoảng thu 1982, lúc gần trưa loa gọi tôi lên văn phòng trại gặp một người Mỹ. Ông nầy nói tôi được nhập cảnh Mỹ và yêu cầu tôi về lấy đồ đạc đi ngay ra Bangkok để làm thông ngôn và dịch tài liệu cho phòng tỵ nạn thuộc tòa đại sứ Mỹ sáu tháng cho đến khi Thái giải tỏa. Tôi đi theo phái đoàn phỏng vấn giải quyết trại đường bộ Arianapathet gồm mọi thành phần băng đất Miên qua Thái, không có nhóm rã ngũ nói trên.
Một hôm vừa xong một ca dịch trần ai lúc gần trưa, tôi được cô trưởng đoàn bảo lên xe về Panat thông dịch cho nhóm Hồ Chí Minh City. Tôi hết sức ngạc nhiên vì phỏng vấn người từ Saigon thuộc chương trình ra đi trật tự.

Patty cho biết HCM City là phân khu đặc biệt trong tổng trại Panat dành cho đào binh CS ở Miên không được định cư nhiều năm nay từ Sikiw về. Nhóm nầy chưa đi kịp thì Mỹ đổi tiêu chuẩn không cho họ qui chế tỵ nạn chính trị, tuy trước đó họ nhận bất cứ ai, cán bộ, gốc Nam, gốc Bắc…

Phiên họp giữa nhân viên di trú Mỹ và hai đại diện HCM City rất ngắn. Sau khi bị từ chối định cư, một anh nói: Đài phát thanh nói bỏ ngũ qua Thái sẽ đi Mỹ. Đáp: Anh không nói dối nhưng chính phủ Mỹ không nói thế.

Tôi vừa bước ra lối sau, phía trước nhau nháu. Một anh dùng dao đâm bụng, một anh tự thiêu. Người dùng dao được cứu sống; người dùng lửa ít hôm sau tan biến như bạn của Trần Vũ tan trong đồng cỏ Miên.

© talawas 2009