Biển Đông – Kinh tế và Xung đột (tiếp theo và hết)
Trần Vinh Dự
Bản chất kinh tế của xung đột
Mặc dù có nhiều lý do khác nhau dẫn tới câu chuyện các bên trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông đều muốn giành vùng biển đảo này về cho mình, lý do trực tiếp nhất có lẽ đến từ lý do kinh tế, mà cụ thể hơn là dầu mỏ.
Nhu cầu sử dụng dầu lửa của Trung Quốc đã liên tục tăng từ giữa những năm 80 tới nay với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Năm 2010 Trung Quốc trở thành nước tiêu dùng nhiên liệu nhiều nhất trên thế giới. Riêng về dầu lửa, Trung Quốc tiêu dùng hơn 9 triệu thùng/ngày vào năm ngoái và năm nay có thể lên tới trên 10 triệu thùng/ngày.
Theo một nghiên cứu hồi năm 2006 của Xuecheng Liu thuộc Quỹ Stanley Foundation, Trung Quốc dựa chủ yếu vào sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu về dầu lửa. Số liệu của ông Liu dẫn ra vào năm này cho thấy 90% nhu cầu tiêu dùng về dầu lửa của Trung Quốc được đáp ứng từ sản xuất trong nước. Theo ông Liu, chiến lược dài hạn về an ninh kinh tế là chiến lược 3 chữ E, bao gồm Economic Growth (tăng trưởng kinh tế), Energy Security (an ninh năng lượng), và Environmental Protection (bảo vệ môi trường). Để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như giai đoạn vừa rồi, vấn đề an ninh năng lượng ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Chính vì chiến lược an ninh năng lượng như vậy mà mặc dù Trung Quốc vẫn dựa một phần vào nhập khẩu dầu từ Trung Đông, họ đặc biệt coi trọng việc tìm kiếm và khai thác các nguồn dầu khí của riêng mình. Mặc dù về nguyên tắc, Trung Quốc có thể khai thác trữ lượng dầu mỏ hùng hậu trên đại lục nhưng do chiến lược khai thác dài hạn, đa số các mỏ dầu này còn chưa được đụng đến. Thay vào đó, Trung Quốc đang tích cực hướng tới việc đầu tư khai thác ở nước ngoài và lấn chiếm các vùng dầu mỏ trong vùng tranh chấp với láng giềng. Theo Zhou Dadi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết biển Hoa Đông và Biển Đông là hai khu vực có tiềm năng về khai thác dầu khí biển sâu và sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Việt Nam và các nước ASEAN khác được đặt trong bối cảnh chung về chiến lược năng lượng này. Từ những năm 90, các cuộc va chạm giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển chủ yếu xoay quanh vấn đề tìm kiếm và khai thác dầu khí:
- Năm 1992, Trung Quốc đã ký hợp đồng cho phép Crestone, một công ty dầu mỏ của Mỹ, tiến hành thăm dò ở Trường Sa và Việt Nam đã ngay lập tức phản đối.
- Năm 1994, Trung Quốc lại cho Crestone thăm dò ở vùng Từ Chính, thuộc block 133, 134, và 135 của Việt Nam mà họ gọi là block Wan Bei-21 (WAB-21). Khi đó, hải quân của hai nước đã có cuộc chạm chán. Tàu hải quân của Việt Nam đã buộc tàu thăm dò của Trung Quốc rời khỏi vùng biển này.
- Tháng 3 năm 1997, Trung Quốc dự định thực hiện khoan dầu ở mỏ dầu Kantan-3 gần Trường Sa. Việt Nam phản đối và cuối cùng Trung quốc nhượng bộ hủy bỏ dự án này. Cùng năm, Vào tháng 12, Việt Nam phản đối tàu thăm dò Trung Quốc và hai tàu tiếp vận của họ đi vào vùng biển thuộc chủ quyền VN. Cả 3 tàu này đều được tàu chiến VN áp tải ra khỏi khu vực.
- Tháng 9 năm 1998, Việt Nam phản đối sau khi Trung Quốc ra báo cáo nói rằng Crestone và Trung Quốc sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở vùng Từ Chính. Tranh chấp này được giải quyết qua thương lượng vào tháng 12 năm 2000.
Cho tới đầu năm nay, Trung Quốc không có công nghệ thích hợp để khai thác dầu khí ở vùng nước sâu. Vì thế họ đã phải dựa vào các công ty nước ngoài như Crestone. Việc dựa vào các công ty nước ngoài để thực hiện thăm dò trong các vùng biển có tranh chấp thường không hiệu quả vì lý do chính các công ty nước ngoài này cũng không muốn liên can đến các cuộc xung đột vì việc này làm vấn đề quản lý rủi ro của họ thêm phức tạp. Có lẽ vì thế mà các nỗ lực trước đây của Trung Quốc không mấy thành công dưới sức ép của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã cho hạ thủy giàn khoan dầu lớn và hiện đại nhất của họ mang tên Dầu khí Hải Dương 981. Đây là giàn khoan nửa chìm nửa nổi hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 mét, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Với giàn khoan này, Trung Quốc có thể bắt đầu tự thực hiện chiến lược khai thác dầu ở Biển Đông mà không cần phải nhờ đến các công ty nước ngoài.
Để dọn đường cho hoạt động khai thác trong vùng nước sâu ở Biển Đông, gần đây Trung Quốc đã tích cực xúc tiến các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền trên thực tế của họ ở vùng biển này. Ngoài việc duy trì một lực lượng hải quân hùng hậu ở đảo Hải Nam, Trung Quốc còn sử dụng các lực lượng dân sự trá hình xâm nhập sâu vào các vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam và Phillipines. Chiến lược này trên thực chất là tạo ra các xung đột giả để Việt Nam và Phillipines bị cuốn theo và không tập trung được vào cuộc giành giật tài nguyên ở vùng nước sâu thuộc Trường Sa.
Bảo vệ quyền lợi kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông
Việt Nam chưa có công nghệ khai thác dầu khí ở vùng nước sâu. Cũng giống như Trung Quốc hồi thập kỷ trước, Việt Nam không mấy thành công trong việc liên kết với các công ty nước ngoài để tiến hành thăm dò khai thác ở các vùng biển có tranh chấp. Tuy nhiên, Biển Đông không chỉ quan trọng đối với Việt Nam về dầu mỏ. Ngoài dầu lửa và khí đốt, còn có các lợi ích chiến lược khác về lãnh hải và địa chính trị như đã nêu ở trên mà chúng ta không thể nhượng bộ.
Kinh tế biển sẽ ngày càng quan trọng đối với Việt Nam khi mà các nguồn tài nguyên trên đất liền đang cạn dần. Việt Nam sẽ ngày càng phải dựa nhiều vào các nguồn tài nguyên của biển. Việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp trên các vùng biển đảo của Việt Nam, vì thế, phải là vấn đề cốt lõi trong chiến lược quốc phòng của đất nước. Bảo vệ biển đảo tức là bảo vệ tương lai, nguồn sống, và sức phát triển của dân tộc.
Để bảo vệ quyền lợi của mình thì không nhất thiết phải sử dụng đến bạo lực. Nói như TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thì “nếu họ tiếp tục phá, ta phải có cách ngăn cản theo đúng thủ tục pháp lý. Ví dụ trong trường hợp Viking II thì các lực lượng của Việt Nam hoàn toàn có quyền bắt giữ tàu cá, dẫn độ vào bờ, làm đúng thủ tục và đưa ra xét xử tại tòa án. Công ước Luật biển 1982 đã nói rõ điều đó.” Vừa cương quyết, duy lý, hành động dựa trên pháp luật, vừa tránh sử dụng các biện pháp bạo lực có lẽ là chìa khóa để Việt Nam bảo vệ thành công chủ quyền hợp pháp của mình trên biển.
Tham khảo
Rowan J.P., 2005: “The U.S-Japan Security Alliance, Asean, and the South China Sea Dispute,” Asian Survey, Vol. XLV, p.p. 414-436
Xuecheng Liu, 2006: “China’s Energy Security and Its Grand Strategy,” Policy Analysis Brief, The Stanley Foundation
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ http://ei-01.eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/TablesMaps.html
China Daily, 2011: “China to Build another Offshore Rig,” http://www.ciooe.com.cn/en/html/content_296.html
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự
Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/du/bien-dong-kinh-te-xung-dot-2-06-30-2011-124798309.html