Hiển thị các bài đăng có nhãn Ross Terrill - Trung Quốc muốn gì ?. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ross Terrill - Trung Quốc muốn gì ?. Hiển thị tất cả bài đăng

5/11/11

Ross Terrill - Trung Quốc muốn gì ?

Trung Quốc muốn gì?*
Ross Terrill
Đại học Harvard, Mỹ

Khi Trung Quốc lần đầu tiên làm Mỹ tò mò vào cuối thế kỷ 18, chúng
ta muốn trà và lụa của họ. Các nhà truyền giáo Mỹ và các thương nhân
đến Quảng Châu và các cảng khác chẳng bận tâm nghĩ xem Trung Quốc
có thể muốn gì ở chúng ta - chỉ là phúc âm Kitô giáo, đồ tiêu dùng lặt vặt
và thuốc lá, dường như họ cho là như vậy. Trong nhiều năm kể từ khi ấy
đến nay, người Mỹ ít có dịp để cân nhắc lại câu hỏi này. Khuôn mẫu lịch
sử là nước Mỹ ảnh hưởng đến Trung Quốc, và động lực không ngang
bằng đó đạt đến cao điểm trong liên minh với chính phủ Quốc Dân Đảng
khập khễnh của Tưởng Giới Thạch chống các cường quốc phát xít trong
Thế Chiến thứ II. Trong những năm 1940, người ta nghĩ rằng ước vọng
Trung Quốc đơn giản chỉ là hồi phục từ ách thống trị của Nhật, sự nghèo
đói, mất đoàn kết, và tham nhũng.
Khi “Trung Quốc của chúng ta”(chính quyền Quốc Dân Đảng của
Tưởng Giới Thạch) bị tan thành khói vào cuối thập niên 1940, và những
người Cộng Sản chiếm lấy Bắc Kinh, thì Trung Quốc trở thành một Kẻ
Khác. Trong những năm gay gắt sau chiến thắng của Mao Trạch Đông
vào năm 1949, Trung Quốc đã vượt ra ngoài vùng ảnh hưởng của chúng
ta. Nhưng chúng ta vẫn biết Trung Quốc muốn gì: Mao đã cảnh báo
rằng ông sẽ ”nghiêng về một phía,”và ngay sau đó ông ta tuyên bố,
“Liên Xô hôm nay là ngày mai của Trung Quốc.”Chúng ta là “bọn đế
quốc”, và Mao chống lại chúng ta.
* Phỏng dịch bài “What does China Want?”, Wilson Quarterly, Mùa thu 2005.
†Ross Terrill, chuyên gia nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Á
Fairbank thuộc Đại học Harvard , là tác giả cuốn Mao (1999), Trung
Quốc trong Thời đại của chúng ta (1992), và Bà Mao (2000). Cuốn sách
gần đây nhất của ông, Đế chế Trung Hoa mới, được giải của Los Angeles
Times Book năm 2004.

Sau khi Moscow và Bắc Kinh xích mích vào đầu những năm 1960 và
chiến tranh Việt Nam leo thang sau đó trong cùng thập kỷ, thì những
mong muốn của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Trong cái gọi là Cách
mạng Văn hóa của những năm 1960, những lĩnh vực Mao Trạch Đông
quan tâm có vẻ phi lý đối với Mỹ, cũng như đối với Moscow và hầu hết
các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vào năm 1971 Bắc Kinh cho Tổng
thống Richard Nixon thấy là họ muốn nghiêng về phía Mỹ để giúp một
nước Mỹ mà họ cho là yếu đi đối trọng với sự nổi lên của Liên Xô.
Ngày nay, một lần nữa, các mục tiêu của Trung Quốc trở nên khó
nhận ra, nhưng sự hiểu biết các mục tiêu này lại bức xúc hơn bao giờ hết.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và sự lan tràn của dân chủ trên
khắp thế giới, Trung Quốc là một hiện tượng khó hiểu: thành công kinh
tế dưới một chế độ cộng sản. Thế giới biết rõ Hoa Kỳ bênh vực cái gì: đó
là thị trường tự do và dân chủ ở bất cứ nơi nào có thể. Và cũng biết
Osama bin Laden muốn cái gì: đó là sự khôi phục thần quyền của các
giáo chủ đạo Hồi. Mục tiêu của Trung Quốc thì không rõ ràng như thế.
Người Trung Quốc nghĩ đến tiền, trong thời hậu Mao, hậu Liên Xô,
muốn gì? Câu hỏi này làm nhiều người Mỹ thắc mắc - và âu lo.
Mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc đã lên cao trong những năm qua,
Bắc Kinh vẫn còn xu hướng cư xử theo kiểu phản ứng, thay vì theo đuổi
những mục tiêu rõ rệt, ngoài biên giới của họ. (Nhấn mạnh của người
dịch: Bài này được xuất nản năm 2005.) Điều này làm một số người an
lòng, họ cho rằng Trung Quốc là một cường quốc thận trọng, thậm chí
bảo thủ. Và, trong mức độ nào đó, quốc gia ấy quả là vậy. Song đấy
không phải là trọn câu chuyện. Thật ra, Bắc Kinh chỉ cư xử kiểu phòng
thủ trong ba khía cạnh cơ bản: Một là, họ tự thấy mình như đang hồi
phục từ tình trạng lạc hậu kinh tế; hai là, họ đối phó, trong sự nản lòng
thầm lặng, với sự yếu đuối của họ so với sức mạnh của Mỹ, và ba là, họ
tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế chỉ với mục đích hạn hẹp là để ngăn
ngừa chương trình nghị sự của các tổ chức này gây phiền toái cho Trung
Quốc. Cách hành xử phòng thủ này có thể cho ấn tượng rằng Bắc Kinh
có sự lưỡng lự: liệu nên tìm cách trở về vị trí đứng đầu châu Á như thời
đế quốc trước đây, thuở “Vương quốc Trung tâm”, hoặc nên tham gia cái
mà những người không phải Trung Quốc gọi là “cộng đồng quốc tế.”Tất
nhiên, có thể chỉ đơn giản là Trung Quốc đang chơi trò chờ thời, che giấu
những ý đồ mà hiện nay dường như quá khó thực hiện.
Không giống như Mỹ hay tuyên bố ầm ĩ các mục tiêu của họ, Trung
Quốc có vẻ muốn giữ các ý định của họ trong bọc kín. Nếu bạn đọc các
bài phát biểu của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản
và là người đứng đầu quân đội, hoặc những phát biểu của người tiền
nhiệm của ông là Giang Trạch Dân, thì “hòa bình và phát triển”dường
như là mục tiêu của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Cụm từ này
đưa thông tin nhưng cũng đánh lạc hướng. Hòa bình và phát triển là
phương tiện chứ không phải là cứu cánh cho chính sách đối ngoại của
Bắc Kinh. Nói rằng chúng là mục tiêu của Trung Quốc thì cũng như nói
rằng mục tiêu ngày mai của Hồ Cẩm Đào là sẽ mặc quần và đánh răng.
Trong thế giới ngày nay, Trung Quốc là khác thường vì họ vừa một
phần là đế chế và một phần là quốc gia hiện đại. Một nhà nước đảng trị
theo chủ nghĩa Mác-Lênin hiện đại hóa đã được thiết lập trên một truyền
thống cai trị thành công rất lâu đời và tinh thần đế quốc nằm trong truyền
thống ấy. Đặc tính này kéo dài đế chế chuyên quyền vào một kỷ nguyên
mà các đế chế thường là đa quốc gia. Đáng kinh ngạc là Cộng sản Trung
Quốc thừa kế biên giới của đế chế nhà Thanh vào thời điểm cực đại, bao
gồm Tây Tạng, nam Mông Cổ, và tây Hồi có thời từng là Đông
Turkestan. Song, một Trung Quốc hiện đại hóa đang bị giằng co: Nên
tiếp tục đế chế vì vinh quang của Trung Quốc? Hay là theo một nền
chính trị hậu đế quốc tự nhiên nảy sinh từ xã hội và nền kinh tế mới như
hình ảnh của Thượng Hải, Quảng Châu, và Bắc Kinh hiện nay?
Lực thúc đẩy chuyển hóa Vương quốc Trung tâm ngày xưa thành một
bá quyền không dựa trên đạo lý Nho giáo nhưng trên quyền lực kinh tế,
là vẫn còn, nhưng gặp hai lực phản. Một là, đến một lúc nào đó, sự tùy
thuộc lẫn nhau giữa các nước về kinh tế và văn hóa trên thế giới sẽ đụng
đến tác phong gia trưởng chính trị. Hai là, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và
các cường quốc khác có thể sẽ không cho phép có một tân-Vương quốc
Trung tâm như thế.
Vì Trung Quốc là một nhà nước độc tài, ta không thể biết người dân
Trung Quốc muốn gì. Ta lại càng khó định hướng tương lai nền văn
minh Trung Quốc, chẳng hạn khó thể nói rằng nó sẽ “đụng độ”với đạo
Hồi hoặc với nền văn minh phương Tây hay không. Chúng ta có thể trả
lời câu hỏi về các mục tiêu của Trung Quốc chỉ dựa theo các hành động
của nhà nước độc đảng Bắc Kinh hiện nay. Chín ông “kỹ sư”làm nên Uỷ
ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang
tìm kiếm điều gì cho Trung Quốc? Chúng ta có thể nhận ra sáu mục tiêu
trong hành động của họ.

Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại nhằm tối đa hóa sự
ổn định trong nước. Điều này cũng đúng với nhiều quốc gia khác, nhưng
với Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) thì tầm quan trọng của
nó rất cao hơn. Bắc Kinh hậu-1949 ít khi xem việc kiểm soát nhân dân
của họ là việc dễ dàng, cũng như việc này đã không đuợc coi là dễ dàng
bởi các nhà cầm quyền Trung Quốc qua 150 năm bị nước ngoài chèn ép
và những khó khăn trong nước đánh dấu sự suy tàn của triều đại nhà
Thanh. Từ buổi đầu của CHNDTQ cho đến nay, Bắc Kinh luôn cảnh giác
việc bị mất khả năng kiểm soát các vùng xa xôi.

Ba tỉnh lớn nhất của Trung Quốc, Tân Cương, Tây Tạng và Nội
Mông về mặt lịch sử không phải lãnh thổ Trung Quốc, và người dân địa
phương ở đó khác biệt về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, và cách sống điển
hình so với người Hán. Đối phó với các nhóm dân thiểu số có thể thích
độc lập hơn là thích bị Trung Quốc thống trị đã khiến Bắc Kinh phải
dùng đến các biện pháp nửa thực dân. Ở Tây Tạng, giáo dục đại học chỉ
dành cho các những ai nói tiếng Hoa, cả vùng phía tây rộng lớn của
Trung Quốc đều theo giờ Bắc Kinh, và dân số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ
(Uyghur) ở Tân Cương đã được cố ý làm loãng ra bằng biện pháp nhập
cư nội bộ của Trung Quốc, đó chỉ là vài ví dụ. Ngoài ra, luận điệu của
ĐCSTQ như là nguồn mạch của sự thật cũng như của quyền lực tạo ra
nhiều khu vực cấm tinh thần phải được theo dõi sát. Bất kỳ khác biệt nào
về triết lý cũng bị xem, có hoặc không có biện minh, như là một mối đe
dọa chính trị đối với ĐCSTQ. Chế độ này tin bạn với tiền của bạn chứ
không tin bạn với đầu óc của bạn.
Năm 1998, trong một chuyến thăm Nhật Bản, Giang Trạch Dân đã
đọc 20 bài diễn văn gây sửng sốt về Thế Chiến thứ II. Trưởng thư ký nội
các Nhật Bản cuối cùng đã nản lòng mà nói rằng “chẳng phải những lỗi
lầm ấy đều đã ở sau lưng chúng ta rồi sao?”. Nhưng tội lỗi của Nhật Bản
trong quá khứ sẽ không bao giờ “ở đàng sau chúng ta”cả, khi nào mà
nhà nước đế quốc ở Bắc Kinh còn cảm thấy nhu cầu chứng tỏ sự chính
đáng của họ với người dân Trung Quốc bằng cách hét to “bọn quân phiệt
Nhật!”. Những bất an kiểu này định hình chính sách ngọai giao của
Trung Quốc. Vì vậy, những giao dịch với Nam Á là nhằm mục đích làm
suy yếu mối liên kết giữa Tây Tạng và chính phủ Tây Tạng lưu vong ở
Ấn Độ -- tương tự, nhiều giao dịch với Trung Á là nhằm làm giảm hy
vọng ly khai của người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương. Cũng
chính mục tiêu kiểm sóat trong nước đã chi phối chính sách của Trung
Quốc đối với Mông Cổ, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước láng giềng
khác. Tóm lại, CHNDTQ là một bán đế chế đa dạng, với nhiều cư dân có
các liên hệ chủng tộc, tôn giáo, hoặc lịch sử với các dân tộc nằm ngay
bên kia biên giới của Trung Quốc. Và CHNDTQ là một chế độ chuyên
chế mà, dường như để đối phó với những ác mộng mà họ gây cho họ, cư
xử giống như những người cai trị sợ hãi người dân của chính họ.
Như thế, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là sự ổn định nội bộ.
Mục tiêu thứ hai của chính sách ngoại giao của Bắc Kinh là duy trì
tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Khi chủ nghĩa Mác phai nhạt dần và
không có triết lý công cộng chính thức nào thay thế nó thì một mức sống
được nâng cao và niềm tự hào quốc gia đã chính đáng hóa một chế độ
không bao giờ phải đối mặt với bầu cử. Những thành tựu kinh tế trong
phần tư thế kỷ kể từ khi Đặng Tiểu Bình cầm quyền lãnh đạo trong thời
kỳ hậu-Mao chắc chắn là đáng được giữ gìn. Nền kinh tế đã tăng gấp bốn
lần về kích cỡ, và tốc độ tăng trưởng hàng năm vẫn tiếp tục ở mức 8-9%
(theo số liệu của chính phủ). Ngoại thương nói chung đã tăng gấp 10;
gần đây, khối lượng giao thương với nước ngoài đã tăng lên 25% mỗi
năm. Sự tăng trưởng kinh tế hậu-Mao được đẩy mạnh bởi vốn nước
ngoài, và các khu vực đô thị ven biển được hưởng lợi nhiều nhất từ
thương mại, công nghệ và kỹ năng quản lý mà đầu tư này mang lại.
Nông dân đã khá hơn trong những đợt cải cách đầu tiên, nhưng sau đó thì
đã bị tụt lại phía sau cư dân thành phố một cách thê thảm, chỉ vào khoảng
15% nông dân được hưởng những thứ thường có trong cuộc sống của
tầng lớp trung lưu hiện đại: điện thoại di động, truy cập internet, xe hơi,
sở hữu nhà, và du lịch ra nước ngòai.
Bắc Kinh đang cẩn thận hoạch định một chính sách đối ngoại để duy
trì tăng trưởng kinh tế, nhằm bảo toàn tính chính đáng của chế độ. Đó là
lý do khiến Trung Quốc đã phải chấp nhận các đòi hỏi khắt khe của Mỹ
và những nước khác để được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào
năm 2001, cũng do đó mà Trung Quốc có những hành động tung hứng
tương đối minh bạch về tỉ giá giữa nhân dân tệ và đô la, và cũng do đó có
sự tự kềm chế của Trung Quốc trong tháng sáu vừa qua khi Úc cho phép
một nhà ngoại giao đào thoát của Trung Quốc được quy chế thường trú
tại Úc. (Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào khí thiên nhiên hóa lỏng,
than đá, và quặng sắt của Úc.) Chắc chắn một phần để tránh thiệt hại cho
lượng xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc sang thị trường Mỹ mà Bắc
Kinh đã đình chỉ các vụ thử tên lửa khiêu khích tổ chức ngoài bờ biển
của Đài Loan nhằm biểu lộ sự không hài lòng của Trung Quốc đối với
một ứng cử viên ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống của hòn
đảo này năm1996. (Tổng thống Bill Clinton đã phái hai tàu sân bay đến
vùng lân cận.) Và vào năm 2001, sau một vụ va chạm giữa các máy bay
quân sự của Mỹ và của Trung Quốc gần đảo Hải Nam, Bắc Kinh đột
ngột ngưng những lời to tiếng “chống bá quyền”ban đầu của họ và trao
trả toàn bộ nhân viên phi hành Mỹ - một lần nữa để bảo vệ mối quan hệ
song phương cốt lõi cần cho việc đẩy mạnh hiện đại hóa kinh tế của
Trung Quốc.
Mục tiêu thứ ba của chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là duy trì một
môi trường hòa bình trong vị trí địa lý phức tạp của Trung Quốc.
CHNDTQ là nước duy nhất trên thế giới phải đối phó với 14 nước láng
giềng tiếp giáp, bảy trong số đó chia sẻ đường biên giới dài hơn 600
dặm, và bốn nước khác gần bên bờ biển quá dài của Trung Quốc. Trong
30 năm đầu của chế độ, CHNDTQ đã tiến hành chiến tranh với tất cả
năm nước cạnh bên sườn của họ. Trong chiến tranh Triều Tiên, họ phải
chịu thiệt hại với hơn một triệu thương vong. Trung Quốc đã đánh nhau
với Ấn Độ vào năm 1959 và 1962. Họ đã gửi 320.000 cán bộ kỹ thuật và
bộ đội phòng không giúp Hồ Chí Minh giành chiến thắng trong chiến
tranh Việt Nam. Năm 1969, hai nước xem là xã hội chủ nghĩa anh em là
Moscow và Bắc Kinh đã vung kiếm đánh nhau ở sông Amur và Ussuri
phía đông bắc. Trong năm 1979, Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình tấn
công Việt Nam để “dạy cho Hà Nội một bài học”.

Đáng khen cho Trung Quốc và đáng làm cho các nước châu Á nhẹ
nhỏm, vào những năm 1980 Bắc Kinh đã theo đuổi một chính sách đối
ngoại mới của “những nụ cười về mọi phía”, mà họ gọi là một “chính
sách hòa bình và độc lập.”Không tiến hành thêm chiến tranh sau năm
1979, Bắc Kinh nhanh chóng làm dịu các mối quan hệ với Liên Xô, hàn
gắn hàng rào bị vỡ với Indonesia, bất ngờ công nhận Hàn Quốc và nhét
khăn vào cổ họng giận dữ của Bắc Triều Tiên, thiết lập và chia sẻ nhiệm
vụ người canh cổng với Moscow ở Trung Á, tham gia sinh hoạt các tổ
chức quốc tế hàng tháng, và cuối cùng trở nên dính chặt với Hoa Kỳ
(ngoại trừ trong mối quan hệ quân sự) hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử
Trung Quốc. Trong một sự thay đổi rất nổi bật từ những cái đã là đúng
đối với hầu hết lịch sử của CHNDTQ, Bắc Kinh ngày nay không có kẻ
thù.
Sự thận trọng chờ thời vẫn đang tiếp tục. Trong các cuộc đàm phán
sáu bên đang diễn ra hiện nay (Bài này đăng năm 2005 - Người dịch) về
bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh với kiểu cách mập mờ, đang theo đuổi một
chính sách (không nằm trong lợi ích của Mỹ) gìn giữ hòa bình bằng cách
bám vào tình trạng hiện hữu. Một đất nước Triều Tiên bị chia cắt, dù
vẫn tiếp tục với những quay cuồng sởn tóc gáy trong chính sách của Bình
Nhưỡng, sẽ tốt cho Trung Quốc hơn là một Triều Tiên thống nhất với
định hướng khó tiên đoán. Ở Trung Á cũng vậy, Bắc Kinh chỉ chọn “các
cuộc đàm phán”về phân định cắm mốc biên giới và về các vấn đề “ly
khai”đùng đẩy các vấn đề xuống dưới thảm và duy trì nguyên trạng.
Khi bước sang thế kỷ 21 thì rõ ràng là Bắc Kinh đã không còn theo
chính sách “những nụ cười về mọi phía”, họ đổi sang đặt định nền móng
cho một phiên bản Trung Quốc của Học thuyết Monroe ở Đông Á. Mục
tiêu thứ tư này của Trung Quốc tất nhiên là không được nói ra. Trung
Quốc cố thay thế Mỹ trong vai trò gây ảnh hưởng chính yếu ở Đông Á.
Thật không may, các dự án do Washington cầm đầu ở Afghanistan và
Iraq có thể đã làm cho chính quyền của Tổng thống Bush và công chúng
Mỹ quên để ý sự chuẩn bị mà Bắc Kinh đang tiến hành cho sự thống trị
trong tương lai. Đáng lẽ Mỹ phải chú tâm sát sao tới những động thái
này.
Mục tiêu thứ tư dựa vào uy tín lên cao của Trung Quốc do không bị
xáo trộn bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998,
và vào sự thành công kinh tế trong hai thập kỷ của nước này. Cụ thể hơn,
dù vẫn là tiêu cực, chủ đích của Trung Quốc trở nên khá rõ ràng. Trên
một ít vấn đề toàn cầu mà các lợi ích Trung Quốc và Mỹ trùng hợp, hoặc
Bắc Kinh không thể chống lại một cách có hiệu quả chính sách của Mỹ,
thì hoặc họ sẽ đi theo Mỹ, hoặc “bỏ phiếu vắng mặt”, hoặc phản đối
Washington một cách yếu ớt. Nhưng ở châu Á, các nhà lãnh đạo Trung
Quốc đang làm nhiều thứ để làm nãn lòng và loại Mỹ ra ngòai. Họ tìm
cách chèn một cây nêm giữa Nhật Bản và Mỹ trong mọi cơ hội. Họ thì
thầm trong tai Australia rằng sẽ tốt cho Canberra hơn nếu chỉ nhìn Châu
Á chứ không nhìn qua bên kia Thái Bình Dương. Trong tháng mười hai
(năm 2005, chú thích của người dịch), một cột mốc quan trọng là ở hội
nghị thượng đỉnh Đông Á họp tại Malaysia mà không có đại diện của
Mỹ, một phần vì áp lực của Trung Quốc. Bắc Kinh coi hội nghị thượng
đỉnh này như một bước tiến tới hình thành một tổ chức khu vực Đông Á
không bao gồm Mỹ.
Trên diễn trường Đông Nam Á, có thể nghe không nhầm lẫn khúc dạo
đầu một Học thuyết Monroe Trung Quốc ở Myanmar và ở nhiều nước
khác. Myanmar nhận được viện trợ đáng kể của Trung Quốc, bao gồm cả
kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Các nhà lãnh đạo
Myanmar lo ngại việc Hán hóa ở miền bắc Myanmar, nơi mà người gốc
Hán sống và buôn bán. Nhưng cũng giống như nước Myanmar chư hầu
ngày xưa phải triều cống cho thiên triều Trung Quốc trong nhiều thế kỷ,
những nụ cười với Bắc Kinh là một chính sách bảo hiểm cho Myanmar.
Kết quả là Myanmar đã bước vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc như
Lào hiện nay. Thái Lan và thậm chí Malaysia có thể là các ứng viên
trong tương lai.
Trong khi ấy, Bắc Kinh vun quén một nhận thức về Trung Quốc như
một nước ngang bằng với Mỹ - mục tiêu quý giá thứ năm. Hãy xem
chuyến viếng thăm Mỹ của Giang Trạch Dân năm 1997. Tờ New York
Times tường thuật “Các nhà đàm phán Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm nói
rằng họ bối rối về cách mà các đối tác Trung Quốc của họ dường như tỏ
ra coi trọng quá mức các chi tiết về nghi thức và biểu tượng.”Những thứ
này bao gồm kích thước và màu sắc của thảm, vị trí trong các bức ảnh sẽ
chụp của ông Giang, của biểu tượng Veritas của Đại học Harvard và
chuông Tự Do của Philadelphia, và kiểu dáng và mẫu mã các cà vạt của
Giang Trạch Dân và Tổng thống Clinton sẽ mang. Tất cả các chi tiết đó
đã được dàn dựng để làm nổi thêm hình ảnh Trung Quốc là ngang hàng
với Mỹ. Sau chuyến viếng thăm, một xã luận của tờ (New York)
Times chắc đã làm phấn khởi Bắc Kinh: “[Ông Giang] đã dùng sự xuất
hiện của ông với ông Clinton để tự thể hiện mình như một chính khách
có thể gặp gỡ một cách ngang hàng với nhà lãnh đạo của quốc gia giàu
nhất và mạnh nhất thế giới.”
Năm sau đó, Clinton đi Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng lặp lại bài bản
tương tự cố đánh ra cú đấm vượt quá hạng cân của mình. Đàm phán
quyết liệt để cho Clinton không ghé qua Nhật trên đường đi - một cách
để cho thấy đó chính là chuyến thăm Trung Quốc chứ không phải nước
nào khác - và kéo dài chuyến thăm này thành tám ngày để nó có thể hơn
bảy ngày lịch sử ma Nixon đã dành ở Trung Quốc vào năm 1972. Trong
một bài phát biểu mật sau chuyến thăm này, Thủ tướng Trung Quốc bày
tỏ sự hài lòng rằng Clinton “không dừng chân tại Nhật Bản trên đường
đến Trung Quốc... với kết quả là Nhật Bản đã bị mất mặt.”Báo chí chính
thức Trung Quốc chộp ngay lấy bất kỳ mảnh bình luận từ bên ngoài
Trung Quốc cho rằng Clinton và Giang Trạch Dân đã gặp nhau như hai
lãnh đạo ngang bằng. Họ tuyên bố rằng “hai nhà lãnh đạo cùng với nhau”
(quên đi châu Âu, Nhật Bản, và Ấn Độ) đã làm Châu Á “ổn định hơn”và
“thế giới hòa bình hơn”.
Mục tiêu thứ sáu của chính sách ngọai giao Trung Quốc là “lấy lại”
những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh cho là theo đúng lẽ thì thuộc về
CHNDTQ. Danh sách các vùng lãnh thổ mà họ cho là như vậy gồm từ
những khu vực mà họ công khai tuyên bố là của họ cho đến những khu
vực mà họ bí mật hi vọng sẽ có ngày chiếm đọat. Danh sách ấy gồm Đài
Loan và một số lớn các đảo trong vùng biển Hoàng Hải, biển Nam Trung
Hoa (Biển Đông), và Biển Đông Trung Hoa. Trong trường hợp Đài
Loan, Bắc Kinh đang chờ đợi một thời cơ kết hợp diễn biến thuận lợi
(theo Bắc Kinh) trong chính trị nội bộ Đài Loan, sự mệt mỏi của Mỹ do
căng thẳng hỗ trợ Đài Loan, khả năng lớn hơn của Trung Quốc vận
chuyển binh lính và trang thiết bị nhanh chóng vượt qua eo biển Đài
Loan rộng 100 dặm, và một Nhật Bản dễ uốn theo mong muốn của
Trung Quốc hơn hiện nay. Trong trường hợp quần đảoTrường Sa, trải dài
qua các tuyến đường biển rất quan trọng ở Đông Nam Á và có yêu sách
chủ quyền từng phần của sáu quốc gia, Bắc Kinh đang chờ đợi đủ năng
lực hải quân để “khôi phục lại”quyền kiểm soát các đảo về cơ bản là
không có người ở nhưng giàu dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác này.
Không ít người Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, và Ấn Độ cũng dự kiến
rằng Trung Quốc, khi có thể, sẽ đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với một số
phần của lãnh thổ của họ có lần thuộc Trung Quốc khi xưa.
Về khát vọng của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ trên sườn phía
bắc của họ, Mao đã nói điều này vào năm 1964: “Khu vực phía đông của
hồ Baikal là của chúng ta đã trở thành lãnh thổ của Nga khoảng 100 năm
trước đây và kể từ đó Vladivostok, Khabarovsk, Kamchatka, và các khu
vực khác cũng là lãnh thổ của Liên Xô. Chúng ta chưa đưa ra chứng cứ
của chúng ta về danh sách này. Chúng ta có thể đưa ra chứng cứ khi
đúng lúc.”Đến năm 1973, Mao kéo dài thêm danh sách các vùng lãnh
thổ ông cảm thấy đã bị Moscow đánh cắp. Trong một cuộc trò chuyện về
các chủ đề khác với Ngoại trưởng Henry Kissinger, đột nhiên ông than
phiền “Liên bang Xô viết đã xẻo bớt của Trung Quốc một triệu rưởi
kilomét vuông.”Trong những năm 1960 và 1970, cũng đảng Cộng sản
hiện cầm quyền ở Bắc Kinh đã tuyên bố nhiều phần của Kazakhstan,
Tajikistan và Kyrgyzstan ngày nay là các bộ phận của lãnh thổ Trung
Quốc. Nếu sự nắm giữ của Nga đối với vùng Viễn Đông yếu đi, và sự
qua lại của người Trung Quốc sống và buôn bán trong các khu vực biên
giới tiếp tục, Trung Quốc có thể “đưa ra chứng cứ chủ quyền”đối với
một phần của Siberia.

Chẳng phải lúc nào một cường quốc đang lên cũng đạt được mục tiêu
của mình. Đối với các quốc gia chuyên chế thời hiện đại, những thành
công của họ hầu hết đều ngắn ngủi. Các mục tiêu của cả ba cường quốc
phát xít gây ra Chiến tranh thế giới II, đã đột ngột bị dập tắt năm 1945,
và các mục tiêu đối ngoại của khối Xô Viết cũng đã biến mất không còn
dấu vết sau năm 1991. Tôi tin rằng Trung Quốc có sẽ đạt được sáu mục
tiêu của chính sách đối ngoại của họ hay không là tùy thuộc vào hệ thống
chính trị của họ và vào phản ứng của các cường quốc khác sẽ là thế nàđối
với những tham vọng của nước ấy.
Màn kịch trong tương lai cận kề của Trung Quốc có thể sẽ diễn ra
chẳng phải trong quan hệ đối ngoại nhưng ở trong nước: Đòi hỏi của của
giới trung lưu đối với quyền sở hữu, sự bất mãn ở nông thôn, Internet,
150 triệu người thất nghiệp lang thang giữa làng mạc và thành phố, và
một dân số thình lình lão hóa đang gây ra những căng thẳng tài chính và
xã hội, sẽ kịch tính hoá một số những mâu thuẫn của “chủ nghĩa Lenin
thị trường.”Đi một đường trong kinh tế và một đường khác trong chính
trị gây ra khó khăn trong việc đi tới một điểm đích quy định. Cách thức
mà Trung Quốc giải quyết các mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế của họ
sẽ xác định mức độ mạnh mẽ như thế nào vai trò mà họ sẽ giữ trên thế
giới.
Sự trỗi dậy hiện nay của Trung Quốc, giống như sự nổi lên của Đức
và Nhật cuối thế kỷ 19, thể hiện cao vọng, lòng bất bình, và chủ nghĩa
dân tộc cao độ. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các quốc gia có nhiều hậu quả
khác nhau. Chẳng hạn Vương quốc Anh cuối cùng chấp nhận một cách
bình thản sự trỗi dậy của Mỹ ở Tây bán cầu. Ngược lại, sự trỗi dậy của
Đức và Nhật Bản kết thúc bằng hai cuộc chiến tranh thế giới và sự hủy
diệt hệ thống chính trị ở hai nước này - thay thế bằng các chính thể hoàn
toàn mới và cách hành xử quốc tế hoàn toàn mới. Dân chủ, chứ không
phải những đặc điểm văn minh hoặc bất kỳ sự khác biệt to lớn về tầm
mức kinh tế quốc gia hiện nay so với những năm 1930, là lý do Đức và
Nhật Bản đã trở thành cường quốc hành xử đàng hoàng trong thời đại
chúng ta. Dù có ảnh hưởng to lớn, cả hai đều không là mối đe dọa cho
các nước khác như trước đây. Vai trò tương lai của Trung Quốc trên thế
giới sẽ được định đọat phần lớn bởi những gì xảy ra với hệ thống chính
trị lỗi thời của nước này trong hai thập kỷ sắp đến
Đôi khi ta quên rằng bất cứ ở đâu, khi nào, việc thăng được lên vị trí
bá chủ mới luôn luôn cần ba yếu tố: Một là ý muốn trở thành số một của
cường quốc đang lên, hai là khả năng đạt được mục tiêu đó, và ba là sự
chấp nhận cường quốc ấy về phía những nước chịu ảnh hưởng. Bắc Kinh
có ý muốn. Khả năng thì chưa rõ là có vượt ngoài tầm của họ hay không.
Nhưng liệu những nước ngòai Trung Quốc có chấp nhận họ chăng?
Đông Á vẫn còn giữ ký ức về Vương triều Trung tâm (Trung Quốc).
Mỗi người Việt Nam và Hàn Quốc đều biết thái độ ngạo mạn lâu đời của
triều đình Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Tốt hoặc xấu,
khoảng 60 triệu người Hoa đang cư trú ở Đông Á bên ngoài CHNDTQ,
nhắc nhở Indonesia, Philippines, Malaysia, và các nước chủ nhà khác về
sự ưu việt của văn minh Trung Quốc trong khu vực; trong một số trường
hợp, tình trạng sống chung vẫn còn căng thẳng. Một nửa dân số Đài Loan
chống đối thẳng thừng ý định của Bắc Kinh “tái lập”sự cai trị hòn đảo
của họ, theo các cuộc thăm dò; trong một cuộc khảo sát năm 2002, 38%
coi mình như là người Đài Loan, 8% như người Hoa, 50% như là cả hai.
Trung Quốc đã qua nhiều thập kỷ tự xưng là nạn nhân: “bị cạo khóet
giống như một quả dưa”sau chiến tranh Nha phiến, bị bắt nạt bởi các “đế
quốc”phương Tây, vân vân.... Thành công ban đầu của họ như một nước
bá quyền sẽ nhanh chóng đặt ra những vấn đề về diện mạo của họ cũng
như nhiều hậu quả thực tế. Trung Quốc sẽ phát giác, như Mỹ đã đau đớn
phát giác, rằng một chúa tể mới lên của rừng xanh sẽ bị các vết cắn của
những con thú khác vừa bị đẩy ra ngòai. Một nước Nhật nhìn thấy Trung
Quốc áng Mỹ - một đồng minh chính của Nhật, một nước mà ưu thế
hàng đầu trong khu vực Đông Á đã khiến Nhật kềm chế trong sáu thập
kỷ - chắc chắn sẽ thách thức Trung Quốc. Một lần nữa, như trong năm
thập kỷ sau năm 1894, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giành giật nhau - và
có thể đánh nhau - để kiểm soát khu vực này.
Một Trung Quốc chuyên chế - lo lắng về khả năng kiểm soát chính
người Trung Quốc và không nắm giữ một cách thoải mái bán đế quốc
“phi Hán”ngay chính trong lãnh thổ của họ - sẽ có thể thiếu sự hấp dẫn
đạo đức để lãnh đạo châu Á. Có thể lý luận rằng đế quốc Trung Quốc
xưa, trong nhiều thế kỷ đã qua, là một thế lực ổn định, nhưng trong thế
kỷ 21, bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc nhằm mở rộng đế quốc
của họ, hoặc chỉ để tiếp tục dài lâu các lĩnh vực đa quốc gia hiện tại của
họ, có lắm khả năng gây bất ổn.
Ở Liên Xô, đã có một liên hệ chặt chẽ giữa “đế quốc”và “chuyên
chính cộng sản”. Ở Trung Quốc cũng có một gắn kết tương tự. Cũng
như Nga, Trung Quốc là một mãnh đất rộng không có một đế quốc
nhưng là một đế quốc. Sự tan rã của Liên Xô kết thúc Chiến tranh Lạnh
cũng như làm nứt vở sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản ở
Moscow. Điều Zbigniew Brzezinski nói về Moscow cũng đúng cho cả
Bắc Kinh: “Nga có thể là một đế quốc hay một nền dân chủ, nhưng
không thể là cả hai.”
Moscow, dưới áp lực, đang xác định lại những lợi ích quốc gia của ho,
khi họ để lại sau lưng nhiều thập kỷ là đế quốc cộng sản. Trung Quốc
hầu như mới chập chững bắt đầu tiến trình này. Các nhà lãnh đạo Trung
Quốc phải tự hỏi xem họ có thể cai trị suông sẻ một xã hội khác biệt với
Trung Quốc như Đài Loan ngày nay hay không. Họ có thể nên cân nhắc
liệu để cho Tây Tạng như là một nhà nước liên kết với Trung Quốc -
chắc chắn là dưới cái bóng của Trung Quốc, nhưng có chủ quyền - có thể
là tốt hơn so với sự căng thẳng dai dẳng giữa Lhasa và Bắc Kinh như nay
hay không. Những câu hỏi này chưa được nêu ra bởi vì Trung Quốc vẫn
còn trong quá trình chuyển đổi từ đế quốc cộng sản sang quốc gia hiện
đại, và còn bị giằng co giữa những gì họ muốn và những gì họ thực sự
cần. Các huyền thoại quốc gia (một “Trung Quốc nạn nhân”) đúng là lý
thú; nhưng sự mời gọi của lợi ích quốc gia (một “Trung Quốc thịnh
vượng”) có vẻ hấp dẫn hơn.
Còn nhiều vấn đề nữa về khả năng của Trung Quốc trở thành một bá
quyền toàn cầu. Bắc Kinh hiện nay không thể phóng sức mạnh của họ ra
xa; trong thảm họa sóng thần tháng 12 năm 2004 họ đã không thể làm
như vậy, ngay cả tới Nam và Đông Nam Á. Nhiều vấn đề chắc chắn sẽ
phát sinh ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, bắt đầu với ngôn ngữ và bao
gồm cả chủng tộc và tôn giáo rồi văn hóa, nếu Trung Quốc tìm cách để
có tác động ở những khu vực mà châu Âu và Mỹ đã có ảnh hưởng. Ngoài
ra còn nhiều nghi ngờ rằng liệu Trung Quốc có đủ trang bị về mặt triết lý
cho sự thống trị thế giới theo cách mà nước Anh đã từng hưởng qua sức
mạnh trên biển, hoặc theo cách Mỹ hiện đang hưởng dựa trên các giao
dịch kinh doanh, sức mạnh quân sự, văn hóa đại chúng, và những ý niệm
về thị trường tự do và dân chủ. Ý thức về sức mạnh của chủ nghĩa Mao
chắc chắn là mạnh mẽ, giống như ý thức về “sứ mệnh”của người Anh-
Mỹ phát xuất từ đạo Tin Lành. Nhưng, nếu không có sự bén nhọn của
chủ nghĩa cộng sản thì chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thiếu một thông
điệp cho thế giới. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush rõ
ràng là có một thông điệp, ngay khi nó hầu như không thuyết phục đuợc
ai không phải là Mỹ. CHNDTQ hiện nay chẳng có thông điệp nào, nhưng
rất chuyên tâm trong việc kiểm soát trong nước và tham vọng có một bầu
ảnh hưởng.
Tôi nói về Trung Quốc như một nước có tham vọng. Nhưng có sẽ tốt
hơn cho Trung Quốc nếu họ là một cường quốc bảo thủ? Mỗi mệnh đề
đều có những người nhiệt tình ủng hộ, nhưng cả hai có một mối quan hệ
âm dương. Các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh thì ai cũng thấy rõ
ràng và là độc nhất trong các cường quốc ngày nay. Tuy nhiên, chế độ
Bắc Kinh, tuy là chế độ độc tài, là một chế độ độc tài có lý trí. Họ biết
đếm các con số. Họ thường kiên nhẫn trong việc thực hiện các mục tiêu
của mình. Được trang bị với một lực lượng nòng cốt ngày càng nhiều
quan chức trẻ, được đào tạo bài bản, Bắc Kinh ngày nay không như các
triều đình nhà Minh và nhà Thanh xưa, lừa mị chính mình bằng những
hư cấu đẹp đẽ để che giấu sự cách biệt giữa thực tế và thế giới quan ưa
thích của Trung Quốc. Tóm lại, Trung Quốc là một cường quốc đầy tham
vọng, nếu phải chạm mặt với sức mạnh đối kháng, sẽ hành động thận
trọng trong chiến lược dài hạn của họ. Họ biết chắc có một danh sách
đáng nễ gồm các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ ... có
nhiều lý do để từ chối cho Trung Quốc cơ hội làm Vương quốc Trung
tâm của thế kỷ 21. Trung Quốc không phải là yếu như họ dường như thế
khi còn là “một con bệnh của Châu Á.”Quốc gia này có thể cũng không
mạnh mẽ một cách bền vững như họ có vẻ hiện nay đối với những người
sợ hãi hay chiêm ngưỡng họ.
---------------------------

Compiled by Tran Ho Dung