Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Huy Tưởng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Huy Tưởng. Hiển thị tất cả bài đăng

6/7/07

Một bài thơ không thành - Nguyễn Huy Tưởng

1.5.2007

Nguyễn Huy Tưởng
Một bài thơ không thành
(Trích nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về nhà văn hoá Nguyễn Hữu Đang)


Nguyễn Huy Thắng lược thuật và giới thiệu :
Được tin bác Nguyễn Hữu Đang qua đời, tôi bảo với vợ tôi: “Thế nào mình cũng thay mặt gia đình đến viếng bác”. Với ai tôi còn thế, huống nữa là với bác Nguyễn Hữu Đang. Bác là một người bạn thân của cha tôi. Một người bạn chiến đấu, có thể nói, ít nhất là trong những năm tháng hai ông hoạt động cách mạng sôi nổi ở Hải Phòng rồi Hà Nội. Riêng với tôi, bác đã để lại những ấn tượng thật đặc biệt, chỉ qua đôi ba lần bác đến thăm gia đình chúng tôi. Lần đầu, bác đến cho cuốn tạp chí điện ảnh, trong có bài đầu tiên bác được ký tên thật sau một thời gian bị mất quyền công dân. Ấy là bài bác kể lại việc dựng Lễ đài để Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Lần khác, bác đến thắp hương cho cha tôi và lầm rầm khấn: “Hôm nay tôi đến tưởng niệm anh trước bàn thờ. Tưởng niệm anh là tưởng niệm một nhà văn có tài đã đành, nhưng trước hết là tưởng niệm một con người lương thiện... Nếu cái trung của anh ai cũng thấy rõ thì cái trực của anh chỉ một số người nào biết đến mà cũng chỉ mới biết một phần nhỏ. Bởi vì anh vốn là người khiêm tốn, điềm đạm, sống nội tâm nhiều hơn bộc lộ” (bác đã cẩn thận viết ra giấy những dòng này và để lại cho gia đình chúng tôi). Hôm ấy, ra về, bác còn cầm theo đúng ba quả táo xanh để làm quà. Bác không có gia đình riêng, nhưng đi đâu cũng nhớ mang quà về cho ba người già, trẻ trong gia đình người cháu mà bác ở cùng...

Dẫu vẫn biết bác là người có “vấn đề”, nhưng một người đã thuộc về lịch sử như bác Nguyễn Hữu Đang, tôi tin chắc chắn đám tang của bác sẽ được tổ chức trọng thể và đưa tin rộng rãi. Thế nào rồi mình cũng sẽ biết mà đến viếng. Nào ngờ mọi cái đã diễn ra lặng lẽ và tôi thì chỉ còn biết trách mình đã lỗi hẹn với người thiên cổ. Sinh thời, cha tôi từng có lúc “muốn làm một bài thơ” tặng bác, với những cảm xúc trước sự xả thân của bạn khi đến với phong trào Truyền bá Quốc ngữ ở Hải Phòng. Có thể vì lý do nào đó, bài thơ đã không thành, nhưng những dòng nhật ký của cha tôi về bác Nguyễn Hữu Đang thì còn đó. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nguyễn Huy Thắng



*


16-6-1942
Anh Nguyễn Hữu Đang xuống làm việc cho Truyền bá Quốc ngữ từ hơn hai tháng nay. Anh xin nghỉ ở Sở Tài chính [1] xuống đây làm việc nghĩa. Đức hi sinh của anh thực không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào Quốc ngữ ở Hải Phòng chết đi nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả một đạo quân chiến bại.

Muốn làm một bài thơ tặng anh ấy.


30-7-1942
Anh Lợi [2] thiết tiệc anh Đang. Mình cũng đến. Nghe Đang nói chuyện, tự thẹn. Anh đã biểu lộ ngay từ bé một tính cách đặc biệt, hùng hổ và ngang tàng. Không sợ, khinh quyền thế, biến báo giỏi, biết thân phận mình, tin ở tài mình, đó là những tính cách của một người giỏi.

Nhà nghèo. Anh đi đến đâu là làm bật nổi một phong trào. Tưởng như anh toàn là lửa. Muốn làm một bài thơ, nói anh như một vừng sáng, toàn thân sáng toả, thoắt hiện, thoắt ẩn. Một bài thơ tiễn biệt.

Đêm nói chuyện đến 2 giờ sáng, không biết mỏi.


12-4-1943
Trời mưa rầm. Nghĩ đến mộ mẹ. Chua xót. Nghĩ đến lúc trên giường bệnh, mẹ rên rỉ, se sẽ: “Tôi khổ lắm”. Nghĩ đến khi, những lúc còn tưởng không chết, mẹ nói: “Phen này sống thì dù ăn rau ăn cháo cũng sướng”. Ôi lòng tha thiết sống, mà bị hành hạ bao nhiêu cũng không được sống.

Tuất, Nam, Đang viết thư chia buồn. Đang nói muốn báo hiếu, chỉ có cách là làm việc cho xuất chúng để xứng đáng với tinh thần mẹ.


15-5-1943
Xem Dương Đức Hiền và Đặng Ngọc Tốt diễn thuyết. Tốt nói có lửa, ca tụng những sức mạnh của non sông, nhắc lại những anh hùng, kêu gọi thanh niên: hùng hồn lắm.

Ăn cơm nhà Nam [3] . Uống rượu say. Phong trào sắp tới lớn lao, định đoạt số phận nước mình. Nghe các anh Nam, Đang bàn định những chương trình cứu nước, mình cũng bồng bột, nhưng lại sợ nguy hiểm và lo cho bản thân. Ôi khốn nạn!


14-7-1943
Cùng Đang đi chơi. 14 Juillet. [4] Đang nói anh cũng là người dâm. Nhưng không coi ái tình làm trọng vì nó mất thì giờ. Không bao giờ viết thư cho gái.


24-2-1944
Đang viết thư vay Nguyễn Sơn Hà tiền. Hà giới thiệu với một sở làm guốc, và hứa sẽ bỏ ra 5000$ giúp Đang. Mới đây, Đang đã trả nhời là vay để tiêu, chứ không có ý kinh doanh làm giầu, và kết luận: Nếu cả nước ai cũng mong làm giầu thì kết quả là nước không giầu mà trái lại.


Từ 15 Mars (tháng 3-1944)
Đang ốm nặng, phải vào nhà thương, nhức đầu không chịu được, nhiều triệu chứng chết. Đêm vào thăm bạn ở nhà thương: nắn bóp cho bạn.

Lòng lo khôn xiết, vì Đang là một người tài trí, nếu có mệnh hệ nào thì bao nhiêu công việc đình trệ. Nghĩ đến cảnh đọc điếu văn bạn. Dự định nếu bạn khỏi thì thết tiệc mời anh em đến mừng bạn.

Nhưng may, Đang đã đỡ và đã gần bình phục.



*


Vào dự hội nghị Ban kịch Hà Nội. Có thiếu Đang mới biết anh ta cần. Trong cuộc tranh luận, không có ai đủ tài trấn áp được những hỗn độn.


11-7-1944
Nguyễn Hữu Đang bình phẩm về An Tư:

Sau Đêm hội Long Trì, tôi tưởng anh có thay đổi lối viết, vì Đêm hội Long Trì là cuốn đầu tiên, không nói làm gì.

Anh vẫn ít tả cảnh, mà chịu khó làm cho câu văn linh động. Anh thiên về kể chuyện, nhưng một cách tầm thường (plat). Tựu trung có mấy điều này:

Không nên để cho nhân vật tiểu thuyết nói những lời của tác giả, vì thế không nên có những câu dài, mà nói có vẻ tuồng. Phải xen vào những lời, những nét của đối phương người nói để rút ngắn đoạn nói ấy đi.


Phải chịu khó tìm những tình, những cảnh (ngoại vật), nét mặt, dáng đi, cảnh chung quanh, để làm bật tình cảnh, chứ đừng nói mà sinh nhạt nhẽo, như mình vẫn thường làm. Nghĩa là phải tả, chứ không ghi một cách vội vã, tầm thường.



*


Thực là những nhời vàng ngọc. Mình viết thực cẩu thả, trong khi hành văn, cố tìm cho câu văn kênh kiệu, chứ không nghĩ đến sự làm cho nó linh động. Thậm chí trong lời nói của các nhân vật, cũng gọt giũa, trong khi lời nói ấy cần phải tự nhiên, hàm hồ, lủng củng, chứ không kiểu sức, và tuồng.

Sẽ thay đổi cách viết, và viết thận trọng. Mà viết ít thôi, cố làm sống, chứ không cố văn hay.


17-8-1944
Đang ngồi trong sở thì có dây nói gọi. Lê Văn Mai nói Nguyễn Hữu Đang đã bị bắt: “Nó bắt thằng ấy rồi, trưa đừng về nhà nữa.”

Lòng buồn rười rượi. Đi báo tin cho mấy người bạn. Về phố Lê Lợi, vào nhà mẹ Lê Văn Mai xem bạn có đấy không. Con nuôi Mai nói có khám ở nhà. Giật mình lo sợ. Vì trong ấy có cả sách của mình, nhất là bản thảo An Tư: sao mà tập tiểu thuyết ấy nhiều phiêu lưu thế.

Vừa lo, vừa chán, vừa tiếc bản thảo An Tư. Chiều báo động, vào nhà dì. Nói chuyện huyên thuyên, cười cợt, nhưng trong lòng não như tương, tơi bời như vườn gió. Định ở đến tối, nhưng sốt ruột lại lên xe đi dạo phố. Tìm Siêu mấy lần mới gặp. Siêu nói bây giờ không nên trốn, mà cứ đường hoàng về, sự đã đến thế, đành vậy. Biết đâu, mình sẽ kinh nghiệm thêm về việc đời, và nếu phải tù thì chịu. Biết đâu sự không may ấy không làm mình thay đổi thái độ, và khiến mình quả quyết về một con đường chưa định.

Lê Văn Siêu lại có ý chỉ trích công việc làm của Nguyễn Hữu Đang, vì không tính đến cái rapport des forces [5] . Khi nào sức mạnh của dân chúng đã đủ chống với chính phủ thì mới hành động được, chứ như bây giờ, sức mạnh của chính phủ áp đảo được một cách dồi dào, thì làm những công việc ấy chỉ vô ích mà uổng công lao.

Sáng hôm 18, đi làm. Vào sở không thiết làm một việc gì. Nhật ký, tập khởi thảo Tính cách xã hội trong thơ Đỗ Phủ đã giấu đi từ ngay khi biết tin Đang bị bắt. Làm cho khuây khoả. Ngồi trong sở trông ô tô chỉ sợ mật thám đến bắt.

Chiều đi hỏi lung tung. Đội mưa về. Đến nhà thấy Lê Văn Mai đang quét nhà, bắt tay nhau, buồn cười và cảnh khôi hài. Một chút yên tâm: Nguyên Hồng cùng bị bắt với Nguyễn Hữu Đang, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi đã được tha về. Hồng nói bọn bốn người đã bị giải đi Nam Định để đối chất rồi.

Anh em cười nói. Nghĩ thương Đang ốm yếu, từ hôm bị bắt chưa được ăn một miếng cơm nào. Sáng hôm qua, họ cho một nắm cơm, nhưng không ai ăn.


19-8-1944
Chiều thứ bảy, trời u ám, lên phố Tràng Tiền tìm Khái để hỏi thăm tin tức Nguyễn Hữu Đang. Nhớ đến tiếng cười tiếng nói, buồn vì nỗi hiu quạnh, cô đơn, nhớ bạn, muốn khóc.

Đáng nhẽ mình sẽ nói chuyện ở lớp huấn luyện [6] miền Bưởi. Nhưng sau khi Đang bị bắt, Nguyễn Quý Khôi, tức Trưởng miền Bưởi, lại thay đổi chương trình, không cho mình nói: viện cớ rằng mình có Đang làm hậu thuẫn thì mới hùng.

Sự khinh miệt ấy làm cho mình đau đớn và kích thích.

Nhận thấy cần phải hoạt động để:

tỏ rằng mình có tài;

bù vào chỗ thiếu Đang.


1-9-1944
Tin Đang được tha bổng. Vừa mừng cho bạn, vừa lo cho mình. Vì không có Đang mình sẽ bật nổi được mà có Đang thì mình rất dễ lu mờ. Nghiệm thấy trong thời kỳ Đang bị bắt, mình hoạt động, anh em nhiều người hỏi ý kiến, lại dám đứng trước công chúng nói (nghe chừng cũng không kém lắm).


14-10-1944
Trưa yên tĩnh. Trời mát dịu. Trước hồ Hoàn Kiếm, nước như gương. Cùng đi với Nguyễn Hữu Đang, xem ba ba nổi trên tháp rùa. Cảnh đẹp và khêu gợi.


15-10-1944
Dự buổi họp với các bạn văn: Tô Hoài, Trần Huyền Trân, Nguyên Hồng, Như Phong, Nguyễn Hữu Đang với Đỗ Xuân Dũng, tại nhà xuất bản Người Bốn Phương.

Tự nhận thấy trách nhiệm. Vui sướng.


5-3-1945
Về tờ báo mà Đang chủ trương, anh ta yêu cầu mình giữ mục Revue de la presse [7] Lượm những tin cũ ở các báo, đối chiếu với những ngôn luận bây giờ.

Không làm được. Đang có ý giận. Nói phải chịu khó, không có công việc gì to mà lại không làm việc một cách tận lực: bỏ bữa cơm, thức suốt đêm, quên hết.

Mình có ý thẹn. Chính mình là hạng người ấy. Không làm việc gì một cách say mê. Nghĩ đến mình quá! Vụ lợi nhiều!


9-3-1945
Có tin Nhật sắp diệt Pháp. Tám giờ đến nhà Nguyễn Hữu Đang. Qua một góc phố, thấy một sĩ quan (hay hạ sĩ quan) Nhật dặn dò mấy chú lính Nhật, như cắt đặt công việc khởi sự.

Ngồi trên gác số 73 Hàng Quạt. Đang nói chuyện thì nghe tiếng tành tạch. Mấy bác thợ thêu ngơ ngẩn. Đã biết trước, nhưng vì người Nhật rập rình từ bao nhiêu lâu không dám hành động, nên vẫn hoài nghi. Đến lúc tiếng súng đi, tiếng súng lại, mới biết là sự thực. Không ngờ họ khởi sự sớm thế.

Nguyễn Hữu Đang ở ngoài chạy xổ vào, bắt đóng kín các cửa lại. Tiếng súng nổ mỗi lúc một đều, tuy không rền. Có tiếng còi đội xếp (họ tưởng là báo động). Người ngoài phố chạy một cách ngây thơ. Có tiếng súng thần công ở bên. Nhà bên cạnh thấy nhà mình vẫn thắp đèn, chửi rầm lên. Lão chủ nhà và mụ chủ nhà chạy lên hỏi làm thế nào, trách Đang không nói rõ (Đang chỉ đưa cho mấy nghìn bạc để đong gạo). Nhà hôm ấy nấu bánh chưng. Có cảm tưởng như đêm 30 Tết với tiếng pháo tép và tiếng pháo đùng. Một ngày lịch sử và quyết liệt cho vận mệnh nước nhà, mình lẩm bẩm và thầm thán phục những dự đoán của anh em, thế nào Nhật Pháp cũng phải có phen tự diệt.

Nằm lo cho tiền đồ quốc gia. Một phần chương trình đã thực hiện rồi đây. Rồi ra phải thế nào? Thái độ của mình phải thế nào? Nằm không ngủ được. Đang, anh chàng đầy sáng kiến cũng trùm chăn ngủ, nhưng chắc đang nghĩ gì đây. Trưa hôm ấy, anh ta báo tin cho mình biết, và đã bàn bạc với Như Phong xem bổn phận của anh em trong nhóm Văn hoá phải như thế nào.


10-3-1945
Trở dậy. Mặc quần áo. Đang cũng mặc quần áo, bảo mình viết cho một mảnh giấy nói là đi ra lệnh cho các công chức cứ làm việc như thường. Rồi anh chàng đi tìm Thẩm Hoằng Tín và Mai Văn Hàm để lấy tiền tiêu, nhất là để dùng nếu muốn trốn đi. Trưa hôm qua, sau khi đưa cho mình 20$, có cho mình mấy cái địa chỉ chỗ anh ta trốn đi. Giờ phút sao mà nặng nề, đá màu thiêng liêng như thế!

Đi thăm phố. Ra xem lính Nhật đánh thành cửa Đông. Trong thành súng vẫn bắn ra. Hai bên thành cầu, lính Nhật nấp, lưỡi lê dựng ngược. Vài quân cảm tử đã vào gầm cầu: trông chồm chỗm như chó giả tiền rồi. Gọn thon lỏn, và lùn nực cười.

Chiều về nhà Đang ăn cơm. Nói chuyện về thời sự. Đang thích nghĩa về công việc của người Nhật: một sự liều, và một công việc có tính cách binh bị, không có chút tính cách chính trị nào. Vì thế những người chính khách như Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm không chịu nhúng tay làm. Sau việc khởi sự, quân đội Nhật mới “xuỳ” ra một lũ bù nhìn. Họ lúng túng không sao lập được một chính phủ. Anh em thanh niên đến nhà Đang đông như mắc cửi để bàn về thời sự.


11-3-1945
Bốn giờ rưỡi lại Đang. Đang cho Nghĩa những huấn lệnh để cổ động anh em sinh viên đừng mù quáng tin theo phong trào Đại Việt.

Chiều tối, lại nhà Lê Văn Mai ăn tiệc. Ăn khỏe quá. Và nói cũng khá, không đến nỗi lì xì. Thuyết về chỗ người Pháp không ở lại nữa, và hôm 9-3 là ngày họ hết uy quyền ở Đông Dương. Pháp đã bị gạt ra, Nhật đương phải sửa soạn đánh Anh – Mỹ. Giữa lúc ấy, một đảng chân chính xuất hiện và sẽ giao thiệp thẳng với các nước mà đòi quyền độc lập cho giang sơn.

Nói có lửa. Cử toạ có vẻ phục mình lắm. Biết đâu, phần nhiều là lấy lại những lời của Nguyễn Hữu Đang cả. Nhưng rất là hùng biện.


15-3-1945
Gặp Nam Cao. Mở cặp của Nguyễn Hữu Đang thấy có Cột đồng Mã Viện của mình. Nói, thôi còn cần gì nữa. Xếp bút nghiên thôi.

Lòng bỗng ân hận, vì chưa thành một tác phẩm gì. Dẫu sao, cũng phải nhất định đi vào con đường văn sĩ. Khơi đào mãi mãi.

Chính trị xong, nhất định lại trở lại văn chương. Rất nhiều hi vọng.


16 – 19-7-1945
Dự bộ biên tập T.P. [8] Chị dâu có ý sợ. Con trai, con rể hoảng hốt. Sinh – Thái – Như Phong – Trang [9] – mình.

Càng ngày càng quí Sinh – Thái: chỉ đặt quyền lợi đoàn thể lên trên mọi thứ.


15-11-1947
Chuyện Tham Ý [10] . Phục các cán bộ Việt Minh. Trong khi nói chuyện, thỉnh thoảng lại hỏi: Sao anh Tưởng, anh Lợi bây giờ lên to thế? To quá nhỉ. Phục Đang. Hỏi thầm một người: Có phải là cánh tay phải của Cụ Hồ không? Băn khoăn không biết bây giờ Đang về khu này thì phải vào chức gì cho xứng? Theo ý anh tham biện ấy, thì ở đây không có một chức gì cao hơn để Đang làm cả, vì Đang trên cả uỷ ban kháng chiến.


21-4-1955
Chung quanh vấn đề tranh luận thơ Việt Bắc. Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm tụ tập nhau. Bè phái trong văn nghệ.

Nguyễn Hữu Đang tiêu cực. Ở đâu cũng thấy không vừa ý. Người có caractère (cá tính), ở đâu cũng có ảnh hưởng đến anh em. Anh em toà soạn khen là chí công vô tư, nhưng tư tưởng rất là nguy hiểm. Một điển hình của một chiến sĩ làm cách mạng bất mãn.


24-4-1955
Đầu óc nặng vì bài Đang công kích thuế. Hữu khuynh. Trách nhiệm với nhân dân. Tổ quốc.


3 – 23-6-1955
Học tập tình hình và nhiệm vụ.

Nguyễn Hữu Đang không học tập. Đúng hôm góp ý kiến cho Tiểu ban thì đến. Đặc biệt đả kích mình: in Gốc đa, Gặp Bác, v.v...


21-8-1956
Từ khi ở Lào Kay về, những tin tức chung quanh không lấy gì làm tốt, làm cho mình băn khoăn, lo nghĩ, rồi những việc văn nghệ sĩ phê bình lãnh đạo văn nghệ làm cho không ngủ được. Không muốn ăn, ăn muốn nôn. Người suy nhược.

Trương Tửu đến họp ban giải thưởng, có vẻ khuyên bọn mình kiểm điểm thì chỉ có lợi cho uy tín. Phan Khôi: Chúng tôi làm cách mạng, không làm cải lương. Hoặc tôi có công to, hoặc là tội to. Các anh là melchevik [11] , chúng tôi là bolchevik [12] . Nguyễn Hữu Đang nổi lên. Tiếc rằng kéo anh ta về văn nghệ để làm rầy rà mình. Chính người chửi mình nhất là Nguyễn Hữu Đang.


26-8-1956
Tổng kết lớp lý luận. Nguyễn Hữu Đang có quần chúng ủng hộ. Lời phát biểu của Tố Hữu không được anh em lấy làm thoả mãn.

Nói chuyện với Nguyễn Hữu Đang. Đang đã chán, vì những ý kiến của mình không có ai nghe. Nay có quần chúng, nên lao vào việc đấu tranh trong văn nghệ.

Trước đây, Đang không muốn làm gì, vì đã làm là phải đem hết cả cái thân mình vào công việc, mà đã không làm là không làm. Thà về nuôi các cháu, sống đời điền viên còn hơn. Nhưng từ khi có Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô thấy phấn khởi, Đang ở Cải cách ruộng đất muốn về ngay Hà Nội hoạt động như thời “beau vieux temps”. [13] Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 lại làm cho Đang chán nản.

Kể chuyện một bà bác. Có rất nhiều uy tín trong làng, cưu mang hết cả mọi người. Hồi phát động quần chúng giảm tô, bà thách ai gọi bà là nó. Nhưng đến Cải cách ruộng đất, bị đấu. Thằng cháu giằng cơm của bà, tát bà. Bà ta chết. Không có gì vô nhân đạo hơn.


23-9-1956
Gặp Đang. Giữa lúc gay go. Đang nói lãnh đạo ngoan cố nên anh em phẫn nộ, chính lãnh đạo dồn họ vào thế bí. Nhân văn là con bài cuối cùng. Nếu không ra được, đấy là chứng tỏ không có tự do. Và họ sẽ xin ra nước ngoài (Mỹ Diệm thì họ không chơi rồi), dù là phải hành khất. Họ vừa gập báo vừa nói thế. Vấn đề giải quyết cũng không khó gì. Lãnh đạo tự kiểm điểm. Giải quyết những yêu cầu của anh em. Đoàn kết lại trở lại như thường.

Vấn đề của Đang, một trí thức tiểu tư sản khi vào Đảng là muốn đem trí tuệ của mình phục vụ, đóng góp cho Đảng, không phải là vấn đề thừa hành một cách ngoan ngoãn. Muốn bảo vệ chế độ này, phải phát huy dân chủ, làm cho Đảng liên hệ mật thiết với quần chúng.

Nói xấu và đả kích chế độ, nhất định là có hại, nhưng cũng như Đảng Cộng sản Liên Xô dám đem việc Staline ra cũng biết là có hại, Mỹ sẽ phản tuyên truyền, nhưng cái lợi thì lớn hơn. ấy là Đảng lớn lên. Con người lớn lên.

Đối với Đang, có phải là vấn đề sung sướng cho riêng mình đâu. Nếu không phải là một homme de coeur [14] , thì chẳng cần gì cả. Làm thủ tướng một nước mà có những sai lầm lớn thế này thật không đáng vui gì.


9-12-1956
Sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị do Tố Hữu truyền đạt, ở các cơ quan đã có những hiện tượng đả nhau. Một anh công đoàn ghi: “Nguyên văn”, chứng tỏ anh ta chẳng biết Nhân văn là cái gì. Thế mà là những người đấu Nhân văn đấy.

Viết thư cho ông Trường Chinh phản đối biện pháp đối với Nhân văn. Chả biết ông ấy nghĩ sao!


11 – 12-12-1956
Anh em Nhân văn [15] họp để nhận định tình hình. Có người nói nên thôi đi, để các ông ấy đánh vào chỗ không người, nhưng cũng có người nói thôi thì có hại, trong Nam nó sẽ tuyên truyền là miền Bắc bóp nghẹt dân chủ, nên cứ ra dù có thể có người đến đánh. (Trần Hữu Thung khuyên Hoàng Cầm nhà có súng, có dao thì cất đi, kẻo dễ xảy ra án mạng). Nghĩ thương cho anh em Nhân văn, thương Đang, Lê Đạt, Hoàng Cầm, v.v...


13-12-1956
Gặp đồng chí T.C. Khi mình nói không nên có thành kiến với Nguyễn Hữu Đang, thì thiếu bình tĩnh ngay. Rồi quay ra vặc: Sao anh chỉ trách Đảng mà không trách bọn họ?

Họp Đảng đoàn kiểm điểm. (...) buộc tội Trần Duy, Nguyễn Hữu Đang là khuynh hướng địch. Vẫn chẳng hiểu gì về Đang. Đang đưa ra các vấn đề cũng chỉ là để đi đến vấn đề tự do dân chủ, trăm hoa đua nở, phát triển văn học nghệ thuật. Làm sao cho không khí văn nghệ đỡ ngột ngạt. Thế thôi. Mắc một cái oan nặng. Sự thật chỉ là do dự lớp văn nghệ, rồi anh em tín nhiệm, rồi lao đầu một cách vô tư vào công việc, đấu tranh cho quyền lợi chung của văn nghệ, chứ chẳng mưu đồ mục đích riêng tây nào. Ta để cho việc này trôi đi ư? Tin vào nhiều điều dựng đứng do những báo cáo không đúng, hoàn toàn bịa của các cấp gửi Trung ương ư? Đã bao nhiêu người oan uổng vì những báo cáo không xác thực này! Nguyễn Hữu Đang dũng cảm, vô tội, trở thành một người phản Đảng. Những thành kiến đi đến giết người!


14-12-1956
Buổi trưa, Đang đến. Mặt hốc hác, không vui. Thực ra, Đang đã phân trần rằng anh ta không phải là chủ chốt, mà vẫn là ý kiến số đông quyết định. Nhưng các vị đã quá nghi ngờ như Tào Tháo rồi, tin chỗ ấy thế nào được. Lại suy diễn câu nói trong bài của Đang, sẽ đăng trên số sáu Nhân văn, chưa in. Đấy là câu: Nếu nhân dân Hung-ga-ri biết sớm nổi lên lật đổ tập đoàn Rakosi và Ghêrơ [16] thì không xảy ra vụ 23/10 [17] . Và: Hiến pháp Trung Quốc qui định quyền biểu tình chĩa ngay vào Chính phủ. Thế là các vị từ một bài lý luận, mà cũng chưa in, suy luận rằng Đang hô hào lật đổ Trung ương và Chính phủ.

Gặp Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, Quang Dũng. Họ nói thật chẳng khác mấy đứa con làm chuồng gà, mà bố giận đánh thậm tệ, không còn biết chạy đi đâu. Họ không gặp nhau, nhưng lúc này họ xiết chặt lấy nhau, ôn lại những ngày làm việc với nhau, một cách rất nghệ sĩ, chẳng có chủ trương, đường lối gì, mạnh ai nấy viết. Việc quản lý thì không hề biết đến. Bây giờ họ họp nhau, chỉ để bàn cách trang trải số nợ với các đại lý. Vì công đoàn vận động công nhân không in, báo không được ra, phải trả tiền đại lý. Có người đã đến cửa nhà Nguyễn Hữu Đang đòi. Bàn xem lấy tiền đâu. Đóng góp thì ít có tiền. Vay tư sản thì họ giữ kẽ. Họ đến gặp nhau, để chia sẻ bùi ngọt với nhau. Người nào cũng hốc hác, không ngủ được. Phan Khôi khuyên mọi người: bình tĩnh. Và khôi hài: họp ba người thôi. Rồi lại nhìn sang nhà bên cạnh có công an rình. Họ khổ nhất là đường đường những người kháng chiến, nay mắc những tiếng là phản động.

Anh em lo nhất cho Nguyễn Hữu Đang. Mấy hôm nay gầy guộc. Lo trang trải công nợ, không thể đi đâu được, không trả thì sẽ bị kết tội là bội tín: cũng ra trước pháp luật. Lo cho Đang sẽ phải ra toà. Lo nhất là có thể bị đánh, vì Nguyễn Hữu Đang là người nhiều người biết. Thương hại cho Đang mà anh em ai cũng thương yêu, thực sự là người săn sóc cho anh em, đấu tranh, lo liệu. Ngao ngán những ngày vui chiến đấu, tự nhận là majorité, bolchevik [18] để bây giờ đi đến những tan rã như thế này. Vinh và nhục đi liền. Mấy hôm nay, Trần Lê Văn ngao ngán. Lo cho mình thì ít, nhưng lo cho Đang thì nhiều. Tiền nong cho gia đình thì thiếu, con lên sởi, lo vì công việc, lo cho bạn, không sao ngủ được. Cái nhóm: Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hữu Loan, Lê Đại Thanh, Thanh Châu vắng vẻ chuyện trò.

Đang liều quá, định đưa báo in ở Terexa! Vẫn là anh chàng: Tất cả để đạt được mục đích. Thậm chí nói: Biết con mẹ Thuỵ An là đứa có vấn đề chính trị, nhưng nó là một người bất mãn đối với lãnh đạo thì cũng cứ dùng. Đúng là một tay thủ đoạn dùng đủ mọi khía cạnh để đánh thắng. Nhưng mặt khác lại có những điểm rất đáng yêu: Để giả nợ nhà in, bán quần áo đi để lấy tiền. Anh em Nhân văn cảm động về cái cử chỉ viết giấy: Tôi, Nguyễn Hữu Đang, nhận bán cho ông... bộ quần áo này, v.v... Nhớ lại câu nói: Trước không có ai nghe, nhưng nay nói có người nghe, thì ra hoạt động.


15-12-1956
Họp Chi bộ Văn nghệ để thảo luận về Nhân văn. Chị Nhị sỉ vả, nói muốn ăn gan nuốt sống bọn nó. Võ Huy Tâm cường điệu vẻ giai cấp công nhân. Lê Đạt bênh vực Đang. P.K.A. mạt sát Lê Đạt gọi là hèn nhát. Huy Phương nói về công tâm con người đảng viên trong vụ này. Mình tỏ ý thương anh em Nhân văn (chuế quá. Diệu nhíu lông mày. Thi không đồng ý). Bổng đề nghị có biện pháp cho anh em an tâm. Thi gạt đi một cách cương quyết (Trường Chinh không gặp Phan Khôi – Nguyễn Hữu Đang không được gặp Xuân Thuỷ). Chắc là có chủ trương kiên quyết.

Đọc nghị quyết Trung ương. Không khí nặng nề. Kim Lân mừng không phải giơ tay. Không phải ký kiến nghị phản đối báo Nhân văn.

Buổi tối, Tuân [19] đến nói không nên sìu đi. Lúc này càng phải hăng hái. Thực ra thì mình cũng đang sút tinh thần. Bộ máy của cách mạng mở chạy, nó thật tàn nhẫn cho tình cảm con người. Bảo vệ tổ chức: nhiều trường hợp khó khăn như thế này, chỉ còn một cách là dựa vào tổ chức. Buồn là có khi bảo vệ cái tổ chức làm sai, trái với lòng mình!


20-12-1956
Đến chơi Nguyễn Hữu Đang. Anh ta bình tĩnh. Phàn nàn rằng càng ngày càng thấy mình làm đúng. [Nhưng người ta] lắp việc nọ sang việc kia để kết luận một cách hồ đồ. Ví dụ việc đưa báo in ở Terexa là khi mới bắt đầu ra Nhân văn số 1 chứ không phải là số 6, thì lại nói là không in được ở Xuân Thu thì đưa lại Terexa...

Mấy anh em Nhân văn buồn. Quang Dũng nói dù có hoang mang, nhưng lòng trong trắng nên vẫn bình thản. Đang khoe mua được lọ hoa đẹp. Đêm Noel đi chơi. Điều này chứng tỏ anh em không làm điều gì lương tâm cắn rứt, mới thản nhiên như thế được.

(Trích Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng – tập I, II,III, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2006)

© 2007 talawas



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Sở Tài chính Hà Nội (Chú thích đều của NXB Thanh Niên)
[2]Lưu Văn Lợi
[3]Quản Xuân Nam
[4]14/7, ngày Quốc khánh Pháp
[5]tương quan lực lượng
[6]Truyền bá Quốc ngữ
[7]Điểm báo
[8] Báo Tiên Phong
[9]Thái: bí danh của bác Nguyễn Hữu Đang (Phạm Đình Thái); Sinh: bí danh của đồng chí Khuất Duy Tiến; Trang: bí danh của đồng chí Mười Hương, tức Trần Quốc Hương
[10]một người bạn cũ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trước cách mạng
[11]thiểu số
[12]đa số
[13]thời xa xưa tươi đẹp
[14]người tâm huyết
[15]những người làm báo hoặc viết cho báo Nhân văn (chỉ ra được 5 số từ 15-9 đến 20-11-1956 do Phan Khôi làm chủ nhiệm), sau được gọi chung là nhóm Nhân văn.
[16]Mátyás Rákosi (1892-1971): Nhà hoạt động chính trị Hungari, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hungari từ 1945 đến tháng 6-1956, khi Erno Gero lên thay; Ghêrơ: phiên âm tên của Gero, người lên thay thế Rákosi trong một thời gian ngắn, cho đến khi xảy ra cuộc chính biến ở Hungari.
[17]tức là cuộc chính biến, nổ ra vào ngày 23-10-1956, khi hàng trăm ngàn người dân Hungari nổi dậy chống lại Chính phủ.
[18]đa số
[19]Nguyễn Tuân