Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngôn ngữ và quyền lực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngôn ngữ và quyền lực. Hiển thị tất cả bài đăng

28/6/07

Ngôn ngữ và quyền lực

Nguyễn Hoàng Văn
Ngôn ngữ và quyền lực

Năm 1963, trong cuộc hội thảo về “Tiếng Việt trên sách báo” tại trụ sở báo Nhân Dân, ông Phạm Văn Đồng, trong vai trò đồng chủ tọa, đã vội vã đứng dậy chắp hai tay vái, cắt ngang, không cho ông Nguyễn Tài Cẩn kịp nói hết câu. Có người đề cập đến cái sai của từ “trụ sở” trên sách báo và, nửa đùa nửa thật, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng đề nghị ông thủ tướng nổi tiếng hãy ra một chỉ thị để, vì sự trong sáng của tiếng Việt, buộc tất cả phải dùng từ “trú sở”. Kể lại chuyện này, nhà ngôn ngữ học Hoàng Phê nhận xét: “Một thái độ rất thân mật, bình dân ở một vị Thủ tướng; một lời ngắn gọn và giản dị, chứa đựng một ý kiến sâu sắc, dứt khoát: ngôn ngữ thuộc vào loại vấn đề không thể giải quyết đơn giản bằng quyền lực.” [1]

Có thực là quyền lực không thể “giải quyết” được chuyện gì của ngôn ngữ cả hay không? Đâu hơn hai mươi hai thế kỷ trước, bằng quyền lực tuyệt đối của mình, Tần Thủy Hoàng đã chiếm chữ “trẫm” làm của riêng khiến cho ngôn ngữ xưng hô của người Trung Quốc thay đổi hẳn, tới tận hôm nay [2] . Đâu hơn nửa thế kỷ trước, bằng quyền lực tuyệt đối của mình, nền chuyên chính vô sản mới hình thành đã tước đoạt quyền “phản động” của những cá nhân hay tập thể không cùng nhìn về một hướng để biến cái danh từ hay động từ bình thường này thành một tính từ đầy những ám ảnh chết chóc. Ông Phạm Văn Đồng không tin vào quyền lực thế nhưng mớ sách báo trong đề tài bàn bạc kia lại hàm ý quyền lực. Sách báo của hệ thống toàn trị, chủ yếu, là những sản phẩm tuyên truyền. Như những sản phẩm tuyên truyền, những tiêu chí ngôn ngữ và thẩm mỹ sẽ bị nhiễu xạ dưới sức nặng của những thước đo chính trị. Là những thước đo chính trị, những sản phẩm tuyên truyền toàn trị đó sẽ hệ thống hóa những nhiễu xạ hay nhầm lẫn ngôn ngữ, củng cố chỗ đứng của chúng, rồi chuẩn hóa chúng và nâng chúng lên một thứ bậc “trong sáng” mới.

Ông thủ tướng không dám can thiệp thế nhưng, lòng vòng, cách này hay cách khác, ông vẫn đều đều can thiệp. Việc ông ta tham gia chủ trì cuộc hội thảo nói trên là một thí dụ. Việc ông ta, ba năm sau, khi chiến cuộc lan tới miền Bắc theo những chùm bom Mỹ, lại đứng ra chủ trì hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, là một thí dụ. Rồi mười ba năm sau đó nữa, năm 1979, giữa cảnh đói nghèo trong cô lập và căng thẳng trong cuộc chiến chống bành trướng, việc ông ta không chỉ đến để đọc diễn văn khai mạc và chỉ đạo cho một hội nghị tương tự mà còn tận tình tham dự cả quá trình chuẩn bị trước đó, cũng là một thí dụ [3] . Không trực tiếp can thiệp mà cứ lòng vòng can thiệp, một cách say mê, lần này đến lần khác, cả trong những tình huống ngặt nghèo nhất, thế là thế nào?

Vấn đề ngôn ngữ học, như vậy, có cái gì đó hao hao với vấn đề kinh tế học. Trong kinh tế, nếu chúng ta hướng tới một sự phát triển “vững bền” thì trong ngôn ngữ, ai cũng mong mỏi một chiều hướng tương tự [4] . Ngôn ngữ không thể giẫm chân tại chỗ mà phải phát triển. Vấn đề là làm sao để ngăn chặn sự bùng phát quá lố. Ở mọi mặt, xã hội đang rướn mình thay đổi. Từ kinh tế đến chính trị, từ thời trang của con mắt đến thời trang của lỗ tai, từ thời trang của con tim đến thời trang của bộ óc, cái gì cũng dồn dập thay đổi thì ngôn ngữ phải chuyển mình để đáp ứng với một kho tàng từ vựng giàu có hơn và những hình thái biểu đạt phong phú hơn. Cũng như sự phát triển ở bất cứ lĩnh vực nào, vấn đề cần đặt ra là sự tiết chế, điều hòa. Tiết chế một nền kinh tế có nghĩa là can thiệp vào sự phát triển của nền kinh tế đó, bằng quyền lực chính trị. “Điều hòa” một ngôn ngữ có nghĩa là can thiệp vào sự trương nở của nó, bằng quyền lực chuyên môn. Và nếu kinh tế học tồn tại hai khuynh hướng đối chọi chính ở chủ trương nên hay không nên can thiệp thì, cả với chủ trương không can thiệp, cái mô thức thả nổi mang tên “laissez-faire” vẫn thể hiện những dấu ấn can thiệp nào đó: chính thiết chế quyền lực, bằng những lề luật của mình, đã bảo đảm cho sự hữu hiệu của “bàn tay vô hình” [5] . Vấn đề là làm sao để sự can thiệp không bóp méo những quy luật của thị trường, cái quy luật bao hàm cả yếu tố tiêu thụ như là những chọn lựa của xã hội, cộng đồng. Như có thể thấy từ những nền kinh tế can thiệp tuyệt đối kiểu Maoist hay Stalinist, khi mà những tiêu chí của khoa học kinh tế bị bóp méo bởi những tiêu chí chính trị duy ý chí thì kết cục sẽ là một sự phát triển què quặt và giả tạo để rồi đóng lại với một dấu chấm hết xơ xác trong tình trạng khủng hoảng hay phá sản. Ngôn ngữ, trong một chừng mực nào đó, cũng thế. Ngôn ngữ hình thành và phát triển như là những chọn lựa mang tính cộng đồng. Có chấp nhận những tiêu chí của ngôn ngữ, xã hội đã chấp nhận theo sự hướng dẫn của những giá trị tinh hoa thể hiện ở những lối nói và lối viết đặc thù trong những tác phẩm tinh hoa. Thế nhưng khi những tiêu chí ngôn ngữ ấy bị thao túng bởi những quyền lực duy ý chí thì hậu quả sẽ là những biến dị méo mó và nhiễu loạn [6] .

Thử bắt đầu với chữ “phản động” đã nói ở trên, như một thí dụ. Năm 1931, khi Đào Duy Anh xuất bản Hán Việt từ điển thì “phản động” chỉ là “hành động, hoặc vận hành trái lại”. Năm 1949, khi Hoàng Xuân Hãn cho xuất bản Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao và tông giáo đời Lý, “phản động” vẫn bình thường như thế với một chương đoạn mang tên “Phản động của Vương An Thạch”. Nói theo định luật thứ ba của Isaac Newton, “For every action there is an equal and opposite reaction”, nếu Lý Thường Kiệt viện cớ sự khốn đốn của người dân nước Tống trước những cải cách mang tên “tân pháp” để “cứu giúp” bằng cách đưa đại quân sang đánh úp Khâm Châu và Ung Châu thì Vương An Thạch, như là người đề xướng tân pháp, cũng phải có những “phản động” nào đó chứ [7] ? Từ một “phản động” như thế cho đến thứ “phản động” hãi hùng của những năm sau đó là một sự biến nghĩa khá xa và tiếng Việt có không ít trường hợp như thế. Từ “bọn, lũ” nghĩa sĩ đã bỏ mình vì nước trong bài văn tế nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu cho đến “bọn” bành trướng bá quyền ở Bắc Kinh hay “bè lũ” diệt chủng ở Nam Vang là một sự biến nghĩa khá xa [8] . Từ sự “khốn nạn” của một Đào Duy Anh vào đầu thập niên 30 trước “sự thiếu thốn tự điển” cho đến sự “khốn nạn” của những nhân vật bị đời phỉ nhổ trong các tuồng cải lương rẻ tiền hôm nay cũng là một sự biến nghĩa khá xa [9] . Cũng “khốn nạn”, hiểu theo định nghĩa của Đào Duy Anh, vì sự thiếu thốn tài liệu, chúng ta khó hình dung được những bước biến nghĩa này nhưng với riêng một từ ngữ mang nặng dấu vết quyền lực chính trị như là “phản động” thì sự thể chẳng có gì khó hiểu. Cái hệ thống toàn trị mang tên chuyên chính vô sản ấy chẳng thể nào chấp nhận được những phản ứng trái chiều nên, bằng mọi giá, phải biến những phản ứng như thế thành cái gì đó đen tối, xấu xa, rất là phản tiến bộ, cần phải loại trừ. “Phản động”, như thế, đã trở thành cái tính từ đen tối trong cụm từ “thế lực phản động đội lốt tôn giáo” mà ông Trường Chinh đã sử dụng trong bài viết “Sửa sai và tiến lên” trên tạp chí Học Tập năm 1956 [10] .

Chữ “Việt kiều” gây tranh cãi trong thời gần đây cũng là một trường hợp thú vị. Cho dù danh từ ấy không thể hiện dấu vết “triệt để” của nền chuyên chính vô sản thì, qua sự phổ biến rộng rãi của nó, vẫn có thể thấy được bóng dáng quyền lực của hệ thống tuyên truyền toàn trị [11] .

Tần số xuất hiện của danh từ này, nếu tôi nhớ không lầm, đã vọt lên mức cao nhất ở cái thời bừng tỉnh mở mắt hướng ngoại từ giữa thập niên 80 của thế kỷ 20 theo các chiến dịch tuyên truyền màu mè nhắm vào khối người Việt định cư ở nước ngoài trên hệ thống truyền thông. Cho dù hiện tại Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ có “Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài” chứ không hề có “Ủy ban Việt kiều” thì “Việt kiều” vẫn trăm hoa đua nở như một danh xưng chính thức. Nếu “kiều”, theo Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển, là “ở đậu”; và nếu “kiều”, theo Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, trong Việt Nam tự điển, là “ngụ, tạm-trú” như “Huê-kiều”, “Ấn-kiều”, “Pháp-kiều”, “ngoại -kiều”, hay “Việt-kiều hải-ngoại” thì tại sao phải gọi những người Việt không hề “tạm trú” hay “ở đậu” ở đâu cả là “Việt kiều” [12] ? Nếu đã gọi những người Hoa hay Pháp không mang quốc tịch Việt, đang “ở đậu” tại đất Việt là Hoa kiều hay Pháp kiều thì, lẽ ra, chữ “Việt kiều” phải dành cho những chính phủ ngoại quốc một khi họ muốn dùng tiếng Việt để chỉ những người Việt chưa nhập tịch, chỉ “ở đậu” trên lãnh thổ của họ chứ? Thế nhưng, đã nói, đó là một chiến dịch vận động, tuyên truyền. Mà tuyên truyền lại là một trò quảng cáo chính trị. Chính trị là để được việc. Quảng cáo là để lọt lỗ tai. Cái người ta cần là những gì sẵn có, vừa gọn, vừa thuận tai lại vừa dễ lập lại nên chẳng có gì khó hiểu khi “Việt kiều” trở thành một chọn lựa tối ưu và, cho dù đây đó vẫn có người kêu ca nhưng, theo cái đà này, một ngày nào đó, chọn lựa này sẽ đường hoàng đi vào những pho từ điển chính thống. Nó sẽ đường hoàng đi vào như cái từ “trụ sở” đã đi vào trước sự e dè của những nhà ngôn ngữ học một thời. Nó cũng sẽ đường hoàng đi vào như là “dân tộc” hay “khuất tất”, những từ ngữ tuy không mới nhưng phải è cổ ra tròng thêm nghĩa mới.

Nếu “dân tộc”, trong danh xưng chính thống của những cơ quan chính phủ như “Ủy ban Dân tộc” ở cấp trung ương hay “Ban Dân tộc” ở cấp địa phương, phải tải thêm một nghĩa mới có phần phụ như là “dân tộc thiểu số” thì trường hợp của “khuất tất” hoàn toàn khác [13] . Trường hợp của “khuất tất” xem ra thú vị hơn nhiều khi phải tròng lên vai một nghĩa chính hoàn toàn lạc điệu. “Khuất tất” là cong cái đầu gối lại và, do đó, ngụ ý sự khuất phục hay luồn lọt, nịnh hót, kiểu “Ta là người tráng sĩ đầu đội trời chân đạp đất, há chịu khuất tất trước cường quyền!”. Thế nhưng bây giờ thì “khuất tất” đã... khuất tất trước hệ thống báo chí toàn trị để đeo đuổi cái sứ mạng thời thượng mang tên “chống tiêu cực” của thời đổi mới. Xuất hiện với tần số khá cao trên hệ thống báo chí thời đổi mới, “khuất tất” đã bị nhầm lẫn như là một biến tấu của “khuất khúc”, “khuất lấp” hay “uẩn khúc” và như thế, từ ý nghĩa ban đầu đi đến ý nghĩa “mờ ám”, “đáng ngờ vực” thịnh hành của hiện tại, chúng ta nên gọi sự biến dịch này là gì nếu không phải là một sự méo mó hay nhiễu loạn? Bất chấp sự kêu gào của những nhà ngôn ngữ học, hệ thống báo chí toàn trị đã củng cố chỗ đứng của nó, chuẩn hóa nó, biến nó thành một thứ “tiếng Việt trong sáng” mới với sự thừa nhận chính thức của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam trong ấn bản lần thứ 10 của Từ điển tiếng Việt [14] . Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, như thế, đã thua đội quân báo chí Việt Nam. Thua, cũng như tiền thân của nó đã từng thua với “trú sở” trong thập niên 60. Và nó đã thua như là sự đầu hàng và bất lực của quyền lực chuyên môn trước quyền lực của bộ máy tuyên truyền chính trị. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà trường đại học chuyên về báo chí của Việt Nam cũng lại là nơi chuyên về kỹ thuật tuyên truyền: Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhưng không chỉ là hệ thống quyền lực toàn trị. Nếu xã hội là một hệ thống mẹ bao hàm nhiều hệ thống cấu trúc con thì, bất kể ở đâu, khi mà quyền lực can dự vào ngôn ngữ riêng của hệ thống, ít hay nhiều, ngôn ngữ của hệ thống đó cũng bộc lộ những dấu hiệu méo mó và nhiễu loạn.

Như ngôn ngữ võ thuật, chẳng hạn. Nói đến võ thuật là nói đến tôn ti đẳng cấp thế nhưng ngôn ngữ đẳng cấp của nhiều môn phái võ thuật hoạt động ở Việt Nam là một thứ ngôn ngữ rất là phi đẳng cấp. Phải qua “đệ nhất đẳng huyền đai” mới lên “đệ nhị đẳng huyền đai”. Phải được công nhận là “đệ tam đẳng” thì mới mon men đến với “đệ tứ đẳng”. Cứ như thế, càng nhiều càng cao và hầu như ai cũng yên tâm như thế để đến một lúc nào đó giật mình choáng váng bởi “đệ nhất danh ca” thì phải ăn đứt “đệ nhị danh ca” và “đệ nhất phó thủ tướng” ắt phải nhiều quyền hạn hơn là “đệ nhị phó thủ tướng”, mà cả diễn ngôn võ hiệp cũng thế khi bậc cao thủ mệnh danh “thiên hạ đệ nhất kiếm” nhất định phải cao cường hơn hẳn tay gươm “đệ nhị” của giang hồ. Thế là thế nào? Một hệ thống đẳng cấp hoàn toàn điên đảo như thế đã hoàn toàn không có lấy sự chính danh. Mà, có khi, ngay cả danh xưng cũng chẳng được chính danh, như cái tên Hán - Việt lạ lùng của môn phái Taekwondo chẳng hạn. Tôi nhớ, lúc còn nhỏ, sống ở một thị xã nhỏ miền Trung, khi Nam Triều Tiên được gọi là Đại Hàn thì, trong cách nói nôm na của mọi người, đấy chỉ đơn giản là “võ Đại Hàn” bởi sự khai tâm truyền bá của một đơn vị quân đội Đại Hàn. Sau đó, khi những ông thầy Đại Hàn về nước thì tiến trình “Việt hóa” môn phái này mới khởi sự với cuộc cách mạng tên tuổi mà bắt đầu là “Túc quyền đạo” để rồi dừng lại với “Thái cực đạo”, một cái tên nghe rất kêu, rất cao siêu, rất bí hiểm thế nhưng chẳng hề ăn nhập. Taekwondo, đúng như gốc gác và thực chất, là nghệ thuật chiến đấu và tự vệ bằng chân tay, gọi nó là “túc quyền” thì tạm đúng, trong khi đó, “thái cực” là một ý niệm triết học xuất phát từ Trung Hoa, chẳng hề dính dáng gì đến những cú đá và nắm đấm. Tôi thắc mắc và một người biết chuyện bĩu môi, giải thích: “Tại mấy bố. Mấy bố chịu cái hình âm dương thái cực trong cờ Đại Hàn nên mới chọn tên Thái cực”!

“Mấy bố” đây là những “bố” đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật đấm đá kiểu Triều Tiên thời ấy ở Sài Gòn và, vấn đề là, trong khi lẽ ra chỉ làm “bố” trong chuyện đấm đá thôi thì các “bố” lại mon men làm “bố” cả trong việc văn tự. Thế giới võ thuật là thế giới của trật tự và kỷ cương và khi mấy “bố” thích với cái lối phát âm sang trọng đồng thời bí hiểm xuất phát từ cái biểu tượng bí hiểm kia thì đó sẽ là phép tắt kỷ cương. Với bên trong, đó là chuyện kỷ cương mà với bên ngoài, đó lại là chuyện nội bộ nên chẳng có gì lạ khi cái tên chụp giựt ấy trở thành cái tên chính thức. Tương tự, nếu mấy “bố” khoái cái âm Hán Việt sang cả kiểu “đệ nhất” hay “đệ nhị đẳng” thì đó cũng sẽ là chuyện kỷ cương nội bộ để rồi hình thành nên một thứ tôn ti trật tự cực kỳ phi trật tự [15] . Mà không chỉ là mấy “bố” nghề võ, cả mấy “bố” nghề văn cũng thế. Tôi sinh ra và lớn lên ở phía bên này vĩ tuyến 17, thường nghe những người ở phía bên này chê bai, dè bỉu những từ ngữ gọi là “quái đản” hay “kỳ cục” khai sinh từ nền chính trị phía bên kia thế nhưng chẳng mấy ai để ý rằng, ngay ở phía bên này, cũng không thiếu những từ ngữ quái đản và kỳ cục. Như hệ thống học đường một thời, chẳng hạn. Có lẽ mấy “bố” nhà hoạch địch chính sách của Bộ Quốc gia Giáo dục một thời cũng chẳng phải là những người giỏi giang hay cẩn trọng về ngôn ngữ cho lắm nên hệ thống học đường ở miền Nam mới có một thứ thứ bậc điên đảo và... phi tuyến tính như thế. Phải học hết lớp Đệ Nhị thì mới lên lớp Đệ Nhất. Và phải hoàn tất xong “Trung học đệ nhất cấp” thì mới có thể với đến “Trung học đệ nhị cấp”. Quả là không có một hệ thống trật tự nào mỉa mai và vô lý hơn, và càng mỉa mai vô lý hơn khi nó được áp dụng ngay trong hệ thống học đường [16] .

Ngôn ngữ, như thế, đã thể hiện tính chất tùy tiện, chắp vá và đầy mâu thuẫn. Nó tùy tiện, chắp vá và mâu thuẫn với những quy ước hiểu ngầm cũng như hôm nay hệ thống tuyên truyền toàn trị thản nhiên chia đôi nước Triều Tiên thành Bắc Triều Tiên ở phía trên và... Hàn Quốc ở phía dưới. Khi đưa ra những ngôn ngữ quái đản như vậy, chúng ta đã thể hiện những nỗ lực xoay sở theo kiểu giật gấu vá vai chứ không vươn đến sự nhất quán mang tính hệ thống, và, do đó, phải chăng, chúng ta đã bộc lộ những dấu vết của não trạng tiểu nông?

Giật gấu vá vai chắp vá vai cũng là trường hợp của chữ “Việt kiều”. Khi lấn cấn tái chế một danh từ như thế, chúng ta đã loay hoay với một danh từ đã cũ trước một thực tế hoàn toàn mới, chứ không thể hiện một nỗ lực nào trong ý hướng sáng tạo để vươn tới cái mới. Mà ngay câu chuyện của ông Phạm Văn Đồng cũng đã thể hiện những dấu vết tiểu nông ấy rồi. Xã hội tiểu nông là xã hội của “phép vua thua lệ làng” và, thay vì đưa ra những quyết định dứt khoát mang tính “phép vua”, ông xăng xái có mặt đủ nơi với những chuyện “lệ làng” [17] . Nếu giới ngôn ngữ học khẳng định rằng “trú sở” mới đúng thì tại sao phải e dè với một sự định hướng mang tính quyền lực chuyên môn? Thay vào đó, ông ta tận tụy có mặt đủ nơi. Ông ta dự đủ hội nghị và hăng hái đáp ứng những đòi hỏi lớn nhỏ của giới ngôn ngữ học. Ông nâng Tổ Ngôn ngữ học bên trong Viện Văn học thành Viện Ngôn ngữ học. Ông ta chu đáo ra lệnh tìm mua tài liệu ở miền Nam để mang qua tuyến lửa đưa về Hà Nội cho giới nghiên cứu ngôn ngữ tham khảo. Kể ra như vậy cũng là rất quý, rất đáng trân trọng nhưng cái quan trọng hơn phải là một thứ “phép vua” mang tầm vóc dẫn đường trong ý nghĩa chuyên môn và khoa học chứ?

Nguyên ủy của vấn đề còn phức tạp hơn với sự áp đặt của mô thức toàn trị bên trên nền tảng xã hội tiểu nông. Đòi hỏi cao nhất của hệ thống toàn trị là tính phải đạo chính trị. Thói quen sâu rộng nhất của xã hội tiểu nông là tính tùy tiện, lệ làng. Để phải đạo về chính trị, người ta phải khai thác, phải xoay sở ngôn ngữ và do đó, có khi phải giẫm lên sự “phải đạo” của ngôn ngữ. Chăm chăm cảnh giác, soi mói câu chữ để phải đạo với những “phép vua” chính trị thì họ lại tùy tiện giẫm chân lên lên ngôn ngữ theo những thói tục lệ làng. Đó là trường hợp của Bộ Ngoại giao và hệ thống truyền thông toàn trị ở danh xưng chính thống của “Ủy ban về người Việt ở nước ngoài” và sự đua nở tùy tiện của danh từ “Việt kiều” gợi nên bao tranh cãi [18] . Và đó cũng là trường hợp của tờ Nhân Dân mà, theo danh xưng, chính là tiếng nói trung tâm của hệ thống toàn trị [19] . Nếu “tiếng nói” này có thể giữ vai trò của một giá trị trung tâm trên khía cạnh dẫn đường chính trị thì nó không bao giờ là thế trong vấn đề ngôn ngữ. Nó đã không làm được điều đó vào năm 1963 với từ “trú sở”. Và nó không làm được điều đó vào năm 2001 với từ “khuất tất”. Cho dù trung tâm của hệ thống tuyên truyền đã cất tiếng phê phán một lỗi “tày đình” như thế nhưng hệ thống tuyên truyền vẫn thản nhiên lập đi lập lại, đến độ cái lỗi “tày đình” ấy được củng cố chỗ đứng và được chuẩn hóa trong pho từ điển chính thống chỉ vài năm sau đó [20] .

Tiếng Việt, như thế, đã bị thay đổi bởi những tác động đa chiều của quyền lực. Quyền lực tuyệt đối của hệ thống toàn trị từ bên trên. Quyền lực của những hệ thống cấu trúc con con bên trong, như những lệ làng, như là sức ì của não trạng tiểu nông. Và trong sức ì đó thì chính tâm lý nô lệ của thân phận nhược tiểu đã làm cho căn bệnh tùy tiện lệ làng thêm phần trầm trọng. Chính cái đầu nô lệ trong hình hài nhược tiểu đã khiến chúng ta tự rẻ rúng chúng ta. Chúng ta sợ người khác cười là mình dốt tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nga hơn là dốt tiếng mẹ. Chúng ta chăm chăm tra cứu tự vị và cú pháp để viết sao cho đúng một câu ngoại ngữ trong khi thản nhiên viết bậy, nói bậy và nhổ bậy vào tiếng mẹ, cái sự thể mà, cách đây hơn ba phần tư thế kỷ Phan Khôi đã báo động, cho là thói nô lệ của những anh bồi phòng khi chăm chăm giữ sạch phòng ngủ của Tây nhưng lại để mặc phòng mình dơ dáy [21] .

Ngôn ngữ phát triển theo sự phát triển của xã hội và, như là những chọn lựa cộng đồng, chúng ta sẽ phải chấp nhận những thay đổi đó. Vấn đề là làm sao để hướng cộng đồng đến những chọn lựa đúng đắn để có một sự phát triển “vững bền”, bằng không thì, e là, theo cái đà này, một ngày nào đó tiếng Việt của chúng ta sẽ tối tăm và hàm hồ đến độ mỗi khi soạn một văn bản, một tuyên ngôn hay một hợp đồng giao dịch chúng ta phải lo lắng kèm theo một văn bản đối chiếu bằng ngoại ngữ để đề phòng ngừa những diễn dịch bất lợi trong mai hậu. Và như thế, ít nhất, trong điều kiện trước mắt, chúng ta phải làm sao để nâng sự quan trọng của tính “phải đạo ngôn ngữ” lên ngang tầm với tính phải đạo chính trị, điều mà, trong hàng thập kỷ qua, chúng ta đã nơm nớp tuân theo.

Dĩ nhiên là, trong chính trị, nếu tính phải đạo được hướng dẫn bởi những tiêu chí chính trị chính thống thì, như đã nói, trong ngôn ngữ sự hướng dẫn đó phải thuộc về thuộc về yếu tố thẩm mỹ và học thuật, là điều đã được khẳng định trong những tác phẩm tinh hoa và trong sự thẩm định của giới chuyên môn trong khoa học về ngôn ngữ.

Sydney 16.2.2007

© 2007 talawas



[1]Xem: “Anh Tô - Hồi ký về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng” của Hoàng Phê trong:
http://vanhoagiaitri.vnn.vn/sacmauvanhoa/VanXuoi-C.asp?PostID=1554. Bài viết này được bổ sung từ bài “Anh Tô, những kỷ niệm khó quên” đăng trong Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 881-887. Nguyên thủy, đây là bài báo đăng trên Văn Nghệ (3. 2000). Sau đây xin trích một đoạn: “Tôi gặp Anh Tô lần đầu tiên năm 1963 trong một cuộc hội thảo về vấn đề tiếng Việt trên sách báo do báo Nhân Dân tổ chức tại Hà Nội, cuộc hội thảo do Anh cùng với anh Hoàng Tùng, Tổng Biên Tập báo Nhân Dân, chủ trì. Hồi ấy tôi là tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ học trong Viện Văn học. Tại hội nghị, có người thắc mắc nên nói trụ sở (cơ quan) hay trú sở đúng hơn, bởi vì đây là một từ Hán-Việt, đúng âm phải nói trú như trong trú ngụ, trú quán, cư trú, nội trú, tạm trú, thường trú, v.v. Anh Nguyễn Tài Cẩn có ý kiến nói nửa đùa nửa thật rằng “nếu như thủ tướng ra một chỉ thị từ nay phải dùng ‘trú sở’ thay cho ‘trụ sở’, thì có thể chỉ sau một thời gian sách báo đều viết ‘trú sở’ hết thôi...’’ Anh Nguyễn Tài Cẩn chưa kịp nói hết ý kiến, Anh Tô đã đứng phắt dậy, chắp tay vái và nói: ‘’Tôi lạy anh, anh đừng xúi dại tôi”. Và anh cười to một cách thoải mái, làm cả hội nghị đều cười. Một thái độ rất thân mật, bình dân ở một vị Thủ tướng; một lời ngắn gọn và giản dị, chứa đựng một ý kiến sâu sắc, dứt khoát: ngôn ngữ thuộc vào loại vấn đề không thể giải quyết đơn giản bằng quyền lực.”
[2]Phan Khôi, 1997, Việt ngữ nghiên cứu, NXB Đà Nẵng, tr. 131 & 132. Sách của Phan Khôi được xuất bản lần đầu năm 1954. Theo Phan Khôi thì Kinh Thi cho thấy trong thời trước, người Trung Quốc xưng mình là “trẫm” (ta) và không có sự phân biệt trên dưới, vua với dân chúng cũng vậy, sau đó chữ trẫm bị Tần Thủy Hoàng chiếm độc quyền.
[3]Hoàng Phê, sđd. Xin trích: “Có thể nói rằng những gì tôi đã làm được trong công tác khoa học trong mấy chục năm nay đều trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của Anh. Cuối năm 1979, Viện Ngôn ngữ học tổ chức một Hội nghị khoa học toàn quốc về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, một vấn đề mà như mọi người đều biết, Anh đặc biệt quan tâm. Anh đã trực tiếp nghe ban tổ chức Hội nghị báo cáo về công việc chuẩn bị, Anh góp ý kiến nhiều về mặt chuẩn bị nội dung. Anh đã “lấy tư cách một người rất thiết tha với sự trong sáng của tiếng Việt’’ dự buổi khai mạc và phát biểu một số ý kiến rất sâu sắc, có ý nghĩa chỉ đạo lớn. Anh nêu rõ ‘’cái phức tạp của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ở chiều sâu của nó’’ đòi hỏi trước hết ‘’cần phải xác định phương pháp tư tưởng, phương pháp nghiên cứu, phương pháp giải quyết các vấn đề”. Sau đó bài diễn văn “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của Phạm Văn Đồng được đăng tải trên tạp chí Ngôn Ngữ số 1 năm 1980.
[4]Xem: Hải Thụy, “Câu chuyện tiếng Việt: Có thể chuẩn hóa tiếng Việt?”, Tuổi trẻ Chủ nhật, 7.10.2007. Về khái niệm “phát triển vững bền” (Sustainable Development) thì nói chung, có bốn đòi hỏi: vững bền về về môi sinh, vững bền về kinh tế, vững bền về xã hội, vững bền về chính trị (environmental sustainability, economic sustainability, social sustainability and political sustainability). Một cách khái quát có thể tóm tắt khái niệm này trong những ý nghĩa chính sau:
- Phát triển để đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại đến nhu cầu của những thế hệ tương lai. [Từ ý niệm này sẽ dẫn đến những ý niệm về bảo vệ môi sinh, gìn giữ tài nguyên, sự đa dạng về sinh học v.v.. ]
- Phát triển nhưng không đào sâu cách biệt giàu nghèo trong xã hội, phải bảo đảm rằng mọi thành viên trong xã hội đều hường lợi từ thành quả của sự phát triển và phải bảo đảm sự đa dạng về văn hóa.
[5]Invisible hands” được hiểu như những quy luật của thị trường: chính thị trường sẽ tự điều chỉnh, sắp xếp và hợp lý hóa nền kinh tế, do đó những nhà kinh tế thuộc trường phái này chủ trương rằng: càng hạn chế sự can thiệp của chính trị thì càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên, để bảo đảm điều này thì chính phủ cũng phải can thiệp bằng quyền lực, chẳng hạn luật chống độc quyền tại Mỹ (Anti-trust) hay tại Úc (Trade Practice) để ngăn cản sự hình thành của các đại công ty có thể khống chế, thao túng thị trường.
[6]Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong “Ngôn ngữ, văn học và chính trị”. Bài này cũng được in trong Tuyển tập Tiền Vệ 1, Tiền Vệ, 2006
[7]Hoàng Xuân Hãn, 2003, Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo đời Lý, NXB Quân đội Nhân dân, tr. 137. Cuốn này xuất bản lần đầu vào năm 1949.
“Phản động” trong tiếng Anh là reactionary, bắt nguồn từ từ réactionnaire của Pháp. Từ này được sử dụng từ đầu thế kỷ 19 trong cuộc Cách mạng Pháp, trong đó những phần tử chống lại cuộc cách mạng dân quyền này là “phản động”. Sau đó, Marx sử dụng từ này để chỉ những người có tư tưởng có vẻ như là đứng về giai cấp lao động nhưng thực chất lại biểu lộ những yếu tố của chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa phát xít hay của “giai cấp thống trị”.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chữ “phản động” được sử dụng với ý nghĩa trên khá muộn: năm 1949 vẫn có nghĩa là “phản ứng”.
[8]“Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có. Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.” (“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” - Nguyễn Đình Chiểu)
[9]Xem bài gới thiệu “Vì sao có sách này” của Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển, xuất bản lần đầu tiên năm 1931: “Bỉ nhân từ khi mới nghiên cứu quốc văn, đã lấy sự không có Tự điển làm điều rất khốn nạn khổ sở, nên hết sức dùng cách tra khảo gián tiếp mà bổ cái sở khuyết của mình.”
[10]Xin lưu ý thêm: Hầu như các bài báo của Hồ Chí Minh viết trước giai đoạn này đều không có chữ “phản động”.
[11]Xem ý kiến của Dũng Vũ, Trịnh Hữu Tuệ, Trần Kh., Nguyễn Ước trên talawas
[12]Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ, (1970), Việt Nam tự điển, quyển thượng, Sài Gòn: NXB Khai Trí.
Xin trích để tiện tham khảo:
Kiều đt. ngụ, tạm trú: Huê-kiều, Ấn-kiều, Pháp-kiều, ngoại-kiều, Việt-kiều hải-ngoại.
kiều-bào dt. Đồng bào ở các nước khác: Mỗi sứ-quán đều có sổ lý-lịch kiều-bào của họ.
kiều-cư đt. Ở làm ăn nước ngoài: Người Tàu kiều-cư khắp thế-giới.
kiều-dân dt. Dân nước khác cư-ngụ trong nước mình: Kiều-dân thường có quy-chế riêng.
kiều-ngụ đt. Như kiều-cư.
kiều vụ dt. Công-việc liên-quan đến ngoại-kiều.
Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2004) không có từ “Việt kiều”, tuy nhiên cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam đầy tranh cãi của Nguyễn Lân (NXB TPHCM, 1998) thì có: “Việt kiều: Người Việt Nam sống ở nước ngoài.”
[13]Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2004) chú giải khái niệm dân tộc:
1. Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hóa và tính cách. Dân tộc Việt. Dân tộc Nga.
2. Tên gọi chung cho những cộng đồng người cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hóa, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc. Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Đoàn kết các dân tộc để cứu nước.
3. Dân tộc thiểu số (nói tắt). Cán bộ người dân tộc
4. Cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung. Dân tộc Việt Nam.
Như vậy các giải thích này đã chuẩn hóa việc sử dụng lầm lẫn thuật ngữ “dân tộc” và “tộc người” rất phổ biến trong ngôn ngữ của truyền thông, ngôn ngữ hành chánh và trong đời sống.
Thế nhưng khái niệm dân tộc được hiểu như là một quốc gia (nation), thí dụ “dân tộc Việt Nam”, và trong quốc gia đó, có nhiều tộc người (ethnic). Nói cách khác, nhiều “tộc người” có cùng chung một lãnh thổ, thiết chế chính trị, xã hội, kinh tế, ngôn ngữ… tạo thành một quốc gia dân tộc.
Rõ ràng, tiếng Việt không thiếu từ ngữ để tách bạch hai khái niệm này và việc chính thức công nhận tình trạng lẫn lộn này có nguy cơ làm cho tiếng Việt trở nên rối rắm, tối nghĩa, gây khó cho người đọc, đặc biệt là người nước ngoài học tiếng Việt
[14]Xem: www.nhandan.org.vn/vietnamese/today/bai-vh4.html
Ngày 18.4.2001 báo Nhân Dân đăng bài “Dùng từ - những lỗi ‘tày đình’ thường gặp” của Võ Ngân Vương, trong đó phê phán việc dùng sai từ “khuất tất”. Báo Nhân Dân trích bài của Võ Ngân Vương trên tạp chí Tài hoa Trẻ nhưng không ghi rõ ngày tháng.
Trong ấn bản năm 2004, (lần xuất bản thứ 10), Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giải thích:
- Khuất tất (đg hoặc t.). 1. (cũ) Luồn cúi, chịu khuất phục. 2. Không đường hoàng, không minh bạch.
[15]Theo tôi biết thì riêng môn phái Vovinam có cách gọi đẳng cấp khá đơn giản, thí dụ: đai xanh một vạch, đai xanh hai vạch, v.v.. rồi đến đai vàng một vạch, đai vàng hai vạch v.v.. chứ không “đệ nhất đẳng”, “đệ nhị đẳng”.
[16]Xin giải thích để những người sinh ở miền Bắc hay sinh sau năm 1975 rõ về hệ thống trung học ở miền Nam:
- Xong tiểu học thì lên “Trung học đệ nhất cấp” rồi sau đó là “Trung học đệ nhị cấp”.
-, “Trung học đệ nhất cấp” gồm các lớp, tính từ thấp lên cao: 6 (Đệ thất), 7 (Đệ lục), 8 (Đệ ngũ), 9 (Đệ tứ).
- Tương tự, “Trung học đệ nhị cấp” gồm các lớp: 10 (Đệ tam), 11 (Đệ nhị), 12 (Đệ nhất).
[17]Hoàng Phê, bđd.
“Năm 1969, trên cơ sở Tổ Ngôn ngữ học đã thành lập Viện Ngôn ngữ học. Nếu không có sự chú ý quan tâm của một vị Thủ tướng như Anh Tô thì chắc chắn ngành ngôn ngữ học nước ta đã không phát triển nhanh chóng được như vậy. [...] Một lần, trong khi làm việc với Anh, tôi có nói đến hai bộ từ điển xuất bản ở miền Nam, Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ, được giải thưởng quốc gia của chính quyền Sài Gòn, và Việt Nam tự điển hai tập lớn của Lê Văn Đức. Sau đó ít lâu điều tôi hoàn toàn không ngờ, chúng tôi nhận được của Văn phòng Thủ tướng chuyển hai bộ từ điển đó từ miền Nam gửi ra. Lần khác, một hôm tôi thình lình nhận được cũng của Anh bảo chuyển cho tôi một bài báo cắt từ tạp chí Le Monde, bài phỏng vấn P. Robert, người đã tổ chức biên soạn một quyển từ điển tiếng Pháp mới, vừa được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp; tôi sực nhớ đã có lần nói với Anh về quyển từ điển này.”
[18]Hãy so sánh hai bản tin:
- “Người Việt ở nước ngoài tổ chức đón năm mới” trên website của Bộ Ngoại giao ngày 14.2.2007 trong http://www.mofa.gov.vn/vi/ và:
- “17 kiều bào được bình chọn "Vinh danh nước Việt 2006" của VietnamNet: http://www.vietnamnet.vn/baylenvietnam/2007/02/664562/
“Hội đồng bình chọn của Chương trình "Vinh danh nước Việt" (bao gồm đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và Ban lãnh đạo báo Vietnamnet) đã họp xem xét và thống nhất bình chọn, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 17 gương mặt Việt kiều chính thức được bình chọn trao danh hiệu "Vinh danh nước Việt – 2006...",
[19]Trước đây, dưới tên báo Nhân Dân là hàng chữ “Tiếng nói của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam”, và bây giờ hàng chữ này được đổi thành: “Cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam – Tiếng nói của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam”.
[20]Xem chú thích 14.
[21]Phan Khôi, “Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng”, Phụ nữ Tân văn số 31 (5.12.1929) .
Dẫn theo Tranh luận văn nghệ nửa đầu thế kỷ XX, (2002) tập 1, NXB Lao Động, tr. 106. Trong bài này Phan Khôi đã trả lời Đặng Công Thắng: “Chẳng những một mình ông, tôi thấy có nhiều người cũng nói như ông vậy. Họ nói: quốc ngữ viết thế nào cũng được, không cần phân biệt ‘t’ với ‘c’, có ‘g’ với không ‘g’. Nói vậy thì sao họ học chữ Pháp họ lại phải viết theo từng nét? Sao họ không viết là ‘ving’ đi mà phải viết ‘vingt’? Sao họ không nói ‘J’alle’, ‘tu alles’, ‘Il alles’ đi mà lại phải nói ‘Je vais’, ‘tu vas’, ‘il va’? Tôi mong rằng rày về sau đừng có ai nói như ông nữa mà làm cho tôi thương tâm quá! Vì trong sự này tôi thấy ra cái tánh nô lệ của người ta: các anh bồi từ phòng khác đến phòng ăn, phòng ngủ của Tây thì các anh giữ quét dọn sạch sẽ luôn; còn chỗ xó của vợ chồng anh ấy năm thì tha hồ là dơ dáy. Song nô lệ cách này còn được; chớ nô lệ cách kia thì thôi, hết mong gì nữa!”