Hiển thị các bài đăng có nhãn Aleksander I. Solzhenitsyn -Ngôi nhà của Matriona (1). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Aleksander I. Solzhenitsyn -Ngôi nhà của Matriona (1). Hiển thị tất cả bài đăng

16/6/11

Aleksander I. Solzhenitsyn -Ngôi nhà của Matriona (1)

Aleksander I. Solzhenitsyn

Ngôi nhà của Matriona
Nguyễn Văn Son dịch


Mục lục

Lời người dịch
Vài hàng về Solzhenitsyn
Ngôi nhà của Matriona
Vì đại cuộc

Lời người dịch

Không cần phải đợi đến một trăm năm sau mới có thể khám phá được những phép lạ của thiên tài. Với một tác phẩm của Solzhenitsyn như “Ngôi nhà của Matriona” hay “Vì đại cuộc”, ta phải gật đầu nhìn nhận là ông rất xứng đáng với ngôi vị mà người ta đã dành cho ông trên diễn đàn quốc tế, mà cụ thể là Giải Nobel văn chương năm 1970.

Solzhenitsyn là một nhân chứng đã kể lại một cách trung thực những gì ông đã thấy, nghe, sống trong môi trường của một xã hội được mệnh danh là thiên đường cộng sản.

Ông không chỉ trích, phê bình, nhưng khi đọc truyện của ông, ta sẽ phát giác ra là những lời lẽ đượm vẻ khách quan của ông còn bén nhọn, hùng hồn gấp mười, gấp trăm lần những lời phê bình, chỉ trích trực tiếp.

Solzhenitsyn không đưa ta đến những thế giới xa lạ, Solzhenitsyn đem ta trở về với đời sống thường ngày, trong đó bao nhiêu vấn đề tế nhị luôn luôn âm ỉ, gây ra xung đột giữa nhiều ý thức hệ mâu thuẫn. Phải chăng chỉ ở làng Talnovo mới có một Matriona, một Faddéi? Hay chỉ ở một thành phố nào đó của nước Nga mới có một Lydia Guéorguievna hay một Fédor Mikhéévitch?

Qua hai câu chuyện này, người dịch chỉ mong sao có thể mang lại cho độc giả một cơ hội để nghiền ngẫm, để thấm thía cái số phận làm người mà chỉ trong sự thống khổ, trên bước gian nan mới có thể bật lên được thành tiếng thổn thức gây niềm thông cảm.

Khi đặt bút xuống để làm công việc này, người dịch đã có cảm tưởng là mình đang dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, mà hậu quả tệ hại nhất là có thể mình sẽ phản bội một tác giả mà mình yêu thích cho đến độ muốn cho mọi người cũng yêu thích như mình.

Tuy nhiên, chính trong tinh thần của Solzhenitsyn mà người dịch đã mạnh dạn cầm bút, tương tự như đám học trò của Fédor Mikhéévitch đã hăng hái bưng từng viên đá để xây ngôi trường của họ trong “Vì đại cuộc”.

Một nhà văn trẻ lỗi lạc Nga đã có lần tâm sự với dịch giả Léon Robel như sau: “Sau Solzhenitsyn, ta sẽ không còn có thể viết như ta đã từng viết trước đây”. Người dịch xin nhường cho độc giả quyền thẩm định câu nói đó.

Sài Gòn, ngày 24 tháng 5 năm 1974
Nguyễn Văn Son


Vài hàng về Solzhenitsyn

Chiều ngày 13 tháng 12 năm 1974, một chiếc Aero’lot TU 154 của hàng không dân sự Nga đã hạ cánh xuống phi trường Rhein-Main của thành phố Frankfurt, Tây Đức, và đậu ở cuối bãi. Từ nơi cửa ra hạng nhất, một người đàn ông năm mươi lăm tuổi với hàm râu quai nón đã bệ vệ bước ra.

Đó là Alexander Solzhenitsyn, vừa bị chính quyền Xô Viết tuyên án lưu đày biệt xứ và đem vất ở Tây Đức vì “đã có những hành động không thích hợp với một công dân Cộng hòa Xô Viết”.

Hai mươi bốn giờ trước đó, bảy nhân viên cảnh sát mặc thường phục đã bắt ông tại nhà để đưa ông đến Biện lý của thành phố Mạc Tư Khoa. Họ đã xô đẩy ông vì ông muốn mang theo một chiếc áo choàng thật dày để mặc cho ấm. “Để làm gì? Anh sẽ được thả ngay!”. Nhưng họ đã đưa ông đến khám đường Lefortovo, ở đó người ta đã lột hết quần áo của ông và bắt ông mặc một bộ đồng phục tù nhân.

Bị khép vào tội đại nghịch, Solzhenitsyn đã từ chối không trả lời một câu hỏi nào. Ngày hôm sau, ông Phó Tổng biện lý Mikhail Malgerov đã ký một trát đặc biệt của Hội đồng Tối cao Xô Viết tước hết quyền công dân của ông và tuyên án lưu đày biệt xứ ông. Sau đó, sáu nhân viên cảnh sát mặc thường phục đã đưa ông ra phi trường Mạc Tư Khoa, mà không cho ông biết là sẽ đưa ông đi về đâu. Chỉ khi nhìn qua cửa kính phi cơ thấy tấm bảng của phi trường “Frankfurt am Main”, Solzhenitsyn mới biết là mình đang ở trên đất Tây Đức.

Nguyên nhân của bản án lưu đày này là sự phát hành tại hải ngoại những tác phẩm của Solzhenitsyn, trong khi tại Nga, chính quyền từ chối không cho ông xuất bản.

Với bản án lưu đày đó, sự nghiệp của đại văn hào Xô Viết Solzhenitsyn đã đạt được tuyệt đỉnh danh vọng. Sự nghiệp của ông đã khởi đầu với tác phẩm nói về trại tập trung mang tựa đề: Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch, một công trình mà chính nhật báo Pravda đã liệt vào hàng đại siêu phẩm. Nikita Kruschev đã từng là người đỡ đầu của ông, và sự phát hành tác phẩm Một ngày… là một phần ý muốn truất phế Staline của ông. Nhưng đến khi Kruschev bị hạ bệ, Solzhenitsyn đã phải trải qua trong mười năm ròng rã những sự va chạm đau thương càng ngày càng trầm trọng với chính quyền Xô Viết. Những tác phẩm kế tiếp của ông bị cấm xuất bản và ông thường xuyên bị báo chí Xô Viết chỉ trích quá đáng cốt để giảm uy tín ông.

Tuy nhiên, sách của ông vẫn được phổ biến rộng rãi nhờ phương pháp Samizdat (tự phát hành lấy), và trở nên những cuốn tiểu thuyết thuộc loại bán chạy nhất ở Tây phương. Cũng trong thời gian đó, ông trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của “phong trào dân chủ” đối lập. Giải thưởng Nobel văn chương năm 1970 được trao cho Solzhenitsyn và đã làm cho chính quyền Xô Viết càng phẫn nộ, vì phần thưởng đó đã biến Solzhenitsyn thành một đại văn hào quốc tế mà họ không thể bịt miệng được nữa. Sự thách đố cuối cùng và không thể tha thứ được của Solzhenitsyn được ghi nhận từ lúc ông cho phép xuất bản tại Ba-lê tác phẩm Quần đảo Goulag. Trong quyển này, ông kể lại, với đầy đủ tài liệu, sự thống trị bằng phương pháp khủng bố của Lenin và Stalin. Tác phẩm này được coi như là nhân chứng của một xã hội Xô Viết trong đó “tự do” là một danh từ xa lạ.

Sanh năm 1918 tại Kirlovodsk (Nga), Alexander Isaievitch Solzhenitsyn lớn lên ở Rostov-sur-le Don, miền Nam nước Nga. Vừa học xong (Toán học và Vật lý học tại Đại học Mạc Tư Khoa, ngoài ra còn học hàm thụ Sử, Triết và Văn chương), thì Đệ nhị Thế chiến bùng nổ: binh sĩ trong quân chủng Kỵ binh, sau đó sĩ quan Pháo binh, vinh thăng đại úy và nhiều lần được ban thưởng huy chương. Tháng Giêng năm 1945, ông bị bắt vì đã viết trong một bức thơ những nghi ngờ về khả năng quân sự của Staline. Bị kết án (mà không được xử) tám năm lưu đày trong một trại tập trung, ông trở thành thợ hồ (giống như nhân vật chính trong Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch). Năm 1953, ông được thuyên chuyển đến một làng ở Kazakhstan trong ba năm, ông tự khám phá bị một chứng bệnh ung thư nhưng sau đó, chứng bệnh tự nhiên biến mất. Được trả tự do năm 1957, ông trở thành giáo sư vật lý ở Riazan. Tháng Mười năm 1971, người ta thấy xuất hiện ở Ba-lê quyển tiểu thuyết cuối cùng của ông viết bằng Nga ngữ: Tháng Tám năm 1914.

Sau Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch, nhiều đề tài khác cũng được đăng trong Novi Mir, trong số đó có Ngôi nhà của Matriona xuất hiện tại Pháp năm 1963, và nhiều bài khác xuất bản năm 1971, với tựa đề Zacharie I’Escarcelle. Hai quyển tiểu thuyết, một viết năm 1959, Tầng đầu địa ngục, một được hoàn tất khoảng năm 1967, Trại ung thư, bị cấm ở Nga và xuất hiện cùng lúc ở Pháp, là nơi chúng nhận được “giải thưởng của tác phẩm ngoại quốc hay nhất” năm 1968, giải thưởng này chỉ dành đặc biệt cho hai tác phẩm vừa kể.


Ngôi nhà của Matriona

Tại cây số 184, hơn một năm rưỡi sau, các xe lửa đều chạy chậm lại, tiến từ từ như mò mẫm. Hành khách đều dán mũi vào cửa kính, và dồn ra phía chỗ trống đầu toa. Có chuyện gì vậy? Sửa đường à? Có xe nào chạy không đúng thời biểu chăng?

Nhưng không. Qua khỏi đoạn đường đó, xe dần dần chạy nhanh trở lại, hành khách đều trở về chỗ cũ.

Duy chỉ có các tài công là biết và nhớ lý do của tất cả những gì đã xảy ra.

Và tôi nữa.


1.

Mùa hè 53, từ một miền sa mạc nóng bỏng và bụi bặm, tôi trở về đất Nga, vô chủ đích. Không có một xó nào có người chờ đợi hay kêu gọi cả. Tôi đã mất hàng chục năm trời rồi còn gì, do đó… điều tôi muốn chỉ còn là miền Trung nước Nga, không nắng ấm nhưng lá cây xào xạc trong rừng. Tôi muốn được chìm sâu và mất dạng ngay trong lòng đất Nga… Nếu có!

Ở phía bên này của dãy Oural, một năm trước đây, tôi chỉ có thể được thuê làm phu vác giỏ là cùng. Người ta sẽ không bao giờ thuê tôi làm việc ở một công trường thích hợp, dù chỉ là với tư cách một thợ điện. Trong khi đó tôi chỉ hướng về nghề dạy học. Có người hiểu chuyện bảo tôi không nên phí tiền, vì cuộc du hành sẽ không đem lại một lợi ích nào cả.

Nhưng mọi việc đang bắt đầu chuyển mình. Khi tôi bước lên thang lầu học viện X và hỏi thăm chỗ đặt văn phòng sở nhân viên, tôi rất kinh ngạc khi nhận thấy các cán bộ ở đây không còn ngồi trong những căn phòng có cửa lợp da đóng kín mà lại ngồi phía sau những tấm vách bằng kiếng, y hệt như ở tiệm thuốc tây vậy. Tôi bẽn lẽn tiến đến ghi-sê, nghiêng người xuống hỏi:

“Xin lỗi, ông có cần giáo sư toán để dạy ở một miền nào xa đường xe lửa không? Tôi muốn định cư vĩnh viễn ở đó”.

Người ta dò từng chữ một trên thẻ căn cước của tôi, kế đến họ thi nhau chạy tới chạy lui hết phòng này sang phòng khác, rồi những cú điện thoại liên tiếp. Dù sao, đây cũng là một trường hợp hơi lạ vì thường thì ai cũng xin việc ở thành thị, và nếu có thể, ở thành phố càng lớn càng tốt. Cuối cùng người ta cũng cho tôi một việc làm ở một nơi hẻo lánh mà chỉ cái tên không “Đồng Nội Cao Nguyên” cũng đủ tạo niềm vui trong lòng tôi.

Thật xứng đáng với tên của nó. Trên một mô đất cao giữa những thung lũng nhỏ cùng nhiều ngọn đồi con khác, xung quanh có rừng cây xanh vây kín, Đồng Nội Cao Nguyên với chiếc hồ con và cái đầm của nó là nơi mà người ta cảm thấy sự sống và cái chết không có gì đáng phiền trách cả. Tôi ngồi đây rất lâu, trên một gốc cây trong cánh rừng thưa, và thầm ước phải chi mình có thể không cần đến những bữa cơm, miễn sao được ngồi đây mà nghe tiếng lá xào xạc trên mái trong đêm thanh vắng, không bao giờ có tiếng máy thu thanh đến quấy rầy, và tất cả mọi thứ trên cõi trần là sự im lặng.

Tiếc thay, đây không phải là đất sống. Không thấy ai bán món gì có thể ăn được trên vùng đất này. Cả làng phải đi chở những bữa cơm nghèo trong những cái bao nhỏ mãi tận ở tỉnh lỵ về.

Tôi lại phải trở về với các anh cán bộ và xin xỏ trước ghi-sê. Thoạt tiên người ta không muốn nghe tôi nói. Nhưng rốt cuộc, những cuộc chạy tới chạy lui từ phòng này sang phòng khác, những cú điện thoại, tiếng bút sột soạt trên giấy lại diễn ra, và cuối cùng người ta cũng đánh máy trên nghị định bổ nhiệm của tôi: “Torfprodoukt”.

Torfprodoukt? Lạ quá! Chính Tourgueniev cũng không bao giờ ngờ là người ta có thể phịa những tên như vậy trong tiếng Nga.

Đến ga Torfprodoukt, một dãy nhà bằng ván tạm bợ và xiêu vẹo màu xám, ở đó có người dán lên một bố cáo nghiêm khắc sau đây: “Chỉ lên tàu phía bên sân ga!” rồi ai đó thêm vào mấy chữ kẻ bằng đầu đinh nhọn “Và không cần vé!”. Và người ta thấy bên cạnh chỗ thu tiền cũng câu đó, nhưng lại kẻ bằng dao với đầy vẻ quả quyết và cũng chứa đựng một ý nghĩa pha trò buồn bã: “Không có vé’. Sau này tôi mới thấm thía ý nghĩa của những chữ viết thêm đó. Đến Torfprodoukt thì dễ nhưng đi thì rất khó.

Ở đây cũng có rừng sâu rậm rạp mà cách mạng không tàn phá nổi. Nhưng rồi gỗ cũng được phu mỏ than và nông dân các hợp tác xã kế cận đốn đi. Chủ tịch công xã nhân dân [1] , tên Chachkov, đã đốn sạch mấy mẫu liền để bán với giá rất cao ở vùng Odessa.

Thành phố được dựng lên với tất cả sức lực của nó giữa những hầm mỏ: những trại bằng gỗ hệt như vào các năm 30, và những nhà nhỏ có hiên bộc gỗ khắc hình theo kiểu những năm 50. Nhưng ở bên trong thì không có vách ngăn cao đến trần nhà, và chính vì vậy mà tôi không thể thuê được một căn phòng với bốn bức tường thực sự.

Một ống khói nhà máy tỏa nghi ngút bao phủ lên khắp thành phố. Một con đường rất hẹp như nối liền hai đầu của thành phố ấy và thỉnh thoảng rẽ chỗ này chỗ nọ, với mấy cái đầu tàu con con, cũng phun ra một thứ khói dày đặc, và với những tiếng hú đinh tai, kẽo kịt lôi ra các toa hàng chở đầy than bùn nâu sẫm, từng bảng to hay từng viên nhỏ như viên gạch. Tôi có thể đoán mà không sợ lắm là buổi chiều một chiếc máy phóng thanh sẽ gào thét trước câu lạc bộ, rồi những bợm nhậu sẽ lang thang khắp đường phố để rồi cuối cùng những nhát dao sẽ kết liễu cuộc vui.

Đó là kết quả của sự mơ mộng đến một vùng nhỏ bé và yên tĩnh trên đất Nga. Giờ đây tôi mới thấy nơi mà tôi rời bỏ vẫn thơ mộng hơn, vì ít ra tôi cũng còn có một cái nhà bằng đất nhìn ra sa mạc, đêm đêm gió mát, và bầu trời trong vắt chỉ thấy có trăng sao.

Nằm trên chiếc ghế dài ở sân ga, tôi không tài nào dỗ được giấc ngủ, và đến tờ mờ sáng tôi lại đi lang thang trong thành phố. Bấy giờ tôi mới khám phá ra là có một cái chợ tí hon, chỉ có một người đàn bà duy nhất vào giờ này đang đứng bán sữa. Tôi mua một chai và uống ngay lúc đó.

Giọng nói của chị ta làm tôi ngạc nhiên hết sức. Chị không nói, chị hát nho nhỏ mà khi nghe ta có cảm tưởng như lòng mình hoàn toàn rung động, và những lời nói của chị phát ra chính là những lời đã kéo tôi ra khỏi mảnh đất Á Đông này.

“Uống đi nếu bạn thấy thích. Chắc chắn bạn không phải là người địa phương này?”.

“Còn chị, chị từ đâu đến?”. Tôi vui vẻ hỏi lại.

Tôi cũng được biết là xung quanh đây không phải chỉ có các mỏ than, mà khi vượt qua khỏi đường xe lửa, ta sẽ đến một ngọn đồi, rồi sau đó là một cái làng tên là Talnovo. Theo người ta kể lại thì làng này đã có từ lâu, ngay từ thời “tsgiane”, khi còn một cánh rừng già bao phủ khắp vùng. Rồi xa hơn nữa là cả một vùng đất có nhiều làng mạc: Tchaslitsy, Ovintsy, Spoudni, Chevertni, Chestimirovo, tất cả đều heo hút cách xa con đường sắt và nằm cạnh những bờ hồ.

Những tên đó đối với tôi như một luồng gió yên lành hứa hẹn một nước Nga thăm thẳm.

Tôi liền đề nghị với người bạn mới đưa giúp tôi đến Talnovo sau khi chợ tan, và tìm giúp tôi một căn nhà để tôi ở trọ.

Tôi được coi như một khách trọ có nhiều quyền lợi: nhà trường sẽ cung cấp thêm một số tiền thuê một xe chở than cho tôi dùng trong mùa đông. Sự lo lắng hiện trên nét mặt của chị ta không còn là sự dịu dàng của tâm hồn nữa. Nhà chị không có dư chỗ trống (chị có chồng và phải “nuôi dưỡng” mẹ già), thế nên chị dẫn tôi đến nhà mấy người bà con của chị, hết nhà này đến nhà nọ. Nhưng không đâu có phòng riêng cả. Đã không có chỗ mà lại còn ồn ào nữa.

Cứ như thế mà chúng tôi đến một nơi có con sông gần như khô cạn cùng một cái đập và một chiếc cầu nhỏ. Chưa có chỗ nào trong làng mà tôi thấy xinh đẹp như ở đây: vài ba cây liễu, một căn nhà gỗ xiêu vẹo, một đàn vịt đang lội dưới ao cùng mấy con ngỗng vừa rẩy lông ướt vừa leo lên bờ.

“Thôi, bây giờ chỉ còn cách là đến nhà Matriona, người hướng dẫn của tôi nói, chị ta có vẻ chán rồi. Có điều là nhà không được sạch sẽ lắm, bà ấy hơi bê bối một chút và hơi yếu đuối nữa”.

Căn nhà của Matriona cũng ở trong một xóm gần đó: bốn khung cửa sổ nhỏ nằm ngay hàng bên phần râm mát ở phía sau, mái nhà lợp bằng dăm bào với một khung cửa nhỏ của cái vựa sát nóc làm theo kiểu Térème.

Nhưng dăm bào đã mục, các thanh gỗ của căn nhà và cổng, xưa kia chắc phải oai vệ lắm, nay đã ngả màu xám xì vì quá cũ, ngay cả lớp hồ bên ngoài cũng đã loang lổ rất nhiều.

Cánh cổng đã cài then, nhưng chị hướng dẫn viên của tôi, thay vì gõ cửa, đã lòn tay xuống phía dưới và kéo then cửa qua một bên, đó chỉ là biện pháp thô sơ để ngăn ngừa gia súc khỏi xổ chuồng. Sân không có mái che nhưng có một dãy nhà phụ dính liền với căn nhà trên. Qua khỏi cổng là một cầu thang bên trong đưa đến nhiều sân gác rộng thênh thang cách mái nhà rất xa. Bên trái là một cầu thang khác đưa đến “căn phòng đẹp”, một căn phòng không lò sưởi, biệt lập; vài bậc thang khác lại đưa đến một cái gác xép dùng để chứa đồ. Phía bên phải là cái nhà gỗ thật sự với đầy đủ vựa và hầm.

Nhà này được cất lên lâu lắm rồi, và rất chắc chắn, cho một gia đình đông người, nhưng giờ đây người duy nhất ngụ ở đó là một bà cụ tuổi đã lục tuần.

Khi tôi bước vô thì thấy bà đang nằm ngay trên cái lò sưởi kiểu Nga, cạnh cửa vào, trên người đắp những mảnh vải rách rưới màu sậm khó đoán được là loại gì, nhưng chắc chắn trong cuộc sống của dân lao động không có một giá trị nào.

Căn nhà gỗ rộng lớn, đặc biệt là phía bên còn khá nhất, chứa ngổn ngang chai lọ và thùng nhỏ làm bằng gỗ sung dùng để đựng nước đặt trên mấy cái ghế đẩu. Những đồ vật đó mặc dù im lặng nhưng sống động đã lấp đi phần nào sự cô độc của bà chủ nhà. Chúng nằm la liệt một cách tự nhiên, và hứng tất cả các tia nắng nghèo nàn lọt vào từ phía Bắc. Và trong cái ánh nắng chiếu sắp tắt đó, gương mặt tròn trĩnh của bà chủ nhà khuất sau cái lò sưởi càng tăng thêm vẻ vàng vọt và bệnh hoạn. Đôi mắt lờ đờ của bà cho thấy sự đau ốm đã hành hạ bà rất dữ dội.

Trong khi nói chuyện với tôi, bà vẫn nằm bẹp trên cái lò, đầu không có gối, quay về hướng cánh cửa nơi tôi đang đứng. Bà không tỏ ra sung sướng chút nào khi biết mình vừa bắt được một khách trọ, trái lại chỉ than thở vì căn bệnh độc hại mà cơn đau vừa mới hành hạ bà xong: không phải tháng nào cơn cũng trở lại, nhưng cứ mỗi lần nó đến thì:

“… Nó hành hạ tôi hai ba ngày liên tiếp, như vậy tôi không biết làm sao có thể đi đứng và dọn ăn cho ông. Không phải vấn đề cái nhà, tôi không thấy có gì khó chịu vì có ông ở đây cả”.

Thế rồi bà kể cho tôi một lô những căn nhà khác có thể cho tôi nhiều tiện nghi và yên tĩnh hơn, bà muốn tôi đi qua một vòng xem sao. Nhưng tôi đã hiểu là số phận đã bắt tôi phải trọ tại căn nhà gỗ khá tối tăm này, với cái gương soi mặt đã mờ không còn phản chiếu được gì nữa cả, với hai tấm bích chương giá một rúp màu sắc lòe loẹt nói về sự bán sách và mùa gặt, mà bà dán lên tường cho đẹp.

Và mặc dù Matriona Vassiliévna buộc tôi phải đi khắp làng, nhưng đến khi tôi trở lại lần thứ nhì bà vẫn còn ngoan cố từ chối:

“Nhưng lỡ một ngày nào đó tôi không nấu cơm được thì ông sẽ làm sao?”.

Tuy nhiên bà cũng đứng dậy để tiếp tôi, và phải công nhận lần này thấy tôi trở lại trong đôi mắt bà thoáng hiện một cái gì như là sự vừa ý vậy.

Chúng tôi thỏa thuận về giá cả và số than do nhà trường cung cấp.

Sau này tôi mới biết là trong nhiều năm qua Matriona Vassiliévna không có lãnh được một cắc nào vì bà không được cấp hưu bổng. Bà con không ai giúp đỡ bà cả. Còn ở công xã nhân dân thì bà làm việc không lương mà chỉ lãnh những cây gậy nhỏ, thể hiện cho những ngày làm việc, và được ghi vào một cuốn sổ bẩn thỉu.

Thế là tôi trọ tại nhà Matriona. Chúng tôi không ngăn căn phòng ra làm đôi. Giường của bà kê trong một góc sát cánh cửa ra vào cạnh lò; tôi kê giường tôi cạnh một cửa sổ, và để có thêm ánh sáng tôi dời mấy cái thùng bằng gỗ sung ra xa một chút, để đặt một cái bàn cạnh một cửa sổ khác. Trong làng có điện: người ta đã câu điện vào Chatoury ngay từ những năm 20. Vào thời đó, báo chí thường nói đến “cái đèn của Ilitch”, và các bác nhà quê trợn to mắt mà gọi: “Đó là Nữ hoàng ánh sáng!”.

Có thể những người khá giả nhất trong làng sẽ cho là căn nhà của Matriona không phải là nơi sinh sống lý tưởng, nhưng đối với chúng tôi, trong mùa thu và mùa đông năm ấy, thì lại là một căn nhà rất tốt: các trận mưa chưa làm đổ mái nhà và những cơn gió lạnh chưa quét hẳn sự ấm áp tỏa ra từ cái lò, trừ lúc gần sáng, nhất là khi gió thổi vào từ phía đổ nát.

Ngoài Matriona và tôi ra, trong nhà còn có một con mèo, rất nhiều chuột và gián.

Con mèo cũng không còn trẻ lắm, nhưng đáng chú ý nhất là nó què một cẳng. Matriona đã nuôi nó vì lòng nhân đạo và từ đó nó trở thành một thành phần trong gia đình bà. Mặc dù bốn cẳng nó vẫn còn đi được nhưng nó cà nhắc rất nhiều. Như vậy cái chân què của nó mới đỡ đau. Mỗi lần nó phóng từ trên lò xuống đất, tiếng động do nó gây ra khi chạm mặt đất không mềm mại như ta thường thấy ở loài mèo, mà lại mạnh cho đến độ lúc đầu tôi phải giật mình. Lý do là nó đặt ba cẳng xuống cùng một lúc để che chở cho cẳng thứ tư.

Tuy nhiên nếu trong nhà có nhiều chuột, đó không phải vì chú mèo què quặt không diệt chúng nổi: chú ta phóng nhanh như chớp vào một góc nhà để chụp chúng và ngoạm giữa hai hàm răng. Nếu bọn chuột thoát được khỏi móng vuốt của mèo là vì trước kia, vào thời kỳ sự sinh sống còn khá dễ dàng, ai đó đã làm đẹp vách tường bằng cách dán lên một loại giấy màu xanh lục có dợn sóng, và không phải chỉ có một lớp mà đến năm lớp. Những lớp giấy dính sát vào nhau, nhưng có nhiều chỗ lại bị tróc khỏi vách và tạo ra một lớp da thứ hai của căn nhà. Giữa lớp da giấy màu và các lóng gỗ tròn của bức tường, bọn chuột đã làm những lối đi và di chuyển ở trong đó, gây ra những tiếng sột soạt đầy ngạo mạn, và chúng còn chạy lên đến tận trần nhà nữa. Chú mèo cứ đưa mắt theo dõi tiếng sột soạt mà muốn điên tiết lên vì chúng ở quá xa.

Đôi khi nó cũng ăn gián, nhưng ăn rồi lại bị bệnh. Nơi duy nhất mà bọn gián tôn trọng là lằn mức của bức vách nhỏ ngăn cách cái miệng lò và nhà bếp với căn phòng trong. Chúng không bao giờ xâm nhập vào trong phòng cả. Trái lại ở nhà bếp thì đầy lúc nhúc. Ban đêm có khi tôi xuống uống nước, vừa bật đèn lên thì thấy gần như khắp sàn nhà, cái ghế dài và ngay cả bức tường trở thành một màu nâu sẫm, nhúc nhích không ngừng. Tôi có mang chất hàn the của phòng thí nghiệm ở trường về, rồi chúng tôi trộn với bột dẻo hy vọng đầu độc được chúng. Bọn gián bắt đầu thưa thớt, nhưng Matriona lại sợ con mèo ăn phải chất độc ấy. Thế là chúng tôi ngưng chiến dịch diệt trừ gián và chúng lại sanh sôi nảy nở đông đảo như trước. Ban đêm khi Matriona đã ngủ và tôi ngồi làm việc nơi bàn, tiếng chuột chạy rúc rích thật nhanh sau lớp giấy màu bị che lấp bởi tiếng ồn ào của bọn gián phía sau bức vách lẫn lộn với nhau, không lúc nào ngớt; và tạo ra một âm thanh tương tự tiếng sóng rì rầm nơi xa xa. Nhưng rồi tôi cũng quen đi, vì trong tiếng động đó thật ra không có gì xấu cả, cũng không có một sự lừa dối nào hết. Tiếng xào xạc đó chỉ nói lên sự sống của chúng tôi mà thôi.

Tôi cũng quen dần với cô gái vẽ bằng màu sắc rực rỡ trong tấm bích chương, lúc nào cũng giơ ra cho tôi những tác phẩm của Bélinski, Panférov và còn một chồng sách khác không biết thuộc loại gì, nhưng được có cái là cô ta không nói gì cả. Tóm lại, tôi quen đi với tất cả mọi thứ trong căn nhà của Matriona.

Matriona thức dậy lúc bốn, năm giờ sáng. Cái đồng hồ treo tường, bà đã mua cách đây hai mươi bảy năm trong một cửa tiệm nông thôn, luôn luôn đi sớm, nhưng điều đó không làm bà lo ngại: miễn sao nó đừng đi muộn và đừng làm bà chậm trễ buổi sáng là được rồi. Bà bật đèn sau bếp lên và lặng lẽ, khéo léo, cố gây ít tiếng động chừng nào tốt chừng nấy, bà đốt lửa trong lò, ra vắt sữa dê (về súc vật thì bà chỉ có bao nhiêu đó thôi: một con dê cái với cặp sừng cong queo), bà đi lấy nước nấu đồ ăn trong ba cái nồi: một cho tôi, một cho bà và một cho con dê. Cho con dê thì bà lấy ở gác xép ra một củ khoai nhỏ nhất, cho bà thì bà dành củ vừa vừa, còn tôi thì bà cho một củ lớn bằng quả trứng gà. Nói về củ lớn mới nghĩ đến cái vườn phủ đầy cát của bà, từ trước Thế chiến chưa khi nào được bón phân và lại được trồng khoai, nhưng chưa bao giờ đào được một củ nào cả.

Buổi sáng tôi hầu như không nghe bà làm việc. Tôi ngủ lâu lắm, tôi thức dậy cùng lúc với mặt trời mọc trễ trong những ngày đông giá, và vươn vai thò đầu ra khỏi chăn và chiếc áo ngủ rộng thùng thình. Thêm một cái áo vải loại molleton, dùng để đi trại, đắp trên chân, phía dưới lót một bao nhét đầy rơm, chúng giữ được hơi ấm cho tôi ngay cả trong những đêm mà sự giá lạnh từ miền Bắc lùa xuống các cánh cửa sổ lung lay của chúng tôi. Mỗi khi nghe tiếng động khe khẽ kín đáo của bà từ phía sau vách, tôi nói vọng sang bằng một giọng chậm rãi và rõ ràng:

“Chào bà Matriona Vassiliévna!”.

Và để trả lời tôi, lúc nào cũng là những lời nói ân cần vang lên từ phía sau vách. Bắt đầu là một loạt tiếng ro ro trầm trầm và êm ái như trong chuyện đời xưa của các cụ già kể lại:

“Mr… mr … mmr… chào ông!”.

Rồi ngừng một lúc:

“Bữa điểm tâm của ông còn nóng hổi đây!”.

Bữa điểm tâm, dù bà không nói ra, rất dễ đoán: khoai luộc để vỏ, hay canh khoai, hay cháo nấu bằng lúa mạch (ngoài ra không thể tìm được thứ gì khác ở Torfprodoukt, ngay cả lúa mạch cũng phải giành giựt lắm mới mua được: vì là thứ đồ ăn rẻ nhất nên người ta dùng để nuôi heo và mua từng bao). Không bao giờ bà nêm muối được vừa miệng cả, thường hay bị khét, do đó lúc ăn thế nào cũng bị dính một lớp vỏ trên hàm ếch của miệng, hay ở lợi răng, và làm cho dạ dày đau.

Nhưng đó không phải lỗi của Matriona: ở Torfprodoukt bơ cũng không có, người ta giành nhau margarine (bơ thực vật - Chú thích của talawas) và thứ có thể mua tha hồ là mỡ của thú vật. Ngoài ra, theo như tôi đã nhận xét, cái lò Nga không tiện lợi cho việc nấu ăn lắm: bà bếp không trông thấy những gì đã chín, nhiệt độ phân phối không đều trên mặt lò. Nhưng lý do mà ông cha chúng tôi chịu thừa hưởng nó từ thời đại thạch khí là khi ta đốt lò từ sáng sớm, nó sẽ hâm nóng suốt ngày thức ăn thức uống của cả người lẫn vật, và người ta có thể ngủ yên trong cái hơi ấm mà nó tỏa ra.

Tôi ngoan ngoãn ăn bất cứ những gì bà dọn cho tôi, và mỗi khi cắn phải một vật lạ: sợi tóc, mảnh than vụn, chân gián, tôi chỉ bỏ ra mà không tỏ vẻ gì sốt ruột cả. Tôi không có lòng dạ nào phiền trách Matriona. Dù sao bà cũng đã báo trước: “Lỡ lúc nào đó chưa biết, tôi không nấu nướng gì được thì ông sẽ làm sao?”.

“Cám ơn bà”, tôi nói một cách thật tình.

“Cám ơn cái gì hả ông? Cám ơn vì ông được cái mà ông có quyền hưởng à?”. Bà bèn trả lời với một nụ cười rất tươi.

Rồi bà nhìn với một tâm hồn mộc mạc thể hiện qua đôi mắt xanh nhạt, và hỏi:

“Chiều nay ông muốn ăn gì?”

Chiều nay có nghĩa là bữa ăn tối của tôi đấy. Một ngày tôi chỉ ăn có hai bữa như khi ở ngoài mặt trận vậy. Xin bà ấy cho mình ăn cái gì chiều nay bây giờ? Lúc nào cũng chỉ có món khoai luộc hay canh khoai.

Tôi thích nghi được, vì đời đã dạy tôi phải nhìn cái ý nghĩa của cuộc sống hằng ngày qua một cái gì khác hơn là cái ăn. Đối với tôi nụ cười trên khuôn mặt tròn trĩnh của bà còn có ý nghĩa hơn. Và đến khi tôi kiếm đủ tiền để mua một chiếc máy ảnh, tôi cứ cố chụp cho được nụ cười đó nhưng chưa bao giờ tôi toại nguyện. Cứ mỗi lần bà thấy con mắt lạnh lùng của ống kính chĩa về phía bà là bà lấy một vẻ mặt cau có hay nghiêm khắc và kiêu hãnh.

Tôi chỉ thành công có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc bà mỉm cười vì những ý nghĩ riêng khi nhìn xuống đường qua khung cửa sổ.

Mùa thu năm ấy, Matriona có nhiều lo lắng. Mấy bà hàng xóm đã thuyết phục bà phải đòi cho được hưu bổng. Tứ cố vô thân, nhất là từ khi sức khỏe của bà bắt đầu suy yếu trông thấy, bà mất việc làm ở nông trường. Đó là cả một chuỗi bất công cho bà: bà bị đau nhưng không được coi là bị phế tật; bà đã phục vụ cho công xã trong suốt một phần tư thế kỷ, nhưng vì không phải như làm việc ở công xưởng, bà không có quyền xin hưu bổng cho chính bà, và chỉ có thể xin được cho chồng bà mà thôi, nghĩa là hưu bổng vì mất sự trợ cấp gia đình. Nhưng mà bà đã mất chồng từ mười hai năm nay, ngay lúc chiến tranh mới bắt đầu, và bây giờ không dễ dàng gì mà xin được tất cả những chứng chỉ của tất cả những nơi ông đã từng làm việc, với thời gian phục vụ và tổng số lương bổng. Xin cho được hết mấy cái chứng chỉ đó là cả một vấn đề; và còn phải xin người ta ghi vào số lương của ông, dù chỉ là 300 rúp mỗi tháng, rồi phải chứng thực một chứng chỉ xác nhận bà sống một mình và không được ai giúp đỡ; và một chứng chỉ khác chứng thực ngày sanh tháng đẻ của bà; rồi mang tất cả đến cơ quan bảo trợ xã hội; rồi mang về sau khi đã sửa những điểm bất hợp lệ; rồi lại mang đến một lần nữa. Sau đó lại phải đi hỏi thăm xem người ta có chịu cấp hưu bổng cho bà không…

Các thủ tục đó phải gặp nhiều phiền phức hơn nữa. Lý do là văn phòng của cơ quan bảo trợ xã hội đặt cách xa Talnovo đến hàng hai mươi cây số ở phía Đông, văn phòng Xô Viết nông thôn cách mười cây số về phía Tây, và văn phòng Xô Viết địa phương cách khoảng nửa giờ đi bộ về phía Bắc. Người ta đã bắt bà chạy hết phòng này sang phòng khác, trong suốt hai tháng trường, chỉ để sửa một dấu chấm hay một dấu phết. Mỗi lần đi và về phải mất cả ngày trời. Khi bà đến văn phòng Xô Viết nông trường thì nhằm bữa ông thư ký vắng mặt, ông ta không có mặt, thế thôi, đó là chuyện rất thường ở thôn quê. Thế là hôm sau bà phải trở lại. Lần này thì có mặt ông thư ký, nhưng ông ta không có con dấu thích hợp. Lại phải trở lại lần thứ ba. Rồi lần thứ tư, vì mắt ông kém nên ông ký trên những tờ giấy không cần ký, còn giấy cần ký thì ông lại không ký, lý do một phần là vì giấy tờ Matriona mang đến nhiều quá, ghim thành một tập dày cộm.

“Họ hành hạ tôi, Ingatitch à”, bà than với tôi sau những trận đi đi về về vô ích đó. “Tôi lo quá!”.

Nhưng vầng trán của bà không sa sầm lâu. Tôi để ý bà có một phương pháp rất hữu hiệu để lấy lại sự vui tươi, đó là làm việc. Ngay sau đó, bà đi lấy cuốc để đào khoai hoặc xách giỏ đi kiếm than, hoặc bưng thúng vô rừng hái trái nạc. Thay vì đi luồn cúi ở những cơ sở hành chánh, bà đi tìm cái ăn trong rừng. Thế rồi, gò lưng dưới gánh nặng, Matriona trở về nhà với sự hớn hở, bằng lòng vì mọi chuyện, và đã tìm lại được nụ cười tươi tắn.

“Giờ này mà tôi lấy được đó, Ingatitch, tôi biết chỗ rồi”, ý bà nói đến đống than. “Chỗ tốt quá, thật là may hết sức!”.

“Nhưng mà tại sao, Matriona, bộ than của tôi không đủ sao? Cả một xe cam nhông mà!”

“Ối! Than của ông! Một lần như vậy, và một lần như vậy nữa thì may ra mới đủ. Ở đây mùa đông mà đến và gió bấc thổi mạnh qua cửa sổ thì mình có đốt lò nóng cách mấy cũng bay đi hết. Hồi trước chúng tôi đi nhặt được nhiều lắm! Cỡ vào tháng này ít nhất cũng được ba xe rồi. Nhưng mà người ta lại bắt mình. Có một người đàn bà trong xóm bị lôi ra tòa rồi đó”.

Quả đúng như lời bà nói. Ngọn gió đông đã bắt đầu nổi dậy. Xung quanh làng có rừng bao phủ nhưng không biết kiếm củi ở đâu để đốt lò sưởi cả. Đâu đâu cũng nghe rền rĩ tiếng máy khoan trong hầm mỏ, nhưng họ không bán than cho dân chúng mà chỉ cung cấp cho chính quyền và những kẻ có chút ít liên hệ, ngoài ra là mấy ông giáo, mấy ông thầy thuốc và thợ ở xưởng. Dân ở Talnovo không có quyền mua than, và không có vấn đề xin xỏ. Ông chủ tịch công xã đi lùng khắp trong làng, nhìn chòng chọc vào mắt thiên hạ với sự nghiêm khắc hay dễ dãi, và nói với họ về đủ thứ chuyện, trừ chuyện nhiên liệu. Lý do là riêng ông ta, ông không bao giờ thiếu than, do đó không phải lo mùa đông sắp đến.

Đại khái, ngày xưa, người ta trộm củi của vua, và ngày nay ăn cắp than của nhà máy. Mấy chị đàn bà tụ tập từng nhóm năm người để có thêm can đảm đi kiếm than giữa ban ngày. Vào mùa hè họ đi đục than ở mọi nơi và chất thành từng đống dài để phơi khô. Có cái hay là than vừa được đục ra không thể mang đi ngay được. Phải phơi ở đó cho đến mùa thu, hoặc đôi khi đến những trận mưa tuyết đầu mùa nếu đường chưa đi được. Và trong thời gian đó, họ đi nhặt dần về dùng. Họ bỏ vô túi xách mang về mỗi lần năm, sáu miếng nếu còn ướt, và khoảng một chục nếu đã khô. Mỗi một bao như vậy, có khi phải đi xa đến ba cây số mới lấy được, chỉ đủ chụm lò sưởi một lần thôi. Trong khi đó thì mùa đông kéo dài tới hai trăm ngày. Và buổi sáng phải đốt lò Nga, chiều lò Hòa Lan bằng sành.

“Nói mà không đi tới đâu hết thì nói làm gì cho mệt?” Matriona nói như giận dỗi một kẻ vô hình. “Từ khi mình không còn ngựa để chở đồ thì ráng chịu chớ biết làm sao. Lưng tôi lúc nào cũng có việc để làm cả. Mùa đông kéo xe trượt tuyết, mùa hạ vác củi. Thật tình mà!”.

Mấy chị đàn bà mỗi ngày phải đi hơn một lần. Gặp ngày trời tốt Matriona mang về đến những sáu bao. Than của tôi thì bà chất thành đống lớn cho mọi người thấy, còn của bà thì bà giấu ở dưới mấy cái gác trên trần, và mỗi buổi tối bà bít lối ra vào lại bằng một tấm ván.

“Trừ phi quân giặc đó đoán được”, bà vừa cười vừa nói, tay gạt mồ hôi trán, “chớ còn lâu tụi nó mới tìm thấy”.

Trong trường hợp bị mất mát đó, mấy mỏ than sẽ làm gì? Họ không có đủ nhân viên để canh gác trong tất cả đầm lầy. Chỉ còn cách là ghi số than khổng lồ đã đào được vào sổ thống kê, rồi trừ đi số thất thoát: vì mưa và mảnh vụn. Đôi khi người ta cũng tập họp vài toán lính canh và chận bắt mấy chị đàn bà đi lấy than về ngay tại những ngõ vào làng. Mấy bà nông dân vội ném bừa mấy bao than xuống và chạy thoát thân ra khắp tứ phía. Đôi khi, do đơn tố cáo, họ xét nhà, lập biên bản chứa than lậu và hăm dọa sẽ đưa ra tòa. Thế là mấy bà nghỉ đi lấy than một thời gian; nhưng rồi khi mùa đông đã quá gần kề thì họ lại đổ xô đi lấy than bằng xe trượt tuyết, và chỉ đi ban đêm thôi.

Nói chung chung thì, nếu quan sát kỹ Matriona, tôi nhận thấy ngoài việc bếp núc và nhà cửa, mỗi ngày bà đều có một việc quan trọng khác để làm, trong đầu bà luôn luôn có một thứ tự hợp lý của những công việc đó, và buổi sáng khi thức dậy, bà luôn luôn biết sẽ làm gì trong ngày. Ngoài than ra, ngoài việc đi lượm lặt các gốc cây mục do máy kéo để lại trong đầm, ngoài những cây nham lê mà bà ngâm muối trong những cái chậu lớn (“Nếm thử một miếng cho ê răng chơi đi Ingatitch” bà nói như vậy mỗi lần mời tôi), ngoài việc đào khoai và những sự đi đi về về để xin hưu bổng, bà còn phải đi kiếm rơm cho con dê cái trắng dơ dáy duy nhất của bà nữa.

“Mà tại sao bà không nuôi bò, Matriona Vassiliévna?”.

“Thực ra thì, ông Ingatitch biết tại sao không?” Matriona giải thích, bà đứng giữa khung cửa nhà bếp, người mặc một chiếc yếm nấu ăn dơ dáy, mặt quay về phía bàn tôi ngồi. “Con dê của tôi cho tôi khá đủ sữa. Nếu như tôi nuôi một con bò, nó sẽ ăn hết đồ đạc và luôn cả hai chân tôi nữa; không thể cắt cỏ dọc theo đường sắt, có mấy thằng cha kiểm soát, trong rừng cũng vậy, không có chỗ nào cắt được, vì có tụi kiểm lâm, còn ở công xã thì họ cũng cấm không cho tôi cắt cỏ nữa, tôi đâu còn là dân của công xã, họ nói vậy đó. Ông nên nhớ, ngay cả mấy bà dân của công xã, họ chỉ được cắt cho công xã và cho đến tận gốc, còn cho chính họ, thì chỉ có quyền cắt phần ở dưới lớp tuyết thôi! Mà như vậy thì được bao nhiêu? Hồi trước, tụi này thường cắt cỏ ở giữa hai mùa, tức là từ khoảng giữa lễ Thánh Pierre đến lễ Thánh Elie. Người ta thường bảo là trong thời gian đó cỏ ngon nhất…”.

Vì thế nên, chỉ có vỏn vẹn một con dê già mà Matriona cũng phải cực khổ lắm mới gom góp đủ cỏ nuôi nó. Từ sáng sớm, bà xách một cái giỏ và một lưỡi hái đi đến những nơi mà bà nhớ có cỏ mọc trên đường mòn, bên vệ đường hay trên những hòn đảo nhỏ giữa ao. Sau khi nhét cỏ tươi nặng trĩu đầy giỏ, bà khệ nệ vác về và trải ra trên sân nhỏ. Một giỏ cỏ tươi khi phơi khô chỉ còn lại đủ để xúc một chĩa ba là hết.

Ông tân chủ tịch vừa từ tỉnh đến, và việc đầu tiên ông làm là xén tất cả vườn của dân tàn phế. Ông chỉ chừa lại cho Matriona một trăm năm mươi thước đất đầy cát, còn lại một trăm thước phía bên kia bỏ hoang. Ngoài ra, cứ mỗi lần thiếu người, vì mấy bà nhà quê nhất định không chịu đi làm, là vợ ông Chủ tịch đến tìm Matriona. Bà ta cũng là dân ở tỉnh đến, cương quyết, dáng điệu như nhà binh trong cái áo bành tô ngắn bằng vải và cái nhìn hách dịch của bà.

Bà ta bước vô nhà, rồi không thèm chào hỏi gì ai cả, đứng nhìn Matriona một cách nghiêm khắc. Matriona tỏ ra lúng túng rõ ràng.

“Này”, vợ ông chủ tịch gằn từng tiếng, “đồng chí Grigoriévna! Đồng chí phải ra giúp công xã! Ngày mai phải ra rải phân đấy!”.

“Thật tôi bệnh mà, bà nói giọng lè nhè. Hơn nữa tôi đâu còn làm việc cho bà nữa”. Nhưng rồi bà lại vội vàng đổi giọng:

“Mấy giờ mai phải có mặt?”
Gương mặt bà hằn lên một nụ cười bao dung như thể bà thấy ngượng giùm cho vợ ông chủ tịch vì bà ta không thể trả lương cho bà.

“Nhớ mang theo cái chĩa ba nhé!”

Bà chủ tịch còn căn dặn trước khi ngoe nguẩy cái váy cứng bước ra.

“Phải rồi”, Matriona buột miệng nói với vẻ trách móc khi bà khách đã khuất dạng, “Nhớ mang chĩa ba theo nhé! Ở công xã không có chĩa ba, không có cuốc xẻng gì cả. Nhà tôi không có đàn ông, lấy ai mà lắp đây?...”.

Thế là bà tư lự suốt cả buổi tối:

“Có nên nói gì không hả ông Ingatitch, không có phân thì họ lấy gì để gặt? Có điều là làm việc ở đó cũng không thêm được mắm muối gì cho ai cả. Mấy mụ đàn bà chỉ đến đứng chống xẻng đợi còi báo hiệu mười hai giờ để đi về. Tệ hơn nữa là họ ra đó chỉ để chọc tức nhau rồi cãi vã: bà này tới, bà kia không tới. Theo tôi thì khi làm việc không nên nghe một tiếng ồn ào nào cả mà chỉ được nói: Ô kìa, đã trưa rồi, hay là: Ô kìa, chiều tới nơi rồi! Thế thôi!”.

Sáng hôm sau bà ra đi với cái chĩa ba.

Nhưng không phải chỉ có công xã không đâu. Bất cứ bà con người nào dù xa, dù gần, hay chỉ hàng xóm thôi, hôm trước đến tìm bà và nói:

“Mai đến giúp tôi Matriona nhé! Đã đến lúc đào khoai rồi!”.

Thế là bà không biết cách gì để từ chối. Bà bèn gác công việc đang làm nửa chừng lại để qua giúp bà láng giềng, và khi về bà nói với giọng không mảy may thèm thuồng:

“Này, ông Ingatitch biết không, khoai của bà ấy lớn lắm! Tôi đào mà thấy sướng cả tay, quên cả về, thiệt đó!”.

Cho đến nỗi người ta kết luận rằng không có một mảnh vườn nào mà không có bàn tay của Matriona nhúng vào. Mấy bà dân quê ở Talnovo quan niệm một cách chắc chắn rằng thay vì dùng cuốc, họ hợp tác với nhau bằng cách sáu người cùng kéo một cái cày để xới đất của sáu khu vườn, cách này ít mệt hơn và chính vì vậy mà Matriona luôn luôn được mời đến giúp đỡ.

“Thế nhưng bà ấy có được trả công không?” Có lần tôi không chịu được phải buột miệng hỏi.

“Bà ấy không chịu lấy tiền. Bắt buộc chúng tôi phải thu xếp”.

Sự bận rộn còn dữ dội hơn nữa mỗi khi đến lượt Matriona phải lo ăn lo uống cho mấy người chăn trừu: một anh thì to lớn, câm và điếc, còn anh kia thì chỉ là một cậu bé lúc nào cũng lòng thòng một điếu thuốc ướt mẹp trên môi. Cứ sáu tuần là đến lượt bà, tuy nhiên đó cũng là một sự tốn kém lớn lao cho Matriona. Bà ra phố mua nào cá hộp, nào đường, nào bơ mà chính bà chưa bao giờ dám ăn. Tôi hiểu ra là mấy bà chủ nhà tranh nhau tỏ ra hào hiệp và cố gắng hết sức phục dịch mấy ông chăn dê.

“Phải sợ mấy ông thợ may và anh mục tử”, bà cắt nghĩa, “nếu chẳng may họ không được vừa ý một điều gì thì họ sẽ làm cho cả làng chê bai mình”.

Thế nhưng trong cuộc sống đầy lo âu đó, đôi khi bệnh hoạn lại kéo đến và mỗi lần như vậy là Matriona nằm liệt giường suốt hai ngày liền. Bà không than van, không rên rỉ, và gần như không cựa quậy. Trong thời gian đó thì Mach, bạn thân của bà từ nhỏ, đến lo cho con dê và đốt lửa trong lò. Matriona thì không ăn uống gì và cũng không đòi hỏi gì hết. Còn đi gọi bà bác sĩ của bệnh xá địa phương về nhà là cả một điều táo bạo, vì như vậy không thích hợp với mấy bà láng giềng; họ sẽ nói: Cứ làm như bà hoàng ấy! Có lần bà cũng đã gọi bác sĩ, bà ta cũng đến nhưng chỉ để tỏ sự giận dữ và nói với Matriona khi nào đi được thì đến bệnh xá gặp bà. Matriona phải ráng lết đến; người ta cũng lấy máu của bà gởi lên tỉnh lỵ phân tích, nhưng rồi không nghe tin tức gì cả. Cũng lại do lỗi của Matriona.

Công việc của bà kêu gọi bà về với cuộc sống. Không lâu sau đó bà phải đứng dậy, lúc đầu thì còn đi đứng chậm chạp, nhưng sau đó thì lại nhanh nhẹn trở lại như thường.

“Tại ông không thấy tôi hồi xưa, bà nói với tôi như để phân trần. Hồi đó tôi vác đủ mọi thứ, năm “pu” [2] đối với tôi không phải là một gánh nặng. Anh chồng tôi cứ la tôi: “Matriona! Coi chừng gãy xương đấy nhé!”. Nhưng anh ta cũng không đến đỡ tôi khiêng bỏ lên xe trượt tuyết. Lúc đó chúng tôi có một con ngựa nhà binh tên Voltchok, nó khỏe thật…”

“Tại sao lại nhà binh?”

“Họ đã bắt con ngựa của chúng tôi ra trận và đem con ngựa đó thế vào. Con sau này là một loại ngựa chứng. Có lần vì sợ hãi, nó đã kéo cả chiếc xe trượt tuyết về phía hồ, mấy người đàn ông đều nhảy xuống thoát hết, tôi phải một mình kềm cương và bắt nó ngừng lại được. Thật đấy! Đó là một con ngựa ăn thóc. Ở nhà quê người ta thích nuôi ngựa lắm. Mà ngựa nuôi bằng thóc thì không sợ chở nặng”.

Tuy nhiên, Matriona không gan dạ chút nào. Bà sợ hỏa hoạn, sợ sấm sét, và nhất là xe lửa. Tôi cũng không hiểu tại sao.

“Lúc tôi phải đi Tchérousti, tôi thấy chiếc xe lù lù hiện ra từ phía Netchaévka với cặp mắt sáng ngời, và nghe tiếng vang rền của đường sắt, người tôi cứ nóng ran lên, hai đầu gối run cầm cập. Thật đấy!”. Bà nói với vẻ ngạc nhiên và nhún vai.

“Có lẽ tại người ta không bán vé phải không Matriona Vassiliévna?”

“Ở ghi-sê ấy à? Họ chỉ bán toàn vé hạng nhất. Và con tàu lúc nào cũng “khởi hành”! Thiên hạ cứ chạy qua chạy lại: lúc đó mình phải sáng suốt và lanh trí để biết mình phải làm gì. Đàn ông thì họ leo lên mui bằng một cái thang nhỏ, còn đàn bà chúng tôi thấy một cái cửa nhỏ không có khóa là ùa lên đại chớ không có mua vé gì cả: và chỉ có toàn toa hạng nhì thôi! Người ta còn có thể nằm dài trên ghế nữa! Tại sao bọn ăn bám vô nhân đạo đó không bán vé, không ai hiểu nổi”.

Dù sao thì, đầu mùa đông năm đó, cuộc sống của Matriona cũng dễ thở hơn bao giờ hết. Cuối cùng người ta cũng cho bà một khoản hưu bổng lối tám chục rúp. Ngoài ra bà còn được thêm một trăm đồng của tôi và nhà trường.

“Này! Bây giờ thì Matriona không nên chết nữa rồi!” Một vài bà láng giềng bắt đầu ghen tị và xiên xỏ. “Cái mụ già ấy không biết để tiền ở đâu cho hết bây giờ!...”

Bà đặt mua một đôi giày ống bằng dạ và một cái áo gi-lê mới. Bà đi đặt may một chiếc áo choàng để mặc với cái áo tơi cũ của thợ quét lò sưởi, mà anh thợ máy chồng của đứa con nuôi tên Kira cho bà. Bác thợ may gù lưng trong làng lót thêm một lớp vải nhung, và bà đã có một cái áo choàng tuyệt đẹp mà suốt sáu mươi năm trời nay bà chưa từng được mặc.

Rồi vào giữa đông, bà khâu giữa hai lớp vải của cái áo choàng một số tiền là hai trăm rúp để sau này “chôn cất” bà. Bà sung sướng với ý nghĩ đó.

“Ingatitch à, tôi cũng thấy yên tâm một chút rồi”.

Tháng Chạp qua rồi tháng Giêng đến, hai tháng liền cơn bệnh không tái phát. Matriona bắt đầu đến nhà Macha thường xuyên hơn, ngồi cả buổi tối cắn hạt hướng nhật quỳ.

Buổi tối bà không bao giờ mời ai về nhà vì tôn trọng sự làm việc của tôi. Duy có hôm lễ các Quân vương là, khi đi dạy về, tôi thấy ở trong nhà có nhiều người đang khiêu vũ. Bà giới thiệu với tôi ba người em gái của bà, họ gọi bà là “nu nu” vì bà là chị cả. Cho tới hôm đó, tôi chưa bao giờ nghe nói đến em gái của bà hết: phải chăng vì họ sợ bà nhờ vả?

Chỉ có một biến cố nhỏ, hay một điềm xấu làm ngày sẽ mất vui: trước đó, bà đến nhà thờ ở xa hơn năm cây số để xin ban phép lành cho nước uống, bà đặt bình nước của bà cạnh bình của những người khác, nhưng khi lễ ban phép lành chấm dứt, mấy chị đàn bà chen nhau để lấy bình, bà vì chậm chân nên khi ra đến nơi không thấy bình nước của mình đâu nữa, và cũng không còn một bình nào khác. Bình nước của bà đã biến mất như là có Ác Quỷ đem giấu đi vậy.

“Mấy bà ơi!” Matriona vừa nói vừa chen vô đám đàn bà đang cầu nguyện, “có ai lấy lộn nước Thánh của tôi không? Nước đựng trong một cái bình đó!”.

Không ai lên tiếng hết. Có lẽ bọn trẻ con đã nghịch ngợm rồi, vì lúc đó cũng có một số trẻ con hiện diện trong đám đông nữa. Bà ra về buồn bã.

Cũng không thể nói là lòng tin của Matriona rất thành tâm. Bà là người ngoại đạo là đàng khác, nhưng lại tin dị đoan: lễ Thánh Jean không nên vào vườn, nếu không năm sau sẽ mất mùa; nếu bão tuyết nổi dậy có nghĩa là có người thắt cổ; nếu đi vấp chân lên cửa là sẽ có khách. Trong suốt thời gian ở trọ nhà bà, tôi không bao giờ thấy bà đọc kinh, thậm chí đến dấu thánh giá bà cũng không làm. Nhưng mỗi lần làm việc gì bà cũng bắt đầu bằng câu: “Xin Chúa phù hộ cho!” và mỗi khi tôi đi dạy, bà cũng cố nói cho được câu: “Xin Chúa phù hộ ông!”. Có thể bà cũng có cầu nguyện, nhưng không với tính cách trình diễn vì mắc cỡ trước mặt tôi, hoặc sợ làm tôi khó chịu. Trên tường có mấy bức tượng Thánh Mẫu. Ngày thường bà vẫn để chúng trong bóng tối, đến những ngày có thánh lễ lớn, có kinh Vãn khóa, và từ sáng sớm những ngày lễ, bà mới thắp đèn cho sáng.

Nhưng bà còn ít tội lỗi hơn còn mèo què của bà, vì nó giết chuột.

Khi rảnh rỗi, bà cũng chăm chú nghe máy thu thanh của tôi nữa (tôi cũng không quên bắt thêm một cái loa phóng thanh mà bà gọi là “máy nói hay”).

Nghe đài phát thanh thông báo người ta vừa phát minh được vài loại máy mới, bà lẩm bẩm trong bếp:

“Mới, mới hoài! Đồ cũ họ không thèm xài, đem bỏ đâu cho hết bây giờ?”.

Người ta cũng cho biết là có thể dùng máy bay để đánh tan mây, bà vừa làm bếp vừa lắc đầu nói:

“Ối chà, tụi nó sắp thay đổi một cái gì đây rồi: mùa đông hay mùa hè gì đó!”.

Ca sĩ Chaliapin đang diễn tả những bản dân ca Nga. Matriona đứng nghe một lúc, rồi với giọng cương quyết:

“Hát cái gì mà kỳ cục! Không giống ở quê mình chút nào hết!”.

“Sao bà nói vậy? Matriona Vassiliévna hãy nghe kỹ lại xem!”.

Bà nghe tiếp, rồi bậm môi:

“Không, không giống, không phải điệu hát của chúng tôi. Còn uốn éo giọng để đùa nữa chớ!”.

Tuy nhiên, một hôm bà đã làm tôi mát ruột. Bữa đó, người ta cho phát thanh những bản tình ca của Glinka. Bỗng nhiên sau khi nghe liên tiếp năm bản nhạc loại thính phòng, bà chùi tay vào yếm, từ dưới bếp bước lên, mi còn ngấn lệ:

“Đó, vậy mới giống ở quê mình…” bà lẩm bẩm.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Nguyên văn bản dịch: Hợp tác xã nhân dân: Kolkhoze (Chú thích của talawas)
[2]“Pu": Poud: một đơn vị đo trọng lượng.

Nguồn: Alexander Solzhenitsyn, Ngôi nhà của Matriona, nguyên tác La Maison de Matriona, bản dịch Nguyễn Văn Son, bìa Nguyễn Đồng. Ấn phẩm thứ 36 của Nhà xuất bản Trẻ, ấn hành lần thứ nhất 1.000 bản tại nhà in Ngọc Thảo của nhà xuất bản, không có bản đặc biệt. Ngày phát hành: 8.6.1974. Giấy phép số 2572/74/BDVCH/KSALP/TP ngày 25.5.1974.