Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Huy Đường - Văn không là người. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Huy Đường - Văn không là người. Hiển thị tất cả bài đăng

8/8/10

Phan Huy Đường - Văn không là người

Văn không là người

Vietsciences-Phan Huy Đường 20/10/2007

Văn là người. Ý tưởng bất hủ đó xuất phát từ bài diễn văn về văn phong của Buffon[1] :

« Chỉ những tác phẩm viết hay mới được lưu truyền hậu thế : lượng kiến thức, những sự kiện độc đáo và ngay cả những phát minh mới lạ đều không đảm bảo chắc chắn sự vĩnh cửu : nếu những tác phẩm lưu chứa chúng chỉ bàn chuyện nhỏ nhen, bị trình bày thiếu nhã nhặn, thanh cao, thiên tài, chúng sẽ tiêu vong, bởi vì kiến thức, sự kiện và phát minh đều có thể bị rút đi, chuyển đi nơi khác và có khi nên được những bàn tay khéo léo hơn sử dụng. Tất cả những thứ ấy ở ngoài con người, [trong khi đó] văn phong [của một con người] là chính nó.[2] »
Qua thời gian, câu « le style est l’homme même » biến thành : Le style, c’est l’homme. Quả thực, dưới hình thái ấy, câu văn cô đọng, quyết liệt, bao quát hơn. Có style hơn ! Nó đáng lưu truyền hậu thế, trở thành phổ cập. Nhưng không ai biết văn phong ấy là người nào ! Ngày nay ý tưởng ấy đã trở thành một sự thật phổ biến, một ý-chung[3]. Ý-chung ấy đã ám ảnh không biết bao nhiêu thế hệ nhà văn, nhà phê bình hay lý luận văn chương, văn học. Trong tiếng Việt, hầu như ta không thể bàn về vẻ đẹp của một tác phẩm mà không luôn miệng : văn phong của Flaubert, chẳng hạn. Với ý ngầm sau : đây là lối viết đặc thù của Flaubert, không ai khác viết được, nó thể hiện chính Flaubert. Văn là người. Thực không ? Làm gì có văn phong của Flaubert ! Làm sao có được ? Nếu có, nó ở đâu ? Chính Flaubert đã nói : ông đã say sưa khoan khoái viết hết mình khi ông thảo quyển La tentation de Saint Antoine[4]. Quyển ấy bị... chê. Ngược lại, cũng do ông tiết lộ, quyển Madame Bovary đã khiến tinh thần ông căng thẳng gấp bốn lần khi ông viết La tentation de Saint Antoine. Ông đã phải vận dụng đủ thứ kỹ thuật, kiến thức, lý luận, những phần ít hồn nhiên nhất của nhà văn để xây dựng tiểu thuyết ấy. Thiên hạ thấy nó trác tuyệt. Vậy, văn phong của Flaubert là văn phong nào ? Có lẽ ai cũng nghĩ tới Madame Bovary. Nếu thế, văn phong trong La tentation de Saint Antoine là văn phong của ai, không lẽ không phải của Flaubert ? Flaubert đã đăng nhiều tác phẩm khác, hay có, dở có, không tác phẩm nào như Madame Bovary cả. Văn phong của Flaubert là một huyền thoại, một chuyện hão.

Ở Pháp, thế kỷ 20, đã xảy ra chuyện hi hữu sau. Goncourt, giải văn chương số một ở Pháp biểu dương một nhà văn mới, chỉ ban cho mỗi nhà văn được giải một lần thôi. Thế mà có người lĩnh hai lần. Đó là Romain Gary, nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Một hôm, ông quyết định đăng tiểu thuyết dưới bút hiệu Émil Ajar. Ông lại đoạt giải Goncourt. Cứ thế cho tới chết, ông đăng liên tục nhiều tiểu thuyết đều thành công. Cả ban giám khảo Goncourt, cả nước Pháp, cả dịch giả độc giả khắp thế giới không ai phát hiện rằng Romain Gary và Émil Ajar là một. Vậy, văn phong của ông là văn phong nào ?

Tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry lại càng cho ta thấy điều ấy rõ nét hơn : không tác phẩm nào có văn phong của Le petit prince[5] cả, dù chỉ hao hao giống thôi. Văn phong Le petit prince... độc nhất vô nhị. Không ai, ngay cả Antoine de Saint-Exupéry, viết lại được.

Với Camus cũng vậy. Văn phong của La Peste[6], La Chute[7], chẳng dính dáng gì với văn phong của L’Étranger[8]. Vậy văn phong của Camus là văn phong nào ?

Chắc ai cũng biết tác phẩm Les Champs magnétiques[9] do Breton và Soupault viết chung năm 1920 để nghiệm sinh điều họ gọi là hành văn tự động, écriture automatique. Một tác phẩm độc đáo đích thực. Văn phong trong đó là văn phong của ai ? Của Breton hay của Soupault ? Của cả hai ? Nếu thế, văn phong không thể là người : ngoài những quái thai, trên đời này làm gì có nhà văn hai đầu, bốn tay, bốn đùi ? Cả Breton lẫn Soupault, không ai nhận là văn phong của mình cả. Chỉ là ngôn ngữ tự giải phóng khỏi sự trói buộc của tư duy duy lý để thể hiện thế giới siêu thực.

Đọc tác phẩm của J-P Sartre, còn kinh hoàng hơn. Tuỳ thể loại, tuỳ vấn đề, văn phong hoàn toàn khác : triết, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, kịch, bút chiến, v.v. chẳng văn phong nào giống văn phong nào cả. Đọc triết, nhức đầu liền. Đọc truyện ngắn Le mur[10], mê ngay. Đọc Les chemins de la liberté[11], có thể ngáp dài dài. Tiểu luận, kịch, bút chiến, đọc bao nhiêu cũng không chán. Riêng tác phẩm Les Mots[12]mà thiên hạ cho rằng có tính văn chương nhất, người Pháp không biết xếp loại nó, bèn đưa nó vào thể loại mơ hồ nhất trong lý luận văn học của họ : littérature, văn chương ! Đọc đi đọc lại vẫn mê hồn. Vậy, văn phong của Sartre là văn phong nào ? Tác phẩm của Sartre chỉ có một mẫu số chung thôi : triết lý của ông, ai biết, nhận ra liền. Chưa ai phát hiện mâu thuẫn nào giữa triết lý và văn chương của ông. Nhưng nhiều người chia sẻ triết lý ấy, không ai viết như ông cả, ngay khi viết triết, cứ đọc Francis Jeanson trình bày lại triết lý ấy trong quyển Le problème moral et la pensée de Sartre[13] thì thấy. Kenzaburo Oe công nhận mình chịu ảnh hưởng tư tưởng của Sartre. Nhưng ông viết tiểu thuyết rất khác Sartre. Như thế văn của Sartre không thể tìm thấy cả trong hình thức lẫn nội dung của các tác phẩm của Sartre. Nó là gì, ở đâu ?

Câu văn của X có nghĩa trong rất ít trường hợp.
Có lẽ tiêu biểu nhất là trường hợp Isidore Ducasse, nhà văn đã đăng tác phẩm trác tuyệt Les chants de Maldoror dưới bút hiệu Vicomte de Lautréamont, rồi... chết. Nói rằng văn phong trong Les chants de Maldoror là văn phong của Isidore Ducasse thì không ngoa : ngoài tác phẩm ấy, Isidore Ducasse không có tác phẩm văn chương nào khác.


Trường hợp ít tiêu biểu hơn : có nhà văn suốt đời chỉ mài giũa một bút pháp thôi. Có người sáng tác được một hay vài tác phẩm hay. Thí dụ tiêu biểu : Claude Simon, Nobel văn chương, tác giả tiểu thuyết La route des Flandres[14]. Đúng, đọc Claude Simon ta luôn luôn đụng những câu văn tràng giang đại hải kéo dài hàng trang giấy có lúc hàng chục trang liền mà không cần chấm phẩy gì hết. Thường thường ta buồn ngủ, xếp sách lại, vứt lên kệ. Thế mà tôi đọc La route des Flandres một mạch, miên man, không bao giờ muốn ngừng, như đọc Cent ans de solitude của Marquez vậy. Trong trường hợp này, nói tới văn phong của Claude Simon thì có lý : ngoài kiểu viết ấy, ông không viết kiểu nào khác. Nhưng kiểu viết ấy chỉ thành văn trong La route des Flandres thôi. Trong những tác phẩm khác, nó không thành văn, nói rằng đó là văn phong của Claude Simon thì tội nghiệp cho ông ấy : độc giả ngáp ! Đối với tôi thôi. Tôi chưa đọc hết tác phẩm của Claude Simon. Sau La route des Flandres, tôi đọc thêm vài quyển, nuốt không trôi nên không đọc nữa. Mình đâu có nhiệm vụ đọc Claude Simon toàn tập. Chỉ có tình này thôi : La route des Flandres cực hay. Vậy, cách nói chính xác nhất, đối với tôi, là : văn phong của La route des Flandres cực hay. Thế thôi. Văn phong của Claude Simon là gì, tôi không biết. Còn văn là người trong nghĩa văn La route des Flandres là Claude Simon, chắc chắn đúng, ngoài ông không ai có thể viết tiểu thuyết ấy. Đúng trong nghĩa nào, ta bàn sau.


Cuối cùng, chắc ai cũng công nhận điều này. Khi ba người đọc cùng một tác phẩm trong cùng thời điểm, cùng hoàn cảnh, trong đầu họ hình thành ba tác phẩm khác nhau ! Ngoài ba tác phẩm ấy, chẳng có gì có thể gọi là tác phẩm cả, chỉ có giấy trắng lem nhem mực thôi. Tác phẩm hình thành xuyên qua quá trình đọc của độc giả. Một người đọc một tác phẩm ở hai thời điểm khác nhau trong đời mình thì cũng hình thành hai tác phẩm khác nhau ! Văn của tác giả là văn của tác phẩm nào ?


Ý tưởng trứ danh của Buffon bao hàm ý này : nội dung anh viết không quan trọng lắm vì ai cũng có thể hiểu được. Khi người ta đã hiểu, ý tưởng đó là của người ta. Nếu người ta có tài văn chương, người ta sẽ biểu hiện nó dưới hình thức đáng lưu truyền hậu thế hơn điều anh viết. Tính văn chương cơ bản ở hình thức : cách viết. Đúng thế. Bản thân thân phận câu văn của Buffon chứng minh điều ấy. Le style est l’homme même, không ai nhớ cả. Nhưng Le style, c’est l’homme, cả nhân loại nhại đi nhại lại hơn 250 năm rồi. Y như câu Je pense, donc je suis[15] của Descartes hay câu L’enfer, c’est les autres[16] của Sartre. Câu nói cùng hình thức sau cũng đã lưu truyền hậu thế : L’État, c’est moi của vua Louis 14. Phải chăng văn phong đơn thuần nhờ hình thức mà thành ? Không chắc tí nào. Câu L’Esprit, c’est Dieu chẳng hạn. Tuy nó biểu hiện một niềm tin phổ cập trong các nền văn hoá Tây Âu, chẳng ai thèm nhớ. Vì sao ? Vì nội dung xoàng xĩnh !

Tại sao câu văn « của » Buffon được loan truyền, ngưỡng mộ đến thế, khiến hàng mấy thế hệ nhà văn, nhà lý luận văn học trên khắp thế giới lùa chính mình và lùa nhau vào ngõ cụt tư duy ? Vì nó vận dụng một lối suy luận hình thức rất bổ ích trong một số quan hệ giới hạn của con người với thế giới nhưng lại vô cùng nguy hiểm khi ta hồ đồ vận dụng nó vào quan-hệ tổng-hợp giữa người với người xuyên qua ngôn-ngữ chung của họ.

Trong câu Văn phong là người, ta dùng hai khái niêm hình thức không có định nghĩa : văn phong và người. Rồi ta dùng một nguyên lý lôgích hình thức, là, để « đồng nhất » hai khái niệm rỗng tuyếch ấy. Kết quả đương nhiên : một câu nói không có nội dung đích thực, không có nghĩa. Thế thôi. Nỗi đau của tôi đó, nỗi đau của một thằng trí thức do Tây Âu nhào nặn, không có nghĩa, không có tình. Tính chất lơ mơ hàm hồ của câu nói lồng vào hình thức cô đọng, mãnh liệt của nó khiến ta bùi tai, nghe rất « siêu » nhưng ai muốn hiểu sao cũng được. Ai thích loại văn chương lơ mơ hàm hồ, thích ra vẻ siêu kiểu ấy ắt mê câu của Buffon do người đời cải biến.


Người đời nhớ câu nói của Buffon cũng không tình cờ. Nó chứa một ý đúng tuy không đầy đủ : bất kể với nội dung nào, tác phẩm đáng lưu truyền hậu thế phải có hình thức hoàn chỉnh. Nhưng nếu chỉ thế thôi, thành « tác phẩm » chăng ? Không chắc tí nào. « Tác phẩm » không có nội dung đáng lưu truyền, chỉ có văn vẻ kêu kẻng mượt mà... thường không tồn tại quá vài mùa thời trang. Người Pháp hiểu điều ấy từ thế kỷ... 17. Cứ đọc lại Les précieuses ridicules của Molière thì thấy. Tác phẩm loại ấy, đọc thấy hay hay. Đọc xong, quên liền.



Trong thế kỷ 19, người Pháp tổng kết vấn đề như thế này :


« Kiểu cách bắt đầu khi văn phong chấm dứt.

Nó gồm những hình thái, dáng vẻ, kiểu ăn nói, ẩn dụ và, để nói gọn, tất cả những thủ thuật ngôn ngữ dùng để che đậy sự thiếu hụt một ý ban đầu hoặc, đơn giản hơn, khi nó được dùng để thăng hoa một ý-chúng kém cỏi. Đó là điều dị hợm lạ lùng nhưng phổ cập : độc giả thường ngại ý mới. Một kiểu cách mới luôn luôn quyến rũ nó.

Nói chung, sự quyến rũ ấy không lâu bền và hậu thế luôn luôn xác định điều ấy. Nhưng khi nó còn tác dụng, đối với thế hệ chứng kiến sự ra đời của nó, nó có sức quyến rũ bất khả kháng của một thời trang. »[17]

Ý đúng trong câu nói của Buffon sẽ hoàn chỉnh nếu ta thêm vào đó ý này, có trong câu nói ấy nhưng hết sức nhạt mờ, hàm hồ, không cơ bản : muốn có hình thức hoàn chỉnh, không nên dây dưa với chuyện nhỏ nhen. Xin nói rõ ngay : trong văn chương không có đề tài nào tự nó nhỏ nhen, từ khát khao tâm linh tới khát vọng tình dục của con người. Chỉ có ý-tưởng, suy-luận của nhà văn về chúng nhỏ nhen thôi. Văn bạo dâm, loạn dâm của người đời hiện nay thường nhỏ nhen vì tác giả chẳng có điều gì đáng nói ngoài chuyện ngủ nghê. Chỉ đủ mua vui vài giờ rồi quên. Vì thế trong văn chương Pháp suốt thế kỷ 20, chẳng còn mấy tác phẩm loại ấy đáng để đời. Văn bạo dâm của Sade không nhỏ nhen. Ông có nhiều kiến thức, văn hoá. Không những ông hiểu rằng cách mạng tư sản vĩnh viễn khai tử một nền văn minh, khai tử giai cấp quý tộc của ông, nó còn dồn loài người vào ngõ cụt về mặt giá trị. Cứ đọc Français, encore un effort si vous voulez être républicains ![18] của ông thì biết. Văn dâm có nội dung văn hoá, tư tưởng là thế, không phải ai cũng viết được. Không phải tình cờ mà tên ông đã trở thành tính từ trong văn chương, văn học Tây Âu. Chúng ta nên hiểu, không nên bắt chước. Đã bắt chước, toi mạng văn chương.

Tính đặc thù của văn xuôi khiến nó khác hẳn mọi nghệ thuật khác kể cả một số hình thái thơ là nó dùng ngôn-từ làm vật liệu. Ngôn-từ tự nó có nghĩa mà người đời hiểu được qua ý nghĩa thông thường của từ ngữ, ai không hiểu thì mở từ điển ra xem. Đương nhiên, mỗi độc giả hiểu nó ít nhiều tùy kiến thức và nghiệm sinh của chính mình, nhưng dù sao cũng có một cách hiểu tối thiểu gọi là ý-chúng. Thí dụ câu Địa ngục, chính là tha nhân của Sartre, ai cũng có thể hiểu : chính tha nhân khiến đời ta biến thành địa ngục. Vì sao, tuỳ nghiệm sinh của mỗi người. Ai biết triết lý của L’Être et le Néant, có thể hiểu thêm : tha nhân là một bộ phận cấu tạo ra chính ta, nó là kẻ duy nhất có thể mang lại cho ta điều ta thiếu hụt, Thực-Thể (l’Être), để trở thành chính ta mà vẫn là một ý thức hoàn toàn tự do. Khốn nạn thay, cũng như ta, nó tự do. Nó cho ta điều ta thiếu hụt hay không, bao nhiêu lâu, chỉ tùy nó. Như tình yêu ấy mà. Ta không thể chiếm hữu tình yêu của người khác, chỉ có thể xin thôi. Nhưng xin toát mồ hôi chưa chắc được cho. Hè hè... Thế nào đi nữa, những nội dung ấy đều có thể trình bày với nhau, có thể hiểu nhau. Trong văn chương, chỉ có điều ấy có thể bàn được. Nó nằm ngay trong văn bản. Tác giả viết kín đáo đến mấy, chịu khó đọc đi đọc lại vẫn tìm được. Ngoài ra, chỉ còn cảm nhận ngôn ngữ bằng bản năng, cảm tính của từng cá nhân. Điều này không có gì bàn được. Nói cho nhau nghe để chia sẻ với nhau thôi : văn mượt mà quá, tôi thích quá, văn mượt mà quá tôi không thích tí nào, thế thôi.


Chữ nghĩa chỉ có nội dung thôi, không thành văn. Trừ mấy ngài lý luận bằng thơ, không ai lẫn lộn « khoa học nhân văn » với văn chương nghệ thuật cả. Chữ nghĩa không có nội dung đáng lưu truyền cũng không thành văn. Không ai lẫn lộn Delly với André Gide. Chữ nghĩa loạn xà ngầu không thể thành văn. Chữ nghĩa chỉ có hình thức bùi tai đẹp mắt kêu kẻng thôi cũng vậy. Để ngôn ngữ thành văn, phải có nội dung đáng nói với người đời và phải có hình thức hoàn chỉnh biểu hiện nó trong một tiếng nói của con người.

Văn là người. Đúng, trong ý giới hạn này : nó đã là một người ở một thời điểm nhất định, trong một quan-hệ nhất định với thế-giới. Thế thôi. Sau đó, nếu nó đạt mức nghệ-thuật, nó không là người đó nữa vì người đó đã trở thành người khác rồi, nó trở thành người đời. Thế mới đáng gọi là văn.


Mỗi lúc, mỗi người đều có nhiều gương mặt khác nhau, tuỳ trong quan-hệ nào với đời, với chính mình. Khi ta hiện-thực những quan-hệ ấy bằng văn-chương, ở cùng thời điểm, ta có thể có nhiều văn-phong khác nhau.


Ở những thời điểm khác nhau trong đời mình, nhà văn có thể có nhiều văn-phong khác nhau, tuỳ quan-hệ nó muốn hiện-thực với người đời, với chính nó trong lĩnh vực nào đó của kiếp người.

Khi nó không còn khao khát ấy, khi nó đánh mất niềm say đắm làm người cùng với tha nhân, nó biến thành thợ chữ, trường hợp phổ biến với không ít nhà văn : nhại lại chính mình, văn chỉ còn xác, mất hồn. Đúng hơn, văn vô tình, rỗng ý, chỉ còn hình thức : nhạt phèo, ai cũng viết được. Có đầy thí dụ.

Tôi từng nghiệm-sinh những điều trên. Xin lỗi bạn đọc. Chẳng gì trơ trẽn hơn là nói về mình, phải không ? Nhưng có lúc phải nói. Chính mình. Nếu mình muốn không chỉ là mình thôi, lại điên cuồng muốn làm mình, cái mình khốn nạn lê lết qua thế kỷ 20. Nếu mình muốn chân tình nói với nhau một chuyện đáng nói.

Vậy, nghiệm-sinh của tôi thế này.

Khi tôi cho đăng tập truyện Un amour métèque[19], Bùi Mộng Hùng tinh mắt nhận định : ba truyện ngắn trong quyển sách ấy tải ba văn phong rất khác nhau. Văn nào là PHĐ ? Cả ba và chẳng cái nào cả. Khá dễ hiểu : chúng thể hiện ba quan-hệ khác nhau của một người với thế-giới ở hai thời điểm khác nhau trong đời mình. Hai truyện Un squelette d’un millard de dollars và Vacance, tôi viết cùng lúc, song song, trong cùng hoàn cảnh : lê lết ngồi café đợi vợ. Nhưng chúng thể hiện hai quan-hệ khác nhau với thế-giới. Trong truyện đầu, quan-hệ của một người với cái thế giới đang toàn cầu hoá dưới dạng thị trường tư bản. Trong truyện sau, quan-hệ của một người di dân với quê hương và tuổi thiếu thời của mình sau một cuộc chiến tranh kéo dài. Truyện Un amour métèque, tôi viết từ hơn... 10 năm trước, nó thể hiện quan-hệ của một người với chính mình trong cơn khủng hoảng. Không thể sử dụng cùng một văn phong. Văn Un amour métèque, tôi viết theo cảm tính. Văn hai truyện kia, tôi hành văn có ý thức.


Tất cả, xưa kia, đều là tôi. Hôm nay, đã là tôi, tôi công nhận. Nhưng không còn là tôi trong nghĩa này : tôi không chỉ là thế, không mãi mãi là thế. Không lẽ tôi không có quyền hành văn, sáng tạo, làm người nữa ? Mọi người đều có quyền ấy, đều thực sự sử dụng nó dưới hình thái này hay hình thái nọ. Tôi cũng vậy. Thế thôi.


Từ nay ta không nên nói « văn của X », chỉ nên nói « văn trong tác phẩm Y ». Nếu thói quen ngôn ngữ trói buộc ta, khiến ta vẫn viết « văn của X », độc giả chỉ nên hiểu « văn của X trong tác phẩm Y » mà ta đang bàn.

Chỉ khi nào nhà văn đã chết, câu văn là người mới có nghĩa và chỉ nghĩa này thôi : tác giả là toàn bộ những gì nó đã viết đã đăng đã nói và... đã làm nữa chứ ! Nó chẳng thể là gì khác hơn vì nó chẳng thể làm gì khác nữa. Địa ngục, chính là tha nhân nghĩa là thế đó. Huis-clos mà. Lúc đó, người đời cảm nhận, hiểu, đánh giá tác phẩm nó để lại đời theo kiến-thức, nghiệm-sinh, lịch-sử chung và cá biệt của chính mình. Năm thì mười hoạ mới có người biết quên mình một tí, âu yếm tìm, đằng sau chữ nghĩa chết, khát khao làm người của một người đã từng « dám sống », đã từng biết hành văn, sự hiện diện ở đời của một con người. Cuộc gặp gỡ này, khi có, không chỉ là kiến thức, tri thức. Không chỉ là lý trí đương thời. Nó là quan-hệ-sống-có-ý-thức của một người với đời, với chính mình xuyên qua quan-hệ ngôn-ngữ của mình với một người đã chết. Mỗi tác phẩm văn chương đích thực đều là một người đã qua, đã vươn qua chính mình, đi vào một cuộc đời khác. Cuộc gặp gỡ ấy là tình, là văn, là nghệ-thuật. Nó là ta trong khát khao làm người với mọi người. Nó là em là anh là... mình, quan-hệ đặc thù nhân tính xuyên qua ngôn-ngữ giữa hai con người, tác giả và độc giả. Vì thế nó có thể « tồn tại » vượt kiếp người.

Văn không là người, nó hiện-thực dưới dạng ngôn-ngữ quan-hệ của một người với thế-giới ở một thời điểm nhất định của đời mình trong một vấn đề và một hoàn cảnh lịch-sử nhất định của loài người. Khi quan-hệ cá nhân ấy có nội dung mới đích thực và đáng tồn tại đối với một nền văn hoá và khi nó được biểu hiện hoàn hảo đến mức người đời cảm nhận : không thể trình bày ý đó, tình đó hay hơn, thì ngôn ngữ biến thành văn, tác phẩm đạt mức nghệ-thuật, đáng lưu truyền hậu thế. Nó có chung với mọi tác phẩm nghệ-thuật đặc tính này : độc nhất vô nhị. Thế thôi.


Ôi, biết đến bao giờ ta mới biết hành văn, mới viết được một tác phẩm nghệ-thuật ? Hè hè...

Phan Huy Đường

12-2005





--------------------------------------------------------------------------------

[1] Georges-Louis Leclerc, comte de BUFFON / Discours sur le style / Paris, J.Lecoffre 1872.

[2] « Les ouvrages bien écrits seront les seuls qui passeront à la postérité : la quantité des connaissances, la singularité des faits, la nouveauté même des découvertes, ne sont pas de sûrs garants de l'immortalité : si les ouvrages qui les contiennent ne roulent que sur de petits objets, s'ils sont écrits sans goût, sans noblesse et sans génie, ils périront, parce que les connaissances, les faits et les découvertes s'enlèvent aisément, se transportent, et gagnent même à être mises en oeuvre par des mains plus habiles. Ces choses sont hors de l'homme, le style est l'homme même. »

Discours prononcé à l'Académie française le 25 août 1753, p.23

[3] Những khái niệm được trình bày một cách bất thường như « thế-giới » thay vì « thế giới » là những khái niệm riêng đã được định nghĩa trong quyển Penser Librement và Tư Duy Tự Do (đang đăng từng kỳ trong web : http://amvc.free.fr)

[4] Điều quyến rũ Thánh Antoine.

[5] Hoàng tử bé con.

[6] Dịch hạch.

[7] Sự sa ngã hay sự đày đạo.

[8] Kể xa lạ.

[9] Những từ trường.

[10] Bức tường.

[11] Những nẻo đường tự do.

[12] Ngôn từ.

[13] Vấn đền luân lý và tư tưởng của Sartre.

[14] Con đường dẫn tới vùng Flandre.

[15] Ta tư duy, vậy ta có thực.

[16] Điạ ngục, chính là tha nhân.

[17] SARCEY / Quarante ans de théâtre (1) / Bibliothèque des Annales politiques et littéraires 1900

« La manière commence où le style finit.

Elle se compose des formes, tours, façons de parler, métaphores, et pour tout dire d'un mot, des procédés de langage au moyen desquels on déguise l'absence de l'idée première, à moins qu'ils ne servent simplement à relever l'insuffisance d'un lieu commun. C'est une anomalie étrange, mais bien souvent constatée : le public rechigne souvent à des idées nouvelles. Une manière nouvelle le séduit toujours.

En général, ce charme ne dure pas bien longtemps, et la postérité en fait toujours justice. Mais tant qu'il dure, il a pour la génération qui l'a vu naître, l'attrait irrésistible de la mode. »





[18] Hỡi người Pháp, hảy cố gắng lên một bước nếu anh muốn trờ thành người cộng hoà.

[19] Một mối tình ngụ cư.