Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
Phần kết
Chương thứ nhất
Con đường sáng tạo: Con đường thu nhiếp lòng tự tin
LÒNG TỰ TIN
Lòng tự tin làm nên tất cả.
“Lịch sử thế giới là lịch sử của một thiểu số người có lòng tự tin nơi mình.” Vivekananda đã khẳng định như vậy.
Sự cuốn hút của những kỳ công cũng như của những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của những vĩ nhân chỉ có thể giải thích được bằng lòng tự tin.
Lòng tự tin! Đó là khối nam châm, là kính hội tụ, là mặt trời nhỏ, là con gió lớn thu hút tất cả mọt vật kế cận, qui tụ tất cả mọi tia sáng, điều động tất cả mọi sinh vật, thổi bạt tất cả mọi ảnh hưởng.
Và lòng tự tin đó chính là yếu tính của thiên tài. Đây là định nghĩa hay nhất về thiên tài của Emerson: “Tin vào tư tưởng của chính bạn, tin rằng cái gì đúng với bạn trong tâm tư của bạn đúng cho tất cả mọi người, - đó là thiên tài ” (To believe your own thought, to believe that what is true for you in your private heart is true for all men, - that is genius.) [1]
Tất cả những thiên tài đều là những người có lòng tự tin vững như bàn thạch. Và tất cả những thiên tài đích thực, tất cả những người xứng đáng là thiên tài đều thành thực muốn khơi dậy lòng tự tin nơi chúng ta, đều thương hại chúng ta, những kẻ đáng thương thả mồi bắt bóng. Tất cả những vĩ nhân vĩ đại thực sự đều tàn nhẫn xua đuổi chúng ta trở về với chính chúng ta, đều khinh bỉ liệng trả lại cho chúng ta tất cả những phẩm từ cao quí, tất cả những tán từ rực rỡ - quá thừa chi họ, quá thiếu cho chúng ta - là của riêng chúng ta, cần thiết với chúng ta hơn. Tất cả những thánh nhân, những nghệ sĩ chân chính đều lương thiện: họ không muốn bị ép buộc trở thành địa chủ trên đất đai của chính chúng ta, họ không muốn chúng ta tự nguyện trở thành tá điền trên mùa màng tốt tươi – công khó của sức cần lao chúng ta.
Họ đều muốn khuyên chúng ta hãy coi thường tất cả những điều khuyên nhủ, hãy chỉ tin vào sự phán đoán của chúng ta thôi, như Đức Phật:
“Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào có uy tín của các thầy dậy. Đừng tin tưởng ngay cả lời ta nữa mà chỉ tin tưởng điều gì chính các người đã tự mình từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi.” Angutara Nikaya [2]
Tất cả những thánh nhân, những nghệ sĩ chân chính đều muốn đánh phá tan tành những ảo tưởng yếu đuối của chúng ta, đều khuyến khích chúng ta hiên ngang nhận chân con người đích thực của mình và tự tin nơi mình, như Vivekananda: “Hãy đứng lên, hỡi sư tử, và rũ bỏ ảo tưởng mình là cừu non, các bạn là những linh hồn bất tử, những tinh thần tự do, linh thánh và vĩnh cửu” [3] . Nếu các bạn tin vào ba trăm ba mươi triệu thần thánh ngoại quốc đem vào mà không tin vào chính bạn, thì không có cứu chuộc nào cho bạn cả. Vậy: “Hãy tin vào bạn trước rồi hãy tin vào Thượng Đế sau.” (Believe first in yourself, and then in God) [4] . Kẻ nào không tin mình là kẻ vô thần. Những tôn giáo lạc hậu nói rằng kẻ không tin vào Thượng Đế là kẻ vô thần. Tôn giáo mới nói rằng kẻ nào không tin mình mới là kẻ vô thần - Thần tính nội tại.
Thông điệp của họ chính là lòng Tự Tin vậy: “Hãy tin vào chính bạn: tất cả mọi trái tim đều run lên cùng với giây thiết huyền cứng rắn đó ” (Trust thyself: every heart vibrates to that iron string) [5] . Hãy nói lên niềm tin tiềm ẩn của bạn, chẳng bao lâu nó sẽ có một ý nghĩa phổ quát; “bởi luôn luôn cái sâu thẳm nhất trở thành cái xa thẳm nhất (for always the inmost becomes the outmost) và tư tưởng đầu tiên của chúng ta dội lại chúng ta bởi tiếng kèn đồng của ngày Phán Xét Cuối Cùng [6] . Giá trị cao cả nhất chúng ta gán cho Platon, Shakespeare là sự kiện họ đã thách đố sách vở và truyền thống và nói lên, không phải điều mọi người nghĩ, mà là điều họ nghĩ. Người ta phải học cách khám phá và canh chừng cái tia sáng le lói từ bên trong vụt qua trong tâm trí hắn hơn là vẻ huy hoàng của bầu trời của thi nhân và hiền triết [7] . Trong tất cả mọi tác phẩm của thiên tài, chúng ta đều nhận ra những tư tưởng phản hồi của chúng ta. Chúng trở lại với chúng ta với một vẻ uy nghiêm xa lạ và chúng ta bắt buộc phải chấp nhận với lòng khiêm tốn tủi hổ. Đó là điều khiến chúng ta đau lòng và phải tìm cách chấm dứt. Sớm muộn gì trong đời sống tâm linh của một người cũng phải có lúc hắn nhận thấy rằng ganh ghét là ngu muội, bắt chước là tự sát. Rằng bổn phận đầu tiên và cuối cùng đối với bản thân là phải trở thành chính mình.
Tôi phải trở thành chính tôi!
Tôi không thể vong thân vì giáo lý và luân lý, xã hội và gia đình, tình cảm và phép lịch sự. Nếu tôn giáo dậy rằng tôi chỉ là cát bụi tôi sẽ sống hết kiếp cát bụi thô tạo và bình thản trở về cát bụi phù du.“Ôi cát bụi tuyệt vời!” Nếu người ta bảo rằng tôi thuộc về trần gian tội lỗi xin nhận “tôi là một sản phẩm tội lỗi của một trần gian tội lỗi”(I was the evil product of an evil soil – Henry Miller) [8] . Tôi biết làm sao được? Nếu người ta bảo tôi là đứa con của quỉ vậy từ nay tôi sẽ sống hết mình cho quỉ. “Không có luật lệ nào có thể thiêng liêng đối với tôi trừ luật của bản chất tôi” [9] . Tốt hay xấu, thiện hay ác chỉ là những danh từ có thể sẵn sàng di dịch vì lý do này hay lý do kia, có thể dễ dàng đắp đổi cho nhau tùy theo quan điểm, thời gian, xứ sở. Chẳng lẽ tôi lại dại dột chịu nô lệ những điều ngu xuẩn đó? Chẳng lẽ tôi lại thiển cận đến thế? Lẽ phải duy nhất là cái gì hợp với thể chất tôi: điều trái duy nhất là cái gì nghịch lại nó. “Tôi phải đi lên và mãnh liệt, và nói lên sự thật thô bạo bằng mọi cách” [10] . Tôi không thể dối trá cũng như không thể chia xẻ. Tôi không thể chia xẻ cho bạn hay cho em. Nếu em yêu tôi vì tôi là tôi, chúng ta sẽ sung sướng. Nếu em cao quí, tôi sẽ yêu em, nếu không, tôi sẽ không làm thương tổn em và chính tôi nữa, bởi những sự ần cần giả dối. Tôi phải độc lập, vô trách nhiệm, tự chủ, hồn nhiên: tôi phải hoàn toàn nguyên vẹn là tôi. “Tôi sẽ chạy trốn cha mẹ, vợ con và anh em khi thiên tài của tôi kêu gọi tôi. Tôi sẽ viết lên đầu khung của một chữ: Ngông ” (I shun father and mother and wife anh brother when my genius call me, Tôi would write on the lintels of the door – post, Whim.) [11]
Tôi phải đi trong cô đơn!
Đó là con đường hủy diệt của kẻ sáng tạo, con đường đơn độc của kẻ tình nhân vĩ đại, con đường lạc lõng của kẻ khao khát tìm kiếm mình.
Tôi phải đi trong cô đơn, với niềm tin tưởng rằng bất cứ tôi đi đâu, con người xuất-chúng của tôi cũng đi theo như bóng với hình.
Chúng ta, những kẻ cô đơn – chúng ta phải thu nhiếp trọn vẹn lòng tin tưởng nơi chúng ta. Nhưng nếu nỗi cô đơn là hòn đá thử vàng, là phương thuốc chữa trị mọi hư danh phù phiếm của xã hội thì chính cô đơn sẽ khiến chúng ta hoang mang nghi hoặc. Thomas Wolfe, một khuôn mặt cô đơn nhất của văn học Hoa Kỳ, nhận xét “hơn tất cả những người khác, chúng ta, những kẻ ngụ cư trong cô đơn, chúng ta luôn luôn là nạn nhân của lòng tự-nghi (more than other men, we who dwell in the heart of solitude are always victims of self-doubt, - “God’s Lonely Man”). Tại sao vậy? Vì không có những giá trị cũ làm nền tảng, không có sự phán đoán của kẻ khác làm tiêu chuẩn, không có những mục đích thông thường làm cứu cánh cho cuộc sống, chúng ta cảm thấy mất niềm tin như kẻ đi vào chân không mất trọng lực. Chúng ta sẽ nghi ngờ tất cả và chúng ta sẽ nghi ngờ chính chúng ta. “Luôn luôn và luôn luôn trong nỗi cô liêu của chúng ta, mặc cảm tự ti nhục nhã đột nhiên dâng lên dìm ngập chúng ta trong cơn lụt lội độc hại của kinh hoàng, bất tín và thê lương làm úa héo và hư thối sức khỏe và niềm tin, rải rác rưởi ô uế tận gốc rễ nguồn hân hoan lớn lao, mãnh liệt của chúng ta. Và mâu thuẫn ngàn đời của sự kiện đó là nếu một người muốn biết niềm vui chiến thắng của lao khổ sáng tạo hắn phải khuất mình một thời gian lâu dài trong cô đơn và cam chịu để cô đơn cướp mất của mình sức khỏe, niềm tin, lòng tin tưởng và nguồn hân hoan là cái cốt yếu của tác phẩm sáng tạo.” [12]
Chỉ có thần thánh hay dã thú mới có thể sống cô độc, Aristote nói như vậy. Nhưng kẻ sáng tạo không phải là thần thánh hay dã thú nghĩa là hắn không có niềm tin vào Thượng Đế tối cao cũng không có sự u mê hoàn toàn. Thiếu những điều đó, nhiều khi tất cả hay bất cứ điều gì hay không có điều gì cả cũng có thể làm hắn thương tổn, xúc phạm hắn, lung lạc hắn, đẩy hắn vào cảm thức bất lực và nhục nhã, tuyệt vọng và kinh hoàng. Run và sợ. Xao xuyến và hư mất phù du. Hắn thấy thời gian trôi qua như một dòng nước muộn. Hắn thấy cuộc đời trôi qua như một dòng sông buồn và tất cả cuộc đời hắn, tình yêu, quá khứ, đang trôi vào quên lãng. Tất cả bắt đầu từ hư không và chấm dứt với hư vô. Trong khoảnh khắc, hắn bắt gặp hắn trần truồng đứng dưới chân bức tường câm nín của đêm sâu. Hắn đối diện với chính hắn. Tôi là ai hay chỉ là một cõi trống trơn?
Kẻ sáng tạo phải cảm nghiệm tất cả trạng huống ghê gớm đó bởi sứ mệnh của hắn là phải thu hút tất cả tình yêu, thù hận, đau khổ, ưu sầu, tuyệt vọng, hân hoan, kiêu hãnh, nhục nhằn, hệ lụy, tử biệt sinh ly… để dệt nên Toàn Thể, phải thâu tóm tất cả những cung bực của bi thương và hạnh phúc để tạo nên khúc Hợp Xướng Ca Ngợi Nguồn Vui tối hậu, phải thấu suốt ngàn trùng, quán tuyệt thiên thu để giúp con người nắm được Nhất Thể, gói trọn sinh tử, hát khúc Âu Ca ngợi ca trần gian điên dại, đưa con người lên chớp đỉnh Thanh Thản, để hắn có thể thấy như những nhân vật bi kịch Hy Lạp sau khi đã xuống tận cùng đáy bi thương: Tất cả đều tốt lành. Tất cả mọi người đều là Thần thánh, tất cả mọi ngày đều thiêng liêng, tất cả mọi biến cố đều có lợi và không có gì xẩy ra lại sớm quá hay trễ quá đối với ta.
Vì lẽ đó kẻ sáng tạo phải sống như một kẻ chiến bại để có thể viết như một kẻ chiến thắng.
Hắn phải sống hiền lành như cừu non để có thể viết dữ dội như sư tử.
Hắn phải cưu mang tuyệt vọng để có thể sinh ra những hy vọng mới.
Hắn phải chịu trăm ngàn cái chết đắng cay: chết trong cuộc đời, chết trong lòng người, chết trong tâm hồn, để phục sinh: hắn phải chết đi để trở thành bất tử.
Hắn phải vĩnh biệt hắn để tái ngộ hắn trên bình diện bao la của vũ trụ.
Hắn phải bị xua đuổi lên đến tận đỉnh núi cuối cùng, chỉ còn một tảng đá cheo leo trên vực thẳm đêm tối vừa đủ đặt hai chân và chỉ còn niềm hy vọng tối hậu: Cô Đơn, người bạn vĩnh cửu của hắn, trong giông tố, đến nắm tay đưa hắn qua cầu:
“Cô đơn mãi mãi và xin gặp lại trần gian! Hỡi người anh em tăm tối và người bạn sắt đá cứng cỏi, khuôn mặt ngàn đời của đêm sâu, người đã cùng ta chia nửa phần đời và người từ nay mãi mãi sẽ ở cùng ta cho đến ngày khép mắt – ta còn có gì để sợ khi bạn ở bên ta? Hỡi người bạn anh hùng, người anh em ruột thịt của đời ta, khuôn mặt ân cần u tối – chúng ta đã chẳng từng cùng đi với nhau hàng triệu lối đó sao, chúng ta đã chẳng từng cùng đi với nhau qua những đại lộ đêm sâu cuồng bạo đó sao, chúng ta đã chẳng từng vượt qua biển giông tố một mình đó sao? Và biết những mảnh đất lạ, và trở lại để đi qua lục địa đêm tối và lắng nghe niềm im lặng của lòng đất sao? Chúng ta chẳng đã từng can trường và vẻ vang khi chúng ta ở bên nhau sao, hỡi bạn? Chúng ta đã chẳng từng nếm mùi chiến thắng, hân hoan và vinh quang trên trần gian này sao và mai sau sẽ chẳng như ngày xưa sao, nếu bạn trở lại cùng ta? Hãy đến cùng tôi trong lòng đêm sâu tĩnh lặng và bí mật nhất. Hãy đến cùng tôi như bạn vẫn thường đến, mang lại cho tôi sức mạnh vô địch, hy vọng bất diệt, niềm hân hoan và tin tưởng chiến thắng sẽ lại làm mưa làm gió trên trần gian lần nữa” (Thomas Wolfe – “God’s Lonely Man”.)
Đó là ngày kẻ sáng tạo ký kết với cô đơn. Hắn trở thành chính nỗi Cô Đơn. Và đó cũng là ngày, như rất tình cờ, lòng tự tin vào cuộc đời và lòng tự tin ào ạt trở lại cùng hắn như triều nước dâng làm nổ tung cánh cửa mở đại thế giới và xếp đặt lại tất cả trong một trật tự mới. Viên mãn một cách kỳ diệu và an nhiên tự tại trong chính mình, hắn thấy tất cả sức mạnh xưa cũ của hắn nguyên vẹn còn đây: hắn viết điều hắn biết, hắn thấy điều hắn thấy. Và hắn sẽ hiên ngang nói sự thật trong hắn. Hắn sẽ nói sự thật đó lên mặc dầu toàn thể thế giới khước từ. Hắn sẽ nói sự thật đó lên mặc dầu muôn triệu người gào lên rằng điều đó sai lầm. Nhưng hắn có kể gì tới người khác, hắn có kể gì tới chính hắn: hắn đã quay lưng lại với chính mình. “Để nhìn cho được nhiều, người ta phải học cách đưa mắt đi chỗ khác đừng nhìn mình: - sự cứng dắn này cần cho tất cả những kẻ trèo lên núi cao”. Và tất cả những kẻ sáng tạo đều cứng rắn. (Alle Schaffenden aber sind hart). Không còn tình yêu nữa, không còn ta nữa. “Than ôi! ta phải trèo con đường khó khăn nhất của ta! Than ôi! ta bắt đầu cuộc hành trình cô đơn nhất của ta!”. Tâm hồn ớn lạnh không khỏi thốt lên như thế. Nhưng nếu là kẻ sáng tạo, hắn không thể không thâm cảm và nhủ thầm “Chỉ bây giờ ta mới đi theo con đường cao cả của ta! Đỉnh cao và đáy sâu hòa lẫn nhau!”.
“Mi đi trên con đường cao cả của mi: bây giờ điều từ xưa tới nay là nỗi nguy hiểm cuối cùng của mi đã trở thành nơi an trú tối thượng của mi.
Mi đi trên con đường cao cả của mi: bây giờ lòng can đảm tối hảo của mi là cảm thấy mi chẳng còn con đường nào sau lưng nữa!
Mi đi trên con đường cao cả của mi: ở đây chẳng có ai đi theo mi cả! Chính bước chân mi xóa con đường sau mi và trên con đường của mi có biển đề: bất khả !” [13]
Nhưng chính tại nơi chót núi cuối biển tưởng chừng không có đường đi đó, bỗng trong rặng liễu ám u, trong rừng đào rực rỡ thấp thoáng bóng Quê Hương:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Đó là xứ sở của con cái chúng ta, cùng đích của tìm kiếm. Nhưng nếu chúng ta không thấy? – Thì lý trí chúng ta, óc tưởng tượng của chúng ta, ý chí chúng ta, tình yêu chúng ta phải trở thành Quê Hương ấy, xứ sở ấy. Và ta mong rằng ta không tìm thấy để ta còn có thể sáng tạo: Ta khao khát Hạnh Phúc chăng? Ta chỉ khao khát Tác Phẩm của ta thôi!
Trachte ich denn nach Glücke?
Ich trachte nach meinem Werke!
Kẻ sáng tạo nói như vậy.
[1] Self Reliance
[2]Trích Phật học tinh hoa của T.T. Đức Nhuận
[3]The Message of Vivekananda, Advaila Ashrama, Calcutta pp. 1,2.
[4]The Message of Vivekananda, Advaila Ashrama, Calcutta pp. 1,2.
[5]The Message of Vivekananda, Advaila Ashrama, Calcutta pp. 1,2.
[6]Emerson, Self Reliance.
[7]Emerson, Self Reliance
[8]Tropic of Capricorn
[9]Emerson, Self Reliance
[10]Emerson, Self Reliance
[11]Emerson, Self Reliance
[12]Thomas Wolfe, “God’s Lonely Man” in The Hills Beyond.
[13]Nietzsche, Also sprach Zarathustra.
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.