Aleksander I. Solzhenitsyn
Ngôi nhà của Matriona
Nguyễn Văn Son dịch
Vì đại cuộc
Chương I
"Faina này, muốn xin thời khóa biểu môn điện học thì hỏi ai?"
"Để làm gì? Anh là giáo sư phụ trách vô tuyến mà!"
"Faina Valé rionovna, thềm thính quan nằm dưới cả hai mươi đề-xi-ben [1] . Đây là một người bạn mới. Tôi hỏi cho anh ta".
"Xin lỗi nhé! Anh dạy môn gì?"
"Điện cụ dùng cho dòng điện mạnh. Và lý thuyết của sự truyền điện".
"Sao mà ồn quá thế này, nói không nghe gì hết! Thế mà chúng mình là giáo sư đấy! Thời khóa biểu ở đằng góc kia kìa, các bạn đến đó xem".
"Suzanna Samoilovna! Chào bạn!"
"Lidia Guéorguiévna? Trời ơi, cô bạn thân của tôi! Sao mà đẹp quá vậy? Hè vừa rồi bạn ở đâu?"
"Bạn muốn biết à? Cả tháng Bảy ở công trường!"
"Ở công trường? Thế bạn không được nghỉ phép à?"
"Cứ cho là không. Ba tuần thay vì tám. Tuy nhiên tôi không tiếc gì cả. Còn bạn, hơi mệt đấy nhé!"
"Grigori Lavrentiévitch! Môn điện học có gì bạn? Thời khóa biểu cho hai ngày hả?"
"Ban nào cũng vậy, nhưng chỉ tạm thời cho đến mồng Hai tháng Chín thôi. Này các đồng chí, ai đang ra ngoài vậy? Các đồng chí hãy nghe đây! Hãy giữ im lặng! Tôi nhắc lại: Fédor Mikhéévitch có dặn là không ai được đi đâu hết".
"Nhưng ông ấy đâu?"
"Ở bên khu nhà mới. Ông ấy sắp về! Chúng ta sắp dọn nhà rồi".
"Nhưng phải làm ngay đi chớ! Sinh viên ở các tỉnh khác đang kéo đến! Không lẽ để họ ra thuê phòng ngoài phố à? Họ sẽ có câu lạc bộ không?"
"Ai mà biết! Họ cứ tà tà… Không bao giờ làm gì cho kịp lúc hết!"
"Về phần tôi, Maria Diômidovna, ở nhà trường mới tôi sẽ có đến hai phòng để chứa dụng cụ! Như vậy đủ rồi! Một cái cho những đồ căn bản lý thuyết về điện tử, một cái cho những đồ đo điện năng".
"Tôi cũng vậy: một phòng dành cho dụng cụ điện tử và điện ion, chỉ còn mấy cái đồ cách điện là phải dùng với môn học về ánh sáng thôi".
"Tôi mừng cho anh nhiều nhất; tất cả những gì anh hiện có không phải là một phòng thí nghiệm mà chỉ là một cái kho chai bể".
"Với cái đống thùng ở hành lang và dưới hầm thật là một cơn ác mộng! Bây giờ chúng ta đã có ngăn tủ hết rồi: i nhi trong ngăn riêng, ti ra trong ngăn riêng, bóng đèn điện tử…"
"Thôi, đừng hút thuốc nữa, Vitali! Khi nào muốn hút phải xin phép các bà chớ!"
"Tôi xin giới thiệu một đồng nghiệp mới, Anatoli Guermanovitch, kỹ sư Suzanna Samoilovna, giáo sư toán".
"Anh này, chỉ được cái giễu dở, coi chừng tôi có ngày đấy! Tôi mà là giáo sư hả?"
"Thôi được, vậy thì chủ tịch ủy ban các môn giảng huấn trong chương trình vậy. Có khác gì chức giáo sư đâu? Khác chăng là bạn không được hưởng lương thôi. Đây xin giới thiệu luôn Lidia Guéorguiévna, nhân vật rất nổi bật của trường kỹ thuật mình đấy!"
"Các bạn đừng tin anh ấy. Ngược lại thì đúng hơn. Đây này, anh đây này, anh còn nổi bật hơn tôi nữa, và ngay từ buổi đầu".
"Tại chị thấy cái mã của tôi nên nói vậy chớ gì? Chắc chắn là tại cặp kính đeo mắt của tôi phải không?"
"Không, tại vì anh là kỹ sư, và phụ trách một môn học nhất định. Còn tôi thì đâu có khó thay thế; ở đây tôi là "kẻ thừa".
"Chị phụ trách môn gì?"
"Nga văn. Ngôn ngữ và văn học sử".
"Khi nhìn nụ cười của Lidia Guéorguiévna, các bạn hẳn phải đoán là chị ấy không tự cho mình là kẻ thừa ở đây đâu. Trước hết mình phải nói là chị ấy lãnh đạo giới trẻ đó".
"Thế à, thế à… Và họ đã bầu chị à?"
"Không, tôi được Đảng chỉ định. Đặc trách tổ chức thanh niên Komsomol [2] ".
"Thôi, cái cô bé Lidia này, cứ giả vờ khiêm nhượng! Chính mấy sếp trong Komsomol đòi chị ấy trong suốt bốn năm liên tiếp đó…"
"Tôi phải nói thêm là theo ý kiến riêng của tôi nếu ngôi trường mới được cất lên, đó là nhờ công của Lidia Guéorguiévna hết phân nửa đó…"
"À, bây giờ ngạo tôi đấy hả?"
"Tôi vẫn chưa hiểu ai đã xây ngôi trường mới. Hay là do chị. Không phải tổ hợp cất sao?"
"Tổ hợp và chúng tôi, chuyện dài lắm".
"Vậy thì kể nghe đi, Lidia Guéorguiévna. Dù sao cũng đáng cho chúng tôi nghe mà".
"Được rồi, họ bảo chúng tôi như thế này: "Năm nay tổ hợp không đủ ngân khoản để thực hiện toàn diện công tác. Phải hai năm nữa họ mới hoàn tất được. Vậy chúng tôi có giúp được các ông không? Vâng, được. Và các bạn sẽ có tất cả các phòng ốc vào đầu tháng chín". Thế là chúng tôi chụp ngay cơ hội. Chúng tôi đã tổ chức một đại hội Komsomol…"
"Tổ chức ở đâu, ở đây à?"
"Chúng tôi đặt máy phóng thanh ở hành lang và thang lầu. Dĩ nhiên là trong những lớp học như thế này phòng nào cũng có loa phóng thanh hết… Thế là chúng tôi mở một phiên họp. Chúng ta làm nhé? Đồng ý! Chúng tôi thành lập nhiều tổ. Nhưng bọn học trò nói với chúng tôi là: không cần thiết, tụi em sẽ lo lấy. Tôi phải nhìn nhận là chúng tôi đã hết sức lo ngại cho những đứa trẻ nhất, mấy đứa vừa ở tiểu học lên ấy mà, toàn tụi bé con mười bốn, mười lăm tuổi. Chúng có thể dại dột đến đứng dưới cần trục, hoặc có thể ngã từ trên cao xuống. Cuối cùng chúng tôi phải cho bọn học trò lớn canh chừng chúng, nhưng bọn lớn không chịu cho tụi nhỏ làm việc chung".
"Có xảy ra những cuộc hỗn loạn vô ích không?"
"Chúng tôi đã cố hết sức tránh không cho những chuyện ấy xảy ra. Viên trưởng công trường nộp cho Văn phòng Đảng đồ án hàng tuần ấn định số người phụ tá của từng đoàn thể, chúng tôi đã thành lập một loại ban tham mưu để chỉ định các tổ, những tổ này đi làm việc luôn cả những ngày trong tuần, có tổ thì làm trước giờ học, có tổ thì sau. Trường chúng tôi chia ra hai nhóm để điều hành, một nhóm sáng, một nhóm chiều. Những ngày Chủ nhật chúng tôi làm việc tơi bời. Chúng tôi đã đi đến quyết định là mỗi người phải bỏ ra hai tuần lễ nghỉ hè của mình. Những ai không ở tại thị xã thì đương nhiên phải tìm cách làm trong những ngày đầu hay cuối của thời gian nghỉ hè, nhưng những ai phải làm việc giữa mùa hè thì phải cắt kỳ nghỉ hè của mình làm đôi".
"Thế thì tuyệt rồi!"
"Khoan, chưa hết. Tuyệt ở chỗ là chúng tôi không bao giờ phải phạt học trò. Có thể nói chúng đã thay đổi hoàn toàn. Hơn nữa, chúng tôi không phải là những người duy nhất ngạc nhiên trước điều đó, mà cả thợ xây nhà cũng vậy; họ đến bảo với chúng tôi: phải công nhận là chúng tôi không làm giỏi bằng chúng".
"Kinh thật!"
"Không tin à? Anh có thể hỏi bất cứ ai!"
"Không, không phải là tôi không tin… Mình nên nghĩ là lòng nhiệt thành là một trạng thái tự nhiên của con người, nó còn là trạng thái tốt đẹp nhất nữa. Nhưng danh từ đó, chúng ta đã, phải nói thế nào nhỉ, chúng ta đã dùng nó một cách cẩu thả, chúng ta đã làm mất ý nghĩa cao đẹp của nó, chẳng hạn như tụi ở đài phát thanh; ở nhà máy thì nghe toàn những câu làm việc này tôi sẽ lãnh được bao nhiêu tiền? Giá biểu thế nào? Xin cho tôi một bản kê khai. Không có gì lạ cả: quyền lợi vật chất, một chuyện rất thường".
"Ngoài ra, anh có biết chúng tôi còn làm gì nữa không? Chúng tôi đã đồ lại đồ án của ngôi trường, làm thành một "ma-két" nhỏ để làm biểu tượng cho nhóm công tác của chúng tôi mang đi hàng đầu trong những cuộc diễn hành".
"Lidia Guéorguiévna đã bắt đầu bằng khía cạnh tình cảm của vấn đề, nhưng nếu muốn hiểu rõ thì có lẽ phải bắt đầu bằng khía cạnh thực tế. Trường kỹ thuật của chúng ta đã có từ bảy năm nay, và từ lúc chúng tôi được ngôi nhà này, nằm ở phía bên kia con đường sắt (lúc bấy giờ ở ngoại ô), chúng tôi bị sa lầy ở đây. Sau đó người ta đã cất lên một chi điếm ở tầng dưới để làm xưởng, rồi cho chúng tôi một gian phòng phụ trội ở cách đây năm trăm thước; nhưng mặc dù vậy cũng không đủ. Mikhéévitch xin được một miếng đất để cất trường trong thị xã… Trên miếng đất có mấy cái chòi nhỏ, chúng tôi phải phá đi…"
"Và dĩ nhiên là các bạn chỉ làm trong nháy mắt?"
"Mấy cái máy đào đất đã đào công trường và hai cái nền cho hai ngôi nhà được đắp cạnh nhau, một cho trường học, một cho cư xá. Chúng tôi bắt đầu làm tầng dưới và từ đó mọi công việc đều lỡ dở. Liên tiếp trong ba năm, không có ngân khoản, và lúc nào cũng không có đủ ngân khoản. Có lần họ lại còn quên chúng tôi trong danh sách nữa, một lần khác các Bộ bị phân tán rồi sau đó kết hợp lại, họ cứ đẩy chúng tôi hết bộ này đến bộ khác và trong khoảng thời gian đó, mưa tuyết cứ trút xuống, rồi tuyết tan, rồi nước mưa, tất cả những thứ đó cứ nằm ì ra đó. Vừa rồi họ có thành lập những hội đồng kinh tế quốc gia (Sovnarkhozc) chúng tôi lại được hội đồng này chi phối, nhờ đó mà ngân sách chúng tôi mới được tháo khoán đầu tháng Bảy năm ngoái, lúc đó thì…"
"Chị Doussia ơi, đi mở cánh cửa sổ ra giùm đi, mấy ông này cứ hút thuốc lia lịa, không thở được nữa".
"Không lẽ mỗi lần hút một điếu thuốc lại phải đi ra ngoài?"
"Phòng giáo sư đâu phải để hút thuốc?"
"Vậy các bạn đã làm được những công tác gì?"
"Ôi chao, nhiều lắm. Đào móng đặt ống nước, từ nồi đun nước…"
"Đại khái là tất cả các mống! Cho dây điện, cho… tự tay chúng tôi bắt lấy hết!"
"Sau đó chúng tôi đem gạch xuống, chồng chất vào trong lồng của máy trục. Đem đất dưới hầm lên".
"Và lấy giỏ đựng đất khiêng lên mỗi tầng lầu để san cho bằng. Mang máy sưởi vào từng phòng. Ống nước! Sàn nhà! Chúng tôi phải cạo rửa sạch sẽ hết!"
"Tóm lại là nhà thầu chỉ gởi chuyên viên đến chớ không có gởi nhân công".
"Sau đó các chuyên viên mới dạy nghề cho các phụ tá. Chúng tôi có thành lập hai tổ, một là tổ tập sự thợ hồ, một tập sự thợ sơn. Phải thấy họ làm việc mới biết họ tháo vát đến mức nào! Nhìn họ làm là cả một sự thích thú".
"Xin lỗi, nghe như từ ngoài đường vậy? Ở đâu vậy?"
"Không, ta không muốn ngồi rũ rượi
Bên ánh lửa trại hay ánh nến
Ta sẽ sản xuất, sản xuất
Nào những đèn hai chấu,
Nào những đèn ba chấu,
Nào những đèn bốn chấu,
Nào những đèn năm chấu!
Và rất nhiều đèn siêu tầng số".
"Có phải sinh viên của các bạn hát đó không? Họ hát gì vậy?"
"Khỏi cần đứng cửa sổ nhìn xuống cũng biết đó là bọn sinh viên năm thứ ba".
"Mấy thằng quỷ, chúng hát hay thật! Không cách chi nhìn thấy chúng! Từ cửa sổ này có thấy chúng không?"
"Nào, đến xem… Này, chị Marianna Casimirovna, chị cho phép tôi xoay cái ghế của chị một chút nhé!"
"Các bạn nói gì vậy? Lúc này áo đầm kiểu thùng rượu hợp thời trang nhất đấy, các bạn chưa thấy sao? Eo thật nhỏ, phía dưới phùng ra và có nếp xếp nhỏ, dưới gấu thật chật dài đến lưng chừng bắp chân…"
"Đi xa hơn một chút, phía bên kia con sông Tu Sĩ, tôi biết một cái hồ nhỏ: Phải chi các bạn thấy được mấy con cá chép mà tôi đã câu được!"
"Lidia, đi đâu vậy? Thiên hạ còn đang ngồi mà".
"Đến đây xem, Anatoli Guermanovitch. Đây, bạn chồm xuống một chút đi. Đó, bạn thấy đám con trai con gái lẫn lộn đó không?"
"Trên hỏa tiễn, trên máy bay,
Trong mọi nhà ta ở đây
Đèn máy thu thanh chớp nhanh
Trên thế gian trên cung trăng
Hỡi điện tử, ánh sáng long lanh
Cho ta khám phá bao tài năng!".
"Hăng hái thật! Phải công nhận chúng đầy nhiệt huyết!"
"Đó là niềm hãnh diện lớn lao của chúng. Bài ca của những người điện tử, đó là lý do khiến chúng có một cách hát đặc biệt như vậy. Cũng nhờ sự hăng hái đó mà chúng đã đoạt được giải nhì kỳ thi tuyển do thị xã tổ chức. Bạn để ý xem, chỉ nghe mấy đứa con gái hát thôi, bọn con trai không có giọng, trong kỳ thi tuyển mấy anh chàng chỉ lên làm cảnh thôi. Nhưng ở điệp khúc chúng hét inh tai: "Đè…n", "Tài năng…ăng".
"Nếu tôi quan sát chúng một cách không được bạo dạn lắm là vì tôi chỉ quen sống với người lớn. Có lần tôi đến trường thằng con trai tôi để thuyết trình về đề tài "Những thắng lợi của khoa học và kỹ thuật", tôi mắc cỡ muốn chết trước mặt thằng con của tôi, bọn trẻ không nghe tôi nói gì cả, chúng chỉ làm những gì thoáng qua trong đầu chúng lúc đó. Ông giám học cứ đập tay lên bàn rầm rầm, chúng cũng mặc, không thèm nghe cả ông nữa. Sau đó con tôi mới giải thích là cửa phòng bị khóa lại và không ai được phép ra ngoài hết, như thường xảy ra mỗi khi có phái đoàn đến, hoặc trong trường có sinh hoạt văn hóa. Thế là bọn học trò nói chuyện ồn ào để trả thù".
"Không thể so sánh một trường kỹ thuật với một trường phổ thông được, không khí ở đây khác hẳn. Ở đây không có mấy thằng lười biếng chỉ ngồi thộn ra đợi cho năm tháng trôi qua. Ở đây, ông hiệu trưởng có cho những đặc quyền khác: học bổng, học xá… Về vấn đề học xá thì từ bảy năm nay, chúng tôi không tổ chức được, bọn học trò phải ra trọ ở ngoài".
"Chi phí do trường đài thọ chớ?"
"Trường cấp cho mỗi sinh viên ba mươi rúp, theo bảng cấp số thì như vậy cũng được coi là đủ. Nhưng tiền mướn một cái giường nhỏ mỗi tháng là một trăm rúp, nếu muốn khá hơn thì phải một trăm năm mươi rúp. Vì vậy mà nhiều khi chúng phải chung nhau hai đứa thuê một giường. Sau nhiều năm như vậy chúng đâm ra nản, đương nhiên. Anh có vẻ nghi ngờ thực chất của sự hăng hái của chúng tôi; không có gì đáng nghi ngờ cả: chúng tôi đã chán cái cảnh sống trong những điều kiện tồi tàn rồi, chúng tôi muốn có một cuộc sống bình thường! Phải chăng vì vậy mà nhất thiết cho ra đời những ngày Thứ bảy Cộng sản? [3] "
"Rất đúng".
"Đối với chúng tôi cũng vậy. Đây bạn hãy nghiêng mình qua cửa sổ xem".
"Rất nhiều đèn siêu tần số".
"Theo anh thì từ đây đến chỗ có đường sắt cắt ngang con lộ khoảng bao nhiêu thước?"
"Khoảng sáu trăm thước".
"Vấn đề là sáu trăm thước ta phải lội bộ. Và nhiều người mỗi ngày phải cuốc bộ hai bận đi hai bận về. Bây giờ là mùa hè, đã ba ngày rồi không mưa, vậy mà cũng phải nhảy qua mấy vũng nước. Thành thử không có chuyện ăn mặc chỉnh tề được, lúc nào cũng phải mang giày ống. Ở trên phố đã hết mưa từ lâu, thế mà mỗi lần chúng tôi ra đến đó thì người cứ lấm đầy sình".
"Đè…n".
"Thế rồi chúng tôi tổ chức một buổi họp và đã bàn cãi sôi nổi: chúng ta còn phải chịu đựng hình phạt này bao lâu nữa? Chỗ chúng tôi dạy không phải là lớp học mà là những cái tủ dính trong tường. Muốn tổ chức một buổi dạ hội không có cách gì khác hơn là đi thuê phòng, và dạ hội là cái mà chúng thiếu thốn nhất ở đây".
"Tài năng...ăng!".
"Lidia Guéorguiévna ơi! Lidia Guéorguiévna!"
"Dạ".
"Có mấy đứa học trò đòi gặp chị. Có ra được không?"
"Được, được! Tôi ra đây! Xin lỗi…"
"Vô trái đó hay thiệt! Hắn đứng quay lưng vô lưới, người khom xuống nhưng trái banh bay qua đầu, ngay góc sân đang sửa và bay sát dưới xà ngang".
"Nón của chị hả? Thôi, đội hết được rồi! Xưa quá! Bây giờ người ta chỉ đội kiểu binh nông úp xuống không hà!"
"Marianna Casimirovna, xin lỗi tôi làm phiền chị…"
"Tôi tính xin một phần ở dưới hầm để làm xạ trường, tôi đã hứa với học trò rồi…"
"Tôi không đi đâu hết, Grgiori Lovrentiévritch, tôi đang ở thang lầu…"
Chương II
"Nào, ai hỏi tôi đâu? Chào các em, chào em, chào em, chào tất cả các em".
"Hay quá, mình thằng rồi, Lidia Guéorguiévna!"
"… Lidia Guéorguiévna!"
"… Guéorguiévna!"
"Giỏi lắm! Tôi xin khen các em, các em trai cũng như các em gái! Mỗi người đều có dự phần hết!"
Lidia Guéorguiévna đưa tay cao khỏi đầu để cho mọi người đều thấy và ngoe nguẩy mấy ngón tay.
"Các em đã tỏ ra rất xứng đáng! Khen các em và hoan hô niên học mới! Trong ngôi trường mới của chúng ta!"
"Hoan hô!"
"Cô bé nào từ nãy giờ cứ núp hoài vậy? Lina đó phải không? Em cắt bím rồi sao? Uổng quá vậy?"
"Thưa cô, bây giờ người ta không thắt bím nữa!"
"Ối chà, lại thời trang nữa, khổ cho mấy cô học trò bé nhỏ của tôi chưa!"
Mặc áo và váy cùng màu xanh hơi ngả sang lục, cổ áo sơ-mi màu đen bẻ xuống, dáng người dong dỏng, thân hình cân đối, khuôn mặt tươi tắn, Lidia Guéorguiévna đứng trên đầu cầu thang, trước cánh cửa phòng giáo sư và mắt hướng về phía đám học trò kéo đến từ ba phía: từ hai dãy hành lang chật hẹp, ở phía dưới. Chỗ này mọi khi tối lắm, nhưng hôm nay trời đẹp và có nắng nên cũng đủ sáng để phân biệt các màu; và tất cả các màu sắc khác nhau hình như được thể hiện trên những vành khăn buộc tóc, những chiếc khăn vuông, những chiếc áo ngắn, áo dài, những chiếc sơ-mi ô vuông kiểu Tô Cách Lan, trắng, vàng, hồng, đỏ, xanh da trời, xanh lá cây và nâu, bông lốm đốm, thêu hoa lá, sọc, ô vuông và trơn.
Mấy cô con gái cố tránh đứng sát con trai, nhưng con gái với con gái, hay con trai với con trai thì đứng sát vào nhau, ôm nhau, cằm gác lên vai người đứng trước, chồm lên người họ để thấy rõ hơn, và tất cả tạo thành một tập thể sống động, vui tươi, ồn ào như thế đang chờ đợi một cái gì ở Lidia Guéorguiévna.
Cô đảo mắt nhìn qua một lượt và ghi nhận những tiến bộ thể hiện qua những kiểu tóc mới của các nữ sinh viên. Thật ra thì cũng còn thấp thoáng một vài sợi bím nhỏ bé thơ ngây buộc dải băng màu, những đường ngôi ngay ngắn và những chòm tóc buông thõng kém ngoan ngoãn hơn, hay vài lọn tóc hai bên tai, nhưng nhiều hơn hết là mấy bụi tóc bờm xờm như bất cần, theo kiểu muốn mọc sao thì mọc, và rối bời, song trên thực tế được săn sóc rất tỉ mỉ, thành những bụi dây gai, bụi lúa mạch, lúa mì, hay đen huyền. Về phía con trai, cao lỏng khỏng hay thấp lè tè, gầy nhom hay tròn trùng trục, tất cả đều đồng loạt mặc một loại sơ mi sặc sỡ, tất cả đều để hở cổ, có đứa thì để tóc lòa xòa trước trán cho có vẻ tình tứ, lại có đứa chải ngược ra sau bóng loáng, hoặc để lởm chởm như bàn chải.
Trong đám đó, không có bọn lớp nhỏ (lớp nhỏ là những đứa bé tí), còn bọn học sinh của các lớp lớn đang đứng chen chúc nhau ở đây còn ở tuổi để dạy và ngoan ngoãn, cái tuổi còn có thể hướng dẫn trên con đường của cái hay và cái đẹp. Điều đó thấy rõ lúc này.
Bước ra khỏi phòng giáo sư, Lidia Guéorguiévna, vì nhận thấy ngay điều đó và bị lôi cuốn bởi những cái nhìn và những nụ cười đầy tin tưởng, bỗng cảm thấy dâng lên một niềm xúc động, vì phần thưởng cao quý nhất của một nhà giáo là thấy mình được chờ đợi, được vây quanh như vậy.
Chúng nó thì chắc không diễn đạt được những gì chúng thấy ở cô. Tuy nhiên, với bản tính tự nhiên của tuổi trẻ, chúng thích tất cả những gì thành thật, và mỗi đứa đọc được dễ dàng trên khuôn mặt cô là những gì cô nói phản ảnh trung thực ý nghĩ của cô. Đặc biệt là chúng chỉ vừa thấy hiểu và thương cô mấy tháng sau này, ở công trường, nơi cô xuất hiện luôn luôn trong một bộ đồ sậm, chớ không bao giờ mặc quần áo lòe loẹt, đầu đội một chiếc khăn chéo, và cô không đến với tư cách giám sát những công việc đã hoàn tất như người ta thường nói: cô xấu hổ khi gởi người khác đến một nơi mà chính cô sẽ không đến được. Cùng với mấy cô học trò, cô quét dọn, rửa nhà và phân phát vật liệu.
Mặc dù đã gần ba mươi, đã có gia đình và có một đứa con gái hai tuổi, tất cả các sinh viên đều gọi cô, dĩ nhiên là không để lọt vào tai cô, bằng tên tắt là Lidotchka. Bọn con trai rất hãnh diện chạy đi thi hành nhiệm vụ cô giao phó qua một cử chỉ nhẹ nhàng nhưng đầy quyền uy của bàn tay cô, và đôi khi bằng mấy ngón tay ấn nhẹ lên vai, một dấu hiệu của sự tín nhiệm, hay đặc biệt hơn, của niềm hy vọng.
"Thế nào, Lidia Guéorguiévna, bao giờ dọn nhà?"
"Chừng nào dọn?"
"Chúng ta đã từng chờ đợi lâu hơn vầy. Chúng ta hãy đợi thêm hai mươi phút nữa. Fédor Mikhéévitch sắp về ngay bây giờ".
"Nhưng tại sao chúng ta chưa dọn nhà?"
"Tại vì… còn một vài việc đang trong thời kỳ hoàn tất".
"Cứ… ư… hoàn tất hoài!"
"Vậy thì để chúng em làm lấy vậy, cho chúng em đi đi!"
Anh sinh viên mảnh khảnh của ban chấp hành Komsomol, mặc chiếc áo ô vuông nâu và đỏ, người lúc nãy cho gọi Lidia Guéorguiévna ở phòng giáo sư, bèn hỏi:
"Lidia Guéorguiévna! Phải nghĩ cách mình dọn nhà như thế nào. Phải biết mỗi người sẽ làm gì".
"Tôi có ý kiến, các em nghe đây…"
"Im lặng coi mấy bồ, đồ vịt!"
"Đây là ý kiến của tôi: Chúng ta sẽ có hai hoặc ba xe vận tải, đương nhiên, chúng sẽ chở máy móc dụng cụ và tất cả những món nặng nề. Phần còn lại, chúng ta sẽ mang đi theo kiểu mấy con kiến vậy! Các bạn tí hon của tôi nghĩ sao? À, mà từ đây tới đó bao xa?"
"Một cây số rưỡi".
"Một cây số bốn trăm thước đó thôi, tôi đo rồi mà!"
"Bằng cách nào?"
"Bằng đồng hồ của xe gắn máy".
"Thế mình có phải đợi xe vận tải suốt cả tuần không? Với chín trăm mạng mình không làm xong nổi trong một ngày sao?"
"Chúng ta sẽ làm xong!"
"Chúng ta… a sẽ làm… àm xong!"
"Phải bắt đầu sớm chừng nào hay chừng nấy, sau đó mình còn phải thiết lập học xá ở đây nữa chớ!"
"Làm nhanh lên kẻo trời lại mưa xuống thì khốn!"
"Gior, nghe này…"
Bằng một cử chỉ đầy uy quyền, Lidia Guéorguiévna ấn mấy ngón tay chụm lại lên ngực anh thanh niên mặc áo ô vuông nâu đỏ (cử chỉ của cô giống hệt như một tướng lãnh đang rút từ từ trong túi áo ra một miếng huy chương và ghim vào ngực anh binh sĩ với đầy vẻ tự tin).
"Hiện có bao nhiêu nhân viên của ban chấp hành đang hiện diện?"
"Hầu hết đều có mặt, lại còn thêm vài anh ở ngoài nữa!"
"Tốt! Các em tập họp ngay đi. Thiết lập ngay danh sách các toán, nhưng phải coi chừng nghe! Viết làm sao cho người ta đọc được ấy! Chỉ định cho mỗi người số người cần dùng và ghi rõ người nào lo dọn phòng thí nghiệm nào, cái nào nặng nhất, cái nào nhẹ nhất. Phải trông coi thế nào cho học sinh luôn luôn theo sát quý vị giáo sư hướng dẫn, và nhất là phải làm thế nào cho công việc giao phó phải vừa sức từng người. Sau đó chúng ta sẽ đi gặp Fédor Mikhéévitch để xin ông chấp thuận kế hoạch này và kể từ lúc đó, mỗi toán sẽ được đặt dưới quyền sử dụng của người hướng dẫn của mình".
"Vâng", Gior vừa trả lời vừa đứng thẳng người lên. "Vậy hôm nay là buổi họp cuối cùng của chúng ta ở hành lang, ở bên ấy chúng ta sẽ có một phòng họp. Ố ô! Ban chấp hành đâu? Guenka! Rita! Mình họp ở đâu bây giờ đây?"
"Tụi mình ra ngoài đi! Lidia Guéorguiévna gọi với giọng trong như pha-lê. Như vậy mình sẽ gặp Fédor Mikhéévitch sớm hơn".
Cả bọn ùa nhau chạy xuống và đi ra, cầu thang lại trống.
Trước cửa trường, còn có khoảng hai trăm học sinh nữa đang đứng lóng ngóng trên bãi đất trống đã mọc đầy những cây nhỏ. Bọn học sinh năm thứ ba vẫn đứng sát vào nhau thành một đám, mấy cô nữ sinh thì cứ quấn quít từng cặp, mắt nhìn nhau và vẫn tiếp tục:
"Rất nhiều đèn siêu tần số!".
Mấy đứa học trò nhỏ thì chơi rượt bắt, mỗi khi bắt được đứa nào thì "khện" một phát vào lưng.
"Tại sao mày đánh vào lưng nó?" Một cô bé tròn trĩnh giận dữ hét lên.
"Không phải ở lưng, ở xương sống". Một cậu bé đội chiếc nón lưỡi trai dẹp lép sửa lưng cô ta, lưng quần kẹp một cái ruột banh để chơi bóng chuyền.
Nhưng khi thấy ngón tay của Lidia Guéorguiévna chĩa về phía cậu ta đầy hăm dọa, cậu ta phì cười và chạy trốn.
Bọn nhóc, tức học sinh mới vừa ở trường tiểu học lên, tụm nhau từng nhóm nhỏ, ăn mặc sạch sẽ, rụt rè, rảo mắt tứ phía với dáng điệu tò mò.
Vài nam sinh đi học bằng xe đạp kêu mấy đứa con gái lên ngồi ở thanh sắt phía trước xe để chúng chở đi vài vòng chơi.
Vài cụm mây trắng nhẹ như bông tuyết bay lơ lửng, thỉnh thoảng che lấp ánh mặt trời.
"Đừng có mưa nghe ông Trời!". Mấy cô gái chép miệng.
Ba học sinh năm thứ tư môn kỹ thuật phát thanh, hai nữ mặc áo ngắn, một nam mặc sơ-mi, phấp phới trên váy hay quần, đứng thành một nhóm riêng biệt. Mấy chiếc áo ngắn thì chỉ sọc thường, nhưng chiếc sơ-mi màu vàng lòe loẹt lại điểm thêm đầy những hình vẽ dị hợm: cây dừa, tàu bè lung tung loạn xạ. Lidia Guéorguiévna ghi nhận sự khác biệt và một nhận xét từ lâu đã làm cô ngạc nhiên lại trở về với ký ức cô: ngày xưa các anh cô, và sau đó thanh niên ở lứa tuổi cô ăn mặc rất giản dị, toàn là đồng phục; tất cả những thứ màu mè, đồ trang sức và kiểu cách được đương nhiên xem là của phụ nữ. Nhưng mới một vài năm nay, người ta thấy xuất hiện một sự tranh chấp ngược ngạo; con trai lo đến quần áo nhiều hơn, ăn mặc màu mè sặc sỡ hơn con gái, cả đến đôi vớ cũng lòe loẹt, tưởng như không phải chúng tán tỉnh con gái nữa mà ngược lại; càng ngày càng thấy chúng ít nắm tay con gái hơn, chính các cô lại cầm tay con trai nhiều hơn. Những lối đó làm cho Lidia Guéorguiévna khó chịu, cô e ngại cho bọn con trai là sẽ có một cái gì quan trọng ở bản thể chúng do đó mà bị hủy diệt đi.
"Thế nào, Valeri", cô hỏi anh chàng mặc áo vàng tàu bè. "Từ hè qua em có thấy thông minh hơn không?"
Valéri cười cả nể:
"Thưa cô Lidia Guéorguiévna, cô phải hiểu là em rất thiếu phương tiện, nhất định là em phải trở nên ngu hơn rồi".
"Và điều đó không làm em lo ngại sao? Bởi vì bạn gái của em sẽ hết mến phục em".
"Dạ có!"
Nhìn dáng điệu hai cô bạn gái, thấy rõ là câu nói đầy vẻ tự tin của cậu ta không phải là không có lý.
"Trong dịp nghỉ hè, em đã đọc những sách gì?"
"Gần như là không đọc gì cả, Lidia Guéorguiévna", Valéri trả lời cũng với giọng nói đó. Anh ta có vẻ không muốn kéo dài câu chuyện.
"Tại sao vậy?" Lidia Guéorguiévna hỏi với vẻ bất bình. "Tôi tự hỏi tại sao em lại theo học lớp tôi".
"Có lẽ tại chương trình ấn định như vậy". Valéri trả lời.
"Nếu cứ đọc sách thì sẽ không có thì giờ xem chiếu bóng hay truyền hình!... Thì giờ đâu mà làm bao nhiêu chuyện khác?" Hai cô gái đồng thanh buột miệng. "Truyền hình thì không lúc nào nên bỏ hết".
Vài học sinh cùng lớp tiến đến gần.
Lidia Guéorguiévna nhăn mặt. Mớ tóc vàng được chải ra phía sau, để lộ vầng trán với tất cả những nỗi khổ tâm và sự lúng túng của cô.
"Đương nhiên các em, không lẽ ở trường chúng ta học về truyền hình mà tôi lại đi tuyên truyền với các em chống lại vô tuyến truyền hình. Các em có thể xem truyền hình bất cứ lúc nào các em thích nhưng cũng phải… có lúc nghỉ chớ. Dù sao… các em cũng không nên để tất cả mọi thứ nằm trên cùng một bình diện. Một buổi phát hình không khác gì một con thiêu thân, nó chỉ sống được một ngày thôi…"
"Vâng, nhưng khác một cái là nó hấp dẫn hơn, sống động hơn!" Các học sinh cố cãi. "Những điệu vũ…"
"Rồi trượt tuyết, nhất là khi họ bay!..."
"Và đua xe máy dầu!…"
"Còn sách, nó không sống à! Nó sống hàng thế kỷ!" Lidia Guéorguiévna kêu lên với giọng nghiêm khắc, nhưng vẫn giữ nụ cười trên môi.
"Sách ấy à? Nó cũng chỉ sống một ngày thôi!" Một nam sinh trả lời, dáng điệu anh ta có vẻ trịnh trọng, lưng cong gần như gù.
"Em tìm đâu ra ý kiến đó vậy?" Lidia Guéorguiévna bắt đầu nổi giận.
"Này nhé, cô cứ đi dạo thử một vòng ở tiệm sách thì cô sẽ thấy ngay", anh chàng lưng cong đáp. "Có vô số tiểu thuyết cứ nằm ỳ trong tủ kiếng và thi nhau ngả sang màu vàng, tất cả các kệ đều đầy ăm ắp những loại sách ấy. Năm sau nếu cô trở lại, cô cũng sẽ thấy chúng nằm nguyên chỗ cũ. Ở trước sân nhà em, có một tiệm sách, em biết người ta làm sao rồi: họ gói lại và đem đi. Ông tài xế bảo em là chúng đi đến nhà buôn giấy cũ. Thế thì in chúng ra làm gì?"
Niên học trước, mấy học sinh này vừa học xong năm thứ hai và chưa khi nào chúng dám nói với người lớn những câu như vậy! Lúc bấy giờ chúng chỉ trả lời một cách đầy thiện chí những gì người ta hỏi, và luôn luôn được điểm cao.
Giờ đây, một cuộc tranh luận đáng lẽ không nên xảy ra lại diễn ra nơi đây, tất cả đang đứng ở cổng vào, giữa những tiếng ồn ào. Nhưng cô không muốn bỏ cuộc, không, cô không có quyền.
"Phải, nhưng cũng nên biết người ta mang đi những sách nào!"
"Vâng, em có nhìn qua, và em có thể nói cho cô biết loại sách gì", cậu bé lưng cong cố cãi, và một đường nhăn đầy thông minh hiện chéo ngang vầng trán cậu ta.
"Có nhiều cuốn đã được báo chí đón nhận một cách nồng nhiệt…"
Nhưng mấy đứa khác tranh nhau nói ý kiến của chúng và cuối cùng cướp lời nó luôn. Anikine, một trong những đứa giỏi về tất cả mọi môn học, một cậu bé thấp người nhưng chắc nịch, một chiếc máy ảnh tòng teng trước ngực, rẽ đám đông đến nói (mỗi lần cậu ta nói thì ai cũng nghe):
"Lidia Guéorguiévna cho phép chúng em nói chuyện một cách thẳng thắn nghe. Trước khi chia tay, cô có cho chúng em một bản danh sách dài lê thê những tên sách cần phải đọc. Cuốn nào cũng dày cộm không dưới năm trăm trang. Phải mất bao lâu mới đọc xong một cuốn? Hai tháng. Chưa kể là đôi khi còn gặp những thiên anh hùng ca, những bản kịch gồm ba bốn tập, và cứ mỗi lần đọc xong một tập lại phải đọc tập tiếp theo. Người ta phát hành mấy cuốn sách đó cho ai, xin cô cho biết?"
"Cho các phê bình gia chớ ai!" Nhiều giọng khác đồng thanh đáp.
"Để làm tiền".
"Có thể như vậy lắm!" Anikine gật đầu. "Bởi vì một kỹ thuật gia, và đó là thành phần chiếm đa số trong nước mình, một kỹ thuật gia phải có thì giờ để đọc những tác phẩm liên hệ đến nghề chuyên môn của mình, chưa kể các tạp chí, nếu không thì anh ta sẽ trở thành một thằng cù lần và sẽ bị đuổi, nhưng chưa chắc là lỗi của anh ta".
"Đúng!" Bọn con trai la ó lên. "Còn mấy tập san thể thao, bao giờ mình mới đọc?"
"Và Màn ảnh Xô Viết?"
"Lidia Guéorguiévna", được đà Anikine nói tiếp, "vào thời đại chúng ta mà viết những cuốn tiểu thuyết tràng giang đại hải, theo em nghĩ là một sự bất chính của các nhà văn! Tại sao chúng ta đây luôn luôn tìm một giải đáp ít tốn kém nhất trên lược đồ của chúng ta? Mỗi lần một sinh viên trình một dự án cho bằng cấp của mình – như em đã có lần mục kích năm ngoái – người ta cứ không ngớt ngắt lời anh: anh không thể nói gọn hơn sao? Không thể giản dị hơn à? Rẻ hơn có được không? Vậy người ta viết cái gì trong "Literarournia Gazeta"? Nhân vật thì hết sức giản lược, bố cục mập mờ, nhưng chỉ toàn là những ý kiến được phóng đại! Cũng giống như ta nói: dòng điện không chạy, máy không hoạt động, nhưng bạn đã chọn các bộ phận tụ điện hay quá! Tại sao người ta không dám nói cuốn tiểu thuyết có đáng lẽ phải thu ngắn lại mười lần! Một quyển sách có đáng cho chúng ta mệt óc không?"
"Về vấn đề gọn ghẽ, tôi hoàn toàn đồng ý", Lidia Guéorguiévna ngắt lời với một giọng cương quyết, vung tay về phía trước.
Đám đông càng lúc càng lớn dần vây quanh cô liền hú lên, tỏ ý thỏa mãn. Đó là một trong những lý do làm cho học trò yêu cô: cô không bao giờ nói láo, nếu cô bảo đồng ý thì cô đồng ý thật sự.
"Nhưng các em phải hiểu một điều! Sách cho ta một hình ảnh của những con người hiện đại, của chính chúng ta và của những thực hiện to tát của ta…"
"Thì cũng như ký ức vậy!" Tiếng la phát ra từ hàng thứ ba, một nam sinh mang kiếng cận, tóc cắt theo kiểu bàn chải dựng đứng dị hợm. "Chỉ cần sống đến năm mươi tuổi là tự cho mình có bổn phận phải viết những tập ký ức: tôi sanh ra như thế nào, tôi lập gia đình cách nào; như vậy thằng ngốc nhất cũng có thể viết được!"
"Tất cả tùy thuộc ở cách mình viết", giọng cô giáo sư Nga văn lanh lảnh. "Với điều kiện là mình nói về thời đại của mình và về chính bản thân mình!"
"Có cái gì mà họ không viết!" Cậu bé mang kiếng cận nổi cáu. "Tôi bị lên cơn sốt! Tôi ra tỉnh, khách sạn hết phòng…".
Các bạn của anh đẩy anh ta ra và át giọng anh ta.
"Hãy cho em nói, Lidia Guéorguiévna, em muốn nói về sự gọn ghẽ!"
Và cậu học trò có vẻ như giơ tay lên:
"Cho em nói về các tác giả cổ điển!…"
Và anh này cũng muốn giơ tay lên.
Nhìn gương mặt hậm hực của chúng, Lidia nở một nụ cười sung sướng. Cứ để chúng hăng hái quan tâm đến vấn đề, cứ để chúng nài nỉ, trong khi tranh luận vẫn có thể thuyết phục được chúng. Chỉ có sự lãnh đạm của tuổi trẻ là làm cho cô e ngại nhất.
"Em nói đi".
Cô chỉ cậu học sinh muốn nói về sự gọn ghẽ.
Đó là Tchoursanov, một cậu bé với chùm tóc rối bời, mặc áo xám, cổ đã sờn và dựng đứng lên. Cha đã mất, mẹ là một bà gác cổng nghèo, còn phải nuôi mấy đứa em của cậu ta nữa, nên cậu ta phải vào trường kỹ thuật sau lớp 7. Về môn Nga văn và Văn chương Nga, cậu ta ráng giữ ở mức trung bình, nhưng từ khi gia nhập đám tiền phong, cậu ta biết ráp máy và ở trường cậu ta được xem là một thiên tài về máy thu thanh: cậu có khiếu biết định chỗ bị hư mà không cần xem lược đồ, y như là cậu ta cảm thấy được vậy.
"Các bạn nghe đây", Tchoursanov phát biểu với giọng cứng cỏi. "Anikine có lý! Mình không có nhiều thì giờ, phải biết tiết kiệm. Như tôi đây, tôi không bao giờ đọc văn chương cả".
Mọi người cười rộ lên.
"Bồ xin nói về sự gọn ghẽ kia mà!"
"Chớ tôi đang nói gì đây?" Tchoursanov ngạc nhiên. "Tôi mở máy thu thanh, Bản tin cuối cùng, Vòng chân trời chính trị, tôi vừa nghe vừa mặc quần áo, vừa ăng sáng hoặc tay đang ráp một cái gì đó trong nhà, đó tôi tiết kiệm thì giờ như vậy đó".
Mọi người lại cười.
"Cái gì mà các bạn cười dữ vậy?" Tchoursanov lại ngạc nhiên.
"Không có gì đáng cười cả!" Martha Ptochennykh chống đỡ cho cậu ta, cô có dáng người mạnh khỏe và một gương mặt dày rất xấu xí, hai đầu bím tóc đen to tướng đã bung ra. "Lidia Guéorguiévna, cô không đồng ý hay sao? Khi nào thì một quyển sách được gọi là hấp dẫn cho mình đọc? Khi nào ta có thể học trong đó những gì ta không thể học ở bất cứ chỗ nào khác, và chỉ trong quyển đó thôi. Nhưng nếu ta chỉ thấy trong đó những điều ta có thể nghe ở đài phát thanh, hay đọc trong báo, thì quyển sách ấy không ích lợi gì cả. Trong báo luôn luôn rõ ràng hơn, ngắn hơn".
"Và đúng hơn! Bởi vì báo chí không bao giờ sai lầm!" Nhiều giọng khác hô to.
"Còn hình thức thì làm sao? Bộ trong báo hình thức dở lắm hả?"
"Hình thức vă...ăn chư...ương!" Cô bé hồng hào trả lời, vừa nhấn mạnh từng vần vừa gật đầu.
"Hình thức là cái gì chớ?" Tchoursanov hỏi. "Là có một người si tình một người khác, có phải cô muốn nói như vậy không?"
"Coi kìa, nào các bạn, coi kìa, nhất định là phải có hình thức chớ!"
Đến lượt Lidia Guéorguiévna hăng tiết lên, và cô chụm mấy đầu ngón tay lại chỉ vào ngực mình, cử chỉ này, hình như cô thích dùng nhất để thuyết phục.
"Một quyển sách cho ta một tâm lý sâu sắc, giải thích cho ta những sự tinh tế…"
Nhưng chúng đã tấn công cô khắp mọi mặt, có đứa không thèm nghe cô nữa mà thảo luận hoặc nói chuyện gẫu với nhau.
Gương mặt Lidia Guéorguiévna trở nên đỏ gay.
"Khoan, khoan đã!" Cô kêu lớn để làm nguôi bọn nổi loạn, "vấn đề chưa giải quyết xong! Bây giờ, ta sẽ có một phòng họp lớn, bắt đầu từ tháng Chín chúng ta sẽ tổ chức một buổi thảo luận, và tôi" – cô oai vệ đặt tay lên vai Anikine và Potchennykh – "tôi sẽ lôi lên diễn đàn tất cả những người đã phát biểu ý kiến hôm nay, và các em…"
"Ông ấy tới! Tới rồi! Ông ấy tới rồi!" Mấy đứa nhóc la lên và được bọn lớn phụ họa.
Tụi nhóc bắt đầu nối đuôi nhau chạy càng lúc càng nhanh; bọn lớn dãn ra và quay lưng về phía sau. Các giáo sư và sinh viên thò đầu ra cửa sổ lầu một nhìn xuống.
Chiếc "Gazik" [4] của trường với cái giàn thùng móp méo xuất hiện ở nơi giao lộ đường sắt, lắc lư, xóc lên xóc xuống một cách khổ sở vì mu rùa, bánh xe thỉnh thoảng lại tóe nước từ những vũng trên mặt đường. Người ta đã thoáng thấy ông hiệu trưởng và anh tài xế phía sau lớp kiếng trước, cả hai cứ thi nhau lắc lư không ngừng. Mấy đứa học trò chạy dẫn đầu, vừa chạy vừa la để đón mừng ông hiệu trưởng, là những đứa đầu tiên, vì một lý do thầm kín nào đó, đã để ý thấy gương mặt của Fédor Mikhéévitch không được vui lắm.
Và chúng im bặt.
Chúng hộ tống hai bên hông xe cho đến khi ngừng hẳn. Fédor Mikhéévitch mặc một bộ đồ lớn màu xám đã cũ, hơi béo và thấp, đầu bạc hoa râm để trần, ông bước xuống xe đảo mắt nhìn quanh một vòng. Ông phải đi về phía cổng vào, nhưng con đường thẳng hẹp đưa đến cổng đã bị bít lại, các học sinh chen chúc nhau vây quanh ông theo hình móng ngựa, mắt nhìn chòng chọc vào ông, chờ đợi. Những câu hỏi được đặt ra từ cửa miệng của mấy đứa sốt ruột nhất, thoạt tiên với giọng nho nhỏ:
"Thế nào? Thầy Fédor Mikhéévitch?"
"Bao giờ?"
"Bao giờ?"
Sau đó từ những hàng cuối, to hơn:
"Có dọn nhà không?"
"Bao giờ ta dọn nhà?"
Ông rảo mắt một lượt qua những cái nhìn chờ đợi và đầy chất vấn. Không, ông đã thấy rõ, ông không thể mang câu trả lời lên đến lầu một được; ông phải trả lời ngay tại đây. "Bao giờ?". "Bao giờ ta dọn nhà?". Suốt trong mùa xuân và cả mùa hè, học sinh cứ hỏi ông những câu đó. Ông và các giáo sư hướng dẫn chỉ biết trả lời: "Điều đó tùy thuộc ở các em. Tùy theo cách các em làm việc". Nhưng giờ đây, Fédor Mikhéévitch chỉ còn biết thở dài, và nói mà không che giấu nổi sự bực tức:
"Các em à, phải đợi thêm một thời gian ngắn nữa. Nhà thầu chưa làm xong hết".
Giọng ông vẫn luôn luôn nghẹt nghẹt như thể ông bị cảm.
Cả đám sinh viên đều thở dài.
"Lại chờ với đợi!"
"Lại chưa xong…"
"Nhưng ngày mai là mồng một tháng Chín rồi…"
"Rồi sao đây? Lại phải đi thuê phòng nữa à?"
Anh chàng mặc áo vàng tàu bè cười khẩy và nói với hai cô bạn gái:
"Tôi nói với mấy bồ làm sao? Y như rằng! Chưa hết đâu, để rồi xem!"
Chúng bắt đầu la ó:
"Chúng ta không thể tự làm lấy sao, Fédor Mikhéévitch?"
Ông hiệu trưởng mỉm cười:
"Ủa? Mấy em đã thấy thích làm rồi à? Không, lần này không thể làm được".
Mấy cô gái đứng ở hàng đầu cố hết sức để khuyến dụ ông:
"Fédor Mikhéévitch! Chúng ta cứ dọn đại đi, thầy nghĩ sao? Còn phải làm gì nữa?"
Ông hiệu trưởng, với vầng trán rộng, tướng dềnh dàng, nhìn chúng đầy vẻ băn khoăn:
"Biết làm sao bây giờ, xem ra các em muốn tôi giải thích tất cả hay sao?... Có những chỗ sàn gỗ chưa khô…"
"Mình đừng giẫm lên những chỗ ấy…"
"Mình đặt ván lên trên!"
"Rất nhiều cửa còn thiếu then cài…"
"Ối! Ăn thua gì, mùa hè mà!"
"Còn phải thử hệ thống lò sưởi nữa…"
"Đúng… Nhưng mùa đông ta mới cần!"
"… Còn nhiều thứ lặt vặt khác nữa…"
Fédor Mikhéévitch chỉ còn biết giơ hai tay lên trời. Những nếp nhăn chằng chịt vắt ngang trán ông. Không lẽ ông cho chúng biết là phải có một bằng khoán của ngôi trường; là bằng khoán đó phải do nhà thầu và khách hàng ký tên; nhà thầu thì lúc nào cũng sẵn sàng ký rồi, họ không muốn gì hơn là giao ngôi trường sớm chừng nào hay chừng nấy. Riêng phần Fédor Mikhéévitch thì vì thời giờ của ông quá ư quý báu nên ông cũng mong được ký cho xong, với điều kiện là trường kỹ thuật là khách hàng; nhưng trường không thể là khách hàng được, lý do là nhà trường không có nhân viên đủ tư cách pháp lý để kiểm soát phẩm chất của sự kiến trúc và kỹ thuật của ngôi trường, do đó mà việc đặt hàng đã được ủy ban lo về những việc xây cất mới của xưởng chế tạo dụng cụ thay thế thực hiện cho ông, xưởng này tuyệt nhiên không có lý do để đốt giai đoạn hay vi phạm luật lệ. Khabalyguine, giám đốc xưởng, đã từng hứa với Fédor Mikhéévitch trong suốt mùa hè qua, là ông sẽ nhận được ngôi trường trong tháng Mười, dù có việc gì xảy ra chăng nữa, mới đây lại tuyên bố: "À, cái đó thì không được rồi! Khi nào mà con ốc cuối cùng chưa bắt vào thì chúng tôi chưa thể ký được". Trên nguyên tắc ông ta hoàn toàn có lý.
Mấy cô gái lại nói với giọng than thở:
"Trời ơi! Tụi em thèm dọn nhà quá, Fédor Mikhéévitch ơi! Tụi em chỉ lo có bao nhiêu đó thôi à!"
"Tại sao vậy?" Tchoursanov hỏi vặn mấy cô bé với giọng gay gắt. Cậu ta đã leo lên đứng trên mô đất và nhìn thấy rõ tất cả mọi người. "Dù sao chúng ta cũng phải đến làm việc tại công xã nhân dân trong một tháng, can hệ gì chuyện chúng ta sẽ xuất phát từ ngôi trường này hay từ ngôi trường mới chớ?"
"À! Phải, đúng rồi, công xã… Mấy đứa khác như chợt nhớ ra. Chúng ta đã quên bẵng điều đó, vì suốt mùa hè chỉ biết mải mê làm việc ở công trường xây cất".
"Năm nay chúng ta không đến công xã!" Bằng giọng cả quyết, Lidia Guéorguiévna tuyên bố từ hàng cuối.
Lúc bấy giờ Fédor Mikhéévitch mới biết là cô cũng có mặt ở đó.
"Tại sao chúng ta lại không đi, Lidia Guéorguiévna, tại sao?" Có người hỏi cô.
"Đáng lẽ các em phải đọc báo của vùng, họ có viết một bài".
"Một bài?"
"Ta cứ đi như thường…"
Fédor Mikhéévitch rẽ đám sinh viên và tiến về phía cổng. Lidia Guéorguiévna chạy theo ông đến thang lầu. Thang lầu này lại chỉ cho phép có hai người đi song song.
"Fédor Mikhéévitch! Họ sẽ cho chúng ta ngôi trường vào tháng Chín chớ?"
"Phải", ông trả lời với giọng xa xôi.
"Chúng tôi có một ý kiến rất hay là sẽ dọn hết trong khoảng từ trưa thứ Bảy đến chiều Chủ nhật. Như vậy chúng ta sẽ không mất một buổi học nào. Chúng ta sẽ giao mỗi nhóm một phòng thí nghiệm. Ban chấp hành đang thiết lập dự án".
"Tốt lắm". Ông Hiệu trưởng vừa trả lời vừa gật đầu, nhưng vẫn tiếp tục đeo đuổi những suy tư của mình.
Điều làm ông lo nghĩ là những sự hoàn tất cuối cùng thật ra không đáng gì cả, xưởng có thể tiên đoán được những chuyện đó sớm hơn hai ba tuần, và như vậy, rất có thể thôi thúc cùng cho nhanh hơn hầu nhận ngôi trường đúng thời hạn. Tuy nhiên, có nhiều chi tiết nhỏ nhặt gây ấn tượng là xưởng cố ý kéo dài thì giờ để tạo sự bê trễ.
"Còn chuyện này nữa, Fédor Mikhéévitch! Chúng tôi đã xét trường hợp của Engalytchev ở ban chấp hành, nó đã hứa danh dự với chúng tôi, và chúng tôi xin bảo đảm cho nó. Xin ông tái cấp học bổng cho nó kể từ ngày một tháng Chín".
Ánh mắt của Lidia Guéorguiévna hết sức khẩn khoản và đầy tin tưởng.
"Cô thì lúc nào cũng đi xin cho người khác", ông hiệu trưởng vừa nói vừa gật đầu, và đôi mắt xanh biếc của ông nhìn thẳng vào cô. "Nhưng nếu nó tái phạm?"
"Không, không đâu!" Cô trả lời một cách chắc chắn vừa lúc cả hai lên hết cầu thang và đối diện các giáo sư khác cùng cô thơ ký.
"Thôi được".
Ông bước vào văn phòng chật hẹp, sau khi cho gọi ông giám học và các giáo sư trưởng ban. Ông muốn nghe chính họ nói, để được yên tâm, là họ sẵn sàng bắt đầu niên học mới, dù có chuyện gì xảy đến đi nữa, và mọi sự cần thiết đã được giải quyết xong trong khi ông vắng mặt.
Qua bao năm dài lèo lái ngôi trường, Fédor Mikhéévitch luôn luôn cố gắng quản trị theo một phương pháp sao cho mọi việc có thể chạy đều mà không nhất thiết phải có mặt ông, và cho người ta cần đến quyết định cá nhân của ông càng ít càng hay. Tốt nghiệp trường truyền tin trước Thế chiến, ông không thể học hỏi thêm về tất cả các ngành chuyên môn mới của một nền kỹ thuật biến chuyển nhanh như vậy, ông cũng không thể nào thông minh hơn các kỹ sư. Tính ông hiền hòa và ít tham vọng; theo ý ông, vai trò một hiệu trưởng không phải là bắt người khác theo những ý kiến bất định của mình, trái lại là một điểm tập trung, góp nhặt những người chịu tin tưởng lẫn nhau và quen làm việc trong tinh thần tập thể.
Faina, cô thư ký, một người đàn bà đứng tuổi, cử chỉ khoan thai, một chiếc khăn màu buộc dưới cằm, góc kia bay lất phất phía sau mang tai, tương tự như lá cờ phấp phới theo nhịp đi nhanh nhẹn của cô, đến đặt trước mặt ông hiệu trưởng một văn bằng đã điền xong, và mở nắp một lọ mực tàu.
"Cái gì vậy?" Fédor Mikhéévitch hỏi, chưa hiểu.
"Văn bằng của Gomozina, vì lý do sức khỏe nên cô xin đệ trình trước.."
"Thôi được, được rồi…"
Ông thử lại ngòi bút, chấm mực rồi đưa mấy ngón tay của bàn tay trái sang nắm cườm tay phải như thể đeo một chiếc vòng và sau đó ông mới bắt đầu ký.
Vết thương thứ nhì của ông, bị ở Transylvanie, không những đã làm gãy xương vai của ông, đến nay vẫn chưa lành hẳn, mà còn gây cho ông một sự xáo trộn nặng nề. Thính giác ông bị giảm sút, tay ông vẫn còn run, do đó mà ông không dám để bàn tay mặt làm việc một mình mỗi khi ông ký một chữ ký quan trọng.
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Décibel: một phần mười của bel, đơn vị đo lường cường độ âm thanh, một giọng nói mạnh tương đương với 20 décibels (người dịch).
[2]Komsomol: một tổ chức sinh hoạt thanh niên.
[3]Năm 1919, đáp lại lời kêu gọi của Lênin, thợ thuyền Nga tự nguyện làm việc không lương trong những ngày nghỉ để cứu quốc gia ra khỏi nguy cơ kinh tế.
[4]Gazik: một loại xe vận tải nhẹ .