Nguyễn Chính – Thư ngỏ gửi nhà văn Chu Lai
Tác giả: Nguyễn Chính
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Ngày 30/4/2010
Thưa ông!
Những ngày tháng Tư này người Việt Nam mình dù ở đâu, quốc nội hay hải ngoại, nếu không vô cảm đều đau đáu nghĩ về thân phận đất nước mình, dân tộc mình. Vâng! Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, sau khi thoát khỏi kiếp nô lệ kéo dài ngót 80 năm bởi thực dân, đế quốc, lại tiếp tục lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài nhất, đổ máu nhiều nhất, bi thương nhất, hậu quả tệ hại nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Nhân ngày 30 tháng Tư, nhìn lại cuộc chiến 1954 – 1975, trên các trang báo mạng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm trí trái ngược nhau, nhưng đều có chung một mong muốn là làm sao để dân mình được mãi sống trong thanh bình, đất nước mình thực sự được tự do, độc lập, dân chủ, văn minh, giàu mạnh… Muốn vậy, thì phải hòa hợp, hòa giải. Vì hiện tại, vì tương lai của đất nước, của muôn đời con cháu mà hòa hợp, hòa giải thật sự, thật lòng. Từ suy nghĩ đó, sau khi đọc ý kiến của ông trên báo Đại Đoàn Kết số 91-92, ngày 29/4/2010, rằng: “Bây giờ sau 35 năm, có thể gác lại quá khứ, nhưng không có nghĩa là quên đi quá khứ. Vì nếu chúng ta quên quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hy sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng…”, tôi xin kính gửi đến ông vài thiển ý như sau:
Thứ nhất, ai cũng biết quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy liên tục đối với một đời người, đối với một đất nước, một dân tộc. Có quá khứ hào hùng, vinh quang, nhưng cũng có quá khứ bi thương, khốn nạn để lại những gánh nặng đầy máu và nước mắt cho hiện tại và tương lai. Cuộc chiến năm 1954 – 1975 đang được những nhà làm sử chân chính của hiện tại và rồi sẽ được hậu thế phán xét, định nghĩa thật chính xác, thỏa đáng, công bằng và khách quan. Còn chúng ta, những thế hệ đi qua chiến tranh, may mắn còn sống sót, nay cũng sắp về với cát bụi, dù của chế độ miền Bắc, hay miền Nam, đã thừa biết cái giá phải trả cho chiến tranh của đất nước mình, nhân dân mình. Nhất lại là một người cầm bút như ông mà vẫn ôm cái chủ kiến kẻ cả, trịch thượng như vậy thì tôi thấy nguy quá. Ông bảo “Bây giờ sau 35 năm, có thể gác lại quá khứ…” Hai từ “có thể” rất mù mờ, có thể thế này, có thể thế khác, nghĩa là chưa chắc đã được thực hiện. Hoặc vạn bất dĩ có thực hiện thì cũng chỉ là giải pháp tình thế, là động tác giả. Còn hai từ “gác lại” thì đáng sợ lắm thưa ông. Vì “gác lại”, nghĩa là tạm thời cất vào chỗ nào đó, hay tạm gác lên trần nhà, trong xó bếp… vì một mục tiêu trước mắt, hay một mưu toan nào đó, khi cần lại lôi ra, dùng văn nô, bồi bút làm cho mới rợi. Thế là lại đấu tố, lại kỳ thị, lại vân vân… Thì bao nhiêu bài học quá khứ còn sờ sờ ra đấy, chưa ai quên đâu, thưa ông Chu Lai.
Thứ hai, ông còn bảo rằng: “Nếu chúng ta quên quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hy sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng…” Ông nói không sai. Nhưng sao tôi thấy thật quá nhẫn tâm và vô cảm với những bà mẹ, những người chồng, người cha, người em, người con của những người lính thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không may ngã xuống trong cuộc chiến nồi da, xáo thịt đó. Là một nhà văn, ông đã nghĩ và nói trái với thiên chức của người cầm bút, là góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng loại, mà đó lại là đồng bào của mình. Phát biểu như thế trong dịp 30 tháng Tư này trên tờ Đại Đoàn Kết, một tờ báo lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là ông đã vô tình xát thêm muối vào vết thương lòng của bà con mình đấy. Ngay cả ông Võ Văn Kiệt, một người làm chính trị, sau chiến tranh ngồi đến chức Thủ tướng, mà trước khi về với đất còn nhận thức ra cái nỗi đau ở tầm dân tộc ấy. Trong khi ông, nhà văn Chu Lai, dù đã 35 năm qua rồi mà xem ra cái sát khí vẫn còn ghê gớm lắm.
Đọc xong bài trả lời phỏng vấn của ông trên tờ báo nói trên, tôi lục trong trí nhớ của mình xem nhà văn Chu Lai gắn liền với những tác phẩm để đời nào. Không! Tôi không thể nhớ được. Vậy thì tôi là một bạn đọc “dỏm” rồi còn gì. Theo bài báo, ông Chu Lai là nhà văn, nhà viết kịch kia mà. Tôi liền điện hỏi những người bạn “mọt” sách của mình về những nhà văn, nhà viết kịch mà họ yêu mến của nước ta. Họ kể vanh vách cả tên và tác phẩm: Những thiên đường mù – Dương Thu Hương; Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc trường; Bến không chồng – Dương Hướng; Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp; Thiên sứ – Phạm Thị Hoài; Rừng cười – Võ Thị Hảo; Khách ở quê ra – Nguyễn Minh Châu; Chuyện kể năm 2000 – Bùi Ngọc Tấn; Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9 – Lưu Quang Vũ… Không thấy, tuyệt nhiên không thấy ai nhắc đến tác phẩm gắn với bút danh nhà văn Chu Lai. Chắc mấy vị đồng niên mọt sách của tôi cũng là thứ bạn đọc “dỏm” mất rồi.
35 năm qua rồi, nhân ngày 30 tháng Tư, là một bạn đọc, tôi nghĩ sau ngần ấy năm đã là quá muộn, chỉ mong người Việt mình dù ở quê nhà hay bất cứ chân trời góc biển nào hãy cùng nhau hòa hợp thật sự, hòa giải thật lòng, để cuộc chiến nồi da xáo thịt 1954 – 1975 mãi chìm vào dĩ vãng. Mong những nhà văn Việt Nam, bằng tác phẩm thứ thiệt cùng chỉ cho ra, cho rõ mặt những thế lực ngoại bang từng “xúi nguyên, giục bị” làm chiến tranh, làm cách mạng bằng máu của đồng bào mình. Vậy thôi!
Xin trân trọng kính chào ông!
© 2010 Nguyễn Chính