Hiển thị các bài đăng có nhãn TS Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (1). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TS Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (1). Hiển thị tất cả bài đăng

26/6/11

TS Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (1)

Thứ Ba, 21 tháng 6 2011

Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc
Trần Vinh Dự


Diễn biến hòa bình (peaceful evolution) là một khái niệm độc đáo trong chính trị học của Việt Nam. Trang Báo Điện Tử của ĐCS Việt Nam có bài trích lược từ cuốn sách “Phòng, chống ‘diễn biến hòa bình’ ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Trung tướng Lê Minh Vụ - Giám đốc Học viện Chính trị quân sự và Thiếu tướng Nguyễn Tiến Quốc đồng chủ biên. Bài báo này giải thích khá dài dòng về diễn biến hòa bình nhưng không đưa ra một định nghĩa thực sự cô đọng.

Diễn biến hòa bình là gì?

Theo cách giải thích của bài báo trên, có vẻ như diễn biến hòa bình được hiểu là các biện pháp phi bạo lực của nước ngoài sử dụng nhằm chống phá Đảng CS và nhà nước Việt Nam. Các biện pháp này trải rộng trên cả 4 lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa/xã hội, và an ninh/quốc phòng.

Chính trị: các biện pháp nhằm mục tiêu gây khủng hoảng hệ thống chính trị.


Kinh tế: các biện pháp chống phá đường lối, chính sách kinh tế; thúc đẩy chuyển hoá cơ cấu kinh tế, thành phần kinh tế, xâm nhập, chiếm lĩnh các địa bàn, các lĩnh vực kinh tế quan trọng.


Văn hóa/ xã hội: các biện pháp chống phá đường lối, chính sách văn hoá - xã hội; thúc đẩy sự biến đổi chệch hướng giá trị văn hoá, đạo đức; biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp; lợi dụng các mâu thuẫn, khiếu kiện, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và dân chủ.


An ninh/quốc phòng: các biện pháp chống phá đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội và công an nhân dân.


Gần đây khái niệm diễn biến hòa bình ít được nhắc đến ở Việt Nam. Một phần vì các nội hàm của nó ít nhiều bị thay đổi. Thí dụ vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xây dựng kinh tế thị trường hay vấn đề tây phương hóa các giá trị văn hóa/xã hội không còn bị coi là nặng nề nữa mà được thừa nhận nghiễm nhiên như là một quá trình tất yếu.

Thế nhưng gần đây mối đe dọa mang tên Trung Quốc khiến nhiều người bắt đầu lo ngại. Và mặc dầu tôi không mấy tin vào một phong trào diễn biến hòa bình chống Đảng CS và nhà nước Việt Nam mang tầm vóc thế giới như nhiều người Việt Nam tin tưởng hồi những thập kỷ trước, tôi tự đặt câu hỏi liệu khái niệm này có áp dụng cho cái cách mà Trung Quốc đang dùng để tấn công Việt Nam trong giai đoạn này hay không?

Trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc

Đầu tiên phải kể đến là khái niệm “hòa bình” luôn được Trung Quốc lặp đi lặp lại trên tất cả các bài phát biểu quan trọng của quan chức ĐCS và nhà nước Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố "Trung Quốc luôn cam kết gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông" trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt (người dẫn đầu đội quân tiến vào Thiên An Môn hồi hơn 20 năm trước) thì nói Bắc Kinh “sẽ nỗ lực vì hoà bình, ổn định ở biển Đông”. Ở cấp cao hơn, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng tuyên bố “đưa quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở châu Á và trên thế giới” còn Thủ tướng Ôn Gia Bảo thì từ năm 2004 đã rao giảng khắp thế giới về học thuyết “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise) của Trung Quốc.

Trên thực tế, “trỗi dậy hòa bình” (hay sau này được gọi nhẹ đi là “phát triển hòa bình” – peaceful development) là học thuyết phát triển của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Nó cho rằng từ trước tới nay sự xuất hiện của một siêu cường mới thường dẫn tới những thay đổi lớn trong cấu trúc chính trị của thế giới, và thậm chí cả chiến tranh. Lý do là các siêu cường này thường lựa chọn con đường bành trướng bằng bạo lực và vì thế tự đưa mình đến chỗ thất bại. Học thuyết này cho rằng trong thế giới ngày nay, Trung Quốc cần phải phát triển một cách hòa bình và duy trì một môi trường quốc tế hòa bình.

Theo cách nói của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, sự trỗi dậy của Trung Quốc “sẽ không đem đến tổn thất cho bất kỳ quốc gia nào, và cũng không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào.” Còn theo cách nói của Kenneth Lieberthal, giám đốc quan hệ Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton thì “chính sách này nhằm tạo ra ‘một môi trường cho phép tối đa hóa các cơ hội phát triển kinh tế của Trung Quốc’”.

Theo David Denoon, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và là giáo sư về chính trị Châu Á tại Đại học New York được Council for Foreign Relations trích dẫn lại hồi năm 2006, Trung Quốc đã thể hiện được kỹ năng ngoại giao thực sự trong giai đoạn cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000 qua việc hợp tác với ASEAN để giải quyết tranh chấp trên biển qua việc ký COC, thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước Nam Mỹ và Phi Châu, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Pakistan và đạt được những tiến bộ lớn trong việc đàm phán với Nga và Ấn Độ. David Danoon cho rằng “Trung Quốc đã chuyển đổi từ chính sách cực kỳ hiếu chiến và bạo lực hồi năm 1970 và 1980 với việc sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự sang một con đường mới mang tính ngoại giao hơn nhiều vào những năm 90”.


SOURCE : VOA

( Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ )


Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/du/dien-bien-hoa-binh-06-21-2011-124299889.html