Ở Trọ
Một đêm rằm tháng tư, trăng thanh gió mát, đèn hoa lấp lánh dưới các tàng cây, từng dòng người hân hoan trang trọng ra vào chánh điện thiền viện Vạn Hạnh, đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, để dâng hương lễ Phật cùng chờ xem buổi trình diễn văn nghệ do các văn nghệ sĩ và ca sĩ Phật tử nổi tiếng hát mừng Phật đản, trong đó có nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, người đã lưu lại trong tôi nhiều ấn tượng thú vị qua bài hát "Ở Trọ hay Ở Đậu". Để tưởng niệm anh, xin được lược trích và chiêm nghiệm một số câu tiêu biểu đã làm chấn động lòng người đến ngỡ ngàng.
Mở đầu, anh giới thiệu bài hát được sáng tác vào một đêm mưa bay lất phất, gió rít từng cơn, và anh bỗng thấy mình lưu gót tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt. Anh cũng giải thích thêm đôi chút về tựa đề "Ở Trọ": "… cũng như giờ đây chúng ta đang trọ tại sân thiền viện Vạn Hạnh, lát nữa ra về mỗi người một phương; rồi sân viện trọ ở mô ? Trọ trên trái đất, và trái đất trọ trong không gian. Một chuỗi trọ. Ha … Ha …!" Thế là anh đã hé mở cánh cửa duyên sinh cho khán thính giả có dịp tự thấy mình, thấy người, và thấy cả sơn hà đại địa. Sau đó anh dạo đàn và hát:
"Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn"
Hình ảnh con chim đong đưa trên cành tre, con cá lững lờ trong dòng nước rất sinh động, gợi cảm, nhưng cũng rất vô thường, mong manh. Con chim nào đậu mãi trên cành cây ? Con cá nào trọ hoài trong dòng nước ? Cành cây chuyển động theo gió, dòng nước luân lưu theo nguồn, và dòng đời cũng vận hành theo duyên nghiệp hợp tan. Thảo nào Khổng tử nhìn dòng sông mà cất lời cảm thán: "Ngày đêm chảy mãi thế này ư !" (Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ !), và Héraclite thì: "Có ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông". Dòng sông, theo duy thức học Phật giáo, còn là biểu tượng của tâm thức (mind) hay ý thức (consciousness), tư tưởng ở đó hiện khởi tương tục theo trần cảnh như một dòng nước chảy xiết (hằng chuyển như bộc lưu); và trần cảnh thì biến thiên, sanh diệt theo nghiệp cảm duyên khởi của vạn loại hữu tình.
"Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người"
"Mây kia", khi đen kịt vần vũ, lúc lãng đãng phiêu bồng, là hình ảnh hiện thực nhưng gợi ý giả danh "bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương". Tùy theo nhận thức về đối tượng của mỗi cá thể mà sanh ra thiên sai vạn biệt (do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển). Còn mưa-nắng là cặp nhị nguyên đối đãi như hữu-vô, thường-đoạn (thử sanh tắc bỉ sanh, thử diệt tắc bỉ diệt). Nhưng tại sao mưa nắng ở trọ bên trong "mắt người" mà không bên trong "tai người" ? Rõ là nhạc sĩ đang khiêu vũ với ngôn ngữ thi ca và cùng nhau bay qua khung trời hư-thực "Mẹ cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ để ghen để hờn". Hỷ-nộ-ai-lạc-ái-ố-dục cứ loanh quanh thấp thoáng hay ào ạt vút qua cửa sổ tâm hồn. Tất cả chỉ vì "mộng trung hữu mộng trùng mê mộng".
"Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều"
Môi xinh ở đậu người xinh là phù hợp với quy luật tự nhiên, nhưng đi đứng tại sao không trọ đôi chân Thúy Vân hay Kim Trọng mà phải ở trọ đôi chân Thúy Kiều ? Cái diệu nghĩa thâm uyên ly kỳ bi tráng là ở điểm đó. Thúy Kiều là hiện thân của trầm luân khổ hải, nhưng cũng lung linh tinh khiết như giọt nắng ban mai. Cho dù phải mười lăm năm truân chuyên phiêu bạt với thanh y hai lượt thanh lâu hai lần, nhưng Thúy Kiều vẫn một lòng thủy chung son sắt, một dạ "dưới nguyệ chén đồng" với Kim Trọng. Dân tộc Việt Nam cũng thế. Cho dù phải lang thang trôi giạt nơi thiên nhai hải dác hay âm thầm đạm bạc tại cùng cốc thanh sơn, con dân Việt Nam luôn trung thành và nhớ về tổ quốc Việt Nam. Đạo lý "uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây" lúc nào cũng bàng bạc theo lời ru của mẹ. Và qủa thực "Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người" (There is no place like home). Trịnh Công Sơn đã tiếp sóng cho ta để có cùng một xung động kỳ diệu.
"Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành"
Thật la lãng mạn và đượm mầu nhân bản. Tất cả mọi chủng loại đều đang trọ trên khắp mặt địa cầu. Nhưng vì sao phải "xin cho về trọ gần nhau" ? Vì thế gian vô thường, vũ trụ nguy khốn (thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy). Trọ gần nhau đề hiểu nhau, thương nhau và san sẻ cho nhau chút tình đồng loại. Tà kiến, định kiến nhân đó mà tan biến dần, thọ mạng con người nhờ thế mà được thêm hương thêm sắc. Còn "Mai kia dù có ra sao cũng đành" không phải là thái độ phó mặc hay ngữ khí liều mạng. Mà "Mai kia" – theo tư tưởng Tây phương – không bao giờø đến (Tomorrow never comes), chỉ có hiện tại la tuyệt vời (No time like present). Và theo ngôn ngữ thiền môn thì: quá khứ đã qua, tương lai chưa tới; chỉ có hiện tại, tức đương niệm hay chánh niệm (mindfulness) là quan trọng hơn cả. Và đúng như vậy. Trong khi khán thính giả đang lắng lòng nghe hát, ca sĩ, nhạc sĩ đang hưng phấn theo nhịp phách cung đàn, tất cả đang ở trong một trạng thái hỷ lạc, hòa điệu, trạng thái "vô công dụng xứ" thì cái "Mai kia" có dính dáng gì với cái hiện tại hay đương niệm này. Nói cách khác, "Mai kia" cũng chính là đương niệm này. (Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế qủa, kim sanh tác giả thị).
Trịnh Công Sơn đã tự thân quán chiếu duyên nghiệp tại thế của mình "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" mà cảm thông, lân mẫn với người, với đời, với cỏ cây sỏi đá và tất cả sinh linh. Anh đã thể hiện trọn vẹn cuộc hành trình "nối vòng tay lớn" và đã ra về trong chánh kiến ban sơ. Anh đã cất cao tiếng hát đập nát xích xiềng, phá tan định kiến thì khái niệm "xưng, cơ, hủy, dự" cũng chỉ là bóng dáng của những giọt sương, hạt móc trên đóa hoa hồng dưới ánh nắng xuân.
Đặng Ngọc Chức