Hiển thị các bài đăng có nhãn Thành phố hẹn người trở lại. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thành phố hẹn người trở lại. Hiển thị tất cả bài đăng

29/4/10

Thành phố hẹn người trở lại

Thành phố hẹn người trở lại

Lê Minh Hà



Anh bạn cũ của cô bạn cũ cúi ôm tôi: “Bao nhiêu năm rồi chúng ta không gặp lại nhau?“ “Bảy năm, nhưng bạn không đổi khác, chỉ có thành phố của bạn là đổi khác. Đó là hai sự bất ngờ“.

Tất cả cười. Ai đó xô phải cái bàn và những chiếc li thủy tinh rung lên lanh canh vui vẻ. Thật thế, Theo chẳng đổi chút gì. Đàn ông phương Tây thường chóng già, dễ phát phì. Vậy mà đứng trước tôi vẫn là người đàn ông của gần mười năm trước với nụ cười sinh viên, dáng xương xương trong bộ áo quần đơn giản. “Mưa thế này mà các bạn vẫn đi dạo ư?“ Chúng tôi ngạc nhiên. “Dĩ nhiên rồi, các bạn sống ở nước Đức này ngần ấy năm mà còn chưa biết sao. Đấy không phải là một nghi thức. Đấy là kỷ luật. Và đó là đặc tính của người Đức chúng tôi. Chúng tôi luôn tự trói mình vào kỷ luật“. Tiếng cười lại rộ lên vui vẻ theo bước Theo biến vào trong cơn mưa nặng hiếm thấy ở nơi này.

Những người Việt thì tiếp tục ngồi lại với bữa ăn sáng tú ụ. Chúng ta có thói quen thay đổi tùy hoàn cảnh. Cái triết lý ở bầu thì tròn ở ống thì dài mà một nhà sử học đã khái quát thành bản tính Việt quả là tiện. “Có phải vì thế mà chúng ta tuy rất thích nhảy vọt đi trước đón đầu nhưng vẫn hay dậm chân tại chỗ dậm? Vì thiếu một khả năng phóng chiếu vào tương lai? Hay vì thiếu cái tinh thần kiểu Đức này, nói là kỉ luật, nhưng nghĩ cho cùng là tôn trọng nhau và chịu trách nhiệm đến cùng?

Nắng lên. Ngoài kia là Dresden, thủ phủ của bang Sachsen, cách Berlin 200 km, là chuyến đi chơi suýt nữa bị phế vì mưa gió. Tận mắt nhìn thành phố này sau mười năm xa, câu hỏi kia lại nhoi nhói, vặn xoáy trong lòng

Lần đầu tiên tôi tới đây có dễ đã một giáp. Khi đó Dresden, cũng giống nhiều thành phố bên Đông Đức, hệt một công trường khổng lồ. Đứng bên phía phố cổ nhìn về phố mới chỉ thấy dàn giáo là dàn giáo. Còn lang thang trong phố cổ, cũng vài bước lại gặp công trường. Những công trường phục hồi phế tích. Martin Luther đá đứng nhìn tôi nghiêm khắc qua rào chắn từ sân một nhà thờ đang trong quá trình phục chế. Từ đó, ông có thể nghe thấy một thầy tu trẻ cao giọng giảng đạo ở góc phố, cho gió từ sông nghe. “Không thể có cảnh này thời Đông Đức đâu đấy nhé“. Cô bạn dân du học sống qua cả hai thời xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa nơi này giảng giải. Nhưng những chiếc xe Trabant vẫn lù rù bò đầy phố. Mười năm sau, loại xe ô tô đặc sản của cộng hòa dân chủ Đức một thời đã là của hiếm chỉ dành riêng cho dân chơi. Dresden mới rực rỡ nhìn sang Dresden cổ tráng lệ bên kia bờ con sông mà lứa tuổi chúng tôi ngày xưa chưa một lần đến nhưng đã thuộc tên vì một cuốn truyện tình báo Xô viết: “Hầm bí mật bên bờ sông Elbe“. Người như nước, dân bản địa và dân du lịch, thật khó phân biệt qua trang phục. Tôi tự hỏi ai trong số họ còn nhớ thành phố này đã là một đống điêu tàn sáu mươi năm về trước? Ai trong số họ còn nhớ ba mấy ngàn người Dresden đã gục chết trong có một đêm, và những tháp cổ nào, giáo đường nào đã sụp đổ trong mắt nhìn hoảng loạn của người dân thành phố này dưới những trận mưa bom của quân đội đồng minh.



dresdenDresden tháng 4/2010 – Các công trình tái thiết vẫn đang tiếp tục

Thành phố này phục sinh ào ạt sau cuộc đổi đời lần thứ hai kể từ những năm chiến tranh bom đạn đó, khi bức tường Ô nhục, như người Đức gọi bức tường Berlin ngăn chia hai miền Tổ quốc mình, sụp đổ. Và tiếp tục tự khẳng định như một trung tâm kiến trúc nghệ thuật đẹp bậc nhất châu Âu. Dresden dang hớn hở kỉ niệm tuổi già 800 năm của mình. Những ngọn tháp nạm vàng, những bức tượng nạm vàng kiêu hãnh sáng trong mưa. Tôi yêu những con đường xanh dưới mưa chạy qua bao nhiêu ngôi nhà cũ mới được phục hồi nguyên trạng. Có cái gì đó buộc phải nhớ về Hà Nội một thời, không phong túc như thế này, không hoành tráng như thế này, nhưng đầy sang cả và thanh thản.

Từ đống gạch ngói chiến tranh để lại, Dresden đi vòng qua mấy chục năm xã hội chủ nghĩa để đến với thế giới tư bản. Ngôi nhà thờ đồ sộ (Frauenkirche) vừa được dựng lại từ 2000 mảnh vỡ còn sót dưới mưa bom một thời đang là niềm tự hào mới của Dresden. Cao 91 mét, nặng 59000 tấn, (chắc tính trên vật liệu, chứ làm sao tính được sức nặng của mảnh đất dưới chân nó, cũng như những khổ đau của lịch sử vọng về từ đó), thời gian xây dựng lại: 12 năm, số tiền xây dựng khổng lồ: 179 triệu Euro, trong đó hơn 100 triệu là tiền quyên góp từ khắp thế giới, dàn đại phong cầm thuộc cỡ đại tướng, ngôi nhà thờ vĩ đại này mới được khánh thành và đó là một sự kiện trọng đại của cả nước Đức. Ngày ngày, từ bốn tháp chuông của Frauenkirche, 8 quả chuông, trong đó có một cái đúc từ thế kỉ 16 buông tiếng ngân dội qua hai bên bờ sông Elbe. Bom Anh đã nổ ở đất này ngày ấy. Người Anh đã quyên góp để xây dựng đất này bây giờ. Ngôi nhà thờ được phục chế là biểu tượng của tinh thần hòa giải, nữ hoàng Anh nói khi đến đây. Nước Đức đã làm ứ đầy lòng căm thù ở châu Âu và đã tự gặt lửa về mình, thống đốc bang tìm căn nguyên từ quá khứ. Hòa giải lịch sử chỉ thật sự diễn ra khi có sự chịu trách nhiệm lịch sử thật sự, và hòa bình đích thực chỉ có được từ nỗ lực hóa giải hận thù, phải chăng là như thế?

churchNhà thờ Đức Bà – Frauenkirche

Đứng dưới bóng trĩu nặng bao nhiêu hoài vọng lịch sử của ngôi nhà thờ tráng lệ, tôi, người đã đi qua thời chiến tranh ở miền Bắc, bỗng nhớ nơi an nghỉ của những người lính cộng hòa đã bị di dời, nhớ tấm bia tưởng niệm những người Việt bỏ mình trên đường vượt biển ngày hậu chiến từng bị đục bỏ theo những cái gật lắc ngoại giao giữa hai nhà nước Việt và Nam Dương. Ước, một ngày, tất cả sẽ được xây dựng lại theo kế hoạch của nhà nước. Chí ít thì kế hoạch ấy cũng không hao tiền tốn của như việc ngôi nhà thờ này được xây dựng lại. Và như thế, đất sẽ vững dưới chân ta. Nước Đức có hơn sáu mươi năm để ngoái nhìn cuộc chiến của mình, để nhận chịu trách nhiệm lịch sử của mình, để chuộc lỗi với các dân tộc từng là nạn nhân của nó. Chúng ta đã có ba mươi năm. Chẳng lẽ cũng cần ba mươi năm nữa để người Việt mình có thể chuộc lỗi với nhau?

Đi trên đất Đức, có thể thấy tinh thần trả nợ lịch sử diễn ra từng ngày. Những người dân Đức bình thường giờ vẫn biết ơn cái đầu gối của Willy Brand – Ngài tổng thống của Đức đã khai thông được mối quan hệ giữa Đức và Ba lan thời hậu chiến. Ông đã qùy xuống trước đài tưởng niệm nạn nhân của chế độ phát xít khi tới thăm Ba lan. Đó không phải là chiến thuật ngoại giao, Willy Brand cho biết, khi đứng trước đài tưởng niệm, ông nghe như có tiếng nói từ thẳm sâu nhắc tới nỗi đau khổ khủng khiếp mà đồng bào ông gieo rắc trên thế gian này, tiếng nói buộc ông qùy xuống: Cái qùy gối của ông trước dân tộc Ba lan là biểu tượng sám hối của cả một dân tộc, cũng là của một con người. Tôi nghĩ nước Đức này lớn có lẽ chính là nhờ thế, nhờ mỗi con người ý thức được trách nhiệm lịch sử của mình và của cả dân tộc mình.

Trong ba mươi năm qua, người Việt đã tự vãi mình ra nhiều nơi trên thế giới này. Dresden đã là bến đời của không ít người Việt đi theo các chương trình hợp tác văn hóa và lao động giữa hai nhà nước xã hội chủ nghĩa một thời. Các sinh viên du học, những người lính nông dân sau thời tại ngũ tại những biên giới biển và rừng của đất nước tới đây và ở lại khi nước cộng hòa dân chủ Đức sụp đổ. Cách biên giới Tiệp sáu mươi cây số, Dresden những năm chín mươi là điểm dừng chân của không ít người Việt từ Nga, từ Tiệp tràn qua nhân cơ hội bức tường Berlin bị phá bỏ. Hiện sống tại Dresden có chừng gần hai người Việt đã ổn định giấy tờ cư trú. Nhưng còn bao nhiêu người Việt vô danh tính đang lay lắt ở miền đất hoa lệ này? Số liệu thống kê chính thức không chính xác – Cô bạn du học ở đây từ đầu thập niên tám mươi nay đang là phiên dịch viên – cầu nối bà con người Việt với cơ quan công quyền Đức cho biết. Thế ở Dresden thời hoàng kim của những người buôn thuốc lá lậu thì thế nào so với Berlin? Đâu cũng thế thôi. Ai đã dấn thân vào những hoạt động phi pháp kiểu ấy thì không thể tránh được sự trở thành nạn nhân của tội ác bất cứ lúc nào. Tin đồn cũng không đen tối bằng sự thật. Đã có những người Việt mình vì tranh mối làm ăn bị chôn sống trong rừng… Còn bây giờ? Số lượng người Việt qua Đức theo ngả biên giới Tiệp phía Dresden bây giờ giảm hẳn. Vì cơ hội làm ăn phi pháp cũng như cơ hội ở lại Đức chính thức gần như đã mất hẳn. Nhưng người nghiện… Người nghiện thì sao? Thì cũng là vấn nạn như ở nhà mình thường nói. Nhiều gia đình khá giả ở Việt Nam tìm cách tống khứ con em nghiện ngập sang đây. Vừa là để khuất mắt trông coi, giữ thể diện gia đình, vừa là để tận dụng chính sách nhân đạo của Đức. Cứ qua được biên giới rồi khai mình nghiện là thế nào họ cũng để mình ở lại cho đến khi cai được nghiện. Có điều…

Có điều những con nghiện có tiểu sử là thành phần cơ bản giàu sang như thế này thì không bao giờ đủ ý chí để chấp nhận quá trình điều trị và họ lại trở thành vấn nạn trong cộng đồng. Buôn lậu, trấn lột, đâm chém… tất thảy họ đều dính tay vào, chỉ cốt có tiền hút xách. Đời sống của họ giống như một làn nước đen len lỏi trong dòng chảy chung của đời sống cộng đồng, nhưng không đủ mạnh để làm ô nhiễm. Phần lớn người Việt có giấy tờ định cư chính thức ở đây đều khấm khá nhờ vào tính cơ chỉ gần như là bản sắc dân tộc. Là chủ những cửa hàng quần áo, rau quả, cửa hàng hoa hay quán ăn nhanh nho nhỏ, ai cũng miệt mài làm ăn trong thời buổi kinh tế Đức đang khó khăn này, và đều sống được. Và phải nói người Việt ở đây cũng như ở Đức nói chung, khéo rộng ra là ở ngoài nước nói chung hơn nữa đều rất nhanh nhẹn, nhạy bén trong sự ăn làm với quy mô nhỏ, tuy không có khả năng vươn tới điều hành những cơ sở kinh doanh hoành tráng hơn. Nhưng có một điều ai cũng tự hào: phần lớn trẻ em Việt ở đây, có cháu sinh tại Đức, có cháu được bố mẹ đón từ Việt Nam qua đều học hành dễ dàng và hội nhập tốt. Song, như cô bạn tôi phân tích, cái sự học như thế nào thì dân mình khỏi phải bàn, song học để làm gì thì hình như không mấy gia đình ý thức xa hơn sự hỗ trợ con học để có được sự đào tạo tốt, để thành tài theo nghĩa đời sống được đảm bảo mà không phải vất vả như thế hệ cha mẹ. Và tất cả sẵn sàng hô khẩu hiệu hi sinh đời bố củng cố đời con.

Không ít những người đàn ông Việt đang lắc chảo mì trong quán ăn nhanh, không ít những người đàn bà Việt đang ngày ngày cúi người chăm chút từng bông hoa từng quả cam quả táo trong quầy hàng nhỏ là những trí thức nghệ sỹ xã hội chủ nghĩa một thời thành danh ở quê nhà. Những bảo tàng nghệ thuật, những ngọn tháp cổ, những cuộc biểu diễn ở nhà hát dường như nằm ngoài sự quan tâm của họ bây giờ. Người trong nước mới sang công tác tất thảy đều kinh ngạc về chọn lựa của bà con Việt ở nước ngoài, tất thảy đều đồng thanh ở thế này thì khổ quá. Đôi ba người khi về còn viết những bài báo bày tỏ nhẹ ra là lòng thương hại nặng thì là cả một sự miệt thị mênh mông những đồng bào lương thiện của mình ở xứ người. Nhưng nếu đừng cưỡi tàu cao tốc nơi này mà nhìn đời sống, nếu đừng lấy cái thú vui la cà bàn nhậu bàn công việc bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu trên đất Sài Gòn Hà Nội, và bình tâm mà lắng nghe tiếng đời từ giới người lao động đông đảo nơi hè phố, từ những làng chài vài ba năm lại một lần giỗ hội cho những người đã vì miếng cơm manh áo bỏ mình trên biển và…, nhưng nếu biết sự thanh thản khi kiếm miếng ăn mà không phải áy náy hoặc vì quá dậm dụi hoặc vì quá tàn nhẫn như rất nhiều người ở nhà, nhưng nếu biết niềm tin vào sự ổn định chỉ có ở một đất nước thật sự pháp trị thì sẽ hiểu sự chọn lựa của những người ở lại ngoài quê hương. Tôi nghĩ, có hiểu bản chất của đời sống nơi này thì mới không rơi vào bất cập khi thu xếp tương lai cho con cái bằng cách gửi các cháu ra ngoài du học, và mới có thể định hướng từ xa cho con em mình.

Đêm, ông bạn hàng xóm đồng hương nước Việt của cô bạn mời chúng tôi sang xem VTV 4 và hát karaoke. Anh chị vốn là diễn viên một đoàn ca nhạc tỉnh, nay là chủ một hiệu bán quần áo, nghề bỏ nhưng nghiệp nhất định không buông. Nhưng ngoài kia là Dresden sau mưa, đẹp, đẹp dã man, khi nhìn từ Tháp Nudel, một quán ăn chuyên về những món mì, từ cách bài trí tới cách nấu đều hết sức độc đáo. Nước Đức đang trong kì nghỉ lễ, đang đứng trước cúp bóng dá quốc tế, Dresden thì chuẩn bị kỉ niệm 800 năm lịch sử. Từ buổi chiều đi dạo ở Vườn Hồng chúng tôi đã phải chen chân với các nhóm thanh niên đang mê man vì niềm vui hội hè, bia và thịt nướng. Xe cảnh sát rải ở góc đường, và thật thú vị khi quan sát cảnh sát ngăn chặn một nhóm thanh niên có vẻ đã phê. Cảnh sát trẻ măng cười tươi như hoa đứng chắn một nhóm thanh niên ai cũng một chai bia trong tay. Hai bên nói chuyện với nhau cực kì hào hứng. Hai thằng bé bảy tuổi nhà hai chúng tôi đi chơi mà cũng không rời được quả bóng cô bạn mới mang về từ London có cả chữ kí của Beckham sán vào tranh luận về bóng đá với cảnh sát và mấy anh tóc mào gà. Thế nên đành từ chối lời mời ăn và hát của quý đồng hương để tiếp tục đi chơi. Tiếc nỗi không thể qua cầu. Ông chồng tôi lăm lăm camera gạ gẫm một chàng cảnh sát cực kì đẹp trai. Cảnh sát dàn hàng ngang tươi cười từ chối. Họ đang lo ngại về khuya sẽ có quậy phá trong phố cổ. Nhìn qua sông Elbe, còn thấy bóng của xe tăng trấn ở đầu cầu.

Thành phố ào ào gió lạnh mà vẫn bừng bừng một niềm vui sống. Cô bạn dẫn chúng tôi về phố nghệ sĩ sinh viên. Phố này sống cả đêm lẫn ngày, cô bạn thông báo. Quả vậy, từng nhóm thanh niên ăn mặc lướp tướp, tóc mào gà, chân đi ghệt tụ tập nói cười. Mọi quán xá đều mở cửa dù đã vào khuya. Chúng tôi len lỏi qua những ngõ nhỏ, mỏi cổ vì ngắm nhìn. Nơi này một bức tranh tường được phục chế lấp lánh dưới đèn đường. Nơi kia một bức tường với bao nhiêu hình khối lạ mắt gắn ở mặt tiền do bàn tay của các nghệ sĩ sống nơi này. Lại có một ngôi nhà mà ống dẫn nước mưa được thiết kế tách hẳn ra ngoài thành hình một chiếc kèn khổng lồ cứ ba mươi phút lại reo vui. Những cửa hàng nhỏ bán tranh, bán đồ mỹ nghệ thân mật chờ ta từng bước ở góc sân, đầu ngõ, hết sức bất ngờ. Các nghệ sỹ chắc chưa thành danh hững hờ nhìn khách lạ. Hồi còn Đông Đức, khu này điêu tàn lắm, còn bây giờ… Cô bạn kể.

1-goc-cau-agMột góc Dresden, nhìn từ cầu Augustus

Nhờ đêm lang thang đó mà tôi phân biệt được mấy cậu đầu trọc tiến bộ và phản động. Hóa ra không phải chàng trai đầu trọc nào cũng là cực hữu kì thị người nước ngoài. Có những chàng đầu trọc mà không đi giày bóng sẽ đánh nhau với bọn cựu hữu để bảo vệ chúng ta. Còn mấy cậu tóc mào gà mặc đồ lính lướp tướp kia thì thực ra chỉ là thích khác người thôi, mốt kiểu không giống ai như mấy diễn viên cái lương nhà mình ấy mà. Bạn tôi khai hóa.

Trong giấc ngủ ở nhà cô bạn, cũng nằm ngay phố này, tôi nghe tiếng ca hát, cười nói, gào thét, tiếng kèn tiếng trống, một lúc, còn cả tiếng xe tăng và loa cảnh sát. Dường như tất cả thanh niên Dresden đổ về con phố này khi tàn đêm hội.

Tôi có một Dresden…

Một thành phố, một dĩ vãng bi thống và hào hùng, một hiện tại đang ca hát, và những mảnh đời bình dị bên ngoài quê hương.

LMH