Thế Uyên
Những ý nghĩ của bọt biển
(Thái độ II)
Mười năm văn hoá kiểm duyệt miền Nam
Gần đây trên các tạp chí văn học có một phù trợ dịch thuật những bài tham luận, khảo luận, tự sự, hội thảo, v.v. của những nhà văn Tây phương, nhất là những nhà văn Pháp về các đề tài như: văn nghệ dấn thân hay không dấn thân, văn nghệ là vô bổ vô ích hay có tác dụng đối với xã hội, cái họa siêu hình đối với văn chương ra làm sao, văn nghệ có nên để chính trị theo đuổi hay không, v.v. Tôi theo dõi các bài ấy một cách khá chăm chú vì tò mò muốn xem thiên hạ nghĩ ngợi ra làm sao ở bên Tây, bên Mỹ, bên Tàu. Đôi khi, gặp mặt bạn bè, nếu có người nêu những đề tài ấy ra, tôi thường im lặng đứng ra ngoài cuộc bởi vì đọc những bài ấy để mở rộng thêm kiến văn thì nên, còn đọc chúng để rồi coi những vấn đề nêu ra ấy là những vấn đề của nhà văn Việt Nam thì lại là một lầm lẫn lớn. Lầm lẫn lớn bởi vì thân phận nhà văn Pháp ở giữa Paris trong một quốc gia tân tiến có chế độ tự do ngôn luận và tinh thần thái bình đã lâu không giống một chút nào thân phận nhà văn nhược tiểu Đông Nam Á. Những Grillet, Berger, Sartre, Camus đâu có phải tham dự thứ chiến tranh bi thảm, đâu có phải lo chế độ bị tiêu tan, đâu có nghèo khổ quá mức, đâu có phải chứng kiến cảnh tượng chua xót như… (Tôi xin miễn ghi tiếp bởi vì ghi tiếp thể nào cũng bị kiểm duyệt xóa bỏ. Vả lại, không ghi tiếp đầy đủ, chúng ta, những người Việt Nam, ai cũng biết rõ người cảnh tượng đó là như thế nào rồi).
Nhận xét như trên, tôi thấy rằng ở Việt Nam, vấn đề trọng đại đối với nhà văn không phải là vấn đề viết thế nào, viết để làm gì. Cũng không phải là vấn đề cái họa siêu hình, tiểu thuyết mới tiểu thuyết cũ, tiền chiến hậu chiến. Đối với nhà văn Việt Nam mang thân phận nhược tiểu Đông Nam Á, thực sự ra chỉ có một vấn đề cấp bách thường xuyên và trọng đại là VẤN ĐỀ KIỂM DUYỆT. Và nhà văn Việt Nam chỉ có một ám ảnh, thắc mắc, một vấn đề thực sự là: VIẾT THẾ NÀO ĐỂ KHỎI BỊ KIỂM DUYỆT BỎ.
Tôi không biết các cụ Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Gia Thiều, v.v. khi sáng tác thơ văn, có bị kiểm duyệt hay không. Tôi mở lịch sử ra đọc, và đọc mờ cả mắt mà không thấy triều đại nào đã thành lập một cơ quan kiểm duyệt. Mới đầu tôi cho rằng nhất định phải có, bởi vì không lẽ gì vào thế kỷ XX, chúng ta có cả một nền văn hóa kiểm duyệt rất phong phú mà lại không có một nguồn gốc truyền thống nào trong bốn ngàn năm văn hiến. Tôi tìm đến một vị thâm nho hỏi tiếp bởi vì tôi cho rằng quá kém chữ Hán, tôi đã không hiểu được những tên chức vụ xưa như Đông các đại học sĩ, Tả tham tri, Hữu tham tri, v.v. Hơn nữa, đọc sử, tôi đã thấy những ông đề đốc đô đốc của Quang Trung đã chỉ huy toàn đơn vị bộ binh, thì suy ra dám có một ông Chánh sự vụ Sở Kiểm duyệt nấp dưới tên một chức vụ như Đô sát Ngự sử Văn đàn chẳng hạn. Sau khi vị túc nho đã xác định là trong suốt lịch sử Việt Nam từ hồi Đinh Bộ Lĩnh cho tới khi Tôn Thất Thuyết xách gươm chạy sang Tàu, nhất định không có chức vụ kiểm duyệt nào, kể cả chức Đa sát (xin lỗi, Đô sát) ngự sử văn đàn, tôi chợt nghĩ ra một điều thực hiển nhiên là: Nếu trong quá khứ đã có những cơ quan kiểm duyệt, thì hẳn chúng ta ngày nay chưa chắc đã có Đoạn trường tân thanh, Chinh phụ ngâm hay Cung oán ngâm khúc. Bởi vì nếu có cơ quan kiểm duyệt, chắc Đoạn trường tân thanh bị cấm phổ biến vì “tả chân” quá, Cung oán ngâm khúc bị cấm vì “xúc phạm đến thuần phong mỹ tục” và Chinh phụ ngâm thì chắc chắn không những bị cấm ấn hành mà thôi, tất cả còn dám bị truy tố ra trước tòa vì tội “làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân đội”. Giả thử Nguyễn Du hay Nguyễn Công Trứ lấy tư cách ông bự, xin lỗi, lấy tư cách đại quan thần trong triều, gây áp lực với quan Đa sát ngự sử văn đàn, có thể những tác phẩm của các ông vẫn được lưu hành với những đoạn kiểm duyệt bỏ cần thiết. Và như thế, trong Đoạn trường tân thanh của chúng ta ngày nay, chắc chắn không còn có những câu như: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên” (Đa sát ngự sử văn đàn phê: “tả chân”, “khiêu dâm”) và trong Chinh phụ ngâm không còn có những câu “Bước đi một bước lại vin áo chàng”. (Đa sát ngự sử văn đàn phê: Tiễn chồng đi thi hành bổn phận quân đội gì mà lại thê thảm vậy, viết thế là “hại tới tinh thần chiến đấu của quân đội”). Càng nghĩ lại quá khứ, tôi càng mừng cho nền văn học, nếu không có ngày nay chúng ta còn gì? Vậy tôi tin rằng những người thường chê trách các cụ nhất, đến đây chắc cũng phải nghiêng đầu bái phục sự sáng suốt của tiền nhân bởi vì tiền nhân đã hiểu rằng văn hóa không thể đi đôi với chế độ kiểm duyệt.
Lịch sử đã chứng tỏ rõ khi Việt Nam còn độc lập, chúng ta không có cơ quan kiểm duyệt. Vậy có thể suy luận dễ dàng rằng chế độ kiểm duyệt hiện nay chỉ xuất hiện kể từ khi quốc gia này đi vào vòng nô lệ ngoại bang và nó thiết yếu gắn liền với sự nô lệ của dân Việt dưới một chế độ có hình thức cai trị khác nhau. Cơ quan kiểm duyệt đầu tiên của Việt Nam dĩ nhiên do người Pháp thiết lập. Tôi không được đọc những văn kiện căn bản quy định tổ chức điều hành và nhiệm vụ của cơ quan này nên không hiểu rõ thực sự người Pháp muốn gì. Nhưng căn cứ trên những sự kiện thực tế, tôi thấy người Pháp trọng văn hóa và vì thường rêu rao họ tới “khai hóa” dân Việt, do đó chế độ kiểm duyệt của họ trung bình không lấy gì làm khắt khe. Đôi khi còn có những thời kỳ thật cởi mở, người cầm bút là người đừng xúi dân nổi dậy chống chính quyền bảo hộ. Còn ngoài ra muốn viết gì thì viết tùy ý. Lắm khi, họ còn không cấm cả những cuốn đề cao con người cách mạng chống Pháp – bằng cớ là những cuốn như Đôi bạn, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, v.v. đều ấn hành dưới thời Pháp thuộc.
Theo ý tôi, chính vì sự hiểu biết và chính sách cởi mở của các cơ quan kiểm duyệt dưới thời Pháp thuộc, dân Việt đã có một thời kỳ sinh hoạt văn hóa phong phú từ 1925 tới 1945. Dù không ưa gì người Pháp, tôi cũng phải ghi nhận rằng nhờ sự tử tế này, chúng ta mới có văn học sử cận đại đáng kể. Đọc đến đây, nhiều người có tinh thần bài Pháp hơn tôi chắc không đồng ý. Nhưng nếu những người đó làm một thí nghiệm giả tưởng là đem một vài tác phẩm của văn chương tiền chiến đưa ra kiểm duyệt theo các tiêu chuẩn hiện nay, họ sẽ đổi ý kiến. Cuốn Hồn bướm mơ tiên chẳng hạn, chắc chắn không thể được phép in vì nội dung thuật lại một tình duyên có tính cách ép liễu nài hoa dưới bóng từ bi của Phật tổ – nhân viên kiểm duyệt sẽ bôi bỏ. Cuốn Giông tố của Vũ Trọng Phụng chắc sẽ được truyền tay nhau đọc để rồi cũng bôi bỏ trọn cuốn vì nội dung “phương hại tới nền đạo đức truyền thống của dân tộc”. Cuốn Số đỏ cũng bị cấm không những vì cùng lý do trên, còn thêm lý do đả phá giai cấp thống trị. Nói một cách giản dị, một nhà văn như Vũ Trọng Phụng chắc chắn không thể ra mắt dân chúng và thành danh dưới chế độ hiện nay. Tôi đã một lần tình cờ tìm được hai cuốn kể trên ấn bản thời Pháp thuộc, đem so với những ấn bản mới phát hành gần đây tôi đã thấy cơ quan kiểm duyệt hồi tố nhiều đoạn trong ấn bản sau. Một giáo sư bạn tôi khi biết truyện này đã thốt ra một tiếng thở dài: “Cũng may là mấy ngài kiểm duyệt còn thương các cụ, đã buông tha cho các tác phẩm của thế kỷ XIX…”.
Sau khi người lính viễn chinh Pháp cuối cùng xuống tàu hồi hương, có một cơ quan do chính quyền bảo hộ để lại được chính phủ đầu tiên Việt Nam Cộng hòa nâng niu quý trọng nhiều nhất là cơ quan kiểm duyệt. Điều đó thực dễ hiểu vì thành phần lãnh đạo mới đa số là cựu quan lại và phong kiến cũ – những người đã từng bị nhà văn nhà báo tố cáo sự thối nát nhũng lạm ngay từ dưới thời Pháp thuộc. Do đó, các quan Tuần vũ, quan Huyện, quan Phủ, quan Đốc phủ sứ, v.v. ngay sau khi lên được địa vị chủ nhân ông nước Việt Nam, đã liên kết với nhau để thẳng tay triệt hạ sinh hoạt văn hóa – họ hy vọng làm im được tiếng nói của dân chúng biểu lộ qua các tác phẩm và báo chí, họ sẽ vĩnh viễn giữ được “triều đình mới”. Họ đã không thành công trong việc duy trì “triều đình” quá 10 năm, nhưng đã thành công trong việc làm tê liệt các sinh hoạt văn hóa và tạo ra cả một MƯỜI NĂM VĂN HÓA KIỂM DUYỆT MIỀN NAM.
Trước khi viết văn, tôi đã từng nghe thấy tiếng kêu la của nhiều nhà văn về sự khắt khe thiếu hiểu biết của Kiểm Duyệt. Và tôi va đầu vào bức tường kiểm duyệt ngay từ truyện ngắn đầu tiên. Nhất Linh khi còn chủ trương Văn Hóa Ngày Nay, nói: “Truyện cháu viết được nhưng kiểm duyệt không cho đăng đâu…”. Từ ngày ấy cho tới nay, mỗi khi cầm bút viết, tôi đều bị ám ảnh bởi một câu hỏi: “Làm sao đây cho khỏi bị Kiểm Duyệt bỏ?”. Theo lời khuyên của nhiều người giàu kinh nghiệm, tôi tránh viết những bài khảo luận bởi vì chế độ Diệm sẵn lòng cho nói chuyện văn chương chính trị bên Phú-lãng-sa, bên Mỹ, bên Brésil nhưng lại rất kỵ việc người cầm bút quốc nội đưa những ý kiến, bàn tới những lý thuyết đi ra ngoài khuôn khổ “Cần lao Nhân vị”. Nhưng rút lui vào địa hạt sáng tác cũng không xong bởi vì trong địa hạt này cũng có nhiều cấm điều. Chẳng hạn như muốn rủa Thượng Đế một câu cũng khó, muốn viết một chút về quân đội cũng không xong. Viết truyện tình cũng không yên thân vì Phủ Tổng Thống đã ban chỉ thị xuống cho các nhân viên kiểm duyệt biết chỉ cho phép yêu như thế nào. Tôi có một thời kỳ nhận thấy cứ tả hôn môi là bị bỏ nên đành viết đến chỗ chàng-bắt-đầu-cúi-xuống hay nàng-bắt-đầu-ngửng-lên là ngừng. Một thời kỳ khác tôi nhận thấy nhân vật cấm không được bàn cả đến vấn đề trinh tiết. Xoay sang viết về chiến tranh Việt-Pháp trước 1954, cũng bị Kiểm Duyệt bôi xóa… Có lần bực tức quá, tôi nghĩ: “Thôi, có lẽ cũng đành nghỉ viết cho rồi!”. Tôi đã nghỉ viết một thời gian khá lâu và khi bắt đầu lại, mỗi khi cầm bút lại tự nhủ: “Cứ viết để đấy, viết cho độc giả năm năm sau…”.
Nhưng chế độ của hai ông Nhu – Diệm đã sụp đổ sớm hơn lòng mong mỏi. Lợi dụng khí thế cách mạng những tháng đầu, tôi vội vàng cho đăng những truyện đã chuẩn bị sẵn. Nhưng thời kỳ cởi mở qua rất nhanh ............................ [1] Các sáng tác của tôi đã bắt đầu xuất hiện trên các báo với các vết đen ô nhục hay các khoảng trắng mỹ thuật. Nhưng tôi chưa chán nản như dưới thời Nhu Diệm dù bị va đầu vào một loạt cấm điều mới: cấm đả kích Viện Hoá Đạo, cấm đả kích Thiên chúa giáo, cấm tố cáo những xấu xa của nhà cầm quyền, cấm phê bình chính sách của chính phủ, cấm nói động tới các tướng lãnh ........................... [2] .
Tôi chưa chán nản bởi vì một buổi đi làm về tới nhà biết tin một người em họ khá thân vừa bị Việt cộng bắt không biết sống chết thế nào, tôi chợt hiểu một điều là tôi và các bạn tôi cần phải có bổn phận phải tiếp tục cuộc chiến đã mở trên địa hạt văn hóa ít nhất cũng bởi vì nếu miền Nam mất vào tay cộng sản, chúng tôi sẽ chịu cùng số phận với người em họ kia – chứ đâu có thể đáp phi cơ đi ngoại quốc sống ung dung như những vị đang tưởng rằng chỉ cần dollar và súng đạn là thắng được kẻ thù.
Văn hoá trong chiến tranh Việt Nam
Tại các nước có truyền thống dân chủ như Pháp, Anh, Hoa Kỳ, v.v. những người cầm bút thường được sử dụng ngòi bút của mình theo lương tâm của chính họ và dư luận quần chúng. Vì thế, những nhà văn nhà báo tại các nước Tây phương này có thể được coi như phát ngôn viên cho nguyện vọng nhân dân mọi tầng lớp trong xã hội. Cũng vì thế, dân mua báo, mua sách và kết quả là những người cầm bút có một mức sống khá cao và nguồn lợi tức không lệ thuộc vào chính quyền. Trong những điều kiện ấy, văn hóa (trong đó báo chí là một bộ môn) có thể coi như sinh hoạt và phát triển trong một chính sách văn hóa tạm gọi là TỰ DO. Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận trở thành một thứ quyền thứ tư sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Những người hành xử thứ quyền thứ tư này được cả chính quyền lẫn dân chúng tôn trọng.
Tại các nước theo xã hội chủ nghĩa như Nga Xô, Ba Lan, Trung Cộng, Bắc Việt, v.v. những người cầm bút phải sử dụng ngòi bút của mình theo chỉ thị của đảng và giới hạn trong chính sách của đảng từng thời kỳ. Vì thế, họ không phải là phát ngôn viên cho dân, mà là phát ngôn viên cho đảng. Cũng vì thế dân ít mua sách, báo và cũng vì vậy, đảng phải bao dưỡng nhà văn qua cơ quan trung gian và thừa hành là Chính phủ, và hậu quả là nhà văn có mức sống khá cao và nguồn lợi tức hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền. Trong những điều kiện ấy, văn hóa có thể coi như sinh hoạt và phát triển trong một chính sách văn hóa tạm gọi là CHỈ HUY. Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận bị tiêu diệt hay hạn chế tối đa và những người cầm bút được chính quyền đối xử như những cán bộ đặc biệt và đãi ngộ xứng đáng. Còn người dân thì thờ ơ.
Như vậy, xét về phương diện thuần túy vật chất và quyền lợi, người cầm bút trong chế độ dân chủ hay chế độ vô sản chuyên chính, đều được trọng đãi – dĩ nhiên trong những điều kiện khác nhau. Còn tại Việt Nam và tại những quốc gia cùng mang thân phận nhược tiểu Á Phi, chính sách văn hóa là gì và những người cầm bút được đối xử và đãi ngộ ra sao?
Nói tới chính sách văn hóa, cần phải tìm hiểu xem chính quyền ở Việt Nam, từ khi cựu hoàng Bảo Đại về nước làm Quốc trưởng cho tới gần đây, do thành phần xã hội nào nắm giữ – bởi vì quan điểm văn hóa biến đổi tùy theo tầng lớp xã hội. Điều hiển nhiên, nhưng cho tới giờ chưa ai nói ra, là các chính phủ quốc gia kế tiếp nhau 10 năm nay tại miền Nam Việt Nam đều là do thành phần cựu quan lại và phong kiến phối hợp với nhau nắm giữ. Đã là cựu quan lại và phong kiến, tất nhiên họ phải có một chủ trương tiêu diệt hay cản trở mọi phát triển hay sinh hoạt văn hóa, bởi vì yếu tính của văn hóa từ sau 1930 thường chống lại yếu tính của giai cấp phong kiến và quan lại. Hậu quả là để duy trì địa vị thống trị của mình, quan lại và phong kiến đưa ra một chính sách văn hóa tạm gọi là ngu-hóa-quần-chúng. Chính sách này trên thực tế được biểu lộ bằng những khía cạnh sau:
- Một chính sách kiểm duyệt khắt khe: Nói chung, quan lại và phong kiến cũ không cho phép ấn hành một nhận định, quan điểm, biên khảo, không cho phép xuất hiện một khuynh hướng hay trường phái tư tưởng nào xét ra có hại trực tiếp hay gián tiếp tới địa vị thống trị của họ.
- Một chính sách bế quan tỏa cảng tinh thần: Các sách báo ngoại quốc chỉ được nhập nội sau những biện pháp ngăn chặn khắt khe. Không những tất cả những cuốn sách nào có nội dung hay đề tài về thế giới cộng sản bị cấm, hàng rào “quan thuế văn hóa” còn cản cả những cuốn có nội dung đi ra ngoài khuôn khổ chính trị chính quyền đã ấn định.
- Một chính sách văn hóa vị chính quyền: Chỉ nâng đỡ hay ưu đãi những người làm văn hóa nào hoặc chịu suy tôn chính quyền hay ít nhất cũng chịu im lặng phục tòng. Bỏ rơi, lơ là mọi hoạt động văn hóa thông thường mà một quốc gia trung bình phải tìm cách nuôi dưỡng, phát triển không ẩn ý chính trị nhất thời.
Chính sách văn hóa (xin tạm gọi như thế) của chính quyền miền Nam Việt Nam trình bày trên, đã được áp dụng tối đa dưới sự kiểm soát của Cố vấn Ngô Đình Nhu. Và hiện nay, dù ông Nhu đã chết, và dù có vài cởi mở đáng kể, miền Nam vẫn còn được thụ hưởng những điểm chính yếu của thứ chính sách trên.
Hiện nay có nhiều người trách ông Ngô Đình Nhu đã chỉ nghĩ tới địa vị cá nhân và dòng họ, đã quá chú trọng tới chính trị giai đoạn, v.v. nên đã không để văn hóa dân tộc phát triển – và như thế là làm hại tới một sinh hoạt có tính cách trường cửu của cộng đồng xã hội. Những vị này – cho tới nay vẫn nắm giữ những địa vị then chốt trong chính quyền, khi trách chế độ cũ như vậy, có ẩn ý cho rằng văn hóa không có ích cho việc tranh đấu chống Cộng hay việc tranh đấu nói tổng quát. Và ông Ngô Đình Nhu như vậy xét ra cũng có điểm có thể “thông cảm”, v.v.
Sự thực không phải như thế. Sự thực có lẽ chính những vị nghĩ như vậy đã bị ông Nhu, giai tầng phong kiến và trí thức vong bản phóng thể (tạm dịch chữ aliéné) mà không biết. Hơn nữa, chính một số trí thức không vong bản còn tự phóng thể lấy mình bằng cách chấp nhận không xét lại những lập luận của các nhà văn Pháp về sự không có giá trị chiến đấu của văn hóa. Những bài dịch thuật tham luận, khảo luận của các nhà văn Pháp về đề tài: “Que peut la littérature” xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam gần đây chứng tỏ. Ít có ai đặt vấn đề lại như sau: Nước Việt Nam nhược tiểu Á Phi với một chiến cuộc 25 năm không phải là nước Pháp.
Những người chấp nhận luận cứ văn hóa không có giá trị chiến đấu có bao giờ đặt câu hỏi tại sao các nước cộng sản không những tiêu diệt văn hóa mà lại còn trọng đãi các nhà văn? Đặt câu hỏi này rồi, vấn đề đặt ra kế tiếp sẽ là: Chính quyền cộng sản ưu đãi nhà văn là tại họ trọng văn hóa, yêu chuộng nghệ thuật hay là vì tại các nhà văn chính là những cán bộ rất hữu ích và văn hóa chính là một thứ vũ khí lợi hại của chính quyền vô sản chuyên chính?
Mở các thánh thư của các đấng tổ phụ của chủ nghĩa cộng sản ra đọc, tìm hiểu mọi nguyên tắc căn bản quy định cơ cấu tổ chức và sinh hoạt điều hành của các chế độ cộng sản, thấy có một sự kiện hiển nhiên nữa là không có một khoảng đất nào dù nhỏ và khuất nẻo tại các nước “xã hội chủ nghĩa”, các cán bộ cộng sản lại chịu chấp nhận một người ăn rồi ngồi làm những việc vô ích theo quan điểm về lao động của họ. Vậy khó có thể chấp nhận luận cứ cho rằng cộng sản ưu đãi nhà văn (dĩ nhiên là những nhà văn không đi ra ngoài khuôn khổ Đảng đã ấn định) chỉ vì họ trọng nghệ thuật, yêu chuộng người cầm bút. Làm một suy luận đơn giản, sẽ thấy rằng cộng sản ưu đãi nhà văn, chú trọng tới sinh hoạt văn hóa, chính bởi vì các người cầm bút là những cán bộ tốt và sinh hoạt văn hóa là phương tiện tốt cho việc duy trì chế độ xã hội tại quốc nội, phát triển chủ nghĩa và chế độ xã hội tại quốc nội, phát triển chủ nghĩa và chế độ tại quốc ngoại. Nói một cách đơn giản coi như một vũ khí chiến đấu có hiệu năng ưu hạng. Vấn đề kế tiếp đặt ra là tại sao văn hóa lại được các lãnh tụ cộng sản coi như là một vũ khí chiến đấu có khả năng ưu hạng.
Trái với các ngộ nhận của người không cộng sản, chiến trường chính và đối tượng của sách lược cộng sản là Ý THỨC CON NGƯỜI. Đọc đến đây nhiều người sẽ không đồng ý bởi vì cho rằng cộng sản “chúng nó vô thần”, “chúng nó duy vật”, v.v. tất không thể chú trọng tới một cái gì “dính dáng tới tinh thần”. Sự thực ngược hẳn lại. Người cộng sản thắng chúng ta nhiều hiệp chính vì họ đã hiểu rằng chiến thắng tùy thuộc Con Người và Sự Chinh Phục Được Ý Thức Con Người. Năm 1938, Mao Trạch Đông, khi ấy còn ở mật khu đối phó với hai kẻ địch Nhật Bản và Quốc dân đảng Trung Hoa, đã viết như sau: “Trong một cuộc chiến tranh, vũ khí là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Yếu tố chính là người chứ không phải là vật. Tương quan giữa các lầm lẫn không phải chỉ được xác định là do tương quan giữa những sức mạnh kinh tế và quân sự mà cũng còn do tương quan giữa những tiềm lực nhân sự và tinh thần con người. Để điều khiển những sức mạnh quân sự và kinh tế, phải cần đến con người” (trích Trường kỳ kháng chiến). Hai mươi năm sau đại tá Ch. Lacheroy, chỉ huy Sở Tác động Tinh thần Bộ Quốc phòng Pháp, tuyên bố trong một hội nghị: “Ở Đông Dương cũng như Trung Hoa, cũng như ở Triều Tiên và tại các nơi khác nữa, chúng ta nhận thấy rằng kẻ mạnh nhất dường như đã bị đánh bại bởi kẻ yếu nhất. Tại sao vậy? Tại vì những tiêu chuẩn chúng ta dùng để đánh giá các lực lượng cho tới lúc này, những tiêu chuẩn cổ truyền ấy, chúng đã bị đào thải rồi. Chúng ta phải đối diện với một hình thức chiến tranh mới, mới trong ý niệm và mới trong áp dụng. Đấy là cái hình thức chiến tranh mà chúng ta gọi là chiến tranh cách mạng”.
Nói đến Ý Thức Con Người, lại sẽ có nhiều người thắc mắc: “Làm sao chống lại, làm sao diệt được ý thức hệ cộng sản?”. Những người thắc mắc này cho rằng ý thức hệ cộng sản phát sinh từ vô sản nông công, yếu tính của vô sản nên khó có cách gì hủy diệt được. Để giải đáp thắc mắc này, bây giờ nếu tôi, người viết bài, nói rằng vô sản công nông chẳng có ý thức quái gì hết, chắc những thắc mắc trên không ai chịu tin. Do đó, để đơn giản vấn đề, xin trích dẫn sau đây một đoạn, vẫn do chính Lénine viết từ 1902 trong cuốn Que faire?: “Còn về chủ nghĩa xã hội, nó thoát thai từ những lý thuyết triết học, lịch sử kinh tế do những đại biểu học thức của tầng lớp có của, do những người trí thức. Những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, Marx và Engel, đều là những trí thức trưởng giả xét theo địa vị xã hội của họ… Ý thức chính trị về giai cấp chỉ có thể mang đến cho những thợ bên ngoài, nghĩa là bên lề tranh đấu kinh tế và ở ngoài những tương quan chủ và thợ. Vậy ai đem ý thức chính trị về giai cấp đến cho người thợ, người vô sản? Những người trí thức ở tầng lớp khác”. Như vậy, những người trí thức đã đem ý thức chính trị (ý thức hệ cộng sản) đến cho công nông, nghĩa là đã tạo ra cách mạng vô sản và chế độ cộng sản, thì người trí thức cũng có thể tiêu diệt ý thức hệ cộng sản, hay mang lại cho người thợ, người nông phu một Ý THỨC HỆ MỚI chống lại hoặc phá hủy được chế độ cộng sản. Tất cả những điều đó thực hiện bằng gì? Dĩ nhiên không phải chỉ bằng dollar và súng đạn. Hiển nhiên là bằng cái mà những người không cộng sản thường gọi là VĂN HÓA và những người cộng sản thường gọi là TUYÊN TRUYỀN (hiểu theo định nghĩa của Trường Chinh: “Tuyên truyền thực hiện đến tuyệt đích là văn hóa”).
Xét như vậy, văn hóa nếu biết sử dụng nó, là một vũ khí chiến đấu có mục tiêu là chinh phục con người và ý thức con người. Vấn đề bây giờ là không nên nói thêm về phía địch, những kẻ đã đạt tới mức thượng thừa trong việc sử dụng văn hóa như một vũ khí, chỉ nên xét về phía chúng ta từ sau tháng 7.1954, và nhất là từ sau 1.11.1963, xem các chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã làm được những gì trong địa hạt này. Và vấn đề tương lai là làm sao trong một tương lai không xa lắm, tại một phòng họp tại Pentagone, thống tướng Westmoreland đừng phải nhắc lại câu nói của đại tá Ch. Lacheroy:
“Ở Đông Dương cũng như ở Trung Hoa, cũng như ở Triều Tiên và các nơi khác nữa, chúng ta nhận thấy rằng kẻ mạnh nhất dường như đã bị đánh bại bởi kẻ yếu nhất. TẠI SAO VẬY?”.
Quảng Ngãi tháng Mười
Quảng Ngãi có lẽ là thị trấn độc nhất có bãi cát ven sông tương tự Hà Nội ở miền Nam sông Bến Hải. Nhiều lần nhìn qua cửa phi cơ, thấy bãi cát lớn trắng chói êm ả, tôi đã ao ước sẽ có lúc được đặt chân lên nó vào một mùa lạnh nào đó. Bây giờ mới cuối tháng 10, khí hậu chưa lạnh nên tôi, trong suốt thời gian lưu lại tại tỉnh này, vẫn không thực hiện được cái thú ngày xưa, cái thú vị nghe gió rít quanh tai và tiếng cát khô cứng dưới gót giầy.
Thị trấn Quảng Ngãi cuối tháng Mười nắng chói chang, gay gắt trên gáy, bụi trắng bay từng lớp. Mùa mưa năm nay tới chậm. Người dân địa phương đã nói với tôi: “Trời không mưa mau, lấy nước đâu mà cấy. Mạ đã già cả rồi…”. Bắt chước dáng điệu người đối thoại, tôi cũng ngẩng đầu nhìn trời và cũng thoáng lo âu – một thứ lo âu của một người không ở trong mối tai họa đang đe dọa. Năm ngoái lụt, rồi chiến dịch lớn của Việt cộng, chiến dịch của ta, bây giờ nếu thêm nạn hạn hán, thì quả thật người dân tóc bạc này nói đúng: “Trời không thương dân nghèo miền Trung”.
Người dân Quảng Ngãi nói chung khác hẳn những người dân Sài Gòn. Hơn mười tháng trời phục vụ tại thủ đô, tôi đã quá quen với những thái độ chán chường tiêu cực, những hành động hư không, những thứ tranh đấu không liên tưởng và không cả nhiệt tình, v.v. nên khá ngạc nhiên khi biết rõ những người dân xứ Nam Ngãi. Ở nhiều nơi cát trắng chói đất cằn này, con người dứt khoát hơn với cuộc đời và những người đồng loại. Không có những vị trí mơ hồ, không có những hiệp hội đoàn thể, chơi với ai cũng được và thực ra chẳng chơi với ai hết. Bất cứ người dân nào đến tuổi đi bầu tại Quảng Ngãi, đều gần như đã chọn một lập trường chính trị.
Hoặc họ là Việt cộng, hoặc họ là Việt Quốc… Mà đã Cộng thì là thứ cộng trung kiên, và đã Quốc thì cũng quốc tới hai ba đời. Và ngay trong nội bộ Việt Quốc, ai đã thuộc hệ phái A thì nhất định là A, ai thuộc hệ phái B thì khăng khăng là B. Nơi đây chiến tranh quốc cộng mang hẳn một hình thái cá nhân, một thứ thù truyền kiếp. Đêm nay Cộng về giết hay mổ bụng hay chôn sống một bí thư xã Việt Quốc, thì ngày mai căn nhà của anh chàng chỉ huy vụ ám sát đêm trước sẽ bị đốt ra tro. Việt Quốc thù hằn Việt cộng và ngược lại. Và con người thật là nóng bỏng như thứ nắng chói chang đang chiếu đến nỗi rằng du kích cộng địa phương đã chôn sống cả tới những vợ con cha mẹ đối thủ khi họ thắng thế vào mùa mưa vừa qua. “Giết được một Việt Quốc bằng giết mười chính quy” là khẩu hiệu của Việt cộng nơi địa phương này.
Làng ta ta về… Trong phòng khách của tòa tỉnh, người thiếu úy bí thư thẳng thắn trả lời câu hỏi của tôi: “Mấy tháng trước, chúng ta chỉ còn giữ được thị trấn và vùng phi trường. Chính vì thế tỉnh chúng tôi mới phát động chiến dịch về làng”. Một thiếu úy khác vạch ba nét tượng trưng cho sông Trà Khúc, sông Vệ và bờ biển, giới hạn ranh giới khu vực chiến dịch về làng đã thành công.
Anh nói: “Chúng tôi đã đưa được dân hai xã về lấy đất hai xã đông nhất trong tỉnh. Trong tháng tới, hy vọng sẽ sang miền phía Nam sông Vệ”. Ngày hôm sau, mượn xe Jeep của sư đoàn, lấy khẩu colt của Duy Lam, tôi nhờ một người bạn giáo sư địa phương đưa về thăm miền ngoài thị trấn. Sau khi vượt dăm ba cây cầu tạm (cầu cũ đã bị Việt cộng phá hủy), rẽ vào con đường đất rộng đủ vừa bốn bánh xe; khung cảnh đột nhiên trở thành quen thuộc. Những ruộng nhỏ có bờ đất, những con đường làng sát cạnh các lũy tre – hình ảnh của quê hương ngoài Bắc. Dừng chân ở một ấp, một trưởng đoàn công tác của chiến dịch về làng nói với tôi qua ly trà nóng bỏng: “Sao thượng cấp không chịu phát cho chúng tôi súng lớn để giữ làng?”. Tôi lảng tránh câu trả lời dù rằng phát súng cho họ là đưa họ vào đất chết. Có trung liên đại liên những người dân sẽ chiến đấu đến cùng giữ mảnh đất riêng và trong nhiều trường hợp, họ sẽ không đủ sức chống chủ lực địch. Thà để đánh bằng lựu đạn và carbine để rồi phải phân tán mỗi khi địch về đông. Khi cho xe chạy qua một cây cầu dẫn sang quận Mộ Đức bên kia sông Vệ, tôi hơi ngập ngừng vì vùng này, theo lời dặn dò của người thiếu úy, khá thiếu an ninh cho một chiếc xe Jeep và khẩu súng 6 viên đạn. Nhưng khung cảnh quá đẹp làm tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm tới một đoàn chiến dịch về làng đang công tác sát biển. Các cồn cát, hàng phi lao bắt đầu xuất hiện nhiều.
Sau khi ra khỏi một làng, cảnh sông và bãi cát dưới nắng đẹp rõ từng nét gần như bất động. Người hướng dẫn chỉ tay bên kia sông, nói: “Quê ngoại tôi ở trong làng kia…”. Nhìn cảnh người bạn ngồi cạnh, nghĩ tới các người dân lúc nào cũng tranh đấu chính trị miền này, tôi không chặn nổi một câu hỏi vẩn vơ: “Quê hương các anh đẹp thế, đáng lẽ phải sản xuất thi sĩ nhiều mới phải…”. Người bạn cười chỉ cất tiếng nói khi xe len lỏi vào trong một khu vực toàn nhà đổ nát, toàn những cột cháy đen: “Tụi Cộng tấn công hồi đó đấy!”. Khi tới gần sát biển, tại thôn An Chỉ, một thiếu úy than thở với tôi: “Anh đừng ngạc nhiên khi thấy tôi không đeo súng. Đeo, tôi sợ dám bắn chết cán bộ dân chính ba gai lắm. Số ba gai tí thôi, nhưng bực lắm! Hai trung đội B K của tôi nằm sương phơi nắng ngoài những cồn cát kia giữ an ninh, các ông cán bộ ba gai lại tà tà, chịu sao nổi!”. Bữa cơm thô sơ đã dọn ra vì tôi, vì lý do có buổi họp gần kề, rất tiếc không ở lại được để cùng chia sẻ, với những người đang vì dân chúng đứng đầu gió miền ven biển đất cằn.
Những Thanh niên Quảng Ngãi trong Ban Chấp hành của lực lượng thanh niên cách mạng, một đoàn thể tư bao gồm hơn 1.500 đoàn viên, đều rất trẻ.
Đa số dưới 25 tuổi. Họ liên tiếp trình bày về những hiện tượng thối nát tại địa phương, và sau mỗi sự kiện, họ lại hỏi một câu: “Sài Gòn có biết không?”. Tôi tránh né một câu trả lời dứt khoát vì trả lời “có” cũng kẹt mà trả lời “không” còn kẹt hơn. Không gian trong phòng họp đầy nghẹn ngào, đầy uất ức. Tôi cố giữ khỏi bị chìm đắm vào tình tự ấy. Và tôi đã thành công nếu không phải biết tới chuyện những bao gạo, bao cá khô, hũ nước mắm mà chính tôi, với tư cách một hộ tống viên, đã mang ra sau cơn lụt tới miền này.
Trở dậy từ 4 giờ sáng, cài chiếc bi đông nước vào thắt lưng (ngồi cả ngày trên phi cơ và hộ tống viên ít khi được phi hành đoàn cho uống nước) phóng xe tới cơ quan theo xe thực phẩm ra phi trường để rồi khi tối mờ mịt mới đặt chân mệt lử xuống Sài Gòn.
Tôi đã cứ tưởng như thế đã góp một phần nhỏ bé giúp dân cho tới lúc này, khi biết những liên tục cứu trợ ấy đã lạc đi nơi nào hầu hết trước khi tới tay người dân khốn khổ.
Khi rời phòng họp, trời đã về chiều nắng đã bớt chói trên cát nhưng tâm hồn tôi vẫn nóng bỏng. Nóng bỏng bởi những người thanh niên này đã đặt quá nhiều tin tưởng vào tôi và cơ quan tôi hiện đang phục vụ, khi tôi biết rằng, với tất cả nỗ lực và thiện chí cá nhân những nguyện vọng của họ chưa chắc đã được thỏa mãn.
Mà nguyện vọng của họ – những người trẻ tuổi kết hợp với nhau dưới đoàn kỳ gồm tới 7 ngôi sao trên nền đỏ ấy, có là gì đâu. Họ chỉ mong được giúp đỡ phương tiện để hoạt động xã hội (số tiền trợ cấp của chính quyền địa phương không nhiều) và nếu có thể được làm những kẻ trung gian chuyển những giúp đỡ của trung ương và các nước bạn tới tận tay người dân thụ hưởng.
Chỉ muốn giúp dân như thế cũng khó – khó bởi vì giả thử có quá nhiều người thiện chí thanh liêm thì những kẻ tham nhũng ở cái quốc gia này biết ăn chận để làm giàu vào đâu. Nghĩ như thế là bi quan quá chăng? Chưa chắc!
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Đoạn bị kiểm duyệt (chú thích của talawas)
[2]Đoạn bị kiểm duyệt (chú thích của talawas)
Nguồn: In xong tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn, ngày 10-5-1966. Nam Sơn xuất bản.