Đáp số cho một bài viết
05/05/2009 | 9:53 sáng |
Tác giả: Nguyễn Đình Đăng
Chuyên mục: Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Tự do sáng tạo
Trong bài Tự do trong sáng tạo, tác giả Trần Văn Tích viết rằng tôi đã “cho biết âm nhạc, hội hoạ không được hưởng tự do tuyệt đối.” Thực ra tôi không hề khẳng định như vậy.
Bài viết Âm nhạc, hội hoạ, và kiểm duyệt của tôi, tóm tắt lại, chỉ gồm hai ý sau:
1. Muốn hiểu được âm nhạc và hội họa thì cũng cần phải học, và khi đã học rồi thì sẽ tránh được những tranh cãi vô bổ.
2. Ở các nước văn minh dân chủ (như Nhật Bản) chính quyền không can thiệp vào nghệ thuật.
Điều 21 trong Hiến pháp Nhật Bản viết: “Quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tất cả các dạng khác của biểu hiện được đảm bảo. Không được duy trì kiểm duyệt. Không được xâm phạm bí mật thông tin dưới mọi hình thức.” Như vậy có nghĩa là, ở Nhật Bản, kiểm duyệt là vi hiến.
Như một số người Việt Nam khác, tôi cũng muốn đất nước của tôi trở thành một nước văn minh dân chủ, và nghệ sĩ Việt Nam nói riêng cũng như tất cả người dân Việt Nam nói chung cũng được hưởng quyền tự do cao nhất của con người là tự do ngôn luận và tự do biểu hiện, như các bạn nghệ sĩ và công dân Nhật Bản. Vì thế tôi đề nghị nhà nước Việt Nam “giải tán mọi cơ quan kiểm duyệt văn hoá cũng như bãi bỏ việc bắt các nghệ sĩ phải xin phép xuất bản, triển lãm, trình diễn tác phẩm của mình” để “trả lại cho công chúng quyền tự đánh giá và phán xét” càng sớm càng tốt. Đi đôi với việc này là việc đổi mới hệ thống giáo dục đang hết sức trì trệ ở Việt Nam, ít nhất là theo một số giải pháp rất cụ thể như tôi đã đề xuất trong bài “Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát” viết cách đây 5 năm, trong đó có việc: 1) đưa âm nhạc và mỹ thuật vào giảng dạy ở trường phổ thông, 2) tư nhân hoá toàn bộ việc xuất bản sách giáo khoa, 3) đảm bảo cho các thày cô có thu nhập nuôi sống được gia đình họ, và 4) bãi bỏ toàn bộ kỳ thi vào đại học.
Jean-Auguste-Dominique Ingres: La Grande Odalisque (1814), Musée du Louvre
Jean-Auguste-Dominique Ingres: La Grande Odalisque (1814), Musée du Louvre
Tôi muốn lưu ý rằng, trong bài viết của tôi, vài cô cậu học sinh Nhật tự bịt mắt mình khi nhìn thấy tranh khỏa thân là học sinh trung học (có thể mới chỉ là năm đầu, tức độ 13 tuổi). Sau khi tốt nghiệp 3 năm trung học, bước vào cao học (tức 16 tuổi ), tất cả học sinh ở Nhật đều đã được dạy kỹ về mỹ thuật thế giới, bao gồm từ bức “La Grande Odalisque” không mảnh vải che thân của Dominique Ingres tới các kiệt tác của Salvador Dalí mà ông Trần Văn Tích gọi là các bức tranh “siêu thực mê sảng“, hay hàng loạt các tranh khỏa thân của Paul Cézanne, Henri Matisse v.v. Dĩ nhiên là các cô cậu bây giờ không việc gì phải tự bịt mắt mình nữa sau khi đã được học và đã tạm hiểu thế nào là nghệ thuật. Và cũng vì vậy mà ta cũng không ngại các cô cậu sẽ lẫn lộn tự do tuyệt đối trong sáng tạo nghệ thuật với tự do… tốc váy trước mặt nữ hoàng Anh, như ông Trần Văn Tích đã lo xa.
Còn về các “quy định rõ ràng” của một vài địa điểm công cộng ở Nhật thì, như tôi đã giải thích, lý do là vì có nhiều trẻ nhỏ lui tớí. Điều này cũng tương tự như TV (ở Nhật) có các chương trình dành cho người lớn, mà trẻ em không nên xem, hay các hiệu cho thuê băng video (ở Nhật) có quầy băng sex được che rèm. Đơn giản có vậy thôi. Không phải vì có trẻ em mà đi cấm tất cả các chương trình dành cho người lớn! Bảo tàng ở Kyushu không muốn treo tranh vẽ bom nguyên tử nổ trên đầu Nhật Hoàng Showa vì ban giám đốc sợ những người cánh hữu đến sinh sự, chứ không phải do quy định kiểm duyệt của ban văn hoá tư tưởng nào đó của nhà nước. Khác với bảo tàng ở Kyushu, tại nhiều nơi khác ở Nhật người ta không sợ những người cánh hữu. Ví dụ bức tranh nói trên vẫn được triển lãm ở một bảo tàng tại Tokyo mà chẳng gặp rắc rối gì. Cách đây vài năm đã có vụ chủ bút một tờ báo lớn của Nhật bị một người cánh hữu hành hung (ném gạt tàn thuốc lá vào đầu, gây thương tích) chỉ vì đã không in hết các tước hiệu của hoàng thái tử Nhật Bản trong một bài báo, nhưng từ chối đính chính với lý do rằng điều đó không cần thiết trong phạm vi tự do báo chí. Tất nhiên toà án đã ra lệnh bắt và tuyên phạt người đã hành hung ông chủ bút. Các ví dụ như vậy trong các lĩnh vực ở trong cũng như ngoài nghệ thuật ở Nhật cũng như ở các nước văn minh khác có thể kể không hết. Chẳng hạn English Garden ở Munich có hẳn một khu cho người lớn trẻ con phơi nắng và vui chơi mà lại… khoả thân hoàn toàn gọi là FKK (Freie Körperkultur = Free Body Culture, tức là “Văn hoá tự do thân thể”). Ai thấy bị xúc phạm cứ việc đi chơi chỗ khác. Song tôi không muốn sa vào các ví dụ lạc đề này để khỏi làm độc giả phân tán. Quay lại vấn đề tự do sáng tạo, Hiến pháp của Nhật Bản cho ta thấy rằng chính kiểm duyệt trong văn học nghệ thuật mới xúc phạm nhân phẩm của văn nghệ sĩ và công chúng.
Các nhận xét từ cuốn Prétextes (1903) của André Gide như câu ở đầu bài viết của ông Trần Văn Tích cũng như đoạn “nghệ thuật luôn luôn có cưỡng chế là hệ luận. Nghĩ rằng nghệ thuật càng vươn lên cao khi càng có tự do cũng giống như nghĩ rằng cái dây níu con diều giấy lại không cho nó tung hoành trong bầu trời…” mà ông Trần Văn Tích đã trích dẫn nhưng lại quên không để trong ngoặc kép, cần được hiểu đúng văn cảnh của chúng. Nguyên văn câu này của Gide là: “L’art est toujours le résultat d’une contrainte. Croire qu’il s’élève d’autant plus haut qu’il est plus libre, c’est croire que ce qui retient le cerf-volant de monter, c’est sa corde.” Tuy nhiên dịch: “L’art est toujours le résultat d’une contrainte.” thành “Nghệ thuật luôn luôn có cưỡng chế là hệ luận.” theo tôi không được chính xác, nếu không nói là nhầm lẫn. Câu này cần được dịch là: “Nghệ thuật luôn là kết quả của một sự hạn chế do bị ràng buộc.” thì đúng hơn, vì “cưỡng chế” (强制) trong tiếng Hán - Việt có nghĩa là “dùng vũ lực để bắt phải tuân theo”. 34 tuổi, Gide nhận ra rằng “Vẻ đẹp không bao giờ là một sản phẩm tự nhiên; mà chỉ có được nhờ những hạn chế nhân tạo. Nghệ thuật và Tự nhiên cạnh tranh với nhau trên trái đất.“(Nguyên văn: “La beauté ne sera jamais une production naturelle; elle ne s’obtient que par une artificielle contrainte. Art et Nature sont en rivalité sur terre.” - Nouveaux Prétextes, 1904). Điều này khá đơn giản nếu ta nhớ tới, chẳng hạn, tỉ lệ vàng như một hạn chế phải tuân theo trong nghệ thuật và kiến trúc từ thời Phục hưng. Những hạn chế do ràng buộc này từng được các thiên tài vận dụng để tạo nên các kiệt tác. Ví dụ, chỉ dùng đá cẩm thạch mà Michelangelo gây cho ta ảo giác về da thịt trên tượng David. Chỉ dùng phấn đỏ và giấy mà Leonardo Da Vinci đã tả chất liệu của nếp vải rất tuyệt vời. Moses variations được Nicolo Paganini viết cho riêng một dây Sol của đàn vĩ cầm (violin). Đó là những vẻ đẹp do con người sáng tạo ra trong phạm vi các hạn chế do chất liệu ràng buộc. Nhưng cũng chính vì thế mà đó là những vẻ đẹp không thể có được trong tự nhiên. Song, những hạn chế ràng buộc để tạo nên các vẻ đẹp đó chẳng liên quan gì đến tự do sáng tạo bị cưỡng chế (theo đúng nghĩa của từ này) bởi sự kiểm duyệt của chính quyền mà bài viết của tôi đề cập. Điều này cũng tương tự như việc viết văn theo đúng văn phạm không có liên quan gì đến việc các câu văn bị cắt đi bởi kiểm duyệt. Trong khi đó, ông Trần Văn Tích buộc một độc giả như tôi phải hiểu rằng, nghệ sĩ được ví như con chim, còn kiểm duyệt thì được ví như không khí nâng cánh con chim, nhờ đó mà nó mới “đập cánh tung mình” lên được! Tiếp tục suy diễn “à la Mr. Trần Văn Tích”, ta sẽ thấy nếu không có kiểm duyệt, nghệ sĩ chẳng những không bay lên được, hoặc sẽ rơi tòm từ trên không xuống nếu đang bay, mà còn chết tươi vì thiếu không khí để thở hít.
Chúng ta không nên quên rằng, các tác phẩm của André Gide phản ánh một cuộc đấu tranh nội tâm giữa một bên là các ước lệ xã hội, một bên là cái Tôi chân thật nhất mà Gide luôn muốn đạt tới. Cũng không nên quên rằng, vào năm 1904 Gide chỉ có thể biết được đến hội hoạ và âm nhạc ấn tượng là cùng. Thậm chí trường phái dã thú (fauvism) phải một năm sau mới được nhận tên khai sinh tại Salon d’Automne ở Paris (năm 1905), nói chi đến hội họa lập thể (cubism), trừu tượng (abstractionism), siêu thực (surrealism), cường thực (hyperrealism), hay âm nhạc phi điệu (atonal music) của Arnold Schönberg, v.v… sau này, là những thứ ngày nay đã trở thành kinh điển cho những ai học hội hoạ và âm nhạc. Năm 1930, tức là 26 năm sau khi viết Prétextes và Nouveaux Prétextes, Gide (lúc đó đã 61 tuổi) được mời sang thăm Liên Xô với tư cách là một nhà văn thân cộng. Kết quả của chuyến đi này là cuốn Từ Liên Xô trở về (Retour de L’U.R.S.S.) viết năm 1936, trong đó Gide cho thấy ông đã “sáng mắt” ra như thế nào sau khi được mục kích xã hội Liên Xô dưới chế độ của Stalin. Ông nói ông phải viết cuốn sách đó để “nhân dân lao động hiểu là họ bị những người cộng sản lừa dối, như họ đang bị Moscow lừa ngày hôm nay” (Que le peuple des travailleurs comprenne qu’il est dupé par les communistes, comme ceux-ci le sont aujourd’hui par Moscou.) Quá trình sàng lọc vẫn tiếp tục. Vài thế kỷ nữa, nhân loại sẽ chỉ giữ lại những giá trị đích thực từ những gì chúng ta biết và trải nghiệm ngày hôm nay. Những gì gượng ép, xấu xa, phi nhân tính, chống lại loài người, sớm muộn sẽ bị loại bỏ, cho dù thời gian có thể mất tới 74 năm, hoặc lâu hơn nữa.
“Bao năm trời tôi tưởng tôi la hét trong sa mạc hoang vu không có ai nghe, sau đó thì cũng chỉ nói được với một số rất ít thính giả, song hôm nay các vị đã chứng minh cho tôi thấy rằng tôi đã đúng khi tin vào tư chất của một thiểu số, và rằng sớm hay muộn thiểu số đó sẽ thắng thế.” Đó là lời của André Gide trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương năm 1947 mà tôi trích thay lời kết với hy vọng cái ngày Việt Nam có được một André Gide của mình sẽ không còn quá xa.
Tokyo 4/5/2009
© 2009 Nguyễn Đình Đăng