Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928. Hiển thị tất cả bài đăng

27/11/08

PHAN KHÔI: Mấy cái quái trong sách và báo ta

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928



Mấy cái quái trong sách và báo ta



Chắc các độc giả còn nhớ, trong một số báo Đ.P., cũng nơi mục Câu chuyện hằng ngày nầy, có bài đề là Mấy cái quái trong các báo Tây, ông Q.C. trích ra bao nhiêu cái sai lầm của người Tây về lịch sử ta.

Ông Q.C.(*) cho là quái, song có lẽ mấy người Tây ấy không tự lấy làm quái, vì theo cách "nhồi sọ" thì họ nói như vậy là phải. Phép nhồi sọ buộc ông Albert de Pouvourville phải nói rằng "tổ tiên An Nam mời người Pháp sang bảo hộ" thì ông cứ việc nói, chứ có quái gì?

Người An Nam mà cũng không chịu xét kỹ lịch sử An Nam, cũng nói ra những câu giống như mấy người Tây đó, thì mới thật là quái cho!

Đọc báo Tiếng dân số 68, ra ngày 7 Avril mới rồi, trong bài xã thuyết cột thứ nhì, có một câu rằng: "... Đương thời kỳ Gia Long bôn ba, đã phái người sang đến Âu châu cầu viện, sau nhờ được binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhứt".

Quái thật! Lấy lẽ gì mà nói được rằng nhờ binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhứt?

Đây tác giả chắc muốn nói về việc vua Gia Long sai Đông cung Cảnh và Giám mục D'Adran sang cầu viện bên nước Pháp.

Song cứ theo các sử thì lúc bấy giờ Đông cung Cảnh và Giám mục D'Adran ở Pháp đến ba năm, rồi vua Pháp có định điều ước hứa giúp cho vua An Nam, nhưng khi D'Adran trở về, ghé bàn với tổng đốc Pháp ở Ấn Độ thì người không thuận, nên không rút quân Pháp ở Ấn Độ sang đây được. Quân Pháp đã không sang đây được, thế thì sao lại nói được rằng nhờ binh lực của nước Pháp?

Có chăng là Giám mục D'Adran có mộ được đôi mươi người Pháp sang giúp vua Gia Long, tức như người mình quen gọi là chúa tàu Long, chúa tàu Phụng hồi bấy giờ. Song đó cũng chẳng qua là người riêng của nước Pháp giúp, chứ không phải chính nước Pháp giúp. Thế thì sao lại nói được rằng nhờ binh lực của nước Pháp?

Khi nào mới nói được rằng nhờ binh lực của nước Pháp? Là như khi nước ấy đã giúp cho nước Mỹ đánh nhau với nước Anh để giành lại quyền độc lập kia.

Tuy vậy, xét kỹ thì cái lỗi ấy chẳng qua là tại tác giả nhớ sách lù mù và đặt ra lời văn không được tách bạch, nên cũng còn có thể lượng thứ được.

Đến như cái lỗi của ông Trần Huy Liệu, tác giả của sách Một bầu tâm sự kia thì thiệt là nặng quá.

Trong sách Một bầu tâm sự, trương 5, hàng 17-20, ông ấy nói rằng:

"Trào Gia Long, sai hoàng tử Cảnh đi cầu cứu Pháp quốc để về đánh nhau với Tây Sơn, Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công, về sau tàu thì bỏ chìm ở ngoài cửa bể, còn súng thần công thì chôn ở cửa thành..."

"Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công"! "Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công"! Chuyện ấy cứ vào đâu? Thấy ra trong sách nào?

Tôi xin hỏi lại tác giả một lần nữa rằng: Chuyện ấy cứ vào đâu? Thấy ra trong sách nào?

Sự nước Pháp tặng tàu và súng cho nước ta là ở về triều vua Tự Đức sau khi nước Nam đã hòa với nước Pháp rồi kia, ta không nên lầm lạc đến thế!

Nhiều người Pháp đã kể công với ta rằng nước Pháp đã giúp cho nước Nam trước đây một trăm năm, song họ nói vậy chớ không có bằng cớ gì cả. Bây giờ có ông Trần Huy Liệu viết rõ chuyện ấy vào trong sách để dựng chứng lên! Nếu sách của ông Trần mà không bị cấm, được lưu hành tự do, chắc sau này sẽ có người Pháp khác viện chứng ở sách của ông mà cho sự nước Pháp giúp nước Nam là có thật, làm cho lịch sử Việt Nam rối loạn là ngần nào! Cho nên sách ông bị cấm mà chúng ta cực chẳng đã phải lấy làm hân hạnh...

Dầu vậy mặc lòng, chúng tôi cũng thiệt tình tin rằng các ông vì sơ suất mà lỗi lầm, chớ không dám ngờ cho các ông rằng cũng muốn nói quấy nói quá để nhồi sọ đồng bào ta....

Chúng tôi chỉ xin các ông về sau nên thận trọng trong khi viết một chút. Một bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim tưởng các ngài cũng đừng nên xem khinh mà không chịu khó đọc qua để cho biết rõ việc cận đại của nước nhà vậy.

C.D.

đăng trong mục Câu chuyện hằng ngày

Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.714 (1.5.1928)

----------------------

* Q.C. nói ở đây là Quán Chi, một trong những bút danh của nhà báo Đào Trinh Nhất (1900-1951)

PHAN KHÔI : Quan về vườn (dịch thơ Pháp)

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928



Quan về vườn

(dịch thơ Pháp)



Khuyên ai khá liệu bài qui khứ,

Cuộc trăm năm già nửa đi rồi.

Vô tình ngày tháng đưa thoi,

Dắt nhau đến cái chết coi cũng gần.

Đã lắm lúc biển trần phiêu đãng,

Một lá lau bao quản sóng dồi,

Bây giờ bờ đã đến rồi,

Là ngày hưởng lấy phước trời ban cho.

Cái phú quý là đồ hay nát,

Cất nhà trên đồi cát mà chi!

Xưa nay những kẻ cao vì,

Càng vinh hiển lắm càng nguy hiểm nhiều.

Cây cả phải đứng liều bão đánh,

Nhà cao thường mắc trận gió day.

Sau khi tường đổ ngói bay,

Lều tranh mấy nóc mà đây vẫn còn.

Sướng thay kẻ bụi hồng rũ sạch,

Lòng chẳng còn ham thích lợi danh.

Sá chi những vật ngoài mình,

Làm cho bận đến tấm tình thong dong.

Đem mình để ngoài vòng cho khỏe,

Thú điền viên nhẹ nhẻ thân già.

Đo lòng toan rộng lo xa,

Theo vành duyên phận, chẳng là vui thay!

Ruộng mấy khoảnh giỏi cày người trước,

Một đôi trâu tha thướt chiều thu,

Rảnh mình là khách giang hồ,

Đã trong lăng miếu mưu mô mặc người,

Vậy có lúc cơn trời giông tố,

Nhìn biển khơi sóng gió tha hồ,

Chút con mắt thấy lòng lo,

Mùa màng là kẻ nông phu thường tình.

Lại có lúc buồn mình tuổi tác,

Chốn thảo đường gởi xác từ đây.

Mà xưa cách mấy năm nay,

Vốn là thằng bé chốn nầy mà ra.

Lấy mùa gặt suy qua Giáp Tý,

Cõi trần gian biết mấy xuân thu,

Lần lần bóng xế nhành dâu,

Một sân tùng hóa, nửa đầu sương sa.

C.D.



Nguyên văn tiếng Pháp



LA RETRAITÉ

Tircis, il faut penser à la retraite:

La course de nos ans est plus qu'à demi faite,

L'âge insensiblement nous conduit à la mort.

Nous avons assez vu, sur la mer de ce monde,

Errer au gré des flots notre nef vagabonde;

Il est temps de jouer des délices du port.

Le bien de la fortune est le bien périssable;

Quand on bâtit sur elle on bâtit sur le sable.

Plus on est élevé, plus on court de dangers:

Les grands pins sont en butte au coup de la tempête,

Et la rage des vents brise plutôt le faite,

Des maisons de nos rois que les toits des bergers.

O bien heureux celui qui peut de sa mémoire

Effacer pour jamais ce vain espoir de gloire,

Dont l'inutile soin traverse nos plaisirs,

Et qui, loin retiré de la foule importune,

Vivant dans sa maison, content de sa fortune,

A, selon son pouvoir, mesuré ses désirs!

Il laboure le champ que labourait son père,

Il ne s'informe point de ce qu'on délibère

Dans ces graves conseils d'affaires sccablés;

Il voit sans intérêt la mor grosse d'orages,

Et n'observe des vents les sinistres préseges,

Que pour le soin qu'il a du salut de ses blés.

Il soupire en repos l'ennui de sa vieillesse

Dans ce même foyer où sa tendre jeunesse

A vu dans le berceau ses bras emmaillotés;

Il tient par les moissons registre des années,

Et voit de temps en temps leurs courses enchainées

Vieillir avec lui les bois qu'il a plantés.

RACAN *

-------

* H. de Racan (1589-1670): nhà thơ Pháp

Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.716 (5.5.1928)

PHAN KHÔI: : Dân quạ đình công

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928



Dân quạ đình công



Mồng bảy tháng Bảy năm Canh Thân,

Chiếu lệ bắc cầu sang sông Ngân.

Hằng hà sa số cu li quạ,

Bay bổng về trời dường trảy quân.

Hai bên bờ sông đậu lóc ngóc,

Con thì kêu đói, con kêu nhọc.

Đường sá xa xuôi việc nặng nề,

Phần lũ con thơ ở nhà khóc.

Bỗng nghe lệnh Trời truyền khởi công,

Nào con đầu cúi, con lưng cong,

Thêm thầy huyện Bẻo đứng coi việc,

Đụng đâu đánh đó như bao bông.

Ngán cho cái kiếp làm dân thiệt!

Làm có, ăn không, chết chó chết!

Cắn cỏ kêu Trời, Trời chẳng nghe,

Một con bay lên đứng diễn thuyết:

"Hỡi đồng bào, nghe tôi nói đây!

Dân quyền thạnh nhứt là đời nay,

Việc mà chẳng phải việc công ích,

Không ai có phép đem dân đày.

Trối kệ Hoàng Ngưu với Chức Nữ,

Qua được thì qua, không thì chớ;

Quốc dân Ô Thước tội tình gì,

Mà bắt xâu bơi làm khổ sở?

Anh em ta hè, về quách thôi! "

Luôn thể kéo nhau vào cửa trời,

Động trống đăng văn ầm đế tọa,

Ngai vàng bệ ngọc rung rinh, rơi.



Có tin dân quạ nổi cách mệnh:

Trời sai thiên lôi ra thám thính,

Đầu đen máu đỏ quyết hi sinh.

Ngừng búa, thiên lôi không dám đánh.

Tức thì chiếu Trời vạch mây ra,

Đánh chữ đại xá Trời ban tha;

Dân quạ ở đâu về ở đó.

Từ nay khỏi bắc cầu Ngân Hà.



Ờ té ra:

Mềm thì ai cũng nuốt,

Cứng thì Trời cũng nhả!

Hằng hà sa số cu li quạ,

Bay về hạ giới kêu "khá khá" (*).

C.D.



Đăng trong Phụ trương văn chương

của Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.726 (2.6.1928)

---------------------

* Theo một số nguồn tư liệu khác nhau thì Phan Khôi làm bài vè Dân quạ đình công vào khoảng năm 1911, kể về sự kiện thường được gọi là vụ án xin xâu ở Quảng Nam hồi năm 1908. Về văn bản bài vè, một số bản sưu tầm đã in gần đây (ví dụ Nguyễn Q. Thắng trong Từ điển tác giả văn hoá Việt Nam, Hà Nội, 1999; Phan Thị Mỹ Khanh trong Nhớ cha tôi Phan Khôi, Đà Nẵng, 2001, tr.150-152) có những chênh lệch về câu chữ. Tôi cho rằng văn bản in ở sưu tập này là bản do chính Phan Khôi cho đăng Đông Pháp thời báo năm 1928 nên đáng tin cậy hơn (LNÂ)