Hiển thị các bài đăng có nhãn Cái mũi của Darwin:. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cái mũi của Darwin:. Hiển thị tất cả bài đăng

2/4/10

Cái mũi của Darwin...

Thứ bảy, ngày 03 tháng 04 năm 2010 | 08:22 (GMT+7)
Cái mũi của Darwin: Từ chuyện vặt bắt qua chuyện lớn

Tác giả: GS. Cao Huy Thuần

"Trong những sách viết về Darwin, tôi thích cái nhan đề này của David Quammen: "The Reluctant Mr Darwin", ông Darwin lưỡng lự. Không phải Darwin lưỡng lự về niềm tin khoa học của ông" - GS. Cao Huy Thuần.

Phần 1; Phần 2; Phần 3

Từ những chuyện vặt

Đọc những sách viết về Darwin và đọc Tự Truyện của ông, kẻ rất dốt về khoa học là tôi chỉ dám để ý đến những chuyện vặt. Chẳng hạn chuyện vặt về con người của ông. Chuyện vặt về dăm ba ý tưởng lộ ra bên lề những vấn đề khoa học lớn mà tôi không với tới.

Vô duyên hết sức, chuyện vợ con tình ái là chuyện trước tiên mà tôi tò mò muốn biết mỗi khi chiêm nghiệm về cuộc đời của bất cứ ai, không chỉ của danh nhân. Cho nên tôi muốn biết ông lấy vợ như thế nào. Đúng là nhà khoa học! Tôi chưa thấy ai viết gãy gọn trên giấy trắng mực đen những loay hoay tính toán chi ly trong đầu về cái gì là lợi, cái gì là hại, của việc lấy vợ.

Thói thường, tuy là đại sự, ai cũng phải đánh liều đưa chân nhắm mắt, không cả hai con thì cũng một. Ông thì không! Trên giấy trắng, ông tính toán, như người ta tính sổ ngân hàng, cột này là tiền vào, cột kia là tiền ra, đây là thu, đó là chi, này là được, nọ là mất, cột bên trái là lợi lộc nếu lấy vợ, cột bên phải là hư hao nếu không lấy. Hai trang giấy dày đặc. Trên trang đầu, nghiêm trang ngự trị một cái nhan đề: "Đây là vấn đề". That's the question! Y chang Hamlet: to be or not to be. Kết luận: To be! "Lấy vợ!" "Lấy vợ!" "Lấy vợ!" "Can đảm lên... Chẳng hề gì đâu... Hãy tin ở ngẫu nhiên... biết bao tên nô lệ đã sung sướng"!

Trang giấy hai cột đó, với những dòng chữ hào hùng kia, ông nguệch ngoạc vào năm 1837-1838. Ông lấy vợ ngày 29-1-1939. Vợ ông, Emma, năm đó 30 tuổi. Ở tuổi ấy, vào thế kỷ ấy, bà có cơ nguy khó tìm đôi lứa. Bởi vậy, mọi chuyện xảy đến đều nhanh. Ông bà biết nhau vì có quan hệ bà con rất gần. Quen thì quen vậy từ ba mươi năm, nhưng sôi sục thì chưa, cho nên bà không khỏi sửng sốt khi ông bất thần cầu hôn. Và khi bà nhận lời thì ông cũng giật mình.

Đọc chuyện vợ con ở đây, tò mò của tôi nhắm vào hướng khác. Tôi không thỏa mãn với giải thích của John Van Wyhe về im lặng của Darwin trong suốt 21 năm trước khi xuất bản tác phẩm "Nguồn cội...". Tuy Van Wyhe đã đưa ra những luận cứ rất thuyết phục, tôi vẫn nghĩ rằng, đối với một người đã đắn đo, cân nhắc chi ly ngay cả trong chuyện trăm năm, việc đắn đo cân nhắc trước khi công bố một tác phẩm động trời có thể hiểu được. Nhận định của tôi là chủ quan, riêng tư, tôi biết, nhưng quả thật tôi vẫn nghĩ rằng trong suốt 21 năm, biết đâu mỗi ngày Darwin đều có nguệch ngoạc một trang giấy hai cột như vậy trong đầu để kết luận là not to be, khoan công bố. Biết đâu những trang giấy vô hình đó đã làm ông đau hoài đau mãi, đau những trận đau kỳ lạ, bác sĩ cũng không biết bệnh gì.

Trong những sách viết về Darwin, tôi thích cái nhan đề này của David Quammen: "The Reluctant Mr Darwin", ông Darwin lưỡng lự. Không phải Darwin lưỡng lự về niềm tin khoa học của ông. Ông tin chắc ở lý thuyết của ông, không lay chuyển. Nhưng ông không mù quáng về niềm tin khoa học, không tín điều, không cho rằng khoa học có thể giải thích tất cả. Ông không tin nữa ở Thượng đế, nhưng ông không báng bổ Thượng đế, Thượng đế có lĩnh vực vinh quang riêng của Ngài, miễn là đại diện của Ngài đừng xía vào lĩnh vực khoa học.

Ai đọc Tự Truyện của ông đều nhặt ra được nhiều chi tiết cho phép tưởng tượng ra được một con người không hề cực đoan. Tôi cũng chỉ làm cái việc tưởng tượng ấy mà thôi. Tôi trích một chuyện vặt ông kể về thân phụ của ông, bác sĩ, nhưng lại rất sợ máu, sợ đến nỗi đã truyền cái sợ máu chảy ấy cho ông:

"Hồi trẻ, cha tôi có gia nhập hội Franc-Maçon. Một người bạn của cha tôi, cũng franc-maçon, giả vờ không biết cha tôi sợ máu, hỏi ông khi hai người cùng đi đến dự buổi lễ khai tâm: "Cậu đâu có ngán mất vài giọt máu phải không? " Hình như, trong buổi lễ gia nhập đoàn thể, người ta bịt mắt cha tôi và xắn tay áo của ông lên. Tôi không biết ngày nay một buổi lễ như vậy có còn diễn ra không, nhưng cha tôi nói về buổi lễ hôm ấy như một ví dụ tuyệt hảo về sức mạnh của tưởng tượng, bởi vì ông cảm thấy rõ ràng máu chảy dọc theo cánh tay của ông, và ông không tin ở mắt của ông sau đó khi ông không thấy dấu tích gì của một vết chích nào" (27).

Ai dám nói tâm lý không có ảnh hưởng gì trên vật chất? Tâm không có ảnh hưởng gì trên thân?

Một chuyện vặt khác nữa, cũng về thân phụ của ông. Ông viết về cha khá nhiều.

"Lúc cha tôi hãy còn rất trẻ, một hôm ông được gọi đến khám bệnh, cùng với một vị bác sĩ già của gia đình, tại một nhà quý phái, rất có tiếng. Vị bác sĩ già nói nhỏ với vợ người chủ nhà: bệnh ấy của chồng bà nặng lắm, chắc không qua khỏi. Cha tôi thì nghĩ trái lại và quả quyết là bệnh sẽ lành. Sau đó thì sự việc cho biết là cha tôi đã chẩn đoán sai và ông cũng công nhận là mình sai. Ông tin chắc là gia đình ấy sẽ không bao giờ mời ông khám bệnh nữa, vậy mà, vài tháng sau, bà góa phụ của người chủ nhà lại mời ông đến thay vì mời vị bác sĩ già của gia đình. Cha tôi ngạc nhiên đến độ phải đi hỏi người bạn của bà góa phụ tại sao ông lại được mời lần nữa. Bà góa phụ trả lời rằng bà không muốn thấy cái mặt của ông bác sĩ già đáng tởm kia nữa vì đã nói ngay từ đầu rằng chồng bà sẽ chết, còn bác sĩ Darwin thì quả quyết là sẽ chữa được" (28).

Thế thì con người có một bản tính tự nhiên chăng? Chưa hết. Cũng bản tính tự nhiên ấy nữa được kể tiếp:

"Trong một vụ khác, cha tôi quả quyết với một bà rằng chồng của bà sẽ chết thôi. Vài tháng sau, ông gặp lại bà ấy, đã thành quả phụ; bà nói với giọng chín chắn: "Ông đang còn rất trẻ, cho phép tôi khuyên ông: càng lâu chừng nào càng tốt chừng ấy, ông hãy luôn luôn ban hy vọng cho người săn sóc bệnh nhân. Ông đã làm tôi mất hy vọng, và từ đó đến nay, tôi mất hết sức lực" (29).

Con người có bản tính tự nhiên hay không là một vấn đề mà Darwin ngờ vực. Ông nói: lúc nhỏ, ông là một đứa bé giàu lòng thương người, nhưng đó là tính nết mà ông đã học được và đã bắt chước từ các bà chị của ông. Vậy mà, khi kể hai chuyện vặt nói trên về thân sinh của ông, ông kể như "đưa ra hình ảnh kỳ lạ của bản tính con người" (30). Con người đâu có phải chỉ là vật chất? Vật chất sao được, khi những chuyện ông kể về tâm lý buộc người đọc phải nghĩ về một Darwin khác, một Darwin biết suy nghĩ quân bình giữa sinh lý và tâm lý. Đây, chuyện vặt về tâm lý, cũng liên quan đến thân sinh của ông:

"Cha tôi thường kể cho tôi nghe những chuyện lặt vặt mà ông cho là có ích cho nghề y khoa của ông. Chẳng hạn, các bà hay khóc tức ta tức tưởi khi kể cho ông nghe bệnh của họ, khiến ông quá mất thì giờ. Ông để ý rằng, nếu ông bảo các bà ấy chận nước mắt lại, đừng khóc nữa, thì các bà càng khóc to hơn, cho nên lúc nào ông cũng khuyến khích các bà ấy khóc, nói rằng khóc cho nguôi đi. Kết quả là mười lần như chục, các bà ngưng khóc ngay" (31).

Chuyện vặt ấy, và nhiều chuyện vặt khác nữa về phụ nữ, khiến người đọc phải nghĩ: ô hay, không những con người có thể có bản tính, mà người phụ nữ cũng có bản tính đàn bà chăng?

Bắt qua chuyện lớn

Từ chuyện vặt bắt qua chuyện lớn, Darwin luôn luôn mực thước trong lý thuyết. Con người là tiến hóa từ loài khỉ chăng? Bao nhiêu nhà khoa học danh tiếng về thuyết tiến hóa đã loại con người ra khỏi tranh luận về thuyết ấy vì Kinh thánh đã dạy: Thượng đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Ngay cả Wallace, đồng tác giả với Darwin, cũng chủ trương bộ não của con người là ngoại lệ.

Ảnh hưởng của tôn giáo đè nặng trên tư tưởng phương Tây đến nỗi bao nhiêu nghiên cứu khoa học chỉ nhắm vào mỗi một việc là tìm cho ra một tiêu chuẩn chính xác để phân biệt về phẩm chất giữa người và giống khỉ chimpanzé và gorille. Nhưng cũng biết bao nhiêu nhà khoa học ngày nay chẳng nghi ngờ gì nữa về sự tiếp tục không ngừng giữa người và khỉ. Họ thấy chẳng làm hạ giá con người chút nào khi đặt con người vào lại Thiên Nhiên: ai dám bảo hình ảnh đó không hùng tráng bằng hình ảnh con của Thượng đế? Giữa cơn động đất về tư tưởng mà Darwin là nguyên nhân, ông đã nói gì thực sự? Rất thận trọng, ông viết một câu cực kỳ đơn giản trong lần xuất bản đầu tiên tác phẩm "Nguồn cội...": "Ánh sáng sẽ rọi vào nguồn gốc và lịch sử của con người". Trong những lần tái bản kế tiếp, ông chỉ thêm một chữ ở đầu câu: "Tất cả". Tất cả ánh sáng. Ánh sáng của ông chưa rọi đến!

Về nguồn gốc đầu tiên của con người, ông lý luận: lúc đầu, ông cũng tin có một Nguyên Nhân đầu tiên, do trí óc của con người nghĩ ra, nhưng càng nghiên cứu sinh vật, ông lại càng nghi ngờ khả năng đó của trí óc. Tại sao? Tại vì "trí óc của con người, mà tôi chắc chắn là đã phát triển từ một trí óc thô thiển không khác gì trí óc của một con vật thấp kém nhất, trí óc ấy có đáng cho ta tin cậy được chăng khi nó nghĩ ra một kết luận về ý nghĩa ghê gớm như vậy? Kết luận ấy phải chăng chỉ là kết quả của một liên hệ nhân quả mà ta cho là cần thiết, nhưng rất có thể tùy thuộc vào một kinh nghiệm được thừa kế? Phải chăng ta đã xem quá nhẹ khả năng của giáo dục, giáo dục ấy đã gieo vào đầu trẻ em lòng tin Thượng đế và có thể đã tạo ra một hậu quả phi thường có tính di truyền trên những bộ não hãy còn non nớt? Giải phóng những bộ não ấy ra khỏi lòng tin Thượng đế khó chẳng khác gì giải phóng con khỉ ra khỏi mối sợ hãi bản năng trước con rắn" (32).

Tuy vậy, tuy tin chắc chắn vậy, ông vẫn giữ một thái độ khoa học khiêm tốn và thú nhận: "Tôi không có ý rọi một tia sáng gì vào những vấn đề mờ mịt như thế. Bí mât về khởi thủy của vạn vật chưa dò tới được" (33).

Ngay cả lý thuyết về cạnh tranh sinh tồn, nòng cốt như thế trong khám phá của ông, ông vẫn không xem đó là giải thích duy nhất, là tín điều, về biến đổi. Ông thừa nhận các yếu tố khác nữa, như sự di truyền của tính nết đã hấp thụ, như việc sử dụng hay không sử dụng các bộ phận của cơ thể trong tiến hóa. Ông không khép lại cánh cửa của những khám phá khác trong tương lai, ông mở ra, mời đón. Bởi vì, ông nói, ông "luôn luôn cố gắng giữ trí óc tự do để có thể từ bỏ một giả thuyết, dù hấp dẫn, nếu sự kiện phản kháng lại" (34).

Trong suốt 21 năm im lặng trước khi xuất bản "Nguồn cội...", ông đã âm thầm thu thập thêm bao nhiêu sự kiện nữa để chắc chắn rằng lý thuyết mình đưa ra đủ sức thuyết phục. Nhưng điều đáng ghi nhận hơn nữa là ông đã bày tỏ những ngờ vực của mình một cách thẳng thắn như bày tỏ những xác quyết. Mỗi tác phẩm mà ông đã lần lượt xuất bản đều đánh dấu một chặng đường đưa đến một hiểu biết mới. Ông luôn luôn khai phóng, chưa bao giờ chấp chặt, co quắp trong tín điều (35).

Trong một thư gửi bạn năm 1869, ông viết: "Giá như tôi được sống thêm 20 năm nữa và còn khả năng làm việc, tôi sẽ còn thay đổi "Nguồn cội..." biết bao nhiêu nữa, và biết bao nhiêu nữa ý nghĩ của tôi về mỗi điểm sẽ đổi khác! Nhưng thôi, đây là bước đầu, mà như thế cũng đã được rồi..." (36). Vừa xác quyết chân lý, vừa gạt bỏ tín điều: một câu thư riêng thôi, nhưng chân chính bao nhiêu thái độ khoa học.

Tôi thích bình luận của Stephen Jay Gould về thái độ khiêm tốn và thông thoáng ấy của Darwin. Thiên nhiên, Gould viết, phức tạp và phong phú đến nỗi cái gì cũng có thể xảy ra. Một giải thích tổng quát, rõ ràng và tối hậu về những vấn đề của sự sống là không thể có được. Ta có thể tìm được câu trả lời hợp lý cho những vấn đề quan trọng bậc trung. Nhưng đối với những vấn đề tối hậu, câu trả lời ngã quỵ trước thiên nhiên quá giàu có. Vậy mà vui! Một thiên nhiên hãy còn giữ bí mật mới đem lại bao nhiêu thích thú cho cuộc sống, mới đem lại bao nhiêu hứng khởi cho những bước chân tìm tòi lần mò" (37).

Hãy để cho các nhà thần giáo co rúm với cái chìa khóa trong tay họ, miễn là họ đừng bắt cả thiên hạ đều phải chui vào cùng một cánh cửa. Riêng tôi, đứng trước ngưỡng cửa khoa học của Darwin, tôi chỉ muốn hỏi thêm ông một câu hỏi nhỏ của người đọc Tự Truyện của ông.

Ở trang 70, ông kể về khởi thủy của chuyến đi khảo cứu trên tàu Beagle năm 1831, ông viết: thuyền trưởng FitzRoy "suýt nữa từ chối, không cho tôi đi, vì hình dáng của cái mũi của tôi". Thạo nghề xem tướng, FitzRoy ngờ rằng với một cái mũi có hình dáng như vậy, chủ nhân của nó không thể là người có đủ năng lực và quyết tâm để làm một cuộc phiêu du 5 năm ròng rã.

Tôi muốn hỏi: giá như viên thuyền trưởng tin chắc ở tài xem tướng của mình và hành động theo đúng như vậy, Darwin có trở thành Darwin và khoa học có chăng một Darwin để thế giới kỷ niệm 200 năm? Vậy cái gì làm Darwin trở thành Darwin? Sự thiếu tin tưởng của viên thuyền trưởng về tài xem tướng? Thượng đế muốn ông đi để chứng minh ngài không có? Hay ngẫu nhiên?

Tôi xếp Tự Truyện của Darwin, nhưng tấm ảnh của ông trên bìa cứ bắt tôi phải nhìn cái mũi. Tôi thấy nó cựa quậy như muốn nói với tôi: làm gì có một nguyên nhân duy nhất cho mỗi sự việc? Sự việc nào lại không có trùng trùng nguyên nhân! Nói gì nguyên nhân đầu tiên!

-----------------------

Chú thích:

27. L'Autobiographie, trang 31.

28. Như trên, trang 38.

29. Như trên.

30. Như trên, trang 37.

31. Như trên..

32. Như trên, trang 89.

33. Như trên.

34. Như trên, trang 132.

35. Xem bài Tựa của Nora Barlow trong L'Autobiographie.

36. Thư gửi J.D. Hooker đăng trong bài Tựa của Barlow.

37. Gould, Darwin et les grandes énigmes de la vie, trang 279.
Trang chủ | Sự kiện nóng | Nhân vật trong ngày | Thông tin đa chiều | Tư liệu & suy ngẫm | Thế giới truyền thông | Nghe xem đọc | Harvard'S | Trực tuyến | Người quan sát | Thư Thăng Long | Giới thiệu | RSS | Trợ giúp

© TUANVIETNAM.NET