Hiển thị các bài đăng có nhãn Trịnh Lữ - Góp chuyện "quái trạng". Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trịnh Lữ - Góp chuyện "quái trạng". Hiển thị tất cả bài đăng

30/7/10

Trịnh Lữ - Góp chuyện "quái trạng"

Trịnh Lữ
Góp chuyện "quái trạng"

Vào ngày 17.10.2008, talawas đăng bài viết của ông Hoàng Ngọc-Tuấn phê bình tiểu luận mang đầu đề "Góp chuyện Hậu hiện đại" của tôi mà ông Tuấn đã đọc trên Tia Sáng ngày 02.10.2008.

Theo tôi, phê bình của ông Tuấn có hai phần chính. Phần thứ nhất mang tính thuần túy học thuật, đơn giản và dễ hiểu: tôi đã sai khi nói rằng từ "Hậu hiện đại" (postmodern) "xuất hiện lần đầu" trong cuốn La Condition Postmoderne của Jean-Francois Lyotard. Phần thứ hai phức tạp hơn một chút. Nó liên quan đến cá nhân tôi nói riêng, và xã hội Việt Nam đương thời nói chung. Cụ thể, ông Tuấn cho rằng "chỉ có những cậu học trò trung học lười biếng, ẩu tả" thì mới viết như tôi, và tôi "chỉ nghe lóm hay chỉ nhìn thấy cái bìa sách" của Lyotard nhưng vẫn "tự tin tuyệt đối vào cái biết hạn hẹp đến kỳ quái của mình", để rồi "hiên ngang phun châu nhả ngọc" với một giọng điệu "đầy thẩm quyền". Mục tiêu phê phán của ông Tuấn còn bao gồm cả ông Hoàng Ngọc Hiến, và đại từ "các ông" trong đoạn văn sau của ông Tuấn có sở chỉ là tôi và ông Hiến: "Với cái mớ kiến thức như các ông, mà các ông dám nói thao thao bất tuyệt, suy diễn tràng giang về lịch sử và sự phát triển của mỹ học 'hậu hiện đại’ thì quả là một quái trạng văn hoá không thể tưởng tượng nổi." Theo ông Tuấn, sở dĩ cái "quái trạng văn hóa" này tồn tại được là do xã hội Việt Nam đương thời là một xã hội còn "quá lạc hậu về mọi phương diện", và vì vậy nên "chẳng mấy ai dám nghi ngờ hai ông nổi tiếng [...]." Đó là hai phần chính trong phê bình của ông Tuấn. Sau khi talawas đăng bài của ông Tuấn, đã có một số ý kiến khác xuất hiện liên quan đến chủ đề này, và có khả năng cuộc tranh luận sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Tôi xin đóng góp vài lời ngắn vào tranh luận này. Thứ nhất, tôi trân trọng cái nguyên tắc mà ông Tuấn tuân theo khi phê bình tôi, đó là lên tiếng phản đối một cách thẳng thắn khi thấy người khác nói sai. Thứ hai, tôi đồng ý với ông Tuấn rằng Lyotard không phải là người đầu tiên dùng từ postmodern, và cám ơn ông đã bỏ thời gian tìm và chia sẻ rất nhiều ví dụ thú vị để chứng minh điều này. Khi tôi viết, tôi có trong đầu cái ý của Gary Aylesworth: "The term 'postmodernism' first entered the philosophical lexicon in 1979, with the publication of The Postmodern Condition by Jean-François Lyotard." [1] Câu hỏi ai đã thực sự dùng từ 'postmodern' đầu tiên, không hiểu sao, không hiện ra trong đầu tôi lúc đó. Qua góp ý của ông Tuấn, tôi xin sửa câu văn của tôi từ (A) thành (B). Tôi in đậm chỗ có thay đổi.


(A) Từ "hậu hiện đại" (postmodern) xuất hiện lần đầu trong cuốn Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard và được ông định nghĩa ở đó là "thái độ hoài nghi đối với mọi lý giải lớn."

(B) Từ "hậu hiện đại" (postmodern) xuất hiện lần đầu trong cuốn Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard với định nghĩa là "thái độ hoài nghi đối với mọi lý giải lớn."


Đó là tất cả những gì tôi nói để trả lời phần thứ nhất trong phê bình của ông Tuấn. Về phần thứ hai, có lẽ thông tin quan yếu nhất mà tôi có thể đưa ra ở đây là Tia Sáng đã cắt mất đoạn mở đầu trong bài của tôi. Nó như sau.


"Hậu hiện đại là một khái niệm đã được phân tích và bàn luận nhiều đến mức sự cần thiết của bất cứ một bài viết nào nữa về nó đều nên bị nghi ngờ, nhất là khi người viết là một kẻ hoàn toàn nghiệp dư về triết học như tôi. Vậy nên tôi xin nhấn mạnh rằng động từ 'góp chuyện’ trong đầu đề bài này nên được hiểu một cách toàn vẹn, với tất cả những hàm ý về sự nông cạn và vô thưởng vô phạt đi cùng với nó, và tôi cũng xin chân thành cảm ơn trước tất cả những ai giúp tôi nhìn ra những thiếu sót và sai lầm không tránh khỏi của mình trong những dòng ngắn ngủi dưới đây."


Tôi mở đầu bài của mình như vậy vì tôi không hề muốn giảng dạy cái gì cho ai. Tôi muốn góp chuyện và học hỏi, không muốn "hiên ngang phun châu nhả ngọc" với một giọng điệu "đầy thẩm quyền", như ông Tuấn nói. Tôi rất lấy làm tiếc vì ông Tuấn đã không hiểu tôi trong điểm này. Về phần tôi, tôi cũng phải công nhận là tôi không hiểu ông Tuấn khi ông bảo tôi "thao thao bất tuyệt, suy diễn tràng giang" về Hậu hiện đại. Bài của tôi rất ngắn, chưa đầy ba trang, và độ ngắn của nó cũng là cái mang lại cho cuộc tranh luận này một yếu tố hài hước nhất định: bài phê bình của ông Tuấn dài gấp ba lần cái bài mà nó phê bình, tức cái bài mà tác giả của nó bị ông kết tội "thao thao bất tuyệt".

Có thể khi ông Tuấn bảo tôi "tự tin tuyệt đối", ý ông là ngay việc một người như tôi "dám" góp chuyện về hậu hiện đại cũng đã là một "quái trạng văn hóa" rồi, và chỉ ở một nước "lạc hậu về mọi mặt" như Việt Nam mới có thể xảy ra những quái trạng như vậy. Tôi công nhận rằng giả sử có một hội thảo về Vật lý tại Hà Nội, và tôi được ban tổ chức rủ viết vài dòng đóng góp ý kiến, thì đó sẽ là một quái trạng văn hóa. Nhưng ta có thể yên tâm là cái quái trạng này sẽ không bao giờ xảy ra ở Việt Nam, và nó không xảy ra không phải vì Việt Nam đỡ lạc hậu hơn trong khía cạnh này, mà chẳng qua là vì Vật lý không phải Hậu hiện đại. Thật vậy, chỉ cần nhìn việc một nhà nghiên cứu Hậu hiện đại có tầm cỡ như ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã bỏ công viết mười trang giấy để quát tôi vì tôi quên không google xem ai nói postmodern trước ai, là ta cũng đủ thấy rằng Hậu hiện đại và Vật lý khác xa nhau lắm. Để kết luận, tôi xin nói rằng phải, tôi dám góp chuyện về Hậu hiện đại vì tôi thấy nó không phải là Vật lý, và tôi nghĩ không chỉ tôi, không chỉ ông Tuấn, mà còn nhiều, rất nhiều người khác nữa, có thể vui vẻ "góp chuyện Hậu hiện đại" mà không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới.

© 2008 talawas



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Trích từ mục “postmodernism” trong Standford Encyclopedia of Philosophy.